Tìm hiểu quy luật tâm lý đằng sau hành vi đổ lỗi cho người khác, cùng phương pháp từ bỏ thói quen này để sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Hành động trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác là một tật xấu thường gặp, ngăn trở sự phát triển cá nhân cũng như làm tổn hại đến các mối quan hệ. Tất cả chúng ta đều đã từng chứng kiến hoặc đôi khi thậm chí tham gia vào “trò chơi” đổ lỗi này. Nguyên nhân vì sao như vậy? Tại sao thật khó khăn để ta chịu trách nhiệm về sai lầm cũng như thiếu sót của mình?
Tóm tắt nội dung chính
- Trốn tránh trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho người khác có nguyên nhân sâu xa từ nỗi sợ đối mặt với hậu quả, trách nhiệm giải trình và niềm tin thấp. Nó là một hành vi xúc phạm nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gây tổn hại đến các mối quan hệ, cũng như đánh mất cơ hội phát triển.
- Tật xấu này là biểu hiện của tính hiếu thắng, thích bào chữa và từ chối xin lỗi về những gì mình làm.
- Rèn luyện nhận thức về bản thân, học cách chịu trách nhiệm về sai lầm, chủ động, khuyến khích giao tiếp cởi mở và củng cố tâm lý là những biện pháp để từ bỏ hành vi xấu trên.
Thế nào là đổ lỗi cho người khác?
Đổ lỗi cho người khác là khi ta “đùn đẩy” phần trách nhiệm về một vấn đề/ tình huống đáng lý ra phải do mình giải quyết. Hành vi này biểu hiện ra theo rất nhiều cách đa dạng trong cuộc sống; một số ví dụ có thể kể đến như:
- Trẻ em đổ lỗi cho anh chị em mình về việc để phòng bừa bộn, thay vì nhận trách nhiệm về thiếu sót của mình.
- Học sinh quy trách nhiệm về thành tích học tập của mình cho thầy cô thay vì tự suy ngẫm về việc bản thân đã nỗ lực như thế nào.
- Trong doanh nghiệp, CEO đổ lỗi tình hình tài chính của công ty cho người tiền nhiệm.
- Chính trị gia đổ lỗi cho chính quyền trước về những vấn đề kinh tế hiện tại, thay vì chịu trách nhiệm và thực hiện các biện pháp cần thiết.
- v.v…
Nguyên nhân của việc đổ lỗi cho người khác
Vì sao chúng ta hay đổ lỗi cho người khác? Hành vi này, trên thực tế, là tổng hòa của các yếu tố tâm lý, tổ chức và văn hóa tác động đến hành vi con người:
- Sợ hậu quả
Một trong những lý do chính khiến ta đổ lỗi là nỗi sợ phải đối mặt với kết quả xấu. Chịu trách nhiệm cho vấn đề có thể đồng nghĩa với việc bản thân sẽ bị chỉ trích, trừng phạt hoặc thậm chí là nghiêm trọng hơn như mất việc.
Trong các nhóm hoặc tổ chức có cấu trúc phân cấp, nhà lãnh đạo có thể quyết định giao phó những lựa chọn khó khăn cho người khác để bảo vệ danh tiếng của mình, đặc biệt khi đối mặt với các quyết định khó khăn. Việc trốn tránh trách nhiệm cá nhân có thể mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời, nhưng nó lại góp phần tạo nên một nền văn hóa đổ lỗi kìm hãm sự tiến bộ thực sự.
- Ý thức trách nhiệm thấp
Trong các tổ chức có văn hóa giải trình yếu kém, các thành viên thường ít cảm thấy bị thúc ép phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Khi việc đổ lỗi dường như không gây ra hậu quả rõ ràng gì, chúng ta sẽ có xu hướng né tránh hơn là chủ động giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, việc phải đưa ra những quyết định có tác động đến người khác thường khiến nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng. Một số có thể tìm cách giảm bớt áp lực bằng cách đổ lỗi cho người khác, khiến cho vòng lặp của sự tiêu cực cứ mãi không chấm dứt.
- Thiếu tin tưởng
Niềm tin là nền tảng của hợp tác và giải quyết vấn đề hiệu quả. Trong một môi trường nơi con người không tin tưởng lẫn nhau, hành vi đổ lỗi sẽ trở nên phổ biến hơn, một phần do nghi ngờ tinh thần trách nhiệm của đối phương. Việc thiếu niềm tin vào trách nhiệm giải trình của nhau khiến người ta tìm cách tránh rủi ro và tự hành động theo ý riêng, bao gồm việc trốn tránh trách nhiệm.
- Văn hóa độc hại
Có một thực tế đáng suy ngẫm, đó là nhiều đội nhóm và tổ chức ngày nay dường như khuyến khích một nền văn hóa đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau khi tình hình trở nên tồi tệ. Trong một môi trường như vậy, đổ lỗi trở thành cơ chế đối phó để bảo vệ bản thân khỏi bị nhắm mục tiêu hoặc chịu trách nhiệm cho thất bại; với cái giá là tinh thần làm việc nhóm bị suy yếu và kìm hãm tiềm năng phát triển, cả ở phương diện cá nhân lẫn tập thể.
- Chiến lược chính trị
Một số nhà lãnh đạo có thể sử dụng chiến thuật này để chuyển hướng chú ý khỏi những thiếu sót của chính họ sang thất bại hoặc điểm yếu của đối thủ. Đổ lỗi cho người khác là cách để họ tránh bị để ý và điều hướng đối thoại theo hướng có lợi cho bản thân, thay vì giải quyết vấn đề thực tế và tìm ra giải pháp.
Thực trạng đổ lỗi cho người khác
Tác hại của việc đổ lỗi cho người khác
- Xói mòn lòng tin
Khi luôn đổ lỗi cho người khác, chúng ta phản lại mong đợi của những người kỳ vọng ta chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của mình. Sự xói mòn lòng tin này làm vô hiệu nền tảng của tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng và khiến mọi người khó có thể làm việc cùng nhau hướng tới mục tiêu chung.
- Ngăn chặn cơ hội phát triển
Hành vi đổ lỗi khiến chúng ta chỉ thích lắng nghe những gì mình muốn nghe, thay vì đón nhận phản hồi trung thực và những thực tế không mấy hay ho về mình. Góp ý chân thành là rất cần thiết để cải thiện và học hỏi từ sai lầm; do đó, trốn tránh trách nhiệm sẽ chỉ cản trở hành trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Về phương diện tổ chức, hậu quả tất yếu của tật xấu này sẽ là một nền văn hóa tiêu cực được dung dưỡng, năng suất suy giảm, tinh thần đội nhóm sa sút.
Đọc thêm: Không biết lắng nghe – Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ
- Bị đánh giá là kém năng lực
Những nhà lãnh đạo và cá nhân liên tục từ chối nhận trách nhiệm về hành động của mình sẽ nhanh chóng bị những người xung quanh đánh giá là yếu kém và bất tài. Theo thời gian, họ sẽ dần mất đi uy tín và thái độ tôn trọng từ người khác.
Đừng đổ lỗi cho người khác – nếu bạn muốn thành công trong đời
Đổ lỗi cho người khác là sự kết hợp phức tạp của nhiều đặc điểm tính cách không lành mạnh. Không giống như những khiếm khuyết về hành vi tinh vi hơn mà người khác có thể không để ý, thói quen xấu này là điều rất dễ để quan sát.
Khi bạn trốn tránh trách nhiệm của mình, người khác chắc chắn sẽ nhận thấy điều đó.
Không ai khen ngợi một nhà lãnh đạo về năng lực đổ lỗi của họ, và chắc chắn chẳng ai tin rằng hành động đổ lỗi là bằng chứng về năng lực của người đó.
Đổ lỗi là một phiên bản đen tối hơn của thói cướp công. Thay vì để người khác hưởng vinh quang xứng đáng của họ, chúng ta lại khiến họ phải chịu sự xấu hổ vì thất bại của chính mình.
Điều thú vị về thói quen xấu này là, không giống như những khiếm khuyết khác mà bản thân có thể không nhận ra, chúng ta biết rất rõ khi nào mình đang làm điều này. Chúng ta biết mình nên chịu trách nhiệm cho thất bại của mình, nhưng chúng ta lại không muốn làm như vậy. Kết quả là, chúng ta đi tìm một “vật tế thần” thế chỗ cho mình.
Lấy một ít tính hiếu thắng và thích bào chữa. Trộn lẫn với việc từ chối xin lỗi và không biết công nhận đúng mực. Thêm một chút nóng nảy và tính “giận cá chém thớt“. Và kết quả là bạn đổ lỗi cho người khác.
Marshall Goldsmith
Tội đổ lỗi cho người khác
Ảo tưởng về sự hoàn hảo khiến ta đổ lỗi cho người khác
Trong tác phẩm bestseller “What got you here won’t get you there” (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai), TS. Marshall Goldsmith chia sẻ về việc ông từng làm việc với một giám đốc điều hành truyền thông tên Sam. Mặc dù Sam sở hữu những phẩm chất lãnh đạo xuất chúng, nhưng anh lại bị vấn đề là không biết chịu trách nhiệm về việc mình làm.
Các đồng nghiệp ngưỡng mộ tài năng của anh trong việc phát hiện ra tiềm năng nơi người khác, giao tiếp xã hội và khả năng ra quyết định. Tuy nhiên, mặt tối của Sam trở nên rõ ràng khi đối mặt với thất bại hoặc khó khăn. Thay vì thừa nhận vai trò của mình trong những tình huống này, anh thường đổ lỗi cho người khác; thói quen xấu này khiến danh tiếng của anh bị suy giảm khủng khiếp.
Mặc dù nhận thức được hành vi không lành mạnh của mình, Sam vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi phải thừa nhận mình đã sai.
Sau khi thu thập phản hồi từ đồng nghiệp của anh, TS. Goldsmith đã ngồi lại để thảo luận với Sam.
Sam: Tôi không cần phải nghe kết quả. Tôi biết ông đã tìm được gì. Mọi người nói tôi không giỏi nhận trách nhiệm.
Goldsmith: Đúng vậy. Mọi người cho rằng anh rất hay đổ lỗi, và anh đang mất đi sự tôn trọng của họ. Anh sẽ không bao giờ đạt đến đỉnh cao của công ty này hay bất kỳ công ty nào khác với hành vi đó. Tại sao anh biết điều này mà vẫn làm?
Một phút im lặng. Khi TS. Goldsmith nhìn quanh văn phòng của Sam, ông nhận thấy rất nhiều kỷ vật bóng chày, vì vậy ông quyết định tiếp tục câu chuyện như thế này.
Goldsmith: Không ai là hoàn hảo. Không ai trong chúng ta đúng mọi lúc. Trong bóng chày, trong số hơn một triệu trận đấu của mùa giải, có chưa đến 30 trận là hoàn hảo. Ngay cả những cầu thủ đánh bóng vĩ đại nhất trong những năm tháng đỉnh cao của họ, như Ty Cobb hay Ted Williams, cũng chỉ thành công 60% số lần đánh bóng. Điều gì khiến anh nghĩ rằng mình phải giỏi hơn Ted Williams?
Sam: Tôi đoán là tôi tự cho mình cần phải hoàn hảo. Thế nên tôi đổ mọi khuyết điểm cho người khác.
Vào thời điểm đó, Sam bắt đầu hiểu rằng sai lầm là cơ hội để chứng minh sự chính trực và khả năng lãnh đạo thực sự – rằng việc thừa nhận sai lầm có tác động lớn hơn là thành công.
Sau đó, Sam bắt đầu hành trình thay đổi. Anh chủ động xin lỗi đồng nghiệp và cam kết cải thiện hành vi của mình, tìm kiếm ý kiến đóng góp của người khác để giúp anh trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn. Sau những nỗ lực liên tục, “danh tiếng” đổ lỗi của anh dần tan biến.
Việc chấp nhận trách nhiệm là rất quan trọng đối với lãnh đạo và phát triển cá nhân. Nó thể hiện tính cách và sự chính trực, qua đó giúp bạn giành lấy sự tôn trọng và tín nhiệm từ người khác.
Đọc thêm: Lãnh đạo bản thân – Nền tảng thành công lâu dài & bền vững
Làm thế nào để ngưng đổ lỗi cho người khác?
Nuôi dưỡng năng lực tự nhận thức
Bước đầu tiên hướng tới sự thay đổi là nuôi dưỡng nhận thức về bản thân. Hãy chú ý đến suy nghĩ và hành động của bạn, và để ý mỗi lúc bạn gặp khó khăn khi phải tránh chịu trách nhiệm về điều gì đó.
Học cách chịu trách nhiệm
Trên hành trình đến thành công, chúng ta cần liên tục nhắc nhở bản thân thừa nhận và chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình. Trong mọi trường hợp, hãy cố gắng chống lại thôi thúc đổ lỗi, để có thể học hỏi từ lỗi lầm và nỗ lực cải thiện.
Chủ động
Đừng đợi đến khi tình hình leo thang mới giải quyết. Thay vào đó, hãy chủ động xác định các rủi ro tiềm ẩn và hành động kịp thời. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa việc đổ lỗi như một cách thức để tránh trách nhiệm đối với các vấn đề bị bỏ quên.
Giả sử, ở cương vị người quản lý, bạn nhận thấy một trong những nhân viên của mình liên tục không hoàn thành công việc đúng thời hạn. Trong trường hợp này, bạn có thể thảo luận với họ để tìm ra vấn đề đằng sau. Có thể họ đang không hiểu chính xác việc họ cần phải làm; nếu đúng như vậy, với tư cách quản lý, bạn hãy đưa ra giải pháp để nhanh chóng giải quyết vấn đề (ví dụ: dành nhiều thời gian thảo luận với nhân viên của mình).
Khuyến khích giao tiếp cởi mở
Một môi trường khuyến khích giao tiếp cởi mở giữa các thành viên là rất quan trọng để chấm dứt trò đổ lỗi. Đối thoại cởi mở sẽ tạo điều kiện cho mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi trình bày mối quan tâm cũng như nêu vấn đề mà không sợ bị chỉ trích.
Trong môi trường đội nhóm, cần thiết lập kỳ vọng và trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Việc hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ cá nhân là nền tảng thúc đẩy ý thức sở hữu, trao quyền cho họ chịu trách nhiệm về việc của mình.
Đọc thêm: Công kích cá nhân – Khác biệt với góp ý mang tính xây dựng
Củng cố tâm lý
Đối với những ai ở vị trí lãnh đạo, vai trò của bạn là giúp người khác nhận ra công việc của họ đóng góp như thế nào vào tầm nhìn và mục tiêu lớn hơn; qua đó, họ có thể được truyền cảm hứng để chịu trách nhiệm. Phản hồi mang tính xây dựng, mô hình hành vi, coaching, mentoring, training… là những thành phần quan trọng để củng cố cam kết tâm lý của người khác.
Trách nhiệm thuộc về giám đốc điều hành.
John D. Rockefeller
Cần làm gì khi thấy bản thân đang đổ lỗi cho người khác?
Thỉnh thoảng, bạn có thể nhận ra bản thân đang có hành vi trốn tránh trách nhiệm, dù cố ý hay không. Trong trường hợp đó, bạn nên:
- Dành thời gian tự suy ngẫm
Hãy dừng lại và suy ngẫm về tình huống lúc đó, bao gồm cả cảm xúc và động cơ đổ lỗi của bạn.
Hành vi của bạn có bị thúc đẩy bởi nỗi sợ thất bại, chỉ trích hoặc xung đột không?
Căng thẳng và cảm xúc choáng ngợp có phải đã khiến bạn mất khả năng phán đoán không?
Việc tự vấn và tự đánh giá cách trung thực là rất cần thiết để xác định các nguyên nhân sâu xa và khắc phục chúng.
- Xin lỗi
Nếu hành động của bạn gây ảnh hưởng hoặc tổn thương đến người khác, đừng ngần ngại thừa nhận và bày tỏ sự hối tiếc vì đã đổ lỗi cho họ.
Nếu có thể, hãy cố gắng hết sức để khắc phục mọi thiệt hại gây ra và hỗ trợ người khác.
- Thay đổi tư duy
Thái độ tích cực và chủ động đối với thách thức là rất quan trọng để vượt qua thói quen xấu đổ lỗi. Thay vì đắm chìm trong quá khứ và coi trở ngại như mối đe dọa, sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu bạn tái định hình tư duy, xem đó là cơ hội để học hỏi và khám phá tiềm năng/ cơ hội mới.
Đừng ngại tâm sự với người bạn tin tưởng. Việc thảo luận về khó khăn của bản thân với bạn bè, gia đình hoặc đối tác chịu trách nhiệm sẽ cung cấp những góc nhìn có giá trị về tình huống, dựa trên đó bạn có thể xây dựng kế hoạch để thay đổi.
Việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối; ngược lại, nó chứng tỏ ý thức thực tế về hạn chế của bản thân và mong muốn trở nên tốt đẹp hơn.
Lời kết
Thói quen đổ lỗi cho người khác là một hành vi xấu gây tác hại rất lớn. Thay vì trốn tránh trách nhiệm, hãy học cách đối diện với sai lầm, rút ra bài học và tìm kiếm giải pháp. Khi dám nhận trách nhiệm, chúng ta không chỉ giải phóng bản thân khỏi gánh nặng tâm lý mà còn xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
- Chống chế & bao biện: Tật xấu chung trong giao tiếp
- Không biết nói lời cảm ơn: Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?
- Ngừng phán xét người khác: Bước đầu của hành trình thay đổi chính mình
- Thấu hiểu bản thân: Lộ trình hướng tới một bản thể chân thực hơn
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!