Chống chế & bao biện: Tật xấu chung trong giao tiếp

being defensive
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Chống chế & bao biện: Tật xấu chung trong giao tiếp

Chống chế & ngụy biện bằng những từ phủ định như “nhưng”, “tuy nhiên”… khi được góp ý là thói quen xấu thường gặp trong giao tiếp hằng ngày.

Tự chống chế và bao biện bằng những từ ngữ phủ định như “không”, “nhưng mà”, “tuy nhiên”, v.v… là một tật xấu rất phổ biến trong giao tiếp hằng ngày – đặc biệt ở những người có tư tưởng hiếu thắng. Khi bắt đầu lời nói bằng những từ như vậy, dù giọng điệu của bạn thân thiện đến mức nào, hay bạn có cố gắng khích lệ và thừa nhận cảm xúc của người khác ra sao, thì những gì bạn nói sau đó đều trở nên vô nghĩa.

Tính xấu chống chế & bao biện là gì?

Bạn có bao giờ để ý, mỗi khi có ai đó góp ý hoặc đưa ra ra một ý kiến “trái chiều”, phản ứng chung của phần lớn chúng ta là tìm lý do tự bào chữa, lảng tránh, hoặc phản đối lại ý kiến của người đối diện không?

  • “Không, tôi không đồng ý với bạn.”
  • “Ừ, nhưng mà…”
  • “Tôi làm như vậy là không đúng, tuy nhiên…”

Thật ngạc nhiên khi mọi người có xu hướng chấp nhận và bình thường hóa thói quen này.

Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những từ tiêu cực như “không”, “nhưng” hoặc “tuy nhiên” luôn tạo cảm giác khó chịu với người nghe. Thật khó để tiếp tục một cuộc đối thoại mà đối phương luôn cố tỏ ra là mình đúng. Đây là một biểu hiện rất rõ ràng của thói cao ngạo, luôn cho là mình đúng và thiếu sự đồng cảm trong giao tiếp.

Chúng ta hay phạm phải lỗi tự chống chế như thế nào?

Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ: Trong một tuần, bạn hãy ghi chú lại số lần một người quen bạn gặp buột miệng nói ra những từ như “không”, “nhưng” hoặc “tuy nhiên”.

Tôi tin chắc, bạn sẽ thực sự bị “sốc” với kết quả cuối cùng – một minh chứng cho thấy tật chống chế đã trở thành “bệnh” chung của mọi người như thế nào.

Nếu chịu khó chú ý một chút, bạn sẽ nhận thấy những đặc điểm chung ở các đối tượng phạm phải thói quen xấu này. Một số người sử dụng ngụy biện để “phô trương” hoặc củng cố quyền lực bản thân. Dù thiện ý của người nói như thế nào, hành động bao biện luôn khiến người nghe cảm thấy khó chịu và tác động rất tiêu cực đến kết quả của các cuộc thảo luận.

chống chế & bao biện

Phần lớn chúng ta có thói quen tự biện minh cho chính mình theo bản năng – mà không mảy may ý thức về điều đó. Đáng lo hơn, tật xấu này thường thể hiện qua những câu nói tưởng như rất giàu thiện chí, nhưng lại “tiềm ẩn” trong đó ý nghĩa tiêu cực như:

  • “Đúng là như vậy, tuy nhiên…” (có nghĩa là: Bạn hoàn toàn không nghĩ điều người kia nói là đúng)
  • “Có, nhưng mà…” (có nghĩa là: Chuẩn bị nghe tôi phản biện lại đây)
  • v.v…

Hãy thử hình dung, bạn đang trong một cuộc họp và nghe báo cáo về chương trình nghị sự của quý tiếp theo. Ngay khi người thuyết trình đang đi vào những điểm nội dung chính, sếp của bạn ngăn anh ta lại và nói:

  • “Điều Anh/Chị nói nói rất đúng, nhưng chúng ta cần cân nhắc đến…”
  • “Tuy nhiên, Anh/Chị cần biết rằng…”

Bạn nghe có thấy quen không?

Rất ít nhà lãnh đạo thẳng thắn nói với cấp dưới của mình rằng họ đã sai. Thay vào đó, chúng ta thường có xu hướng đưa ra những lời “sáo rỗng” để khiến người nghe cảm thấy dễ chịu hơn, trước khi bắt đầu phản biện lại bằng những từ như “nhưng” hoặc “tuy nhiên”.

Hành vi này chỉ mang lại một hệ quả duy nhất: Kìm hãm những đóng góp mang tính xây dựng.

Đọc thêm: Ngừng phán xét người khác – Bước đầu của hành trình thay đổi

Tính xấu bao biện có tác hại như thế nào?

Chúng ta có thói quen tự biện hộ bằng những câu như “tuy nhiên”, “nhưng mà”… để khiến ta cảm thấy tốt hơn về thiếu sót của mình. Thực tế, đó là một cách để ta cảm thấy bớt mặc cảm, cũng như trốn tránh trách nhiệm của mình, thay vì tìm cách khắc phục vấn đề.

Thực tế, hành vi chống chế chỉ gây ra hại nhiều hơn lợi – vì nó ngăn cản ta chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.

Khi tự bào chữa, chúng ta cũng đồng thời đang tự lừa dối chính mình. Đó là khi ta đang tự nói rằng: mình không có khả năng đạt được mục tiêu đề ra, hoặc mình không xứng đáng với thành công.

Kiểu suy nghĩ này cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến thất bại và thất vọng.

Khi tự bào chữa, về cơ bản chúng ta đang nói với những người xung quanh rằng, ta không tin tưởng hoặc coi trọng ý kiến của họ. Hệ quả tất yếu sẽ là căng thẳng và xung đột trong các mối quan hệ hằng ngày.

Nếu muốn thành công trong cuộc sống, điều quan trọng là mỗi người phải học cách ngừng bao biện và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chỉ khi đó, ta mới có thể đạt được mục tiêu của mình và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và thành công.

Làm thế nào để từ bỏ tính xấu bao biện và chống chế?

Nếu bạn tự nhận thấy mình có thói quen chống chế, lời khuyên chung cho bạn là mỗi khi trao đổi với ai, hãy tạm dừng một chút mỗi khi chuẩn bị nói, hít thở và tự hỏi:

“Điều tôi sắp nói ra có giúp ích gì cho mối quan hệ của tôi với đối phương không?”

Nếu câu trả lời là “không”, bạn biết mình phải làm gì tiếp theo rồi đó.

chống chế & bao biện

Sau đây là một số câu hỏi tự vấn cho những ai muốn từ bỏ tật xấu này:

  • Tôi có thực sự sẵn sàng tìm hiểu tác động của những lời tôi nói ra đến mọi người hay không?
  • Tôi có thể chỉ cần nói “Cảm ơn”, thay vì phải tìm cách bổ sung thêm ý kiến của riêng tôi sau đó không?
  • Làm thế nào để tôi có thể nhận thức rõ hơn về những tình huống giao tiếp đòi hỏi khả năng thấu cảm và kiềm chế cảm xúc?

Đọc thêm: Công kích cá nhân – Khác biệt với góp ý mang tính xây dựng

Học cách nói lời “cảm ơn” thay vì tìm cách chống chế

Phần lớn chúng ta thường quên mất tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến phê bình của người khác. Dù góp ý đó đúng hay sai, có liên quan đến bạn hay không, hãy cố gắng bày tỏ lòng biết ơn khi người đối diện thể hiện tinh thần sẵn sàng lên tiếng và đóng góp cho bạn.

Khi đáp lại góp ý của người khác bằng những từ như “nhưng” và thêm vào sau đó suy nghĩ của riêng mình, chúng ta đang vô tình làm giảm đi giá trị của ý kiến đóng góp đó. Trong nhiều trường hợp, người đối diện sẽ tự hỏi: Liệu nhận xét của họ có đáng giá hay không? Bạn có thực sự quan tâm đến những gì họ nói không?

Nếu ai đó nói điều gì và bạn phản hồi lại bằng những từ như “nhưng”, “tuy nhiên”… đó là dấu hiệu cho thấy bạn muốn phản biện lại đóng góp của họ.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao có những cuộc trò chuyện ban đầu rất bình thường, mà sau đó lại biến thành một cuộc khẩu chiến?

Nguyên nhân chính vì những từ ngữ tưởng như rất “vô thưởng vô phạt” này đó!

Thay vì phản hồi lại ý tưởng của người khác bằng những từ ngữ phủ định như “không”, “nhưng” hoặc “tuy nhiên”, bạn có thể mở đầu bằng những câu như:

“Ý tưởng của bạn rất hay. Tôi có thể chia sẻ thêm một góc nhìn khác về vấn đề được không?”

Đọc thêm: Không biết nói lời cảm ơn – Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?

chống chế & bao biện

Lời kết

Ngay cả khi bạn không đồng ý với điều người đối diện nói, điều đó không có nghĩa là ý kiến của họ sai. Thay vì tìm cách chống chế và bao biện cho bản thân, mỗi chúng ta cần học cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác. Điều này không chỉ giúp bạn tránh được những cuộc tranh luận không cần thiết – mà còn góp phần xây dựng phong cách trò chuyện tinh tế, làm nền tảng cho các mối quan hệ bền vững và cơ hội thành công trong cuộc sống.

Biên soạn lấy cảm hứng từ nội dung ấn phẩm “What got you here won’t get you there” (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai) của TS. Marshall Goldsmith.

Có thể bạn quan tâm:

Tham khảo

No, But, However. https://marshallgoldsmith.com/articles/no-but-however/.

Starting with “No, But, or However”. https://themilitaryleader.com/starting-with-no-habit-series-5/.

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status