Sống trong quá khứ: Trở ngại trên hành trình thay đổi

living in the past
Trang chủ » Tự nhận thức » Trí tuệ xúc cảm » Sống trong quá khứ: Trở ngại trên hành trình thay đổi

Tổng quan về hậu quả của thói quen sống trong quá khứ – cùng bí quyết ngừng bám víu vào những gì đã qua, hướng tới tương lai và kiến tạo cuộc sống viên mãn.

Sống trong quá khứ là trở ngại lớn đối với quá trình phát triển chính mình – sẽ chẳng ích lợi gì khi cứ bám víu vào cuộc sống trước đây và từ chối buông bỏ nó, nếu mong muốn của bạn là thay đổi tương lai và trở thành một phiên bản tốt hơn so với hiện tại. Đối với những ai mong muốn tiến xa trên hành trình làm chủ bản thân, học cách từ bỏ thói quen xấu này là yêu cầu rất quan trọng để có thể vươn lên và tiến về phía trước.

Tóm tắt nội dung chính

  • Xu hướng sống trong quá khứ, đặc trưng ở việc tập trung vào những gì đã qua, bám víu vào những niềm tin lỗi thời và chống lại sự thay đổi, là yếu tố cản trở ta tích cực sống cho hiện tại và hướng tới sự phát triển tương lai. Thói quen này thường có nguyên nhân từ các trải nghiệm quá khứ, những vết thương chưa được giải quyết, nỗi sợ hãi về tương lai hoặc thói tư duy tiêu cực.
  • Hành vi sống trong quá khứ dẫn tới tình trạng trì trệ, nhận thức sai lệch, tự căm ghét bản thân và ngăn cản “khai phóng” tiềm năng bản thân. Tuy rằng việc xem lại những trải nghiệm đã qua là cần thiết để thấu hiểu bản thân, việc đó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển trong tương lai – và đáng buồn thay, chúng ta hay dùng nó như một cái cớ để trốn tránh trách nhiệm hoặc thao túng người khác.
  • Buông bỏ những thứ đã qua, dù khó khăn, sẽ mang lại cho ta nguồn sức mạnh để nắm bắt hiện tại và định hình tương lai tươi sáng hơn. Ngoài ra, nó cũng góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, năng lực phục hồi (resilience) và lòng trắc ẩn.
  • Từ bỏ quá khứ để hướng tới tương lai đòi hỏi ta phải học cách quản lý cảm xúc, thể hiện tình yêu với bản thân, đặt mục tiêu và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Với những ai đang bị mắc kẹt trong quá khứ, chúng ta – với vai trò là người giúp đỡ/ đối tác chịu trách nhiệm – cần thể hiện sự đồng cảm, thay đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, giúp họ thiết lập ranh giới, cũng như làm gương cho chính họ.

Thế nào là sống trong quá khứ?

Sống trong quá khứ là khi ta bận tâm quá mức với các sự kiện trong quá khứ – hoặc cứng nhắc với niềm tin rằng mọi thứ sẽ/nên được giữ nguyên như trước đây. Hành vi này có thể biểu hiện theo nhiều hình thức khác nhau như:

  • Miễn cưỡng thừa nhận những gì đã qua – bao gồm các trải nghiệm tiêu cực, hối tiếc, thất bại, cũng như các mối quan hệ và lối sống cũ.
  • Cứng nhắc với các hiểu biết/ kinh nghiệm trong quá khứ, ví dụ: từ chối bỏ một thói quen xấu đã có từ ngày xưa…
  • Kiên định với những niềm tin hoặc hệ giá trị cũ, thể hiện ác cảm với việc tiếp nhận những ý tưởng hoặc cách tiếp cận mới lạ.
  • v.v…

Việc đắm chìm trong suy nghĩ về quá khứ thường gợi lên cảm giác hoài niệm, nuôi dưỡng ảo tưởng rằng cuộc sống trước đây đơn giản và vui vẻ hơn. Thái độ này là nguyên nhân gây cản trở khả năng sống cho hiện tại và kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn.

sống trong quá khứ

Biểu hiện của sống trong quá khứ

Chán nản là biểu hiện của việc bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn lo lắng, đó là bạn đang sống trong tương lai. Còn nếu cảm thấy bình yên, nghĩa là bạn đang sống trong hiện tại.

Lão Tử

Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy ở người có thói quen sống trong quá khứ:

  • Thường xuyên nghĩ về những sự kiện trong quá khứ – đặc biệt là những sự việc tiêu cực – thay vì tập trung vào hiện tại.
  • Gặp khó khăn khi từ bỏ các mối quan hệ hoặc tài sản cũ.
  • Cảm giác “mắc kẹt” trong một vòng “luẩn quẩn” trì trệ, không thể tiến triển trong cuộc sống.
  • Thường xuyên đắm chìm trong ký ức, đặc biệt là vào những lúc bất mãn với hoàn cảnh hiện tại.
  • Liên tục so sánh giữa hiện tại và quá khứ – hệ quả tất yếu là cảm giác không hài lòng với tình trạng hiện tại.
  • Hay viện cớ, đổ lỗi cho hoàn cảnh về hành động của bản thân, thay vì biết nhận trách nhiệm.
  • Chống lại sự thay đổi – thay vào đó, chỉ chấp nhận các thói quen, địa điểm và mối quan hệ đã quen thuộc.
  • Thường xuyên buồn bã/ oán giận – bắt nguồn từ những thất bại hoặc tổn thương trong quá khứ.
  • Tự trách cứ chính mình – không chịu buông bỏ những lỗi lầm trong quá khứ.
  • v.v…

Nguyên nhân của hành vi sống trong quá khứ

Đã bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao tôi lại có thói quen sống trong quá khứ?”. Có nhiều yếu tố có thể góp phần khiến một người rơi vào trạng thái đắm chìm trong những vấn đề/lỗi lầm/tiêu cực của quá khứ – bao gồm:

  • Quá trình giáo dưỡng

Mọi rối loạn đều có nguyên nhân từ trong quá khứ.

Marshall Goldsmith

Nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng, phần lớn các phản ứng cảm xúc của chúng ta – bao gồm cả xu hướng sống trong quá khứ – thực sự đều có nguồn gốc sâu xa từ những trải nghiệm trước đây.

Chẳng hạn, việc bạn có khuynh hướng cầu toàn/ liên tục muốn được người khác công nhận có thể xuất phát từ việc cha mẹ bạn không bao giờ thừa nhận năng lực/ nỗ lực của bạn cách xứng đáng.

Nếu bạn hay tự cao và tin rằng mình sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái, thì đó có thể là kết quả của việc cha mẹ thường xuyên khen ngợi bạn quá mức.

  • Tổn thương quá khứ

Những ai từng trải qua nhiều “sóng gió” trong đời nhìn chung gặp rất nhiều khó khăn trong việc buông bỏ quá khứ. Họ rất dễ hồi tưởng lại trải nghiệm đau thương hoặc sống trong trạng thái sợ hãi thường trực. Việc suy ngẫm – và giải quyết – những vấn đề này là yêu cầu cần thiết để thực sự buông bỏ được.

Ví dụ: Một người thường xuyên bị bắt nạt khi còn nhỏ có thể khi lớn lên sẽ trở nên khép kín, giấu nghề và từ chối chia sẻ thông tin – với mục đích vừa để bảo vệ bản thân khỏi bị tấn công cá nhân, vừa để giành lợi thế hơn người khác.

  • Lo lắng về tương lai

Nỗi sợ hãi sâu xa đối với những bất định của tương lai là lý do tại sao nhiều người chống lại thay đổi và tìm kiếm sự an ủi trong quá khứ.

Lấy ví dụ, một cấp quản lý đã quen với phong cách ra lệnh và kiểm soát (command-and-control) truyền thống có thể miễn cưỡng từ bỏ quyền hạn cá nhân – ngay cả khi họ nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc trao quyền cho các thành viên trong nhóm. Có thể thái độ đó xuất phát từ mối lo nhân viên sẽ không thể tự mình đưa ra quyết định – hoặc họ sẽ phạm phải sai lầm. Họ bám chặt vào ảo tưởng rằng “Tôi đã thành công với phương pháp lãnh đạo trước đây – không có lý do gì để tôi phải chấp nhận một cách tiếp cận mới cả”.

  • Hoài niệm

Suy nghĩ hoài niệm góp phần không nhỏ hình thành nên thói quen sống trong quá khứ – khi ta chìm đắm trong những ký ức cũ và “lý tưởng hóa” những gì đã qua. Khi đối mặt với khó khăn, nhiều người có thể bám víu vào những trải nghiệm tích cực hoặc thành công trước đây – như một phương tiện để trốn tránh thực tế hoặc trách nhiệm hiện tại.

Ví dụ: Một người đang gặp khó khăn với công việc hiện tại có thể hồi tưởng về thành công trên ghế giảng đường – so sánh khoảng thời gian tốt đẹp đó với thời điểm hiện tại. Hệ quả là họ càng trở nên chán nản và mất động lực trong công việc.

  • Tiêu cực

Tư duy tiêu cực là một nguyên nhân “neo giữ” chúng ta với quá khứ, cản trở khả năng suy nghĩ tích cực và phát triển chính mình. Khi liên tục lấp đầy bản thân bằng những cảm xúc tiêu cực – hối tiếc, ác cảm và cay đắng – rất khó để chúng ta chấp nhận thực tại, học cách thay đổi và tiến về phía trước.

  • Cái tôi quá mức

Cuối cùng, cái tôi cũng là một yếu tố cản trở sự phát triển cá nhân và dẫn đến tình trạng bám víu vào quá khứ. Ví dụ, một người quản lý luôn được coi là “cứng rắn” có thể miễn cưỡng đưa ra những lời khen ngợi – sợ rằng điều đó sẽ khiến anh ta trông giả tạo (ngay cả khi ý thức đầy đủ lợi ích của việc mình làm).

sống trong quá khứ

Tác hại của thói quen sống trong quá khứ

“Sống trong quá khứ thì có xấu không?”

Đúng là hồi tưởng về những sự kiện đã qua có thể mang lại những tác động tích cực – chẳng hạn như nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với hiện tại, rút ra bài học kinh nghiệm, trân trọng ký ức và kết nối với các giá trị cốt lõi của chính mình. Tuy nhiên, khi hồi tưởng trở thành một thói quen lặp đi lặp lại – hoặc một phương tiện trốn tránh hiện tại, đó là lúc chúng ta phải thực sự suy nghĩ nghiêm túc về nó.

Dưới đây là một số tác hại chính của việc sống mãi trong quá khứ:

  • Gây trì trệ

Liên tục đắm chìm trong quá khứ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển cá nhân, ngăn trở ta tiến về phía trước khi luôn bị chi phối bởi cảm giác buồn bã, hối tiếc và tức giận. Theo thời gian, việc thường xuyên suy ngẫm về những trải nghiệm tiêu cực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của mỗi cá nhân.

  • Bóp méo nhận thức về thực tế và bản thân

Một vấn đề khác của việc sống trong quá khứ là gây “méo mó” nhận thức của con người, thay thế hoàn cảnh thực tại bằng những quan niệm được lý tưởng/ lãng mạn hóa. Hệ quả theo sau đó là những kỳ vọng không thực tế, thái độ không hài lòng và oán giận.

  • Hủy hoại cuộc sống

Không ngừng so sánh bản thân với chính mình trong quá khứ sẽ khiến ta cảm thấy kém cỏi – làm giảm sút lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân. Khi chỉ tập trung vào những gì đã xảy ra/ có thể xảy ra, ta đồng thời đánh mất ý thức về những cơ hội và tiềm năng ở thực tại.

Hơn nữa, thói quen xấu này cũng gây cản trở việc nuôi dưỡng các mối quan hệ có ý nghĩa, theo đuổi mục tiêu và hoàn thành trách nhiệm – dẫn đến sự không hài lòng, hối tiếc và các mối quan hệ căng thẳng sau này.

  • Gieo rắc suy nghĩ tiêu cực

Việc hướng sự chú tâm vào những sai lầm, thất bại, mất mát và chấn thương trong quá khứ sẽ nuôi dưỡng cảm giác buồn bã, tức giận, tội lỗi, xấu hổ và oán giận. Qua thời gian, những cảm xúc này sẽ tác động tới tâm trạng, động lực và sự tự tin, khiến ta gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với căng thẳng và thử thách trong cuộc sống.

  • Hạn chế tiềm năng phát triển

Khi quá bận tâm với quá khứ, ta cũng đồng thời “đóng cửa” với những trải nghiệm, ý tưởng và quan điểm mới. Hành vi sống trong quá khứ dẫn tới tình trạng chống lại thay đổi, không thích rủi ro và không sẵn sàng nỗ lực đạt tới thành quả xứng đáng, cản trở khả năng học hỏi, phát triển và khám phá các cơ hội mới.

bám víu vào quá khứ

Không có ích gì khi sống mãi trong quá khứ

Khi bạn không thể ngừng sống trong quá khứ

Ngay cả khi nhận thức đầy đủ về những tác hại của việc sống trong quá khứ, rất nhiều người vẫn không thể từ bỏ thói quen suy ngẫm về cuộc sống trước đây – thay vì học cách buông bỏ và đón nhận sự thay đổi. Trên thực tế, việc loại bỏ một sự kiện trong quá khứ thường rất khó khăn – nó đòi hỏi ta phải chấp nhận rằng rằng điều ta mong muốn đã thực sự không trở thành hiện thực. Rằng ta phải thừa nhận mình đã sai.

Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào, buông bỏ là điều mỗi người cần phải học cách thực hành để thực sự làm chủ bản thân. Nó bắt đầu với việc nhận ra rằng – việc bám víu vào quá khứ không mang lại kết quả gì cả. Thay vì tập trung vào những gì có thể xảy ra, chúng ta hãy chuyển hướng chú tâm vào thời điểm hiện tại và những tiềm năng vô hạn ở phía trước.

Cuộc đời cũng giống như một cuốn sách – sẽ có lúc trong đời, bạn phải lựa chọn lật sang trang khác, viết một cuốn sách khác, hay đơn giản là đóng sách lại.

Shannon L. Alder

Sống trong quá khứ – Trở ngại lớn trên hành trình thay đổi

Trong tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘, TS. Marshall Goldsmith – chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới – chia sẻ về việc một trong những khách hàng đầu tiên của ông luôn dành hàng giờ để than vãn với ông:

“Marshall, anh không hiểu. Để tôi giải thích lý do tại sao tôi gặp phải những vấn đề này. Tất cả đều do cha và mẹ tôi…”

Và cứ thế, anh ta tuôn một tràng “liên tu bất tận” về những đau khổ trong quá khứ – mà anh cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện tại của mình. Cho đến lúc cuối cùng, Goldsmith quyết định thò tay vào túi lấy một đồng xu và đưa cho anh ta:

“Đây, 25 xu của anh đây. Hãy sử dụng nó mà gọi cho ai quan tâm tới những gì anh muốn nói.”

Như đã đề cập, việc dành thời gian suy ngẫm về quá khứ không có gì là xấu cả – nếu mục đích của bạn là chấp nhận quá khứ. Nhưng nếu mong muốn của bạn là thay đổi tương lai, thì việc đắm chìm trong những gì đã qua sẽ không mang lại lợi ích gì cả.

Không ai có thể thay đổi, viết lại hay bào chữa cho quá khứ cả. Tất cả những gì ta có thể làm là chấp nhận và bước đi tiếp.

Thế nhưng – vì rất nhiều lý do, chúng ta vẫn thường thích sống trong quá khứ, đặc biệt nếu điều đó cho phép ta đổ lỗi cho hoàn cảnh về bất cứ điều bất mãn gì trong cuộc sống hiện tại. Nói cách khác, chúng ta sử dụng quá khứ như một “vũ khí” để chống lại người khác.

Ngoài ra, việc bám víu vào quá khứ và đối chiếu nó với hiện tại còn là một cách để làm nổi bật điều gì đó tích cực về bản thân mình – trong khi “hạ thấp” giá trị của người khác.

Đã bao giờ bạn từng bắt đầu một câu chuyện dài về bản thân với một câu mở đầu đại loại như: “Ngày xưa, khi tôi bằng tuổi bạn…”

Đây có lẽ là thói quen xấu mà rất nhiều bậc cha mẹ/ cấp quản lý mắc phải – khi ta so sánh thực tại với những thành công/ khó khăn từng trải qua trong quá khứ, với mục đích chính là “tôn vinh” chính mình.

Như TS. Goldsmith chia sẻ, chính ông cũng từng phạm phải tật xấu này – và rất may, chính con gái ông, Kelly, đã giúp ông nhận thức được điều đó.

“Chuyện xảy ra khi Kelly mới 7 tuổi. Một hôm, bực bội vì thất bại trong công việc, tôi về nhà và trút sự khó chịu của mình lên Kelly. Tôi thuyết một tràng với con gái tôi rằng: ‘Khi cha bằng tuổi con…’. Đó là một “bài giảng” đầy tức tối, về việc tuổi thơ của tôi khó khăn và khốn khổ như thế nào so với việc Kelly bây giờ được chu cấp đầy đủ và không phải lo lắng gì cả.

Tôi bắt đầu bằng cách nói về việc đã lớn lên ở một trạm xăng Kentucky thế nào, về hoàn cảnh túng thiếu khi đó – rằng tôi đã phải nỗ lực ra sao để trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. Tất nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn với tất cả những điều tuyệt vời mà Kelly hiện có.

Con gái tôi kiên nhẫn lắng nghe, để tôi được trút hết bực dọc. Khi tôi nói xong, Kelly trả lời:

“Bố ơi, việc bố kiếm được tiền không phải lỗi của con.”

Chính câu nói đó khiến tôi giật mình tỉnh ngộ: “Kelly nói đúng”. Làm sao tôi có thể mong đợi con tôi hiểu được thế nào là nghèo khó – trong khi tôi chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ trải qua hoàn cảnh như vậy?

Tôi đã lựa chọn làm việc chăm chỉ và kiếm tiền. Con tôi thì không.

Trên thực tế, chính tôi đang khoe khoang về việc mình đã phải vất vả như thế nào và thông minh ra sao khi vượt lên nghịch cảnh lớn như vậy – và che giấu thái độ ngạo mạn đó bằng cách trút sự thất vọng của mình lên con của mình. May mắn thay, con tôi đã giúp tôi nhận ra điều đó.”

Tôi không bận tâm lắm với các “liệu pháp trị liệu” hướng về quá khứ – bởi vì chúng chỉ mang lại hiểu biết, chứ không tạo ra sự thay đổi.

Marshall Goldsmith

bám víu vào quá khứ

Hãy ngừng sống trong quá khứ – Nếu bạn muốn một cuộc đời viên mãn hơn

Hãy nhớ rằng con người có thể thay đổi, nhưng quá khứ thì không.

Becca Fitzpatrick

Như đã đề cập, việc hồi tưởng về quá khứ có thể mang lại lợi ích nhất định – miễn là nó được thực hiện một cách điều độ và có chủ đích. Tuy nhiên, khi hành động này biến thành một thói quen thường ngày, nó trở nên phản tác dụng và gây ra nhiều tác hại.

“Sữa đã đổ thì không thể thu hồi”. Bất kể bạn có than vãn thế nào, thì quá khứ vẫn không thể thay đổi được. Tuy nhiên, những gì bạn có thể kiểm soát là học hỏi từ đó và lên kế hoạch cho tương lai.

Chỉ vì quá khứ không diễn ra như bạn mong muốn, không có nghĩa là tương lai không thể tốt đẹp hơn những gì bạn từng tưởng tượng.

Ziad K. Abdelnour

sống trong quá khứ

Tôi có một tương lai để hướng tới – thay vì sống trong quá khứ

Đọc thêm: Lối sống khắc kỷ (Stoicism) – 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu

Học cách buông bỏ quá khứ

Để sống trọn vẹn cho khoảnh khắc hiện tại và lập kế hoạch phù hợp cho tương lai, chúng ta phải học hỏi càng nhiều càng tốt từ những ký ức đau buồn trong quá khứ – rồi sau đó, hãy để những ký ức này qua đi.

Đạt Lai Lạt Ma

Để ngừng sống trong quá khứ, trước tiên chúng ta ta phải học cách chấp nhận quá khứ, từ bỏ những ràng buộc và tiến lên phía trước. Buông bỏ không đồng nghĩa với việc làm ngơ hay xóa bỏ quá khứ – đúng hơn, mục đích của quá trình này là thừa nhận và học hỏi từ những kinh nghiệm trước đây – mà không để những trải nghiệm đó kiểm soát chúng ta.

Hành động buông bỏ đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích sâu sắc về phương diện tâm lý như:

  • Tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất: Từ bỏ những cảm xúc tiêu cực và tập trung vào thời khắc hiện tại là cơ hội để ta nâng cao năng lực quản lý cảm xúc hiệu quả hơn.
  • Trau dồi khả năng phục hồi (resilience): Khi ngừng suy nghĩ về những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, chúng ta cũng đồng thời “giải phóng” bản thân khỏi những đau khổ và thất vọng không cần thiết – từ đó mở đường cho việc nắm bắt những khả năng và cơ hội mới, cho cuộc sống phong phú hơn.
  • Nuôi dưỡng hành vi đạo đức và quan tâm đến người khác: Việc buông bỏ những mối hận thù, oán giận là cơ hội để mỗi người nuôi dưỡng sự tha thứ và hòa giải – qua đó cho phép chữa lành các vết thương tâm hồn và khôi phục những mối quan hệ rạn nứt.

Đọc thêm: 15 phương pháp chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

sống trong quá khứ

Làm thế nào để ngừng sống trong quá khứ và tiến về phía trước

Cốt lõi của sự sống là liên tục thay đổi.

Jules Verne

Sau đây là một số bí quyết để mỗi người học cách ngừng suy nghĩ về quá khứ – chuyển hướng chú tâm đến thực tại và tương lai:

  1. Thừa nhận cảm xúc của chính mình

Đối mặt với quá khứ đòi hỏi ta phải đón nhận những cảm xúc tiêu cực liên quan đến trải nghiệm ngày xưa – tức giận, buồn bã, tội lỗi, xấu hổ, hối hận, v.v… Đừng cố gắng chống lại – thay vào đó, hãy thừa nhận rằng những cảm xúc đó là hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Thấu hiểu và chấp nhận là bước đầu tiên của quá trình chữa lành.

  1. Thách thức những suy nghĩ tiêu cực

Để sống hết mình trong hiện tại, chúng ta phải sẵn sàng đặt cho mình những câu hỏi về quá khứ.

Iyanla Vanzant

Một cách để ngừng đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực là đặt câu hỏi về mục đích của những suy nghĩa đó – liệu chúng có đáng hay có phục vụ cho mục đích nào trong cuộc sống hiện tại của bạn hay không. Đánh giá những niềm tin hạn chế bản thân và điều chỉnh lại thành những cách nghĩ mang tính xây dựng hơn. Ví dụ:

“Tôi không đủ giỏi.”

  • Tự vấn bản thân: Suy nghĩ này có thực sự đúng không? Tôi có bất kỳ bằng chứng để hỗ trợ quan điểm đó không? Hay đó chỉ là một câu chuyện mà tôi đang tự kể cho chính mình?
  • Điều chỉnh lại: Tôi không hoàn hảo, nhưng chắc chắn có tiềm năng. Tôi đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cuộc sống của mình – và tôi vẫn đang học hỏi để phát triển mỗi ngày.

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề

  1. Tha thứ

Đừng ôm giữ những mối hận thù, oán giận và đổ lỗi kéo dài. Để buông bỏ những gánh nặng đó, điều quan trọng là bạn phải học cách tha thứ cho cả bản thân và người khác.

Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua hoặc quên đi những gì đã xảy ra; đúng hơn, đó là việc bạn “giải phóng” bản thân khỏi sự kìm giữ của quá khứ – để quá trình chữa lành có thể thực sự bắt đầu.

Đọc thêm: Ngừng phán xét người khác – Bước đầu của hành trình thay đổi

  1. Chịu trách nhiệm & Học hỏi từ sai lầm

Một phần của hành vi sống trong quá khứ bao gồm việc trốn tránh trách nhiệm bản thân. Chúng ta cần ý thức rằng, chịu trách nhiệm không có nghĩa là tự trách mình hoặc cảm thấy tội lỗi. Đúng hơn, đó là khi bạn thừa nhận vai trò của bạn trong những gì đã diễn ra – và sử dụng nó như một cơ hội để phát triển và cải thiện. Học hỏi từ những sai lầm trước đây, để có thể trở nên khôn ngoan và kiên cường hơn.

  1. Đón nhận hiện tại và tương lai

Bám víu vào quá khứ thường dẫn đến việc bỏ lỡ sự phong phú của hiện tại và chống lại cơ hội thay đổi. Vì lý do này, chúng ta phải học cách thách thức những giới hạn và sự thoải mái của bản thân.

  1. Đặt mục tiêu hành động

Để ngừng sống trong quá khứ, mỗi người cần có ý thức mục đích sống và định hướng cho tương lai. Thay vì để những gì đã diễn ra trước đây giới hạn chính mình, hãy đặt ra những mục tiêu có ý nghĩa phù hợp với giá trị và niềm đam mê cá nhân – chia nhỏ chúng thành các mục tiêu nhỏ hơn và lên kế hoạch hành động mỗi ngày.

  1. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Chia sẻ với một người bạn đồng hành đáng tin cậy – như một chuyên gia coaching, mentoring hoặc đối tác trách nhiệm giải trình (accountability partner) là một cách thức rất hay để hỗ trợ quản lý cảm xúc và từ bỏ những gì thuộc về quá khứ.

Đọc thêm: Nhờ giúp đỡ – Sức mạnh đến từ sự yếu đuối

  1. Thực hành chánh niệm

Các bài thực hành chánh niệm (mindfulness) sẽ tạo điều kiện để bạn chuyển hướng sự tập trung ra khỏi quá khứ, buông bỏ những suy nghĩ và cảm xúc còn sót lại gắn liền với các trải nghiệm trước đây.

  1. Áp dụng các cơ chế đối phó lành mạnh

Mỗi khi bị căng thẳng, chúng ta có thể sử dụng các cơ chế đối phó lành mạnh như: tập thể dục thường xuyên, kỹ thuật thư giãn hoặc dành thời gian chất lượng với người thân yêu.

  1. Kiên nhẫn với bản thân

Buông bỏ và tiến về phía trước là một quá trình liên tục – đòi hỏi nuôi dưỡng năng lực tự nhận thức, nỗ lực và hỗ trợ không ngừng. Đừng để thất bại làm bạn nản lòng hoặc đánh mất mục tiêu của mình. Hãy kiên định với niềm tin rằng, mỗi người sở hữu sức mạnh và tiềm năng cần thiết để định hình tương lai và kiến tạo câu chuyện cuộc đời phù hợp với nguyện vọng của mình.

cách ngừng sống trong quá khứ

Đọc thêm: 50 câu nói khích lệ bản thân & tinh thần trong cuộc sống

Chia sẻ của chuyên gia coaching về thói quen sống trong quá khứ

Đừng níu kéo quá khứ – Sally Helgeson và Marshall Goldsmith

Thiết lập “danh tính” mới cho bản thân – Marshall Goldsmith

Danh ngôn về việc ngừng sống trong quá khứ

Đừng để ngày hôm qua chiếm mất quá nhiều thời gian của ngày hôm nay.

Will Rogers

 

Hôm qua là quá khứ, ngày mai là một bí mật. Nhưng hôm nay lại là một món quà. Đó chính là lý do tại sao người ta gọi ngày hôm nay là hiện tại (PRESENT).

Sư phụ Oogway

 

Quá khứ là nguồn tham khảo, không phải đích đến.

Roy T. Bennett

 

Không có sự hối tiếc nào có thể thay đổi quá khứ, và không có sự lo lắng nào có thể thay đổi tương lai.

Roy T. Bennett

 

Quá khứ là một ngọn nến ở rất xa: quá gần để bạn từ bỏ, nhưng lại quá xa để an ủi bạn.

Amy Bloom

 

Điều quan trọng là phải biết khi nào một cái gì đó đã đi đến hồi kết.

Paulo Coelho

 

Bạn không thể với tới bất cứ điều gì mới – nếu tay bạn vẫn còn đầy những thứ vụn vặt của ngày hôm qua.

Louise Smith

 

Cách chắc chắn nhất để biết những gì bạn sẽ làm sau 5 phút nữa chính là những gì bạn đang làm NGAY BÂY GIỜ.

Marshall Goldsmith

 

Nếu ai không bị vướng mắc bởi quá khứ, hiện tại và tương lai – tôi sẽ gọi người đó là Thánh nhân.

Thích Ca

 

Cuộc sống không phải là gánh nặng; hãy luôn sống với niềm đam mê.

Jorge Bergoglio (Francis)

 

Ðừng nhớ lại sự đã qua, và chớ nghĩ đến sự đời trước.

Isaiah 43:18

ngừng sống trong quá khứ và nhìn về phía trước

Lời kết

Sống trong quá khứ là một trở ngại lớn cho hạnh phúc hiện tại và sự phát triển trong tương lai. Khi tập trung quá nhiều vào những gì đã xảy ra, chúng ta đồng thời đánh mất cơ hội tận hưởng cuộc sống và nắm bắt những tiềm năng ở hiện tại/ tương lai. Việc học cách buông bỏ quá khứ là nền tảng quan trọng để mỗi người bắt đầu hành trình thay đổi, khám phá bản thân, phát triển cá nhân và hiện thực hóa mong ước của mình.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status