Work-life Balance: 14 mẹo cân bằng cuộc sống và công việc

work life balance
Trang chủ » Tự chăm sóc » Phong cách sống » Work-life Balance: 14 mẹo cân bằng cuộc sống và công việc

Chi tiết về tầm quan trọng của cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance), cùng 14 bí quyết giúp duy trì sự cân bằng này.

Một sai lầm của phần lớn chúng ta trên hành trình tìm kiếm thành công là dành quá nhiều ưu tiên cho công việc – trong khi lại “gạt sang một bên” những cơ hội tận hưởng cuộc sống. Thực tế, việc đảm bảo cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất, sức khỏe thể lý và tinh thần của mỗi người.

Tóm tắt nội dung chính

  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống không có nghĩa là chia đôi thời gian dành cho công việc và cuộc sống cá nhân – trọng tâm của nó là quản lý lịch trình và năng lượng của bạn để đảm bảo thành công trong cả hai khía cạnh. Đạt được trạng thái cân bằng sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng, cải thiện sức khỏe, củng cố các mối quan hệ, cải thiện năng suất, mức độ hạnh phúc và mãn nguyện.
  • Công nghệ hiện đại và áp lực công việc đã khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống ngày càng bị mờ nhạt – đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng mãn tính, các vấn đề về sức khỏe và rạn nứt trong các mối quan hệ.
  • Có nhiều chiến lược có thể sử dụng để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống – bao gồm đặt mục tiêu thực tế, chia nhỏ nhiệm vụ, ưu tiên thời gian cá nhân, nghỉ giải lao để tránh kiệt sức, v.v…

Cân bằng cuộc sống và công việc (Work life balance) là gì?

Nói một cách ngắn gọn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work life balance) là trạng thái cân bằng mà trong đó – một cá nhân đảm bảo dành sự ưu tiên như nhau cho cả nhu cầu về sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Theo Chris Chancey – chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và Giám đốc điều hành Amplio Recruiting, cân bằng công việc và cuộc sống mang lại những tác động tích cực đáng kể như: giảm căng thẳng, tránh tình trạng kiệt sức, nâng cao cảm giác hạnh phúc. Những lợi ích này không chỉ dành cho người lao động – ngay chính người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi từ việc đảm bảo trạng thái cân bằng này.

Bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên duy trì cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, người lao động sẽ không có động cơ để mong muốn nghỉ việc – thay vào đó, họ sẽ trung thành và tận tụy phục vụ cho công ty hơn. Đây là nền tảng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí tuyển dụng và đào tạo.

Cân bằng cuộc sống và công việc không có nghĩa là chia đều thời gian cho công việc và cuộc sống cá nhân. Nói đúng hơn, đó là khi bạn biết linh hoạt sắp xếp lịch trình hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo có thời gian để tận hưởng niềm vui cuộc sống. Lấy ví dụ, bạn có thể làm việc nhiều hơn vào một số ngày trong tuần – để cuối tuần được hoàn toàn thảnh thơi mà không phải lo nghĩ về những công việc còn dang dở.

work life balance

Tại sao phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Bạn sẽ không bao giờ thực sự hài lòng với công việc cho đến khi bạn cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống.

Heather Schuck

  • Giảm căng thẳng & kiệt sức

Khi công việc và cuộc sống có sự cân bằng hài hòa với nhau, bạn sẽ có thời gian và điều kiện cho các hoạt động mình yêu thích – dù là dành thời gian với người thân yêu, theo đuổi sở thích hay đơn giản là thư giãn. Khi tâm trí được thoát khỏi những áp lực liên quan đến công việc, cơ thể sẽ giảm bớt căng thẳng và nạp lại năng lượng, từ đó nâng cao năng suất và năng lực bền bỉ nội tại.

  • Cải thiện sức khỏe tổng thể

Cơ thể chúng ta được cấu tạo để xử lý căng thẳng trong thời gian ngắn. Khi công việc xâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, phản ứng căng thẳng sẽ không bao giờ có cơ hội dừng lại – dẫn đến gia tăng mãn tính hormone cortisol. Đây là nguyên nhân gây suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh – cũng như làm phát sinh các vấn đề như: lo lắng, trầm cảm, khó ngủ. Khi bị áp lực trong thời gian dài, chúng ta có xu hướng áp dụng những cơ chế đối phó không lành mạnh như: bỏ bữa, dựa vào thức ăn nhanh hoặc bỏ bê tập thể dục – những điều này chỉ càng làm tổn hại sâu sắc hơn đến sức khỏe.

Một cuộc sống cân bằng kết hợp tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý và các kỹ thuật thư giãn như yoga là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như: bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Đồng thời, nó cũng góp phần cải thiện tinh thần minh mẫn, khả năng phục hồi cảm xúc và sức khỏe tổng thể.

  • Mối quan hệ bền chặt hơn

Khi công việc chiếm hết cuộc sống, bạn có thể hiện diện về mặt thể xác với những người thân yêu, nhưng tâm trí của bạn lại “lang thang” ở nơi khác. Việc thiếu thời gian chất lượng bên nhau là nguyên nhân khiến người thân của bạn cảm thấy bị bỏ rơi và tổn thương. Mặt khác, căng thẳng kinh niên dễ khiến ta rơi vào trạng thái nóng nảy và cáu kỉnh – gây căng thẳng trong các mối quan hệ và nguy cơ hiểu nhầm khi giao tiếp.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho phép bạn có thời gian chia sẻ trải nghiệm với những người thân yêu. Đó có thể là bất cứ điều gì, từ bữa tối gia đình, cùng nhau vui chơi hay đi nghỉ. Những trải nghiệm được chia sẻ này là cơ sở nuôi dưỡng cảm giác kết nối và thân thuộc.

  • Cải thiện hiệu suất

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng thời gian làm việc dài đồng nghĩa với năng suất cao hơn – điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Khi phải làm việc liên tục, bạn sẽ trở nên kiệt sức về tinh thần và thể chất – hệ quả tất yếu là suy giảm khả năng tập trung, dễ mắc nhiều lỗi hơn và khó khăn trong việc đưa ra quyết định.

Bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, bạn sẽ có thể trở lại làm việc với cảm giác sảng khoái và tràn đầy năng lượng – nhờ đó cải thiện sự tập trung, suy nghĩ sắc bén và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

  • Gia tăng hạnh phúc & hài lòng

Khi công việc là trọng tâm duy nhất của cuộc sống, cảm giác mãn nguyện sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu suất và thành tích công việc. Nói cách khác, sự thất vọng chắc chắn sẽ “ập đến” nếu mọi việc không diễn ra như kế hoạch. Trong khi đó, một cuộc sống cân bằng cho phép bạn theo đuổi những đam mê và sở thích ngoài công việc – từ việc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên đến hoạt động tình nguyện vì mục đích mà bạn quan tâm, hoặc đơn giản là theo đuổi sở thích sáng tạo. Các hoạt động này mang lại cho bạn cảm giác thành tựu và niềm vui vượt xa những gì chức danh công việc hay tiền lương mang lại.

Chưa kể, niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn mà bạn trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân sẽ tạo ra tác động tích cực đến sự nghiệp. Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, thư giãn và tham gia vào những hoạt động mình thích, bạn sẽ có thể tới nơi làm với thái độ làm việc lạc quan hơn. Năng lượng tích cực này là tiền đề cho các mối quan hệ gắn kết với đồng nghiệp, cải thiện năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo trong công việc.

cân bằng cuộc sống và công việc

Thực trạng work life balance hiện nay

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã và đang tác động đáng kể đến khả năng duy trì cân bằng trong cuộc sống. Nỗi lo thất nghiệp khiến người lao động – vô hình chung – phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Khảo sát của Harvard Business School cho thấy có đến 94% người lao động cho biết bản thân làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần; 50% người được khảo sát thừa nhận phải làm hơn 65 giờ.

Khi phải “vật lộn” để sắp xếp thời gian giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Áp lực kéo dài là nguyên nhân làm giảm khả năng tập trung, khiến ta dễ cáu kỉnh hoặc chán nản, ảnh hướng xấu đến các mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng và người thân. Theo thời gian, hệ miễn dịch bị suy yếu, khiến con người dễ mắc nhiều loại bệnh như: cảm lạnh, đau lưng, bệnh tim mạch, v.v…

Để tránh những tình trạng trên xảy ra, doanh nghiệp cần có kế hoạch đảm bảo cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance). Khi đó, nhân viên của bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn – hệ quả là họ sẽ trung thành và sẵn sàng ở lại với doanh nghiệp lâu hơn.

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất cân bằng công việc và cuộc sống có thể kể đến như:

  • Đầu việc tại công ty tăng lên.
  • Thời gian làm việc nhiều hơn.
  • Đảm nhận nhiều công việc tại nhà.
  • Trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái.
  • v.v…

Đừng nhầm lẫn giữa sự nghiệp với một cuộc sống thực sự.

Hillary Clinton

work life balance

Bí quyết cân bằng cuộc sống (work life balance) tại nơi làm việc

  1. Đặt mục tiêu thực tế mỗi ngày

Hoàn thành công việc mỗi ngày là cơ sở hình thành sự tự tin vào năng lực và khả năng làm chủ của bản thân. Thực tế, nghiên cứu cho thấy cảm giác bản thân làm chủ mọi việc sẽ khiến ta cảm thấy bớt căng thẳng hơn.

Vì lý do trên, hãy lập một kế hoạch làm việc thực tế. Sắp xếp giải quyết những việc quan trọng trước để tránh sa đà vào những công việc lặt vặt. Nếu cần thiết, đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ.

Đọc thêm: Goal setting – Thiết lập mục tiêu cho thành công lâu dài

  1. Tận dụng tối đa quỹ thời gian của bản thân

Bệnh “lề mề” là nguyên nhân khiến công việc bị “ứ đọng” – cho đến khi không thể trì trệ thêm nữa. Chính vì vậy, khi có một dự án quan trọng, bạn hãy chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn rồi hoàn thành từng phần một. Trong quá trình đó, đừng quên “tưởng thưởng” bản thân bằng cách nghỉ giao lao một lát hoặc đi bộ, thưởng thức một 1 tách cà phê.

Nếu có những việc bạn cảm thấy không cần thiết và tốn quá nhiều thời gian, hãy cho cấp trên được biết. Đừng lãng phí thời gian cho những việc “vô bổ” – và bạn sẽ thấy hiệu suất làm việc tăng lên đáng kể. Chẳng những vậy, bạn cũng đồng thời có nhiều cơ hội chăm sóc bản thân, gia đình và bạn bè hơn.

  1. Linh hoạt trong công việc

Thời gian linh hoạt, có thể làm việc từ xa đang dần trở thành xu hướng mới. Nếu bạn cảm thấy cần thiết, hãy cho công ty biết nhu cầu làm việc linh hoạt về giờ giấc của mình. Nghiên cứu cho thấy những nhân viên có lịch làm việc linh hoạt thường đạt mức cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance) tốt hơn, năng suất cao và trung thành với tổ chức hơn.

  1. Nghỉ ngơi nhiều hơn

Nghỉ ngơi tại nơi làm việc không chỉ là quyền lợi hợp pháp của người lao động – mà còn điều đáng được doanh nghiệp khuyến khích. Những khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa giờ làm – hoặc nghỉ phép một vài ngày khi dự án đang diễn ra – sẽ giúp bạn tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện khả năng quản lý áp lực và ra quyết định khi trở lại làm việc.

  1. Nghe nhạc

Nghe những bản nhạc yêu thích tại nơi làm việc có thể giúp tăng cường sự tập trung, giảm căng thẳng và kích thích năng lực sáng tạo. Chỉ cần một chiếc tai nghe là đủ để bạn tìm thấy niềm vui trong công việc hằng ngày.

Đọc thêm: Nghe nhạc cổ điển có tác dụng gì? 14 lợi ích bất ngờ bạn nên biết

  1. Chú ý giao tiếp

Đừng ngại trình bày cho cấp trên và đồng nghiệp hiểu về những khó khăn bạn đang gặp phải – trong nhiều trường hợp, bạn không phải là người duy nhất gặp những vấn đề này. Tuy nhiên, thay vì chỉ phàn nàn, bạn hãy cố gắng đưa ra một số giải pháp thay thế.

Việc đánh giá vấn đề từ góc nhìn của người khác cũng có thể giúp bạn nhìn nhận sự việc bớt phức tạp hay tiêu cực hơn. Hãy để mọi người cùng đưa ra ý kiến và thỏa thuận. Nếu căng thẳng quá mức, hãy cho bản thân cũng như người khác thời gian suy ngẫm và quay lại xử lý khi những cảm xúc tiêu cực đã qua đi.

Trọng tâm của cân bằng không phải là quản lý thời gian mà là quản lý ranh giới. Nói cách khác, bạn phải luôn hài lòng với mọi quyết định mình đưa ra.

Betsy Jacobson

  1. Đừng quá cầu toàn

Những người đạt được nhiều thành tựu thường có xu hướng cầu toàn từ sớm – thời gian của họ chủ yếu dành cho việc học ở trường, sở thích cá nhân hoặc công việc bán thời gian. Bạn có thể duy trì thói quen đó khi còn trẻ; tuy nhiên, cuộc sống sẽ trở nên phức tạp hơn sau này.

Khi sự nghiệp phát triển và gia đình có thêm thành viên, trách nhiệm của bạn cũng từ đó tăng lên. Theo chuyên gia huấn luyện điều hành Marilyn Puder-York, nếu không được kiểm soát tốt, thói cầu toàn sẽ dẫn tới rất nhiều phiền phức – đặc biệt về khía cạnh cân bằng công việc và cuộc sống.

Bạn cần từ bỏ chủ nghĩa cầu toàn để tránh bị kiệt sức. Khi cuộc sống của bạn ngày càng mở rộng về mọi mặt, sẽ rất khó để duy trì thói quen này. Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo, hãy cố gắng để trở nên tốt hơn mỗi ngày.

cân bằng cuộc sống và công việc

Cách cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance) tại nhà

  1. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn

Nhờ sự phát triển của công nghệ, người lao động có thể lựa chọn linh hoạt làm việc tại nhà. Đổi lại, cường độ làm việc cũng vì thế mà tăng lên. Tin nhắn từ điện thoại/ email… là lý do làm “gián đoạn” cơ hội nghỉ ngơi, cũng như gây ra tình trạng căng thẳng tích tụ.

Đôi khi, tất cả những gì bạn cần làm là tắt điện thoại và tận hưởng cuộc sống.

Robert Brooks

Hãy cố gắng đảm bảo dành đủ thời gian cho công việc mà không quên mất nhu cầu cá nhân. Ngược lại, cũng đừng để việc cá nhân xen vào khi đang làm việc. Dù là làm việc hay nghỉ ngơi, hãy học cách cảm nghiệm giá trị thực của từng khoảnh khắc trôi qua.

Khi không phải cố gắng chạy theo công việc, bạn sẽ thấy bản thân trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Những người kiên định (resilient) sẽ kiểm soát cuộc sống và ứng biến tốt hơn hẳn.

  1. Chia nhỏ công việc

Bạn cần chia nhỏ và phân bố đồng đều những công việc cần làm ở nhà để tránh tình trạng “dồn việc” về sau.

  1. Không quá tham công tiếc việc

Bạn có bao giờ cảm thấy “choáng” khi nhìn vào lịch trình làm việc của chính mình? Nếu được giao quá nhiều nhiệm vụ, hãy học cách nói “không” khi có thể. Bạn không cần phải biến mình thành một “siêu sao” để đáp ứng kỳ vọng của tất cả mọi người.

  1. Giữ kết nối

Trò chuyện với bạn bè và gia đình cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với thành công và sức khỏe của bạn. Một mạng lưới quan hệ lành mạnh sẽ là nền tảng hỗ trợ vững chắc để bạn duy trì cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance), kiểm soát bệnh tật và những cảm xúc tiêu cực.

  1. Chăm sóc sức khỏe thể chất

Bên cạnh những lợi ích về mặt sức khỏe thể chất, tập thể dục thường xuyên còn góp phần giảm bớt căng thẳng, nhờ đó nâng cao khả năng ứng biến trong cuộc sống.

Hãy dành một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần cho việc chăm sóc sức khỏe thể chất. Bạn có thể lựa chọn tập thể dục, yoga hoặc thiền. Nếu không có điều kiện, hãy dành thời gian cho những khoảng nghỉ ngắn và thở sâu, thiền nhanh vào sáng và tối.

Đọc thêm: 50 câu hỏi về lối sống lành mạnh hằng ngày

  1. Đối đãi tử tế với bản thân

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ góp phần gia tăng khả năng chịu đựng căng thẳng và hạn chế bệnh tật. Bạn hãy chú ý ăn uống điều độ, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Đừng phụ thuộc vào chất kích thích như rượu bia để giải tỏa căng thẳng – đó chỉ là biện pháp tạm thời, thậm chí còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sau này.

Đọc thêm: Học cách yêu bản thân – Hành trình 16 bước thay đổi cuộc sống

  1. Yêu cầu được giúp đỡ khi cần

Đừng để tình trạng căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Nếu thường xuyên bị quá tải, có lẽ bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia tâm lý. Đừng nghĩ đó là dấu hiệu của sự yếu đuối – ngược lại, chăm sóc bản thân là điều mà bất kỳ người thành đạt nào cũng làm.

work life balance

Danh ngôn về cân bằng cuộc sống và công việc (work life balance)

Công việc, tình yêu và vui chơi là những bánh xe cân bằng tuyệt vời của con người.

Orison Swett Marden

 

Hãy luôn từ tốn và trật tự trong cuộc sống – chỉ khi đó, bạn mới có thể quyết liệt và độc đáo trong công việc.

Gustave Flaubert

 

Đừng bao giờ bận rộn kiếm sống đến mức quên mất việc tạo dựng cuộc sống của bạn.

Dolly Parton

 

Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng cuộc sống và tìm kiếm sự cân bằng hạnh phúc giữa công việc, bạn bè và gia đình.

Philip Green

 

Bạn không thể làm tốt công việc nếu công việc là tất cả những gì bạn làm.

Katie Thurmes

 

Điều quan trọng không phải là ưu tiên những công việc trong lịch trình của bạn – mà là sắp xếp thứ tự cho những ưu tiên đó.

Stephen Covey

 

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống không phải là một quyền lợi hay lợi ích. Công ty của bạn không thể cung cấp nó cho bạn. Bạn phải tự tạo ra nó cho chính mình.

Matthew Kelly

cân bằng cuộc sống và công việc

Lời kết

Một sự nghiệp viên mãn và một cuộc sống cá nhân phong phú không cần thiết phải loại trừ lẫn nhau; hai khía cạnh này có thể  – và nên cùng tồn tại để tạo nên một cuộc sống viên mãn. Bằng cách kết hợp các mẹo đề cập ở trên, bạn đọc sẽ có thể bước đầu chuyển đổi và đạt đến một trạng thái bền vững hơn trên hành trình cuộc đời của mình.

Đọc thêm

Work-Life Balance Is a Cycle, Not an Achievement. https://hbr.org/2021/01/work-life-balance-is-a-cycle-not-an-achievement.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status