Trút giận lên người khác là thói quen xấu thường thấy trong tương tác hàng ngày – cả nơi công sở lẫn ngoài đời sống.
Dù là khi tiếp nhận một tin tức báo cáo đáng lo ngại từ cấp dưới, một sự thật phũ phàng hay tin tức đau buồn do người thân gửi đến, chúng ta rất hay có xu hướng “đổ lỗi” và “nặng lời” với người báo tin. Nguyên nhân vì đâu lại như vậy? Điều gì khiến chúng ta ta muốn trút giận lên người khác, dù rằng họ không liên quan gì đến vấn đề bản thân đang gặp phải?
Tóm tắt nội dung chính
- Hành vi trút giận lên người khác – đổ lỗi cho ai đó về tin tức xấu, mặc dù họ không phải là người chịu trách nhiệm – được cho là xuất phát từ các yếu tố tâm lý như nhu cầu làm chủ, sợ thay đổi và cơ chế phòng vệ. Đây là một tật xấu có hại, gây cản trở chia sẻ thông tin, tổn hại đến các mối quan hệ và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Trong bối cảnh tổ chức, nó là nguyên nhân làm mất đi lòng tin, giao tiếp tê liệt và gia tăng sự thù địch.
- Để khắc phục thói xấu trên, ta có thể sử dụng các phương pháp như hít thở sâu, tập bình tĩnh xử lý thông tin, tránh tập trung vào đối phương, đặt câu hỏi, thể hiện sự tôn trọng, lưu tâm đến thành kiến cá nhân, vun đắp sự đồng cảm và lòng biết ơn. Trên hết, mỗi người cần học cách nói “cảm ơn” trong mọi hoàn cảnh.
Trút giận lên người khác là như thế nào?
Bạn có từng bao giờ gặp phải trường hợp này chưa? Ngay khi ai đó thông báo một tin tức bất lợi – dù họ không phải là người chịu trách nhiệm về điều đó, xu hướng của chúng ta là “nổi đóa” và la hét vào mặt họ.
Ngay khi biết được một thông tin không mong muốn, phản ứng theo bản năng của ta là “tấn công” người đối diện, thay vì tìm cách giải quyết vấn đề. Ví dụ:
- Nhân viên A nhận được thông báo bị sa thải. Người này liền hướng sự tức giận về phía người quản lý, mặc dù thực tế là quyết định sa thải nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
- Nhân viên B nhận được điểm số thấp trong kỳ đánh giá cuối năm. Người này phản ứng bằng cách la mắng người đưa kết quả cho họ.
- Khách hàng C không hài lòng với sản phẩm/ chính sách công ty – liền “trút cơn giận” lên nhân viên chăm sóc khách hàng, dù cho người này đang cố gắng hỗ trợ và bản thân họ không có liên can gì đến chất lượng sản phẩm/ dịch vụ.
- v.v…
Trên đây là những biểu hiện thường gặp nhất của thói quen trút giận lên người khác, một hành vi hoàn toàn không có cơ sở, song hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc phạm phải.
Bản chất của hành vi trút giận lên người khác
Rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta phạm phải tật xấu đổ lỗi cho người khác khi được họ thông báo những thông tin không thuận lợi. Vì đâu lại như vậy?
Thói “giận cá chém thớt” nhìn chung là biểu hiện của nhiều quy luật tâm lý và cảm xúc có ảnh hưởng đến hành vi của con người:
Mong muốn duy trì quyền kiểm soát
Một nghiên cứu của Đại học Harvard tiết lộ rằng khi đối mặt với những thông tin bất ngờ, con người thường tìm cách giải thích nguyên nhân tình huống đó – nhằm khôi phục lại cảm giác kiểm soát tình hình. Nhu cầu tự nhiên này là nguyên nhân thúc đẩy ta tìm kiếm ai đó để đổ lỗi, ngay cả khi người đưa tin không chịu trách nhiệm về tin tức họ truyền đạt.
Nhận thức con người có xu hướng quy kết những động cơ tiêu cực hoặc sự kém cỏi cho những người đưa ra thông tin không mong muốn – vì chính họ đã khiến ta ý thức được về những thay đổi tiêu cực, thách thức những kỳ vọng/ chuẩn mực đã được thiết lập.
Lo sợ thay đổi
Tin tức xấu thường là dấu hiệu cho những thay đổi không mong muốn sắp xảy ra. Nỗi sợ hãi đối với sự bất định là nguyên nhân phổ biến dẫn tới phản ứng phòng thủ; theo nghĩa này, việc trút giận lên người khác trở thành cách gián tiếp thể hiện sự phản kháng trước những thay đổi đang tới.
Khi hướng nỗi thất vọng và tức giận vào người đưa tin, chúng ta thực tế đang cố gắng chống lại/phủ nhận việc bản thân cần phải thay đổi – mà chỉ muốn duy trì như thực trạng hiện tại.
Cơ chế phòng thủ
Một số người coi hành động giận cá chém thớt như cơ chế đối phó với những thông tin gây khó chịu hoặc đe dọa. Qua đó, họ có thể tạm thời tránh phải đối mặt với thực tế/ nguồn gốc thực sự của vấn đề.
Thay vì giải quyết vấn đề, chúng ta chuyển hướng cảm xúc sang người đưa tin, với mục đích là giảm bớt phần nào nỗi đau khổ nảy sinh từ những tin tức xấu.
Biểu hiện sự tức giận
Việc tiếp nhận tin xấu thường gây ra cảm giác tức giận và thất vọng. Hệ quả là chúng ta có xu hướng tìm cách giải tỏa bằng cách “trút giận” lên người được coi là chịu trách nhiệm về tình huống đau buồn đó.
Trong trường hợp như vậy, người đưa tin vô tình trở thành mục tiêu thuận tiện cho những cảm xúc dồn nén, mặc dù họ không trực tiếp tham gia vào vấn đề.
Biểu hiện của thói quen trút giận lên người khác trong cuộc sống
Thói xấu “giận cá chém thớt” không chỉ dừng lại ở hành vi trả thù công khai hoặc bộc phát giận dữ. Phần lớn chúng ta không ý thức được bản thân thường xuyên phạm phải nó như thế nào trong những tương tác hằng ngày.
Ngoài những trường hợp thông thường – như cấp trên đổ lỗi cho nhân viên vì thông báo tin tức không mong muốn, xu hướng trút giận lên người khác còn được biểu hiện theo nhiều cách tinh vi khác nhau.
Lấy ví dụ, khi người thư ký thông báo rằng cấp quản lý đang bận và không có thời gian để đón tiếp, bạn có thể đáp lại bằng một nụ cười khinh bỉ thoáng qua. Mặc dù người trợ lý không chịu trách nhiệm về sự sẵn sàng của người sếp, song phản ứng như trên, vô hình chung, sẽ khiến họ đánh giá bạn theo chiều hướng tiêu cực.
Tương tự như vậy, khi người quản lý buông ra một lời tục tĩu để bày tỏ nỗi thất vọng về một hợp đồng thất bại, hành vi của họ vô tình gửi đi một thông điệp xấu đến đội nhóm, khiến nhân viên ngại giao tiếp cởi mở và chia sẻ về những vấn đề mới trong tương lai.
Trút giận lên người khác cũng giống như khi ta đồng thời không công nhận nỗ lực của đối phương, cướp công, đổ lỗi cho họ, công kích cá nhân, từ chối cảm ơn và lắng nghe – và sau đó bổ sung thêm sự tức giận vào “hỗn hợp” đó.
Marshall Goldsmith
Vì sao cần bỏ thói trút giận lên người khác?
Chúng ta có thể thông cảm rằng “giận cá chém thớt” là bản năng tự nhiên của nhiều người. Thế nhưng, bất kể hoàn cảnh nào, phản ứng này đều không chính đáng và không mang lại lợi ích – nếu không muốn nói là gây hại đến khả năng giải quyết vấn đề, giao tiếp và nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh.
Sau đây là một số lý do khiến bạn nên cân nhắc từ bỏ thói xấu này ngay từ hôm nay:
- Thể hiện sự thiển cận và thiếu công bằng
Khi tập trung vào bản thân người đưa tin – thay vì đánh giá khách quan thông tin tiếp nhận được, chúng ta đồng thời đang để mình rơi vào trạng thái “bất hòa” về nhận thức, từ chối chấp nhận thực tế/ điều chỉnh niềm tin dựa trên lý trí.
Hơn thế nữa, việc đổ lỗi hay “tấn công” người đưa tin khiến ta quên mất một điều: họ không phải là nguyên nhân gây ra vấn đề, mà chỉ đơn thuần đóng vai trò truyền tải thông tin. Hình thức đổ lỗi này không giải quyết được nguồn gốc sâu xa của sự việc.
- Phi logic
Hành vi trút giận lên người khác về cơ bản là phi logic và trái với lý trí, bởi vì người đưa tin không chịu trách nhiệm về nội dung/ chất lượng của thông tin mà họ mang đến. “Tấn công” họ không làm thay đổi thực tế, cũng không giúp đưa ra giải pháp.
Những gì nó làm là GÂY XÁO TRỘN mối tương quan giữa người đưa tin và thông điệp với quan hệ nhân quả. Một lối suy nghĩ ngụy biện như vậy sẽ làm suy yếu các nguyên tắc tư duy và ngăn trở giao tiếp hiệu quả.
- Cản trở trao đổi thông tin
Khi chỉ trích người đưa tin, chúng ta đồng thời khuyến khích một môi trường bị chi phối bởi cảm giác sợ hãi và thù địch, nơi mọi người bị mất động lực cung cấp/ tìm kiếm thông tin quan trọng trong tương lai. Hệ quả là, những thông tin phản hồi quan trọng và dữ liệu cần thiết cho việc ra quyết định sẽ bị ngăn chặn, cản trở quá trình giải quyết vấn đề và mất mát nhiều cơ hội quý giá.
- Gây tổn hại đến các mối quan hệ và niềm tin
Hành vi giận cá chém thớt làm tổn hại đến mối quan hệ giữa người và người; nó gây ra một bầu không khí sợ hãi, im lặng và ngờ vực. Nỗi lo sợ về những hậu quả tiêu cực khi chia sẻ tin tức bất lợi sẽ khiến mọi người có xu hướng che giấu thông tin, làm cho các vấn đề bị tồn động và ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp.
Hậu quả của hành vi trút giận lên người khác trong tổ chức
Hành động “giận cá chém thớt” không chỉ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa người và người; nó còn là mối đe dọa đáng kể đối với sự phát triển và chức năng của tổ chức. Ở cương vị nhà lãnh đạo, việc áp dụng phương pháp quản lý thiển cận như vậy sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như:
- Suy yếu niềm tin
Khi nhà quản lý có thói quen hay trút giận lên người khác, nhân viên, đồng nghiệp và các bên liên quan sẽ trở nên miễn cưỡng bày tỏ sự quan ngại, chia sẻ góp ý hoặc báo cáo vấn đề – vì lý do sợ bị trả thù hoặc phải nhận hậu quả tiêu cực. Sự “đổ vỡ” lòng tin làm xói mòn nền tảng giao tiếp cởi mở và trung thực, cản trở quá trình trao đổi thông tin cần thiết để giải quyết khó khăn và nuôi dưỡng tinh thần hợp tác.
- Giao tiếp bị tê liệt
Giao tiếp trung thực là nền tảng cần thiết để đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và đổi mới. Thái độ thù địch khi những tin tức không mong muốn được đưa ra, vô hình chung, sẽ làm suy giảm chất lượng và số lượng luồng thông tin trong tổ chức, cản trở sự tiến bộ và phát triển của đội nhóm.
- Không khuyến khích học tập
Công tác học tập và phát triển trong tổ chức phụ thuộc vào năng lực thừa nhận, hiểu biết và giải quyết nguyên nhân gây ra thách thức/thất bại của đội ngũ. Hành vi “giận cá chém thớt” là rào cản lớn với quá trình học hỏi; khi không sẵn sàng đối đầu và chiêm nghiệm từ sai lầm, cá nhân sẽ rơi vào tình trạng “trì trệ” và không thể thích nghi/ cải thiện hiệu suất bản thân.
- Nuôi dưỡng sự thù địch
Khi hay đổ lỗi cho người khác, nhà lãnh đạo đồng thời “nuôi dưỡng” một nền văn hóa sợ hãi và e ngại, kìm hãm sự sáng tạo và đổi mới, hạn chế tiềm năng tăng trưởng và phát triển chung.
Làm thế nào để ngừng trút giận lên người khác?
Để chấm dứt thói quen “giận cá chém thớt” đòi hỏi nỗ lực có ý thức – cộng với việc áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn khi tiếp nhận thông tin. Sau đây là một số phương pháp mà bạn có thể áp dụng:
Hít một hơi thật sâu
Cảm xúc “xáo trộn” khi đối mặt với tin xấu là phản ứng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể làm là dành một chút thời gian để tự trấn tĩnh thay vì hành động “bốc đồng”. Chỉ với một vài hơi thở sâu, mỗi người sẽ có thể lấy lại cảm giác bình tĩnh, cũng như sự tỉnh táo cần thiết để phản ứng cách hợp lý, tránh những hành động hoặc lời nói sau này phải hối tiếc.
Đọc thêm: Thấu hiểu cảm xúc để cân bằng & thành công
Dành thời gian xử lý thông tin
Khi nhận được tin xấu, hãy cho phép bản thân có thời gian để xử lý và suy ngẫm về vấn đề. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người mà bạn tin tưởng (ví dụ: coach/ mentor/ đối tác chịu trách nhiệm), hoặc dành vài phút riêng tư để suy ngẫm về ý nghĩa của thông tin nhận được. Thời gian thinh lặng này sẽ giúp ta có được những nhận thức sâu sắc, cũng như cho phép bản thân phản ứng chừng mực hơn.
Tránh tập trung vào đối phương
Điều quan trọng là bạn cần nhận thức và nhắc nhở bản thân rằng, đối phương không phải người chịu trách nhiệm về nội dung tin tức mà họ đưa ra. Họ chỉ đơn thuần là “cầu nối” để thông tin được chuyển tiếp. Đổ lỗi hoặc oán giận họ là phản tác dụng và hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì.
Đặt câu hỏi
Nếu chưa hiểu rõ lý do đằng sau thông tin xấu, hãy yêu cầu người đưa tin trình bày cụ thể hơn. Một cuộc đối thoại cởi mở sẽ tăng cường sự hiểu biết cho đôi bên, cũng như đóng vai trò nhắc nhở bạn rằng, đối phương không có lỗi trong chuyện này.
Thể hiện sự tôn trọng
Ngay cả khi tin tức không như mong đợi, mỗi cá nhân cần học cách đối xử với người đưa tin với thái độ tôn trọng và lịch sự. Dù có thể khó khăn, việc trân trọng vai trò của họ trong việc chia sẻ thông tin sẽ góp phần xây dựng một nền văn hóa nơi mọi người sẵn sàng minh bạch trong mọi tình huống.
Lưu ý đến thành kiến và cảm xúc cá nhân
Bạn cần ý thức về những thành kiến và phản ứng cảm xúc của bản thân khi nhận được tin xấu. Tránh đổ lỗi cho người khác về những vấn đề mà họ không chịu trách nhiệm. Thay vào đó, hãy thừa nhận rằng, “giận cá chém thớt” là một hình thức bất hòa về nhận thức, sẽ không mang lại lợi ích gì cả.
Nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng biết ơn
Trong nhiều trường hợp, đối phương hoàn toàn có ý định tốt; thậm chí, chính họ cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề. Do đó, bạn hãy học cách thể hiện sự đồng cảm và lòng biết ơn đối với thái độ trung thực, can đảm và sẵn sàng giúp đỡ của họ.
Tập trung vào nội dung thông điệp
Đánh giá thông điệp một cách khách quan và logic, tập trung vào chính thông tin hơn là cảm xúc hay ấn tượng của người đưa tin. Sử dụng nó như một cơ hội để học hỏi, cải thiện hoặc thích ứng.
Cuộc sống đã dạy tôi không được trút giận lên người khác, dù tin tức đó có tệ hại và đáng thất vọng đến đâu.
Louis Yako
Học cách nói lời cảm ơn: Giải pháp tối ưu để ngừng trút giận lên người khác
Để từ bỏ hoàn toàn thói xấu “giận cá chém thớt”, giải pháp tối ưu nằm ở hai từ đơn giản nhưng mạnh mẽ: “Cảm ơn”. Lòng biết ơn tác động đáng kể đến cách chúng ta tiếp nhận góp ý và hỗ trợ từ người khác.
Thay vì đả kích hoặc tỏ ra phòng thủ khi phải đối mặt với lời phê bình, nói “Cảm ơn” cho thấy bạn ghi nhận đóng góp và thiện chí của đối phương. Đây là nền tảng rất quan trọng để hình thành một nền văn hóa coi trọng giao tiếp cởi mở, khuyến khích phản hồi mang tính xây dựng.
Việc học cách nói lời cảm ơn đòi hỏi mỗi người phải tự nhận thức và nỗ lực thực hành. Khi ai đó cung cấp sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ, hãy tạm ngừng một lúc trước khi phản ứng “bốc đồng”. Dành chút thời gian để suy nghĩ về những lợi ích tiềm năng từ chia sẻ của họ – rằng những thông tin đó hoàn toàn không tốn của chúng ta điều gì. Lòng biết ơn sẽ mang lại bầu không khí tôn trọng, khiến mọi người cảm thấy được trân trọng và sẵn sàng đóng góp tích cực hơn.
Hành động cảm ơn không hàm ý sự hoàn hảo; đúng hơn, nó biểu thị tinh thần sẵn sàng học hỏi và phát triển từ đó.
TS. Marshall Goldsmith từng chia sẻ về sức mạnh của lời nói “cảm ơn” trong việc ngăn chặn thói quen trút giận lên người khác như sau:
Tôi đi du lịch gần như mỗi tuần trong năm, nhưng tôi rất chú trọng việc ở nhà vào cuối tuần. Hệ quả là tôi hầu như luôn đi ô tô vào chiều Chủ nhật/ sáng thứ Hai để ra sân bay. Tôi làm điều này thường xuyên đến mức tôi trở nên rất “thành thạo” trong việc trì hoãn khởi hành ra sân bay đến phút cuối cùng. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi luôn phải vội vã.
Một lần lái xe tới sân bay, vợ tôi, Lyda, đang ngồi ở ghế trước. Hai con của tôi, Kelly và Bryan, ngồi ở ghế sau. Như thường lệ, do đến muộn nên tôi lái xe rất nhanh và thiếu cẩn trọng. Ngay lúc đó, Lyda kêu lên:
“Coi chừng anh! Phía trước có đèn đỏ kìa!”
Là một chuyên gia về khoa học hành vi, chuyên đào tạo người khác về giá trị của việc khuyến khích góp ý, vậy mà tôi lại phản xạ theo bản năng và hét vào mặt vợ tôi.
“Anh biết có đèn đỏ! Em nghĩ là anh không nhìn thấy sao? Anh có thể lái xe tốt như em vậy!”
Khi chúng tôi đến sân bay, Lyda, vì lý do nào đó, đã không thể hiện thái độ chia tay như thường lệ. Không hôn tạm biệt tôi hay nói lời gì cả, vợ tôi chỉ lẳng lặng đi vòng quanh xe, ngồi sau tay lái và lái đi.
“Hmmm”, tôi nghĩ, “không biết cô ấy có giận tôi không?”
Trong chuyến bay kéo dài sáu giờ tới New York, tôi tự hỏi:
“Tôi có mất gì khi vợ tôi nói ‘Phía trước có đèn đỏ’ không?”
Không mất gì cả.
“Lợi ích tiềm tàng là gì? Điều gì có thể được cứu?”
Hàng loạt thứ hiện đến trong tâm trí tôi: mạng sống của tôi, mạng sống của cô ấy, mạng sống của con cái chúng tôi, và của những người vô tội khác.
Khi ai đó đưa cho chúng ta thứ gì đó có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn và hoàn toàn không tốn kém gì, thì chỉ có một câu trả lời thỏa đáng: “Cảm ơn!”
Tôi đến New York tràn ngập trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Tôi gọi cho Lyda và kể cho vợ tôi nghe những suy tưởng về chi phí-lợi ích của mình, rồi nói:
“Lần tới khi em giúp anh, anh sẽ chỉ nói: ‘Cảm ơn em.’”
“Chắc chắn nhé!”
“Hãy đợi xem. Anh sẽ làm tốt hơn lần sau!”
Vài tháng trôi qua, tôi đã quên mất sự việc này. Một lần nữa, tôi lại “chạy đua” ra sân bay, đang lúc không để ý thì Lyda kêu lên:
“Chú ý đèn đỏ kìa!”
Mặt tôi đỏ bừng. Tôi bắt đầu thở dốc, nhăn mặt rồi hét lên: “Cảm ơn em!”
Lần tới khi ai đó đưa ra lời khuyên cho bạn hoặc “giúp bạn” một việc gì đó quan trọng, đừng “giận cá chém thớt”. Đừng nói lời nào cả. Hãy dừng lại bất cứ điều gì bạn đang định nói điều gì, nếu đó không phải hai từ “Cảm ơn!”.
Lời kết
Thói quen xấu trút giận lên người khác thể hiện một phản ứng bản năng đã ăn sâu vào con người. Rất thường xuyên, chúng ta đổ lỗi và có thái độ thù địch khi đối phương thông báo những tin tức xấu – ngay cả khi bản thân họ không liên quan gì đến điều đó. Việc ý thức được động cơ tâm lý đằng sau hành vi “giận cá chém thớt” và những hậu quả gây ra sẽ giúp mỗi người có thể bắt đầu thoát khỏi thói quen tai hại này – và mở đường cho những thay đổi tích cực trong tương lai.
Biên soạn lấy cảm hứng từ nội dung ấn phẩm “What got you here won’t get you there” (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai) của TS. Marshall Goldsmith.
Có thể bạn quan tâm:
- Không biết nói lời xin lỗi: Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Làm sao để ngừng viện cớ tìm lý do?
- Thiên vị: “Mặt tối” trong lãnh đạo & quản trị
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!