Không biết lắng nghe: Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ

not listening
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Không biết lắng nghe: Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ

Từ bỏ thói quen xấu không biết lắng nghe là bước đệm quan trọng cho những ai khao khát vươn tới những tầm cao hơn của cuộc sống.

Trong thời đại ngày nay, lắng nghe dường như đang dần trở thành một khái niệm “xa xỉ”. Rất nhiều lần, chúng ta đối thoại chỉ để trả lời – chứ không phải để thấu hiểu. Thói quen xấu không biết lắng nghe gây ra những hậu quả rất sâu sắc đến các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp của chúng ta – là nguyên nhân dẫn tới hiểu lầm, xung đột và bỏ lỡ cơ hội phát triển. Việc từ bỏ hành vi này là “bước đệm” tối quan trọng với những ai khao khát vươn tới những tầm cao hơn của cuộc sống.

Tóm tắt nội dung chính

  • Tất cả chúng ta đều từng ít nhiều mắc phải thói xấu không biết lắng nghe – theo nhiều cách thức và trong nhiều bối cảnh khác nhau, khi ta ngắt lời đối phương, thay đổi chủ đề, tự tiện nêu ý kiến dù không được yêu cầu, phán đoán người khác, hoặc đơn giản là tỏ ra buồn chán và mất tập trung khi giao tiếp.
  • Việc không tập trung, thiếu sự ưu tiên, tư duy thiên vị, thành kiến cá nhân, v.v… là những nguyên nhân chính dẫn tới hành vi này. Về lâu dài, nó sẽ khiến ta bị mất kết nối với những người xung quanh, bỏ lỡ cơ hội, đánh mất sự tôn trọng, gây cản trở tiến độ, lãng phí nguồn lực, tổn thương tình cảm cũng như suy giảm tinh thần đội nhóm.
  • Hành vi không biết lắng nghe là khiếm khuyết mà các nhà lãnh đạo (cũng như những ai đang khao khát vươn đến tầm cao hơn trong cuộc sống) phải học cách từ bỏ. Để làm được điều này, họ cần thực hành các kỹ thuật đặt câu hỏi, diễn giải lại, tóm tắt, khẳng định, góp ý xây dựng, tránh ngắt lời, kiềm chế phán xét cũng như tránh đưa ra ý kiến khi không được yêu cầu trước.
  • Để thành thạo nghệ thuật lắng nghe, bạn sẽ cần hiểu được đối phương đang nói gì, có ý gì và thực sự muốn gì.

Không biết lắng nghe là gì?

Nếu để ý, hẳn bạn sẽ nhận thấy nhiều lần – cả trong công việc lẫn cuộc sống – chúng ta thường thể hiện hành vi thiếu chú ý/ không quan tâm hoặc tôn trọng khi người khác đang nói. Biểu hiện của người không biết lắng nghe nhìn chung vô cùng đa dạng – một số ví dụ có thể kể đến như:

  1. Ngắt lời

Khi ngắt lời người nói trước khi họ kết thúc suy nghĩ hoặc câu nói của mình, chúng ta cho thấy thái độ thiếu kiên nhẫn và không tôn trọng ý kiến của họ. Kết quả là ta khiến đối phương cảm thấy bị coi thường và mất động lực trình bày/ tiếp tục cuộc trò chuyện.

  1. Thay đổi trọng tâm đối thoại

Bằng cách chuyển hướng cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác – thậm chí sang chính bản thân mình, chúng ta thể hiện rằng bản thân không quan tâm đến suy nghĩ hoặc cảm xúc của người khác. Chính thái độ này là tác nhân “xua đuổi”, ngăn chặn các cuộc đối thoại sâu sắc và thấu hiểu.

  1. Góp ý mà không cần hỏi trước

Không ai thích những người thích làm “siêu nhân” chỉ tìm cách đưa ra giải pháp – mà không cố gắng dành thời gian để nắm bắt toàn bộ bối cảnh câu chuyện. Khi không chịu khó tìm hiểu vấn đề, ta rất dễ dàng đưa ra những lời khuyên “nửa mùa”, ít hữu ích và khiến người nghe cảm thấy khó chịu.

  1. Phán xét

Phán xét hoặc chỉ trích ý tưởng của người nói sẽ dẫn tới phản ứng phòng thủ, ngăn cản quá trình giao tiếp cởi mở và trung thực. Thói quen xấu này là nguyên nhân dẫn tới việc người khác sẽ không muốn chia sẻ bất cứ điều gì mang tính xây dựng với bạn trong tương lai.

  1. Tỏ ra nhàm chán

Các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt nói lên rất nhiều về mức độ tương tác của bạn trong cuộc đối thoại. Khi tỏ ra không quan tâm/ bỏ qua giao tiếp bằng mắt/ không tỏ thái độ phản hồi và xác nhận thông qua cử chỉ (ví dụ: gật đầu, mỉm cười), chúng ta đang xúc phạm đối phương và khiến họ mất động lực tiếp tục giao tiếp.

Bên cạnh những điều nêu trên đây, các dấu hiệu của sự bồn chồn quá mức – chẳng hạn như nhìn sang hướng khác hoặc liên tục thay đổi vị trí – cũng cho thấy rằng chúng ta đang không thực sự tham gia vào cuộc trò chuyện.

  1. Phân tâm

Thực hiện các hoạt động khác trong khi cố gắng lắng nghe (ví dụ: nhìn vào điện thoại/xem TV, v.v…) là biểu hiện không thể rõ hơn của sự thiếu nhiệt tâm khi trao đổi với người khác.

không biết lắng nghe

Nguyên nhân sâu xa của hành vi không biết lắng nghe

  • Mức độ tập trung thấp

Sự tập trung là nền tảng của việc lắng nghe chăm chú. Khi tâm trí chúng ta quá bận rộn, việc chú tâm hoàn toàn vào những gì người khác đang nói là điều vô cùng khó khăn. Những tác nhân phiền nhiễu bên ngoài như tiếng ồn/ chuông điện thoại, hoặc những thứ từ bên trong như suy nghĩ/ cảm xúc cá nhân – tất cả đều đóng vai trò trong việc khiến ta không còn chú ý đến mọi người.

  • Thiếu sự ưu tiên

Lắng nghe hiệu quả đòi hỏi ta phải nhận ra thông điệp cốt lõi/ những điểm nội dung chính được truyền đạt. Khi không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân biệt giữa thông tin quan trọng và thông tin không liên quan, chúng ta có thể bị “lạc” và bỏ lỡ điều thực sự đối phương muốn truyền tải.

  • Thành kiến cá nhân

Khả năng lắng nghe sẽ bị cản trở đáng kể khi ta tiếp cận các cuộc đối thoại với những định kiến/ thành kiến đã định trước. Nếu không biết cởi mở và khách quan, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng diễn giải lời nói của người khác qua lăng kính quan điểm và niềm tin của chính mình – đưa ra các giả định hoặc phán xét mà không xem xét đầy đủ quan điểm của họ.

  • Chú ý đến vẻ ngoài hơn là nội dung

Đôi khi, chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi cách truyền tải hoặc hình thức của người nói – hơn là nội dung thực tế. Nói cách khác, ta quan tâm nhiều hơn đến cách đối phương trình bày thông điệp – thay vì cố gắng nắm bắt ý nghĩa hoặc giá trị của nó. Việc tập trung vào những khía cạnh hời hợt cản trở khả năng thấu hiểu và phản hồi thực sự ý nghĩa.

Hầu hết mọi người không lắng nghe với mục đích thấu hiểu; họ chỉ nghe để trả lời sau đó.

Stephen R. Covey

không biết lắng nghe

Tác hại của việc không biết lắng nghe

Không biết lắng nghe/ chú ý là nguyên nhân dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực – ảnh hưởng đến cả chúng ta và những người xung quanh như:

  • Gây mất gắn kết

Hành động không lắng nghe khiến mọi người xung quanh cảm thấy bị đánh giá thấp – dẫn đến suy giảm động lực, sự hài lòng và hạnh phúc trong công việc. Trong phạm vi các mối quan hệ cá nhân, thói quen xấu này là nguyên nhân hình thành nên khoảng cách tình cảm, gây căng thẳng trong tương tác xã hội.

  • Bỏ lỡ những ý tưởng tuyệt vời

Lắng nghe hiệu quả cho phép chúng ta khai thác các kiến thức, ý tưởng và quan điểm đa dạng từ những người xung quanh. Khi không coi trọng chia sẻ của người khác, chúng ta đồng thời từ chối cơ hội tiếp cận thông tin có giá trị – cũng như bỏ lỡ các giải pháp/ hiểu biết sáng tạo có thể mang lại lợi ích chung.

  • Đánh mất sự tôn trọng

Sự tôn trọng chỉ có được qua việc tỏ thái độ quan tâm. Hành vi không biết lắng nghe làm tổn hại đến danh tiếng và uy tín của ta – qua thời gian, mọi người sẽ đánh giá tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, dẫn đến mất niềm tin và tín nhiệm vào năng lực của ta.

  • Ngăn chặn sự thay đổi

Trong cả môi trường cá nhân cũng như chuyên nghiệp, hợp tác cùng giải quyết vấn đề hiệu quả là nền tảng cần thiết cho sự phát triển và tiến bộ. Như đã đề cập, việc không lắng nghe quan điểm và phản hồi của người khác cản trở khả năng tìm kiếm cơ hội cải tiến, đổi mới và tạo ra thay đổi tích cực. Ngoài ra, hành vi này cũng làm nảy sinh thái độ phản kháng và xung đột trong đội nhóm và các mối quan hệ.

  • Lãng phí thời gian và nguồn lực

Lắng nghe kém là nguyên nhân gây ra hiểu lầm, sai sót và nhầm lẫn. Trong môi trường công sở, tình trạng này sẽ dẫn đến chậm trễ, hiệu suất kém và gia tăng chi phí. Trong phạm vi quan hệ cá nhân, những hiểu lầm do không lắng nghe sẽ gây ra tranh cãi không cần thiết, làm lãng phí thời gian và sức lực quý báu của chúng ta.

  • Cảm xúc bị tổn thương

Cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp và tương tác có ý nghĩa. Khi không biết lắng nghe, chúng ta làm tổn thương cảm xúc của người khác, khiến họ cảm thấy khó chịu và gây đổ vỡ lòng tin.

Trong môi trường đội nhóm, tình trạng thiếu gắn kết do không tin tưởng làm suy giảm năng suất và ngăn cản quá trình hợp tác. Trên thực tế, một thí nghiệm được báo cáo bởi Harvard Business Review đã chứng minh rằng việc không lắng nghe khiến mọi người trở nên ức chế và ít sẵn sàng cộng tác hơn.

Điều chắc chắn duy nhất sẽ xảy ra khi không biết lắng nghe – đó là bạn sẽ cảm thấy nhàm chán. Và chính bạn cũng trở thành một người gây nhàm chán – bởi vì bạn sẽ không học được điều gì mới cả.

Kate Murphy

Không biết lắng nghe: Thói quen xấu thường bị bỏ qua

Theo chia sẻ của chuyên gia executive coach, TS. Marshall Goldsmith, trong ấn phẩm ‘What got you here won’t get you there‘, không biết lắng nghe là một trong những thói quen xấu phổ biến nhất mà ông từng gặp trong suốt hành trình coaching của mình.

Con người sẽ sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức thô lỗ, nhưng không chú ý đến người khác là hành vi rất khó bỏ qua – bởi thực tế, đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể làm được cách dễ dàng. Xét cho cùng, có cần gì để giữ cho đôi tai của chúng ta mở ra, đôi mắt của chúng ta nhìn thẳng vào ai đó đang nói, và miệng chúng ta ngậm lại không?

Khi không lắng nghe, chúng ta đang đồng thời gửi đi một loạt thông điệp tiêu cực đến đối phương:

  • Tôi không quan tâm đến bạn.
  • Tôi không hiểu ý bạn.
  • Bạn nói sai rồi.
  • Bạn ngốc quá.
  • Bạn đang lãng phí thời gian quý báu của tôi.
  • v.v…

Thật ngạc nhiên khi mọi người còn muốn nói chuyện lại với bạn!

Điều thú vị về hành vi không lắng nghe là – phần lớn thời gian, nó xảy ra một cách im lặng, vô hình. Mọi người hiếm khi nhận thấy thói quen xấu đó của bạn. Bạn có thể không lắng nghe vì buồn chán, mất tập trung hoặc bận “soạn thảo” những gì bạn muốn nói – và sẽ không ai biết gì cả.

Lần duy nhất mọi người thực sự nhận thấy bạn không lắng nghe họ, đó là khi bạn tỏ ra cực kỳ thiếu kiên nhẫn. Bạn muốn họ nói nhanh lên và đi thẳng vào vấn đề. Mọi người sẽ nhận thấy điều đó – và họ sẽ đánh giá thấp bạn. Nó cũng giống như khi bạn hét lên, “Tiếp tục đi!”.

không biết lắng nghe

Không biết lắng nghe: “Cạm bẫy chết người” trong lãnh đạo & quản trị

Hầu hết mọi người không bao giờ lắng nghe.

Ernest Hemingway

Trước đây, TS. Goldsmith từng làm việc với một nhóm giám đốc điều hành cấp cao của một trong những tổ chức R&D hàng đầu thế giới. Những người này đang gặp vấn đề trong việc giữ chân nhân tài trẻ.

Lý do rất đơn giản: Trong các buổi thuyết trình, mọi thành viên trong ban quản lý cấp cao đã hình thành thói quen khó chịu là nhìn vào đồng hồ của họ, ra hiệu cho các nhà khoa học cấp dưới chuyển slide và lặp đi lặp lại, “Slide tiếp theo. Qua trang tiếp theo đi!”

Bạn đã từng bao giờ thuyết trình, mà người quản lý cứ càu nhàu và liên tục yêu cầu bạn đi nhanh hơn chưa?

Đó chính xác là cảm giác của các nhà khoa học cấp dưới khi làm việc tại công ty này.

Thật dễ hiểu tại sao các quản lý cấp cao lại thiếu kiên nhẫn khi lắng nghe các thuộc cấp trình bày như vậy. Tất cả bọn họ đều thông minh – ai trong số họ cũng từ các trường danh giá như MIT hay Harvard mà ra. Kết quả là, họ cảm thấy khó có thể ngồi yên trong khi những người dưới quyền chia sẻ bởi vì:

  • Họ cảm thấy đã biết những gì họ sắp nghe và
  • Trí óc của họ hoạt động quá nhanh, nên họ có thể hiểu ngay bất cứ điều gì đang/ sắp được trình bày.

Khi TS. Goldsmith kể chuyện này với lãnh đạo một công ty dược phẩm khác, ông ấy buồn bã thừa nhận:

“Tôi còn tệ hơn thế. Thay vì, ‘Slide tiếp theo!’ Tôi vẫn hay nói với nhân viên của mình, ‘Slide cuối cùng. Đến slide cuối cùng đi!’”

Các giám đốc điều hành ở tổ chức R&D trên ý thức rằng họ phải thay đổi – bởi vì thế giới đã thay đổi. Ngày xưa, các nhà khoa học trẻ tại một tập đoàn lớn có thể không có lựa chọn việc làm nào tốt hơn. Họ chỉ có thể quyết định giữa một công ty lớn này hoặc một công ty khác.

Thế nhưng, thời thế hiện giờ đã thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, các nhân tài trẻ có thể lựa chọn làm việc trong các startup nhỏ – hoặc tự mình khởi nghiệp. Họ không còn là “con tin” của một nhóm “ông già” mặc sơ mi trắng nữa. Họ có thể mặc quần jean đi làm. Họ có thể uống bia và ăn nhậu vào các ngày thứ Sáu. Trong một số trường hợp, nhiều người có thể trở nên rất giàu có ngay từ khi còn rất trẻ.

Thực tế nhà lãnh đạo cần nhìn nhận – đó là trong quá khứ, nhân tài phải chịu đựng những hành vi thiếu tôn trọng của cấp trên. Thế nhưng trong tương lai, họ sẽ ra đi!

Mỗi khi nhận thấy bản thân đang “đánh trống lảng” trong khi người khác nói, hãy ngừng hành vi thiếu kiên nhẫn đó lại ngay. Làm như vậy không chỉ là một cử chỉ thô lỗ gây khó chịu – mà còn chắc chắn sẽ tạo động cơ để nhân viên của bạn tìm kiếm cơ hội mới.

Khi không đồng ý với các báo cáo trực tiếp của mình, hãy chống lại thôi thúc ngừng lắng nghe. Đây là một trong hai sai lầm nghiêm trọng mà nhà lãnh đạo không bao giờ được mắc phải (sai lầm thứ hai là chỉ ra lý do tại sao người khác sai và bản thân họ đúng).

Để vươn cao trong hành trình chuyên nghiệp của mình, mỗi người phải học cách lắng nghe chăm chú, lặp lại những gì họ đã nghe để đảm bảo hiểu rõ, thừa nhận tính logic trong quan điểm của người khác – trước khi chuyển sang giải thích lập trường của bản thân.

Đọc thêm: Không biết nói lời xin lỗi – Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm

Để từ bỏ thói quen không biết lắng nghe

Đôi khi tất cả những gì đối phương muốn là một đôi tai đồng cảm; tất cả những gì họ cần là được nói ra. Miễn là ta thể hiện một đôi tai lắng nghe và một trái tim thấu hiểu với nỗi đau khổ của họ – đó thực sự là một niềm an ủi vô cùng lớn.

Roy T. Bennett

Lắng nghe là kỹ năng quan trọng đối với nhà lãnh đạo – quản lý, cũng như bất kỳ ai mong muốn cải thiện các mối quan hệ và hiệu quả giao tiếp. Dưới đây là một số lời khuyên về cách để trở thành người biết lắng nghe hơn:

Nên

  • Đặt câu hỏi

Việc đặt các câu hỏi mở sẽ khuyến khích đối phương ý thức sâu hơn về suy nghĩ và cảm xúc của họ. Cách tiếp cận này cho thấy rằng bạn đang tham gia vào cuộc trò chuyện – và thực sự quan tâm đến việc thấu hiểu quan điểm của họ.

  • Diễn giải lại nội dung được trình bày

Nói cách khác, bạn cần trình bày lại quan điểm của người nói theo cách hiểu của bạn. Điều này không chỉ thể hiện thái độ lắng nghe tích cực – mà còn cho phép bạn làm rõ mọi hiểu lầm và đảm bảo đã nắm bắt chính xác thông điệp của đối phương.

  • Tóm tắt các điểm chính

Tóm tắt các điểm chính vào cuối cuộc đối thoại là cách thể hiện rằng bạn đã chú ý đến họ – cũng như góp phần củng cố các khía cạnh chính của cuộc thảo luận.

  • Khẳng định nỗ lực của đối phương

Khen ngợi chân thành và khẳng định tích cực sẽ giúp nâng cao sự tự tin của đối phương – hình thành nên bầu không khí hỗ trợ và khích lệ. Công nhận điểm mạnh, thành tích và nỗ lực của họ – cho họ biết rằng những đóng góp của họ được đánh giá cao.

  • Góp ý mang tính xây dựng

Phản hồi mang tính xây dựng (constructive feedback) là công cụ vô cùng quý giá trong phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Nếu bạn có những quan điểm khác biệt hoặc nhận thấy có cơ hội để cải thiện, hãy tiếp cận nó một cách tôn trọng để khuyến khích quá trình thay đổi tích cực.

Không nên

  • Ngắt lời

Ngắt lời ai đó khi họ đang nói là một hành vi vô cùng thiếu tôn trọng – nó khiến người khác cảm thấy họ không được lắng nghe và bị hạ thấp giá trị. Thay vào đó, hãy cho phép đối phương thể hiện đầy đủ quan điểm – để chứng minh rằng bạn đánh giá cao ý kiến đóng góp của họ, sẵn sàng tạo điều kiện để họ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc một cách cởi mở.

  • Phán xét

Không phán xét là yêu cầu rất quan trọng để khuyên khích giao tiếp cởi mở. Khi chúng ta ngừng chỉ trích/ đưa ra giả định về suy nghĩ hoặc ý tưởng củ

  • Đưa ra lời khuyên – trừ khi được yêu cầu

Đôi khi, cái mọi người cần chỉ là được lắng nghe và thấu hiểu. Trừ khi họ yêu cầu ý kiến đóng góp của bạn, tốt hơn hết là bạn nên tập trung vào việc trở thành một người lắng nghe hỗ trợ – thay vì cố gắng khắc phục sự cố của họ.

  • Thay đổi chủ đề hoặc tập trung vào bản thân

Lắng nghe hiệu quả đòi hỏi ta phải hướng sự chú tâm vào lời nói và trải nghiệm của người khác. Trong mọi trường hợp, hãy hạn chế hành vi thích thể hiện – sử dụng cuộc đối thoại như “cái cớ” để giới thiệu thành tích hoặc kiến thức của bản thân.

Các kỹ thuật lắng nghe hiệu quả

Thay vì đưa ra phản hồi về những gì ai đó đã làm sai trong quá khứ, chúng ta nên đặt câu hỏi/đưa ra gợi ý về cách cải thiện trong tương lai. Feedforward là nền tảng cho đối thoại tích cực và mang tính xây dựng, nhấn mạnh vào giải pháp và khả năng, thay vì các vấn đề đã qua.

Đọc thêm: Sống trong quá khứ – Trở ngại trên hành trình thay đổi

  • Câu hỏi tích cực

Kỹ thuật này thể hiện qua việc những câu hỏi bắt đầu bằng “Bạn đã cố gắng hết sức để…” – theo sau đó là một hành vi hoặc mục tiêu cụ thể. Ví dụ:

“Hôm nay bạn đã cố gắng hết sức để lắng nghe đội nhóm của mình chưa?”

Điều này tạo cơ hội cho người nghe suy ngẫm về kết quả đạt được và động lực hành động, thay vì tìm đến các yếu tố bên ngoài hoặc viện cớ đổ lỗi cho hoàn cảnh.

  • Đánh giá sau hành động

Cụ thể, ta có thể đặt bốn câu hỏi sau một dự án hoặc sự kiện

“Chúng ta đã bắt đầu làm gì? Điều gì thực sự đã xảy ra? Tại sao nó xảy ra? Lần sau chúng ta có thể làm gì tốt hơn?”

Việc này nhắc nhở mọi người học hỏi từ kinh nghiệm của họ và xác định các lĩnh vực cần cải thiện, thay vì lặp lại sai lầm tương tự hoặc đổ lỗi cho người khác.

  • Kiểm tra mức độ tương tác

Với kỹ thuật này, ta sẽ yêu cầu đối phương chấm điểm mức độ tương tác của họ khi trò chuyện với ta trên thang điểm từ 1 đến 10, cũng như cho ý kiến cần làm gì để cải thiện lần tới. Qua đó, ta không chỉ cho phép người khác bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của họ – mà còn giúp chính mình điều chỉnh phong cách giao tiếp và hành vi bản thân phù hợp với sở thích/ nhu cầu của đối phương.

3 cấp độ lắng nghe

Lắng nghe với sự tò mò là khi ta nghe không phải với ý định trả lời – mà để thực sự thấu cảm những nội dung ẩn giấu đằng sau câu chữ được trình bày.

Roy T. Bennett

Học cách lắng nghe và thấu hiểu là yêu cầu quan trọng để nhà lãnh đạo và chuyên gia coaching đạt được thành công cao hơn trong sự nghiệp. Thế nhưng, biết lắng nghe không chỉ đơn giản dựa vào ý chí cá nhân – trước tiên, mỗi người cần nắm rõ 3 cấp độ của quá trình này:

  1. Nghe lời nói

Ở cấp độ nghe cơ bản nhất, bạn tập trung vào những từ mà đối phương đang nói – chú ý đến nội dung thông điệp của họ, hiểu thông tin họ đang truyền đạt, tiếp thu các sự kiện/ ý kiến mà họ chia sẻ.

Kỹ năng lắng nghe tích cực đóng vai trò rất quan trọng ở đây – nó giúp ta tránh bị phân tâm, cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với người nói. Các tín hiệu phi ngôn ngữ, chẳng hạn như giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, cũng cần được lưu tâm đến. Việc tích cực chú ý đến những gì đối phương nói sẽ góp phần thiết lập nền tảng vững chắc để đôi bên giao tiếp hiệu quả.

  1. Nghe hàm ý

Vượt ra ngoài mức độ bề ngoài của lời nói, chúng ta phải cố gắng hết sức để nắm bắt ý nghĩa và cảm xúc sâu sắc hơn đằng sau thông điệp được trình bày. Mọi người thường giao tiếp không chỉ thông qua lời nói – mà còn thông qua ẩn ý, cảm xúc và các tín hiệu ngầm khác.

Để trở thành người lắng nghe giỏi, bạn phải tìm cách hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc và động lực đằng sau lời nói của người khác. Điều này đòi hỏi khả năng thấu cảm, trực giác nhạy bén và biết đặt mình vào vị trí đối phương. Mặc dù không dễ, nhưng làm như vậy sẽ cho phép bạn phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn – cũng như tạo điều kiện phản hồi một cách phù hợp và nhân ái hơn.

  1. Nghe nguyện vọng

Ở cấp độ này, trọng tâm chuyển sang ý thức về mong muốn, nguyện vọng, giá trị và mục tiêu của người nói. Nó đòi hỏi ta phân tích sâu hơn về ý định và tầm nhìn của họ cho tương lai. Ở cương vị lãnh đạo hoặc chuyên gia coaching, kỹ năng này đặc biệt cần thiết – để có thể hướng dẫn và hỗ trợ người khác đạt được mục tiêu của họ.

Chỉ khi hiểu được mong muốn của họ và giúp họ làm rõ các mục tiêu và giá trị của mình – bạn mới có thể đưa ra hướng dẫn có ý nghĩa và phù hợp, tạo tác động tích cực đến sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ.

Danh ngôn về thói xấu không biết lắng nghe

Không ai bị câm điếc cho bằng người không chịu lắng nghe.

Ngạn ngữ Do thái

 

Kẻ ngu cứ tưởng mình đi đường ngay chính, ai nghe lời khuyên nhủ mới là người khôn.

Châm ngôn 12:15

 

Lắng nghe thực sự không phải là chú ý đến từ ngữ, nhưng là thấu hiểu ý định đằng sau thông điệp của đối phương.

Simon Sinek

 

Độc thoại tập thể là khi mọi người chỉ lo nói và không ai lắng nghe.

Stephen R. Covey

 

Chúng ta có hai cái tai và một cái miệng để nghe gấp đôi so với nói.

Epictetus

 

Nếu không biết lắng nghe, bạn sẽ chẳng học được gì cả.

Lyndon B. Johnson

 

Con người ai cũng thích nói mà không chịu nghe. Những người biết lắng nghe thật hiếm hoi như loài quạ trắng.

Helen Keller

Sách về chủ đề không biết lắng nghe

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status