Kính Thiên Ái Nhân (敬天愛人): Triết lý phát triển bền vững trong thời hiện đại

kính thiên ái nhân 敬天愛人
Trang chủ » Tản mạn đời thường » Kính Thiên Ái Nhân (敬天愛人): Triết lý phát triển bền vững trong thời hiện đại

“Kính Thiên Ái Nhân” (敬天愛人) là triết lý kinh doanh đặc thù của Kyocera, do doanh nhân Kazuo Inamori khởi xướng. Theo website Kyocera, ý tưởng đằng sau đó là “tinh thần làm việc công bằng và hướng tới danh dự, tôn trọng mọi người, công việc, công ty, cộng đồng và mở rộng ra là toàn thế giới”:

  • Nền tảng lý luận: Cung cấp cơ hội phát triển về vật chất và trí tuệ cho toàn thể nhân viên thông qua những nỗ lực tập thể, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội và nhân loại.
  • Triết lý quản trị: Tồn tại hài hòa với xã hội, cộng đồng và thiên nhiên, hướng tới kiến tạo một thế giới thịnh vượng và hòa bình.

Quản lý dựa trên sự đồng điệu của tâm trí

Kyocera khởi đầu là một nhà máy nhỏ ở vùng ngoại ô Kyoto, không tiền bạc, bằng cấp hay danh tiếng. Công ty không có gì để dựa vào ngoài một chút công nghệ và 28 nhân viên. Tuy nhiên, Kyocera đã tăng trưởng nhanh chóng sau đó, vì mọi người đều nỗ lực hết mình, và đội ngũ quản lý thì đã cống hiến cả đời để có được sự tín nhiệm của nhân viên.

Mục tiêu của Kyocera là xây dựng một môi trường nơi tất cả thành viên có thể tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ động cơ ích kỷ và thực sự tự hào với công việc của họ. Chính mong muốn này đã trở thành nền tảng cho hoạt động quản lý của tập đoàn.

Người ta thường nói rằng tâm trí con người thì dễ thay đổi – nhưng thực tế, nó mang trong mình một sức mạnh vô cùng to lớn. Kyocera đã phát triển thành như ngày nay nhờ vào sự đồng điệu của tâm trí con người.

Một trong những triết lý cốt lõi – được cho là đóng vai trò quan trọng mang lại sự tăng trưởng của Kyocera – chính là tư tưởng “Kính Thiên Ái Nhân”, vốn được nhà sáng lập Inamori lấy cảm hứng từ những lời giáo huấn của Nanshu Saigo trong tuyển tập Nanshu-o Ikun (南洲翁遺訓). Vào ngày 11/12/2007, Inamori đã tham gia trình bày về chủ đề “Lãnh đạo lý tưởng theo lời dạy của Nanshu Saigo” trong Cuộc họp Jyukucho vùng Seiwajyuku Kanto như sau.

Chìa khóa thành công là kiểm soát ham muốn cá nhân

Inamori thành lập Kyocera vào năm 1959. Kể từ thời điểm đó về sau, ông đã có cơ hội chứng kiến ​​những thăng trầm của nhiều nhà quản lý doanh nghiệp. Khi thành lập một công ty, đa phần đều chuẩn bị tinh thần cho mọi khó khăn, phấn đấu và nỗ lực để biến công ty của mình thành một thứ gì đó vĩ đại. Tuy nhiên, khi công ty thực sự trở nên vĩ đại, chính thành công đó lại đánh dấu bước đầu của suy thoái.

Tại sao lại như vậy?

Theo Inamori, nguyên nhân đến từ xu hướng đề cao lợi ích cá nhân – vốn là một phần trong bản chất con người. Một khi ý thức (và đủ can đảm thừa nhận) khuynh hướng bẩm sinh đó, trách nhiệm của nhà lãnh đạo là thực hành sự điều độ, kiểm soát ham muốn ích kỷ để có thể ngăn ngừa nguy cơ thành công chuyển sang suy thoái.

Tinh thần “Kính Thiên Ái Nhân” tại Kyocera

Từ thời xa xưa, con người đã ý thức được rằng, thành công hay thất bại của tổ chức/ đội nhóm/ quốc gia được quyết định bởi người lãnh đạo. Vậy người lãnh đạo phải là người như thế nào?

Khi Inamori thành lập Kyocera, ông không biết nên sử dụng tiêu chí nào để đưa ra quyết định trong quản lý. Sau một thời gian, ông đi đến kết luận rằng kim chỉ nam hành động của ông sẽ là tự vấn bản thânĐiều gì là đúng đắn và điều gì là sai trái?“, như cha mẹ và thầy cô từng dạy ông khi còn nhỏ.

Khi Saigo đề ra tư tưởng “Kính Thiên Ái Nhân” (敬天愛人), “Kính Thiên” có nghĩa là tôn trọng và sống đúng theo đạo làm người, sẵn sàng đi theo lẽ phải.

Kazuo Inamori

Vào năm thứ ba sau khi Kyocera được thành lập, đã có những nhân viên đến gặp Inamori để phản đối về thực trạng công ty hiện tại. Chính khi đó, ông nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của vế thứ hai (“Ái Nhân”) trong tư tưởng của Saigo – hàm ý thể hiện tình yêu thương sâu rộng đối với toàn thể nhân loại. Và ông đã đặt ra mục tiêu cho doanh nghiệp là “Tạo cơ hội cho sự phát triển về vật chất và trí tuệ của tất cả nhân viên”.

Tầm quan trọng của tư duy vô vị lợi trong quản lý

Trong Nanshu-o Ikun, Saigo đã giải thích chi tiết về hình mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng. Cụ thể, người đứng đầu khi đi theo con đường của chư Thiên (“Kính Thiên”) phải học cách kìm nén ngay cả những suy nghĩ nhỏ nhất về lợi ích cá nhân.

Khi người đứng đầu theo đuổi lợi ích cá nhân, tổ chức ắt sẽ diệt vong. Chỉ những ai liên tục trăn trở về việc điều gì là tốt nhất cho tổ chức, sẵn sàng hy sinh bản thân, mới nên nắm giữ các vị trí lãnh đạo.

Theo Saigo, sai lầm nghiêm trọng nhất là giao cho ai đó một vị trí mà họ không thể hoàn thành hiệu quả, dù cho trong quá khứ họ từng đóng góp như thế nào. Đối với một vị trí quan trọng, hãy chỉ lựa chọn và bổ nhiệm một cá nhân có tính cách và phẩm chất phù hợp. Với những ai từng có đóng góp xuất sắc, hãy công nhận họ thông qua khen ngợi và tiền thưởng.

Khiêm tốn

Trong đoạn thứ 26 của Nanshu-o Ikun, Saigo cảnh báo không nên quá coi trọng bản thân. “Cạm bẫy” mà các nhà quản lý doanh nghiệp thường rơi vào là trở nên tự mãn vì những thành tích đã đạt được:

“Tôi đã làm việc chăm chỉ và lâu dài. Nhờ năng lực của mình, công ty đã phát triển và được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tất cả những điều này là nhờ tài năng của tôi. Do đó, tôi xứng đáng được đền bù hậu hĩnh”.

Chính tư tưởng như vậy sẽ đánh dấu bước đầu tiên dẫn đến sự suy thoái của công ty.

Theo Inamori, khiêm tốn cần trở thành phương châm sống của mọi người, cách riêng các nhà lãnh đạo. Dù tổ chức có thành công và phát triển như thế nào, chúng ta phải luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ.

Kể cả khi bản thân được ban tặng bao nhiêu tài năng và thành công thế nào – dù là theo sự sắp đặt của Thượng đế hay do ngẫu nhiên – thì chúng ta vẫn không được quên tự nhắc nhở về tầm quan trọng của tinh thần khiêm nhường.

Thông thường, khi ai đó phát triển thành công công nghệ mới hoặc làm cho công ty của họ thịnh vượng, những người xung quanh sẽ dành cho họ nhiều lời khen ngợi và cất nhắc. Điều này, vô hình chung, sẽ khiến họ bớt động cơ làm việc chăm chỉ, cũng như dễ trở nên tự mãn, xem mình là đúng hơn.

Chính Inamori đã thừa nhận, ông cũng từng trải qua giai đoạn như vậy trong sự nghiệp – và đã vượt qua nó bằng cách chuyển hướng tài năng và thành công hướng đến phục vụ lợi ích của xã hội.

kính thiên ái nhân

“Kính Thiên Ái Nhân” – Kính trọng trời đất, yêu thương con người

Tránh xa những cám dỗ của cuộc sống, danh vọng, địa vị và tiền bạc

Tư tưởng “vô ngã”, vô vị lợi thấm nhuần trong các luận điểm của Saigo. Đối xử công bằng và loại bỏ lợi ích cá nhân – đây là yêu cầu quan trọng nhất đối với một nhà lãnh đạo.

Nếu bạn không có đủ can đảm để gạt bỏ lợi ích cá nhân và dám tự đặt mình vào thế bất lợi, thì bạn không nên trở thành nhà lãnh đạo. Như phần mở đầu của đoạn thứ 30 trong Nanshu-o Ikun nêu rõ “một người không màng đến cuộc sống, không cần danh vọng, địa vị hay tiền bạc”.

Theo Inamori, những ai có tinh thần như vậy mới hội đủ phẩm chất để lãnh đạo và dẫn dắt tập thể vượt qua những gian truân của xã hội và nền kinh tế hiện tại.

Không dùng thủ đoạn

Đoạn thứ 7 trong Nanshu-o Ikun cảnh báo không nên sử dụng sự lừa dối, thủ đoạn hoặc âm mưu để giành lợi thế trong kinh doanh, bất kể hoàn cảnh nào, dù lớn hay nhỏ. Trái lại, chúng ta phải luôn đi trên con đường chính nghĩa với sự chân thành tuyệt đối.

Như Inamori từng chia sẻ, vào ngày thành lập DDI, sau khi cân nhắc kế hoạch và chiến lược, mọi người đều tỏ ra do dự vì triển vọng kinh doanh dường như vô cùng “ảm đạm”. Thế nhưng, vấn đề đã được giải quyết khi tất cả cùng đồng lòng lấy phương châm “Phục vụ lợi ích lớn hơn của nhân loại và xã hội” làm kim chỉ nam của mọi hoạt động trong công ty.

Về sau, trong số các đơn vị viễn thông khởi nghiệp thời đó, DDI, thông qua việc duy trì nỗ lực ổn định và nghiêm túc, đã trở thành công ty duy nhất tồn tại và phát triển thịnh vượng. Đúng như triết gia người Anh James Allen đã viết vào đầu thế kỷ 20, những niềm tin trong sáng và cao cả luôn ẩn chứa sức mạnh tiềm ẩn tuyệt vời.

Nuôi dưỡng ý chí kiên định vượt qua nghịch cảnh

Chỉ hiểu biết về lời dạy của Nanshu-o Ikun là chưa đủ. Theo Inamori, bất kỳ ai cũng có thể có kiến ​​thức, nhưng trừ khi bạn nâng kiến ​​thức lên một mức độ đủ để “khuấy động” tâm hồn, bằng không thì nó chỉ là vô dụng.

Như Saigo đã mô tả trong đoạn thứ 5 của Nanshu-o Ikun, con người luôn phải trải qua thử thách và gian khổ liên tục. Trừ khi vượt qua từng giai đoạn của khó khăn khi nó xuất hiện, còn không ta sẽ không thể đảm bảo tính vững chắc của triết lý, suy nghĩ và ý chí cá nhân.

Một khi đã quyết, chúng ta phải liên tục kêu gọi tâm hồn bên trong và thực sự biến suy nghĩ thành một phần không thể thiếu trong bản thể của chính mình.

Một số trích dẫn nổi bật của Inamori về tinh thần “Kính Thiên Ái Nhân”

Một người lãnh đạo có ý định đi theo con đường “Kính Thiên” không được nuôi dưỡng bất kỳ suy nghĩ nào về tầm quan trọng của bản thân.

 

Thông qua nỗ lực bền bỉ, một cá nhân bình thường có thể trở thành phi thường. Ngay cả khi không có tài năng đặc biệt nào, qua 30 năm cống hiến hết mình, bạn vẫn có thể trở nên vĩ đại. Những người nổi tiếng thành đạt trong lĩnh vực của họ đều đã dành hàng chục năm theo đuổi một mục tiêu và hoàn thiện bản thân trong quá trình đó.

 

Một sinh viên tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, với thành tích học tập xuất sắc, không nhất thiết sẽ đạt tới sự vĩ đại. Chính nỗ lực không ngừng nghỉ, liên tục trong thời gian dài, mới là thứ khiến bạn trở thành con người đích thực. Do đó, chúng ta phải trân trọng những ai đã cùng ta trải qua những thăng trầm. Những người này tạo nên nền tảng cho công ty của chúng ta. Bỏ bê nền tảng, bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một doanh nghiệp vĩ đại.

 

Khi công ty hoạt động tốt, nhiều nhà quản lý nhanh chóng trở nên phấn khích và kiêu ngạo, tin rằng thành công hiện tại là do tài năng của họ. Cuối cùng, công ty đi đến sụp đổ. Chúng ta phải học cách luôn khiêm nhường, kể cả sau khi thành công.

 

Cho dù là giám đốc công ty, chính trị gia hay viên chức, thì càng lên cao, bạn càng cần phải là người tiên phong và quên mình. Nếu không sẵn sàng gạt bỏ lợi ích cá nhân sang một bên và có đủ can đảm hy sinh nhiều hơn cấp dưới của mình, bạn không nên đóng vai trò lãnh đạo người khác. Nói một cách đơn giản, bạn không đủ tư cách để đứng trên người khác. Khi một người không có đủ can đảm hy sinh bản thân được giao trọng trách lãnh đạo, những người cấp dưới sẽ phải chịu đau khổ.

 

Tất cả con người đều có những ham muốn ích kỷ. Theo quan điểm của tôi, lý tưởng nhất là thừa nhận những ham muốn đó, kiểm soát chúng bất cứ khi nào có thể, học cách đối xử công bằng và vô tư. Khi đã trở thành lãnh đạo, bạn cần phải nghĩ đến nhân viên của mình trước khi nghĩ đến bản thân. Nó cũng giống như người mẹ sẵn sàng chịu đói để con mình được ăn. Đó chính là cốt lỗi của tinh thần “Tâm vị tha”.

Tham khảo

Seiwajyuku Kanto Region Jyukucho Meeting – “Leadership Ideals from Nanshu Saigo”. https://global.kyocera.com/inamori/archive/lectures/leader.html.

Kazuo Inamori: ‘Respect the divine and love people’. https://www.proquest.com/docview/219743692?sourcetype=Trade%20Journals.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status