Nghiên cứu chi tiết lợi ích của Tư duy thiết kế (Design thinking) và quy trình 5 bước giúp cải tiến quy trình làm việc và sản phẩm đầu ra.
Mới nghe tên, bạn có thể cho rằng Tư duy Thiết kế (Design thinking) là một kỹ năng dành cho nhà thiết kế (designer). Thực tế, đây là phẩm chất chung của tất cả chuyên gia đổi mới vĩ đại trong mọi lĩnh vực – từ văn học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, kỹ thuật đến kinh doanh. Nghiên cứu quy trình tư duy thiết kế hệ thống có thể giúp ta hiểu và áp dụng những phương pháp giải quyết vấn đề sáng tạo, lấy khách hàng làm trung tâm.
Kỹ thuật Design thinking hiện đã được nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, Samsung, GE áp dụng – cũng như được giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu thế giới như Standford, Harvard và MIT. Vậy phương pháp này là gì? Vì sao nó lại phổ biến như vậy? Bài viết dưới đầy sẽ giải đáp các câu hỏi trên.
Tóm tắt nội dung chính:
- Tư duy thiết kế là phương pháp giải quyết vấn đề lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh vào việc thấu hiểu người dùng, thách thức các giả định và liên tục đưa ra hướng đi mới. Dựa trên các nguyên tắc của ngành thiết kế, khái niệm này xuất hiện vào giữa thế kỷ 20 trong phân tích khoa học về giải quyết vấn đề sáng tạo – và từ đó được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Thói quen tư duy của chúng ta, được hình thành bởi những trải nghiệm trong quá khứ, là yếu tố chính ngăn trở khả năng đổi mới. Tư duy thiết kế khuyến khích ta thoát ra khỏi những khuôn mẫu suy nghĩ cứng nhắc – đi xa hơn các giải pháp mang tính “bề mặt” để có thể khám phá nguyên nhân sâu xa của vấn đề, chú trọng nhu cầu người dùng trong quá trình phát triển sản phẩm/ dịch vụ.
- Các chuyên gia về tư duy thiết kế được đặc trưng ở triết lý lấy con người làm trung tâm, nhận thức trực quan nhạy bén, sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp đa diện thông qua cộng tác và giải quyết vấn đề sáng tạo.
- Quy trình tư duy thiết kế bao gồm 5 bước chính: đồng cảm (empathize), xác định (define), tạo ý tưởng (ideate), thử nghiệm (prototype), kiểm tra (test).
Tư duy thiết kế (Design thinking) là gì?
Tư duy thiết kế (Design thinking) là quá trình liên tục nghiên cứu người dùng, thách thức các giả định và xác định lại vấn đề – nhằm mục tiêu tìm kiếm các chiến lược và giải pháp thay thế tối ưu hơn. Trọng tâm của quá trình này là tăng cường sự hiểu biết về khách hàng đang sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của mình.
Ở góc độ kinh doanh, tư duy thiết kế là chìa khóa giúp doanh nghiệp thấu hiểu người dùng mục tiêu – qua việc không ngừng đặt câu hỏi về vấn đề, phương pháp làm việc hiện tại và các giả định tương lai. Đây là cách tư duy cực kỳ hữu ích khi cần giải quyết các vấn đề chưa được xác định rõ ràng – bằng cách nghiên cứu sự việc theo quan điểm người dùng, brainstorm ý tưởng và ứng dụng thực tế. Việc thử nghiệm ý tưởng thông qua phác thảo, thử nghiệm (prototyping) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá và lựa chọn hướng đi mới phù hợp nhất.
Tư duy thiết kế bắt đầu từ bộ kỹ năng mà các chuyên gia thiết kế đã tích lũy được trong nhiều thập kỷ nỗ lực đáp ứng nhu cầu con người – dựa trên nguồn lực kỹ thuật sẵn có và hạn chế thực tế của doanh nghiệp. Bằng cách cân bằng nhu cầu người dùng với khả năng đáp ứng về mặt công nghệ và kinh tế, các nhà thiết kế đã có thể tạo ra những sản phẩm mà chúng ta yêu thích ngày nay.
Tim Brown
Vì sao cần đến tư duy thiết kế?
Trong quá trình phát triển, tư duy con người được hình thành dựa trên các hoạt động lặp đi lặp lại và kiến thức thường xuyên tiếp cận. Những kinh nghiệm này khiến chúng ta nhanh chóng áp dụng các hành động và kiến thức tương tự trong các tình huống quen thuộc – thế nhưng, chúng cũng có thể ngăn cản ta tiếp cận hoặc phát triển các cách nhìn, cách hiểu và giải quyết vấn đề mới nhanh chóng.
Chúng ta gọi cách suy nghĩ trên đây là tư duy cấu trúc (schemas) – được đặc trưng bởi những tập hợp thông tin có tổ chức và mối quan hệ giữa sự vật, hành động và suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí khi gặp một số kích thích từ môi trường.
Ví dụ: Nói đến “con chó”, ta nghĩ ngay đến một sinh vật gồm bốn chân, lông, răng sắc nhọn, đuôi, bàn chân và một số điểm đặc thù khác.
Khi các kích thích môi trường phù hợp với cấu trúc này – dù không rõ ràng – tâm trí ta sẽ xuất hiện cùng một kiểu suy nghĩ đã định trước. Điều này có thể cản trở khả năng đánh giá tình huống khách quan để đưa ra chiến lược giải quyết vấn đề mới. Trong trường hợp hướng đi cũ không hiệu quả và đặt ra yêu cầu thay đổi để thích ứng, “tư duy ngoài chiếc hộp” (think out of the box) là cách duy nhất để tìm ra những cách tiếp cận mới đột phá hơn.
Khái niệm Tư duy thiết kế (Design Thinking) không phải là một ý tưởng hoang đường. Hiệu quả của việc áp dụng quy trình thiết kế đã được kiểm chứng khi chúng ta đối mặt với những thách thức và cơ hội mới. Phương pháp tư duy thiết kế đã được sử dụng trong cả lĩnh vực thiết kế và các ngành nghề khác. Tôi hy vọng rằng ý tưởng này sẽ được hiểu biết rộng rãi hơn – rằng mọi nhà lãnh đạo đều biết cách sử dụng tư duy thiết kế cho việc đổi mới và mang lại kết quả tốt hơn.
Bill Moggridge, đồng sáng lập IDEO
Ví dụ về tư duy thiết kế (Design thinking)
(Nguồn: Trích từ Interaction Foundation Design)
Cách đây vài năm, một tài xế xe tải đã cố gắng đi qua gầm cầu thấp. Nhưng anh ta đã thất bại – chiếc xe tải bị “kẹt cứng” dưới cầu, không thể vượt qua hay lùi ra ngoài. Hệ quả là giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Khi chuyện này xảy ra, các nhân viên cứu hộ, kỹ sư, cứu hỏa và tài xế xe tải cùng tập trung lại để đề xuất và thương lượng các giải pháp khác nhau nhằm “giải cứu” chiếc xe bị mắc kẹt. Họ tranh luận về việc nên tháo dỡ các bộ phận của chiếc xe hay của cây cầu. Mỗi người đều đề nghị một giải pháp riêng dựa trên trình độ chuyên môn tương ứng của mình mà không đi đến kết luận chung cuộc nào.
Sau cùng, một cậu bé đi ngang chứng kiến cuộc tranh luận căng thẳng đã bình thản nói: “Sao không xả hơi ra khỏi lốp xe?” trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Bản quyền: Wystan, Flickr. Điều khoản bản quyền và giấy phép: CC BY 2.0
Trên đây là ví dụ điển hình cho những tình huống mà khi đó, những giải pháp “hiển nhiên” nhất lại không được mọi người nhận ra – chỉ vì chúng ta đã tự áp đặt lối suy nghĩ của mình theo một hướng nhất định.
Con người thường khó thách thức các giả định và kiến thức hàng ngày của mình, bởi vì chúng ta dựa vào việc xây dựng các mẫu tư duy để không phải học lại mọi thứ từ đầu. Chúng ta thực hiện các quy trình hàng ngày một cách vô thức – ví dụ, khi ta thức dậy vào buổi sáng, ăn, đi bộ và đọc – nhưng rồi ta cũng hành động tương tự khi đánh giá những thách thức trong công việc và cuộc sống cá nhân. Đặc biệt, các chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa thường dựa vào khuôn mẫu suy nghĩ vững chắc của họ, và họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bị yêu cầu phải tự hoài nghi kiến thức của họ.
Lợi ích của tư duy thiết kế
Trọng tâm của Tư duy thiết kế (Design Thinking) là mong muốn cải tiến sản phẩm/ dịch vụ bằng cách phân tích hành vi người dùng và các nguyên nhân đằng sau đó. Một khi đã đặt câu hỏi và điều tra các nguyên nhân của một vấn đề, quá trình tìm kiếm giải pháp sẽ giúp chúng ta đưa ra các ý tưởng phản ánh những hạn chế và khía cạnh thực sự của vấn đề.
Trong kinh doanh cũng như cuộc sống, vai trò của tư duy thiết kế là phương tiện giúp ta nghiên cứu sâu hơn, thách thức các khuôn mẫu, đồng thời thử nghiệm sản phẩm/ dịch vụ để khám phá ra những cách cải tiến mới. Theo Tim Brown – CEO của IDEO, phương pháp tư duy này xuất phát từ hiểu biết tổng thể và thấu cảm các vấn đề của người dùng – bao gồm cảm xúc, nhu cầu, động cơ mua hàng và các tác nhân thúc đẩy hành vi.
Sau đây là tổng hợp 6 lợi ích chính của tư duy thiết kế:
- Giúp nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ.
- Cho phép đi sâu vào một vấn đề để xác định nguyên nhân gốc rễ của nó.
- Khuyến khích tư duy đổi mới và giải quyết vấn đề cách sáng tạo.
- Đảm bảo rằng kết quả cuối cùng đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu của khách hàng.
- Mang lại trải nghiệm hữu ích và đáng nhớ hơn cho người dùng.
- Tạo điều kiện liên tục học hỏi và mở rộng kiến thức.
Đọc thêm: Quy tắc 10x (10x Thinking) – Bí mật phát triển đột phá trong thời đại mới
Tư duy thiết kế (Design thinking) trong kinh doanh
Các kỹ thuật và chiến lược tư duy thiết kế có thể áp dụng cho mọi cấp độ trong doanh nghiệp. Phương pháp này đặc biệt quan trọng với các vị trí lãnh đạo từ trung cấp và cao cấp, những người phụ trách phát triển sản phẩm/ dịch vụ cho doanh nghiệp, đào tạo và huấn luyện nhân viên.
Tư duy thiết kế bắt nguồn từ những kỹ năng mà các nhà thiết kế đã học được qua nhiều thập kỷ trong quá trình đáp ứng nhu cầu của con người với điều kiện hạn chế về nguồn lực. Bằng cách tích hợp mong muốn của người dùng với điều kiện công nghệ và kinh tế, các nhà thiết kế đã có thể tạo ra những sản phẩm mà chúng ta yêu thích ngày nay. Ngày hôm nay, phương pháp tư duy này cần được áp dụng triệt để để thực sự giải quyết nhiều vấn đề lớn hơn.
Tim Brown
Đặc điểm của tư duy thiết kế
Nghiên cứu cho thấy những người sở hữu tư duy thiết kế được đặc trưng bởi một số đặc điểm sau:
- Lấy con người làm trung tâm. Họ liên tục xem xét sản phẩm/ dịch vụ được tạo ra sẽ đáp ứng nhu cầu của con người như thế nào. Đối với họ, lợi ích người dùng là yếu tố ràng buộc chính đối với quá trình thiết kế.
- Khả năng hình ảnh hóa. Mô tả ý tưởng cách trực quan.
- Khuynh hướng đa chức năng. Các nhà thiết kế xem xét nhiều giải pháp khác nhau cho một vấn đề. Một mặt ghi nhớ bức tranh toàn cảnh của vấn đề, mặt khác họ cũng tập trung vào các chi tiết cụ thể của nó.
- Tầm nhìn hệ thống. Họ xem xét vấn đề một cách hệ thống, từ nhiều khía cạnh khác nhau để đi tới một giải pháp tổng thể.
- Khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt. Các nhà thiết kế biết cách giải thích bằng lời nói về quá trình sáng tạo của họ. Họ là những người phát minh ý tưởng và sáng tạo trong việc liên kết các yếu tố không rõ ràng.
- Tinh thần tập thể, làm việc nhóm. Họ sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt và làm việc hiệu quả với những người thuộc các bộ phận khác nhau.
- Không đặt ra giới hạn lựa chọn. Thay vì giới hạn bản thân trong một danh sách giải pháp nhất định, các nhà thiết kế tin rằng vẫn còn đó những hướng đi tốt hơn chưa được khám phá. Vì vậy, họ luôn nỗ lực tìm kiếm những lựa chọn thay thế có lợi nhất trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Quy trình tư duy thiết kế 5 bước
Tuy có nhiều biến thể khác nhau, quy trình tư duy thiết kế tựu chung đều dựa trên các nguyên tắc giống nhau – được đề ra lần đầu tiên bởi Herbert Simon.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung nghiên cứu mô hình 5 bước tư duy thiết kế của Viện Thiết kế Hasso-Plattner tại ĐH Stanford.
Đồng cảm (Empathize)
Bước đầu tiên là nghiên cứu nhu cầu người dùng để có được sự hiểu biết và đồng cảm. Đây là bước rất quan trọng, giúp bạn gạt bỏ những giả định của riêng mình về thế giới. cũng như có được cái nhìn sâu sắc thực sự về khách hàng và mong mỏi của họ đối với sản phẩm/ dịch vụ doanh nghiệp.
Xác định (Define)
Dựa trên thông tin thu được từ nghiên cứu người dùng, bạn sẽ phân tích các quan sát của mình và tổng hợp chúng để xác định các vấn đề cốt lõi cần điều chỉnh. Việc xây dựng chân dung khách hàng chi tiết là rất quan trọng trước khi tiến tới bước tiếp theo.
Tạo ý tưởng (Ideate)
Giờ đây, bạn đã sẵn sàng để xây dựng ý tưởng. Thông tin thu thập được từ hai giai đoạn đầu tiên sẽ giúp bạn suy nghĩ thấu đáo, tìm kiếm các giải pháp thay thế, pháp sáng tạo cho những vấn đề đã xác định ở bước thứ hai. Đây là lúc kỹ năng brainstorming phát huy tác dụng cao nhất.
Thử nghiệm (Prototype)
Mục đích của giai đoạn này là xác định giải pháp tốt nhất có thể cho mỗi vấn đề cụ thể. Bạn nên cho ra mắt một số phiên bản sản phẩm/ dịch vụ thử nghiệm để đánh giá hiệu quả ý tưởng đề xuất. Tùy trường hợp cụ thể, quá trình thử nghiệm có thể diễn ra thực tế hoặc chỉ là trên phân tích giấy tờ.
Kiểm tra (Test)
Một trong các bước quan trọng nhất trong tư duy thiết kế là kiểm tra các mẫu thử nghiệm đề ra. Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng để xác định lại một hoặc nhiều vấn đề sẽ nảy sinh tiếp theo. Bạn có thể lặp lại các bước trước, thay đổi và cải tiến thêm.
Quy trình design thinking 5 bước
Mô hình trên đây không phải là duy nhất. Trên thực tế, có nhiều lý thuyết khác nhau về quy trình tư duy thiết kế – có thể kể đến như:
- Khuôn khổ Double Diamond (Khám phá, Xác định, Phát triển, Cung cấp) của Design Council.
- Mô hình ba giai đoạn của IDEO (Lấy cảm hứng, Lên ý tưởng, Triển khai).
- Một phiên bản khác đề xuất tổng cộng 7 giai đoạn: Xác định, Nghiên cứu, Lên ý tưởng, Nguyên mẫu, Lựa chọn, Triển khai và Học hỏi.
Tuy có sự khác biệt về các bước cụ thể, về cơ bản, các mô hình trên đây vẫn tuân thủ theo các nguyên tắc cốt lõi chung.
Mô hình các bước của tư duy thiết kế
Tư duy thiết kế (Design thinking) là một quá trình nhiều chiều
Cần lưu ý, quá trình tư duy thiết kế diễn ra lặp đi lặp lại và không nhất thiết phải theo trình tự tuyến tính (non-linear) 5 bước kể trên. Trong quá trình này, chúng ta cần liên tục đánh giá kết quả đạt được để xem xét, đặt câu hỏi và cải thiện các giả định, hiểu biết ban đầu của mình. Kết quả cuối cùng giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề, xác định các thông số quan trọng – từ đó nghiên cứu các giải pháp thay thế mà ta đã từng chưa nghĩ ra trước đây khi chưa có đủ thông tin cần thiết. Vì lý do trên, bạn nên nghiên cứu và ứng dụng một cách sáng tạo – thay vì máy móc và thiếu linh hoạt.
Sách về tư duy thiết kế (Design thinking)
Thấu hiểu người dùng:
- 100 Things Every Designer Needs to Know About People – Susan M. Weinschenk.
Thiết kế bao hàm & có cân nhắc (Inclusive design):
- Mismatch: How Inclusion Shapes Design – Kat Holmes.
- Inclusive Design for a Digital World: Designing with Accessibility in Mind – Regine Gilbert.
Xây dựng & tối ưu trải nghiệm người dùng:
- Designing Experiences – J. Robert Rossman & Mathew D. Duerden.
- Writing is Designing: Words and the User Experience – Michael J. Metts & Andy Welfle.
Thiết kế các sản phẩm giúp hình thành thói quen người dùng:
- Hooked: How to Build Habit-Forming Products – Nir Eyal.
Quy tắc về thiết kế:
- User Friendly – Cliff Kuang & Robert Fabricant.
- Ruined by Design – Mike Monteiro.
Nghiên cứu điển hình (Case study) về tư duy thiết kế
- The Design Thinking Association: Tổng hợp hơn 50 nghiên cứu về việc tư duy thiết kế giúp giải quyết vấn đề và thúc đẩy đổi mới trong đa dạng lĩnh vực như thế nào – từ tinh giản hoạt động doanh nghiệp đến cải thiện trải nghiệm học tập tại các tổ chức giáo dục.
- The Knowledge Academy: Tập hợp 10 nghiên cứu hấp dẫn về cách các công ty như Airbnb, Apple và Netflix đã ứng dụng phương pháp này để “cách mạng hóa” dịch vụ của mình – cũng như cách các công ty lâu đời như IBM và Oral-B áp dụng kỹ thuật tư duy trên để cải tiến sản phẩm hiện có.
Trang web thực hành tư duy thiết kế
- IDEO Design Thinking: Website với thư viện tài nguyên phong phú, bao gồm các khóa học chuyên sâu nhằm hướng dẫn bạn nghiên cứu từng bước quá trình tư duy thiết kế. Tại đây, bạn sẽ được trang bị các công cụ cần thiết để kết hợp nhu cầu người dùng, tính khả thi về mặt công nghệ và khả năng kinh doanh vào các giải pháp đề ra.
- Interaction Design Foundation (IxDF): Trang bị kiến thức nền tảng về tư duy thiết kế, cũng như tiếp cận kho tàng các bài viết và video giới thiệu tầm quan trọng ngày càng tăng và ứng dụng của phương pháp luận này trong thế giới hiện đại.
- SessionLab: Học cách biến quá trình tư duy từ khái niệm thành hiện thực qua bộ công cụ trực tuyến của SessionLab – được phân loại dựa theo từng giai đoạn cụ thể, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy những gì mình cần. Cho dù bạn đang cần hỗ trợ khảo sát người dùng (Typeform, Zoom) hay tạo nguyên mẫu prototype (InVision, Mural, Miro), SessionLab đều có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
- Sharpen Design Challenge Generator: Nuôi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo với các thử thách thiết kế mở của Sharpen.
- Mural: Mural cung cấp các template chi tiết thiết kế riêng cho từng giai đoạn, nhờ đó góp phần đơn giản hóa quy trình làm việc.
Lời kết
Về cơ bản, tư duy thiết kế là cách tiếp cận giải quyết vấn đề dựa trên việc việc đánh giá các khía cạnh đã biết – đồng thời xác định các yếu tố bên ngoài, mơ hồ hơn. Phương pháp này trái ngược với cách tiếp cận theo khuôn mẫu logic, trong đó các khía cạnh cụ thể và đã biết được thử nghiệm để đi đến giải pháp. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại, trong đó chúng ta liên tục đặt câu hỏi về các kiến thức đã có – nhằm có cái nhìn khách quan hơn và thấy được các chiến lược thay thế mới.
“Nói thì luôn dễ hơn làm”. Suy nghĩ thoát khỏi các khuôn mẫu là một thách thức thực sự – lý do là vì tư duy của phần lớn chúng ta đã được hình thành dựa trên các hoạt động lặp đi lặp lại và kiến thức thường được tiếp cận. Do đó, việc thực hành thay đổi suy nghĩ và cách làm việc hằng ngày là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc tham gia các chương trình học về Tư duy thiết kế (Design Thinking) để học tập từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm – cũng như tương tác với những học viên khác và có thêm kiến thức thực tế từ họ.
Tham khảo
- What is Design Thinking and Why Is It So Popular? https://www.interaction-design.org/literature/article/what-is-design-thinking-and-why-is-it-so-popular.
- What is Design Thinking? https://www.ideou.com/blogs/inspiration/what-is-design-thinking.
- What Exactly is Design Thinking? https://careerfoundry.com/en/blog/ux-design/what-is-design-thinking-everything-you-need-to-know-to-get-started/.
- Why Design Thinking Works. https://hbr.org/2018/09/why-design-thinking-works.
- Design Thinking. https://designthinking.ideo.com/.
- What is Design Thinking and why is it important? https://www.wework.com/ideas/growth-innovation/what-is-design-thinking.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể
- Sức mạnh tiềm thức: Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong
- 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!