Thấu hiểu người khác là nền tảng xây dựng các mối quan hệ bền chặt, quản lý xung đột, giao tiếp hiệu quả, cũng như nâng tầm ảnh hưởng cá nhân trong tương tác xã hội.
Trong thế giới ngày nay, thấu hiểu người khác đã trở thành kỹ năng không thể thiếu để thành công – cả trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc. Khả năng thể hiện sự đồng cảm, chủ động lắng nghe, tiếp thu quan điểm mới, v.v… là những phẩm chất không thể thiếu cho việc nuôi dưỡng lòng tin, rút ngắn khoảng cách giữa người với người, nuôi dưỡng các mối quan hệ hài hòa và gắn kết hơn.
Tóm tắt nội dung chính
- Thấu hiểu người khác là khi ta biết đồng cảm với cảm xúc đối phương, nhìn nhận thế giới theo góc nhìn của họ, lắng nghe suy nghĩ, cởi mở với niềm tin cũng như nền tảng văn hóa của họ. Qua đó, chúng ta đồng thời phát triển các mối quan hệ sâu sắc hơn, góp phần vào sự phát triển cá nhân và thành công lâu dài.
- Về chủ đề này, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều lý thuyết khác nhau, bao gồm Lý thuyết về tâm trí (Theory of Mind), Mô hình con người (Person model), Quy kết (Attribution), Lý thuyết mô phỏng (Simulation theory), v.v…
- Quá trình thấu hiểu người khác thường bắt đầu từ những hiểu biết bề mặt – trước khi đạt tới mức độ nhận thức và cảm xúc sâu sắc, đặc trưng bởi sự kết nối và đồng cảm ngày càng gia tăng. Trong quá trình này, chúng ta phải đối mặt với những rào cản bên trong (vd: tính ích kỷ, thành kiến, phản ứng cảm xúc và thiếu hụt kỹ năng) – cũng như những vấn đề bên ngoài (vd: thông tin hạn chế, giao tiếp kém, thông tin không đáng tin cậy, động lực xã hội, sự phức tạp của con người, tâm lý dễ bị tổn thương, v.v…).
- Hiểu người khác đòi hỏi chúng ta phải thể hiện sự đồng cảm, cởi mở, cũng như thái độ không phán xét, tự nhận thức, khiêm tốn, tò mò, tỉnh thức, trân trọng sự khác biệt và góp ý từ người khác. Để nuôi dưỡng khả năng này, cần phải chú trọng giao tiếp, khuyến khích khám phá, vun đắp sự đồng cảm, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, đồng thời nỗ lực mở rộng tầm nhìn cá nhân.
Thấu hiểu người khác là gì?
Thấu hiểu người khác là khi ta có thể nhận thức, trân trọng và đồng cảm với suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của những người xung quanh. Không chỉ dừng lại ở việc nắm rõ các thông tin cơ bản về đối phương, mà quan trọng nhất, chúng ta phải chủ động cố gắng nhìn nhận thế giới từ góc nhìn của họ.
Người thấu hiểu là người như thế nào?
- Đồng cảm: Biết chia sẻ, nhận thức và kết nối với cảm xúc của người khác – như thể là của chính mình (không chỉ dừng lại ở thương hại đơn thuần).
- Quan điểm: Khả năng đặt mình vào vị trí của đối phương và cố gắng đánh giá mọi sự dựa trên kinh nghiệm, giá trị và niềm tin của họ, ngay cả khi những điều đó thật khác biệt với suy nghĩ của mình.
- Lắng nghe tích cực: Toàn tâm chú ý khi tham gia hội thoại, cả về phương diện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (ví dụ: giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt), cũng như biết đặt câu hỏi, suy ngẫm về những gì bạn nghe được và cố gắng giải mã ý định/ tâm tư đằng sau đó.
- Cởi mở: Sẵn sàng xem xét nhiều quan điểm khác nhau và không ngay lập tức coi bất kỳ điều gì là sai, dù nó có vẻ khác thường như thế nào.
- Nhạy cảm văn hóa: Khả năng nhận thức và tôn trọng các nền tảng văn hóa/ trải nghiệm mới, với ý thức về lợi ích mà những góc nhìn độc đáo có thể mang lại.
Ví dụ về các tình huống thấu hiểu người khác trong cuộc sống
Quan hệ cá nhân:
- Gia đình: Khi một người anh/chị/em của bạn có vẻ khép kín, thay vì cho rằng họ đang tức giận hoặc hành động trẻ con, bạn cố gắng suy nghĩ theo góc nhìn của họ. Phải chăng họ đang căng thẳng về trường học hoặc một vấn đề cá nhân nào đó? Việc tiếp cận họ để trao đổi, thể hiện sự tò mò và quan tâm sẽ có tác dụng rất lớn trong việc củng cố mối quan hệ giữa đôi bên.
- Bạn bè: Một người bạn bày tỏ sự thất vọng về công việc hiện tại. Thay vì vội vàng kết luận hay đưa ra giải pháp, bạn lắng nghe để thực sự hiểu điều họ đang bận tâm, cũng như những thách thức cụ thể mà họ phải đối mặt.
- Bạn đời: Việc chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ của đối tác, như khoanh tay hay nhíu mày, có thể giúp bạn nhận ra cảm xúc thực sự và nhanh chóng giải quyết những xung đột tiềm ẩn.
Môi trường chuyên nghiệp:
- Tại nơi làm: Ở cương vị quản lý, nhận thức điểm mạnh-yếu của từng thành viên trong nhóm sẽ giúp bạn dễ dàng phân công công việc và hỗ trợ cá nhân hiệu quả hơn. Ngoài ra, bằng cách trân trọng sự khác biệt về nền tảng, giá trị và sở thích nhóm, bạn sẽ có thể điều chỉnh phương pháp giao tiếp và hợp tác cho phù hợp (ví dụ: không quá quyết đoán khi nói chuyện với một đồng nghiệp hướng nội).
- Dịch vụ khách hàng: Chính khi đồng cảm với nhu cầu và mối quan tâm của khách hàng, chúng ta sẽ có thể điều chỉnh cách tiếp cận và đưa ra các giải pháp phù hợp với họ, giúp cải thiện sự hài lòng và lòng trung thành.
- Đàm phán: Cân nhắc quan điểm và lợi ích của đối phương là chìa khóa để tìm ra tiếng nói chung và đạt được thỏa thuận có lợi cho đôi bên, ngay cả trong những tình huống khó khăn.
Tương tác xã hội:
- Thảo luận: Thay vì bác bỏ các quan điểm đối lập, bạn cố gắng tìm ra lý lẽ và giá trị mỗi quan điểm mang lại, qua đó khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và mở ra cơ hội học hỏi và phát triển.
- Tiếp xúc liên văn hóa: Hiểu biết và trân trọng những khác biệt về văn hóa sẽ giúp bạn tránh phạm phải những hành vi gây khó chịu/ tổn thương.
Thấu hiểu tâm lý người khác
Giá trị của việc thấu hiểu người khác
Thấu hiểu người khác là yêu cầu không thể thiếu để mang lại cuộc sống hạnh phúc và viên mãn – cả cho chính bạn lẫn những người xung quanh:
- Cải thiện mối quan hệ
Khả năng đồng cảm với động cơ, cảm xúc và quan điểm của mọi người đặt nền tảng để hình thành những kết nối sâu sắc, khuyến khích giao tiếp, tin tưởng, thân mật và ít nguy cơ hiểu lầm. Nếu xảy ra bất đồng, bạn sẽ có thể tìm ra tiếng nói chung và áp dụng một phương pháp tiếp cận thiên hướng xây dựng hơn.
Ví dụ, giả sử bạn đang tham gia dự án nhóm với một đồng nghiệp, A; người này rất hay đi họp muộn và có vẻ không hứng thú với dự án. Xu hướng chung của phần lớn mọi người là buộc tội A là lười biếng/ không trung thành; làm như vậy sẽ chỉ dẫn đến phản ứng phòng thủ và khiến vấn đề thêm căng thẳng. Tuy nhiên, bạn có nghĩ đến việc có thể A đang phải xoay sở giữa áp lực công việc và trách nhiệm gia đình, khiến anh ta cảm thấy quá tải chưa? Việc hình dung ra viễn cảnh như vậy sẽ giúp bạn tiếp cận A theo hướng xây dựng hơn nhiều.
- Tăng cường động lực giao tiếp xã hội
Học cách đồng cảm với những quan điểm khác biệt không chỉ đơn thuần là một phương thức giải quyết xung đột. Chính khi hiểu nhau, chúng ta mới có thể phối hợp hiệu quả, cùng nhau giải quyết vấn đề và hướng tới mục tiêu chung.
Lấy ví dụ, một người quản lý nhóm được giao nhiệm vụ phát triển một sản phẩm mới. Việc chỉ ra lệnh dựa trên tầm nhìn cá nhân về dự án sẽ chỉ gây ra sự phản kháng và thiếu cam kết nơi nhân viên. Ngược lại, bằng cách dành thời gian nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu và nguyện vọng của từng thành viên, người quản lý sẽ có thể xây dựng một môi trường hòa nhập và hợp tác hơn, trong đó công việc được phân chia trên cơ sở kỹ năng và cơ hội phát triển. Chính điều này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả làm việc nhóm, năng suất và kết quả kinh doanh.
Bằng cách bước ra khỏi góc nhìn của chính mình, chúng ta mới có thể tiếp thu những điều mới, thách thức các giả định cá nhân và phát triển bản thân. Khi quan sát cách người khác nhìn nhận bạn, bạn sẽ ý thức rõ hơn về hành vi và phong cách giao tiếp của chính mình – cũng như tác động của bạn đến mọi người xung quanh. Nhận thức này là cơ sở nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và nhạy cảm với những trải nghiệm khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ học được cách quản lý cảm xúc cá nhân và đối mặt với căng thẳng hiệu quả hơn.
- Thành công lâu dài
Ở cương vị nhà lãnh đạo, việc hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và động cơ làm việc của các thành viên trong nhóm sẽ đặt nền tảng cho công tác phân công, hỗ trợ và xây dựng môi trường làm việc tích cực, khuyến khích sự đa dạng và hòa nhập. Mặt khác, việc có thể tìm được tiếng nói chung với khách hàng/đối tác tiềm năng thông qua nắm bắt sở thích của họ sẽ góp phần gia tăng đáng kể tỷ lệ thành công trong kinh doanh.
Phân tích lợi ích của thấu hiểu người khác qua tình huống thực tế
Hãy thử hình dung bạn đang ôn bài cho kỳ thi với người bạn tên S. Bạn đã miệt mài học hành, thức trắng đêm hôm trước và cảm thấy rất tự tin. S hỏi bạn, “Việc học của bạn thế nào rồi?”
Tình huống 1: Không nhận biết về những khó khăn của đối phương
Nếu không biết rõ tình hình của S, bạn có thể trả lời lại như sau:
A. “Tuyệt! Mình cảm thấy thực sự sẵn sàng.” Trong trường hợp này, bạn cho rằng Sarah cũng có trải nghiệm và sự nhiệt tình giống như bạn.
B. “Mình đã thức cả đêm để học bài. Còn bạn thì sao?” Câu trả lời này tập trung vào trải nghiệm của riêng bạn, vì vậy nó có thể khiến S cảm thấy “tự ti” nếu cô ấy đang gặp khó khăn.
C. “Bài kiểm tra này sẽ khó đây! Bạn có cảm thấy căng thẳng không?” Tuy có thừa nhận vấn đề, phản ứng của bạn có thể khiến đối phương cảm thấy tiêu cực và bi quan.
Tình huống 2: Nhận thức những khó khăn của đối phương
Nếu biết rằng S đang bận rộn với các hoạt động ngoại khóa và không có nhiều thời gian ôn tập, bạn có thể trả lời như sau:
D. “Bạn cảm thấy thế nào về kỳ thi? Mình có thể giúp gì không?” Trả lời như vậy, bạn thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ, thừa nhận những vấn đề mà bạn mình đang gặp phải.
E. “Mình đã học được tương đối, cơ mà mình cũng biết là bạn rất bận rộn. Có lẽ chúng ta nên lập nhóm học tập chung nhé?” Bằng cách này, bạn đưa ra giải pháp hợp tác có tính đến hoàn cảnh của đối phương.
F. “Đừng lo, mình chắc chắn bạn sẽ làm tốt! Bạn vốn thông minh mà.” Tuy thể hiện sự động viên, song trả lời như vậy, bạn vô hình chung làm “giảm nhẹ” mối bận tâm của S và không hướng đến giải quyết vấn đề cơ bản của đối phương.
Như thể hiện trong ví dụ trên, việc thấu hiểu người khác cho phép bạn điều chỉnh hành vi đáp ứng nhu cầu và cảm xúc cụ thể của họ, từ đó mang lại một buổi học mang tính hỗ trợ và hiệu quả hơn.
Đọc thêm: Nhờ giúp đỡ – Sức mạnh đến từ sự yếu đuối
Thấu hiểu nỗi đau người khác
Lý thuyết tâm lý về thấu hiểu người khác
Thấu hiểu bản thân và người khác từ lâu đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học. Tại sao, và bằng cách nào, con người lại có thể hiểu và đồng cảm được với cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của người khác? Theo thời gian, đã có nhiều lý thuyết và mô hình được đề xuất, đưa ra những góc nhìn đa dạng về chủ đề nêu trên.
Một trong số đó là Lý thuyết Tâm trí (Theory of Mind – ToM), đề cập đến khả năng gán nhãn các trạng thái tinh thần (vd: niềm tin, mong muốn, cảm xúc, ý định) và hiểu rõ sự khác biệt về các trạng thái này giữa người với người. Chính khả năng này là cơ sở để con người quản lý các tương tác xã hội, tiếp thu các quan điểm mới, dự đoán/giải thích hành vi đối phương và giao tiếp/hợp tác hiệu quả hơn. Thông thường, TOM bắt đầu hình thành từ khoảng 4 tuổi – và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như năng lực nhận thức, tương tác xã hội và nền tảng văn hóa.
Một khái niệm khác cần đề cập là sự đồng cảm (empathy), bao gồm cả các thành phần nhận thức và cảm xúc (ví dụ: quan điểm, sự lây lan cảm xúc, mối quan tâm đồng cảm). Đó là khi ta có thể hiểu được quan điểm của người khác, đồng cảm với cảm xúc của họ và phản ứng lại bằng các cử chỉ thân thiện (giúp đỡ, an ủi và hỗ trợ). Một số người tin rằng đồng cảm là năng lực bẩm sinh mà có; số khác cho rằng nó được nuôi dưỡng thông qua học tập xã hội, tương tác cùng các hoạt động như chánh niệm, thiền định và nhập vai.
Ngoài ra, còn có rất nhiều lý thuyết giải thích về các quy luật tâm lý đằng sau việc thấu hiểu người khác như:
- Lý thuyết mô hình cá nhân (Person model theory): Lý thuyết này cho rằng các mô hình tư duy của ta về người khác được xây dựng dựa trên tổng hòa của các hành vi quan sát được, giao tiếp bằng lời nói và bối cảnh xã hội. Các khuôn khổ này cho phép chúng ta dự đoán hành động của đối phương và cộng hưởng với ý định của họ.
- Lý thuyết quy kết (Attribution theory): Con người có xu hướng quy kết hành động của người khác hoặc cho các yếu tố bên trong như đặc điểm tính cách, hoặc các yếu tố bên ngoài như tình huống xã hội. Nhận thức được xu hướng này là rất quan trọng để diễn giải chính xác động cơ hành vi và kiềm chế thói quen phán xét.
- Lý thuyết mô phỏng (Simulation theory): Theo lý thuyết này, chúng ta thấu hiểu người khác bằng cách mô phỏng trạng thái tinh thần của họ bên trong tâm trí của chính mình. Cụ thể, ta tưởng tượng mình đang ở trong hoàn cảnh của đối phương và trải nghiệm thế giới thông qua góc nhìn của họ.
- Trí tuệ cảm xúc (EQ): EQ là sự kết hợp của nhiều kỹ năng khác nhau, bao gồm nhận thức về bản thân, nhận thức xã hội, khả năng quản lý mối quan hệ và làm chủ chính mình. Những người có EQ cao thường thể hiện sự xuất sắc trong việc hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình cũng như của người khác.
- Khoa học thần kinh (Neuroscience): Nghiên cứu các vùng não liên quan đến nhận thức xã hội có thể góp phần làm sáng tỏ cơ sở sinh học của việc thấu hiểu người khác.
- Thiên kiến vị kỷ (Egocentric bias): Xu hướng nhìn thế giới theo góc nhìn của riêng mình, bỏ qua quan điểm của người khác (một điều không tốt và do đó cần phải được kiểm soát).
- Thuyết gắn bó (Attachment): Những trải nghiệm gắn bó ban đầu của chúng ta có ảnh hưởng đáng kể đến cách ta vun đắp và duy trì các mối quan hệ. Xu hướng gắn bó an toàn (secure) nhìn chung có mối liên quan mật thiết với việc cải thiện hiệu quả giao tiếp.
5 cấp độ thấu hiểu tâm lý người khác
Thấu hiểu hời hợt (Superficial understanding)
Ở cấp độ cơ bản nhất, chúng ta chỉ mới có được thông tin tối thiểu về một ai đó. Chúng ta có thể biết tên, nghề nghiệp hoặc một vài dữ kiện cơ bản của họ, nhưng chưa nhận thức về những suy nghĩ, cảm xúc và động cơ sâu xa hơn. Do đó, chúng ta thường dựa vào các khuôn mẫu và giả định, là nguyên nhân chính dẫn đến hiểu lầm và ngộ nhận.
Thấu hiểu nhận thức (Cognitive understanding)
Giai đoạn tiếp theo là khi ta chủ động đồng cảm với quan điểm và lý luận của ai đó. Ta chú ý đến lời nói, hành động và tín hiệu phi ngôn ngữ của họ (vd: biểu cảm khuôn mặt, giọng nói, hành động) và cố gắng ghép nối chúng lại với nhau. Chính điều này dẫn tới các quá trình nhận thức như phân tích quan điểm và quy kết trạng thái tinh thần.
Mặc dù đã vượt lên mức hiểu biết hời hợt, nhìn chung ta vẫn chưa nắm bắt được những sắc thái cảm xúc trong trải nghiệm của đối phương.
Thấu hiểu cảm xúc (Emotional understanding)
Đây là lúc ta vượt lên được sự quan sát đơn thuần và bắt đầu ý thức các trạng thái cảm xúc như hạnh phúc, buồn bã, tức giận, v.v… dựa trên các tín hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Không chỉ dừng lại ở việc biết suy nghĩ của đối phương, ta học được cách cộng hưởng với cảm xúc của họ ở mức độ sâu sắc hơn, thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, thậm chí có thể chia sẻ niềm vui/ nỗi buồn của họ ở mức độ nào đó. Kết nối cảm xúc này đặt nền tảng cho nhận thức sâu sắc và chân thực hơn về trải nghiệm của họ.
Thấu hiểu sâu (Deep understanding)
Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm của người khác, bao gồm các giá trị, niềm tin và trải nghiệm sống độc đáo của họ. Chúng ta gần như có thể “bước vào bên trong tâm hồn họ” và nhìn thế giới qua con mắt của họ; nói cách khác, ta nhận ra được “lý do” đằng sau cảm xúc của họ.
Để đạt được kết quả như trên, đòi hỏi ta phải trải qua một quá trình kết nối lâu dài, nuôi dưỡng lòng tin và giao tiếp cởi mở.
Thấu hiểu chuyển hóa (Transformative understanding)
Cấp độ cao nhất là khi ta có thể cùng đối phương “sáng tạo ý nghĩa” – thông qua đối thoại cởi mở, lắng nghe tích cực và cùng khám phá quan điểm của nhau. Hành trình chung này dẫn đến những hiểu biết sâu sắc, vượt lên những gì một trong hai bên có thể tự đạt được một mình.
Thấu hiểu tâm lý người khác
Khó khăn khi tìm cách thấu hiểu người khác
Con người có xu hướng “bóp méo” góp ý của người khác cho phù hợp với quan điểm của mình. Một mặt mọi người đều ý thức rõ về điều này; mặt khác, chúng ta rất hiếm khi nhận ra những lúc bản thân đang hành động như vậy.
Heidi Grant Halvorson
Tuy thấu hiểu người khác là yêu cầu rất quan trọng để vun đắp những mối quan hệ có ý nghĩa và đạt được sự viên mãn trong cuộc sống, rào cản về mặt xã hội và tâm lý là lý do khiến nhiều người gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kỹ năng này.
Trở ngại từ bên trong
- Chủ nghĩa vị kỷ
Xu hướng tự nhiên của chúng ta là nhìn thế giới qua lăng kính của riêng mình, trên cơ sở các trải nghiệm và hệ giá trị cá nhân; điều này, vô hình chung, ngăn cản ta ta tiếp cận những góc nhìn khác.
- Sự thiên vị
Những định kiến vô thức về chủng tộc, giới tính, văn hóa hoặc các yếu tố khác thường “bóp méo” cách ta diễn giải hành động và ý định của người khác – hệ quả là ta phán xét họ một cách thiếu công bằng, hoặc bỏ qua những khía cạnh quan trọng trong trải nghiệm của họ. Trong nhiều trường hợp, ta sẽ có xu hướng tìm kiếm và tin tưởng những thông tin xác nhận niềm tin hiện tại của mình, trong khi bỏ qua hoặc từ chối thông tin mâu thuẫn với chúng.
Lấy ví dụ, một doanh nhân người Mỹ, vốn quen thuộc với phong cách giao tiếp thẳng tính, cùng tham gia đàm phán với một khách hàng người Nhật. Khi vị khách hàng người Nhật dừng lại một lúc lâu sau khi người Mỹ đưa ra đề xuất, ông người Mỹ có thể hiểu nhầm đây là dấu hiệu của sự bất đồng hoặc không quan tâm – điều này khiến ông ta trở nên mất kiên nhẫn hoặc cố ép khách hàng ra quyết định, mà không tính đến khả năng là người khách hàng đang dành thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng và giữ hòa khí.
Trong ví dụ trên đây, định kiến vô thức của người Mỹ đã dẫn đến sự hiểu lầm, ảnh hưởng đến hiệu quả khi giao tiếp với khách hàng.
Đọc thêm: Sức mạnh tiềm thức – Giải mã năng lực tiềm ẩn trong bạn
- Phản ứng cảm xúc
Những cảm xúc mạnh mẽ như tức giận, sợ hãi và lo lắng thường làm lu mờ phán đoán và khiến ta khó đồng cảm với người có quan điểm khác biệt. Chúng ta trở nên phòng thủ, coi thường hoặc phản ứng bốc đồng, thay vì thực sự quan tâm đến đối phương.
- Thiếu kỹ năng thấu hiểu người khác
Việc thiếu nhận thức về bản thân, lắng nghe tích cực hoặc khả năng điều chỉnh cảm xúc là nguyên nhân cản trở khả năng chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh.
Đọc thêm: Lãnh đạo bản thân (Self-leadership) – Nền tảng thành công lâu dài
Thách thức từ bên ngoài
- Hạn chế thông tin
Đôi khi, nguyên nhân nằm ở chỗ chúng ta không có đầy đủ thông tin về đối phương, xuất phát từ hạn chế trong giao tiếp, khác biệt văn hóa hoặc ranh giới cá nhân – chính điều này khiến ta đưa ra các giả định sai lầm về người khác.
Ví dụ, một đồng nghiệp mới, M, đến từ một nền văn hóa khác, bắt đầu làm việc tại công ty của bạn. M có vẻ ít nói và kín đáo trong các cuộc họp nhóm. Do ít tương tác với M (chủ yếu chỉ gói gọn trong môi trường làm việc), bạn có thể không hiểu rõ các chuẩn mực văn hóa của M (vd: coi trọng giao tiếp gián tiếp, kiềm chế thể hiện cảm xúc); hệ quả là bạn có thể cho rằng M không quan tâm hoặc gắn kết với công ty.
Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể thử bắt đầu trò chuyện thân mật với M ngoài môi trường làm việc để tìm hiểu thêm về tính cách và hoàn cảnh của cô. Hãy khuyến khích cô chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm của mình, lưu ý đến những khác biệt về văn hóa, cũng như tôn trọng ranh giới của cô nếu M tỏ ra do dự không muốn tiến xa hơn.
- Trở ngại giao tiếp
Rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về cách giải nghĩa các tín hiệu phi ngôn ngữ giữa các nền văn hóa, khác biệt về phong cách giao tiếp, v.v… đều là nguyên nhân gây ra hiểu lầm.
- Thông tin không chính xác
Con người đôi khi có xu hướng thể hiện bản thân theo những cách thức không hoàn toàn chính xác hoặc bỏ sót các chi tiết quan trọng (ví dụ, ai đó kể lại một sự kiện đau thương, nhưng lại hạ thấp vai trò/ cảm xúc của chính mình để tránh cảm thấy dễ bị tổn thương). Đây là lý do khiến ta khó có thể thực sự hiểu được suy nghĩ và trải nghiệm của người khác.
- Các yếu tố xã hội
Sự thiếu cân bằng về quyền lực, động lực nhóm và áp lực xã hội có thể dẫn đến những tình huống khó giao tiếp cởi mở và trung thực. Tình trạng phân cấp tại nơi làm việc, môi trường cạnh tranh, hạn chế về thời gian, v.v… đều là những rào cản đối với việc hình thành các mối dây kết nối thực sự và thấu hiểu nhau.
Các vấn đề khác
- Sự phức tạp của con người
Suy nghĩ, cảm xúc và động lực của con người luôn thay đổi theo thời gian. Do đó, không phải lúc nào cũng dễ dàng để giải mã những chiều kích phức tạp này và nắm bắt hoàn toàn thế giới nội tâm của người khác.
Ví dụ, giả sử một người bạn của bạn đang hành động một cách bất thường và khép kín trong một buổi giao lưu. Phản ứng này có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm những cảm xúc vô hình (vd, người bạn đó có thể đang phải đối mặt với một vấn đề cá nhân như chia tay, mất việc hoặc xung đột gia đình, mà họ không cảm thấy thoải mái để chia sẻ), khác biệt về văn hóa (vd, họ có thể đang che giấu cảm xúc để tránh tỏ ra yếu đuối hoặc thiếu tôn trọng, đặc biệt nếu họ đến từ một nền văn hóa coi trọng việc kiềm chế cảm xúc) hoặc trải nghiệm trong quá khứ (vd, việc từng trải qua chấn thương hoặc bị từ chối khiến họ ngần ngại mở lòng với người khác).
Tính chất phức tạp này khiến việc diễn giải chính xác hành động và cảm xúc của con người trong mọi tình huống là vô cùng khó khăn.
- Nỗ lực và thời gian
Để thực sự thấu hiểu người khác, bạn sẽ cần đầu tư rất nhiều thời gian, năng lượng và nỗ lực chân thành. Lắng nghe tích cực, cởi mở, sẵn sàng thách thức giả định cá nhân là rất cần thiết để vun đắp những mối dây kết nối có ý nghĩa.
- Tâm lý sợ bị tổn thương
Chia sẻ bản ngã thực sự của mình với người khác tự nó là một hành động đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm. Hầu hết chúng ta đều ít nhiều gặp khó khăn khi mở lòng cho người khác thấu hiểu chính mình.
Đọc thêm: Không biết lắng nghe – Thói xấu “giết chết” các mối quan hệ
Thấu hiểu người khác hay thấu hiểu chính mình
Muốn hiểu người khác thì phải làm sao?
- Đồng cảm: Khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và chia sẻ cảm xúc của họ – như thể đó là cảm xúc của chính bạn.
- Cởi mở: Sẵn sàng xem xét các quan điểm khác biệt và thách thức những giả định của riêng mình.
- Không phán xét: Thể hiện thái độ tò mò và đón nhận, tránh “bó mình” trong những khuôn mẫu và quan niệm cố hữu, tạo không gian an toàn cho mọi bên giao tiếp cởi mở và trung thực.
- Tự nhận thức: Việc nhận thức được thành kiến, hạn chế và tác nhân kích hoạt cảm xúc của chính mình sẽ giúp ta có thể tiếp cận các cuộc đối thoại với cái nhìn khách quan, tránh áp đặt trải nghiệm của mình lên người khác.
- Khiêm tốn và kiên nhẫn: Ý thức rằng bản thân không có câu trả lời cho mọi vấn đề, luôn sẵn sàng học hỏi từ người khác.
- Giao tiếp hiệu quả: Tích cực chú ý đến những gì người khác nói, cả ở phương diện lời nói và hành động, trình bày rõ ràng và điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với sở thích của người nghe.
- Ngôn ngữ cơ thể: Duy trì tư thế cởi mở, giao tiếp bằng mắt và chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ.
- Sự tò mò: Mong muốn thực sự tìm hiểu về người khác và trải nghiệm của họ sẽ thúc đẩy bạn đặt câu hỏi, tham gia đối thoại và trân trọng ý kiến của đối phương.
- Tỉnh thức: Tập trung nhận thức vào thời điểm hiện tại, thấu rõ những thành kiến/giả định của bản thân, biết cách quản lý cảm xúc để chúng không làm lu mờ năng lực phán đoán/ đồng cảm với người khác.
- Tôn trọng sự khác biệt: Nhận ra tác động của khác biệt về nền tảng/ gốc gác đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi cá nhân sẽ giúp bạn tránh được cái nhìn “giáo điều”, để có thể diễn giải hành vi trong khuôn khổ bối cảnh văn hóa/cá nhân của đương sự.
- Yêu cầu phản hồi: Nếu có thể, bạn nên nhờ bạn bè hoặc một người coach/ mentor góp ý về kỹ năng giao tiếp của mình – để qua đó có thể xác định những lĩnh vực cần cải thiện và trau dồi khả năng kết nối với người khác.
Cách thấu hiểu người khác
Giao tiếp chất lượng
Cốt lõi của giao tiếp chất lượng là hoàn toàn hiện diện và tích cực tương tác trong lúc đối thoại. Ngoài việc lắng nghe câu chữ, bạn còn phải nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa và quan điểm đối phương muốn truyền tải.
- Toàn tâm toàn ý: Bỏ qua một bên mọi thứ gây mất tập trung (vd: điện thoại, máy tính xách tay), cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt để thể hiện sự tôn trọng và tương tác.
- Tránh ngắt lời: Hãy để đối phương thể hiện hết suy nghĩ và trải nghiệm của họ. Đừng đưa ra giải định về bất kỳ điều gì.
- Đặt câu hỏi follow-up: “Bạn có thể cho tôi biết thêm về điều đó không?” hoặc “Bạn cảm thấy thế nào khi điều đó xảy ra?”
- Tóm tắt và diễn giải lại: Nêu lại những gì bạn đã nghe và yêu cầu xác nhận (ví dụ: “Có đúng là bạn… không?”).
Ví dụ:
Hãy tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một người bạn vừa mất việc. Trong trường hợp này, bạn có thể hỏi những câu hỏi như, “Bạn cảm thấy thế nào về chuyện này?” hoặc “Bạn có kế hoạch gì cho tương lai?”. Khi tóm tắt lại, bạn có thể nói, “Vậy, hẳn là bạn đang cảm thấy hơi áp lực, nhưng cũng có hy vọng sẽ tìm được một công việc mới.”
Giao tiếp chất lượng là một kỹ năng cần thời gian để rèn luyện; do đó, hãy kiên nhẫn với bản thân và không ngừng thực hành thường xuyên.
Khuyến khích khám phá
Ý tưởng ở đây là tạo ra một không gian nơi đối phương cảm thấy thoải mái, sẵn sàng chia sẻ chi tiết suy nghĩ và trải nghiệm của họ – bằng cách đặt những câu hỏi mở (vd: “như thế nào”, “cái gì”, “tại sao”). Những câu hỏi như vậy có tác dụng khuyến khích người nói giải thích cụ thể hơn về bối cảnh và quan điểm cá nhân. Không giống như khi hỏi các câu theo kiểu “có” hoặc “không”, bạn không gợi ý một câu trả lời cụ thể – nhưng kích thích đối phương tư duy phản biện và suy ngẫm về suy nghĩ/ cảm xúc của họ.
Ví dụ:
Giả sử bạn đang nói chuyện với một người bạn về chuyến đi chơi gần đây của họ. Thay vì “Bạn có vui không?”, một câu hỏi như “Điều gì bạn thấy là đáng nhớ nhất trong chuyến đi?” sẽ khuyến khích đối phương chia sẻ trải nghiệm của họ cách chi tiết hơn nhiều.
Gợi ý thêm:
- Hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách gật đầu, duy trì giao tiếp bằng mắt và phát ra những âm thanh khích lệ như “ừ” hoặc “thật sao?”
- Tiếp tục đặt thêm câu hỏi liên quan để chứng tỏ bạn đang chú ý và quan tâm đến những gì đối phương nói.
Nuôi dưỡng sự đồng cảm
Sự đồng cảm – khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác – là kỹ năng quan trọng cho việc vun đắp các mối quan hệ bền chặt, cũng như giải quyết xung đột. Hãy tưởng tượng mình đang ở trong hoàn cảnh của đối phương – điều gì đang diễn ra bên trong họ, sau đó thừa nhận mà không “hạ thấp” cảm xúc của họ. Những câu nói như “Chắc hẳn là bạn cảm thấy khó chịu lắm” hoặc “Tôi có thể hiểu tại sao bạn lại cảm thấy như vậy” tuy đơn giản, song rất có ý nghĩa với người nghe. Nếu có thể, hãy đề nghị được giúp đỡ họ trong khả năng của bạn.
Câu trả lời mẫu:
- Xác thực: “Tôi hiểu tại sao bạn lại cảm thấy khó chịu như vậy.”
- Đề nghị hỗ trợ: “Tôi có thể giúp gì không? Bạn có muốn nói thêm về vấn đề này không?”
Phản hồi mang tính xây dựng
Khi đưa ra góp ý, bạn nên tập trung vào hành vi cụ thể thay vì chỉ dừng lại ở các tuyên bố chung chung. Ví dụ, thay vì “Anh lúc nào cũng đến muộn”, bạn có thể nói như sau:
“Tôi nhận thấy anh đã đến họp muộn trong vài tuần qua. Có chuyện gì đó đang xảy ra ảnh hưởng đến khả năng đúng giờ của anh không vậy?”
Trong mọi trường hợp, hãy cố gắng đưa ra gợi ý cải thiện thay vì chỉ trích/ công kích cá nhân. Ví dụ, thay vì nói, “Anh thật là vô tổ chức”, bạn có thể nói,
“Tôi thấy rằng việc sử dụng danh sách việc cần làm (checklist) giúp tôi ngăn nắp hơn hẳn. Anh có muốn thử không?”
Mở rộng tầm nhìn
Lời khuyên cuối cùng là bạn hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chủ động tiếp xúc với những trải nghiệm và góc nhìn mới – hỗ trợ cho hành trình phát triển cá nhân và tự khám phá. Đây là cách để bạn mở rộng hiểu biết về thế giới và nuôi dưỡng sự đồng cảm với người khác. Trong quá trình này, hãy cân nhắc đến các nguồn tài nguyên hỗ trợ như sách, phim tài liệu, hội thảo hoặc khóa học để cải thiện hiểu biết của bản thân về hành vi con người cũng như giao tiếp xã hội.
Ví dụ:
Hãy tưởng tượng bạn đang dự một lễ hội văn hóa và gặp một người khách đến từ một quốc gia khác. Bạn có thể hỏi, “Bạn thích điều gì nhất về nền văn hóa của mình?” hoặc “Bạn có thể kể cho tôi nghe về một phong tục truyền thống của bạn không?” Trong khi lắng nghe câu trả lời của họ, bạn nhận thấy đối phương có những điệu bộ/ biểu cảm khuôn mặt khác với bạn; do đó, bạn cố gắng điều chỉnh phong cách giao tiếp để kết nối được tốt hơn. Sau khi về nhà, bạn dành thời gian xem một bộ phim tài liệu về nền văn hóa của đối phương, hoặc đọc một cuốn sách của một tác giả đến từ quốc gia đó.
Tự nhận thức: Chìa khóa để thấu hiểu người khác
Tuy thường bị đánh giá thấp về vai trò trong tương tác xã hội, khả năng tự nhận thức (self-awareness) thực tế rất quan trọng, để có thể nuôi dưỡng sự đồng cảm, hiểu biết và giao tiếp hiệu quả với người khác. Đó là khi bạn có thể nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của riêng mình, cũng như cách chúng ảnh hưởng đến các tương tác hàng ngày.
Khi ý thức được cảm xúc và phản ứng của bản thân, bạn sẽ có thể dễ dàng nhận ra và hiểu được cảm xúc cũng như hành vi của người khác hơn (ví dụ, ý thức về xu hướng phòng thủ của mình khi bị chỉ trích sẽ giúp bạn hiểu được tại sao ai đó lại tỏ ra khó chịu khi được góp ý). Đồng thời, bạn sẽ giảm bớt được tình trạng áp đặt giả định cá nhân lên người khác, xuất phát từ hiểu biết rằng ai cũng có thành kiến riêng.
Thấu hiểu bản thân cũng góp phần không nhỏ vào chất lượng quá trình giao tiếp. Lấy ví dụ, nếu biết mình có xu hướng hay ngắt lời khi người khác đang nói, bạn sẽ có thể chủ động thực hành lắng nghe tích cực để cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội của mình.
Thấu hiểu chính mình trước khi thấu hiểu người khác
Các hoạt động giúp nuôi dưỡng năng lực thấu hiểu người khác
- Viết nhật ký: Suy ngẫm về những tương tác hàng ngày và phản ứng cảm xúc của bạn sẽ giúp bạn nhận ra những thành kiến và tác nhân kích hoạt cảm xúc cá nhân. Bạn có thể tự vấn bản thân bằng những câu hỏi như “Điều gì khiến tôi phản ứng theo cách đó?” hoặc “Tôi đã có những giả định nào trong tình huống này?”.
- Đọc: Nghiên cứu sách vở, bài viết hoặc phim tài liệu của các tác giả đến từ nhiều hoàn cảnh, nền văn hóa và tầng lớp xã hội khác nhau.
- Thực hành chánh niệm: Thông qua các bài tập như thiền định, bạn sẽ có thể ý thức rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của mình và dần dần phát triển khả năng điều chỉnh trạng thái tinh thần bên trong.
- Kiểm tra tính cách: Tuy chỉ có giá trị tham khảo, các bài kiểm tra như Myers-Briggs hoặc Enneagram vẫn có thể mang đến những hiểu biết vô giá về phong cách giao tiếp của bản thân, cùng các lĩnh vực cần cải thiện để nâng cao năng lực thấu hiểu người khác.
- Công việc tình nguyện: Hoạt động tình nguyện là cơ hội để bạn tiếp xúc với những góc nhìn và vấn nạn mới mà người khác phải đối mặt, làm cơ sở mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng sự đồng cảm.
- Chương trình trao đổi văn hóa: Đắm mình vào các nền văn hóa mới thông qua các chương trình hoặc trải nghiệm du lịch, qua đó bạn có thể quan sát, giao lưu và tìm hiểu về các phong tục, truyền thống và quan điểm khác biệt.
Đọc thêm: 32 hoạt động khám phá bản thân cho mọi lứa tuổi
Nghệ thuật thấu hiểu tâm lý người khác
Danh ngôn về thấu hiểu người khác
Nhu cầu cơ bản nhất của con người là hiểu và được thấu hiểu. Cách tốt nhất để thấu hiểu người khác là lắng nghe họ.
Ralph G. Nichols
Đừng phán xét ai đó cho đến khi bạn đi được một dặm trong đôi giày của họ.
Ngạn ngữ người Mỹ bản địa
Hãy cố gắng hiểu trước khi được thấu hiểu.
Stephen R. Covey
Hãy tò mò, đừng phán xét.
Walt Whitman
Bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn xem xét mọi việc theo quan điểm của họ.
Harper Lee
Điều thông thái nhất bạn có thể biết được, đó là bạn chẳng biết gì cả.
Kiyokazu Washida
Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
Philip 2:4
Người chậm giận thì đầy sáng suốt, kẻ nóng tính để lộ cái dại khờ.
Châm ngôn 14:29
Sách thấu hiểu tâm lý người khác
- Talking to Strangers: What We Should Know About the People We Don’t Know – Malcolm Gladwell
- Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking – Susan Cain
- How to Win Friends and Influence People (tựa Việt: Đắc nhân tâm) – Dale Carnegie
Lắng nghe và thấu hiểu
Lời kết
Thấu hiểu người khác không chỉ đơn thuần là phép lịch sự xã hội; đó là một kỹ năng quan trọng trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp. Thông qua việc thực hành nhận thức về bản thân, lắng nghe tích cực và thể hiện mong muốn chân thành được kết nối với người khác, chúng ta đồng thời nuôi dưỡng những kết nối sâu sắc, xây dựng các mối quan hệ bền chặt, cũng như phát triển khả năng phục hồi (resilience) để vượt qua thách thức của cuộc sống. Chính những điều này sẽ tạo thành nền tảng cho một cuộc sống viên mãn và một cộng đồng hòa hợp hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề
- Không biết nói lời xin lỗi: Hậu quả khi từ chối nhận sai lầm
- Không biết nói lời cảm ơn: Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn
- Hiếu thắng: Vì sao ta khát khao chiến thắng bằng mọi giá?
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!