Nick Vujicic chia sẻ về chủ đề khám phá bản thân, thấu hiểu chính mình, học hỏi từ sai lầm, tìm kiếm mục đích và ý nghĩa cuộc sống tại Diễn đàn Doanh nghiệp Bắc Âu (Nordic Business Forum) năm 2017.
Tại buổi hội nghị, Vujicic bắt đầu bài phát biểu bằng việc chia sẻ bức ảnh gia đình gồm bốn người của anh, cùng với tin vui rằng anh và vợ Kanae đang mong đợi hai bé gái sinh đôi vào tháng 12. Sau phần giới thiệu này, anh bắt đầu giãi bày về hành trình cuộc sống đầy cảm hứng của mình – rằng anh đã may mắn như thế nào khi được thấy ước mơ trở thành hiện thực, thậm chí vượt xa những gì anh có thể tưởng tượng.
Tuy nhiên, Vujicic cũng chỉ ra, không phải mọi thứ đều có thể làm được. Cuộc sống là một chuỗi những thăng trầm. Sinh ra không có tay chân, tuổi thơ của anh là những tháng ngày bị bắt nạt và trêu chọc liên tục ở trường, khiến anh cảm thấy chán nản – thậm chí tới mức đã cố gắng tự tử khi mới 10 tuổi. Tuy nhiên, anh đã có thể vượt lên nghịch cảnh, biến trở ngại và thất bại thành cơ hội học tập và phát triển.
Theo Vujicic, sai lầm số một trong cuộc sống là quên mất giá trị của lòng biết ơn, đặc biệt khi đối mặt với nghịch cảnh. Anh tuyên bố: “Tâm tình tri ân là nền tảng để tôi có thể sống cuộc đời của mình theo cách tôi đang sống như hiện tại“.
Bạn là ai và bạn muốn gì?
Cha mẹ Vujicic đã dạy anh về lòng biết ơn từ khi còn nhỏ; họ khuyến khích anh nỗ lực nhiều nhất trong phạm vi những gì mình có, thay vì phàn nàn về những gì mình không có. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do khuyết tật về thể chất, Vujicic tin rằng những rào cản thực sự kìm hãm con người nằm ở bên trong tâm trí. Thông thường, chúng ta tự tạo ra những rào cản khi cố gắng đạt đến cấp độ cao hơn trong công việc, mối quan hệ, thậm chí trong quá trình suy ngẫm về giá trị cuộc sống.
“Nỗi sợ hãi khiến bạn trở nên tàn phế hơn nhiều so với việc không có tay chân.“
Thay vì đợi cho đến khi nỗi sợ lắng xuống, Vujicic đã tiếp tục sống và tôn trọng mong muốn của cha mẹ – bằng cách đi học để lấy bằng về kế toán và quản trị tài chính. Không lâu sau đó, anh bắt đầu bước chân vào sự nghiệp diễn thuyết.
Anh đã được gặp 17 vị tổng thống và thủ tướng, có cơ hội thuyết phục 10 chính phủ thay đổi luật pháp về việc đưa trẻ em có nhu cầu đặc biệt vào hệ thống giáo dục, cũng như thành lập một tổ chức phi lợi nhuận gây quỹ 1 triệu đô la cho người nghèo và những người kém may mắn.
Dù đạt được nhiều thành tựu, Vujicic vẫn cho rằng, con người – không phải thành công – mới thực sự quan trọng. Theo anh, nếu chúng ta “neo” hạnh phúc của mình vào những thứ tạm thời như ma túy, tình dục, danh tiếng và tiền bạc – thì cùng lắm hạnh phúc cũng chỉ kéo dài trong thoáng chốc.
Chấp nhận và học hỏi từ thất bại
Vujicic đã trải qua thất bại tài chính lớn vào năm 2011; vào thời điểm đó, anh đang gánh vác quá nhiều việc và quản lý tới 6 dự án. Anh chia sẻ, bản thân khi ấy đã cạn sạch tiền và vô cùng khó khăn. Anh chỉ mới hẹn hò với người vợ hiện tại được ba tháng – và anh lo rằng cô ấy sẽ rời xa anh.
Thế nhưng, nỗi âu lo của anh đã sớm lắng xuống; vợ tương lai đã quyết định gắn bó và hỗ trợ anh, bằng cách nhận một công việc của một y tá.
“Chính khi trải qua lửa thử thách, bạn mới thấy được điều gì là quan trọng nhất.“
Theo Vujicic, chúng ta sẽ có được sức mạnh to lớn khi nhận thức và thấu hiểu mục đích của mình, yêu thương bản thân, cũng như tin tưởng rằng mình có khả năng biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
“Mục đích của bạn là gì? Bạn là ai, và bạn muốn gì?”
Tìm kiếm mục đích sống
Ngay từ tuổi thiếu niên, Vujicic đã ý thức rằng anh muốn giúp đỡ xã hội. Năm 17 tuổi, một cuộc trò chuyện với người gác cổng trường trung học đã thay đổi cuộc đời anh mãi mãi.
“Nick, anh sẽ trở thành một diễn giả!“
Người gác cổng đã nói với anh như vậy. Ông nhận thấy rằng cậu thiếu niên này có một câu chuyện để chia sẻ, cũng như tất cả các phương tiện cần thiết để thực hiện điều đó – điều mà Vujicic, vào thời điểm đó, vẫn chưa nhận ra.
Ba tháng sau, trong bài phát biểu đầu tiên trước sáu học sinh (do người gác cổng sắp xếp cho anh), Vujicic chỉ đơn giản chia sẻ một cách chân thành từ trái tim. Khán giả của anh đã vô cùng cảm động.
Ở tuổi 21, anh đã cố gắng hết sức để trở thành diễn giả trước công chúng. Dù không có kỹ năng tự quảng bá và không quen biết bất kỳ ai theo đuổi sự nghiệp diễn giả, Vujicic bắt đầu gọi điện thoại đến các trường công – cho đến khi có một trường mời anh đến nói chuyện.
Dù bị 52 trường từ chối, anh vẫn nỗ lực cải thiện và nâng cao kỹ năng của mình. Cho đến một ngày, thành công cũng đến với anh:
“Xin chào, tôi là Nick Vujicic. Tôi là một diễn giả truyền cảm hứng. Xin hỏi liệu tôi có thể đến trường của bạn để chia sẻ về tệ nạn bắt nạt, lòng tự trọng, ước mơ và không bao giờ bỏ cuộc không?“
Buổi chia sẻ lần đó của anh diễn ra trước mặt 10 người, và chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 phút. Trên đường về nhà, anh cảm thấy mình như một kẻ thất bại.
Thế nhưng, đến sáng hôm sau, anh nhận được một cuộc gọi bất ngờ: một trường khác muốn anh đến nói chuyện với học sinh của họ về tệ nạn bắt nạt. Lần này, anh đã chia sẻ trong 20 phút và trước mặt 500 học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, Vujicic đã được 35.000 người mời đến phát biểu tại các sự kiện mà không hề tốn tiền quảng bá. Và cơ hội vẫn không ngừng mở ra:
“Thật tuyệt vời khi được đóng góp cho thế giới, nhưng trước hết, chúng ta phải hiểu được mình là ai trong tương quan với những người xung quanh. Hãy luôn biết ơn với những gì bạn đang có, chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi, và tập trung thay đổi những gì nằm trong tầm tay bạn.”
Nỗi sợ hãi khiến bạn trở nên tàn phế hơn nhiều so với việc không có tay chân.
Tham khảo
Nick Vujicic: Finding Your Purpose. https://www.nbforum.com/nbreport/nick-vujicic-finding-purpose/.
Có thể bạn quan tâm:
- 30 ngày để sống: Trải nghiệm cận tử của Paulo Coelho
- ‘Nếu tôi có thể nhìn thấy trong 3 ngày’: Những dòng suy ngẫm về cuộc sống của văn sĩ Helen Keller
- Tìm kiếm hướng đi cuộc đời: Giải pháp cho nỗi lo hiện sinh
- Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống?
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!