Vài dòng review về tác phẩm “What got you here won’t get you there” (tựa tiếng Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai) của TS. Marshall Goldsmith – lý do vì sao bạn nên dành thời gian đọc tuyệt tác này, cùng những bài học rút ra từ những chia sẻ của tác giả.
Ngày trước, tôi được một người quản lý cũ tặng cho cuốn sách này khi đang làm việc toàn thời gian tại một đơn vị chuyên cung cấp các khóa đào tạo về coaching & training. Sau khi đọc xong, tôi quả thực đã cảm thấy cuộc đời mình như thể vừa bước sang trang mới. Nếu bạn đang hướng tới mục tiêu trở thành một người tốt hơn (cả ở nơi làm việc cũng như trong cuộc sống cá nhân), What got you here won’t get you there – theo tôi – thực sự là một tuyệt tác rất đáng để đọc!
Tóm tắt ý chính
- Nội dung cốt lõi của tác phẩm là về tầm quan trọng của việc phải thay đổi hành vi và từ bỏ những thói quen xấu – đặc biệt đối với những người đã đạt đến mức độ thành đạt nhất định, để có thể vươn lên những tầm cao hơn nữa.
- Thành tích trong quá khứ là lý do khiến nhiều người rơi vào tình trạng “ảo tưởng”, mù quáng trước nhu cầu thay đổi cho tương lai.
- Sách không tập trung chia sẻ những kỹ thuật/ giải pháp mau chóng mang tính tạm thời – nhưng hướng đến việc khuyến khích tự suy ngẫm và “phản tỉnh”, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi lâu dài.
Tóm tắt tác phẩm “What got you here won’t get you there”
“What got you here won’t get you there: How successful people become even more successful” (Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai) là ấn phẩm của TS. Marshall Goldsmith, một trong những chuyên gia executive coaching hàng đầu thế giới. Trọng tâm của sách xoay quanh một ý tưởng chính yếu: những hành vi đã đưa chúng ta đến thành công trong thời gian đầu sự nghiệp, chính chúng có thể sẽ trở thành “chướng ngại” cản trở ta vươn lên những tầm cao hơn nữa.
Nói cách khác, những phẩm chất/thói quen, v.v… đã giúp ta có được địa vị/sự giàu có/danh tiếng hiện tại (“what got you here”) có thể sẽ cần phải được loại bỏ để ta có thể chạm tới những nấc thang mới (“get you there”).
Sau đây là sơ lược một số nội dung chính trong sách:
- Nghịch lý của thành công: Đôi khi những hành vi tưởng như cần thiết để thành công (ví dụ: tính cạnh tranh) lại gây ra sự xa lánh với đồng nghiệp/ cấp trên, cản trở quá trình hợp tác và phát triển.
- 20 thói quen xấu của người thành công: Thay vì chỉ học những kỹ năng mới, những ai khao khát đi lên cao hơn cần phải nhận thức và từ bỏ các xu hướng hành vi tiêu cực của mình. Trong sách, tác giả phân tích tổng cộng 20 thói quen xấu phổ biến (ví dụ: tiêu cực, hiếu thắng, không biết lắng nghe) mà chúng ta rất hay mắc phải – đặc biệt đối với cấp lãnh đạo quản lý.
- Phản hồi và coaching: Goldsmith nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận được phản hồi thường xuyên từ các đồng nghiệp và mentor. Những góp ý này rất quan trọng để ta nhận thức được những điểm mù cá nhân và nỗ lực thay đổi chúng.
- Thay đổi theo thời gian: Cuối cùng, tác giả bàn luận về việc vì sao ta cần phải thay đổi dần dần và bền vững theo thời gian – cũng như cung cấp một số khuôn khổ để mỗi người tự đặt mục tiêu, theo dõi tiến độ và hình thành tinh thần trách nhiệm với chính mình.
What got you here won’t get you there
Như đã đề cập ở trên, trọng tâm chính của sách là về 20 thói quen xấu mà chúng ta thường mắc phải trong quan hệ nhân gian, bao gồm:
- Hiếu thắng: Mong muốn chiến thắng bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh.
- Can thiệp quá nhiều: Cố gắng đưa ý tưởng của mình vào mọi cuộc thảo luận, dù điều đó có quan trọng hay không.
- Phán xét: Xu hướng đánh giá người khác và áp đặt các tiêu chuẩn cá nhân lên họ.
- Phê bình không có tính xây dựng: Thói quen đưa ra những nhận xét mang tính mỉa mai, khiến bản thân trông có vẻ “khôn ngoan” và “thông thái”.
- Nói những từ phủ định như KHÔNG, NHƯNG, TUY NHIÊN: Hành vi chống chế và lạm dụng từ ngữ tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người trong các cuộc thảo luận.
- Thích thể hiện: Mong muốn khoe khoang kiến thức/sự khôn ngoan/sự vượt trội của chúng ta so với người khác.
- Nổi nóng: Hành vi thiếu kiểm soát đối với cảm xúc cá nhân – cả ở nơi làm việc lẫn trong cuộc sống cá nhân.
- Tiêu cực: Xu hướng nói những câu đại loại như “Để tôi giải thích tại sao cách đó không hiệu quả đâu” – với mục đích chính là phủ quyết ý tưởng của người khác.
- Che giấu thông tin: “Giấu nghề”, từ chối chia sẻ thông tin để duy trì lợi thế so với người khác.
- Không biết công nhận: Thái độ ngần ngại khen ngợi/ thể hiện sự cảm kích đối với việc làm/nỗ lực của người khác.
- Cướp công: Xu hướng đánh giá quá cao đóng góp cá nhân vào thành tích chung – đến mức sẵn sàng “nhận vơ” công trạng của người đã đóng vai trò thực sự quan trọng.
- Đổ lỗi cho hoàn cảnh: Nhu cầu bào chữa, đưa ra một lý do “chính đáng” cho những hành vi xấu của bản thân – thay vì cố gắng đối diện và sửa chữa chúng.
- Sống trong quá khứ: Quy trách nhiệm những thiếu sót của bản thân cho một sự việc/ cá nhân khác trong quá khứ.
- Thiên vị: Không nhận thức được sự thật rằng chúng ta đang đối xử bất công với mọi người.
- Từ chối xin lỗi: Miễn cưỡng thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
- Không biết lắng nghe: Hành vi đối xử thiếu tôn trọng nhất trong các mối quan hệ giữa người và người.
- Không bày tỏ lòng biết ơn: Điển hình của một thói quen xấu cơ bản mà mọi người thường mắc phải.
- Giận cá chém thớt: Thói quen “nổi cơn tam bành” và trút giận lên những ai đang cố gắng giúp đỡ ta.
- Trốn trách trách nhiệm: Quy trách nhiệm sai lầm của mình cho bất cứ điều gì/bất cứ ai ngoại trừ chính bản thân.
- Cái tôi thái quá: Việc bỏ qua những thiếu sót cá nhân, xem đó là một phần cấu thành nên bản ngã “độc đáo” của ta.
Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai
Review “What got you here won’t get you there”
Thay đổi hành vi – Nội dung xuyên suốt của sách
Trước khi bắt đầu, tôi cần lưu ý bạn một điều: đây KHÔNG phải là một cuốn sách dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt với những ai đang tìm kiếm các mẹo quick-win để nâng cao kỹ năng cứng – hay một “giải pháp” cụ thể cho vấn đề nào đó của họ.
Đối với tôi, tác dụng chính của tác phẩm là “khám bệnh”, chứ không phải “chữa bệnh”.
Sách không đưa ra các giải pháp khắc phục nhanh chóng – thay vào đó, nó khuyến khích độc giả tự suy ngẫm về các vấn đề trong hành vi cá nhân, qua đó nâng cao năng lực tự nhận thức và tích lũy thay đổi theo thời gian.
“What got you here won’t get you there” tập trung vào những vấn đề liên quan đến tư duy hơn là chuyên môn kỹ thuật, chiến thuật/ mẹo thành công. Sách không đề cập đến các chủ đề như chiến lược, tài chính hay công nghệ (những thứ mà độc giả self-help thường hay tìm kiếm).
Trọng tâm của sách là về hành vi cá nhân – cụ thể là những thói quen xấu mà chúng ta thường không nhận thức được. Như tác giả đã khẳng định, chính những thay đổi về hành vi mới là cái khiến ta có thể đi từ TỐT đến VĨ ĐẠI.
Nhân tiện, tôi cũng muốn lưu ý rằng, nội dung sách tương đối phù hợp hơn với những người đang nắm giữ các vị trí quản lý, phải thường xuyên tương tác với người khác. Nếu bạn đang ở các vị trí thấp hơn/làm việc độc lập (ví dụ: lập trình viên)/làm việc trong môi trường startup (tính chất của doanh nghiệp startup đòi hỏi bạn phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn vào các vấn đề kỹ thuật/tài chính hơn là về phát triển con người), bạn có thể cảm thấy những gì tác giả chia sẻ không thực sự liên quan nhiều đến bạn. Dù vậy, nếu có thời gian, tôi cho rằng bạn vẫn nên đọc nó – để có thể hỗ trợ cho cuộc sống cá nhân của chính bạn!
What got you here won’t get you there
Từ bỏ thói quen xấu có nhiều ý nghĩa hơn so với học kỹ năng/ thói quen mới
Thông điệp chính của sách là TỪ BỎ những thói quen cũ – thay vì ÁP DỤNG những thực hành mới. Để minh họa cho điều này, tôi xin trích dẫn một câu nói của Peter Drucker (cũng được nhắc đến trong tác phẩm của Goldsmith) như sau:
We spend a lot of time teaching leaders what to do. We don’t spend enough time teaching leaders what to stop. Half the leaders I have met don’t need to learn what to do. They need to learn what to stop.
(dịch nghĩa: Chúng ta dành nhiều thời gian để dạy các nhà lãnh đạo phải làm gì – nhưng lại quá ít thời gian để hướng dẫn họ về những việc nên dừng lại. Một nửa các nhà lãnh đạo tôi từng gặp không cần phải học thêm điều gì mới. Cái họ cần được truyền dạy là TỪ BỎ những cái cũ.)
Những người thành công thực sự không cần phải học (LEARN) điều gì mới mẻ. Điều họ cần là loại bỏ (UNLEARN) cách làm cũ – bao gồm những thói quen, hành vi, thậm chí cả những năng lực không còn có ý nghĩa ở thời điểm hiện tại nữa.
Nghe có vẻ đơn giản, song thực tế quá trình buông bỏ này lại không hề dễ dàng. Đặc biệt đối với những ai đã đạt được một mức độ thành công nhất định trong cuộc sống.
“Bạn nói cái gì cơ? Tôi nên cố gắng lắng nghe nhiều hơn? Cấp dưới của tôi quá kém năng lực để tự mình làm mọi việc. Ở cương vị lãnh đạo, tôi phải thường xuyên can thiệp vào rất nhiều việc. Tại sao phải lắng nghe khi tôi có thể tiết kiệm thời gian để làm những việc quan trọng hơn?”
Tôi phải thừa nhận rằng chính tôi cũng thường xuyên rơi vào cái bẫy tư duy lừa dối này. Nhưng một lần nữa, mục đích chính của tác phẩm không phải là “đưa bạn đến đây” (getting you HERE) mà là tới “đằng đó” (getting you THERE).
Tất cả chúng ta đều có những tật xấu khiến người khác cảm thấy khó chịu – như tự tin quá mức đến nỗi thúc ép mọi người phải làm việc cật lực hơn bình thường (hiếu thắng), hoặc quá bận rộn với công việc đến mức hay lơ đễnh khi giao thiệp với người khác (không lắng nghe).
Chúng ta có thể quy trách nhiệm những hành vi sai trái của mình cho rất nhiều thứ (ví dụ: thúc ép mọi người vì chính ta đã từng làm được điều tương tự trước đây) – và điều đó hoàn toàn có lý, nếu bạn cảm thấy hài lòng với thực trạng hiện tại (HERE).
Nếu mục tiêu của bạn là tiến xa hơn (THERE), bạn sẽ cần phải tự nhìn nhận lại những hành vi sai trái của mình từ trước đến nay (không chỉ thế – tôi cho rằng điều này cũng áp dụng với các kiến thức, kỹ năng, cách làm việc xưa cũ bây giờ không còn hiệu quả nữa).
Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công hơn, đã đến lúc chuyển trọng tâm từ kết quả công việc sang giúp đỡ mọi người hoàn thành nhiệm vụ của họ. Nói cách khác, bạn phải chú ý nhiều hơn đến phương diện cá nhân – hơn là các vấn đề về kỹ năng.
Nếu bạn muốn trở thành một người cha tốt hơn, đã đến lúc từ bỏ suy nghĩ “Tôi mang tiền về nuôi gia đình – thế là đủ” và học cách thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa với vợ/chồng/con cái của mình.
Unlearning là một quá trình không hề dễ dàng. Bạn sẽ phải đối đầu với cái tôi của chính mình, ngừng ngoan cố bám lấy những thói quen cũ, thừa nhận những điểm mù/không hoàn hảo và bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng nếu luôn cố gắng đến cùng, bạn sẽ gặt hái được thành quả to lớn tại cuối con đường!
Không chỉ với người thành công/lãnh đạo doanh nghiệp, theo tôi, “What got you here won’t get you there” cũng là một tác phẩm đáng đọc cho những ai đang trong giai đoạn chuyển tiếp trên con đường sự nghiệp (ví dụ: quyết định chuyển sang một công việc/ngành nghề mới ). Vì bạn không có bề dày thành tích trước đó để chứng minh năng lực, nên yếu tố hành vi càng trở nên quan trọng hơn trong việc xác định xem liệu bạn có thể thăng tiến trong tương lai hay không.
Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai
Ảo tưởng thành công
Tác phẩm của Goldsmith bắt đầu bằng một phần nội dung xoay quanh vấn đề mang tên “ảo tưởng thành công” (Success delusion). Phải thừa nhận lúc ban đầu, chương này khá khó đọc đối với tôi.
Dù vậy, tôi tin rằng đây là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của sách.
Những thành tựu trong quá khứ là nguyên nhân kìm hãm nhiều người trong chúng ta. Nó khiến ta trở nên quá tự tin, kháng cự lại sự thay đổi, thích đặt ra những tiêu chuẩn không lành mạnh cho người khác. Không có gì ngạc nhiên khi những vấn đề như kiệt sức (burnout), tỷ lệ thôi việc cao, tinh thần đội nhóm suy yếu, v.v… lại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong môi trường làm việc hiện tại.
Hầu hết chúng ta đều đã được dạy về tầm quan trọng của việc nhìn thấy cơ hội trong mối đe dọa, và thực hành “suy nghĩ tích cực” – trong bất kể hoàn cảnh nào.
Mặc dù đó là một lối tư duy tốt, song đồng thời tôi cũng cho rằng suy nghĩ như vậy sẽ phù hợp để giải quyết vấn đề cá nhân – hơn là khi áp dụng cho môi trường đội nhóm. Nếu quá lạm dụng, thậm chí kết quả thu về có thể hoàn toàn ngược lại so với dự định ban đầu.
Tư duy tích cực – đặc biệt nếu được củng cố bởi những lời khen ngợi về thành tích trước đây – dễ khiến chúng ta trở nên ảo tưởng và miễn cưỡng chấp nhận thay đổi. Đặc biệt nếu sự thay đổi đó đụng chạm đến thói quen thường ngày (điều mà nhiều người thường cho rằng là một phần cấu thành nên bản sắc độc đáo của riêng họ).
What got you here won’t get you there
Các điểm nhấn khác của sách
Từ chiêm nghiệm của chính mình, tôi nhận thấy có rất nhiều bài học giá trị có thể rút ra từ “What got you here won’t get you there”. Vì không thể trình bày tất cả trong một bài viết duy nhất, tôi xin phép chia sẻ một vài điểm chính như sau:
Hành vi của chúng ta xuất phát từ lợi ích cá nhân nhiều hơn chúng ta nghĩ (hoặc mong muốn thừa nhận)
Tôi vô cùng ấn tượng với câu chuyện Goldsmith chia sẻ về chuyến đi thăm Làng Mai trong chương Thói quen số 7 (Nổi nóng). Sau đây, tôi xin được phép dịch lại phần nội dung trong sách như sau:
Hướng dẫn viên của chúng tôi là tu sĩ Thích Nhất Hạnh. Mỗi ngày sư Thích Nhất Hạnh khuyến khích chúng tôi thiền về nhiều chủ đề khác nhau.
Một ngày nọ, chủ đề là về sự tức giận. Ông yêu cầu chúng tôi nghĩ về một thời điểm trong đời – khi bản thân trở nên tức giận và mất kiểm soát. Sau đó, ông yêu cầu chúng tôi phân tích xem, ai chịu trách nhiệm về hành vi của mình lúc đó.
Tôi hồi tưởng đến con gái Kelly của tôi khi nó còn ở tuổi thiếu niên. Một lần nọ, Kelly trở về nhà với một cái xỏ khuyên rốn trên người. Lúc đó, món trang sức này đang là xu hướng mới nổi của đám trẻ. Lẽ đương nhiên, chả có ích gì khi đeo một cái khuyên rốn – nếu mọi người không thể nhìn thấy nó! Vì vậy, Kelly cũng đã sắm cho mình bộ trang phục thiếu vải, thiết kế để làm nổi bật vùng bụng của người mặc.
Việc con gái của mình xuất hiện với một cái xỏ khuyên rốn là một khoảnh khắc thực sự thử thách lòng bao dung và tình yêu thương của người cha. Và mọi sự đã diễn ra không hề đơn giản với tôi. Phản ứng của tôi khi đó thực sự rất thiếu thiện chí – tôi trở nên đầy phẫn nộ và giận dữ với Kelly.
Khi hồi tưởng lại sự kiện này giữa khung cảnh bình yên của tu viện, tôi tự hỏi: “Mình đang nghĩ gì lúc ấy vậy?”
Và tôi nhận ra, suy nghĩ đầu tiên của tôi là ai đó sẽ nhìn thấy con gái tôi và nghĩ: “Thật là một đứa trẻ hư đốn! Không biết cha mẹ nó là ai vậy?”
Suy nghĩ thứ hai của tôi thậm chí còn kinh khủng hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người bạn của tôi nhìn thấy Kelly và nghĩ, “Tôi không thể tin được Marshall lại cho phép con mình diễu hành quanh thị trấn trong bộ trang phục như vậy.”
Tôi đã quan tâm đến ai trong trường hợp này? Kelly hay tôi? Vấn đề thực sự là cái xỏ khuyên rốn của con tôi – hay là cái tôi ích kỷ của tôi?
Đối với tôi, câu chuyện của Goldsmith là một minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng của việc suy ngẫm, tự vấn và “phản tỉnh” liên tục”. Bằng không, chúng ta sẽ không thể nhận thức được nguyên nhân/lý do thực sự đằng sau hành vi mỗi ngày của mình.
Nếu không suy nghĩ về những gì đã làm, bạn sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng hiện tại.
Đôi khi, vấn đề thực sự nằm ở BÊN TRONG – chứ không phải BÊN NGOÀI. Thay vì tự cho mình là đúng và đổ lỗi cho người khác, đã đến lúc nhìn lại và nhận ra rằng: chính ta mới là người thực sự phải sửa chữa.
Tự phản ánh không có nghĩa là hạ thấp giá trị bản thân – mà là thừa nhận sự bất toàn của mình. Rằng mọi người đều mắc sai lầm. Ngay cả một chuyên gia coaching giàu kinh nghiệm như tác giả cũng không phải ngoại lệ (xu hướng của chúng ta là thích “thần tượng hóa” những người ta tôn trọng – mà không tính đến thực tế rằng họ vẫn là con người, với đầy đủ những khiếm khuyết cần khắc phục).
What got you here won’t get you there
Đi từ cái tôi đến cái ta
Tôi nhớ đã có thời tôi quá tập trung vào việc hoàn thành công việc – đến nỗi tôi hoàn toàn bỏ bê khía cạnh tương tác xã hội, thường xuyên tự cô lập mình trong phòng và cảm thấy khó chịu mỗi khi phải bàn bạc chuyện gì đó với người khác.
Ngoài ra, thói quen tập trung quá độ vào các vấn đề kỹ thuật là lý do khiến tôi cảm thấy vô cùng khó khăn khi khen ngợi cấp dưới/đồng nghiệp trực tiếp của mình. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mọi người chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết để xứng đáng được khen ngợi. Và thế là tôi giữ im lặng.
Đôi khi, một trong những cấp dưới/đồng nghiệp trực tiếp của tôi đến gặp tôi để trình bày ý tưởng của họ. Vì quá quan tâm đến chất lượng công việc, nên tôi thường sửa đổi ý tưởng của họ rất nhiều – đến nỗi nó không còn là của riêng họ nữa. Điều tôi làm chỉ đơn thuần tước đi sự tự tin của mọi người và khiến họ càng phụ thuộc vào tôi nhiều hơn (hệ quả tất yếu sau đó là tôi thường xuyên rơi vào kiệt sức, căng thẳng và cáu kỉnh).
Ngoài ra, cũng vì quá quan tâm đến chất lượng công việc, nên tôi thường phạm phải thói quen xấu là đưa ra những nhận xét gay gắt/châm biếm người khác. Thay vì nói “cảm ơn” và thừa nhận đóng góp của họ, tôi lại thích làm mọi việc theo cách riêng của mình. Đó là một sai lầm lớn, như Goldsmith đã chỉ ra trong tác phẩm của mình: “You are not manging you” (tạm dịch: Công việc của bạn không phải là quản lý chính bạn).
Bây giờ nhận thức của tôi đã tốt hơn trước. Tôi đã nhận ra tầm quan trọng của việc quan tâm đến khía cạnh tương tác xã hội, cũng như bớt hành động như một kẻ ta-đây-cái-gì-cũng-biết (vì thực tế là tôi chẳng biết gì cả).
Nếu bạn muốn trở thành một con người tốt hơn, hãy cố gắng đừng trở thành trung tâm của sân khấu. Thay vào đó, hãy học cách để người khác làm việc theo cách của họ, khuyến khích họ và giữ im lặng nếu có thể. Trước khi làm điều gì đó, đừng hỏi “Điều đó có đúng không?”. Thay vào đó, hãy tự hỏi: “Nó có đáng không?”
What got you here won’t get you there
Trong quá trình thay đổi bản thân, đừng cố gắng phức tạp hóa mọi thứ
“What got you here won’t get you there” đề cập đến một số phương pháp để mỗi người bắt đầu thay đổi bản thân theo hướng tốt hơn (ví dụ: học cách xin lỗi và nói lời cảm ơn). Điều tôi thấy thực sự thú vị là cách tiếp cận vấn đề đơn giản mà hiệu quả của Goldsmith.
Khi cần phải nhận lỗi với ai đó, đừng quá dài dòng. Đừng cố nói thêm bất cứ điều gì khác – nếu không, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng kiếm cớ để che đậy mọi chuyện. Chỉ cần ba từ “Tôi xin lỗi” – thế là đủ.
Khi có ai đó nói điều gì mà bạn không chắc chắn nên trả lời như thế nào, chỉ cần nói hai từ “Cảm ơn”. Sẽ không ai biết điều gì đang diễn ra bên trong bạn, và bạn sẽ không phải bối rối khi cố gắng suy nghĩ xem nên phản ứng thế nào. Chỉ hai từ “Cảm ơn” là đủ để bạn có thời gian kiểm soát lại chính mình.
Một cách tiếp cận hơi thực dụng – song tôi cho rằng đây là một kỹ thuật rất hay, đặc biệt đối với những ai có cái tôi quá lớn.
Theo thời gian, khi cái tôi của bạn dần giảm bớt đi (và bạn nhận thấy tác động từ sự thay đổi hành vi của mình), đó là khi bạn đã sẵn sàng để chuyển đổi thực sự.
Đọc thêm: Lãnh đạo bản thân – Tầm quan trọng & bí quyết thực hành
What got you here won’t get you there
Đừng cố gắng kiểm soát những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát
Một phần nội dung trong tác phẩm của Goldsmith bàn luận về việc tại sao chúng ta cần “ngưng cố gắng coach những người không thể coach được” (stop trying to coach people who are uncoachable). Nói cách khác, chúng ta không nên dành thời gian với những ai cho rằng vấn đề nằm ở BÊN NGOÀI chứ không phải BÊN TRONG chính họ.
Có rất nhiều điều trong cuộc sống không thể thay đổi được. Chúng ta không nên hành động như một “hiệp sĩ” cố gắng cứu vớt mọi người. Suy cho cùng, người duy nhất có thể cứu họ là chính bản thân họ (tuy rằng những người khác cũng đóng một vai trò không nhỏ).
Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên ngừng giúp đỡ mọi người; đúng hơn, nó có nghĩa là ta nên học cách buông bỏ những kỳ vọng không thực tế. Thay vì “tham lam” và kỳ vọng quá mức, hãy tập trung vào những gì chúng ta có thể tác động đến được.
Có thể đây chưa phải là lúc mọi người sẵn sàng thay đổi. Chúng ta phải chờ đợi và hy vọng rằng ngày đó cuối cùng sẽ đến.
Đọc thêm: Lối sống khắc kỷ (Stoicism) – 12 nguyên tắc thực hành hàng đầu
What got you here won’t get you there
Không phải một “viên ngọc” không tỳ vết
Tuy ẩn chứa nhiều bài học đáng giá, tôi cũng cho rằng “What got you here won’t get you there” không hẳn là không có những hạn chế nhất định. Trong sách, Goldsmith có đề cập đến việc ông chỉ làm việc với những người thành đạt – cũng như những ai thực sự muốn thay đổi. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng đây là một cách tiếp cận thực dụng và không thực sự giải quyết được vấn đề.
Xu hướng thực dụng cũng ít nhiều có thể quan sát được ở các phần nội dung khác. Ví dụ, Goldsmith khuyến nghị việc sử dụng hình phạt tiền để buộc bản thân/người khác phải có trách nhiệm thay đổi. Khi suy ngẫm về điều này, tôi tự hỏi, liệu lời khuyên đó có dẫn đến cái nhìn sai lệch về hành vi của con người hay không? Rằng những động lực bên ngoài như tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, v.v… mới đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình hành động của cá nhân, thay vì là những động lực bên trong (ví dụ: mục đích, danh dự, sự tự trọng…)?
Nói đến đây, tôi nhớ tới việc Goldsmith đề cập đến sự tồn tại của quy luật tự nhiên (Natural Law) trong tác phẩm của ông. Xin được phép dịch lại như sau:
Bạn không thể ép buộc mọi người làm việc cùng nhau. Bạn không thể tạo ra sự hòa hợp, dù đó là giữa hai người hay hai bộ phận. Bạn cũng không thể ra lệnh cho mọi người thay đổi suy nghĩ hoặc hành vi của họ. Cách duy nhất bạn có thể làm là tuân theo Luật tự nhiên.
Quy luật tự nhiên duy nhất mà tôi đã nhận thấy trong 30 năm quan sát hành vi của những người thành công là: Mọi người sẽ chỉ làm một điều gì đó – bao gồm cả thay đổi hành vi cá nhân – chỉ khi ta có thể chứng minh được với họ rằng làm như vậy là vì lợi ích tốt nhất của họ, phù hợp với hệ giá trị riêng của họ.
Tôi không có ý hoài nghi hay ám chỉ rằng động cơ duy nhất của con người trong cuộc sống là sự ích kỷ. Có rất nhiều người luôn sẵn sàng làm điều tốt một cách vô vị lợi mỗi ngày – mà không cần được đền đáp rõ ràng.
Điều tôi muốn nói là khi bạn loại bỏ ý chí tự thân ra ngoài – và tính đến sự tồn tại của các thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, Luật tự nhiên sẽ trở thành quy luật duy nhất. Để có thể khiến bạn làm điều gì tôi muốn, tôi phải chứng minh rằng làm như vậy sẽ mang lại lợi ích cho bạn theo cách nào đó, ngay lập tức hoặc vào thời điểm nào đó trong tương lai. Đó chính là quy luật tự nhiên. Mọi lựa chọn của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều là một quyết định mang tính lợi ích-rủi ro, xuất phát từ câu hỏi “Tôi sẽ được lợi điều gì?”
Không ai trong chúng ta phải băn khoăn gì vì điều này. Đó là quy luật chung của thế giới.
Ý tưởng ở đây rất đơn giản: nếu không có quy tắc, mọi người sẽ không tuân thủ. Nếu không có bất kỳ hậu quả nào, con người sẽ không có lý do để ngừng những hành vi xấu của mình.
Có nhiều người thường nói rằng, một việc làm tốt phải xuất phát từ trái tim của bạn – nhưng một lần nữa, tôi tự hỏi, lòng tốt trong trái tim bạn đến từ đâu?
Tôi xin phép được dừng thảo luận sâu thêm ở đây – vì chính tôi cũng chưa thực sự có câu trả lời cho mình.
Tuy nhiên, tôi biết chắc một điều – nếu có thể chấp nhận quy luật của thế giới, chúng ta sẽ không còn đặt những gánh nặng không cần thiết lên vai mình nữa.
Chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân và cố gắng hết sức để tuân theo những tiêu chuẩn đó – tuy nhiên, sẽ không thích hợp khi mong đợi người khác hành động theo cách tương đương.
Chúng ta có thể hình dung ra “con đường” lý tưởng mà mọi người nên đi theo, nhưng liệu nó có thành hiện thực hay không là tùy thuộc vào người khác – vào rất nhiều thứ khác không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Cuộc sống này là như vậy.
Nhiều lần, chúng ta phải thỏa hiệp – bởi vì những gì có hiệu quả với người này có thể sẽ không hiệu quả với người khác (ví dụ: một số người có động cơ làm việc là tiền lương – trong khi số khác lại tìm thấy động lực khi có thể tạo ra những thay đổi có ý nghĩa). Những gì từng hoạt động trước đây có thể sẽ không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại nữa. Đó là lý do vì sao ta nên luôn ưu tiên một cách tiếp cận mang tính tình huống (situational approach) trong mọi trường hợp.
Nói tóm lại, what got you here won’t get you there.
What got you here won’t get you there
Câu nói yêu thích trích từ “What got you here won’t get you there”
Tác phẩm của Goldsmith có rất nhiều câu trích dẫn đáng nhớ. Tôi xin phép được liệt kê dưới đây một vài câu thực sự gây ấn tượng với tôi:
You are not managing you.
Dịch nghĩa: Công việc của bạn không phải là quản lý chính bạn.
The higher you go, the more your problems are behavioral.
Dịch nghĩa: Càng lên cao, bạn càng phải quan tâm đến những vấn đề liên quan đến hành vi.
When it’s hysterical, it’s historical.
Dịch nghĩa: Mọi rối loạn đều có nguyên nhân sâu xa từ trong quá khứ mà ra.
When somebody makes a suggestion or gives you ideas, you’re either going to learn MORE or learn NOTHING. But you’re not going to learn LESS.
Dịch nghĩa: Khi ai đó đề xuất một gợi ý hoặc ý tưởng với bạn, bạn sẽ chỉ có thể BIẾT THÊM (LEARN MORE) hoặc KHÔNG BIẾT THÊM (LEARN NOTHING). Nhưng bạn sẽ không BIẾT ÍT ĐI (LEARN LESS).
Successful people become great leaders when they learn to shift the focus from themselves to others.
Dịch nghĩa: Những người thành công sẽ chỉ trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại khi họ học cách chuyển sự tập trung từ bản thân sang người khác.
What Got You Here Won’t Get You There
Lời kết
Và đó là toàn bộ bài đánh giá về tác phẩm “What got you here won’t get you there”. Tuy tôi không thể hứa rằng cuốn sách sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cá nhân, song tôi dám khẳng định chắc chắn rằng sau khi đọc nó, bạn sẽ trở thành một con người tốt hơn – cả trong cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua sách bản tiếng Anh tại Amazon qua link này. Hoặc trong trường hợp muốn đọc bản tiếng Việt, vui lòng tham khảo các trang dưới đây:
Ngoài ra, đừng quên ghé thăm kênh YouTube của Goldsmith, cũng như xem qua tác phẩm mới nhất của ông mang tên “The Earned Life” (tiếng Việt: Sống đời mãn nguyện) bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
- 14 sách hay về khám phá bản thân: Khởi đầu cho hành trình vạn dặm
- Review sách Bí mật của nước (Masaru Emoto): Thông điệp sự sống giữa thế giới hiện đại
- 10 hồi ký kinh doanh truyền cảm hứng cho khát vọng thành công
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!