Tổng hợp 16 bộ phim về ý nghĩa cuộc sống, đong đầy những thông điệp sâu sắc về nhân sinh và cùng đích trong đời.
Trong thế giới hiện đại đầy biến động, thật dễ để nhiều người trong chúng ta cảm thấy lạc lõng, “trôi dạt” và mất phương hướng. Giữa bộn bề lo toan, đôi khi cái ta cần làm là chậm lại một chút, suy ngẫm và tìm kiếm nguồn cảm hứng. Và điện ảnh là một trong những công cụ hỗ trợ phù hợp nhất cho mục đích này. Từ những tác phẩm chính kịch triết học đến khoa học viễn tưởng đầy thú vị, tuyển tập các bộ phim về ý nghĩa cuộc sống dưới đây sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn sâu sắc và đa chiều về nhân sinh – làm nền tảng cho bạn hướng tới một cuộc đời phong phú và mãn nguyện hơn!
Tóm tắt nội dung chính
- Từ những kiệt tác ‘kinh điển’ như “Ikiru” và “Phong ấn thứ bảy” cho đến các tác phẩm thời hiện đại như “Cuộc đời của Pi” hay “Cuộc sống nhiệm màu”, tuyển tập phim dưới đây sẽ mang đến cho khán giả không gian để tự phản ánh và chiêm nghiệm về các chủ đề ý nghĩa cuộc sống, cái chết, tình yêu thương và tình trạng con người.
- Thông qua đó, mỗi người sẽ có cơ hội tự nhìn lại chính mình, kiểm điểm triết lý sống và tìm thấy mục đích trong đời.
Ikiru (1952)
Con người không bao giờ nhận ra cuộc sống tươi đẹp đến thế nào, cho đến khi họ đối mặt với cái chết.
Lấy bối cảnh Nhật Bản hậu Thế chiến thứ hai, “Ikiru” (生きる, nghĩa tiếng Việt: Sống) kể về câu chuyện của Kanji Watanabe, một công chức trung niên được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi, Watanabe dấn thân vào hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, vốn bị “nhấn chìm” lâu nay bởi một phong cách sống tầm thường và bộ máy hành chính quan liêu trong xã hội thời đó.
Phim đặt ra những câu hỏi đầy ám ảnh về sự tồn tại, cái chết và bản chất của sự viên mãn. Hành trình của Watanabe được đánh dấu bởi sự chuyển mình mạnh mẽ – từ một “xác ướp” thờ ơ với đời thành một cá nhân hết lòng theo đuổi đam mê và đóng góp cho cộng đồng thông qua một dự án xây sân chơi cho trẻ em.
Ikiru gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ảnh hưởng của chế độ quan liêu và tầm quan trọng của việc thoát khỏi kỳ vọng xã hội. Quá trình chuyển đổi nhân cách của Watanabe là minh chứng sống động về vai trò của quyền tự quyết cá nhân, ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh, cũng như vì sao chúng ta nên trân quý từng giây phút trong đời và nỗ lực sống hết mình.
Đọc thêm: Ikigai (生き甲斐) – Triết lý cho cuộc sống xứng đáng
Phong ấn thứ bảy (1957)
Tôi nhìn vào khuôn mặt mình và cảm thấy ghê tởm vì nó. Sự thờ ơ của tôi đối với con người đã khiến tôi ra thế này. Giờ thì tôi đang sống trong thế giới của ma quỷ, một tù nhân trong giấc mơ của chính mình.
Lấy bối cảnh châu Âu thời Trung cổ, vào lúc Đại dịch đen đang hoành hành, “Phong ấn thứ bảy” (tiếng Anh: The Seventh Seal) kể về một hiệp sĩ tên Antonius Block, người đã thách đấu với Thần Chết trong một ván cờ vua để trì hoãn cái chết không thể tránh khỏi. Xuyên suốt phim, anh và người hầu Jöns đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật thuộc mọi hoàn cảnh; những cuộc chạm trán này đã khiến anh phải suy ngẫm về ý nghĩa của sự tồn tại và hồi kết của chính mình.
Phim mang đến không gian cho khán giả chiêm nghiệm về bản chất của niềm tin và đau khổ, cũng như hành trình tìm kiếm mục đích trong một thế giới đầy hỗn loạn. Những dấu chỉ biểu tượng trong phim, kết hợp với các cuộc đối thoại giàu tính triết lý, tạo thành một trải nghiệm điện ảnh thực sự ám ảnh và khó quên. Ngay cả khi đối mặt với cái chết, con người vẫn có thể tìm thấy niềm an ủi trong các mối quan hệ xã hội, nghệ thuật và tri thức.
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Câu lạc bộ thi ca (1989)
Có lúc chúng ta cần táo bạo, và có lúc cần thận trọng. Một người khôn ngoan sẽ hiểu được điều gì là cần thiết vào thời điểm cụ thể.
“Câu lạc bộ thi ca” (tiếng Anh: Dead Poets Society) theo chân một nhóm học sinh được truyền cảm hứng bởi thầy giáo John Keating – người đã khuyến khích các học trò thực hành triết lý “Carpe Diem” (hãy sống trọn ngày hôm nay), sẵn sàng đặt câu hỏi, lắng nghe tiếng nói của riêng mình, theo đuổi ước mơ và thách thức chuẩn mục tri thức thông thường.
Bộ phim trình bày về tác động của giáo dục đối với quá trình hình thành thế giới quan và ý thức về mục đích cá nhân. Bằng cách cho học sinh tiếp xúc với tác phẩm của các thi sĩ và nhà tư tưởng vĩ đại, Keating đã khơi dậy trí tưởng tượng và truyền cảm hứng cho các em dám phản biện về thế giới xung quanh. Thông qua các chủ đề chuẩn mực xã hội, sự nổi loạn và hành trình theo đuổi hạnh phúc, phim là lời nhắc nhở sống động về ý nghĩa của tính xác thực (authenticity), sự mong manh của cuộc sống, và vì sao chúng ta cần trân trọng mọi khoảnh khắc trong đời.
Ngày Chuột chũi (1993)
Bạn sẽ làm gì nếu bị kẹt ở một nơi, ngày nào cũng giống ngày nào, và mọi việc bạn làm đều không có ý nghĩa gì?
Với sự pha trộn của các tình tiết hài hước và kỳ ảo, “Ngày Chuột chũi” (tiếng Anh: Groundhog Day) xoay quanh câu chuyện về Phil Connors, một nhà dự báo thời tiết bị mắc kẹt trong một “vòng lặp thời gian” và buộc phải sống lại cùng một ngày hết lần này đến lần khác. Ban đầu, Phil sử dụng sự tự do của mình cho những mục đích ích kỷ, đắm chìm trong thú vui khoái lạc và thao túng người khác. Tuy nhiên, với thời gian, khi những vui thú đó chỉ khiến cho cảm giác thất vọng ngày càng gia tăng, anh bắt đầu đánh giá lại các ưu tiên của mình – để rồi cuối cùng học được bài học về giá trị của sự đồng cảm, lòng tốt và tinh thần vị tha.
Cùng với sự tiến triển của mạch phim, khán giả được mời gọi suy ngẫm về bản chất của kiếp nhân sinh, tầm quan trọng của mối liên hệ người-người và hành trình phát triển cá nhân. Sự chuyển đổi của Phil từ một kẻ tự phụ thành một trái tim giàu lòng trắc ẩn là ẩn dụ đầy ý nghĩa về cơ hội học hỏi từ sai lầm. Ngay cả giữa những điều tưởng như rất “tầm thường” của nhịp sống thường nhật, vẫn còn đó tiềm năng cho những trải nghiệm phi thường!
Những bộ phim ý nghĩa nhất về cuộc sống
Forrest Gump (1994)
Tôi không biết liệu mỗi người đều có một số phận được định sẵn, hay chúng ta chỉ đơn giản trôi nổi ngẫu nhiên như một cơn gió. Với tôi, có lẽ cả hai điều này đều đang xảy ra cùng một lúc.
Là một kiệt tác điện ảnh với chiều sâu triết lý, “Forrest Gump” khám phá ý nghĩa cuộc sống qua con mắt của một con người giản dị nhưng phi thường, người đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử lớn, từ Chiến tranh Việt Nam đến Phong trào Dân quyền.
Tuy có những hạn chế về phương diện trí tuệ, Forrest sở hữu tinh thần lạc quan mạnh mẽ và một trái tim trong sáng. Trải nghiệm trong đời đã đưa anh đến với những nhận thức sâu sắc về cuộc sống, tình yêu và tình trạng con người. Qua đó, khán giả cũng được mời gọi suy ngẫm lại về các chuẩn mực xã hội, sẵn sàng đón nhận mọi biến cố với niềm tin và nghị lực.
Phim thảo luận về các chủ đề như số phận, cơ hội và sức mạnh của kết nối xã hội. Cuộc đời của Forrest được đánh dấu bằng một loạt các sự trùng hợp ngẫu nhiên và những cuộc gặp gỡ tình cờ. Tuy nhiên, chính niềm tin vào bản thân và khả năng kết nối với người khác mới thực sự định hình nên nhân cách của anh. Thông điệp đọng lại sau những thước phim thật đơn giản: ngay cả người bình thường nhất cũng có khả năng mang lại tác động phi thường đến thế giới!
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Đánh thức cuộc đời (2001)
Sự sáng tạo xuất phát từ tình trạng bất toàn, nỗ lực và thất vọng. Theo tôi, đó cũng là xuất phát điểm của ngôn ngữ – mong muốn vượt lên sự cô lập của bản thân và kết nối với nhau.
“Đánh thức cuộc đời” (tiếng Anh: Waking Life) theo chân một chàng trai trẻ – người đã tham gia thảo luận với nhiều nhân vật về triết học, tâm lý, tôn giáo và nghệ thuật. Các cuộc thảo luận này mang đến những góc nhìn đa chiều về bản chất của thực tại, ý nghĩa của kiếp nhân sinh, tiềm năng ý thức con người, cũng như ranh giới giữa thực và ảo.
Liệu rằng nhận thức của chúng ta về thế giới có phải là ảo tưởng hay không? Liệu rằng những ý niệm truyền thống về không-thời gian có đúng hay không? Đây là những câu hỏi mà phim đặt ra cho khán giả. Dù cuộc đời có thể có nhiều bí ẩn khó giải mã, điều quan trọng là mỗi người hãy học cách trân trọng nó, cũng như không ngừng khám phá các chiều kích của ý thức và chiêm nghiệm sự kết nối của vạn vật.
Đọc thêm: Sức mạnh tiềm thức – Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong
Cá lớn (2003)
Chính khi kể lại câu chuyện của mình nhiều lần, con người sẽ trở thành hiện thân của câu chuyện đó. Ngay cả khi họ không còn nữa, những điều họ kể lại vẫn sẽ được lưu truyền mãi mãi; ở phương diện này, người đó đã thực sự thành bất tử.
Trong “Cá lớn” (tiếng Anh: Big Fish), nhân vật chính Edward Bloom được biết đến với những câu chuyện không có ranh giới rõ ràng giữa sự thật và hư cấu. Tuy ít nhiều hơi phóng đại, những câu chuyện của Edward ẩn chứa thông điệp vô cùng sâu sắc về bản sắc, di sản cá nhân, sức mạnh của trí tưởng tượng, và hành trình vượt khó để hướng tới một cuộc sống ý nghĩa.
Ban đầu, người con trai Will của ông tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của những gì cha mình kể lại, cũng như về con người thực sự của ông. Tuy nhiên, khi biết được nhiều hơn về quá khứ của cha, cậu bắt đầu hiểu ra sức mạnh của việc kể chuyện và tầm quan trọng của trí tưởng tượng. Theo đó, những câu chuyện chúng ta kể về bản thân sẽ định hình nên bản sắc và di sản của ta. Ngay cả khi phải trả giá bằng việc từ bỏ các kỳ vọng thông thường, mỗi người đều được kêu gọi sống chân thực, theo đuổi tầm nhìn cá nhân và chia sẻ về hành trình của mình với người khác.
Chiến binh hòa bình (2006)
Cuộc sống là một sự lựa chọn. Anh có thể chọn trở thành nạn nhân, hoặc bất cứ điều gì anh muốn trở thành.
Dựa trên câu chuyện có thật về cựu vận động viên thể dục dụng cụ Dan Millman, “Chiến binh hòa bình” (tiếng Anh: Peaceful Warrior) là một ẩn dụ đầy ý nghĩa về sức mạnh biến đổi của thức tỉnh tâm linh và việc sống một cuộc sống ý nghĩa. Trong phim, Dan chạm trán một ông già bí ẩn tên Socrates, người sau đó đóng vai trò hướng dẫn anh trên con đường giác ngộ. Thông qua các cuộc thảo luận về triết lý và bài tập thực hành, Socrates đã giúp Dan nhìn nhận lại các giả định trong tư tưởng, buông bỏ cái tôi và nắm bắt khoảnh khắc hiện tại.
Hành trình của Dan Millman ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về việc vì sao cần cân bằng giữa hoạt động thể chất và tinh thần, cũng như nuôi dưỡng cảm giác bình yên bên trong thông qua chánh niệm tỉnh thức, thực hành kỷ luật và không ngừng hoàn thiện chính mình. Chính khi đồng điệu suy nghĩ, lời nói và hành động với bản thể thực sự, chúng ta đồng thời “mở khóa” tiềm năng cá nhân và trải nghiệm một cuộc sống phong phú hơn.
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Suối nguồn (2006)
Cái chết là một căn bệnh, giống như bất kỳ căn bệnh nào khác. Có một cách để chữa trị – và tôi sẽ tìm ra nó.
Một kiệt tác điện ảnh cả về phương diện hình ảnh và nội dung, “Suối nguồn” (tiếng Anh: The Fountain) của Darren Aronofsky lồng ghép trong đó các thông điệp về tình yêu, mất mát, vòng lặp tuần hoàn của sự sống và cái chết. Phim đan xen ba luồng câu chuyện riêng biệt, mỗi câu chuyện đại diện cho một giai đoạn khác nhau trong hành trình của nhân vật chính: quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Quá khứ: Một nhà thám hiểm vào thế kỷ 16 lên đường đi tìm Cây Sự Sống, một loài cây huyền thoại được cho là có thể mang lại sự bất tử.
- Hiện tại: Một nhà khoa học chạy đua với thời gian để tìm cách chữa trị cho người vợ đang hấp hối của mình.
- Tương lai: Một phi hành gia một mình du hành khắp không gian để tìm kiếm một hành tinh có thể duy trì sự sống.
Tuy thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn không liên quan đến nhau, ba luồng câu chuyện trên đây đều xoay quanh một chủ đề trung tâm: khát vọng chinh phục cái chết và đạt tới sự bất tử của con người. Chính qua quá trình tìm kiếm, con người mới đi đến với chân lý cuối cùng: sự bất tử thực sự không nằm ở sự tồn tại thể lý, mà nằm ở sức mạnh của tình yêu thương và di sản cá nhân.
Đọc thêm: Lòng biết ơn – Ý nghĩa & 7 bí quyết thực hành mỗi ngày
Về với thiên nhiên (2007)
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải là sức mạnh… mà là cảm thấy mình mạnh mẽ. Đủ mạnh mẽ để tự đánh giá bản thân ít nhất một lần. Để trải nghiệm điều kiện sống của nhân loại thời cổ xưa – một mình đối mặt với nghịch cảnh, không có gì hỗ trợ ngoài đôi tay và khối óc của chính bạn.
“Về với thiên nhiên” (tiếng Anh: Into the Wild) kể lại câu chuyện của Christopher McCandless, một chàng trai thất chí quyết định từ bỏ toàn bộ tài sản để bắt đầu hành trình đơn độc vào vùng hoang dã Alaska – nơi anh phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên và giới hạn sức chịu đựng của con người.
Bộ phim đặt ra những câu hỏi đầy ám ảnh về bản chất của hạnh phúc, ý nghĩa của tự do, sự cân bằng giữa chủ nghĩa cá nhân và trách nhiệm xã hội. Hành trình của McCandless, tuy không diễn ra suôn sẻ, đóng vai trò như lời nhắc nhở về sức mạnh tinh thần của con người – việc nó có thể đưa ta lên “đỉnh cao” của lòng dũng cảm cũng như “vực sâu” tự hủy hoại như thế nào. Trên cơ sở đó, mỗi người hãy tự vấn lại bản thân: Ta đang đi theo con đường nào? Ta có chỉ đang tuân theo các chuẩn mực mà không thèm suy xét gì không? Ta có đang khám phá những khả năng nằm ngoài vùng an toàn của mình không? Ta có đang thực sự sống đúng với đam mê và mục đích không?
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân – Hành trang tự vấn mỗi ngày
Niềm sống (2007)
Thật khó để hiểu được giá trị của đời người. Một số người nói rằng nó được đo lường bởi di sản bạn để lại. Một số thì tin rằng nó có thể được đo lường bằng niềm tin hoặc tình yêu. Số khác nói rằng cuộc sống không có ý nghĩa gì cả. Về phần mình, tôi tin rằng giá trị của bạn nằm ở việc có những người nào đã lấy bạn làm thước đo giá trị cuộc sống của họ.
“Niềm sống” (tiếng Anh: The Bucket List) khám phá ý nghĩa cuộc sống qua góc nhìn của Edward Cole và Carter Chambers, hai người đàn ông mắc bệnh nan y ở chung phòng bệnh. Đối mặt với cái chết đang cận kề, hai người quyết định lên đường phiêu lưu để hoàn thành “bucket list” – những điều họ mong muốn làm trước khi chết. Cuộc hành trình này đưa họ đến khắp nơi trên thế giới, từ Vạn Lý Trường Thành đến Kim tự tháp Giza, và đã mang đến cho họ nhiều trải nghiệm ly kỳ và sâu sắc.
Trên đường đi, Edward và Carter đã học được những bài học giá trị về cuộc sống, tình yêu và kết nối xã hội. Như họ khám phá ra, hạnh phúc thực sự không đến từ của cải vật chất hay địa vị xã hội – mà từ những mối quan hệ thân thiết, sự phát triển cá nhân và ý thức về mục đích. Nói cách khác, con người nên đón nhận mọi trải nghiệm trong đời với thái độ biết ơn, trân quý những người thân yêu và nỗ lực đóng góp cho thế giới.
Những bộ phim nên xem trong cuộc đời
Đọc thêm: 21 phim về khám phá bản thân – Chìa khóa mở cửa tâm hồn
Người tiễn đưa (2008)
Ý nghĩa của công việc nhập quan là để chuẩn bị cho người đã khuất ra đi thanh thản.
“Người tiễn đưa” (tựa tiếng Nhật: おくりびと) thuật lại câu chuyện của cựu nghệ sĩ cello Daigo Kobayashi. Sau khi mất việc, anh tình cờ nhận được công việc của một nōkanshi (納棺師), chuyên làm dịch vụ tẩm liệm và thực hiện nghi thức tang lễ theo truyền thống của Nhật Bản. Ban đầu, Daigo phải đối mặt với sự kỳ thị và định kiến xã hội do tính chất công việc mới của mình. Tuy nhiên, qua thời gian, anh bắt đầu cảm nghiệm rõ ràng hơn về tác động của việc mình làm đối với cuộc sống của gia đình tang quyến.
Nội dung của phim nhấn mạnh vào ranh giới giữa sự sống và cái chết, cũng như tầm quan trọng của việc tôn vinh người đã khuất. Chính khi đối mặt trực diện với cái chết, Daigo mới thấm thía được bản chất mong manh của sự sống, và vì sao mỗi người cần trân trọng từng khoảnh khắc trong đời.
Ngài không ai cả (2009)
Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ là mình đã không thực sự sống trọn vẹn. Đây là điều mà tôi tin rằng nên được viết lên trên tấm bảng của mọi lớp học: Cuộc sống hoặc là một sân chơi – hoặc không là gì cả.
Với nội dung phức tạp nhưng giàu tính triết lý, “Ngài không ai cả” (tiếng Anh: Mr. Nobody) theo chân của Nemo Nobody, người phàm trần cuối cùng còn tồn tại trên Trái Đất. Khi đã già và suy ngẫm lại về hành trình trần thế của mình, Nemo phải đối mặt với hàng loạt các viễn cảnh thay thế, mỗi viễn cảnh đại diện cho một lựa chọn khác nhau mà anh đáng lý ra đã có thể thực hiện.
Thông qua trải nghiệm của nhân vật, khán giả cũng đồng thời được kêu gọi suy ngẫm về tác động của mọi quyết định họ đã đưa ra – cũng như tiềm năng vô hạn của cuộc sống. Sau cùng, ý nghĩa cuộc sống không nằm ở một câu trả lời duy nhất, dứt khoát; nó đến từ nỗ lực của mỗi cá nhân trong việc đón nhận những cơ hội mới, vẻ đẹp của từng trải nghiệm sống, của từng hơi thở trong từng phút giây.
Cuộc đời của Pi (2012)
“Vậy là, câu chuyện của anh có một kết thúc có hậu.”
“Cái đó còn tùy vào anh. Bây giờ, anh là người viết tiếp câu chuyện.”
“Vừa ấn tượng về mặt hình ảnh, vừa giàu tính triết lý” là mô tả phù hợp nhất cho “Cuộc đời của Pi” (tiếng Anh: Life of Pi). Xoay quanh chủ đề về sức mạnh của niềm tin, hy vọng và trí tưởng tượng, phim kể lại hành trình của cậu bé Pi Patel, người sống sót sau một vụ đắm tàu và phải sinh tồn giữa Thái Bình Dương cùng với một con hổ Bengal. Đối mặt với gian khổ và hiểm nguy rình rập, Pi đã dần tìm được nguồn sức mạnh từ niềm tin và khả năng bền bỉ, để có thể nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất.
Chú hổ Richard Parker trong phim đóng vai trò như một ẩn dụ về mặt tối trong mỗi con người – bản năng nguyên thủy, nỗi sợ hãi và ham muốn đang “gặm nhấm” nhiều người trong chúng ta. Cũng như Pi đã học được cách cùng tồn tại với Richard Parker như thế nào, chúng ta cũng cần nỗ lực hướng tới sự cân bằng giữa bản thể lý trí và phi lý trí của mình như vậy.
Sau cùng, câu chuyện của Pi có thể được xem như một sự kiện đầy kỳ diệu, hoặc một biểu tượng cho hành trình tâm linh của mỗi người. Đó là vấn đề về quan điểm: bạn lựa chọn tin vào điều gì. Chính niềm tin đó sẽ định hình cảm thức ý nghĩa trong cuộc sống của bạn.
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Đọc thêm: Phim về tâm linh – 14 tác phẩm điện ảnh thức tỉnh & khai sáng tâm hồn
Cây đời (2011)
Có hai con đường trong cuộc sống: con đường của tự nhiên và con đường của ân sủng. Bạn phải chọn con đường nào bạn sẽ theo.
Thông qua câu chuyện về một gia đình ở Texas những năm 1950, “Cây đời” (tiếng Anh: Tree of Life) mời gọi người xem suy ngẫm về những bí ẩn của tạo hóa và thời gian, vẻ đẹp mong manh của sự sống, sự kết nối của vạn vật và ý nghĩa của sự tồn tại. Kỹ thuật quay chậm đặc trưng, kết hợp với nhạc nền tinh tế, mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh đầy chiêm nghiệm và sâu sắc.
Tuy tương đối hơi khó xem, bộ phim trình bày một góc nhìn mới mẻ và đầy chất thơ về trải nghiệm của kiếp nhân sinh. Chính khi suy ngẫm về sự bao la của vũ trụ, sự nhỏ bé của con người, cũng như mối quan hệ giữa hỗn mang và trật tự, chúng ta sẽ có được nguồn động lực để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Cuộc sống nhiệm màu (2020)
Cuộc sống luôn ẩn chứa vô vàn cơ hội. Bạn chỉ cần biết phải tìm kiếm ở đâu. Đừng bỏ lỡ những niềm vui trong đời.
Ngay cả khi chủ yếu dành cho khán giả thiếu nhi, nhiều bộ phim hoạt hình vẫn lồng ghép trong đó những tư tưởng triết lý rất sâu sắc. Đó là trường hợp của tác phẩm “Cuộc sống nhiệm màu” (tựa tiếng Anh: Soul). Phim xoay quanh Joe Gardner, một nhạc sĩ nhạc jazz đã có một trải nghiệm cận tử, khiến linh hồn anh được đưa qua thế giới bên kia.
Ở thế giới bên kia, Joe gặp nhiều linh hồn ở các giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi linh hồn đều có khao khát và mục đích riêng. Thông qua tương tác với họ, Joe bắt đầu đặt câu hỏi về mục đích của chính mình và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Để rồi cuối cùng anh nhận ra rằng: điều quan trọng không phải là đạt được thành tích hay hiện thực hóa ước mơ – nhưng là cảm nghiệm những niềm vui giản dị và vun đắp các mối quan hệ có ý nghĩa.
Phim hoạt hình ý nghĩa cuộc sống
Đọc thêm: Cách sống vui vẻ – 20 bí quyết giúp bạn hạnh phúc hơn mỗi ngày
Lời kết
Điện ảnh không chỉ là kênh giải trí thuần túy, nhưng còn là tấm gương phản chiếu, giúp mỗi người nhìn nhận lại bản thân và thế giới xung quanh. Hy vọng qua bài review các bộ phim về ý nghĩa cuộc sống trên đây, bạn đọc sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng cũng như hướng dẫn cần thiết để tiếp bước trên cuộc “lữ hành” trần thế của mình.
Chúc bạn luôn nhiều niềm vui!
Có thể bạn quan tâm:
- Top 10 sách về ý nghĩa cuộc sống: Đọc & ngẫm để ‘thức tỉnh’
- 60 câu nói hay về ý nghĩa cuộc sống: Hành trang cho chuyến lữ hành trần thế
- Tuyển tập 14 anime thay đổi bản thân: Hành trình “lột xác” chinh phục giấc mơ
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!