Sức mạnh tiềm thức: Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong

subconscious mind power
Trang chủ » Tự phản ánh » Vô thức » Sức mạnh tiềm thức: Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong

Giải mã sức mạnh tiềm thức, nguyên lý hoạt động của não bộ và 13 cách vận dụng ảnh hưởng của tiềm thức để đạt được thành công trong cuộc sống.

Sức mạnh tiềm thức có tác động rất mạnh mẽ đến mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta. Việc học cách kết nối giữa ý thức và tiềm thức sẽ trở thành “bàn đạp” chắc chắn, giúp bạn bước đi nhanh hơn trên con đường dẫn đến cuộc sống thành công và hạnh phúc.

Bạn có nhớ lần đầu tiên mình tập đi xe đạp là khi nào không?

Bạn có thể đếm số chuyển động lặp lại cần thiết để thực hiện hoàn hảo một điệu nhảy không?

Bạn đã bao giờ cố gắng thành thạo một loại nhạc cụ mới chưa?

Khi lần đầu thực hành những hành vi mới, ai trong chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một khi bạn đã thành thạo hơn, quá trình này bắt đầu đòi hỏi ít nhận thức hơn – cho đến khi cuối cùng, bạn có thể làm mọi thứ một cách “mượt mà” và hoàn toàn tự nhiên.

Tất cả những hành vi tự nhiên này được hướng dẫn bởi một trong những nguồn nội lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy hành vi của con người – sức mạnh tiềm thức (hay còn được gọi là tâm trí phi ý thức).

Tóm tắt nội dung chính:

  • Tiềm thức là một phần của tâm trí nằm bên ngoài nhận thức, ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Ra đời dựa trên mô hình tâm lý 3 cấp độ của Sigmund Freud, khái niệm này đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học cũng như các triết gia.
  • Vai trò của tiềm thức có thể ví như “người gác cổng” tại lối vào vùng an toàn (comfort zone). Một mặt, nó giúp duy trì sự ổn định về mặt tinh thần bằng cách thúc giục ta gắn liền với những khuôn mẫu quen thuộc. Mặt khác, nó cũng đồng thời khiến ta ngần ngại đón nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, thông qua nỗ lực có ý thức, chúng ta có thể “lập trình lại” tiềm thức để thay đổi hiện tại.
  • Các kỹ thuật vận dụng sức mạnh tiềm thức có thể kể đến như: khẳng định tích cực, thảo luận về thành công, bảng tầm nhìn (vision board), v.v…

Sức mạnh tiềm thức là gì?

Bạn có biết một thực tế là con người thường chỉ sử dụng một phần não bộ của họ? Nguyên nhân chính bắt nguồn từ phần tâm trí tiềm thức (subconscious mind) – phần tâm trí này luôn hoạt động và ảnh hưởng đến mọi điều ta làm hằng ngày.

Lấy ví dụ như khi ta tập thiền định. Một khi bắt đầu kiểm soát được hơi thở của mình, sức mạnh của tiềm thức sẽ trỗi dậy và nắm quyền kiểm soát tâm trí có ý thức của bạn. Bạn bắt đầu thở sâu hơn bằng bụng. Sau đó, bạn không cần phải suy nghĩ về nó nữa – tâm trí tiềm thức sẽ thay bạn điều khiển hơi thở, cho đến khi bị tác động bởi một kích thích khác (ví dụ: căng thẳng). Mọi thứ đều được kiểm soát từ ngay trong đầu của bạn.

tiềm thức

Mỗi giây, não bộ phải xử lý hàng trăm luồng thông tin tới từ các giác quan – và nó sẽ “bùng nổ” nếu phải xem xét và xử lý toàn bộ thông tin này một lúc. Đây là lý do tại sao cần đến một “rào cản” ở giữa – tâm trí tiềm thức. Tiềm thức đóng vai trò tiếp nhận, và sẽ chỉ chuyển đi những thông tin quan trọng đối với bạn tại thời điểm hiện tại.

Sức mạnh tiềm thức là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc sống và công việc. Theo luật hấp dẫn (Law of Attraction), suy nghĩ của con người – dù ý thức hay vô thức – đều ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế hiện tại, bao gồm mức độ thành công trong các lĩnh vực (công việc, tài chính, mối quan hệ, sức khỏe, hạnh phúc…). Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải biết lựa chọn cách suy nghĩ cho phù hợp.

Lý thuyết về năng lực của tiềm thức

Hành động của con người – ý thức cũng như vô thức – có mối quan hệ rất chặt chẽ với não bộ. Cụ thể, khả năng kiểm soát suy nghĩ, đồng bộ hóa các chuyển động, trải nghiệm cảm xúc… đều chịu ảnh hưởng bởi độ sâu của quy trình xử lý thông tin.

Ý tưởng về các cấp độ xử lý thông tin chuyên sâu được phát triển bởi nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Sigmund Freud (1856 – 1939), tác giả mô hình tâm trí 3 cấp độ. Theo đó, tâm trí con người có thể được chia thành những cấp độ như sau:

  • Ý thức (Conscious)

Xác định mọi suy nghĩ và hành động trong nhận thức của chúng ta. Ý thức bao gồm nhận thức về môi trường xung quanh, suy nghĩ và cảm xúc hiện tại, các giác quan, cảm giác đói hay không, v.v…

Ví dụ: Nhận thức về vẻ đẹp và mùi hương dễ chịu của hoa hồng.

  • Tiềm thức (Subconscious)

Quyết định định tất cả phản ứng và hành động tự nhiên mà ta có thể nhận thức được nếu chủ đích suy nghĩ về chúng. Tiềm thức con người bao gồm trong đó những ký ức, niềm tin, nỗi sợ hãi, đánh giá chủ quan về thực tế. Tác động của tâm trí vô thức là rất mạnh mẽ và có thể định hướng hành động của bạn trong cuộc sống – dù bạn có nhận thức về điều đó hay không.

Ví dụ: Một khi đã lái xe hơi thành thạo, chúng ta sẽ không cần phải suy nghĩ nên đạp thắng như thế nào, nhìn vào gương ra sao. Thay vào đó, hành động của bạn sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên, mặc dù bạn vẫn có thể nhận thức được những gì đã làm khi chủ tâm suy nghĩ về nó. Đây là một ví dụ về tiềm thức và cách thức ảnh hưởng của nó đến hoạt động của chúng ta.

  • Vô thức (Unconscious)

Xác định tất cả các sự kiện và ký ức trong quá khứ mà đôi khi, chúng ta không thể nhớ được dù rất cố gắng.

Ví dụ: Từ ngữ đầu tiên bạn phát ra trong đời, hoặc cảm giác của bạn khi lần đầu tiên có thể tự đi lại được.

sức mạnh tiềm thức

Sức mạnh tiềm thức có thật không?

Cho đến ngày nay, nghiên cứu về ảnh hưởng của sự tương tác giữa các cấp độ suy nghĩ đến hành vi con người vẫn là một trong những đề tài “nóng hổi” nhất của tâm lý học và khoa học thần kinh. Về vấn đề này, một trong những yêu cầu lớn nhất với các nhà khoa học là khám phá ra những chiều sâu khác nhau của tâm trí.

Trong phần lớn trường hợp, việc phân tích các cấp độ xử lý thông tin có thể được thực hiện thông qua mô hình hóa. Ví dụ, một nghiên cứu đã chỉ ra cách các tín hiệu tâm lý không liên quan định hình quá trình học tập, cũng như việc tác động của suy nghĩ có ý thức, tiềm thức và vô thức có thể được mô hình hóa dựa trên thời gian biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.

Trong thí nghiệm này, những người tham gia được cho xem một bộ ảnh các khuôn mặt. Sau đó, họ được yêu cầu xác định xem biểu cảm khuôn mặt trong bức ảnh trước đó có cùng một cảm xúc với bức ảnh sau không.

Thật thú vị, kết quả cho thấy các tình nguyện viên có thể nhận thức chính xác sự khác biệt giữa các biểu cảm trên khuôn mặt nếu hình ảnh được hiển thị ít nhất 0,047 giây. Khi thời lượng này giảm xuống còn 0,027-0,033 giây, tỷ lệ phản hồi chính xác giảm xuống khoảng một nửa. Khi xuống còn 0,020 giây, mọi người không còn phân biệt được các biểu hiện trên khuôn mặt nữa.

Kết quả trên đã chứng minh sự khác biệt rõ ràng về ảnh hưởng có ý thức và vô thức của suy nghĩ. Những người tham gia chỉ có thể đưa ra câu trả lời đúng nếu thời gian hiển thị ảnh đủ để đạt đến mức độ nhận thức có ý thức. Đáng chú ý hơn, thời lượng ảnh từ 0,027-0,033 giây không thể đủ để kích thích lời nói ở cấp độ ý thức, nhưng lại đủ gây ảnh hưởng có thể đo lường được đối với hành vi.

Cụ thể, tỷ lệ câu trả lời đúng giảm chỉ còn một nửa, đồng nghĩa với việc những người tham gia vẫn có thể đưa ra một phần câu trả lời chính xác – đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiện diện của sức mạnh tiềm thức.

Quá trình kích hoạt tiềm thức

Bạn có thể thắc mắc: Liệu kích thích não bộ dưới ảnh hưởng của tiềm thức có khác so với ý thức hay không? Tại sao suy nghĩ có ý thức thường được xử lý chậm hơn suy nghĩ vô thức?

Cho đến gần đây, chúng ta không thể nắm bắt được vị trí xảy ra các quá trình tư duy trong não – cũng như hình dung các vùng kích hoạt não cụ thể. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ chụp ảnh não đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu quy trình xử lý suy nghĩ – bằng cách hình ảnh hóa những thay đổi trong cấu trúc thần kinh của não bộ.

Ngày nay, nghiên cứu mô hình tâm trí cho thấy chiều sâu của suy nghĩ phụ thuộc vào lộ trình xử lý. Cụ thể, khoa học đã có thể phân biệt rõ ràng quá trình xử lý suy nghĩ có ý thức và vô thức.

Ngược lại, hoạt động của tiềm thức lại rất khó xác định. Trên thực tế, những suy nghĩ trong tiềm thức dường như không có mô hình xử lý riêng biệt – nhưng thường chia sẻ một số đặc điểm của tư duy có ý thức cũng như vô thức.

sức mạnh tiềm thức

Bí mật sức mạnh tiềm thức

Tiềm thức đóng vai trò là nơi lưu trữ và truy xuất dữ liệu. Vai trò của nó là đảm bảo phản hồi chính xác theo cách thức được “lập trình” từ trước. Nói cách khác, nhờ vào tiềm thức, lời nói và hành động của bạn luôn thống nhất với một khuôn mẫu phù hợp với quan niệm về bản thân. Vì lý do này, việc lặp lại những khẳng định tích cực (positive affirmations) có ý nghĩa rất quan trọng – bạn hoàn toàn có thể “lập trình” lại khuôn mẫu suy nghĩ của mình, bằng cách thực hành tư duy tích cực và định hướng thành công.

Đây là lý do tại sao các hoạt động truyền cảm hứng (ví dụ: đọc những câu danh ngôn nổi tiếng) mang lại tác động rất lớn trong thực hành suy nghĩ tích cực. Bằng cách tập trung vào những ý tưởng thăng hoa, tiềm thức của bạn sẽ bắt đầu hình thành một mô hình tích cực trong cách suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống.

Sức mạnh tiềm thức được đặc trưng ở tính chủ quan cao. Nó không suy nghĩ hay lập luận một cách độc lập; nó chỉ tuân theo các mệnh lệnh từ tâm trí có ý thức của bạn. Nếu ví tâm trí có ý thức như người làm vườn gieo hạt, tâm trí tiềm thức sẽ như khu vườn để hạt giống nảy mầm và phát triển. Do đó, việc khai thác sức mạnh của suy nghĩ tích cực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền tảng tư duy.

Tiềm thức chúng ta luôn hoạt động ngày đêm, làm sao để hành vi của bạn theo một khuôn mẫu phù hợp với những suy nghĩ, hy vọng và mong muốn trong ta. Tùy vào việc bạn “gieo” hạt giống gì trong suy nghĩ, tiềm thức sẽ trả lại cho bạn những “hoa quả” hoặc “cỏ dại” tương ứng.

Sức mạnh tiềm thức hoạt động như thế nào?

Liên quan đến tiềm thức, có một khái niệm được biết đến với tên gọi xung cân bằng nội môi (homeostatic impulse). Vai trò của nó là điều chỉnh các chức năng như: nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, hơi thở. Brian Tracy giải thích như sau:

Thông qua hệ thống thần kinh tự chủ, xung động nội môi duy trì trạng thái cân bằng giữa hàng trăm chất hóa học trong hàng tỷ tế bào của bạn – nhờ đó, toàn bộ “bộ máy thể lý” luôn hoạt động hài hòa hoàn toàn trong phần lớn thời gian.

Vai trò của tiềm thức là đảm bảo “cân bằng nội môi” về tinh thần, bằng cách giữ cho bạn suy nghĩ và hành động theo cách phù hợp với những gì bạn đã làm và nói trong quá khứ.

Tất cả thói quen suy nghĩ và hành động của bạn đều được lưu giữ trong tiềm thức. Tiềm thức ghi nhớ tất cả các vùng an toàn (comfort zones) của bạn, và đảm bảo rằng bạn luôn hành động trong khu vực đó. Đây là lý do tại sao chúng ta cần thường xuyên viết ra các mục tiêu THÔNG MINH (SMART). Sau một thời gian, việc duy trì năng suất và tập trung vào mục tiêu sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong vùng an toàn của bạn.

Tiềm thức là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy không thoải mái – cả về mặt tinh thần và thể chất – mỗi khi cố gắng làm điều gì mới, hoặc thay đổi thói quen hành động. Cảm giác sợ hãi, khó chịu là dấu hiệu tâm lý cho thấy tiềm thức của bạn đã được kích hoạt.

Đây là lý do tại sao chúng ta thường gặp khó khăn khi tìm cách thay đổi thói quen cũ. Tuy nhiên, thông qua việc học cách kiểm soát có chủ đích những khuôn mẫu trên đây, bạn sẽ có thể tạo ra những vùng an toàn mới mà tiềm thức có thể thích nghi theo.

Vận dụng sức mạnh tiềm thức

Bạn nghĩ như thế nào thì bạn sẽ trở thành giống như vậy.

Thích Ca

Bạn sẽ nhận thấy tiềm thức luôn cố gắng “níu kéo” bạn trở lại vùng an toàn mỗi khi muốn thử điều gì mới. Chỉ đơn thuần suy nghĩ về việc đó cũng đã đủ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và bất an. Điều này giải thích cho những khó khăn khi ta áp dụng các chiến lược quản lý thời gian (time management) lần đầu.Thế nhưng, một khi trở thành thói quen, tiềm thức sẽ được “lập trình” lại theo hướng có lợi cho bạn.

Những người thành đạt luôn sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn của họ. Họ hiểu rõ việc hành động trong khuôn khổ vùng an toàn sẽ đẩy họ theo “lối mòn” – rằng sự tự mãn là kẻ thù lớn nhất của tư duy sáng tạo và phát triển.

Để phục vụ mục tiêu phát triển bản thân, bạn phải sẵn sàng cảm thấy lúng túng và không thoải mái khi làm điều gì mới trong vài lần đầu tiên. Hãy chấp nhận thất bại cho đến khi hình thành được một vùng an toàn mới – ở một cấp độ năng lực cao hơn.

Đối với những ai muốn mở rộng phạm vi an toàn của mình, lời khuyên là bạn nên tìm hiểu thói quen của những người thành công – đó chính là những hình mẫu suy nghĩ của các nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng vĩ đại. Việc “giải phóng” sức mạnh của những hành vi này sẽ giúp bạn tiến gần hơn trên hành trình trở nên giống như họ.

Nẵm rõ những bí quyết lập trình lại tiềm thức sẽ giúp bạn tin tưởng vào bản thân hơn, không còn bị thử thách bởi nỗi sợ hãi trước những điều chưa biết. Nhưng quan trọng hơn, điều này sẽ rèn luyện não bộ sẵn sàng theo đuổi mong muốn, ước mơ và mục đích sống thực sự của bạn.

Hiểu rõ và biết cách ứng dụng sức mạnh tiềm thức là nền tảng tiến gần đến thành công. Ví dụ, bạn có thể có ý tưởng viết một cuốn sách trong nhiều năm qua. Bằng cách làm chủ tiềm thức để có được sự tự tin, bạn sẽ lên kế hoạch học cách viết sách, thay vì chỉ mơ ước nhưng không bao giờ hành động.

Sức mạnh tiềm thức – YouTube Jack Canfield

Đọc thêm: Khám phá bản thân (Self-discovery) – Hành trình tìm kiếm bản thể

Kết nối với sức mạnh tiềm thức

Việc truyền đạt suy nghĩ từ tâm trí ý thức đến tiềm thức là một hành trình khó khăn – đòi hỏi ta phải học cách kiểm soát cảm xúc. Chỉ những suy nghĩ được truyền tải bằng cảm xúc chân thật mới khiến bạn cảm nhận và đủ động lực hành động.

Thật không may, điều này đúng với cả những cảm xúc tiêu cực và tích cực – và trong phần lớn trường hợp, những suy nghĩ tiêu cực thường tỏ ra lấn lướt hơn hẳn.

Bước đầu tiên trong hành trình khai thác sức mạnh tiềm thức là loại bỏ những suy nghĩ chứa nhiều cảm xúc tiêu cực. Hãy học cách yêu thương chính mình, ngừng ngay những ý tưởng mặc cảm về bản thân, hoặc ít nhất đừng để cảm xúc lấn át lý tri của bạn.

Đọc thêm: Lối sống khắc kỷ (Stoicism) – 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu

13 phương pháp làm chủ sức mạnh tiềm thức

Não bộ đóng vai trò điều khiển phương diện thể chất cũng như tinh thần của bạn. Mỗi ngày, tâm trí của bạn liên tục phân loại, mang đến cho bạn những thông tin, kích thích sự chú ý để khẳng định niềm tin hiện tại – khái niệm này được biết đến với tên gọi thiên kiến xác nhận (confirmation bias) trong tâm lý học. Bên cạnh đó, tâm trí cũng thể hiện những suy nghĩ và xung động lặp đi lặp lại, trên cơ sở mô phỏng và phản chiếu lại những gì bạn đã làm trong quá khứ.

Tiềm thức của bạn đóng vai trò là “người gác cổng” cho vùng an toàn trong tâm trí. Bằng cách kiểm soát được sức mạnh tiềm thức, bạn sẽ có thể hình thành cho bản thân thói quen mới, cũng như tìm kiếm những hành động có thể mang đến thành công, hạnh phúc, sự viên mãn và hàn gắn những vết thương quá khứ.

Dưới đây là một số cách để “đào tạo” tâm trí trở thành “đồng minh” của bạn.

  1. Sẵn sàng nhận thấy những thay đổi sẽ đến

Bước đầu tiên để biến đổi cuộc đời không phải là tin tưởng rằng điều đó có thể xảy ra. Thay vào đó, bạn phải sẵn sàng đánh giá xem liệu nó có khả thi hay không.

Bạn sẽ không thể chuyển từ thái độ hoài nghi sang hết lòng tin tưởng. Đơn giản, hãy giữ tâm trí luôn rộng mở để nhìn thấy những gì có thể sẽ xảy ra. Hãy sẵn sàng gửi email đề xuất khách hàng/ đối tác một điều gì đó mà họ không có lý do gì để phản hồi. Hàng chục tin nhắn của bạn sẽ bị bỏ qua, nhưng cuối cùng, sẽ có một ai đó trả lời lại bạn.

Mấu chốt ở đây là bạn phải sẵn sàng đánh giá xem liệu một hành động nào đó có thể thay đổi cuộc đời bạn hay không.

  1. Cho phép bản thân thành công

Thay vì lặp đi lặp lại rằng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi giảm được 10 cân, được thăng chức, v.v… hãy cố gắng thay đổi lời độc thoại nội tâm của bạn thành: “Tôi cho phép cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.”

Hãy cho phép bản thân được hạnh phúc và thành công, và đừng cảm thấy tội lỗi về điều đó. Tất nhiên, nếu tiềm thức của bạn quan niệm rằng thành công là vô đạo đức hay đồi bại, bạn sẽ không làm những điều cần thiết để sống cuộc đời bạn mong muốn. Thay vào đó, hãy cho phép bản thân sống một cách toàn diện, hạnh phúc, lành mạnh và có ý nghĩa.

tiềm thức

Sức mạnh tiềm thức

  1. Đừng để nỗi sợ hãi của người khác khiến bạn mất đi niềm tin

Phản ứng của mọi người xung quanh đối với thành công của bạn sẽ cho bạn biết rõ hơn về cuộc sống của chính họ. Nếu bạn tuyên bố đã đính hôn, những ai đang trải qua hôn nhân hạnh phúc sẽ rất vui mừng cho bạn. Ngược lại, những người đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống gia đình sẽ cảnh báo bạn – rằng bạn nên tận hưởng khoảng thời gian “độc thân” còn lại của mình.

Ban sẽ thấy nỗi sợ hãi của người khác là tấm gương “phản chiếu” cuộc sống của họ, và điều đó chẳng liên quan gì đến tiềm năng thực sự của bạn.

  1. Suy nghĩ tích cực

Hãy đảm bảo rằng những gì mà bạn nhìn thấy và tiếp xúc hằng ngày sẽ mang lại cho bạn cảm xúc tích cực và hy vọng. Dán một tờ ghi chú truyền cảm hứng trên bàn làm việc. Chấm dứt quan hệ với những người khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân – đồng thời kết bạn với những người liên tục nói về những thông điệp động viên và ý tưởng thú vị. Những gì bạn tiếp xúc hằng ngày phải thúc đẩy sự phát triển, thay vì làm suy giảm nhận thức về giá trị bản thân.

sức mạnh tiềm thức

Sức mạnh tiềm thức

  1. Nói về thành công dựa trên thực tế hiện tại, không phải như một kế hoạch tương lai

Chúng ta thường hay nghe những quan điểm đại loại như “đa cấp sức mạnh tiềm thức” hay “sức mạnh tiềm thức lừa đảo”. Thực tế, vấn đề nằm ở chỗ mọi người thường hiểu nông cạn và không áp dụng đúng những nguyên tắc thực sự.

Vận dụng sức mạnh tiềm thức không phải là tự huyễn bản thân với những câu nói như “Tôi là một Giám đốc điều hành” nếu điều đó không đúng với sự thực. Thay vào đó, bạn hãy bắt đầu nói về những gì bạn mong muốn trong cuộc sống, không phải về việc bạn một ngày nào đó sẽ theo đuổi nó, nhưng về điều gì đang xảy ra ở hiện tại.

Thay vì nói: “Tôi hy vọng sẽ làm được điều này vào một ngày nào đó,” hãy nói, “Tôi đang lên kế hoạch làm thế nào để thực hiện điều đó ngay bây giờ.” Thay vì nghĩ: “Tôi sẽ hạnh phúc ở một thời điểm khác trong cuộc đời”, hãy nghĩ “Tôi hoàn toàn có khả năng có được hạnh phúc ngay tại đây và ngay bây giờ – không gì có thể ngăn cản tôi”. Đây chính là bí quyết ứng dụng luật hấp dẫn và sức mạnh tiềm thức cho mục tiêu thành công trong cuộc sống.

  1. Tạo bảng tầm nhìn

Hình dung ra những gì bạn muốn trong cuộc sống là cơ sở cần thiết để hiện thực hóa điều đó. Nếu không rõ đích đến của mình là gì, bạn sẽ không biết phải đi theo hướng nào cho đúng.

Một khi có được ý niệm rõ ràng trong tâm trí về mong muốn trong cuộc sống, đây là lúc để bạn bắt đầu hành động. Nếu cảm thấy vẫn mơ hồ hoặc bị giằng xé giữa nhiều ý muốn khác nhau, bạn sẽ không thể thực sự theo đuổi mơ ước của mình.

Dù bạn sử dụng bảng, blog, sổ ghi chép hay phương pháp nào, hãy tập hợp các từ ngữ và hình ảnh đại diện cho những gì bạn khao khát, cũng như cách sống bạn mong muốn.

vision board

Bảng tầm nhìn (Vision board)

  1. Xác định những điều đang kiềm chế bản thân

Khi tiềm thức ngăn cản ta theo đuổi điều gì đó mình yêu thích, đó là bởi vì chúng ta đang có một niềm tin mâu thuẫn về nó.

Để xác định những suy nghĩ đang kìm hãm bạn, hãy tự vấn bản thân. Tại sao bạn cảm thấy tốt hơn khi trì hoãn hành động? Tại sao việc đạt được điều thực sự muốn lại có thể khiến bạn cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết? Hãy tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó trước khi tiếp tục.

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề mỗi ngày

  1. Có một kế hoạch tổng thể cho cuộc đời

Đừng cố gắng lên kế hoạch cho 5 hay thậm chí 10 năm tới – sẽ có quá nhiều thay đổi theo thời gian để bạn có thể tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ban đầu. Phần lớn trường hợp, những cơ hội mới tốt hơn sẽ xuất hiện. Cuộc sống sẽ không diễn ra như bạn nghĩ, và bạn phải học cách chấp nhận điều này.

Thay vào đó, hãy hình dung về một kế hoạch tổng thể. Xác định giá trị cốt lõi và mục đích sống của bạn. Hãy tự hỏi bản thân: Mục tiêu cuối cùng bạn muốn hoàn thành khi còn sống là gì? Bạn muốn để lại di sản gì cho đời? Khi hình dung được bức tranh tổng thể, bạn sẽ có thể đưa ra quyết định lâu dài phù hợp với con người thật của bạn.

vision board

Kế hoạch cuộc đời

Đọc thêm: Goal setting – Thiết lập mục tiêu cho thành công lâu dài

  1. Viết nhật ký về lòng biết ơn

Cách tốt nhất để đặt mình vào tâm thế “có” hơn là “muốn” là thực hành lòng biết ơn. Bằng cách bày tỏ sự biết ơn về tất cả những gì đang có, bạn sẽ chuyển đổi suy nghĩ của mình từ khao khát thay đổi sang cảm thấy hài lòng với thực tại.

Không một điều gì có thể làm cuộc sống trở nên phong phú như biết ơn. Một khi tin rằng bản thân đã có đủ, bạn đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nhiều may mắn hơn nữa trong cuộc sống.

  1. Yêu cầu những gì bạn muốn, ngay cả biết sẽ bị từ chối

Nếu ai đó yêu cầu bạn thực hiện một dự án tư vấn, hãy hỏi số tiền bạn thực sự muốn kiếm được từ đó. Nếu mục tiêu của bạn là thăng tiến trong doanh nghiệp, hãy ngồi lại với cấp trên và nói rõ ý định của bạn. Tiếp cận với các thương hiệu bạn muốn hợp tác. Hãy yêu cầu những gì bạn muốn, ngay cả khi không có lý do để tin rằng mọi người sẽ đáp ứng yêu cầu đó. Cuối cùng, họ sẽ lắng nghe bạn.

Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp.

  1. Nói không với suy nghĩ “Làm thế nào làm được”

Nhiệm vụ của bạn là xác định những gì cần phải làm – sau đó hợp tác với mọi người để tìm ra phương hướng giải quyết.

Nếu mục tiêu của bạn là làm việc từ xa và điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, thay vì bỏ cuộc khi nỗ lực lần đầu không thành công, hãy thử hình dung xem bạn có thể hành động khác đi như thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Cuộc sống sẽ luôn khiến bạn phải ngạc nhiên. Thay vì bị ám ảnh bởi từng chi tiết nhỏ nhặt theo cách bạn nghĩ, hãy cởi mở với mọi khả năng, ngay cả khi đó là điều bạn chưa bao giờ nghĩ tới trước đây.

tiềm thức

Subconscious mind power

  1. Tìm kiếm những người bạn đồng chí hướng

Hãy dành thời gian với những người chia sẻ sự tham vọng, hỗ trợ và sáng tạo cùng bạn.

Nếu bạn chỉ đi chơi cuối tuần với những người không hài lòng với cuộc sống của họ, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn cần thiết để được tự do và thành đạt. Hãy nhớ rằng: Bạn hữu là tấm gương phản ánh sinh động nhất con người hiện tại – cũng như tương lai – của bạn. Vì vậy, chọn bạn mà chơi thực sự rất quan trọng.

  1. Lấp đầy ngày sống của bạn với những lời khẳng định tích cực và truyền cảm hứng

Khi bạn đang trên đường đi làm vào mỗi buổi sáng, hãy tranh thủ nghe một bài phát biểu hoặc podcast truyền cảm hứng. Trong khi đang nấu ăn hoặc lái xe, hãy theo dõi một chương trình trò chuyện liên quan đến loại hình kinh doanh mà bạn đang cố gắng thực hiện. Truyền vào cuộc sống của bạn nhiều khẳng định và động lực nhất có thể. Bạn có thể cần nghe những nội dung này nhiều hơn một lần, nhưng chúng sẽ ngấm dần vào não bộ theo thời gian. Đến cuối cùng, bạn sẽ thấy bản thân đang hành động theo sự khôn ngoan của những mẫu gương đó.

tiềm thức

Sách về sức mạnh tiềm thức

Đọc thêm: 14 sách hay về khám phá bản thân – Khởi đầu cho hành trình vạn dặm

Lời kết

Từ việc điều chỉnh các chức năng sinh lý cho đến ảnh hưởng đối với nhận thức, niềm tin và hành động, tiềm thức nắm giữ chìa khóa để bạn giải phóng tiềm năng và hiện thực hóa những mong muốn sâu sắc nhất của mình. Bằng cách nắm rõ cách khai thác và tận dụng sức mạnh tiềm tàng này, mỗi người sẽ có thể dần dà thay đổi cuộc sống của mình, vượt qua khó khăn, đạt tới thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.


Tham khảo

The Unconscious Mind. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2440575/.

Effects of subconscious and conscious emotions on human cue–reward association learning | Scientific Reports. https://www.nature.com/articles/srep08478.

Conscious and Subconscious Sensorimotor Synchronization: Prefrontal Cortex and the Influence of Awareness. https://www.researchgate.net/publication/11561185_Conscious_and_Subconscious_Sensorimotor_Synchronization-Prefrontal_Cortex_and_the_Influence_of_Awareness.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status