Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn

memento mori
Trang chủ » Vượt lên chính mình » Nghịch cảnh » Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn

Khám phá ý nghĩa của triết lý Memento Mori trên hành trình buông bỏ mọi phiền nhiễu, sống có mục đích và dồi dào mỗi ngày.

Trong quá trình biên soạn bài viết về lối sống Khắc kỷ, tôi tình cờ bắt gặp thuật ngữ “Memento Mori” – sau một hồi nghiên cứu, tôi phát hiện ra đây là một trong những nguyên tắc nền tảng của Chủ nghĩa Khắc kỷ và các triết lý/truyền thống tâm linh có liên quan khác. Kể từ đó, không rõ vì sao cụm từ này liên tục xuất hiện trong tâm trí tôi; nó nhắc nhớ tôi về tầm quan trọng của việc phải sống hết mình (và vì sao tôi nên ngừng đắm mình vào những hoạt động vô bổ không đưa tôi đến gần với “nguồn sáng”). Tuy rằng khái niệm này thoạt nghe có vẻ đáng sợ đối với nhiều người, tôi tin rằng nó không nhất thiết phải như vậy – hoàn toàn ngược lại là đằng khác. Chính nhờ nó, tôi đã có được lý do và động lực vững vàng để thức dậy mỗi sáng – và tiếp tục làm những việc tôi đang làm (ngay cả khi tôi không thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức).

Tóm tắt nội dung chính

  • Memento Mori là một cụm từ tiếng Latin có nghĩa là “hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết”. Nó là lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống – cũng như tầm quan trọng của việc sống một cuộc sống có đạo đức và trọn vẹn. Bắt nguồn từ những truyền thống triết học thời La Mã cổ đại, thuật ngữ này đã phát triển thành một chủ đề văn hóa nổi bật trong nghệ thuật, tôn giáo, phát triển cá nhân và thậm chí cả thời trang.
  • Mặc dù có vẻ độc đáo, khái niệm này cùng chia sẻ thông điệp suy ngẫm về cái chết để qua đó sống có ý nghĩa hơn với các truyền thống như Phật giáo, tinh thần Võ sĩ đạo, Hồi giáo, v.v…
  • Với việc cái chết là điều tất yếu và không thể dự đoán trước, Memento Mori kêu gọi mỗi người tận dụng tối đa khoảng thời gian sống có hạn của mình – bằng cách trân trọng hiện tại, ưu tiên những gì quan trọng và cố gắng để lại di sản tích cực. Thay vì sợ hãi cái chết, chúng ta nên tập trung vào cách bản thân đang sống ngay bây giờ.
  • Triết lý này có thể được thực hành hàng ngày thông qua những hành động nhỏ nhặt như: mang theo một vật gợi nhớ, suy ngẫm hàng ngày, tự vấn bản thân, sống chánh niệm, đầu tư vào các mối quan hệ, và sống trọn khoảnh khắc hiện tại.

Memento Mori là gì?

Memento Mori (phát âm “mə-MEN-toh MOR-ee”) là một cụm từ tiếng Latin thường được dịch nghĩa là “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết”. Một cụm từ mạnh mẽ đã gây tiếng vang trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại – và đã từng được đề cập/ thể hiện trong nhiều truyền thống triết học và nghệ thuật, nó nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của cuộc sống và tầm quan trọng của việc sống trọn vẹn mỗi ngày.

Khái niệm này thường gắn liền với triết lý Khắc kỷ, vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy ngẫm về sự tất yếu của cái chết để qua đó nuôi dưỡng sự bình an và trí tuệ nội tâm – cũng như sống một cuộc sống đạo đức phù hợp với lý trí và tự nhiên. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng, cái chết không phải là điều đáng sợ – mà là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần phải sống mỗi ngày một cách trọn vẹn, cũng như tránh lãng phí thời gian vào những việc không quan trọng.

Đôi khi, nó được sử dụng như một phần của các cụm từ khác như “Memento mori, Memento vivere” (có nghĩa là “Hãy nhớ cái chết, và sống cho hiện tại”), “Memento mori, Carpe diem” (“Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết và nắm bắt khoảnh khắc này”), và “Memento mori, Amor Fati” (“Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết và yêu quý số phận của mình”).

Bối cảnh lịch sử, nguồn gốc & sự phát triển của Memento Mori

Mục đích chính đáng duy nhất của thực hành triết học là chuẩn bị cho cái chết.

Socrates

Thuật ngữ Memento Mori thường được cho là xuất phát từ nhận định trên của Socrates – người tin rằng vai trò của triết học là khuyến khích con người suy ngẫm về sự sống và cái chết. Ngoài ra, nó cũng có thể được xem là bắt nguồn từ tục lệ của người La Mã cổ đại – trong đó, các vị tướng giành chiến thắng trên đường diễu hành ăn mừng sẽ được tháp tùng bởi một nô lệ, người sẽ thì thầm vào tai họ rằng:

Respice post te! Hominem te esse memento! Memento mori!

(Hãy nhìn về phía sau và ý thức rằng ngài chỉ là con người phàm trần! Hãy nhớ rằng ngài sẽ phải chết!)

Memento Mori

Về sau, khái niệm này được ủng hộ bởi các triết gia Khắc kỷ như Seneca và Epictetus, những người coi nó như một công cụ giúp con người sống một cuộc sống có đạo đức hơn.

Hãy luôn chiêm nghiệm về cái chết, sự lưu đày và mọi điều khủng khiếp mỗi ngày. Làm như vậy, bạn sẽ không bao giờ bị chi phối bởi suy nghĩ hèn hạ hay ham muốn thái quá.

Epictecus

Theo thời gian, Memento Mori đã trở thành một chủ đề nổi bật được khám phá trong nhiều lĩnh vực. Các kiến ​​trúc tôn giáo và kinh sách (đặc biệt là của Kitô giáo) mô tả chủ đề này nhằm khuyến khích tín đồ chiêm nghiệm về cái chết và thế giới bên kia. Tương tự như vậy, văn học thời trung cổ thường phản ánh bản chất phù du của sự tồn tại, còn các họa sĩ thì thường kết hợp các yếu tố biểu tượng vào tác phẩm của họ (tranh, điêu khắc và thậm chí cả đồ trang sức) – qua đó nhắc nhở người xem về sự vô thường của cuộc sống:

  • Đầu lâu là biểu tượng cho thân xác hư nát; xương tượng trưng cho việc chúng ta cuối cùng sẽ về lại với đất.
  • Đồng hồ cát – nhắc nhở về sự chuyển động không ngừng nghỉ của thời gian.
  • Những bông hoa héo úa, nói lên bản chất phù du của cái đẹp.
  • Quan tài và Tử thần – cả hai đều là hiện thân của cái chết.
  • Ngọn nến sắp tàn – biểu tượng cho sự hữu hạn của cuộc sống.
  • v.v…

biểu tượng Memento Mori

Biểu tượng Memento Mori

Một số sự kiện lịch sử sau đó càng củng cố thêm ý nghĩa văn hóa của cụm từ này. Ví dụ, đại dịch hạch Cái Chết Đen tàn khốc đã khiến cái chết trở thành chủ đề thường trực trong tâm trí con người, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật và văn học Memento Mori. Một ví dụ là sự xuất hiện của thể loại nghệ thuật “Vũ điệu tử thần” (Danse Macabre), minh họa cách sống động tính phổ quát của cái chết – không phân biệt địa vị xã hội. Thông điệp ẩn chứa trong những tác phẩm nghệ thuật này thật đơn giản: dù bạn là ai – nông dân, linh mục, vua chúa, hành khất, v.v…, không ai có thể thoát khỏi cái chết.

Không quan trọng bạn đã tích lũy được bao nhiêu của cải/danh tiếng/thành công trong cuộc sống. Cuối cùng, số phận của mọi người đều giống nhau: ở dưới mồ.

Trong thời Trung Cổ, tang lễ thường kết hợp các biểu tượng và thông điệp “Memento Mori” (ví dụ: chữ khắc trên bia mộ) để thúc đẩy mọi người suy ngẫm về sự vô thường của cuộc sống và sự tất yếu của cái chết.

Bước sang thế kỷ 16, sự xuất hiện của thể loại nghệ thuật Vanitas đánh dấu một cột mốc quan trọng khác. Các bức tranh thời đó thường khắc họa những đồ vật biểu trưng cho sự vô thường của những thú vui trần thế – qua đó, người xem có thể đối mặt với sự mong manh của chính mình, cũng như tính phù du của của cải vật chất.

biểu tượng Memento Mori

Trong thế giới phát triển nhanh chóng ngày nay, “Memento Mori” vẫn không mất đi sức hấp dẫn (nếu không nói là càng ý nghĩa hơn bao giờ hết). Từ biểu tượng đầu lâu trong thời trang cho đến việc được sử dụng như một công cụ tạo động lực sống chánh niệm, thuật ngữ này đóng vai trò như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về bản chất phù du của cuộc sống – và lý do tại sao chúng ta cần tận dụng tối đa thời gian của mình. Trên thực tế, một số người như Steve Jobs đã cho rằng, thành tựu của họ đến từ việc do họ luôn nghĩ đến cái chết – và ý thức rằng thành tích và sự thỏa mãn quan trọng hơn việc chỉ tích lũy tài sản hay theo đuổi những thú vui phù du.

Việc tự nhắc nhớ bản thân về cái chết đã giúp tôi đáng kể trong việc đưa ra những quyết định lớn trong đời.

Steve Jobs

Xương cốt của chúng tôi nằm tại nơi đây đang chờ đợi bạn

Dòng chữ khắc trên lối vào nhà nguyện Capela dos Ossos (Bồ Đào Nha):

Xương cốt của chúng tôi nằm tại nơi đây đang chờ đợi bạn

So sánh Memento Mori với các khái niệm/truyền thống tương tự

Suy ngẫm về cái chết là đỉnh cao trong tất cả các loại thiền chánh niệm.

Thích Ca

Thuật ngữ “Memento Mori” có khá nhiều điểm tương đồng với các khái niệm/ truyền thống từ các nền văn hóa trên thế giới:

  • Anicca (Vô thường): Ý tưởng nền tảng của Phật giáo, Anicca nêu bật bản chất luôn thay đổi của thực tại, bao gồm cả cuộc sống của chính chúng ta.
  • Maraṇasati (Tử niệm): Thông qua thực hành quán chiếu cái chết và vô thường, mỗi cá nhân sẽ có thể rèn luyện khả năng buông bỏ những ham muốn trần tục và hướng đến sự giải thoát về phương diện tâm linh.
  • Thiền tông (Zen): Tuy không tập trung cụ thể vào cái chết, Thiền tông khuyến khích ta thực hành chánh niệm và sống trong thời điểm hiện tại. Quy tắc này phù hợp với thông điệp sử dụng nhận thức về cái chết để trân trọng hiện tại trong Memento Mori.
  • Tinh thần Võ Sĩ Đạo (Bushido): Bộ quy tắc Võ Sĩ Đạo (武士道) của tầng lớp samurai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống với danh dự và lòng dũng cảm, với ý thức rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào.
  • Hanami (花見 – Ngắm hoa anh đào) & Momijigari (紅葉狩り – Ngắm lá mùa thu): Các truyền thống trên đây của Nhật Bản hướng người ta tôn vinh vẻ đẹp chóng tàn của thiên nhiên. Chúng đóng vai trò như lời nhắc nhở về bản chất phù du của cuộc sống và tầm quan trọng của việc trân trọng vẻ đẹp ngay khi nó còn tồn tại.
  • Lojong (Phật giáo Tây Tạng): Thông qua việc suy ngẫm về nỗi đau khổ của tha nhân và sự vô thường của cuộc sống, mỗi người được kêu gọi tận dụng tối đa quỹ thời gian hữu hạn của mình – bằng cách nuôi dưỡng lòng từ bi, thực hành lòng vị tha và cố gắng tạo ra tác động tích cực đến thế giới.
  • Tadhkirat al-Mawt (Tưởng nhớ cái chết): Khái niệm Hồi giáo này nhấn mạnh ý nghĩa của việc suy ngẫm về cái chết như một cách thức nuôi dưỡng lòng đạo đức và từ bỏ những đam mê trần thế.

Điểm giống nhau cơ bản giữa các khái niệm và truyền thống này là việc tất cả đều khuyến khích suy ngẫm về cái chết – đồng thời sử dụng nó như một công cụ để tự phản tỉnh, sống có đạo đức và trân trọng thời điểm hiện tại.

hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết

Vì sao cần tìm hiểu Memento Mori?

Chúng ta quá ham muốn cái này cái kia, muốn giải quyết vấn đề mà không nhận ra được sự vô thường của cuộc sống.

AVIS Viswanathan

Trong một thế giới ngày càng trở nên an toàn và thoải mái hơn, nhiều người trong chúng ta rất dễ rơi vào ảo tưởng về sự “trường sinh” – và coi mọi thứ trong cuộc sống là điều hiển nhiên. Bất chấp tính tất yếu và phổ quát của nó, cái chết là điều chúng ta thường tránh thảo luận – hoặc vì không thoải mái, hoặc vì tin rằng chúng ta vẫn còn nhiều thời gian trên mặt đất này.

Tuy nhiên, điều đó liệu có đúng chăng?

Dù bạn nghĩ như thế nào, cái chết thực tế có thể đến sớm hơn nhiều so với ta mong đợi. Đôi khi, có những lúc bạn tưởng như mình sẽ chết đến nơi – nhưng sau đó vẫn sống sót tới giờ.

Thế nhưng, trải nghiệm đó cũng đủ để nhắc nhở ta về sự khó lường của cuộc sống. Về kết cục không thể tránh khỏi của mỗi người.

Sau đây, tôi xin phép chia sẻ với bạn đọc câu chuyện cá nhân của tôi – về lần cuối cùng khi tôi cận kề cái chết. Vì lý do nào đó mà đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ lại nó một cách rất tường tận.

Lúc đó là khoảng 9:15-9:30 tối Chủ Nhật, ngày 31 tháng 10 năm 2022. Tôi đang trở về nhà bằng xe Grab. Chúng tôi đã đến lối vào con hẻm dẫn vào nhà tôi.

Tôi cho rằng người tài xế của tôi khi đó đã hơi bất cẩn và thiếu kinh nghiệm. Anh ta vô tình đi quá lối vào hẻm – và tôi liền nhắc anh ấy về điều đó.

Anh lập tức quay xe lại cực nhanh, mà không để ý xem phía sau có ai không.

Và khi anh ta còn chưa quay xe xong, thì một tài xế xe máy khác từ phía sau lao thẳng vào chúng tôi và khiến chúng tôi (gần như) bị hất bay đi.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Chỉ vỏn vẹn vài giây thôi, nhưng đó lại là một trong những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong đời tôi (tính đến thời điểm hiện tại).

Chưa bao giờ tôi cận kề cái chết đến thế. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình không còn kiểm soát được bất cứ điều gì trên đời nữa.

May mắn thay, tôi đã sống sót qua khỏi vụ tai nạn mà chỉ bị gãy một ngón chân út.

Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu quên đi sự việc đó. Cho đến khi tôi tình cờ bắt gặp thuật ngữ “Memento Mori” hai tháng trước.

Chính lúc đó, tôi mới nhận ra mình đã thiếu suy nghĩ đến mức nào. Lẽ ra tôi nên khiêm tốn và sống có mục đích hơn nhiều kể từ sau vụ tai nạn. Lẽ ra tôi nên ý thức được mình đã may mắn như thế nào. Rằng mạng sống của tôi đã được tha – vì một lý do nào đó mà tôi không biết được.

Tôi cho rằng có lẽ một phần sự thiếu ý thức của tôi xuất phát từ việc tôi, may mắn thay, chưa từng trực tiếp chứng kiến ​​cái chết của nhiều người thân yêu. Cho tới giờ, hầu hết người thân của tôi đều vẫn còn sống – chỉ trừ bác và ông nội tôi.

Khi nghe tin về cái chết của bác tôi (tự thiêu vì stress), tôi đã cảm thấy trong lòng cứ nao nao suốt mấy ngày liền. Tuy nhiên, tôi không có mặt tại nhà để chứng kiến ​​sự việc (cũng như không trực tiếp tham dự đám tang của bác) – nên tôi đoán rằng ấn tượng về nó chưa thực sự đủ mạnh với tôi. Về sau, khi được đọc lá thư tuyệt mệnh của bác, tôi cảm thấy một chút bất an len lỏi vào tâm trí – nhưng chỉ là trong chốc lát.

Về phần ông tôi, ông đã rơi vào tình trạng “nằm liệt gường” nhiều năm trước ngày mất. Vì vậy, khi thời điểm đến, mọi người đều đã ít nhiều chuẩn bị trước. Tuy đã tận mắt nhìn thấy xác ông, cúi đầu trước quan tài và tham gia đám tang của ông sau đó, tôi vẫn không thực sự cảm được ý nghĩa của cái chết (dù vẫn phần nào thấy lòng mình se lại).

Hồi tưởng những khoảnh khắc này – khi tôi phải đối diện với tính tất yếu của cái chết – khiến tôi nhận ra ý nghĩa sâu xa của cụm từ “Memento Mori”. Nó nhắc nhở tôi về sự vô thường và khó đoán trước của cuộc sống – cũng như lý do tại sao tôi nên cố gắng tận dụng tối đa thời gian quý báu mà mình có.

Chúng ta hãy thử nghĩ về những cuộc khủng hoảng gần đây như đại dịch Covid-19. Cách này cách kia, thế giới hiện đại có xu hướng gạt bỏ suy nghĩ về cái chết sang một bên. Những tiến bộ y tế, khoa học kỹ thuật & công nghệ dường như đã tạo ra ảo tưởng rằng, tất cả chúng ta sẽ sống mãi mãi. Trớ trêu thay, đại dịch đã đập tan hoàn toàn ảo tưởng đó.

Con virus corona không phân biệt đối xử ai. Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh. Hàng triệu sinh mạng đã ra đi – và toàn bộ chính phủ/giới khoa học trên thế giới đều không thể làm gì được.

Hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều công ty phá sản mà không có hy vọng hồi phục. Cơ cấu xã hội bị đe dọa nghiêm trọng.

Thật là một sự tương phản với những ảo tưởng thông thường của con người về vị trí bá quyền của mình!

Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.

Giảng viên 1:2

Memento Mori

Mặc dù đại dịch đã qua đi – và cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng chúng ta không được phép quên đi thông điệp mà nó đã để lại.

Rằng chúng ta là những con người phàm trần mong manh, không phải chủ nhân của thế giới này.

Rằng một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ chết.

Và rằng chúng ta cần tận dụng tối đa thời gian quý báu mà bản thân có được trên thế giới này.

Bạn có thể sẽ không còn thức dậy vào ngày mai… sẽ không bao giờ có thể được ngủ nữa.

Seneca

Lợi ích khi suy ngẫm về Memento Mori

Suy niệm về cái chết không phải để ta trở nên sợ hãi – mà là để trân trọng cuộc đời quý giá này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma

  • Sống có mục đích: Bằng cách thừa nhận tính chất hữu hạn của thời gian sống, mỗi người được khuyến khích xác định xem điều gì thực sự quan trọng, cũng như ưu tiên những việc làm phù hợp với hệ giá trị của mình – thay vì trì hoãn hoặc bị cuốn vào những thú vui tầm thường.
  • Trân trọng hiện tại: Tính chất vô thường của cuộc sống nhắc nhở ta phải biết chiêm nghiệm từng khoảnh khắc, trân trọng vẻ đẹp của những trải nghiệm hàng ngày, tránh trì hoãn việc tìm kiếm hạnh phúc cho một ngày nào đó trong tương lai.
  • Nuôi dưỡng lòng biết ơn: Suy ngẫm về cái chết là cơ hội để ta nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với những điều đơn giản trong cuộc sống – các mối quan hệ, sức khỏe, trải nghiệm, thời gian ở bên cạnh những người thân yêu – mà chúng ta có thể coi là đương nhiên. Tất cả mọi điều này đều quý giá và không kéo dài mãi; đừng để chúng qua đi một cách vô ích!
  • Để lại di sản tích cực: Ý thức về sự hữu hạn của cuộc sống là động lực mạnh mẽ để ta dấn thân vào việc giúp đỡ mọi người, sáng tạo và đóng góp cho những mục đích mình quan tâm.

Bạn có thể sẽ phải rời bỏ cuộc sống ngay bây giờ. Hãy để điều đó quyết định những gì bạn làm, nói và suy nghĩ.

Marcus Aurelius

Tại sao chúng ta không nên sợ hãi cái chết?

Suy cho cùng, đối với một bộ óc có tổ chức tốt, cái chết chỉ đơn thuần là một cuộc phiêu lưu vĩ đại tiếp theo.

J. K. Rowling

Memento Mori không đơn giản là đón nhận cái chết – mà đúng hơn, ta được khuyến khích sử dụng nhận thức về cái chết để sống một cuộc sống phong phú hơn. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều sẽ chết – và những gì xảy ra sau khi chết không phải là điều ta có thể kiểm soát được. Do đó, chẳng có ích gì khi lo lắng về nó.

Từ góc độ tôn giáo/ tâm linh, chết không phải là hết – mà chính là sự khởi đầu. Ý thức con người sẽ tồn tại theo nhiều cách khác nhau – thiên đường, limbo, tái sinh, v.v…

Từ góc độ hoàn toàn thế tục, vì chúng ta không còn tồn tại sau khi chết, nên sẽ chẳng có ý thức để trải nghiệm nỗi sợ hãi cả.

Như vậy, dù bạn có thực hành bất kỳ tín ngưỡng/ niềm tin tâm linh nào hay không, tất cả chúng ta đều đi đến cùng một kết luận:

Cái chết không phải là điều đáng sợ.

hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết

Điều duy nhất chúng ta cần sợ là không tồn tại khi vẫn còn sống. Về phương diện này, Memento Mori nhắc nhở chúng ta tập trung vào hiện tại và sống một cuộc sống trọn vẹn nhất – tránh hướng sự chú ý vào điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Thay vì lãng phí năng lượng vào các thú vui buông thả hay lo lắng về những điều chưa biết (điều gì xảy ra sau khi chết), tốt hơn hết là ta nên chuyển hướng năng lượng sang những điều khác có ý nghĩa hơn: cách sống, các mối quan hệ, tác động đến thế giới này.

Chúng ta có đang sống chân thực – phù hợp với những gì bản thân thực sự trân quý, mà không bị ràng buộc bởi áp lực xã hội không?

Chúng ta có đang trân trọng khoảng thời gian bên những người thân yêu và sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn/ hàn gắn những mối quan hệ tan vỡ không?

Chúng ta có đang tích cực theo đuổi đam mê cá nhân và nỗ lực hết sức để tạo ra sự khác biệt khi có thể không?

Vị chủ nhân chân chính không tìm cách chạy trốn Tử thần. Y chấp nhận rằng y phải chết, và hiểu rằng có những điều trong thế giới sống còn tệ hơn cái chết rất nhiều.

J. K. Rowling

Bí quyết thực hành Memento Mori trong đời sống thường nhật

Đừng bao giờ quên rằng bạn phải chết; rằng cái chết sẽ đến sớm hơn bạn mong đợi.

John Furniss

  1. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt – một cách nhất quán

  • Vật gợi nhớ: Bạn có thể mang theo bên mình một vật nhỏ, chẳng hạn như một hòn đá nhẵn hoặc đồng xu khắc dòng chữ “Memento Mori”, như một lời nhắc nhở sống động về cái chết và việc phải tập trung vào những gì quan trọng. Hoặc, bạn có thể đặt thông báo trên điện thoại hàng ngày – sử dụng một câu trích dẫn/lời nhắc gợi nhớ về Memento Mori.
  • Suy ngẫm: Dành ra một vài khoảng thời gian yên tĩnh mỗi ngày (ví dụ: buổi sáng ngay sau khi thức dậy), để suy ngẫm về cái chết. Bạn có thể chỉ cần thừa nhận nó bằng một cụm từ như “Ngày hôm nay là một món quà” hoặc tự vấn bản thân bằng một câu hỏi như: “Nếu hôm nay là ngày sống cuối cùng của tôi, tôi sẽ hối hận vì điều gì đã không làm?” Tuy có vẻ đơn giản, việc thường xuyên thực hành tự phản ánh sẽ thúc đẩy bạn ưu tiên các hành động phù hợp với hệ giá trị của mình.

Nếu đây là tuần cuối cùng của cuộc đời, bạn sẽ trân trọng điều gì nhất? Bạn sẽ sống như thế nào? Bạn sẽ yêu thương như thế nào? Hôm nay bạn sẽ nói ra những sự thật gì?

Tony Robbins

  1. Sống có mục đích

Một ngày nào đó, bạn sẽ thức dậy và nhận ra – không còn đủ thời gian để làm những điều bạn luôn mong muốn nữa. Vậy hãy hành động ngay từ bây giờ!

Paulo Coelho

  • Viết nhật ký lòng biết ơn: Trước khi đi ngủ, hãy dành thời gian để bày tỏ lòng biết ơn về những phước lành trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ. Viết ra ba điều bạn biết ơn trong ngày – dù là hương vị món ăn yêu thích của bạn, một cuộc trò chuyện ý nghĩa, hoặc đơn giản là việc bản thân vẫn còn sống. Càng làm nhiều, bạn sẽ càng nhận ra cuộc sống thật quý giá (và bạn đã may mắn biết bao so với bao người ngoài kia)!
  • Bài tập điếu văn: Hãy tưởng tượng bạn đang viết điếu văn của chính mình. Bạn muốn nêu bật những phẩm chất và thành tích nào? Suy ngẫm về điều này sẽ giúp xác định điều gì thực sự quan trọng và hướng dẫn mọi điều bạn đang làm hiện tại.
  • Bucket list: Lập danh sách về những trải nghiệm bạn muốn có, những mối quan hệ bạn muốn nuôi dưỡng hoặc kỹ năng bạn muốn học hỏi. Đây là một cách thức tuyệt vời để luôn ghi nhớ mục tiêu và niềm đam mê lâu dài.
  • Sắp xếp thời gian cho những “điều quan trọng nhất”: Lên lịch cho các hoạt động mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn, dù đó là dành thời gian cho những người thân yêu, theo đuổi sở thích hay thực hiện một dự án sáng tạo. Hãy tự hỏi: “Liệu tôi có hạnh phúc nếu đây là lần cuối cùng tôi làm điều này không?”
  • Lời nhắc “Còn một năm”: Hãy suy ngẫm xem bạn sẽ làm gì khác đi nếu biết mình chỉ còn một năm để sống. Làm như vậy, bạn sẽ có thể nhận ra những lĩnh vực mà bản thân có thể đang kìm hãm hoặc bỏ qua những điều quan trọng.

Đọc thêm: 50 ý tưởng bucket list – Đi tìm niềm sống mỗi ngày

  1. Nuôi dưỡng các mối dây kết nối

  • Thể hiện tình yêu thương: Tuy có thể hơi “gượng ép” lúc ban đầu, bạn nên cân nhắc thường xuyên dành thời gian thể hiện tình cảm/ lòng biết ơn với những người thân yêu – dù bằng cách viết một bức thư chân thành, bày tỏ lòng biết ơn về sự hiện diện của họ hay đơn giản là chia sẻ thời gian chất lượng bên nhau. Bạn không bao giờ biết chắc rằng mình sẽ còn lại bao nhiêu thời gian đâu!
  • Thực hành sự tha thứ: Ôm giữ oán hận sẽ chỉ gây ra gánh nặng tinh thần và thể xác không cần thiết. Cuộc sống này quá ngắn ngủi – xét cho cùng, những mối dây kết nối mà ta đang có hiện tại sẽ không tồn tại mãi mãi. Do đó, chúng ta cần học cách buông bỏ những điều tiêu cực và hàn gắn những mối quan hệ đã rạn nứt ngay từ bây giờ – trước khi quá muộn! Có ai đó mà bạn cần phải tha thứ hoặc xin lỗi không? Hãy liên hệ với họ trước khi bạn không còn cơ hội hòa giải nữa!
  • Chủ động tiếp cận: Đừng chờ đợi những dịp đặc biệt mới kết nối với những người thân yêu. Thay vào đó, hãy chủ động gọi điện, gửi tin nhắn hoặc lên kế hoạch ghé thăm mỗi khi có thể để duy trì và củng cố những mối quan hệ này.

Khi bạn thức dậy mỗi sáng, hãy nghĩ rằng thật may mắn khi mình vẫn còn được sống, được suy nghĩ, được tận hưởng, được yêu thương…

Marcus Aurelius

  1. Trân trọng khoảnh khắc hiện tại

  • Thực hành chánh niệm: Tích hợp các bài tập chánh niệm như thiền vào thói quen mỗi ngày; qua đó, bạn sẽ không chỉ tập trung hơn vào thời điểm hiện tại, mà còn học được cách trân quý vẻ đẹp của những trải nghiệm hàng ngày.
  • Digital detox: Hãy thường xuyên lên lịch nghỉ ngơi, tách rời khỏi máy tính/ điện thoại/ các thiết bị công nghệ để có thời gian hiện diện trọn vẹn trong thế giới thực, hòa mình vào môi trường xung quanh, thưởng thức bữa ăn, cũng như dành toàn bộ sự quan tâm cho những người ở cùng bạn.
  • Trải nghiệm thú vui đơn giản: Hãy dành thời gian để trân trọng những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống – một tách cà phê thơm ngon, hơi ấm mặt trời, một cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa. Memento Mori nhắc nhở chúng ta rằng, những khoảnh khắc giản đơn này rất quý giá và sẽ không tồn tại mãi mãi; do đó, đừng để chúng trôi đi vô ích!

Hodie Mihi, Cras Tibi.

(Nay tôi, mai anh chị em)

bí quyết thực hành memento mori

Viva la Vida

Danh ngôn về Memento Mori

Cuộc đời tôi giống như một bức tranh Memento Mori: luôn có một chiếc đầu lâu đang cười toe toét bên cạnh để nhắc nhở tôi về sự phù du trong tham vọng của con người.

Yann Martel

 

Hãy sống như thể không có ngày mai. Hãy yêu thương như thể thời gian của bạn là hữu hạn. Và hãy luôn nhớ rằng, thật tốt khi được sống trên mặt đất này.

Jason Gray

 

Hãy bắt đầu làm những gì bạn muốn làm ngay bây giờ. Không ai trong chúng ta sẽ sống vĩnh viễn cả. Chúng ta chỉ có khoảnh khắc này, lấp lánh như một ngôi sao trong tay – và đang dần tan chảy như một bông tuyết.

Francis Bacon

 

Memento Mori! Nếu luôn tâm niệm rằng mình sẽ phải chết, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn khác.

Leo Tolstoy

 

Người hoàn thiện cuộc sống của họ mỗi ngày sẽ không bao giờ thiếu thời gian.

Seneca

 

Hãy để mỗi điều bạn làm, mỗi lời bạn nói, mỗi suy nghĩ bạn dự định giống như của một người sắp chết.

Marcus Aurelius

 

Hãy nhớ rằng : đời là một kiếp phù du.

Thánh Vịnh 89:47

 

Bạn sẽ chết. Chính ba từ đơn giản này đã trở thành ánh sáng dẫn đường, ngọn lửa và tham vọng thúc đẩy tôi hướng tới di sản và sống cuộc sống trọn vẹn nhất.

Gary Vaynerchuk

 

Có những điều kỳ diệu xung quanh ta, nhưng bản thân chúng ta chỉ là phù du.

Tim Ferriss

 

Thực hành cái chết là để đạt tới tự do. Một người đã học được cách phải chết như thế nào thì không còn là nô lệ nữa.

Michel de Montaigne

 

Tất cả những gì chúng ta có thể làm là quyết định phải làm gì với thời gian được ban cho.

J. R. R. Tolkien, Đoàn Hộ Nhẫn

hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết

Lời kết

Kể từ lần đầu tiên tôi biết đến nó, “Memento Mori” đã trở thành câu thần chú thường trực trong tâm trí tôi. Nó thì thầm bên tai tôi trong những giây phút rảnh rỗi, mang đến nền tảng sức mạnh khi sự nghi ngờ len lỏi vào tâm trí tôi – và là tia hy vọng khi tôi dường như không thể tìm thấy ý nghĩa trong những việc mình làm. Đối với tôi, ý thức rằng thời gian của mình là hữu hạn không phải là gánh nặng – mà là một nguồn động lực mạnh mẽ. Nó buộc tôi phải loại bỏ những thứ không cần thiết và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

Tuy có vẻ khó tiếp thu với một số người, song tôi tin rằng chỉ bằng cách chấp nhận cái chết của mình, chúng ta mới có thể thực sự trân trọng cuộc sống. Vậy thì, bạn còn chờ điều gì nữa? Hãy coi đây là động lực giúp bạn loại bỏ mọi phiền nhiễu và thực sự bắt đầu sống. Bởi vì như Memento Mori nhắc nhở chúng ta, ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến!

Hãy nhớ rằng một ngày nào đó, bạn sẽ phải chết!

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ!

Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc

Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay!

 

Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ

Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi

Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ

Khi trở về cát bụi cũng trắng tay

Bùi Giáng

Memento Mori hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết

Có thể bạn quan tâm:

  • Goal setting: Thiết lập mục tiêu cho thành công lâu dài
  • Gaman (Ngã mạn – 我慢): Triết lý đằng sau năng lực bền bỉ của người Nhật
  • Shikata ga nai (仕方がない): Nghệ thuật buông bỏ & tìm kiếm bình an nội tâm
  • 50 câu hỏi tâm linh: Đánh thức & nuôi dưỡng tâm hồn

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status