Một chuyên gia nhân chủng học của Đại học Georgia State quyết định khám phá động cơ của những vị cứu tinh trong cuộc diệt chủng ở Rwanda – câu chuyện của họ tiết lộ điều gì về lòng dũng cảm và sự vị tha của con người giữa cảnh hủy diệt tàn khốc nhất.
Trong cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994, hơn 800.000 người đã bị tàn sát trong hơn 100 ngày. Giữa cảnh hỗn loạn đó, nhiều người đã liều mạng sống của mình để cứu người khác khỏi cuộc thảm sát.
Ngày 21 tháng 4 năm 1994, Felicite Niyitegeka chứng kiến một cảnh tượng mà nhiều người Rwanda đã từng khiếp sợ: một hàng xe buýt nhỏ đỗ trước cửa nhà cô. Trong phần lớn thời gian của tháng đó, các thành viên của lực lượng dân quân Interahamwe, những điệp viên của chính phủ do người Hutu chiếm đa số, đã tập hợp những người thuộc nhóm thiểu số Tutsi, đưa họ đến pháp trường, nơi họ bị bắn hoặc chém chết bằng dao rựa.
Mặc dù người Hutu và người Tutsi có chung lịch sử lâu đời và di sản văn hóa, nhưng sự thù địch đã âm ỉ giữa hai bên trong nhiều năm. Vào đầu thế kỷ 20, thực dân Bỉ quyết định rằng người Tutsi trông giống người châu Âu hơn và trao cho họ các vị trí quyền lực, khiến người Hutu tức giận. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, sau khi Juvénal Habyarimana, một người Hutu, trở thành tổng thống, chính quyền của ông đã phân biệt đối xử với người Tutsi khi đưa phần lớn người Hutu vào chế độ độc tài của mình.
Ngày 6 tháng 4 năm 1994, một cuộc tấn công bằng tên lửa đã bắn hạ máy bay của Habyarimana. Sau vụ tai nạn chết người, những kẻ cực đoan người Hutu lên nắm quyền, tuyên bố người Tutsi đã giết tổng thống và bắt đầu một chiến dịch trả thù thông qua thảm sát hàng loạt.
Giữa lúc hỗn loạn, Niyitegeka, một tín đồ tận tụy của Giáo hội Công giáo, đã giải cứu nhiều người Tutsi nhất có thể. Cô giúp họ vượt qua biên giới Congo và giấu họ trong khu nhà nơi cô làm việc, Trung tâm Saint Pierre ở thành phố Gisenyi. Nhưng Interahamwe biết được về nỗ lực giải cứu Niyitegeka và lập kế hoạch bắt giữ tất cả những người cô đang che giấu.
Sau khi dân quân xông vào khu nhà, họ nói với Niyitegeka rằng họ quyết định tha mạng cho cô vì cô là thành viên của nhóm Hutu được ủng hộ. Hàng chục người Tutsi sống tại khu nhà sẽ phải lên xe buýt đến nơi xử tử.
Những kẻ giết người đã đề nghị Niyitegeka một lối thoát, nhưng cô từ chối, với ý thức rõ ràng rằng mình cũng có thể bị giết. Cô nói với những người lính rằng, dù sống hay chết, cô sẽ ở lại với những người Tutsi mà cô đã che chở. Vừa hát vừa hô vang khẩu hiệu, cô đi theo họ lên xe buýt, hướng đến Công xã Rouge khét tiếng, một nghĩa trang công cộng được cải biến thành pháp trường. Tại đó, cùng với những người bạn Tutsi của mình, Niyitegeka đã bị sát hại bởi một viên đạn từ một tay sát thủ.
(Nguồn: sapiens.org)
Điều gì đã thúc đẩy những người như Niyitegeka liều mạng giải cứu những người khác trong cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày? Và tại sao nhiều người khác vẫn đứng ngoài cuộc, hoặc thậm chí tham gia vào việc giết chóc?
Những câu hỏi như thế này ám ảnh Jennie Burnet trong nhiều năm. Là sinh viên tốt nghiệp ngành nhân chủng học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000, cô đã phỏng vấn nhiều người Rwanda sau cuộc diệt chủng năm 1994, trong đó khoảng 800.000 người Tutsi đã bị tàn sát. Thỉnh thoảng, những người Burnet gặp chia sẻ về cách họ hoặc một người nào đó mà họ biết đã bảo vệ người Tutsi trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc tàn sát ra sao.
Burnet biết rằng những vị cứu tinh này đã thực hiện những chiến công táo bạo và dũng cảm tương tự những anh hùng trong diệt chủng Holocaust. Họ đã giấu người Tutsi trong nhà và chuồng ngựa, đưa họ qua biên giới đến nơi an toàn, cũng như cảnh báo họ về những kế hoạch giết người để họ có cơ hội trốn thoát.
Khi lắng nghe những câu chuyện này, Burnet bắt đầu tự hỏi, liệu hành vi cứu người này thực sự diễn ra nhiều đến mức nào trong cuộc diệt chủng. Điều gì đã thúc đẩy một số cá nhân vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để giúp đỡ những ai đang gặp nguy hiểm đến tính mạng?
Khi cô đề cập đến chủ đề diệt chủng với những người Rwanda mà mình gặp, có vẻ như rất ít người muốn nói về nó, và hầu hết các đồng nghiệp của cô cũng không mấy hào hứng.
“Tôi đã cố gắng thuyết phục những người có đủ kiến thức nền tảng để thực hiện dự án này, vì tôi cảm thấy mình không có đủ kỹ năng”, Burnet, hiện là phó giáo sư nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Georgia State ở Atlanta, cho biết. “Tôi chưa bao giờ tìm thấy ai có hứng thú hoặc thời gian để thực hiện dự án này”.
Nhưng trong những năm tiếp theo, cùng với việc tích lũy kinh nghiệm và tham gia các khóa học chuyên sâu về tiếng Kinyarwanda, quốc ngữ của Rwanda, sự tự tin của cô trong công việc thực địa ngày càng gia tăng. Và đến năm 2012, nhiều thủ phạm diệt chủng ở Rwanda đã bị xét xử và kết án tại tòa án cộng đồng gacaca; điều này đã khép lại một phần nào cơn ác mộng của quốc gia này. Dần dần, một số người Rwanda trở nên cởi mở hơn khi suy ngẫm về những gì họ đã chứng kiến và hành động trong những tháng định mệnh của năm 1994.
Với khoản tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia, Burnet đã thực hiện một số chuyến đi nghiên cứu đến Rwanda vào năm 2013 và 2014 để phỏng vấn hơn 200 người, bao gồm những vị cứu tinh, nhân chứng và thủ phạm diệt chủng. Những câu chuyện mà cô khám phá ra cho thấy những cách thức đáng ngạc nhiên mà lòng vị tha của con người có thể xuất hiện – ngay cả khi các chuẩn mực đạo đức bị đe dọa và nguy cơ cả cộng đồng biến mất khỏi bề mặt trái đất.
Điều đó phụ thuộc vào trái tim của mỗi người. Chúng ta được tạo ra theo những cách khác nhau.
Burnet đã phát hiện ra rằng những vị cứu tinh không phải lúc nào cũng chính trực về mặt đạo đức như nhiều người vẫn nghĩ, và hành vi của họ phụ thuộc khá nhiều vào các biến cố về địa lý và thời gian. Tuy nhiên, nếu không tính đến hoàn cảnh, động cơ chính thúc đẩy họ hành động là niềm xác tín sâu sắc vào tầm quan trọng của những gì xảy ra với đồng loại của họ.
“Một số người tỏ lòng thương hại, chấp nhận rủi ro để cứu người. Một số khác thì nói rằng, ‘Tôi không thể dây dưa vào những rắc rối này’, vì họ sợ phải mạo hiểm”, một người sống sót sau cuộc diệt chủng nói với Burnet. “Điều đó phụ thuộc vào trái tim của mỗi người. Chúng ta được tạo ra theo những cách khác nhau”.
Ngay từ khi còn nhỏ, Burnet đã tò mò về điều gì thúc đẩy con người liều mạng sống của mình để cứu người khác. Cô đã đọc nhật ký của Anne Frank khi còn nhỏ, và rất ấn tượng trước lòng dũng cảm của những người Hà Lan đã giúp đỡ gia đình Frank khi họ trốn tránh Đức Quốc xã.
Khi còn là sinh viên tại Đại học Boston, Burnet đã tham gia một khóa học với Elie Wiesel, người sống sót sau trại Auschwitz và Buchenwald, tác giả cuốn hồi ký “Night” – một tác phẩm kinh điển của văn học Holocaust. Wiesel “cố tình thiết kế các khóa học của mình như một trải nghiệm”, Burnet nói. “Ông đã nói rất nhiều về thiện ác, và điều đó đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ của tôi”.
Ảnh hưởng về mặt đạo đức đó đã giúp Burnet vững tin mạo hiểm đến tám khu vực của Rwanda để phỏng vấn hàng chục người cứu hộ, thủ phạm và người quan sát. Cô và cộng sự nghiên cứu của mình, nhà nhân chủng học Hager El Hadidi, nghỉ tại nhà khách và lái xe qua những con đường đất gập ghềnh đến khu vực mà họ đã chọn.
Khi đi từ vùng này sang vùng khác để thu thập lời khai của mọi người, Burnet biết rằng chính phủ Rwanda có thể quyết định ngăn cản cô bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh chính trị Rwanda hiện nay, việc tiến hành nghiên cứu như thế tự nó đã là một hành động dũng cảm – theo Lee Ann Fujii, nhà khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là tác giả của cuốn “Killing Neighbors: Webs of Violence in Rwanda” cho biết. Chế độ Mặt trận Yêu nước Rwanda (RPF) hiện đang nắm quyền đã truyền bá ý tưởng rằng hầu hết người Hutu đều tham gia vào cuộc diệt chủng, trái ngược với một bộ phận người Hutu trung thành với những kẻ cực đoan lên nắm quyền sau cái chết của Habyarimana. Nhiều câu chuyện giải cứu bị coi là xúc phạm vì chúng mâu thuẫn với câu chuyện chính thức này – và chế độ đã đưa một số học giả vào “danh sách đen” vì công bố các tác phẩm chỉ trích chính phủ.
Sau khi hoàn thành các cuộc phỏng vấn vào năm 2013 và 2014, Burnet bắt đầu sàng lọc nội dung thu thập được để tìm ra những chủ đề chính làm sáng tỏ hành động quên mình của những vị cứu tinh. Một trong những điều đầu tiên cô nhận thấy là sự phổ biến của các nỗ lực cứu người. Hàng chục người cô phỏng vấn đã tham gia vào nhiều hoạt động cứu hộ khác nhau trong cuộc diệt chủng – từ cung cấp thức ăn và quần áo cho những người đang ẩn trốn cho đến trả tiền cho dân quân để giải cứu những người Tutsi bị kết án tử hình. Burnet cho biết “Nhiều người Rwanda đã tham gia vào các hành vi cứu hộ trong thời gian dài, đôi khi là nhiều tuần, cho đến khi không còn có thể làm được nữa”.
Khi Burnet hỏi tại sao họ lại làm như vậy, phần lớn đều nói rằng họ coi những người Rwanda khác, dù là người Hutu hay người Tutsi, là những con người xứng đáng giống như họ. Niềm tin cốt lõi đó đã thúc đẩy họ giúp đỡ những người đang gặp nguy hiểm, mặc dù điều đó có nghĩa là họ phải mạo hiểm mạng sống của chính mình. Burnet cho biết “Hầu như tất cả đều nói rằng đó là điều mà bất kỳ con người tử tế nào cũng sẽ làm”.
Nhà khoa học chính trị Kristen Renwick Monroe từ Đại học California, Irvine đã đi đến kết luận tương tự sau khi phỏng vấn những vị cứu tinh trong diệt chủng Holocaust, rằng họ “tự coi mình là có mối liên hệ với những cá nhân khác thông qua nhân tính chung“.
Về lý do tại sao một số người Rwanda, mà không phải những người khác, lại cố gắng giúp đỡ người Tutsi, một người được phỏng vấn đã nói với Burnet, “Ai có trái tim tàn bạo thì không cứu người đó, nhưng ai có trái tim nhân hậu, ý thức rằng con người là con người, thì hành động khác đi. Đó là cách chúng tôi cứu người”.
Một người khác nói thêm, “Lý do đầu tiên khiến một số người cứu người khác là vì họ hiểu rằng mỗi người đều giống như chính họ, và rằng, nếu họ bị săn đuổi hôm nay, bạn cũng có thể bị săn đuổi vào ngày hôm sau, rằng nếu họ chết hôm nay, bạn có thể sẽchết vào ngày mai. … Chúng tôi hiểu rằng không ai có quyền đối với mạng sống của người khác“.
(Nguồn: sapiens.org)
Ý thức sâu sắc về nhân tính chung cũng thúc đẩy Felicite Niyitegeka, người rất hiểu về những nguy hiểm mà cô đã bước vào khi quyết định trở thành người cứu hộ. Nhưng niềm tận tụy của cô đối với sự an toàn và sống còn của những người Rwanda đồng hương đã vượt thắng những nghi ngờ. Khi anh trai Niyitegeka khuyên cô chạy trốn và tránh xa các đội giết người, Niyitegeka đã viết lại:
“Cảm ơn anh đã muốn giúp em. Em thà chết còn hơn bỏ rơi 43 người mà em phải chịu trách nhiệm. Nếu Thượng đế sẽ cứu rỗi chúng ta như ta vẫn hy vọng, chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày mai.”
Mặc dù cả Niyitegeka và những người mà cô che chở đều không sống sót sau cuộc diệt chủng, một số người mà Burnet phỏng vấn ở Gisenyi đã chia sẻ câu chuyện của Niyitegeka và làm chứng về lòng trắc ẩn và tinh thần anh hùng của cô. Câu chuyện của cô giống với câu chuyện của Janusz Korczak, giám đốc trại trẻ mồ côi ở Warsaw Ghetto, người đã sẵn lòng đi cùng những người mà mình chăm sóc trong chuyến vận chuyển năm 1942 đến trại tử thần Treblinka ở Ba Lan, nơi tất cả bọn họ đều bị sát hại.
Một số người cứu hộ không chỉ sống theo nguyên tắc chăm sóc mọi người xung quanh – mà còn cố gắng nuôi dưỡng nguyên tắc đó ở những người khác. Một linh mục Burnet phỏng vấn điều hành một trại trẻ mồ côi ở miền nam Rwanda, nơi quy tụ nhiều trẻ em từ các gia đình bị ly tán. Một số trẻ là người Hutu, chúng có cái nhìn tiêu cực đối với trẻ em Tutsi sống chung dưới một mái nhà. Nhận ra tầm quan trọng của việc khuyến khích tinh thần đoàn kết trong thời điểm nguy hiểm như vậy, vị linh mục đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với bọn trẻ về tầm quan trọng của việc hỗ trợ người khác, ngay cả những ai không cùng nhóm với họ. Cuối cùng, những đứa trẻ được che chở tại trại trẻ mồ côi đó đã sống sót.
Nhiều người cứu hộ cũng tuyên bố rằng lý tưởng tôn giáo đã thúc đẩy họ hành động. Ví dụ, họ chỉ ra những câu thơ trong Kinh Quran nói rằng, giết người là một tội lỗi, và tất cả con người đều cùng chung dòng máu với nhau. Lời chứng và hành động của họ cho thấy một sự tương phản rõ rệt với những ai vẫn cho rằng, Hồi giáo là một tôn giáo bạo lực khuyến khích hành vi thù hận.
Được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc đạo đức được giảng dạy trong tín ngưỡng của mình, người Hồi giáo ở thành phố Mugandamure và những nơi khác đã bảo vệ người Tutsi bằng cách lén đưa những người đó vào nhà của họ, dựng rào chắn bằng bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy để ngăn những kẻ giết người xâm nhập. Một người cứu hộ giải thích với Burnet rằng:
“Tôn giáo của chúng tôi, đạo Hồi, không cho phép làm đổ máu của người anh em. Bạn không thể nghĩ đến việc giết người này, vì anh ấy là anh em, người cũng sẽ cứu bạn nếu bạn cần giúp đỡ”.
Burnet cho biết, một số nỗ lực cứu hộ cũng bắt nguồn từ ý thức lâu đời của một số cộng đồng tôn giáo về việc họ bị tách biệt với những người Rwanda khác. Dưới sự cai trị của thực dân Bỉ, người Hồi giáo phải sống trong những khu ổ chuột được chỉ định gọi là “trại Swahili”; sự đàn áp này có thể đã khiến họ nhạy cảm hơn với hoàn cảnh khốn khổ của người Tutsi, những người mà chính danh tính của họ cũng đủ khiến họ gặp nguy hiểm.
Nhà tâm lý học Ervin Staub từ Đại học Massachusetts, Amherst, đã phát hiện ra rằng khi ai đó từng tự mình trải qua những sự kiện đau thương sâu sắc trong cuộc sống, họ có nhiều khả năng giúp đỡ những người đang gặp khó khăn hơn. Phản ứng này, được Staub gọi là “lòng vị tha xuất phát từ đau khổ”, có thể đã thúc đẩy một số hành động anh hùng của những người cứu hộ Rwanda.
Nhưng trong khi nhiều người cứu hộ coi trọng đạo đức và sự đồng cảm ở mức độ khác thường, thì những giá trị đó tự chúng là không đủ. Các yếu tố tình huống như vị trí và địa lý cũng có thể gây tác động. Tại Gisenyi, một thành phố không quá xa Congo, những người cứu hộ đã có thể cứu được nhiều người Tutsi vì biên giới ở gần đó và chỉ được rào một phần.
Burnet đã phỏng vấn những người buôn bán xuất nhập khẩu trong khu vực từng tham gia vào các nỗ lực cứu hộ. Nhiều người trong số họ từng dính dáng đến các hoạt động buôn lậu bất hợp pháp và là chuyên gia hướng dẫn người Tutsi vượt qua các lỗ hổng của hàng rào mà không bị phát hiện, khi không có lính canh nào ở đó. Burnet nói rằng “Họ biết cách đưa đồ qua biên giới một cách bí mật. Chính điều đó đã mang lại cho họ một lợi thế tuyệt vời”.
Tương tự, ngư dân địa phương hoặc những người khác gần Hồ Kivu đôi khi có thể đưa những người Tutsi chạy trốn qua hồ đến biên giới Congo. Một trong số họ đã cứu nhiều người Tutsi, giấu họ trong những lùm chuối xung quanh nhà anh ta hoặc tại một đồn điền cà phê gần đó trước khi chèo thuyền đưa họ đến nơi an toàn. Khi Burnet hỏi tại sao anh ta lại cứu nhiều người như vậy, anh ta trả lời,
“Tôi quá nghèo rồi, làm sao có thể mất cả Thiên đường lẫn Trần gian trong đời này chứ?”
Tuy nhiên, ở những khu vực xa biên giới hơn, có rất ít tuyến đường thoát hiểm khả thi, khiến cho các hoạt động cứu hộ càng trở nên khó khăn hơn.
Các cuộc giải cứu thành công không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, mà áp lực bên ngoài cũng có thể làm “xói mòn” quyết tâm đạo đức của những người cứu hộ. Trong khi hầu hết đều rất lo lắng về số phận của những người xung quanh, họ cũng dễ bị tổn thương trước sự gian trá, đe dọa và yêu cầu của Interahamwe.
Khi cuộc diệt chủng ngày càng hoành hành, dân quân Interahamwe đã nhiều lần xông vào nhà ở những khu vực mục tiêu, tìm kiếm những người Tutsi đang chạy trốn. Trong những cuộc tìm kiếm này, những người đứng đầu hộ gia đình biết rằng lực lượng dân quân cũng có thể giết họ nếu phát hiện người Tutsi đang ẩn náu trong nhà họ.
Nỗi sợ hãi liên tục về cái chết, về một nhóm dân quân khác xông vào nhà họ, đã thử thách sức chịu đựng của ngay cả những ai giàu lòng trắc ẩn nhất. Nhiều người Rwanda ban đầu đã giúp đỡ những người Tutsi bị đe dọa, nhưng một số đã mất đi ý chí để tiếp tục nỗ lực cứu hộ khi các hoạt động giết chóc kéo dài. Những kẻ thực hiện tội diệt chủng đã cướp bóc và phá hủy tài sản, khủng bố những người bất đồng chính kiến, hãm hiếp phụ nữ Tutsi và Hutu.
Khi phải đối mặt với tất cả những hỗn loạn này, khá nhiều người đã chọn tập trung vào sự sống còn của chính mình và gia đình họ. Burnet cho biết: “Trong những ngày đầu của cuộc diệt chủng, phản ứng của mọi người – giúp đỡ bạn bè và hàng xóm – là điều khá bình thường. Nhưng điều đó đã thay đổi khi cuộc diệt chủng không ngừng lại sau đó”.
Một người cứu hộ Hutu đã kể với Burnet về những nỗ lực của mình để giúp đỡ một người quen Tutsi. Anh đã giấu người đàn ông đó trong nhà mình gần một tháng, cho anh ta ăn và che chở khi anh ta trốn tránh cuộc tấn công của Interahamwe. Nhưng khi người cứu hộ và gia đình anh quyết định chạy trốn khỏi khu vực chiến tranh, họ đã quyết định, một cách hối tiếc, rằng họ phải bỏ lại người đàn ông mà họ đã bảo vệ.
“Chúng tôi không thể mang anh ấy theo. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với anh ấy”, anh nói. “Tôi không nói về những điều này vì mọi người có thể hiểu lầm hoặc bóp méo lời tôi, rằng tôi là người đã giết anh ấy”.
Khi số lượng người bị sát hại ngày càng nhiều, Interahamwe cũng đồng thời gây thêm áp lực buộc người dân Rwanda phải tham gia vào các vụ giết người. Các nhóm dân quân đã tập hợp những người đàn ông với lý do thực hiện tuần tra an ninh ban đêm. Nhưng khi những người dân thường có mặt để phục vụ, những người đứng đầu dân quân đã bảo họ truy tìm những người Tutsi đang cố gắng chạy trốn khỏi những kẻ giết họ. Burnet nói rằng “Mọi người đến các cuộc tuần tra an ninh như một cách để tỏ ra rằng họ đang tuân lệnh chính phủ. Họ không có ý định tham gia vào cuộc diệt chủng”. Tuy nhiên, sau khi bất ngờ được tuyển dụng, một số người đàn ông đồng lõa này đã tham gia trực tiếp vào quá trình giết chóc, đặc biệt nếu họ cảm thấy rằng việc không tuân lệnh của dân quân có thể khiến họ hoặc gia đình họ gặp nguy hiểm. Burnet cho biết “Đó là hiện tượng con dốc trơn trượt. Bạn bắt đầu bằng việc làm một điều gì đó hơi sai một chút, nhưng kết quả là bạn sẽ trở nên dễ dàng làm điều gì đó sai trái hơn nữa”.
Những người cứu hộ không hề miễn nhiễm với lối suy nghĩ “con dốc trơn trượt” này. Một số người mà Burnet phỏng vấn từng giúp giải cứu người Tutsi đã tự mình bắt giữ hoặc giết người, thường là vì họ cảm thấy mạng sống của chính họ có thể gặp nguy hiểm nếu họ không làm theo yêu cầu của Interahamwe. Burnet cho biết “Người ta không chỉ phải có ý chí giúp đỡ ai đó, mà còn phải đưa ra quyết định nhiều lần trong ngày để không bị liên lụy vào cuộc diệt chủng. Họ cảm thấy phải đối mặt với nhiều mối đe dọa rõ ràng và ngấm ngầm cùng lúc”.
Những phát hiện của cô đã phá vỡ giả định phổ biến rằng những người cứu hộ là những người xuất chúng về mặt đạo đức. Họ có thể có lòng yêu thương sâu sắc đối với đồng loại và mong muốn được giúp đỡ họ, nhưng giống như bất kỳ ai khác, khi tình huống trở nên nguy hiểm, họ có thể đưa ra những quyết định mà sau này phải hối hận.
Ngay cả những người cứu hộ có tâm ý tốt nhất đôi khi cũng không đạt được lý tưởng đạo đức của mình, thì việc khuyến khích hành vi cứu hộ khi bắt đầu xảy ra sự đàn áp và giết chóc có thực tế không?
Burnet cho biết, một phương thức để hỗ trợ những người cứu hộ là ngăn chặn hoặc giảm bớt áp lực mà họ phải đối mặt trước khi những áp lực đó trở nên không thể chịu đựng được. Bà nói rằng “Can thiệp sớm là chìa khóa”. Theo bà, nếu Liên Hợp Quốc không cắt giảm lực lượng gìn giữ hòa bình trong cuộc diệt chủng, những người cứu hộ sẽ không phải chịu đựng điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài như vậy, bất chấp các cuộc đột kích liên tục và mối đe dọa cái chết để cứu những người đồng bào của mình. Kết quả là, nhiều người Tutsi hơn đáng lý ra vẫn còn sống cho đến ngày nay.
Đề cao tầm quan trọng của hành vi cứu hộ cũng có thể giúp khuyến khích hành vi tương tự ở người khác. Theo nhà nhân chủng học Monica Udvardy từ Đại học Kentucky, những anh hùng cứu hộ trong các câu chuyện của Burnet có thể trở thành tấm gương thúc đẩy mọi người giúp đỡ người đồng loại trong hoàn cảnh khó khăn.
(Nguồn: sapiens.org)
Ở Rwanda, nơi các chuẩn mực xã hội khuyến khích mọi người hòa nhập, việc công nhận những người cứu hộ và chia sẻ câu chuyện của họ là một công việc khá phức tạp. Sau một thời gian trải nghiệm văn hóa Rwanda, Burnet đã hiểu rằng, hầu hết những người cứu hộ không muốn được công chúng công nhận vì những hành động cứu người của họ và trên thực tế, nhiều người thích ẩn danh. Burnet cho biết:
“Rwanda là nơi mà sự tuân thủ là một hình thức tự bảo vệ. Bạn ẩn mình bằng cách hành động giống như mọi người khác. Mong muốn của mọi người là không trở nên quá khác biệt”.
Và tuy nhiều người Tutsi biết ơn những nỗ lực cứu hộ của những người Hutu, một số người cứu hộ này có thể không muốn công khai vì sợ bị phán xét vì đã che chở cho người Tutsi. Mặc dù Rwanda đã khuyến khích hòa giải giữa người Hutu và người Tutsi, nhưng vẫn còn đó mối hiềm khích âm ỉ giữa hai nhóm.
Bất chấp thực tế này, nghiên cứu của Burnet phản ánh niềm tin về giá trị của việc suy ngẫm câu chuyện của những vị cứu tinh, để hiểu được cách họ phản ứng khi phải đứng trước lựa chọn khó khăn giữa lòng trắc ẩn và sự sống còn. Giữa khung cảnh hỗn độn và phức tạp, những câu chuyện giải cứu ngoài đời thực đặt ra vấn đề về lựa chọn đạo đức mà con người phải đối mặt trong thời điểm đặc biệt, và về mức độ hy sinh mà những người như Felicite Niyitegeka đã chấp nhận để giúp đỡ đồng loại.
Bản gốc tiếng Anh
In a Genocide, Who Are the Morally Upright? https://www.sapiens.org/culture/rwandan-genocide-rescuers/.
Có thể bạn quan tâm:
- Tưởng niệm Ngài Nicholas Winton: Vị anh hùng của thời đại
- Phỏng vấn Sadhguru về tình yêu
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!