Cái tôi quá lớn: Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng trong các mối quan hệ

the excessive need to be me
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Cái tôi quá lớn: Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng trong các mối quan hệ

Cái tôi quá lớn, mong muốn mọi sự diễn ra theo ý mình là thói quen xấu khiến nhiều người trong chúng ta chống lại nhu cầu thay đổi để phát triển.

Dù là một quyết định nhỏ giữa những người đồng cấp hay một vấn đề quan trọng trong công việc, hầu như ai cũng muốn mọi thứ được thực hiện theo cách của riêng mình. Cái tôi quá lớn, mong muốn áp đặt suy nghĩ và duy trì cảm thức về cá nhân, là một trở ngại lớn trên hành trình phát triển bản thân và nuôi dưỡng các mối quan hệ hài hòa hơn.

Tóm tắt nội dung chính

  • Xu hướng bám víu vào những “phẩm chất cốt lõi” của bản thân, tuy không hẳn là xấu trong mọi trường hợp, là lý do khiến nhiều người chống lại sự thay đổi, ngay cả khi ý thức rõ ràng rằng đó là điều cần làm.
  • Chúng ta thể hiện cái tôi quá lớn thông qua các hành vi như tranh cãi, quản lý vi mô, thái độ phòng thủ và bướng bỉnh. Sự ám ảnh này thường bắt nguồn từ nỗi sợ với những điều mới mẻ, cảm giác bất an và thiếu nhận thức. Theo thời gian, nó sẽ trở thành vấn đề khi những hành vi có hại được biện minh là một phần của “bản sắc” cá nhân.
  • Để vượt lên cái tôi chấp trách, điều quan trọng là ta cần nuôi dưỡng nhận thức về bản thân, đón nhận sự thay đổi và nỗ lực xin ý kiến phản hồi từ người khác.

Cái tôi quá lớn là gì?

Là con người, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng bẩm sinh là “bám víu” vào một số hành vi hoặc phẩm chất mà ta xác định là một phần cốt lõi của mình. Những phẩm chất này thường là sự kết hợp của các đặc điểm tính cách, quá trình nuôi dạy và những trải nghiệm quá khứ. Một số có thể tích cực (ví dụ: siêng năng, trung thực, lòng trắc ẩn, v.v.), trong khi số khác thì không (ví dụ: quản lý vi mô, nóng nảy, thiếu linh hoạt, v.v…).

Trên hành trình phát triển cá nhân và sự nghiệp, cái tôi quá lớn thực sự là một trở ngại đáng kể. Như TS. Marshall Goldsmith đã chỉ ra trong tác phẩm ‘What got you here won’t get you there‘ (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai), nó khiến ta trở nên kháng cự với việc thay đổi hành vi, ngay cả khi hoàn toàn ý thức rằng sự thay đổi đó sẽ có lợi cho bản thân và mọi người xung quanh.

Chúng ta chống chế và biện minh cho thái độ trì trệ của mình bằng những lý do như “Tôi vốn như vậy”, để rồi từ chối cơ hội học hỏi, phát triển và thích nghi.

cái tôi quá lớn

Người có cái tôi quá lớn

Dấu hiệu khi cái tôi quá lớn

  • Luôn nghĩ là mình đúng

Những người có cái tôi quá lớn thường hay rơi vào tình trạng tranh cãi liên miên, luôn cố gắng khẳng định quan điểm của mình vượt lên trên của người khác. Việc không thể chấp nhận sự khác biệt về tư duy gây tổn hại đến các mối quan hệ giữa xã hội và tinh thần làm việc nhóm – cũng như ngăn cản họ tiếp xúc với kiến thức mới.

Nhu cầu kiểm soát và cầu toàn quá mức khiến họ gặp khó khăn khi phân công công việc và khuyến khích quyền tự chủ. Họ thích trình bày ý tưởng cá nhân trong mọi cuộc thảo luận, bất kể nó có quan trọng hay không. Tư duy kiểm soát của họ là tác nhân kìm hãm sự sáng tạo và động lực nhóm.

  • Hành động phòng thủ

Những người có cái tôi quá lớn có xu hướng xem bất kỳ góp ý nào, dù mang tính xây dựng hay không, như một hình thức “tấn công” cá nhân. Thái độ phòng thủ khiến họ khó lắng nghe người khác, ngần ngại xin lỗi và khó xác định khía cạnh cần cải thiện. Thay vào đó, họ đưa ra những cái cớ để biện minh cho hành vi của mình (ví dụ: liên tục trễ hạn do cái gọi là “phong cách làm việc sáng tạo” của họ).

  • Bướng bỉnh

Nhiều lần, chúng ta thích bám chặt vào một số cách làm việc cố hữu và miễn cưỡng điều chỉnh quan điểm/hành vi của mình. Một ví dụ là khi người quản lý từ chối công nhận nỗ lực của thành viên trong nhóm – với lý do sợ bị coi là yếu đuối hoặc thiếu trung thực. Sự thiếu linh hoạt khiến ta bỏ lỡ các cơ hội phát triển bản thân và cải thiện mối quan hệ.

Nguyên nhân của cái tôi quá lớn

  • Sợ thay đổi

Tư duy cố định là cốt lõi của thói quen xấu này. Nhiều người trong chúng ta tin rằng các đặc điểm/năng lực của mình là bẩm sinh và không thể thay đổi; do đó, hành động khác biệt chỉ là dấu hiệu của sự không chân thực – không sống đúng với “tôi”.

Chúng ta bám vào một bản sắc tự tạo hời hợt và từ chối thích nghi, ngay cả khi hoàn toàn nhận thức được rằng những gì mình đang làm ngay bây giờ sẽ có hại về lâu dài (ví dụ: liên tục đến muộn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của nhóm).

  • Bất an

Đối với một số người, nguyên nhân có thể liên quan đến cảm giác bất an, sợ bị từ chối/không được chấp thuận và khao khát được người khác ngưỡng mộ. Những cảm xúc này khiến họ trở nên ám ảnh với hình ảnh bản thân và không muốn thừa nhận sai lầm.

Khi quá coi trọng suy nghĩ của người khác về mình, không có gì ngạc nhiên nếu bạn có xu hướng bám vào những gì mình đã biết để giữ gìn “uy tín” cá nhân.

  • Thiếu nhận thức hoặc phản hồi

Đôi khi, chúng ta không nhận thức được tác động của việc mình làm đối với người khác, và do đó không thấy có lý do gì để thay đổi hành vi.

Tác hại của cái tôi quá lớn

Mỗi người đều có một tập hợp các hành vi mà họ coi là cấu thành bản sắc của họ. Chúng ta xem chúng là một phần của cái “tôi”, ngay cả khi chúng có hại và tác động xấu đến tha nhân.

Nếu chúng ta không trả lời điện thoại, chúng ta biện minh cho hành vi sai trái của mình bằng cách quy cho thái độ tận tụy với công việc.

  • “Đó là con người thật của tôi”
  • “Tôi là như vậy đó”

Hành động khác đi cũng giống như một đòn giáng “chí mạng” vào cốt lõi của bản ngã, của việc sống thực với chính mình.

Nếu thường xuyên công kích cá nhân, chúng ta tự bào chữa rằng mình chỉ đang hành động “thẳng tính”. Chúng ta không quan tâm đến tác động của cái gọi là “thẳng tính” đối với người khác.

Theo thời gian, ta bắt đầu coi những khiếm khuyết này là đức tính tốt, là một phần quan trọng trong bản sắc cá nhân. Của thứ gọi là “tôi”.

Lòng trung thành mù quáng với bản ngã này là một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình thay đổi hành vi lâu dài.

Đọc thêm: Đổ lỗi cho người khác – Vì sao ta thích trốn tránh trách nhiệm?

cái tôi quá lớn

Đừng sống với cái tôi quá lớn

Câu chuyện thực tế về cái tôi quá lớn

Cái tôi quá lớn về bản chất là dấu hiệu của việc ta đang không là chính mình.

Marshall Goldsmith

Nhiều năm về trước, TS. Marshall Goldsmith từng làm việc với một giám đốc điều hành cấp cao đang gặp vấn đề với việc ghi nhận đóng góp tích cực của nhân viên. Hai bên cùng thảo luận với nhau như sau:

“Thật ấn tượng. Anh có điểm số cao nhất mà tôi từng thấy trong bảy lĩnh vực đánh giá chính, trừ một cái duy nhất: ghi nhận công lao của người khác. Không ai nghĩ anh làm tốt ở khoản này cả.”

“Anh muốn tôi làm gì? Rảo khắp nơi khen ngợi những người không xứng đáng sao? Tôi không muốn trông giống một kẻ giả tạo.”

“Đó là lý do của anh sao? Anh không muốn trông giống kẻ giả tạo à?”

“Đúng, đó chính là điều tôi muốn nói.”

Vị giám đốc điều hành tiếp tục biện minh cho thái độ miễn cưỡng khen ngợi của mình, rằng ông là người có các tiêu chuẩn làm việc cao. Rằng ông lo ngại khen ngợi nhiều quá sẽ làm giảm giá trị của lời khen, cũng như gây suy yếu gắn kết nhóm. Một chuỗi những lời ngụy biện liên tiếp để khỏa lấp vấn đề.

Cuối cùng, TS. Goldsmith quyết định chặn ông ta lại.

“Dù anh nói gì đi nữa, tôi không tin là anh có vấn đề gì với việc khen ngợi. Anh cũng không nghĩ rằng làm như vậy có nghĩa là giả tạo. Nguyên nhân thực sự là quan niệm về bản ngã của anh. Anh xem rằng giả tạo là cái gì đó không phải mình! Khi anh khen ngợi người khác, suy nghĩ của anh là, ‘Đây không phải là tôi.’

Tại sao anh không thể làm như vậy? Làm như vậy có bất hợp pháp hay phi đạo đức không?”

“Không.”

“Liệu nó có khiến mọi người cảm thấy tốt hơn không?”

“Vâng.”

“Liệu họ có làm việc tốt hơn sau khi được công nhận thành tích không?”

“Có lẽ vậy.”

“Điều đó có giúp ích cho sự nghiệp của anh không?”

“Hẳn là có.”

“Vậy tại sao anh lại không làm như vậy?”

“Bởi vì, đó không phải là tôi. 😊😊😊”

Chính lúc đó, người giám đốc điều hành nhận ra rằng, vấn đề chính yếu là do cái “bản sắc” tự tạo của ông. Cái tôi quá lớn khiến ông quá tập trung vào chính mình – mà quên mất lợi ích của đội nhóm.

Ông bắt đầu nhìn nhận tài năng và nỗ lực của những người dưới quyền; và sau một thời gian, ông đã hình thành thói quen khen ngợi và động viên, ngay cả khi mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo.

Công thức thành công là như sau: Bớt cái “tôi”, Thêm cái “ta”.

Marshall Goldsmith

Khi cái tôi quá cao

Làm sao để hạ cái tôi xuống?

Tuy có vẻ khó khăn, chúng ta cần phải từ bỏ mọi quan niệm về bản ngã để thực sự thấu hiểu chính mình và duy trì sự hòa hợp trong các mối quan hệ xã hội.

  1. Trau dồi năng lực tự nhận thức

Tự nhận thức là khi ta thấu hiểu sâu sắc về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi cá nhân. Khi trở nên hòa hợp hơn với thế giới nội tâm, chúng ta sẽ có được ý thức tốt hơn về những niềm tin sâu xa thúc đẩy bản ngã của mình.

Trong phần lớn trường hợp, những giả định của chúng ta về bản thân và thế giới không phải lúc nào cũng chính xác – mà được định hình bởi những trải nghiệm quá khứ, cách nuôi dạy cũng như ảnh hưởng văn hóa. Nhận thức rằng hành vi không xác định bản sắc cốt lõi là nền tảng cần thiết để ta trở nên cởi mở hơn với thay đổi.

Các bài tập tỉnh thức đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình rèn luyện nhận thức bản thân. Thông qua thiền định hàng ngày, tự vấn, tự phản ánh, v.v…, mỗi người sẽ có cơ hội quan sát suy nghĩ và hành động của mình cách trực quan hơn – và nhận ra khi nào bản thân đang bị tác động bởi bản ngã.

Đọc thêm: Ngừng phán xét người khác – Bước đầu của hành trình thay đổi chính mình

  1. Cởi mở với thay đổi

Nỗi sợ về sự không chắc chắn thường khiến ta dễ có cái tôi quá lớn; thế nhưng, thay đổi là một phần tự nhiên và tất yếu của sự phát triển.

Điều chỉnh hành vi không có nghĩa là thỏa hiệp bản sắc hoặc tính xác thực cá nhân. Trên thực tế, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và sự tôn trọng với tha nhân hoàn toàn không mâu thuẫn với tính cá nhân. Việc liên tục tái định hình tư duy sẽ giúp ta dễ dàng bước đi trên hành trình hướng tới tương lai hơn.

Đọc thêm: Khám phá bản thân – Hành trình tìm kiếm bản thể

  1. Tìm kiếm góp ý & học hỏi từ người khác

Phản hồi từ những người xung quanh là nguồn thông tin tuyệt vời để qua đó, mỗi người hiểu rõ hơn tác động của hành vi cá nhân. Đôi khi, bạn có thể cân nhắc nhờ giúp đỡ từ một cá nhân có kinh nghiệm (vd: coach, mentor, cố vấn hoặc nhà trị liệu). Làm việc với chuyên gia sẽ góp phần làm sáng tỏ những khiếm khuyết về hành vi và đưa ra chiến lược thay đổi tích cực.

cái tôi quá lớn

Những câu nói về cái tôi quá lớn

Càng nhiều kiến ​​thức, càng ít bản ngã. Càng ít kiến ​​thức, càng nhiều bản ngã.

Albert Einstein

 

Một ngày tồi tệ với bản ngã là một ngày tuyệt vời cho tâm hồn bạn.

Jillian Michaels

 

Cái tôi quá lớn chỉ đơn thuần là lớp vỏ ngoài cho một không gian trống rỗng bên trong.

Diana Black

 

Nếu ai đó sửa lỗi cho bạn và bạn cảm thấy bị xúc phạm, thì bạn đang có vấn đề về bản ngã.

Nouman Ali Khan

 

Cái tôi liên tục đẩy thực tế ra xa. Nó tạo dựng một tương lai từ những kỳ vọng trống rỗng và một quá khứ từ những ký ức bất toàn.

Alan Watts

Lời kết

Cái tôi quá lớn là trở ngại đáng kể trên hành trình phát triển cá nhân và quan hệ xã hội. Khi bám vào những định nghĩa tự giới hạn về bản thân, chúng ta đồng thời làm “xói mòn” khả năng chấp nhận thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới và nuôi dưỡng các mối dây kết nối lành mạnh hơn. Đối với những ai vươn tới những “nấc thang” mới trong cuộc sống, điều quan trọng là phải chuyển trọng tâm từ “tôi” sang “ta” và suy nghĩ về việc hành động của mình tác động ra sao đến người khác.

Biên soạn lấy cảm hứng từ ấn phẩm bestseller ‘What got you here won’t get you there‘ của TS. Marshall Goldsmith

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status