Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng thành công lâu dài & bền vững

self leadership
Trang chủ » Tự nhận thức » Phát triển cá nhân » Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng thành công lâu dài & bền vững

Chi tiết về nghệ thuật lãnh đạo bản thân (self-leadership), tầm quan trọng & các phương pháp thực hành nhằm giúp bạn đọc thấu hiểu chính mình, phát huy năng lực cá nhân và có một cuộc sống trọn vẹn hơn.

Dù mục tiêu của bạn là phát triển trong sự nghiệp, xây dựng các mối quan hệ, hay chỉ đơn giản là thấu hiểu thế giới nội tâm, kỹ năng lãnh đạo bản thân luôn là thành tố quan trọng trong việc vượt qua giới hạn cá nhân và mang lại thành công trong cuộc sống. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng khám phá một số nguyên tắc cốt lõi của việc quản trị chính mình, cùng những phương pháp thực hành để trau dồi và rèn luyện năng lực thiết yếu này mỗi ngày.

Tóm tắt ý chính

  • Self-leadership là khả năng thấu hiểu chính mình, đặt ra mục tiêu và hành động để vượt qua thử thách và biến chúng thành hiện thực. Trọng tâm của nó là xây dựng tầm nhìn và vạch ra lộ trình phát triển – không giống như khái niệm quản trị bản thân (self-management) chủ yếu xoay quanh việc làm sao để hướng tới đích đến.
  • Năng lực lãnh đạo bản thân là yêu cầu cần thiết cho sự phát triển cá nhân, nuôi dưỡng các mối quan hệ bền chặt, mang lại hạnh phúc tổng thể và sự mãn nguyện trong cuộc sống.
  • Việc phát triển kỹ năng này là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải nỗ lực và học hỏi không ngừng từ các mentor/ người có kinh nghiệm hơn.
  • Để trở thành chuyên gia lãnh đạo bản thân, chúng ta có thể áp dụng nhiều chiến lược khác nhau – bao gồm trau dồi khả năng tự nhận thức, đặt mục tiêu SMART, quản lý thời gian và phát huy động lực bên trong thông qua các kỹ thuật như khẳng định tích cực.

Lãnh đạo bản thân là gì?

Thuật ngữ lãnh đạo bản thân (self-leadership) đề cập đến khả năng chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình. Đó là việc hiểu rõ các giá trị, điểm mạnh và điểm yếu cá nhân – trên cơ sở đó đặt ra mục tiêu phát triển, xây dựng lộ trình hướng tới những mục đích đó, và cuối cùng là lập kế hoạch hành động để biến chúng thành hiện thực.

Tổng hợp một số đặc điểm chính của người biết tự lãnh đạo chính mình:

  • Tự nhận thức: Biết rõ hệ giá trị, điểm mạnh, điểm yếu, động lực và động cơ hành động của mình.
  • Tự điều chỉnh: Biết quản lý cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.
  • Chính trực & Xác thực: Sống phù hợp với các giá trị và niềm tin cá nhân.
  • Đặt mục tiêu & lập kế hoạch: Xác định các mục tiêu rõ ràng, cụ thể và có thể đạt được, phù hợp với giá trị riêng của mình.
  • Tự tạo & duy trì động lực: Biết cách để luôn tập trung, đầy cảm hứng và năng lượng hành động – thông qua các kỹ thuật như tự khen thưởng, độc thoại hoặc visualization.
  • Kỷ luật tự giác: Tuân thủ các cam kết đã đề ra, dù gặp phải khó khăn như thế nào.
  • Tự chủ: Tin tưởng vào khả năng của chính mình, không bị ảnh hưởng bởi sự nghi ngờ, sợ hãi và lo lắng.
  • Resilience: Nhanh chóng đứng dậy sau thất bại và học hỏi từ sai lầm.
  • Khả năng thích ứng: Sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch và cách tiếp cận dựa theo những thay đổi của hoàn cảnh thực tế.
  • Cải tiến liên tục: Luôn tìm cách học hỏi và phát triển thông qua phản hồi, suy ngẫm về trải nghiệm đã qua và áp dụng kiến ​​thức vào thực tế bất cứ khi nào có thể.

lãnh đạo bản thân

Nội dung của kỹ năng lãnh đạo quản lý bản thân

Ví dụ về lãnh đạo bản thân

Kỹ năng lãnh đạo bản thân có thể được quan sát thấy ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như:

Phát triển cá nhân

  • Thói quen buổi sáng: Thức dậy sớm, tập thể dục và thiền định, qua đó có thể bắt đầu ngày mới với sự tập trung và định hướng rõ ràng.
  • Học tập kỹ năng mới: Tham gia các khóa học trực tuyến, hoặc đọc sách về một chủ đề mình quan tâm.
  • Vượt qua nỗi sợ hãi: Tham gia câu lạc bộ Toastmasters hoặc tình nguyện thuyết trình tại nơi làm việc để học cách chinh phục nỗi sợ khi nói chuyện trước đám đông.
  • Xác định điểm yếu cá nhân: Nhận ra rằng bạn đang gặp khó khăn với một vấn đề về hành vi (ví dụ: hay lề mề) và quyết định đặt mục tiêu thay đổi nó mỗi ngày.
  • Suy ngẫm về những trải nghiệm quá khứ: Hồi tưởng lại những thất bại/ khó khăn đã qua (ví dụ: trượt bài kiểm tra/mất khách hàng), rút ​​ra bài học và thử nghiệm lại lần nữa – thay vì bỏ cuộc hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh/ người khác.
  • Trân quý bản thân: Tập trung vào việc hoàn thiện chính mình thay vì tự ti/ tự phê bình.

Công việc

  • Bắt đầu một dự án mới: Xác định một vấn đề trong tổ chức/ doanh nghiệp, đề xuất giải pháp và tiến hành thực hiện.
  • Nói không với công việc bổ sung: Thừa nhận giới hạn năng lực cá nhân, sẵn sàng từ chối một cách lịch sự các dự án/ công việc có thể ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc hạnh phúc của bạn.
  • Phản hồi mang tính xây dựng: Chia sẻ với đồng nghiệp những góp ý cụ thể và thiết thực, ngay cả khi điều đó có thể khiến đối phương cảm thấy không thoải mái.
  • Chịu trách nhiệm: Thừa nhận sai sót của bản thân, học hỏi từ đó và lên kế hoạch rút kinh nghiệm để ngăn ngừa tái phạm.

Quan hệ xã hội

  • Thiết lập ranh giới lành mạnh: Thể hiện nhu cầu bản thân một cách rõ ràng và tôn trọng trong các tương tác hằng ngày.
  • Tích cực lắng nghe người khác: Chú tâm hoàn toàn khi hội thoại, đặt câu hỏi làm rõ và thể hiện sự quan tâm thực sự đến quan điểm của đối phương.
  • Hỗ trợ và động viên: Là trụ cột sức mạnh cho những người thân yêu những khi khó khăn.
  • Chủ động trong các hoạt động lập kế hoạch: Đề xuất ý tưởng, tổ chức đi chơi, tích cực tham gia tạo ra những trải nghiệm chung.

Sức khỏe tổng thể

  • Thực hành chánh niệm: Thực hành các bài tập thiền/ thở sâu để giúp kiểm soát căng thẳng và duy trì cân bằng cảm xúc.
  • Theo đuổi đam mê và sở thích: Tham gia vào các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh/chơi đàn guitar, dù những hoạt động này có thể không liên quan trực tiếp đến công việc/ việc học.
  • Xây dựng lịch trình nghỉ ngơi lành mạnh: Ưu tiên nghỉ ngơi đầy đủ và tuân thủ lịch trình đã định sẵn, ngay cả vào cuối tuần.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Ý thức chọn lựa những gì nên ăn, bổ sung thực phẩm bổ dưỡng vào chế độ hằng ngày.
  • Có cơ chế đối phó lành mạnh: Quản lý căng thẳng thông qua các hoạt động như tập thể dục, chánh niệm hoặc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên.
  • Kết nối với những người thân yêu: Nuôi dưỡng các kết nối xã hội bằng cách lên lịch gặp gỡ thường xuyên, tham dự sự kiện và duy trì các tương tác có ý nghĩa.

quản trị bản thân

So sánh giữa lãnh đạo & quản trị bản thân

Tuy lãnh đạo (self-leadership) và quản lý bản thân (self-management) đều rất quan trọng cho sự phát triển cá nhân, giữa hai khái niệm này có một số điểm khác biệt nhất định.

Lãnh đạo bản thân tập trung vào việc thiết lập tầm nhìn, giá trị và chiến lược cá nhân, cũng như điều chỉnh hành vi và hiệu suất cho phù hợp. Trong khi đó, quản trị bản thân là một phần nhỏ trong đó – với trọng tâm là vào các khía cạnh hoạt động và chiến lược để đạt được mục tiêu đề ra. Nói cách khác, đó là việc kiểm soát và điều hướng hành động, cảm xúc, suy nghĩ dựa trên cơ sở mục tiêu và tiêu chuẩn cá nhân.

Self-leadership nhằm mục đích cải thiện kỹ năng, năng lực và kết quả – để có thể hiện thực hóa tương lai bạn mong muốn. Còn với self-management, nội dung chính là duy trì hiệu suất và năng lực hiện tại, không bị ảnh hưởng những phiền nhiễu, cám dỗ và trở ngại.

Chúng ta có thể coi việc quản lý bản thân giống như lái xe theo một lộ trình đã định sẵn. Trong quá trình này, bạn có thể thay đổi tốc độ và mức tiêu thụ nhiên liệu – song đích đến thì vẫn chỉ có một. Ngược lại, lãnh đạo bản thân xoay quanh việc lựa chọn điểm đến, lập kế hoạch lộ trình và thực hiện điều chỉnh nhanh chóng khi cần thiết. Vai trò của bạn là “người lái xe”, “hoa tiêu” và “thợ máy” – tất cả trong một.

Dưới đây là bảng phân tích chi tiết hơn về sự khác biệt giữa hai khái niệm nêu trên:

Phương diệnSelf-leadership
Self-management
Trọng tâmThay đổi, tầm nhìn và tăng trưởng
Công việc cụ thể & hiệu quả đạt được
Cách tiếp cậnChủ động, có chiến lược và sáng tạo
Dựa trên hoạt động và thực tế
Động cơ & Định hướngCác yếu tố bên trong (ví dụ: sự phát triển cá nhân, mục đích và sự thỏa mãn)
Các yếu tố bên ngoài (ví dụ: thời hạn, phần thưởng, hậu quả nếu không hành động)
Quyền tự chủLớnThấp hơn
Phạm viBao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống: phát triển cá nhân, sự nghiệp, các mối quan hệ và hạnh phúc
Chủ yếu tập trung vào việc quản lý công việc và nguồn lực cụ thể trong bối cảnh xác định
Mục tiêuTự mình đặt ra
Có thể do người khác thiết lập
Ví dụDự án cá nhân, vượt qua thử thách
Quản lý thời gian, danh sách việc cần làm

Tại sao phảI lãnh đạo bản thân?

Lãnh đạo bản thân là cốt lõi của quản trị và làm chủ cuộc đời.

Gary Ryan Blair

Lãnh đạo bản thân là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, mang lại nhiều lợi ích trên mọi khía cạnh của cuộc sống như:

  • Tăng cường tự nhận thức

Việc học hỏi năng lực này đòi hỏi mỗi người phải trau dồi nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị, điểm mạnh và điểm yếu cá nhân – qua đó mang lại nền tảng cho việc ra quyết định và phát triển bản thân tốt hơn. Chúng ta trở thành người chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị quan và định hình con đường phát triển hướng đến một cuộc sống đích thực, có mục đích và trọn vẹn hơn.

  • Nâng cao hiệu suất và tinh thần tự giác

Bạn trở nên ít phụ thuộc hơn vào các động lực bên ngoài – tự tin hơn trong việc đặt ra các mục tiêu tham vọng và vượt qua thử thách dựa trên động lực nội tại. Trong công việc, bạn học cách tự chủ, quản lý thời gian hiệu quả và hoàn thành trách nhiệm với chất lượng tốt nhất có thể. Thất bại giờ đây không còn quá đáng sợ – vì bạn đã kiên cường và mạnh mẽ hơn trong việc thích nghi với thay đổi của hoàn cảnh.

  • Thăng tiến nghề nghiệp

Nghiên cứu của McKinsey đã cho thấy, lãnh đạo bản thân là một trong những năng lực quan trọng cần có cho công việc trong tương lai – đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, làm việc từ xa, v.v… đang không ngừng “triển nở”. Khả năng chủ động, tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy chính mình sẽ mở đường cho sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp – cũng như biến bạn thành một người có tinh thần học hỏi, không ngừng tìm cách mở rộng kiến ​​thức và hoàn thiện kỹ năng.

  • Nuôi dưỡng tiềm năng lãnh đạo

Không ai có thể lãnh đạo người khác nếu họ không biết cách lãnh đạo chính mình.

Andrew Bryant

Lãnh đạo bản thân là nền tảng của quản trị, khiến bạn trở thành hình mẫu truyền cảm hứng và khuyến khích người khác thông qua sự chủ động, trách nhiệm và tầm nhìn rõ ràng. Chưa kể, nó còn cho phép bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt dựa trên các giá trị và mục tiêu chung, dẫn đến kết quả tốt hơn cho bản thân và đội nhóm.

Một nghiên cứu khác của McKinsey đã tiết lộ rằng, chi phí hàng năm của các tổ chức có thể lên tới 160.000 đô la mỗi năm nếu không đầu tư vào việc hoàn thiện năng lực này của đội ngũ lãnh đạo. Trong bối cảnh thế giới kinh doanh ngày càng năng động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, hơn bao giờ hết – lãnh đạo bản thân cần trở thành một khía cạnh không thể thiếu trong các chương trình đào tạo & phát triển.

  • Cải thiện sức khỏe

Một lợi ích đáng kể khác cần kể đến là khả năng nâng cao sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Việc nhận thức và quản lý tốt hành vi/ cảm xúc giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trước áp lực, nuôi dưỡng tình yêu chính mình và sự mãn nguyện. Ta trở nên tin tưởng vào năng lực của ta, sẵn sàng kỷ niệm mọi cột mốc thành công và không ngừng hướng tới viễn cảnh tương lai đã định sẵn.

  • Nuôi dưỡng các mối quan hệ

Cho dù là với đồng nghiệp, khách hàng hay người thân, bạn đều có khả năng điều hướng sự phức tạp của các tương tác, xây dựng niềm tin, quản lý xung đột và cộng tác mang tính xây dựng.

Lý thuyết lãnh đạo bản thân

Lý thuyết lãnh đạo tự thân đã được phát triển qua nhiều thập kỷ, bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau như: tâm lý học, quản trị học, lý thuyết nhận thức xã hội. Một trong những mô hình có tầm ảnh hưởng lớn nhất là Bảng câu hỏi về khả năng lãnh đạo bản thân được sửa đổi (Revised Self-Leadership Questionnaire – RSLQ) do Houghton và Neck (2002) đề xuất. RSLQ là thước đo gồm 35 mục, đánh giá ba khía cạnh của năng lực tự lãnh đạo:

  • Tập trung vào hành vi: Thông qua các kỹ thuật như tự quan sát, đặt mục tiêu, tự khen thưởng, tự trừng phạt và tự gợi ý, một người có thể học được cách kiểm soát hành động của chính mình, vượt qua mọi phiền nhiễu và trở ngại.
  • Khen thưởng tự nhiên: Chiến lược này hướng sự tập trung vào các khía cạnh tích cực và thú vị của công việc, bao gồm những lời khuyến khích và tự thưởng chính mình – qua đó góp phần nâng cao động lực và sự hài lòng nội tại.
  • Mô hình suy nghĩ mang tính xây dựng: Bằng cách thực hành tự nói chuyện, visualize, thay đổi niềm tin và giả định, chúng ta học được cách điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, vượt qua những nhận thức tiêu cực/phi lý.

Năm 2019, Du Plessis đề xuất mô hình Khung phát triển khả năng lãnh đạo bản thân tích cực – hình thành từ 4 khía cạnh của thế mạnh cá nhân như sau:

  • Tính cách: Các đặc điểm và đức tính tích cực phản ánh giá trị cốt lõi và bản sắc riêng (ví dụ: tò mò, trung thực, tốt bụng). Đây là những phẩm chất cho phép ta thể hiện con người đích thực của mình – và hành động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức của bản thân.
  • Sở thích và khát vọng: Niềm đam mê/ mục tiêu phản ánh động lực nội tại. Thông qua các hoạt động như học tập, du lịch và giúp đỡ người khác, mỗi người đồng thời tự tạo cơ hội theo đuổi tầm nhìn cá nhân và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
  • Năng khiếu: Bằng cách phát triển và rèn luyện các kỹ năng như sáng tạo, giải quyết vấn đề và giao tiếp, chúng ta trở nên sắc bén và mạnh mẽ hơn trong việc lãnh đạo bản thân và cải thiện hiệu suất cá nhân.
  • Môi trường thuận lợi: Bao gồm các nguồn lực và cơ hội như các mối quan hệ hỗ trợ, phản hồi tích cực hoặc các hình mẫu truyền cảm hứng.

kỹ năng lãnh đạo bản thân

Kỹ năng lãnh đạo bản thân được hình thành như thế nào?

Cốt lõi của lãnh đạo bản thân là khả năng nhận thức, lòng khoan dung và không để những khuynh hướng tự nhiên hạn chế tiềm năng của bạn.

Scott Belsky

Phát triển kỹ năng lãnh đạo bản thân là một quá trình diễn ra liên tục suốt đời. Nó đòi hỏi ta phải nỗ lực có ý thức, không ngừng suy ngẫm và thích ứng. Dưới đây là một số yếu tố chính tác động đến quá trình này:

Yếu tố/phẩm chất bên trong:

  • Tự nhận thức: Với vai trò là nền tảng của khả năng tự lãnh đạo, tự nhận thức (self-awareness) có nghĩa là thấu hiểu các giá trị, điểm mạnh, điểm yếu, động lực hành động của bạn. Để hình thành và nuôi dưỡng năng lực này, chúng ta có thể tận dụng các kỹ thuật như viết nhật ký, đánh giá tính cách, chánh niệm, v.v…
  • Năng lực bản thân: Tin tưởng vào khả năng đạt được mục tiêu của mình là rất quan trọng để mang lại động lực và sự kiên trì. Điều này đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu vừa tầm, kỷ niệm các cột mốc thành công, sẵn sàng học hỏi từ thất bại, loại bỏ những niềm tin tiêu cực để thay thế bằng những lời khẳng định mang lại sức mạnh.
  • Động lực nội tại: Việc tìm kiếm động lực và mục đích nội tại, khám phá niềm đam mê, kết nối với các giá trị cốt lõi và thực hành lòng biết ơn sẽ góp phần hình thành nền tảng để quản trị chính mình tốt hơn.
  • Trí tuệ cảm xúc: Lãnh đạo bản thân đòi hỏi bạn phải biết cách quản lý cảm xúc cá nhân, đồng cảm với cảm xúc của người khác, đầu tư vào xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Các kỹ thuật như tái cấu trúc nhận thức, độc thoại và lắng nghe tích cực đều góp phần đáng kể vào việc phát triển EQ.
  • Tư duy cầu tiến: Thái độ chấp nhận thử thách, coi sai lầm là cơ hội học hỏi sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi (resilience) và mang lại động lực cần thiết để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Yếu tố bên ngoài:

  • Coaching và mentoring: Việc học hỏi từ các nhà lãnh đạo và coach giàu kinh nghiệm là cơ hội để nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ quý giá, giúp ta học cách tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.
  • Đối tác trách nhiệm giải trình (accountability partner): Vai trò của accountability partner là hỗ trợ sự tiến bộ của bạn, cung cấp phản hồi và yêu cầu bạn phải chịu trách nhiệm. Thông qua góp ý của đối tác và những người xung quanh, mỗi người sẽ có cơ hội theo dõi và đánh giá tiến độ thay đổi mỗi ngày.
  • Học tập và phát triển: Tích cực tìm kiếm cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn, học hỏi các kỹ năng mới và áp dụng những gì đã học vào các tình huống hiện tại/ trong tương lai.
  • Mạng lưới hỗ trợ: Việc được bao quanh bởi những người có tư duy tích cực và khích lệ, những mẫu gương về lãnh đạo bản thân sẽ truyền cảm hứng và động lực cho bạn trên con đường hướng tới sự thành thục.
  • Thử thách và thất bại: Mỗi khi đối mặt với thử thách và vượt qua thất bại, chúng ta đồng thời xây dựng cho mình các kỹ năng như phục hồi (resilience), năng lực bản thân và giải quyết vấn đề.

Các yếu tố quan trọng khác

  • Thiết lập mục tiêu: Đặt mục tiêu SMART (Cụ thể, Có thể đo lường, Vừa tầm, Thực tế, Có giới hạn thời gian) sẽ cung cấp lộ trình định hướng và trọng tâm cho hành trình lãnh đạo bản thân.
  • Kỷ luật tự giác: Khả năng quản lý thời gian, chống lại sự phân tâm và tuân thủ các cam kết là rất quan trọng để biến mục tiêu thành hiện thực.
  • Tự phản ánh: Thường xuyên đánh giá tiến bộ cá nhân, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và điều chỉnh chiến lược cần thiết để phát triển liên tục.
  • Chăm sóc bản thân: Ưu tiên dành thời gian cho sức khỏe thể chất và tinh thần – thông qua các thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục và thư giãn – sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng và nâng cao hiệu suất tổng thể.

quản trị chính mình

Những khó khăn trong quá trình lãnh đạo bản thân

Hành trình quản trị chính mình không phải là một con đường bằng phẳng. Dưới đây là một số thách thức mà mọi người thường phải đối mặt:

Vấn đề nội tại:

  • Hội chứng nghi ngờ bản thân & kẻ mạo danh (Imposter syndrome): Nghi ngờ khả năng của mình, so sánh bản thân với người khác, cảm thấy mình không xứng đáng thành công – tất cả những điều này đều cản trở sự tiến bộ của bạn.
  • Lề mề và thiếu kỷ luật: Thói quen xấu trì hoãn công việc, thiếu động lực theo đuổi mục tiêu đã đề ra.
  • Độc thoại tiêu cực & chủ nghĩa cầu toàn: Chỉ trích bản thân, đặt ra những kỳ vọng không thực tế và sợ thất bại là những rào cản tinh thần cản trở sự phát triển.
  • Điều tiết cảm xúc: Thiếu kinh nghiệm quản lý cảm xúc, dễ dàng bị “choáng ngợp” trước áp lực.

Thách thức bên ngoài:

  • Xao lãng: Giữa nhịp sống hiện đại nhanh chóng và môi trường kinh doanh biến đổi liên tục như hiện nay, thật khó để nhiều người trong chúng ta giải quyết công việc và sắp xếp thứ tự ưu tiên cách hiệu quả.
  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Với những ai gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới giữa các khía cạnh của cuộc sống, việc thực hành các hoạt động lãnh đạo bản thân sẽ khiến ta dễ rơi vào tình trạng “tự xung đột” và kiệt sức.
  • Thiếu hệ thống hỗ trợ: Không có đồng nghiệp, mentor hoặc hình mẫu khích lệ là lý do khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập và thiếu động lực trên hành trình thay đổi chính mình.
  • Ảnh hưởng tiêu cực & áp lực xã hội: Khi bị bao quanh bởi sự tiêu cực hoặc kỳ vọng xã hội, nhiều người sẽ phạm sai lầm trong việc sắp xếp các mối ưu tiên, ảnh hưởng đến năng lực bản thân của họ.
  • Quá phụ thuộc vào động lực bên ngoài: Chỉ dựa vào những phần thưởng bên ngoài và sự công nhận của người khác để duy trì động lực.

Không ai là không phải đối mặt với thử thách – điều quan trọng là chúng ta phải học hỏi, thích nghi và tiếp tục tiến về phía trước. Bằng cách xác định điểm mạnh và điểm yếu cá nhân, nuôi dưỡng khả năng phục hồi và tìm kiếm sự hỗ trợ, bạn sẽ có thể vượt qua mọi trở ngại và phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình.

Chiến lược lãnh đạo bản thân

  1. Nuôi dưỡng năng lực tự nhận thức

  • Viết nhật ký: Thường xuyên suy ngẫm về các trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của mình để hiểu rõ hơn về giá trị, điểm mạnh, điểm yếu và lý do đằng sau những hành vi hàng ngày.
  • Đánh giá tính cách: Các bài đánh giá như Myers-Briggs hoặc StrengthsFinder sẽ giúp bạn nhận thức khách quan hơn về các đặc điểm tính cách của mình – những điều xác định con người bạn (còn gọi là thương hiệu lãnh đạo cá nhân – personal leadership brand) – cùng với các kỹ năng cần cải thiện.
  • Phản hồi: Tham khảo ý kiến ​​của bạn bè, đồng nghiệp hoặc mentor để hiểu rõ hơn quan điểm của mọi người về ưu thế và khuyết điểm của bạn.
  1. Đẩy mạnh thiết lập mục tiêu và kế hoạch

  • Mục tiêu cụ thể: Chọn các kỹ năng cụ thể mà bạn muốn tập trung vào (ví dụ: giao tiếp, gây ảnh hưởng , quản lý thời gian hoặc khả năng phục hồi cảm xúc) dựa trên kết quả quá trình tự đánh giá kể trên.
  • Kỹ thuật SMART: Đặt ra các mục tiêu chi tiết, có thể đo lường được, vừa tầm với, phù hợp và có giới hạn thời gian sẽ giúp bạn có định hướng và trọng tâm rõ ràng.
  • Bảng tầm nhìn (vision board): Tạo các hình ảnh trực quan về mục tiêu là phương pháp rất hay để duy trì động lực và ý thức rõ ràng về lộ trình phát triển cá nhân.
  • Chia nhỏ mục tiêu: Bạn nên chia mục đích lớn thành các bước nhỏ hơn để tránh cảm giác choáng ngợp.
  • Theo dõi tiến độ: Thường xuyên theo dõi tiến độ và kỷ niệm các cột mốc quan trọng để luôn duy trì động lực.
  1. Kỷ luật tự giác

  • Ưu tiên: Học cách xác định và ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo bạn luôn dành thời gian cho những việc quan trọng nhất.
  • Kỹ thuật quản lý thời gian: Về phương diện này, bạn có thể áp dụng các kỹ thuật như khối thời gian (time blocking), kỹ thuật Pomodoro hoặc lập lịch ứng dụng.
  • Giảm thiểu sự xao lãng: Xác định và loại bỏ các tác nhân xao lãng (ví dụ: thông báo trên mạng xã hội) để luôn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.
  • Phát triển thói quen: Tạo thói quen nhất quán cho công việc, giấc ngủ và tập thể dục.
  1. Tăng cường động lực và sự chủ động

  • Kết nối mục tiêu với giá trị: Đảm bảo mục tiêu phù hợp với giá trị cốt lõi để không mất đi động lực nội tại.
  • Độc thoại tích cực: Thông qua việc thách thức những niềm tin tiêu cực về bản thân và thực hành những lời khẳng định tích cực, mỗi người sẽ dần trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.
  • Hình ảnh hóa (Visualization): Hình dung cảm nghiệm của bản thân khi đã đạt được mục tiêu là một phương thức hữu hiệu để nâng cao động lực và sự tập trung.
  • Tự thưởng cho bản thân: Việc kỷ niệm những thành tích/ cột mốc cá nhân – dù lớn hay nhỏ – sẽ là lời nhắc nhở sống động về chặng đường đã qua và giúp bạn không đánh mất niềm tin vào tương lai mai sau.

Đọc thêm: 70 câu hỏi về sự tự tin – Phát triển thông qua tự vấn

  1. Thực hành giải quyết vấn đề và ra quyết định

  • Sơ đồ tư duy.
  • Lập danh sách ưu và nhược điểm.
  • Tham khảo ý kiến ​​của người khác và xem xét các quan điểm đa chiều trước khi đưa ra lựa chọn.
  • Học hỏi từ những sai lầm và thất bại trong quá khứ để cải thiện hiệu quả ra quyết định trong tương lai.
  1. Phát triển khả năng quản lý căng thẳng và trí tuệ cảm xúc

  • Thực hành chánh niệm: Các kỹ thuật như thiền hoặc thở sâu có thể giúp kiểm soát căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc.
  • Nhận thức về cảm xúc: Suy ngẫm về cảm xúc cá nhân trong các tình huống quá khứ và tác nhân đằng sau – để có thể hiểu rõ hơn về chính mình.
  • Nuôi dưỡng sự đồng cảm: Thực hành lắng nghe tích cực và phân tích quan điểm của người khác.
  • Cơ chế đối phó lành mạnh: Phát triển những cách lành mạnh để kiểm soát căng thẳng, như tập thể dục, sở thích hoặc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên.
  1. Học tập và thích ứng

  • Đọc sách báo để cập nhật kiến ​​thức và học hỏi những kỹ năng mới trong các lĩnh vực liên quan đến mục tiêu của bạn.
  • Tham gia các khóa học hoặc hội thảo trực tuyến.
  • Mở rộng mạng lưới bằng cách kết nối với những cá nhân có kinh nghiệm như coach, mentor hoặc lãnh đạo giàu kinh nghiệm – những người sẽ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ sự phát triển của bạn.
  • Chấp nhận thử thách, đảm nhận thêm trách nhiệm, sáng kiến ​​và dự án để có cơ hội thể hiện tiềm năng lãnh đạo và hoàn thiện chính mình.
  1. Tự phản ánh và yêu cầu phản hồi

  • Dành thời gian để suy ngẫm về sự tiến bộ của bạn, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
  • Tích cực tìm kiếm phản hồi mang tính xây dựng từ các nguồn đáng tin cậy.
  • Phân tích kết quả đánh giá hiệu suất tại nơi làm việc.
  • Sẵn sàng học hỏi, tiếp thu và điều chỉnh cách làm việc dựa trên góp ý của người khác.

chiến lược lãnh đạo bản thân self leadership

Câu hỏi tự vấn về năng lực lãnh đạo bản thân

Dưới đây là một số câu hỏi tự vấn theo chủ đề để hướng dẫn bạn trên hành trình quản trị bản thân:

Tự nhận thức:

  • Giá trị cốt lõi định hướng các quyết định và hành động của tôi là gì?
  • Điểm mạnh lớn nhất của tôi là gì? Làm sao tôi có thể tận dụng nó hiệu quả hơn?
  • Điểm yếu lớn nhất của tôi là gì? Tôi cần khắc phục chúng theo cách nào?
  • Những tác nhân ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi là gì? Tôi phải làm gì để kiểm soát những yếu tố đó?
  • Nguyện vọng lâu dài của tôi là gì? Tôi nên chia nó thành các mục tiêu nhỏ hơn như thế nào?

Goal setting:

  • Mục tiêu hiện tại của tôi là gì – có thực sự phù hợp với giá trị cốt lõi của tôi không?
  • Tôi có đang đặt ra các mục tiêu SMART không?
  • Những trở ngại lớn nhất tôi có thể gặp phải trên hành trình phát triển là gì?
  • Tôi có thể thực hiện những bước cụ thể nào ngay bây giờ để tiến gần hơn đến mục tiêu đó?
  • Tôi có thể nhờ đến ai để buộc tôi phải chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của mình?

Kỷ luật tự giác:

  • Tôi đang gặp vấn đề gì trong quản lý thời gian? Cần khắc phục như thế nào?
  • Tôi đang bị phân tâm bởi những thứ gì trong công việc/ cuộc sống? Làm sao để giảm thiểu tác động của những thứ đó?
  • Tôi có thể làm gì để sắp xếp lịch trình mỗi ngày hiệu quả và khoa học hơn?
  • Tôi nên tự khen thưởng mình như thế nào để luôn duy trì động lực và nhận thức về tiến độ cá nhân?
  • Tôi có thể làm gì để đảm bảo luôn tự chịu trách nhiệm tuân thủ các cam kết của mình?

Động lực bản thân:

  • Động lực nội tại thúc đẩy hành động của tôi là gì?
  • Làm cách nào tôi có thể kết nối các mục tiêu của mình với những giá trị và mục đích sâu sắc hơn?
  • Tôi cần làm gì để nuôi dưỡng tư duy tích cực và cầu tiến?
  • Tôi có thể tận dụng nguồn lực/ chiến lược nào để không đánh mất động lực khi gặp khó khăn?
  • Làm thế nào tôi có thể nuôi dưỡng ý thức làm chủ trong cuộc sống?

Giải quyết vấn đề:

  • Tôi thường giải quyết vấn đề như thế nào? Có hiệu quả hay không?
  • Làm cách nào tôi có thể thu thập thêm thông tin và các quan điểm đa chiều trước khi đưa ra quyết định?
  • Những thành kiến ​​tiềm ẩn nào đang ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi?
  • Làm cách nào tôi có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề của mình?
  • Tôi phải làm gì để hình thành tư duy coi thách thức là cơ hội phát triển và học hỏi?

Trí tuệ cảm xúc:

  • Tôi có thấu hiểu cảm xúc của chính mình không? Cảm xúc của tôi đang tác động đến người khác ra làm sao?
  • Tôi có thể áp dụng cơ chế đối phó lành mạnh nào khi gặp căng thẳng?
  • Làm cách nào tôi có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình để xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn?
  • Tôi cần làm gì để thực hành sự đồng cảm và thấu hiểu quan điểm của người khác?
  • Những phương pháp tự chăm sóc nào có thể được kết hợp vào thói quen hằng ngày để có được sức khỏe tốt hơn?

Khả năng học hỏi và thích ứng:

  • Hiện tại tôi đang học tập những gì để hỗ trợ mở rộng kiến ​​thức và kỹ năng của mình?
  • Tôi cần làm gì để luôn cập nhật xu hướng và thay đổi trong lĩnh vực của mình?
  • Tôi có cởi mở với việc điều chỉnh mục tiêu và chiến lược dựa trên tình hình thực tại?
  • Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi khi bước ra khỏi vùng an toàn là gì?
  • Làm cách nào tôi có thể nuôi dưỡng tư duy phát triển và đón nhận thử thách như cơ hội?

Hợp tác và hỗ trợ:

  • Ai là người có thể hỗ trợ hành trình lãnh đạo bản thân của tôi?
  • Làm cách nào tôi có thể kết nối với các chuyên gia coaching, mentoring, hoặc những người đồng nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi?
  • Tôi cần làm gì để tận dụng sức mạnh của sự hợp tác trên hành trình hướng tới mục tiêu?
  • Làm cách nào tôi có thể hỗ trợ và khuyến khích người khác trên hành trình của họ?
  • Làm thế nào tôi có thể vui mừng trước thành công của người khác và học hỏi từ kinh nghiệm của họ?

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề – Bộ công cụ tự vấn mỗi ngày

lãnh đạo chính mình leading self

Danh ngôn về lãnh đạo bản thân

Lãnh đạo bản thân là quá trình bạn tác động đến chính mình để đạt được mục tiêu đề ra.

Andrew Bryant

 

Lãnh đạo bản thân không phải là năng lực đặc biệt chỉ dành riêng cho những người như Mark Zuckerberg hay Oprah Winfrey. Đó là một kỹ năng mà ai cũng có thể học và truyền dạy được.

Susan Fowler

 

Lãnh đạo bản thân là khả năng dẫn dắt bản thân vượt qua nỗi sợ hãi và giới hạn cá nhân, đạt đến những gì bạn hằng mong muốn trong cuộc sống, trở thành con người mà bạn khao khát trở thành.

Brian Tracy

 

Làm chủ người khác là sức mạnh, nhưng làm chủ chính mình mới là quyền lực thực sự.

Lão Tử

 

Thấu hiểu chính mình là khởi đầu của mọi trí tuệ.

Aristotle

 

Chiến thắng bản thân là chiến thắng đầu tiên và cao quý nhất.

Plato

 

Người không biết tự chủ thì giống như thành bỏ ngỏ, không tường lũy chở che.

Châm ngôn 25:28

tự lãnh đạo leading self

Sách lãnh đạo bản thân

lãnh đạo bản thân

Lời kết

Lãnh đạo bản thân (self-leadership) là một quá trình rèn luyện liên tục, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Chính trong quá trình này, mỗi người sẽ có điều kiện khai phá tiềm năng cá nhân, chinh phục mục tiêu và kiến tạo một cuộc sống viên mãn. Dù có thể gặp nhiều khó khăn, hãy luôn vững tin và không ngừng hoàn thiện chính mình mỗi ngày bạn nhé!

Chúc bạn thành công!


Bài viết gốc

Self Leadership: The Art of Leading from Within. https://itdworld.com/blog/leadership/self-leadership/.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
DMCA.com Protection Status