Phân tích chi tiết về ảnh hưởng từ hành động cướp cong người khác – cũng như bí quyết để từ bỏ thói quen xấu này và thúc đẩy sự công bằng trong môi trường đội nhóm.
Làm việc nhóm là chìa khóa để thành công trong môi trường kinh doanh năng động hiện nay. Để thực sự có thể hợp tác hiệu quả, mỗi cá nhân và đội nhóm cần ý thức và tìm cách loại bỏ một hành vi “độc hại” rất phổ biến tại nơi làm việc: cướp công của người khác.
Tóm tắt nội dung chính
- Cướp công – dù là với ý tưởng, phần trình bày hay chiến lược sáng tạo – là một hành vi thiếu trung thực, gây tổn hại đến danh tiếng của cả đôi bên. Nó gây ra tình trạng xung đột giữa phẩm chất trung thực và lợi ích cá nhân, làm tổn hại đến niềm tin, tinh thần đồng đội và tập thể.
- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động này, bao gồm xu hướng tự đề cao bản thân, cảm giác bất an, tính cạnh tranh hoặc văn hóa tập thể không đánh giá cao đóng góp cá nhân. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất có thể nói xuất phát từ tâm lý hiếu thắng bản năng trong mỗi chúng ta.
- Để ngăn chặn thói quen xấu này, mỗi cá nhân cần dành thời gian tự suy ngẫm về những thành tích của mình – và thành thật xem xét xem liệu có ai khác xứng đáng nhận được một phần công lao trong đó không. Tiếp theo, ta cần học cách ghi nhận công trạng người khác một cách cụ thể, kịp thời và chân thành – để qua đó củng cố mối quan hệ và nuôi dưỡng tinh thần hợp tác.
- Khi bị ai đó cướp công, lời khuyên là bạn nên giữ bình tĩnh, đánh giá tình hình và bắt đầu một cuộc trò chuyện riêng tư, chuyên nghiệp với họ.
- Doanh nghiệp/ tổ chức có thể góp phần ngăn ngừa hành vi này bằng cách khuyến khích tính minh bạch, tinh thần đồng đội, thể hiện kỳ vọng rõ ràng, đào tạo về đạo đức và xây dựng hệ thống khen thưởng công bằng.
Thế nào là cướp công người khác?
Cướp công xảy ra khi một cá nhân tìm cách “chiếm đoạt” thành tích của người khác – biến nó thành công trạng của riêng mình. Đây là một thói quen xấu thường thấy ở công sở và các môi trường chuyên nghiệp khác – biểu hiện qua các ví dụ như:
- Tự nhận mình là người đưa ra một ý tưởng – trong khi thực tế đó là thành tích của một thành viên khác.
- Sử dụng lời nói hoặc ý tưởng của người khác mà không ghi nhận công trạng của họ.
- Trình bày những gì người khác đã làm được như thể đó là của chính mình trong lúc thuyết trình/ hội họp.
- v.v…
Hành vi này không chỉ là phi đạo đức – nó còn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với những người thực sự có công. Khi làm như vậy, chúng ta cho thấy sự coi thường đối với những nỗ lực, ý tưởng và thành tích của họ.
Trong môi trường đội nhóm, cướp công một mặt làm “xói mòn” lòng tin – mặt khác gây tổn hại đến tinh thần và hiệu suất làm việc của các cá nhân liên quan.
Vấn đề đạo đức khi cướp công người khác
Hành động tranh công thể hiện một tình huống khó xử về đạo đức – nó cho thấy sự xung đột giữa hai giá trị cơ bản: trung thực (honesty) và tư lợi (self-interest).
Trung thực và công bằng đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập lòng tin và sự tôn trọng giữa người và người. Ngược lại, tư lợi phục vụ như một phương tiện để thu hút sự công nhận cho những thành tích của chính mình – qua đó thúc đẩy sự phát triển của cá nhân.
Cướp công của người khác là hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc đối xử công bằng – nó ngụ ý rằng bạn tự cho mình là quan trọng hơn, đồng thời thể hiện sự thiếu chính trực và tôn trọng đối với cá nhân đã thực sự có đóng góp. Hậu quả của thái độ ngạo mạn này thường rất tai hại – bao gồm:
- Tổn thất danh tiếng. Khi chiếm đoạt thành tích của người khác, chúng ta đang gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của chính họ. Hành động của ta là nguyên nhân khiến họ khó nhận được sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của mình trong tương lai.
- Xói mòn niềm tin và sự tôn trọng. Những ai thường xuyên thực hiện hành vi xấu này thường dễ đánh niềm tin và sự tôn trọng từ đồng nghiệp xung quanh. Sự đổ vỡ trong các mối quan hệ này sẽ tạo ra “rào cản” đáng kể khi cần cộng tác với mọi người trong tương lai.
- Giảm sút tinh thần đồng đội. Sự tin tưởng và hợp tác là thành tố trụ cột của làm việc nhóm hiệu quả. Khi một cá nhân coi thường công trạng của người khác, điều đó làm xói mòn niềm tin mà các thành viên trong nhóm dành cho nhau. Nó tạo ra một bầu không khí ngờ vực – khiến mọi người ngần ngại, không sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, đề nghị hỗ trợ hoặc tìm kiếm sự trợ giúp. Kết quả là, tinh thần đồng đội bị ảnh hưởng, và hoạt động gắn kết nhóm bị tổn hại.
- Năng suất thấp hơn. Việc không nhận được sự công nhận xứng đáng cho công trạng của bản thân sẽ làm giảm động lực và sự nhiệt tình của mỗi người – khiến họ cho rằng mình bị đánh giá thấp, giảm sút lòng trung thành và hiệu suất công việc. Ngoài ra, khi tình trạng cướp công xảy ra, nó sẽ làm sai lệch khả năng đánh giá nỗ lực đóng góp của từng thành viên – ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và phân bổ nguồn lực trong các dự án hoặc công việc tương lai.
- Làm suy yếu tập thể. Tinh thần tập thể luôn phụ thuộc rất nhiều vào việc đối xử công bằng. Cướp công là nguyên nhân dẫn đến cảm giác bất công và oán giận trong nội bộ. Nhân viên có thể trở nên mất động lực và nhiệt huyết với công việc. Cùng với thời gian, sự tiêu cực lan tỏa ra khắp tổ chức sẽ làm suy giảm tinh thần chung, cản trở mọi người theo đuổi các mục tiêu chung.
Điều duy nhất tồi tệ hơn việc công trạng của mình không được ghi nhận – đó là tranh công của người khác.
John Wooden
Cướp công người khác tệ hại như thế nào?
Cướp công là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến người liên quan – chúng ta không chỉ tước đi công lao mà họ xứng đáng được hưởng, mà còn biến nó thành của chính mình. Đó là hai tội ác trong một.
Hãy thử hình dung lại những khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn – khi còn đi học cũng như đi làm – bạn làm được điều gì đó rất tuyệt vời, và chờ đợi những lời khen ngợi và chúc mừng từ người khác. Chờ đợi. Và chờ đợi…
Và chẳng có gì xảy ra cả.
Điều này xảy ra ở mọi lúc mọi nơi. Mọi người không phải lúc nào cũng thể hiện sự chú ý khi bạn đạt được thành tích nào đó. Họ có những mối quan tâm riêng của họ.
Nếu điều này xảy ra khi còn là trẻ con, hẳn ta sẽ tỏ thái độ hờn dỗi về việc bị coi thường. “Thật không công bằng!”
Nhưng khi trưởng thành, chúng ta học cách chấp nhận nó. “Đời là vậy,” ta tự nhủ với chính mình. Điều đó không làm thay đổi sự thật rằng bạn đã làm được điều gì đó đặc biệt – ngay cả khi bạn là người duy nhất biết điều đó. Bạn chuyển sự chú ý sang một vấn đề khác.
Nhưng ngay cả những người “tốt tính” nhất cũng sẽ rất khó để có thể cười xòa bỏ qua – nếu công trạng không được công nhận của họ bỗng dưng bị ai đó cướp mất. Đó là điều xảy ra khi một người khác tự nhận công lao của ta về chính mình. Không khác gì họ đang đánh cắp ý tưởng, lòng tự trọng, cuộc sống của chúng ta!
Nếu khi còn nhỏ, chúng ta hoàn toàn không thích điều đó xảy ra – thì khi trưởng thành, thái độ của chúng ta sẽ là căm ghét kẻ đã giành công của mình (một phần vì lý do rủi ro sự nghiệp – cũng như sự mất mát khi công lao của mình bị đánh mất sẽ lớn hơn rất nhiều khi còn là trẻ con).
Khi một đồng nghiệp đánh cắp công lao cho thành công mà bạn đã tạo ra, họ đang phạm phải “tội ác” gây phẫn nộ nhất. Hành vi này tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực hơn bất kỳ khuyết điểm cá nhân nào khác. Và nỗi cay đắng nó tạo ra cho các bên liên quan là vô cùng khó quên.
Bạn có thể tha thứ cho ai đó vì đã không công nhận thành tích xuất sắc của bạn. Thế nhưng, thật khó để tha thứ nếu họ tự “nhận vơ” và “trơ trẽn” tuyên bố công lao của bạn là do họ thực hiện.
Nếu điều đó từng xảy ra với bạn, bạn hẳn biết rõ việc bỏ qua và quên đi khó khăn như thế nào.
Cướp công của người khác là một cách chắc chắn để đánh mất lòng tin và sự tôn trọng của họ.
Brian Tracy
Nguyên nhân của hành vi giành công người khác
Tranh công không chỉ là hành vi thiếu trung thực – nó còn là dấu hiệu của một tâm hồn bất an.
Zig Ziglar
Động cơ đằng sau hành vi tranh công của người khác là rất đa dạng – có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Một số lý do phổ biến có thể kể đến như:
- Mong muốn tiến thân: Đôi khi, chúng ta chiếm đoạt công lao của người khác như một phương thức để nâng cao hình ảnh/ thương hiệu của chính mình. Sự bất an về năng lực bản thân/ mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp là một động cơ thường thấy đằng sau thói quen xấu này.
- Không được công nhận: Cảm thấy bị đánh giá thấp/ bị bỏ qua vì những đóng góp của mình khiến một số cá nhân tìm cách giành công trạng của người khác.
- Cạnh tranh: Các nguyên nhân như khan hiếm nguồn lực, cơ hội thăng chức, tăng lương… đều cấu thành một môi trường làm việc “độc hại” – nơi các cá nhân tìm cách “đấu đá” nhau để được công nhận. Trong những tình huống như vậy, một số có thể lựa chọn cướp công lao của người khác để đạt được lợi thế hơn so với đồng nghiệp của họ.
- Nỗi sợ thất bại: Khi thiếu tự tin vào khả năng của bản thân hoặc e ngại về hậu quả của việc không đạt được kỳ vọng đề ra, một số có thể quyết định giành công trạng của người khác như một cách tự bảo vệ vị thế của chính mình.
- Bất an và thiếu đồng cảm: Thiếu niềm tin về khả năng của bản thân và đồng cảm với người xung quanh góp phần không nhỏ vào mong muốn ghi công cho công việc của người khác.
- Ái kỷ: Một số cá nhân có khuynh hướng ái kỷ – thể hiện qua thái độ tự cao quá mức và luôn có nhu cầu được ngưỡng mộ. Việc tranh công của người khác xuất phát từ quan điểm tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ” – mong muốn luôn nhận được chú ý và tán dương.
- Văn hóa doanh nghiệp: Bối cảnh văn hóa trong tổ chức cũng tác động đáng kể đến sự hình thành của thói quen xấu này. Một số doanh nghiệp có xu hướng đề cao quá mức tầm quan trọng của nhân viên “lão làng” hoặc những người có quyền hành, ngay cả khi họ không trực tiếp tham gia vào công việc. Điều này – trong chừng mực nào đó – lý giải vì sao những cá nhân đó dễ phạm phải thói quen giành công của những thành viên khác.
Hiếu thắng – Căn nguyên của “bệnh” cướp công
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng, việc giành lấy công trạng mà chúng ta không xứng đáng là một biến thể của tật hiếu thắng – mong muốn chiến thắng bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh.
Bạn sẽ không bao giờ coi hồ sơ lý lịch hoặc bằng cấp đại học của người khác là của mình. Đó là bởi vì những thành tích đó được ghi chép và công nhận cách rõ ràng.
Nhưng khi cần xác định chính xác ai là người đóng góp cho thành công của doanh nghiệp trong một cuộc họp – hoặc ai đã giúp duy trì mối quan hệ với khách hàng quan trọng trong giai đoạn khó khăn, vấn đề trở nên phức tạp hơn hẳn. Thật khó để xác định ai xứng đáng được công nhận.
Vì vậy, đứng trước sự lựa chọn giữa việc giành lấy công lao cho bản thân – hoặc để nó về tay người khác, chúng ta dễ dàng rơi vào cái bẫy của ảo tưởng thành công (success delusion). Chúng ta tự nhận công lao cho mình nhiều hơn đóng góp thực sự của bản thân – và theo thời gian, ta bắt đầu thực sự tin vào điều đó.
Về phần các “nạn nhân” của bạn, họ sẽ không bao giờ quên những điều bất công bạn đã làm cho họ.
Nếu ý thức rõ bản thân mình cảm thấy thế nào khi ở vị thế nạn nhân, bạn hẳn sẽ biết được cảm xúc của của mọi người về bạn vì đã làm điều tương tự cho họ. Chẳng có là gì hay ho cả phải không?
Không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra cho một đội nhóm – khi không ai quan tâm đến việc công lao được ghi nhận nữa. Chúng ta biết điều này từ trong xương tủy của mình – rằng ta cảm thấy tốt như thế nào về đồng nghiệp của mình, nếu họ dành cho ta sự công nhận mà chúng tôi xứng đáng được hưởng.
Có hai loại người – người đóng góp và người tranh công. Hãy cố gắng thuộc về nhóm đầu tiên – ở đó, bạn sẽ ít bị cạnh tranh hơn hẳn.
Indira Gandhi
Tự phản ánh – Bước đầu từ bỏ tật xấu cướp công
Có nhiều lý do sâu xa dẫn tới sự hình thành của tật xấu cướp công – ví dụ, cha mẹ bạn ngày xưa luôn muốn bạn đứng vị trí thứ nhất, và không bao giờ hài lòng nếu bạn bè (kể cả những người bạn chí cốt nhất) nổi trội hơn mình.
Mặc dù bạn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh – cha mẹ, nền tảng giáo dục hoặc những tác nhân khác, thì điều đó cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi khi đó, bạn đang tập trung vào quá khứ (điều chúng ta không thể thay đổi được) – thay vì hướng sự chú ý đến những ý tưởng hành động cụ thể cho tương lai.
Cách tốt nhất để ngừng trở thành kẻ cướp công là làm ngược lại. Chia sẻ những gì bạn có. Đây là một bài tập đơn giản – nhưng qua thời gian, sẽ biến bạn từ chỉ biết đến mình, thành một người luôn sẵn sàng ghi nhận công lao của người xung quanh.
Sau đây là một phương pháp mà TS. Marshall Goldsmith – chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới – chia sẻ trong ấn phẩm bestseller ‘What got you here won’t get you there‘ của ông. Trong một ngày (hoặc lâu hơn nếu sắp xếp được), hãy chú ý đến những lần bạn tự chúc mừng bản thân về một thành tích nào đó, dù lớn hay nhỏ. Sau đó viết nó ra giấy.
Hẳn bạn sẽ nhận thấy rằng, bản thân luôn tự “vỗ ngực” thường xuyên hơn bạn nghĩ. Chúng ta tự ghi nhận công lao về phía mình trong mọi vấn đề – từ việc nảy ra một ý tưởng lớn cho khách hàng, cho đến việc có mặt đúng giờ trong một cuộc họp, hay đưa ra một đề xuất có vẻ “khôn ngoan” cho đồng nghiệp.
“Hmm, mình làm cũng tốt đấy chứ”.
Không có gì sai trái với những suy nghĩ riêng tư này. Niềm vui mà chúng ta có được từ thành tích của chính mình là điều mang lại nguồn động lực vui vẻ để vượt qua một ngày dài gian khổ.
Sau khi đã lập xong một danh sách những lần tự chúc mừng bản thân, hãy tách từng phần ra và tự hỏi xem – liệu có khả năng người khác mới thực sự xứng đáng được khen ngợi vì thành tích “của bạn” hay không?
Nếu bạn có mặt đúng giờ trong một cuộc họp, có phải vì bạn rất đúng giờ và chu đáo không? Hay là vì trợ lý của bạn đã tìm kiếm bạn vào buổi sáng hôm đó để nhắc nhở về cuộc họp – rằng anh ấy/ cô ấy đã phải gọi điện liên tục để đảm bảo bạn khởi hành đủ sớm?
Nếu bạn nảy ra một ý tưởng hay trong lúc họp, liệu nó có thực sự xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của bạn không? Hay nó được lấy cảm hứng từ một nhận xét sâu sắc từ một thành viên khác trong phòng?
Khi nhìn lại danh sách của mình, hãy suy ngẫm về câu hỏi “then chốt” này:
Nếu một người khác cùng xem lại những công lao này với bạn, liệu họ có công nhận bạn nhiều như bạn đang tự nhận về cho chính mình không? Hay họ sẽ ghi nhận công trạng cho người khác, thậm chí cho chính họ?
Có thể bạn sẽ cho rằng bản thân xứng đáng được ghi nhận với tất cả những điều này. Nhưng nếu thành tâm với chình mình, ngay cả những người ích kỷ nhất trong chúng ta cũng sẽ rất khó để đi đến kết luận đó. Con người luôn có xu hướng ghi nhớ các sự kiện theo cách có lợi nhất cho mình.
Bài thực hành này là cơ hội để phơi bày sự thiên vị đó – giúp mỗi chúng ta cân nhắc về việc quan điểm của người khác mới thực sự gần với sự thật hơn.
Đọc thêm: Tự vấn bản thân (Self-questioning) – Vì sao cần thực hành mỗi ngày?
Đi từ tranh công sang ghi nhận công lao của người khác
Nếu bạn muốn thành công, hãy học cách ghi nhận công trạng của mọi người.
Eleanor Roosevelt
Công nhận những nỗ lực của người xung quanh không chỉ là một cử chỉ biết ơn lịch thiệp – mà còn là chất xúc tác góp phần xây dựng các mối quan hệ và tinh thần hợp tác. Sau đây là gợi ý một số phương pháp thực hành tại nơi làm việc:
- Hãy cụ thể: Khi công nhận công lao của một cá nhân/ đội nhóm, hãy cung cấp chi tiết cụ thể về những đóng góp của họ. Thay vì khen ngợi chung chung, tập trung làm nổi bật những hành động hoặc thành tích cụ thể của họ. Ví dụ, bạn có thể bày tỏ sự đánh giá cao về kỹ năng giải quyết vấn đề, hoặc khả năng xử lý các mối quan tâm của khách hàng.
- Kịp thời và chu đáo: Đừng trì hoãn việc ghi công cho đến khi kết thúc dự án. Thừa nhận những đóng góp đáng chú ý càng sớm càng tốt. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của bạn đối với những nỗ lực của các bên liên quan.
- Công khai: Mỗi khi có thể, hãy ghi công một cách công khai để khuếch đại tác động của đóng góp do người khác thực hiện. Tận dụng các cuộc họp, email hoặc phương tiện truyền thông xã hội để công khai ghi nhận công lao của bên liên quan. Điều này không chỉ nâng cao danh tiếng của họ – mà còn truyền cảm hứng cho những người khác thực hành theo.
- Chân thực: Hãy đảm bảo sự chân thành trong hành động ghi công của bạn – rằng bạn thực sự đánh giá cao những đóng góp của họ, thay vì đưa ra những lời khen ngợi sáo rỗng hoặc mang tính “chiếu lệ”.
- Đánh giá cao những cá nhân thầm lặng: Hãy chú ý đến những người có thể không tích cực tìm kiếm sự công nhận – nhưng vẫn có những đóng góp đáng kể, và đảm bảo rằng đóng góp của họ được mọi người chú ý đến.
- Ghi chép: Trong trường hợp cần xác nhận cách chính thức hoặc trang trọng hơn, hãy sử dụng thông tin liên lạc bằng văn bản như email, memo hoặc báo cáo. Điều này tạo ra một bằng chứng hữu hình về sự công nhận của bạn – cũng như tạo điều kiện cho những thành viên khác nhận thức và đánh giá cao công việc được công nhận.
Ví dụ về cách ghi nhận công trạng của người khác:
- “Tôi thực sự đánh giá cao cách bạn giải quyết các mối quan tâm của khách hàng. Cách giải quyết nhanh chóng và bình tĩnh của bạn thực sự rất tuyệt vời.”
- “Bài thuyết trình của bạn rất xuất sắc. Bạn đã truyền đạt hiệu quả các khái niệm phức tạp, giúp mọi người đều có thể hiểu được.”
- “Sự hỗ trợ của bạn với dự án này là vô giá. Những hiểu biết sâu sắc của bạn đã mang lại tác động đáng kể, và tôi rất biết ơn vì đóng góp của bạn.”
Cho thì có phúc hơn là nhận.
Cách phản ứng khi bị người khác cướp công
Về phía ngược lại, khi ai đó “nhận vơ” công lao của mình, điều quan trọng là bạn phải phản ứng một cách quyết đoán và chuyên nghiệp. Dưới đây là một số bí quyết phản ứng phù hợp:
- Giữ bình tĩnh: Tránh phản ứng một cách bốc đồng hoặc cảm xúc. Dành thời gian để suy ngẫm và tiếp cận tình huống với thái độ bình tĩnh. Đừng đối đầu với đối phương ở nơi công cộng, vì điều đó có thể gây tổn hại đến danh tiếng và mối quan hệ của bạn.
- Đánh giá tình hình: Đánh giá tình hình một cách khách quan, cũng như xem xét các lý do tiềm ẩn đằng sau hành vi của đối phương. Nó hoàn toàn có thể do vô tình, ngẫu nhiên hoặc kết quả của một sự hiểu lầm. Các yếu tố như bản chất của công việc và chuẩn mực văn hóa xung quanh cũng có thể đóng một vai trò nào đó dẫn tới hành động này.
- Giao tiếp: Nếu bạn xác định rằng việc họ làm là không công bằng hoặc không phù hợp, hãy trao đổi cách riêng tư và tôn trọng với họ. Thể hiện rõ cảm xúc của bạn – cùng lý do tại sao bạn tin rằng mình xứng đáng được công nhận. Cho thấy các bằng chứng thực tế, đồng thời kiềm chế buột miệng ra những lời buộc tội hoặc bộc phát cảm xúc. Thái độ cởi mở và cầu thị sẽ giúp bạn lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của họ.
- Đề xuất giải pháp: Sau khi trao đổi, hãy đề xuất các gợi ý mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề và ngăn ngừa tái diễn. Ví dụ, bạn có thể gợi ý đối phương thừa nhận công lao của bạn trong email, cuộc họp hoặc buổi thuyết trình tiếp theo. Ngoài ra, bạn cũng có thể đề xuất đôi bên hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai, phản hồi thường xuyên hơn, v.v…
Đừng bao giờ tìm cách hơn thua với một con heo – vì cả hai đều sẽ bị “vấy bẩn”, song con heo sẽ rất thích điều đó.
Marshall Goldsmith
Khắc phục vấn nạn cướp công ở góc độ tổ chức
- Xây dựng nền văn hóa minh bạch và khuyến khích trách nhiệm giải trình: Ở cương vị tổ chức, điều quan trọng là cần xây dựng một môi trường lành mạnh – nơi nhân viên cảm thấy được trao quyền để lên tiếng nếu chứng kiến tình trạng ai đó giành công lao của người khác. Thiết lập các chính sách và quy trình rõ ràng để giải quyết vấn đề, cũng như đảm bảo rằng những chính sách này được truyền đạt trong toàn bộ tổ chức.
- Thúc đẩy hợp tác và làm việc theo nhóm: Khuyến khích nỗ lực hợp tác giữa các thành viên bằng cách nuôi dưỡng một nền văn hóa coi trọng tinh thần đồng đội. Việc cùng hợp tác trong các dự án sẽ làm giảm tình trạng một người cố gắng giành lấy công lao từ nỗ lực của người khác.
- Thiết lập kỳ vọng rõ ràng: Nhận thức được tầm quan trọng của vai trò, trách nhiệm, mục tiêu, kết quả và thời hạn rõ ràng khi bắt đầu một dự án/ công việc. Nếu có thể, hãy ghi chép lại những kỳ vọng này bằng văn bản và truyền đạt trong nội bộ.
- Đào tạo về đạo đức kinh doanh: Tiến hành các buổi training để giáo dục nhân viên về ý nghĩa của đạo đức kinh doanh – bao gồm những hậu quả tiềm tàng khi cướp công của người khác.
- Khen thưởng & công nhận: Tổ chức một hệ thống công nhận và khen thưởng nhân viên vì công việc xuất sắc của họ, đảm bảo sự công nhận kịp thời, cụ thể, chân thành và nhất quán.
- Quản trị hiệu suất: Giám sát hiệu suất của nhân viên để xác định và giải quyết kịp thời mọi vấn đề liên quan đến tranh công và đưa ra giải pháp phù hợp.
Lời kết
Bằng cách ý thức về hậu quả của tật xấu cướp công, chúng ta có thể bước đầu thúc đẩy một môi trường làm việc – nơi mọi thành viên cảm thấy có giá trị, sẵn sàng hợp tác phát triển với niềm tin rằng những đóng góp của mình sẽ được ghi nhận và khen thưởng. Thông qua giao tiếp rõ ràng, minh bạch và công bằng, nhà lãnh đạo và tổ chức sẽ góp phần nuôi dưỡng một nền văn hóa làm việc tích cực, hỗ trợ sự phát triển, hạnh phúc và thành công của các cá nhân và đội nhóm nói chung.
(Biên soạn lấy cảm hứng từ ấn phẩm bestseller của TS. Marshall Goldsmith – “What got you here won’t get you there“)
Có thể bạn quan tâm:
- Không biết nói lời cảm ơn: Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?
- Không biết lắng nghe: Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ
- Không biết nói lời xin lỗi: Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm
- Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể
- 22 câu chuyện thành công: Bài học về sự nỗ lực
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!