Nhờ giúp đỡ: Sức mạnh đến từ sự yếu đuối

asking for help
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Nhờ giúp đỡ: Sức mạnh đến từ sự yếu đuối

Chính khi sẵn sàng nhờ giúp đỡ, chúng ta mới tìm thấy nguồn sức mạnh và động lực cần thiết để đưa cuộc sống sang trang mới, dồi dào và viên mãn hơn!

Xu hướng của thế giới hiện đại là đề cao quá mức vai trò của năng lực tự chủ và tự lo liệu cho bản thân – do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người luôn khư khư bám lấy lối tư duy độc lập mù quáng, để rồi từ chối tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác. Thế nhưng trên thực tế, “không ai là một hòn đảo cả”. Để có thể tồn tại, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của việc sẵn sàng hạ mình xuống và nhờ giúp đỡ từ những người xung quanh.

Tóm tắt nội dung chính

  • Hành vi nhờ giúp đỡ cho thấy thiện chí của người nói, dám thừa nhận hạn chế của bản thân. Tuy thường bị xem là dấu hiệu của sự yếu đuối, đó thực sự là một điều rất đáng khen ngợi; qua đó, mỗi người sẽ có thể xây dựng lòng tin, nuôi dưỡng các mối quan hệ, cũng như mở ra cơ hội tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hiện tại.
  • Xu hướng sợ bị phán xét và từ chối, mong muốn thể hiện năng lực tự chủ là nguyên nhân sâu xa ngăn cản ta tìm kiếm sự hỗ trợ – ngay cả khi ý thức được lợi ích tiềm tàng của nó. Làm như vậy, chúng ta tự đặt mình vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc, gây căng thẳng cho chính mình, tổn hại đến các mối quan hệ và bỏ lỡ cơ hội phát triển.
  • Để vượt qua nỗi sợ nhờ giúp đỡ, cần bắt đầu bằng việc thừa nhận nhu cầu của bản thân, thấu hiểu nguyên do của nỗi sợ, thay đổi tư duy, thực hành độc thoại tích cực và bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.
  • Hãy luôn tìm kiếm sự trợ giúp bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn, căng thẳng, mong muốn học hỏi, thiếu nguồn lực cần thiết, cần sự hợp tác, muốn xây dựng mối quan hệ, hoặc đơn giản là đang hướng đến mục tiêu tự cải thiện. Tùy vào tình huống cụ thể, người bạn cần liên hệ có thể là khách hàng, đồng nghiệp, coach hoặc người thân yêu.
  • Khi nhờ giúp đỡ, cần lưu ý các nguyên tắc như chọn đúng người đúng việc, cân nhắc thời điểm, trình bày rõ ràng và cụ thể vấn đề của bạn, sẵn sàng tiếp thu phản hồi và bày tỏ lòng biết ơn với đối phương.
  • Ngay cả khi bị từ chối, hãy luôn tự nhủ về tầm quan trọng của việc duy trì cái nhìn tích cực, điều chỉnh cách tiếp cận, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một người khác!

Thế nào là nhờ giúp đỡ?

Nhờ giúp đỡ là khi bạn sẵn sàng thể hiện nhu cầu cá nhân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có khả năng. Đây là một hành động đơn giản, song vô cùng giàu ý nghĩa và có “sức nặng” trong giao tiếp xã hội – chính qua đó, bạn cho thấy nhận thức về hạn chế của bản thân, cũng như tầm quan trọng của các mối dây kết nối giữa con người với nhau.

Về bản chất, cầu xin sự giúp đỡ có nghĩa là thừa nhận rằng không ai có thể tự mình xoay sở mọi việc trong mọi hoàn cảnh, rằng cuộc sống luôn đặt ra những thách thức vượt quá khả năng xử lý của một cá nhân, và rằng bạn đủ dũng cảm để đưa người khác vào thế giới của bạn. Thái độ khiêm tốn này chính là nền tảng quan trọng cho hành trình phát triển bản thân.

nhờ giúp đỡ

Nhờ giúp đỡ

Vì sao không nên ngại nhờ giúp đỡ?

Lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho bất kỳ ai đang trải qua một giai đoạn khó khăn, đó là đừng bao giờ ngại nhờ giúp đỡ.

Demi Lovato

  • Sức mạnh từ sự yếu đuối

Xin giúp đỡ thường bị xem là dấu hiệu của sự yếu đuối; trong khi thực tế, hành vi đó đòi hỏi một tinh thần dũng cảm rất lớn để dám tự hạ thấp cái tôi tự mãn của mình xuống. Chính qua đó, chúng ta thể hiện sự chân thực sâu sắc nhất, không ngại là chính mình – với đầy đủ những khiếm khuyết và bất toàn. Liệu có ai không thể không “mềm lòng” trước thái độ khiêm cung như vậy?

Bằng cách cầu xin sự trợ giúp từ người khác, bạn gửi đến họ một thông điệp vô cùng ý nghĩa, rằng bạn tin tưởng họ đủ để sẵn sàng cho họ bước vào “thế giới” của bạn, cùng chia sẻ những mối quan tâm và chuyên môn của họ. Niềm này đóng vai trò là “chất keo” tạo dựng nên những kết nối ý nghĩa trong cuộc sống – cũng như tạo cơ hội để mỗi người thấu hiểu và trân trọng giá trị của lòng biết ơn.

Chúng ta vun đắp tình yêu khi để cho mọi người nhìn thấy con người yếu đuối của mình, cũng như khi ta tôn trọng mối liên hệ tinh thần hình thành từ sự tin tưởng, lòng tốt và tình thương yêu lẫn nhau.

Brene Brown

  • “Chất xúc tác” cho hành trình tự hoàn thiện

Dù là tìm kiếm lời khuyên về sự nghiệp, hướng dẫn từ coach/mentor hay lời an ủi từ bạn bè, hành vi yêu cầu trợ giúp mang đến cơ hội mở rộng góc nhìn cá nhân, tiếp cận những ý tưởng/ giải pháp mới mà bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để mỗi người nhìn lại nhận thức về chính mình, nuôi dưỡng lòng tự trọng và trở nên tự tin hơn.

Đối với tôi, chân thành có nghĩa là sẵn sàng nhờ giúp đỡ từ người khác, bất kể là trong khía cạnh gì.

Mason Jennings

xin giúp đỡ

Nghệ thuật xin giúp đỡ

Vì sao chúng ta không muốn nhờ giúp đỡ?

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên về sự thực này: ngay cả tôi cũng thường xuyên làm ngược lại chính những điều mà tôi đã trình bày. Trong tôi luôn có sự tồn tại của một phần nhân cách độc lập, mong muốn trở thành “chuyên gia” giải quyết mọi vấn đề xảy đến với mình. Thay vì dành năm phút để giải thích tình hình của tôi với một ai đó có chuyên môn, tôi lại thích dành hàng giờ để tự mình “vật lộn” với một công việc mà chính bản thân không hoàn toàn hiểu/ có đủ năng lực xử lý nó.

Tôi cho rằng nguyên do là bởi tôi không muốn làm phiền bất kỳ ai, cộng thêm với khao khát muốn chứng minh năng lực tự chủ của mình. Trên thực tế, một trong những quản lý cũ của tôi từng đùa rằng, tâm lý bướng bỉnh đó của tôi không thực sự giúp ích gì cho làm việc nhóm.

Lời nhận xét đó có lẽ không hẳn là không có cơ sở.

Ví dụ, tôi nhớ lần nọ, bản thân đã dành cả ngày để cố gắng phân tích code website của khách hàng, mặc dù tôi không phải là chuyên gia lập trình (tuy cũng có ít nhiều chuyên môn về kỹ thuật). Cuối cùng, quá thất vọng vì không đạt được kết quả gì, tôi quyết định liên hệ với một người bạn am hiểu công nghệ. Và anh ta chỉ mất chưa đầy hai phút để chỉ ra cho tôi giải pháp cho vấn đề!

Đây là một ví dụ điển hình về thái độ cố chấp, muốn tự mình giải quyết vấn đề – trong khi chỉ cần hỏi người khác là tôi đã có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức của mình!

cần giúp đỡ

Xin trợ giúp

Đối với rất nhiều người trong chúng ta, nhờ giúp đỡ thực sự là một cái gì đó rất khó khăn, xuất phát từ những rào cản về phương diện tâm lý:

  • Sợ bị phán xét/ đánh giá là yếu đuối

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh xã hội/ môi trường làm việc hiện tại – khi mà sự tự tin và độc lập thường được “cường điệu hóa” thành những đặc điểm của người thành công. Xu hướng phán xét khiến ta thường ngần ngại tìm kiếm lời khuyên, ngay cả khi rõ ràng là làm như vậy sẽ mang lại lợi ích. Trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nỗi sợ tỏ ra yếu đuối có thể được quan sát thấy ở ngay cả trẻ em mới 7 tuổi.

  • Sợ bị từ chối

Con người có xu hướng “phóng đại” quá mức nguy cơ bị từ chối khi nhờ người khác giúp đỡ.

Xuan Zhao, chuyên gia tâm lý học xã hội từ Đại học Stanford

Một số người trong chúng ta có thể từng trải qua việc lời cầu xin giúp đỡ của mình bị đáp lại bởi thái độ im lặng, sỉ nhục, hoặc thậm chí là phản bội. Do đó, chúng ta chọn bám víu vào quá khứ và từ chối chìa tay ra cho người khác, ngay cả trong tình huống cấp bách nhất. Trong trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng, việc từng bị từ chối trong không tác động gì đến giá trị cũng như tiềm năng phát triển của ta.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science, 6 thí nghiệm trên 2000 người đã được tiến hành để tìm hiểu thêm về xu hướng yêu cầu giúp đỡ của con người. Kết quả cho thấy, phần lớn luôn đánh giá thấp thái độ sẵn lòng hỗ trợ của cả bạn bè và người lạ, cũng như những cảm xúc tích cực đến từ việc giúp đỡ người khác. Chính suy nghĩ này được xem là lời giải thích cho việc tại sao ta thường ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ.

Chúng ta có xu hướng lo lắng rằng đối phương sẽ không giúp đỡ mình; thế nhưng, thực tế đã chỉ ra rằng, con người luôn sẵn lòng thể hiện thiện chí hơn những gì bạn nghĩ đó! Giúp đỡ người khác không chỉ mang lại niềm vui, mà qua đó còn góp phần củng cố và tăng cường các mối quan hệ cá nhân.

Đừng để tiếng nói chỉ trích bên trong ngăn cản bạn – mọi người sẽ rất vui khi được hỏi ý kiến ​​và sẽ không phán xét bạn chỉ vì bạn cần được giúp đỡ!

  • Cái tôi cá nhân

Nhờ giúp đỡ đòi hỏi ta phải thừa nhận hạn chế của chính mình – rằng chúng ta không có câu trả lời cho mọi vấn đề cuộc sống. Hành động hạ mình như vậy thường khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và lo lắng, đặc biệt với những ai ở vị trí lãnh đạo hoặc đã đạt đến một mức độ thành công nhất định trong cuộc sống.

Những người thành công thường có lầm tưởng rất mạnh mẽ về năng lực bản thân; nhận thức này – vô hình chung – khiến họ cực kỳ miễn cưỡng khi cần yêu cầu trợ giúp. Làm như vậy có nghĩa là từ bỏ quyền kiểm soát cá nhân – và đối mặt với nguy cơ bị đánh giá là kém năng lực trong mắt người khác.

Chúng ta cần thừa nhận rằng, nỗi lo bị phán xét khi nhờ giúp đỡ xuất phát từ bên trong, chứ không phải bên ngoài.

Daniel Galletta

Hậu quả khi từ chối nhờ giúp đỡ

  • Chất lượng công việc suy giảm: Thái độ bướng bỉnh, cố gắng tự mình giải quyết vấn đề là nguyên nhân chính dẫn đến sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công việc/ sản phẩm đầu ra.
  • Tiến trình bị đình trệ: Đôi khi chúng ta đơn giản là không có đủ kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm cần thiết để xử lý một thách thức cụ thể. Trong trường hợp như vậy, việc từ chối tiếp cận người khác sẽ chỉ khiến bạn bị “mắc kẹt” một chỗ mà không thể đi tiếp được.
  • Ngăn cản sự phát triển: Không yêu cầu giúp đỡ đồng nghĩa với việc bạn sẽ tự giới hạn ở những gì mình đã biết.
  • Căng thẳng & kiệt sức: Về lâu dài, việc xoay xở gánh vác nhiều trách nhiệm mà không có sự hỗ trợ sẽ dẫn đến căng thẳng tích tụ và nguy cơ kiệt sức (burnout).
  • Mối quan hệ bị tổn hại: Thật mỉa mai biết bao khi trên thực tế, việc ta liên tục cố gắng tự giải quyết mọi việc – để rồi “xoi hỏng bỏng không” – chỉ càng khiến ta dễ bị xem là bất tài trong mắt người khác. Chưa kể, hành vi đó cũng đồng thời gây ra khoảng cách trong các mối quan hệ cá nhân. Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ (đặc biệt là những người thân quen/ bạn bè của bạn) và việc không liên hệ họ khi cần thiết cũng giống như nói với họ rằng, bạn không tin tưởng họ.
  • Mặc cảm tự ti: Liên tục cố gắng mà không tìm kiếm sự hỗ trợ thường dẫn tới cảm giác bất lực và lòng tự trọng thấp. Về lâu dài, bạn thậm chí có thể sẽ bắt đầu tin rằng, bản thân không có khả năng tự mình giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Cách vượt qua nỗi sợ nhờ giúp đỡ

  1. Thừa nhận nhu cầu chính đáng của bản thân

Ai trong chúng ta cũng cần được giúp đỡ, và điều đó không có gì sai cả.

TS. Marshall Goldsmith

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để vượt qua nỗi sợ nhờ giúp đỡ là ý thức rằng mọi người – dù tài giỏi hay thành công đến đâu – đều không tránh khỏi việc cần được hỗ trợ tại nhiều thời điểm trong cuộc sống. Nói cách khác, đó là một phương diện tất yếu của con người – không phải dấu hiệu của sự yếu đuối.

Chấp nhận thực tế nêu trên sẽ nuôi dưỡng lòng can đảm để bạn sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Trên thực tế, ngay cả những cá nhân cực kỳ thành đạt cũng không nằm ngoài quy luật này. Ví dụ, Steve Jobs từng được biết đến là người rất cầu toàn và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, chính ông cũng ý thức được giá trị của tinh thần hợp tác. Vì lý do này, ông luôn tìm đến những người tài năng và không ngại yêu cầu họ chia sẻ ý kiến chuyên môn mỗi khi gặp phải vấn đề khó khăn.

Đọc thêm: Thấu hiểu bản thân – Lộ trình hướng tới một bản thể chân thực hơn

  1. Đối diện với nỗi sợ

Tiếp theo, bạn cần tìm hiểu lý do đằng sau xu hướng từ chối tìm kiếm sự hỗ trợ, để có thể đưa ra phương hướng khắc phục.

Để làm điều này, bạn có thể thực hành bài tập như sau. Mỗi ngày, hãy suy ngẫm theo bộ câu hỏi dưới đây:

  • Tôi đã hoàn thành mục tiêu hàng ngày của mình chưa?
  • Tôi có cần hỗ trợ không?
  • Tôi đã liên lạc với ai để được hỗ trợ chưa?
  • Nếu không, những trở ngại nào đã kìm hãm tôi?

Thực hành tự vấn hàng ngày sẽ mang đến cơ hội để bạn xác định lại những rào cản đang ngăn bạn tiến tới, đặt nền tảng cần thiết cho sự chuyển đổi.

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề

  1. Thay đổi quan niệm

Khi đã xác định nguồn cơn nỗi sợ, hãy suy nghĩ xem liệu nó có hợp lý không. Lấy ví dụ, nếu bạn lo lắng về việc bị xem là kẻ bất tài, hãy nhắc nhở bản thân rằng, ai cũng có lúc phạm sai lầm, và rằng việc yêu cầu trợ giúp là dấu hiệu của sự khiêm tốn và mong muốn học hỏi.

Ngoài ra, thay vì tập trung vào những điểm tiêu cực của việc tìm kiếm sự hỗ trợ (ví dụ: bị từ chối/bị xem là thiếu năng lực), hãy chuyển hướng chú ý sang những khía cạnh tích cực. Rằng bạn sẽ nhẹ nhõm biết bao khi hoàn thành được công việc – chưa kể đến cơ hội học hỏi kiến thức mới, cũng như vun đắp các mối quan hệ thêm bền chặt!

  1. Khẳng định tích cực

Nếu vẫn cảm thấy thiếu can đảm khi cần tiếp cận người khác, bạn có thể cân nhắc sử dụng những câu khẳng định tích cực như:

  • “Không có gì là sai khi mình không biết tất cả mọi thứ.”
  • “Yêu cầu giúp đỡ là biểu hiện của sức mạnh.”
  • “Mình xứng đáng nhận được sự hỗ trợ.”
  • v.v…

Thường xuyên lặp lại những lời trên với chính mình, và bạn sẽ dần dần hình thành sự tự tin cần thiết để có thể nhờ giúp đỡ!

Đọc thêm: Học cách yêu bản thân – Hành trình 16 bước thay đổi cuộc sống

  1. Bắt đầu từng bước

Nếu cảm thấy “choáng ngợp” với ý tưởng tìm kiếm sự hỗ trợ cho một dự án hoặc nhiệm vụ quan trọng, lời khuyên là bạn hãy từ từ theo từng bước. Bắt đầu bằng cách chia nhỏ công việc thành các phần nhỏ, sau đó yêu cầu trợ giúp về một khía cạnh/ vấn đề cụ thể. Hãy đảm bảo rằng mỗi phần có mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được trong một khoảng thời gian hợp lý.

Ví dụ, giả sử bạn đang chuẩn bị bài thuyết trình cho một chiến dịch marketing mới, nhưng cảm thấy bối rối không biết trình bày dữ liệu sao cho tối ưu nhất. Thay vì nhờ hỗ trợ làm toàn bộ bài thuyết trình, tốt hơn là hãy đưa ra một lời nhờ vả cụ thể hơn như:

“Tôi đang trực quan hóa dữ liệu của bài thuyết trình, nhưng không chắc nên dùng loại biểu đồ nào sẽ hiệu quả nhất. Bạn có gợi ý nào không?”

Dần dà từng bước một, bạn sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện điều tương tự trong những tình huống phức tạp về sau.

cách vượt qua nỗi sợ nhờ giúp đỡ

Cách vượt qua nỗi sợ nhờ giúp đỡ

Khi nào nên yêu cầu trợ giúp?

Nhận ra thời điểm thích hợp để tìm kiếm sự hỗ trợ là rất quan trọng đối với việc cải thiện năng suất, các mối quan hệ và phát triển cá nhân. Sau đây là một số tình huống mà bạn nên cân nhắc tìm đến sự trợ giúp từ người khác:

  • Khi bạn bị mắc kẹt hoặc bối rối

Không có gì đáng xấu hổ khi thừa nhận rằng bạn không có câu trả lời cho mọi vấn đề. Khi xảy ra khó khăn mà bản thân không thể tự mình giải quyết, tìm kiếm sự giúp đỡ là một lựa chọn khôn ngoan, sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tránh rơi vào tình trạng thất vọng, cũng như nuôi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề và tinh thần hợp tác.

  • Khi bạn cảm thấy choáng ngợp hoặc căng thẳng quá mức

Cuộc sống luôn có những thăng trầm của nó, dù là do công việc, vấn đề cá nhân hay các trách nhiệm khác. Việc nhờ giúp đỡ vào những lúc như vậy sẽ mang đến cho bạn sự hỗ trợ cần thiết – cả về phương diện thiết thực lẫn cảm xúc – để khôi phục trạng thái cân bằng và quản lý công việc hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ, bạn phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp tại gia đình, mà lịch trình làm việc lại quá bận rộn. Trong tình huống như vậy, đừng ngần ngại nhờ những người thân yêu hỗ trợ bất cứ điều gì – dù là nhờ giúp đỡ chăm sóc con cái hay chỉ đơn thuần là được một người bạn thân lắng nghe nỗi lòng. Bằng cách chia sẻ gánh nặng, bạn sẽ có thể giải phóng bớt áp lực tinh thần và năng lượng cảm xúc để vượt qua thời điểm khó khăn.

  • Khi bạn có mong muốn học hỏi điều gì

Khao khát mở rộng kiến ​​thức/ phát triển kỹ năng mới là động cơ vô cùng hoàn hảo để tìm kiếm sự giúp đỡ. Cho dù bạn muốn học một ngôn ngữ mới, thành thạo một loại nhạc cụ hay nghiên cứu một chủ đề xã hội phức tạp, việc tìm kiếm sự hướng dẫn từ các chuyên gia hoặc cố vấn sẽ góp phần đẩy nhanh đáng kể tiến trình học tập của bạn.

  • Khi bạn không có đủ nguồn lực

Đôi khi, bạn có thể nhận thấy bản thân thiếu các nguồn lực cần thiết – dù đó là thời gian, tiền bạc hay bất kỳ thứ gì – để hoàn thành một nhiệm vụ/ mục tiêu cụ thể. Khi đó, nhờ giúp đỡ sẽ mang đến sự hỗ trợ cần thiết để cải thiện cơ hội thành công của bạn.

Ví dụ, giả sử bạn có niềm đam mê với một dự án cá nhân, nhưng lại không đủ ngân sách để thực hiện. Đây chính là lúc bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ – bằng cách nghiên cứu về các nguồn quỹ cộng đồng, tài trợ, học bổng, hoặc thậm chí là trao đổi kỹ năng/ dịch vụ để có được sự hỗ trợ cần thiết. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn cân nhắc!

  • Khi một công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều hơn một người

Có những nhiệm vụ và dự án quá lớn/ quá phức tạp để một cá nhân có thể xử lý hiệu quả. Trong trường hợp như vậy, hợp tác với người khác là rất cần thiết để đảm bảo kết quả như ý, cũng như tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có.

  • Khi bạn muốn xây dựng lòng tin và mối quan hệ

Yêu cầu hỗ trợ là một cách tuyệt vời để nuôi dưỡng lòng tin và mối quan hệ bền chặt với người khác. Nó cho thấy bạn đánh giá cao chuyên môn và đóng góp của họ, làm nền tảng cho quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai bên.

Nếu muốn biến ai đó thành bằng hữu, hãy để họ giúp đỡ bạn.

Benjamin Franklin

  • Khi bạn muốn thay đổi bản thân

Hành trình tự hoàn thiện của mỗi người luôn cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cho dù bạn đang cố gắng từ bỏ một thói quen xấu, tăng cường thể lực hay giải quyết một vấn đề cá nhân, thì việc nhờ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia giúp đỡ là bước rất quan trọng để làm “bàn đạp” cho quá trình chuyển đổi.

Ví dụ, bạn đang quyết tâm từ bỏ thói quen “lề mề”. Bên cạnh ý chí cá nhân, đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của một hệ thống hỗ trợ. Hãy cân nhắc nhờ một người bạn trở thành đối tác trách nhiệm giải trình (accountability partner), người sẽ đóng vai trò định kỳ kiểm tra tiến độ và động viên bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến các nhóm hỗ trợ trực tuyến hoặc các ứng dụng được thiết kế để giúp người dùng thay đổi hành vi/ từ bỏ thói quen xấu!

Sức mạnh thực sự đến từ sự yếu đuối. Bạn phải đặt câu hỏi để có được câu trả lời, ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc thừa nhận sự thiếu hiểu biết của bản thân.

Majid Kazmi

nhờ giúp đỡ

Đừng ngại nhờ giúp đỡ

Đọc thêm: 15 phương pháp chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Nên nhờ ai giúp đỡ?

  • Khách hàng: Trong môi trường làm việc, khách hàng đóng vai trò là nguồn thông tin đầu vào rất quan trọng. Thông qua phản hồi về sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả công việc, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn nhu cầu của họ, cải thiện và xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn.
  • Bạn bè & đồng nghiệp: Hãy tiếp cận những người đã từng đối mặt với những vấn đề tương tự và xin họ chia sẻ hiểu biết của mình. Tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc các sự kiện giao lưu là cơ hội tuyệt vời để bạn kết nối với những cá nhân có thể đồng cảm với hoàn cảnh hiện tại.
  • Coach/ mentor: Thông qua kinh nghiệm và phản hồi mang tính xây dựng của coach/ mentor, bạn sẽ có thể đặt mục tiêu và được tiếp cận lời khuyên trong suốt hành trình phát triển chuyên môn của mình.
  • Gia đình và bạn bè: Góp ý ​​từ các thành viên trong gia đình cũng quan trọng như ý kiến ​​từ đồng nghiệp, đôi khi thậm chí còn có giá trị hơn – xuất phát từ mối quan hệ thân thiết của họ với chúng ta.

Nhờ giúp đỡ tại nơi làm việc

Cách thức nhờ giúp đỡ

Tùy vào tình huống cụ thể, bạn có thể lựa chọn trong số các cách tiếp cận sau:

  • Trực tiếp và lịch sự:
    • “Tôi đang bị mắc kẹt ở bài toán này. Bạn có thể hướng dẫn tôi làm sao hoàn thành bước 5 không?”
    • “Nếu bạn có thời gian, tôi thực sự rất mong được bạn giúp đỡ…”
    • “Bạn có thể vui lòng xem qua cái này giúp tôi được không?”
  • Công nhận chuyên môn của họ:
    • “Tôi biết bạn rất giỏi về giải quyết vấn đề, vậy bạn có thể giúp tôi…?”
    • “Tôi đánh giá cao ý kiến ​​đóng góp của bạn. Vậy tôi có thể thảo luận ý tưởng này với bạn được không?”
    • “Tôi trân trọng ý kiến ​​của bạn. Bạn nghĩ sao về…?”
  • Yêu cầu mở:
    • “Tôi đang cảm thấy khá đau đầu với dự án này. Bạn có gợi ý nào về cách tiếp cận không?”
    • “Tôi bị kẹt ở chỗ này. Chúng ta có thể cùng nhau thảo luận ý tưởng giải pháp không?”
  • Đưa ra lựa chọn cho người trợ giúp:
    • “Tôi đang bận quá. Bạn nghĩ bạn có thể giúp tôi bằng cách… được không?”
    • “Tôi đang gặp rắc rối với dự án này. Bạn có thể giúp tôi giải đáp một vài câu hỏi hoặc chỉ cho tôi hướng đi phù hợp không?”
  • Nhờ vả thân mật:
    • “Bạn ơi, tôi có thể nhờ bạn một lát được không?”

Bí quyết nhờ giúp đỡ hiệu quả

  1. Chọn đúng người đúng việc

Hãy cân nhắc xem ai có chuyên môn phù hợp nhất với yêu cầu cụ thể của bạn. Họ từng có kinh nghiệm xử lý các vấn đề tương tự không? Họ có thực sự có khả năng giúp bạn ngay bây giờ không?

Ví dụ:

  • Tình huống: Bạn đang viết báo cáo về một chương trình phần mềm mới cho công ty và cần trợ giúp để hiểu rõ một số tính năng.
  • Lựa chọn sai: Quản lý trực tiếp của bạn, tuy có thể là người tốt, song có lẽ sẽ không thể hiểu rõ về vấn đề bạn đang gặp phải.
  • Lựa chọn đúng:
    • Một người đồng nghiệp đã từng sử dụng phần mềm này một thời gian.
    • Phòng IT, nơi bạn sẽ tìm thấy những người từng trải qua đào tạo bài bản.
  1. Chú ý đến thời gian

Đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ ngay khi bạn gặp vấn đề. Chỉ cần một câu hỏi ngắn gọn cũng đủ để ngăn chặn nguy cơ xảy ra vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, trước khi tiếp cận ai đó, hãy lưu ý đánh giá khối lượng công việc và tình trạng căng thẳng của họ. Họ có đang vội chạy deadline hay xử lý email không? Trong trường hợp đó, tốt hơn là nên đợi đến lúc sau, khi họ đã bình tĩnh hơn. Nếu cần thảo luận chi tiết, hãy cân nhắc đề xuất thời gian gặp mặt cụ thể phù hợp với cả hai bên.

  1. Yêu cầu cụ thể

Nội dung cụ thể là yếu tố rất quan trọng để có được sự hỗ trợ từ người khác. Hãy trình bày rõ ràng những gì bạn cần trợ giúp, cung cấp đầy đủ bối cảnh và chi tiết. Ví dụ, thay vì nói “Bạn có thể giúp tôi làm báo cáo này không?”, hãy hỏi “Bạn có thể giúp tôi hiệu đính lỗi ngữ pháp và định dạng mẫu báo cáo này không?”.

Càng chi tiết bao nhiêu, đối phương sẽ càng dễ hỗ trợ bạn bấy nhiêu.

  1. Rõ ràng & rành mạch

Bên cạnh đó, hãy chú ý truyền đạt kỳ vọng và kết quả mong muốn của bạn, để đối phương dễ dàng điều chỉnh nỗ lực của họ theo mục tiêu đề ra. Ví dụ, thay vì “Tôi đang gặp khó khăn với vấn đề này”, hãy thử nói như sau:

“Tôi đang gặp khó khăn khi cố gắng tính diện tích của hình tam giác này. Tôi biết đáy là 5 cm và chiều cao là 3 cm, nhưng tôi không thể tìm ra công thức tính diện tích. Bạn có thể giúp tôi không?”

Đôi khi, cung cấp một chút thông tin về bối cảnh sẽ giúp bạn nhận được sự hỗ trợ cần thiết (ví dụ: bạn có thể giải thích những phương pháp bạn đã thử nghiệm, hoặc đề cập đến deadline của công việc).

  1. Sẵn sàng tiếp thu

Phần lớn thời gian, mọi người sẽ đưa ra những hiểu biết/cách tiếp cận khác biệt hoặc hoàn toàn trái ngược với phương thức của bạn. Trong trường hợp như vậy, hãy cố gắng lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu quan điểm của họ.

Nếu có điều gì không rõ ràng, đừng ngại đặt câu hỏi với đối phương.

  1. Biết ơn

Yêu cầu giúp đỡ với sự xấu hổ có nghĩa là: Bạn có quyền lực trên tôi. Làm việc đó với thái độ trịch thượng có nghĩa là: Tôi có quyền lực đối với bạn. Ngược lại, nhờ giúp đỡ với lòng biết ơn có nghĩa là: Chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Amanda Palmer

Hãy luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi sự hỗ trợ bạn nhận được. Hai tiếng “cảm ơn” đơn giản cũng đủ nói lên việc bạn ghi nhận thời gian và công sức mà người khác đã dành ra để hỗ trợ bạn. Ngoài ra, có thể cân nhắc viết một bức thư/ email cảm ơn, đặc biệt trong những tình huống trang trọng hơn.

Lòng biết ơn không chỉ thể hiện sự trân trọng mà còn đặt nền tảng cho các mối quan hệ tích cực và hỗ trợ sau này.

Đọc thêm: Không biết nói lời cảm ơn – Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?

  1. Trả ơn (không bắt buộc)

Tùy vào trường hợp cụ thể, bạn có thể lựa chọn thứ gì đó để đổi lại sự hỗ trợ từ người khác (ví dụ: thời gian, chuyên môn về chủ đề khác mà bạn am hiểu). Ngay cả khi không thể trả ơn ngay lập tức, hãy luôn ghi nhớ và tìm kiếm cơ hội trong tương lai để giúp đỡ người đã hỗ trợ bạn.

Cách nhờ người khác giúp đỡ

Cách nhờ người khác giúp đỡ

Bài tập thực hành nhờ giúp đỡ

  • Đóng vai: Mô phỏng tình huống thực tế khi bạn cần đến sự trợ giúp (ví dụ: hỏi đường, đặt câu hỏi về dự án, hỗ trợ vấn đề kỹ thuật, v.v…). Bạn có thể thực hành với bạn bè/ người thân hoặc thậm chí tự luyện tập trước gương để tự tin hơn khi trường hợp tương tự xảy ra trong thực tế.
  • Rèn luyện kỹ năng giao tiếp quyết đoán: Viết ra giấy những cụm từ mà bạn có thể sử dụng khi yêu cầu trợ giúp. Ví dụ, “Tôi bị kẹt ở phần này, bạn có thể giúp tôi không?” hoặc “Tôi rất mong nhận được hướng dẫn về [công việc cụ thể]”.
  • Thảo luận nhóm: Tham gia hoạt động nhóm, cùng mọi người chia sẻ về những thời điểm cần giúp đỡ và cách bản thân đã xử lý vấn đề ra sao. Lắng nghe từ trải nghiệm của người khác là một cách rất hay để tạo động lực cho bản thân và tìm hiểu các kỹ thuật mới.
  • Bài tập lắng nghe và phản hồi: Chủ động lắng nghe các cuộc trò chuyện khi ai đó đưa ra yêu cầu. Chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và cách họ diễn đạt yêu cầu của mình – sau đó thực hành mô phỏng lại.
  • Hoạt động thể chất: Đôi khi, vài phút hoạt động thể chất nhanh như chạy bộ hoặc bài tập thở sâu có thể giúp bạn phần nào tỉnh táo, giảm bớt lo lắng và tiếp cận vấn đề với sự tập trung/ tự tin hơn.

nhờ người khác giúp đỡ

Nhờ người khác giúp đỡ

Khi yêu cầu trợ giúp bị từ chối

Nhờ giúp đỡ là dấu hiệu của sức mạnh, không phải sự yếu đuối. Thế nhưng đôi khi, dù đã nỗ lực hết mình, câu trả lời bạn nhận được vẫn sẽ là “không”. Đó là điều hoàn toàn bình thường, và đừng vì vậy mà bỏ cuộc!

Đầu tiên, hãy hít thở thật sâu và cố gắng nhìn nhận sự việc theo góc nhìn của đối phương. Có lẽ họ đang quá tải hoặc thiếu chuyên môn về vấn đề của bạn. Thấu hiểu hoàn cảnh của họ là cơ sở nuôi dưỡng năng lực đồng cảm và trí tuệ cảm xúc, tránh việc bạn cảm thấy bị “tổn thương”.

Nếu điều kiện cho phép, hãy cân nhắc diễn đạt lại nội dung yêu cầu của bạn. Cố gắng chia sẻ rõ ràng và cụ thể về những gì bạn cần. Có khi nào bạn đã bỏ qua một giải pháp thay thế không? Nếu sau đó đối phương vẫn từ chối, hãy cứ vui vẻ chấp nhận. Chẳng ích gì khi cứ bận tâm về điều đó cả!

Hãy nhớ rằng, khi cánh cửa này đóng lại, thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Bạn có thể biến việc bị từ chối thành động lực thúc đẩy bản thân khám phá các nguồn lực mới hoặc sáng tạo hơn trong quá trình tìm kiếm giải pháp. Đừng nản lòng quá sớm – nhưng hãy tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ, cho đến khi bạn gặp được quý nhân!

Đọc thêm: Cách sống vui vẻ – 20 bí quyết giúp bạn hạnh phúc hơn mỗi ngày

nhờ giúp đỡ

Hãy luôn sẵn sàng nhờ giúp đỡ

Danh ngôn về sự giúp đỡ

Nhờ giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là của sức mạnh. Nó cho thấy bạn đủ can đảm để thừa nhận khi bạn không biết điều gì đó và sẵn sàng học hỏi cái mới.

Barack Obama

 

Giúp đỡ người khác là một hành vi dũng cảm và nhân ái, nhưng việc nhờ giúp đỡ cũng tương tự như vậy.

Brené Brown

 

Không điều gì khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn cho bằng cầu xin sự trợ giúp.

Paul VI

 

Chính khi nhờ người khác hướng dẫn, bạn sẽ thấy được những điều bản thân chưa từng biết. Hãy luôn nhìn lại cái tôi của bạn và sẵn sàng yêu cầu trợ giúp.

Ken Blanchard

 

Không có cách nào khiến ai đó cảm thấy hài lòng về bản thân hơn là nhờ họ giúp đỡ bạn.

Heidi Grant

 

Hãy luôn nhờ người khác giúp đỡ. Bạn thực sự cần sự hỗ trợ nhiều hơn những gì bạn nghĩ.

Marshall Goldsmith

 

Ai tìm kiếm sự giúp đỡ tất sẽ nhận được nó.

J. K. Rowling

 

Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp.

Matthew 7:7

Lời kết

Hành vi sẵn sàng nhờ giúp đỡ là minh chứng “hùng hồn” cho sức mạnh nội tại của con người. Nó cho thấy bạn đủ can đảm thừa nhận hạn chế của bản thân, cũng như tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội. Mỗi khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, hãy ghi tâm khắc cốt rằng: việc tìm kiếm sự hỗ trợ không chỉ là một lựa chọn thực tế, mà còn là nền tảng quan trọng để bạn hướng tới sự tự hoàn thiện và một cuộc sống viên mãn!

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status