Ikigai là triết lý sống rất thiết thực, đặc biệt với những ai khao khát khám phá bản thân, có được cuộc sống mãn nguyện và xứng đáng.
Triết lý Ikigai của Nhật Bản là một triết lý tuy cổ xưa – song lại vô cùng thiết thực trong đời sống hiện tại, đặc biệt với những ai đang khao khát khám phá bản thân, sống một cuộc sống mãn nguyện và xứng đáng. Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm mục đích sống, Ikigai hướng ta tới việc kết hợp chăm sóc và phát triển nhiều khía cạnh khác nhau – để đảm bảo sự cân bằng hài hòa trong cuộc đời.
Tóm tắt nội dung chính:
- Là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Nhật Bản, Ikigai đề cập đến trạng thái tổng hòa của niềm đam mê, tài năng, sự nghiệp và mục đích cá nhân – qua đó, mỗi người sẽ có thể tìm thấy ý nghĩa và sự thỏa mãn trong cuộc sống. Khái niệm này hiện nay trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại, phần nhiều do mối liên hệ được của nó với hạnh phúc và tuổi thọ của người Nhật.
- Triết lý Ikigai đặc biệt gây tiếng vang với những ai đang khao khát một cuộc sống cân bằng và có mục đích giữa thế giới áp lực hiện nay. Bắt tay vào hành trình tìm kiếm Ikigai là điểm khởi đầu của con đường dẫn đến hạnh phúc, sức khỏe, và sự phong phú.
- Khác với mục đích sống – có vai trò như tấm bản đồ tổng thể cho hành trình cuộc đời, Ikigai đóng vai trò là chiếc “la bàn” cá nhân hướng dẫn mọi hành động hàng ngày. Các dấu hiệu nhận biết của một người đã nhận thức được ikigai cá nhân có thể kể đến như: sống trong trạng thái dòng chảy, thử thách cân bằng, hạnh phúc, có động lực phát triển và kết nối.
- Ikigai nằm ở điểm giao thoa giữa niềm đam mê, kỹ năng cá nhân, những gì thế giới cần và những gì có thể giúp bạn kiếm sống. Tuy nhiên, khám phá ra nó không phải là điều dễ dàng, xuất phát từ việc con người có xu hướng suy nghĩ phân mảnh, nhấn mạnh quá mức vào công việc, cũng như dễ bị cuốn vào những áp lực và phiền nhiễu xã hội.
- Bất chấp những quan niệm sai lầm phổ biến, tìm kiếm Ikigai là một cuộc khám phá liên tục – trong đó, bạn sẽ cần liên tục thống nhất mọi hành động mình làm với lẽ sống của bạn. Quá trình khám phá Ikigai đòi hỏi mỗi người phải dành thời gian tự suy ngẫm, xác định các khía cạnh giá trị cốt lõi, cũng như sẵn sàng tiếp xúc với những trải nghiệm mới.
- Sau cùng, triết lý Ikigai đại diện cho một cách tiếp cận có ý thức với cuộc sống hàng ngày – qua đó, mỗi cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của những thay đổi nhỏ, sống cho hiện tại, ưu tiên sức khỏe, trân trọng những điều nhỏ nhặt, và duy trì cân bằng.
Ikigai là gì?
Ikigai (Hiragana: いきがい; Hán tự: 生き甲斐) là một khái niệm của Nhật Bản – thường được dịch cách đơn giản là ‘lý do của sự tồn tại’ (reason for being). Thuật ngữ được ghép thành từ hai từ tiếng Nhật, ‘iki’ (生き – chỉ cuộc sống) và ‘kai’ (甲斐 – biến âm thành ‘gai’, nghĩa là kết quả, giá trị, lợi ích, sự đáng giá).
Nội dung của ikigai đề cập đến một mục đích cao cả, vượt lên những điều thông thường của cuộc sống hàng ngày. Đó là động lực thôi thúc ta rời khỏi giường mỗi buổi sáng, truyền cảm hứng cho ta tiếp tục sống và làm việc – dù có gặp phải khó khăn thử thách ra sao – cũng như mang lại cho chúng ta ý thức về tác động của bản thân trong đời này.
Ikigai là tổng hợp của các yếu tố như tài năng, niềm đam mê, sự nghiệp, cùng cảm giác được kết nối với cộng đồng. Khám phá ikigai có nghĩa là tìm ra “điểm giao thoa” giữa sự thỏa mãn cá nhân và tác động đến xã hội.
Ikigai thường được cho là lý do giải thích cho chỉ số hạnh phúc và tuổi thọ cao của người Nhật, đặc biệt ở Okinawa. Trong những năm gần đây, khái niệm này đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới – đặc biệt thường được nhắc đến khi đề cập đến các chủ đề về tìm kiếm niềm đam mê và ý nghĩa cuộc sống.
Ngắn gọn, ikigai có thể được hiểu là “giá trị mà người ta tìm thấy trong cuộc sống hàng ngày”.
Nicholas Kemp
Ví dụ về Ikigai
- Ikigai của một y tá có thể nằm ở việc giúp đỡ và mang lại niềm hy vọng cho người khác. Mỗi ngày, cô đến bệnh viện không chỉ để làm việc kiếm tiền – mà để đóng góp phần của bản thân cho sức khỏe của cộng đồng.
- Một giáo viên có thể tìm thấy Ikigai qua việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Niềm vui của thầy là được chứng kiến sự phát triển trí tuệ và cá nhân của những học sinh được mình hướng dẫn. Lớp học trở thành nơi thầy “phác thảo” tương lai cuộc sống, và thành công của các học sinh trở thành nguồn tự hào và thỏa mãn vô tận với thầy.
- Ikigai của một nghệ sĩ có thể nằm ở việc được tạo ra vẻ đẹp và ý nghĩa. Các bức tranh/ tác phẩm điêu khắc trở thành vật chứa đựng những tâm tư và nỗi niềm của anh. Hành động sáng tạo nghệ thuật trở thành một phương tiện để thỏa mãn cá nhân, một cách truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.
- Đối với một nhà văn, Ikigai của ông có thể nằm ở việc chia sẻ các câu chuyện và ý tưởng cá nhân – qua đó, ông có cơ hội kết nối về phương diện cảm xúc với độc giả. Mục đích của ông không chỉ dừng lại ở sự thể hiện cá nhân – quan trọng nhất, đó là phương tiện để ông mang lại sự khác biệt trong cuộc sống của những người đọc các tác phẩm của mình.
Ngoài những ví dụ minh họa trên đây, trong lịch sử, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng được cho là đã khám phá và sống trọn với Ikigai của họ:
- Jiro Ono, đầu bếp sushi bậc thầy, đã thể hiện sâu sắc tinh thần triết lý Ikigai – thông qua việc cống hiến không ngừng đối với nghệ thuật làm sushi, gắn kết tình yêu nghề của ông với nhu cầu được thưởng thức sushi của thế giới.
- Marie Kondo đã gây được tiếng vang toàn cầu với phương pháp sắp xếp KonMari, giúp mang lại một không gian sống vui vẻ và tốt đẹp hơn.
- Steve Jobs thường được tôn vinh vì những thành tựu công nghệ của mình – song thực ra, đam mê thực sự của ông lại nằm ở nghề thủ công. Công việc kinh doanh với Apple – thực chất, chính là cơ hội để ông thỏa mãn khao khát được cho ra đời những sản phẩm chế tác tinh xảo và thẩm mỹ.
Nguồn gốc của Ikigai
Khái niệm Ikigai được cho là bắt nguồn từ Nhật Bản thời Heian (794-1185). Khi ấy, thuật ngữ ‘kai’ (甲斐) được dùng để chỉ ‘vỏ sò’ – một vật có giá trị lớn và được sử dụng như một loại tiền tệ vào thời điểm đó. Về phương diện này, có thể thấy Ikigai hàm ý một điều gì đó rất quý giá – nó nói lên giá trị nội tại gắn liền với sự tồn tại của một cá nhân.
Kokin Wakashū, một tập thơ ra đời vào thời kỳ này, đã mô tả Ikigai một cách như “ngọn lửa bùng cháy bên trong” – thứ thúc đẩy con người tiến về phía trước để theo đuổi mục đích của họ.
Mặc dù có lịch sử lâu đời, song khái niệm Ikigai chỉ trở nên phổ biến vào thế kỷ 20 – một phần nhờ vào công trình của bác sĩ tâm thần người Nhật Mieko Kamiya. Năm 1966, Kamiya cho xuất bản tác phẩm “Về ý nghĩa cuộc sống” (生きがいについて, ikigai ni tsuite) – trong đó, bà đi sâu vào phân tích các khía cạnh tâm lý và xã hội của Ikigai, cũng như mối tương quan của nó với hạnh phúc và sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu của bà không chỉ dừng lại ở lý thuyết; bà đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những người sống sót sau bệnh phong, một căn bệnh bị kỳ thị và được xem là “nan y” ở thời đó. Quá trình này đã giúp bà đi đến một khám phá đầy ý nghĩa – những người vượt lên nghịch cảnh nhìn chung đều sở hữu ý thức mạnh mẽ về Ikigai, thứ đóng vai trò như một cơ chế đối phó khi họ phải đối mặt với nghịch cảnh cuộc sống.
Kể từ công trình của Kamiya, Ikigai đã trở thành chủ đề được thảo luận và nghiên cứu rộng rãi, cả ở Nhật Bản và trên thế giới. Triết lý này đặc biệt được nhắc tới thường xuyên trong các nghiên cứu đánh giá tuổi thọ và hạnh phúc của người dân ở Okinawa – một trong những nơi được ghi nhận có mức tuổi thọ cao nhất trên toàn cầu. Những điều tra về Ikigai đã giúp người ta xác định một danh sách các khu vực “Vùng xanh” (Blue Zone) – nơi con người có tuổi thọ và sức khỏe tốt vượt trội. Những khu vực này, bao gồm cả Okinawa, đều có đặc điểm chung là người dân có ý thức cộng đồng mạnh mẽ, sự kết nối chặt chẽ với thiên nhiên và ý thức sâu sắc về mục đích sống.
Vì sao triết lý Ikigai lại nhận được nhiều sự quan tâm như vậy?
Trong bối cảnh cuộc sống hối hả và áp lực như hiện nay, Ikigai đã và đang thu hút được sự chú ý của rất nhiều người – vì nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên, triết lý này thể hiện khao khát sâu thảm của con người về việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống. Cuộc sống công nghiệp và hiện đại hóa khiến nhiều người đang rơi vào tình trạng “lạc lối” – không hiểu được điều gì là thực sự quan trọng trong đời. Ikigai đưa ra một hướng đi để mỗi chúng ta khám phá lại bản chất của cuộc sống, tìm kiếm sự viên mãn thông qua việc điều chỉnh những điều mình làm phù hợp với các giá trị và niềm đam mê của bản thân.
Bên cạnh đó, tình trạng bất mãn ngày càng tăng đối với công việc, sự nghiệp, phong cách sống hiện đại khiến nhiều người bị thu hút tìm hiểu về Ikigai. Với những ai khao khát sống cuộc sống xứng đáng, Ikigai trở thành triết lý dẫn đường, cho phép ta theo đuổi sự nghiệp mơ ước – cũng như khám phá niềm vui và giá trị trong những công việc hiện tại. Nó trở thành chất xúc tác góp phần cân bằng hài hòa các khía cạnh cá nhân và sự nghiệp, mang lại sự bền vững và viên mãn trong đời.
Một lý do nữa xuất phát từ mối quan tâm ngày càng lớn đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Khi xã hội mỗi lúc một ý thức hơn về tình trạng căng thẳng, lo lắng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, Ikigai trở thành một giải pháp toàn diện, góp phần giảm bớt/ chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Thực hành triết lý này mang lại cho mỗi người động cơ để sống trọn vẹn mỗi ngày – cũng như khuyến khích ta tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và lợi ích cho cộng đồng.
Ngoài ra, mối tương quan được ghi nhận giữa ý thức về Ikigai và tuổi thọ cũng góp phần không nhỏ vào sự phổ biến của triết lý sống này. Thực tế, Nhật Bản được xếp hạng thứ hai trên toàn cầu về mức độ sống lâu của người dân (cụ thể, tuổi thọ trung bình ở Tokyo là khoảng 88 đối với phụ nữ/ 81 đối với nam). Ở đảo Okinawa, nơi có rất nhiều người hơn 100 tuổi còn sống, họ đều cho rằng tuổi thọ của mình không chỉ nhờ chế độ ăn uống – mà phần lớn bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về Ikigai. Nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi chính phủ Nhật Bản cũng như quốc tế đều khẳng định rằng những người làm việc vì Ikigai của họ nhìn chung có ít nguy cơ mắc bệnh hơn đáng kể so với những ai đi làm chỉ vì động cơ tài chính.
Một yếu tố hấp dẫn khác là triết lý Ikigai khuyến khích người ta thực hành một lối sống đơn giản và cân bằng – một sự tương phản hoàn toàn với xu hướng làm việc không ngừng để theo đuổi thành công/ của cải vật chất. Trong thế giới mà con người ta luôn mong muốn đạt được nhiều hơn nữa, Ikigai cổ súy chúng ta hướng tới một phong cách sống tập trung vào những gì thực sự quan trọng – đi ra khỏi các chuẩn mực xã hội thông thường.
Cuối cùng, triết lý Ikigai rất phù hợp với mối quan tâm ngày càng lớn về các chủ đề như chánh niệm (mindfulness) và khám phá bản thân (self-discovery). Nó nhấn mạnh việc chúng ta cần có nhận thức và nỗ lực sống cho hiện tại, kết nối nội tâm và sống đích thực phù hợp với các giá trị của bản thân.
Tại sao cần có Ikigai?
Khám phá Ikigai bản thân là một cuộc hành trình có tiềm năng tác động sâu rộng đến sức khỏe, tuổi thọ và sự viên mãn trong đời. Việc tìm kiếm Ikigai là cơ hội để mỗi người phát triển bản thân và biến đổi cuộc sống cách toàn diện hơn:
- Tăng cường hạnh phúc
Nhiều nghiên cứu cho thấy có Ikigai có liên quan mật thiết đến việc giảm lo lắng và trầm cảm, nâng cao cảm xúc tích cực và sự hài lòng trong cuộc sống. Việc theo đuổi Ikigai góp phần sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và endorphin, giúp nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện.
- Duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần
Ý thức về Ikigai được ghi nhận có khả năng tác động đến chức năng miễn dịch, giúp gia tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ bệnh tật, mất trí nhớ, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch. Mức độ căng thẳng giảm đi nhờ Ikigai là một trong những nguyên nhân góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Cải thiện tuổi thọ và sự trẻ trung
Nghiên cứu ở những nơi như Kyotango ở Kyoto, nổi tiếng về việc có nhiều người sống trên trăm tuổi, cho thấy mối tương quan sâu sắc giữa Ikigai và sự gia tăng của DHEA, một loại hormone có liên quan đến tuổi thọ. Việc tham gia vào những sở thích hàng ngày mang lại niềm vui và sự hài lòng – nhờ đó giúp tăng sản sinh “hormone trường thọ” này, góp phần mang lại cuộc sống lâu dài và vui vẻ hơn.
- Nuôi dưỡng động lực và khả năng phục hồi (resilience)
Việc sở hữu Ikigai đóng vai trò như một nguồn động lực mạnh mẽ, nâng cao năng lực bản thân, khả năng phục hồi và sự lạc quan trong cuộc sống. Nó trở thành nguồn cảm hứng giúp ta theo đuổi mục tiêu, đối mặt với thử thách và vượt lên nghịch cảnh với sự quyết tâm và tinh thần kỷ luật bản thân mạnh mẽ.
- Kim chỉ nam giúp định hướng và đảm bảo sự cân bằng
Vào những thời điểm khó khăn, ý thức về mục đích là điều giúp chúng ta giữ được sự cân bằng. Những người có Ikigai rõ ràng nhìn chung có nhiều khả năng “vực dậy” sau thất bại hơn – họ tìm thấy sức mạnh từ chính ý thức về mục đích nội tại của họ.
- Khuyến khích năng lực sáng tạo và đổi mới
Ikigai góp phần kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng và cảm hứng. Nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ và thực hiện những ý tưởng mới lạ và có giá trị – đóng góp cho sự phát triển cá nhân và cộng đồng.
- Sống một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn
Hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng sẽ giúp bạn thống nhất hành động của mình phù hợp với các giá trị cốt lõi của bản thân – giúp nuôi dưỡng cảm giác hài lòng và ý thức mục đích sâu sắc, mang đến một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
- Làm phong phú thêm các mối quan hệ và đóng góp cho xã hội
Khi được kết nối với điều gì đó lớn hơn bản thân, chúng ta đồng thời được trang bị để xây dựng những kết nối sâu sắc, ý nghĩa với những người khác chia sẻ cùng hệ giá trị và tầm nhìn. Qua đó, chúng ta có cơ hội thể hiện sự đồng cảm (empathy) , lòng trắc ẩn và vị tha đối với mọi người xung quanh.
- Cải thiện năng lực ra quyết định
Nhận thức về Ikigai sẽ mang lại một khuôn khổ cho việc ra quyết định – nhờ đó, mỗi người đưa ra những lựa chọn phù hợp với các giá trị và mục tiêu dài hạn của mình, làm nền tảng sống một cuộc sống có chủ ý và mục đích hơn.
- “Khai phóng” tiềm năng cá nhân và năng lực lãnh đạo
Việc tập trung theo đuổi Ikigai khuyến khích ta đặt ra những mục tiêu có ý nghĩa và theo đuổi chúng với niềm đam mê và quyết tâm – đây chính là nền tảng để phát huy hết tiềm năng của bản thân. Trong quá trình này, chúng ta cũng đồng thời truyền cảm hứng và thúc đẩy người khác hướng tới một tầm nhìn chung – đây là một phẩm chất rất quan trọng để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả.
So sánh giữa Ikigai và Mục đích sống
Khái niệm Ikigai và mục đích cuộc sống (life purpose) đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, song chúng đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong hành trình hướng tới một cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhìn chung, Ikigai có thể ví như một chiếc la bàn/ kim chỉ nam cá nhân – có vai trò định hướng lộ trình cho những việc mình làm hằng ngày. Nó là một khái niệm mang tính chủ quan và có thể thay đổi tùy theo nhận thức về niềm đam mê, kỹ năng, nhu cầu và giá trị của bạn.
Ngược lại, mục đích sống là một thuật ngữ tương đối rộng và khách quan hơn. Nó thể hiện định hướng và ý nghĩa tổng thể trong cuộc sống – bao gồm các giá trị, niềm tin và khát vọng của bạn. Do đó, có thể ví nó như một tấm “bản đồ” tổng quát, hướng dẫn hành động/quyết định của bạn.
Khía cạnh so sánh | Ikigai | Mục đích sống |
Định nghĩa | Giá trị cuộc sống | Lý do bao trùm cho sự tồn tại |
Điểm nhấn | Các hoạt động hoặc mục tiêu cụ thể | Giá trị, niềm tin và khát vọng |
Ứng dụng | Cuộc sống hàng ngày, công việc và nỗ lực cá nhân | Định hướng và ý nghĩa chung của cuộc sống |
Mục tiêu | Sự viên mãn và ý nghĩa trong hoạt động hàng ngày | Đóng góp và tác động tích cực |
Dấu hiệu nhận biết Ikigai
- Trạng thái dòng chảy (flow state)
Một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của Ikigai là trải nghiệm trạng thái dòng chảy (flow state). Khi làm những công việc giúp thỏa mãn mục đích của bạn, thời gian dường như không còn tồn tại nữa. Bạn thấy mình hoàn toàn “đắm chìm”, mải mê với nhiệm vụ trước mắt – đến nỗi thế giới xung quanh trở nên hoàn toàn mờ nhạt đi. Bạn tập trung cao độ và làm việc với mức năng suất vượt trội.
- Thách thức cân bằng
Khó khăn thử thách trở thành “chất xúc tác” cho sự phát triển – thay vì là nguồn gây căng thẳng. Bạn điều hướng một sự cân bằng tinh tế – cảm giác được thử thách đủ để tạo động lực cho bản thân cố gắng, song không bị choáng ngợp đến mức chán nản.
- Hạnh phúc và thỏa mãn
Cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn sâu sắc tràn ngập trong công việc và cuộc sống của bạn. Bạn yêu thích những gì mình làm, nhận ra giá trị và tác động từ những đóng góp của mình. Sự hài lòng không chỉ đến từ thành tựu đạt được, mà còn từ ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của những điều mình làm – rằng bạn đang mang lại sự khác biệt tích cực cho thế giới và cộng đồng.
- Động lực và khả năng phục hồi
Bạn có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, theo đuổi chúng với sự nhiệt tình và kiên trì. Căng thẳng và nghịch cảnh khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn, mỗi sai lầm trở thành cơ hội để học hỏi, trong khi tinh thần lạc quan và niềm tin vào chính mình sẽ thúc đẩy bạn tiến về phía trước.
- Sáng tạo và đổi mới
Sự tò mò và quan tâm đến các khía cạnh của cuộc sống thúc đẩy bạn sử dụng trí tưởng tượng và cảm hứng để đưa ra những ý tưởng mới lạ và có giá trị. Việc sống theo triết lý Ikigai khiến bạn trở nên cởi mở hơn với những trải nghiệm và quan điểm mới mẻ.
- Mong muốn học hỏi và phát triển liên tục
Việc theo đuổi Ikigai đồng thời nuôi dưỡng tinh thần học hỏi và phát triển không ngừng. Việc tìm kiếm những thách thức và cơ hội mới trở thành một phần cố hữu trong hành trình cuộc đời, thúc đẩy bạn mở rộng kiến thức và kỹ năng mỗi khi có điều kiện.
- Kết nối với điều gì đó lớn lao hơn
Sống theo Ikigai mang lại cho bạn cảm giác kết nối sâu sắc với điều gì đó lớn lao hơn bản thân. Cho dù đó là phục vụ cộng đồng, một mục đích hay ý thức nhân loại rộng hơn, nhận thức về việc cần phải đóng góp cho mục đích chung sẽ khiến trải nghiệm cuộc sống của bạn được nâng lên một tầm cao mới.
- Mối quan hệ hài hòa
Cảm giác thân thuộc và kết nối mạnh mẽ xuất hiện khi bạn tương tác với những người chia sẻ giá trị và tầm nhìn với mình. Sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và vị tha trở thành nguyên tắc sống chủ đạo, khuyến khích bạn hết mình hợp tác và hỗ trợ người khác.
- Lối sống cân bằng và lành mạnh
Việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần trở thành một ưu tiên hàng đầu. Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tìm kiếm niềm vui trong thời điểm hiện tại sẽ dần thay thế thói quen sống trong quá khứ/ lo nghĩ quá nhiều về tương lai.
Ikigai gồm những gì? Sơ đồ 4 yếu tố cấu thành
Ikigai của bạn nằm ở nơi tài năng cá nhân và nhu cầu của thế giới giao nhau.
Phần lớn các nghiên cứu hiện đại đều dựa trên cơ sở sơ đồ Venn của Andres Zuzunaga – theo đó, một Ikigai đầy đủ cần có 4 yêu tố kết hợp:
Điều bạn yêu thích (What you love)
Trụ cột đầu tiên đi sâu vào những mong muốn và niềm vui sâu kín nhất của bạn – những gì bạn thực sự yêu thích. Nó thể hiện những đam mê, sở thích cá nhân, những hoạt động giúp khơi dậy cảm giác hạnh phúc và phấn khích trong bạn.
Để làm sáng tỏ khía cạnh này, bạn sẽ cần phải nghiêm túc tự xem xét nội tâm. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
- Những hoạt động nào mang lại cho bạn niềm vui?
- Môn học nào khơi dậy sự tò mò và nhiệt huyết của bạn?
- Bạn có cảm giác thỏa mãn sâu sắc khi làm những việc gì (ngay cả khi chúng không đem lại phần thưởng hữu hình nào)?
Điều bạn giỏi (What you are good at)
Yếu tố thứ hai tập trung khám phá những gì bạn nổi trội – những kỹ năng/ hiểu biết khiến bạn trở nên độc đáo. Đó là sự thừa nhận về trình độ và niềm tin của chính bạn vào một lĩnh vực bạn mong muốn cải thiện và học hỏi không ngừng.
Việc khám phá yếu tô này giỏi đòi hỏi bạn phải suy ngẫm về điểm mạnh của mình:
- Những kỹ năng/ năng khiếu mà bạn sở hữu là gì?
- Bạn có nhiều kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực nào?
- Bạn có thể tự tin dạy hoặc chia sẻ điều gì với người khác?
Điều thế giới cần (What the world needs)
Trụ cột thứ ba đi sâu vào khía cạnh đóng góp và tác động tích cực đến xã hội. Nó thể hiện sứ mệnh của bạn – những vấn đề bạn khao khát giải quyết, nhu cầu xã hội bạn mong muốn đáp ứng, và những cơ hội để tạo ra sự thay đổi tích cực.
- Bạn cảm thấy khao khát giải quyết những vấn đề/ nhu cầu nào của thế giới?
- Bạn có thể tạo ra hoặc tận dụng những cơ hội nào vì lợi ích của người khác?
- Động cơ/ sứ mệnh nào cộng hưởng với giá trị và ý thức về mục đích của bạn?
Điều có thể giúp bạn kiếm tiền (What you can be paid for)
Yếu tố cuối cùng là nhân tố đảm bảo tính bền vững – bạn có thể được trả tiền để làm gì. Nó thể hiện qua nghề nghiệp của bạn – cho thấy nhu cầu thị trường đối với các kỹ năng của bạn và tiềm năng kiếm sống từ đó. Hãy tự hỏi bản thân:
- Bạn có thể kiếm được tiền từ đâu?
- Điều gì phù hợp với nhu cầu thị trường/ được nhiều người quan tâm?
- Niềm đam mê/ tài năng nào của bạn có thể giúp bạn kiếm được tiền?
Điểm mấu chốt của sơ đồ Ikigai nằm ở việc khám phá điểm giao thoa giữa bốn trụ cột nêu trên. Chính tại nơi đó, bạn sẽ tìm được Ikigai của mình – nơi bạn có thể tập trung sự chú ý và năng lượng, điều hướng hành trình hướng tới một cuộc sống có mục đích và trọn vẹn.
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
Phân loại Ikigai
Mỗi người có thể tìm thấy Ikigai cá nhân của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống như:
- Trải nghiệm: Từ những thành tựu cá nhân, thử thách cho đến những khoảnh khắc biến động trong cuộc sống, trải nghiệm cá nhân có tác động sâu sắc đến việc định hình ý thức của ta về mục đích của bản thân, góp phần mang lại cảm giác thỏa mãn cá nhân sâu sắc.
- Ký ức: Khả năng rút ra ý nghĩa từ những trải nghiệm vui vẻ cũng như đâu buồn trong quá khứ, sẽ giúp gia tăng chiều sâu ý thức về mục đích và bản sắc của cá nhân.
- Sức khỏe: Đối với một số người, một cuộc sống sung mãn là động lực chính thúc đẩy họ tham gia những hoạt động nâng cao cả sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần đáng kể vào một cuộc sống có ý nghĩa và mục đích.
- Sở thích: Với một số khác, Ikigai của họ có thể nằm ở một thú vui tiêu khiển hoặc sở thích cá nhân có thể. Cho dù đó là vẽ tranh, chơi nhạc hay tham gia thể thao, việc theo đuổi các hoạt động mang lại niềm vui và sự hài lòng giúp họ trải nghiệm một cuộc sống trọn vẹn và có mục đích.
- Người thân yêu: Các mối quan hệ và sự ràng buộc được chia sẻ với những người thân yêu có tác động định hình ý thức về mục đích của một người, mang lại nguồn cảm hứng sống cho họ.
- Bạn bè: Với nhiều người trong chúng ta, tình bạn góp phần mang lại cảm giác thân thuộc và mục đích trong cuộc sống.
- Vai trò xã hội: Dù là thông qua nghề nghiệp, tham gia công tác cộng đồng hay đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, việc thực hiện các trách nhiệm xã hội là cơ hội để mỗi người nâng cao ý thức về mục đích tồn tại của bản thân.
- Các sự kiện trong tương lai: Việc dự đoán và theo đuổi các mục tiêu và cột mốc quan trọng trong tương lai mang lại ý niệm về định hướng, thúc đẩy ta tích cực định hình cuộc sống của mình.
- Trí tưởng tượng: Sức mạnh của trí tưởng tượng, với khả năng hình dung ra những khả năng và ước mơ vượt xa thực tế hiện tại, là nguồn sức mạnh quan trọng của Ikigai. Sự sáng tạo, đổi mới, khao khát theo đuổi những ý tưởng mới lạ mang lại cho nhiều người trong chúng ta cảm giác sống có mục đích và thỏa mãn.
Những Ikigai trên đây là cơ sở tạo nên những cảm xúc tích cực (còn được gọi trong tiếng Nhật là Ikigai-kan) như sau:
- Nhận thức về bản thân và ý chí muốn sống: Sự hiểu biết sâu sắc về bản thân, háo hức đón nhận và sống một cách trọn vẹn nhất.
- Cảm giác thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày: Sự công nhận và thỏa mãn bắt nguồn từ những niềm vui và trải nghiệm đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
- Động lực sống: Động lực thúc đẩy mỗi người tiến về phía trước, thấm nhuần ý thức về mục đích và động lực để tích cực đối mặt với những thách thức cũng như cơ hội.
- Ý thức tồn tại: Nhận thức và thừa nhận sự hiện diện cùng tầm quan trọng của bản thân trong xã hội.
- Ý thức kiểm soát: Cảm giác tự chủ và kiểm soát các lựa chọn/ hành động của mình, góp phần đảm bảo cuộc sống cân bằng và có mục đích.
Khó khăn khi tìm Ikigai
- Suy nghĩ theo cấu trúc (Silo thinking)
Một trong những cạm bẫy chính trên hành trình tìm kiếm Ikigai là lối tư duy Silo – nhìn nhận các yếu tố của cuộc sống (công việc, gia đình, đam mê) một cách rời rạc. Bản chất của Ikigai nằm ở việc nhận ra mối liên hệ giữa các khía cạnh này. Mọi thứ đều đan xen với nhau, và chúng ta cần nhận ra mối liên kết này để khám phá ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Lấy ví dụ, nếu là người yêu thích hội họa, bạn có thể tìm một công việc về thiết kế đồ họa hoặc giáo viên mỹ thuật. Bằng cách này, bạn đồng thời kết hợp niềm đam mê của mình vào công việc – biến nó thành một thứ không chỉ dừng lại ở phương tiện để trang trải (thanh toán chi phí sinh hoạt, hỗ trợ gia đình).
- Quá tập trung vào sự nghiệp
Đánh đồng Ikigai với nghề nghiệp là một lầm tưởng thường gặp khác. Mặc dù công việc là một phần của sơ đồ Ikigai, song thực tế, bạn phải mở rộng tư duy ra ngoài ranh giới nghề nghiệp. Ikigai không chỉ giới hạn ở những gì một người làm để kiếm sống – triết lý này bao phủ một phạm vi rộng hơn, gồm những gì mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống.
Ví dụ, ngoài công việc, bạn có thể dành thời gian cho các hoạt động khơi dậy niềm vui và trí tưởng tượng. Cho dù đó là vẽ tranh, chơi nhạc hay khám phá thiên nhiên, đắm mình vào những hoạt động này mang lại cho bạn niềm vui thực sự – cơ hội để bạn bộc lộ những tài năng tiềm ẩn và nuôi dưỡng ý thức về mục đích.
Trên thực tế, theo một khảo sát do Cơ quan Nghiên cứu Trung ương Nhật Bản (Central Research Services) thực hiện, chỉ 31% người được hỏi xem công việc là Ikigai của họ. Thay vào đó, họ tìm thấy giá trị của mình ở những thứ khác – gia đình, ước mơ, thực hành tâm linh, v.v…
- Coi tiền bạc là thước đo thành công
Ikigai là ý thức nội tại về một cuộc sống đáng sống – do đó, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào tình trạng tài chính. Những hành vi chân thật gợi lên Ikigai phát xuất từ các hoạt động được thúc đẩy bởi niềm đam mê và sự thỏa mãn cá nhân hơn là lợi ích tài chính.
Thay vì tìm kiếm hạnh phúc thông qua của cải vật chất hoặc sự thừa nhận từ bên ngoài, bạn hãy nuôi dưỡng cảm giác biết ơn đối với những niềm vui đơn giản làm phong phú thêm cuộc sống của mình. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, thưởng thức một bữa ăn ngon hoặc dành thời gian kết nối với những người thân yêu đều có thể khơi dậy Ikigai của bạn.
- Cứng nhắc trong suy nghĩ
Việc cố gắng TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP tìm điểm giao nhau của cả bốn yếu tố Ikigai không phải lúc nào cũng là một cách tiếp cận thực tế. Thực tế, bốn trụ cột đề cập phía trên có thể không phải lúc nào cũng giao nhau một cách hoàn hảo. Do đó, việc theo đuổi tất cả cùng một lúc sẽ khiến bạn bị “choáng ngợp” và tốn thời gian – hậu quả là kiệt sức và thất vọng.
Trong những tình huống như vậy, tốt hơn là bạn nên bắt đầu một cách có chọn lọc – ví dụ như tập trung vào những gì bạn thích làm và những gì bạn giỏi trước. Khi đã có nền tảng tốt trong các hạng mục này, bạn có thể chuyển sang khám phá những phương thức để tạo ra tác động tích cực đến thế giới và tìm kiếm một nghề nghiệp phù hợp với hệ giá trị của mình.
- Quá cầu toàn
Áp lực xã hội phải theo đuổi những mục tiêu lớn lao, đầy tham vọng là điều khiến nhiều người trong chúng ta bị “vỡ mộng”. Sự thực thì, Ikigai có thể thể hiện ở những điều rất khiêm tốn – trong những khía cạnh đơn giản và đời thường nhất của cuộc sống (ví dụ: có một gia đình yêu thương, được thỏa mãn sở thích cá nhân, v.v…).
Bạn không cần phải là người nổi tiếng hay đạt được bất kỳ thành tựu lớn nào. Miễn là bạn có thể tìm được niềm vui từ việc mình làm – đó là bạn đã sống theo Ikigai của mình rồi.
Ikigai có thể là một điều gì đó nhỏ hoặc một điều gì đó lớn lao. Sự phức tạp của Ikigai là phản ánh cho sự phức tạp (và diệu kỳ) của chính cuộc sống này.
Ken Mogi
- Bị ám ảnh với mục tiêu
Lối tư duy cổ điển của Tây phương “Tôi sẽ hạnh phúc khi…” (I’ll be happy when…) là thách thức lớn đối với những ai đang tìm cách đạt được sự thỏa mãn lâu dài. Ikigai không phải là đích đến; nó là một cuộc hành trình liên tục. Điểm mấu chốt là bạn phải luôn hiện diện ở thực tại, trân trọng những điều tầm thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, và tận hưởng hạnh phúc ngay trong chính lúc này.
- Cho là mình không có thời gian
Nhiều người trong chúng ta tin rằng mình không có đủ thời gian để bắt tay vào hành trình khám phá Ikigai. Trên thực tế, chỉ cần bớt chút một giờ dậy sớm mỗi ngày, bạn đã có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể đó!
- Bị xao nhãng và chi phối bởi lòng tham
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều thứ khiến ta mất tập trung vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống. Nhiều người lãng phí thời gian vào các hoạt động như chơi game và lướt mạng xã hội – những thứ tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Hệ quả là họ không còn nhiều cơ hội để khám phá niềm đam mê và tài năng thực sự của họ.
- Thiếu chánh niệm
Bỏ qua thực hành chánh niệm (mindfulness) và tự suy ngẫm là nguyên nhân cản trở hành trình khám phá Ikigai của nhiều người. Để thực sự nhận ra ý nghĩa cuộc sống, mỗi người cần học cách phân bổ thời gian để nghiên cứu nội tâm và hiện diện trong thời điểm hiện tại.
- Lo ngại phải bước ra ngoài vùng an toàn
Nỗi sợ hãi về những điều chưa biết là lý do khiến nhiều người không dám sẵn sàng khám phá bản thân. Chúng ta nhìn chung rất ngại khi phải bước ra ngoài vùng an toàn của mình và thử nghiệm điều gì đó chưa từng làm trước đây – ngay cả khi ta có linh cảm rằng nó phù hợp với các giá trị bên trong của mình. Bên cạnh đó, nhiều người còn lo lắng về việc người khác sẽ nghĩ gì nếu họ theo đuổi một nghề nghiệp/ con đường khác, không phù hợp với khuôn mẫu truyền thống.
- Cho rằng Ikigai chỉ có một
Nhiều người tin rằng họ chỉ có thể có một mục đích duy nhất và tối thượng trong đời này. Trên thực tế, Ikigai của bạn có thể phát triển theo thời gian – và một người có thể theo đuổi nhiều Ikigai cùng lúc, tùy vào từng giai đoạn phát triển.
Ví dụ, ở độ tuổi 20, Ikigai của bạn có thể là đi du lịch khắp thế giới và trải nghiệm những nền văn hóa mới. Tới tuổi 40, nó có thể là có gia đình êm ấm và xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Đến tuổi 60, bạn có thể sẽ tìm thấy niềm đam mê khi hướng dẫn (mentor) người khác và chia sẻ hiểu biết của mình.
- Cho rằng tuổi tác là yếu tố tác động
Niềm tin rằng chỉ những người lớn tuổi mới có thể trải nghiệm Ikigai là sai lầm lớn của nhiều bạn trẻ hiện nay. Ikigai thực tế hoàn toàn không bị giới hạn bởi tuổi tác – đúng hơn, nó có thể được khám phá ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.
- Không chịu thay đổi
Sự trì hoãn, không muốn chấp nhận thay đổi, là nguyên nhân chính cản trở sự tiến bộ. Việc dám kinh qua những trải nghiệm mới và từ bỏ thói quen xấu cũ là yêu cầu cần thiết cho quá trình phát triển cá nhân và khám phá Ikigai.
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Một số lầm tưởng về Ikigai
- Bạn không thể thay đổi Ikigai của mình
Kho báu không phải đích đến. Kho báu là cả cuộc hành trình.
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng Ikigai là một “đích đến” cố định hoặc một mục tiêu cụ thể. Trên thực tế, nó là một động lực, tập trung chính vào quá trình khám phá bản thân.
Khi cho rằng Ikigai là không thể thay đổi, đó là ta đã quên mất tính chất biến đổi không ngừng của cuộc sống – cũng như sự phát triển cá nhân. Những gì từng khơi dậy niềm đam mê 10 năm trước có thể sẽ khác với những khát vọng ở thời điểm hiện tại. Điểm mấu chốt là đảm bảo rằng hành động của bạn luôn phù hợp với các giá trị cốt lõi của bản thân, để có thể không ngừng phát triển và thích ứng.
- Ikigai nghĩa là trở nên “hoàn hảo” trong một việc gì đó
Trái ngược với lầm tưởng nêu trên, Ikigai không đồng nghĩa với việc đạt được sự hoàn hảo trong một khía cạnh cụ thể của cuộc sống – dù đó là sự nghiệp, tài năng, sự giàu có hay danh tiếng. Bản chất của Ikigai vượt qua các dấu hiệu thành công bên ngoài – nó nhấn mạnh tính phù hợp với các giá trị và niềm đam mê cá nhân. Sự thỏa mãn thực sự chỉ xuất phát từ động lực nội tại và tác động tích cực – không phải từ những nhận xét hay quan niệm bên ngoài.
Ikigai không phải là đích đến; đó là một cách sống.
- Ikigai là thứ được khám phá bên ngoài bản thân bạn
Ikigai thường bị hiểu sai như một thứ gì đó bên ngoài, một cuộc tìm kiếm bên ngoài bản thân mình. Trên thực tế, nó nằm ở bên trong – là thứ ta có thể tìm thấy qua quá trình suy ngẫm nội tâm và tự khám phá. Nó không đến từ một cuộc gặp gỡ tình cờ hay một món quà từ người khác; đúng hơn, nó là một phần của hành trình nội tâm – khi ta tự “đào sâu” vào niềm đam mê, giá trị, kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân.
Câu chuyện cuộc đời của Haruki Murakami, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật, là một ví dụ minh họa sống động. Khi còn trẻ, Murakami theo đuổi sự nghiệp âm nhạc dù không trải qua đào tạo bài bản. Mặc dù đạt được một số thành công nhất định với công việc nhạc sĩ, nhưng cuối cùng – ông nhận ra rằng niềm đam mê thực sự của mình nằm ở việc viết lách. Sau nhiều năm xem xét nội tâm và thử nghiệm, Murakami đã tìm thấy Ikigai của mình trong việc sáng tạo những câu chuyện hấp dẫn, gây tiếng vang với độc giả trên toàn thế giới.
Cuộc hành trình của Murakami là minh họa cụ thể về bản chất bên trong của Ikigai. Ông không tình cờ nhận được lời kêu gọi hay nhận nó như một món quà từ người khác. Thay vào đó, chính qua đào sâu vào niềm đam mê, giá trị và kinh nghiệm của mình, ông đã dần dần khám phá ra tiếng nói và mục đích riêng của mình.
- Ikigai là thứ có thể đạt được nhanh chóng
Quan niệm sai lầm rằng Ikigai là mục tiêu có thể đạt được mà không cần nỗ lực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất vọng và thiếu kiên nhẫn. Tìm kiếm Ikigai là một quá trình lâu dài – đòi hỏi thời gian, nỗ lực và việc không ngừng tự suy ngẫm. Trên hành trình khám phá bản thân, bạn sẽ cần luôn giữ vững sự kiên nhẫn – để có thể thực sự hiểu rõ niềm đam mê của mình và những điều đặc biệt bạn có thể đóng góp cho cộng đồng.
Đọc thêm: 22 câu chuyện thành công – Bài học về sự nỗ lực
Làm sao để tìm được Ikigai?
Xác định Ikigai đòi hỏi bạn phải sẵn sàng dành thời gian suy ngẫm, nhận thức và chấp nhận chính mình. Sau đây là các bước bạn có thể thực hiện để khởi đầu cuộc hành trình này:
Suy ngẫm về cuộc sống hiện tại
Đầu tiên, hãy suy ngẫm về những trải nghiệm trong quá khứ – và lập danh sách các hoạt động mà bạn thường xuyên làm gần đây nhất. Thành thực đánh giá xem liệu những hoạt động này có góp phần mang lại định hướng trong cuộc sống của bạn hay không – liệu chúng có đem đến niềm vui và sự hài lòng thực sự hay không.
Ví dụ:
Sarah, một nhân viên kế toán 35 tuổi, ngày càng cảm thấy không hài lòng với công việc của mình. Cô nhận thấy những công việc của mình hàng ngày cứ lặp đi lặp lại và không tạo ra cảm hứng – cũng như bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng cô có thể làm được điều gì đó đáng giá hơn. Sarah quyết định dấn thân vào cuộc hành trình khám phá Ikigai của mình.
Cô bắt đầu bằng cách suy ngẫm về tình hình hiện tại. Điều đầu tiên Sarah nhận ra – đó là cô dành phần lớn thời gian ngồi ở bàn làm việc, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Vì vậy, cô cảm thấy mất kết nối với đồng nghiệp, và công việc của cô dường như không tạo ra sự khác biệt thực sự nào.
Sau đó, Sarah thực hiện một chuyến đi ngược dòng ký ức, hồi tưởng lại những khoảnh khắc cô cảm thấy cuộc sống thực sự có mục đích và niềm vui. Cô nhận ra: mình từng rất thích làm tình nguyện viên tại trung tâm động vật bị bỏ rơi ở địa phương. Cô cũng trân trọng những kỷ niệm được hòa mình vào thiên nhiên, đi bộ đường dài, cắm trại – khi cô chỉ đơn giản là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới xung quanh mình.
Sarah lập danh sách các hoạt động cô đã tham gia gần đây. Danh sách này bao gồm công việc kế toán hiện tại, công việc tình nguyện tại trung tâm động vật bị bỏ rơi, sở thích đi bộ đường dài và cắm trại, cũng như việc cô tham gia vào một nhóm bảo tồn môi trường địa phương.
Sau đó, Sarah đánh giá từng hoạt động dựa trên các tiêu chí về niềm vui, mục đích và cơ hội ứng dụng kỹ năng cá nhân. Cô nhận ra rằng công việc kế toán mang lại cho cô rất ít niềm vui hay sự hài lòng – và cô không cảm thấy mình đang tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Ngược lại, việc tình nguyện hỗ trợ tại trại động vật, cũng như những công việc còn lại đều mang đến cho cô cảm giác vui vẻ, sống có mục đích và thỏa mãn.
Quá trình thành thật với bản thân khiến Sarah ý thức rằng: Ikigai của cô nằm ở việc giúp đỡ người khác và kết nối với thiên nhiên. Cô quyết định bắt đầu thực hiện những điều chỉnh để phù hợp với đam mê và giá trị của mình.
Hành trình khám phá Ikigai của Sarah vẫn đang tiếp diễn. Cô bắt đầu khám phá các cơ hội chuyển đổi từ nghề kế toán sang một lĩnh vực mà cô có thể tạo ra tác động trực tiếp hơn đến môi trường. Cô cũng đã tham gia một nhóm đi bộ đường dài ở địa phương và đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch bụi qua công viên quốc gia.
Chấp nhận bản thân
Hiểu rõ và chấp nhận con người thật của bạn là yêu cầu bắt buộc trong hành trình tìm kiếm Ikigai. Hãy suy ngẫm về những điểm mạnh của bạn, thừa nhận những điểm hạn chế và học cách yêu thương bản thân. Nền tảng tự nhận thức này sẽ tạo tiền đề cho việc điều chỉnh hành động của bạn phù hợp với con người thật của mình.
Xác định bốn yếu tố ikigai
Define the components of your Ikigai by answering crucial questions:
Bước tiếp theo là xác định các thành phần của Ikigai – bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây:
- Bạn yêu thích điều gì?
Bạn có thích dành thời gian với thiên nhiên? Bạn có thích theo đuổi những hoạt động sáng tạo như viết lách, hội họa hay âm nhạc không? Bạn có thấy hài lòng khi giúp đỡ người khác không? Hãy suy ngẫm về những hoạt động mang lại cho bạn niềm vui và hứng thú – điều khiến bạn quên mất ý niệm về thời gian và dồn toàn bộ sự nhiệt tình của mình vào.
- Bạn giỏi ở lĩnh vực nào?
Bạn đã xuất sắc ở điểm gì ở trường phổ thông hoặc trường đại học? Bạn có bất kỳ chứng chỉ hoặc bằng cấp nào thể hiện chuyên môn của mình không?
Bạn đã học được gì qua công việc, sở thích hoặc kinh nghiệm tình nguyện của mình? Có kỹ năng cụ thể nào mà bạn liên tục nhận được lời khen ngợi hoặc công nhận từ người khác không?
Bạn đã từng theo đuổi điều gì chỉ vì tò mò hay đam mê? Bạn có được kỹ năng hay tài năng nào thông qua việc tự học hoặc khám phá bản thân không?
Liệt kê ra danh sách các kỹ năng/ năng khiếu cá nhân được phát triển thông qua giáo dục, kinh nghiệm hoặc sở thích cá nhân. Lấy điểm mạnh bản thân làm nền tảng là chìa khóa để khám phá Ikigai của bạn.
- Thế giới cần gì từ bạn?
Bạn tin tưởng vào điều gì? Những điều khiến bạn quan tâm trong cuộc sống là gì? Xem xét lại các giá trị và nguyên tắc hành động của bạn – cũng như các vấn đề/nhu cầu mà bạn đam mê giải quyết. Điều này sẽ cung cấp một “kim chỉ nam” cho Ikigai của bạn. Tìm hiểu về các tổ chức, sáng kiến hoặc cộng đồng phù hợp với giá trị của bạn – nơi bạn có thể ứng dụng các kỹ năng của mình để mang lại những đóng góp có ý nghĩa.
- Bạn có thể được trả tiền cho việc gì?
Cuối cùng, hãy phân tích những lĩnh vực mà kỹ năng và niềm đam mê của bạn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Nghiên cứu các ngành, nghề hoặc cơ hội việc làm tự do (freelance) phù hợp với chuyên môn và sở thích bản thân. Ngoài ra, hãy kết nối với những cá nhân có chung sở thích và đam mê với bạn và tìm kiếm lời khuyên của họ về con đường sự nghiệp/ cơ hội kinh doanh cho bạn.
Hình dung điểm giao thoa
Bạn có thể tự hình dung (visualize) trong đầu – hoặc vẽ ra giấy sơ đồ giao thoa giữa bốn yếu tố Ikigai của mình. Việc hình ảnh hóa giúp đảm bảo sự minh bạch – cũng như đóng vai trò như một lời nhắc nhở liên tục về mục đích của bạn. Dù là thông qua sơ đồ, bảng tầm nhìn (vision board) hay tuyên bố bằng văn bản, hãy thể hiện cách trực quan nhất sự hội tụ của những gì bạn yêu thích, những gì bạn giỏi, những gì thế giới cần và những gì bạn có thể kiếm sống được từ đó.
Ví dụ:
Emily, chuyên gia thiết kế đồ họa 28 tuổi, luôn nhận thấy mình có mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên và niềm đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, cô cảm thấy không hài lòng với công việc thiết kế logo công ty và tài liệu marketing hiện tại – rằng nó không phù hợp với giá trị cũng như sở thích cá nhân của cô.
Bước 1: Xác định đam mê
Emily quyết định dấn thân vào cuộc hành trình khám phá Ikigai. Đầu tiên, cô suy ngẫm về những hoạt động mang lại cho cô niềm vui và hứng thú. Cô nhận ra rằng mình đã có những khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi ở ngoài trời, đi bộ đường dài trên núi, cắm trại dưới bầu trời đầy sao, hay chỉ đơn giản là đi dạo trong công viên. Cô cũng cảm thấy vô cùng hài lòng khi được sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và vẽ – những hoạt động này cho phép cô thể hiện khả năng sáng tạo và truyền tải cảm xúc của mình.
Bước 2: Nhận thức về kỹ năng và năng khiếu bản thân
Emily cân nhắc về trình độ học vấn, kinh nghiệm và sở thích cá nhân của mình. Cô luôn xuất sắc trong các lớp học nghệ thuật trong suốt những năm đi học – và đã giành được một số giải thưởng cho các bức tranh và bản vẽ của mình. Cô cũng có kiến thức nền tảng vững chắc về thiết kế đồ họa, điều này cho phép cô kết hợp tài năng nghệ thuật của mình với kiến thức chuyên môn.
Bước 3: Tìm hiểu nhu cầu của thế giới
Emily xem xét các giá trị và nguyên tắc của mình. Cô quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn môi trường, cũng như tin tưởng vào sức mạnh của nghệ thuật trong việc giáo dục và truyền cảm hứng. Cô muốn sử dụng các kỹ năng và niềm đam mê của mình để tạo ra tác động tích cực đến thế giới và kết nối mọi người với thiên nhiên thông qua nghệ thuật.
Bước 4: Khám phá cơ hội thị trường
Emily nghiên cứu các ngành nghề và cơ hội làm việc tự do phù hợp với sở thích và chuyên môn của cô. Cô nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về thiết kế bền vững và xây dựng thương hiệu thân thiện với môi trường – cũng như cơ hội sáng tạo nghệ thuật cho các tổ chức môi trường và các ấn phẩm về chủ đề thiên nhiên.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Emily phác thảo một sơ đồ hình ảnh trực quan về Ikigai của mình bằng cách sử dụng bảng tầm nhìn. Cô bắt đầu chuyển sang một con đường sự nghiệp viên mãn hơn, kết hợp kỹ năng thiết kế đồ họa với niềm đam mê bảo tồn môi trường. Cô cũng tích cực tham gia sáng tạo nghệ thuật cho các tổ chức môi trường địa phương – thậm chí còn bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ của riêng mình là bán các bản in và thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên.
Tìm kiếm cảm hứng từ người khác
Bạn có thể tìm cảm hứng từ những cá nhân đã thành công trong việc theo đuổi niềm đam mê của mình. Đọc sách, xem phim tài liệu hoặc tham dự các sự kiện/buổi nói chuyện liên quan đến sở thích của bạn. Học hỏi từ trải nghiệm của người khác sẽ góp phần làm sáng tỏ những cơ hội và hiểu biết có giá trị về Ikigai của riêng bạn.
Thử nghiệm những cơ hội mới
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bạn và thử nghiệm các hoạt động, sở thích mới hoặc tham gia tình nguyện. Hành trình khám phá bản thân đòi hỏi bạn không được sợ thất bại. Việc trải qua những trải nghiệm mới sẽ mang lại cho bạn cơ hội để có được những kết nối mới – qua đó khám phá niềm đam mê thực sự của mình.
Nếu lúc đầu bạn không thành công, hãy thử, thử lại lần nữa.
Tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn
Cuối cùng, hãy đảm bảo bạn luôn được bao quanh bởi một cộng đồng hỗ trợ, khuyến khích hành trình khám phá của bạn. Tìm kiếm sự hướng dẫn từ các mentor, coach hoặc những người có cùng chí hướng, có thể đưa ra phản hồi tích cực và hỗ trợ có giá trị.
Quy tắc thực hành Ikigai
- Thay đổi dần dần, từng tí một
Nếu bạn thấy mình bế tắc và khó thay đổi, hãy thử thêm một số điều mới vào cuộc sống của mình: một sở thích mới, mối quan hệ bạn bè mới hoặc một công việc mới.
Hector Garcia
Đối với người mới bắt đầu, hãy bắt đầu cuộc hành trình bằng cách kết hợp những thay đổi nhỏ vào cuộc sống. Dù đó là việc thức dậy sớm hơn một giờ hay thay đổi lịch trình hàng ngày vừa đủ để có thể làm những gì bạn thích, những điều chỉnh nhỏ như vậy cuối cùng sẽ trở thành thói quen và dẫn đến những biến đổi sâu sắc về sau.
- Thực hành triết lý Kodawari
Tôi khuyên bạn nên thử áp dụng triết lý Kodawari (拘り hoặc こだわり – tạm dịch là ‘tận tụy’), với trọng tâm là không ngừng theo đuổi sự trau chuốt và tỉ mỉ trong công việc. Hãy làm từ từ với ý thức rằng, sự vĩ đại có thể đạt được thông qua việc siêng năng, kiên nhẫn và chú ý đến từng chi tiết. Nắm bắt hành trình từng bước một, đồng thời không ngừng nỗ lực cải tiến (Kaizen – 改善) và đổi mới.
- Giải phóng những kỳ vọng và đón nhận sự tự do nội tâm
Hãy tập giải phóng bản thân khỏi những kỳ vọng và phán xét đối với chính mình cũng như người khác. Trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn tỏ ra tích cực, ngạc nhiên, tò mò và vui vẻ như trẻ thơ. Đón nhận khoảnh khắc hiện tại với sự cởi mở, háo hức khám phá những cuộc phiêu lưu mới mà không phải bị gánh nặng bởi những hối tiếc về quá khứ hay lo lắng về tương lai.
- Ưu tiên chăm sóc sức khỏe
Kết hợp các thói quen lành mạnh vào lối sống hằng ngày, bao gồm tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống cân bằng. Tôi khuyên bạn nên áp dụng nguyên tắc ‘hara hachi bu’ của người Nhật, theo đó, hãy luôn điều độ trong ăn uống và chỉ ăn cho đến khi đã no khoảng 80%.
- Tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhặt
Một trong những triết lý sống nổi bật của người Nhật là Ichi-go ichi-e (一期一会, nghĩa là “một lần, một cuộc gặp”). Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta là duy nhất và không bao giờ xảy ra thêm lần nữa; vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải học cách trân trọng và nâng niu từng giây phút tồn tại trên mặt đất này.
Bạn nên trân trọng những niềm vui đơn giản và những khoảnh khắc cảm động trong cuộc sống. Suy ngẫm về các hoạt động hàng ngày của bạn. Xác định điều gì mang lại cho bạn niềm vui đích thực – để từ đó tập trung nâng cao những trải nghiệm đó. Đồng thời, hãy luôn nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với tài năng, các mối quan hệ và vẻ đẹp xung quanh bạn.
Ví dụ, thay vì ăn uống vô tâm, hãy ăn một cách từ từ để có thời gian thưởng thức hương vị, kết cấu và mùi thơm của món ăn. Chú ý đến các nguyên liệu, phương pháp nấu ăn được sử dụng và công sức chuẩn bị cho bữa ăn. Thể hiện thái độ trân trọng đối với kỹ năng và sự cống hiến của những người đã nuôi tròng, vận chuyển và chuẩn bị bữa ăn cho bạn.
- Thực hành chánh niệm (mindfulness)
Bạn có thể thực hành chánh niệm bằng cách luôn cố gắng sống trong thời điểm hiện tại. Thường xuyên suy ngẫm để thấu hiểu cảm xúc, trải nghiệm và nguyện vọng của bạn. Thực hành thiền sẽ giúp bạn phát triển trực giác, nâng cao khả năng tự nhận thức và phát triển mối liên hệ sâu sắc hơn với nội tâm.
- Luôn hoạt động
Duy trì lối sống năng động, tránh đừng bao giờ để mình rơi vào tâm lý “nghỉ hưu”. Bạn có thể lập danh sách checklist hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm để giữ cho bản thân luôn ý thức và có động lực. Tôi khuyến nghị bạn có thể thực hành theo phương pháp “câu hỏi hàng ngày” (daily question) của TS. Marshall Goldsmith – để góp phần nâng cao trách nhiệm và giữ kết nối với mục đích bản thân.
- Tìm kiếm vẻ đẹp từ sự không hoàn hảo
Một trong những nét thẩm mỹ của văn hóa Nhật Bản là triết lý wabi sabi – ám chỉ việc tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, vô thường và đơn giản. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát và thể hiện thái độ trân trọng với những khía cạnh không hoàn hảo của cuộc sống.
- Nuôi dưỡng kết nối với người khác
Ý thức cộng đồng là thành phần rất quan trọng của Ikigai. Bạn hãy dành thời gian chia sẻ niềm đam mê của bạn và tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa – không chỉ về mục tiêu, mà còn cả những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc tìm một đối tác trách nhiệm giải trình (accountability partner) để cùng chia sẻ hành trình với bạn.
- Trân quý sự hài hòa và bền vững
Trọng tâm chính của triết lý Ikigai là cố gắng đạt được sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống của bạn, tôn trọng cả thiên nhiên và xã hội. Hãy luôn thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề môi trường xã hội và tự nhiên, đồng thời điều chỉnh hành động hàng ngày để đảm bảo duy trì sự hòa hợp với môi trường xung quanh.
- Tham gia các hoạt động cộng đồng
Đừng bao giờ để bản thân bị cô lập – trái lại, hãy tích cực dành thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng. Cố gắng nuôi dưỡng mối liên kết với mọi người – đó sẽ là cơ hội để bạn hấp thụ và trao đổi năng lượng tích cực.
Những người cô lập bản thân không thể có ikigai. Ý nghĩa và mục đích cuộc sống chỉ có thể tìm thấy trong các mối quan hệ giữa người với người.
Tatsuzō Ishikawa
Các công cụ hỗ trợ khám phá Ikigai
Worksheets:
- Bảng tính & template mẫu – nguồn: PositivePsychology.com.
- Ikigai Worksheet, bao gồm các khuôn khổ từ chuyên gia nghiên cứu của Nhật Bản, Kamiya Mieko và Giáo sư Akihiro Hasegawa (nguồn: Ikigai Kan).
- Bảng tính & Biểu đồ Ikigai.
Test & quizz:
- IKIGAI Test trực tuyến miễn phí.
- Bảng câu hỏi Ikigai – Online test.
Bài tập: Các bài thực hành như viết nhật ký, thiền có hướng dẫn và các hoạt động sáng tạo (vẽ tranh, ca hát, v.v.) là cơ hội kích thích trí tưởng tượng và gắn kết với niềm đam mê và giá trị của bạn – điều rất quan trọng để khám phá Ikigai bản thân.
Ứng dụng triết lý Ikigai trong quản lý doanh nghiệp
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh năng động hiện nay, việc thực hành và phát huy triết lý Ikigai có ý nghĩa rất quan trọng với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh – hướng đến ý nghĩa, mục đích và hạnh phúc cá nhân. Dưới đây là cách các doanh nghiệp có thể tích hợp các nguyên tắc Ikigai để nâng cao năng suất, sự gắn kết nội bộ và thành công lâu dài:
- Khuyến khích tự khám phá và suy ngẫm
Doanh nghiệp cần khuyến khích nhân viên dành thời gian khám phá bản thân – bao gồm niềm đam mê, kỹ năng, giá trị và khát vọng của họ. Các hoạt động như tổ chức hội thảo hoặc các buổi life coaching sẽ tạo điều kiện cho phép các thành viên nhận thức rõ những điểm mạnh cũng như sở thích riêng của họ.
- Thống nhất Ikigai cá nhân phù hợp với mục tiêu của tổ chức
Tiếp theo, doanh nghiệp cần tạo sự kết nối liền mạch giữa Ikigai cá nhân của nhân viên với sứ mệnh và mục tiêu rộng lớn hơn của tổ chức. Sự liên kết này mang lại ý thức sâu sắc về mục đích, khuyến khích mọi người coi những đóng góp của họ là một phần không thể thiếu đối với thành công chung của công ty. Về phương diện này, doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình học tập và phát triển (L&D) nhằm tạo cơ hội cho nhân viên tiếp thu các kỹ năng mới và khám phá các lĩnh vực họ quan tâm.
- Tuyên dương thành tích cá nhân và tập thể
Việc ghi nhận và tôn vinh thành tựu của cả cá nhân và đội nhóm không chỉ nâng cao tinh thần các thành viên – mà còn củng cố niềm tin rằng mọi đóng góp, dù nhỏ đến đâu, đều đóng một vai trò quan trọng đối với thành công chung của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy cân bằng công việc – cuộc sống
Doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work life balance) trong việc nuôi dưỡng một môi trường làm việc phát triển bền vững. Hãy khuyến khích nhân viên của bạn duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa trách nhiệm nghề nghiệp và mục tiêu cá nhân. Xem xét việc triển khai các cơ chế làm việc linh hoạt như remote work, các chương trình phúc lợi và hỗ trợ sức khỏe tâm thần để nhấn mạnh cam kết của tổ chức đối với sứ mệnh phát triển con người toàn diện.
- Lãnh đạo nêu gương
Lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò tối quan trọng giúp định hình văn hóa tổ chức. Ở cương vị của mình, nhà quản lý nên học cách nêu gương các nguyên tắc của Ikigai trong công việc, thể hiện niềm đam mê, mục đích và cam kết đối với thành công của công ty. Cho thấy sự liên kết giữa các giá trị cá nhân và mục tiêu của tổ chức là cách để truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn đội nhóm.
- Xây dựng văn hóa hợp tác và hòa nhập
Doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng một nền văn hóa hợp tác và hòa nhập, nơi những tài năng và quan điểm khác biệt luôn được đánh giá cao. Khuyến khích giao tiếp cởi mở, chia sẻ ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Một môi trường như vậy sẽ mang lại cảm giác thân thuộc và có mục đích, góp phần vào trải nghiệm Ikigai tổng thể.
- Trao quyền cho nhân viên đổi mới
Thúc đẩy văn hóa đổi mới bằng cách trao quyền cho các thành viên trong nhóm khám phá những ý tưởng và phương pháp tiếp cận mới. Tạo cơ hội cho họ thử nghiệm và giải quyết vấn đề theo những cách sáng tạo. Việc cho phép mọi người đóng góp vào quá trình đổi mới phù hợp với các nguyên tắc của Ikigai – vì nó góp phần khơi dậy sự tò mò tự nhiên và mong muốn đóng góp có ý nghĩa của họ.
- Học hỏi & phát triển liên tục
Đầu tư vào các cơ hội học tập và phát triển cho nhân viên. Hỗ trợ họ tiếp thu các kỹ năng mới và mở rộng nền tảng kiến thức. Cam kết tăng trưởng liên tục phù hợp với nguyên tắc cải tiến liên tục – giúp gia tăng sự hài lòng và gắn kết trong công việc.
Đọc thêm: Gaman (Ngã mạn – 我慢) – Triết lý đằng sau năng lực bền bỉ của người Nhật
Video về Ikigai
Nguồn: YouTube TS. Jack Canfield
Tim Tamashiro | TEDx Talks
TS. Ken Mogi: Đi tìm mục đích sống – 5 trụ cột của Ikigai
Phỏng vấn một số người lớn tuổi tại Nhật Bản
Danh ngôn về Ikigai
Điều con người thực sự cần không phải là trạng thái không căng thẳng – mà là sự phấn đấu và đấu tranh không ngừng cho một mục tiêu xứng đáng với mình.
Viktor Frankl
Ở phương Tây, ikigai thường được sử dụng như một sơ đồ tìm kiếm nghề nghiệp. Ở Nhật Bản, nó là một phong cách sống.
Roger Spitz
Ikigai biến tất cả chúng ta thành các cậu bé Peter Pan.
Ken Mogi
Và không có tình yêu nào lớn hơn việc trao cho con người ikigai của họ.
Mieko Kamiya
Chỉ bằng cách duy trì hoạt động mới khiến bạn muốn sống lâu trăm tuổi.
Ngạn ngữ Nhật Bản
Ikigai có thể được định nghĩa là “cảm giác đang sống ở hiện tại, ý thức về động cơ để sống”.
Aikihiro Hasegawa
Hành trình khám phá Ikigai không phải là tìm kiếm câu trả lời; mà là đặt những câu hỏi khôn ngoan.
Khuyết danh
Người hạnh phúc nhất không phải là người đạt được nhiều thành tựu nhất. Họ là những người dành nhiều thời gian hơn những người khác trong trạng thái trôi.
García & Miralles
Chìa khóa của ikigai là nó khiến cuộc sống thực sự có giá trị. Đó là lúc bạn cảm thấy “Thật tốt khi mình vẫn còn sống!”
Gordon Mathews
Sách về Ikigai
- “Ikigai – Đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng” (Héctor García và Francesc Miralles)
Được đánh giá là tác phẩm “kinh điển” về ikigai, sách đi sâu vào nghiên cứu bí quyết tìm kiếm mục đích và niềm vui trong cuộc sống của người Nhật. Nội dung chính của sách là chia sẻ kinh nghiệm của những người sống trăm tuổi ở Okinawa – cũng như cung cấp các bài tập thực tế để người đọc khám phá và nắm bắt “lý do tồn tại” của chính họ.
- “Ikigai for Leaders and Organisations” (Frank Brueck)
Ấn phẩm này mở rộng khái niệm Ikigai sang lĩnh vực lãnh đạo và văn hóa tổ chức. Trong đó, tác giả tập trung khám phá cách các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp có thể tích hợp các nguyên tắc Ikigai để nuôi dưỡng niềm đam mê và mục đích trong công việc của họ.
- “Ikigai – Chất Nhật trong từng khoảnh khắc” (Yukari Mitsuhashi)
Tác phẩm mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày của những cá nhân thể hiện bản chất của Ikigai. Nội dung sách đề cập đến các khía cạnh như công việc, giải trí, các mối quan hệ và sức khỏe – qua đó, tác giả minh họa phương thức người Nhật tìm thấy niềm vui và lòng biết ơn trong những điều bình thường mỗi ngày.
Với ấn phẩm của mình, Tamashiro đưa ra một cách tiếp cận đơn giản để khám phá và nắm bắt Ikigai của một người. Lấy cảm hứng từ kinh nghiệm cá nhân và các cuộc phỏng vấn với nhiều người Nhật, sách cung cấp những bài học thực tế về việc tìm kiếm hạnh phúc và mục đích sống – cũng như khám phá mối liên hệ giữa Ikigai và hạnh phúc tài chính, phương pháp đạt được sự cân bằng hài hòa trong cuộc sống.
Cuốn sách của Ken Mogi đi sâu vào các khía cạnh khoa học và tâm lý của Ikigai, khám phá cách nó tác động đến hạnh phúc và năng lực sáng tạo. Trong đó, tác giả giới thiệu năm trụ cột chính của Ikigai: bắt đầu từ việc nhỏ, giải phóng bản thân, hòa hợp và bền vững, tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhặt và luôn hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại.
Ikigai Podcast
- The Ikigai Podcast – Nick Kemp.
- Ikigai with Jennifer Shinkai.
- Ikigai Stories – Sam Ushio.
Lời kết
Ikigai là động lực hướng dẫn mạnh mẽ để mỗi người có được một cuộc sống trọn vẹn. Việc tiếp thu và thực hành triết lý sống này sẽ cho phép chúng ta vượt lên những khó khăn của thế giới hiện đại với một ý thức định hướng mới, sẵn sàng theo đuổi những gì thực sự quan trọng với mình.
Có thể bạn quan tâm:
- 50 ý tưởng bucket list: Đi tìm niềm sống mỗi ngày
- Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng thành công lâu dài & bền vững
- Shikata ga nai (仕方がない): Nghệ thuật buông bỏ & tìm kiếm bình an nội tâm
- Lối sống khắc kỷ (Stoicism): 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu
- Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!