Không biết nói lời xin lỗi là thói quen xấu phổ biến tác hại cực kỳ nghiêm trọng đến hành trình tìm kiếm thành công và cuộc sống viên mãn.
Lời xin lỗi có ý nghĩa vô cùng quan trọng để duy trì các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, chúng ta thường gặp khó khăn khi cần phải tỏ ra hối lỗi về những điều bản thân đã làm/ đã không làm. Trên thực tế, không biết nói lời xin lỗi là một thói quen xấu phổ biến – gây tác hại cực kỳ nghiêm trọng trên hành trình tìm kiếm thành công và cuộc sống viên mãn của mỗi người.
Tóm tắt nội dung chính
- Hành vi không biết xin lỗi được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ từ chối nhận sai và đổ lỗi cho đến viện cớ giảm thiểu tác động và đưa ra lời xin lỗi không chân thành; tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân. Có nhiều lý do phức tạp dẫn tới thói quen xấu này – từ xu hướng ích kỷ, sợ xấu hổ đến thái độ hoài nghi về khả năng hòa giải, gặp khó khăn trong việc bày tỏ sự hối hận.
- Việc thường xuyên không xin lỗi người khác sẽ làm tổn hại đến các mối quan hệ, gây căng thẳng, tổn hại đến danh tiếng bản thân, ngăn trở sự phát triển cá nhân và sự nghiệp.
- Thốt ra hai tiếng “xin lỗi” thường rất khó khăn, phần vì chúng ta sợ bị coi là yếu đuối, sợ mất kiểm soát, cũng như có thể do xuất phát từ các trải nghiệm trong quá khứ. Thế nhưng, một câu “Tôi xin lỗi” chân thành sẽ xua tan những nỗi sợ hãi này và nuôi dưỡng những kết nối chân thực hơn. Giống như khi ta bày tỏ tình yêu thương, thể hiện sự hối lỗi là nền tảng chữa lành những vết thương trong quá khứ, thúc đẩy sự tha thứ và mở ra cánh cửa cho các mối quan hệ bền chặt hơn.
- Để đưa ra lời xin lỗi chân thành, bạn cần thừa nhận những sai phạm trong quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm và đề nghị sửa chữa cho những hành vi sai trái của mình. Ngay cả khi lời xin lỗi của bạn ban đầu bị từ chối, hãy giữ bình tĩnh, tôn trọng và làm mọi cách cần thiết để thể hiện cam kết hàn gắn từ phía mình.
- Một lời xin lỗi chân thành chỉ là khởi đầu; bạn phải thực sự hành động để xây dựng lại lòng tin và đạt được sự thay đổi lâu dài.
- Mặt khác, khi người khác không chịu xin lỗi bạn, hãy nên cân nhắc việc đặt ra ranh giới, bày tỏ cảm xúc với đối phương, ưu tiên việc chăm sóc bản thân, cũng như sẵn sàng buông bỏ để tâm hồn được thanh thản.
Thế nào là người không biết nói lời xin lỗi?
Tất cả chúng ta hẳn đều đã từng gặp những người dường như không bao giờ biết thừa nhận những việc làm sai trái/ hành động gây tổn thương của họ đối với người khác. Thái độ miễn cưỡng nhận sai lầm/chịu trách nhiệm là nguyên nhân lớn khiến họ luôn căng thẳng trong các mối quan hệ cá nhân, cản trở sự phát triển cá nhân của họ.
Hành vi từ chối xin lỗi được thể hiện theo nhiều cách khác nhau như:
- Chối bỏ trách nhiệm: Những người mắc phải thói quen xấu này thường kiên quyết phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào của họ – ngay cả khi được đưa ra bằng chứng rõ ràng, xác thực những gì họ đã làm.
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Thay vì thừa nhận hành động của mình, họ thường thích đổ lỗi cho người khác hoặc các yếu tố bên ngoài – như một cách để trốn trách nhiệm cá nhân/ tránh phải đối mặt với hậu quả do những việc họ đã làm.
- Chống chế và bao biện: Bị ám ảnh bởi cái tôi “dễ vỡ”/ nhận thức bản thân mờ nhạt, họ cố gắng tìm cách hợp lý hóa hành động gây tổn thương của mình – thay vì thừa nhận tác động của chúng đến người khác – bằng cách đưa ra những lý do biện minh như: bị căng thẳng, mệt mỏi hoặc bị khiêu khích, v.v…
- Nói giảm nói tránh: Họ xem nhẹ hậu quả của hành động đã làm – một số thậm chí có thể quy trách nhiệm cho đối phương, cho rằng người khác phản ứng thái quá, quá nhạy cảm hoặc phóng đại vấn đề.
- Tránh nhìn nhật sự thật: Khi phải đối mặt với những gì đã làm hoặc được yêu cầu xin lỗi, họ thường tìm cách thay đổi chủ đề hoặc “đánh trống lảng”, thay vì chấp nhận đối thoại về những việc khó chịu đã làm.
- Chỉ trích cảm xúc/ quan điểm của người khác: Thay vì thể hiện tinh thần đồng cảm và thấu hiểu, một số có thể công kích hoặc chỉ trích cảm xúc, quan điểm hoặc hành động của người khác.
- Xin lỗi cho qua: Thái độ không biết nhận lỗi còn thể hiện qua những cách nói thiếu thành tín như “Tôi rất lấy làm tiếc vì bạn cảm thấy như vậy” hoặc “Tôi xin lỗi nếu đã xúc phạm bạn” – làm như vậy, họ chuyển hướng trách nhiệm sang cảm xúc của đối phương, hơn là tập trung khắc phục hậu quả do hành động của chính họ.
- Mong đợi được “xí xóa”: Những người này có thể mong đợi người khác tha thứ cho họ mà không bày tỏ sự hối tiếc thực sự – hoặc thể hiện bất kỳ ý định thay đổi nào.
- Ôm hận: Những người từ chối xin lỗi có thể thể hiện thái độ ác cảm với đối phương vì đã không chấp nhận việc họ không xin lỗi, khiến xung đột kéo dài và cản trở việc hòa giải.
- Phớt lờ vấn đề: Họ giả vờ như không có gì xảy ra – hoặc mọi thứ đều ổn mà không cần bàn luận hay giải quyết xung đột.
Sau đây là một số câu cửa miệng thường gặp ở những người không biết nói lời xin lỗi:
- “Tôi đúng chứ đâu có sai.” Phản ứng này cho thấy thái độ ngoan cố, từ chối thừa nhận hành vi sai trái, vì tin rằng điều mình làm là chính đáng và không có lý do gì để xin lỗi.
- “Tôi xin lỗi nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm, nhưng tôi không cố ý.” Đây là ví dụ về lời xin lỗi nửa vời, khi ta không thực sự thừa nhận tổn thương đã gây ra. Ta gián tiếp chấp nhận cảm xúc của người khác – nhưng không thừa nhận trách nhiệm về hành động đã làm.
- “Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng bạn nhạy cảm quá.” Một câu trả lời như vậy thực tế đang đổ lỗi cho người khác vì đã bị xúc phạm – nó ngụ ý rằng vấn đề nằm ở phản ứng thái quá của cá nhân, hơn là hành động gây tổn thương thực tế.
- “Tôi đang là chính mình.” Đây là biểu hiện của thái độ kiên quyết từ chối thay đổi hành vi có hại, lấy lý do rằng hành động của họ xuất phát từ đặc tính cố hữu trong tính cách của họ – và do đó, họ không cảm thấy cần phải xin lỗi vì đã hành xử như vậy.
Vì sao nhiều người không biết nói lời xin lỗi?
Lý do đằng sau hành vi miễn cưỡng xin lỗi là rất phức tạp và đa dạng – xuất phát từ nhiều yếu tố như: tính cách, hoàn cảnh cụ thể, động cơ trong các mối quan hệ hằng ngày:
- Thiếu quan tâm: Một số người có mức độ tự ái cao nên thiếu sự đồng cảm – họ xem các mối quan hệ chỉ là phương tiện để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Kết quả là, họ thường không đủ quan tâm đến cảm xúc của người khác, để có thể vượt qua cảm giác khó chịu khi phải xin lỗi.
- Lo sợ mất thể diện: Đối với nhiều người trong chúng ta, việc thốt ra lời xin lỗi là mối đe dọa đối với hình ảnh bản thân và cái tôi cá nhân. Tính hiếu thắng khiến ta lo sợ rằng, xin lỗi sẽ dẫn đến cảm giác xấu hổ, làm “lu mờ” sự khác biệt giữa hành động và tính cách của mình. Hệ quả là tự vệ/ tự bào chữa trở thành bản năng của chúng ta khi đối mặt với sai lầm đã phạm.
- Không sẵn sàng sửa đổi: Thể hiện sự hối lỗi là bước đầu tiên để sửa đổi những tổn hại đã gây ra. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta lại thiếu mong muốn hòa giải – hoặc đơn giản là không quan tâm đến hậu quả của hành động của mình đối với người khác.
- Không muốn thừa nhận: Trong nhiều trường hợp, ta có thể thực sự tin rằng bản thân không làm gì sai – và do đó, không có lý do gì để xin lỗi. Đây là xu hướng đặc biệt phổ biến ở những người có quan niệm cứng nhắc về đúng và sai – hoặc nuôi dưỡng tư duy tự cho mình luôn luôn đúng.
- Hoài nghi: Nhiều người có thể không tin tưởng rằng việc xin lỗi sẽ giúp sửa chữa thiệt hại đã gây ra – hoặc liệu lời xin lỗi của họ có được chấp nhận hay không. Trải nghiệm bị từ chối hoặc phản bội trong quá khứ có thể khiến họ “áp đặt” kỳ vọng thấp về triển vọng của các mối quan hệ.
- Sợ bị tổn thương về cảm xúc: Đối với những cá nhân luôn thấy bất an trong lòng, hành động xin lỗi có thể gây ra cảm giác sợ hãi về nguy cơ bị tổn thương cảm xúc. Kết quả là, họ cảm thấy thoải mái hơn với sự xa cách và tức giận, thay vì chấp nhận gần gũi và phụ thuộc vào người khác.
- Khó khăn trong việc bày tỏ sự hối tiếc: Đôi khi, ta có thể thực sự muốn nhận lỗi – nhưng lại gặp khó khăn trong việc bày tỏ sự hối tiếc cách chân thành. Nguyên nhân có thể do thiếu kỹ năng xã hội/ trí tuệ cảm xúc kém/ chưa được tiếp xúc với các phương pháp làm lành lành mạnh.
- Lo ngại bị phán xét: Nỗi sợ bị người khác phán xét là một lý do ngăn cản nhiều người nói lời xin lỗi. Họ lo lắng rằng nhận lỗi sẽ bị coi là dấu hiệu của sự yếu đuối – hoặc của người không có khả năng quản lý cảm xúc hiệu quả.
Đọc thêm: Cái tôi quá lớn – Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng
Vì sao chúng ta không muốn xin lỗi
Hậu quả của việc không biết nói lời xin lỗi
Hậu quả của việc từ chối xin lỗi không chỉ đơn thuần dừng lại ở lời nói – mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ, lòng tự trọng và hạnh phúc trong cuộc sống. Khi không chịu đưa ra lời xin lỗi chân thành, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với những hệ quả tất yếu như:
- Quan hệ đi xuống: Hành vi không xin lỗi khiến đối phương cảm thấy bạn coi thường, không quan trọng đến họ. Sự xói mòn về niềm tin dẫn đến tình trạng xa cách, ngờ vực và oán giận trong các mối quan hệ cá nhân/ nghề nghiệp của mỗi người.
- Nguy cơ xung đột: Người bị ta làm tổn thương sẽ có xu hướng tìm cơ hội “trả đũa” lại cách này cách kia – theo thời gian, vòng xung đột “ăn miếng trả miếng” này sẽ trở nên ngày càng lớn hơn, kéo dài thái độ tiêu cực và thù địch.
- Thanh danh bị hoen ố: Từ chối xin lỗi là biểu hiện của tính kiêu ngạo, bướng bỉnh và vô cảm – làm thay đổi cách người khác nhìn nhận và tương tác với chúng ta trong các mối quan hệ. Khi không biết nhận sai lầm, chúng ta đồng thời gây tổn hại đến sự tôn trọng, uy tín và vị thế xã hội, cả trong lĩnh vực cá nhân và chuyên nghiệp.
- Suy giảm hạnh phúc: Tình trạng xung đột kéo dài có thể làm gia tăng cảm giác căng thẳng và lo lắng mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người liên quan.
- Cản trở sự phát triển cá nhân: Trong công việc, việc bị đánh giá là có hành vi trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sai lầm sẽ khiến bạn đánh mất niềm tin và cơ hội hợp tác với đồng nghiệp xung quanh.
- Đánh mất lòng tự trọng: Khi không biết nói lời xin lỗi, chúng ta tự đặt bản thân vào tình trạng tự mâu thuẫn – là nguyên nhân dẫn tới cảm giác tội lỗi và xấu hổ với chính mình.
- Cơ hội bị bỏ lỡ: Khi từ chối xin lỗi, chúng ta đánh mất cơ hội quý giá để học hỏi từ sai lầm của chính mình và trưởng thành hơn từ đó.
Nghịch lý khi không biết nói lời xin lỗi
Hành động xin lỗi có thể ví như một nghi thức “thanh tẩy” – giống như khi các tín đồ đi xưng tội trong nhà thờ. Chỉ cần thốt lên một câu “Tôi xin lỗi”, tự khắc mỗi người sẽ cảm thấy tâm hồn mình dễ chịu và thư thái hơn hẳn.
Lý thuyết thì là như vậy – song thực tế, nhiều người trong chúng ta vẫn không thể biến nó thành hành động.
Có thể ta nghĩ rằng, xin lỗi có nghĩa là thừa nhận mình đã thua trong một cuộc tranh đấu. Điều này đặc biệt đúng với những ai đã đạt được thành công nhất định trong cuộc sống – càng thành đạt/ giữ các vị trí quản lý cao, chúng ta càng có nhu cầu phải chiến thắng trong mọi hoàn cảnh, bất chấp cái giá phải trả.
Có thể ta cảm thấy đau đớn khi thừa nhận mình đã sai (hầu như chẳng ai phải nhận lỗi khi làm điều đúng cả).
Có thể ta cảm thấy nhục nhã khi tìm kiếm sự tha thứ từ người khác – khi phải chịu nhún nhường và đặt mình trong bàn tay của đối phương.
Có thể ta cho rằng, việc xin lỗi buộc chúng ta phải từ bỏ quyền lực hoặc quyền kiểm soát (trong khi thực tế thì ngược lại).
Dù lý do là gì đi nữa, hành vi không biết nói lời xin lỗi sẽ gây ra rất nhiều tác động tai hại. Hãy thử nhớ lại xem, bạn đã cảm thấy cay đắng thế nào khi một người bạn không chịu xin lỗi vì đã làm bạn tổn thương hoặc thất vọng. Càng để lâu, sự cay đắng đó sẽ càng trở nên đau đớn đến không thể chữa lành được.
Nếu nhìn lại những mối quan hệ rạn nứt trong đời mình, hẳn bạn sẽ nhận thấy rằng – những mối quan hệ xích mích đều xuất phát từ việc một bên không đủ năng lực quản lý cảm xúc để thốt lên một câu, “Tôi xin lỗi.”
Trớ trêu thay, tất cả những nỗi sợ hãi khiến chúng ta từ chối nhận sai – sợ thua cuộc, thừa nhận mình sai, nhường lại quyền kiểm soát, v.v… – sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ chỉ bằng một lời xin lỗi. Chỉ với một câu “Tôi xin lỗi,” bạn đã biến đối phương từ chỗ thù địch thành đồng minh của mình.
Từ chối xin lỗi cũng giống như việc bạn khoác lên người một chiếc áo phông có dòng chữ: “Tôi không quan tâm đến bạn”.
Marshall Goldsmith
Từ chối xin lỗi là điểm yếu, không phải điểm mạnh
Gieo gì gặt nấy
Với những ai từng tìm hiểu về luật hấp dẫn (Law of Attraction) hay nhân quả, hẳn bạn sẽ không còn xa lạ với chân lý “gieo gì gặt nấy”.
Nếu bạn mỉm cười với mọi người, họ sẽ mỉm cười lại với bạn.
Nếu bạn phớt lờ họ, họ sẽ oán giận bạn.
Nếu bạn đặt số phận của mình vào tay người khác – nhường lại quyền lực cho họ – họ sẽ ban thưởng cho bạn.
Trong ấn phẩm bestseller ‘What got you here won’t get you there‘, khi bàn về những người không biết nói lời xin lỗi, TS. Marshall Goldsmith chia sẻ một câu chuyện như sau:
“Năm 28 tuổi, một ngày nọ, tôi đi ăn tối một mình tại Le Perigord, một nhà hàng Pháp sang trọng ở Phía Đông của Manhattan, New York. Tôi chưa từng bao giờ đến một nơi như thế này – hoa được cắm ở những chiếc bàn riêng, dao nĩa nặng như rìu, nhân viên phục vụ thì thắt cà vạt đen và nói bằng giọng Pháp khá khó nghe.
Tôi thú nhận với người phục vụ, rằng tôi cảm thấy “choáng ngợp” và sợ hãi trước khung cảnh xung quanh. Rằng tôi chỉ có 100 đô la – bao gồm cả tiền boa – để chi cho bữa ăn, và rằng tôi không thể đọc được thực đơn viết tay bằng tiếng Pháp. Tôi nói với anh ta:
“Làm ơn mang cho tôi bữa ăn ngon nhất trị giá 100 đô la của nhà hàng anh được không?”
Tôi tin chắc rằng bữa ăn mà tôi được phục vụ tối hôm đó – không chỉ ở các món ăn bổ sung, khay pho mát và ly rượu được rót đầy liên tục, mà còn cả sự phục vụ ân cần đến mức hơi quá của nhà hàng – phải đáng giá ít nhất hơn 50% so với số tiền 100 đô la của tôi. Tôi thừa nhận mình là một kẻ khờ khạo – và các nhân viên đã đáp lại bằng cách đối xử với tôi như một ông vua thực sự.
Trải nghiệm này càng củng cố trong tôi niềm tin rằng – nếu bạn đặt tất cả quyền lực của mình vào tay người khác, họ sẽ đối xử với bạn tốt hơn so với việc bạn giữ lấy quyền hành cho riêng mình.”
Nếu muốn biến một người thành bằng hữu, hãy để anh ta giúp đỡ bạn.
Benjamin Franklin
Sức mạnh “kỳ diệu” của lời xin lỗi
Xin lỗi là một trong những cử chỉ mạnh mẽ và gây tiếng vang nhất của con người – gần giống như một lời bày tỏ tình yêu. Nếu tình yêu có nghĩa là “Tôi quan tâm đến bạn và tôi thấy vui vì điều đó”, thì lời xin lỗi có nghĩa là:
“Tôi đã làm tổn thương bạn – và tôi vô cùng tiếc nuối về điều đó”.
Liệu ai có thể kháng cự lại một sự biểu hiện tình cảm như vậy chứ?
Điều kỳ diệu nhất của lời xin lỗi – đó là nó khiến mỗi người buông bỏ và ngừng sống trong quá khứ. Nó cũng giống như bạn đang nói:
“Tôi không thể thay đổi quá khứ. Tất cả những gì tôi có thể nói là thừa nhận những gì tôi đã làm sai. Tôi xin lỗi đã làm tổn thương bạn. Không có lý do gì để bào chữa cho điều đó – và tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn trong tương lai. Tôi muốn bạn cho tôi góp ý về cách tôi có thể cải thiện chính mình.”
Một cử chỉ như vậy – thừa nhận sai lầm, thể hiện sự hối tiếc và cầu xin giúp đỡ – thật khó để cưỡng lại, ngay cả với những trái tim “sắt đá” nhất. Khi áp dụng nó trong công việc cũng như cuộc sống, bạn có thể tự tin rằng, mọi người sẽ thay đổi hoàn toàn cách họ cảm nhận về bạn và chính họ.
Một trong những khách hàng của TS. Goldsmith – tạm gọi là Beth – từng giữ vị trí cao nhất tại một công ty Fortune 100. Cấp trên rất yêu quý cô – các báo cáo trực tiếp của Beth cũng vậy. Thế nhưng, một số đồng nghiệp lại tỏ ra rất khó chịu với cô.
Khi Goldsmith khảo sát các đồng nghiệp của Beth, ông phát hiện ra cô có một mối quan hệ đặc biệt “độc hại” với một trưởng phòng tên Harvey. Beth là một người trẻ tuổi thông minh, hiểu biết nhiều, được CEO tuyển về để thay đổi công ty. Tuy nhiên, Harvey lại xem cô là người kiêu ngạo – rằng cô không tôn trọng lịch sử và truyền thống của công ty. Hai người luôn ở trong tình trạng “chiến tranh” không ngừng – chính điều đó đã làm bộc lộ mặt xấu nhất trong tính cách của Beth: nhỏ nhen, hay báo thù. Goldsmith và Beth đều đồng ý rằng đây là hành vi mà cô cần phải thay đổi.
Điều đầu tiên Goldsmith yêu cầu Beth làm – đó là xin lỗi Harvey. Lẽ đương nhiên, Beth phản ứng với thái độ không mấy thiện chí cho lắm. Ông nói với cô:
“Nếu không thể làm điều này, cô sẽ chẳng thể khá hơn. Đây là việc tôi không thể làm thay cho cô được.”
Ý tưởng phải nhượng bộ Harvey khiến Beth khó chịu – đến mức Goldsmith phải soạn thảo nội dung lời xin lỗi thay cho cô, tránh việc sự nghi ngờ và do dự của Beth làm ảnh hưởng đến hiệu quả của lời xin lỗi. Rất may, Beth đồng ý làm theo kịch bản do chuyên gia coaching của mình đề ra. Cô nói với Harvey:
“Anh biết không, Harvey? Tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi ở đây – điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi rất biết ơn về những góp ý đó. Điều tiếp theo, đó là có một số lĩnh vực tôi mong muốn có thể trở nên tốt hơn. Tôi đã không tôn trọng anh, công ty và các truyền thống của công ty. Xin vui lòng chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Không có lời bào chữa nào cho hành vi này cả…”
Harvey ngắt lời Beth trước khi cô kịp nói hết lời xin lỗi. Beth cảnh giác nhìn anh – sẵn sàng cho một cuộc chiến khác – cho đến khi cô nhận thấy đôi mắt của Harvey đang ngấn lệ.
“Chị biết không, Beth? Không chỉ có mình chị đâu. Tôi đây cũng có lỗi. Tôi đã không đối xử với chị như một thằng đàn ông thực sự. Tôi biết rằng thật khó để chị nói với tôi những điều này – và mọi thứ không chỉ do chị mà ra. Đây cũng là vấn đề của tôi. Chúng ta có thể cùng nhau trở nên tốt hơn.”
Đó chính là điều kỳ diệu của lời xin lỗi. Khi bạn tuyên bố sự phụ thuộc của mình vào người khác, họ sẽ đồng ý giúp đỡ bạn. Và trong quá trình đó, chính bản thân họ cũng trở nên tốt hơn.
Bí quyết thay đổi bản thân, phát triển đội nhóm/ tổ chức đều nằm ở đó – giúp đỡ lẫn nhau.
Bước đầu từ bỏ thói quen không biết nói lời xin lỗi
Giờ đây – khi đã nhận thức được hậu quả của việc từ chối xin lỗi, đã đến lúc mỗi người bắt tay vào hành động để thay đổi chính mình.
Xin lỗi người mà chúng ta đã làm tổn thương là hành động vô cùng đáng quý – nó thể hiện thái độ khiêm tốn và tinh thần trách nhiệm. Rằng ta tôn trọng, đồng cảm và thực sự hối hận về hành động đã làm. Một lời xin lỗi chân thành thực sự có khả năng hàn gắn vết thương, xây dựng lại lòng tin, nuôi dưỡng sự hòa hợp mới trong các mối quan hệ.
Sau đây là gợi ý một số bước để đưa ra lời xin lỗi hiệu quả:
Thể hiện thái độ chân thành
Hãy nói “Tôi xin lỗi” một cách thẳng thắn và chân thành – cho thấy việc bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trong mọi trường hợp, hãy tránh sử dụng các cách nói như “Tôi xin lỗi, nhưng…” hoặc “Tôi xin lỗi nếu…,” – về bản chất, tất cả những câu như vậy đều là biểu hiện của mong muốn tự bào chữa.
Thừa nhận hành vi sai trái của bạn
Hãy cụ thể và trung thực khi nói về những hành động gây hại và lý do tại sao bạn lại làm như vậy. Đừng biện minh, giảm thiểu hoặc phủ nhận sai lầm – thay vào đó, hãy công khai thừa nhận hậu quả và việc người khác đã bị ảnh hưởng/ tổn thương thế nào.
Thể hiện sự đồng cảm
Hãy cho thấy rằng bạn hối tiếc thực sự về nỗi đau đã gây ra. Lời khuyên là bạn nên sử dụng những ngôn từ thể hiện sự sẵn sàng thấu hiểu cảm xúc của người khác, chẳng hạn như “Tôi có thể tưởng tượng được cảm giác của bạn” hoặc “Tôi biết điều này chắc hẳn rất khó khăn đối với bạn”.
Chú ý lắng nghe
Hãy cho đối phương cơ hội bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của họ mà không ngắt lời, tranh cãi hay biện minh. Tích cực lắng nghe và cố gắng thừa nhận quan điểm của họ. Ví dụ, bạn có thể nói, “Tôi hiểu những điều bạn vừa nói. Tôi có thể thấy mình đã làm tổn thương bạn như thế nào.”
Xin được tha thứ & đề nghị sửa đổi
Đừng ngại yêu cầu sự tha thứ và bày tỏ cam kết sẽ sửa đổi trong tương lai. Khi nói về những điều bản thân sẽ thay đổi, hãy trình bày một cách cụ thể, cho thấy thái độ sẵn sàng khắc phục vấn đề. Chẳng hạn, bạn có thể nói, “Xin hãy tha thứ cho tôi vì những gì tôi đã làm. Tôi sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm cũ. Có bất cứ điều gì tôi có thể làm để bù đắp cho bạn không?”
Tôn trọng phản ứng của đối phương
Mỗi người có thể phản ứng khác nhau trước lời xin lỗi của bạn – họ có thể chấp nhận/từ chối/cần thời gian để suy nghĩ thêm. Bất kể như thế nào, hãy tôn trọng quyết định của họ, tránh gây áp lực buộc họ phải tha thứ hoặc quên đi.
Rèn luyện tính kiên nhẫn
Sự tha thứ luôn cần một khoảng thời gian nhất định. Để quá trình chữa lành thực sự có hiệu quả, hãy kiên nhẫn và thấu hiểu, luôn thể hiện rằng bạn thực sự hối hận về hành động của mình.
Dưới đây là một ví dụ về lời xin lỗi mẫu theo những hướng dẫn kể trên:
“Tôi rất xin lỗi vì những gì tôi đã nói với bạn ngày hôm qua. Bây giờ, tôi nhận ra rằng tôi đã hoàn toàn sai lầm – và những lời nói của tôi thật gây tổn thương. Tôi đã cảm thấy căng thẳng và thất vọng, nhưng đó không phải là lý do bào chữa cho cách tôi đối xử với bạn. Tôi muốn bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc nhất và xin lỗi từ tận đáy lòng.
Tôi hiểu rằng lời nói của tôi đã gây ra nỗi đau đáng kể – và tôi không thể rút lại những gì đã thốt ra. Tuy nhiên, tôi muốn bạn biết rằng tôi luôn ở đây vì bạn, nếu bạn cần nói chuyện – hoặc nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì để khắc phục vấn đề.
Tôi thực sự hy vọng bạn có thể tha thứ cho tôi. Tôi hứa sẽ rút kinh nghiệm từ sai lầm này – và không bao giờ thốt ra bất cứ điều gì gây tổn thương như thế nữa”.
Mặc dù học cách xin lỗi không phải điều đơn giản, nhưng đó thực sự là một nỗ lực xứng đáng – làm nền tảng cho hành trình phát triển cá nhân, học hỏi từ sai lầm và hòa giải các mối quan hệ.
Khi lời xin lỗi không được chấp nhận
Không hiếm trường hợp, lời xin lỗi của ta sẽ không được chấp nhận – tình huống đó đòi hỏi mỗi người phải thực sự trưởng thành về mặt cảm xúc, biết thấu cảm và khiêm tốn để có thể vượt qua. Tuy không dễ chịu, song những khoảnh khắc đó cũng đồng thời mang lại cơ hội để mỗi người tự suy ngẫm và học hỏi từ đó.
Dưới đây là một số gợi ý về cách thức hành động khi tình huống tương tự xảy đến với bạn:
- Giữ bình tĩnh và tôn trọng: Tránh để những cảm xúc như nóng giận, phòng thủ hoặc mỉa mai chi phối phản ứng của bạn. Thay vào đó, chúng ta cần tiếp cận tình huống với thái độ điềm tĩnh và tôn trọng cảm xúc cũng như quyết định của đối phương – ngay cả khi bạn không đồng ý với họ.
- Thừa nhận cảm xúc của đối phương: Cho mọi người biết rằng bạn hiểu rõ cảm giác tổn thương của họ – rằng bạn hoàn toàn tôn trọng lựa chọn không chấp nhận lời xin lỗi của họ. Sự đồng cảm là chìa khóa để đôi bên học cách giao tiếp cởi mở và hiểu biết lẫn nhau.
- Lặp lại lời xin lỗi: Đôi khi, biểu hiện tiếc nuối ban đầu có thể không thể hiện hết sự chân thành hoặc hối hận của bạn. Trong trường hợp như vậy, hãy cân nhắc làm lại một lần thứ hai, sử dụng ngôn ngữ cụ thể và đồng cảm hơn. Ví dụ, “Tôi thực sự xin lỗi vì những gì tôi đã làm. Tôi vô cùng hối hận vì đã làm bạn tổn thương, và tôi hiểu cảm xúc của bạn. Tôi không trách bạn vì đã khó chịu với tôi.”
- Tìm cách đền bù: Lời xin lỗi chỉ thực sự có sức nặng khi đi kèm với hành động. Đừng ngại đặt câu hỏi về những gì đối phương cần/ mong đợi từ bạn.
- Đề xuất một cuộc trao đổi sau đó: Nếu đối phương chưa sẵn sàng thảo luận vấn đề ngay lập tức, hãy đề nghị nói chuyện lại lần sau – khi họ cảm thấy bình tĩnh hơn. Tôn trọng nhu cầu về không gian của họ – thể hiện sự cân nhắc và sẵn sàng giải quyết vấn đề của bạn.
- Tạo cơ hội cho người khác: Sự tha thứ có thể không đến ngay lập tức – thông thường, mỗi người cần thời gian để xử lý cảm xúc và suy ngẫm về lời xin lỗi của bạn. Hãy kiên nhẫn và tránh gây áp lực/ quấy rầy họ. Đảm bảo với họ rằng bạn sẽ chờ đợi và hỗ trợ họ.
- Kiên trì: Nếu sau một thời gian, lời xin lỗi của bạn vẫn không được chấp nhận, đừng bỏ cuộc. Tiếp tục thể hiện sự hối hận thực sự của bạn và sẵn sàng sửa chữa hậu quả đã gây ra.
Đọc thêm: Thấu hiểu cảm xúc để thành công
Không biết nói lời xin lỗi
Nói xin lỗi không là chưa đủ: Bạn phải hành động sau đó
Mặc dù xin lỗi là bước đầu tiên để hòa giải, nhưng chỉ hành động đó thôi thì không đủ để bù đắp tổn thương đã gây ra. Để thực sự khắc phục vấn đề, chúng ta phải có những hành động cụ thể để sửa chữa thiệt hại và khôi phục lòng tin đã mất.
Một lời xin lỗi ý nghĩa cần đi kèm với những điều chỉnh rõ ràng về hành vi và thái độ. Chúng ta cần tránh quay trở lại các thói quen cũ – mà cần thể hiện thái độ sẵn sàng thay đổi lâu dài. Ví dụ: nếu trước đây bạn đã làm điều gì đó không trung thực, hãy cố gắng hết sức để chứng minh sự trung thực và minh bạch trong các mối quan hệ tương lai.
Quá trình sửa đổi không phải chỉ một lần là xong – đó là một quá trình cam kết liên tục, hướng tới sự hiểu biết và thay đổi tích cực. Sự kiên nhẫn, khiêm tốn, chân thành và mong muốn phát triển chính mình là yêu cầu cần thiết để mỗi người có thể khôi phục các mối quan hệ rạn nứt.
Khi ai đó làm tổn thương bạn – nhưng không biết nói lời xin lỗi
Khi một người không biết nói lời xin lỗi vì đã làm tổn thương bạn, bạn có thể cảm thấy tổn thương, tức giận và thậm chí bị phản bội. Đối mặt với tình huống như vậy quả không đơn giản – sau đây là một số bước bạn có thể thực hiện để vượt qua trải nghiệm tương tự:
- Thiết lập các ranh giới lành mạnh: Cân nhắc giới hạn sự tiếp xúc của bạn với người đó hoặc – nếu cần – hãy chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ. Truyền đạt cảm xúc và kỳ vọng của bạn một cách rõ ràng, bày tỏ rằng hành động của họ đã làm tổn thương bạn, và rằng bạn mong muốn được thừa nhận và xin lỗi. Ví dụ, bạn có thể nói, “Tôi cảm thấy bị tổn thương bởi những gì bạn đã làm, và tôi hy vọng bạn sẽ xin lỗi và cho tôi thấy rằng bạn quan tâm đến tôi.”
- Tìm kiếm sự thấu hiểu: Đôi khi, đối phương có thể không ý thức mức độ tổn thương mà họ đã gây ra – hoặc họ có thể có quan điểm khác với bạn. Khi đó, hãy yêu cầu một lời giải thích để hiểu rõ góc nhìn của họ hơn. Ví dụ, bạn có thể nói, “Bạn có thể vui lòng cho tôi biết tại sao bạn lại làm như vậy không? Tôi muốn hiểu quan điểm của bạn về vấn đề.”
- Thể hiện cảm xúc bản thân: Hãy thừa nhận cảm xúc và nhu cầu của bạn – tránh kìm nén hoặc giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Một lưu ý là ban hãy tránh đổ lỗi hoặc buộc tội đối phương một cách trực tiếp. Cho họ biết rằng bạn cảm thấy bị tổn thương, và bạn mong một lời xin lỗi để đôi bên có thể hàn gắn và tiến về phía trước.
- Tránh cầu xin hoặc ép buộc: Mặc dù bạn có thể muốn một lời xin lỗi, nhưng việc cầu xin hoặc ép buộc ai đó bày tỏ sự hối hận về hành vi sai trái của họ là điều không nên – và có thể dẫn tới những hệ quả đáng tiếc.
- Tập trung chăm sóc bản thân: Tránh để điều đối phương đã làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng hoặc hạnh phúc của bạn. Thực hành chăm sóc bản thân và lòng trắc ẩn, tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người quan tâm và thấu hiểu cảm xúc của bạn (ví dụ: bạn bè, gia đình hoặc mentor). Nếu chính bạn cũng phạm sai lầm hoặc có góp phần vào xung đột, hãy sử dụng trải nghiệm đó như một cơ hội để phát triển chính mình.
- Học cách tha thứ: Tha thứ là một quyết định cá nhân mà chỉ bạn mới có thể đưa ra. Điều đó không có nghĩa là bạn bỏ qua hoặc quên đi những gì người khác đã làm – đúng hơn, đó là khi bạn điều hướng sự chú tâm từ oán giận sang hạnh phúc của bản thân. Lựa chọn tha thứ là một phương thức mạnh mẽ để chữa lành và vượt qua hoàn cảnh, giúp bạn giải phóng bản thân khỏi gánh nặng cảm xúc.
Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn học cách chấp nhận lời xin lỗi mà bạn chưa bao giờ nhận được.
Robert Brault
Danh ngôn về hành vi không biết nói lời xin lỗi
Trong cuộc đời này, khi từ chối không xin lỗi ai đó, bạn sẽ hối tiếc về điều đã làm khi cần cầu xin sự tha thứ từ họ.
Toba Beta
Đừng bao giờ hủy hoại một lời xin lỗi bằng cách viện cớ.
Benjamin Franklin
Lời xin lỗi chân thành có ý nghĩa nhất với người nói ra nó, không phải với người nghe.
Kelsey Frizzell
Đi từ người không biết nói lời xin lỗi đến sẵn sàng nhận sai và đối mặt với trách nhiệm
Lời kết
Hành vi không biết nói lời xin lỗi là nguyên nhân gây ra những hậu quả đáng tiếc trong các mối quan hệ giữa người-người và sự phát triển cá nhân của mỗi chúng ta. Thái độ từ chối nhận sai lầm gây cản trở quá trình giải quyết xung đột, chia cách chúng ta với những người ta quan tâm và ngăn cản khả năng tự cải thiện chính mình. Ngược lại, khi thừa nhận tác động của những điều đã làm và tìm kiếm sự hòa giải, chúng ta không chỉ hàn gắn các mối quan hệ – mà còn bắt đầu đặt nền tảng cho hành trình phát triển cá nhân, lòng trắc ẩn, hướng tới một cuộc sống hài hòa và viên mãn hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Cướp công người khác: Thói quen xấu cần loại bỏ
- Không biết nói lời cảm ơn: Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?
- Không biết lắng nghe: Hành vi “giết chết” các mối quan hệ
- Thiên vị: “Mặt tối” trong lãnh đạo & quản trị
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!