Review phim Silence (2016) (tựa Việt: Thinh lặng): Suy ngẫm về đau khổ, nghi ngờ & cái giá của niềm tin

silence movie review
Trang chủ » Điện ảnh » Review phim » Review phim Silence (2016) (tựa Việt: Thinh lặng): Suy ngẫm về đau khổ, nghi ngờ & cái giá của niềm tin

Không chỉ là một bộ phim lịch sử ý nghĩa, “Silence” của Martin Scorsese là lời mời gọi mỗi người tự lắng đọng để suy ngẫm về giá trị của niềm tin – đặc biệt khi phải đối mặt với đau khổ vô ngần trong cuộc sống. Với bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng đi sâu vào phân tích các chủ đề như sự nghi ngờ, cái giá của niềm tin và thân phận con người trong thế giới đầy hỗn loạn ngày nay.

Tôi đã từng mơ ước viết bài review phim Silence (2016) từ lâu. Khi đề cập đến những tác phẩm điện ảnh lấy chủ đề niềm tin, tôi nhận thấy phần lớn đều có thiên hướng giáo điều và tuyên truyền – điều khiến các bộ phim đó trở thành công cụ dạy giáo lý nhiều hơn là những kiệt tác sẽ đọng lại lâu dài trong tâm trí khán giả. Silence là một ngoại lệ. Đối với tôi, điều thực sự thú vị ở bộ phim này là nó không đưa ra bất kỳ câu trả lời cụ thể nào – đúng hơn, nó đặt ra những câu hỏi không có lời giải, khuyến khích mỗi người nhìn vào bên trong, khám phá bàn thân và tìm ra con đường riêng cho chính mình. Dù bạn có theo đạo Kitô hay không, tôi tin rằng đây thực sự là một tác phẩm điện ảnh mà bạn không nên bỏ lỡ!

Tóm tắt nội dung chính

  • Silence xoáy sâu vào những phức tạp của xung đột tôn giáo trong lịch sử, qua đó đặt ra chất vấn về sự tồn tại của thứ gọi là “chân lý tuyệt đối”.
  • Ngoài ra, phim cũng khuyến khích ta suy ngẫm về phương diện đạo đức/ luân lý trong thực hành tôn giáo và tâm linh – liệu ta có nên kiên định tuân theo các học thuyết lâu đời (bất kể cái giá phải trả) hay không, và liệu đức tin chân chính có nghĩa là ưu tiên lòng từ bi hơn các quy tắc cứng nhắc và tinh thần độc thiện (self-righteous) hay không.
  • Thế nào là một Kitô hữu đích thực? Cốt lõi của đức tin Kitô là cải đạo và các nghi lễ cứng nhắc, hay là về thực hành tình yêu và tư duy cởi mở trước những quan điểm đối nghịch?
  • Xu hướng của con người là bám vào một ý niệm lý tưởng hóa về đức tin, nhưng điều đó có thực sự đúng không? Liệu những con người mang trong mình đầy khuyết điểm có thể giữ được niềm tin của mình không?
  • Cái kết mở của bộ phim là lời mời gọi mỗi người tự dấn thân vào hành trình tự vấn và đưa ra câu trả lời cho riêng mình.

Tôi đã biết về phim Silence như thế nào?

Tuy bản thân tôi là người theo đạo Kitô (cụ thể là Công giáo), trước đây tôi không có thói quen xem những bộ phim lấy chủ đề về niềm tin. Vì vậy, khi Silence được phát hành vào năm 2016, tôi hoàn toàn không biết gì cả.

Cho đến một ngày chủ nhật nọ, tôi dự Thánh lễ tại một nhà thờ gần nhà. Khi vị linh mục bắt đầu bài giảng, ông đề cập đến bộ phim và lược qua những điểm chính của nó – để làm cơ sở cho những chia sẻ chính của ông về bài Phúc âm ngày hôm đó.

Hiện tại, tôi không thể nhớ chính xác ông đã nói những gì – song tôi biết chắc chắn rằng vào thời điểm đó, tôi rất ấn tượng với việc ông quyết định thảo luận về một bộ phim khá nhạy cảm, được thực hiện bởi một đạo diễn ít nhiều gây tranh cãi (ít nhất là trong cộng đồng Cơ đốc giáo).

Cũng xin được nói thêm, vị linh mục đó là một trong những người tôi thích đến để nghe giảng nhất. Không giống như hầu hết các linh mục khác thường “giảng đạo” khá lý thuyết và giáo điều – giống như những luật sĩ trong Kinh thánh (đó chỉ là ý kiến ​​​​cá nhân của tôi – tôi không có ý xúc phạm họ), thì ngược lại, tôi nhận thấy phần lớn các bài giảng của cha khá gần gũi với đời sống.

Ông ít bàn luận về phương diện thần thánh và uy quyền của Thượng đế – nhưng tập trung nhiều hơn vào các chủ đề như tình yêu, tấm lòng, sự đấu tranh nội bộ, ý nghĩa của sự tha thứ – cả với chính mình và tha nhân, v.v…

Các bài giảng của ông khắc họa tâm linh theo một cách thức rất nhân bản và dễ hiểu. Nó khơi dậy niềm hy vọng và mong muốn thay đổi chính mình trong tôi (khác hoàn toàn với cảm giác xa cách/ ý niệm về sự thánh thiện không tì vết mà những bài giảng của các linh mục khác thường mang lại cho tôi).

Bên cạnh đó, ông là một trong số ít linh mục sẵn sàng công khai bàn luận và khuyến khích giáo đồ suy ngẫm về những chủ đề ít nhiều “phi chính thống”, chẳng hạn như:

  • Việc phong chức cho những người đã có gia đình ở khu vực Amazon;
  • Bản tính con người của Chúa Kitô – rằng ngay cả chính Người cũng có thể đã thi thoảng gặp phải những khúc mắc và thử thách về niềm tin như bất kỳ người phàm trần nào khác;
  • Việc các Kitô hữu nên cởi mở khi tiếp xúc với những người đến từ các niềm tin khác (ông thậm chí còn đề xuất rằng mọi người không nên e dè với việc tham dự các sự kiện được tổ chức bởi các tôn giáo bạn – ví dụ: bản thân ông thấy hoàn toàn bình thường khi gửi lời chúc mừng đến các nhà sư vào ngày lễ kỷ niệm Phật đản);
  • v.v…

Đối với tôi, cách thức truyền giảng của vị linh mục đó thực sự thú vị. Chính nó đã nuôi dưỡng trong tôi động lực mở rộng tầm nhìn và tích cực nghiên cứu/tìm hiểu về các chủ đề tâm linh.

Vì vậy, khi ông đề cập đến bộ phim Silence trong bài giảng ngày hôm đó, tôi quyết định rằng nên dành thời gian xem thử nó. Dẫu sao thì, tôi cũng có mối quan tâm đặc biệt với văn hóa Nhật Bản – nên tại sao lại không chứ?

Và hóa ra, đó là một quyết định khôn ngoan. Tôi không hề thấy hối tiếc sau khi xem bộ phim này.

review phim silence 2016

Vì sao là Silence?

Đó cũng là câu hỏi mà tôi đã tự vấn bản thân trước khi bắt đầu bài viết này. Suy cho cùng, còn rất nhiều bộ phim khác liên quan đến chủ đề khám phá bản thân được nhiều người biết đến hơn hẳn (ví dụ: “Cuộc đời của Pi”).

Vậy tại sao lại là Silence? Lý do gì lại review một bộ phim ít nhiều hơi nhạy cảm như vậy?

Câu trả lời rất đơn giản: đây là bộ phim đầu tiên tôi nghĩ đến khi lên ý tưởng cho mục Review phim trên blog của mình.

Tôi xin nhắc lại – Silence là bộ phim đầu tiên tôi nghĩ đến khi brainstorm nội dung cho hạng mục Review Phim trên website này.

Tại sao vậy?

Tôi cũng không biết chắc nữa – có lẽ đó là vì một giọng nói bên trong tôi đã luôn thì thầm với tôi suốt thời gian qua. Một sự sắp xếp nào đó vượt lên nhận thức thông thường của tôi.

Dù sao đi nữa, nếu thực sự suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy Silence quả thực là một lựa chọn đáng giá cho những ai đang trên hành trình khám phá bản thân:

  • Chủ đề về niềm tin: Bộ phim đặt ra cho người xem hàng loạt câu hỏi về đức tin, sự nghi ngờ, ý nghĩa thực sự của niềm tin khi đối mặt với khó khăn cùng cực. Chính điều này biến nó thành công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho những ai đang trên hành trình khám phá hệ giá trị cốt lõi của riêng mình.
  • Khả năng phục hồi và bản sắc cá nhân: Phim đi sâu vào khám phá cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật, những hoài nghi về danh tính và mục đích cá nhân giữa một môi trường đầy thù địch. Vì thế, thông điệp của phim có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với những ai đang phải đối mặt với thử thách trong cuộc sống.

Giờ thì, chúng ta cùng bắt đầu bạn nhé!

Tóm tắt nội dung phim Silence

Để không mất thời gian (cũng như không tiết lộ trước quá nhiều nội dung), tôi xin được phép không trình bày chi tiết về cốt truyện phim – bạn đọc quan tâm có thể xem qua trang Wikipedia của nó tại đây.

Tuy nhiên, để thuận tiện cho bạn (đặc biệt những ai chưa xem qua phim), tôi sẽ tóm tắt sơ lược nội dung chính như sau:

Silence (2016) là bộ phim cổ trang của đạo diễn Martin Scorsese – kể về cuộc hành trình của hai linh mục Dòng Tên là Sebastian Rodrigues (Andrew Garfield) và Francisco Garupe (Adam Driver) từ Bồ Đào Nha đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 17. Nhiệm vụ của họ là tìm kiếm Cha Cristóvão Ferreira (Liam Neeson), người đã mất tích tại Nhật và bị đồn đại là đã từ bỏ đức tin sau khi bị tra tấn.

Đến nơi, họ gặp một cộng đồng Kitô hữu ẩn mình đang thực hành đức tin một cách bí mật. Sự săn lùng không ngơi của chế độ Tướng quân buộc họ phải bỏ đạo bằng cách giẫm lên biểu tượng thánh giá (fumi-e) để tránh bị tra tấn và giết chết.

Chứng kiến ​​​​sự đau khổ của những người đồng đạo, lý tưởng của Rodrigues đã bị thử thách mạnh mẽ. Xuyên suốt bộ phim, cha liên tục phải vật lộn với những nghi ngờ về sứ mệnh của mình – và cái giá phải trả cho lòng tin.

Trailer phim

Silence được xây dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Công giáo người Nhật Shūsaku Endō – người đã lấy cảm hứng cho tác phẩm từ những sự kiện có thật trong quá khứ (kèm theo một vài sửa đổi mang tính sáng tạo). Bản thân Endō đã phải vật lộn với những câu hỏi liên quan đến đức tin trong suốt đời mình. Chính điều này đã dẫn đến việc nhiều tác phẩm của ông lại xoay quanh các chủ đề về Cơ đốc giáo, tín ngưỡng và tâm linh.

Phân tích & đánh giá phim Silence

Thế nào là sự công chính thực sự?

Từ các sự kiện lịch sử, chúng ta đều biết rằng quá trình du nhập Kitô giáo vào các nước Đông Á đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp – phần lớn bắt nguồn từ xung đột giữa hai hệ tư tưởng Đông-Tây, một đại diện bởi các nhà truyền giáo Kitô giáo, và một bởi các tôn giáo bản địa truyền thống (Phật giáo, Đạo giáo, Thần đạo, tín ngưỡng thờ tổ tiên của Việt Nam, v.v…).

Và chúng ta đều biết rằng thời đó, con người không bao dung và thông cảm với nhau như về sau.

Các nhà truyền giáo Kitô – hoàn toàn tin tưởng vào sự công chính của việc mình làm – đã làm bất cứ điều gì cần thiết để “cải đạo” người dân địa phương. Để họ từ bỏ đường lối của tổ tiên, đạt tới “sự cứu rỗi” và thoát khỏi tội đày vĩnh viễn. Thậm chí, đã có trường hợp giáo sĩ khuyến khích tín đồ đốt chùa chiền, nổi dậy chống lại chính quyền (khởi nghĩa Shimabara tại Nhật là một ví dụ điển hình cho thái độ cực đoan này).

Mặt khác, các thầy tu/ nhà sư bản địa xem tôn giáo Tây phương này là mối đe dọa đối với lối sống truyền thống. Họ tin rằng các linh mục Âu châu quá kiêu ngạo và tự phụ – rằng những người nước ngoài này đang dẫn đầu cho cuộc xâm lược của Tây phương vào thế giới phương Đông (tôi xin phép không bàn quá nhiều về chính trị ở đây).

Thật dễ để ta lựa chọn một phe trong cuộc đấu tranh này – và cho rằng đối phương là phe “phản diện”.

Nhưng, chúng ta nên hiểu như thế nào về “chính diện” và “phản diện”? Thế nào là “đúng”, và thế nào là “sai”?

Ngày xưa, trong lớp học Vật lý, chúng ta đã được dạy rằng khi nói về chuyển động, bạn cần một cái gì đó làm cột mốc/ chuẩn mực để xác định xem một vật đang chuyển động hay đứng yên.

Và tôi tin rằng quy tắc tương tự cũng áp dụng cho việc phân định “đúng” và “sai”.

Một điều tôi khá thích về Silence là nội dung phim không xét đoán bên nào “đúng”, bên nào “sai”. Điều đó là để dành cho khán giả tự đánh giá.

Và nếu bạn thực sự nghĩ kỹ về nó, tôi dám khẳng định rằng mọi chuyển không hề đơn giản. Bởi vì, cột mốc/ chuẩn mực bạn đang sử dụng là gì?

Liệu có đúng không khi nói rằng Chúa Kitô đã yêu cầu những Kitô hữu chúng ta phải “truyền bá Tin mừng” – bằng bất kỳ mọi giá nào? Rằng hy sinh nhân mạng là điều cần thiết để lời Chúa được chiếu sáng và lan tỏa?

Tôi cho rằng đó là một lập luận không sai – nhưng chủ yếu là để áp dụng với bản thân. Chúng ta có nên ép người khác chịu đựng gian khổ nhân danh mình không? Thái độ cực đoan đó có thể xem là chính nghĩa không?

Có bằng chứng nào trong Thánh Kinh ủng hộ quan điểm đó không?

Làm sao chúng ta có thể biết – một cách CHẮC CHẮN – rằng những gì mình làm là chính đáng?

Từ đây, tôi xin được phép đi qua chủ đề tiếp theo.

review phim silence

Review phim Silence

Cái giá của việc tuân thủ tín lý/ luật lệ quá nghiêm ngặt

Silence cho khán giả thấy một viễn cảnh đau đớn: chính quyền địa phương khi đàn áp các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi đã quyết định không tra tấn hay giết hại các linh mục phương Tây – mà thay vào đó lại nhắm vào chính đồng bào của họ.

Lý do rất đơn giản: để gây ra sự đau đớn, xấu hổ và thống khổ cho các linh mục. Để khiến họ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn – bỏ đạo hay không?

Nếu trả lời “không”, các giáo đồ sẽ tiếp tục bị tra tấn và giết hại.

Nếu trả lời “có”, sự tra tấn sẽ chấm dứt.

Tình huống này làm tôi liên tưởng đến một câu nói nổi tiếng của Shakespeare: Tồn tại hay không tồn tại?

Việc buộc người khác phải bỏ mạng vì niềm tin của mình có phải là một lựa chọn khôn ngoan? Một lần nữa, dù bạn trả lời là “có” hay “không”, bạn đang sử dụng cơ sở/ chuẩn mực nào để đưa ra câu trả lời?

Khi chúng ta để người khác chịu đựng gian khổ, có phải vì ta thực sự tin rằng điều đó là xứng đáng?

Đó có phải là điều mà Thần thánh ra lệnh cho chúng ta phải làm không?

Hay có đúng không khi nói rằng nguyên nhân thực sự xuất phát từ “cái tôi” của chúng ta? Từ cái gọi là “danh dự” cá nhân?

Hãy thử nghĩ xem – nếu các linh mục từ bỏ đức tin của mình một cách công khai, việc tra tấn sẽ chấm dứt. Nhưng danh tiếng của họ với tư cách là linh mục cũng sẽ tiêu tan theo.

phim yên lặng silence 2016

Review phim Silence

Trong phim, sau khi Cha Rodrigues giẫm lên fumi-e, mọi việc đã không diễn ra hoàn toàn suôn sẻ sau đó. Tuy các tín đồ Nhật được giải cứu, song cha không bao giờ còn có thể tự gọi mình là linh mục nữa.

Cha đã bị người dân địa phương làm nhục (thật đau lòng khi chứng kiến ​​những đứa trẻ vô tội chế nhạo người, chỉ vì sự thiếu hiểu biết của chính chúng, vì những yếu tố “chính trị” mà con trẻ không bao giờ nên bị dính vô).

Và, ông bị chính quyền địa phương ép buộc phải hỗ trợ “thanh tẩy” toàn bộ ảnh hưởng còn sót lại của Kitô giáo ở Nhật Bản.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Cha Rodrigues đã hành động ngược lại – bằng cách “trung thành” với những lời dạy của mình và để mọi người bị giết hại “nhân danh Chúa”?

Điều đó sẽ mang lại ích lợi gì?

Nói đến đây, tôi nhớ tới một điều tôi phát hiện ra khi nghiên cứu về các cộng đồng Kitô giáo ẩn mình ở Nhật Bản (hay Kakure Kirishitan – 隠れキリシタン), đó là nhiều người đã quyết định giẫm lên fumi-e – để cứu lấy mạng sống của chính mình.

Thế nhưng, chính vì hành động có vẻ “từ bỏ đức tin” này – mà hạt giống niềm tin không bị mất đi, và Kitô giáo mới có thể tồn tại cho đến giờ ở Nhật.

Chúng ta nên suy nghĩ như thế nào về điều này?

Giẫm lên fumi-e có phải là hành động hèn nhát, yếu đuối không? Một lần nữa, chúng ta đang sử dụng cột mốc/ cơ sở nào để đưa ra câu trả lời?

Mặt khác, ép người khác phải bỏ mạng để “tôn vinh Chúa” – có phải là đạo lý thật sự? Hay chỉ là dấu hiệu cho thấy cái tôi của chúng ta đang hành động?

review phim silence

Review phim Silence

Tình yêu & lòng trắc ẩn cần được ưu tiên hơn luật lệ & niềm kiêu hãnh

Nếu bạn thực sự suy ngẫm về nó, tôi dám khẳng định: Kinh thánh đã đề cập rằng, cốt lõi của luật lệ là để người ta sống một cuộc sống tốt đẹp và nhân ái, chứ không phải chỉ để tuân theo quy tắc một cách mù quáng. Xin được phép trích lại theo Phúc âm Matthew 12:1-8 như sau:

Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Jesus đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisee thấy vậy, mới nói với Đức Jesus: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!”

Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.”

Về phần mình, tôi dám nói rằng trong số những người Pharisee đã lên án các môn đồ của Đấng Christ, nhiều người thực sự là người tốt. Rằng họ thực lòng coi các môn đồ là những người vi phạm luật lệ – và hành động của họ cần phải được “chấn chỉnh” lại.

Nói cách khác, họ chỉ trích người khác không phải vì nhu cầu “nâng” bản thân lên – mà vì họ thực sự tin vào sự công chính trong hệ tư tưởng của mình.

Bạn nghe thấy có quen không?

Tôi phải thừa nhận rằng chính tôi cũng không ít lần rơi vào cái bẫy tự cho mình là đúng này. Rất nhiều khi, tôi tin tưởng sâu sắc rằng những người vi phạm luật (dù là trong phạm vi tín ngưỡng tâm linh hay ngoài đời sống) đều đáng bị “trừng phạt”.

Đó là cách suy nghĩ rất thường tình.

Tuy nhiên, đó có phải là tinh thần thực sự của Kitô giáo? Là tinh thần của việc sống như một con người đích thực?

Xu hướng tự nhiên của chúng ta là bị ám ảnh bởi việc tuân thủ các quy tắc/học thuyết – theo đúng nghĩa đen và hoàn toàn “tuyến tính” – đến mức chúng ta quên mất khía cạnh tấm lòng con người. Về điều thực sự quan trọng khi chúng ta lan truyền “tin mừng”.

Chúng ta quá tập trung vào vẻ bề ngoài – đến nỗi không nhận thức được tầm quan trọng của tình yêu chân thành và giá trị của việc giúp đỡ người khác.

Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.

Hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

phim silence 2016

Review phim Silence

Tất cả chúng ta đều biết rõ về những cuộc “thánh chiến” trong lịch sử (về phần mình, tôi cho rằng chúng ta cũng có thể suy ra điều tương tự cho toàn bộ mọi cuộc chiến – không chỉ những xung đột liên quan đến tôn giáo). Về những hậu quả chúng để lại.

Và tôi dám nói rằng hầu hết đều bắt đầu vì cái tôi tự mãn của con người. Chúng ta tự cho mình là trung tâm, và quá bị ám ảnh bởi việc “tuân thủ lề luật” – đến mức sẵn sàng tuyên bố “Chúa của chúng ta tốt hơn của các người”.

Mở rộng ra quy mô lớn hơn, tôi cho rằng hầu hết các cuộc chiến tranh/xung đột đều bắt nguồn từ tư duy “Hệ tư tưởng của chúng tôi siêu việt hơn bạn”.

Một lần nữa, đâu là cột mốc/ cơ sở ta đang sử dụng để đưa ra lập luận như vậy?

Chúng ta buộc mọi người phải chết vì một lý tưởng gì đó – nhưng điều này có thực sự đáng không?

Tôi mong bạn hãy suy ngẫm về nó.

Nếu có ai đó nói rằng, luật lệ yêu cầu ta phải phát động chiến tranh, tôi sẽ hỏi: đó là loại luật gì vậy?

Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.

Mark 7:9

Nói tóm lại, điểm chính yếu tôi muốn chia sẻ với bạn ở đây là: việc tuân thủ quy tắc không nên phải đánh đổi bằng việc giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn. Hãy nhìn vào vị tư tế và thầy Lê-vi được đề cập trong Dụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân lành – và bạn sẽ hiểu tại sao.

Trở lại câu chuyện trong phim Silence, tôi có một câu hỏi để các bạn suy ngẫm:

Để mặc người khác chịu đau khổ có phải là một lựa chọn khôn ngoan? Dù câu trả lời của bạn là gì, nó có thực sự xuất phát từ trái tim của bạn không?

phim thinh lặng

Review phim Silence

Thế nào là tinh thần Kitô giáo/ nhân bản thực sự?

Tôi thường nghe những Kitô hữu bảo thủ tuyên bố rằng, sứ mệnh của chúng ta là cải đạo càng nhiều người càng tốt. Rằng những người không lắng nghe lời kêu gọi của Cơ đốc giáo sẽ phải chịu án phạt đời đời – bất kể họ là ai. Dù cho họ có là người như Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Thế nhưng, trở thành một Kitô hữu thực sự có nghĩa là gì?

Tôi nhớ ngày xưa từng đọc tác phẩm “Cuộc đời của Pi”. Trong sách, khi Piscine Molitor Patel đến gặp vị linh mục địa phương để được rửa tội, ông đã nói điều gì đó đại loại như “Con đã là một tín đồ Kitô rồi”.

Điều này khiến tôi suy nghĩ – việc là một Kitô hữu có đòi hỏi phải có phép rửa tội (baptism) không? Nó có nghĩa là bạn phải CHÍNH THỨC được chấp nhận vào Giáo hội (dù là Công giáo, Tin lành, Chính thống hay Anh giáo) hay không?

Đối với tôi, điều thực sự quan trọng là thực hành những lời dạy của Chúa Kitô. Để làm những gì Người đã ra lệnh cho chúng ta làm. Và nó là gì?

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.

John 13:35

Bạn thấy đấy, cốt lõi ở đây là truyền bá thông điệp tình yêu. Chính tình yêu là dấu chỉ ai là môn đệ của Chúa Kitô.

Mỗi khi làm bất cứ việc gì, bạn hãy suy ngẫm điều này: Hành động của tôi có xuất phát từ lòng khao khát yêu thương người khác không? Hay động cơ chính là cái tôi vị kỷ của tôi?

Khi bạn làm điều gì đó tốt cho người khác, nó có được thúc đẩy bởi sự trong sáng trong trái tim bạn – hay nó nhằm mục đích khiến bản thân trông có vẻ công chính?

(Nhân tiện nói tới đây, tôi khuyến khích bạn xem qua ví dụ minh họa này trong một bài viết khác của tôi – đề cập đến việc rất nhiều khi, chúng ta hành động vì lợi ích của bản thân – hơn là vì quan tâm đến người khác)

Bên cạnh đó, khi bàn luận về tinh thần Kitô, tôi nghĩ một điều quan trọng khác cần lưu ý, đó là chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ những phương cách xưa cũ – và đủ linh hoạt để đón nhận những thực hành mới.

Điều đó nghĩa là sao?

Trong phim Silence, Cha Rodrigues đã nhận thấy, các tín hữu Nhật Bản có xu hướng hành động rất khác so với các giáo đồ Tây  phương. Cụ thể, họ có vẻ tập trung quá mức vào các biểu tượng vật chất (ví dụ như cây thánh giá) hơn là những thứ “vô hình”. Về các dấu hiệu thể lý hơn là về niềm tin cao siêu.

Sau đó, Cha Ferreira đã nói với Rodrigues rằng, ngay cả khi người Nhật cải đạo, Kitô giáo ở Nhật cũng sẽ trở thành một thứ gì đó khác với những gì người ta suy nghĩ/thực hành ở phương Tây. Rằng có những thứ luôn là cố hữu – và sẽ không dễ dàng thay đổi được.

Núi sông có thể chuyển dời – nhưng bản tính con người thì không thể lay chuyển được.

silence

Review phim Silence

Theo Ferreira, dù các linh mục có làm thế nào, đối với người dân Nhật Bản, nhận thức về Thượng đế sẽ luôn dựa trên ý niệm lâu đời về Dainichi (大日 – Đại Nhật, nghĩa đen là “Mặt trời vĩ đại”).

Tôi không thể không đồng ý với điều này. Suy cho cùng, chẳng phải điều tương tự cũng đang xảy ra ở đất nước chúng ta hay sao?

Cụm từ “Thiên Chúa” thực ra là phát xuất từ chữ “Thiên Chủ” (天主) hay “Ông Trời”. Tuy bề ngoài đây có vẻ là một cách gọi hợp lý để chỉ Thượng đế của đức tin Tây phương, song thực tế, cách gọi này có nguồn gốc từ Ngọc Hoàng Thượng đế (玉皇上帝) – đấng cai quản tối cao theo tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.

Thuật ngữ “Thiên Chúa”/ “Ông Trời” được các linh mục phương Tây đặt ra khi họ tiếp xúc với người dân bản địa – chủ yếu là vì nó mô tả Chúa theo một cách gần gũi với người bản xứ. Nó giúp người dân thời đó hiểu được những gì họ đang truyền giảng – nhờ đó hỗ trợ cho việc rao giảng và cải đạo.

Bạn thấy đấy, có nhiều điều chúng ta coi là đương nhiên, song hóa ra lại không giống như những gì ta vẫn nghĩ.

Nhiều thứ trong cuộc sống này vốn luôn là cố hữu và không thể thay đổi được.

Khi chúng ta giới thiệu với người khác về hệ tư tưởng của mình, họ sẽ luôn diễn giải nó dựa trên nền tảng hiểu biết của họ – và điều chỉnh nó cho phù hợp với thế giới quan/ thực hành của họ.

Và không có cách nào buộc họ phải suy nghĩ như ta cả (về phần mình, tôi cũng không cho rằng đó là một ý tưởng thiết thực/nên làm).

Ở Việt Nam, các giáo đồ thường tôn kính Chúa/các vị thánh theo cách thức ít nhiều giống như thờ thần tượng. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy mọi người thường có xu hướng tụ tập quanh tượng Chúa Kitô/Đức Mẹ Maria/các thánh để cầu xin sự can thiệp từ cõi thiên.

Từ những nghiên cứu của bản thân, tôi cho rằng hành vi như vậy có nguồn gốc từ các tập tục truyền thống của Đông phương. Và đối với nhiều người phương Tây, nó không chỉ xa lạ – mà còn là điều nên hạn chế/không khuyến khích.

Nhưng điều đó có thực sự quan trọng không?

Điều gì mới có ý nghĩa thiết thực hơn – rao giảng thông điệp tình yêu, hay buộc mọi người phải thích nghi với “con đường” của riêng mình?

review phim silence

Review phim Silence (2016)

Tất cả chúng ta đều giống Kichijiro-san (ngay cả khi bạn không muốn thừa nhận điều đó)

Một nhân vật nổi bật trong phim Silence là Kichijiro – người đã nhiều lần phản bội đức tin của mình để sống sót qua tra tấn, rồi sau đó liên tục cầu xin sự tha thứ.

Tôi phải thừa nhận rằng ban đầu tôi không mấy thích thú nhân vật này. Tôi nghĩ: “Thật là một kẻ hèn nhát và yếu đuối”.

Nhưng liệu chính tôi có khá gì hơn anh ta không?

Chẳng phải tôi đã luôn phải đấu tranh với những thử thách về niềm tin và tâm linh suốt cuộc đời sao?

Nếu ở trong hoàn cảnh như anh ta, liệu tôi có hành động khác đi không?

Là Kitô hữu, chúng ta luôn được “giáo dục” về tầm quan trọng của sự thánh thiện tuyệt đối. Chúng ta đã quá quen với những hình mẫu không bao giờ dao động trước nghịch cảnh – đến mức dị nghị với những ai tỏ ra yếu đuối và dễ bị tổn thương.

Chúng ta tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo đến nỗi bám vào các tiêu chuẩn phi thực tế và quên đi khía cạnh nhân bản.

Kichijiro & Rodrigues

Review phim Silence

Đôi khi, chúng ta hành động theo cách rất giống với các kinh sư trong Kinh thánh – lên án những người “người thu thuế”, “gái mại dâm”, “kẻ tội lỗi”, v.v…, cho rằng họ cần phải bị trừng phạt và tách khỏi cộng đồng. Và bất cứ ai tiếp xúc với những người như vậy (ví dụ như Chúa Kitô) đều có vấn đề.

Nhưng liệu hành vi như vậy có phù hợp với thông điệp về tình yêu thương và lòng trắc ẩn mà Chúa Kitô đã truyền dạy không?

Chúng ta có thực sự tốt hơn những “người thu thuế”, “gái điếm”, “tội nhân”, v.v… ngoài kia không? Chẳng phải chúng ta không có những khuyết điểm của chính mình sao?

Nhân vật Kichijiro đã thôi thúc tôi nghiêm túc suy nghĩ về quan điểm của tôi đối với đức tin và chủ nghĩa anh hùng. Liệu đức tin có thể tồn tại mà không cần phải thể hiện sức mạnh ra bên ngoài hay không?

Việc một người liên tục đi chệch khỏi “con đường” – nhưng không bao giờ mất đi mong muốn quay trở lại và trở nên tốt hơn có phải là điều bình thường chăng?

Về phía mình, tôi cho rằng đó là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều đang bước đi trên con đường khám phá bản thân – hướng tới sự giác ngộ. Dù bạn nghĩ mình tài giỏi đến đâu, không ai là không mắc sai lầm trên đường đi. Dù nghiêm trọng hay không, sai sót vẫn là sai sót – không thể chối cãi được.

Chúng ta có nên tự nhủ “Tôi sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa” hay không?

Hay chúng ta nên tuyên bố điều gì đó đại loại như: “Nếu chỉ có mình tôi, tôi sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo. Đôi khi tôi sẽ phạm sai lầm – nếu có, tôi cầu xin sự tha thứ của mọi người. Đồng thời, tôi mong rằng anh chị em sẽ đồng hành cùng tôi trên hành trình – trở thành những đối tác chịu trách nhiệm với tôi, ban cho tôi lòng can đảm/trí tuệ của anh chị em, giúp đỡ tôi không bao giờ vấp ngã lần nữa?”

Đó chẳng phải cũng là một loại sức mạnh sao? Sức mạnh để thừa nhận những điểm yếu của bản thân – và yêu cầu sự giúp đỡ (điều mà ít nhiều đã bị lãng quên trong xã hội hiện tại)? Để không bao giờ trở nên quá tự mãn – đến mức ta không còn khao khát được cứu giúp nữa (hoặc nhếch mép cười nhạo những ai tỏ ra yếu đuối và cầu xin sự giúp đỡ)?

Dù cho có phải liên tục đối mặt với khó khăn, điều thực sự quan trọng là ta phải luôn cố gắng hết sức để giữ cho niềm tin luôn cháy bỏng – dù nó có yếu ớt đến đâu. Bởi vì với sự trợ giúp của ân phước, một ngày nào đó chúng ta sẽ lại nhìn thấy ánh sáng.

(Những gì tôi vừa nói trên đây có vẻ thiên về tôn giáo – nhưng thực sự, tôi cho rằng bạn cũng có thể áp dụng những nguyên tắc tương tự vào đời sống thế tục của mình)

kichijiro

Review phim Silence

Không có vinh quang trong đau khổ

Thông điệp này mạnh mẽ đến mức tôi xin lặp lại lần nữa: Không có vinh quang trong đau khổ.

Silence thách thức quan điểm lãng mạn hóa về sự tử đạo – thường được miêu tả trên các phương tiện truyền thông. Bộ phim không né tránh việc thể hiện sự tra tấn dã man mà các Kitô Nhật Bản thời kỳ đầu phải chịu đựng. Hoàn toàn không có vinh quang, chỉ có nỗi đau không thể tưởng tượng được.

Các linh mục và tín đồ nhiệt thành thường tuyên bố rằng, các vị tử đạo đã đối mặt với áp bức trong tư thế ngẩng cao đầu và lòng dũng cảm vô song – ý thức rằng việc làm của họ sẽ được khen thưởng.

Mặc dù điều đó thực sự nghe rất cảm động và truyền cảm hứng, nhưng tôi cho rằng nó khá rời xa so với thực tế.

Đau khổ là đau khổ – chúng ta không thể tuyên bố ngược lại được.

Trong phim, bạn sẽ thấy không có sự khắc họa lãng mạn hay lý tưởng hóa nào về tử đạo cả. Chỉ có sự tàn bạo và đàn áp không ngừng.

Các giáo đồ bị giết hại, máu của họ nhuộm đỏ pháp trường.

Dù đã nỗ lực hết mình, Cha Rodriguez không cảm thấy bất kỳ vinh quang nào khi chứng kiến ​ các tín hữu đồng đạo phải chịu tra tấn. Tất cả những gì cha cảm nhận được chỉ là sự thinh lặng tuyệt đối.

Thầy Ferreira của cha – người được kỳ vọng sẽ không bao giờ dao động – đã “ngã xuống” (koronda) và từ bỏ niềm tin của mình.

Đó là sự thật. Tất cả chúng ta đều thấy điều đó trong thế giới này. Trong cuộc sống của chúng ta. Không ai có thể phủ nhận điều này cả.

Dù là trong đời sống tâm linh hay thế tục, xu hướng của con người là thích rao giảng về giá trị của sự hy sinh “vì lợi ích lớn lao hơn”. Sự đau khổ của ngày hôm nay sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. Rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể được chào đón bằng một cuộc sống tươi sáng hơn – theo kiểu “và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”.

Điều đó đúng – nhưng thường thì chúng ta hay nhấn mạnh quá mức vào viễn cảnh “tương lai”, đến mức thúc ép người khác (bao gồm cả chính mình) đưa ra những kỳ vọng không thực tế và quên đi những thăng trầm trên con đường đi đến mai sau.

Chúng ta bị ám ảnh bởi “lợi ích lớn lao hơn” – đến nỗi đánh giá thấp tầm quan trọng của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với những bất hạnh/ yếu đuối của con người.

Thế nhưng, dù cho viễn cảnh hoàn toàn đen tối, vẫn có những khoảnh khắc mà các nhân vật trong phim tìm thấy niềm an ủi trong niềm tin của mình – ngay cả khi đang bị tra tấn.

Thực ra, chính trong đau khổ mà người ta tìm thấy niềm an ủi và bình yên.

Chính trong khó khăn tột cùng nhất – chúng ta sẽ khám phá ra mối liên hệ sâu sắc hơn với niềm tin của mình.

Chính trong sự yên lặng tuyệt đối – mà ta sẽ “nghe thấy” và nhận ra rằng, chúng ta chưa bao giờ chỉ có một mình.

rodriguez & mokichi

Review phim Silence

Ý nghĩa của kết thúc phim

Sau khi chịu đựng đau khổ tột cùng và chứng kiến ​​cuộc đàn áp tàn bạo các Kitô hữu ở Nhật Bản, Cha Rodrigues phải đối mặt với một lựa chọn khủng khiếp – từ bỏ đức tin hoặc chứng kiến ​​những người vô tội bị tra tấn.

Cuối cùng, cha đã giẫm lên fumi-e để cứu những người đồng đạo của mình.

Cuộc sống của Rodrigues hoàn toàn thay đổi sau hành động có vẻ như là “bỏ đạo” đó. Một phần dưới sự sắp đặt của chính quyền địa phương, bề ngoài ông cải sang đạo Phật và sống phần đời còn lại của mình như một công dân Nhật Bản – cùng với một người vợ Nhật. Ngoài ra (như đã đề cập ở trên), ông còn được giao trách nhiệm giúp chính quyền “thanh lọc” tất cả tài liệu liên quan đến Cơ đốc giáo – thậm chí còn viết sách bàn luận về những lầm tưởng của tôn giáo phương Tây.

Bất chấp những hành động bề ngoài đó, vẫn có những dấu hiệu cho thấy, niềm tin của Rodrigues chưa hoàn toàn mất đi.

Sau nhiều năm sống ở Nhật Bản, Rodrigues cuối cùng qua đời và được tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật giáo. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong cảnh cuối cùng của phim, khán giả có thể thấy ông đang nắm chặt một cây thánh giá nhỏ trong tay – một dấu chỉ dường như hoàn toàn trái ngược với những gì ông đã làm trước đó.

Vậy hóa ra bấy lâu nay, ông đã âm thầm giữ vững niềm tin của mình – mặc dù không thể bày tỏ nó một cách công khai.

Và người vợ Nhật của ông biết điều này – và bà tôn trọng niềm tin của chồng.

Ông đã hy sinh theo một cách rất thực dụng để bảo vệ người khác, nhưng niềm tin bên trong ông vẫn không hề lay chuyển.

Một Kakure Kirishitan (Kitô hữu ẩn mình).

Có thể sẽ có người nói rằng, đây là lời nhắc nhở về thất bại của Rodrigues, về gánh nặng tinh thần mà ông phải chịu từ lựa chọn của mình.

Một lần nữa, tôi cho rằng mỗi người cần tự đưa ra lời giải thích cho riêng mình.

Liệu cái kết của Silence nói lên sự mong manh của niềm tin khi đối mặt với đau khổ – hay nó đang truyền tải một thông điệp đầy tính biểu tượng về niềm tin luôn trường tồn, bất chấp biểu hiện bên ngoài?

Phim là một minh họa cho tình trạng khủng hoảng của đức tin, hay nó là một thông điệp về sự thật rằng, Đấng Toàn Tri đã và đang luôn sát cánh bên nhân loại trong mọi đau khổ của họ?

Xin bạn hãy tự tìm câu trả lời cho chính mình. Ngay cả khi không thể đưa ra một lời giải thích thỏa đáng – tôi dám khẳng định với bạn rằng, quá trình tự suy ngẫm sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn, khiến bạn trở thành một con người tốt lành hơn.

kết thúc phim silence

Review phim Silence

Chúng ta có nên hành động như Rodrigues không?

Tôi nhớ vị linh mục mà tôi đề cập ở trên đã nói rằng, Giáo hội thường không coi những người như Cha Rodrigues là anh hùng hay thánh nhân – trong phần lớn trường hợp, các Cha bề trên thường giữ im lặng về những vấn đề như thế này (điều này tôi cho là có thể hiểu được – xét cho cùng, thật khó khăn để bất cứ ai trong chúng ta tỏ ý chấp thuận những hành vi đi chệch ra khỏi chuẩn mực/ quy định thông thường).

Thế nhưng theo ông, hành động của Rodrigues nên được xem như của một vị anh hùng – thậm chí là một vị thánh.

Vì sao?

Bởi vì ông làm như vậy không phải để cứu mạng mình – mà là vì người khác (trong trường hợp này là các tín đồ Nhật Bản).

Ông đã hy sinh phẩm giá của chính mình cho những người tin theo ông.

Một số người có thể nói rằng hành động của Rodrigues là biểu hiện của sự yếu đuối – khuất phục trước tiếng nói của Ác quỷ. Tuy nhiên, chúng ta là ai mà có thể nói những điều như vậy?

Làm sao chúng ta biết – một cách chắc chắn – điều gì đã xảy ra bên trong Rodrigues khi đó?

Chỉ có chính ông và Đấng Toàn Tri mới biết, và mới có khả năng phán xét hành động của ông.

Một người bạn của tôi từng nhận xét với tôi rằng, khi nói đến các vấn đề về đạo đức, việc xác định xem một hành động có chính đáng hay không là không hề đơn giản. Không có quy luật đạo đức nào có thể áp dụng cho mọi tình huống – điều duy nhất quan trọng là cái gì đang diễn ra bên trong chúng ta.

Nó liên quan đến việc hành động của ta có xuất phát từ cái tâm (心 / kokoro) hay không.

Và tôi không thể không đồng ý với điều đó.

Để chứng minh điểm này, tôi xin đề cập đến câu trích dẫn sau đây từ Phúc âm của John:

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.

John 8:7

Xu hướng của chúng ta là nghĩ về những vấn đề tâm linh như điều gì đó “bất khả xâm phạm”. Chúng ta đánh đồng Đấng Toàn Tri với một người cha nghiêm khắc, người đưa ra các quy tắc và yêu cầu người khác phải phục tùng hoàn toàn.

Thế nhưng, hành động như vậy có nên hay không?

Khi tôi nghiên cứu về Shūsaku Endō – tác giả của cuốn tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho bộ phim này, tôi thấy rằng các tác phẩm của ông thường miêu tả về Thần tính như một người mẹ yêu thương luôn chào đón con cái của họ trở về – bất kể điều gì xảy ra. Bất kể mọi việc họ đã làm.

Như người cha của đứa con hoang đàng đã đáp lại đứa con trưởng ganh tỵ với người em:

Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.

Nói cách khác, chúng ta phải nhận thức về ý nghĩa của tấm lòng so với hành động. Bởi vì, dù có làm bao nhiêu việc tốt đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn không hoàn hảo.

Cho dù ta nghĩ mình thiện lành đến đâu (hoặc người khác nói như vậy), chúng ta vẫn luôn là tội nhân trong mắt Đấng Toàn Tri.

kichijiro & rodrigues

Review phim Silence

Phim Silence có đáng để xem không?

Thật khó để đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này – bởi vì thành thật mà nói, đây không phải là một bộ phim dễ xem. Đặc biệt là đối với các tín đồ Kitô.

Phim không kết thúc theo kiểu “và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”. Cái kết của phim không phải là một cái kết có hậu theo kiểu thông thường.

Phim không phải là thứ bạn sẽ thích nếu chỉ đơn thuần muốn có một ngày thư giãn giải trí.

Silence buộc chúng ta phải suy nghẫm lại mọi điều – và tự hỏi, liệu chúng ta có thực sự hiểu biết hay không. Liệu chúng ta có thực sự công chính như mình vẫn nghĩ hay không?

Hành trình suy ngẫm sẽ không kết thúc sau khi bạn xem xong bộ phim. Trên thực tế, những gì xảy ra trong tâm trí bạn sau đó mới thực sự quan trọng.

Thế nhưng, đó chính xác là lý do tại sao tôi cho rằng Silence thực sự là một tuyệt tác đáng xem. Phim bắt buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi về bản thân – điều này, tôi dám chắc, sẽ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bạn.

Dù bạn có phải là tín đồ Kitô hay không, tôi thực sự khuyến nghị bạn hãy xem qua bộ phim này – miễn là bạn có quan tâm đến các vấn đề về tâm linh.

Đối với những ai nói rằng bộ phim có nhiều yếu tố gây tranh cãi, tôi sẽ tuyên bố với họ – đó chính xác là lý do tại sao bạn phải trải nghiệm nó. Suy cho cùng, mục đích của một tác phẩm nghệ thuật là gì, nếu không phải là để khiến khán giả phải SUY NGẪM? (không tính đến phim ảnh/ sách báo dành cho trẻ em)

Với tôi, bộ phim là lời nhắc nhở sống động về những phức tạp trong hành trình cuộc đời mỗi người.

Rằng chúng ta vốn là những sinh vật mỏng manh, cần phải thường xuyên suy ngẫm và kết nối với khía cạnh tinh thần và tâm linh của mình.

Rằng chúng ta không bao giờ nên quá tự cao – cho dù bạn có nghĩ mình tốt lành đến đâu.

Rằng chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự vĩ đại thực sự – cho đến khi sẵn sàng buông bỏ cái tôi và để mình trở thành một phần của thế giới. Của “Thần Lực” vô hình tạo nên vũ trụ này.

Chúng ta không thể tự mình làm bất cứ điều gì – chỉ khi thông qua ân phước (cộng với sự giúp đỡ của người khác), ta mới có khả năng vượt lên những khó khăn của cuộc sống này.

Bạn có nghĩ như vậy không?

Lời kết

Và đó là toàn bộ nội dung bài review phim Silence của tôi! Tuy hơi dài một chút – song tôi hy vọng bạn sẽ thấy những gì tôi vừa chia sẻ không đến nỗi quá tệ.

Như tôi đã phân tích phía trên, Silence không phải là một bộ phim dễ xem. Phim không đưa ra câu trả lời, nhưng mời gọi chúng ta suy ngẫm về những phức tạp của niềm tin và thân phận con người. Câu hỏi đặt ra là:

  • Liệu niềm tin có thể cùng tồn tại với những hành động dường như phủ nhận nó hay không?
  • Thỏa hiệp có phải là một lựa chọn có thể cân nhắc, khi đối mặt với sự đàn áp khắc nghiệt không?
  • Phải chăng sự im lặng của Thần tính có nghĩa là không có Thượng đế – hay đó thực ra là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đấng Toàn Tri, theo một cách vượt lên hiểu biết thông thường của con người?
  • v.v…

Tôi xin dừng cuộc thảo luận ở đây để bạn tự tiếp tục. Suy cho cùng, tự phản ánh chính là mục đích cuối cùng của việc khám phá bản thân, phải không bạn?

Có hai cách để lan tỏa ánh sáng: trở thành ngọn nến, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng của ngọn nến đó.

Edith Warton

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN
DMCA.com Protection Status