Tổng quan về sức mạnh biến đổi của quy tắc 10x – cùng bí quyết áp dụng tư duy 10x thinking để thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống!
Hãy hình dung sẽ như thế nào – nếu doanh nghiệp/ tổ chức/ đội nhóm của bạn có thể thành công hơn gấp 10 lần so với hiện tại? Quy tắc 10x (10x thinking) chính là “chìa khóa” để biến điều đó thành hiện thực – là bí quyết thành công của tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại, đặc biệt trong bối cảnh thế giới VUCA biến động ngày nay.
Tóm tắt nội dung chính
- Được đề xướng và áp dụng lần đầu tại Google X, tư duy 10x – còn được gọi là tư duy Moonshot – thể hiện một cách tiếp cận táo bạo trong giải quyết vấn đề; nó thách thức ta từ bỏ cách suy nghĩ thông thường để tìm kiếm các giải pháp triệt để giúp cải thiện hiệu quả công việc gấp mười lần – thay vì chỉ điều chỉnh từng bước. Trong thế giới biến động ngày nay, lối tư duy này rất có ý nghĩa đối với các cá nhân và tổ chức mong muốn đi trước những tiến bộ công nghệ và thay đổi của thời đại.
- Bằng cách hướng tới mục tiêu cải tiến gấp mười lần thay vì những thành quả nhỏ, doanh nghiệp có thể “mở khóa” năng lực đổi mới, đạt được những bước tiến đột phá, xây dựng thương hiệu và tăng trưởng nhanh chóng. Mặt khác, phương pháp luận này cũng áp dụng được cho cả các lĩnh vực khác của cuộc sống như phát triển bản thân.
- Việc áp dụng quy tắc 10x đòi hỏi ta phải xem thất bại là cơ hội học hỏi – cũng như điều chỉnh lại lối tư duy tuyến tính để đạt tới cải tiến triệt để. Trong môi trường chuyên nghiệp, tư duy này đòi hỏi tuân thủ theo các nguyên tắc như: sẵn sàng thử nghiệm, chia sẻ thông tin, đa dạng đội nhóm, học tập liên tục, tìm kiếm ý tưởng mới, ra quyết định dựa trên dữ liệu, cũng như ưu tiên đáp ứng nhu cầu của khách hàng hơn là đánh bại đối thủ cạnh tranh.
Quy tắc 10x là gì?
Phương pháp 10x thinking (còn được biết đến với tên gọi Moonshot thinking hay quy tắc x10) là một hình thức tư duy đổi mới và sáng tạo – trong đó, mục tiêu cuối cùng là đạt được thành công cao gấp 10 lần so với hiện tại.
Phương pháp này thử thách chúng ta phải tư duy một cách “đột phá”, vượt lên trên tốc độ thay đổi thông thường. Thay vì suy nghĩ theo “lối mòn” như mọi người thường làm, nguyên tắc 10x đòi hỏi ta phải chuyển đổi cách tư duy, tìm kiếm các giải pháp “phi thường”, mang lại kết quả “đột biến” nhanh nhất.
Khái lược nội dung quy tắc tư duy 10x
Nguồn gốc quy tắc 10x thinking
Quy tắc 10x được cho là bắt nguồn từ Astro Teller – trưởng nhóm Google X, bộ phận chịu trách nhiệm về các dự án mới của Google, bao gồm Google Glass, Project Loon, phát triển mạng Wi-Fi chạy bằng khinh khí cầu, xe tự lái, v.v… Teller chia sẻ về sức mạnh của tư duy 10x như sau:
Có những cách để bạn tự kiểm tra xem liệu mình đã dám suy nghĩ đủ lớn hay chưa. Phương châm chúng tôi áp dụng ở Google X là phải làm tốt hơn 10 lần, chứ không phải 10%. Nếu tôi yêu cầu bạn sản xuất một chiếc xe chạy 50 dặm một gallon, bạn chỉ cần phải chỉnh lại một chút động cơ hiện có. Nhưng nếu tôi yêu cầu rằng xe phải chạy được 500 dặm một gallon, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Điều đó đòi hỏi bạn phải tiếp cận vấn đề một cách thực sự khác biệt, ngược lại với trực giác thông thường. Thay đổi cách tư duy mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với đầu tư công sức và nguồn lực vào phương pháp làm việc truyền thống.
Khái niệm “tư duy 10x” là cốt lõi của chiến lược đổi mới tại Google. Nói một cách đơn giản: đổi mới chỉ thực sự xảy ra khi bạn cố gắng cải thiện điều gì đó gấp 10 lần – thay vì gấp 10%. Quy tắc 10x buộc bạn phải suy nghĩ lại hoàn toàn về một ý tưởng. Nó đưa bạn ra ngoài các mô hình hiện có – buộc bạn phải hình dung lại cách tiếp cận vấn đề.
Quá trình phát triển & thực hành quy tắc 10x tại Google
Vào cuối thập niên 1990, Google là một trong đơn vị đi sau của ngành công nghiệp tìm kiếm (search engine), nhưng họ đã làm tốt hơn gấp 10 lần so với các đối thủ cạnh tranh của mình. Điều này xuất phát từ lối tư duy 10x – dám nghĩ dám làm – của hai đồng sáng lập Page và Brin.
Khi đặt ra sứ mệnh cho công ty, họ không đơn thuần hướng tới mục tiêu “xây dựng một công cụ tìm kiếm có sức cạnh tranh trên thị trường”. Trái lại, họ tuyên bố:
Sứ mệnh của chúng tôi là tổ chức lại cơ sở dữ liệu của thế giới, làm cho thông tin trở nên hữu ích và có thể truy cập được bởi mọi người trên toàn cầu.
Tuyên bố trên đây nghe có vẻ thật “không tưởng” đối với hai tiến sĩ trẻ tuổi – có thiên hướng về học thuật hơn là về kinh doanh. Tuy nhiên, chính những học giả đó đã thành công trong việc xây dựng một thương hiệu trị giá hơn một ngàn tỷ đồng. Như Larry Page đã viết trong bức thư gửi các cổ đông năm 2013:
Thật đáng kinh ngạc với những gì bạn có thể đạt được chỉ với một nhóm nhỏ thành viên – nếu bạn bắt đầu từ những nguyên tắc cơ bản và không bị “vướng bận” bởi những phương pháp làm việc sẵn có. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi đã nhận ra một điều: rất khó để các đội nhóm có được tư duy này, bởi vì hầu hết mọi người chưa được đào tạo về nó. Họ có xu hướng cho rằng mọi thứ là không thể, hoặc sợ rằng sẽ thất bại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã dành rất nhiều công sức để tuyển dụng những thành viên có tư duy độc lập tại Google – cũng như để đặt ra những mục tiêu thật lớn. Bởi vì nếu bạn thuê đúng người – những cá nhân dám suy nghĩ táo bạo, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn. Và ngay cả khi thất bại, bạn vẫn sẽ học được một điều gì đó quan trọng.
Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ quy tắc 10x của Google – để từ đó áp dụng vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Tư duy 10x tại Google
Quy tắc 10x – không chỉ là một ý tưởng “xa xỉ”
Để minh họa cho tầm quan trọng của tư duy 10x, chúng ta hãy lấy ví dụ về thư điện tử (email). Nếu bạn suy nghĩ theo lối truyền thống, bạn sẽ tập trung vào việc cải thiện tốc độ và hiệu suất của quá trình giao tiếp qua email. Nhưng nếu đặt mục tiêu cải tiến gấp 10 lần, bạn sẽ buộc phải nhìn nhận vấn đề từ một góc độ hoàn toàn khác.
Hẳn bạn vẫn còn nhớ đến những phương tiện như máy fax, telex – hay thậm chí là thư viết tay? Đây từng là các phương thức giao tiếp chính thống của con người. 20 năm về trước, chúng ta đã không thể hình dung đến sự ra đời của email – giờ đây, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Và chúng ta có thể tin chắc rằng bản thân email sẽ “biến mất” trong một tương lai không xa.
Điều đó có thể thật khó tưởng tượng, nhưng không phải là không có căn cứ. Lấy ví dụ, hầu hết thế hệ trẻ ngày nay rất ít sử dụng email – thay vào đó, những đối tượng này dùng mạng xã hội và tin nhắn làm hình thức giao tiếp chính. Và trong 10 năm tới – rất có thể, họ sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức giao thiệp của xã hội.
Cùng với thời gian, những tiến bộ mới như công nghệ nhận dạng giọng nói (voice recognition technology) gần như đã hoàn hảo đến mức có thể tạo ra một hình thức giao tiếp đa phương thức mới. Giọng nói, video và văn bản – tất cả đều có thể hoán đổi cho nhau. Nhiều người thậm chí cho rằng 15 năm tới – chúng ta sẽ có thể bắt đầu kết nối trực tiếp não bộ với Internet.
Quả thực, thế giới đang thay đổi với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Và với tình trạng này, thành công sẽ không thể đến với những ai tư duy theo “lối mòn”. Đây là lúc các tổ chức và cá nhân cần phát triển cho mình khả năng tư duy “đột phá” – và quy tắc 10x là bí quyết để “khai mở” tiềm năng đó.
10x thinking – Bí quyết thành công trong thời đại mới
Chúng tôi tìm cách đặt chân lên mặt trăng, không phải vì nó dễ dàng… mà vì đó là một nhiệm vụ thực sự khó khăn.
John F. Kennedy
Hầu hết các doanh nghiệp sẽ hài lòng với mục tiêu cải thiện sản phẩm thêm 10% (ví dụ: giành được một số thị phần, đánh bại một số đối thủ cạnh tranh, v.v…). Theo Larry Page, đó là lý do vì sao phần lớn đều dần “suy tàn” theo thời gian. Đa số chúng ta có xu hướng làm tương tự những gì mình từng làm trước đây – bổ sung thêm một số thay đổi nhỏ.
Cải thiện 10% có nghĩa là bạn cũng đang làm điều tương tự như những người khác. Bạn có thể sẽ không gặp rủi ro lớn – nhưng đồng thời cũng chẳng thể thành công “đột phá”.
Làm một điều gì đó tốt hơn 10 lần thường dễ dàng hơn nhiều so với làm cho nó tốt hơn 10%.
Astro Teller
Khi hướng tới mục tiêu 10%, chắc chắn bạn sẽ chỉ tập trung vào các công cụ và giả định hiện có – cũng như xây dựng chiến lược dựa trên những giải pháp đã được nghiên cứu và kiểm chứng bởi nhiều người. Sự tiến bộ được thúc đẩy bởi nỗ lực, tiền của và nguồn lực bổ sung.
Thật dễ dàng để hành động theo nguyên tắc này – nó khiến chúng ta có cảm giác rằng bản thân là những cá nhân gương mẫu, biết cố gắng và kiên trì. Song, phần lớn thời gian, bạn sẽ thấy bản thân bị “mắc kẹt” với cùng một khẩu hiệu cũ kỹ.
Thế nhưng, khi đặt mục tiêu cải tiến gấp 10 lần, bạn sẽ tập trung phát huy tinh thần táo bạo, “dám nghĩ dám làm” và sáng tạo – đó chính là cách tư duy đã đưa con người lên tới mặt trăng (moonshot)!
Chính quy mô thử thách mới là động lực thực sự thúc đẩy sự phát triển của con người. Thử thách càng lớn, sự đam mê công việc và khao khát chiến thắng cũng sẽ càng mạnh mẽ theo.
Và điều đó – kỳ lạ thay – lại khiến những điều khó khăn nhất trở nên dễ dàng hơn bạn tưởng.
Đó là điều kỳ diệu của quy tắc 10x – mà 10% không bao giờ có thể làm được. Tư duy 10x là bí quyết “thắp lên” ngọn lửa trong trái tim. Thật khó để không cảm thấy phấn khích – khi nghĩ rằng những điều tưởng chừng như không thể cũng có thể trở thành hiện thực.
Khi đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 10 lần, bạn sẽ có động lực để phát huy trọn vẹn tinh thần táo bạo và sáng tạo – thứ táo bạo và sáng tạo đã giúp đưa con người lên mặt trăng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!
Astro Teller
Không sợ thất bại – Cốt lõi của quy tắc 10x
Nhiều doanh nghiệp tự nhận rằng họ coi trọng sự đổi mới, nhưng nhân viên của họ lại phải “trả giá” khi họ gặp thất bại.
Hãy thử hình dung, nếu có hai sự lựa chọn cho dự án tiếp theo của mình, bạn sẽ chọn cái nào sau đây?
- Dự án 1: Cải thiện sản lượng 1% với tỷ lệ thất bại là 0%.
- Dự án 2: Cải thiện sản lượng 10% với tỷ lệ thất bại 60%.
Hầu hết mọi người sẽ chọn phương án 1 – vì đảm bảo sẽ thành công và, nhìn chung, dễ thực hiện hơn.
Thế nhưng, tăng trưởng kỳ vọng của dự án 1 chỉ là 1% – so với 10% của dự án 2. Rõ ràng, dự án 2 có tiềm năng hơn dự án 1 gấp 10 lần!
Dự án 2 có xác suất thành công thấp hơn – đây có thể là một sáng kiến mà công ty chưa từng thực hiện trước đây và do đó, rất khó thực hiện. Nó có thể đòi hỏi niềm đam mê, sự kiên trì và trên hết – tư duy cầu tiến để thực sự thành công. Nhưng với tiềm năng phát triển lớn hơn gấp 10 lần, liệu có đáng đầu tư không?
Nhiều người tin rằng thực hành quy tắc 10x là tốn kém và cần nhiều nguồn lực. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Mục tiêu của tư duy 10x là tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, bớt tốn kém cho những vấn đề khó khăn hiện tại.
Chắc chắn – sẽ có rất nhiều thất bại trong quá trình thực hiện, nhưng đừng quên thất bại chỉ là một bước trong quá trình phát triển! Về lâu dài, quy tắc 10x không chỉ không tốn kém – mà còn hứa hẹn mang lại ROI lớn cho doanh nghiệp.
Tư duy đột phá – yêu cầu khi áp dụng quy tắc 10x thinking
Câu chuyện đổi mới luôn bắt đầu từ một nhóm nhỏ cá nhân với những ý tưởng mới – suy nghĩ của họ thường không được mọi người xung quanh và cấp quản lý thấu hiểu.
Eric Schmidt, Chủ tịch Google
Vấn đề lớn nhất khi thực hành quy tắc 10x nằm ở xu hướng tư duy tuyến tính (linear thinking) của con người. Tư duy tuyến tính thực sự hữu ích đối với việc sinh tồn và thích ứng với môi trường xung quanh. Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và “siêu kết nối” như ngày nay, cách suy nghĩ đó không hoàn toàn phát huy tác dụng như trước nữa.
Với tư duy tuyến tính, não bộ được “luyện tập” để nhận diện ra các chuỗi tiến triển từng bước như 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ lại không diễn ra theo chiều hướng đó – mà là theo cấp số nhân. Hai hướng phát triển đó rất khác nhau, khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc dự đoán và thích ứng với thực tế – trừ khi ta sẵn sàng thay đổi theo một cách suy nghĩ khác.
Google chỉ mới thành lập hơn 20 năm. Facebook thậm chí chưa đủ 20 năm tuổi. Chiếc iPhone đầu tiên mới chỉ xuất hiện hơn 10 năm về trước. Vậy mà những tên tuổi này đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống – với tốc độ ngày càng gia tăng. Chúng ta không thể dự đoán trong tương lai, điều gì mới mẻ sẽ còn diễn ra.
Trong bối cảnh như hiện tại, doanh nghiệp và cá nhân không thể kỳ vọng thành công nếu giữ nguyên tốc độ cải tiến như trước. Áp dụng quy tắc 10x không phải là điều dễ dàng – nhưng cần thiết để thích ứng với thế giới đang biến đổi nhanh chóng này. Bạn phải dám “xé toạc” mọi khuôn mẫu để suy nghĩ theo một cách hoàn toàn mới.
Tư duy 10x thinking bắt đầu bằng việc xác định một vấn đề đủ lớn, đã tồn tại lâu đời. Bước tiếp theo là tìm kiếm một giải pháp triệt để – sẽ thực sự giải quyết được vấn đề. Cuối cùng, cần thu thập những bằng chứng cụ thể cho thấy giải pháp được đề xuất không hoàn toàn “điên rồ” – rằng nó có thể thành hiện thực nếu có đủ tinh thần sáng tạo, niềm đam mê và sự kiên trì.
Quy trình thực hành quy tắc 10x
Đổi mới không phải là điều diễn ra trong giây lát – một công ty cần quá trình xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, khuyến khích các ý tưởng đổi mới và táo bạo. Để làm được việc này, đội ngũ lãnh đạo và quản lý cần trả lời câu hỏi: Làm thế nào để truyền bá và thúc đẩy tư duy 10x?
Khi cố gắng làm điều khác biệt, bạn sẽ buộc phải xem xét lại các giả định của mình – cũng như cách thức làm việc trước đây. Và đó chính là lúc sự đổi mới xảy ra.
Cốt lõi của tư duy đổi mới là phương pháp khoa học. Khi giải quyết một vấn đề, chúng ta cần tiến hành theo trình tự các bước sau:
- Xác định mục đích cuối cùng cần đạt được.
- Tổ chức nghiên cứu ý tưởng với một nhóm đa dạng các thành viên từ các phòng ban đa chức năng.
- Sắp xếp thứ tự ưu tiên đánh giá theo phương pháp định lượng.
- Thực hiện và quan sát tiến độ.
- Phân tích và truyền đạt kết quả
- Và lặp lại…
7 bí quyết áp dụng quy tắc 10x trong công việc
Chúng ta có xu hướng đồng nhất tư duy 10x với những ý tưởng mới – nhưng thực tế, bạn có thể áp dụng nguyên tắc này vào bất kỳ khía cạnh nào, từ cải thiện văn hóa đến mở rộng quy mô tổ chức.
Tất cả chúng ta đều có thể tăng gấp 10 lần vai trò của mình – miễn là ta chọn đúng cách tư duy. Ví dụ, thay vì giới hạn bản thân chỉ với một người cố vấn (mentor) duy nhất, bạn có thể tìm đến nhiều mentor. Đó là bản chất của quy tắc 10x.
Để tồn tại và phát triển trong thế giới VUCA biến động ngày nay, mỗi chúng ta cần áp dụng tư duy 10x và không ngừng học hỏi. Sau đây là 7 bí quyết giúp bạn áp dụng thành công phương pháp 10x thinking – cả ở cấp độ cá nhân cũng như tổ chức.
Thử nghiệm & quan sát
Trong môi trường kinh doanh nhà hàng, có một khái niệm tên là “soft opening” – chỉ ngày khai trương nhằm mục đích bán thử sản phẩm, trước khi chính thức hoạt động. Thay vì hy vọng mọi thứ đều hoàn hảo và mời toàn bộ công chúng đến cùng một lúc, quán ăn mới sẽ dùng vài ngày hoặc vài tuần đầu để tìm hiểu, khám phá những gì khách hàng yêu thích – và từ từ phát triển theo đó.
Triết lý kinh doanh tương tự cũng được áp dụng tại Google. Đầu tiên, công ty phát hành một số sản phẩm dưới dạng “phiên bản beta”, sau đó nhanh chóng điều chỉnh dựa theo ý kiến đóng góp của người dùng
Ưu điểm của phương pháp tiếp cận này là bạn sẽ nhận được phản hồi thực tế của người dùng – không bao giờ đi quá xa so với những gì thị trường mong muốn. Có thể khách hàng mong muốn các tính năng mà bạn dự định bổ sung tiếp theo… hoặc có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác.
Android, hệ điều hành di động của Google, là một ví dụ cho cách tiếp cận này. Ra mắt vào năm 2008, Android đã trải qua cải tiến liên tục – và nay có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, với 1,5 triệu thiết bị mới đi vào sử dụng mỗi ngày.
Chia sẻ thông tin minh bạch
Cộng tác là yêu cầu cần thiết cho công tác đổi mới – và sẽ chỉ xảy ra khi mọi người sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách cởi mở. Sự minh bạch, luôn chia sẻ với nhân viên là bí quyết áp dụng thành công quy tắc 10x trong doanh nghiệp.
Tổ chức meeting hàng tuần là một cách bạn có thể áp dụng để đảm bảo duy trì tinh thần cộng tác này. Trong cuộc họp, ban lãnh đạo có thể chia sẻ tin tức trong tuần, những thay đổi trong ngành, những thương vụ mua lại mới. Phòng R&D chia sẻ về sản phẩm sắp ra mắt. Bộ phận phụ trách các phòng ban như Nhân sự, Tiếp thị, Pháp lý, Tài chính, v.v… cập nhật các thông tin chính liên quan về lĩnh vực của mình.
Tuyển dụng đúng người
Đổi mới bắt đầu từ đội ngũ nhân sự. Để thực sự thu hút nhân tài, doanh nghiệp không chỉ dựa vào đánh giá của một hoặc hai cá nhân – mà cần cấu trúc quy trình tuyển dụng để khai thác “sự khôn ngoan của đám đông”.
Trước tiên, doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên giới thiệu những ứng viên đủ tiêu chuẩn khác mà họ biết – và có thưởng cho họ khi những ứng viên đó được lựa chọn. Giới thiệu nội bộ luôn là một phương thức tuyệt vời để thu hút những cá nhân mới tài năng vào công ty.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần thiết lập một quy trình sàng lọc toàn diện. Ưu tiên tìm kiếm những ứng viên giỏi về nhiều phương diện, thích thử thách lớn và chào đón sự thay đổi. Khi xác định được một ứng viên có triển vọng, đó là lúc để doanh nghiệp mời họ tham gia các cuộc phỏng vấn chi tiết. Những cá nhân phụ trách phỏng vấn cần bao gồm không chỉ người quản lý tuyển dụng – mà còn cả cấp quản lý có chuyên môn từ nhiều lĩnh vực.
Chúng tôi tập trung vào năng lực và khả năng học tập – trước khi tính đến chuyên môn khi tuyển dụng.
Laszlo Bock, Phó Chủ tịch Cấp cao về quản lý con người tại Google
Áp dụng mô hình 70-20-10
Mô hình 70-20-10 có thể được hiểu như sau:
- 70% dự án dành riêng cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
- 20% dự án có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
- 10% dự án không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Quy tắc 70-20-10 là cơ sở để doanh nghiệp phân bổ nguồn lực trong xây dựng chiến lược mỗi năm. Qua đó, ban lãnh đạo có thể tập trung vào các nhu cầu cốt lõi – đồng thời khuyến khích sự phát triển lành mạnh sang các lĩnh vực mới và liên quan.
Mô hình 70/20/10 là nền tảng thúc đẩy văn hóa nói “có” thay vì “không”. Nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ (think out of the box). Quy tắc này góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời khuyến khích những ý tưởng mới có thể mang lại thành công to lớn cho công ty – gấp 10 lần so với mục tiêu đề ra. Về lâu dài, một vài trong số 10% ý tưởng không liên quan sẽ trở thành hoạt động kinh doanh cốt lõi (70%).
Tìm kiếm ý tưởng mọi nơi mọi lúc
Những ý tưởng tuyệt vời có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu – miễn là chúng ta chủ động tìm kiếm chúng.
Lấy ví dụ, Google từng tập trung nguồn lực đổi mới vào cải thiện sản phẩm Google Map. Ý tưởng này nảy sinh khi một nhóm kỹ sư ở Ấn Độ nhận ra rằng, việc thiếu dữ liệu bản đồ trực tuyến sẽ hạn chế tính hữu ích của Google Maps ở Ấn Độ. Vì vậy, tại sao không tạo ra một nền tảng để người dùng có thể tự chủ động cung cấp dữ liệu còn thiếu?
Chính suy nghĩ này đã dẫn đến sự ra đời của Google Map Maker, công cụ cho phép bất kỳ ai thực hiện thay đổi đối với Google Map. Ngày nay, hàng ngàn người đã và đang góp phần xây dựng hệ thống bản đồ trên khắp thế giới – và tất cả đều bắt đầu từ việc áp dụng quy tắc 10x tại Google.
Ra quyết định dựa trên dữ liệu – thay vì ý kiến cá nhân
Dữ liệu có sức nặng lớn hơn rất nhiều so với quan điểm cá nhân. Doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra và đo lường mọi thứ đang làm – để có thể xây dựng một luồng dữ liệu liên tục, làm nền tảng ra quyết định chiến lược.
Googlegeist là một ví dụ hoàn hảo về cách tiếp cận này. Đây là tên gọi của một cuộc khảo sát ẩn danh được thực hiện hàng năm cho tất cả nhân viên toàn cầu của Google – với tỷ lệ phản hồi lên đến 90%. Nội dung khảo sát xoay quanh quan điểm của nhân viên về nhiều vấn đề – hạnh phúc, văn hóa công ty, cấp quản lý, lương thưởng, cân bằng công việc – cuộc sống, sự đa dạng, cơ hội nghề nghiệp, v.v…
Sau khi thu thập thông tin, bộ phận People Ops Analytics sẽ phân tích dữ liệu theo nhiều chiều – theo bộ phận, theo người quản lý, theo nhiệm kỳ, theo khu vực – và chia sẻ với mọi người. Các nhà quản lý ở mọi cấp sau đó nhận được kết quả khảo sát cho khu vực của họ – và được khuyến khích xem xét dữ liệu một cách cẩn thận, để có kế hoạch hành động phù hợp.
Tập trung vào khách hàng – thay vì đối thủ cạnh tranh
Đáp ứng nhu cầu khách hàng là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Nếu có thể xây dựng một nhóm khách hàng vững chắc và trung thành, công ty sẽ giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Khi Google giới thiệu sản phẩm Gmail vào năm 2004, rất nhiều người nghĩ rằng đó là một nước đi sai lầm. Có rất nhiều sản phẩm email tốt trên thị trường. Liệu có cần đến một hệ thống khác không? Google có đang đi xa khỏi thị trường tìm kiếm không?
Thế nhưng, thực chất, đội ngũ Google đã xuất phát từ một ý tưởng khác về email dựa trên đám mây. Họ cho rằng, các sản phẩm hiện có không đủ trực quan và bị quá nhiều hạn chế. 2-4 megabyte bộ nhớ là không đủ – và Google đã phát triển dung lượng lưu trữ thành 1 gigabyte hoàn chỉnh – nhờ đó giảm bớt yêu cầu phải xóa bớt email thường xuyên.
Chiến lược của Google bắt nguồn từ niềm tin rằng họ có thể mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Chỉ 10 năm sau, Gmail đã trở thành dịch vụ email dựa trên web số 1 thế giới – với hơn 900 triệu người dùng.
Thành công trên đây của Google là một dấu hiệu cho thấy: bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể được cải thiện, nếu bạn tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dùng.
Thực hành thói quen tư duy 10x
Áp dụng quy tắc 10x đòi hỏi ta phải hình thành những thói quen cụ thể, thách thức tư duy thông thường để hướng tới những thành tựu “phi thường”.
- Đặt mục tiêu 10x: Thay vì bằng lòng với những mục tiêu trung bình hoặc thực tế, hãy thử thách bản thân hướng tới những mục tiêu lớn hơn 10 lần so với những gì bạn ban đầu cho là có thể đạt được. Suy nghĩ này sẽ tạo nền tảng phát huy năng lực tưởng tượng, sáng tạo và tiềm năng cá nhân, thúc đẩy bạn vượt qua giới hạn của mình.
- Thực hiện hành động 10x: Thay vì chỉ đáp ứng kỳ vọng được đề ra, hãy nhân nỗ lực và hành động của bạn lên 10 lần – bằng cách làm việc chăm chỉ hơn, thông minh hơn, nhanh hơn và nhất quán hơn những người khác. Mặt khác, đừng để nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ hoặc những lời bào chữa cản trở tiến trình hướng tới mục tiêu 10x của bạn.
- Học tập kỹ năng 10x: Liên tục tìm kiếm để có được các kỹ năng mới và nâng cao bộ kỹ năng hiện có, thay vì chỉ hài lòng với kiến thức và khả năng hiện tại. Việc đầu tư vào sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, áp dụng những gì bạn học được sẽ góp phần thúc đẩy bản thân tiến gần hơn tới mục tiêu 10x.
- Tìm kiếm phản hồi 10x: Thay vì né tránh những lời chỉ trích hoặc phản hồi, hãy tích cực tìm kiếm và sử dụng chúng như một công cụ để phát triển và hoàn thiện. Lắng nghe nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, và học hỏi từ những sai lầm/ thất bại trong quá khứ.
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Sách về quy tắc 10x
- “10x Is Easier Than 2x: How World-Class Entrepreneurs Achieve More by Doing Less“ – Dan Sullivan and Benjamin Hardy.
- “The 10X Rule: The Only Difference Between Success and Failure“ – Grant Cardone.
- “The Compound Effect“ – Darren Hardy.
Video về quy tắc 10x thinking
Lời kết
Lẽ đương nhiên, không ai biết chắc chắn trong tương lai, thế giới sẽ thay đổi như thế nào. Nhưng có một điều chúng ta có thể tin chắc: sự đổi mới và biến động đang diễn ra ngày càng nhanh hơn trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại. Vì lý do này, tổ chức cũng như cá nhân cần thay đổi tư duy – áp dụng quy tắc 10x thinking – để có thể tồn tại và thích ứng với những biến động mới.
Tham khảo
Google X Head on Moonshots: 10X Is Easier Than 10 Percent. https://www.wired.com/2013/02/moonshots-matter-heres-how-to-make-them-happen/.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể
- Tư duy thiết kế (Design thinking): Khởi đầu của thành công đột phá
- 22 câu chuyện thành công: Bài học về sự nỗ lực
- Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng phát triển lâu dài & bền vững
- 50 câu nói khích lệ bản thân & tinh thần trong cuộc sống
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!