Liệu có thực là suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta tiềm ẩn sức mạnh để thay đổi thế giới này không? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài review sách “Bí mật của nước” của Masaru Emoto dưới đây bạn nhé!
Ngày trước, tôi nhận được sách “Bí mật của nước” như một món quà từ cựu quản lý của mình – người cũng đồng thời là mentor trong công việc lẫn về phương diện tinh thần/ tâm linh mà tôi vô cùng kính trọng. Trước khi đưa cho tôi cuốn sách, anh đã kể cho tôi nghe một phần nội dung của nó – về những thí nghiệm do tác giả và nhóm của ông thực hiện.
Là một người có thiên hướng tư duy lý tính, tôi đã (và bây giờ vẫn còn) ít nhiều ngờ vực về khám phá của Emoto – liệu rằng nó có hoàn toàn trung lập và đáng tin cậy hay không. Tuy nhiên, chính bản thân tôi đã từng kinh qua những trải nghiệm tâm linh – đủ để hiểu rằng có những điều không thể chứng minh được bằng logic hay kỹ thuật kiểm chứng truyền thống của khoa học, cũng như đủ để nhận thức được tác động tiềm tàng của ý thức lên thế giới thực tế. Vì vậy, khi đọc sách, tôi quyết định gạt bỏ mọi nghi ngờ sang một bên và hết lòng đón nhận những thông điệp mà tác giả đã lồng ghép trong tác phẩm của mình.
Dù bạn là ai – dù bạn tin tưởng vào điều gì, tôi thực sự khuyên bạn nên đọc “Bí mật của nước”. Qua tác phẩm của Emoto, bạn sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn những ý tưởng về chánh niệm, sức mạnh của ý thức, mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí, cũng như bản chất của thực tế – nhờ đó làm phong phú thêm hành trình khám phá bản thân của chính mình. Sau khi đọc xong sách, hãy tiếp tục nghiên cứu và đưa ra quan điểm riêng của mình về những gì tác giả đã trình bày bạn nhé!
Tóm tắt nội dung chính:
- Nội dung sách “Bí mật của nước” của TS. Masaru Emoto dựa trên ý tưởng chính rằng: nước có ý thức và có khả năng phản ứng lại suy nghĩ và cảm xúc của con người. Trên cơ sở đó, ông đề xuất rằng việc thực hành tư duy tích cực có thể cải thiện chất lượng nước, cũng như chữa lành thế giới.
- Trong bài review dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu vào một số điểm nổi bật của sách – như cách thức nước phản ánh trạng thái nội tâm của ta, tầm quan trọng của việc tuân theo “dòng chảy”, cũng như sức mạnh của năng lượng tích cực trong việc “hấp dẫn” hạnh phúc và chữa lành chính mình.
Tóm tắt sách Bí mật của nước
Với thông điệp đơn giản nhưng sâu sắc của mình, Masaru Emoto đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực kiến tạo hòa bình và hòa hợp toàn cầu.
Anthony Robbins
“Bí mật của nước” (tựa tiếng Anh: The Secret Life of Water; tựa gốc tiếng Nhật: 水は答えを知っている – “Nước biết câu trả lời”) là tác phẩm bestseller được New York Times bình chọn, biên soạn bởi nhà nghiên cứu người Nhật, Tiến sĩ Masaru Emoto. Trong tác phẩm của mình, ông trình bày ý tưởng rằng: nước không chỉ là một hợp chất hóa học – cụ thể, nó có ý thức và có thể phản ứng lại suy nghĩ và cảm xúc của con người. Emoto lập luận rằng bằng cách nhận thức được bản chất của nước, chúng ta sẽ được trang bị để cải thiện cuộc sống của chính mình và chữa lành thế giới này.
Nội dung tác phẩm phân tích các chủ đề chính như sau:
- Hành trình của nước: Tác giả lần theo dấu vết của nước trên Trái đất, từ quá trình hình thành cho đến sự hiện diện của nó trong các hệ sinh thái.
- Ký ức về nước: Luận điểm trọng tâm của Emoto là nước luôn lưu giữ ký ức về mọi thứ mà nó đã tiếp xúc, bao gồm cả suy nghĩ và lời nói của con người. Do đó, nước nắm giữ kiến thức sâu sắc về vũ trụ và có thể dạy chúng ta về bản thân và thế giới xung quanh.
- Mối quan hệ giữa tinh thể nước và cảm xúc: Sách có đính kèm những bức ảnh về tinh thể nước, được cho là đã hình thành dưới tác động của các từ ngữ và cảm xúc khác nhau. Theo đó, những tinh thể đẹp đẽ được sinh ra từ những suy nghĩ tích cực; ngược lại, những tinh thể xấu xí, biến dạng đã hình thành từ những từ ngữ/ ý nghĩ tiêu cực.
- Chữa lành bằng nước: Emoto gợi ý rằng bằng cách hướng những suy nghĩ và cảm xúc tích cực về nước, chúng ta có thể cải thiện chất lượng của nước và sử dụng nó cho mục đích chữa lành – cũng như để cứu lấy hành tinh này và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Bất chấp sự hoài nghi của giới khoa học (nhiều nhà nghiên cứu khác đã chỉ trích các thí nghiệm của Emoto vì những sai sót về mặt phương pháp thực hành và tuyên bố rằng họ không thể tạo ra kết quả tương tự), “Bí mật của nước” đã trình bày một góc nhìn độc đáo về nước và mối liên hệ tiềm tàng của nó với sức khỏe con người. Tác phẩm đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của ý thức và suy nghĩ tích cực – vì sao chúng ta nên thực hành việc tự suy ngẫm và khẳng định tích cực để tạo điều kiện cho sự phát triển của chính chúng ta và của thế giới này.
Giống như Galileo, Newton và Einstein, TS. Emoto – với tầm nhìn của mình – đã giúp chúng ta nhìn nhận bản thân và vũ trụ của mình theo một cách hoàn toàn khác biệt.
Marcus Laux
Review sách Bí mật của nước
Bây giờ đến phần review sách. Như tôi đã đề cập, tác phẩm – cùng với những cuốn liên quan như “Thông điệp của nước” đã gây khá nhiều tranh cãi kể từ khi được xuất bản. Thế nhưng, nếu có thể tạm không tính tới giá trị khoa học, bạn sẽ nhận thấy “Bí mật của nước” là một công cụ truyền cảm hứng đáng kinh ngạc cho mục tiêu khám phá bản thân và làm phong phú đời sống tinh thần. Dù bạn có tin vào các thí nghiệm về tinh thể nước hay không, tôi tin chắc rằng bạn vẫn sẽ tìm thấy rất nhiều “viên kim cương” trong cuốn sách này.
Tinh thể nước: Ẩn dụ cho tâm hồn con người
Có lẽ sự ô nhiễm của nước chẳng là gì so với sự ô nhiễm của tâm hồn con người. Xã hội hiện đại đã đi xa hết mức có thể. Rồi đây, điều gì sẽ đến với chúng ta?
Đây là một câu nói trích từ phần mở đầu của sách. Suy ngẫm về nó (và toàn bộ nội dung sách) khiến tôi tự vấn bản thân: Phải chăng ở đây có ẩn giấu một thông điệp nào đó?
Chúng ta đều biết rằng 70% cơ thể con người là nước. Và phần lớn bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước. Nói cách khác, tôi tin rằng sẽ không quá cường điệu khi tuyên bố, nước chính là bản chất của vạn vật. Và nó là một ẩn dụ sâu xa về tâm hồn con người.
Bất cứ điều gì xảy ra với nước sẽ xảy ra với con người chúng ta.
Như Emoto đã trình bày, nếu chúng ta hướng đến những suy nghĩ tích cực và thể hiện những cảm xúc như lòng biết ơn đối với nước, những tinh thể đẹp đẽ sẽ được hình thành. Mặt khác, nếu chúng ta đối xử với nước một cách thiếu tôn trọng và khinh thường, thì kết quả tất yếu sẽ là sự hình thành của những tinh thể xấu xí, biến dạng.
Tôi tự hỏi, phải chăng nếu chúng ta rèn luyện tư duy tích cực, tâm hồn ta sẽ được nuôi dưỡng – còn nếu chúng ta để bản thân cuốn theo tiêu cực, tâm hồn sẽ trở nên chai cứng, khô héo và “lạc lối”?
Tôi hoàn toàn có thể hiểu điều đó. Suy cho cùng thì, chúng ta “gieo gì gặt nấy”.
Giống như một khu vườn trở nên tươi tốt khi được chăm sóc thường xuyên và hưởng ánh sáng mặt trời, tâm hồn chúng ta trở nên phong phú nhờ vào sự tích cực. Khi chúng ta nuôi dưỡng nó bằng những suy nghĩ đầy hy vọng và lòng tốt, tâm hồn sẽ trở nên mạnh mẽ và bình an. Ngược lại, sự thờ ơ và tiêu cực giống như cỏ dại mọc lên – bóp nghẹt sự phát triển của tâm hồn và làm lu mờ đi ánh sáng của nó.
Hơn nữa, mọi thứ không chỉ dừng lại ở bên trong chúng ta, nhưng sẽ biểu hiện ra trong thế giới vật chất và mọi khía cạnh của cuộc sống.
Suy cho cùng, chúng ta là những sinh vật mang đầy năng lượng – và suy nghĩ của chúng ta tiềm ẩn một sức mạnh to lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nội tâm, mà sẽ vượt ra bên ngoài, định hình trải nghiệm sống và thế giới xung quanh ta.
Bạn nghĩ gì thì bạn sẽ trở thành y như vậy.
Thích Ca
Bí mật của nước review
Hãy thử hình dung việc gửi đi những rung động tích cực – qua việc gieo những hạt giống của lòng tốt và sự lạc quan. Những hành động này không chỉ nuôi dưỡng hạnh phúc của bản thân – mà còn truyền cảm hứng cho người khác và nuôi dưỡng một môi trường sống hài hòa hơn.
Nếu bạn luôn thể hiện thái độ lạc quan và thân thiện, mọi người sẽ tự nhiên tìm đến bạn và giúp đỡ khi bạn cần đến. Bạn sẽ có thể giải quyết mọi việc trong cuộc sống một cách chính xác và hiệu quả hơn, cũng như ít bị bệnh tật hơn. Và khi thời điểm “chín mùi”, bạn sẽ có thể tận dụng những cơ hội mới xuất hiện và tiến một bước gần hơn đến thành công và viên mãn.
Điều ngược lại cũng đúng. Sự tiêu cực đẩy mọi người ra xa khỏi ta và gây ra hàng loạt khó khăn (tôi tin rằng bạn có thể tự mình tưởng tượng mà không cần tôi phải giải thích thêm).
Giống như nam châm, năng lượng tích cực thu hút vào nó những trải nghiệm tích cực. Ngược lại, sự tiêu cực đẩy lùi các cơ hội và gây ra cảm giác nặng nề trong cuộc sống.
Đó chính là bản chất của Luật hấp dẫn. Của việc sống hòa hợp với sự rung động – hay như Emoto đã gọi là Hadou (波動).
Điều đó dẫn chúng ta đến điểm tiếp theo…
Tầm quan trọng của việc đón nhận Hadou (波動) – hay nói cách khác, hòa mình vào dòng chảy
Trong phần giới thiệu, Emoto đề cập đến một sự kiện thời thơ ấu mà sau này đã định hình thế giới quan của ông như sau:
Mặc dù giờ đây tôi cảm thấy như mình được linh hồn của nước dẫn dắt, lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với nước lại chẳng hề dễ chịu chút nào. Ở thành phố Yokohama, Nhật Bản – nơi tôi lớn lên, gia đình tôi sống trên một bình nguyên gần biển. Nơi đó chỉ cách mép nước một đoạn đi bộ ngắn xuống một con dốc. Khi thủy triều rút, bờ biển nông phơi mình đến hàng dặm, để lại một bãi săn tuyệt vời đủ các loại trai sò. Nhưng khi thủy triều lên cao, cảnh tượng lại hoàn toàn khác.
Chắc có lẽ tôi được tầm sáu hay bảy tuổi gì đó khi một ngày nọ, biển cả nuốt chửng tôi. Hôm đó, tôi đi bơi cùng cậu bạn hàng xóm hơn tôi hai tuổi.
Chúng tôi đã ra xa hơn mức an toàn, rồi đột nhiên tôi bắt đầu trồi lên ngụp xuống, khao khát có không khí để thở. Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm một chuyện như thế. Tôi chỉ cách bờ có 10 mét, nhưng chân tôi không chạm tới đáy. Tôi hoảng sợ và bắt đầu vẫy tay, đạp chân. Nhưng càng hoảng loạn, tôi càng chìm và chẳng mấy chốc tôi bắt đầu uống nước. Tôi nghĩ có lẽ đoạn kết của cuộc đời mình sắp tới rồi, nhưng một con thuyền nhỏ tới và kéo tôi khỏi mặt nước.
Khi tôi về tới nhà và kể với mẹ chuyện xảy ra, bà cho tôi một lời khuyên dựa trên khả năng bơi và sự am hiểu của bà về nước. “Chỉ cần thả lỏng cơ thể là con sẽ có thể nổi,” bà nói. Bà bảo rằng nếu tôi để nước nâng tôi lên thay vì cố gắng chống lại nó, nó sẽ nhấc tôi lên và mang tôi đi.
Khi đọc đến đoạn này, tôi đã dừng lại một chút để suy ngẫm về lời khuyên của mẹ tác giả:
“Chỉ cần thả lỏng cơ thể là con sẽ có thể nổi.“
Tôi nghĩ và nghĩ về nó. Đó có phải là thông điệp về việc bị động tuân theo mọi sự một cách mù quáng – hay là về thái độ sẵn sàng chấp nhận rằng, có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta? Và rằng chúng ta phải tỏ ra khiêm tốn, chấp nhận thế giới như nó vốn có, học hỏi nhiều nhất có thể, trong khi cố gắng hết sức để sống hòa hợp với mọi thứ?
Chỉ khoảng một thế kỷ trước, những tiến bộ không ngừng của khoa học đã bộc lộ ra vô số mặt tối của nhân loại. Chúng ta trở nên tham lam đến mức phớt lờ tác động của những việc mình làm đối với môi trường. Với thiên nhiên. Với cộng đồng.
Chúng ta muốn nhiều hơn nữa. Chúng ta muốn chinh phục mọi thứ. Chúng ta nỗ lực để trở thành Bá chủ duy nhất của thế giới. Của vũ trụ.
Chúng ta tin rằng việc áp dụng tư duy “hãy giả vờ cho đến khi bạn làm được” (fake it until you make it) là điều hoàn toàn bình thường.
Và tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó. Ô nhiễm đã trở thành vấn đề toàn cầu – và ảnh hưởng của nó không dừng lại ở thế giới tự nhiên. Thực tế, tâm hồn con người đã bị hoen ố ở một mức độ nào đó.
Lợi nhuận, danh tiếng, quyền lực, uy tín, v.v… đã trở thành thước đo thành công chung. Tiền phải sinh ra nhiều tiền hơn.
Hàng năm, các công ty phải đặt ra mục tiêu cao hơn và phấn đấu đạt được nhiều hơn nữa. Ngay cả khi không có cơ sở cho điều đó. Ngay cả khi nó hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta phải đánh bại đối thủ – phải giành chiến thắng bằng mọi giá. Bất chấp mọi hoàn cảnh.
Với sự phát triển của các nền tảng như mạng xã hội, các số liệu phù phiếm như số lượt thích (like), bình luận (comment), lượt chia sẻ (share), v.v… đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá giá trị của con người. Chúng ta ít quan tâm đến những mối quan hệ có ý nghĩa – mà để ý nhiều hơn đến những thứ phù phiếm như sự giàu có và nổi tiếng.
Một bánh xe xoay vòng, chạy theo một “vòng luẩn quẩn”. Y như đã đề cập trong khái niệm về luân hồi (samsara). Chúng ta bị mắc kẹt, lạc lối và bị hủy diệt bởi lòng tham của chính mình.
Đáng lo ngại hơn thế nữa, nhân loại đang được “tưởng thưởng” chính những gì chúng ta xứng đáng nhận cho những hành động sai trái của mình. Trái đất nóng lên, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những căn bệnh nan y mới không thể chữa khỏi (đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình), sự phụ thuộc quá mức vào chất hóa học để duy trì sản xuất, chiến tranh và xung đột liên miên, v.v… Còn có thể kể ra bao nhiêu hậu họa nữa đây?
Phải chăng con người đang trên bờ vực diệt chủng?
May mắn thay, ngày càng có nhiều người ý thức được vấn đề – và ngày càng có nhiều cá nhân đang kêu gọi thực hành một phong cách sống cân bằng hơn.
Chúng ta cần phải từ bỏ ý tưởng phân chia và chinh phục – để thay vào đó theo đuổi triết lý sống hòa bình và hòa hợp với vạn vật (和).
Những thảm họa gần đây nhất (như đại dịch COVID-19) đóng vai trò như lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: chúng ta chỉ là một phần của thế giới này – không phải là bá chủ của nó. Chúng ta không thể ép buộc mọi thứ phải như chúng ta mong muốn. Cố gắng chống cự sẽ chỉ dẫn đến thất vọng, kiệt sức và nỗ lực vô ích – nói cách khác, con người sẽ rơi vào bể khổ.
Các công ty có thể cố gắng tìm cách “dụ dỗ” khách hàng mua sản phẩm/ dịch vụ của mình; nhưng suy cho cùng, việc họ có được khách hàng lựa chọn hay không không phải là điều họ có thể hoàn toàn kiểm soát được.
Chúng ta có thể cố gắng làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn (đây là một hiện tượng đã trở nên phổ biến rộng rãi – đặc biệt sau sự ra đời của các công cụ AI như ChatGPT); tuy nhiên, có những giới hạn nhất định đối với khả năng xử lý công việc của con người. Khi ta vượt quá những giới hạn này, hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra (ví dụ: kiệt sức, chất lượng công việc bị ảnh hưởng, sự chán nản, khách hàng bất mãn, mối quan hệ bị tổn hại, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, v.v…)
Quy luật cuộc sống là như vậy – và chúng ta phải học cách chấp nhận nó. Shikata ga nai.
Trở lại với “Bí mật của nước”, một chủ đề xuyên suốt sách là tầm quan trọng của việc “sống hòa hợp cùng nhịp sống và dòng chảy của thiên nhiên”. Sự sống, giống như nước, cần phải được tuôn chảy và thích nghi. Vạn vật phát triển theo nhịp điệu của thế giới tự nhiên, giống như sự thay đổi của bốn mùa hay chu kỳ của dòng sông. Thay vì cố gắng chống lại nó (ví dụ: phá vỡ chu kỳ ngủ-thức), chúng ta nên cố gắng hết sức để thuận theo quy luật tự nhiên của thế giới.
Thay vì cố gắng thống trị thiên nhiên, chúng ta nên tiếp cận nó với mong muốn hiểu biết và học hỏi. Đây là tư duy rất quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ bền vững và tôn trọng hơn với môi trường.
Chúng ta cần bàn luận ít hơn về sự giàu có và danh tiếng – mà nên tập trung vào những giá trị nhân bản (lòng biết ơn, sự tử tế, chính trực, đồng cảm, v.v…). Những phẩm chất mà các xã hội truyền thống trong quá khứ luôn luôn chú trọng.
Lời này chói tai quá, ai mà nghe được?
Dù có vẻ khác thường và “khó nghe” đến mức nào, tôi luôn có niềm tin mãnh liệt vào việc phải nói ra sự thật. Trên thực tế, tôi tin rằng TẤT CẢ mọi người đều phải lên tiếng. Trước khi quá muộn. Trước khi chúng ta bị lòng tham của chính mình nuốt chửng.
Sống là trôi theo dòng chảy. Nếu một con đập được xây dựng trên một dòng sông để chặn dòng chảy của nó lại, con sông sẽ chết. Cũng giống như vậy, nếu sự lưu thông của máu bị ngăn lại ở đâu đó trong cơ thể chúng ta, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chấm dứt sự sống của mình.
Hầu hết chúng ta đều quá sợ hãi hoặc lười biếng để phá bỏ những thói quen cũ. Để có thể từ bỏ những thói quen có hại đang cản trở mong muốn thay đổi và phát triển – ngay cả khi trong sâu thẳm, ta biết rằng sự thay đổi là điều tất yếu.
Chúng ta có thể nhận thức đầy đủ rằng, làm việc quá nhiều giờ sẽ gây hại cho sức khỏe, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống. Thế nhưng, vì mong muốn có được tiền thưởng/sự công nhận từ người khác, chúng ta từ chối áp dụng cách tiếp cận cuộc sống cân bằng hơn. Ngay cả khi cơ thể liên tục gửi tín hiệu yêu cầu ta dừng lại, chúng ta vẫn phớt lờ nó và tiếp tục làm nhiều việc hơn.
Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao việc tập thể dục là cần thiết – tuy nhiên, do việc áp dụng các thói quen lành mạnh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về lối sống, nên chúng ta đã ngần ngại hành động.
Chúng ta có thể biết rằng gây ra xung đột với người khác là một điều xấu và sẽ khiến ta phải trả giá đắt – tuy nhiên, do cái tôi quá cao và những lợi ích cá nhân khác, ta từ chối cơ hội hàn gắn những mối quan hệ và trở nên tốt đẹp hơn.
Khi làm như vậy, chúng ta đã tự ý lựa chọn sống bất hòa với hadou (波動).
Hadou là năng lượng tinh tế tồn tại trong vạn vật.
Như được trình bày chi tiết trong tác phẩm của Emoto, hadou không chỉ là linh hồn của nước – nó là bản chất của toàn bộ thế giới. Một dạng “Thần lực” (Force) xâm nhập vào mọi thứ. Tạo nên mọi thứ. Sắp xếp mọi thứ.
Vì vậy, nếu muốn phát triển dồi dào, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của nó.
Nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống trọn vẹn hơn, chúng ta sẽ phải hòa nhịp cùng hadou của hạnh phúc.
Và điều đó dẫn chúng ta đến phần tiếp theo…
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Bí mật của nước review
Đi tìm hạnh phúc trong cuộc sống
Mục đích của cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc.
Đạt Lai Lạt Ma
Hạnh phúc là khát vọng chung của nhân loại. Dù bạn là ai hay ở đâu, ai trong chúng ta cũng khao khát một cuộc sống hạnh phúc, không phải lo lắng, cũng như có thể sống hết mình và phát huy trọn vẹn những gì đã được ban cho ta.
Vấn đề ở đây là, hạnh phúc nên được định nghĩa như thế nào?
Bạn đã bao giờ cảm thấy hạnh phúc dường như chỉ là một cảm giác thoáng qua – một ý niệm luôn thay đổi và biến động bất kỳ lúc nào?
Có thể một ngày, bạn cảm thấy thực sự hài lòng và mãn nguyện. Thế nhưng, qua ngày hôm sau, những cảm giác đó hoàn toàn biến mất – dường như không vì lý do cụ thể gì cả.
Hầu hết chúng ta đồng nhất hạnh phúc với việc đạt được một cột mốc quan trọng trong đời – như tốt nghiệp, được tuyển dụng bởi một công ty danh tiếng, được thăng chức, nhận mức lương cao, được lên báo đài, v.v…
Đó là cách xã hội hiện đại định nghĩa về hạnh phúc – mặc dù có vẻ như đa phần không sẵn sàng thừa nhận điều đó.
Và đó là một định nghĩa mong manh, sẽ dẫn ta vào bể khổ.
Vì sao lại như vậy?
Rất đơn giản, vì nó thổi phồng lòng tham của chúng ta.
Xu hướng bẩm sinh của con người là ham muốn nhiều và nhiều hơn nữa. Khi đạt được thứ gì đó, chúng ta sẽ tự nhiên được thôi thúc chuyển sang mục tiêu tiếp theo. Một cái gì đó lớn hơn, vĩ đại hơn, ngoạn mục hơn. Một chu kỳ luẩn quẩn không có điểm dừng.
Bạn vừa được thăng chức lên vị trí quản lý? Vậy đã đến lúc nghĩ về một danh hiệu lớn hơn nữa.
Lương của bạn vừa được tăng 10%? Thế vẫn chưa đủ – hãy nhắm đến một cột mốc mới!
Tôi không có ý nói rằng suy nghĩ như vậy là xấu. Trên thực tế, có tham vọng thực sự rất tốt – bởi vì nó thúc đẩy chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Nhưng vấn đề chính ở đây là – chúng ta đang trói buộc tham vọng của mình vào những thứ không vĩnh hằng. Những thứ sẽ sớm phai nhạt và mất đi.
Nó giống như việc xây một ngôi nhà trên cát – vì không có nền bê tông, nên ngôi nhà chắc chắn sẽ đổ khi có bão nổi lên.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày, công ty của bạn bị phá hủy bởi một trận động đất – và bạn chợt nhận thấy mình không còn một nơi để làm việc?
Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó, bạn được chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y – và được thông báo rằng bạn chỉ còn sống được vài tháng nữa? Vậy thì việc trở thành “CEO của một tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la” nào có ích lợi gì?
Khát khao muốn sở hữu nhiều hơn nữa, lòng kiêu hãnh và sự bảo thủ của hệ tư tưởng này so với hệ tư tưởng khác đều góp phần chặn dòng chảy lại. Đây là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề mà chúng ta thấy mình đang phải đối mặt trong giai đoạn phức tạp này. Chiến tranh sinh ra lòng tham, bi kịch sinh lòng thù ghét, ô nhiễm sinh ra sự thờ ơ. Đây chính là những méo mó hay giam hãm những phương thức tự nhiên của thiên nhiên.
Chừng nào còn tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài, chúng ta vẫn còn bị kẹt trong vòng đau khổ vô tận. Chừng nào vẫn còn so sánh bản thân với người khác và muốn được họ công nhận, chúng ta không bao giờ có thể hòa hợp được với hadou hạnh phúc.
Nói cách khác, đã đến lúc chúng ta bắt đầu hướng vào bên trong, để được kết nối lại với chính mình.
Một điều tôi thấy thực sự thú vị trong cuốn sách là việc tác giả khuyến nghị áp dụng phương pháp “phát triển sức mạnh” – tức là tập trung năng lượng và nguồn lực vào những gì bản thân làm tốt nhất và đào sâu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó. Như Emoto đã chỉ ra, đây là cách thức tuyệt vời để đạt được hạnh phúc lâu dài.
Ví dụ, thay vì cố gắng đánh bại đối thủ cạnh tranh bằng cách bán càng nhiều hàng càng tốt, các công ty nên dành tâm huyết để cải thiện sản phẩm/dịch vụ bán chạy nhất của mình.
Nếu bạn thành thạo một năng lực cụ thể (ví dụ: nói trước công chúng), hãy dành nhiều thời gian hơn để trau dồi kỹ năng đó.
Bạn có thể đặt câu hỏi, tại sao không cố gắng trở thành một cái gì đó/ ai đó “toàn diện hơn”?
Bởi vì, khi chuyển hướng chú tâm vào những gì bạn làm tốt nhất, đó là bạn đang sống theo “dòng chảy” – kết quả tất yếu sẽ là sự gia tăng của năng suất và hạnh phúc.
Nếu bạn thấy ai đó giỏi một việc gì đó (ví dụ: con bạn đam mê viết lách sáng tạo), hãy tạo môi trường thuận lợi cho họ phát huy niềm đam mê đó. Dành cho họ những lời động viên chân thành – và rồi bạn sẽ kinh ngạc khi thấy họ trở thành một phiên bản tuyệt vời của chính mình sau đó!
Khi bạn lan tỏa sự tích cực, mọi người sẽ có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc – điều này sẽ thúc đẩy họ cũng lan tỏa sự tích cực đến bạn. Đó là một chu kỳ mở rộng liên tục – đặt nền tảng cho hạnh phúc trên thế giới này.
Bí mật của nước review
Đọc thêm: Lối sống khắc kỷ (Stoicism) – 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu
Tầm quan trọng của lòng biết ơn – ngay cả khi mọi sự không diễn ra như dự định
Tiến sĩ Emoto đề cập đến một hiện tượng thú vị trong cuốn sách của mình như sau:
Chúng tôi để cho nước tiếp xúc với từ “Hạnh phúc” và “Bất hạnh”. Đúng như mong đợi, nước tiếp xúc với từ “Hạnh phúc” hình thành những tinh thể tròn tuyệt đẹp, trong như một chiếc nhẫn quý. Nhưng còn các tinh thể hình thành từ nước tiếp xúc với từ “Bất hạnh” thì sao? Chúng tôi chờ đợi sẽ thấy những tinh thể méo mó và rạn vỡ, nhưng chúng lại là những tinh thể lục giác tuyệt đẹp trông như bị cắt làm đôi. Trông như thể nước đang gắng sức để hình thành các tinh thể.
Dựa trên phát hiện này, ông kết luận rằng bất hạnh là “quá trình cần có để tạo ra hạnh phúc”.
Nhắc tới đây, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi từng nghe hồi trước:
Ngày xưa, có một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được bức tranh về bình an đẹp nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia thử sức. Nhà vua quan sát và chấm điểm tất cả các bức tranh. Sau nhiều lần cân nhắc, ông đã lọc ra hai tác phẩm xuất sắc nhất. Đã đến lúc phải chọn một trong hai.
Một trong hai bức tranh miêu tả một mặt hồ yên tĩnh, phản chiếu hoàn hảo những ngọn núi yên bình bao quanh nó. Phía trên hồ là những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên bầu trời trong xanh. Mọi người khi nhìn đều nói rằng, đây là một bức tranh hoàn hảo về bình an.
Bức tranh thứ hai cũng có núi. Những ngọn núi gồ ghề và trơ trụi. Bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa xuống. Ánh sáng lóe lên. Dọc sườn núi là một thác nước sủi bọt đang đổ xuống. Chẳng có vẻ gì là yên bình chút nào cả.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau thác nước có một bụi cây nhỏ mọc trên đá. Trong bụi cây là một tổ chim đã được xây xong. Ở đó, giữa dòng nước giận dữ, chim mẹ đang ngồi trên tổ của mình. Nhà vua đã chọn bức tranh này làm hình ảnh hoàn hảo về bình an.
Ông giải thích như sau: “Bình an không chỉ ở nơi không có tiếng ồn, rắc rối hay công việc khó khăn. Nó luôn tiềm ẩn ở giữa vạn vật như chúng vốn có, ngay trong chính cõi lòng thư thái của bạn. Đó là ý nghĩa thực sự của bình an.”
Điều đó có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là, hạnh phúc là một trạng thái bên trong mà chúng ta có thể đạt được – bất kể chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Đó là sự lựa chọn của chính chúng ta – việc chúng ta quyết định trở thành người như thế nào trong thế giới này.
Cuộc sống không phải không có những thăng trầm. Chúng ta không thể kiểm soát được mọi thứ xảy đến với mình.
Mặt khác, không có gì trên thế giới này là miễn phí cả. Hạnh phúc luôn đi kèm một cái giá phải trả nhất định. Nếu bạn yêu thương một người, bạn sẽ phải có trách nhiệm và chăm sóc họ. Cuộc sống không còn là của riêng bạn nữa – giờ đây, nó là trách nhiệm chung giữa đôi bạn với nhau.
Khi còn độc thân, bạn có thể thức dậy, đi ngủ, tiêu tiền và làm bất cứ điều gì bạn muốn. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, bạn sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn lối sống của mình.
Một số người có thể nói rằng, “Có vẻ như chẳng có thứ gì gọi là hạnh phúc cả.”
Sự thật là, chúng ta đang sử dụng những thứ bên ngoài để định hình cảm giác hạnh phúc của mình. Nói cách khác, nó có nghĩa là “Tôi chỉ có thể hạnh phúc khi tôi…”
Như Emoto đã khẳng định, chúng ta cần lưu tâm đến những gì đang diễn ra trong trái tim mình. Chỉ khi nhận thức sâu sắc về bản thân, chúng ta mới có thể thực sự tìm thấy sự bình yên.
Và một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng trái tim là rèn luyện lòng biết ơn – ý thức rằng tất cả chúng ta đều có khả năng định hình thực tế bằng tâm trí của mình. Rằng luôn có lý do nào đó đằng sau mọi chuyện xảy ra trong đời.
Biết ơn có nghĩa là luôn đối xử với mọi người – và mọi sự bằng thái độ tôn trọng. Như thể luôn có một “sinh linh” (kami – 神) bên trong vạn vật. Bất cứ điều tích cực nào chúng ta làm cho họ thì một ngày nào đó, trái quả của những hành động đó sẽ quay trở lại với chúng ta.
Làm như vậy, chúng ta cho phép mình có cơ hội khám phá ra mục đích – “lý do tồn tại” của cuộc sống. Và đó là một yêu cầu quan trọng để đến gần với hạnh phúc.
Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều rung động ở một tần số độc nhất. Vậy nên, nếu bạn phát ra một hadou hạnh phúc thì bạn có thể chắc chắn rằng vũ trụ này sẽ đáp lại bạn với niềm hạnh phúc.
Đọc thêm: Gaman (Ngã mạn – 我慢) – Triết lý đằng sau năng lực bền bỉ của người Nhật
Không có gì là một hòn đảo riêng biệt
Trong “Bí mật của nước”, Emoto đề cập đến một khái niệm gọi là “Y học Hadou” – xoay quanh ý tưởng chữa bệnh một cách toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào các bộ phận bị bệnh như y học hiện đại vẫn làm.
Ví dụ, thay vì đến hiệu thuốc để tìm thuốc giảm đau, tốt hơn hết bạn nên thư giãn ở nhà và bật một bản nhạc êm dịu.
Thay vì chỉ đơn thuần trồng lại chiếc răng bị gãy, một bệnh nhân nên được chỉ định một lộ trình điều trị toàn diện, liên quan đến mọi khía cạnh sức khỏe thể chất của họ.
Thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề về gan của một người bị bệnh gan, bác sĩ nên cố gắng xem xét sâu hơn và đánh giá xem, liệu họ có đang gặp phải những vấn đề sâu xa hơn hay không (ví dụ: thường xuyên tức giận).
Cơ thể giống như một dàn nhạc tráng lệ với sự hòa âm của rất nhiều âm thanh. Khi đâu đó trong cơ thể có vấn đề không ổn, một trong các âm thanh sẽ bị lệch tông. Và thậm chí khi chỉ có một âm thanh lạc điệu, toàn bộ bản phối sẽ không còn như nó vốn có nữa.
Từ góc độ chăm sóc sức khỏe, tôi có thể nói rằng, có rất nhiều điều để thảo luận về chủ đề trên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài review này, tôi muốn tập trung nhiều hơn vào một điều mà tôi đã nghiệm ra dựa trên nội dung trình bày của Tiến sĩ Emoto:
Không ai là một hòn đảo.
Đây là một câu nói ám ảnh mà tôi biết đến lần đầu tiên khi đọc cuốn “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway. Xin trích lại đầy đủ như sau:
Không ai là một hòn đảo, không tự bản ai là một thể hoàn chỉnh; mỗi người đều là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu như sóng cuốn xuống biển một mảnh đá ven bờ, thì Châu Âu sẽ bé đi, cũng như nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà anh hoặc bạn anh; cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm tôi bé đi, bởi vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại. Do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai. Chuông nguyện hồn anh đấy.
Theo như hiểu biết của tôi, nó đề cập đến sự liên kết của vạn vật trong vũ trụ.
Nếu có điều gì xảy ra với một trong các bộ phận của chúng ta (ví dụ: răng), thì những phần còn lại của cơ thể cũng không được miễn trừ khỏi tác động của nó.
Tất cả chúng ta đều ý thức về việc căng thẳng, tức giận hoặc các vấn đề cảm xúc “dồn nén” có thể dẫn tới bệnh tật về thể lý như thế nào. Cảm xúc tiêu cực phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên của cơ thể, gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe. Vì vậy, các nhà trị liệu không chỉ nên dừng lại ở khắc phục triệu chứng – họ cần phải đi xa hơn nữa để đánh giá các trạng thái tinh thần tiềm ẩn đằng sau.
Ở cấp độ xã hội, con người chúng ta dựa vào nhau để sinh tồn, từ những nhu cầu cơ bản như thức ăn/ chỗ ở cho đến hỗ trợ về mặt cảm xúc và phát triển trí tuệ. Sống cô lập – và không quan tâm đến lợi ích tập thể – chắc chắn sẽ đưa con người vào con đường tự hủy diệt.
Từ góc độ môi trường, tất cả chúng ta đều là một phần của mạng lưới sự sống phức tạp trên Trái đất. Hành động của chúng ta tạo ra hiệu ứng gợn sóng tác động đến mọi thứ – từ chất lượng không khí/ nước đến đời sống thực vật và động vật. Vì lý do này, chúng ta cần thể hiện trách nhiệm tập thể trong việc quản lý tài nguyên của hành tinh.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bản thân hoàn toàn không có sức mạnh để thay đổi thế giới, bạn vẫn có thể tự mình đóng góp bằng sức mạnh tinh thần của chính bạn – qua một hoạt động rất đặc biệt mà chúng ta sẽ thảo luận ở phần tiếp theo.
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Có rất nhiều điều đã xảy ra trong thế giới này kể từ khi con người bắt đầu biết tới các tinh thể nước. Những tòa nhà khổng lồ – biểu tượng của văn minh và thịnh vượng – đã sụp đổ ngay trước mắt chúng ta. Những cuộc chiến tranh thế giới mới đã nổ ra. Chúng ta đã thấy nỗi buồn sinh ra sự giận dữ và giận dữ lại tạo ra nhiều nỗi buồn hơn, tạo thành một vòng tròn bao trọn lấy thế giới xung quanh chúng ta. Có người khóc, có người cúi đầu tuyệt vọng, và có người ngẩng lên cầu nguyện. Chúng ta phải dùng chính sức mạnh bên trong mình để giữ những suy nghĩ của chúng ta tập trung vào những điều tốt đẹp xung quanh – thay vì vào những thế lực mang tính hủy diệt.
Khái niệm cầu nguyện nghe có vẻ xa lạ đối với những người không có niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, tôi tin rằng nó không nhất thiết phải như vậy.
Theo truyền thống, cầu nguyện là cách để các tín đồ kết nối với một sức mạnh cao hơn – dù là một vị thần hay một loại trí tuệ thần thánh nào đó. Nó được xem như một hình thức giao tiếp, bày tỏ lòng biết ơn, lời cầu xin, hay đơn giản là để được nói chuyện với thần thánh.
Thế nhưng, tôi cho rằng có thể đơn giản coi đó là một cách để bày tỏ hy vọng, nỗi sợ hãi hoặc lòng biết ơn đối với vũ trụ hoặc điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân bạn.
Cầu nguyện là một cách để kết nối với điều gì đó vượt ra ngoài bản thân và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Trong “Bí mật của nước”, Emoto quan sát thấy nước tiếp xúc với những lời nói và ý nghĩ tích cực sẽ đông lại thành những tinh thể cân xứng đẹp đẽ. Mặt khác, những cụm từ tiêu cực sẽ tạo ra những tinh thể méo mó, không hài hòa.
Khi nước được tiếp xúc với một số cách biểu hiện nhất định – “Bạn thật dễ thương”, “Bạn thật xinh đẹp”, “Tình yêu và lòng biết ơn” – một tinh thể tuyệt đẹp sẽ hình thành khi nước được đóng băng. Điều này thực sự có ý nghĩa gì với chúng ta? Những ý nghĩ trong trái tim chúng ta có tác động tới tất cả sự sống và trong quá trình hình thành thế giới ngày mai của chúng ta.
Bí mật của nước review
Phát hiện thú vị này cho ta một lăng kính khoa học để hiểu được sức mạnh của lời cầu nguyện – một dòng năng lượng tích cực liên tục có sức mạnh định hình thế giới.
Cầu nguyện, dù là dưới hình thức nào, cho phép chúng ta tập trung suy nghĩ và ý thức vào điều chúng ta thực sự mong muốn – hòa bình, tình yêu, sự chữa lành. Bằng cách gửi đi năng lượng tích cực, giống như những từ dùng với nước, chúng ta đang góp phần định hình thế giới xung quanh, với từng suy nghĩ đầy hy vọng của mình.
Sẽ dễ dàng hơn để chấp nhận quan điểm này nếu bản thân bạn có theo một tín ngưỡng/ thực hành tâm linh nào đó. Thế nhưng, ngay cả khi thiếu vắng niềm tin tôn giáo, tôi tin rằng bạn vẫn có thể tìm ra lý do để thực hiện thói quen này.
Cầu nguyện, dưới hình thức cơ bản nhất, mang lại cho chúng ta cảm giác an ủi, bình yên nội tâm và sức mạnh trong những thời điểm thử thách. Nó cho phép chúng ta tĩnh lặng lại và kết nối với nội tâm – những cảm xúc, ham muốn và lo lắng của ta. Bằng cách thể hiện những điều này, thậm chí là âm thầm, mỗi người sẽ có thể trở nên minh mẫn và thông tuệ hơn hẳn.
Mặt khác, hoạt động này còn giúp kết nối ta với cộng đồng những người có cùng chí hướng, qua đó nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc và hỗ trợ. Bằng cách này, chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để hành động trong thế giới thực.
Khi có đủ người hành động nhờ cầu nguyện, thì chắc chắn những thay đổi tích cực sẽ xảy ra sau đó.
Nếu có đủ người tập trung suy nghĩ và ý thức vào một kết quả tích cực, điều đó sẽ tạo ra một làn sóng lạc quan tập thể, giúp nuôi dưỡng tinh thần hợp tác.
Lời cầu nguyện không nhất thiết phải hướng tới một vị thần cụ thể. Bạn hoàn toàn có thể xem nó như một hình thức thiền định hoặc tự suy ngẫm. Chìa khóa ở đây là tìm ra một phương pháp luyện tập mà bạn cảm thấy có ý nghĩa. Trong trường hợp bạn có ít kinh nghiệm – hoặc gặp khó khăn trong việc thể hiện bằng từ ngữ của riêng mình, lắng nghe lời cầu nguyện của người khác là một ý tưởng hay để tiếp xúc với những quan điểm và cách thể hiện bản thân mới.
Không có một tôn giáo cụ thể nào từng độc chiếm được những đặc quyền đối với sức mạnh của lời cầu nguyện. Bất kể bạn là ai, chúng ta đều có khả năng tận dụng được sức mạnh đáng kinh ngạc và tuyệt vời này.
Bonus – Sức mạnh chữa lành của âm nhạc
Trước khi kết thúc, hãy cùng điểm qua một chủ đề mà tôi thấy thực sự thú vị trong “Bí mật của nước” – sức mạnh chữa lành của âm nhạc.
Như Emoto đã chỉ ra, thế giới hiện đại có rất nhiều thứ khiến ta phân tâm – tiếng ồn, căng thẳng, cảm giác vội vã thường trực. Âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, đóng vai trò như một nơi ẩn náu cho những ai đang tìm kiếm sự trú ẩn về mặt tinh thần. Nhịp độ chậm, theo cấu trúc thường thấy trong các tác phẩm cổ điển là tác nhân mang lại cảm giác bình an và trật tự – một sự tương phản hoàn toàn với tình trạng hỗn loạn của cuộc sống hàng ngày.
Âm nhạc hiện đại thường có nhịp độ nhanh và nhiều tiếng ồn – nên thích hợp để kích thích tinh thần, song lại không phải lúc nào cũng có lợi cho mục đích thư giãn/ suy ngẫm. Trong khi đó, các giai điệu cổ điển thường tập trung truyền tải tâm trạng/ bầu không khí, khiến người nghe dễ dàng đạt được sự bình yên và chánh niệm bên trong. Nhờ đó, tâm trí chúng ta trở nên hòa nhịp vào thực tại, ít bị cuốn theo những lo lắng hay bất an hơn.
Dưới đây, tôi đã tổng hợp danh sách các tác phẩm âm nhạc mà Emoto đã đề cập trong tác phẩm của mình. Mời bạn hãy cùng tôi thưởng thức nhé!
Keys to my heart – Alan Roubik
Wedding March – Mendelssohn
Ride of the Valkyries – Wagner
Zigeunerweisen – Sarasate
Adagio – Albinoni
Ave Maria – Schubert
Edelweiss – The Sound of Music
Amazing Grace – Andrea Bocelli
The Celts – Enya
Rokudan no Shirabe
Etenraku in Hyojo
Tsurukame
Bonus: Dưới đây là một trong những playlist nhạc cổ điển yêu thích của tôi. Tôi đã sử dụng nó nhiều lần để tập trung trong khi học tập/làm việc, hoặc đơn giản khi tôi muốn tĩnh tâm/chữa lành bản thân.
Một số trích dẫn yêu thích từ sách Bí mật của nước
Con người không nên bị chia cắt bởi những chiến lược và ý thức hệ chính trị. Cũng giống hệt như nước, con người lúc nào cũng cần được tự do tuôn chảy.
Khác biệt về màu da hay ngôn ngữ đều có thể dễ dàng vượt qua khi những trái tim hòa điệu với nhau, tạo nên một làn sống tuôn chảy.
Tâm hồn con người có một sức mạnh phi thường . Chúng ta thường nghe nói rằng hành động là kết quả cho những suy nghĩ của chúng ta, và nguyên tắc đó được minh chứng rõ nét qua cách nước hình thành các tinh thể theo những ảnh hưởng mà nó vừa được tiếp xúc.
Nếu con người khao khát được thấy sự hủy diệt của thế giới, vậy thì đó là điều sẽ xảy đến.
Những rung động trong suy nghĩ của bạn ở chính thời điểm này cũng đang tạo ra một tác động nhất định lên thế giới. Khi hiểu được điều này, bạn cũng có thể nhận ra rằng bạn vốn đã nắm trong tay mình tất cả những chìa khóa bạn cần để thay đổi cuộc đời mình.
Nếu bạn cảm thấy lạc lõng, thất vọng, chần chừ hay yếu đuối, hãy trở về với chính mình, với con người thực của bạn, ở đây và bây giờ.
Lời kết
Và đó là toàn bộ bài review sách “Bí mật của nước” của tôi! Những nội dung trình bày ở trên chỉ là một vài điểm nổi bật trong sách mà tôi đặc biệt tâm đắc. Trên thực tế, còn rất nhiều “viên kim cương” ẩn giấu mà tôi tin rằng bạn sẽ quan tâm và muốn tìm hiểu. Cho dù bạn có tin vào các thí nghiệm về tinh thể nước hay không, tôi khuyên bạn nên đọc thử tác phẩm của TS. Emoto. Thông qua những chia sẻ của tác giả, chắc chắn ngày hôm nay của bạn sẽ trở nên tươi sáng hơn hẳn – và bạn sẽ được truyền cảm hứng để đi trên con đường hướng tới một cuộc sống phong phú hơn!
Hãy lấp đầy tâm hồn mình với tình yêu và lòng biết ơn. Hãy cầu nguyện cho thế giới này. Hãy chia sẻ thông điệp của tình yêu. Và hãy cùng nhau tuôn chảy khi nào bạn còn sống trên cuộc đời này.
Có thể bạn quan tâm:
- Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn
- 50 câu hỏi tâm linh: Đánh thức & nuôi dưỡng tâm hồn
- Review phim Silence (2016): Suy ngẫm về đau khổ, nghi ngờ & cái giá của niềm tin
- Revie sách What got you here won’t get you there (Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai)
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!