Tôi vẫn thường nghĩ rằng, sẽ thật may mắn nếu mỗi người bị mù và điếc trong vài ngày – vào một thời điểm nào đó trong những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành.
Helen Keller
Chúng ta thấy mà như không thấy
Tất cả chúng ta đều từng đọc qua những câu chuyện ly kỳ – trong đó, người anh hùng chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống. Đôi khi là 1 năm; đôi khi chỉ vỏn vẹn 24 giờ. Dù thế nào đi nữa, chúng ta muốn xem liệu con người khốn khổ này sẽ chọn dành những ngày tháng/ giờ phút cuối đời của mình ra sao.
Những câu chuyện như trên khiến chúng ta suy nghĩ và tự hỏi, liệu rằng mình nên làm gì trong hoàn cảnh tương tự? Chúng ta nên tập trung vào những sự kiện, trải nghiệm, mối quan hệ nào vào những giờ cuối cùng trên trần thế? Nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, cũng như hối tiếc về điều gì?
Đôi khi tôi cho rằng, sẽ thật hay biết bao nếu ta có thể sống mỗi ngày như thể mình sẽ chết vào ngày mai. Suy nghĩ như vậy sẽ giúp ta nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của cuộc sống. Chúng ta sẽ sống mỗi ngày với sự dịu dàng, sức sống và lòng biết ơn – những giá trị thường bị con người lãng quên theo năm tháng. Tất nhiên, sẽ có những người áp dụng phương châm của chủ nghĩa khoái lạc là “Ăn, uống và vui chơi”; thế nhưng, hầu hết sẽ trở nên kiềm chế khi đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi.
Trong các câu chuyện, người anh hùng xấu số thường được cứu vào phút cuối cùng bởi may mắn. Theo thời gian, cảm nhận về giá trị của anh ta sẽ thay đổi. Anh ta học được cách trân trọng ý nghĩa của cuộc sống cùng các giá trị tinh thần/ tâm linh vĩnh cửu của nó.
Thực tế đã chứng minh, những ai từng sống trong bóng tối của cái chết thì có xu hướng luôn thể hiện sự ngọt ngào êm dịu trong mọi điều họ làm.
Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta đều coi cuộc sống là cái gì đó hiển nhiên. Chúng ta biết rằng một ngày nào đó mình sẽ phải chết, nhưng ta tự lừa dối rằng ngày đó vẫn còn xa lắm.
Khi ta khỏe mạnh, cái chết gần như là điều không thể tưởng tượng được. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến nó. Những tháng ngày trải dài, nối tiếp theo một chu kỳ vô tận. Chúng ta làm những công việc tầm thường mà hầu như không ý thức về thái độ thờ ơ của mình đối với cuộc sống.
Tôi e rằng sự uể oải tương tự cũng thể hiện qua việc ta sử dụng các năng lực và giác quan của mình. Chỉ có người điếc mới trân trọng khả năng nghe, và chỉ có người mù mới nhận ra: thật may mắn biết bao khi được nhìn thấy.
Những ai bị mất thị lực và thính giác khi trưởng thành thì rất thấm thía điều này. Nhưng những ai chưa bao giờ bị suy giảm thị lực hoặc thính lực thì hiếm khi tận dụng tối đa những khả năng được ban cho. Mắt và tai của họ tiếp nhận mọi cảnh vật/ âm thanh một cách mơ hồ, thờ ơ và thiếu tỉnh thức.
Chúng ta không biết ơn những gì mình có cho đến khi chúng ta mất nó; chúng ta không ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe cho đến ngày đổ bệnh.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng, sẽ thật may mắn nếu mỗi người bị mù và điếc trong vài ngày – vào một thời điểm nào đó trong những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành. Bóng tối sẽ khiến họ trân trọng thị giác hơn; sự im lặng sẽ dạy họ niềm vui của âm thanh.
Mới gần đây, tôi được một người bạn tốt đến thăm. Bạn tôi vừa mới trải qua một chuyến đi bộ đường dài trong rừng. Tôi hỏi cô đã nhìn thấy gì trên đường đi.
“Chẳng có gì đặc biệt cả!“
Tôi có thể đã không tin nếu chưa từng nghe những câu trả lời như vậy. Từ lâu tôi đã đi đến kết luận rằng, những ai có mắt thì cũng chẳng nhìn thấy gì nhiều.
Tôi tự hỏi, làm sao cô bạn của tôi có thể đi bộ trong rừng suốt một giờ mà không thấy gì đáng chú ý? Tôi, người không nhìn thấy gì, có thể tìm thấy hàng trăm thứ khiến tôi thích thú chỉ bằng cách chạm tay vào.
Tôi cảm nhận được sự cân xứng tinh tế của chiếc lá. Tôi âu yếm lướt tay trên lớp da mịn màng của cây bạch dương bạc, hoặc lớp vỏ xù xì của cây thông.
Vào mùa xuân, tôi chạm vào cành cây với hy vọng tìm thấy một nụ hoa, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mẹ Thiên nhiên đang thức tỉnh sau giấc ngủ đông. Tôi cảm nhận được kết cấu mềm mại, êm ái của bông hoa, cũng như những đường cong đặc biệt của nó – như thể một điều gì đó kỳ diệu của Thiên nhiên vừa được tiết lộ cho tôi.
Thỉnh thoảng, nếu may mắn, tôi sẽ nhẹ nhàng đặt tay lên một thân cây nhỏ và cảm nhận sự rung động vui vẻ của một chú chim đang hót líu lo.
Tôi thích thú khi dòng nước mát của con suối chảy qua những ngón tay mở rộng của mình.
Đối với tôi, một tấm thảm tươi tốt bằng lá thông hoặc cỏ xốp thì quý giá hơn nhiều so với tấm thảm Ba Tư sang trọng nhất.
Đối với tôi, sự thay đổi của bốn mùa là một “vở kịch” ly kỳ và bất tận – một “vở kịch” mà tôi có thể cảm nhận được thông qua các đầu ngón tay của tôi.
Đôi khi trái tim tôi khao khát được nhìn thấy tất cả những điều này. Nếu tôi có thể cảm nghiệm nhiều niềm vui như vậy chỉ bằng cách chạm tay, thì hẳn sẽ kỳ diệu biết bao nhiêu nếu được nhìn thấy!
Tuy nhiên, những người có mắt dường như chẳng thấy gì cả. Tất cả màu sắc và chi tiết tràn ngập trong thế giới bị họ xem là điều hiển nhiên.
Con người thường không trân trọng những gì mình có, trong khi lại khao khát những gì mình không có. Thật đáng tiếc khi trong thế giới ánh sáng, món quà thị giác chỉ được sử dụng như một sự tiện lợi đơn thuần – chứ không phải là phương tiện để cho cuộc sống nên trọn vẹn.
Nếu tôi là hiệu trưởng trường đại học, tôi sẽ cho tổ chức một khóa học bắt buộc về “Cách sử dụng đôi mắt”. Vai trò của vị giáo sư sẽ là chỉ ra cho sinh viên cách để họ có thể thêm niềm vui vào cuộc sống – chỉ qua việc quan sát và cảm nhận những gì trôi qua trước mắt mà họ vẫn không để ý. Nói cách khác, ông sẽ giúp “đánh thức” các năng lực đang ngủ yên và bị lãng quên của họ.
“Nếu tôi có thể nhìn thấy trong 3 ngày”
Có những lúc, tôi hình dung về những gì tôi muốn nhìn thấy nhất nếu – giả như – tôi có thể sử dụng đôi mắt của mình chỉ trong 3 ngày.
Bạn cũng thử làm như vậy xem? Hãy tập trung suy nghĩ về việc bạn sẽ sử dụng đôi mắt của mình như thế nào – nếu bạn chỉ còn ba ngày nữa để nhìn thấy. Khi biết rằng bóng tối của đêm thứ ba đang tiến tới gần – rằng mặt trời sẽ không bao giờ mọc lên với bạn nữa, bạn sẽ sử dụng 3 ngày quý giá đó như thế nào? Bạn sẽ muốn quan sát những gì?
Lẽ đương nhiên, mong muốn lớn nhất của tôi là nhìn thấy những thứ đã trở nên thân thương với tôi trong những năm tháng tăm tối của mình. Hẳn là bạn cũng muốn dành thời gian quan sát lâu hơn với những thứ đã trở nên thân thuộc với bạn – để bạn có thể mang theo ký ức về chúng vào đêm tối đang lờ mờ trước mắt bạn.
Nếu, bằng một phép màu nào đó, tôi được ban cho thị lực trong 3 ngày – để sau đó một lần nữa lại chìm vào bóng tối, tôi sẽ chia khoảng thời gian đó thành ba phần.
Ngày thứ I
Vào ngày đầu tiên, tôi muốn gặp những người mà lòng tốt, sự dịu dàng và tình bạn của họ đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên đáng sống. Trước hết, tôi muốn ngắm nhìn thật lâu khuôn mặt của người cô đáng kính của tôi, cô Anne Sullivan Macy, người đã đến với tôi khi tôi còn là một đứa trẻ, và đã “mở ra” thế giới bên ngoài cho tôi.
Tôi không chỉ muốn nhìn thấy đường nét khuôn mặt của cô – để tôi có thể trân trọng nó trong ký ức của mình – mà còn muốn nghiên cứu khuôn mặt đó và tìm thấy trong đó bằng chứng sống động về sự dịu dàng, kiên nhẫn và cảm thông đã giúp cô hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là giáo dục tôi.
Tôi muốn nhìn thấy trong đôi mắt của cô sức mạnh của nhân cách đã giúp cô đứng vững trước khó khăn, cũng như lòng trắc ẩn đối với toàn thể nhân loại mà cô ấy đã bộc lộ với tôi rất nhiều lần.
Tôi không rõ như thế nào là nhìn thấu trái tim của một người bạn qua “cửa sổ tâm hồn”. Tôi chỉ có thể “nhìn” qua đầu ngón tay đường viền khuôn mặt. Tôi có thể phát hiện ra tiếng cười, nỗi buồn và nhiều cảm xúc khác.
Tôi biết bạn bè mình qua cảm nhận khuôn mặt của họ. Nhưng tôi không thể thực sự hình dung ra tính cách của họ qua xúc giác.
Tất nhiên, tôi biết tính cách của họ thông qua các phương tiện khác, thông qua những suy nghĩ họ bày tỏ với tôi, thông qua những hành động họ làm cho tôi. Nhưng giá như tôi có thể trông thấy họ, quan sát phản ứng của họ, cảm nhận những sắc thái cảm xúc thoáng qua trên gương mặt và đôi mắt của họ, thì tôi đã có thể thấu hiểu họ hơn biết bao nhiêu!
Tôi biết rõ những người bạn gần gũi với tôi, bởi vì qua nhiều tháng và nhiều năm, họ đã bộc lộ bản thân họ với tôi; nhưng đối với những người bạn bình thường, tôi chỉ có ấn tượng khá mong manh – ấn tượng có được qua một cái bắt tay, qua những lời nói mà tôi cảm nhận được khi chạm đầu ngón tay vào môi của họ, hoặc khi họ gõ vào lòng bàn tay tôi.
Sẽ thật dễ dàng hơn biết bao, thỏa mãn hơn biết bao khi bạn có thể nhìn thấy, có thể nhanh chóng nắm bắt những phẩm chất cốt lõi của người khác bằng cách quan sát những nét tinh tế trong biểu cảm, chuyển động của cơ thể, sự rung động của một bàn tay.
Bạn có bao giờ nghĩ đến việc sử dụng thị giác để nhìn vào bản chất bên trong của một người bạn hoặc người quen không? Chẳng lẽ hầu hết những người có mắt chỉ nắm bắt các đặc điểm bên ngoài của khuôn mặt một cách hời hợt và để nó trôi qua như vậy sao?
Ví dụ, bạn có thể mô tả chính xác khuôn mặt của năm người bạn tốt không?
Hẳn là một số người sẽ có thể, nhưng nhiều người khác thì không.
Để thử nghiệm, tôi đã hỏi những người chồng lâu năm về màu mắt của vợ họ; phần lớn bọn họ đều tỏ ra bối rối và thừa nhận rằng họ không biết rõ lắm.
Thật tình cờ thay, các bà vợ cũng không ngừng phàn nàn rằng, chồng họ không để ý đến những chiếc váy/ chiếc mũ mới, cũng như những thay đổi trong cách sắp xếp đồ đạc trong nhà.
Đôi mắt của những người nhìn thấy sớm trở nên mờ nhạt với cảnh sắc xung quanh, với những gì họ vẫn bắt gặp hằng ngày. Kết quả là họ chỉ còn thực sự “nhìn thấy” những điều khiến họ sửng sốt và thán phục.
Thế nhưng, ngay cả khi nhìn thấy những cảnh tượng ngoạn mục nhất, đôi mắt vẫn lười biếng. Đã có biết bao vụ án xảy ra mà những người “nhân chứng” lại không nhớ chính xác mình đã nhìn thấy gì. Một sự kiện nhất định sẽ được “nhìn thấy” theo nhiều cách khác nhau bởi nhiều nhân chứng. Một số người nhìn thấy nhiều hơn những người khác, nhưng rất ít người nhìn thấy mọi thứ trong phạm vi tầm nhìn của họ.
Ôi, có biết bao thứ mà tôi có thể thấy – giả như tôi được ban cho thị lực trong vòng 3 ngày!
Ngày đầu tiên sẽ là một ngày bận rộn. Tôi sẽ gọi tất cả những người bạn thân yêu của mình lại và nhìn thật lâu vào khuôn mặt họ, để có thể in sâu vào tâm trí những bằng chứng bên ngoài về vẻ đẹp tâm hồn của họ. Tôi cũng sẽ chăm chú quan sát khuôn mặt của một đứa trẻ, để tôi có thể nhìn thấy vẻ đẹp ngây thơ, háo hức trước khi đứa bé nhận thức được những cam go của cuộc sống tương lai.
Và tôi muốn nhìn vào đôi mắt trung thành, tin tưởng của những chú chó của tôi – chú chó Scottie nhỏ bé, nghiêm nghị, khôn ngoan; chú chó Great Dane trung thành, hiểu biết; cũng như Helga, người đã an ủi tôi bằng tình bạn ấm áp, dịu dàng và vui tươi.
Vào ngày đầu tiên bận rộn đó, tôi cũng sẽ quan sát những thứ nhỏ nhặt đơn giản trong ngôi nhà của mình. Tôi muốn nhìn thấy những màu sắc ấm áp trong tấm thảm dưới chân, những bức tranh trên tường, những điều nhỏ nhặt thân mật biến ngôi nhà của tôi thành tổ ấm.
Đôi mắt tôi sẽ dừng lại một cách kính cẩn trên những cuốn sách in chữ nổi mà tôi đã đọc. Dù vậy, chúng sẽ háo hức quan tâm hơn đến những cuốn sách in mà người bình thường có thể đọc. Trong đêm dài của cuộc đời, những cuốn sách tôi đã đọc và những cuốn sách được đọc cho tôi đã mang đến cho tôi một ngọn “hải đăng” sáng chói, hé lộ cho tôi những chiều kích sâu sắc nhất của cuộc sống và tâm hồn con người.
Vào buổi chiều của ngày đầu tiên đó, tôi sẽ đi bộ đường dài trong rừng và say đắm trước vẻ đẹp của thế giới Thiên nhiên. Tôi sẽ cố gắng cảm nhận chỉ trong vài giờ vẻ đẹp bao la luôn liên tục mở ra cho những ai có thể nhìn thấy.
Trên đường về nhà sau chuyến đi rừng, tôi sẽ đi dọc theo một trang trại để có thể nhìn thấy những chú ngựa đang cày bừa trên cánh đồng (có lẽ tôi chỉ nên nhìn thấy một chiếc máy kéo!) cũng như sự hài lòng thanh thản của những người nông dân. Và tôi sẽ cầu nguyện cho để được ngắm nhìn hoàng hôn đầy màu sắc huy hoàng.
Khi hoàng hôn buông xuống, tôi sẽ được trải nghiệm niềm vui nhân đôi khi có thể nhìn thấy ánh sáng nhân tạo, thứ mà con người, với tài năng của mình, đã tạo ra để có thể nhìn thấy – ngay cả khi Thiên nhiên đã chìm vào bóng tối.
Vào đêm của ngày đầu tiên đó, tôi sẽ không thể ngủ được. Tâm trí tôi sẽ tràn ngập những ký ức của 24 giờ vừa qua.
Ngày thứ II
Ngày hôm sau, tôi sẽ thức dậy lúc bình minh và chứng kiến phép màu kỳ thú xảy ra – khi đêm biến thành ngày. Tôi sẽ kinh ngạc ngắm nhìn toàn cảnh ánh sáng tráng lệ mà mặt trời dùng để đánh thức Trái đất đang ngủ yên.
Tôi sẽ dành cả ngày đó để thoáng nhìn thế giới, cả ở quá khứ lẫn hiện tại. Tôi muốn chứng kiến cảnh tượng huy hoàng về sự tiến bộ của nhân loại qua các thời đại.
Làm sao tôi có thể xem hết tất cả chỉ trong một ngày? Lẽ đương nhiên, tôi sẽ đi tới các viện bảo tàng.
Tôi thường đến thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York để chạm tay vào nhiều hiện vật được trưng bày ở đó, nhưng tôi mong muốn được tận mắt chứng kiến lịch sử cô đọng của Trái đất và cư dân của nó – động vật và các chủng loài người được mô tả trong môi trường bản địa của chúng; xác khủng long và voi răng mấu khổng lồ đã lang thang trên Trái đất từ rất lâu trước khi con người xuất hiện, với vóc dáng nhỏ bé và bộ não mạnh mẽ, để chinh phục vương quốc động vật; những bài thuyết trình về quá trình tiến hóa ở động vật, ở con người và trong các công cụ mà con người đã sử dụng để biến hành tinh này thành nhà; cũng như hàng ngàn lẻ một khía cạnh khác của lịch sử tự nhiên.
Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người đang đọc bài viết này đã xem bức tranh toàn cảnh về khuôn mặt của các sinh vật sống được mô tả trong bảo tàng đó. Tất nhiên, nhiều người chưa có cơ hội, nhưng cũng đồng thời có rất nhiều người đã có cơ hội – nhưng lại không tận dụng nó.
Quả thực, có một nơi để sử dụng đôi mắt của bạn. Những người sáng mắt như bạn có thể muốn dành bao nhiêu ngày ở đó cũng được, nhưng tôi, với chỉ vỏn vẹn 3 ngày trong tưởng tượng, chỉ có thể nhìn thoáng qua rồi vĩnh viễn lạc mất mà thôi.
Điểm dừng chân tiếp theo của tôi sẽ là Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Cũng giống như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên trưng bày các khía cạnh vật chất của thế giới, thì Bảo tàng Metropolitan thể hiện vô số khía cạnh của đời sống tinh thần.
Trong suốt lịch sử nhân loại, nhu cầu sáng tạo nghệ thuật cũng mạnh mẽ gần như nhu cầu về thức ăn, nơi ở và sinh sản. Và ở đây, trong những căn phòng rộng lớn của Bảo tàng Metropolitan, những tinh hoa của văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã – được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật – sẽ mở ra trước mắt tôi.
Qua đôi tay của mình, tôi sẽ hình dung ra những tác phẩm điêu khắc các vị nam thần và nữ thần của vùng đất sông Nile cổ đại. Tôi cảm nhận được bản sao của các bức phù điêu Parthenon, cũng như vẻ đẹp đầy mạnh mẽ của các chiến binh Athen đang lâm trận. Thần Apollo, thần Vệ nữ, Thần chiến thắng Samothrace – tất cả đều thông qua các đầu ngón tay.
Tôi sẽ cảm thấy thân thương biết bao với những nét nhăn nheo trên khuôn mặt của Homer; hẳn ông hiểu rất rõ cảm giác của người mù lòa là như thế nào.
Đôi tay tôi sẽ nán lại trên đá cẩm thạch của các tác phẩm điêu khắc thời La Mã cổ đại – cũng như của các thế hệ sau. Tôi sẽ lướt tay trên bản đúc thạch cao khắc họa Moses của Michelangelo; sẽ cảm nhận sức mạnh của Rodin; sẽ kinh ngạc trước tinh thần tận tụy vì nghệ thuật của các nghệ nhân chạm khắc gỗ Gothic.
Ngay cả một người mù như tôi cũng sẽ cảm thấy ý nghĩa trong các tác phẩm nghệ thuật này – dù rằng chúng được tạo ra để chiêm ngắm chứ không phải cảm nhận, và rằng tôi chỉ có thể lờ mờ hình dung ra vẻ đẹp của chúng mà thôi.
Tôi sẽ chiêm ngưỡng những đường nét đơn giản của một chiếc bình Hy Lạp, dù không biết rõ về những họa tiết trang trí hình khối trên đó.
Vào ngày thứ hai này, tôi sẽ cố gắng cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn con người thông qua các sáng tạo nghệ thuật của họ. Những điều tôi từng biết qua xúc giác – giờ đây tôi sẽ nhìn thấy. Toàn bộ thế giới hội họa tráng lệ sẽ được mở ra cho tôi – từ những người Ý thời Nguyên thủy, với lòng mộ đạo đơn sơ của họ, cho đến những người Ý thời Hiện đại, những con người với đầy nhiệt huyết khám phá thế giới.
Tôi sẽ nhìn sâu vào các bức tranh của Raphael, Leonardo da Vinci, Titian, Rembrandt. Tôi muốn được chiêm ngưỡng những màu sắc ấm áp của Veronese, nghiên cứu những bí ẩn của El Greco, có được một góc nhìn mới về Thiên nhiên từ Corot.
Ôi, những ai có mắt để nhìn có thể cảm nghiệm được biết bao ý nghĩa và vẻ đẹp phong phú trong nghệ thuật của các thời đại ra làm sao!
Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến ngôi đền nghệ thuật này, tôi sẽ chẳng thể cảm nghiệm hết – dù chỉ một góc – thế giới nghệ thuật vĩ đại đang mở ra trước mắt bạn. Tôi chỉ có thể có được một ấn tượng hời hợt.
Các nghệ sĩ từng nói với tôi rằng, để có được cái nhìn sâu sắc và chân thực với nghệ thuật, người ta phải giáo dục đôi mắt. Người ta phải học qua kinh nghiệm để nhận ra những khác biệt tinh tế nhất trong đường nét, bố cục, hình dạng và màu sắc. Nếu có mắt, tôi sẽ vui mừng biết bao khi được bắt tay vào một hoạt động nghiên cứu đầy hấp dẫn như vậy!
Đáng buồn thay, tôi được biết rằng, đối với nhiều người trong số các bạn có mắt để nhìn, thế giới nghệ thuật là một đêm đen, chưa được khám phá và hoàn toàn không có ánh sáng.
Tôi sẽ vô cùng miễn cưỡng khi phải rời Bảo tàng Metropolitan, nơi lưu giữ chìa khóa của cái đẹp – một cái đẹp đã bị lãng quên. Mặc khác, tôi cũng biết rằng, những người có thể nhìn thấy như bạn thì không cần đến Metropolitan để khám phá vẻ đẹp này. Chìa khóa đang nằm chờ bạn trong các bảo tàng nhỏ hơn, và trong những cuốn sách trên kệ của ngay cả những thư viện nhỏ bé nhất.
Nhưng tất nhiên, trong khoảng thời gian tưởng tượng hạn hẹp của mình, tôi sẽ chọn nơi mà chiếc chìa khóa mở ra những kho báu lớn nhất – trong thời gian ngắn nhất.
Buổi tối của ngày thứ hai này, tôi sẽ đến một nhà hát hoặc rạp chiếu phim. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn thường tham dự các buổi biểu diễn sân khấu thuộc mọi thể loại, nhưng những gì diễn ra trong vở kịch phải được một người bạn đồng hành đánh vần vào tay tôi.
Tôi muốn tận mắt chứng kiến hình ảnh của Hamlet duyên dáng, hay Falstaff mạnh mẽ giữa những vật trang trí đầy màu sắc thời Elizabeth! Tôi muốn theo dõi từng chuyển động của Hamlet, từng bước đi của Falstaff biết bao!
Và vì tôi chỉ có thể xem một vở kịch, tôi sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi mà có rất nhiều vở kịch mà tôi muốn xem. Người có mắt thì có thể xem bất kỳ thứ gì họ thích.
Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người trong số các bạn, khi xem một vở kịch, một bộ phim hay bất kỳ cảnh tượng nào, nhận ra và cảm thấy biết ơn vì phép màu của thị giác đã cho phép bạn cảm nghiệm màu sắc, sự duyên dáng và chuyển động của nó?
Tôi không thể tận hưởng vẻ đẹp của chuyển động nhịp nhàng – ngoại trừ trong phạm vi giới hạn của đôi tay tôi. Tôi chỉ có thể hình dung lờ mờ sự duyên dáng của Pavlowa, mặc dù tôi biết đôi chút về sự thú vị của nhịp điệu, vì tôi thường có thể cảm nhận được nhịp điệu của bản nhạc khi nó rung động trên sàn nhà. Trong trí tưởng tượng của tôi, chuyển động nhịp nhàng hẳn là một trong những cảnh tượng thú vị nhất trên thế giới.
Tôi đã có thể thu thập được một số thông tin bằng cách dùng ngón tay lần theo các đường nét trên đá cẩm thạch điêu khắc; nếu sự duyên dáng của tĩnh tại có thể đẹp đến vậy, thì cảm giác hồi hộp khi nhìn thấy sự duyên dáng của chuyển động hẳn phải mãnh liệt hơn biết bao!
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là về lần Joseph Jefferson cho phép tôi chạm vào khuôn mặt và bàn tay của ông – khi ông thể hiện lại tác phẩm Rip Van Winkle của mình. Tôi đã có thể thoáng cảm nhận thế giới của kịch nghệ, và tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui vô ngần của khoảnh khắc đó.
Thật vui sướng biết bao khi các bạn, những người có mắt để nhìn, có thể quan sát và lắng nghe tương tác giữa lời nói và chuyển động trong quá trình diễn ra một buổi biểu diễn kịch! Còn tôi, tôi sẽ tiếc nhớ biết bao nhiêu!
Nếu tôi chỉ có thể xem một vở kịch, tôi sẽ biết cách hình dung trong tâm trí mình hành động của hàng trăm vở kịch mà tôi đã đọc – hoặc đã được truyền đạt cho tôi thông qua bảng chữ cái thủ công.
Trong suốt buổi tối ngày thứ hai, những nhân vật vĩ đại của văn học kịch nghệ sẽ lấp đầy giấc ngủ của tôi.
Ngày thứ III
Sáng hôm sau, một lần nữa tôi lại chào đón bình minh và háo hức khám phá những thú vui mới. Vì tôi tin chắc rằng, đối với những ai có mắt để nhìn, bình minh của mỗi ngày phải là một sự mặc khải mới mẻ liên tục về vẻ đẹp.
Đây sẽ là ngày thứ ba – cũng là ngày cuối cùng tôi được nhìn thấy. Tôi sẽ không có thời gian để lãng phí vào cảm giác hối tiếc hay khao khát; có quá nhiều thứ để trải nghiệm.
Ngày đầu tiên tôi đã dành cho bạn bè, các sinh vật cũng như vật vô tri. Ngày thứ hai để tìm hiểu lịch sử của con người và Thiên nhiên. Còn hôm nay, tôi sẽ dành thời gian trong thế giới công việc thường ngày của hiện tại, nơi con người đang bận rộn với những lo toan của cuộc sống. Và còn nơi đâu mà người ta có thể tìm thấy nhiều hoạt động cũng như cảnh đời như New York? Đó sẽ là điểm đến của tôi.
Tôi bắt đầu từ ngôi nhà của mình ở vùng ngoại ô nhỏ yên tĩnh Forest Hills, Long Island. Ở đây, bao quanh bởi những bãi cỏ xanh, cây cối và hoa, là những ngôi nhà nhỏ gọn gàng, với tiếng nói vui vẻ của vợ con, nơi nghỉ ngơi yên bình cho những người đàn ông phải lao động vất vả trong thành phố.
Tôi sẽ lái xe qua cầu Sông Đông, và đó sẽ là lúc tôi có được nhận thức mới về sức mạnh cũng như sự khéo léo của trí óc con người. Sẽ có những chiếc thuyền lắc lư và chạy quanh sông. Giá như có thêm thời gian để nhìn ngắm thế giới, tôi sẽ dành nhiều ngày ngắm nhìn các hoạt động thú vị trên sông.
Tôi nhìn về phía trước, và trước mắt tôi là những tòa tháp tuyệt đẹp của New York, một thành phố đẹp như thể bước ra từ những trang truyện cổ tích. Thật là một cảnh tượng đáng kinh ngạc – những ngọn tháp lấp lánh, những bờ đá và thép rộng lớn, những công trình mà các vị thần có thể tự xây dựng cho mình!
Cảnh tượng như trong mơ này là một phần trong cuộc sống của hàng triệu người mỗi ngày. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người đang hằng ngày dừng lại để chiêm ngưỡng nó? Tôi e là rất ít. Đôi mắt của họ không nhìn thấy cảnh tượng tráng lệ này – vì nó đã quá quen thuộc với họ.
Tôi vội vã leo lên đỉnh của một trong những công trình khổng lồ đó, Tòa nhà Empire State, vì ở đó, cách đây không lâu, tôi đã “nhìn thấy” thành phố bên dưới qua con mắt của viên thư ký. Tôi nóng lòng muốn so sánh trí tưởng tượng của mình với thực tế. Tôi chắc chắn rằng mình sẽ không thất vọng với khung cảnh trải rộng trước mắt, vì với tôi, đó sẽ là viễn cảnh của một thế giới mới.
Giờ thì tôi sẽ bắt đầu rảo quanh thành phố. Đầu tiên, tôi sẽ đứng ở một góc phố đông đúc để quan sát mọi người, cố gắng hiểu được đôi điều về cuộc sống qua ánh mắt của họ. Tôi nhìn thấy nụ cười, và tôi thấy hạnh phúc. Tôi thấy được sự quyết tâm nghiêm túc, và tôi cảm thấy tự hào. Tôi nhìn thấy đau khổ, và lòng tôi tràn đầy thương cảm.
Tôi đi dạo trên Đại lộ số 5. Tôi phóng mắt ra xa, để không nhìn một vật thể cụ thể nào – mà chỉ thấy một dải những màu sắc rực rỡ.
Tôi dám chắc rằng, màu sắc của những chiếc váy phụ nữ chuyển động trong đám đông hẳn là một cảnh tượng tuyệt đẹp mà tôi sẽ không bao giờ thấy chán. Nhưng có lẽ nếu có mắt, tôi cũng sẽ giống như hầu hết những người phụ nữ khác – quá quan tâm đến kiểu dáng và đường cắt của từng chiếc váy mà không chú ý gì đến vẻ đẹp lộng lẫy của màu sắc trong đám đông. Và tôi cũng tin rằng mình sẽ trở thành một người “mua sắm qua cửa sổ”, vì việc ngắm nhìn những mặt hàng đẹp được trưng bày hẳn là một niềm vui khôn tả cho đôi mắt.
Từ Đại lộ số 5, tôi đi tham quan thành phố – đến Đại lộ Park, đến khu ổ chuột, đến các nhà máy, đến các công viên nơi trẻ em vui chơi. Tôi thực hiện một chuyến đi nghỉ dưỡng bằng cách đến thăm các khu phố. Đôi mắt tôi luôn mở to để nhìn ngắm mọi cảnh tượng hạnh phúc và đau khổ – để tôi có thể đào sâu và bổ sung vào sự hiểu biết của mình về cách mọi người làm việc và sống.
Trái tim tôi tràn ngập hình ảnh của con người và sự vật. Mắt tôi không lướt qua bất kỳ điều nhỏ nhặt nào; nó cố gắng chạm vào và níu giữ chặt mọi thứ mà ánh mắt hướng đến.
Một số cảnh tượng thì dễ chịu, lấp đầy trái tim bằng niềm hạnh phúc; nhưng một số lại vô cùng thảm hại. Đối với những cảnh tượng đó, tôi sẽ không nhắm mắt lại, vì chúng cũng là một phần của cuộc sống. Nhắm mắt lại có nghĩa là đóng cửa trái tim và tâm hồn.
Ngày thứ ba của tôi đang dần khép lại. Có lẽ có nhiều hoạt động nghiêm túc mà tôi nên trải nghiệm trong ít giờ còn lại, nhưng tôi e rằng vào buổi tối của ngày cuối cùng đó, tôi sẽ lại chạy đến nhà hát để xem một vở kịch hài hước vui nhộn. Để tôi có thể cảm nhận được những âm điệu hài hước trong tâm hồn con người.
Đến nửa đêm, sự giải thoát tạm thời khỏi tình trạng mù lòa của tôi sẽ chấm dứt, và màn đêm vĩnh viễn lại bao trùm lấy tôi. Tất nhiên, trong ba ngày ngắn ngủi đó, tôi không thể nhìn thấy tất cả những gì tôi muốn thấy. Chỉ khi bóng tối lại buông xuống, tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ bao nhiêu điều. Nhưng tâm trí tôi sẽ chất đầy những ký ức tươi đẹp đến nỗi tôi chẳng có thời gian để hối tiếc. Sau đó, mỗi lần chạm vào một vật thể sẽ đều gợi lại những ký ức tươi sáng về hình dáng của vật thể đó.
Có lẽ bạn sẽ không hành động giống như tôi nếu biết rằng mình sắp bị mù. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nếu thực sự phải đối mặt với số phận đó, đôi mắt bạn sẽ “mở ra” với những thứ bạn chưa từng thấy trước đây, để lưu trữ những ký ức cho đêm dài phía trước.
Bạn sẽ sử dụng đôi mắt của mình như chưa từng có. Mọi thứ bạn nhìn thấy sẽ trở nên thân thương với bạn. Đôi mắt bạn sẽ chạm lấy và ôm trọn mọi vật thể nằm trong tầm nhìn của nó. Và cuối cùng, bạn sẽ thực sự “nhìn thấy”. Một thế giới tươi đẹp mới sẽ mở ra trước mắt bạn.
Ở cương vị một người mù, tôi xin đưa ra một gợi ý cho những người sáng mắt – một lời khuyên cho những ai muốn tận dụng tối đa món quà thị giác của mình: Hãy sử dụng đôi mắt của bạn như thể ngày mai bạn sẽ bị mù!
Cách thức tương tự cũng có thể được áp dụng cho các giác quan khác. Hãy lắng nghe những thanh âm của giọng nói, tiếng hót của một chú chim, giai điệu hùng tráng của một dàn nhạc, như thể bạn sẽ bị điếc vào ngày mai!
Hãy chạm vào từng vật thể bạn muốn chạm vào – như thể ngày mai giác quan xúc giác của bạn sẽ không còn nữa!
Hãy cảm nhận mùi hương của hoa, và nếm thử từng muỗng đồ ăn một cách thích thú, như thể ngày mai bạn sẽ không bao giờ có thể ngửi và nếm được nữa!
Khi bạn thức dậy mỗi sáng, hãy nghĩ rằng thật may mắn khi mình vẫn còn được sống, được suy nghĩ, được tận hưởng, được yêu thương…
Marcus Aurelius
Tham khảo
Helen Keller: Three Days to See. https://www.theatlantic.com/magazine/archive/1933/01/three-days-to-see/371679/.
Có thể bạn quan tâm:
- 30 ngày để sống: Trải nghiệm cận tử của Paulo Coelho
- Nick Vujicic nói về tìm kiếm mục đích sống
- Tìm kiếm hướng đi cuộc đời: Giải pháp cho nỗi lo hiện sinh
- Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống?
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!