Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống trong thế giới hiện đại?

why can't i find purpose
Trang chủ » Tản mạn đời thường » Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống trong thế giới hiện đại?

Bài viết của TS. Douglas LaBier, chuyên gia tâm lý học, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tiến bộ tại Washington về những thách thức mà con người phải đối mặt trên hành trình tìm kiếm mục đích sống giữa thế giới hiện đại.

Phải chăng tôi đang lạc lối?

Mỗi sinh vật đều có mục đích tồn tại trên mặt đất này.

Sa’di, thi sĩ Ba Tư thế kỷ XII

Tôi thường được đặt câu hỏi, “Tại sao tôi không thể tìm thấy mục đích sống của mình?”

Hàng chục năm qua, tôi đã nghe nhiều người đàn ông và phụ nữ – gồm cả bệnh nhân tâm lý đang nỗ lực xây dựng cuộc sống lành mạnh hơn, lẫn quản lý doanh nghiệp đang cố gắng hoàn thiện năng lực lãnh đạo của mình – chia sẻ về việc tại một thời điểm nhất định nào đó, họ không biết mình thực sự có mặt trên đời để làm gì. Dù có khuynh hướng tôn giáo/ tâm linh hay không, họ đều cảm thấy khao khát “một điều gì đó” mang lại ý nghĩa cho cuộc sống này.

Nhiều người tìm đến những cuốn sách và chương trình đào tạo về mục đích sống, nhưng hầu hết đều không thỏa mãn. “Tôi vẫn chưa tìm thấy thứ mình đang tìm kiếm.”

Bên cạnh đó, cũng có không ít người đã tìm thấy và sống hòa hợp với mục đích của mình. Theo như tôi quan sát, có mấy điểm khác biệt chính yếu giữa những người thất bại với những người thành công trên hành trình “đi tìm lẽ sống” như sau.

Thứ nhất, tôi cho rằng mọi người đều cảm thấy bị hấp dẫn bởi một mục đích “bao trùm” nào đó đối với cuộc sống của mình, bất kể nó có bị che khuất như thế nào. Trên thực tế, bạn có thể nói rằng mọi dạng thức sống, mọi hiện tượng tự nhiên, đều có một mục đích đằng sau. Luôn luôn có sự chuyển động hoặc tiến hóa hướng tới một số kết quả nhất định – dù đó là một cái cây ra quả hay những đám mây hình thành để tạo ra mưa. Thế nhưng, con người chúng ta quá ám ảnh với các hoạt động, cam kết, mục tiêu hàng ngày, v.v…, đến nỗi nhận thức về mục đích sống độc đáo của bản thân trở nên hoàn toàn bị lu mờ.

Và hậu quả sẽ xảy ra khi một cá nhân không biết/ không tìm thấy mục đích của mình. Tôi đã gặp những người đàn ông và phụ nữ thành công trong công việc hoặc các mối quan hệ – tức là ở phương diện bên ngoài – song họ vẫn cảm thấy trống rỗng, tù túng và bất mãn. Họ cảm thấy mình đang “lạc hướng” và thiếu thốn, mặc dù được thế gian đánh giá là thành đạt.

Đôi khi họ tự hỏi, phải chăng họ đã đi sai hướng ngay từ đầu – chọn sai nghề nghiệp/ sai bạn đời?

Hoặc có lẽ họ chưa nhận ra rằng, con đường họ đã chọn sẽ trở nên ý nghĩa hơn đối với họ, nếu như họ sẵn sàng chấp nhận nó?

Và thế là lại một vấn đề nữa nảy sinh: giữa hai cách nhìn nhận như trên đây thì có gì khác biệt? Làm sao để phân biệt đúng sai?

vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống

Có một điều rất rõ ràng là: Hậu quả của việc không tìm thấy mục đích sẽ là sự bất mãn dai dẳng, thiếu vắng bình an nội tâm, mất kết nối với bản ngã bên trong. Đó là vì bản ngã thực sự bên trong biết rằng, mục đích sống của bạn không đồng nhất với những gì đang diễn ra trong cuộc sống bên ngoài. Những gì bạn đang theo đuổi chỉ là một “bản ngã giả tạo”; tiếc thay, bạn đã đồng nhất mình với nó – đơn giản là vì nó mang lại nhiều phần thưởng cho cái tôi của bạn.

Tôi tin rằng, hầu hết mọi người đều níu giữ lại ít nhất một “tia sáng” nhận thức về mục đích sống của họ – nằm sâu dưới các lớp của bản thể bên trong. Nó giống như một khuynh hướng, một “lời thì thầm” liên tục thu hút bạn.

Đôi khi nó ở ngay trước mắt bạn, nhưng bạn không cho phép mình nhìn thấy nó. Giống như những lần bạn mải đi tìm chìa khóa bị mất – để rồi sau đó phát hiện ra, nó đã ở ngay trước mặt bạn từ nãy tới giờ!

Lấy ví dụ, một chuyên gia tư vấn về đầu tư nhận thấy bản thân luôn dành nhiều thời gian cho các tổ chức từ thiện. Cuối cùng, anh nhận ra, điều mà anh ấy cảm thấy đồng điệu nhất là giúp đỡ mọi người. Chính điều này – chứ không phải những thứ như quản lý tiền bạc – là thứ anh yêu thích nhất. Giúp đỡ người khác là tiếng gọi thực sự của anh, và nó vẫn luôn ở đó – ngay trước mắt anh bao lâu nay!

Những ai nhận ra khuynh hướng của mình – song từ chối theo đuổi nó – sẽ rơi vào trạng thái bất mãn. Thế nhưng, điều quan trọng là không được nhầm lẫn giữa việc tìm kiếm hạnh phúc với tìm ra mục đích của bạn.

Hạnh phúc là những gì bạn trải nghiệm trong dòng chảy hàng ngày của cuộc sống – những thăng trầm mang tính tình huống. Nó sẽ luôn dao động và thay đổi theo thời gian.

Ngược lại, mục đích là một cái gì đó sâu sắc hơn hẳn. Đó là cảm giác bình yên và viên mãn, hòa hợp và đồng điệu với sự phát triển liên tục của bản thể. Nó vượt qua những thăng trầm hàng ngày, cả thất vọng cũng như niềm vui của thành công. Khi bạn sống theo mục đích của mình, bạn xem tất cả những trải nghiệm đó như một phần tất yếu của hành trình đường đời. Chúng không làm bạn mất tập trung khỏi tầm nhìn lớn hơn – lý tưởng, thỏi “nam châm” luôn không ngừng hút bạn về phía nó.

Đặc điểm chung của những người tìm thấy mục đích sống

Có những điểm chung giữa những người tìm thấy mục đích sống thực sự của mình. Thứ nhất, họ không quá bận tâm đến lợi ích cá nhân, đến bản ngã trong những gì họ làm.

Điều này thoạt nghe có vẻ thật mâu thuẫn. Làm sao bạn có thể tìm thấy mục đích sống nếu bạn không tập trung vào chính mình?

Sự thật là, khi tập trung quá mức vào cái tôi, vào việc thỏa mãn mục tiêu hoặc nhu cầu của mình – dù là trong công việc hay các mối quan hệ – thì mục đích sẽ trở nên mờ nhạt. Bản ngã của bạn sẽ che phủ nó, giống như những đám mây che khuất mặt trời.

Tất nhiên, lợi ích cá nhân/ bản ngã là một phần tất yếu của con người. Để có thể vượt qua và buông bỏ nó, bạn sẽ phải nỗ lực và ý thức về việc không để bị nó mê hoặc. Cũng như Ulysses trong huyền thoại đã kháng lại bài ca của các tiên cá.

Bằng cách buông bỏ bản ngã/ lợi ích cá nhân, bạn sẽ mở ra “cánh cửa” để nhìn thấy con người thực sự của bạn, liệu nó có đang thống nhất với cuộc sống bên ngoài và mang lại cảm giác có mục đích hay không. Biết được bạn là ai bên trong – bao gồm các giá trị thực sự, mong muốn thầm kín, trí tưởng tượng, khả năng yêu thương, đồng cảm, v.v… – tất cả đều góp phần quan trọng định hình mục đích sống của bạn.

vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống

Thứ hai, những ai khám phá ra mục đích sống của mình biết sử dụng năng lượng tinh thần và sáng tạo để phục vụ một điều gì đó lớn hơn bản thân họ. Nghĩa là, họ giống như người yêu chỉ trao đi tình yêu một cách vô vị lợi, không quan tâm đến việc nhận lại điều gì, không yêu cầu được yêu thương lại, không xem hành động yêu thương như một hình thức giao dịch hay đầu tư.

Điều này thật khó tưởng tượng trong xã hội bị “thương mại hóa” hiện nay. Thế nhưng, bạn hoàn toàn có thể trao đi năng lượng tinh thần, cảm xúc và sáng tạo từ trái tim khi hướng tới phục vụ điều gì đó lớn hơn lợi ích cá nhân.

Đặc điểm thứ hai này – phục vụ cho điều gì đó vượt lên trên cái tôi, lên trên việc “giành được” thành quả cho những gì bạn đang hướng tới – được thể hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với một số người, nó được thể hiện qua công việc họ làm hàng ngày. Nghĩa là, những gì họ làm phản ánh nghịch lý của việc không trực tiếp hướng tới việc đạt được điều gì đó, vì làm như vậy chỉ “thổi phồng” cái tôi lên mà thôi.

Đây là điều đã được John Kay, cựu Giám đốc Trường Kinh doanh Oxford, mô tả trong tác phẩm “Obliquity“. Trong sách, ông đã đưa ra các ví dụ về việc đạt được mục tiêu kinh doanh/ nghề nghiệp bằng cách theo đuổi chúng một cách gián tiếp; bằng cách cố tình không theo đuổi chúng. Việc quá quan tâm đến lợi ích cá nhân sẽ chỉ làm suy yếu cơ hội thành công. Thay vì cố gắng chiếm lĩnh thị phần từ sản phẩm, hãy tập trung vào niềm đam mê khi được tạo ra một sản phẩm mới cho xã hội.

Phục vụ cho điều gì đó vượt lên bản ngã cá nhân là đặc điểm phổ quát ở những người đã tìm thấy mục đích của mình, dù họ đang ở độ tuổi nào. Đôi khi, việc đó xảy ra hoàn toàn có ý thức (vd: từ bỏ một con đường trước đây khi nhận thức được rằng nó không còn đồng bộ với bản ngã nội tại). Trong một số trường hợp khác, nó được kích hoạt bởi những sự kiện không lường trước – những biến cố giúp thỏa mãn một khát vọng bên trong.

Lấy ví dụ, có một phụ nữ ngoài 20 tuổi, cảm thấy bất mãn với việc học đại học, đã trở về nhà và tình cờ gặp một số người bạn nhạc sĩ/ nghệ sĩ khác. Kết quả là sự ra đời của tổ chức phi lợi nhuận GoodMakers Street Team – gồm một nhóm những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, mong muốn đóng góp tích cực cho cộng đồng.\

Không chỉ thế hệ trẻ, ngay cả những người lớn tuổi cũng đang khám phá ra những mục đích sống mới. Một ví dụ là sự gia tăng của làn sóng “encore career” (sự nghiệp thứ hai) – khi những cá nhân tới tuổi nghỉ hưu dành thời gian cho các dự án/ cam kết đồng điệu với lý tưởng bên trong, điều mà họ đã không nhận ra hoặc chỉ “lờ mờ” ý thức về nó suốt nhiều năm qua.

Đôi khi, cảm thức về mục đích có thể được “đánh thức” khi cá nhân chứng kiến một bi kịch (vd: một người cảm thấy xúc động mạnh khi chứng kiến cảnh người khác bị tra tấn – và khám phá ra mục đích sống của mình là giúp đỡ họ), hoặc trực tiếp trải qua nó. Như trường hợp của John Walsh, người đã không ngừng nghỉ đóng góp cho ngành tư pháp hình sự Hoa Kỳ sau khi con trai của chính ông bị sát hại.

Một số lưu ý

  • Bắt đầu bằng cách nhìn lại những gì bạn đang làm – những lựa chọn, lối sống và cam kết của mình – một cách khách quan từ bên ngoài

Dù là thành công hay thất bại, hãy đánh giá xem liệu kết quả của những gì bạn làm có tiết lộ điều gì về bản thể bên trong không. Liệu rằng có một sự “cộng hưởng” trong những gì bạn làm không.

Nói cách khác, đừng cố gắng “tìm” mục đích của bạn bằng cách điều chỉnh những gì bạn đã làm trong công việc, các mối quan hệ hoặc bất kỳ điều gì khác. Thay vào đó, hãy để tất cả những điều đó trở thành bài học cho bạn – rằng nó có nói lên điều gì về những khát khao, tầm nhìn bên trong, những sở thích mà bạn có thể đang cố gắng thể hiện thông qua cuộc sống bên ngoài của mình, ngay cả khi bạn đang đi không đúng hướng hay không.

  • Khi bạn cảm thấy bị thu hút bởi một mục đích, hoạt động hoặc động cơ nào đó mà bạn cho rằng phản ánh bản thể bên trong, thì hãy theo đuổi nó

Hãy luôn quan sát những tín hiệu/ thông điệp mà mọi việc bạn làm gửi đến cho bạn. Không quan trọng mục đích của bạn thuộc về phạm vi vật chất/ thế tục hay tinh thần/ tâm linh. Nếu bạn theo đuổi nó với con tim trong sáng, hoàn toàn “vô vị lợi”, cuối cùng bạn sẽ nghiệm ra liệu đó có phải là con đường đúng đắn dành cho bạn hay không.

  • Làm mọi việc với tinh thần cống hiến & phục vụ – hay nói cách khác, với tình yêu dành cho những gì bạn làm

Điều này cũng bao gồm tất cả những người mà bạn tương tác hàng ngày. Chính khi có ý thức truyền năng lượng tích cực (sự tử tế, lòng trắc ẩn, rộng lượng, công lý) vào mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình – bạn cũng đồng thời kiềm chế cái tôi và qua đó có thể nhìn thấy mục đích thực sự của mình.

Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm – bạn có thể sẽ gặp phải rào cản từ áp lực văn hóa hoặc những người khác có lợi ích riêng bị đe dọa bởi những việc bạn làm. Khi đó, hãy ghi nhớ lời của Ralph Waldo Emerson:

Bất kể bạn quyết định theo hướng nào, sẽ luôn có người nói với bạn rằng bạn đã sai lầm. Luôn có những khó khăn nảy sinh khiến bạn tin rằng những người chỉ trích bạn là đúng. Bạn sẽ cần phải thực sự dũng cảm để vạch ra một lộ trình hành động và theo đuổi nó đến cùng.

vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống

Nhà lãnh đạo tinh thần Sufi Hazrat Inayat Khan, người đã đến truyền giáo ở Hoa Kỳ và Tây Âu vào đầu những năm 1900, đã mô tả sức mạnh của mục đích theo một cách rất thú vị như sau:

Một người có thể đột nhiên nảy ra ý tưởng trong đêm, ‘Tôi phải đi về phía bắc’, và đến sáng, anh ta bắt đầu cuộc hành trình của mình. Anh ta không biết tại sao, anh ta không biết mình phải đạt được điều gì, anh ta chỉ biết rằng mình phải đi. Và khi đến nơi, anh ta tìm thấy điều gì đó mà mình phải làm – và thấy rằng bàn tay của định mệnh đã thúc đẩy anh hướng tới mục đích đó, đã truyền cảm hứng cho anh đi về phương bắc.”

Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng với những ai quyết tâm “đi về phương Bắc” và thức tỉnh với mục đích sống của mình, từ họ luôn tỏa ra một phong thái bình tĩnh và truyền cảm hứng. Không chỉ mạnh mẽ và thành công trong mọi việc họ làm, năng lượng của họ cũng đồng thời lan tỏa sang tất cả những người xung quanh.

Bất kể bạn quyết định theo hướng nào, sẽ luôn có người nói với bạn rằng bạn đã sai lầm. Luôn có những khó khăn nảy sinh khiến bạn tin rằng những người chỉ trích bạn là đúng. Bạn sẽ cần phải thực sự dũng cảm để vạch ra một lộ trình hành động và theo đuổi nó đến cùng.

Ralph Waldo Emerson

Tham khảo

Why It’s Hard to Find Your ‘Life Purpose’ In Today’s World – by Douglas LaBier Ph.D. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-new-resilience/201105/why-its-hard-to-find-your-life-purpose-in-todays-world.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status