Tổng hợp 11 mẹo về cách tập hát cho người mới bắt đầu, giúp bạn làm chủ thanh giọng và tự tin thể hiện chính mình.
Không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí bổ ích, ca hát cũng đồng thời là phương thức tuyệt vời để thể hiện chính mình, khám phá bản thân và kết nối với thế giới nội tâm. Mặc dầu việc sở hữu năng khiếu thiên bẩm là điểm cộng lớn, thực tế là bất kỳ ai cũng có thể hát hay – miễn là bạn nắm rõ kỹ thuật và phương pháp thực hành phù hợp. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách tập hát cho người mới bắt đầu bạn nhé!
Tóm tắt nội dung chính
- Bài viết tổng hợp 11 mẹo cải thiện giọng hát – từ những lưu ý về tư thế và kỹ thuật thở cho đến việc khởi động và “hạ nhiệt” (cool down) – nhằm trang bị nền tảng cần thiết để kiểm soát thanh giọng. Ngoài ra, bạn đọc cũng sẽ tìm thấy thông tin về cách khám phá phổ giọng, luyện tai, cũng như học hỏi từ những ca sĩ nổi tiếng.
- Kết thúc bài viết là phần giải đáp các câu hỏi thường gặp về năng khiếu ca hát, cũng như một vài lưu ý bổ sung dành cho người mới bắt đầu (nam và nữ).
Điều chỉnh tư thế
Tư thế có vai trò rất quan trọng trong quá trình tập hát; đứng đúng tư thế sẽ giúp bạn hít thở sâu, kiểm soát thanh giọng và dễ dàng hát những nốt cao hơn.
Đứng thẳng người và thư giãn:
- Hãy thử hình dung có một sợi dây đang nhẹ nhàng kéo đỉnh đầu bạn lên. Đứng thẳng lưng (nhưng đừng quá gượng ép), mở rộng lồng ngực để không khí lưu thông tốt hơn.
- Vai phải thả lỏng và hạ xuống, không khom lưng hay căng cứng quá mức. Nhẹ nhàng ép chặt hai bả vai lại với nhau từ phía sau, sau đó thả lỏng nhẹ nhàng.
- Hai chân rộng bằng vai để giữ thăng bằng và ổn định. Bạn có thể chuyển bớt trọng tâm từ chân này sang chân kia một chút để thoải mái hơn.
- Giữ đầu gối hơi cong để hỗ trợ hơi thở tốt hơn.
Chú ý đến cơ thể:
- Hàm: Nhiều người mới tập hát thường có thói quen nghiến chặt hàm khi hát – đây là điều nên tránh, vì nó hạn chế luồng không khí lưu thông và làm căng cổ họng, khiến giọng nói của bạn nghe có vẻ căng thẳng. Cách khắc phục là mở miệng rộng (như khi ngáp), sau đó hát một cụm từ đơn giản. Cảm nhận vị trí thư giãn của hàm và cố gắng duy trì nó trong lúc hát.
- Lưỡi: Lưỡi của bạn phải ở tư thế thư giãn và nằm thẳng. Không đẩy lưỡi vào răng hoặc căng lưỡi. Bạn có thể thử hát một thang âm đơn giản trong khi thè lưỡi ra một chút, để không gây chèn ép trong cổ họng. Cố gắng thư giãn và đưa lưỡi vô trở lại.
- Ngực và phần thân: Nâng ngực lên nhưng đừng ưỡn ra. Sử dụng các cơ core để hỗ trợ, song đừng hóp bụng quá mức.
Gợi ý bổ sung:
- Tư thế ngồi: Nếu bạn lựa chọn ngồi khi tập hát, hãy thẳng lưng và thả lỏng vai. Đừng khom lưng.
- Không cứng nhắc: Một mặt cần chú ý đến tư thế, mặt khác bạn vẫn cần đảm bảo có thể di chuyển và thể hiện bản thân một cách thoải mái nhất khi hát.
- Quét cơ thể: Hãy dành một chút thời gian trước khi hát để xem có bất kỳ dấu hiệu căng thẳng nào trong cơ thể bạn không. Hít thở sâu, thả lòng và thư giãn nhất có thể.
- Di chuyển: Đừng ngại đi qua đi lại khi hát! Chỉ cần lưu ý đừng để chuyển động làm gián đoạn hơi thở hoặc giọng hát của bạn.
Tóm lại, hãy tìm một tư thế thoải mái để hít thở sâu và hát một cách thoải mái nhất. Đây là một quá trình đòi hỏi luyện tập lâu dài. Do đó, đừng nản lòng nếu lúc đầu bạn cảm thấy khó khăn.
Thực hành thở bằng cơ hoành
Mấu chốt khi ca hát chính là kiểm soát hơi thở; dù bạn là người mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm lâu năm, bí quyết nằm ở chỗ học cách “thở bằng bụng”.
Không giống như khi thở thông thường (hai vai nâng lên và hạ xuống), kỹ thuật này sử dụng sức mạnh của cơ hoành, một cơ hình vòm bên dưới phổi, để tạo ra các hơi thở sâu. Bằng cách này, bụng của bạn sẽ mở rộng khi cơ co lại và kéo không khí vào phổi – tạo ra luồng không khí ổn định để duy trì các nốt lâu hơn, giúp bạn kiểm soát cao độ và âm lượng, nhờ đó giọng hát trở nên mượt mà và có sắc thái hơn.
Sau đây là hai bài tập cơ hoành dành cho người mới bắt đầu:
- Nằm xuống:
Nằm ngửa một cách thoải mái, cong hai đầu gối. Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng, ngay dưới lồng ngực.
Sau đó, hít vào từ từ qua mũi, dùng tay để cảm nhận chuyển động của phần bụng. Giữ cho ngực tương đối cố định.
Cuối cùng, thở ra từ từ bằng cách mím môi, cảm nhận vùng bụng hóp lại.
- Đứng:
Đứng thẳng người. Đặt một tay lên lưng dưới và tay kia lên bụng.
Tiếp theo, hít vào từ từ qua mũi, cảm nhận lưng hơi mở rộng và bụng đẩy ra. Sau đó, thở ra từ từ qua môi (mím lại), bụng co lại, lưng trở về vị trí thông thường.
Gợi ý bổ sung:
- Hãy tưởng tượng bạn đang bơm không khí vào bụng một quả bóng bay khi hít vào.
- Liên tưởng đến hơi thở dài và sâu sau một ngày dài. Đó là hơi thở mà bạn muốn đạt được khi hát.
- Bạn có thể tập đếm chậm từ 1-4 khi hít vào và đến 6 khi thở ra để kiểm soát hơi thở tốt hơn.
- Khi đã cảm thấy thoải mái, hãy thử hát các thang âm hoặc cụm từ đơn giản (ví dụ “ah” hoặc “oo”) trong khi vẫn duy trì thở bằng bụng.
- Cơ bắp căng cứng sẽ làm hạn chế luồng không khí. Do đó, hãy tập trung thư giãn vai, cổ và hàm trong khi thở.
- Nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc khó chịu, hãy dừng lại và nghỉ ngơi một lúc.
- Khi đã tập quen, bạn có thể bắt đầu hít vào bằng miệng để có được hơi thở sâu hơn.
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Uống đủ nước
Uống đủ nước sẽ giúp dây thanh quản được bôi trơn, ngăn ngừa tình trạng khô và kích ứng – nguyên nhân gây khản giọng và khó chịu. Ngoài ra, nó cũng góp phần làm loãng chất nhầy, tránh gây tắc dây thanh quản và ảnh hưởng xấu đến chất lượng thanh âm.
Nên uống bao nhiêu nước thì đủ? Câu trả lời cụ thể sẽ tùy thuộc vào mỗi người – lời khuyên chung là bạn nên cố gắng uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Tuy nhiên, các yếu tố như số đo cơ thể, tần suất hoạt động và điều kiện khí hậu cũng cần được tính đến.
Nhìn chung, bạn có thể đánh giá nhu cầu uống nước của mình dựa trên cơ sở như sau:
- Hãy chú ý đến tín hiệu cơ thể. Nếu bạn cảm thấy khát, đó là dấu hiệu của tình trạng mất nước nhẹ. Hãy cố gắng uống nước trong suốt cả ngày, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.
- Theo dõi màu sắc của nước tiểu – lúc bình thường, nó sẽ có màu vàng nhạt. Nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất nước.
- Nếu ca hát trong thời gian dài hoặc luyện tập trong môi trường khí hậu khô, bạn nên gia tăng lượng nước tiêu thụ.
- Một số loại trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao (vd: dưa hấu, dưa leo, cần tây) và do đó có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước hàng ngày của bạn.
- Hãy ưu tiên nước lọc thay vì các loại đồ uống khác để không ảnh hưởng đến thanh giọng. Nên hạn chế đồ uống có đường, nước ngọt, caffeine, bia rượu để tránh gây mất nước.
- Tránh uống đồ uống quá lạnh trước khi hát, vì có thể sẽ làm co dây thanh quản. Bạn hãy chọn nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng.
- Bạn có thể cài báo thức trên điện thoại hoặc sử dụng ứng dụng nhắc nhở uống nước hằng ngày.
- Trong trường hợp cảm thấy mệt mỏi, khàn giọng hoặc khó đánh nốt, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Khi đó, hãy uống nhiều nước hơn và tham khảo ý kiến bác sĩ/ coach thanh nhạc nếu cần thiết.
Khởi động
Giống như vận động viên phải khởi động trước khi tập luyện, ca sĩ cũng cần “làm nóng” dây thanh quản trước khi hát những nốt cao – để có thể khiến nó trở nên linh hoạt hơn, gia tăng lưu lượng máu lưu thông, nhờ đó đạt được chất giọng tốt nhất và giảm thiểu gây tổn thương thanh quản.
Sau đây là một số bài tập khởi động dành cho người mới bắt đầu:
- Ngâm nga: Chọn một khoảng âm vực thoải mái và thực hành từ 10-15 giây, sau đó từ từ tăng giảm âm vực.
- Rung môi (lip trills): Bạn có thể tạo ra âm thanh như tiếng thuyền máy bằng môi trong khi ngân nga – để nới lỏng dây thanh quản và cải thiện khả năng phối hợp các cơ.
- Rung lưỡi: Cuộn nhẹ lưỡi và thổi khí qua lưỡi.
- Ngậm ống hút: Lấy một cái ống hút và nhẹ nhàng ngân nga vào đó – đây là cách tác động vào cơ hoành và tạo ra lực cản nhẹ nhàng cho dây thanh quản.
- Âm giai: Hát âm giai trên một thanh âm dễ nghe (vd: “ah” hoặc “ee”) sẽ giúp mở rộng phổ giọng và cải thiện độ chính xác của cao độ. Bạn hãy bắt đầu một cách chậm rãi và mở rộng phổ giọng dần khi giọng bạn trở nên ấm hơn.
Ngay cả khi khởi động, hãy cố gắng duy trì cao độ tốt để luyện tập tai và cơ.
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Khám phá phổ giọng
Mỗi chất giọng đều có nét độc đáo riêng. Hãy cố gắng xác định phổ giọng của mình – phạm vi các nốt mà bạn cảm thấy thoải mái nhất khi hát. Nhìn chung, phổ giọng của từng người sẽ phụ thuộc vào độ dài và dày của dây thanh quản. Dây thanh quản dài và mỏng thường có xu hướng tạo ra âm vực cao hơn, trong khi dây thanh quản ngắn và dày thì âm vực thấp hơn.
Hát đúng phổ giọng sẽ cho phép bạn hát rõ nốt và kiểm soát thanh âm tốt hơn – cũng như giảm bớt áp lực lên dây thanh quản. Ngoài ra, đây cũng là cách để người mới bắt đầu tự tin hơn. Trong quá trình luyện tập, bạn có thể thử nghiệm các kỹ thuật như belting hoặc head voice để dần dần mở rộng khả năng biểu cảm và phổ giọng theo thời gian.
Dưới đây là một bài tập đơn giản để bước đầu xác định phổ giọng của bản thân:
- Chọn cao độ phù hợp: Tìm một nốt ở quãng giữa mà bạn cảm thấy thoải mái nhất khi hát. Đối với phần lớn người mới bắt đầu, nó sẽ nằm ở nốt Đô trung (C4 trên đàn piano).
- Tăng cao độ lên: Từ từ tăng cao độ giọng theo thang âm, hát từng nốt theo một nguyên âm như “ah” hoặc “oo”. Hãy dừng lại khi đạt đến một nốt khiến bạn cảm thấy căng cứng hoặc khó chịu – khả năng lớn đây chính là đỉnh âm vực của bạn.
- Giảm xuống: Lặp lại tương tự, giảm cao độ xuống cho đến khi tới một nốt thấp khiến bạn cảm thấy hơi “khò khè” (đây chính là nốt thấp nhất trong quãng giọng của bạn).
Gợi ý bổ sung:
- Sử dụng đàn piano hoặc keyboard: Một chiếc đàn piano hoặc keyboard sẽ hỗ trợ xác định các nốt nhạc đang hát rất tốt. Bên cạnh đó, có rất nhiều công cụ và ứng dụng trực tuyến mà bạn có thể sử dụng cho mục đích này.
- Chú ý đến cảm giác cơ thể: Nếu bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu, hãy dừng lại ngay lập tức và đừng cố quá.
- Đừng cố thử những nốt cao: Thật hấp dẫn khi có thể hát được những nốt cao giống như ca sĩ bạn yêu thích; tuy nhiên, hãy cố gắng kiềm chế nếu bạn cảm thấy không thoải mái. Mọi chất giọng đều có nét đẹp riêng; do đó, đừng ngại thử nghiệm với những hợp âm thấp hoặc chuyển bài hát sang một tông trầm hơn nếu cần thiết.
- Chất lượng hơn số lượng: Lời khuyên là bạn hãy tập hát những quãng giọng nhỏ cho “nhuần nhuyễn”, hơn là ép mình phải cố thử những nốt cao.
- Tương đối hơn tuyệt đối: Đừng quá bận tâm với việc đạt được chính xác cao độ mong muốn. Luôn có một điểm trong phổ giọng nơi giọng hát của bạn ở trạng thái tự nhiên nhất. Cùng với quá trình luyện tập và tích lũy kinh nghiệm, âm vực của bạn cũng sẽ đồng thời mở rộng theo.
- Không bắt chước: Mỗi cá nhân đều có chất giọng riêng. Hãy cố gắng có một điều gì đó riêng biệt – và kiềm chế thôi thúc tự so sánh mình với người khác.
- Vocal Fach: Trong quá trình thực hành, có thể bạn sẽ bắt gặp thuật ngữ “vocal fach” trong các buổi hợp xướng hoặc opera – đề cập đến việc phân loại thanh giọng dựa trên phạm vi và âm sắc (chất lượng âm thanh). Tuy nhiên, đối với người mới bắt đầu, bạn hãy tập trung vào các kỹ thuật lành mạnh và cảm nghiệm niềm vui của việc ca hát – hơn là quan tâm đến các danh mục fach cụ thể.
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Luyện tai
Là một bước tiến quan trọng trên hành trình tập hát, luyện tai sẽ giúp bạn bạn nhận biết cao độ, khoảng cách giữa các nốt nhạc và hợp âm bằng tai – nhờ đó có thể hát một cách tự do, nâng cao năng lực kiểm soát chất giọng và cảm thụ âm nhạc.
Nhận thức về cao độ là cơ sở để hát đúng giai điệu, nhấn các nốt chính xác hơn, nhận biết giai điệu/tiến trình hợp âm chỉ bằng cách nghe hát (mà không cần xem qua bản nhạc) – qua đó tăng cường kỹ năng âm nhạc tổng thể. Mặt khác, quá trình luyện tai cũng góp phần cải thiện khả năng đọc và diễn giải ký hiệu âm nhạc.
Sau đây là một số bài tập luyện tai dành cho người mới bắt đầu:
- “Đọc” cao độ: Chơi một nốt nhạc trên đàn piano hoặc sử dụng ứng dụng lên dây. Sau đó, cố gắng hát lại cùng một cao độ tương ứng. Bạn có thể bắt đầu với nốt Đô trung và dần dần chuyển sang các nốt cao/ thấp hơn. Khi đã tiến bộ, hãy cân nhắc thử thách bản thân với các quãng như quãng ba, quãng năm và quãng tám.
- Nhận dạng quãng: Chơi hai nốt khác nhau liên tiếp trên đàn piano và xác định quãng giữa (ví dụ: quãng hai trưởng, quãng ba thứ). Tập hát quãng thành tiếng bằng kỹ thuật xướng âm/ solfege (ví dụ: hát “do-mi” cho quãng ba trưởng) để tăng cường nhận thức của đôi tai về âm thanh trong quãng tương ứng.
- Solfege: Thông qua xướng âm (do-re-mi-fa-so-la-ti-do) và liên kết từng âm tiết với cao độ cụ thể, bạn sẽ dần phát triển khả năng nhận biết và tái tạo các nốt nhạc. Đối với người mới bắt đầu, hãy bắt đầu với các thang âm đơn giản (như Đô trưởng) trước khi luyện tập các giai điệu ngắn về sau.
Gợi ý bổ sung:
- Bắt đầu từ đơn giản: Thực hành với các quãng dễ như quãng tám (do-re-mi-do) hoặc quãng năm (do-sol) và dần dần chuyển sang những quãng phức tạp hơn.
- Hát theo: Hát theo bản ghi âm các thang âm, giai điệu hoặc ca khúc đơn giản là phương pháp tuyệt vời để ghi nhớ các cao độ và các quãng. Nếu có thể, luyện tập với người khác hoặc trong dàn hợp xướng sẽ cải thiện đáng kể năng lực đôi tai, tạo điều kiện để bạn tiếp xúc với đa dạng chất giọng và hòa âm.
- Nâng cao: Một khi đã tiến bộ sau một thời gian luyện tập, bạn có thể tìm hiểu các khái niệm nâng cao hơn như nhận dạng hợp âm, đọc giai điệu và hát cao độ tương đối. Khám phá các kỹ thuật này sẽ hỗ trợ bạn tinh chỉnh thêm kỹ năng âm nhạc và mở ra những “chân trời” mới.
Đọc thêm: Sở thích của người hướng nội – 50 hoạt động bạn nên thử trải nghiệm
Chọn ca khúc phù hợp
Đối với người mới bắt đầu tập hát, chọn ca khúc là bước tối quan trọng. Việc lựa những bài hát phù hợp với phổ giọng và kỹ năng cá nhân sẽ giúp bạn nuôi dưỡng sự tự tin và khiến trải nghiệm luyện tập trở nên thú vị hơn. Đồng thời, nó cũng cho phép bạn tập trung hơn vào việc tinh chỉnh kỹ thuật (vd: kiểm soát hơi thở).
Nhìn chung, người mới bắt đầu nên tìm những ca khúc có đặc điểm như sau:
- Quãng giọng: Giai điệu bài hát cần nằm trong quãng giọng thoải mái của bạn, không quá cao cũng không quá thấp.
- Tempo và nhịp điệu: Nhịp độ (tempo) chậm hơn và nhịp điệu đơn giản sẽ tạo điều kiện cho bạn tập trung vào cách diễn đạt và kiểm soát hơi thở.
- Giai điệu: Hãy lựa chọn những ca khúc có giai điệu đơn giản và không thay đổi quá “gấp” về quãng giọng giữa các nốt – để bắt đầu hình thành khả năng nghe và nhận biết cao độ.
- Lời bài hát: Những ca khúc có lời rõ ràng và dễ hiểu sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung vào kỹ thuật và truyền tải cảm xúc vào phần thể hiện của mình hơn.
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Sau đây là gợi ý các bài hát cho người mới tập hát, phân chia theo từng thể loại riêng biệt:
- Pop:
- “Let It Be” – The Beatles (Nhịp độ chậm, âm vực vừa phải)
- “Count On Me” – Bruno Mars (Giai điệu đơn giản, lời rõ ràng)
- Rock:
- “Sweet Child o’ Mine” – Guns N’ Roses (Giai điệu trung bình, hấp dẫn)
- “Seven Nation Army” – The White Stripes (Quãng giọng vừa phải, có riff lặp lại)
- Nhạc đồng quê:
- “Wagon Wheel” – Old Crow Medicine Show (Giai điệu dễ nghe, điệp khúc quen thuộc)
- “Take Me Home, Country Roads” – John Denver (Âm vực đơn giản, lời rõ ràng)
- Nhạc kịch:
- “My Heart Will Go On” (Titanic)
- “Let It Go” (Frozen)
- “Somewhere Over the Rainbow” (The Wizard of Oz)
- “You’ll Be Back” (Hamilton)
Gợi ý bổ sung:
- Tập trung vào cơ bản: Ngay cả khi bị hấp dẫn bởi việc thử sức với những tác phẩm khó như opera, nhìn chung bạn nên ưu tiên xây dựng nền tảng kỹ thuật vững chắc bằng cách thực hành những bài hát thân thiện với người mới bắt đầu hơn.
- Đừng ngại đơn giản hóa: Nếu ca khúc bạn yêu thích có một đoạn khó, hãy cân nhắc hát ở tông thấp hơn một quãng tám hoặc bỏ qua những phần như vậy.
- Nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau: Khám phá đa dạng thể loại sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra những bản nhạc yêu thích (và cũng để làm mới/thử thách bản thân!).
- Bắt đầu hát chay (acapella): Khi không có nhạc cụ đệm, bạn sẽ có thể tập trung vào cao độ và kiểm soát hơi thở tốt hơn hẳn.
- Lặp đi lặp lại: Đây chính chìa khóa để hát hay và thành thục hơn. Đừng nản lòng nếu bạn cần phải luyện một ca khúc nhiều lần cho tới khi đạt được chất lượng như mong muốn!
Hạ nhiệt (cool down) sau khi hát
Giống như vận động viên cần hạ nhiệt sau khi tập luyện, các ca sĩ cũng cần làm như vậy sau khi hát để phục hồi thanh giọng và tránh nguy cơ “chấn thương”. Ca hát là một hoạt động tiêu tốn thể lực; do đó, chúng ta cần đến các bài tập hạ nhiệt để thư giãn dây thanh quản, cải thiện lưu lượng máu, giảm viêm và ngăn ngừa tình trạng căng cứng (nguyên nhân gây mệt mỏi và khản giọng).
Sau khi ca hát trong thời gian dài, bạn có thể hạ nhiệt bằng cách thực hiện lại các bài tập khởi động đã nêu trên. Kết hợp một số động tác kéo giãn cổ và vai nhẹ nhàng để tăng cường hiệu quả thư giãn.
Trong trường hợp cảm thấy đau hoặc khó chịu, hãy ngừng lại và dành một chút thời gian để nghỉ ngơi. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận thấy việc thực hiện các bài tập hạ nhiệt trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Đó chính là dấu hiệu cho thấy thanh giọng của bạn đang được cải thiện!
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Ghi âm phần trình bày
Đối với người mới bắt đầu, ghi âm phần trình bày sẽ cho phép bạn khách quan đánh giá lại giọng hát của mình và theo dõi tiến trình theo thời gian. Trong quá trình đó, bạn sẽ có cơ hội nhận ra các vấn đề về cao độ, kiểm soát hơi thở hoặc các khía cạnh kỹ thuật khác cần cải thiện.
Không cần thiết phải có phòng thu sang trọng; một chương trình ghi âm trên điện thoại là quá đủ rồi! Nếu có điều kiện, hãy cân nhắc sắm một chiếc máy ghi âm kỹ thuật số chuyên dụng để có âm thanh chất lượng hơn.
Bí quyết thực hiện:
- Tìm không gian yên tĩnh: Tiếng ồn có thể át đi giọng hát của bạn; hãy chọn một căn phòng yên tĩnh để thu âm.
- Thu nhiều lần: Đừng ngại nếu phải lặp đi lặp lại quá trình này. Trong quá trình nghe lại, hãy chọn một bản thu mà bạn cảm thấy bản thân có được sự thoải mái và kiểm soát nhất.
- Tập trung vào chi tiết cụ thể: Khi nghe lại, hãy tập trung vào những khía cạnh cụ thể mà bạn đang luyện tập (vd: cao độ, kiểm soát hơi thở, phát âm rõ ràng…). Nếu có một phần khó, hãy tách ra và luyện tập riêng trước khi thu âm lại toàn bộ bài hát.
Gợi ý bổ sung:
- Bản ghi video: Ghi lại phần trình bày bằng video sẽ giúp bạn đánh giá tốt hơn tư thế, biểu cảm khuôn mặt và thể hiện trên sân khấu. Mặt khác, cũng đừng chú trọng quá mức với việc đạt được sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật!
- Tìm kiếm phản hồi: Khi đã cảm thấy thoải mái với bản thu âm của mình, hãy cân nhắc chia sẻ nó với một coach thanh nhạc hoặc bạn thân để nhận được góp ý mang tính xây dựng từ phía họ.
Học hỏi từ các danh ca
Các bậc danh ca không chỉ chiếm được trái tim người nghe bằng giọng ca – mà còn qua sự hiện diện trên sân khấu cùng bộ kỹ thuật điêu luyện của họ. Đối với người mới bắt đầu, quan sát cách các bậc thầy thể hiện sẽ giúp bạn học được nhiều bài học về các kỹ thuật thanh nhạc (vd: cách hít thở, vận dụng cơ hoành) – cũng như làm sao để kết nối với khán giả bằng ngôn ngữ cơ thể.
- Một số tên tuổi “huyền thoại” trong làng nhạc thế giới:
- Aretha Franklin: Nổi tiếng với giọng ca mạnh mẽ và năng lực truyền tải cảm xúc.
- Freddie Mercury: Bậc thầy về trình diễn trên sân khấu và kiểm soát quãng giọng.
- Luciano Pavarotti: Huyền thoại trong làng nhạc opera, nổi tiếng với kỹ thuật kiểm soát hơi thở và biểu diễn trên sân khấu.
- Ca sĩ nổi tiếng thời đương đại:
- Beyoncé.
- Adele.
- Chris Cornell.
- Freddie Mercury.
- etc.
Gợi ý bổ sung:
- Lắng nghe tích cực: Đừng chỉ nghe một cách hời hợt. Hãy chú ý đến cách các ca sĩ hít thở, truyền tải và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Bên cạnh phương diện kỹ thuật, hãy quan sát cách họ kết nối với khán giả và tác động đến cảm xúc người nghe. Bạn có thể học được gì từ phong cách biểu diễn của họ?
- Chọn lọc: Xác định một khía cạnh cụ thể mà bạn muốn cải thiện (vd: kiểm soát hơi thở, ngắt quãng). Sau đó, quan sát cách ca sĩ yêu thích của bạn làm. Bạn có thể chia nhỏ phần trình diễn của họ theo từng phần và phân tích những khoảnh khắc “đỉnh cao” trong đó.
- Luyện tập với gương: Sau khi quan sát, bước tiếp theo là thực hành bắt chước các kỹ thuật đó. Bạn có thể dùng một tấm gương để theo dõi tư thế và ngôn ngữ cơ thể của mình tốt hơn.
- Hiểu rõ chất giọng của mình: Đừng cố bắt chước y chang. Hãy sử dụng những gì bạn học được như nguồn cảm hứng để tạo ra phong cách độc đáo của riêng bạn.
- Nghiên cứu chuyên sâu: Quan sát phần trình diễn của các ca sĩ trong thể loại mà bạn yêu thích để tìm hiểu những sắc thái của phong cách hát (vd: kỹ thuật dồn dập trong nhạc pop; kỹ thuật legato mượt mà trong nhạc jazz).
- Đa dạng nhiều thể loại: Sau khi tích lũy kinh nghiệm một thời gian, đừng chỉ giới hạn bản thân ở một thể loại duy nhất. Hãy cố gắng tìm hiểu đa dạng nhiều phong cách để khám phá các kỹ thuật thanh nhạc và phương pháp biểu diễn mới.
- Xem biểu diễn trực tiếp (nếu được): Các buổi biểu diễn trực tiếp là cơ hội để quan sát chi tiết hơn cách các ca sĩ thể hiện trên sân khấu, ngôn ngữ cơ thể và tương tác với khán giả.
Thường xuyên luyện tập
Học hát là một hành trình thú vị, song cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào, nó đòi hỏi sự tận tâm và luyện tập liên tục. Việc thường xuyên thực hành các bài tập thanh nhạc sẽ giúp rèn luyện các cơ thanh quản theo thời gian – đồng thời cho phép bạn tinh chỉnh kỹ thuật và trở nên thoải mái hơn với giọng hát của chính mình. Khi bắt đầu nhận thấy dấu hiệu tiến bộ, sự tự tin của bạn cũng sẽ từ đó mà gia tăng theo!
Sau đây là một số mẹo giúp bạn tận dụng tối ưu quá trình luyện tập:
- Đặt mục tiêu thực tế: Đừng cố nhồi nhét quá nhiều thứ vào một buổi luyện tập ngắn. Thay vào đó, hãy tập trung vào 1-2 khía cạnh cụ thể mà bạn muốn cải thiện (vd: kiểm soát hơi thở, lên nốt cao).
- Chất lượng hơn số lượng: Tập trung luyện tập trong 15 phút thì hơn là hát một cách không có chủ đích trong suốt một giờ.
- Ngắn gọn: Hãy bắt đầu với các buổi luyện tập ngắn (15-20 phút) và tăng dần thời lượng khi đã tiến bộ. Không chỉ làm cho trải nghiệm ca hát trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn, đây cũng là cách để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương lên giọng nói.
- Tập trung vào trải nghiệm: Hãy chọn những ca khúc bạn yêu thích, sau đó thử nghiệm nhiều kỹ thuật và phong cách khác nhau.
- Tham gia dàn hợp xướng hoặc nhóm ca hát: Hát với người khác không chỉ là một trải nghiệm đáng nhớ, mà còn góp phần duy trì động lực rèn luyện kỹ năng và mang đến cơ hội học hỏi từ những người kinh nghiệm hơn.
Cách tập hát cho người mới bắt đầu
Câu hỏi thường gặp
Ca hát là năng khiếu bẩm sinh hay có thể học được?
Không thể phủ nhận một số người sinh ra đã có một số đặc điểm thể chất nhất định (vd: độ dài dây thanh quản, dung tích phổi…) giúp việc học hát dễ dàng hơn đối với họ. Thế nhưng, dù có tài năng bẩm sinh hay không, mọi danh ca đều đã từng phải trải qua quá trình “khổ luyện” lâu dài. Một số tên tuổi nổi bật có thể kể đến như:
- Enrico Caruso: Được đánh giá là một trong những giọng nam cao vĩ đại nhất mọi thời đại, Caruso khi còn nhỏ đã bị trường đào tạo ca hát từ chối vì thiếu tài năng thiên bẩm. Tuy nhiên, ông đã kiên trì luyện tập nghiêm ngặt – để rồi cuối cùng trở thành một ngôi sao opera toàn cầu.
- Johnny Cash: Ngay cả khi không sở hữu giọng hát hay lúc khởi đầu sự nghiệp, điều đó đã không ngăn cản danh ca dành thời gian luyện tập kiên trì – để sau đó trở thành một huyền thoại âm nhạc, với chất giọng nam trung đặc trưng.
- Celine Dion: Chất giọng mạnh mẽ của Dion ban đầu bị đánh giá là không phù hợp đối với nền âm nhạc tại quê hương Quebec của bà. May mắn thay, nhân duyên đã đưa Dion đến với quản lý René Angélil, người đã giúp bà trau dồi tài năng của mình. Ngày nay, bà được công nhận là một trong những nghệ sĩ thu âm bán chạy nhất mọi thời đại.
Về cách tập hát cho người mới bắt đầu, có lưu ý riêng gì dành cho nam và nữ không?
Có một vài khác biệt nhỏ cần lưu ý khi tập hát cho nam và nữ, chủ yếu liên quan đến phổ giọng và các đặc điểm sinh lý. Dù vậy, các kỹ thuật cơ bản nhìn chung đều áp dụng như nhau cho cả hai giới.
Nam giới thường có âm vực thấp hơn phụ nữ; do đó, lời khuyên là họ nên tập trung phát triển giọng ngực (âm vực thấp hơn) và kết hợp với giọng đầu (âm vực cao hơn). Thông thường, người mới học hát sẽ bắt đầu luyện tập trong quãng từ C3 đến G4.
Ngược lại, nữ giới thường sẽ cần luyện tập mở rộng âm vực thấp hơn và kiểm soát âm vực cao hơn (belting). Điểm khởi đầu cho người mới bắt đầu thường là khoảng F4 cho đến C6.
Cần lưu ý, những gợi ý trên đây chỉ mang tính chất tham khảo; mỗi chất giọng đều có nét độc đáo riêng và có thể thay đổi mà không phụ thuộc vào đặc điểm giới tính. Một khi đã tiến bộ sau một khoảng thời gian luyện tập, bạn có thể cân nhắc thử nghiệm các phân loại giọng khác (vd: tenor, baritone cho nam; soprano, mezzo-soprano cho nữ) để hiểu rõ hơn về chất giọng của mình.
Lời kết
Không chỉ nhằm mục đích giải trí hay giải tỏa căng thẳng đơn thuần, ca hát còn là phương thức tuyệt vời để thể hiện bản thân và kết nối với mọi người. Hy vọng rằng 11 mẹo chia sẻ trên đây về cách tập hát cho người mới bắt đầu sẽ trang bị cho bạn đọc kiến thức nền tảng – cũng như nguồn cảm hứng bất tận để biến hoạt động này thành một phần cuộc sống, mang đến những trải nghiệm đáng nhớ trong đời!
Chúc bạn luôn hạnh phúc và nhiều niềm vui!
Có thể bạn quan tâm:
- Nghe nhạc cổ điển có tác dụng gì? 14 lợi ích bất ngờ bạn nên biết
- 6 cách luyện giọng nói hay và truyền cảm khi giao tiếp
- Thế giới của người hướng nội: Vài dòng suy ngẫm về cuộc sống
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!