Sơ lược về tầm quan trọng của tự vấn bản thân – cùng bí quyết thực hành để nâng cao năng lực nhận thực và phát triển chính mình mỗi ngày.
Tự vấn bản thân tuy là một hành động đơn giản, song rất ít khi được mọi người thực hành nhất quán. Thế nhưng, đây lại là một “chất xúc tác” tuyệt vời cho sự thay đổi. Việc đặt câu hỏi cho chính mình không chỉ dừng lại ở xem xét nội tâm; mục đích cuối cùng của nó là hỗ trợ hành trình phát triển cá nhân, giúp mỗi người nhận ra đích đến của mình và có được nguồn động lực cần thiết để vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Tóm tắt nội dung chính
- Tự vấn là việc xem xét các hành động, động cơ và giả định của bạn một cách khách quan – nhằm tăng cường khả năng tự nhận thức và cải thiện các quyết định trong tương lai. Trọng tâm của quá trình này là kích thích sự tò mò và mong muốn phát triển – khác với khi ta nghi ngờ về chính mình (self-doubt).
- Nhiều người gặp khó khăn khi thực hành thói quen này, xuất phát từ những lý do như thiếu nhận thức, ngại thay đổi và lối suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục vấn đề bằng cách rèn luyện và nuôi dưỡng tư duy cầu tiến, tích cực trong mọi hoàn cảnh.
- Qúa trình tự vấn bắt đầu bằng việc đặt những câu hỏi cơ bản, sau đó đưa ra những truy vấn gợi mở để đào sâu hơn vào tiềm thức, xem xét các quan điểm đối lập, suy ngẫm và thể hiện tình yêu thương với bản thân.
Tự vấn bản thân là gì?
Tự vấn (self-questioning) là việc xem xét lại các hành động của chính mình và động cơ đằng sau đó – một cách khách quan và không phán xét. Trọng tâm của quá trình này là việc đặt ra những câu hỏi kích thích tư duy, nhằm đào sâu hơn vào các giá trị cốt lõi và niềm tin của bạn.
Ví dụ về tự vấn bản thân:
- Tôi đã nghĩ gì khi hành động như vậy?
- Phản ứng của tôi xuất phát từ lý trí hay cảm xúc?
- Có cách nào khác để tôi xử lý tình huống vừa qua không?
- Mọi người cảm nhận như thế nào về điều tôi đã làm?
- v.v…
Tự vấn không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các hành động trong quá khứ; mục đích sâu xa của nó là khám phá những giả định/ động cơ đã dẫn đến những quyết định đó. Tại sao bạn nghĩ cách tiếp cận đó là tốt nhất? Có những quan điểm khác mà bạn chưa xem xét? Lựa chọn của bạn có bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thành kiến vô thức nào mà bạn không biết không? Có hướng giải quyết nào khác mà bạn đáng lẽ ra nên tính đến không?
Lợi ích của tự vấn bản thân
Nâng cao năng lực tự nhận thức
Hãy thử hình dung bạn đang ở nơi làm việc. Một đồng nghiệp đưa ra nhận xét tiêu cực về phần thuyết trình bạn vừa thực hiện. Bạn cảm thấy tức giận và ngay lập tức đáp trả bằng phản ứng phòng thủ.
Sau đó, khi có chút thời gian để suy ngẫm, bạn tự hỏi:
- “Tại sao tôi lại phản ứng cách như vậy?” Và có thể bạn sẽ nhận ra rằng, lý do là vì bạn cảm thấy không an tâm về phần trình bày của mình, hoặc vì giọng điệu thiếu lịch sự của người đồng nghiệp đã xúc phạm đến bạn.
- “Điều gì đã khơi dậy cảm xúc này?” Rất có thể đó là vì bạn có tính cách nhạy cảm với chỉ trích, không sẵn sàng tiếp thu góp ý.
Từ ví dụ trên, có thể thấy rằng qua việc đặt câu hỏi, chúng ta có thể nhìn xa hơn phản ứng tức thời và thấy được các yếu tố kích hoạt cảm xúc/ thói quen đằng sau. Nhận thức này sẽ tạo điều kiện để bạn chọn cách tiếp cận khôn ngoan và chừng mực hơn vào lần sau (ví dụ: đặt câu hỏi lại với đồng nghiệp để hiểu rõ hơn ý muốn của họ).
Giải tỏa cảm xúc
Chúng ta ai cũng đã từng trải qua những lúc rơi vào tình trạng “bế tắc” và “lạc lối” về mặt cảm xúc. Đó có thể là hậu quả của một cú sốc lớn như: mất người thân, chia tay người yêu, v.v… Vì chưa sẵn sàng để đối mặt với mất mát này, bạn chọn cách “rút lui” và tách mình ra khỏi nỗi đau. Tuy đây là một cách ứng phó tạm thời tương đối ổn, về lâu về dài, thói quen này sẽ vô tình hình thành một “bức tường” ngăn cách bạn với mọi người – cũng như khiến cảm xúc của bạn trở nên “tê liệt” và “chai sạn”.
Tự vấn bản thân là một cách để vượt qua tình trạng bế tắc về mặt cảm xúc. Ý thức được tình trạng hiện tại của mình, bạn có thể đặt ra câu hỏi như:
“Tại sao tôi lại bế tắc về mặt cảm xúc?”
Và sau đó tự trả lời lại như sau:
“Nguyên do là vì tôi đã mất khả năng cảm nhận nỗi buồn, giận dữ và niềm vui. Tôi muốn thoát ra khỏi không gian này và tôi biết mình cần cho phép mình giải tỏa cảm xúc về mất mát đã qua.”
Thách thức các giả định & mở rộng tầm nhìn
Việc tự đặt câu hỏi khuyến khích ta thách thức những giả định và thành kiến của bản thân. Từ chỗ bảo thủ, không muốn tiếp thu ý kiến mới, hay suy nghĩ tiêu cực như “Tôi không thể làm được”, thường xuyên thực hành việc tự vấn sẽ khiến bạn dần trở nên cởi mở, tư duy đa chiều và lạc quan hơn. Trên thực tế, nghiên cứu đã cho thấy những ai thường xuyên độc thoại với chính mình có thể học hỏi nhanh gấp 3 lần so với những người khác.
Nuôi dưỡng tư duy phản biện & giải quyết vấn đề
Khi phân tích tình huống từ nhiều góc độ và trả lời các câu hỏi như “Có bằng chứng hay cơ sở nào chứng minh cho nhận định này?” hoặc “Tôi có thể phản biện ý kiến này như thế nào?”, chúng ta đồng thời mở rộng hiểu biết của bản thân về chủ đề liên quan, tránh được tình trạng “cạm bẫy” nhận thức. Ngoài ra, quá trình này còn khuyến khích mỗi người chia nhỏ vấn đề thành các bước nhỏ, cải thiện năng lực ra quyết định.
Xác định hệ giá trị cá nhân
Rất nhiều người trong chúng ta (chính tôi cũng vậy) có thói quen thích làm nhiều việc một lúc (multi-task) nhất có thể. Chúng ta tự lập ra một danh sách to-do list và cảm thấy thích thú mỗi khi đánh dấu “hoàn thành” một công việc trong danh sách đó. Điều này, vô hình chung, khiến ta quá tập trung vào công việc và không muốn dành nhiều thời gian trò chuyện/ tương tác với người khác. Thế nhưng, liệu đó có phải là một hành động đúng hay không?
Nếu thành thực với bản thân, rất có thể bạn sẽ nhận ra: giá trị của mình không nằm ở một danh sách to-do list nào cả. Mỗi người sẽ có những điều nhất định họ trân quý. Công việc, tiền bạc, danh vọng, thành tích, chức tước, sự nổi tiếng… đó có phải là cái thực sự quan trọng với bạn hay không? Hay tình cảm gia đình, quan hệ đồng nghiệp/ bạn bè, cân bằng cuộc sống, giúp đỡ mọi người… mới là cùng đích cuối cùng bạn nhắm tới?
Đọc thêm: Thấu hiểu bản thân – Lộ trình hướng tới một bản thể chân thực hơn
Theo dõi tiến độ cá nhân
Giả sử bạn quyết định học một ngôn ngữ mới, với mục tiêu là đàm thoại trôi chảy và đọc hiểu cơ bản. Sau một thời gian, bạn tự vấn bản thân: “Tôi có hiểu và nói được những câu chào/ giới thiệu cơ bản không?” Và bạn nhận thấy nhìn chung mọi thứ đang ổn – duy có vấn đề là bạn gặp nhiều khó khăn trong việc nhớ từ vựng. Lúc đó, bạn tự hỏi chính mình: “Việc học thuộc từ theo danh sách như tôi đang làm có phải ý tưởng khôn ngoan không? Hay dùng flashcard sẽ hiệu quả hơn”.
Như bạn có thể thấy qua ví dụ minh họa trên, tự vấn liên tục là điều rất quan trọng để nắm được tình hình phát triển của chính mình, xác định điểm mạnh-yếu hiện tại và lên kế hoạch điều chỉnh lộ trình cho phù hợp.
Quan hệ xã hội
Tự vấn là công cụ hỗ trợ quan trọng trên hành trình phát triển trí tuệ cảm xúc và tương tác xã hội. Thông qua đó, mỗi người sẽ có thể nhận ra lý do đằng sau những cảm xúc tiêu cực của mình, từ đó xây dựng cơ chế đôi phó lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn về tác động của hành vi mình làm đến mọi người xung quanh.
Lấy ví dụ, bạn đang uống cà phê với một người bạn, và đối phương có vẻ thu mình và im lặng. Bạn có thể nghĩ rằng “Chắc là người ta giận mình”. Thế nhưng, thay vì đi đến kết luận vội vàng như vậy, hãy tự hỏi bản thân:
- Gần đây tôi có làm điều gì khiến đối phương khó chịu không?
- Hay có khi nào có điều gì khác đang làm phiền họ không?
Và thế là, thay vì phản ứng cách phòng thủ, bạn thể hiện niềm quan tâm chân thành thực sự với đối phương:
“Mọi chuyện ổn chứ? Bạn trông có vẻ hơi thất vọng”
Chỉ một thay đổi nhỏ như vậy thôi, cũng đủ để các mối quan hệ của bạn trở nên ý nghĩa và sâu sắc hơn.
Ý nghĩa của những câu hỏi tự vấn đối với mỗi người trong cuộc sống
Sự khác biệt giữa tự vấn và tự nghi ngờ
Chúng ta thường hay bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm là tự vấn (self-questioning) và tự nghi ngờ (self-doubt). Tự vấn là một quá trình mang tính xây dựng, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về bản thân và thúc đẩy quá trình thay đổi tích cực. Có thể ví nó như khi bạn mài một cây bút chì – bạn đánh giá trạng thái hiện tại (đầu cùn) và thực hiện các bước (mài sắc) để cải thiện chức năng của cây viết. Ngược lại, tự nghi ngờ cũng giống như việc bạn bẻ đôi cây bút chì; hành động này chỉ khiến nó thành ra không thể sử dụng được và cản trở khả năng đạt được mục tiêu của bạn.
Tự vấn (self-questioning) | Tự nghi ngờ (self-doubt) | |
Trọng tâm | Xem xét hành động, động cơ và niềm tin của bạn | Đặt vấn đề về khả năng và giá trị bản thân |
Mục tiêu | Tăng cường nhận thức và phát triển chính mình | Tiêu cực, ngăn cản hành động |
Cảm xúc | Tò mò, cởi mở với những quan điểm mới | Bất an, lo lắng và phán xét |
Kết quả | Hỗ trợ sự phát triển, năng lực ra quyết định và trí tuệ cảm xúc | Gây tê liệt, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và sự tự tin |
Ví dụ | Tại sao tôi lại nói như vậy? Có lẽ tôi nên diễn đạt ý của mình một cách tử tế hơn. Lần tới tôi sẽ thử cách tiếp cận khác. | Tôi không đủ khả năng để ứng tuyển vào công việc đó. Mọi người đều thấy điều đó. |
Phân loại các hình thức tự vấn bản thân
- Theo tình huống: Xem xét động cơ và quá trình suy nghĩ của bản thân trong một tình huống cụ thể. (ví dụ: “Tại sao tôi lại phản ứng như vậy?”, “Liệu tôi có thể xử lý việc này theo cách khác không?”)
- Dựa trên niềm tin: Đặt câu hỏi về những giả định cơ bản đằng sau niềm tin của chúng ta. (ví dụ: “Niềm tin này có thực sự phục vụ tôi không?”, “Có quan điểm thay thế nào khác không?”)
- Định hướng mục tiêu: Đánh giá tiến độ hướng tới mục tiêu và thực hiện các điều chỉnh cần thiết. (ví dụ: “Tôi có đang đi đúng hướng không?” “Những thứ nào đang cản trở sự tiến bộ của tôi?”)
Đọc thêm: Goal setting – Thiết lập mục tiêu cho thành công lâu dài
Thách thức của việc tự vấn bản thân
- Thiếu nhận thức
Một trong những thách thức hàng đầu của việc tự vấn bản thân là không ý thức được lợi ích của thói quen này. Trong tình huống đó, các nhà giáo dục, chuyên gia coaching & mentoring đóng một vai trò rất quan trọng để hỗ trợ mở rộng tầm của đối tượng liên quan và khuyến khích họ áp dụng vào thực tế.
- Chống lại sự thay đổi
Con người là sinh vật hành động theo thói quen; hệ quả là chúng ta thường có xu hướng hoài nghi hoặc miễn cưỡng thử nghiệm những điều mới. Với nhiều người, sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để họ có thể chấp nhận tầm quan trọng của việc tự vấn và đưa nó vào thực hành.
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
- Suy nghĩ tiêu cực
Theo chuyên gia Deepak Chopra, tâm trí của chúng ta thường dễ rơi vào căn bệnh suy nghĩ tiêu cực và luẩn quẩn. Rất nhiều khi, chúng ta tự đưa ra cho mình những câu hỏi làm gia tăng nỗi lo lắng và hoài nghi như:
- “Tôi có vấn đề gì vậy?”
- “Chuyện gì sắp xảy ra đây?”
- “Làm thế nào tôi có thể thoát khỏi tình hình hiện tại?”
- “Tôi sẽ kiếm tiền như thế nào?”
- v.v…
Thay vì tìm kiếm câu trả lời cho những khúc mắc này, chúng ta nên cố gắng tìm hiểu động cơ đằng sau những suy nghĩ trên. Đó có thể là cảm giác bất an, sợ hãi những điều chưa biết, bị mắc kẹt, sợ phải thiếu thốn, v.v…
Bằng cách khắc phục các nguyên nhân gốc rễ (ví dụ: nuôi dưỡng sự tự tin, học cách sống trong hiện tại và chấp nhân chính mình), chúng ta sẽ có thể bảo vệ bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực và hướng đến tìm ra giải pháp.
Lấy ví dụ, bạn vừa trải qua một buổi phỏng vấn tệ hại. Nếu không biết tự chủ, bạn sẽ tự hỏi chính mình: “Vì sao tôi đã không thể trả lời được câu hỏi của nhà tuyển dụng? Tôi đúng là một kẻ ngốc – tại sao tôi đã không chuẩn bị kỹ hơn?”
Thay vào đó, tốt nhất hãy tự nhủ như sau: “Tôi thực sự không biết câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi tưởng tôi biết họ định hỏi gì, nhưng hóa ra tôi đã không chuẩn bị trước đầy đủ. Lần tới khi phỏng vấn cho công việc này, tôi biết mình nên nghiên cứu tài liệu gì.”
Đọc thêm: Đổ lỗi cho người khác – Vì sao ta thích trốn tránh trách nhiệm?
Chiến lược tự vấn bản thân
Bắt đầu từ cơ bản
Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản về trải nghiệm hoặc suy nghĩ của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang ngẫm nghĩ về cuộc trò chuyện gần đây với một người bạn, hãy tự vấn bản thân, “Tôi đã nói điều gì đóng góp tích cực cho cuộc trò chuyện?” hoặc “Làm cách nào tôi có thể thể hiện bản thân tốt hơn?”
Những câu hỏi gợi mở này sẽ giúp bạn bước đầu nhận thức hành động và quá trình suy nghĩ của mình.
Đi sâu vào vấn đề
Một khi đã qua bước đầu tiên, hãy cố gắng đào sâu hơn vào các quy luật đằng sau mỗi suy nghĩ và hành động của mình – bằng cách đặt nhiều câu hỏi hơn nữa. Ví dụ, nếu bạn mắc lỗi trong công việc, hãy tự hỏi bản thân: “Điều gì đã khiến tôi mắc phải sai lầm này?” hoặc “Những giả định nào đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi?”
Ngoài ra, bạn cũng nên đặt những câu hỏi mở, khuyến khích quan điểm đa chiều như “Nếu… thì sao?” hoặc “Tại sao không…?” – để có thể kích hoạt và phát huy tư duy sáng tạo. Ví dụ, khi tính toán giải pháp tiềm năng cho một vấn đề, hãy tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tiếp cận vấn đề này từ một góc độ hoàn toàn khác? Điều đó sẽ thay đổi kết quả như thế nào?”
Chiến lược siêu nhận thức trong tự vấn bản thân
Xem xét các quan điểm trái chiều
Để mở rộng tầm nhìn và nâng cao kỹ năng tự vấn, bạn hãy tích cực nghiên cứu các quan điểm khác, trái ngược với suy nghĩ của bạn. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như
“Một người trong hoàn cảnh khác sẽ giải thích tình huống này như thế nào?” hoặc
“Nếu ai đó không đồng ý với tôi, họ sẽ nói gì về vấn đề này?”
Không chỉ nuôi dưỡng sự thấu cảm, đây còn là cách để bạn phát hiện ra những hạn chế trong quan điểm của chính mình.
Suy ngẫm và học hỏi
Quá trình tự vấn sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi đi kèm với việc tự suy ngẫm. Hãy dành thời gian để nhìn lại mọi câu trả lời của bạn và xem xét xem liệu chúng có phù hợp với giá trị/ mục tiêu của bạn không. Đây là cơ sở để bạn xác định các lĩnh vực cần cải thiện và điều chỉnh hành động trong tương lai.
Thể hiện tình yêu thương với bản thân
Đừng chỉ trích hay phán xét chính mình quá mức. Mục đích của tự vấn là khám phá bản thân, không phải để chiến thắng hay chỉ trích chính mình. Do đó, hãy luôn tập trung vào hành động trong tương lai – thay vì đánh giá giá trị của bạn. Lấy ví dụ, thay vì chìm trong những suy nghĩ đại loại như “Tôi rất dở trong việc nói chuyện trước đám đông“, hãy tự hỏi “Làm cách nào tôi có thể cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình?”
Thay vì “Tôi không thể làm được việc này”, hãy tự nhủ “Việc này thật khó khăn, nhưng tôi sẵn sàng thử nghiệm và học hỏi cái mới.”
Thay vì “Tôi có thể làm điều này được không?”, hãy hỏi “Tôi có thể thực hiện những bước nào để đảm bảo cơ hội thành công cao nhất?”
Đọc thêm: Học cách yêu bản thân – Hành trình 16 bước thay đổi cuộc sống
Phương pháp tự vấn bản thân của TS. Marshall Goldsmith
Sau đây, tôi xin giới thiệu với bạn đọc một kỹ thuật mang tên “Quy trình đặt câu hỏi hàng ngày” (Daily Question Process) – được đề xuất bởi chuyên gia executive coaching Marshall Goldsmith. Đây là một công cụ tự phản ánh nhằm hỗ trợ bạn theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu và sống theo hệ giá trị cá nhân.
- Đầu tiên, bạn hãy tự hỏi và tự trả lời 32 câu hỏi (có thể điều chỉnh con số cụ thể tùy ý bạn) hàng ngày lên một sheet excel. Câu hỏi có thể dưới dạng có/không hoặc đánh số từ 1 đến 10, và có thể thuộc bất kỳ chủ đề nào (ví dụ: hạnh phúc trong cuộc sống, mối quan hệ, tập thể dục, ăn ngủ…).
- Bí quyết ở đây là bạn hãy bắt đầu mỗi câu hỏi bằng cụm từ “Tôi đã có cố gắng hết sức để…?” Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo luôn có trách nhiệm với mỗi việc mình làm.
- Nhờ ai đó lắng nghe câu trả lời của bạn (một cách không phán xét).
Thông qua quá trình này, bạn sẽ có thể xác định các lĩnh vực cần cải thiện và tập trung vào những gì quan trọng với mình.
Câu hỏi tự vấn bản thân
Nếu bạn đọc quan tâm, sau đây là tổng hợp 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề – bao gồm những câu hỏi về giá trị bản thân và các chủ đề thiết thực khác trong cuộc sống.
Đọc thêm: Sống trong quá khứ – Trở ngại trên hành trình thay đổi
Danh ngôn về tự vấn bản thân
Sự tự chuyển hóa bắt đầu bằng giai đoạn tự vấn bản thân. Mỗi câu hỏi dẫn đến nhiều câu hỏi hơn, sự hoang mang dẫn đến những khám phá mới, và nhận thức cá nhân ngày càng tăng – kết quả cuối cùng là sự thay đổi trong cách sống.
Kilroy J. Oldster
Cuộc đời không có suy xét thì không đáng để sống.
Socrates
Biết người là thông thái, biết mình là tỉnh thức.
Lão Tử
Thử thách lớn nhất trong cuộc đời là khám phá ra bạn là ai. Thử thách lớn thứ hai là cảm thấy hạnh phúc với những gì bạn tìm thấy.
Khuyết danh
Nghi ngờ giết chết ước mơ nhiều hơn là thất bại.
Suzy Kassem
Lời kết
Tuy bạn có thể không cảm thấy thoải mái lúc ban đầu, tự vấn bản thân là một thói quen rất đáng thực hành. Bằng cách thường xuyên hướng vào bên trong, chúng ta sẽ có được lòng can đảm để thách thức các giả định, mở rộng tầm nhìn và phát huy trọn vẹn tiềm năng của mình. Vì vậy, lần tới khi bạn phải đối mặt với một quyết định hoặc một cảm xúc khó khăn nào đó, hãy đừng ngần ngại tự hỏi “Tại sao?” bạn nhé!
Chúc bạn thành công!
Tham khảo
4 Questions to Stop Asking Yourself. https://www.oprah.com/spirit/deepak-chopra-four-questions-to-stop-asking-yourself/all.
The Daily Question Process. https://marshallgoldsmith.com/articles/questions-that-make-a-difference-the-daily-question-process/.
Có thể bạn quan tâm:
- Sức mạnh tiềm thức: Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong
- 12 cách phát triển trực giác: Kết nối với sức mạnh tiềm thức
- 32 hoạt động tự khám phá cho mọi lứa tuổi
- Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng thành công bền vững
- Thấu hiểu cảm xúc: Tầm quan trọng & bí quyết thực hành
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!