Đã từng bao giờ bạn cảm thấy “choáng ngợp” trước những khúc mắc và biến động của cuộc sống? “Shikata ga nai” là triết lý sẽ giúp bạn tìm thấy sự thanh thản và học cách buông bỏ trong những tình huống đó.
Nhiều năm về trước, tôi bắt đầu hình thành niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa Nhật Bản. Xu hướng đề cao lối sống tối giản và chánh niệm, năng lực bền bỉ và vượt lên chính mình (resilience) thấm dẫm trong tinh thần Nhật Bản, cùng những triết lý sống như Ikigai (生き甲斐), wabi-sabi, v.v…, tất cả đều gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Trong quá trình tìm hiểu và học ngôn ngữ, tình cờ tôi được biết đến ‘Shikata ga nai’ – một cụm từ “cửa miệng” của người Nhật, tuy đơn giản song ẩn chứa trong đó nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.
Tóm tắt nội dung chính:
- Shikata ga nai là một cụm từ tiếng Nhật, nói về việc chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân để luôn hướng về phía trước với sự tập trung và kiên cường. Nó có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa khắc kỷ (tập trung vào những điều có thể kiểm soát được và chấp nhận những điều còn lại) và Phật giáo (học cách chấp nhận trên cơ sở triết lý vô thường).
- Sự phát triển của thuật ngữ nàn phản ánh thái độ chấp nhận của người Nhật trước sức mạnh thiên nhiên và thứ bậc xã hội, cũng như xu hướng ưu tiên hòa hợp đội nhóm và sẵn sàng hy sinh tiện ích cá nhân vì lợi ích chung lớn hơn.
- Thực hành triết lý Shikata ga nai là cơ hội để ta nuôi dưỡng năng lực phục hồi (resilience), bình an nội tâm và tư duy tích cực. Ngoài ra, nó đồng thời cũng góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội bền chặt, hỗ trợ vượt qua thử thách cuộc sống cách dễ dàng hơn.
- Thái độ chấp nhận và buông bỏ tiềm ẩn trong Shikata ga nai có thể khó tiếp thu đối với những người coi trọng quyền kiểm soát, thích phàn nàn, muốn mọi thứ nhanh chóng, hoặc quá chú trọng đến nhu cầu cá nhân. Để thực hành các nguyên tắc của nó, chúng ta sẽ cần thực hành các hoạt động như chánh niệm, viết nhật ký, sống theo phong cách tối giản, luyện tập khắc kỷ, học cách chấp nhận những điều bất tiện và chỉ tập trung vào những gì bản thân có thể kiểm soát.
- Áp dụng Shikata ga nai quá “triệt để” có thể dẫn tới thái độ nhu nhược, không chịu hành động hoặc phớt lờ sự bất công; tuy nhiên, những vấn đề này có thể được khắc phục thông qua thực hành tự nhận thức, biểu hiện cảm xúc lành mạnh, cũng như xác định điều gì thực sự quan trọng, đáng để nỗ lực trong cuộc sống này.
Shikata ga nai là gì?
Shikata ga nai (Kanji: 仕方がない, Hiragana: しかたがない) hay Shouganai (しょうがない) là một cụm từ tiếng Nhật, nghĩa đen là “không thể làm gì được hoặc “không có cách nào cả“. Tuy thoạt nghe có vẻ mang đậm sắc thái bi quan – giống như cái nhún vai cam chịu của ai đó, thuật ngữ này ẩn chứa trong đó một triết lý sống sâu xa, hướng con người đến thái độ chấp nhận và tiến về phía trước.
- Chấp nhận: Chúng ta đều biết rằng dù cố gắng thế nào, vẫn luôn có những điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình (ví dụ: thiên tai, giao thông, đồng nghiệp khó chịu, v.v…). Chúng ta không thể thay đổi quá khứ hay buộc mọi thứ/ mọi người phải tuân theo ý muốn của mình. Thay vì “càm ràm”, sống trong quá khứ hay tìm cách né tránh, Shikata ga nai khuyến khích ta nhận thức những hạn chế của mình cũng như tính ngẫu nhiên vốn có của cuộc sống.
- Buông bỏ: Quá chú tầm vào những gì bản thân không thể thay đổi là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất hạnh. Nói cách khác, ta cần tự giải phóng khỏi sự kìm kẹp đó, buông bỏ cảm xúc tiêu cực và tập trung năng lượng vào những việc sẽ mang lại tác động thực sự.
- Tiến tới: Bằng cách chấp nhận thực tại, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh nội tại để tiếp tục tiến về phía trước. Qua việc giữ tâm trí tránh xa khỏi những gì nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng ta giải phóng bản thân khỏi những rối loạn cảm xúc và bắt đầu bước đi trên con đường hướng tới bình an nội tâm thực sự.
Một quan niệm sai lầm phổ biến về triết lý này là nó khuyến khích thái độ bị động, giả bộ như mọi thứ đều ổn – trong khi thực tế không phải như vậy. Đúng hơn, thông điệp cốt lõi của nó là duy trì quan điểm và khả năng kiểm soát cảm xúc trong mọi hoàn cảnh.
Shikata ga nai không có nghĩa là thờ ơ hay phớt lờ hiện thực. Nó khuyến khích ta một mặt thừa nhận thực tại; mặt khác tập trung nỗ lực vào những gì ta THỰC SỰ CÓ THỂ tác động (ví dụ: hành động, phản ứng và quan điểm cá nhân) – tránh để mình ở trong tình trạng “choáng ngợp” và bất lực. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi quan sát vấn đề cách tổng quát hơn – mà không bị “sa lầy” vào những cảm xúc nhất thời. Thách thức là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng không nhất thiết phải định nghĩa bạn là ai/ điều khiển hành động của bạn.
Mặc dù cảm xúc là một phần tự nhiên của con người, Shikata ga nai không khuyến khích ta quá xúc động về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Việc lựa chọn phản ứng cách bình tĩnh và ung dung sẽ cho phép bạn suy nghĩ minh mẫn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Về bản chất, Shikata ga nai là triết lý hướng tới việc vượt qua những thăng trầm tất yếu của cuộc sống bằng sự duyên dáng, kiên cường và hướng tâm vào những gì thực sự quan trọng.
Biểu tượng Shikata ga nai – Hạc giấy
So sánh Shikata ga nai với các triết lý sống khác
Khái niệm Shikata ga nai có những điểm tương đồng thú vị với các triết lý khác trên thế giới – cụ thể là Chủ nghĩa khắc kỷ và Phật giáo.
- Khắc kỷ
Giống như Shikata ga nai, chủ nghĩa Khắc kỷ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát (suy nghĩ và hành động) và chấp nhận những thứ còn lại (số phận, các sự kiện bên ngoài). Cả hai đều khuyến khích người thực hành tách mình khỏi những cảm xúc tiêu cực gây ra bởi những yếu tố nằm ngoài kiểm soát – và học cách sống trong thực tại (thay vì quá lo lắng về quá khứ hay tương lai).
Tuy nhiên, lối sống Khắc kỷ chú trọng nhiều hơn đến việc thực hành tính logic và lý trí khi đối mặt với nghịch cảnh. Trong khi đó, Shikata ga nai khuyến khích thái độ chấp nhận – và do đó mang nhiều sắc thái cảm xúc hơn. Cụ thể, chúng ta cần thừa nhận tác động về mặt cảm xúc của khó khăn thử thách – đồng thời buông bỏ những cảm xúc đó thay vì kìm nén chúng.
- Phật giáo/ Thiền tông
Phật giáo, bao gồm Thiền tông, cùng chia sẻ quan điểm về thái độ chấp nhận mọi sự với Shikata ga nai. Cả hai đều nhằm mục đích đạt tới bình an nội tâm thông qua việc nhận thức bản chất vô thường của cuộc sống – và buông bỏ nỗi ám ảnh với những ham muốn và kỳ vọng, nguồn gốc chính dẫn tới đau khổ.
Khác biệt chính yếu nằm ở việc Shikata ga nai đề cập đến các sự kiện bên ngoài không thể kiểm soát được, trong khi Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc từ bỏ những ràng buộc bên trong – và do đó mang đậm tính tâm linh hơn.
Đặc điểm | Shikata ga nai | Khắc kỷ | Phật giáo/ Thiền tông |
Trọng tâm | Chấp nhận các sự kiện bên ngoài tầm kiểm soát | Chấp nhận những gì bạn không thể kiểm soát (số phận, sự kiện bên ngoài) và tập trung vào những gì bạn có thể (suy nghĩ, hành động) | Nhận thức về sự vô thường của cuộc sống và buông bỏ mọi ràng buộc (ham muốn, kỳ vọng) |
Mục tiêu | Bình an nội tâm thông qua sự chấp nhận | Bình an nội tâm thông qua lý trí và logic | Bình an nội tâm thông qua việc thoát khỏi đau khổ |
Phản ứng cảm xúc | Thừa nhận tác động của cảm xúc và học cách buông bỏ | Kìm nén những cảm xúc tiêu cực | Từ bỏ vướng mắc vào những ham muốn gây ra đau khổ |
Nhấn mạnh | Sự chấp nhận và sắc thái cảm xúc | Suy luận & logic | Buông bỏ những ràng buộc bên trong và bên ngoài |
Bản chất | Thế tục và thực tế | Thực tế, dựa trên nền tảng triết học | Đậm tính tâm linh |
Người Nhật thực hành Shikata ga nai như thế nào?
Văn hóa Nhật Bản luôn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa hợp xã hội (wa hay Hòa – 和) cùng tinh thần tập thể. Mọi cá nhân được kỳ vọng luôn ưu tiên lợi ích nhóm hơn cá nhân. Theo cách này, Shikata ga nai trở thành phương thức để người ta chấp nhận những tình huống có thể gây ra sự bất tiện cho cá nhân – vì lợi ích lớn lao hơn. Bạn bị trễ chuyến tàu? Shikata ga nai. Bạn phải ở bên một người hàng xóm ồn ào và phiền phức? Shikata ga nai. Đó là cách để mỗi người thừa nhận thực tế và tiếp tục mà không để những bất tiện nêu trên ảnh hưởng đến ngày sống của mình – cũng như tránh tổn hại đến gắn kết đội nhóm.
Triết lý này được bổ sung mạnh mẽ bởi khái niệm Gaman (我慢 – “Ngã Mạn”), vốn khuyến khích con người phải kiên trì và chịu đựng khó khăn mà không mở miệng phàn nàn. Ngoài ra, nó còn có mối tương quan với khái niệm Wabi-sabi (わび・さび – 侘寂 – Sá Tịch), hướng ta đến việc tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo và vô thường, và Oubaitori (桜梅桃李 – Anh Mai Đào Lý), nhấn mạnh việc cần phải nhận ra sự độc đáo của mỗi cá nhân và ngừng so sánh với người khác. Kết hợp lại, các triết lý này tạo ra một khuôn khổ văn hóa giúp người Nhật đối mặt với thách thức cuộc sống mà không phá vỡ sự hòa hợp xã hội.
Bên cạnh cuộc sống hàng ngày, tư duy Shikata ga nai đặc biệt phù hợp khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên như động đất – vốn là mối đe dọa thường trực ở Nhật Bản. Thảm họa động đất và sóng thần Tohoku (2011) là một ví dụ điển hình. Bất chấp việc luôn chuẩn bị sẵn sàng, sức tàn phá quá “khủng khiếp” của thảm họa vượt xa hoàn toàn khả năng phòng bị và phản ứng của con người. Tinh thần Shikata ga nai sau đó đã đóng một vai trò quan trọng, giúp người dân Nhật thừa nhận sự bất lực của mình trước thiên nhiên – để chỉ tập trung vào việc giúp đỡ nhau tái kiến thiết quốc gia.
Chúng ta cần một lần nữa nhắc lại là Shikata ga nai không có nghĩa là cam chịu thụ động. Đó là việc ta thừa nhận những hạn chế của bản thân – đồng thời chủ động tìm ra phương hướng hiệu quả nhất trong những giới hạn hiện có.
Nguồn gốc triết lý Shikata ga nai
Tuy thật khó để xác định chính xác nguồn gốc của cụm từ Shikata ga nai (仕方がない), khái niệm này qua thời gian đã “ăn sâu” vào bề dày lịch sử và văn hóa Nhật Bản:
- Thiên tai: Nhật Bản là vùng đất thường xuyên xảy ra động đất, sóng thần và bão. Những sự kiện khó lường này đã đóng vai trò quan trọng định hình thế giới quan của người Nhật – chấp nhận sức mạnh không thể kiểm soát của tự nhiên và tập trung vào việc tái xây dựng/ tiến về phía trước.
- Biến động lịch sử: Trong nhiều thế kỷ, Nhật Bản là một xã hội phong kiến với hệ thống phân cấp xã hội cứng nhắc – trong đó, mỗi cá nhân phải học cách chấp nhận vị trí của mình trong xã hội. Ngoài ra, quốc gia này còn liên tục phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn và biến động xã hội. Từ nội chiến liên miên thời phong kiến – cho đến sự tàn phá của Thế chiến thứ hai, tinh thần chấp nhận tiềm ẩn trong triết lý Shikata ga nai mang lại cho người Nhật một phương thức đối phó với những khó khăn chung.
- Hòa hợp xã hội: Như đã đề cập, văn hóa Nhật Bản luôn coi trọng chủ nghĩa tập thể và trật tự xã hội, đòi hỏi mỗi cá nhân phải chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc tập thể. Shikata ga nai là cơ chế để người ta học cách chấp nhận – khi mong muốn cá nhân xung đột với nhu cầu chung.
Tầm quan trọng của Shikata ga nai
- Khả năng phục hồi: Chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân là tiền lệ để phục hồi và đứng lên sau thất bại. Làm như vậy, chúng ta cho mình cơ hội tránh mắc kẹt trong sự tiêu cực và điều hướng năng lượng để tìm kiếm giải pháp – hoặc đơn giản là buông bỏ và tiếp bước.
- Bình an nội tâm: Liên tục đấu tranh chống lại những điều không thể tránh khỏi sẽ chỉ dẫn đến căng thẳng và lo lắng. Tư duy Shikata ga nai khuyến khích ta chấp nhận, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng rối loạn cảm xúc, cũng như nuôi dưỡng cảm giác bình yên và hạnh phúc.
- Lòng biết ơn và sự tích cực: Chuyển hướng trọng tâm từ những gì bản thân không có sang những gì ta có thể kiểm soát là cơ sở để mỗi cá nhân nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tư duy tích cực đã được chứng minh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn diện.
- Mối quan hệ xã hội bền chặt hơn: Trong một xã hội tập thể như Nhật Bản, việc ưu tiên tập thể là điều rất quan trọng. Shikata ga nai thúc đẩy ta chấp nhận những bất tiện vì lợi ích lớn hơn, qua đó góp phần nuôi dưỡng các mối liên kết xã hội bền chặt hơn.
- Quản lý căng thẳng: Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng mãn tính và nhiều vấn đề sức khỏe. Thừa nhận những gì không thể thay đổi cho phép chúng ta bớt lo lắng hơn, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe thể chất/tinh thần. Trên thực tế, theo một bài báo đăng trên tờ The Japan Times, tư duy Shikata ga nai được cho là có thể giúp giảm huyết áp – nhờ đó phần nào kéo dài tuổi thọ của người thực hành.
Shikata ga nai dạy chúng ta điều hướng những biến động của thế giới bằng một cái nhìn thực tế. Nó không có nghĩa là từ bỏ hay né tránh vấn đề; đúng hơn, bằng cách chấp nhận những gì hiện có và tập trung năng lượng vào những gì bản thân có thể kiểm soát, chúng ta sẽ được ban thêm sức mạnh để tìm ra giải pháp, duy trì thái độ tích cực và sống một cuộc sống trọn vẹn, mãn nguyện hơn.
Nói “Shikata ga nai” không giống như hành động nhún vai cam chịu. Đó là một triết lý kết hợp chủ nghĩa hiện thực với niềm hy vọng và sự chấp nhận. Nó nhắc nhở rằng dù cuộc sống có nhiều khúc mắc, chúng ta vẫn luôn có quyền lựa chọn cách phản ứng của mình.
Hãy thử suy nghĩ về những cuộc khủng hoảng gần đây như đại dịch Covid-19. Chẳng phải đó là minh chứng sống động về một thời điểm khi triết lý Shikata ga nai trở nên rất ý nghĩa sao? Con virus corona và sự lây lan của nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Hệ quả là cuộc sống của toàn thế giới bị gián đoạn, khi người ta bắt buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa doanh nghiệp, v.v… Đó là chưa kể đến nguy cơ mắc bệnh – thậm chí đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào.
Mặc dù tình hình chung không thể kiểm soát được, song mỗi cá nhân vẫn có thể quyết định điều mình có thể làm – thực hành vệ sinh, giãn cách xã hội và tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng.
Vẻ đẹp của triết lý Shikata ga nai
Triết lý Shikata ga nai mang lại một công cụ mạnh mẽ để vượt qua những căng thẳng và biến động liên tục của thế giới hiện đại. Bằng cách thừa nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, chúng ta có thể tập trung năng lượng vào những gì mình có thể tác động – qua đó quản lý áp lực và cuộc sống cân bằng hơn. Thái độ chấp nhận này cũng đồng thời nuôi dưỡng năng lực bền bỉ khi đối mặt với những thách thức bất ngờ, giúp ta luôn sẵn sàng thích nghi mà không nản lòng.
Ngoài ra, nhận thức về hạn chế cá nhân cũng thúc đẩy ta biết ưu tiên những điều quan trọng, tránh lãng phí nỗ lực để chuyển qua tập trung vào những lĩnh vực mà ta có thể tạo ra tác động thực sự. Cùng với quá trình vượt qua những thử thách tất yếu trong cuộc sống, chúng ta cũng đồng thời học được tầm quan trọng của lòng trắc ẩn và sự đồng cảm – đối với cả bản thân và người khác.
Tuy mang lại nhiều lợi ích, triết lý này thường bị đánh giá thấp trong bối cảnh văn hóa Tây phương, vốn có xu hướng coi trọng thành tích cá nhân và khả năng kiểm soát vận mệnh của mình. Hệ quả là Shikata ga nai thường bị đánh đồng với sự thụ động và cam chịu. Ngoài ra, đặc tính duy ý chí phổ quát trong xã hội phương Tây khiến Shikata ga nai giống như một cái cớ để không hành động – trong khi trên thực tế, nó khuyến khích ta lựa chọn trận chiến và tập trung nỗ lực vào những gì ta có thể mang lại tác động cao nhất. Làm như vậy, chúng ta không chỉ đạt được cảm giác thanh thản – mà còn giải phóng bản thân khỏi nguy cơ kiệt sức và thất vọng do không ngừng theo đuổi những mục tiêu phù phiếm.
Chấp nhận những gì đang có, không phải những gì nên có.
Đọc thêm: Mục đích sống – 7 câu hỏi giúp bạn tìm kiếm mục tiêu cuộc đời
Thách thức của việc áp dụng tư duy Shikata ga nai
- Tự mãn và mong muốn kiểm soát: Triết lý Shikata ga nai đi ngược lại quan điểm cho rằng chúng ta có thể kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của mình. Do đó, những ai có niềm tin mãnh liệt vào khả năng kiểm soát của bản thân hoặc tư mãn về năng lực của mình thường khó có thể chấp nhận thực tế về những điều nằm ngoài tầm ảnh hưởng của họ.
- Văn hóa phàn nàn: Ở một số nền văn hóa, phàn nàn là cách để trút bỏ nỗi thất vọng hoặc tìm kiếm giải pháp. Việc Shikata ga nai khuyến khích thái độ chấp nhận và tiến về phía trước thường bị nhiều người đánh đồng với thái độ thờ ơ, không bận tâm đến những mối quan tâm chính đáng.
- Thiếu kiên nhẫn: Cuộc sống hiện đại có xu hướng khuyến khích ta phải làm sao để mọi việc luôn nhanh chóng và hiệu quả. Hệ quả là nhiều người cảm thấy khó chấp nhận việc phải học cách buông bỏ và sống theo dòng chảy – vốn tiềm ẩn trong triết lý Shikata ga nai.
- Ít quan tâm đến sự hòa hợp: Những ai theo chủ nghĩa cá nhân nhìn chung thường sẽ khó tiếp thu ý tưởng về sự hòa hợp xã hội. Xu hướng ưu tiên nhu cầu cá nhân hơn là đội nhóm (đồng nghĩa với năng lực thấu cảm thấp) là nguyên nhân khiến ta từ chối chấp nhận những bất tiện vì lợi ích của người khác.
Lưu ý khi thực hành Shikata ga nai
Shikata ga nai, tuy là một triết lý sống thiết thực, song không phải là không có những nhược điểm nhất định:
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Một số người có thể sử dụng nó như một cái cớ để không hành động – đặc biệt là đối với những vấn đề có thể thay đổi được. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa các sự kiện thực sự không thể kiểm soát được với các tình huống mà nỗ lực của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt. Việc đơn thuần nói “Shikata ga nai” trong mọi hoàn cảnh sẽ chỉ khiến ta bỏ lỡ cơ hội và ngăn chặn nỗ lực phát triển cá nhân.
- Im lặng trước sự bất công: Triết lý này không nên được sử dụng để biện minh cho việc phớt lờ bất công hoặc hành vi sai trái. Có những lúc ta cần thiết phải lên tiếng hoặc hành động. Tuy vẫn cần phải kiểm soát phản ứng cảm xúc trước sự bất công, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta không nên tích cực nỗ lực hướng tới sự thay đổi tích cực.
Bí quyết để khắc phục các vấn đề nêu trên:
- Sáng suốt là chìa khóa: Nguyên tắc cốt lõi là phải phân biệt giữa những gì có thể và không thể kiểm soát được – sau đó tập trung năng lượng vào những lĩnh vực mà hành động của bạn sẽ mang lại sự khác biệt. Hãy tự vấn bản thân “Tôi có thể thay đổi điều này không?” Nếu câu trả lời là có, thì tư duy Shikata ga nai không nên được áp dụng với tình huống này.
- Biểu hiện cảm xúc cách lành mạnh: Đừng ngại thừa nhận cảm giác thất vọng hoặc tức giận trước khi chấp nhận hoàn cảnh. Hãy tìm những phương thức lành mạnh để giải tỏa những cảm xúc này, chẳng hạn như viết nhật ký hoặc nói chuyện với một người bạn/coach/ mentor thân thiết mà bạn tin cậy.
- Lựa chọn trận chiến: Không phải điều gì trong cuộc sống này cũng đáng để ta can thiệp vào. Cần phân biệt khi nào chấp nhận là phản ứng phù hợp nhất – và khi nào hành động quyết đoán là điều cần thiết. Lấy ví dụ, giả sử một hôm bạn vô tình thức dậy muộn. Do mưa bất ngờ làm ngập đường, giao thông công cộng bị tắc nghẽn hoàn toàn. Bạn căng thẳng vì biết sếp không thích thú việc nhân viên đi trễ. Trong trường hợp này, lo lắng về cơn mưa hoặc tức giận trước thực tế sẽ không giúp ích được gì. Shikata ga nai cho phép bạn chấp nhận yếu tố không thể kiểm soát được (mưa) và tập trung năng lượng vào những gì bạn có thể tác động (giao tiếp với sếp và tìm cách để bù lại khoảng thời gian bị mất).
- Tìm kiếm cơ hội cải thiện khi có thể: Đừng nhầm lẫn sự chấp nhận với thái độ cam chịu. Nếu có thể cải thiện tình hình, hãy khám phá những gì bạn có thể làm – trong khi vẫn duy trì sự ung dung tự tại, sẵn sàng đón nhận mọi kết quả tiềm có thể xảy ra. Dù làm gì, hãy luôn chịu trách nhiệm về mọi lựa chọn và hành động của chính mình.
- Kết nối với tiếng nói của bản thân: Shikata ga nai không có nghĩa là im lặng trong mọi hoàn cảnh. Khi bạn thấy điều gì đó không ổn, hãy tìm cách lên tiếng làm sao để vẫn thống nhất với hệ giá trị và tính cách của bạn – dù là thông qua giao tiếp trực tiếp, đóng góp vào một mục đích mình quan tâm, hoặc đơn giản là thể hiện thông điệp bạn muốn truyền tải qua các hoạt động sáng tạo (ví dụ: viết lách).
Hãy thử hình dung cuộc sống như một dòng sông đang chảy. Đôi khi, bạn có thể chèo ngược dòng và tiến lên. Những lúc khác, dòng chảy quá mạnh khiến bạn phải tuân theo nó – để rồi sau đó tái định vị hướng đi ngay khi dòng nước suy yếu trở lại. Shikata ga nai dạy chúng ta nhận biết những tình huống này và luôn tìm cách ứng phó cho phù hợp.
Đọc thêm: Nhờ giúp đỡ – Sức mạnh đến từ sự yếu đuối
Cách thực hành triết lý Shikata ga nai trong cuộc sống
Trau dồi tư duy
- Thiền chánh niệm: Thường xuyên thực hành chánh niệm giúp bạn ý thức sâu sắc hơn về suy nghĩ và cảm xúc của mình – một cách khách quan và không phán xét. Nhờ đó, khi một tình huống không mong muốn xảy ra (ví dụ: xe bị xẹp lốp), bạn sẽ có thể quan sát vấn đề cách bình thản mà không để sự tiêu cực cuốn bạn đi.
- Viết nhật ký: Ghi chép lại những gì bạn biết ơn sẽ nuôi dưỡng cái nhìn tích cực, trân quý những điều tốt đẹp trong cuộc sống, ngay cả khi đối mặt với vô vàn thử thách. Mặt khác, viết về những tình huống khó khăn trong ngày cũng một cách để xử lý cảm xúc, cũng như xác định những lĩnh vực mà bạn có khả năng tác động đến.
- Sống đơn giản hơn: Một lối sống tối giản – đặc trưng bởi việc thường xuyên sắp xếp gọn gàng và giảm bớt những cam kết/ mối dây ràng buộc – giúp giảm bớt những gánh nặng không cần thiết, từ đó giúp bạn dễ dàng buông bỏ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình hơn.
- Thực hành các bài tập Khắc kỷ: Tuy Shikata ga nai không giống với chủ nghĩa Khắc kỷ, các thực hành như hình dung tình huống xấu nhất (negative visualization) có thể phần nào giúp bạn chuẩn bị tinh thần cho những điều bất ngờ và phát triển khả năng bền bỉ về mặt cảm xúc.
Áp dụng trong đời sống thường nhật
- Xe xẹp lốp: Giả sử bạn bị xẹp lốp trên đường đi làm. Khi đó, hãy thừa nhận sự bất tiện và bình tĩnh đánh giá tình hình. Bạn có thể tự sửa xe được không? Bạn có cần gọi điện giúp đỡ không? Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát (gọi hỗ trợ từ người qua đường, giữ bình tĩnh) và chấp nhận điều tất yếu (bạn có thể sẽ đi làm muộn).
- Lỡ tàu: Bạn chạy vội đến ga chỉ để thấy tàu đã khởi hành trước khi bạn tới. Trong trường hợp này, hãy chấp nhận sự thất vọng, hít một hơi thật sâu và kiểm tra lịch trình của chuyến tàu tiếp theo. Sử dụng thời gian chờ đợi một cách hiệu quả (ví dụ: đọc sách, gọi điện).
- Thời tiết xấu: Bạn dự định đi dã ngoại, song oái ăm thay, trời lại đổ mưa cả ngày. Thay vì cằn nhằn hay tự dằn vặt bản thân, hãy chấp nhận thay đổi kế hoạch và xem xét các hoạt động thay thế (ví dụ: đọc sách, xem phim) và lên lịch dã ngoại vào một ngày sau đó.
- Sự chậm trễ không mong muốn: Giả sử một cuộc họp kéo dài khiến bạn lỡ hẹn. Khi đó, bạn chỉ cần xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra và lên lịch lại nếu có thể. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát – trong khi vẫn ưu tiên công việc và giữ bình tĩnh trước mọi áp lực.
Lời khuyên bổ sung
- Chấp nhận không có nghĩa là hạnh phúc: Bạn có thể cảm thấy nản lòng hoặc thất vọng trước những tình huống thử thách. Hãy chấp nhận cảm xúc là một phần tất yếu của quá trình – và để nó qua đi.
- Hướng đến giải pháp: Sau khi chấp nhận thực tại, hãy tìm cách xử lý sao cho hiệu quả nhất. Đồng thời, đừng quên thể hiện tình yêu với bản thân – tránh đừng tự “dằn vặt” khi mọi việc không diễn ra theo đúng kế hoạch.
- Sử dụng nó như một “câu thần chú”: Mỗi khi đối mặt với thử thách, hãy âm thầm lặp đi lặp lại “Shikata ga nai” với chính mình – như một lời nhắc nhở về việc phải chấp nhận hoàn cảnh và tập trung vào những gì bạn có thể làm được.
- Thực hành sự hài hước: Đôi khi, một chút hài hước sẽ làm cho tâm trạng trở nên hưng phấn hơn; nhờ đó, bạn sẽ có thể tiếp cận tình huống với thái độ dễ chấp nhận hơn.
- Tập trung vào bức tranh tổng thể: Hãy tự hỏi bản thân, “Điều này có còn quan trọng trong một tuần nữa không?” Ví dụ, một chiếc lốp xe bị xẹp chỉ là một vết va chạm trên đường – chứ không phải là kết thúc một ngày của bạn. Việc thay đổi quan điểm sẽ cho phép bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên và tránh bị phân tâm bởi những bất tiện không đáng.
Nói chung, không ai trong chúng ta có thể thực hành trọn vẹn triết lý Shikata ga nai chỉ trong vài ba ngày. Quá trình này đòi hỏi thời gian và thực hành nhất quán để biến nó thành một phần của cuộc sống. Hãy kiên nhẫn với bản thân và kỷ niệm mọi cột mốc trên hành trình của mình bạn nhé!
Lời kết
Kể từ lần đầu tiên biết đến thuật ngữ “Shikata ga nai”, châm ngôn này đã trở thành người bạn đồng hành thường trực trong tâm trí tôi. Rất nhiều lần, tôi nhận thấy bản thân tự lặp lại trong đầu cụm từ này – mỗi khi gặp phải một chuyện bực bội, tình huống bất ngờ hay thất bại trong công việc/ cuộc sống. Tuy việc áp dụng triết lý này phức tạp hơn so với tôi đã hình dung lúc ban đầu, song tôi tin tưởng chắc chắn rằng đó là một nỗ lực xứng đáng – sẽ góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của tôi trong tương lai!
Bạn có đồng ý như vậy giống tôi không?
Có thể bạn quan tâm:
- Tuyển tập câu nói hay về ý chí nghị lực
- 22 câu chuyện thành công: Bài học về sự nỗ lực
- Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể
- Review sách Bí mật của nước (Masaru Emoto): Thông điệp sự sống giữa thế giới hiện đại
- Memento Mori: Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!