Chia sẻ của chuyên gia Robert Ciampi về nỗi lo hiện sinh cùng bí quyết để cá nhân tìm ra hướng đi trong cuộc đời – trích từ tác phẩm ‘When to Call a Therapist‘ (tạm dịch: Khi nào nên tìm đến chuyên gia trị liệu?).
Về nỗi lo hiện sinh
Nỗi lo hiện sinh (existential angst) không chỉ xuất phát từ sự bất lực của con người trong việc suy nghĩ, cảm nhận, hành động hay trải nghiệm tình yêu cuộc sống – mà còn từ nỗi sợ về trạng thái “không tồn tại” và/hoặc cái chết. Nghi ngờ bản chất của sự tồn tại là nguyên nhân khiến người rơi vào tình trạng cô đơn, tách biệt và sợ hãi.
Nhà tâm lý học Carl Jung và triết gia Jean-Paul Sartre đã từng có những nghiên cứu về chủ đề này – cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống một cuộc đời có ý nghĩa thông qua việc phát triển các nguồn lực bên trong, tự do thực hành sáng tạo, tránh không rơi vào cạm bẫy “tự lừa dối bản thân”.
Về cơ bản, những ai đang trải qua nỗi lo âu hiện sinh đều cảm thấy lạc lõng; họ tin rằng sự tồn tại của họ là vô nghĩa, và rằng họ đã bị thế gian này bỏ rơi.
Đã từng bao giờ bạn tự hỏi: Cuộc sống thực sự là gì chưa? Tại sao bạn lại có mặt ở đây? Mục đích của bạn là gì? Cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì không? Bạn là ai?
Những câu hỏi này đã được các triết gia, nhà thần học, chuyên gia tâm lý, lãnh đạo tâm linh và nhiều người khác đặt ra trong hàng chục thế kỷ qua.
Cuộc sống này vẫn còn đó vô vàn thắc mắc chưa có lời giải đáp – đặc biệt khi chúng ta phải đối mặt với tình trạng bất ổn do các cuộc khủng hoảng như chiến tranh/ đại dịch Covid-19 gây ra.
Và cũng giống nỗi sợ với những điều huyền bí – những gì mình chưa biết/ chưa nắm rõ, việc không biết câu trả lời cho những vấn đề nhân sinh khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất an.
Não bộ của chúng ta có khuynh hướng ưa thích những hình ảnh và suy nghĩ hoàn chỉnh; nếu có điều gì có vẻ chưa hoàn thiện. nó sẽ tự lấp đầy vào “khoảng trống” đó.
Nếu nó không có câu trả lời, não bộ sẽ tự tạo ra câu trả lời.
Đối với những người mắc chứng lo âu, việc không có lời giải đáp rõ ràng và thỏa đáng cho những câu hỏi nhân sinh có thể khiến họ hình thành các suy nghĩ tiêu cực. Nếu không biết điều gì sắp xảy ra, họ sẽ “bịa ra” trong tâm trí một sự kiện thảm khốc; điều này, vô hình chung, chỉ làm trầm trọng thêm nỗi lo âu của họ.
Thực hành chánh niệm/ tỉnh thức (mindfulness) hướng chúng ta về tầm quan trọng của việc sống trọn khoảnh khắc hiện tại – thay vì đắm chìm trong quá khứ hay tương lai. Nếu có thể tập trung vào hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng hành động hơn khi có một biến cố không mong muốn xảy ra.
Nhiều người thường than thở về quá khứ và những gì họ đáng lý ra nên/ không nên làm, trong khi số khác thì lo lắng về tương lai và bị ám ảnh bởi những trăn trở bắt đầu bằng hai chữ “nếu như”.
Một số người e sợ những điều mình chưa biết rõ và không ngừng tin rằng họ có quá ít/ hoàn toàn không có quyền kiểm soát trong cuộc sống này. Một số thì cảm thấy bất lực và tin tưởng cách vô lý rằng, những người xung quanh nên hướng dẫn họ và trả lời những câu hỏi cuộc đời thay cho họ.
Tôi luôn cảm thấy thú vị với thực tế rằng: con người chúng ta không biết mình đến từ đâu và sẽ đi về đâu, nhưng chúng ta lại có khả năng đặt ra những câu hỏi này. Các loài sinh vật khác dường như chỉ hài lòng với việc “tồn tại”, trong khi con người thì lại đặt câu hỏi “Tại sao?” Chính khi đó, “nỗi lo lắng” sẽ xuất hiện với những ai cảm thấy cuộc sống của họ không có ý nghĩa rõ ràng hay mục đích gì chính đáng.
Về phần mình, tôi ý thức rất rõ ràng rằng, cuộc sống phải có nhiều thứ đáng giá hơn là chỉ làm theo thói quen và chờ đợi điều gì đó sẽ xảy ra.
Tôi đã học được rằng, chúng ta có thể phải chờ đợi một thời gian dài để thấy sự thay đổi đáng kể xảy ra. Để kiến tạo một cuộc sống có mục đích, tôi phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, cũng như dám bước ra thế giới bên ngoài để tìm kiếm những trải nghiệm có ý nghĩa.
Nhiều năm về trước, một chuyên gia trị liệu đã giải thích với tôi rằng: khi nỗi đau khổ do không chịu thay đổi trở nên lớn hơn chính bản thân sự thay đổi, đó là lúc sự thay đổi thực sự bắt đầu.
Tôi sẽ không bao giờ quên nhận xét đầy khôn ngoan đó.
Vai trò của liệu pháp trị liệu
Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về phương pháp trị liệu (therapy). Một số người coi đó là cơ hội để họ “trút bầu tâm sự” về những vấn đề trong công việc/ gia đình, hoặc để than thở về cuộc hôn nhân không mấy viên mãn và những trục trặc với con cái. Một số thì tìm kiếm sự giúp đỡ cho chứng lo âu, trầm cảm và các rối loạn khác. Số khác đến để nói về chứng nghiện của chính họ/ người thân, để thảo luận về các vấn đề họ gặp với cha mẹ già/ anh chị em ruột, và nhiều vấn đề cụ thể khác – với mong muốn thu về một kết quả có thể định lượng được.
Và song song với đó, có những vấn đề mà chúng ta vừa thảo luận trên đây – cảm giác lạc lõng, bối rối, thiếu ý nghĩa/ mục đích sống, và tự nghi ngờ về con người chúng ta nhìn thấy trong gương.
Không phải tất cả các nhà trị liệu đều đủ tiêu chuẩn hoặc thậm chí muốn làm việc trong lĩnh vực này. Một số khác, như tôi đây, thì cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi biết rằng, khách hàng muốn khám phá các khía cạnh sâu sắc và tâm linh hơn của cuộc sống.
Việc không có định hướng rõ ràng hoặc cảm thấy thiếu vắng mục đích trong đời là trải nghiệm không có gì làm vui vẻ; chính nó khiến nhiều người trong chúng ta lựa chọn đắm mình vào rượu/ ma túy để “dập tắt” nỗi đau. Để lấp đầy “khoảng trống” trong tâm hồn.
Khám phá mục đích của bản thân
Phàm ai có được một lý do để sống thì không còn bị hoàn cảnh khuất phục nữa.
Cuộc sống này có ý nghĩa và mục đích hay không? Liệu chúng ta có thể “biết mình” hay không?
Tại sao chúng ta lại ở đây? Mục đích sống của tôi là gì?
Đối với nhiều người, những trăn trở trên đây quá khó hiểu đến mức họ không thèm cố gắng trả lời. Một số thì suy nghĩ về mục đích theo một góc độ vi mô hơn – và phân tách câu trả lời của họ thành các phần nhỏ hơn nữa.
Có người sẽ nói rằng, mục đích sống của họ là chăm sóc con cái. Những người khác thì tìm thấy ý nghĩa trong việc trở thành một người vợ/ chồng giàu tình yêu thương, hoặc đóng vai trò một người con ngoan trong gia đình. Một số tìm thấy mục đích sống thông qua tôn giáo/ thực hành đức tin. Giáo viên tìm thấy mục đích sống trong công việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, nhân viên xã hội, y tá, v.v… thì cảm thấy sứ mệnh của họ là giúp đỡ những người đang cần được giúp đỡ. Tôi biết bản thân tôi thuộc trường hợp này.
Cũng như với các công việc khác, tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều phải có trách nhiệm tìm ra mục đích sống của chính mình. Và chúng ta cần phải nuôi dưỡng thế giới nội tâm – đủ để nhìn sâu vào bên trong mình, xem coi “ai” đang ở trong đó.
Có người từng hỏi tôi rằng ý nghĩa của cuộc sống, theo tôi, là gì. Tôi không chắc tại sao họ lại nghĩ tôi sẽ có câu trả lời, nhưng sau một hồi suy nghĩ, tôi đã đáp lại như sau:
“Ý nghĩa của cuộc sống là đi tìm kiếm ý nghĩa đó, bằng cách bước đi trên hành trình của chính mình.”
Có lẽ bạn sẽ không thỏa mãn với câu trả lời trên đây, song tôi tin rằng, nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân. Mặc dù, dĩ nhiên, nhận thức về thực tế này sẽ khiến một số người cảm thấy cô đơn và lạc lõng.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn không có ý thức về mục đích?
Việc chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của mình là điều không mấy dễ chịu. Không những vậy, nếu suy nghĩ đủ sâu sắc về nó, chúng ta sẽ đi đến nỗi sợ hãi lớn nhất của nhân loại: cái chết.
Dưới đây, tôi xin minh họa điểm mình muốn nói bằng một cuộc đối thoại nội tâm “hư cấu” như sau.
Hỏi: “Bạn là ai?”
Đáp: “Tôi không biết.”
Hỏi: “Bạn sợ nhất điều gì khi không biết mình là ai?”
Đáp: “Tôi sợ không biết được con người bên trong mình.”
Hỏi: “Vậy thì có làm sao nếu bạn không hiểu được con người bên trong mình?”
Đáp: “Nếu tôi không biết mình là ai, tôi có thể không biết mình muốn gì trong cuộc sống.”
Hỏi: “Nếu bạn không biết mình muốn gì trong cuộc sống thì điều đó có vấn đề gì không?”
Đáp: “Nếu tôi không biết mình muốn gì thì làm sao tôi có thể sống cuộc đời này?”
Hỏi: “Nếu bạn không biết cách để sống cuộc sống của mình thì điều đó có vấn đề gì không?”
Đáp: “Nếu tôi không biết cách sống, thì tốt hơn là tôi nên nhốt mình trong phòng cả ngày lẫn đêm và chẳng làm gì cả.”
Hỏi: “Nếu bạn tự cô lập mình trong phòng cả ngày lẫn đêm và không làm gì cả, điều đó sẽ có ý nghĩa gì?”
Đáp: “Tôi sẽ không sống nữa và tôi sẽ chết.”
Việc không biết câu trả lời, trong tình huống “cực đoan” nhất, có thể dẫn tới nỗi sợ hãi với cái chết. Khi đó, suy nghĩ và cảm xúc của cá nhân đã vượt ra khỏi trăn trở ban đầu, và sẽ cần phải đào sâu từ câu hỏi này sang câu hỏi khác để biết được người đó thực sự cảm thấy thế nào. Dù là xuất phát từ những câu hỏi chưa có lời giải về sự tồn tại, mục đích hay ý nghĩa, nỗi lo sợ cái chết sẽ liên tục ám ảnh tâm trí của họ.
Có nhiều người bị “dằn vặt” khôn nguôi bởi những câu hỏi được nêu ra ở đây, trong khi số khác thì quá bận rộn và mất tập trung – đến nỗi chẳng thèm dành một chút thời gian để suy ngẫm về chúng. Nhịp sống hối hả, nỗi lo sợ với những điều chưa biết, không nhận thức được cùng đích cuộc đời, v.v… là những nguyên nhân ngăn cản ta sống một cách trọn vẹn và phát huy hết tiềm năng của mình.
Vai trò của chuyên gia trị liệu là hỗ trợ những người bị ám ảnh bởi nỗi lo hiện sinh nhìn ra toàn bộ giá trị của họ – những điều khiến cho cuộc sống này trở nên đáng sống, ngay cả khi không thể đưa ra câu trả lời cho mọi thắc mắc.
Một số người có thể cảm thấy rằng, que kem sô cô la mà họ đang thưởng thức mang lại ý nghĩa và mục đích trong chính khoảnh khắc hiện tại. Tuy có thể không giải đáp được những bí ẩn lớn của cuộc sống, nhưng như vậy cũng đủ để đáp ứng nhu cầu của họ vào thời điểm đó.
Để kết luận, tôi xin phép chia sẻ một phép so sánh như sau:
Cuộc sống này có thể ví như một chiếc máy chơi pinball. Tương tự như khi chơi pinball, chúng ta lao mình vào cuộc sống, không biết bản thân sẽ đi về đâu, cũng chẳng biết những thử thách nào đang chờ đợi phía trước. Trong quá trình này, chúng ta có thể gặp phải “vật cản” (một cá nhân/ biến cố cụ thể) khiến ta bay theo một hướng khác – để rồi lại đâm vào một “vật cản” mới và lại bay theo một hướng khác nữa. Vì chúng ta không thể dự đoán tương lai sẽ ra sao, nên mọi tương tác đều có khả năng đưa chúng ta đi theo một hướng thú vị mới.
Vấn đề ở đây là, chúng ta không bao giờ biết ai hoặc điều gì sẽ thay đổi mình, khiến ta theo một hướng đi/ con đường mới. Thế nhưng, chúng ta nên sẵn sàng đón nhận những thay đổi đó, với ý thức rằng: mỗi “vật cản” đều có tiềm năng tác động đáng kể đến cuộc sống của chúng ta, mãi mãi.
Ý nghĩa của cuộc sống là đi tìm kiếm ý nghĩa đó, bằng cách bước đi trên hành trình của chính mình.
Robert C. Ciampi
Tham khảo
Finding Your Way – by Robert C. Ciampi LCSW. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/when-to-call-a-therapist/202005/existential-angst.
Có thể bạn quan tâm:
- Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống?
- Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống
- Câu nói hay về cái chết: Đời là phù du
- 30 ngày để sống: Trải nghiệm cận tử của Paulo Coelho
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!