Không công nhận cố gắng của người khác: Tật xấu “không của riêng ai”

lack of recognition
Trang chủ » Tương tác xã hội » Mối quan hệ » Không công nhận cố gắng của người khác: Tật xấu “không của riêng ai”

Không công nhận cố gắng và đóng góp của người khác là sai lầm mà rất nhiều người gặp phải trong tương tác xã hội lẫn quản trị đội nhóm.

Khi sự cố gắng không được công nhận

Khi đã vươn tới những nấc thang nhất định của sự nghiệp/ cuộc sống, kiến thức chuyên môn và năng lực tư duy nhìn chung không còn là mối bận tâm đáng kể nữa; thay vào đó, chính trí tuệ cảm xúc cùng khả năng duy trì các mối quan hệ tích cực mới thực sự quyết định thành công. Một trong những thói quen xấu ta cần nhìn nhận và loại bỏ khi đó chính là việc không ghi nhận nỗ lực của người khác.

Tật xấu này có mối liên hệ rất chặt chẽ với hành vi giấu nghề, không chia sẻ thông tin. Khi từ chối thừa nhận đóng góp của ai đó vào thành công của tập thể, chúng ta không chỉ đang đối xử bất công, mà còn gián tiếp tước đi “phần thưởng cảm xúc” xứng đáng với công trạng của họ.

Nhu cầu được công nhận của con người

Sự cố gắng được công nhận là nhu cầu cơ bản của con người; ai trong chúng ta cũng mong muốn bản thân trở nên người quan trọng, được đóng góp và tạo ra giá trị. Trong bất kỳ mối tương quan xã hội nào, không ai là không mong muốn được ghi nhận về những gì mình đã làm.

Sự đền đáp có thể thể hiện dưới đa dạng hình thức, từ thái độ tôn trọng cho đến một lời rất đơn giản như “Cảm ơn” hay “Không có gì”. Nó là món quà giản dị nhưng ý nghĩa mà ai cũng có thể trao tặng cho người khác.

Thế nhưng đáng tiếc thay, phần lớn lại không ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của hành động đơn giản này.

Khi từ chối công nhận nỗ lực của người khác, chúng ta đồng thời “nuôi dưỡng” thái độ ngờ vực, khiến đối phương cảm thấy bị lãng quên, không được trọng dụng và cho “ra rìa”. Tệ hơn, chúng ta khiến đối phương cảm thấy đóng góp của họ bị giảm bớt giá trị. Rằng thành công/ công trạng của họ chẳng có ý nghĩa gì cả.

Khao khát sâu xa nhất trong bản ngã con người, đó chính là mong muốn khẳng định chính mình.

William James

không công nhận cố gắng của người khác

Vì sao chúng ta không công nhận cố gắng của người khác?

Có rất nhiều lý do khiến ta phạm phải tật xấu này như:

  • Cho rằng bản thân quá bận rộn. Đây thường là hậu quả của một nền văn hóa quản lý tập trung (micromanagement), đề cao quá mức vai trò thực hiện công việc của cấp lãnh đạo, trong khi hạ thấp vai trò của cấp dưới và không khuyến khích ủy quyền hay giao việc.
  • Thiếu quan tâm. Ở cương vị quản lý hay trưởng nhóm, nhiều người chỉ đơn giản là tập trung quá mức vào công việc – mà quên dành thời gian cho tương tác với con người.
  • Quan niệm “nếu tôi không có ý kiến gì, nghĩa là bạn đang làm tốt”. Đây thực sự là biểu hiện của hành vi thoái thác trách nhiệm, nấp dưới “chiêu bài” dân chủ.
  • Đánh giá thấp tầm quan trọng của tương tác người-người. Thực tế, không ít người có tư duy rằng, lương thưởng là đủ để công nhận những nỗ lực của cá nhân. Quan niệm này cho thấy một ngộ nhận rất căn bản về tâm lý con người.
  • Thiếu kinh nghiệm. Một số cá nhân không có nhiều kinh nghiệm về việc nên công nhận sự cố gắng của người khác như thế nào; kết quả là họ quyết định không làm gì cả.
  • Trải nghiệm quá khứ. Có những người chưa bao giờ nhận được nhiều lời khen ngợi; vì vậy, đến lượt họ cũng thực hành điều tương tự. Đây là một thái độ dễ hiểu, song lại không thể bào chữa. Trên thực tế, chính khi không được ghi nhận, chúng ta sẽ càng có điều kiện nhận thức sâu sắc hơn về tác động của việc công nhận cố gắng của người khác – rằng nó sẽ mang lại nguồn động lực như thế nào.
  • Sợ bị cho là giả tạo. Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng người khác sẽ nghi ngờ sự thành thực của họ, nếu họ đột nhiên khen ngợi quá nhiều. Mấu chốt ở đây là chú tâm và ghi nhận một đóng góp vượt trội cụ thể, mô tả nó có ý nghĩa như thế nào đối với tập thể, chứ không chỉ đi vòng quanh vỗ lưng mọi người và nói rằng “Anh/chị/bạn làm tốt lắm”.
  • Lo ngại về việc đối xử thiên vị. Sai lầm mà nhiều cấp quản lý thường mắc phải, đó là ca ngợi thành tích của toàn đội – trong khi công trạng thực sự thuộc về một vài cá nhân, hoặc ngược lại, chỉ chú tâm đến một người mà bỏ qua đóng góp của tập thể. Chính thực tế này là lý do khiến nhiều người từ chối ghi nhận đóng góp cá nhân, sợ rằng sẽ gây ra sự bất bình giữa các thành viên khác.
  • Thái độ kỳ thị. Trong một số tổ chức tập trung vào doanh số bán hàng hoặc kỹ năng chuyên môn, nhân viên thuộc các phòng ban hỗ trợ (ví dụ: nhân sự, kế toán) thường bị đánh giá thấp và ít được ghi nhận bởi những nỗ lực của họ. Đây thực sự là một sai lầm lớn; mọi công việc và đóng góp đều đáng được trân trọng như nhau.
  • Quan niệm “ai cũng có thể thay thế được”. Đây là một đặc trưng của môi trường kinh doanh hiện tại. Thực tế, nhiều nhà lãnh đạo lấy lý do thị trường lao động khó khăn làm cái cớ để thúc đẩy lòng trung thành “khiên cưỡng” của nhân viên. Rằng “Anh/chị/bạn nên cảm thấy may mắn khi có việc để làm”.
  • Thiếu hiểu biết về công việc. Một số cấp quản lý không hiểu biết đủ về công việc của cấp dưới – để có thể phân biệt ai đang đạt mức hiệu suất trung bình, và ai đang hoàn thành công việc với hiệu suất cao.

Đọc thêm: Cướp công người khác – Thói quen xấu cần loại bỏ

Vấn đề sâu xa nhất: Cái tôi

Trong tác phẩm bestseller “What got you here won’t get you there” (tựa Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai), chuyên gia executive coaching, TS. Marshall Goldsmith, kể lại về việc ông từng đặt câu hỏi cho những người tham gia các khóa đào tạo của ông như sau:

“Có bao nhiêu người trong số các bạn nghĩ rằng mình cần phải công nhận đóng góp của người khác nhiề hơn?”

Trong phần lớn trường hợp, 80% người được hỏi đều giơ tay.

Khi được hỏi vì sao lại như vậy, câu trả lời thường sẽ là:

  • “Chỉ là tôi bận quá thôi.”
  • “Tôi chỉ mong mọi người hoàn thành tốt công việc.”
  • “Tôi chưa bao giờ ý thức rằng mọi người coi trọng việc sự cố gắng của họ được công nhận như thế nào.”
  • “Tôi chưa bao giờ được công nhận về nỗ lực của mình; tại sao họ lại phải được như vậy?”

TS. Goldsmith nhận xét như sau:

“Bạn có để ý, tất cả câu trả lời đều sử dụng danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất (tôi) không?

Đó là vấn đề chung của những người thành công; họ tập trung quá mức vào bản thân họ. Sự nghiệp CỦA HỌ, hiệu suất CỦA HỌ, sự tiến bộ CỦA HỌ, nhu cầu CỦA HỌ.”

Có một sự khác biệt căn bản giữa người thành công và nhà lãnh đạo. Những người thành công chỉ thực sự trở thành nhà lãnh đạo giỏi, khi họ học cách chuyển hướng chú tâm từ bản thân sang người khác.

không công nhận cố gắng của người khác

Hậu quả khi sự cố gắng không được công nhận

Khi sự cố gắng không được công nhận, hệ quả tất yếu là người ta sẽ mất đi động lực cải thiện, dẫn đến hiệu suất đi xuống.

Phần lớn nhà quản lý đều ý thức rõ khi nhân viên không cảm thấy bản thân được trọng dụng hay đánh giá cao, họ sẽ dễ rơi vào tình trạng bất mãn, mong muốn nghỉ việc để tìm kiếm một cơ hội khác.

Trên thực tế, nghiên cứu của TS. Jean-Pierre Brun từ ĐH Laval (Quebec, Canada) đã chỉ ra rằng, việc người lao động không cảm thấy được ghi nhận công trạng là nguyên nhân top 2 dẫn đến tình trạng kiệt sức (burnout) và căng thẳng tại nơi làm việc, chỉ đứng sau khối lượng công việc.

  • Ảnh hưởng đến người khác

Cảm giác không được công nhận khiến nhiều người bị “xói mòn” cảm thức về đội nhóm, dẫn tới việc họ tìm cách “phá hoại” công việc của các thành viên khác.

  • Ảnh hưởng đến cá nhân

Về phương diện cá nhân, việc cảm thấy “lạc lõng” là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên trở nên bất cẩn và thiếu chủ động trong công việc. Khi nghĩ rằng mọi người không tin tưởng mình, xu hướng của chúng ta là trở nên bất mãn, không còn nhận thấy ý nghĩa của việc mình làm; hệ quả là ta trở nên buông thả và “bất cần”. Suy nghĩ của ta lúc đó sẽ là:

“Vì sao phải cố gắng, khi chẳng ai quan tâm đến mình?”

  • Tác động về phương diện cảm xúc

Hãy thử hình dung viễn cảnh mỗi sáng thức dậy và không có hứng thú đi làm. Bạn nhận thấy bản thân dễ bực mình với người khác. Bạn cáu kỉnh, thu mình và cô đơn. Bạn đã tự cam chịu rằng, đây là cách cấp quản lý làm việc, là cách công ty được điều hành. Không có gì sẽ thay đổi cả. Không ai sẽ đánh giá cao bạn.

Bạn trở nên bất an, mất niềm tin, thụ động và không cảm thấy được tôn trọng đúng mực.

Đó chính là điều sẽ xảy ra khi sự cố gắng không được công nhận. Ở cương vị quản lý, mỗi người cần ý thức tác động của những điều mình làm hằng ngày, để từ đó lên kế hoạch thay đổi trước khi quá trễ.

Bước đầu để học cách công nhận sự cố gắng của người khác

Sự công nhận mang lại nguồn động lực vô cùng to lớn; nó cho người khác nhận thấy những đóng góp của họ được công nhận và đánh giá cao, từ đó nâng cao tinh thần, cam kết và động lực trong công việc.

Thống kê thực tế đã cho thấy, có một “khoảng cách” khá lớn giữa nhận định của cấp quản lý và người lao động về việc sự cố gắng của họ được công nhận như thế nào. Và theo nghiên cứu của Gallup, không ghi nhận đóng góp là một nguyên nhân phổ biến nhất khiến người ta quyết định ra đi.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần thường xuyên giao tiếp và tương tác với người khác, để có thể hiểu được cảm nhận thực sự của họ là như thế nào.

Lấy ví dụ, vào lần họp tiếp theo, bạn có thể cho mọi người biết rằng bạn muốn họ cảm thấy được đánh giá cao và coi trọng qua việc đặt cho họ các câu hỏi như:

  • Anh/Chị/Bạn có cảm thấy được công nhận và đánh giá cao vì công việc mình làm không?
  • Tôi có thể làm gì để hỗ trợ tốt hơn và thể hiện sự công nhận đối với công việc của Anh/Chị?
  • Anh/Chị/Bạn muốn được công nhận dưới hình thức như thế nào?
  • v.v…

Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn; tuy nhiên, bạn sẽ nhận thấy trung thực và cởi mở là chìa khóa để xây dựng một môi trường lành mạnh. Việc thường xuyên tìm hiểu về kỳ vọng của mọi người – rằng bạn có đang đáp ứng mong muốn của họ không – là rất quan trọng để đảm bảo rằng không ai nào cảm thấy thất vọng hoặc bực bội.

Theo chia sẻ của TS. Goldsmith, một trong những khách hàng của ông đã chia sẻ với ông một kỹ thuật để giải quyết vấn đề như sau:

  • Đầu tiên, lập danh sách tất cả những nhóm người quan trọng trong cuộc đời mình (bạn bè, gia đình, cấp dưới trực tiếp, khách hàng, v.v…)
  • Sau đó, viết ra tên của từng người quan trọng, phân loại theo từng nhóm.
  • Hai lần một tuần, vào sáng thứ Tư và chiều thứ Sáu, xem lại danh sách này và tự vấn: “Có ai trong đây đã làm điều gì đó mà tôi nên công nhận không?”
  • Nếu câu trả lời là “có”, ngay lập tức ghi nhận công trạng của họ, có thể bằng điện thoại, e-mail, hộp thư thoại hoặc ghi chú.

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân – Hành trang tự vấn mỗi ngày

Bí quyết công nhận cố gắng của người khác

  1. Suy nghĩ về động cơ thúc đẩy họ

Ai cũng mong muốn được công nhận theo cách riêng của họ. Một số thích được công nhận công khai trong cuộc họp; số khác có xu hướng “khép kín” và mong muốn được ghi nhận một cách tinh tế, riêng tư hơn (ví dụ: qua thư riêng).

Ở cương vị nhà lãnh đạo, bạn cần tìm hiểu chi tiết điều gì thực sự tạo ra động lực cho cấp dưới của mình, qua việc tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Loại công việc nào khiến họ cảm thấy hứng thú?
  • Họ tự hào nhất về điều gì?
  • Họ hướng ngoại hay hướng nội?
  • Họ đóng góp cho mục tiêu và/hoặc giá trị nào?
  1. Ghi nhớ điều gì là quan trọng

Nếu hành động của cá nhân nào đó minh chứng cho bộ giá trị cơ bản của tổ chức, hãy tôn vinh họ và khuyến khích các nhân viên khác làm điều tương tự. Hành vi công nhận này sẽ nhắc nhở mọi người về các tiêu chuẩn quan trọng của tập thể, thúc đẩy họ hướng tới mục tiêu chung.

  1. Thực hành kỹ năng kể chuyện (storytelling)

Đừng chỉ nói những câu chung chung như “Cảm ơn vì đã giúp đỡ tôi ngày hôm qua”. Đối phương thường sẽ quên rất nhanh những gì bạn nói, và ngay cả khi họ có nhớ, thì những người xung quanh họ cũng sẽ không biết gì cả.

Thay vào đó, hãy luôn trình bày cụ thể và chi tiết về cách người đó đã giúp đỡ bạn thế nào, rằng sự hỗ trợ của họ có ý nghĩa ra sao, chẳng hạn như:

“Tôi thực sự đánh giá cao việc Anh/Chị ở lại muộn để giúp tôi hoàn thành báo cáo chi phí tối qua. Nhờ có Anh/Chị, tôi mới có thể hoàn thành đúng thời hạn đã đề ra.”

  1. Sáng tạo và cá nhân hóa trong nỗ lực công nhận

Tổ chức thường thể hiện sự công nhận với cố gắng của mọi người theo cách nào? Mọi người có đang nhận được cùng một kiểu khen ngợi – bất kể đóng góp của họ cho nhóm hay không? Việc thực hành ghi nhận theo “lối mòn” thực tế hoàn toàn có thể gây ra tác động tiêu cực, ngược lại so với mong muốn của bạn.

Sự công nhận là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự gắn kết, nhưng nó phải được thực hành một cách phù hợp. Do đó, cần đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn như:

  • Tổ chức một giờ hạnh phúc (happy hour).
  • Đặt đồ ăn nhẹ tại khu vực làm việc.
  • Gửi email cho tất cả mọi người.
  • Kỷ niệm các cột mốc cá nhân.
  • v.v…

Khi sự cố gắng được công nhận, mỗi cá nhân sẽ được trao thêm động lực để tiếp tục hoàn thành công việc và đóng góp vào mục tiêu chung.

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ sơ bộ về tác động của tật xấu không công nhận cố gắng của người khác. Hy vọng qua đó, mỗi người sẽ có cơ hội cùng suy ngẫm lại về hành vi thường nhật của mình. Trong phần lớn trường hợp, thói quen xấu này không phải do ác ý; tất cả những gì ta cần là thay đổi về cách tư duy, biết chú ý hơn đến cảm xúc và nỗ lực của người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status