Khám phá 5 thái cực tính cách định hình các loại hành vi của con người, cùng bí quyết vận dụng để đạt tới thành công trong cuộc sống.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mình lại tương tác với người khác theo một cách thức nhất định nào đó chưa? Hay tại sao bạn lại bị thu hút bởi các công việc hay môi trường cụ thể nào đó? Một trong những nguyên nhân sâu xa nằm ở khuynh hướng hành vi của bạn. Tính cách con người nhìn chung khá phức tạp và đa diện; tuy nhiên, về cơ bản chúng có thể được chia thành 5 thái cực cốt lõi, định hình nên các loại hành vi của con người mà chúng ta sẽ khám phá trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung chính
- Khái niệm khuynh hướng hay phong cách hành vi (behavioral styles) đề cập đến những quy luật nhất quán trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động cá nhân – ảnh hưởng đến quá trình tương tác, ra quyết định và giải quyết vấn đề. Thấu hiểu các loại hành vi của con người là rất cần thiết cho mục tiêu cải thiện giao tiếp, củng cố các mối quan hệ, nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân, ra quyết định sáng suốt và tối ưu kết quả kinh doanh.
- Mô hình DISC và các khuôn khổ tính cách khác như MBTI và Big Five phân loại hành vi con người thành nhiều phong cách khác nhau như: Thống trị (Dominance), Ảnh hưởng (Influence), Kiên định (Steadiness), Tận tâm (Conscientiousness), Cởi mở (Openness), Hướng ngoại (Extraversion), Dễ chịu (Agreeableness), Nhạy cảm (Neuroticism).
- Thang đánh giá tính cách Leonard (LPI), do Tiến sĩ Leonard Yong đề xuất, đề xuất sự tồn tại của 5 thái cực tính cách (Cởi mở, Trung lập, Phân tích, Quan hệ xã hội và Quyết đoán) ảnh hưởng đến khuynh hướng hành vi và sở thích cá nhân.
- Các phong cách lãnh đạo khác nhau (chỉ đạo, hỗ trợ, tham gia, hướng thành tích và coaching) tác động sâu sắc đến cách nhà lãnh đạo tương tác với đội nhóm; mỗi triết lý đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng.
- Việc xác định khuynh hướng hành vi đòi hỏi ta phải thực hành tự vấn, tự đánh giá, quan sát các tín hiệu ngôn ngữ cũng như phi ngôn ngữ, phân tích hành vi trong các tình huống khác nhau, đặt các câu hỏi mở và sử dụng đến phản hồi 360 độ.
- Để thích nghi và truyền cảm hứng cho những cá nhân thuộc các khuynh hướng hành vi khác nhau, chúng ta cần phải thấu hiểu động cơ hành động của họ, giao việc dựa trên thế mạnh, đưa ra nhiều hình thức khen thưởng đa dạng, đồng thời cố gắng tạo cơ hội cho họ phát triển.
- Khuynh hướng hành vi có thể thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố bên trong (vd: nhận thức về bản thân) cùng các yếu tố bên ngoài (vd: trải nghiệm sống). Quá trình chuyển đổi diễn ra theo trình tự các bước từ nhận thức, khám phá, thử nghiệm, hình thành thói quen cho đến thành thục.
Khuynh hướng hành vi của con người là gì?
Khuynh hướng hành vi (behavioral styles) là tổng hòa của những quy luật nhất quán phản ánh cách ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Nó có thể ví như một “tấm gương” tính cách, cho thấy chúng ta có xu hướng tương tác với người khác, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề ra sao.
Từ táo bạo và hướng ngoại cho đến điềm tĩnh, các khuynh hướng hành vi nhìn chung rất đa dạng. Chính chúng đóng vai trò là những “viên gạch” hình thành nên các mối quan hệ và sự nghiệp. Phân tích những quy luật này sẽ mang đến nền tảng để diễn giải và dự đoán hành xử của mỗi người trong các tình huống khác nhau.
Ví dụ về hành vi
Vì sao cần hiểu biết về các loại hành vi của con người?
Thành tố quan trọng nhất dẫn đến thành công chính là biết cách hòa hợp với mọi người.
Theodore Roosevelt
- Cải thiện giao tiếp
Dù bạn thuộc tuýp người thẳng tính và ngắn gọn hay đồng cảm và thuyết phục, nhận thức về bản thân là chìa khóa để thấu hiểu người khác. Nó cho phép bạn điều chỉnh phong thái giao tiếp phù hợp với các loại tính cách khác nhau (ví dụ: giải thích chi tiết với những người Kiên định, hoặc cung cấp dữ kiện súc tích cho những người Tận tâm), nhờ đó cải thiện hiệu quả hợp tác và giảm bớt nguy cơ hiểu lầm.
- Củng cố các mối quan hệ
Nhận thức về khuynh hướng hành vi của một người là cơ sở để ta thấu hiểu hành vi cũng như động cơ của họ. Ví dụ, nếu một đồng nghiệp có xu hướng kín đáo và thích làm việc độc lập, việc biết họ thuộc tuýp hướng nội sẽ giúp ta tránh “ngộ nhận” rằng việc họ im lặng là biểu hiện của thái độ thờ ơ hay xa cách. Mặt khác, nếu một thành viên khác trong nhóm nổi tiếng về sự thẳng tính và quyết đoán, sẽ chẳng có gì khó hiểu nếu họ thích thể hiện quan điểm cá nhân cách “bộc trực”; thế nên, sẽ tốt hơn nếu ta giữ bình tĩnh và không cảm thấy khó chịu khi nghe ý kiến của họ.
Ngoài việc nuôi dưỡng năng lực đồng cảm, hiểu biết về các loại hành vi của con người cũng góp phần giải quyết xung đột và tìm ra giải pháp “vừa lòng” mọi bên. Ví dụ, khi biết rằng người A thuộc tuýp “Phân tích”, thích dữ liệu và logic – trong khi người B thuộc tuýp “Kể chuyện”, coi trọng các kết nối cảm xúc, ta có thể điều chỉnh phương pháp giao tiếp cho phù hợp với sở thích của từng người. Hoặc, nếu một đồng nghiệp có tính cách “Thống trị”, ta có thể chọn tập trung bàn luận về mục tiêu và kết quả chung – thay vì hiếu thắng và cố gắng lấn át họ.
Nhận thức điểm mạnh-yếu, các yếu tố kích hoạt và điểm mù cá nhân sẽ đặt nền tảng cho việc đưa ra các chiến lược phát triển bản thân và quản lý thay đổi hiệu quả. Ví dụ, giả sử bạn thấy được một trong những thiếu sót của mình là thiếu chú ý đến chi tiết. Trên cơ sở đó, bạn có thể thực hiện các bước chủ động để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như tập thói quen ghi chép, sử dụng checklist, lên lịch họp thường xuyên, cũng như thực hành các bài tập chánh niệm.
- Nâng cao khả năng ra quyết định
Cách suy nghĩ truyền thống thường dựa trên giả định rằng tất cả mọi người đều ra quyết định một cách lý trí, dựa trên sự thật và logic. Tuy nhiên, lối tư duy này lại bỏ qua tác động của cảm xúc, thành kiến và hạn chế nhận thức đối với hành vi con người. Ví dụ, sự tự tin thái quá có thể khiến người ta xem nhẹ rủi ro và ngược lại đánh giá quá cao năng lực cá nhân. Trong khi đó, thiên kiến xác nhận (confirmation bias) có thể khiến ta chủ động tìm kiếm thông tin xác nhận niềm tin hiện tại của mình và bỏ qua các bằng chứng mâu thuẫn với chúng.
Nghiên cứu về khoa học hành vi mang đến những hiểu biết giá trị về cách con người thực sự đưa ra quyết định. Khi hiểu rõ các yếu tố tâm lý này, chúng ta có thể phát triển các chiến lược giúp tối ưu cơ hội đạt được kết quả mong muốn.
Ví dụ, giả sử công ty nọ muốn khuyến khích nhân viên thực hành lối sống lành mạnh hơn. Nếu áp dụng phương pháp tiếp cận truyền thống, họ có thể quyết định triển khai một chương trình chăm sóc sức khỏe bắt buộc – với các quy định và hình phạt nghiêm ngặt dành cho hành vi không tuân thủ; điều này, vô hình chung, sẽ chỉ dẫn đến sự khó chịu và phản kháng từ các thành viên trong nhóm. Thay vào đó, nếu áp dụng cách tiếp cận dựa trên khoa học hành vi, họ sẽ chú trọng vào các yếu tố môi trường xung quanh. Ví dụ, công ty có thể đặt đồ ăn nhẹ lành mạnh ở vị trí nổi bật trong các máy bán hàng tự động và căn-tin, cung cấp các gói ưu đãi khi tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe (vd: tập gym miễn phí), cũng như nuôi dưỡng văn hóa chăm sóc sức khỏe bằng cách khuyến khích mọi người chia sẻ câu chuyện thành công của mình và hỗ trợ lẫn nhau.
- Hỗ trợ kết quả kinh doanh
Thấu hiểu các loại hành vi của con người là cơ sở để nhà lãnh đạo và tổ chức điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp với sở thích cá nhân (ví dụ: giao những công việc đòi hỏi chú ý đến tiểu tiết cho những người có tính Tận tâm, trong khi đưa ra mục tiêu rõ ràng cho những người có tính cách Thống trị), nhờ đó góp phần cải thiện năng suất và sự gắn kết. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể tối ưu trải nghiệm khách hàng dựa trên hiểu biết về hành vi (ví dụ: dành những lời chào nồng nhiệt dành cho khách hàng có tính Ảnh hưởng, hoặc đề ra các khuyến nghị dựa trên dữ liệu dành cho những người Tận tâm); kết quả là khách hàng sẽ trở nên hài lòng và trung thành hơn.
Tâm lý học hành vi con người: Mô hình & Lý thuyết
Theo thời gian, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều mô hình tâm lý khác nhau để diễn giải các khuynh hướng hành vi. Theo đó, hành vi con người có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau (vd: dễ chịu, phân tích, biểu cảm, thống trị, ra quyết định, v.v…).
Một trong những lý thuyết phổ biến nhất là mô hình DISC. Được phát triển bởi nhà tâm lý học William Moulton Marston, mô hình này phân loại hành vi con người thành bốn tính cách như sau:
- Thống trị (Dominance – D): Đặc trưng bởi những đặc điểm như trực diện, quyết đoán và hướng kết quả, những người thuộc tuýp Thống trị thường hay giữ vai trò lãnh đạo trong các đội nhóm/ tổ chức.
- Ảnh hưởng (Influence – I): Sự nhiệt tình, lạc quan, chú tâm xây dựng quan hệ là những phẩm chất cốt lõi của những người Ảnh hưởng. Họ thường xuất sắc trong giao tiếp và nuôi dưỡng mối dây kết nối hòa hợp với người khác.
- Ổn định (Steadiness – S): Tinh thần hợp tác, kiên nhẫn, chú ý đến từng chi tiết, v.v… là nguyên nhân khiến người Ổn định thường nhận được sự tin cậy và tín nhiệm cao, cả trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc.
- Tận tâm (Conscientiousness – C): Thể hiện qua các đặc điểm như tư duy phân tích, chính xác và tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt, những người Tận tâm thường xử lý công việc một cách tỉ mỉ và có cấu trúc.
Mô hình DISC trong tâm lý học hành vi về nhân cách
Mặc dù phân loại thành các nhóm tính cách riêng biệt, DISC cũng thừa nhận rằng, con người thường thể hiện sự pha trộn của nhiều loại tính cách được đề cập ở trên. Về cơ bản, không có tính cách nào là vượt trội hơn cả; điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra khuynh hướng hành vi chủ đạo của mình và ảnh hưởng của nó đến mọi người xung quanh.
Bên cạnh DISC, còn có nhiều mô hình tính cách phổ biến khác như:
- Chỉ số phân loại tính cách Myers-Briggs (Myers-Briggs Type Indicator – MBTI): Dựa trên cơ sở lý thuyết của Carl Jung, MBTI phân loại con người thành 16 loại tính cách theo chức năng nhận thức và sở thích cá nhân.
- Năm đặc điểm tính cách lớn (The Big Five Personality Traits): Mô hình này xác định năm yếu tố tính cách chính là Cởi mở với trải nghiệm, Tận tâm, Hướng ngoại, Dễ chịu và Nhạy cảm (Openness to experience, Conscientiousness, Extraversion, Agreeableness, Neuroticism – OCEAN).
- Lưới quản lý Blake-Mouton (Blake-Mouton Managerial Grid): Lý thuyết này phân tích sự cân bằng giữa định hướng công việc và định hướng con người, từ đó vạch ra năm phong cách lãnh đạo dựa trên các chiều hướng này.
- Khác: Các mô hình như Belbin Team Roles và Thomas Kilmann Conflict Mode Instrument đưa ra những phân tích độc đáo về động lực nhóm và các chiến lược giải quyết xung đột.
5 thái cực tính cách: Phân tích các loại hành vi của con người theo mô hình LPI
Được phát minh bởi Tiến sĩ Leonard Yong, Leonard Personality Inventory (LPI) là một công cụ tự đánh giá đo lường năm chiều kích của tính cách, ảnh hưởng đến khuynh hướng hành vi và sở thích cá nhân.
Các loại hành vi của con người
(Nguồn: Leonard Personality Inventory Report)
Cởi mở (Openness)
Sự cởi mở thể hiện khuynh hướng thích khám phá trí tuệ và tìm tòi cái mới. Những người đạt điểm cao ở thái cực này thường thể hiện những phẩm chất như độc lập, tò mò và thiên hướng tư duy trừu tượng. Họ có xu hướng thể hiện tốt khi xử lý các bài tập trí tuệ, đón nhận cái mới, đồng thời liên tục tìm kiếm những trải nghiệm/ý tưởng mới để kích thích trí óc.
Khuynh hướng hành vi:
- Cởi mở với những trải nghiệm và ý tưởng mới.
- Thích thú khi được kích thích và thử thách về trí tuệ.
- Đón nhận sự đa dạng và thay đổi.
- Độc lập và không theo khuôn mẫu.
Trung lập (Neutral)
Sự trung lập bao gồm khả năng duy trì trạng thái cảm xúc và bình tĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh. Những người đạt điểm cao về Trung lập thường thể hiện tính khí điềm đạm, khả năng thích nghi và giữ vững quan điểm trong những tình huống căng thẳng. Thái độ điềm tĩnh và sự linh hoạt giúp họ có thể vượt qua khó khăn một cách duyên dáng và khách quan.
Khuynh hướng hành vi:
- Quản lý căng thẳng hiệu quả.
- Giữ bình tĩnh dưới áp lực.
- Có thể thích ứng với nhiều tình huống khác nhau.
- Dễ tính và dễ chịu.
Phân tích (Analytical)
Những người có tư duy Phân tích nhìn chung giỏi về lý luận logic và giải quyết vấn đề theo hệ thống. Họ thường thể hiện những đặc điểm như tư duy có phương pháp, cũng như chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ngoài ra, họ có xu hướng xử lý công việc một cách hệ thống, dựa trên dữ kiện và phân tích logic để đưa ra quyết định sáng suốt.
Khuynh hướng hành vi:
- Suy nghĩ và phân tích logic.
- Chú trọng đến tính chính xác và tỉ mỉ.
- Thích giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
- Có tổ chức và làm việc có phương pháp.
Quan hệ xã hội (Relational)
Chiều kích Quan hệ phản ánh năng khiếu tương tác xã hội và xây dựng mối quan hệ. Những người đạt điểm cao về Quan hệ thường là những người đồng cảm, giàu lòng trắc ẩn và mong muốn thực sự kết nối với người khác. Họ có xu hướng chú trọng nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, giao tiếp, xây dựng một môi trường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Khuynh hướng hành vi:
- Xây dựng mối quan hệ bền chặt với tha nhân.
- Giao tiếp hiệu quả và đồng cảm.
- Coi trọng tinh thần làm việc nhóm.
- Sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ.
Quyết đoán (Decisive)
Những người Quyết đoán thường thể hiện các phẩm chất như tự tin, định hướng mục tiêu và chủ động trong việc ra quyết định. Nhìn chung họ ít khi sợ hãi khi đối mặt với thử thách, cũng như luôn tích cực và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khuynh hướng hành vi:
- Ra quyết định nhanh chóng.
- Chủ động và chịu trách nhiệm.
- Hướng tới mục tiêu và thành tích.
- Độc lập và quyết đoán.
Cũng giống như DISC, LPI thừa nhận rằng hầu hết chúng ta đều thể hiện sự kết hợp của nhiều chiều kích tính cách, thay vì một loại duy nhất. Cụ thể, đó có thể là:
- Trung lập & Phân tích.
- Trung lập & Quan hệ xã hội.
- Quyết đoán & Phân tích.
- Quan hệ xã hội & Phân tích.
Mẫu hồ sơ khuynh hướng hành vi LPI
Mô hình LPI là một công cụ tham khảo rất hữu ích cho việc nuôi dưỡng nhận thức bản thân, phát triển sự nghiệp và động lực nhóm. Khi hiểu rõ về các chiều kích hành vi, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để giao tiếp hiệu quả, vun đắp các mối quan hệ và điều chỉnh hành động cho phù hợp với nguyện vọng cá nhân và nghề nghiệp.
Hành vi của con người chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng tính cách
Điều quan trọng nhất trong giao tiếp là lắng nghe những điều không được nói ra.
Peter Drucker
- Động lực & giá trị
Mỗi khuynh hướng hành vi đều xuất phát từ những động lực và giá trị nội tại riêng biệt, tác động đến nguyện vọng và ưu tiên cá nhân. Ví dụ, người Quyết đoán hướng đến thành tích và kết quả hữu hình, trong khi người Quan hệ coi trọng sự hợp tác và hòa hợp đội nhóm. Những động cơ nội tại này sẽ định hướng hành động của ta, bao gồm cách ta giải quyết công việc, tương tác và ra quyết định.
- Xử lý thông tin
Khuynh hướng hành vi đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cơ chế xử lý nhận thức – cách chúng ta nhận thức, diễn giải và tiếp thu thông tin mới. Ví dụ, nếu những người Phân tích có thể thích xem xét kỹ lưỡng các chi tiết và dữ liệu thực tế, thì những người Quan hệ lại nhấn mạnh hơn vào các tín hiệu cảm xúc và động lực quan hệ. Việc thông tin được “chắt lọc” qua các lăng kính cá nhân khác nhau là nguyên nhân dẫn đến khác biệt về quan điểm, kết luận và phản ứng trước tình huống cụ thể.
- Phong cách giao tiếp
Một người Quyết đoán có thể thể hiện thái độ bộc trực và thẳng thắn, trong khi một người Trung lập sẽ thích áp dụng cách thức tiếp cận thiên về goại giao và gián tiếp. Khác biệt về thói quen giao tiếp không chỉ tác động đến cách ta diễn giải và truyền đạt suy nghĩ cá nhân, mà còn định hình cách chúng ta nhận thức và nắm bắt quan điểm của người khác.
- Tương tác xã hội
Khuynh hướng hành vi có ảnh hưởng đáng kể đến phong cách hợp tác, lãnh đạo và giải quyết xung đột. Một người Quan hệ có thể dễ nuôi dưỡng sự kiên nhẫn và hợp tác trong môi trường đội nhóm, trong khi một người Quyết đoán lại thích hợp để đảm nhận vai trò lãnh đạo.
- Thiên kiến nhận thức
Mỗi tính cách đều đi kèm với những thành kiến nhận thức riêng, dẫn đến các quy luật tư duy và quá trình ra quyết định. Ví dụ, người Quyết đoán nhìn chung chú trọng hiệu quả và tính kịp thời; hệ quả là họ dễ bỏ sót các chi tiết quan trọng. Ngược lại, người Phân tích có thể quá thận trọng và suy nghĩ nhiều, gây tốn thời gian thu thập thông tin một cách không cần thiết.
- Phản ứng cảm xúc
Khuynh hướng hành vi đóng vai trò điều chỉnh cơ chế biểu hiện cảm xúc và tự làm chủ – cách ta phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng và khó khăn. Nếu một người Cởi mở có thể dễ dàng thể hiện sự lạc quan và nhiệt tình, thì một người Phân tích nhìn chung sẽ giữ thái độ dè dặt hơn.
- Các tác nhân kích thích cảm xúc
Một cá nhân Quyết đoán đặc biệt nhạy cảm với những lời chỉ trích và phản hồi; mặt khác, một người đạt điểm cao về Sự cởi mở lại dễ bị xáo trộn khi phải đối mặt với sự thay đổi hoặc bất định. Hiểu biết về những tác nhân kích hoạt đặc biệt này sẽ giúp ta điều hướng các bối cảnh cảm xúc với nhận thức bản thân sâu sắc hơn.
- Năng lực thích nghi
Bằng cách phân biệt các sắc thái của xu hướng hành vi, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh hành động để phù hợp với các yêu cầu của tình huống hoặc mục tiêu tổng quát. Ví dụ, một người Phân tích có thể tập trung thực hành tính linh hoạt trong các bối cảnh xã hội để tăng cường sự gắn kết và cải thiện quan hệ xã hội.
Các loại hành vi của con người
Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Các loại hành vi & phong cách lãnh đạo
Chìa khóa thành công của lãnh đạo ngày nay là ảnh hưởng chứ không phải quyền lực.
Ken Blanchard
Các nhà lãnh đạo thường thể hiện các khuynh hướng hành vi khác nhau, xuất phát từ tính cách và trải nghiệm của họ. Một số phong cách nổi bật nhất có thể kể đến như:
- Lãnh đạo chỉ đạo (Directive leadership):
- Chú trọng: Trình bày hướng dẫn và kỳ vọng rõ ràng, theo dõi hiệu suất chặt chẽ và đưa ra phần lớn các quyết định.
- Điểm mạnh: Thích hợp trong những tình huống áp lực cao, định hướng rõ ràng cho các nhóm mới hoặc thiếu kinh nghiệm.
- Điểm yếu: Có thể kìm hãm sự sáng tạo, làm giảm động lực của thành viên nhóm, cản trở quá trình học tập & phát triển.
- Lãnh đạo hỗ trợ (Supportive leadership):
- Chú trọng: Nâng cao phúc lợi nhóm, xây dựng lòng tin và mối quan hệ, hỗ trợ về mặt tinh thần.
- Điểm mạnh: Tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích hợp tác, cải thiện tinh thần và lòng trung thành.
- Điểm yếu: Dễ hành động thiếu quyết đoán, gặp khó khăn trong việc góp ý mang tính xây dựng cũng như khi cần ra quyết định.
- Lãnh đạo tham gia (Participative leadership):
- Chú trọng: Khuyến khích mọi người tham gia vào quá trình ra quyết định, giao tiếp cởi mở và coi trọng các quan điểm đa dạng.
- Điểm mạnh: Tăng cường năng lực tự chủ và sự gắn kết, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề và đưa ra các giải pháp sáng tạo.
- Điểm yếu: Đòi hỏi nhiều thời gian, thường gặp khó khăn trong việc quản lý nhóm lớn và giải quyết xung đột nội bộ.
- Lãnh đạo hướng thành tích (Achievement-oriented leadership):
- Chú trọng: Đặt ra các tiêu chuẩn cao, khuyến khích các thành viên nhóm tự cải thiện, nhấn mạnh vào hiệu suất và mục tiêu đạt được.
- Điểm mạnh: Hướng kết quả, tạo động lực cho nhóm làm việc hiệu suất cao, nuôi dưỡng tinh thần cạnh tranh.
- Điểm yếu: Có thể dẫn đến một môi trường làm việc căng thẳng, bỏ bê tinh thần đồng đội, làm suy giảm động lực khi không đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra.
- Lãnh đạo huấn luyện (Coaching leadership):
- Chú trọng: Phát triển tiềm năng cá nhân thông qua phản hồi và hướng dẫn mang tính xây dựng, đặt mục tiêu, coaching & mentoring, thường xuyên tạo cơ hội học tập và phát triển.
- Điểm mạnh: Trao quyền tự chủ cho cá nhân, góp phần nâng cao kỹ năng và hiệu suất, thúc đẩy sự phát triển lâu dài và tăng trưởng sự nghiệp.
- Điểm yếu: Đòi hỏi đầu tư thời gian và kỹ năng coaching hiệu quả, có thể không phù hợp với mọi tình huống hoặc thành viên trong nhóm.
Mỗi phong cách lãnh đạo nêu trên phản ánh một khuynh hướng tiếp cận riêng trong việc gây ảnh hưởng đến người khác và thực hành thẩm quyền cá nhân. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều thể hiện sự kết hợp của nhiều phong cách quyền lực tùy thuộc vào bối cảnh và mục tiêu cụ thể. Nhận thức được các xu hướng trên đây, cũng như điểm mạnh và điểm yếu của từng cách tiếp cận, là rất quan trọng để bản thân trở thành một nhà lãnh đạo thích nghi và hiệu quả hơn.
Cách nhận diện khuynh hướng hành vi của con người
Kỹ năng đáng giá nhất trong kinh doanh là hòa hợp với người khác và tác động đến hành động của họ.
John Hancock
- Suy ngẫm về sở thích tự nhiên
Hãy dành thời gian để tự vấn và phân tích xu hướng hành động của bạn khi giải quyết công việc, giao tiếp xã hội và ra quyết định. Bạn là người ưu tiên tốc độ và kết quả, coi trọng mối quan hệ và ảnh hưởng, tìm kiếm sự hòa hợp và hợp tác hay tập trung vào chi tiết và phân tích? Câu trả lời có thể có được bằng cách suy ngẫm về các tình huống trong quá khứ và phản ứng điển hình của bạn trong những tình huống đó.
- Làm bài kiểm tra tự đánh giá
Hiện nay, có nhiều công cụ trực tuyến và ngoại tuyến được thiết kế để khám phá các loại hành vi của con người, cùng khuynh hướng chủ đạo của từng cá nhân. Thông qua các bài đánh giá như DISC hoặc Chỉ số loại hình Myers-Briggs (MBTI), bạn sẽ có thể nhận về các phân tích chuyên sâu dựa trên phản hồi bảng câu hỏi và mô hình chấm điểm – từ đó có được những hiểu biết sâu sắc về xu hướng hành vi và sở thích của mình.
- Quan sát các tín hiệu ngôn ngữ & phi ngôn ngữ
Trong giao tiếp, bạn nên dành thời gian chú ý đến các tín hiệu bằng lời và không bằng lời – bao gồm cách nói, ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và cách lựa chọn từ ngữ – để xác định xem liệu những tín hiệu đó là dấu hiệu của sự quyết đoán, tính thuyết phục, định hướng chi tiết hay sự chính xác.
- Lưu ý hành vi trong các tình huống khác nhau
Quan sát cách mọi người tương tác trong các bối cảnh như họp, thuyết trình hoặc đối thoại thân mật. Hãy chú ý xem liệu phong cách hành vi của họ có thay đổi tùy theo tình huống hay luôn nhất quán một cách tương đối không. Để ý xem ai đó có thói quen chịu trách nhiệm, tích cực hợp tác hay thích làm theo hướng dẫn hay không.
- Đặt câu hỏi mở
Bạn có thể tham gia các cuộc đối thoại cởi mở về chủ đề phong cách làm việc, phương pháp giao tiếp ưa thích và ra quyết định. Khi trao đổi, việc tích cực lắng nghe phản hồi của đối phương và quan sát giọng điệu của họ sẽ giúp bạn thấu hiểu sâu hơn về khuynh hướng hành vi của họ.
- Phản hồi 360 độ
Góp ý từ đồng nghiệp, quản lý và cấp dưới trực tiếp là công cụ hỗ trợ đáng kể trong việc xác định xu hướng hành vi chủ đạo của bạn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi đôi bên phải có sự tin tưởng và cởi mở để có thể đạt được kết quả tối ưu.
Đọc thêm: Không biết lắng nghe – Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ
Bí quyết truyền cảm hứng cho người thuộc các khuynh hướng hành vi khác nhau
Cách duy nhất để thay đổi suy nghĩ của một người là kết nối với họ từ trái tim.
Rasheed Ogunlaru
- Kết nối với động lực cá nhân: Nói cách khác, bạn phải hiểu rõ các động lực nội tại liên quan đến từng khuynh hướng hành vi (ví dụ: thành tích và kết quả đối với tính Quyết đoán; tính chính xác đối với người Phân tích, v.v…) để có thể điều chỉnh cách giao tiếp phù hợp với sở thích cá nhân (ví dụ: trao đổi trực tiếp và ngắn gọn đối với tính Quyết đoán; lập luận logic dựa trên dữ liệu đối với tính Phân tích).
- Phân công dựa trên thế mạnh: Ở cương vị lãnh đạo, điều quan trọng là phải phân công công việc phù hợp với phong cách ưa thích của nhân viên nếu muốn tối đa hóa thế mạnh và sự gắn kết của họ (ví dụ: tận dụng người giỏi Quan hệ để xây dựng mối quan hệ; giao cho người Phân tích các công việc thiên về dữ liệu).
- Đưa ra các hình thức khen thưởng khác nhau: Cụ thể, ta cần thực hiện công nhận và khen thưởng theo cách phù hợp với từng khuynh hướng hành vi. Ví dụ, bạn nên công nhận một cách công khai và đưa ra mục tiêu thử thách cho những người Cởi mở, trong khi đưa ra phần thưởng xã hội và lời khen ngợi cho những người thuộc tuýp Quan hệ.
- Cơ hội phát triển: Đôi khi, hãy cân nhắc yêu cầu người khác thử nghiệm với những thái cực tính cách mới và khuyến khích các hành vi không nằm trong vùng thoải mái của họ. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu những người Quyết đoán thực hành lắng nghe tích cực, trong khi trao quyền cho những người Trung lập chấp nhận rủi ro được tính toán. Trong môi trường làm việc, các tổ chức nên tạo điều kiện phát triển kỹ năng và tổ chức chương trình đào tạo đáp ứng các phong cách học tập khác nhau – qua đó trao quyền cho mọi thành viên nâng cao năng lực của họ.
Quá trình thay đổi các loại hành vi của con người
Sự thay đổi trong phong cách hành vi là một quá trình phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố:
- Nội tại: Tự nhận thức, mục tiêu phát triển cá nhân, thấu hiểu giá trị, mong muốn cải thiện các mối quan hệ hoặc triển vọng nghề nghiệp.
- Bên ngoài: Trải nghiệm sống, phản hồi từ người khác, thay đổi trong sự nghiệp hoặc các mối quan hệ, tiếp xúc với quan điểm mới và các chương trình đào tạo.
Nhìn chung, quá trình này thường trải qua các giai đoạn sau:
- Nhận thức: Nhận biết khuynh hướng tính cách chủ đạo, cùng tác động của nó đến hành vi và tương tác của bạn.
- Khám phá: Tìm hiểu về các phong cách khác, bao gồm điểm mạnh và điểm yếu của chúng.
- Thử nghiệm: Thử nghiệm các hành vi thuộc các thái cực mới, trong điều kiện môi trường an toàn.
- Tích hợp: Biến các hành vi mới dần dần thành thói quen khi xảy ra các tình huống cụ thể.
- Thành thạo: Đạt được mức độ linh hoạt và làm chủ đối với phong cách hành vi cá nhân, có thể tự điều chỉnh một cách có ý thức và hiệu quả.
Ví dụ:
Một chuyên gia trẻ tên A làm việc trong một doanh nghiệp có nhịp độ công việc nhanh. Khuynh hướng hành vi chủ đạo của anh là thẳng thắn và quyết đoán; điều này thường dẫn đến hiểu lầm với những đồng nghiệp thích cách tiếp cận hợp tác và quan trọng đồng thuận nhóm. A nhận thức rằng sự thẳng thắn của anh đôi khi có vẻ khắc nghiệt hoặc vô cảm; anh muốn cải thiện các mối quan hệ của mình và kết nối bền chặt hơn với các thành viên nhóm.
Các yếu tố bên ngoài như xung đột gần đây và phản hồi từ người khác cũng góp phần vào mong muốn thay đổi hành vi của A. Mặt khác, việc tiếp xúc với nhiều quan điểm mới và tham gia các chương trình đào tạo đã giúp anh nhận thức được các phong cách hành vi khác nhau, từ đó phát triển các chiến lược để điều chỉnh hành vi cá nhân.
Để thay đổi, A bắt đầu bằng cách trở nên ý thức hơn về phong cách thống trị của mình và ảnh hưởng của nó đến các tương tác hằng ngày. Sau đó, anh chủ động tìm hiểu về các phong cách khác, cũng như thử nghiệm các hành vi mới trong các tình huống ít rủi ro.
Theo thời gian, A dần dần trở nên hợp tác hơn. Cho đến một ngày, anh đạt được mức độ linh hoạt và có thể kiểm soát tính cách của mình, điều chỉnh cách tiếp cận tùy theo tình huống và đối phương cụ thể.
Các loại hành vi của con người
Bộ câu hỏi khám phá các loại hành vi của con người
Giao tiếp:
- Phong cách giao tiếp ưa thích của bạn là như thế nào?
- Trực tiếp và đúng trọng tâm?
- Nhiệt tình và thuyết phục?
- Kiên nhẫn và chú ý tới chi tiết?
- Phân tích và thực tế?
- Bạn có thích trở thành trung tâm của sự chú ý trong các cuộc đối thoại, hay thích lắng nghe và quan sát?
- Bạn cảm thấy như thế nào khi bày tỏ quan điểm bất đồng hoặc phê bình mang tính xây dựng?
Ra quyết định:
- Bạn thích đưa ra quyết định nhanh chóng và độc lập, hay bạn coi trọng ý kiến đóng góp của người khác?
- Bạn coi trọng dữ liệu và phân tích đến mức nào trước khi đưa ra quyết định?
- Bạn có thoải mái khi chấp nhận rủi ro và thử nghiệm những điều mới không?
Động lực:
- Động cơ nào thúc đẩy bạn mạnh mẽ nhất trong công việc và cuộc sống cá nhân?
- Đạt được kết quả và mục tiêu?
- Xây dựng mối quan hệ và kết nối?
- Sự ổn định và an toàn?
- Chính xác và tỉ mỉ?
- Những yếu tố nào thường khiến bạn bị mất động lực?
Quản lý căng thẳng:
- Bạn thường xử lý khi gặp căng thẳng và áp lực như thế nào?
- Bạn thích hành động và giải quyết vấn đề trực tiếp hay cần thời gian để xử lý và suy ngẫm?
- Việc giữ thái độ bình tĩnh và kiểm soát quan trọng như thế nào với bạn?
Đừng quá quan trọng chuyện trả lời đúng hay sai; những câu hỏi trên đây chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình tự phản ánh. Điều quan trọng nhất khi tự vấn bản thân là phải chân thực với chính mình.
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
Tài liệu tham khảo về các loại hành vi của con người
Bảng câu hỏi
- What’s Your Behavioral Style? – ProProfs Quiz.
- Behavioral Style Questionnaire.
- Free DISC Test – Personality Testing.
Bài kiểm tra đánh giá & checklist
Sách nghiên cứu hành vi con người
- People Styles at Work and Beyond – Robert & Dorothy Grover Bolton
- Simply Said: Communicating Better at Work and Beyond – Jay Sullivan
- The Platinum Rule – Tony Alessandra & Michael J. O’Connor
Lời kết
Các loại hành vi của con người không phải là những phạm trù cứng nhắc, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Trong nhiều tình huống, một người có thể thể hiện những hành vi khác biệt, thậm chí trái ngược với khuynh hướng tính cách chủ đạo của họ. Do đó, điều cần thiết là phải tránh tư duy “rập khuôn” và xem các phân tích trên đây như công cụ thấu hiểu hơn là phán xét. Ngoài ra, cần lưu ý mỗi tính cách đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng; thay vì cố gắng thay đổi người khác, tốt nhất chúng ta nên hướng tới việc tạo dựng một môi trường tôn vinh sự đa dạng và coi trọng điểm mạnh của từng cá nhân.
Nhu cầu cơ bản nhất của con người là hiểu và được thấu hiểu. Cách tốt nhất để hiểu người khác là lắng nghe họ.
Ralph G. Nichols
Có thể bạn quan tâm:
- Thấu hiểu bản thân: Lộ trình hướng tới một bản thể chân thực hơn
- Lãnh đạo bản thân (Self-leadership): Nền tảng thành công lâu dài & bền vững
- Sống trong quá khứ: Trở ngại trên hành trình thay đổi
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!