12 cách phát triển trực giác: Kết nối với sức mạnh tiềm thức

how to develop your intuition
Trang chủ » Tự phản ánh » Vô thức » 12 cách phát triển trực giác: Kết nối với sức mạnh tiềm thức

Tổng hợp 12 cách phát triển trực giác nhạy bén để tăng cường nhận thức, ra quyết định khôn ngoan và thành công hơn trong cuộc sống.

Khi phải đối diện với một câu hỏi lớn hoặc một quyết định quan trọng, chúng ta thường tìm câu trả lời từ các nguồn bên ngoài như: Google, xin lời khuyên từ bạn bè và gia đình, tham khảo sách vở hoặc hướng dẫn từ các chuyên gia, v.v… Trong khi đó, ta lại thường hay bỏ qua nguồn thông tin quan trọng nhất: trực giác của chính mình.

Tiềm thức (subconscious mind) là nguồn gốc của tài năng tiềm ẩn trong bạn. Thông qua sức mạnh tiềm thức, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức cần thiết để hành động đúng hướng. Đây là quy luật chung cho tất cả mọi người, không chỉ với những ai tự cho mình là “nhà ngoại cảm” hay có trực giác nhạy bén.

Trực giác là gì?

Trực giác là sự đắm chìm đột ngột của tâm linh vào dòng chảy chung của cuộc sống”

Trích “Nhà giả kim” – Paulo Coelho

Về cơ bản, trực giác (còn được biết đến với tên gọi nôm na “giác quan thứ 6”) là cách tiềm thức giao tiếp với tâm trí có ý thức của chúng ta – khi bạn cảm nhận điều gì đó mà không thực sự hiểu rõ về nó, một bản năng hoặc linh cảm xuất hiện trong đầu bạn mà không rõ từ đâu ra. Nói cách khác, đây là thông tin mà chúng ta biết, nhưng chưa trải qua lý luận một cách có ý thức.

Ví dụ về trực giác

Bạn đã từng bao giờ đang nghĩ về ai đó – và bất ngờ, điện thoại đổ chuông, và người bạn nghĩ tới đang ở bên kia đường dây?

Hay, bạn đã bao giờ cảm thấy như ai đó đang theo dõi mình – và khi quay lại, bạn thấy một người đang nhìn chằm chằm vào bạn từ xa?

Trên đây chỉ là hai ví dụ về cách trực giác của bạn hoạt động hằng ngày.

Bạn có thể tin rằng trực giác là một khái niệm siêu tự nhiên – hoặc đơn giản là não bộ đang phân tích các sự kiện ở cấp độ tiềm thức và gửi cho bạn tín hiệu “linh cảm” dựa trên phân tích đó. Dù thế nào đi nữa, không thể phủ nhận một điều: Trực giác là một năng lực mạnh mẽ trong kinh doanh. Donald Trump và Conrad Hilton chỉ là hai ví dụ trong số những doanh nhân đã dựa vào trực giác để đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh hơn.

Vì sao cần học cách phát triển trực giác?

“Tại sao chúng ta phải lắng nghe trái tim mình?”

“Bởi vì, trái tim cậu ở đâu, thì kho báu cậu tìm cũng ở đó.”

Paulo Coelho

Bạn có thể – và nên – tin tưởng vào trực giác của bản thân. Đây là một “vũ khí” vô cùng lợi hại, hình thành từ kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, và sẽ càng trở nên “sắc bén” hơn khi ta trưởng thành và hiểu biết hơn về thế giới.

Judith Orloff – Giáo sư tâm thần học tại UCLA, tác giả cuốn Hướng dẫn Chữa bệnh bằng Trực giác (Guide to Intuitive Healing) – đánh giá rất cao tầm quan trọng của trực giác. “Đây là nguồn cung cấp cho bạn tất cả các loại thông tin mà bạn thường không có. Trực giác không phải do kết quả phân tích của não bộ; đây là một loại kiến thức phi tuyến tính. Một hình thức trí tuệ bổ sung. Bạn phải biết cách tận dụng nó.”

Tương tự như khả năng ghi nhớ, tư duy phản biện và trí thông minh, trực giác là một năng lực tư duy cần củng cố và vận dụng để phát triển bản thân và đạt tới thành công đột phá trong cuộc sống.

cách phát triển trực giác

12 cách phát triển trực giác nhạy bén

Một số người có trực giác nhạy bén hơn so với người khác. Tuy nhiên, thực tế đây là kỹ năng chung cho tất cả mọi người.

Nếu thuộc tuýp người lý trí, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình rèn luyện trực giác. Thế nhưng, chỉ cần thực hành theo 12 mẹo sau đây, bạn sẽ dần nắm rõ cách phát triển trực giác và ra quyết định khôn ngoan hơn.

  1. Nhận biết thời điểm trực giác lên tiếng

Để kết nối với những tín hiệu của trực giác hay “giác quan thứ 6”, bạn cần phát triển óc quan sát đối với tất cả mọi dấu hiệu tiếp nhận qua 5 giác quan thông thường. Các tín hiệu trực giác thường không rõ ràng – nhưng xuất hiện dưới các hình thức tinh tế, theo nhiều cách khác nhau tùy vào từng người.

Lấy ví dụ:

  • Bạn có thể nhận thấy hoạt động của trực giác thông qua các dấu hiệu trực quan, những hình ảnh “chớp sáng” xuất hiện bất ngờ trong tâm trí.
  • Trực giác có thể giao tiếp với bạn dưới hình thức một linh cảm, suy nghĩ hoặc bằng lời nói. Ngoài ra, đó cũng có thể là một cảm giác thể lý (ví dụ: nổi da gà, khó chịu trong người, cảm giác nhẹ nhõm, vị đắng trong miệng…).
  • Một số trường hợp khác, bạn có thể nhận được những thông điệp trực giác thông qua cảm xúc – chẳng hạn như cảm giác không thoải mái, bối rối, hưng phấn, bình yên sâu sắc.
  • Đôi khi thông điệp trực giác chỉ đơn giản là một cảm giác hiểu biết sâu sắc và tin tưởng chắc chắn. Nếu bạn từng cảm thấy rằng bản thân biết điều gì đó là đúng trong sâu thẳm trái tim hoặc tâm hồn, rất có thể đó là một thông điệp trực giác gửi đến cho bạn.
  1. Rèn luyện trực giác thông qua thiền định

Các tín hiệu trực giác thường rất khó nhận ra, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội nhiều thông tin như hiện nay. Vì vậy, việc dành những khoảng thời gian yên lặng sẽ giúp bạn lắng nghe và diễn giải những thông điệp trên rõ ràng hơn. Thiền định là công cụ tuyệt vời cho mục đích này.

Cách phát triển trực giác là thực hành thiền định thường xuyên – nhằm xóa tan những phiền nhiễu trong tâm trí và tăng cường nhận thức đối với những tín hiệu tiềm thức bên trong. Chỉ 10 phút thiền mỗi ngày cũng đủ để mở rộng ý thức của bạn thông qua lời nói, hình ảnh, cảm xúc và giác quan thể lý.

  1. Chú ý đến những giấc mơ của bạn

Khi tâm trí có ý thức quá bận rộn, phần não phải và tâm trí tiềm thức – nguồn gốc của trực giác – sẽ bị phai mờ đi. Ngược lại, trong giấc ngủ, tâm trí có ý thức sẽ được nghỉ ngơi – từ đó mở ra không gian cho tiềm thức hoạt động.

  1. Dành thời gian kiểm tra trực giác mỗi ngày

Cuộc sống bận rộn hằng ngày khiến ta dễ dàng quên đi việc chiêm niệm chính mình mỗi ngày. Sự khôn ngoan lớn nhất chỉ đến khi bạn thực sự sẵn sàng đón nhận.

Vì thế, bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để lắng nghe các tín hiệu trực giác một cách có ý thức. Đây là điều đặc biệt cần thiết khi bạn cần đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào. Tìm kiếm câu trả lời từ bên trong chính bạn, cân nhắc những điều có khả năng xảy ra – trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Việc chiêm nghiệm hằng ngày đồng thời cũng là phương thức tuyệt vời giúp nâng cao nhận thức, khả năng thấu hiểu và làm chủ cảm xúc bản thân.

  1. Sống chậm hơn

Khi cuộc sống quá bận rộn, chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn không thể nhận ra các tín hiệu của trực giác. Cách phát triển trực giác là hãy sẵn sàng bấm nút “Dừng” khi cần thiết. Nếu có điều kiện, hãy dành thời gian đi nghỉ dưỡng, hoặc đơn thuần trải nghiệm một môi trường mới mà không cần chuẩn bị kế hoạch gì trước.

Đi du lịch, gần gũi với thế giới tự nhiên, tránh xa các tiện ích công nghệ… sẽ góp phần “khởi động lại” năng lực trực giác nguyên thủy – từng giúp con người bảo vệ chính mình trước thời tiết, thú săn mồi và các mối nguy từ tự nhiên khác.

  1. Đặt câu hỏi

Cách phát triển trực giác không phải là tiếp thu kiểu thụ động. Thay vào đó, hãy chủ động tìm hiểu cụ thể về thông tin bạn cần – cũng như loại câu trả lời bạn đang tìm kiếm. Câu hỏi càng cụ thể bao nhiêu, các tín hiệu trực giác sẽ càng chi tiết bấy nhiêu.

Đọc thêm: Tự vấn bản thân – Ý nghĩa & cách thực hành

cách phát triển trực giác

  1. Viết ra câu trả lời của bạn

Các thông điệp trực giác rất tinh tế và có thể biến mất khỏi tâm trí bạn rất nhanh – trừ khi bạn ghi lại chúng. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những tín hiệu trực giác không được ghi chú lại trong vòng 37 giây có thể sẽ không bao giờ xuất hiện lại nữa.

Viết nhật ký là giải pháp hoàn hảo cho mục đích này. Chỉ 5-10 phút mỗi ngày, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn lại những thông điệp được bày ra trước mắt mình! Không chỉ có vậy – tham gia các hoạt động sáng tạo như vẽ, làm sổ lưu niệm, v.v… cũng là cách phát triển trực giác và nâng cao năng lực tư duy sáng tạo.

  1. Học hỏi từ quá khứ

Hãy thử nhớ lại một trải nghiệm tiêu cực gần đây. Trước khi điều đó xảy ra, bạn có cảm thấy cảm xúc nào thôi thúc bản thân hay không? Bạn có cảm thấy điều gì đó không ổn, hoặc một giấc mơ báo trước điều không hay sắp xảy đến? Nếu có, bạn đã chú ý đến cảm giác, giấc mơ đó không – hay bạn đã mặc kệ nó?

Hãy cố gắng hình dung lại chính xác cảm giác của bạn – càng chi tiết càng tốt. Càng hình dung cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng học được cách kết nối và tin tưởng vào trực giác vào lần tới bấy nhiêu.

Đọc thêm: Sống trong quá khứ – Trở ngại trên hành trình thay đổi

  1. Tập trung vào cảm giác hơn là lý trí

Nếu như trí óc chúng ta luôn nghi ngờ những điều không chắc chắn và tự tranh luận với chính nó – thì ngược lại, trực giác chỉ đơn thuần cảm nhận. Để học cách phát triển trực giác, bạn cần giảm bớt những suy nghĩ lý trí – đồng thời nỗ lực lắng nghe cảm xúc bản thân hơn.

  1. Gắn liền với các giá trị bản thân

Lý trí có thể khiến bạn rời xa những giá trị cốt lõi của bản thân – thế nhưng, điều này không bao giờ xảy ra với trực giác của bạn. Hãy hình dung ra cảm giác của bạn khi phản bội các giá trị của mình – và ngược lại. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu hình thành cảm nhận rõ ràng hơn về hoạt động của trực giác.

  1. Hành động ngay lập tức

Vũ trụ luôn ban thưởng cho những ai dám hành động – và trực giác của bạn cũng vậy. Khi bạn hành động dựa trên các tín hiệu trực giác, bạn sẽ “mở ra” kênh kết nối giữa tiềm thức và ý thức của mình. Đây sẽ là cơ sở giúp bạn nhận được nhiều thông điệp trực quan, mạnh mẽ hơn.

Nếu như bạn thật sự mong muốn điều gì, toàn thể vũ trụ sẽ giúp bạn có được nó.

Paulo Coelho

  1. Tin tưởng bản thân

Đừng tỏ ra hoài nghi khi bạn cảm nhận một linh cảm trực giác đến với mình. Thông thường, tâm trí có ý thức thường có xu hướng tranh luận – hơn là tin tưởng.

Bạn càng tin tưởng vào trực giác của mình bao nhiêu, kết quả thu về sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Dù mục đích của bạn là nâng cao khả năng ra quyết định, giải quyết vấn đề nhanh hơn, hay lập kế hoạch cho cuộc đời, bạn sẽ đạt được mục tiêu nhanh và hiệu quả hơn khi học cách phát triển trực giác và lắng nghe những tín hiệu từ trong tiềm thức của bạn.

Tin tưởng vào trực giác cũng đồng thời là tin tưởng vào bản thân – càng tin tưởng mạnh mẽ bao nhiêu, thành công sẽ càng đến với bạn nhiều bấy nhiêu.

Đọc thêm: Luật hấp dẫn – Bí quyết thu hút thành công & hạnh phúc vào cuộc sống

cách phát triển trực giác

Lời kết

Rèn luyện trực giác nhạy bén là một hành trình khó khăn – đặc biệt nếu bạn thuộc tuýp người lý trí, hoặc thiếu tin tưởng vào bản thân, dễ “chao đảo” trước ý kiến của mọi người xung quanh. Hy vọng 12 mẹo trên đây sẽ hỗ trợ bạn học cách phát triển trực giác, trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn mỗi ngày.

Tham khảo

18 Ways To Develop & Strengthen Your Intuition. https://www.mindbodygreen.com/0-17693/18-ways-to-strengthen-your-intuition.html.

Here’s a Quick Way to Develop Your Intuition. https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-empowerment-diary/201612/heres-quick-way-develop-your-intuition.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status