Tổng quan về tác hại của tâm lý hiếu thắng – nguyên nhân tâm lý đằng sau, cùng cách khắc phục và từ bỏ lối tư duy này.
Tính hiếu thắng – thể hiện ở khát khao “chiến thắng” bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh, bất chấp tất cả – là thói quen xấu rất phổ biến, đặc biệt ở các nhà lãnh đạo và những người thành công trong sự nghiệp. Tuy cầu tiến là điều tốt, luôn có một lằn ranh rõ ràng giữa tinh thần cầu tiến và cạnh tranh quá mức – giữa những “thắng lợi” cần thiết và không cần thiết. Đáng buồn thay, phần lớn chúng ta đều có xu hướng “vượt qua” lằn ranh đó với tần suất đáng báo động.
Tóm tắt nội dung chính
- Hiếu thắng là khi ta thể hiện mong muốn chiến thắng bất kể hoàn cảnh, thậm chí kể cả phải trả giá bằng các mối quan hệ, sự phát triển cá nhân và nhận thức về vấn đề trước mắt. Đó là một thói quen xấu phổ biến đến ngạc nhiên, len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Những ai ở vị trí quản lý/đã đạt được thành công nhất định đặc biệt dễ mắc phải tật xấu này.
- Tính hiếu thắng của chúng ta thường xuất phát từ cái tôi vị kỷ, luôn mong muốn thể hiện chính mình/ thu hút sự chú ý/ sợ bị đánh giá là yếu kém – ngay cả trong những tình huống không cần thiết.
- Cố gắng giành chiến thắng bằng mọi giá là một hành vi tự hủy hoại – bởi vì ta đang đánh đổi thành công lâu dài và các mối quan hệ lành mạnh để đổi lấy sự thỏa mãn cái tôi ngắn hạn. Để từ bỏ tâm lý này, mỗi cá nhân cần tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt dựa trên cơ sở đồng cảm và giao tiếp cởi mở, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đôi khi bạn phải từ bỏ việc chứng minh mình đúng.
- Bằng cách khiêm tốn yêu cầu phản hồi và hành động dựa trên góp ý của người khác, chúng ta có thể biến mình từ một nhà lãnh đạo/thành viên ái kỷ trở thành thành một người luôn khuyến khích tinh thần phát triển và hợp tác.
Hiếu thắng là gì?
Hẳn bạn đã từng trải qua những tình huống đối thoại – khi đôi bên không thực sự giao tiếp với nhau, mà chỉ muốn áp đặt ý tưởng của mình lên đối phương. Ai cũng muốn chứng tỏ là mình đúng – dù cái giá phải trả là như thế nào đi nữa. Chuyên gia Marshall Goldsmith gọi đó là xu hướng khao khát chiến thắng bằng mọi giá (winning too much).
Chúng ta cùng thử xem qua hai ví dụ về thói quen háo thắng sau đây nhé:
Ví dụ 1:
Bạn muốn đi ăn tối tại nhà hàng A – nhưng vợ/chồng bạn lại muốn đến nhà hàng B. Đôi bên xảy ra một cuộc tranh cãi “nảy lửa”.
Cuối cùng, hai người cùng đến nhà hàng B – nhưng bạn đi trong một tâm trạng ấm ức. Đây không phải là lựa chọn của bạn. Chỗ này thức ăn thật kinh khủng, và dịch vụ thì tệ không thể nói gì hơn! Thay vì yên lặng thưởng thức bữa ăn tối, bạn bắt đầu chỉ trích người bạn đời – rằng mọi chuyện đã không thế này nếu anh ấy/cô ấy chịu lắng nghe bạn.
Ví dụ 2:
Bạn đi làm về. Vợ/chồng than phiền rằng họ đã có một ngày làm việc tệ hại. Thay vì tỏ ra cảm thông, bạn trả lời:
“Mình than phiền như thế – nhưng mình có biết rằng tôi đã phải trải qua những điều tệ hại gì trong suốt ngày hôm nay không?”
Vấn đề ở đây là – chúng ta hiếu thắng quá mức, đến nỗi tìm mọi cách để chứng minh rằng bản thân luôn “khốn khổ” hơn mọi người xung quanh.
Cái giá của hiếu thắng
Đọc thêm: Không biết lắng nghe – Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ
Biểu hiện của tính hiếu thắng trong cuộc sống
Có thể bạn không để ý, nhưng sự thực là chúng ta thường xuyên phạm phải thói háo thắng trong cuộc sống – theo rất nhiều cách khác nhau.
- Ở nhà, ta tranh cãi với vợ/chồng và con cái – kể cả những chuyện nhỏ nhặt nhất như thói quen vệ sinh cá nhân của đối phương.
- Trong lúc họp tại nơi làm việc, ta muốn trình bày – và bảo vệ – quan điểm cá nhân với đồng nghiệp bằng mọi giá. Trọng tâm của cuộc họp chuyển từ ý tưởng và công việc sang cá nhân người trình bày.
- Tại quầy thanh toán trong siêu thị, ta luôn muốn chọn hàng tính tiền nhanh nhất – thay vì kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình.
Hầu hết chúng ta đều mắc phải tật xấu hiếu thắng – ngay cả khi bản thân không hề muốn thừa nhận điều đó. Chúng ta biết rõ rằng mình đang làm điều sai trái, nhưng vẫn cứ “cắm đầu theo lao” – đến mức làm tổn thương mọi người xung quanh.
Tất cả chỉ để ta luôn là người thắng cuộc – kể cả trong những vấn đề rất tầm thường, ngay cả nếu cái giá phải trả là mối quan hệ với đối phương. Chúng ta trở nên ám ảnh và khát khao chiến thắng bằng mọi giá, đến nỗi cuối cùng sẵn sàng làm tổn thương mọi người.
Trong phần lớn trường hợp, hệ quả sau cùng chỉ là sự hối tiếc. Dù bạn có đúng đi chăng nữa – thắng lợi của bạn cuối cùng cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì.
Đọc thêm: Cướp công người khác – Thói quen xấu cần loại bỏ
Vì sao chúng ta có xu hướng hiếu thắng?
Ám ảnh chiến thắng cho đến nay vẫn là thử thách hành vi số một đối với nhiều người. Chúng ta phạm phải những điều sai trái – dù biết rõ bản thân nên làm gì. Ta cảm thấy cần phải giành chiến thắng bằng mọi giá – trong những việc lớn và nhỏ, thậm chí ngay cả với những vấn đề hoàn toàn không đáng bận tâm.
Vì sao lại như vậy?
Trong Lý thuyết trò chơi (Game theory), có một trò chơi thú vị được biết đến với tên gọi “Ai là Gà” (Chicken). Nội dung xoay quanh hai người lái xe cùng đi trên một cây cầu – từ hai hướng ngược nhau. Người đầu tiên chuyển hướng sẽ phải nhường cây cầu cho người kia. Nếu không ai chịu đổi hướng, hoặc là cả hai cùng kẹt lại trên cầu – hoặc hai người sẽ tông vào nhau.
Phần lớn trường hợp, kết cục sẽ là bế tắc hoặc va chạm – bởi vì không ai muốn mình bị gọi là “gà” cả. Chiến thắng trở nên quan trọng trên hết, ngay cả khi mất mát là điều không thể tránh khỏi.
Cái tôi cá nhân đóng một vai trò rất lớn dẫn đến tính háo thắng – chính nó là nguyên nhân khiến ta “giậm chân tại chỗ”, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong cuộc sống.
Giống như một kênh tin tức 24/7 luôn chạy trên tivi mà không bao giờ thực sự tắt, cái tôi không bao giờ có thể biến mất hoàn toàn khỏi mỗi người. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nhận thức về sự tồn tại của bản ngã cá nhân – đồng thời học cách kiềm chế nó.
Đọc thêm: Cái tôi quá lớn – Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng
Tính hiếu thắng – “Điểm mù” phổ biến nhất của người lãnh đạo
Khát khao chiến thắng bằng mọi giá là thói quen xấu thường thấy ở người lãnh đạo. Tinh thần tranh đua là yêu cầu quan trọng để đạt tới thành công – nhưng chính nó sẽ trở thành vấn đề khi ta quá hiếu thắng và tìm cách tranh đua trong cả những tình huống không đáng.
Ám ảnh với chiến thắng là thách thức số 1 trong thay đổi hành vi – vì nó là “căn nguyên” của hầu hết các thói quen xấu khác.
- Nếu chúng ta tranh luận quá nhiều, đó là vì ta muốn quan điểm của mình luôn chiếm ưu thế hơn so với những người khác.
- Nếu chúng ta hạ bệ người khác, đó là cách ta âm thầm “định vị” bản thân vượt lên trên họ.
- Nếu chúng ta phớt lờ mọi người, một lần nữa, nguyên nhân nằm ở khát khao chiến thắng – bằng cách làm cho những người khác trở nên mờ nhạt đi.
- Nếu chúng ta giữ kín thông tin, đó là để tự tạo cho mình lợi thế vượt trội hơn đối phương.
- Nếu chúng ta thích xu nịnh/ nghe lời xu nịnh, đó là để giành lợi thế trước các đồng nghiệp, tạo “vây cánh” cho bản thân.
Đọc thêm: Can thiệp quá nhiều – Vì sao chúng ta hay thích góp ý?
Hiếu thắng tốt hay xấu?
Nếu khao khát chiến thắng là nhân tố quan trọng dẫn tới thành công của bạn – thì chính nó cũng sẽ trở thành rào cản ngăn bạn tiến xa hơn nữa.
Marshall Goldsmith, ‘What got you here won’t get you there’
Nỗi ám ảnh với chiến thắng biểu hiện ở rất nhiều người trong chúng ta – không chỉ riêng gì với các giám đốc điều hành cấp cao. Trong những việc quan trọng, chúng ta muốn trở thành người thắng cuộc. Cả với những vấn đề nhỏ nhặt – không đáng dành thời gian và công sức, chúng ta cũng thích thể hiện và muốn giành chiến thắng. Ngay cả khi rõ ràng mình đang ở thế bất lợi, ta vẫn muốn “vớt vát” phần nào thể diện của mình.
Nếu đã đạt đến thành công ở một mức độ nhất định, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy bản thân đang mắc phải thói quen xấu này hàng ngày. Khi tham gia một cuộc họp tại nơi làm việc, bạn muốn quan điểm của mình được tập thể công nhận. Cả khi tranh luận với người thân, bạn làm tất cả mọi cách để bảo vệ lý lẽ của mình (bất kể hậu quả sẽ xảy ra như thế nào).
Hiếu thắng có tốt không? Quay trở lại với ví dụ về ngày làm việc kể trên. Nếu thực hiện một phân tích nhanh gọn về “chi phí – lợi ích”, hẳn bạn sẽ đồng ý rằng: tình cảm/vợ chồng quan trọng hơn nhiều so với việc giành phần thắng trong một cuộc tranh cãi tầm thường về nơi ăn tối.
Thế nhưng. . . khao khát chiến thắng bằng mọi giá lại thường lấn át lý trí. Chúng ta làm những điều sai trái – ngay cả khi biết rõ mình nên làm gì. Ngay cả khi ý thức rõ hậu quả của tính hiếu thắng, ta vẫn bất chấp – miễn là được thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình.
May mắn thay – thay đổi để thành công là điều hoàn toàn có thể, nếu bạn sẵn sàng thừa nhận thói quen xấu trên và cố gắng kiềm chế nó ảnh hưởng đến các mối quan hệ hằng ngày.
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
Cách khắc phục tính hiếu thắng
Tranh cãi là điều “tối kỵ” trong các mối quan hệ cá nhân. Chẳng đáng để bạn hy sinh tình cảm với người khác – chỉ để giành phần thắng trong cuộc tranh luận. Kể cả nếu bạn có đúng đi chăng nữa, cái giá phải trả là quá lớn để đáng đánh đổi.
Mỗi khi bạn có ý định phản bác lại đối phương, hãy tạm dừng một lúc và suy nghĩ về phản ứng của mình. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân: Liệu những gì mình sắp nói có thể làm tổn thương đối phương hay không? Liệu có đáng để mạo hiểm mối quan hệ của bạn với họ hay không?
Nếu quả thực là không đáng – rằng việc bạn phản bác lại sẽ gây tổn thương người đối diện, hãy dừng lại ngay và nói điều gì đó tích cực.
Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm soát thói quen hiếu thắng bằng cách lắng nghe ý kiến đóng góp từ những người mình thường tương tác nhiều nhất. Điều này sẽ giúp bạn nhận thức rõ về khiếm khuyết của bản thân – để từ đó trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Đọc thêm: Tự vấn bản thân (Self-questioning) – Vì sao cần thực hành mỗi ngày?
8 bước làm chủ tính hiếu thắng
Ngày nay, phát triển lãnh đạo là một công tác đầy thách thức – đặc biệt khi yêu cầu đối với các nhà lãnh đạo ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc thời gian đào tạo thay đổi hành vi cũng trở nên “khan hiếm” hơn.
Điểm mấu chốt ở đây là: kỳ vọng với nhà lãnh đạo càng cao, họ càng có ít thời gian để phát triển bản thân. Trong khi đó, phát triển kỹ năng là yêu cầu không thể thiếu đối với người lãnh đạo ngày nay.
Đây quả thực là một tình huống đầy khó khăn. Với quỹ thời gian có hạn, người lãnh đạo thời nay phải vừa học vừa làm. Bạn phải tận dụng tối đa môi trường xung quanh – cũng như nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người. Bạn phải tranh thủ sự ủng hộ của họ trong khi cố gắng hết sức để phát triển bản thân, nhân viên và đội nhóm.
Xuất phát từ thực trạng trên, Goldsmith đã phát triển một mô hình phát triển lãnh đạo dựa trên 8 bước: hỏi, lắng nghe, suy nghĩ, cảm ơn, phản hồi, thu hút, thay đổi và kết nối.
- Hỏi (Ask): Hãy hỏi mọi người xung quanh “Làm thế nào tôi có thể trở thành một _________ tốt hơn (người quản lý, đối tác, thành viên trong nhóm, v.v.)?
- Lắng nghe (Listen): Lắng nghe câu trả lời của họ.
- Suy ngẫm (Think): Hãy suy nghĩ về góp ý của mọi người – và ý nghĩa đằng sau đó.
- Cảm ơn (Thank): Cảm ơn mọi người đã chia sẻ phản hồi quý giá của họ với bạn.
- Phản hồi (Respond): Phản ứng tích cực khi nhận được góp ý của người khác.
- Thu hút (Involve): Thu hút những người xung quanh hỗ trợ bạn trên hành trình thay đổi bản thân.
- Thay đổi (Change): Thay đổi không giống như khi trả bài trên lớp. Bạn phải hành động dựa trên những gì đã học được.
- Kết nối (Follow-up): Thường xuyên kết nối và theo dõi – dần dần, mọi người sẽ nhận thấy những biến chuyển tích cực nơi bạn dựa trên ý kiến đóng góp của họ.
Đọc thêm: Không biết nói lời cảm ơn – Nguyên do & cách khắc phục
Danh ngôn về tính hiếu thắng
Chiến thắng không phải là tất cả. Nó không thể quý giá cho bằng hơi thở của bạn.
George Steinbrenner
Mong muốn giành chiến thắng bằng mọi giá đã phục vụ tốt cho tôi trên trường đua – nhưng dù thế nào đi nữa, mong muốn đó, thái độ đó, sự kiêu ngạo đó là một thiếu sót nặng nề.
Lance Armstrong
Kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Matthew 20:16
Lời kết
Không ai trong chúng ta là miễn nhiễm với tính hiếu thắng. Điều chúng ta có thể làm là học cách kiểm soát và không để nó ảnh hưởng đến các tương tác và mối quan hệ trong cuộc sống. Lần tới khi bạn cố gắng chứng minh là mình đúng, hãy hít thở sâu và tự hỏi bản thân:
- Tôi đang tìm cách có được điều gì?
- Đây có thực sự là một thắng lợi mà tôi muốn giành được – hay cần phải giành được bằng mọi giá?
- Có đáng để đánh đổi hay không?
Mỗi chúng ta đều có tiềm năng trở nên thành công – nếu sẵn sàng nhìn nhận chính mình và cố gắng kiểm soát khao khát chiến thắng trong các mối quan hệ cá nhân.
(Biên soạn lấy cảm hứng từ ấn phẩm bestseller của TS. Marshall Goldsmith – “What got you here won’t get you there“)
Có thể bạn quan tâm:
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Làm sao để ngừng viện cớ & tìm lý do?
- Không biết nói lời xin lỗi: Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm
- Niềm tin trong cuộc sống: Nền tảng cho sự viên mãn
- Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể
- Cuộc sống viên mãn: Đi tìm ý nghĩa & đam mê mỗi ngày
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!