Khám phá những trụ cột chính của cuộc sống viên mãn, cùng bí quyết tìm thấy ý nghĩa và sống hòa nhịp cùng đam mê trên hành trình theo đuổi khát vọng.
Trên hành trình đường đời, tất cả chúng ta đều mong muốn tìm kiếm điều gì đó sâu sắc hơn hạnh phúc thoáng qua – chúng ta khao khát một cuộc sống viên mãn thực sự, có mục đích và ý nghĩa. Đạt tới sự mãn nguyện dài lâu là mong muốn phổ quát của toàn nhân loại, không phân biệt biên giới, văn hóa hay tín ngưỡng.
Tóm tắt nội dung chính
- Sự viên mãn là cảm giác thỏa mãn sâu sắc có được từ sự thống nhất hài hòa giữa nguyện vọng cá nhân với một mục đích có ý nghĩa, vượt qua thử thách và đạt được kết quả mong muốn. Nó có thể được phân thành 3 loại chính: tự hoàn thiện (self-fulfillment) thông qua quá trình phát triển cá nhân, sự viên mãn cuộc sống (life fulfillment) thông qua những trải nghiệm tích cực, và tác động (legacy) khi được đóng góp cho người khác và xã hội.
- Không giống như hạnh phúc, vốn là một cảm xúc thoáng qua phát sinh từ các yếu tố bên ngoài, sự viên mãn là một trạng thái lâu dài – liên quan đến cảm thức về mục đích và sự tiến bộ từ bên trong.
- Ngay cả khi có đầy đủ mọi thứ trong cuộc sống, nhiều người vẫn không thể sống một cuộc sống viên mãn – nguyên nhân của tình trạng này bao gồm việc thiếu lòng biết ơn, không có mục đích, cảm thấy bị “mắc kẹt”, sức khỏe kém, bám víu vào quá khứ, so sánh không thực tế, cũng như tác động tiêu cực của công nghệ.
- Sự viên mãn là tổng hòa của cảm thức về mục đích, kết nối chặt chẽ, đóng góp có ý nghĩa, sự phát triển cá nhân, trải nghiệm hấp dẫn, hoạt động sáng tạo và cân bằng cuộc sống nói chung. Để được như vậy, chúng ta cần chú trọng giao tiếp cởi mở, giải quyết xung đột, thực hành sự tha thứ, chịu trách nhiệm, học hỏi liên tục, khiêm tốn và phục vụ người khác trong cộng đồng.
- Tìm kiếm và sống theo mục đích sống độc đáo của riêng mình là yếu tố cốt lõi để đạt tới sự viên mãn thực sự.
- Trong quá trình tìm kiếm sự thỏa mãn trong cuộc sống, chúng ta nên áp dụng tư duy “cuộc sống xứng đáng” (the earned life) – qua việc thống nhất các nguyện vọng, hoài bão và hành động, duy trì sự cân bằng, chấp nhận đổi mới liên tục, xây dựng uy tín cá nhân, đồng thời liên tục tái đánh giá các ưu tiên trong cuộc sống.
Cuộc sống viên mãn là gì?
Sự viên mãn trong cuộc sống (tiếng Anh: fulfillment in life) là trạng thái sống có tầm nhìn, khát vọng để hướng tới, phù hợp với hệ giá trị cá nhân. Đó là khi chúng ta sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, mục đích và mãn nguyện.
Trọng tâm của cuộc sống viên mãn là mục đích sống – “ngôi sao” phương Bắc soi sáng đường đi và mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại. Khi hướng khát vọng của bản thân về một mục tiêu cao hơn, chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để mạnh mẽ trước khó khăn và thất bại, vượt qua giới hạn cá nhân và đem lại tác động tích cực cho cộng đồng.
Sự thỏa mãn đến từ việc bạn sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức vào một hoạt động gì đó – đó có thể là leo núi, hoàn thành một công việc khó khăn, hoặc hàn gắn một “đứt gãy” trong quan hệ cá nhân.
Đỉnh cao của quá trình này là khi bạn cảm thấy hài lòng với kết quả cuối cùng của mọi việc đã làm. Dù cho có mệt mỏi và tổn thương, bạn ý thức – cũng như hết lòng tin tưởng – rằng nỗ lực đó là xứng đáng, và nó mang đến cho bạn cảm giác bình an với bản thân và thế giới (ngay cả khi trạng thái đó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn).
Chính đó là lúc bạn bước đầu chạm tới một cuộc sống viên mãn thực sự.
Phân loại các hình thức mãn nguyện
Có nhiều cách phân loại các hình thức thỏa mãn trong cuộc sống, tùy vào quan điểm/ tiêu chí áp dụng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về mô hình do nhà tâm lý học Doris Baumann và Willibald Ruch đề xuất – đề cập đến 3 loại mãn nguyện chính sau:
Tự viên mãn (Self fulfillment)
Cốt lõi của tự viên mãn nằm ở sự phát triển và trưởng thành cá nhân – khi ai đó nỗ lực theo đuổi mục tiêu hoàn thiện bản thân và hiện thực hóa tiềm năng/ lý tưởng của chính mình.
Trạng thái tự viên mãn đòi hỏi một quá trình khám phá bản thân lâu dài, trong đó mỗi người học cách thống nhất mọi hành động/ lựa chọn trong đời phù hợp với đam mê, giá trị và tài năng của mình. Chính trong quá trình đó, chúng ta cũng đồng thời học được cách đạt tới bình an nội tâm, nuôi dưỡng tư duy tích cực và năng lực tự nhận thức.
Sống trọn vẹn (Life fulfillment)
Một phần quan trọng của cuộc sống viên mãn bắt nguồn từ trải nghiệm sống – những khoảnh khắc vui vẻ, mãn nguyện và hạnh phúc phát xuất từ các mối quan hệ ý nghĩa, cơ hội khám phá và kỷ niệm đáng nhớ. Đó là khi ta có thể sống trong hiện tại, tận hưởng từng khoảnh khắc và đón nhận mọi thăng trầm với lòng biết ơn sâu sắc.
Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta ta luôn có thể tìm thấy mục đích và niềm vui nơi những điều giản đơn nhất – từ dành thời gian bên những người thân yêu, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên,hay đắm mình trong những nền văn hóa/ trải nghiệm mới.
Đọc thêm: Cách sống vui vẻ – 20 bí quyết để hạnh phúc hơn mỗi ngày
Di sản cá nhân (Impact & Legacy)
Nguồn thỏa mãn thứ ba đến từ ảnh hưởng tích cực của bản thân đối với người khác. Là con người, ai trong chúng ta cũng có mong muốn sâu thẳm là tạo ra những thay đổi ý nghĩa, tác động lâu dài đến xã hội và tương lai. Chính khi đóng góp cho những điều tốt đẹp hơn (ví dụ: giúp đỡ người khác, phục vụ cộng đồng, chia sẻ kiến thức/ kỹ năng, v.v…), chúng ta sẽ có thể bước đầu khơi gợi nhận thức về mục đích và sự mãn nguyện.
Trong phần lớn trường hợp, ba hình thức thỏa mãn trên đây có mối liên hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Sự phát triển cá nhân và tự nhận thức đóng vai trò nền tảng cấu thành những trải nghiệm sống trọn vẹn hơn, từ đó khuếch đại tác động tích cực đến người khác. Ngược lại, đóng góp vào hạnh phúc của tha nhân sẽ góp phần nuôi dưỡng ý thức về mục đích trên hành trình hoàn thiện bản thân.
Cuộc sống hạnh phúc viên mãn
So sánh giữa hạnh phúc và mãn nguyện
Hạnh phúc là sản phẩm phụ của sự viên mãn, không phải là điều kiện tiên quyết.
Hạnh phúc và sự viên mãn là hai khái niệm liên quan, ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận về cuộc sống. Nếu hạnh phúc (happiness) là cảm xúc nhất thời, đến rồi đi – thì ngược lại, sự mãn nguyện (fulfillment) bao hàm một trạng thái bền vững nội tại, phát xuất từ việc sống một cuộc sống có giá trị và mục đích.
Hạnh phúc thường dựa trên các yếu tố bên ngoài (ví dụ: thành công, sự so sánh, khoái lạc, v.v…) nên có thể thay đổi hoặc bị “tước đoạt” bất cứ lúc nào. Trạng thái này cũng đồng thời bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như kỳ vọng, niềm tin và nhận thức bản thân. Tuy không hẳn là điều xấu, nhưng về cơ bản nó không phải là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống.
Ngược lại, sự viên mãn là tổng hòa của các yếu tố bên trong (ví dụ: hệ giá trị, đam mê, đóng góp, tự hoàn thiện), mang tính ổn định và nhất quán hơn. Nó đến từ việc ý thức rằng chúng ta đang tiến bộ và trở nên tốt hơn trong một hoặc nhiều lĩnh vực cuộc sống – rằng ta cảm thấy yêu thích cuộc hành trình này. Đó là khi ta cảm nhận được ý nghĩa và mục đích trong những gì mình làm, cũng như tác động của mình đến tha nhân và xã hội.
Nói một cách ngắn gọn, hạnh phúc là những trạng thái nhất thời trên hành trình cuộc đời, còn sự viên mãn xuất phát từ ý thức về đích đến – rằng bản thân đang nỗ lực và tích cực hướng tới nó.
Khía cạnh | Hạnh phúc (Happiness) | Sự mãn nguyện (Fulfillment) |
Định nghĩa | Cảm xúc nhất thời, đến rồi đi | Trạng thái nội tại và lâu dài, đến từ việc sống một cuộc sống có giá trị |
Cơ sở | Các yếu tố bên ngoài (thành công, khoái lạc…) | Các yếu tố bên trong (giá trị, niềm đam mê, khả năng đóng góp…) |
Thay đổi | Có thể thay đổi và mất đi bất kỳ lúc nào | Mang tính ổn định và nhất quán hơn |
Tác động | Chịu ảnh hưởng bởi kỳ vọng, niềm tin và nhận thức | Xuất phát từ hành động, đóng góp và di sản để lại |
Ví dụ | Ăn ngon mặc đẹp, được khen ngợi, đạt được mục tiêu | Hành động phù hợp với giá trị cá nhân, đóng góp cho xã hội và sự phát triển chính mình |
Mối quan hệ qua lại | Hạnh phúc là sản phẩm phụ của sự mãn nguyện | Là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc lâu dài |
Để có thể đi từ hạnh phúc đến mãn nguyện, chúng ta sẽ cần phải:
- Xác định và hành động theo hệ giá trị cốt lõi cũng như đam mê của mình.
- Đặt ra những mục tiêu có ý nghĩa, truyền cảm hứng cho bản thân phát triển và học hỏi.
- Tham gia các hoạt động khơi dậy sức sống và sự gắn kết với cộng đồng.
- Xây dựng mối quan hệ với những cá nhân ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn của mình.
- Bày tỏ lòng biết ơn về những gì mình có và đã đạt được.
- Thực hành tự chăm sóc và thể hiện tình yêu với bản thân cũng như người khác.
- Sử dụng tài năng cá nhân để đóng góp vào sự thay đổi tích cực trên thế giới.
Đọc thêm: Vision Board – Bật mí 6 bước lập bảng tầm nhìn chi tiết
Viên mãn trong cuộc sống
Vì sao tôi không cảm thấy cuộc sống viên mãn?
Phần lớn chúng ta ngày này đều khá may mắn. Dù cho có xảy ra các sự kiện như khủng hoảng tài chính, bất ổn gia tăng, cạnh tranh và biến động, thời điểm hiện tại nhìn chung có nhiều điều kiện thuận lợi để con người cảm nhận sự viên mãn hơn so với các thế kỷ trước.
Hiện nay có vô số công cụ giúp bạn đạt được sự ổn định tài chính, thành công trong công việc, cải thiện sức khỏe cũng như các mối quan hệ. Thế nhưng, vì lý do nào vẫn có rất nhiều người cảm thấy bất mãn – dù cho họ có được thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu cơ bản?
Có nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu mãn nguyện – một số trong đó có thể kể đến như:
- Không biết ơn
Lòng biết ơn là sự trân trọng những gì bản thân hiện có, thay vì chú ý đến những gì mình không có hay mong muốn. Nó góp phần gia tăng các cảm xúc tích cực, nuôi dưỡng nhận thức về ý nghĩa và mục đích – qua đó tác động đến hạnh phúc, sức khỏe và sự viên mãn nói chung.
- Không có mục đích
Mục đích là khi bản thân ý thức về một phương hướng, đích đến hoặc sứ mệnh cuộc sống mang lại cho ta động lực để hướng tới. Qua đó, chúng ta sẽ có được khuôn khổ để đưa ra quyết định, đối mặt với thử thách cũng như thất bại. Việc không có một mục tiêu rõ ràng để phấn đấu là nguyên nhân khiến nhiều người trở nên bất an, buồn chán và lo lắng.
- Cảm giác bị “mắc kẹt”
Đây là hiện tượng thường gặp khi những gì diễn ra trong cuộc sống không phù hợp với hệ giá trị, sở thích hoặc nguyện vọng cá nhân. Chính nó là nguyên nhân dẫn đến các cảm xúc tiêu cực như thất vọng hay oán giận.
Để thoát khỏi tình trạng trên, điều quan trọng là chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống của mình – sẵn sàng theo đuổi những cơ hội mới, cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.
- Sức khỏe kém
Không chỉ dừng lại ởi việc không có bệnh tật, sức khỏe là tổng hòa của các yếu tố thể chất, tinh thần và cảm xúc. Việc không áp dụng các thói quen như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, v.v… sẽ khiến ta dễ bị ốm yếu – từ đó làm suy giảm khả năng tận hưởng cuộc sống, làm việc và hướng tới mục tiêu.
Đây là một thói quen xấu mà nhiều người trong chúng ta hay mắc phải – khi ta cố tình “chìm đắm” trong những hối tiếc, sai lầm hoặc mất mát không thể thay đổi, hay bám víu vào nỗi nhớ, ký ức hoặc tưởng tượng không phù hợp với thực tế nữa. Làm như vậy, chúng ta tự đánh mất cơ hội học hỏi từ những sự kiện quá khứ, trân trọng hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai.
- So sánh/ Tiêu chuẩn không thực tế
Hành động tự so sánh bản thân với người khác (dù là về thành tích, tài sản hay ngoại hình) khiến ta dễ tập trung quá mức vào những gì mình không có; hậu quả là nó làm “méo mó” nhận thức của ta về thực tế. Khi đó, con người rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương bởi các cảm xúc tiêu cực như bất mãn, đố kỵ hay bất an – làm mất đi cảm thức về cuộc sống viên mãn.
- Công nghệ
Công nghệ là “con dao hai” lưỡi có thể vừa nâng cao, vừa làm giảm sự viên mãn. Tuy mang lại khả năng tiếp cận thông tin, giải trí, giao tiếp và các tiện ích khác, nó cũng là “đầu mối” gây ra sự xao lãng, nghiện ngập, cô lập và quá tải thông tin – tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Ta sống ở đời này để làm gì?
Điều gì mang lại một cuộc sống viên mãn?
Sự viên mãn trong cuộc sống là một trải nghiệm chủ quan và cá nhân, thay đổi tùy thuộc vào từng người. Dù vậy, qua thời gian, các nhà nghiên cứu và học giả đã tổng hợp được một danh sách những yếu tố được chứng minh góp phần mang lại cảm giác mãn nguyện:
- Mục đích: Ý thức về mục đích sống mang lại cho ta lý do để thức dậy mỗi buổi sáng và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Nó có thể là bất cứ điều gì, từ một “hoài bão” lớn (ví dụ: tìm ra phương thuốc chữa khỏi bệnh ung thư) đến một cái gì đó rất bình dị (ví dụ: làm cho vợ/chồng/ con cái của bạn hạnh phúc).
- Kết nối: Con người là sinh vật mang bản tính xã hội; chúng ta không thể sống mà thiếu đi những mối quan hệ ý nghĩa với người khác – dù đó là gần gũi với gia đình và bạn bè, hay cảm giác thuộc về một cộng đồng/ đội nhóm chia sẻ chung lý tưởng với nhau.
- Đóng góp: Tạo ra tác động tích cực đến xã hội/ thế giới là nguồn động lực to lớn với nhiều người. Bạn có thể cân nhắc tham gia công việc tình nguyện, hoạt động xã hội, hoặc đơn giản là trở thành một người bạn/ hàng xóm tốt.
- Tự hoàn thiện: Học tập và phát triển là một thành phần quan trọng khác cấu thành cuộc sống viên mãn. Chính trong quá trình này mà chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa của việc đặt ra và hiện thực hóa mục tiêu, thử nghiệm những điều mới và mở rộng tầm nhìn cá nhân.
- Sự gắn kết: Việc tập trung hoàn toàn vào một hoạt động hoặc trải nghiệm trạng thái “trôi” – khi bạn hoàn toàn đắm chìm vào những gì mình đang làm – là tác nhân quan trọng mang lại cảm giác thỏa mãn sâu sắc.
- Biểu hiện sáng tạo: Tham gia vào các hoạt động sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, viết lách hay các hình thức thể hiện bản thân khác, đã được chứng minh là một kênh “giải tỏa” tích cực các cảm xúc và suy nghĩ bên trong.
- Phát triển toàn diện: Phấn đấu đạt được sự cân bằng trong các khía cạnh của cuộc sống (ví dụ: công việc, các mối quan hệ, giải trí và chăm sóc bản thân) là yêu cầu tiên quyết để có một cuộc sống trọn vẹn và thỏa mãn hơn.
Con người cần gì trong cuộc sống?
Đọc thêm: Ikigai (生き甲斐) – Triết lý cho cuộc sống xứng đáng & viên mãn
Bí quyết có được cuộc sống viên mãn
Giao tiếp
Giao tiếp đóng vai trò là thành phần không thể thiếu trong tương tác xã hội. Giống như những gì sẽ xảy ra khi một chi bị gãy sẽ ảnh hưởng đến dòng tín hiệu thần kinh trên toàn bộ cơ thể, việc tách biệt mình khỏi xã hội sẽ cản trở nhận thức về cộng đồng – một phần không thể thiếu của cuộc sống viên mãn.
Đối mặt với khó khăn
Chính khi từ chối đối mặt với thách thức, chúng ta tạo điều kiện cho vấn đề tiếp tục tồn tại và nắm quyền kiểm soát cuộc sống. Chẳng hạn, nỗi sợ nói trước công chúng khiến bạn tránh xa việc thuyết trình tại nơi làm việc/ lớp học – từ đó ngăn cản bạn thăng tiến trong sự nghiệp, cũng như có được nền giáo dục mà mình mong muốn.
Sự phát triển thực sự bắt đầu bằng việc dám đối mặt trực diện với những “con quỷ” và giới hạn bên trong. Để vượt qua giới hạn của nhận thức bản thân, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận những khuyết điểm và sự bất an. Chỉ khi đó, ta mới có thể “lắp ghép” được các mảnh của bức tranh về bản thân và bước đầu chạm đến sức mạnh bên trong.
Tha thứ & buông bỏ
Như đã đề cập, tư duy hiếu thắng và tự so sánh với người khác sẽ chỉ khiến ta bị “ám ảnh” bởi những nhu cầu không được đáp ứng và rơi vào trạng thái oán giận dai dẳng. Để bước đầu hướng đến sự giải thoát, chúng ta cần học cách buông bỏ – vì lợi ích của chính mình cũng như tha nhân.
Sự tha thứ là “liều thuốc” cho phép ta cất đi gánh nặng tinh thần khi ôm giữ các mối hận thù và cảm xúc tiêu cực, để có thể cảm nhận sự tự do và tiếp cận các cơ hội phát triển.
Chịu trách nhiệm & làm chủ
Trong thời đại hiện nay, thái độ miễn cưỡng nhận trách nhiệm đã trở thành “chuyện không của riêng ai”. Thế nhưng, chính khi xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác ngày càng thêm phổ biến, trách nhiệm giải trình đồng thời trở nên quan trọng hơn bao giờ hết – chính nó sẽ tạo điều kiện cho ta định hình con đường đời của mình.
Hãy thử hình dung bạn là một sinh viên liên tục thi rớt. Thay vì chịu trách nhiệm về điểm số kém, bạn tin rằng mình không đủ thông minh để thành công ở trường – kết quả là bạn bỏ cuộc và đổ lỗi cho giáo viên/ trường học về những thất bại của bản thân. Làm như vậy, đó là bạn đã từ chối cơ hội để cải thiện và sống một cuộc sống viên mãn thực sự.
Nguyên tắc để sống hạnh phúc
Học hỏi
Kiến thức thực sự xuất phát từ trải nghiệm, không phải thông tin hay lý thuyết đơn thuần. Đừng bao giờ để nỗi sợ hãi cản trở bạn khám phá những điều mới mẻ. Thông qua học tập, chúng ta sẽ có thể tiếp xúc cơ hội mới, mở rộng tầm nhìn, phát triển bản thân và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Khiêm tốn
Con đường đến với sự viên mãn nằm ở việc chấp nhận thay đổi và linh hoạt trong quan điểm cá nhân. Thái độ cởi mở và cầu thị, sẵn sàng mắc sai lầm là rất cần thiết để tiếp thu kiến thức mới.
Phục vụ
Cho thì có phúc hơn là nhận.
Công vụ 20:35
Chìa khóa để sống một cuộc sống viên mãn là sẵn sàng cho đi. Để đạt tới sự mãn nguyện, bạn sẽ cần đảm bảo những gì bạn trao tặng thực sự đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng.
Sự giúp đỡ thực sự đòi hỏi bạn phải làm sao để đối phương có thể tự lập, không cần được hỗ trợ nữa. Lấy ví dụ, thay vì chỉ đưa tiền cho ai đó, hãy tạo cơ hội cho họ phát triển kiến thức và kỹ năng để tự lo cho cuộc sống của mình.
Giúp đỡ cộng đồng
Cuộc sống không phải là một cuộc thi, mà là một nỗ lực hợp tác – tinh thần cộng đồng phải được ưu tiên hơn thành tích cá nhân. Khi phấn đấu hướng tới mục tiêu đề ra, chúng ta cần tập trung cải thiện kỹ năng và tri thức của chính mình – thay vì tìm cách hạ thấp người khác.
Là con người, ai trong chúng ta cũng đều chia sẻ mối dây kết nối với nhau. Chúng ta có thể học và phát triển nhanh hơn khi người khác đi trước mình, và chúng ta nên biết ơn sự hướng dẫn của họ.
Không ai là một hòn đảo cả.
Sống cuộc đời như mình muốn
Tìm kiếm sự viên mãn trong chính mình
Hướng đến cuộc sống viên mãn là một hành trình đầy giá trị và ý nghĩa – nhưng cũng đồng thời đầy khó khăn, trở ngại và nghịch cảnh. Để thực sự tìm thấy sự hài lòng từ bên trong, bạn có thể thực hành theo những phương pháp như sau:
- Nuôi dưỡng “vòng tròn” tích cực
Những người ở xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái nội tại của bạn. Nếu bạn nhận thấy đang ở bên cạnh những cá nhân tác động tiêu cực đến tâm trạng và quan điểm của mình, đó là lúc bạn nên cân nhắc mở rộng các mối quan hệ xã hội. Hãy tìm đến những người bạn đồng hành truyền cảm hứng tích cực và hướng bạn đến một cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống.
- Trực quan hóa (visualization)
Khi đặt ra mục tiêu cho bản thân – dù là trong cuộc sống cá nhân (vd: giảm cân, uống nhiều nước hơn) hay sự nghiệp (theo đuổi nền giáo dục nâng cao), hãy cố gắng làm sao cho những mục đích đó trở nên cụ thể và trực quan nhất (ví dụ: viết/ vẽ ra giấy, nói lớn bằng lời) để tối đa hóa động lực cá nhân cũng như cơ hội thành công. Sau đó, bạn nên lập kế hoạch từng bước để hiện thực hóa mục đích đã đề ra – cũng như dành thời gian suy ngẫm về con đường dẫn tới đích đến mong muốn.
- Kỷ niệm các cột mốc
Mỗi khi đạt được thành công hay hoàn thành một cột mốc nhất định, hãy nhớ kỷ niệm “chiến thắng” này và tự thưởng theo một cách nào đó. Ví dụ, bạn có thể có một buổi tối đi chơi với bạn bè, mua một món đồ đã mong đợi từ lâu, dành một ngày thư giãn, hoặc bất kỳ hình thức công nhận nào khác.
- Nắm quyền tự chủ
Giao phó trách nhiệm về sự mãn nguyện của bản thân cho người khác, dù là vợ chồng hay bạn thân, đều là quyết định sai lầm. Sự mãn nguyện cá nhân hoàn toàn nằm trong phạm vi kiểm soát của bạn. Thay vì quy kết hạnh phúc của mình cho các yếu tố bên ngoài, hãy tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc của bạn – và đưa ra các chiến lược để đạt được nó, bất kể hoàn cảnh ra sao.
Đọc thêm: Lối sống khắc kỷ – 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu
- Mở rộng bàn tay giúp đỡ
Một trong những con đường hiệu quả nhất để đạt tới cuộc sống viên mãn là chia sẻ nguồn lực với người khác. Cho dù đó là thời gian, tài chính hay kỹ năng cá nhân, việc đóng góp vào sự cải thiện của người khác chắc chắn không chỉ có ích cho họ – mà còn góp phần vào cảm giác hạnh phúc của chính bạn.
- Ưu tiên chăm sóc bản thân
Mặc dù giúp đỡ người khác là điều đáng khen ngợi, bạn cũng đừng quên chăm sóc nhu cầu của chính mình. Hãy cho bản thân thời gian nghỉ ngơi khi cần thiết, thực hành lối sống lành mạnh và năng động, nuôi dưỡng cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tham gia hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc. Những thói quen này không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn tác động không nhỏ đến tinh thần và cảm xúc của bạn.
- Khai thác sự tích cực
Thử thách và bất bình đẳng là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ngay cả trong những hoàn cảnh ảm đạm nhất, cơ hội để bạn thể hiện sự tích cực vẫn còn đó. Nó có thể đơn giản là chiêm ngưỡng phong cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp/ nghe một lời nói tử tế từ một người lạ, hoặc “vĩ mô” như một cơ hội mới mẻ hay một người bạn tâm giao luôn hết mình ủng hộ bạn. Bằng cách tập trung sự chú ý vào những khía cạnh tích cực và nuôi dưỡng lòng biết ơn, bạn sẽ có thể quản lý căng thẳng và khuếch đại cảm giác hạnh phúc tổng thể đến những người xung quanh.
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Mãn nguyện với cuộc sống hiện tại
Đi tìm ý nghĩa cuộc sống: Bí quyết của sự viên mãn
Khám phá mục đích sống là một trải nghiệm mang tính “biến đổi”, tác động sâu sắc đến sự mãn nguyện tổng thể và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Khi có mục đích rõ ràng, chúng ta sẽ có thể định hướng hành động phù hợp với đam mê và hệ giá trị của mình. Ý thức về mục tiêu là cơ sở để nhận ra khả năng đóng góp độc đáo của mình cho thế giới, dẫn đến một cuộc sống trọn vẹn và sung mãn hơn.
Ý nghĩa cuộc sống là một trong những chủ đề sâu sắc và khó giải đáp nhất trong lịch sử nhân loại. Đây cũng là một trong những điều mang tính cá nhân và chủ quan nhất; nhìn chung, mỗi người sẽ tìm thấy những nguồn và cách diễn đạt ý nghĩa khác nhau trong đời họ.
Tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống không phải là cái gì đó thuần túy triết học hay hiện sinh, nhưng liên quan mật thiết đến khía cạnh tâm lý và thực tế, có tác động đáng kể đến hạnh phúc, sự viên mãn và sức khỏe tổng thể. Nó không phải là thứ được thiên nhiên, xã hội hay tôn giáo ban tặng cho chúng ta – mà là thứ ta có thể tự kiến tạo và khám phá thông qua các lựa chọn, hành động và quá trình tự vấn. Ngoài ra, nó cũng không phải là thứ cố định hay tĩnh tại – nhưng hoàn toàn có thể chuyển hóa tùy thuộc vào thay đổi về hoàn cảnh, trải nghiệm và giá trị bản thân.
Đọc thêm: Mục đích tâm linh – Hành trình lắng nghe tiếng gọi của tâm hồn
Lẽ sống cuộc đời
Hướng dẫn sống đời mãn nguyện
Trong quá trình theo đuổi sự viên mãn, chúng ta nên áp dụng lối tư duy “cuộc sống xứng đáng” (earned life) – đặc trưng ở việc ý thức lựa chọn sự viên mãn, thay vì hối tiếc về những điều đã xảy ra và không thể thay đổi.
Như TS. Marshall Goldsmith, chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới, đã chia sẻ trong tác phẩm bestseller “Sống đời mãn nguyện” (tựa tiếng Anh: The Earned Life), sự hối tiếc là một trong những nguyên nhân phổ biến ngăn cản ta đạt được hạnh phúc trong cuộc sống. Theo ông, có 5 bước cần làm để loại bỏ thói quen xấu này:
Thống nhất nguyện vọng, hoài bão và hành động
Dưới đây là 3 yếu tố chính cấu thành một cuộc sống viên mãn:
- Có một nguyện vọng rõ ràng xác định động cơ đằng sau mọi hành động.
- Đặt ra những hoài bão với mục tiêu và thời hạn cụ thể.
- Hành động nhất quán hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Trong quá trình này, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân không chỉ tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt mà không có mục đích rõ ràng – cũng như đừng chỉ hình dung ra những ý tưởng lớn lao mà không có các bước hành động thực tế. Ngoài ra, hãy cố gắng hết sức để không bị thành tích cá nhân “cám dỗ” và tác động đến nhận thức về giá trị bản thân, vì những điều đó không mang lại sự thỏa mãn lâu dài thực sự.
Tìm kiếm sự mãn nguyện trong mọi tình huống
Thí nghiệm kẹo dẻo (marshmallow) của Walter Mischel tại ĐH Stanford cho thấy, những đứa trẻ chọn chờ đợi thưởng thức viên kẹo nhìn chung đạt được thành tích lâu dài tốt hơn so với những đứa trẻ quyết định không chờ đợi. Tuy trì hoãn sự thỏa mãn có thể là một đức tính tốt, việc cố gắng trì hoãn quá mức có thể gây ra tình trạng trì trệ và đánh mất cơ hội tận hưởng cuộc sống.
Chìa khóa ở đây là đảm bảo cân bằng giữa việc trì hoãn niềm vui để đạt được mục tiêu trong tương lai – với việc trân trọng những khoảnh khắc viên mãn hiện tại, giúp chúng ta tận hưởng trọn vẹn vị ngọt của cuộc sống.
Thực hành mô hình “new me”
Phương pháp này dựa trên nền tảng triết lý Phật giáo về vô thường – rằng mọi thứ trong cuộc sống này đều đang thay đổi và tái tạo không ngừng. Quan niệm cổ điển của Tây phương thường đề cao niềm tin rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ có được hạnh phúc lâu dài khi đạt được các cột mốc nhất định như:
“Tôi sẽ hạnh phúc khi có tiền, địa vị, xe BMW, hay tậu được căn hộ chung cư.”
Tuy nhiên, thực tế là không có “thời điểm” chắc chắn nào cho hạnh phúc cả. Khái niệm “hạnh phúc mãi mãi” trong truyện cổ tích Tây phương chỉ là một cái gì đó rất “viễn tưởng” và không phản ánh được sự phức tạp của thế giới này.
Hạnh phúc không chỉ phụ thuộc vào thành công bên ngoài. Đúng hơn, nó là một trạng thái bên trong, có thể được nuôi dưỡng mà không phụ thuộc vào những thành tựu hoặc tài sản cá nhân. Chỉ khi chấp nhận bản chất vô thường của thế giới và từ bỏ suy nghĩ “Tôi sẽ hạnh phúc khi …”, chúng ta mới có thể tìm thấy sự mãn nguyện và niềm vui trong khoảnh khắc hiện tại, bất kể hoàn cảnh bên ngoài ra sao.
Đọc thêm: Memento Mori – Tầm quan trọng của việc suy ngẫm về cái chết
Thể hiện uy tín của bản thân
Xây dựng uy tín là một quá trình gồm hai phần. Đầu tiên, chúng ta phải thể hiện năng lực và nỗ lực hoàn thành công việc xuất sắc trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào chất lượng công việc là chưa đủ. Thay vào đó, điều quan trọng không kém là ta nên được công nhận về những thành tựu này.
Chìa khóa nằm ở việc tự thể hiện khi chúng ta hướng tới việc tạo ra sự thay đổi tích cực – và kiềm chế việc tự quảng bá khi nó không phục vụ mục đích có ý nghĩa nào cả. Bằng cách hiểu được động lực của việc xây dựng uy tín và sẵn sàng tự thể hiện một cách có trách nhiệm, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để đạt được kết quả có ý nghĩa và tạo ra tác động lâu dài trong mọi việc mình làm.
Đánh giá kế hoạch cuộc sống (Life Plan Review – LPR)
Đánh giá Kế hoạch Cuộc sống (LPR) là một sáng kiến do TS. Goldsmith đề xuất, lấy ý tưởng từ phương pháp đặt câu hỏi hàng ngày (daily question process) mà ông và những người bạn cùng chí hướng đã nảy ra trong thời điểm đại dịch Covid-19. Phương pháp này xoay quanh việc lập danh sách các ưu tiên thiết yếu trong cuộc sống và đánh giá tiến trình thực hiện mỗi ngày.
LPR yêu cầu bạn phải đặt ra những câu hỏi đánh giá nỗ lực và hành động của bản thân. Những câu hỏi này cần bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của sự phát triển cá nhân (ví dụ: đặt mục tiêu rõ ràng & hành động hướng tới chúng, tìm kiếm ý nghĩa, nuôi dưỡng hạnh phúc, xây dựng các mối quan hệ tích cực, tích cực tham gia vào đời sống chung, v.v…).
Bằng cách liên tục suy ngẫm về kế hoạch cuộc sống, chúng ta sẽ có thể nhận thức sâu sắc hơn về hành vi và quyết định mỗi ngày của mình. Thực hành tự vấn thường xuyên là rất cần thiết cho mục đích phát triển liên tục, nuôi dưỡng hạnh phúc và các mối quan hệ ý nghĩa.
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân – Hành trang tự vấn mỗi ngày
Sống viên mãn kiếp này
Những câu nói hay về cuộc sống viên mãn
Thành công mà không có sự viên mãn là thất bại lớn nhất của đời người.
Tony Robbins
Làm những gì mình thích là tự do, thích những gì mình làm là hạnh phúc.
Khuyết danh
Sự viên mãn đích thực đến từ việc giúp đỡ người khác.
Khuyết danh
Chúng ta không tìm thấy sự viên mãn trong việc theo đuổi hạnh phúc, mà chính là trong niềm hạnh phúc có được khi theo đuổi ước vọng của mình.
Denis Waitley
Hạnh phúc là trạng thái viên mãn bên trong.
Matthieu Ricard
Để có được cuộc sống như ý muốn, bạn cần hai thứ: khoa học của thành công và nghệ thuật của sự viên mãn.
Tony Robbins
Stt về cuộc sống viên mãn
Coaching: Giải pháp cho cuộc sống viên mãn
Huấn luyện (coaching) là công cụ hỗ trợ rất ý nghĩa trên hành trình hướng tới sự viên mãn. Vai trò của huấn luyện viên (coach) là giúp bạn xác định mục tiêu và hệ giá trị cá nhân, khuyến khích tự khám phá và thách thức những niềm tin hạn chế. Thông qua quá trình này, bạn sẽ có thể lập kế hoạch hành động, nhận được sự trợ giúp tinh thần, được đảm bảo trách nhiệm giải trình, cũng như có cơ hội khám phá những góc nhìn mới.
Coaching cũng góp phần đáng kể vào việc vượt qua khó khăn, đạt tới sự cân bằng trong cuộc sống, nuôi dưỡng sự tự tin và kỷ niệm các cột mốc. Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể đạt tới sự sáng suốt, năng lực tự chủ cùng ý thức về mục đích – nền tảng cho sự hài lòng và mãn nguyện trên hành trình đường đời.
Lời kết
Sự mãn nguyện không phải là đích đến, nhưng là một hành trình không ngừng khám phá và trải nghiệm. Đó là khi ta tìm thấy ý nghĩa trong từng khoảnh khắc, niềm đam mê trong mỗi việc mình làm, cũng như hạnh phúc trong những mối quan hệ cá nhân. Bằng cách lắng nghe tiếng nói bên trong, dám nghĩ dám làm và không ngừng học hỏi, bạn sẽ có thể khám phá ra một thế giới mới đầy màu sắc và ý nghĩa.
Chúc bạn luôn hạnh phúc và nhiều niềm vui trên hành trình tìm kiếm cuộc sống viên mãn của mình!
Có thể bạn quan tâm:
- Work-life Balance: 14 mẹo cân bằng cuộc sống và công việc
- 50 câu hỏi về lối sống lành mạnh
- 50 ý tưởng bucket list: Đi tìm niềm sống mỗi ngày
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!