Tổng quan về các kỹ năng làm việc nhóm cần thiết, ví dụ, bí quyết cải thiện và nâng cao hiệu quả phối hợp đội nhóm.
Khả năng làm việc theo đội đã trở thành một trong những phẩm chất quan trọng, làm nền tảng cho thành công trong thời đại ngày nay. Trong bài viết này, hãy cùng tôi tìm hiểu tổng quan về các kỹ năng làm việc nhóm cần thiết bạn nhé!
Kỹ năng làm việc nhóm là gì?
Khái niệm kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) bao hàm một tập hợp các năng lực và phẩm chất có liên quan lẫn nhau – cho phép các cá nhân phối hợp và cộng tác hiệu quả với nhau. Trong môi trường tổ chức, mọi thành viên luôn cần hợp tác và kết hợp các kỹ năng của mình để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung.
Theo khảo sát của National Association of Colleges and Employers, vai trò của kỹ năng làm việc nhóm đang ngày càng được đánh giá cao. Những tiến bộ công nghệ gần đây đã cho phép các đội nhóm/ tổ chức kết nối và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết – ngay cả khi bị ngăn cách về khoảng cách địa lý. Trong bối cảnh này, mỗi cá nhân được kỳ vọng phải thể hiện khả năng phối hợp theo đội mạnh mẽ, cả ở phương diện tương tác trực tiếp và trực tuyến (virtual).
Tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm
Tại sao phải có kỹ năng làm việc nhóm?
Dù ở bất kỳ cấp độ hay lĩnh vực nào, chúng ta luôn được yêu cầu làm việc chung với người khác – đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, khách hàng, đối tác, bạn hữu, v.v… Khả năng hợp tác hiệu quả, có trách nhiệm sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp, phát triển hồ sơ cá nhân và đóng góp tích cực cho tổ chức. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để xây dựng mạng lưới quan hệ, mở ra nhiều cơ hội mới hơn.
Ngày nay, hầu như bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến khả năng làm việc theo nhóm. Ngay cả với những công việc tưởng chừng như vô cùng độc lập (ví dụ: IT, kế toán…), cá nhân vẫn được kỳ vọng ý thức về vai trò của mình đối với mục tiêu lớn hơn của tập thể, cũng như biết cách truyền đạt thành tích/ vai trò của mình đến với những thành viên khác trong tổ chức.
Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả là điểm đặc thù phân biệt các tổ chức thành công so với các đơn vị khác. Nghiên cứu cho thấy hơn 70% các tổ chức tập trung xây dựng và hỗ trợ đội nhóm đều ghi nhận cải thiện đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như:
- Chất lượng sản phẩm/ dịch vụ.
- Dịch vụ khách hàng.
- Năng suất.
- Lợi nhuận.
11 kỹ năng làm việc nhóm cần thiết
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là nền tảng của làm việc nhóm hiệu quả. Mấu chốt để giao tiếp hiệu quả là trao đổi minh bạch và trung thực với các thành viên khác về kỳ vọng, thời hạn và trách nhiệm của từng người. Mối quan hệ cởi mở thúc đẩy sự tin tưởng và nuôi dưỡng một môi trường tích cực – trong đó, mọi cá nhân đều sẵn sàng nói lên suy nghĩ của mình.
Tuy có thể xảy ra bất đồng, thái độ thẳng thắn và tôn trọng với các thành viên khác sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Giải quyết xung đột
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi khi làm việc theo nhóm. Điều quan trọng là phải luyện tập thành thục để có thể xử lý vấn đề ngay từ khi mới phát sinh. Tuyệt đối không để căng thẳng “leo thang” – đó là lý do tại sao các thành viên với kỹ năng làm việc nhóm xuất chúng cũng đồng thời là những chuyên gia hòa giải. Chính họ hỗ trợ xây dựng mối quan hệ với những người khác, tạo thành một đội nhóm gắn kết.
Quản lý thời gian
Quản lý thời gian và trách nhiệm giải trình là yếu tố cốt lõi đối với thành công của đội nhóm. Ở vai trò đội trưởng, bạn cần phải có kỹ năng tổ chức tốt, đặt ra các mục tiêu có thể quản lý được cho nhóm, cũng như hỗ trợ các thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Ra quyết định
Việc ra quyết định nghe có vẻ đơn giản; thế nhưng, nó đòi hỏi tất cả mọi người đều phải đồng thuận về quá trình cũng như cách thức hành động. Thực tế, trong mọi đội nhóm, sẽ luôn có sự khác biệt về ý kiến, mục tiêu và phương pháp làm việc. Những cá nhân với kỹ năng làm việc nhóm tốt là người nhìn ra bức tranh toàn cảnh, sẵn sàng “gạt bỏ” cái tôi sang một bên và hướng tới mục tiêu chung.
Quá trình ra quyết định theo nhóm thường đòi hỏi thỏa hiệp – và đôi khi, thái độ sẵn sàng từ bỏ quan điểm riêng của cá nhân để ủng hộ quyết định chung của cả nhóm.
Giải quyết vấn đề
Khả năng xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, dựa trên cơ sở kỹ năng của từng thành viên là tiền đề quan trọng thúc đẩy hiệu suất và thành công của tập thể. Kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm đòi hỏi bạn phải suy nghĩ “vượt ra” khỏi lối mòn (think out of the box) khi có thách thức hoặc vấn đề nảy sinh.
Thay vì bị phân tâm bởi kết quả tiêu cực, điều quan trọng là bình tĩnh giúp đội nhóm tìm ra giải pháp. Bằng cách này, bạn sẽ có thể phát hiện ra những rào cản/bất cập đang cản trở thành công của nhóm, nhờ đó cải thiện quy trình làm việc chung.
Tôn trọng sự đa dạng
Làm việc theo nhóm yêu cầu bạn phải có tư duy cởi mở – với ý thức rằng các thành viên có thể nhìn nhận sự việc từ góc độ rất khác biệt. Việc thực hành kỹ năng lắng nghe sẽ giúp bạn nhận ra nhiều khía cạnh của vấn đề mà bản thân chưa từng xem xét trước đây. Đây là cơ sở để bạn trở thành một đồng nghiệp/ nhà lãnh đạo tốt hơn, dự đoán trước nhu cầu và thách thức trong tương lai, cũng như phản ứng hiệu quả khi những điều đó xảy ra.
Đọc thêm: Không biết lắng nghe – Thói quen xấu “giết chết” các mối quan hệ
Tư duy phản biện
Tư duy phản biện (critical thinking) cho phép cá nhân đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Chúng ta thường rất hăng hái làm theo quyết định của tập thể – hoặc thuận theo điều mà một thành viên trong nhóm tin là hướng hành động tốt nhất. Thế nhưng đôi khi, một cách tiếp cận khác, hoặc một ý tưởng mới có thể sẽ giúp đạt được kết quả tốt hơn.
Bằng cách chậm rãi xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề, suy ngẫm về những kinh nghiệm trong quá khứ, đồng thời lắng nghe ý kiến của các thành viên khác – bạn sẽ có thể khám phá các bước đi “đột phá”, đưa đội nhóm phát triển theo hướng mới.
Kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch
Nếu bạn không biết cần phải làm gì và vào thời điểm nào, sẽ rất khó để hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Để giải quyết công việc hiệu quả, bạn phải có khả năng đưa ra một kế hoạch tổng thể – trong đó, mọi thành viên trong nhóm đều hiểu, tuân theo và biết rõ kết quả mong đợi. Một khi thống nhất về kế hoạch, bạn sẽ có thể sắp xếp nhiệm vụ, thiết lập thời hạn và điều phối hành động của từng thành viên chi tiết.
Thuyết phục và tạo ảnh hưởng
Một trong những kỹ năng làm việc nhóm quan trọng là tạo ảnh hưởng. Khi đội nhóm đi đến một quyết định chung, một số thành viên có thể cần được thuyết phục về giá trị của quyết định này.
Năng lực ảnh hưởng không phải là một đặc điểm tính cách. Đây là một kỹ năng có thể học tập được. Trong bối cảnh làm việc theo nhóm, vai trò của đội trưởng là truyền cảm hứng cho mọi thành viên cùng đóng góp cho mục tiêu chung. Để làm được điều này, bạn nên dành thời gian trau dồi kỹ năng thuyết trình của mình.
Đọc thêm: Kỹ năng nói trước đám đông – 8 bước thực hành chi tiết
Khả năng tạo dựng niềm tin
Khi làm việc theo nhóm, bạn phụ thuộc vào các thành viên khác, cũng như họ phụ thuộc vào bạn. Do đó, hãy thể hiện bản thân là người đáng tin cậy – bằng cách hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại trên đường đi.
Sự minh bạch là yêu cầu tối quan trọng – các bên liên quan cần phải hiểu rõ về bộ chuẩn mực nhóm, công việc mà họ chịu trách nhiệm, cũng như nỗ lực cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn và đạt tiêu chuẩn dự kiến.
Đồng cảm
Sự đồng cảm với đồng đội có thể cho phép bạn hiểu rõ hơn về động cơ hành động và cảm xúc của họ. Hãy dành thời gian lắng nghe và tìm hiểu cách người khác nghĩ và làm việc – điều này sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.
Trong làm việc nhóm, điều quan trọng là bạn phải luôn nhận thức được tình trạng của tập thể. Ví dụ, nếu một cá nhân nói quá nhiều hoặc không cho phép người khác chia sẻ ý kiến, vai trò của trưởng nhóm là “khôi phục” sự cân bằng, để mỗi người đều có cơ hội đóng góp. Ngoài ra, nếu một thành viên có xu hướng ngại chia sẻ ý kiến, bạn hãy tạo không gian để tất cả đều thoải mái đóng góp các kỹ năng và hiểu biết riêng của họ.
Đọc thêm: Thấu hiểu người khác – Chìa khóa cho các mối quan hệ xã hội
Kỹ năng xây dựng đội nhóm: Mô hình 9 vai trò của Belbin
Ngay cả khi sở hữu kỹ năng làm việc nhóm tốt, sẽ chẳng ích gì nếu như đội nhóm của bạn không được xây dựng hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy rằng các nhóm thành công nhất luôn bao gồm những cá nhân thể hiện đa dạng xu hướng hành vi. Đó là lý do vì sao nhiều tổ chức ngày nay đã lựa chọn phát triển đội nhóm dựa trên mô hình Vai trò Nhóm Belbin.
Theo phân loại của Belbin, có 9 loại vai trò trong đội nhóm như sau:
- Người hoàn thiện cuối cùng (Completer Finisher): Đảm bảo rằng kết quả công việc hoàn hảo theo tiêu chuẩn mong đợi.
- Điều phối viên (Coordinator): Tập trung vào mục tiêu, biết cách phân công công việc và giao nhiệm vụ cho các thành viên cho phù hợp.
- Người thực hiện (Implementer): Người có tư duy thực tế, biết cách lập kế hoạch và thực hiện chiến lược hiệu quả.
- Người giỏi phân tích (Monitor Evaluator): Đưa ra đánh giá khách quan về các hoạt động và nỗ lực của nhóm.
- Người có nhiều ý tưởng (Plant): Giàu trí tưởng tượng, suy nghĩ đột phá.
- Người sáng tạo (Resource Investigator): Đánh giá các nguồn lực bên ngoài và sàng lọc thông qua các giải pháp hiện có – nhằm đi đến những giải pháp tốt nhất cho nhóm.
- Người lập kế hoạch (Shaper): Thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển của đội nhóm.
- Chuyên gia (Specialist): Cung cấp chuyên môn kỹ thuật cần thiết.
- Người làm việc theo nhóm (Teamworker): Xác định những việc cần phải làm và hoàn thành nhiệm vụ thay mặt/ cùng với các thành viên khác.
Hẳn một số người sẽ nghĩ rằng, những kiến thức trên đây chỉ hữu ích cho ai ở cấp quản lý/ đội trưởng. Tuy nhiên, việc ý thức rõ vai trò của mình và mong đợi của đội nhóm dành cho bản thân sẽ giúp bạn nâng cao đáng kể kỹ năng làm việc nhóm. Chưa kể, nếu cảm thấy mình đang đảm nhiệm không đúng vai trò, bạn có thể thảo luận với trưởng nhóm để điều chỉnh lại vì lợi ích chung.
Đọc thêm: Mô hình DISC – Tổng quan 4 loại tính cách nổi trội
Cách cải thiện kỹ năng làm việc nhóm
Một số người bẩm sinh đã có thể phối hợp tốt theo đội nhóm. Những người khác thì cần thời gian để rèn luyện kỹ năng này. Dù bạn thuộc nhóm nào, điều đó hoàn toàn không quan trọng.
Sau đây là một số gợi ý để giúp bạn phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho chính mình.
Đặt ra sứ mệnh và mục tiêu chung
Để nhóm hoạt động hiệu quả, mọi thành viên cần ý thức tham gia vào sứ mệnh chung, sẵn sàng đặt công việc và lợi ích tập thể lên trên các mục tiêu cá nhân. Theo Carlos Valdes-Dapena, người quản lý/ đội trưởng có thể thu hút mọi người tham gia vào việc chung bằng cách đặt câu hỏi như sau:
“Vì sao việc chúng ta phối hợp với nhau, như một đội, sẽ có giá trị hơn hẳn so với tổng hợp nỗ lực của từng cá nhân các bạn?”
Trách nhiệm của người đứng đầu là vạch ra hướng đi rõ ràng và đủ “hấp dẫn”. Nếu không, cơ hội thành công của đội nhóm sẽ suy giảm đáng kể. Việc đặt chỉ tiêu cho từng cá nhân cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, để tối đa hiệu quả làm việc nhóm, mọi người cần cam kết tuân thủ theo một hệ thống điều lệ (team charter) và hướng đến mục tiêu chung.
Cũng như các ban nhạc thành công nhất trong lịch sử, khi cái tôi của ai đó trở nên quá lớn – vượt lên mục đích chung, đội nhóm sẽ bắt đầu tan rã.
Khuyến khích giao tiếp cởi mở
Phần lớn xung đột đều bắt nguồn từ sai lầm trong giao tiếp. Hãy đảm bảo rằng các thành viên được thoải mái nói lên suy nghĩ của họ. Tốt hơn hết là bạn hãy thảo luận về các ý kiến khác biệt – hơn là để một số người “ôm mối hận” và phá hoại công việc của cả đội.
Sự tin tưởng là yếu tố quan trọng đối với thành công đội nhóm. Nếu không có niềm tin, nhóm sẽ không thể giao tiếp hiệu quả và cùng nhau giải quyết vấn đề. Niềm tin bắt đầu “nảy nở” khi bạn khuyến khích mọi người tự do phát biểu mà không sợ phản ứng gay gắt hoặc tức giận. Bạn cũng sẽ thấy những thông tin chi tiết và năng lực sáng tạo bắt đầu “tuôn trào” khi từng thành viên sẵn sàng lên tiếng hơn.
Đọc thêm: Trút giận lên người khác – Tác hại sâu xa của thói “giận cá chém thớt”
Xác định vai trò và trách nhiệm
Nếu mọi người đều nắm vai trò và trách nhiệm của mình là gì, họ sẽ biết chính xác những gì cần làm để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Mỗi thành viên cần phải rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của họ – cũng như hiểu và tự tin về những điểm mạnh cụ thể mà họ mang lại cho nhóm.
Quy mô và cấu trúc nhóm đóng vai trò rất quan trọng. Ở cương vị đội trưởng, bạn cần phải có khả năng quyết định và suy nghĩ thực dụng. Sẽ không tốt nếu chỉ dựa vào một vài thành viên tài năng chính và một chút may mắn. Nếu nhóm quá nhỏ, bạn sẽ không có được sự kết hợp kỹ năng, phong cách tư duy và hành vi cần thiết. Ngược lại, nếu nhóm quá lớn, mọi người có thể trở nên lười biếng và dễ suy nghĩ theo ý kiến chung hơn.
Tất nhiên, bạn cần yếu tố linh hoạt sau khi thành lập nhóm để có thể phản hồi nhanh chóng nếu cấu trúc nhóm không hiệu quả – nhưng nếu có thể, hãy cố gắng thiết lập một số ranh giới nhất định.
Ví dụ: Bạn có thể đặt ra giới hạn về số lượng thành viên trong nhóm. Nếu một thành viên mới tham gia, người khác sẽ phải rời đi để ngăn ngừa tình trạng làm việc nhóm kém hiệu quả.
Sự đa dạng cũng rất quan trọng, vì vậy hãy đảm bảo đội nhóm bao gồm các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, nền tảng kinh tế xã hội, gốc gác và giới tính khác nhau. Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) cho thấy các đội nhóm đa dạng thường ghi nhận năng lực đổi mới và sáng tạo cao hơn hẳn các nhóm khác.
Vạch ra mục tiêu
Một khi các thành viên ý thức về mục tiêu chung và của cá nhân, họ sẽ dễ dàng nhìn ra bức tranh tổng thể – cũng như ảnh hưởng của họ đối với toàn bộ dự án.
Ở cương vị đội trưởng, bạn có thể dựa trên cả quan sát của riêng bạn và phản hồi/ góp ý từ những người xung quanh để đề xuất các mục tiêu khả thi, phù hợp và có giới hạn thời gian. Khung mục tiêu SMART là công cụ rất hay cho việc đặt mục tiêu, cải thiện kỹ năng làm việc nhóm.
Đọc thêm: Cướp công người khác – Thói quen xấu cần loại bỏ
Ghi nhận và khen thưởng tinh thần đồng đội
Sự ghi nhận là “chất xúc tác” đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ. Cảm giác được công nhận sẽ thúc đẩy tinh thần của đội nhóm, khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ hơn.
Điều quan trọng là các thành viên phải ý thức được khi nào họ đang làm việc có kết quả. Bạn có thể ghi nhận hiệu suất tốt của họ bằng phần thưởng vật chất hoặc tinh thần (ví dụ: khen ngợi riêng hoặc trước mặt toàn đội). Nếu bạn nói rõ phần thưởng là dành cho cả nhóm, điều này cũng sẽ góp phần củng cố ý thức gắn kết của cả đội.
Ngoài ra, một lưu ý khác nữa là bạn phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về sai lầm cũng như thành công chung. Hãy nhớ rằng, nếu các thành viên thấy bạn đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh bên ngoài, họ cũng sẽ hành động giống tương tự.
Đọc thêm: Không công nhận cố gắng của người khác – Tật xấu “không của riêng ai”
Xử lý xung đột từ trong “trứng nước”
Phát hiện xung đột và xử lý từ sớm là điều mà bất kỳ trưởng nhóm nào cũng cần lưu tâm.
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của mọi tập thể. Điều quan trọng là những vấn đề đó được xử lý như thế nào. Ở cương vị đội trưởng, bạn có thể nêu gương bằng cách tập trung giải quyết xung đột một cách kịp thời và thấu cảm ngay khi nó vừa mới nảy sinh. Đây cũng là cơ hội quý giá để bạn “ôn lại” mục tiêu chung của nhóm, làm tiền đề lấy lại sự tập trung và phục hồi sau xung đột.
Giao tiếp hiệu quả
Làm thế nào để theo dõi tiến độ, thảo luận về những trở ngại và lập kế hoạch trước? Câu trả lời rất đơn giản: Bạn hãy thường xuyên tổ chức họp nhóm với một chương trình nghị sự rõ ràng. Đối với các tập thể làm việc từ xa, giao tiếp càng trở thành kỹ năng làm việc nhóm quan trọng hơn bao giờ hết.
Cân bằng khối lượng công việc
Là người đứng đầu, bạn cần đảm bảo không có thành viên nào phải gánh trách nhiệm nặng hơn nhiều so với người khác. Cảm giác bị lợi dụng và “bóc lột” bởi một cấp quản lý thiên vị là điều mà bạn chắc chắn không muốn họ cảm thấy.
Đọc thêm: 14 mẹo cân bằng cuộc sống và công việc
Tránh can thiệp không cần thiết
Một đội nhóm được tổ chức tốt sẽ đủ khả năng tự quản lý. Sai lầm của nhiều trưởng nhóm – cũng như một số thành viên tài năng – là hiếu thắng và mong muốn kiểm soát mọi khía cạnh của công việc. Hành động thích thể hiện, can thiệp quá nhiều không chỉ gây phản tác dụng, mà còn tác động xấu đến tinh thần và sự gắn kết đội nhóm.
Đọc thêm: Lãnh đạo bản thân – Nền tảng thành công bền vững
Cung cấp thông tin phản hồi
Cung cấp và lắng nghe phản hồi tốt là yêu cầu cần thiết trong bất kỳ tình huống làm việc nhóm nào. Bạn cần phải đưa ra góp ý rõ ràng và chi tiết với người khác – nhằm mục tiêu giữ cho quy trình nhóm hoạt động hiệu quả. Điều này cũng góp phần đảm bảo rằng bạn không rơi vào tình trạng “bức xúc” với cách mà thành viên trong nhóm đang hành động.
Xác định điểm yếu cá nhân không phải là điều dễ dàng. Nếu có thể, bạn hãy tìm kiếm một người bạn, đồng nghiệp hoặc người coach/ mentor đáng tin cậy để lắng nghe phản hồi trung thực của họ về điểm mạnh – điểm yếu trong kỹ năng làm việc nhóm của bạn.
Video về kỹ năng làm việc nhóm
- How to turn a group of strangers into a team
Đúng như nội dung tiêu đề, bài phát biểu TED Talk này của Amy Edmondson giải thích những yếu tố cần thiết để biến một tập hợp những cá nhân không quen biết nhau thành một đội nhóm nhanh nhẹn và gắn kết.
- Build a tower, build a team
Tom Wujec đề cập đến khái niệm Thử thách Marshmallow (Marshmallow Challenge) ở một góc độ hoàn toàn mới – nhằm mục đích chứng minh cơ chế thực sự đằng sau một đội nhóm làm việc hiệu quả.
- The tribes we lead
Trong bài phát biểu của mình, Seth Godin lập luận rằng Internet đã “kích hoạt” tâm lý bầy đàn bị lãng quên từ lâu của con người. Cùng nhau, chúng ta có thể làm được những điều tuyệt vời.
- How diversity makes teams more innovative
Trong bài phát biểu của mình, Rocío Lorenzo lập luận rằng hiệu quả của đội nhóm có mối liên hệ trực tiếp với sự đa dạng trong nội bộ các thành viên.
- Why good leaders make you feel safe
Trong bài nói chuyện truyền cảm hứng của mình, Simon Sinek giải thích cách người trưởng nhóm có thể cải thiện hiệu suất chung bằng cách làm cho các thành viên cảm thấy an toàn.
Sách về kỹ năng làm việc nhóm
Dưới đây là tuyển tập một số đầu sách hay mà bạn có thể tham khảo để nâng kỹ năng làm việc nhóm của bạn lên một tầm cao mới:
- Teamwork Is an Individual Skill: Getting Your Work Done When Sharing Responsibility – Christopher N. Avery, Meri Aaron Walker, Erin O’Toole Murphy
- Teamwork Skills (Career Skills Library) – Dandi Daley Mackall
- Teamwork and Teamplay – Barry Jolliff, James Hallie Cain
- Harvard Business Review on Building Better Teams
- The Five Dysfunctions of a Team: A Leadership Fable – Patrick Lencioni
- Virtual Team Success: A Practical Guide for Working and Leading from a Distance – Darleen DeRosa, Lepsinger Richard
Có thể bạn quan tâm:
- Hạnh phúc trong công việc: 8 bí quyết thực hành
- Nhờ giúp đỡ: Sức mạnh đến từ sự yếu đuối
- Không biết nói lời cảm ơn: Vì sao chúng ta ít thể hiện lòng biết ơn?
- Lãnh đạo chuyển đổi: Phong cách quản lý của thời đại
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!