Phân tích tác hại của ám ảnh mục tiêu cũng như cách đạt được thành công bền vững, đảm bảo cân bằng và hạnh phúc lâu dài.
Trong xã hội hiện đại, việc đặt ra mục tiêu và nỗ lực đạt được chúng được coi là chìa khóa dẫn đến thành công. Tuy nhiên, ranh giới giữa sự quyết tâm và ám ảnh đôi khi rất mong manh. Nhiều người, trong quá trình theo đuổi mục tiêu đề ra, đã vô tình biến nó thành gánh nặng tâm lý – cản trở con đường đi đến thành công thực sự. Vậy, ám ảnh mục tiêu là gì, và nó gây ra những tác hại nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tóm tắt nội dung chính
- Ám ảnh mục tiêu xảy ra khi cá nhân tập trung quá mức vào việc đạt được một mục đích cụ thể, thường với cái giá là tổn hại đến sức khỏe tổng thể, gây hậu quả lâu dài đến các khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống.
- Nếu được thể hiện một cách tích cực và có chừng mực, niềm đam mê sẽ góp phần tăng cường sự tập trung, động lực và nuôi dưỡng khả năng bền bỉ trước thử thách. Thế nhưng, nếu đam mê biến thành nỗi ám ảnh không lành mạnh, chúng ta sẽ quên mất sứ mệnh lớn hơn, trở nên “cứng nhắc” và tách biệt về mặt cảm xúc; hậu quả là tình trạng căng thẳng không cần thiết và rơi vào cái bẫy của “dục tốc bất đạt”.
- Để chống lại thói quen xấu này, mỗi người cần thi thoảng dừng lại để tự kiểm điểm bản thân, linh hoạt trong quản lý thời gian, học cách bình tĩnh và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác.
Ám ảnh mục tiêu là gì?
Ám ảnh mục tiêu xảy ra khi một người trở nên quá tập trung vào việc đạt được một mục tiêu cụ thể – gây tổn hại đến sứ mệnh chung hoặc hạnh phúc cá nhân của họ. Khi điều đó xảy ra, họ tự thu hẹp tầm nhìn và trở nên thiếu hiểu biết về bối cảnh rộng hơn – cũng như hậu quả lâu dài phát sinh từ việc họ làm.
Nếu như tham vọng và quyết tâm là những đặc điểm cần thiết của thành công, thì “bệnh thành tích” không lành mạnh lại là nguyên nhân khiến nhiều người mất đi cái nhìn toàn cảnh, dẫn tới bỏ bê những khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống.
Không ai là miễn nhiễm với thói quen xấu này; tuy nhiên, nó đặc biệt phổ biến ở những người thành công và giàu tham vọng. Thành công rất dễ “nghiện”; một khi đã đạt được những bước tiến nhất định, chúng ta dễ rơi vào cái bẫy thúc ép bản thân bằng cách đặt ra những mục tiêu thậm chí còn tham vọng hơn – đôi khi phải đánh đổi bằng sức khỏe, các mối quan hệ hoặc thậm chí là các nguyên tắc đạo đức cá nhân.
Ví dụ: Có một vận động viên trẻ tài năng và triển vọng nọ luôn nỗ lực để giành chức quán quân. Anh ta quá ham muốn vô địch, đến nỗi hy sinh thời gian nghỉ ngơi hợp lý và khiến bản thân dễ bị chấn thương hơn. Nói cách khác, quyết tâm thành công trong một sự kiện chóng qua đã khiến anh quên đi tầm quan trọng của sự phát triển bền vững.
Ám ảnh mục tiêu: Sai lầm lớn trong quan hệ xã hội
Về cơ bản, ám ảnh mục tiêu là khi chúng ta quá tập trung vào việc đạt được mục tiêu cụ thể mà bỏ qua sứ mệnh lớn hơn.
Marshall Goldsmith
Trong tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘ (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai), chuyên gia executive coaching Marshall Goldsmith đã liệt kê một danh sách những thói quen xấu ngăn trở người ta đạt tới những đỉnh cao mới trong cuộc sống. 20 thói xấu đầu tiên là những thiếu sót mà hầu hết những người thành công đều mắc phải – quá hiếu thắng, hay phán xét, không công nhận cố gắng của đối phương, v.v…
Thói quen cuối cùng – ám ảnh mục tiêu – được TS. Goldsmith đặc biệt nhấn mạnh, đến mức ông dành hẳn một chương sách để phân tích về nó. Nó biểu hiện ra khi cá nhân trở nên quá ám ảnh với thành tựu (ví dụ: thắng được một hợp đồng “béo bở”, có được địa vị xã hội danh giá, hay đạt được các mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng) đến mức họ bỏ qua mọi thứ khác.
Việc đặt mục tiêu và lập kế hoạch mang đến cho chúng ta động lực cần thiết để hướng tới thành công. Tuy nhiên, tập trung quá mức vào một mục tiêu cụ thể mà bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống thì hoàn toàn không phải là điều tốt.
Giống như khi chạy về đích vậy. Nếu di chuyển quá nhanh, thị lực của bạn sẽ tự động chuyển sang ‘tầm nhìn đường hầm’, nghĩa là bạn chỉ có thể nhìn thấy đích đến cuối cùng – nhưng không thể quan sát xung quanh.
Khi quá tập trung vào một mục tiêu cụ thể, bạn sẽ bỏ lỡ thành tựu lớn hơn.
Marshall Goldsmith thảo luận về tật xấu ám ảnh mục tiêu
Mặt tốt của ám ảnh mục tiêu
- Tăng cường sự tập trung
Niềm đam mê, khi được truyền tải theo hướng tích cực và vừa phải, sẽ trở thành “kim chỉ nam” để cá nhân nỗ lực hướng tới kết quả mong muốn. Nó giống như tia laser chiếu vào một điểm nhất định – giúp ta không bị xao nhãng và tránh lãng phí nguồn lực vào những thứ không cần thiết.
- Truyền động lực
Một mục tiêu được xác định rõ ràng sẽ khơi dậy “ngọn lửa bên trong” để ta tiến về phía trước. Chẳng hạn, có một doanh nhân nọ mong muốn cho ra mắt một thương hiệu thời trang bền vững. Trong trường hợp này, mong muốn thành công thúc đẩy anh ta tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, thiết kế các sản phẩm thân thiện với môi trường và tuân thủ các hoạt động sản xuất có đạo đức.
Động lực nội tại bắt nguồn từ mục tiêu giúp doanh nhân luôn có cảm hứng, chủ động thực hiện các bước để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.
- Nuôi dưỡng năng lực bền bỉ (resilience)
Không cần phải nói, những ai tập trung cao độ vào mục tiêu nhìn chung sẽ quyết tâm và kiên trì hơn khi đối mặt với khó khăn. Khi thất bại xảy ra, họ sẽ chủ động phân tích xem đã xảy ra sai sót gì, xác định nguyên nhân gây ra vấn đề và học hỏi từ trải nghiệm đó. Quá trình tự phản ánh khiến tinh thần họ thêm phần mạnh mẽ, sẵn sàng để xử lý và vượt qua thách thức trong tương lai.
Mặt trái của ám ảnh mục tiêu
- Từ bỏ sứ mệnh lớn lao hơn
Quá tập trung vào một mục tiêu cụ thể khiến chúng ta mất đi tầm nhìn toàn cảnh. Hệ quả là ta dễ dàng đưa ra những quyết định đi chệch khỏi tầm nhìn của cá nhân/ đội nhóm – ưu tiên lợi ích ngắn hạn hơn là tính bền vững lâu dài.
Bạn đã từng trải qua hoặc nghe nói về tình huống giống như thế này chưa? Một giám đốc marketing quản lý một chuỗi sản phẩm đồ uống quyết định đặt mục tiêu nâng cao nhận thức thương hiệu. Tuy nhiên, vì muốn tiết kiệm thời gian và nguồn lực, anh ta chọn cách “đi tắt đón đầu”. Thay vì đầu tư vào hoạt động truyền thông xã hội và quan hệ công chúng, anh ta lại cố tình gây “scandal” với khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Mặc dù anh ta đạt được mục tiêu gia tăng nhận thức của công chúng về doanh nghiệp, song cái giá phải trả thì không thể tưởng tượng nổi. Người tiêu dùng giờ đã có ấn tượng rằng sản phẩm của doanh nghiệp là đồ chất lượng kém; điều này gây tổn thất không nhỏ đến hình ảnh của thương hiệu trên thị trường.
- Làm việc như robot
Thái độ tập trung quá mức vào một kết quả cụ thể thường khiến ta rơi vào tình trạng “máy móc” và cứng nhắc khi làm việc. Chúng ta trở nên quá chú trọng vào số liệu – đến mức bỏ qua tính linh hoạt và không thể thấu hiểu/đáp lại cảm xúc của đối phương cách phù hợp.
- Căng thẳng không cần thiết
Đặt thời hạn cho tầm nhìn của mình và nỗ lực hướng tới nó là một điều rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, chúng ta – đặc biệt những ai ở vị trí quản lý – phải lưu ý đến nguy cơ vô tình gây áp lực cho những người làm việc cùng chúng ta.
Hẳn là một số người sẽ đồng cảm với các tiêu chuẩn cao bạn đề ra, nhưng những người khác thì không. Khi áp lực gia tăng, sự chia rẽ sẽ xuất hiện giữa các thành viên trong nhóm, ảnh hưởng đến động lực làm việc và gắn kết tập thể.
- ‘Dục tốc bất đạt’
TS. Meyer Friedman và TS. Ray Rosenman từng mô tả một khái niệm có tên gọi là “bệnh vội vã” (hurry sickness), xảy ra khi cá nhân quá nỗ lực hoàn thành nhiều việc trong thời gian ngắn hơn. Hội chứng ám ảnh tâm lý này được đặc trưng bởi các triệu chứng như sau:
- Làm gì cũng hấp tấp.
- Không thể thư giãn ngay cả trong kỳ nghỉ.
- Không kiên nhẫn với những người chậm hơn mình.
- Bực bội vì sự chậm trễ – ngay cả khi đó là điều không thể tránh khỏi.
- v.v…
Tác giả Edward Hallowell, trong tác phẩm “CrazyBusy: Overstretched, Overbooked, and About to Snap!” từng tuyên bố, làm việc với tốc độ cao trong thời gian dài hoàn toàn không cải thiện năng suất – mà chỉ gây ra tác động tiêu cực. Sự vội vã liên tục làm tăng sinh hormone hormone gây căng thẳng cortisol, có liên quan đến các cơn đau tim và đột quỵ; trong khi đó, tình trạng kiệt sức vì vội vã liên tục sẽ dẫn đến nhiều sai sót hơn trong công việc. Theo thời gian, việc liên tục coi thường giới hạn của cơ thể sẽ gây suy giảm hiệu suất một cách “vô phương cứu chữa”.
- Thay đổi… theo chiều hướng tệ hơn
Nỗ lực đạt được chỉ tiêu ngày càng tăng trong một khoảng thời gian ngắn gây ra tác động sâu sắc đến tính cách cá nhân. Dần dần, chúng ta sẽ trở nên kém nhạy cảm, ngày càng thiếu kiên nhẫn, dễ nổi giận và không sẵn sàng thể hiện sự đồng cảm với người khác.
Áp lực liên tục cũng ảnh hưởng đến mức năng lượng, khiến ta thường xuyên kiệt sức và tách biệt về mặt cảm xúc, ngay cả khi luôn giữ thói quen tập thể dục đều đặn. Nói cách khác, chúng ta “thay đổi theo hướng xấu hơn”.
Chính ám ảnh mục tiêu là nguyên nhân ngăn cản thay đổi tích cực về lâu dài
Phân biệt giữa định hướng & ám ảnh mục tiêu
Định hướng mục tiêu (goal orientation) là khi bạn biết sử dụng mơ ước của mình như những “ngôi sao phương Bắc” dẫn đường thúc đẩy đến thành công. Đó là khi bạn biết duy trì sự cân bằng lành mạnh, với ý thức rằng bên cạnh mục tiêu cá nhân, các khía cạnh khác của cuộc sống (ví dụ: phát triển bản thân, sự viên mãn) cũng quan trọng không kém. Nói cách khác, bạn có khả năng thích ứng với hoàn cảnh.
Ngược lại, ám ảnh mục tiêu, như đã đề cập, thể hiện ở sự chú tâm quá mức vào việc đạt được một mục tiêu cụ thể – đến mức bỏ bê các khía cạnh khác của cuộc sống. Hầu hết thời gian, nó phát xuất từ một mục tiêu “thiển cận”, chỉ giải quyết một vấn đề cụ thể (ví dụ: thăng chức) – khiến cá nhân bỏ qua hậu quả của những gì họ làm đối với sức khỏe, các mối quan hệ và các nguyên tắc đạo đức cá nhân. Căng thẳng và kiệt sức là điều không thể tránh khỏi, vì họ ưu tiên sự thỏa mãn tức thời hơn là tính bền vững lâu dài và sự phát triển toàn diện.
Chính khả năng biến giấc mơ thành hiện thực là điều khiến cuộc sống trở nên thú vị.
Paulo Coelho
Cách từ bỏ nỗi ám ảnh mục tiêu
Lùi lại một bước
Đối với những ai muốn tiến lên những tầm cao hơn của cuộc sống, điều quan trọng là bạn phải học cách cân bằng giữa tầm quan trọng của thành công và nguy cơ trở nên quá “nghiện” nó. Chìa khóa là hãy thường xuyên lùi lại một bước để quan sát nhớ bức tranh lớn hơn.
Mặc dù việc đánh dấu các mục trong danh sách việc cần làm (checklist) có thể giúp chúng ta tiến gần hơn đến tầm nhìn, nhưng bạn cũng phải lưu ý không nên chú trọng các nhiệm vụ riêng lẻ hơn so với các ưu tiên và giá trị cốt lõi.
Trong tác phẩm của mình, TS. Marshall Goldsmith kể lại một thí nghiệm như sau:
Có một nhóm sinh viên thần học nọ được giao bài tập thuyết trình về chủ đề Người Samari nhân hậu. Trong lúc đến chỗ khán giả đang chờ, các sinh viên được thông báo rằng họ đã bị trễ giờ.
Trên đường đi, họ đi ngang qua một người đàn ông rách rưới nằm ở hành lang – thực chất là một người đóng giả đang giả vờ đau khổ. Điều đáng ngạc nhiên là, 90% sinh viên không để ý đến người đàn ông đó; họ quá tập trung vào việc làm sao để đến lớp đúng giờ.
Trong thí nghiệm này, các sinh viên rất nhiệt tình rao giảng về lòng tốt và lòng trắc ẩn; tuy nhiên, họ lại không thể hiện được những phẩm chất đó khi cơ hội thực tế đến với họ.
Nói cách khác, việc quá chú trọng vào mục tiêu trước mắt khiến chúng ta bỏ bê những hành động có ý nghĩa phù hợp với niềm tin cốt lõi của mình.
Linh hoạt về thời gian
Nói cách khác, bạn cần cân bằng giữa tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn khi thiết lập và theo đuổi mục tiêu. Chúng ta cần nhận thức rằng, hoàn cảnh thực tế luôn thay đổi liên tục; những gì có thể được coi là cấp bách và thiết yếu tại một thời điểm nào đó có thể sẽ không còn quan trọng nữa, hoặc sẽ cần được thay thế bởi những vấn đề cấp bách hơn theo thời gian.
Ví dụ: Một doanh nhân vừa tung ra sản phẩm mới. Ban đầu, mục tiêu trước mắt là thu hút sự chú ý và nhanh chóng đạt được tăng trưởng doanh số. Tuy nhiên, điều kiện thị trường, phản hồi của khách hàng và sự cạnh tranh đã khiến người doanh nhân nhận ra nhu cầu phải thay đổi chiến lược truyền thông, tinh chỉnh sản phẩm và điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tế thị trường.
Đừng sợ hãi
Trong trường hợp mọi thứ không tiến triển như mong đợi, chúng ta cần phải suy nghĩ thấu đáo về lý do tại sao, trước khi đưa ra phương pháp tiếp cận thay thế. Việc phân bổ đủ thời gian và nguồn lực để giải quyết vấn đề là rất quan trọng để gia tăng cơ hội thành công.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác
Chia sẻ mục tiêu và vấn đề của bản thân với một chuyên gia coaching, mentor hoặc bạn bè thân tín không chỉ giúp giảm căng thẳng, mà còn tạo điều kiện tiếp xúc với những góc nhìn mới. Với sự giúp đỡ của bên thứ ba, bạn sẽ có nhiều cơ hội xác định những điểm mù cá nhân – những phần mấu chốt có thể bạn đã bỏ qua khi lập kế hoạch cuộc sống.
Ví dụ, một doanh nhân mới vào nghề có thể cân nhắc xin góp ý từ những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công từng vượt qua những thách thức tương tự trước đây. Kinh nghiệm và gợi ý của họ sẽ giúp anh tránh được những cạm bẫy thường gặp và thêm phần tự tin khi phải đưa ra những quyết định quan trọng.
Lời kết
Ám ảnh mục tiêu không chỉ không đảm bảo thành công mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ xã hội. Hãy hướng đến sự cân bằng, tận hưởng quá trình và trân trọng những giá trị khác trong cuộc sống – đó mới là con đường dẫn đến thành công bền vững và hạnh phúc thực sự bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Work-life Balance: 14 mẹo cân bằng cuộc sống và công việc
- Học cách yêu bản thân: Hành trình 16 bước thay đổi cuộc sống
- Cái tôi quá lớn: Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng trong các mối quan hệ
- Mục đích sống: 7 câu hỏi giúp bạn tìm kiếm mục tiêu cuộc đời
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!