Tính nóng nảy: Sai lầm ‘chết người’ trên con đường thành công

speak when you are angry
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Tính nóng nảy: Sai lầm ‘chết người’ trên con đường thành công

Tính nóng nảy thường được sử dụng như một công cụ quản lý công việc; song thực tế, tác hại nó gây ra là vô cùng khôn lường.

Trong môi trường đầy áp lực hiện nay, rất dễ để ta bị “khuất phục” trước “sức hấp dẫn” của việc tỏ ra nóng giận. Thực tế, quan niệm rằng tức giận là cách để khẳng định quyền lực, đảm bảo kết quả đầu ra, tối ưu hiệu suất… đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người. Tuy nhiên, liệu có đúng như thế không? Sẽ ra sao nếu ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, tính nóng nảy không gì khác hơn một “ảo tưởng” thuần túy – sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, cũng như làm suy yếu uy tín cá nhân trong mắt người khác?

Tính khí nóng nảy là gì?

Hẳn không ai trong chúng ta là xa lạ với những người “nóng tính” – dễ bị kích động, nổi nóng và có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí “bùng nổ” nhanh chóng trong các tình huống căng thẳng hoặc xung đột.

Thực tế, phần đông mọi người đều có xu hướng nóng giận, phản ứng “bốc đồng” trước các tình huống hoặc tác nhân khác nhau. Khi đứng trước áp lực hoặc các vấn đề mới lạ/ nguy cấp, thật khó để không mất kiểm soát cảm xúc – tránh tỏ thái độ “cực đoan” với những người xung quanh.

Trong công việc hằng ngày, không ít lần ta phải đối diện với những sự việc thất vọng hoặc khó chịu (ví dụ: tiến độ dự án diễn ra không như mong muốn, khách hàng không hợp tác, nhân viên hoàn tất công việc chậm trễ…). Theo lẽ thường tình, phản ứng tự nhiên của ta sẽ là tỏ ra nóng nảy và tức giận.

Thế nhưng, khi chiều theo xu hướng bản năng đó, hậu quả không thể tránh khỏi sau đó sẽ là sự hối tiếc.

Nguyên nhân của thói quen nóng nảy

  • Căng thẳng cao: Áp lực tích tụ dần theo thời gian cuối cùng sẽ dẫn đến cảm giác tức giận và thất vọng. Khối lượng công việc quá mức, thời hạn gấp rút, xung đột, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, v.v… đều là những nguyên nhân góp phần gia tăng mức độ căng thẳng, khiến chúng ta (đặc biệt cấp lãnh đạo) dễ nổi nóng hơn.
  • Giao tiếp kém: Giao tiếp không hiệu quả gây ra tình trạng hiểu lầm, xung đột và thiếu minh bạch; hệ quả là sự thất vọng và tức giận do kỳ vọng không được đáp ứng/ lắng nghe.
  • Thiếu tự chủ: Cảm giác bản thân không thể hoàn toàn kiểm soát công việc, quá trình ra quyết định hoặc bị quản lý vi mô là một nguyên nhân phổ biến khác cho tình trạng nóng giận.
  • Văn hóa tập thể: Việc phải tiếp xúc thường xuyên với tình trạng tiêu cực, chống chế, xung đột hoặc thiếu tin tưởng sẽ dẫn đến nóng nảy mãn tính, cũng như nhận định thiên lệch về công việc.
  • v.v…

tính nóng nảy

Tính nóng nảy lợi hay hại?

Nóng nảy có tốt không là câu hỏi chung của rất nhiều người. Một mặt, chúng ta phải thừa nhận – đặc biệt ở cương vị lãnh đạo – nóng giận có thể mang lại những lợi ích nhất định như:

  • Tăng cường tính quyết đoán: Người nóng tính nhìn chung có xu hướng ra quyết định nhanh chóng và hành động quyết đoán trong tình huống khó khăn, điều này có thể giúp họ làm việc hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra nhanh hơn.
  • Nhiệt tình: Mặt khác, sự tức giận nhất thời có thể mang lại năng lực nhiệt tình trong công việc và cuộc sống, tạo động lực làm việc cho đội nhóm và đẩy mạnh tiến độ công việc.
  • Thẳng thắn: Người nóng nảy thường diễn đạt cảm xúc một cách trực tiếp, nhờ đó góp phần duy trì sự minh bạch trong quan hệ và giao tiếp.

Tuy nhiên, nóng tính cũng đồng thời dẫn tới rất nhiều hệ quả tiêu cực như:

  • Gây xung đột và mâu thuẫn: Thái độ nóng nảy rất dễ gây ra căng thẳng trong tương tác xã hội. Nếu không được kiểm soát, về lâu về dài nó có thể làm mất lòng tin và ảnh hưởng đến các mối quan hệ.
  • Hậu quả về sức khỏe: Nóng giận liên tục được ghi nhận là một trong những tác nhân dẫn tới căng thẳng tâm lý, stress và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Làm “xói mòn” các mối quan hệ: Khi phản ứng “bốc đồng” và thiếu tế nhị, chúng ta rất dễ bị mất kiểm soát và công kích người khác, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các mối dây liên kết trong công việc cũng như cuộc sống.

Tính nóng nảy: Thói quen xấu của người lãnh đạo

Như đã đề cập, sự tức giận có thể tỏ ra hữu ích trong công tác quản lý – qua việc “đánh thức” nhân viên và nhấn mạnh thông điệp quan trọng mà bạn muốn truyền tải (mà đôi khi, vì nhiều lý do, rất cần được nhắc lại). Nhưng với cái giá phải trả là gì?

Thực tế đã chứng minh, tính khí thất thường, thiếu ổn định về cảm xúc không phải là công cụ lãnh đạo đáng tin cậy. Khi tức giận, chúng ta rất dễ rơi vào tình rạng mất kiểm soát; và thật không dễ để làm chủ tình hình khi bản thân đang ở trong trạng thái bất ổn như vậy.

Bạn có thể tự tin rằng mình sẽ kiểm soát được tính nóng nảy của mình, rằng bạn có thể sử dụng những cơn “thịnh nộ tự phát” để thao túng và khích lệ mọi người. Nhưng quả thực, rất khó để dự đoán mọi người sẽ phản ứng thế nào với sự tức giận của bạn.

Trong phần lớn trường hợp, kết quả bạn nhận được sẽ hoàn toàn ngược lại với dự định ban đầu.

nóng giận mất khôn

Nóng tính mất khôn

Hãy thử hình dung, nếu một ai đó biện minh rằng họ sử dụng sự tức giận để đảm bảo hiệu quả quản lý, vậy thì những nhà lãnh đạo khác thì sao? Những người không cần tỏ ra nóng tính để khiến cấp dưới phải khuất phục?

Nếu không tức giận, làm thế nào những cá nhân điềm tĩnh này có thể đảm bảo sự tuân phục và hoàn thành công việc đề ra?

Có một điều chắc chắn mọi người đều phải công nhận, đó là thái độ tức giận luôn để lại một ấn tượng sâu đậm nơi đối phương. Một khi mọi người nhận định bạn là người tính khí thất thường, bạn sẽ bị “gắn mác” đó suốt đời. Rằng nóng nảy là tất cả những gì mọi người biết về bạn.

Trong sự nghiệp của mình, huấn luyện viên bóng rổ Bob Knight đã giành được ba danh hiệu NCAA tại Đại học Indiana, cũng như trở thành một trong hai huấn luyện viên duy nhất trong lịch sử của trường đạt thành tích 800 chiến thắng trở lên. Về nhiều phương diện, ông được vinh danh trong số những huấn luyện viên vĩ đại nhất mọi thời đại.

Thế nhưng, ông cũng “được” ghi nhớ về việc thường xuyên tranh cãi với trọng tài – cùng thói quen “ném ghế” khắp sân. Danh tiếng đó thậm chí lấn át hoàn toàn kỷ lục của Knight. Khi mọi người nghĩ về Bob Knight, suy nghĩ đầu tiên của họ là tính khí nóng nảy “như núi lửa” của ông, chứ không phải bề dày thành tích kể trên.

Điều tương tự cũng đúng trong công việc và cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng dành một “vị trí đặc biệt” trong tâm trí cho những cá nhân thường xuyên tỏ ra giận dữ. Bất kể họ làm gì, chúng ta đều e ngại họ sẽ nổi nóng.

Khi trao đổi với người khác, những lời đầu tiên thốt ra từ miệng mọi người là: “Tôi nghe nói anh ấy rất nóng tính.”

Ấn tượng đó rất khó để xóa mờ. Để có thể thay đổi nhận định của mọi người, bạn có thể cần nhiều tháng – thậm chí nhiều năm – thực hành hành xử điềm tĩnh và tự chủ để rũ bỏ danh tiếng xấu này.

Nguồn cơn nóng giận là từ chính chúng ta

Làm thế nào để bớt nóng giận?

Bước đầu tiên trong quá trình từ bỏ thói quen xấu hay nổi nóng, đó là nhận thức về nguồn gốc sâu xa của tính nóng nảy. Thực tế, rất nhiều lần, sự tức giận không đến từ lỗi của người khác, mà nó xuất phát từ chính bên trong mỗi chúng ta.

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một người nông dân trẻ ướt đẫm mồ hôi đang chèo thuyền ngược dòng sông để đi giao hàng. Đó là một ngày nóng bức, và anh ta muốn đi thật nhanh chóng để về nhà trước khi trời tối.

Khi nhìn về phía trước, anh phát hiện thấy một con thuyền khác đang di chuyển rất nhanh theo hạ lưu, về phía thuyền của mình. Con thuyền này dường như đang cố gắng hết sức để húc vào anh. Anh ta tức giận chèo thuyền sang một bên để tránh đường, nhưng dường như điều đó không giúp ích gì.

Anh ta hét vào mặt con thuyền kia, “Đổi hướng đi, đồ ngốc! Anh sắp húc vào tôi rồi. Sông này đâu có hẹp đâu. Cẩn thận tí chứ!”

Tiếng la hét của anh tỏ ra hoàn toàn vô ích. Con thuyền kia đâm vào thuyền của anh một tiếng uỵch. Anh ta tức giận đứng dậy và hét sang bên kia,

“Đồ ngu! Làm thế nào anh có thể húc vào thuyền của tôi ở giữa dòng sông rộng lớn này? Chuyện gì xảy ra với anh vậy?”

Khi nhìn vào chiếc thuyền kia, anh bỗng nhận ra rằng không có ai trong thuyền cả. Thì ra từ nãy đến giờ, anh đang la hét vào một con thuyền trống không bị đứt dây buộc và đang xuôi theo dòng nước.

Bài học ở đây thật đơn giản. Chẳng có ai ở đầu bên kia cả.

Khi tức giận, chúng ta chỉ đang la hét vào khoảng không.

Tất cả chúng ta đều gặp phải những người trong đời khiến mình khó chịu đến “phát điên”. Bạn có thể đã từng dành vô khối thời gian để hồi tưởng lại những khoảnh khắc khi họ tỏ ra không công bằng, không đánh giá cao hoặc không quan tâm đến mình. Ngay cả việc nhớ đến người đó cũng làm ta không thể thở nổi.

Rõ ràng, cách tốt nhất để đối phó với những người như thế này, đó là đừng để họ chọc giận mình.

Nổi giận không giúp cải thiện vấn đề; và quả thực, cuộc sống này quá ngắn ngủi để lãng phí thời giờ cho những cảm xúc tiêu cực.

Một nhà hiền triết hẳn sẽ nói rằng, người khiến chúng ta tức giận không thể thay đổi chính bản thân anh ta. Nổi giận với họ cũng giống như khi ta nổi cơn thịnh nộ với cái bàn, chỉ vì nó là một cái bàn.

Nếu chúng ta là người đó, sinh ra và lớn lên, trải qua hoàn cảnh giống như họ, không gì có thể đảm bảo chúng ta sẽ không hành xử giống như họ.

Đọc thêm: Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Làm sao để ngừng viện cớ & tìm lý do?

Im lặng khi giận dữ: Bước đầu kiểm soát tính nóng nảy

Có một phương pháp đơn giản mà hiệu quả để bước đầu kiềm chế sự tức giận, đó là hãy giữ im lặng.

Nếu bạn im lặng, không ai có thể biết bạn thực sự cảm thấy thế nào.

Lẽ đương nhiên, nói thì dễ hơn làm. Bạn phải học cách kìm nén phản ứng bản năng của con người. Nhưng một khi nhận thức lợi ích sâu xa của việc giữ yên lặng – rằng nếu làm vậy, sẽ không có cách nào để bạn biến mình thành trò cười, hoặc đối phương thành kẻ thù, đó là lúc bạn sẵn sàng để đi những bước đầu tiên trên hành trình thay đổi chính mình.

Chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới, TS. Marshall Goldsmith, từng chia sẻ trong tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘ (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai) về việc ông từng trải qua một tuần tại một tu viện nhỏ ở Làng Mai, Pháp. Tại đây, ông đã có cơ hội được tiếp xúc với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mỗi ngày, sư khuyến khích nhóm của TS. Goldsmith thực hành thiền về nhiều chủ đề khác nhau.

Một ngày nọ, chủ đề của buổi thiền là về sự tức giận. Sư yêu cầu mỗi người trong nhóm hồi tưởng về một thời điểm trong cuộc sống, khi họ rơi vào trạng thái tức giận và mất kiểm soát. Sau đó, từng người sẽ phân tích xem ai là người chịu trách nhiệm cho hành vi “thiếu văn hóa” đó.

Về phần mình, TS. Goldsmith nhớ lại con gái Kelly của ông, khi bà còn đang ở tuổi thiếu niên.

Một hôm, khi về nhà, Kelly đeo trên người một cái xỏ khuyên rốn màu sắc sặc sỡ. Ở thời điểm đó, đây là một xu thế chung trong nhóm thanh niên trẻ tuổi. Lẽ dĩ nhiên, chẳng có ích gì khi đeo một chiếc xỏ khuyên rốn nếu mọi người không thể nhìn thấy nó! Vì thế, Kelly cũng đồng thời mua một bộ trang phục thiếu vải, được thiết kế để làm nổi bật vùng bụng của mình.

Theo chia sẻ của TS. Goldsmith, đó thực sự là một khoảnh khắc thử thách lòng bao dung và tình yêu thương của người cha. Và mọi sự đã không hề diễn ra một cách đơn giản. Tuy không thực sự nhớ rõ điều đã làm, nhưng ông chắc chắn bản thân đã phản ứng một cách vô cùng giận dữ và thiếu thiện chí.

nóng giận

Khi ngồi trong không gian yên tĩnh của tu viện và suy ngẫm về sự kiện này, TS. Goldsmith đã tự hỏi bản thân:

“Lúc đó mình đang nghĩ về điều gì vậy?”

Và ông nhận ra, suy nghĩ đầu tiên của ông, đó là lo lắng về việc ai đó sẽ nhìn thấy con gái của ông:

“Thật là một đứa trẻ hư hỏng! Không biết cha mẹ của nó là ai vậy?”

Ý nghĩ thứ hai thậm chí còn tồi tệ hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những người bạn của ông nhìn thấy Kelly và thốt lên,

“Tôi không thể tin rằng Marshall lại cho phép con mình diễu hành quanh khu xóm trong bộ trang phục như vậy.”

Như ông chia sẻ về hành trình tự vấn bản thân sau đó:

Tôi đã quan tâm đến ai trong trường hợp này? Kelly hay là tôi? Vấn đề tôi thực sự quan tâm, đó là cái xỏ khuyên rốn của con gái, hay chính là cái tôi vị kỷ của mình?

Theo TS. Goldsmith, nếu được sửa lại sai lầm cũ, ông vẫn sẽ đề nghị con gái từ bỏ bộ trang phục và phụ kiện đó. Tuy nhiên, ông sẽ không phản ứng với sự tức giận, để rồi biến bản thân thành trò cười và làm tổn thương đến quan hệ với con gái nữa.

Lần tới khi bạn bắt đầu phát biểu khi tức giận, hãy tự nhìn vào chính mình vào gương. Trong phần lớn trường hợp, bạn sẽ nhận thấy rằng, gốc rễ của tính nóng nảy không phải “ở ngoài kia”. Nó đến từ ngay trong chính bạn.

Đọc thêm: Đổ lỗi cho người khác – Vì sao ta thích trốn tránh trách nhiệm?

Cách kiềm chế tính nóng nảy: 14 phương pháp thực hành

Nếu nhận thấy bản thân hay phạm phải thói xấu nóng nảy, bạn có thể tham khảo một số gợi ý về cách để bớt nóng tính và kiểm soát cơn giận như sau:

  1. Hít thở sâu

Hít thở sâu giúp đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm. Hành động này góp phần làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp và giảm căng thẳng, mang lại cảm giác bình tĩnh và hỗ trợ kiểm soát cảm xúc của chính mình.

  1. Thực tập chánh niệm

Chánh niệm hay tỉnh thức (mindfulness) thể hiện qua thái độ chú tâm một cách có ý thức đến thời điểm hiện tại – mà không đưa ra phán xét gì cả. Nó giúp bạn nhận thức sâu sắc hơn về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, tránh phản ứng bốc đồng hay để bị cuốn đi bởi tính nóng nảy.

Một số hoạt động chánh niệm mà bạn có thể thực hiện hằng ngày bao gồm tổ chức lại không gian làm việc/ học tập, nhắc nhở bản thân về mục đích công việc, hoặc thực hành kỹ thuật Pomodoro.

  1. Xác định tác nhân kích hoạt sự tức giận

Như đã đề cập, việc ý thức nguyên nhân gây ra cơn giận cho phép bạn dự đoán và chuẩn bị cho những tình huống về sau. Bằng cách vạch ra một danh sách các quy luật và nhân tố tác động thường gặp, bạn có thể phát triển các chiến lược đối phó như: điều chỉnh quan điểm, thiết lập ranh giới, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.

  1. Thực hành độc thoại tích cực

Độc thoại tích cực (positive self-talk) là khi bạn thay thế những suy nghĩ tiêu cực và phi lý bằng những lời tuyên bố hợp lý và khẳng định tích cực. Chính khi xem xét lại quan điểm cá nhân, bạn sẽ có cơ hội thay đổi cách tư duy, giảm cường độ tức giận và tiếp cận vấn đề trong cuộc sống một cách đa chiều và toàn diện hơn.

  1. Nhờ hỗ trợ

Chia sẻ cảm xúc và mối quan tâm của bạn với đồng nghiệp, người giám sát, mentor hoặc bạn bè đáng tin cậy là cơ hội để bạn lắng nghe các quan điểm mới, cũng như nhận lại sự hỗ trợ về phương diện tinh thần. Nó giúp bạn hiểu rõ hơn về tình huống đang xảy ra, đồng thời khám phá các giải pháp khả thi, giảm bớt cảm giác bị cô lập khi tìm cách khắc phục tính nóng nảy của bản thân.

  1. Nghỉ ngơi

Việc tránh xa khỏi nguồn cơn của sự tức giận sẽ cho phép bạn được thảnh thơi, hạ nhiệt và lấy lại cân bằng cảm xúc. Các hoạt động thể chất như đi dạo sẽ góp phần làm gia tăng lưu lượng máu và giải phóng endorphin, góp phần giảm bớt trạng thái căng thẳng và tức giận. Ngoài ra, nghỉ giải lao cũng tạo cơ hội để suy ngẫm và và tiếp cận tình huống với thái độ bình tĩnh hơn.

  1. Luyện tập lắng nghe tích cực

Lắng nghe tích cực đòi hỏi ta phải chú tâm hoàn toàn vào người nói, bao gồm các tín hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ – cũng như nỗ lực tìm hiểu và cảm thông với quan điểm của họ. Qua đó, bạn thể hiện sự tôn trọng, nuôi dưỡng sự đồng cảm, xây dựng một môi trường giao tiếp hiệu quả và khuyến khích thiện chí giải quyết xung đột.

Đọc thêm: Không biết lắng nghe – “Kẻ giết người” thầm lặng

  1. Thực hành đồng cảm

Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu quan điểm và cảm xúc của họ. Sự thấu cảm giúp bạn nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và tính kiên nhẫn, nhờ đó có thể đối phó với những tình huống khó khăn với thái độ thấu hiểu và bình tĩnh hơn.

  1. Sử dụng óc hài hước

Óc hài hước có thể xoa dịu những tình huống căng thẳng và giúp thay đổi quan điểm cá nhân – qua việc giải phóng endorphin, giảm căng thẳng và nuôi dưỡng bầu không khí tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng khi thực hành phương pháp này là phải tỏ ra khéo léo, đảm bảo rằng nó không làm suy giảm mức độ nghiêm trọng của tình huống/ gây xúc phạm đến người khác.

  1. Đặt kỳ vọng thực tế

Những kỳ vọng xa rời thực tế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất vọng và nóng nảy. Bạn cần nỗ lực đặt mục tiêu và thời gian phù hợp cho bản thân cũng như những người liên quan. Điều này sẽ góp phần giảm tình trạng thất vọng và cảm giác “choáng ngợp” trong tập thể và đội nhóm.

  1. Thực hành giải quyết vấn đề

Thay vì quá bận tâm với khó khăn, hãy tập trung tìm kiếm giải pháp. Chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành các bước có thể quản lý được, đồng thời tìm kiếm các phương pháp tiếp cận thay thế và xem xét kết quả tiềm năng của từng hướng tiếp cận. Việc dành thời gian giải quyết vấn đề sẽ hướng năng lượng của bạn tới các hành động mang tính xây dựng, giảm bớt sự tức giận và thúc đẩy năng suất công việc.

  1. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Nếu tính khí nóng nảy của bạn trở nên mất kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bạn, bạn nên cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ trị liệu, tâm lý hoặc coaching. Một chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ bạn khám phá những nguyên nhân cơ bản đằng sau thực trạng hiện tại, phát triển các chiến lược ứng phó, cũng như kiểm soát các khúc mắc cảm xúc sâu xa dẫn đến thái độ nóng giận.

  1. Thực hành chăm sóc bản thân

Hãy thường xuyên tham gia vào các hoạt động tự chăm sóc như: tập thể dục thường xuyên, duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, ngủ đủ giấc, theo đuổi sở thích và nuôi dưỡng các mối quan hệ bên ngoài công việc. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần là cơ hội để bạn hình thành khả năng phục hồi (resilience), cũng như học cách kiểm soát các tác nhân kích thích sự tức giận.

  1. Suy ngẫm và học hỏi từ kinh nghiệm quá khứ

Mỗi khi tỏ ra nóng nảy tại nơi làm việc, hãy dành thời gian suy ngẫm lại về tình huống xảy ra và phản ứng của bạn. Điều gì đã khiến bạn tức giận? Cách bạn phản ứng và kết quả là như thế nào? Hồi tưởng về những trải nghiệm này sẽ cho phép bạn học hỏi từ kinh nghiệm, xác định nguyên nhân và phát triển các chiến lược để quản lý cơn giận trong tương lai.

Đọc thêm: Không biết nói lời xin lỗi – Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm

 

Danh ngôn về tính nóng nảy

Nóng giận là bản năng; tĩnh lặng là bản lĩnh.

Buster Benson

 

Nóng giận là nhiên liệu. Bạn cần nhiên liệu để phóng tên lửa. Nhưng nếu tất cả những gì bạn có là nhiên liệu – mà không có bất kỳ cơ chế bên trong để điều khiển nó, thì tất cả những gì bạn có sẽ là một quả bom.

Gil Schwartz

 

Giận dữ không bao giờ là không có lý do, nhưng hiếm khi nó có một lý do chính đáng.

Benjamin Franklin

 

Tức giận không đòi hỏi hành động. Khi bạn hành động trong cơn tức giận, bạn sẽ mất tự chủ.

Joe Hyams

 

Tức giận chỉ kéo dài nhất thời, nhưng lời ta nói trong lúc tức giận thì không.

Marion Bekoe

Lời kết

Trên con đường sự nghiệp cũng như cuộc sống, chúng ta cần học cách tư duy để không chỉ dừng lại ở thành công ngắn hạn hay ưu thế nhất thời – nhưng hướng đến thấu hiểu hành vi con người, trí tuệ cảm xúc và tác động lâu dài của từng việc mình làm. Tính nóng nảy có thể mang lại “ảo giác” về khả năng kiểm soát, nhưng cuối cùng nó chỉ là một công cụ “rỗng tuếch” và không đáng tin cậy. Chính khi học cách thể hiện sự đồng cảm, giao tiếp hiệu quả và quản trị cảm xúc, chúng ta mới thực sự truyền cảm hứng, trao quyền và tạo nên một tập thể lành mạnh, mang lại sự mãn nguyện cho mọi người.

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

Finding the Upside of Anger. https://marshallgoldsmith.com/articles/finding-upside-anger/.

15 Ways to Manager Anger at Work. https://www.betterup.com/blog/how-to-control-anger-at-work.

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status