Không biết nói lời cảm ơn là thói xấu căn bản cần khắc phục để mỗi người có thể vươn lên những nấc thang cao hơn trong cuộc sống.
Giữa thế giới phát triển nhanh chóng hiện nay – đầy rẫy những phiền nhiễu và áp lực không ngừng, hầu hết chúng ta thường (vô tình lẫn cố ý) quên mất tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn. Chúng ta thường xuyên mắc phải thói xấu là không biết nói lời cảm ơn – ngay cả trong những tình huống hiển nhiên nhất.
Tóm tắt nội dung chính
- Thói quen xấu này biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau – từ việc quên cảm ơn một người lạ đã giữ cửa cho đến việc khó chịu khi tiếp nhận phản hồi của người khác, bất kể nó mang tính xây dựng như thế nào.
- Chúng ta thường quên bày tỏ lòng biết ơn vì nhiều lý do, từ thiếu năng lực giao tiếp xã hội đến tính tự ái, tiêu cực, hoặc đơn giản là quá bận rộn. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, hậu quả vẫn không hề thay đổi – danh tiếng bị tổn hại, các mối quan hệ “sứt mẻ”, suy yếu nhận thức về hạnh phúc trong cuộc sống, v.v…
- Mỗi khi nhận được lời khen, lời khuyên hay góp ý, hai tiếng “cảm ơn” tuy đơn giản – nhưng có tác dụng rất lớn, giúp củng cố và xây dựng các mối quan hệ. Làm như vậy, chúng ta thể hiện thái độ khiêm tốn, sẵn sàng từ bỏ nhu cầu trở thành người “chiến thắng” trong mọi hoàn cảnh.
- Dù là nhận quà, sự giúp đỡ hay thậm chí là đối mặt với lời chỉ trích, chúng ta cần học cách nói “cảm ơn” trong tất cả mọi tình huống. Ngay cả khi đề xuất của ai đó không hữu ích – hoặc bạn không đồng ý với nó, hành động cảm ơn thể hiện sự tôn trọng, khuyến khích giao tiếp và mở ra cơ hội học hỏi.
- Tuy dễ dàng, chúng ta thường trì hoãn việc bày tỏ lòng biết ơn và thích chờ đợi một khoảnh khắc “trọng đại” – điều thường sẽ không bao giờ đến.
- Học cách bày tỏ lòng biết ơn đòi hỏi ta phải thể hiện sự chân thành, phản ứng cụ thể và kịp thời, điều chỉnh giọng điệu, cá nhân hóa thông điệp, viết ra giấy và biến việc cảm ơn thành thói quen hàng ngày.
- Ngay cả khi ai đó quên nói lời cảm ơn, chúng ta nên cố gắng thấu hiểu, lên tiếng một cách tôn trọng nếu cần, hoặc bỏ qua và tập trung vào những điều tích cực.
Thế nào là không biết nói lời cảm ơn?
Về cơ bản, nói “cảm ơn” là hành động cơ bản khi cần bày tỏ lòng biết ơn, đánh giá cao đối với lòng tốt và sự hỗ trợ mà chúng ta nhận được từ người khác. Đó là một cử chỉ đơn giản nhưng rất có sức nặng – nó cho thấy chúng ta sẵn sàng ghi nhận nỗ lực, sự rộng lượng và chu đáo của họ.
Ngược lại, khi không biết nói lời cảm ơn, chúng ta tự thể hiện mình là người thô lỗ và thiếu tôn trọng – một hành động có thể gây ức chế tột độ về mặt cảm xúc cho người khác. Thói quen xấu này “ăn sâu” vào rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống mỗi người. Không chỉ những người ái kỷ – trên thực tế, tất cả đều đã từng quên bày tỏ lòng biết ơn, trong những trường hợp như:
- Bỏ qua việc cảm ơn người đã giữ cửa cho mình;
- Đáp lại lời khen của người khác bằng cách tự phê bình chính bản thân;
- Ngó lơ/vô ơn trước một món quà được chuẩn bị chu đáo;
- Phủ nhận sự đóng góp của ai đó khi họ cố gắng giúp đỡ chúng ta thực hiện một công việc/dự án khó khăn;
- Cho mình là quan trọng – đến mức coi sự giúp đỡ của người khác là điều hiển nhiên;
- Không đáp lại lời mời của người khác;
- Bỏ qua hoặc cau mày trước những phản hồi tích cực, có thiện chí.
Vì sao chúng ta không biết nói lời cảm ơn?
Hành động không nói lời cảm ơn có nhiều lý do khác nhau – thường bắt nguồn từ hành vi, thái độ và trạng thái cảm xúc của cá nhân:
- Thiếu kĩ năng
Một nguyên nhân là do kỹ năng tương tác kém hoặc thiếu kiến thức về cách bày tỏ lòng biết ơn. Một số người có thể cảm thấy không chắc chắn về những từ ngữ/ cử chỉ thích hợp để bày tỏ sự cảm kích của mình; hệ quả là họ tỏ ra lưỡng lự khi cần bảy tỏ sự tri ân với người khác.
- Thành kiến cá nhân
Một số người không cảm thấy thoải mái khi phải thể hiện lòng biết ơn – họ coi đó là một cách phô bày sự dễ bị tổn thương, rằng việc bày tỏ lòng biết ơn sẽ khiến họ tỏ ra yếu đuối hoặc mắc nợ người khác.
- Quá bận rộn
Trong thế giới thay đổi chóng mặt và dễ bị phân tán hiện nay, không có gì lạ khi chúng ta thường quên nói lời cảm ơn. Chúng ta thường xuyên bận tâm đến nhiều vấn đề của cuộc sống – từ công việc, gia đình và các mối quan tâm cá nhân; những điều này đều góp phần làm “lệch hướng” sự chú ý và khiến ta bỏ qua nhu cầu ghi nhận những hành động tử tế/ân huệ mà bản thân nhận được từ người khác.
- Xem mọi thứ là điều hiển nhiên
Ngoài ra, việc không ghi nhận nỗ lực/ giá trị của những gì được ban cho mình còn đến từ việc nhiều người coi mọi thứ trong cuộc sống là điều đương nhiên. Đây là hành vi đặc biệt phổ biến ở các nhà lãnh đạo và quản lý kiểu cũ, những người thường mong đợi người khác nỗ lực nhiều mà không cần phải công nhận cố gắng đó.
- Ái kỷ
Đối với một số người, cái tôi cá nhân là lý do cơ bản đằng sau việc từ chối thể hiện lòng biết ơn. Họ tin rằng bản thân xứng đáng được giúp đỡ hoặc được đối xử tử tế mà không cần thiết phải đáp lại – rằng những người khác sẽ cảm thấy vinh dự khi được giúp đỡ họ.
- Tiêu cực
Những cảm xúc tiêu cực như xung đột hoặc thù địch đối với người đã giúp đỡ chúng ta, cũng góp phần tác động không nhỏ. Trong những trường hợp như vậy, việc bày tỏ lòng biết ơn có thể bị coi là không thành thật hoặc mâu thuẫn với những gì đang diễn ra trong nội tâm.
Hơn nữa, cảm giác bất an cũng là lý do ngăn cản chúng ta nói lời cảm ơn. Ta có thể cho rằng đối phương đã biết rõ sự biết ơn của ta – hoặc lo lắng rằng lời nói của mình có thể không truyền tải đầy đủ cảm xúc trân trọng thực sự.
Đọc thêm: Thấu hiểu cảm xúc – Chìa khóa đạt tới cân bằng & thành công trong cuộc sống
Hậu quả khi không biết nói lời cảm ơn
- Xúc phạm người khác
Khi không thừa nhận lòng tốt hoặc sự giúp đỡ của đối phương, chúng ta đồng thời gây tổn thương đáng kể đến đối phương. Họ có thể tin rằng những nỗ lực của mình là vô ích – hoặc bị cho là đương nhiên.
- Tổn hại đến danh dự của bản thân
Hơn thế nữa, việc không biết nói lời cảm ơn sẽ làm xấu đi hình ảnh của chúng ta trong mắt người khác. Khi ta liên tục kiềm chế việc bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta tự khiến mình bị đánh giá là “thô lỗ”, “vô ơn” hoặc coi bản thân là “cái rốn của vũ trụ”.
- Tác động đến các mối quan hệ
Một hậu quả tai hại khác là sự suy giảm các mối quan hệ và cản trở khả năng hợp tác, làm việc nhóm trong tương lai. Khi mọi người cho rằng chúng ta không đánh giá cao họ, họ sẽ ít sẵn sàng giúp đỡ hoặc bày tỏ lòng tốt hơn trong tương lai. Điều này – vô hình chung – sẽ hạn chế cơ hội phát triển của chúng ta.
- Tước đi phần thưởng tinh thần
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc trân trọng lòng biết ơn có mối tương quan chặt chẽ với sức khỏe cải thiện, cảm xúc tích cực và gia tăng tương tác xã hội. Khi từ chối nói lời cảm ơn, chúng ta đồng thời bỏ lỡ những phần thưởng quý giá này.
- Giảm bớt niềm tin và kết nối
Khi thể hiện lòng biết ơn chân thành, chúng ta góp phần củng cố mạng lưới các mối quan hệ xã hội, nuôi dưỡng niềm tin và khơi dậy lòng tốt ở người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đóng góp tích cực cho cơ cấu xã hội, cản trở sự phát triển của một cộng đồng nhân ái và đồng cảm hơn.
- Nuôi dưỡng văn hóa độc hại
Trong môi trường doanh nghiệp, khi cấp lãnh đạo quản lý không biết nói lời cảm ơn, họ sẽ tạo tiền lệ cho những người khác thực hiện hành vi tương tự – dẫn đến sự hình thành của một nền văn hóa thiếu tôn trọng và chỉ tập trung vào quyền lợi.
Chúng ta rất hay quên nói lời cảm ơn
Bày tỏ lòng biết ơn thông qua hai tiếng “Cảm ơn” là một cử chỉ rất “diệu kỳ” trong mối quan hệ giữa người với người. Hai từ ngọt ngào, êm tai và dễ chịu này, có khả năng xoa dịu mọi vấn đề và ngăn ngừa những xung đột không cần thiết.
Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta vẫn gặp khó khăn với việc này. Khi nhận được lời khen ngợi, lời khuyên hoặc phản hồi từ người khác, chúng ta phản ứng lại theo rất nhiều cách – từ tranh cãi đến chỉ trích – trừ hai từ “Cảm ơn”.
Đã từng bao giờ bạn đến một bữa tiệc – và trông thấy người hàng xóm đến trong một bộ đầm tuyệt đẹp. Bạn nói với cô ta:
“Trông chị thật tuyệt. Bộ đầm đẹp quá!”
Thay vì nói lời cảm ơn, người hàng xóm lại tỏ ra bối rối.
“Ồ, cái này à? Chỉ là một món đồ cũ xì tôi lấy đại trong tủ ra thôi.”
Bạn vừa trao cho người hàng xóm một lời khen ngọt ngào – vậy mà cô ấy lại phủ quyết nó! Những gì cô ta muốn nói là:
“Bạn nhầm rồi nếu cho rằng đây là một chiếc đầm đẹp. Nó chẳng là gì so với những chiếc đầm thực sự đẹp khác trong tủ đồ của tôi. Nếu thông minh hơn, bạn sẽ biết rằng miếng giẻ rách cũ kỹ thảm hại này chẳng nói lên điều gì về gu ăn mặc tinh tế của tôi cả.”
Tất nhiên, người hàng xóm ắt hẳn không có ý gay gắt như vậy. Nhưng đó chính xác là điều xảy ra khi ta không biết nói lời cảm ơn. Chúng ta tự mình gây ra một vấn đề mà lẽ ra không nên tồn tại.
Từ chối nói lời cảm ơn khi được khen
Để cải thiện hiệu quả giao tiếp hàng ngày, mỗi chúng ta cần học cách đón nhận mọi thứ với lòng biết ơn – dù là khi phải xem xét đề xuất hoặc ý kiến đóng góp nào từ người khác.
Nếu ai đó khen ngợi ta, hãy trả lời bằng một câu như “Cảm ơn bạn. Tôi trân trọng những lời bạn nói.”
Tương tự, khi lắng nghe góp ý mang tính xây dựng, hãy đáp lại bằng “Cảm ơn. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn vào lần sau”. Làm như vậy, đó là ta thể hiện tinh thần cởi mở, muốn phát triển và học hỏi.
Nói “Cảm ơn” có nghĩa là từ bỏ thói quen hiếu thắng, muốn được đúng, được tăng thêm giá trị, được đứng đầu trong mọi hoàn cảnh.
Marshall Goldsmith
Nói lời cảm ơn bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy
Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi chúng ta đều đã được dạy về tầm quan trọng của phép xã giao cơ bản, về sức mạnh của những từ như “làm ơn” và “cảm ơn”. Thế nhưng, thật khó hiểu khi nhiều người vẫn không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn.
Bí quyết thay đổi nằm ở chỗ đánh giá lại lối suy nghĩ khi tiếp thu nhận xét của người khác. Khi ai đó đưa ra gợi ý hoặc chia sẻ ý tưởng của họ, chúng ta hãy tiếp cận nó với thái độ cầu thị – rằng đóng góp của họ, ít nhất, sẽ làm phong phú thêm kiến thức của chúng ta.
Việc chân thành cảm ơn cho thấy ta sẵn sàng ghi nhận nỗ lực và thiện chí của họ – điều này sẽ góp phần xây dựng bầu không khí tôn trọng và khuyến khích đối thoại trong tương lai.
Ngược lại, khi không biết nói lời cảm ơn, chúng ta khiến vấn đề dễ bị hiểu lầm và xung đột leo thang. Bất kỳ phản ứng nào khác ngoài lòng biết ơn đều có nguy cơ dẫn đến căng thẳng không cần thiết trong cuộc trò chuyện.
Thay vì thể hiện sự bối rối, hãy ghi nhận ý kiến đóng góp của người khác bằng một câu “cảm ơn” chân thành – rằng đó là điều mà trước đây bạn chưa từng cân nhắc. Qua đó, chúng ta khuyến khích một môi trường thân thiện, giao tiếp và đối thoại cởi mở.
Khi ai đó đưa ra gợi ý cho bạn, bạn sẽ chỉ BIẾT THÊM (learn more) hoặc KHÔNG BIẾT GÌ THÊM (learn nothing). Nhưng bạn chắc chắn sẽ KHÔNG BIẾT ÍT HƠN (learn less).
Marshall Goldsmith
Đừng trì hoãn bày tỏ lòng biết ơn
Có một thực tế đáng ngạc nhiên là chúng ta thường có xu hướng trì hoãn việc bày tỏ lòng biết ơn – rằng ta nên chờ đợi “thời điểm hoàn hảo” để làm điều đó cách “hoành tráng” nhất có thể.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta hiếm khi biết được khi nào thời điểm lý tưởng này sẽ đến – nói cách khác, niềm tin trên đây chỉ là một suy nghĩ vô căn cứ.
TS. Marshall Goldsmith từng chia sẻ một câu chuyện trong sự nghiệp coaching của mình như sau:
Một lần nọ, tôi trao đổi với một khách hàng của tôi về nghệ thuật bày tỏ lòng biết ơn. Anh khẳng định đó là một trong những điểm mạnh của mình.
Để làm bằng chứng, anh kể cho tôi nghe câu chuyện về vợ anh. Anh luôn muốn có văn phòng riêng kiêm thư viện riêng ở nhà. Anh ta đã nói về nó trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ có thời gian và sức lực để biến nó thành hiện thực. Nhưng vợ anh thì ngược lại.
Cô tìm một kiến trúc sư để thiết kế phần bổ sung, thuê nhà thầu, thu xếp khoản vay sửa nhà với ngân hàng, chuyển các kế hoạch thông qua quy trình phê duyệt quanh co của hội đồng xây dựng địa phương, và sau đó giám sát toàn bộ dự án khi công nhân phá bỏ các bức tường, đặt nền móng.
“Tại sao anh lại nói với tôi điều này?”
“Bởi vì căn phòng đã gần xong rồi và tôi vẫn chưa cảm ơn vợ tôi. Tôi định sẽ thể hiện sự tri ân và trao cho cô ấy một món quà lớn ngay khi mọi thứ hoàn thành xong.”
“Tại sao anh không cảm ơn cô ấy bây giờ luôn?”
“Bởi vì tôi muốn đợi. Sẽ ấn tượng hơn khi công việc đã xong.”
“Điều đó có thể đúng. Nhưng anh có nghĩ rằng cô ấy sẽ bực bội nếu anh cảm ơn cô ấy bây giờ và cảm ơn thêm một lần nữa khi công việc hoàn thành không? Anh có nghĩ rằng liệu vợ anh sẽ bực bội vì anh đã cảm ơn cô ấy hai lần không?”
Lòng biết ơn không phải là một nguồn tài nguyên hữu hạn – nhưng là một đức tính dồi dào và vô tận. Dù đơn giản, nhưng chúng ta thường coi nó như một “món hàng” quý giá – thứ mà chúng ta chỉ nên cho đi trong những dịp đặc biệt.
Trên thực tế, lòng biết ơn cũng dồi dào như không khí chúng ta hít thở – và ta có khả năng chia sẻ nó với người khác một cách vô tận.
Trong số những thách thức về thay đổi hành vi, việc không biết nói lời cảm ơn là điều dễ vượt qua nhất. Tất cả những gì chúng ta cần làm là chọn điều gì đó hoặc ai đó để biết ơn, xác định người xứng đáng và nói hai tiếng ngắn gọn: “Cảm ơn”.
Không cần phải trì hoãn hành động này, vì mỗi cách bày tỏ lòng biết ơn đều có giá trị to lớn và có tác động tích cực đến cả người cho và người nhận.
Marshall Goldsmith thảo luận về tầm quan trọng của lòng biết ơn trong lãnh đạo
Khi nào nên nói lời cảm ơn?
Nói lời cảm ơn là một cách mạnh mẽ và cần thiết để thể hiện sự đánh giá cao, tôn trọng và biết ơn đối với người khác. Nó thể hiện thái độ ghi nhận chân thành đối với lòng tốt, sự hỗ trợ hướng đến chúng ta. Dưới đây là một số tình huống trong cuộc sống mà ta phải luôn nhắc nhở bản thân bày tỏ lòng biết ơn với người khác:
- Khi ai đó tặng chúng ta một món quà.
- Khi ai đó cố gắng giúp đỡ chúng ta – dù lớn hay nhỏ. Việc ghi nhận những nỗ lực của họ sẽ nuôi dưỡng cảm giác tôn trọng lẫn nhau và củng cố mối quan hệ cá nhân.
- Khi chúng ta nhận được lời khen ngợi, về ngoại hình, công việc cũng như tính cách.
- Khi ai đó giúp ta vượt qua một tình huống/ thời điểm khó khăn. Cho dù đó là hỗ trợ một dự án, giải quyết vấn đề hay đưa ra lời khuyên có giá trị, việc nói lời cảm ơn là điều quan trọng để ghi nhận sự đóng góp vô giá của họ.
- Khi ai đó dành thời gian để đưa ra lời khuyên hoặc lời phê bình mang tính xây dựng – dù chúng ta có yêu cầu phản hồi hay không.
- Khi hành động của ai đó mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta.
- Khi nhận được những lời chỉ trích không công bằng. Bạn có thể thấy ngạc nhiên, song việc đáp lại bằng hai tiếng “Cảm ơn” sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng và thể hiện thái độ sẵn lòng xem xét ý kiến của đối phương, dù nó khó nghe như thế nào.
- Khi chúng ta thấy mình phân vân không biết có nên nói lời cảm ơn hay không. Trong những trường hợp như vậy, việc tỏ ra biết ơn luôn là lựa chọn khôn ngoan – vì nó thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng, tạo ấn tượng tích cực với người khác.
Đọc thêm: Nhờ giúp đỡ – Sức mạnh đến từ sự yếu đuối
Bí quyết nói lời cảm ơn
Đối với những ai muốn vượt qua thói quen xấu không biết nói lời cảm ơn, bạn có thể thực hành theo các phương pháp sau đây:
Chân thành và cụ thể
Bất cứ khi nào muốn thể hiện lòng biết ơn, hãy đảm bảo rằng bạn làm điều đó một cách chân thành và cụ thể. Thay vì nói chung chung “Cảm ơn vì sự giúp đỡ của bạn”, hãy cố gắng nói rõ ràng hơn – bằng cách nêu rõ lý do tại sao bạn biết ơn họ. Càng chi tiết về đóng góp của đối phương, bạn càng thể hiện sự chân thành và cho thấy rằng bản thân thực sự đánh giá cao nỗ lực của họ.
Ví dụ: “Cảm ơn bạn đã dành thời gian giúp tôi thực hiện dự án này. Tôi thực sự đánh giá cao chuyên môn và sự hướng dẫn của bạn.”
Nhanh chóng
Đừng chờ đợi quá lâu để bày tỏ lời cảm ơn. Ngay khi có thể, hãy thể hiện nó ra càng sớm càng tốt – để tạo ra tác động tích cực lớn nhất đến người khác và khiến hành động của bạn trở nên có ý nghĩa hơn.
Chú ý đến giọng điệu
Đôi khi một câu “Cảm ơn” đơn giản là đủ – tuy nhiên, tùy thuộc vào tình huống cụ thể, bạn có thể tăng thêm sự nhiệt tình hoặc cảm xúc khi bày tỏ lòng biết ơn. Sử dụng những cụm từ như “rất nhiều” hoặc các tính từ khác để nhấn mạnh mức độ đánh giá cao của bạn. Ví dụ:
“Cảm ơn bạn rất nhiều vì sự giúp đỡ hào phóng của bạn”
“Tôi thực sự đánh giá cao đề xuất chu đáo của bạn.”
Cá nhân hóa nội dung truyền tải
Hãy cố gắng cá nhân hóa việc thể hiện lòng biết ơn của bạn bất cứ khi nào có thể. Việc sử dụng những cách nói như “Tôi thực sự đánh giá cao những gì bạn đã làm”, “Tôi biết ơn bạn vì…”, “Bạn là người tuyệt vời nhất”, “Tôi nợ bạn lần này”, v.v… sẽ tăng thêm sự đa dạng và cá tính cho câu chuyện của bạn, làm cho đối phương dễ cảm kích hơn.
Viết ra
Để tạo ra tác động cá nhân và lâu dài, hãy cân nhắc việc viết thư cho người đã giúp đỡ bạn. Sử dụng một tấm thiệp, bưu thiếp hoặc một mảnh giấy viết tay hoặc đánh máy tin nhắn của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi email nếu thuận tiện hơn.
Điểm chính yếu ở đây là hãy làm cho thông điệp của bạn tỏ ra chân thành, chi tiết, nêu rõ những điều bạn biết ơn – và điều đó ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của bạn như thế nào.
Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày
Cuối cùng, tôi khuyên bạn nên kết hợp thực hành biết ơn hàng ngày vào thói quen của mình, qua các thói quen như:
- Viết vào nhật ký ba điều bạn biết ơn mỗi ngày.
- Dành thời gian để nói lời cảm ơn đến ai đó đã giúp đỡ bạn.
- Gửi tin nhắn/ email cảm ơn đến những cá nhân xứng đáng.
- Tham gia thiền định hoặc cầu nguyện với lòng biết ơn.
- Những bài tập biết ơn hàng ngày này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về những khía cạnh tích cực trong cuộc sống – và những người đã có ảnh hưởng tích cực đến bạn.
Ngoài ra, trong trường hợp vô tình quên nói lời cảm ơn, bạn có thể cân nhắc làm theo các bước sau:
- Thừa nhận sai lầm: Bắt đầu bằng việc thừa nhận sự sơ suất của bạn – rằng bạn đã không bày tỏ lòng biết ơn một cách thích hợp.
- Đưa ra lời giải thích (nếu được): Nếu bạn có lý do chính đáng, hãy chia sẻ nó với đối phương. Bằng không, bạn chỉ cần xin lỗi và thành thật trình bày rằng bạn không biết tại sao mình lại mắc sai lầm như vậy.
- Thể hiện lòng biết ơn chân thành: Truyền đạt thái độ cảm kích chân thành vì sự giúp đỡ hoặc lòng tốt của đối phương. Cho họ biết hành động của họ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
- Học hỏi và cải thiện: Sau khi xin lỗi, hãy cố gắng tránh lặp lại vấn đề tương tự. Cố gắng nói lời cảm ơn thường xuyên hơn và thể hiện sự đánh giá cao của bạn đối với những người đã mở rộng sự giúp đỡ hoặc sự hào phóng của họ.
Đọc thêm: Tự vấn bản thân – Vì sao cần thực hành mỗi ngày?
Cách đáp lại khi không được cảm ơn
Mặc dù không có gì sai khi mong đợi lòng biết ơn của đối phương khi chúng ta giúp đỡ người khác, nhưng không phải lúc nào mọi người cũng hành động như mong đợi. Trong những tình huống như vậy, việc học cách phản ứng phù hợp là rất quan trọng để duy trì sự hài hòa trong các mối tương quan:
- Thấu hiểu
Nếu đối phương là người mà bạn biết rõ, hãy tiếp cận tình huống bằng sự đồng cảm và tìm cách hiểu quan điểm của họ. Có lẽ họ đang bận tâm hoặc đơn giản là không nhận thức được tầm quan trọng của hành động/cử chỉ của bạn. Trong một số trường hợp, họ có thể vô tình quên nói lời cảm ơn – hoặc thậm chí không nhận thấy hành động tử tế của bạn. Bằng cách tránh coi đó là chuyện cá nhân, bạn có thể tránh được những căng thẳng không cần thiết trong mối quan hệ – cũng như tạo không gian để giao tiếp cởi mở hơn.
- Nói ra
Trong một số tình huống nhất định, việc đối phương không biết nói lời cảm ơn có thể khiến bạn cảm thấy bị tổn thương. Nếu điều này xảy ra nhiều lần – hoặc liên quan đến người thân thiết với bạn, hãy cân nhắc bày tỏ cảm xúc của mình một cách bình tĩnh và tôn trọng.
Thay vì đổ lỗi cho họ, hãy tập trung bộc lộ cảm xúc của mình một cách trực tiếp. Bạn có thể nói: “Tôi cảm thấy tổn thương khi không nhận được lời cảm ơn từ bạn sau khi tôi làm … cho bạn. Tôi sẽ rất vui nếu bạn có thể ghi nhận điều tôi đã làm và bày tỏ lòng biết ơn.”
- Cho qua
Đôi khi, nguyên nhân có thể xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa, hoàn cảnh hoặc các vấn đề cá nhân. Nếu đúng như vậy, tốt nhất bạn nên để nó qua đi và đừng “để bụng”. Thay vì phán xét, hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực trong mối quan hệ của bạn – và những động cơ thực sự đã thôi thúc bạn giúp đỡ họ ngay từ đầu.
Danh ngôn về hành vi không biết nói lời cảm ơn
Sự thật là, không nói “cảm ơn” sẽ gây ra nhiều tổn hại hơn là thực sự nói “cảm ơn”.
Tommy Wyatt
Cảm thấy biết ơn mà không thể hiện nó cũng giống như gói một món quà mà không tặng.
William Arthur Ward
Lòng biết ơn thầm lặng không mang lại ý nghĩa gì nhiều.
Gertrude Stein
Hành động tử tế nhỏ nhất có giá trị hơn ý định lớn lao nhất. Hãy cảm ơn mọi người vì đã giúp đỡ bạn.
Oscar Wilde
Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất – mà còn là “ngọn nguồn” của tất cả những đức tính khác.
Cicero
Lời kết
Lòng biết ơn là cử chỉ đơn giản nhưng có tính biến đổi mạnh mẽ – song chúng ta lại thường xuyên phạm phải tật xấu không biết nói lời cảm ơn. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân đằng sau đó – và chấp nhận thay đổi thực sự trong tư duy, mỗi người sẽ được trang bị để cải thiện các mối tương tác, lan tỏa lòng tốt và sự tích cực trong cuộc sống này.
(Biên soạn lấy cảm hứng từ tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘ của chuyên gia executive coaching – TS. Marshall Goldsmith)
Có thể bạn quan tâm:
- Cướp công người khác: Thói quen xấu cần loại bỏ
- Không biết nói lời xin lỗi: Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Làm sao để ngừng viện cớ & tìm lý do?
- Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
- 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!