Phát triển bản thân: Ý nghĩa, lộ trình & 9 bí quyết thực hành mỗi ngày

personal development
Trang chủ » Tự nhận thức » Phát triển cá nhân » Phát triển bản thân: Ý nghĩa, lộ trình & 9 bí quyết thực hành mỗi ngày

Tổng quan về các kỹ năng phát triển bản thân, lộ trình & bí quyết tối đa hóa tiềm năng cá nhân cho mục tiêu thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Một trong những quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất bạn có thể đưa ra cho chính mình là nỗ lực phát triển bản thân không ngừng. Có rất nhiều điều mà mỗi chúng ta đều mong muốn cho chính mình – nâng cao chất lượng cuộc sống, thành công hơn, sống tốt hơn, phát huy toàn bộ khả năng của mình. Đó là lý do vì sao ta luôn đặt ra các mục tiêu phát triển cá nhân trong cuộc sống.

Mặc dù quá trình phát triển đầu đời và những trải nghiệm trong gia đình, ở trường học, v.v… sẽ tác động đến chúng ta khi trưởng thành, phát triển bản thân là một hành trình không có điểm dừng. Sau đây, tôi xin phép chia sẻ một số nội dung hữu ích để giúp bạn suy nghĩ về sự phát triển cá nhân – cũng như cách bạn có thể hành động để hiện thực hóa mục tiêu và tiềm năng trọn vẹn của mình.

Phát triển bản thân là gì?

Phát triển bản thân (personal development) là quá trình diễn ra suốt đời. Trong đó, mỗi cá nhân luôn không ngừng đánh giá kỹ năng và phẩm chất của họ, xem xét ý nghĩa cuộc sống, đặt mục tiêu để phát triển tiềm năng bản thân trọn vẹn. Những điều kể trên có thể đạt được thông qua giáo dục, lời khuyên từ một chuyên gia cố vấn, do chính nỗ lực của mình, v.v…

Ví dụ về các hoạt động/ mục tiêu phát triển bản thân:

  • Trau dồi khả năng phục hồi (resilience).
  • Học cách nói “không”.
  • Áp dụng tư duy cầu tiến.
  • Học cách thấu hiểu cảm xúc.
  • Trở nên chủ động hơn.
  • Hình thành thói quen thức dậy sớm.
  • Tập trung cải thiện mối quan hệ tại nơi làm việc.
  • v.v…

Vì sao con người có nhu cầu phát triển bản thân?

Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này – một trong số đó là lý thuyết hiện thực hóa bản thân (self-actualization) của Abraham Maslow. Maslow (1970) cho rằng tất cả các cá nhân đều có nhu cầu phát triển bản thân, xảy ra thông qua một quá trình với tên gọi tự hiện thực hóa (self-actualization).

Khả năng phát triển của từng người phụ thuộc vào những nhu cầu nhất định được đáp ứng – những nhu cầu này tạo thành một hệ thống phân cấp. Chỉ khi một mức độ nhu cầu được thỏa mãn thì mức độ cao hơn mới có thể xuất hiện. Tuy nhiên, khi sự thay đổi xảy ra trong suốt cuộc đời, mức độ nhu cầu thúc đẩy hành vi của một người tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ thay đổi.

  • Ở dưới cùng của hệ thống phân cấp là những nhu cầu sinh lý cơ bản về thức ăn, thức uống, tình dục và giấc ngủ – tức là những yếu tố cơ bản cần thiết để tồn tại.
  • Thứ hai, là các nhu cầu về an toàn và an ninh theo cả nghĩa vật chất và kinh tế.
  • Thứ ba, sự tiến bộ có thể được thực hiện để thỏa mãn nhu cầu yêu thương và thuộc về (belonging).
  • Tầng thứ tư đề cập đến việc đáp ứng nhu cầu về lòng tự trọng và giá trị bản thân. Đây là cấp độ liên quan mật thiết nhất đến việc trao quyền và ý tưởng phát triển bản thân.
  • Tầng thứ năm liên quan đến nhu cầu thấu hiểu (understand). Cấp độ này bao gồm những ý tưởng trừu tượng hơn như: sự tò mò, mong muốn tìm kiếm ý nghĩa, mục đích và hiểu biết sâu sắc hơn.
  • Thứ sáu là nhu cầu thẩm mỹ về vẻ đẹp, sự cân xứng và trật tự.
  • Cuối cùng, ở đầu hệ thống phân cấp của Maslow là nhu cầu hiện thực hóa lý tưởng bản thân.

tháp nhu cầu Maslow self-actualization

Maslow (1970, trang 383) cho rằng tất cả cá nhân đều có nhu cầu nhận thấy bản thân là người có năng lực và tự chủ, rằng mỗi người đều có tiềm năng phát triển vô hạn.

Tự hiện thực hóa (self-actualization) là mong muốn “trở thành mọi thứ mà họ có khả năng trở thành” (be all you can be). Nói cách khác, thuật ngữ này đề cập đến mong muốn hoàn thiện bản thân và nhu cầu phát huy hết tiềm năng như một con người duy nhất.

Đối với Maslow, con đường để tự hiện thực hóa bao gồm việc hiểu biết và làm chủ cảm xúc của bạn, trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn và tập trung hoàn toàn.

(Maslow, A. H. (1970), Động lực và Tính cách, (Tái bản lần thứ 2), Harper & Row, New York)

6 lợi ích tuyệt vời của phát triển bản thân

Thật khó để lưu giữ lại những gì chúng ta đã không đạt được thông qua phát triển cá nhân.

Jim Rohn

Tại sao phải phát triển bản thân? Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này. Sau đây là tổng hợp 6 lợi ích quan trọng nhất của tư duy phát triển bản thân:

  • Tự nhận thức. Nhận thức về bản thân (self-awareness) là xuất phát điểm của mọi sự. Bạn biết con người thật của mình – những giá trị, niềm tinmục đích bạn muốn theo đuổi. Để sống hạnh phúc lâu dài, bạn cần “thiết kế” cuộc sống của mình dựa trên con người của chính bạn. Sau đó, bạn có thể theo đuổi mục tiêu của riêng mình.
  • Ý thức về phương hướng. Một khi đã nâng cao nhận thức về bản thân, bạn sẽ rõ ràng hơn về những điều bạn mong muốn từ cuộc sống. Từ đó, bạn có thể loại bỏ bất cứ điều gì không đưa bạn theo hướng đó. Trong quá trình này, bạn có thể ứng dụng nguyên tắc 80/20 để xác định những yếu tố quan trọng giúp bạn đi đúng hướng với tốc độ nhanh và hiệu quả nhất.
  • Cải thiện sự tập trung. Cùng với quá trình phát triển bản thân, chúng ta cũng dần ý thức sâu sắc hơn về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. Bạn hiểu rõ hơn mục tiêu của mình – cũng như nhanh chóng xác định nhiệm vụ nào sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt nhất với các nguồn lực có sẵn tại thời điểm hiện tại.
  • Thêm động lực. Khi biết mình muốn đạt được điều gì, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy lợi ích của việc hành động ngay bây giờ. Kể cả khi không thích thú với nhiệm vụ trước mắt – nếu bạn có thể nhận thấy rõ lợi ích của nó, bạn sẽ có động lực hơn để thực hiện hành động cần thiết.
  • Khả năng phục hồi (resilience) mạnh mẽ hơn. Trong cuộc sống, sẽ luôn có những thời điểm khó khăn. Khi đó, bạn cần phải có các kỹ năng đối phó hiệu quả. Quá trình phát triển bản nhân không thể ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra – nhưng nó sẽ giúp bạn xử lý vấn đề tốt hơn. Bạn sẽ có thêm sự tự tin, khả năng phục hồi, các kỹ năng cá nhân và giao tiếp để thích ứng với mọi tình huống.
  • Các mối quan hệ viên mãn hơn. Khi cải thiện chính mình, bạn đồng thời cũng sẽ nhận thấy rõ hơn mối quan hệ nào đáng để đầu tư – cũng như mối quan hệ nào cần phải “cắt bỏ”. Đây là cơ hội để bạn học cách tận dụng tối đa những mối quan hệ tác động tích cực nhất đến cuộc sống của mình.

Thu nhập hiếm khi có tầm quan trọng lớn hơn so với phát triển cá nhân.

Jim Rohn

phát triển bản thân personal development

Kỹ năng phát triển bản thân

Chúng ta là kết quả của những hành động lặp đi lặp lại. Sự xuất sắc không phải là một hành động, mà là một thói quen.

Will Durant

Kỹ năng phát triển bản thân (personal development skills) là những phẩm chất và năng lực giúp bạn phát triển cả về góc độ cá nhân và nghề nghiệp. Nói cách khác, đây là những kỹ năng giúp bạn nuôi dưỡng sự phát triển chính mình. Hiểu và cải thiện những kỹ năng này sẽ hỗ trợ bạn phát huy tối đa tiềm năng trong bạn.

Sở hữu các kỹ năng phát triển bản thân tốt cho phép bạn lập ra kế hoạch chiến lược và chiến thuật để đưa cuộc sống và nghề nghiệp hướng tới mục đích mong muốn. Mỗi chúng ta đều cần trau dồi những kỹ năng này – biến chúng thành thói quen hàng ngày một cách tự nhiên để:

  • Đạt được các mục tiêu cá nhân và sự nghiệp.
  • Thăng tiến trong công việc.
  • Cải thiện điểm mạnh và tài năng của bạn.
  • Làm cho bản thân trở nên tốt hơn.
  • Tìm kiếm sự thỏa mãn và hài lòng trong cuộc sống.

Kỹ năng hoàn thiện và phát triển bản thân là những đặc điểm/ phẩm chất sẵn có – hoặc đạt được thông qua giáo dục và đào tạo. Mỗi người sẽ cần đến những năng lực khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu riêng. Dưới đây là một số ví dụ về các kỹ năng thường thấy nơi người thành công:

  • Giao tiếp.
  • Sắp xếp & Tổ chức.
  • Giải quyết vấn đề.
  • Tự tin.
  • Thích ứng.
  • Chính trực.
  • Đạo đức làm việc.
  • Lãnh đạo & Quản lý.
  • v.v…

Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?

Các khía cạnh của phát triển cá nhân

  • Sức khỏe thể chất: Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng.
  • Tự chủ tài chính: Lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư, quản lý chi tiêu hợp lý.
  • Kết nối xã hội: Dành thời gian cho người thân, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng mối quan hệ mới.
  • Trí tuệ cảm xúc: Rèn luyện năng lực tự nhận thức, quản lý cảm xúc, đồng cảm và kỹ năng giao tiếp.
  • Sự viên mãn về mặt tinh thần: Tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống, cùng cảm giác bình yên, hạnh phúc và biết ơn qua các hoạt động như thiền, yoga, sở thích cá nhân, kết nối với thiên nhiên, giúp đỡ người khác, v.v…
  • Phát triển trí tuệ: Tăng cường khả năng học hỏi, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thích ứng thông qua đọc sách, học hỏi những điều mới, tham gia các khóa học, giải câu đố, chơi trò chơi trí tuệ.

Thành công không gì khác hơn là một vài kỷ luật đơn giản, được thực hành mỗi ngày.

Jim Rohn

6 rào cản lớn nhất trên hành trình phát triển bản thân

(nguồn: marshallgoldsmith.com)

Chìa khóa để phát triển bản thân nằm ở việc đặt ra và nỗ lực hướng tới các mục tiêu có ý nghĩa. Thế nhưng trên thực tế, việc thực hành lại không hề đơn giản. Phần lớn chúng ta đều rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường” – vì những lý do chính sau:

  • Khả năng tự chủ: Chúng ta thường có xu hướng dễ từ bỏ khi nghi ngờ hiệu quả/ tính khả thi của kế hoạch đề ra. Nói cách khác, cam kết cá nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mục tiêu thay đổi hành vi lâu dài.
  • Thời gian: Kỳ vọng không thực tế về thời gian cần thiết để thay đổi thường dẫn đến tình trạng thất vọng và bỏ cuộc. Do đó, chúng ta cần nhận thức được lộ trình của quá trình phát triển – cũng như về kỳ vọng của những người xung quanh.
  • Khó khăn: Sự thay đổi thực sự đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật. Việc ý thức trước những thách thức có thể phải đối mặt trên đường đi sẽ giảm bớt rủi ro mất tinh thần và bỏ cuộc giữa chừng.
  • Sự xao nhãng: Đánh giá thấp tác động của sự xao nhãng/ xung đột giữa các mục tiêu với nhau là lý do cản trở sự tiến bộ của nhiều người. Trước khi lên kế hoạch thay đổi, chúng ta cần hình dung trước biện pháp đối phó với những thách thức bất ngờ và dành thời gian để giải quyết chúng.
  • Mong muốn phần thưởng: Chúng ta thường mong đợi phần thưởng ngay lập tức cho những nỗ lực của mình – tuy nhiên, phát triển bản thân là một khoản đầu tư dài hạn. Bằng cách ý thức được thực tế này, mỗi người sẽ có thể không rơi vào cảm xúc thất vọng và muốn từ bỏ sớm khi không đạt được thành quả nhanh chóng.
  • Duy trì: Đạt được mục tiêu là một chuyện; duy trì hành vi đã thay đổi là chuyện khác. Việc thừa nhận rằng thay đổi là một quá trình cả đời và đòi hỏi nỗ lực liên tục là rất quan trọng để đảm bảo thành công bền vững.

Để đạt được kết quả lâu dài, mỗi chúng ta cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng và thử thách, nhận thức rõ ràng về cam kết cần thiết, cũng như sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ (ví dụ: thông qua coaching) để có thể vượt qua những thách thức của hành trình thay đổi hành vi.

Hãy kết nối sự mãn nguyện của bạn vào một điều gì đó lớn lao hơn là tham vọng cá nhân đơn thuần.

Marshall Goldsmith

phát triển bản thân personal development

Phương pháp lên kế hoạch phát triển bản thân

Cuộc sống giống như một ván cờ vua. Để chiến thắng, bạn phải tính toán mỗi nước đi. Biết nước cờ nào cần đi kèm với SỰ THẤU HIỂU và kiến ​​thức, và bằng cách học hỏi từ những bài học tích lũy trong suốt chặng đường. Chúng ta trở thành từng quân cờ trong trò chơi mang tên cuộc sống!

Allan Rufus

  1. Tự suy ngẫm và thiết lập mục tiêu

Đầu tiên, bạn phải tự vấn và đánh giá lại hệ giá trị, nguyện vọng và hoàn cảnh sống hiện tại của mình – bao gồm các lĩnh vực có thể cải thiện, cả về phương diện cá nhân, nghề nghiệp, sức khỏe và mối quan hệ. Ví dụ:

Khía cạnhNội dung
Đời sống cá nhân
Tôi thường bị bệnh “lề mề” và hay trì hoãn – căn bệnh này đang gây cản trở đáng kể đến năng suất và việc hiện thực hóa mục tiêu của tôi. Ngoài ra, tôi cũng thường hay cảm thấy lo lắng và lúng túng khi phát biểu trước đám đông.
Sự nghiệp
Tôi đang nhắm đến mục tiêu thăng chức trong năm tới, nhưng tôi cần phát triển kỹ năng lãnh đạo và thể hiện khả năng quản lý dự án khó. Tôi cũng mong muốn mở rộng mạng lưới quan hệ của mình trong ngành.
Sức khỏe
Gần đây, sức khỏe thể chất của tôi bị tụt hậu, nên tôi muốn ưu tiên tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh. Tôi cũng đồng thời muốn tìm cách quản lý căng thẳng hiệu quả hơn.
Quan hệ xã hội
Đôi khi tôi gặp khó khăn trong việc giao tiếp quyết đoán với những người thân yêu, nên hay bị hiểu lầm. Tôi muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp và củng cố các mối quan hệ của mình.

Bước tiếp theo, bạn hãy biên soạn một danh sách chi tiết các mục tiêu của bạn, kèm theo ghi chú về tầm quan trọng của chúng. Hãy đảm bảo rằng các mục tiêu của bạn tuân thủ tiêu chí SMART. Lời khuyên là bạn nên bắt đầu với những “cột mốc” nhỏ, vừa tầm để tạo động lực – và đảm bảo rằng tất cả đều xuất phát từ động lực bên trong chứ không phải do áp lực bên ngoài từ xã hội/ người thân. Ví dụ:

Khía cạnhMục tiêu
Hoạt động cần làm
Đời sống cá nhânVượt qua bệnh lề mề & hoàn thành công việc đúng thời hạn
Triển khai hệ thống quản lý thời gian & đặt ra thời hạn (deadline) thực tế
 Cải thiện kỹ năng nói trước công chúng
Tham gia câu lạc bộ Toastmasters hoặc khóa học nói trước công chúng
Sự nghiệpĐược thăng chức lên Giám đốc marketing cấp cao trong vòng một năm
Đăng ký chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo; tình nguyện tham gia các dự án thiên về xây dựng tầm nhìn
 Mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp
Tham dự các sự kiện trong ngành & kết nối trên LinkedIn
Sức khỏeTập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút, 3 lần một tuần
Đến phòng gym hoặc tìm một người bạn cùng tập luyện để duy trì tinh thần trách nhiệm
 Thực hành chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả
Chuẩn bị trước bữa trưa và bữa ăn nhẹ lành mạnh
Quan hệ xã hộiGiao tiếp quyết đoán và bày tỏ nhu cầu cá nhân cách hiệu quả
Luyện tập lắng nghe tích cực & tập nói các câu bắt đầu bằng chủ ngữ “Tôi”

Ngoài việc xác định mục tiêu, bạn cũng nên suy ngẫm về các kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra – qua việc đánh giá điểm mạnh – yếu hiện tại, cũng như hình dung ra lộ trình nâng cao và tiếp thu các kỹ năng mới. Ví dụ:

Mục tiêuKỹ năng
Quản lý thời gian
Sử dụng công cụ quản lý dự án, kỹ thuật sắp xếp thứ tự ưu tiên
Nói trước công chúng
Kỹ năng thuyết trình, luyện giọng nói, ngôn ngữ cơ thể
Lãnh đạo
Giao tiếp, ủy quyền, giải quyết xung đột
Networking
Bắt đầu cuộc trò chuyện, xây dựng mối quan hệ, follow up
Thể hình
Thói quen tập thể dục, thiết lập chế độ ăn lành mạnh
Giao tiếp
Lắng nghe tích cực, giao tiếp quyết đoán
  1. Lập kế hoạch hành động & tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ

Đối với mỗi mục tiêu và kỹ năng, hãy xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết phác thảo các nhiệm vụ, nguồn lực và chiến lược bạn sẽ sử dụng để hoàn thành chúng. Cố gắng đặt thời hạn thực tế cho từng bước – cũng như đừng quên ưu tiên những việc quan trọng/khẩn cấp nhất. Các nguồn như sách vở, khóa học, hội thảo hoặc đối tác chịu trách nhiệm (accountability partner) sẽ giúp hỗ trợ hành trình học tập và phát triển toàn diện của bạn.

  1. Thực hiện & theo dõi tiến độ

Hãy dành các khoảng thời gian cụ thể trong lịch trình mỗi ngày để tập trung vào các mục tiêu Kế hoạch Phát triển Cá nhân (PDP). Thực hành nhất quán là chìa khóa để đảm bảo rằng mọi nỗ lực của bạn sẽ mang lại kết quả. Để đo lường tiến độ cũng như học hỏi từ các cơ hội/ thách thức trên đường đi, bạn có thể áp dụng các công cụ như nhật ký, danh sách kiểm tra (checklist), biểu đồ hoặc ứng dụng (app).

Thay đổi là điều không thể tránh khỏi trên hoàn trình phát triển. Do đó, đừng ngại thay đổi mục tiêu/ lộ trình cho thống nhất với thực tế – cũng như đặt ra các “cột mốc” mới để thử thách chính mình. Và cũng đừng quên dành thời gian kỷ niệm mỗi khi vượt qua được một chặng đường trong lộ trình đề ra bạn nhé!

Thấu hiểu người khác là trí tuệ; thấu hiểu chính mình là sự khôn ngoan thực sự. Làm chủ người khác là sức mạnh; nhưng làm chủ chính mình mới là chân sức mạnh.

Lão Tử

9 bí quyết phát triển bản thân toàn diện

Khi đã ý thức sâu sắc về những lợi ích kể trên đây, bước tiếp theo của bạn là lên chiến lược phát triển bản thân và hành động ngay hôm nay – bằng cách tham gia các khóa học kỹ năng phát triển bản thân, học hỏi từ người xung quanh, luyện tập những tài năng mới và cải thiện những năng lực hiện có.

Sau đây, tôi xin gợi ý đến bạn đọc 9 cách phát triển bản thân mỗi ngày mà bạn có thể ứng dụng ngay từ hôm nay.

9 bí quyết phát triển bản thân

  1. Vượt qua nỗi sợ hãi

Sợ hãi là rào cản lớn nhất ngăn cản sự tiến bộ – và nguyên tắc để phát triển bản thân trước tiên là phải “chiến thắng” cảm giác đó. Ví dụ, nếu bạn sợ nói trước đám đông, hãy tham gia một lớp học hoặc hội nhóm giúp bạn có cơ hội thực hành kỹ năng phát biểu trước công chúng nhiều hơn. Nếu bạn sợ rủi ro, hãy tìm một chuyên gia huấn luyện (coaching) có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn và xây dựng sự tự tin cho bạn.

Hãy luôn không ngừng phát triển và học hỏi – bằng cách thử nghiệm những điều có thể khiến bạn không cảm thấy thoải mái. Nếu bạn là người nhút nhát, hãy thử bắt đầu một cuộc trò chuyện hoặc giới thiệu bản thân với những người mới tại buổi hội thảo sắp tới bạn nhé!

  1. Đọc

Lợi ích của đọc sách, báo, tài liệu… không chỉ dừng lại ở cập nhật thông tin, mở rộng kiến thức và vốn từ vựng. Đây còn là cơ hội quý giá giúp kích thích trí não, cải thiện kỹ năng tư duy phản biện. Hãy thử đặt mục tiêu đọc ít nhất một bài báo giáo dục hoặc động lực mỗi ngày, hoặc một cuốn sách mỗi tháng – và bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy mình tiến nhanh như thế nào trong hành trình phát triển bản thân sau đó!

Khi nói đến sách phát triển bản thân, có rất nhiều lựa chọn đáng để bạn cân nhắc. Dưới đây, tôi xin gợi ý đến bạn đọc một số cuốn sách phát triển bản thân hay nhất dành cho mọi đối tượng:

Tổng hợp những trang web giúp phát triển bản thân:

  1. Học một điều gì mới

Nếu có thời gian rảnh, hãy đầu tư học một kỹ năng hoặc chủ đề mới – dù là tự học hay đăng ký lớp đào tạo chính quy. Học tập để hoàn thiện nhân cách và trở nên tốt hơn mỗi ngày. Ví dụ, bạn có thể tham gia các khóa học về một ngôn ngữ khác, một chương trình phần mềm mới, hoặc cách viết nội dung (content) sáng tạo.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc đăng ký tham gia hội thảo trực tuyến về các chủ đề phát triển nghề nghiệp như: tinh thần kinh doanh, tiếp thị trên mạng xã hội (social media marketing)… thực sự rất đáng để bạn cân nhắc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những phần mềm phát triển bản thân để đảm bảo quá trình học hỏi của bạn diễn ra liên tục hằng ngày.

Tiếp thu những gì hữu ích, loại bỏ những gì không hữu ích, và thêm vào đó những gì độc đáo của riêng bạn.

Lý Tiểu Long

  1. Yêu cầu phản hồi

Hãy tiếp cận một thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người quản lý và xin họ cho phản hồi (feedback) về một dự án hoặc thành tích gần đây của bạn. Dù là nhận xét tích cực hay phê bình mang tính xây dựng, hãy tỏ ra coachable, lắng nghe chăm chú và tìm cách cải thiện. Đôi khi, bạn cần một ý kiến khách quan từ bên ngoài để có một cái nhìn khác về chính mình.

  1. Quan sát người khác

Khi có cơ hội, hãy quan sát và học hỏi từ những người truyền cảm hứng cho bạn. Đó có thể là người mà bạn biết như quản lý trực tiếp, thành viên gia đình, hoặc một nhân vật của công chúng. Xác định những phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ ở họ và cố gắng thực hành những phẩm chất đó trong chính bạn.

  1. Mở rộng mạng lưới quan hệ

Bằng cách tiếp xúc với nhiều kiểu người, bạn sẽ học được những ý tưởng mới – cũng như hiểu cách giao tiếp và làm việc với những kiểu tính cách khác nhau. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ và phát triển các mối quan hệ (network) hữu ích cho tương lai. Bạn có thể kết nối thông qua các tổ chức trong ngành và các nhóm chung sở thích, hoặc tham dự các hội nghị và sự kiện về những chủ đề mình quan tâm.

Mở rộng quan hệ là yêu cầu khá khó khăn nếu bạn thuộc tuýp người hướng nội (introvert). Tuy nhiên, việc thực hành mỗi ngày một sẽ phần nào giúp bạn thay đổi dần dần – trở nên tự tin và được mọi người yêu mến hơn.

Đọc thêm: Thế giới của người hướng nội – Vài dòng suy ngẫm về cuộc sống

  1. Viết nhật ký

Viết nhật ký hàng ngày hoặc hàng tuần sẽ giúp bạn tự nhận thức và suy ngẫm về các sự kiện, quyết định và cuộc trò chuyện gần đây. Bạn có thể viết tay, nhật ký riêng tư hoặc chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm phát triển bản thân thông qua blog cá nhân. Dù là cách nào, hãy sử dụng nó để thiết lập và đánh giá các mục tiêu – tiến độ đạt được.

  1. Thiền định

Nhiều người thiền định để đạt được sự minh mẫn, tỉnh táo, giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Thiền giúp bạn tập trung vào sự phát triển bản thân và các mục tiêu một cách lành mạnh, tích cực và điềm tĩnh. Ngay cả việc lên lịch nghỉ làm hoặc dành thời gian yên tĩnh cho bản thân cũng phần nào giúp bạn thư giãn và tập trung hơn.

  1. Tìm một người cố vấn (mentor)

Nếu bạn cần trợ giúp để xác định cách xây dựng kỹ năng phát triển bản thân, hãy nói chuyện với một người cố vấn. Đây có thể là một nhà quản lý, giáo sư, người mà bạn ngưỡng mộ hoặc một chuyên gia cố vấn phát triển cá nhân chuyên nghiệp.

Video mẫu kế hoạch phát triển bản thân – YouTube Jack Canfield

Đọc thêm: 22 câu chuyện thành công của những người nổi tiếng

Kỹ năng phát triển bản thân trong công việc

Việc thực hành kỹ năng phát triển bản thân không chỉ mang lại lợi ích cho cuộc sống của chính bạn – mà còn rất hữu ích tại nơi làm việc và giúp bạn nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp.

  • Học cách lắng nghe tích cực. Một phần của giao tiếp tốt là chú ý đến những gì người khác nói. Hãy cố gắng hiểu những gì đồng nghiệp – khách hàng đang trình bày, để bạn có thể ghi nhớ thông tin đó và phản hồi tốt nhất. Kỹ năng lắng nghe cần được thực hành trong mọi bối cảnh – từ trò chuyện điện thoại đến phỏng vấn tuyển dụng.
  • Phối hợp tốt với người khác. Kỹ năng xã hội tốt khiến bạn trở thành một thành viên có giá trị trong đội nhóm – thông qua việc cộng tác và thúc đẩy mọi người. Hãy trau dồi các kỹ năng xã hội để xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng và mọi đối tượng thuộc mọi hoàn cảnh khác nhau.
  • Sắp xếp thời gian, công việc và nguồn lực. Lập kế hoạch hành động để bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng nhất. Xác định những dự án cần ưu tiên để xử lý trước. Nếu tổ chức tốt, bạn sẽ có cơ hội hoàn thành công việc đúng thời hạn và cộng tác hiệu quả hơn với người khác.
  • Làm việc thông qua các tình huống thử thách. Khi giải quyết một vấn đề, hãy đánh giá các lựa chọn khả thi và xác định giải pháp tốt nhất. Những cá nhân biết suy nghĩ chín chắn và giải quyết vấn đề phức tạp sẽ có thể đưa ra quyết định tốt hơn – cả trong cuộc sống và công việc.
  • Tin tưởng vào chính mình. Nếu bạn tự tin vào quyết định của mình, những người khác cũng sẽ có lý do tin tưởng vào bạn hơn. Năng lượng tích cực này là chìa khóa tạo động lực và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
  • Thích ứng với thay đổi. Hãy luôn linh hoạt trước mọi thay đổi trong công việc và cuộc sống. Năng lực quản trị sự thay đổi sẽ giúp bạn làm việc cá nhân và đội nhóm hiệu quả hơn, quản lý nhiều dự án, làm việc trong nhiều điều kiện khác nhau, phát triển trí tuệ cảm xúc, sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới, v.v…
  • Hãy trung thực. Trung thực là nền tảng của mối quan hệ tích cực. Hãy luôn là người thực hành đạo đức tốt và đứng trên giá trị của bạn. Sự chính trực sẽ mang lại cho bạn thái độ tôn trọng, hài lòng và danh tiếng tốt trong công việc.
  • Tận tâm và đam mê công việc. Những người có đạo đức làm việc tốt có xu hướng làm việc hiệu quả, đáng tin cậy và quyết tâm làm việc có chất lượng. Tinh thần cống hiến này là chìa khóa giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn – cũng như tạo động lực cho các đồng nghiệp khác.
  • Hướng dẫn mọi người. Trở thành một nhà lãnh đạo tài năng đòi hỏi sự tự tin, tầm nhìn, năng lực giao tiếp, huấn luyện và đào tạo… Cấp lãnh đạo với những kỹ năng này sẽ giúp đội nhóm tiến bộ mà không phải kiểm soát quá gắt gao.

Danh ngôn về phát triển bản thân

Đừng phấn đấu để thành công, mà hãy phấn đấu để trở thành người có ích.

Albert Einstein

 

Người ta có thể chọn quay trở lại với sự an toàn – hoặc hướng tới sự phát triển. Sự tăng trưởng phải được lựa chọn lặp đi lặp lại; nỗi sợ hãi phải được vượt qua nhiều lần.

Abraham Maslow

 

Bạn không thể trở thành con người bạn muốn nếu cứ mãi là con người hiện tại.

Oprah Winfrey

 

20 năm nữa, bạn sẽ thất vọng vì những thứ mình không làm – hơn là những gì đã làm. Vì vậy, hãy tháo dây, cho thuyền rời bến, căng buồm đón gió, tìm tòi, ước mơ và khám phá đi!

Mark Twain

 

Hãy nhớ rằng kho tàng của bạn ở đâu, thì lòng trí của bạn cũng ở đó.

Paulo Coelho

 

Xem xét cẩn thận những lời chỉ trích, nhưng đừng cá nhân hóa. Nếu có sự thật và bài học trong lời chỉ trích thì hãy học hỏi từ đó. Nếu không, bạn không cần phải bận tâm về nó.

Hillary Clinton

 

Nhiều người trong số những người thất bại không nhận ra rằng họ đã tiến đến gần với thành công như thế nào khi họ quyết định từ bỏ.

Thomas Edison

 

Ý chí chiến thắng, khát khao thành công, mong muốn phát huy hết khả năng của mình… đó là những yếu tố cốt lõi làm nên bậc kỳ tài.

Khổng Tử

 

Hãy kiên nhẫn với chính mình. Phát triển bản thân là một hành trình vô cùng thiêng liêng. Không có khoản đầu tư nào lớn hơn cả.

Stephen Covey

 

Bạn được ngồi dưới bóng cây mát ngày hôm nay là nhờ ai đó đã trồng cây từ rất lâu rồi.

Warren Buffett

 

Thật vô ích khi đặt tính cách lên trên nhân cách và cố gắng cải thiện mối quan hệ với người khác trước khi cải thiện chính mình.

Stephen Covey

phát triển bản thân personal development

Lời kết

Phát triển bản thân đã và đang trở thành một đề tài nhận được đông đảo sự quan tâm trong thế giới ngày nay. Trọng tâm của quá trình này là dành thời gian và cam kết đầu tư vào nguồn lực lớn nhất – bản thân bạn. Khi chúng ta thực sự nỗ lực phát triển bản thân, phần thưởng thu về quả thực vô cùng đáng kinh ngạc.

Cần lưu ý, lộ trình phát triển bản thân không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Mặt khác, kết quả không phải lúc nào cũng đo lường được. Tuy nhiên, những người vĩ đại nhất trên thế giới này đều xuất phát điểm như mỗi chúng ta. Chìa khóa thành đạt của họ là nỗ lực bền bỉ ngày này qua ngày khác, cũng như không ngừng học hỏi từ những bậc tiền bối và mọi người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status