Dưới đây là một góc nhìn thoáng qua về thế giới của người hướng nội – bao gồm biểu hiện, sở thích, tính cách, sức mạnh, cũng như chia sẻ một số mẹo sống – từ chính trải nghiệm của một người trong cuộc.
Năng nổ và hướng ngoại là đặc điểm được tôn vinh trong thế giới hiện nay – không có gì ngạc nhiên khi những người đi ngược lại xu hướng này nhìn chung thường cảm thấy bị “tách biệt” và it nhiều “lạc lõng”, giữa một xã hội ngày càng thêm sôi động và náo nhiệt.
Bản thân là người hướng nội, cuộc sống của tôi diễn ra theo một nhịp điệu rất riêng – đặc trưng ở việc dành phần lớn thời gian để suy ngẫm và làm các hoạt động một mình. Tôi ưa thích sự yên tĩnh, thích suy nghĩ kỹ trước khi nói ra bất cứ điều gì, cũng như quý trọng những mối quan hệ nồng ấm, thiên về “chất lượng hơn số lượng”.
Dù bạn thuộc tuýp người giống như tôi hay không, hãy cùng tôi khám phá từng khía cạnh trong cuộc sống của người hướng nội – để hiểu hơn về vẻ đẹp đằng sau đó bạn nhé!
Thế nào là người hướng nội? Đặc điểm phong cách sống
Hướng nội là gì?
Theo từ điển Merriam-Webster, người hướng nội (introvert) được định nghĩa là “một người dè dặt và trầm tính, có xu hướng sống nội tâm và thích dành thời gian một mình”.
Thực tế mà nói, tôi hơi nghi ngờ về việc liệu chúng ta có nên phân chia tính cách con người thành 2 loại như thế này hay không. Tuy nhiên, vì đó là lý thuyết tâm lý được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, chúng ta hãy tạm thời chấp nhận theo như vậy.
Vậy theo định nghĩa trên, rõ ràng tôi là người hướng nội – không thể chối cãi được.
Ưa thích một mình
Đối với tôi, thời gian ở một mình có ý nghĩa rất quan trọng, để tôi có thể phục hồi và trở lại là chính mình. Điều này không có nghĩa là tôi nhút nhát hay không thích con người – đơn giản, chỉ là tôi dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi khi tham gia tương tác xã hội quá nhiều; trong trường hợp đó, tôi cần ít nhiều thời gian riêng tư để “sạc lại” năng lượng.
Xu hướng suy ngẫm và sống nội tâm
Tôi thường tập trung vào những suy nghĩ và cảm xúc bên trong của bản thân – hơn là những kích thích bên ngoài. Mỗi khi cần lên tiếng hay nêu ý kiến về điều gì, tôi thích xem xét kỹ tất cả mọi phương diện trước khi phát biểu.
Thích các nhóm nhỏ và các cuộc đối thoại có chiều sâu
Đối với tôi, những cuộc tụ tập đông người khiến tôi bị “choáng ngợp”; do đó, tôi yêu thích những không gian nhỏ và thân mật, nơi tôi có thể trải qua những cuộc đối thoại có chiều sâu cách dễ dàng hơn. Trong mắt người khác, tôi có vẻ thích quan sát và yên lặng khi ở trong các đội nhóm lớn – và chỉ thực sự thể hiện chính mình khi tham gia vào các tương tác một-đối-một.
- Lắng nghe và quan sát
Thay vì dành thời gian để nói, tôi thích chú ý đến những gì người khác nói và suy ngẫm về chúng, trong khi đồng thời tranh thủ thời điểm đó để nhìn ngắm và cảm nhận thế giới xung quanh.
Các mối quan hệ ít, nhưng sâu sắc
Tôi không có nhiều bạn thân – đổi lại, tôi có nhiều thời gian hơn để liên hệ và tương tác với những ai thực sự quan trọng. Đối với tôi, chất lượng mang nhiều ý nghĩa hơn hơn số lượng – vì lý do này, tôi thường tập trung xây dựng quan hệ với những ai cùng chí hướng vối tôi.
Độc lập và tự túc
Tôi cảm thấy thoải mái khi được tự đưa ra quyết định và làm việc độc lập. Nhìn chúng, tôi không ham thích đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo – nhưng nếu thực sự cần thiết phải như vậy (hoặc tôi nghĩ vậy), tôi sẽ không tìm cách trốn tránh.
Thích sáng tạo và tưởng tượng
Ngày xưa, có một thời tôi dành rất nhiều thời gian vào những sở thích thiên hướng sáng tạo như: viết lách, nghệ thuật và âm nhạc. Thuở bé, tôi thậm chí từng “đua đòi” tập tành viết tiểu thuyết giả tưởng – sau khi được truyền cảm hứng và ý tưởng từ những tác phẩm như Harry Potter hay Eragon. Dù những sản phẩm do tôi viết ra quả thực rất ư “trẻ con”, song điều quan trọng là tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm những gì mình yêu thích.
Theo thời gian, cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều thay đổi. Hiện tại, tôi không còn đủ thời gian rảnh để tham gia những hoạt động như trên nữa. Dù vậy, tôi tin rằng ngọn lửa sáng tạo bên trong tôi vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Một ví dụ điển hình: mỗi ngày đi làm về, tôi thường thích tập hát khi lái xe trên đường (thành thật mà nói, tôi không khuyến khích bạn nên làm theo như vậy). Đối với một số người, điều này nghe có vẻ kỳ quặc – nhưng mắc gì tôi phải quan tâm đến họ chứ?
Thích những hoạt động trong không gian yên tĩnh
Tôi thường thích dành thời gian cho những hoạt động một mình như: đọc sách, viết lách, hay hòa mình vào thiên nhiên – qua đó, tôi có cơ hội để suy ngẫm và nhận thức sâu sắc hơn về thế giới nội tâm của mình. Như tôi đã giải thích với bạn phía trên, nguyên do chính yếu là vì tôi không thể chịu đựng nổi những môi trường ồn ào hoặc kích thích quá mức.
Ra quyết định chậm
Trước khi quyết định bất cứ điều gì, tôi thường dành nhiều thời gian cân nhắc và phân tích mọi lựa chọn – thay vì “bốc đồng” đi đến kết luận. Đôi khi, cả quá trình này có thể tốn một thời gian rất dài. Thế nhưng, một khi đã đưa ra quyết định cuối cùng, tôi thường sẽ gắn liền với nó – “cho đến tận cùng”.
Cuộc sống của người hướng nội
Một ngày trong thế giới của người hướng nội
Tôi là người hướng nội… Tôi thích được ở một mình ngoài trời, đi dạo với những chú chó của mình, ngắm nhìn cây cối, hoa lá và bầu trời.
Audrey Hepburn
Cuộc sống của người hướng nội diễn ra như thế nào?
Chà, nói chung, một ngày bình thường đối với tôi sẽ như thế này.
Mỗi ngày, khi chuông báo thức reo, tôi sẽ nhấn nút “snooze” và yên tĩnh trong trong chăn thêm vài phút nữa. Đối với tôi, buổi sáng là khoảng thời gian quý giá được ở một mình. Tôi sẽ từ từ thức dậy, pha một tách cà phê, trong lúc đó ngắm nhìn ánh bình minh hắt vào cửa sổ. Khoảng thời gian im lặng nội tâm này là bước quan trọng để “sạc” năng lượng cho tôi trong cả ngày dài sắp tới.
Công việc
Dù là ở văn phòng hay quán cà phê (vào cuối tuần), thói quen điển hình của tôi là tìm đến một không gian riêng tư để làm việc – với đôi tai nghe trên người. Được suy nghĩ trong riêng tư là lúc tôi cảm thấy thực sự có thể phát huy trọn vẹn nhất những điều tốt đẹp bên trong tôi.
Tôi không thích ngồi gần những người nói quá nhiều – đối với tôi, họ chỉ là những kẻ gây xao lãng, khiến tôi không thể tập trung (và sẽ làm giảm chất lượng công việc của tôi).
Đôi khi – trong lúc đang chìm đắm trong công việc – tôi có thể cảm thấy bực bội khủng khiếp nếu ai đó đến gặp tôi để hỏi điều gì (hoặc sếp đến và yêu cầu tôi làm một công việc “cần gấp” – dù nó rất ư tầm thường và vặt vãnh).
Tôi có xu hướng (nếu có thể) tránh xa các cuộc họp lớn (hoặc giữ im lặng trừ khi phải phát biểu điều gì). Đối với tôi, những khoảng thời gian này đa phần chỉ là lãng phí thời gian – là cơ hội để những người “to mồm” lên tiếng và áp đảo người khác. Nhìn chung, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi được tham gia vào các cuộc họp nhỏ, chỉ gồm vài người (tôi cũng thấy như vậy hiệu quả hơn nữa).
Khi đến giờ ăn trưa, tôi thích dành thời gian một mình tại bàn làm việc hoặc ra ngoài với 1-2 người bạn thân. Việc ngồi ăn trong các nhóm lớn – và phải nghe mọi người liên tục bàn tán về “chuyện này chuyện nọ” – chỉ khiến tôi căng thẳng và giữ im lặng nhất có thể (hoặc đáp lại bằng những nhận xét châm biếm khi có ai đó tìm cách “mở miệng” tôi).
Đôi khi tôi có thể trao đổi với với sếp/đồng nghiệp/mentor để xin lời khuyên về vấn đề nào đó, nhưng đó chỉ là khi thực sự cần thiết (và tôi nhận thấy rằng mình không thể tự giải quyết được).
Mỗi khi thỉnh thoảng dành vài phút giải lao ở văn phòng, tôi thường thích thư giãn một mình hoặc nói chuyện/đi dạo nhẹ nhàng với một người bạn thân (thay vì đi chơi nhóm như nhiều người khác).
Đời sống xã hội
Sau giờ làm việc – trừ khi có việc gì phải làm (ví dụ: đến lớp học/ đi dạy thêm) hoặc muốn nghỉ ngơi ở nhà – tôi có thể hẹn gặp một người bạn thân để cà phê/ ăn tối/ trò chuyện về những chủ đề mà chúng tôi cùng quan tâm (ví dụ: con đường tương lai, mục đích, tâm linh, sách vở, v.v…).
Đôi khi, công ty/sếp của tôi sẽ tổ chức một buổi họp mặt cho mọi người tham dự. Thành thật mà nói, tôi thực sự rất ghét những bữa tiệc này – đối với tôi, mọi người thường chỉ đến đó để ăn tối/ tán gẫu là chủ yếu.
Nhắc đến chuyện này, tôi nhớ có lần – sếp ở một công ty cũ mời chúng tôi đến quán bar Bam Bam ở quận 1. Thực sự, trải nghiệm lần đó là một “cơn ác mộng” mà tôi không thể diễn tả được. Tiếng ồn, âm nhạc, mọi người “nhảy nhót” và la hét ở đó… Tôi không thể hiểu làm sao người ta có thể tìm thấy sự thoải mái ở một nơi như vậy.
Là một người hướng nội, tôi biết rõ giới hạn của bản thân – và tôi luôn ưu tiên chất lượng hơn số lượng trong mọi việc.
Mọi người có thể nhướng mày nhìn tôi và nghĩ rằng tôi khác biệt.
Đối với tôi, những người như vậy đều giống y như nhau.
Thế giới của người hướng nội
Tại nhà
Trở lại với ngôi nhà ấm cúng của mình – trừ khi có việc gì phải làm, tôi thường thích dành thời gian thư giãn với một sở thích cá nhân như:
- Nghe nhạc cổ điển (của các nhạc sĩ như Bach, Chopin, v.v…) hoặc các bản crossover của các ca sĩ/ nhóm nhạc như: Il Divo, Josh Groban, Andrea Bocelli, v.v…
- Tập hát các bản crossover mà tôi yêu thích.
- Chơi game (tôi tuyệt đối nói không với những trò chơi hành động như Dota – mặc dù đã từng có thời gian thử nghiệm với những trò đó. Nhìn chung, tôi thích những game nhẹ nhàng, có tính phiêu lưu như Pokemon. Tuy không quá thử thách, nhưng đổi lại, những trò chơi này mang đến những yếu tố tôi rất yêu thích như: cốt truyện, âm nhạc, sự phấn khích khi được gặp gỡ các nhân vật mới, thu thập vật phẩm, khám phá bí ẩn, thậm chí là cơ hội chiêm nghiệm cả những bài học cuộc sống… Những trải nghiệm này, các game hành động bình thường không thể mang lại được).
- Xem video của streamer (đa phần bây giờ tôi sẽ làm như vậy – thay vì tự mình chơi game. Không chỉ để tiết kiệm thời gian, sức lực – mà còn để tránh rơi vào tình trạng vòng xoáy cảm xúc như tôi đã đề cập trong bài viết này).
- Viết blog (giống như tôi đang làm bây giờ).
- Đọc sách/tiểu thuyết/truyện tranh.
- Xem phim giả tưởng/anime (hơi tốn thời gian nên tôi không làm việc này thường xuyên lắm).
- Nghe nhạc phim/ nhạc game (nhân tiện, tôi xin mạn phép chia sẻ với bạn đọc một số bản nhạc mà tôi rất yêu thích như sau: Diagon Alley, Yugi-Oh, Sun & Moon, LOTR, WC3 – Human, v.v…).
- Lướt Google tìm kiếm bài viết về một chủ đề bất kỳ mà mình đang quan tâm.
- Hoặc đơn giản là ngồi suy nghĩ vu vơ về bất kỳ điều gì tôi cảm thấy trăn trở trong cuộc sống.
- v.v…
Trên đây là một số sở thích tiêu biểu của tôi – vừa để sạc lại năng lượng xã hội cho ngày hôm sau, vừa để suy ngẫm về những gì đã trải qua trong ngày. Để được “là chính mình” – con người thực sự của tôi.
Một ngày điển hình của tôi thường sẽ không có những tương tác xã hội liên tục – song tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng đó là một trải nghiệm sống mãn nguyện, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cá nhân của tôi.
Bạn có nghĩ vậy không, hỡi những người bạn hướng nội của tôi?
Tình yêu & các mối quan hệ
Thành thật mà nói, tôi hiện chưa có bạn gái. Công việc, sở thích nghiên cứu, thế giới nội tâm… những thứ này đã và đang chiếm khá nhiều thời gian trong đời tôi.
Nói như thế, song tôi vẫn muốn chia sẻ vài dòng suy tư như sau.
Như tôi đã đề cập, những mối quan hệ sâu sắc có ý nghĩa với tôi nhiều hơn là những cuộc hẹn hò xã giao. Khi cần làm quen với ai, tôi có xu hướng từ tốn và thích các cuộc gặp riêng tư/ theo nhóm nhỏ – hơn là trong các quán bar/bữa tiệc nhậu ồn ào.
Mỗi khi đi chơi với ai đó, tôi thích đến những không gian yên tĩnh và nhỏ nhắn như quán cà phê – để chúng tôi có thể thoải mái tận hưởng những cuộc trò chuyện chậm rãi, nhưng yên bình và nhiều ý nghĩa.
Trong khi trò chuyện, tôi có xu hướng “lùi lại” và để đối tác/bạn bè của mình chủ động trước – cho đến thời điểm thích hợp (ví dụ: người ta hỏi ý kiến của tôi/đã chia sẻ xong). “Xen vào” khi người khác đang nói – đối với tôi – không chỉ bất lịch sự, mà còn gây tiêu tốn khá nhiều năng lượng của bản thân.
Nếu đối tác của tôi tình cờ hỏi một câu hỏi nhạy cảm/mang tính cá nhân, xu hướng của tôi là hỏi lại trước khi tiếp tục. Đôi khi, để cho cuộc trò chuyện thêm “sôi động”, tôi có thể “chêm” vào một vài nhận xét mỉa mai. Đó đơn thuần chỉ là sở thích của tôi – tôi thích những bình luận gây sốc nhưng hài hước và sâu sắc, chứ bản thân tôi không hề có ý muốn làm tổn thương ai cả.
Hiện tại tôi chưa có bạn gái – nhưng nếu có trong tương lai, tôi sẽ muốn được thể hiện tình cảm của mình bằng hành động trong thinh lặng, hơn là diễn tả qua lời nói.
Đó chỉ đơn thuần là tính cách độc đáo của riêng tôi.
Phải chăng điều đó có nghĩa là tôi chỉ có thể kết bạn với những người hướng nội như tôi?
Thành thực mà nói, tôi không nghĩ như vậy.
Theo tôi, đối tác/ bạn đời tồn tại để bù đắp khuyết điểm của nhau. Do đó, tôi cho rằng việc một người hướng nội có mối quan hệ với một người hướng ngoại là hoàn toàn bình thường – miễn là cả hai tôn trọng ranh giới của nhau.
Đọc thêm: Luật hấp dẫn – Bí quyết thu hút thành công & hạnh phúc vào cuộc sống
Vẻ đẹp của người hướng nội
Những khó khăn trong thế giới của người hướng nội
Bạn có thể nghĩ tôi nhỏ bé, nhưng thực tế có cả một vũ trụ bên trong tâm trí của tôi.
Yoko Ono
Cuộc sống có quá khó khăn với người hướng nội? Người hướng nội có thể thành công trong cuộc sống không?
Đó là một vài thắc mắc thường gặp – đặc biệt đối với đa số người “hướng ngoại” ngoài kia. Những người như tôi thường bị họ hiểu lầm – đôi khi còn bị gắn mác là nhút nhát hoặc chống xã hội (antisocial). Một số thậm chí còn coi tính hướng nội là một điểm yếu cần được “khắc phục”.
Tôi đồng ý rằng, tính cách hướng nội đi kèm những nhược điểm nhất định – đặc biệt trong bối cảnh thế giới ồn ào và “năng động” như hiện nay.
Đối với những ai không thấu hiểu sự khác biệt trong tâm lý và tính cách, những người như tôi có vẻ rất thô lỗ và kiêu ngạo – mặc dù chúng tôi không hề có ý như vậy.
Mọi người thường chỉ trích và gây áp lực buộc chúng tôi phải trở nên cởi mở, nói nhiều và “vui vẻ” hơn – đáng tiếc là điều này chỉ càng khiến chúng tôi kiệt sức, cũng như khiến nhiều người bắt đầu hoài nghi về bản tính thực sự của mình. (thực sự, nếu chúng tôi làm điều tương tự với họ, liệu họ có vui vẻ không?)
Ngay cả khi người hướng nội thực sự yêu thương sâu đậm, họ thường gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của mình ra ngoài – không có gì ngạc nhiên khi mọi người hay hiểu nhầm suy nghĩ của chúng tôi.
Các cuộc tán gẫu, những sự kiện networking… quả thực là cái gì đó rất “khó nhai” với chúng tôi, những người ưa thích được trò chuyện thiên về chiều sâu hơn. Người hướng nội chúng tôi thường gặp rất nhiều khó khăn khi cần “thể hiện bản thân” trong các bối cảnh xã hội.
Ngay cả khi chúng tôi có khả năng đóng góp cho công việc, thực tế là hầu hết môi trường làm việc hiện đại không thực sự đáp ứng nhu cầu làm việc cần tập trung và không gian yên tĩnh. (và hệ quả là mọi người đánh giá rằng chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu để tiến lên các vị trí cao hơn)
Chúng tôi cần không gian và thời gian để suy ngẫm cũng như phục hồi năng lượng. Mặt khác, chúng tôi cũng khao khát những mối quan hệ ý nghĩa và sự hỗ trợ xã hội từ những người cùng chí hướng. Trong bối cảnh người hướng ngoại chiếm số đông và chi phối các quan điểm xã hội như hiện tại, tôi có thể nói rằng, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện.
…
Thế giới của người hướng nội
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, tôi vẫn giữ nguyên niềm tin mạnh mẽ rằng, chúng ta không cần thiết phải trở nên “hướng ngoại hơn”.
Đối với tôi, hướng nội chỉ đơn giản là một thiên hướng tính cách – liên quan đến cách chúng ta thu thập và tiêu hao năng lượng.
Là người hướng nội, chúng tôi cũng có thể tỏ ra hài hước và thú vị y như người hướng ngoại. Chúng tôi chỉ đơn giản thể hiện bản thân theo những cách riêng biệt (đôi khi có thể khiến mọi người cực kỳ sửng sốt).
Nói đến đây, tôi nhớ một hôm, một đồng nghiệp của tôi nói rằng cô ấy tự nhiên cảm thấy hơi chán và muốn uống cái gì đó để đời bớt “nhạt nhẽo” hơn.
Tôi nói, một cách châm biếm: “Vậy thì cứ uống muối đi!”
Tôi ước gì bạn đã có mặt ở đó để chứng kiến nét mặt của những người khác trong cuộc trò chuyện. Không thể nào diễn tả được!
Chà, đó chính là đặc điểm tính cách của người hướng nội (theo quan điểm cá nhân của tôi).
Những người hướng nội như tôi cũng có thể thành công và hạnh phúc như bất kỳ ai; chúng ta chỉ đơn giản cần đến một môi trường khác biệt để có thể phát triển.
Người sống hướng nội bị ghét
Tính cách của người hướng nội
Tôi mong muốn, cũng như mọi người khác, được sống hạnh phúc trọn vẹn – nhưng phải theo cách riêng của tôi.
Jane Austen
Dựa trên kinh nghiệm và quan sát cá nhân, tôi xin phép chia sẻ với bạn đọc một số đặc điểm chung về sở thích và tính cách của người hướng nội như sau:
Tránh xa
- Nói chuyện nhỏ hời hợt: Tôi thích những cuộc trò chuyện thực tình, có ý nghĩa và chiều sâu. Đối với tôi, những cuộc tán gẫu “rác rưởi” chỉ khiến bản thân bị kiệt sức và mất cảm hứng (trong trường hợp đó, tôi thà chợp mắt một lát để bảo toàn năng lượng và tránh “khẩu nghiệp” khi thảo luận về chuyện của người khác).
- Drama: Thực sự có ích gì khi tìm hiểu về những tin đồn, kịch tính hay những câu chuyện “vô bổ” về những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cuộc đời tôi chứ?
- Tiếng ồn quá mức: Âm nhạc, đám đông ồn ào, tiếng nói chuyện liên tục… những thứ này luôn khiến tôi khó chịu. Tôi chỉ có thể tập trung nếu được ở trong không gian thinh lặng hoặc âm thanh êm dịu.
- Tương tác xã hội liên tục: Đối với tôi, những cuộc tụ tập đông người, môi trường ồn ào… thực sự chỉ khiến tôi “choáng ngợp” và làm cạn kiệt năng lượng bên trong.
- Gặp mặt không định trước: Những buổi hẹn tự phát vào phút cuối, giao lưu mang tính “xã giao”… hoàn toàn không nằm trong vùng thoải mái của tôi. Phần lớn thời gian, tôi sẽ từ chối hoặc xin về càng sớm càng tốt.
- Áp lực phải “hướng ngoại”: Việc bị kỳ vọng phải hành động hướng ngoại hơn chỉ dẫn đến những xung đột nội tâm và cảm giác bất mãn không đáng có. Nhiều khi tôi tự hỏi: tại sao người khác không tôn trọng sự lựa chọn và ranh giới của những người giống như mình? (may mắn thay, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều so với những năm trước – vì vậy hiện tại đây không còn là vấn đề quá lớn đối với tôi nữa)
- Phán xét và hiểu lầm: Bị đánh giá là nhút nhát, bế tắc hoặc chống đối xã hội – trong khi tính cách của tôi chỉ đơn giản là thích sống nội tâm.
Sở thích
- Những cuộc trò chuyện sâu sắc & ý nghĩa: Cơ hội được chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng với những người mà tôi quan tâm và thực sự kết nối với họ.
- Thời gian yên tĩnh một mình: Đối với tôi, những khoảng thời gian này không chỉ dễ chịu, mà còn rất cần thiết để tôi có thể nhận thức suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, nạp lại năng lượng cũng như nuôi dưỡng năng lực sáng tạo.
- Tụ họp nhỏ, thân mật: Dành thời gian quý giá với bạn bè thân thiết hoặc những người thân yêu trong một môi trường yên tĩnh và thoải mái.
- Sáng tạo: Viết lách, âm nhạc, nghệ thuật hay bất kỳ phương pháp thể hiện bản thân nào. Đối với tôi, những hoạt động này mang lại sự hài lòng lớn hơn nhiều so với việc diễn đạt bằng lời nói.
- Hoạt động cần sự tập trung: Những công việc yêu cầu tôi phải đi sâu vào một chủ đề nhất định như: đọc, viết lách, luyện giọng hát, v.v…
- Công việc có ý nghĩa: Tham gia vào các hoạt động cho phép tôi tập trung, sử dụng kỹ năng phân tích và mang lại đóng góp có ý nghĩa.
- Kết nối chân thực: Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng, trung thành và cam kết lẫn nhau.
Giá như những người hướng ngoại nhận thức rõ hơn về những đặc điểm tính cách nêu trên, thì tôi tin rằng, thế giới này đã trở thành một nơi tốt đẹp hơn biết bao nhiêu!
Dù sao đi nữa, tất cả chúng ta đều có những hạn chế nhất định về mặt nhận thức – và không ai có thể thay đổi được quá khứ cả.
Nếu bạn là một người hướng ngoại đang gặp khó khăn trong việc tương tác với những người như tôi, rất mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn thấu hiểu và đồng cảm hơn với chúng tôi.
Người sống hướng nội và hướng ngoại
Bí quyết làm phong phú thế giới của người hướng nội
Đừng nghĩ tính cách hướng nội là một căn bệnh cần được chữa trị… Hãy dành thời gian rảnh rỗi theo cách bạn thích, chứ không phải theo cách bạn nghĩ mình phải làm.
Susan Cain
Với những ai cũng đang sống trong thế giới của người hướng nội giống như tôi, tôi xin mạn phép chia sẻ một vài lời khuyên để bạn có thể phát huy thế mạnh của mình và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn như sau:
Nên
Phục hồi:
- Lên lịch thời gian ở một mình: Dành vài khoảng thời gian trong ngày hoặc trong tuần để ở một mình, ngay cả khi bạn chỉ có 30 phút để đọc sách hoặc suy ngẫm trong thinh lặng.
- Lập ra một nơi “tôn nghiêm”: Lựa chọn một không gian thoải mái và yên tĩnh trong nhà để thư giãn và hoạt động một mình. Hãy sắp xếp gọn gàng, chọn những màu sắc dịu nhẹ và chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tận hưởng những hoạt động yên tĩnh mà bạn yêu thích.
- Thực hành chánh niệm: Các hoạt động như thiền có thể góp phần giúp bạn kiểm soát căng thẳng và kết nối với thế giới nội tâm của mình hơn.
- Ra ngoài thiên nhiên: Hãy cố gắng dành thời gian ngoài trời, đi bộ, làm vườn hoặc đơn giản là hòa mình vào thế giới tự nhiên.
- Phát triển các cơ chế đối phó lành mạnh: Bạn nên tìm đến những phương thức lành mạnh để đối phó với chứng lo âu hoặc “choáng ngợp” khi giao tiếp xã hội, như tập thở sâu, viết nhật ký hoặc chơi với thú cưng.
Kết nối:
- Tìm kiếm những kết nối có ý nghĩa: Đầu tư vào nuôi dưỡng tình bạn với những người thấu hiểu và đánh giá cao tính cách của bạn.
- Tham gia cộng đồng: Tìm đến các nhóm hoặc hoạt động phù hợp với sở thích của bạn, để có thể kết nối sâu sắc hơn với những người cùng chí hướng.
- Giao tiếp: Nếu có thể, đừng ngại chia sẻ nhu cầu và sở thích cá nhân với bạn bè, gia đình, đối tác để mọi người có thể thấu hiểu và tránh những nhầm tưởng không đáng về bạn.
- Thể hiện bản thân theo cách riêng: Bạn không cần phải là người ồn ào nhất trong phòng để được lắng nghe. Hãy chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng của bản thân theo những cách bạn cảm thấy thoải mái, chẳng hạn như thông qua viết lách, nghệ thuật hoặc trò chuyện riêng tư.
Phát triển:
- Theo đuổi đam mê: Tham gia vào những sở thích và hoạt động mang lại cho bạn niềm vui, cũng như cho phép bạn thể hiện bản thân một cách chân thực nhất.
- Quản lý thời gian biểu cá nhân: Lên kế hoạch trước cho các hoạt động xã hội của bạn – và cố gắng giới hạn chúng chỉ tập trung vào một vài người bạn thân hoặc thành viên gia đình quan trọng nhất.
- Đặt ra ranh giới: Học cách nói “không” với những cam kết xã hội quá sức, trong khi dành thời gian ưu tiên các hoạt động phù hợp với mức năng lượng của bạn. Sức khỏe của bạn là trên hết; do đó, đừng ngại từ chối những lời mời không thực sự có ý nghĩa với bạn.
- Thách thức những suy nghĩ tiêu cực: Thay vì chìm đắm trong những suy nghĩ nghi ngờ bản thân và những kỳ vọng của xã hội, bạn hãy học cách đón nhận điểm mạnh đến từ tính cách hướng nội và những quan điểm độc đáo của mình.
Không nên
- Buộc bản thân trở nên hướng ngoại: Đừng bao giờ cảm thấy bị áp lực phải thay đổi con người thật của mình. Hãy nhớ rằng, tính cách của bạn là một món quà – không phải là một lời nguyền. Vì vậy, bạn hãy học cách vươn lên và tiếp tục cuộc sống của mình.
- Xin lỗi về nhu cầu của bạn: Bạn xứng đáng có thời gian và không gian được ở một mình. Đừng cảm thấy tội lỗi vì ưu tiên sức khỏe của mình hơn kỳ vọng của người khác.
- Tin vào những định kiến tiêu cực: Đừng để người khác định nghĩa bạn dựa trên những quan niệm sai lầm về người hướng nội. Bạn có đủ năng lực, sự thú vị và khả năng mang lại những đóng góp giá trị. Đừng để sự tự ti cản trở bạn.
- Buộc bản thân tham gia vào những hoạt động khiến bạn kiệt sức: Thay vì cảm thấy bắt buộc phải tham dự mọi sự kiện xã hội, bạn nên ưu tiên nhu cầu ở một mình và nạp lại năng lượng khi cần thiết.
- Cô lập bản thân hoàn toàn: Mặc dù thời gian ở một mình rất quan trọng, song bạn vẫn nên duy trì một số tương tác xã hội nhất định. Hãy tìm sự cân bằng phù hợp với bạn – và đừng ngại liên hệ với bạn bè, gia đình hoặc cộng đồng trực tuyến để có được những tương tác ý nghĩa.
- So sánh bản thân với người khác: Nhu cầu xã hội của mỗi người là khác nhau. Hãy tập trung vào những gì bạn cảm thấy phù hợp với mình – chứ không phải những gì người khác nghĩ bạn nên làm.
- Phớt lờ tiếng nói bên trong: Chú ý đến mức năng lượng của bạn, và đừng đẩy bản thân vượt quá giới hạn bản thân. Lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi mỗi khi cần thiết.
- Bỏ bê sức khỏe thể chất: Tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ ngon có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả mọi người, kể cả người hướng nội. Chăm sóc cơ thể sẽ góp phần cải thiện mức năng lượng và sức khỏe tổng thể của bạn.
- Ngại yêu cầu giúp đỡ: Nếu bạn đang gặp khó khăn, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhà trị liệu, coach, mentor hoặc những chuyên gia tư vấn – để được cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại.
- Quên đi niềm vui sống: Những người hướng nội chúng ta thường quá nghiêm túc hoặc tập trung quá mức vào công việc/ mục tiêu, dẫn đến bỏ bê sức khỏe và hạnh phúc của mình (tôi là một ví dụ điển hình cho điều này). Thay vào đó, bạn hãy học cách thư giãn, cười đùa và vui vẻ với bản thân và người khác, trân trọng vẻ đẹp và sự kỳ diệu của từng khoảnh khắc cuộc sống mỗi khi có thể.
Trọng tâm của sống hướng nội là thấu hiểu và yêu quý bản thân, tôn trọng nhu cầu của bạn và hình thành một lối sống phù hợp với sở thích cá nhân. Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn, song tôi hy vọng bạn sẽ luôn nhắc nhở bản thân không ngừng nắm bắt những điểm mạnh độc đáo của mình, tìm cách kết nối, nạp lại năng lượng và phát triển theo cách khiến bạn cảm thấy chân thực và thỏa mãn nhất.
Đọc thêm: 70 câu hỏi về sự tự tin – Phát triển thông qua tự vấn
Sức mạnh của người hướng nội
Một số câu hỏi về thế giới của người hướng nội
Thông qua tìm hiểu sơ bộ, tôi nhận thấy rằng mọi người có rất nhiều mối quan tâm liên quan đến chủ đề thế giới của người hướng nội. Những gì tôi sắp chia sẻ với bạn dưới đây có thể không hoàn toàn chuyên nghiệp – nhưng với tư cách là một người hướng nội, tôi tin tưởng rằng bạn sẽ tìm thấy nhiều nội dung đáng giá từ đó.
2 người hướng nội yêu nhau được không?
Được chứ! Trên thực tế, giữa hai người hướng nội hoàn toàn có thể hình thành một mối quan hệ thấu hiểu và hỗ trợ tuyệt vời. Cả hai đều cần có thời gian riêng tư, đều trân trọng những cuộc trò chuyện ý nghĩa và những khoảnh khắc yên tĩnh bên nhau.
Hãy tưởng tượng những đêm ấm cúng cùng nhau khám phá sở thích, những cuộc thảo luận sâu sắc bên tách trà, hoặc những khoảng lặng mà đôi bên đều thoải mái mà không hề cảm thấy khó xử. Điều quan trọng với bạn không phải là tương tác xã hội thường xuyên – mà là tìm được một người tôn trọng tính cách hướng nội của mình, đồng thời bổ sung cho những điểm mạnh của bạn.
Liệu tôi có thể trở thành người hướng nội trong tương lai không?
Mặc dù các đặc điểm tính cách có xu hướng tương đối ổn định, song trải nghiệm cá nhân chắc chắn có thể tác động đến cách bạn tương tác với thế giới. Nếu bạn nhận thấy bản thân ngày càng kiệt sức vì phải tương tác xã hội, thích tìm đến không gian yên tĩnh và những cuộc trò chuyện có chiều sâu hơn, đó có thể là dấu hiệu cho sự thay đổi trong sở thích của bạn.
Đối với tôi, điều quan trọng không phải là trở thành một người hoàn toàn khác – mà là thừa nhận sự tồn tại của nhu cầu thế giới nội tâm của mình.
Con người có trở nên hướng nội hơn cùng với tuổi tác không?
Có một nhận xét phổ biến là mọi người, bất kể loại tính cách nào, đều có xu hướng khao khát sự cô độc hơn khi về già. Sự thay đổi các mối ưu tiên, mong muốn có được những kết nối có ý nghĩa thay vì những tương tác hời hợt thường tăng lên theo thời gian.
Tuy nhiên, trải nghiệm của mỗi cá nhân là không giống nhau; một số người hướng nội có thể nhận thấy vòng kết nối xã hội của họ bị thu hẹp đi, nhưng tình cảm lại trở nên sâu sắc hơn.
Người hướng nội có thể ở một mình bao lâu?
Không có câu trả lời chung cho câu hỏi này. Giống như người hướng ngoại có những nhu cầu xã hội khác nhau, người hướng nội cũng sẽ cảm thấy mức độ thoải mái khác nhau khi ở một mình. Một số có thể thích như vậy trong khoảng thời gian dài, trong khi số khác lại thích xen kẽ với những tương tác xã hội ngắn.
Điều quan trọng là bạn hãy lắng nghe tiếng nói bên trong và tôn trọng nhu cầu nạp lại năng lượng riêng của mình.
Liệu tôi có luôn mãi là người hướng nội không?
Mặc dù những đặc điểm tính cách cốt lõi có xu hướng ổn định, nhưng sự phát triển và thay đổi luôn hoàn toàn có thể xảy ra. Trải nghiệm cuộc sống, lựa chọn cá nhân và hành trình khám phá bản thân đều ảnh hưởng đến cách bạn tương tác với thế giới. Bạn có thể thấy mình trở nên thoải mái hơn trong các tình huống xã hội – trong khi vẫn trân quý xu hướng hướng nội của mình.
Hãy nhớ rằng, hướng nội không phải là một nhãn hiệu cố định, mà chỉ đơn thuần liên quan đến đặc điểm sở thích. Hãy chấp nhận con người thực của bạn và cho phép bản thân phát triển liên tục trong suốt hành trình cuộc sống.
Người hướng nội có cô đơn không?
Đương nhiên là không rồi! Một mặt, người hướng nội chúng ta ưu tiên thời gian ở một mình – mặt khác, chúng ta cũng đồng thời khao khát những kết nối sâu sắc và có ý nghĩa, giống như bất kỳ ai khác. Chúng ta mong muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt với bạn bè và những người thân yêu, trân trọng những khoảng thời gian quý giá hơn là những buổi tụ tập xã giao đông người. Tuy cách thể hiện tình cảm có thể khác biệt, song những kết nối của chúng ta cũng vẫn phong phú và trọn vẹn như bất kỳ ai.
Thế giới của người hướng nội
Danh ngôn về vẻ đẹp thế giới của người hướng nội
Trước khi kết thúc, chúng ta hãy cùng điểm qua một số câu trích dẫn truyền cảm hứng mà tôi – với tư cách là một người hướng nội – thực sự thấy ấn tượng. Nếu bạn cũng giống như tôi, tôi hy vọng rằng bạn sẽ có thể “thắp sáng” ngọn lửa nội tâm của mình sau khi đọc qua những “lời vàng ý ngọc” dưới đây:
Tôi chưa bao giờ bớt cô đơn hơn khi ở một mình.
Edward Gibbon
Thinh lặng là một nguồn sức mạnh to lớn.
Lão Tử
Ở một mình cho bạn thời gian để suy ngẫm và tìm kiếm sự thật. Hãy luôn nuôi dưỡng sự tò mò và làm cho cuộc sống của bạn trở nên đáng sống.
Albert Einstein
Ở một mình luôn có cảm giác như một nơi chốn thực sự đối với tôi, không chỉ đơn thuần là một trạng thái tồn tại. Nó là một căn phòng nơi tôi có thể trú ẩn và trở thành con người thật của mình.
Cheryl Strayed
Tôi muốn ở một mình… với một người khác cũng muốn ở một mình như tôi.
Dimitri Zaik
Khi còn nhỏ, tôi cho rằng mình không hoàn toàn bình thường. Khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi là khi tôi ở nhà một mình vào ngày thứ Bảy.
Charles Bukowski
(Nếu những trích dẫn phía trên thực sự truyền cảm hứng cho bạn, tôi đã biên soạn một danh sách đầy đủ hơn mà bạn có thể xem qua tại đây.
Ngoài ra, đừng quên tham khảo tác phẩm này bạn nhé: Quiet – The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking)
Lời kết
Và đó là toàn bộ những gì tôi muốn chia sẻ với bạn về thế giới của người hướng nội. Tuy có thể trầm lặng và “nhạt nhẽo” với nhiều người, nhưng với tôi, đó là một cuộc sống giàu chiều sâu, ý nghĩa và sức mạnh đến từ sự thầm lặng. Suy cho cùng, thế giới cần đến cả những cuộc trò chuyện sôi nổi và những lời thì thầm lặng lẽ – chính trong sự cân bằng hài hòa của hai thế lực tưởng như đối lập này mà chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa và sự kỳ diệu thực sự của cuộc sống.
Bạn có thấy như vậy không?
Có thể bạn quan tâm:
- Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn: 15 phương pháp thực hành
- 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề: Hành trang tự vấn mỗi ngày
- 180 câu hỏi về tình bạn: Hạt giống nuôi dưỡng các mối quan hệ trong đời sống
- 50 ý tưởng bucket list: Đi tìm niềm sống mỗi ngày
- Tổng hợp các câu nói truyền cảm hứng cho cuộc sống thêm phong phú
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!