Ý nghĩa cuộc sống nằm ở đâu? Trong công việc, tình yêu, gia đình hay đóng góp cho xã hội? Hãy cùng tôi khám phá câu trả lời qua bài viết sau đây bạn nhé!
Ý nghĩa cuộc sống là gì? Mục đích đời người là đâu?
Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Và tôi sẽ đi về đâu?
Từ bao thiên niên kỷ nay, nhân loại đã không ngừng bị ám ảnh bởi những câu hỏi nhân sinh này.
Chúng ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành, và rồi cuối cùng cũng chết. Mọi trải nghiệm trong đời – niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, mất mát – tất cả cũng chỉ gói gọn trong vài chục năm ngắn ngủi. Một chu kỳ tuần hoàn của những khoảnh khắc thoáng qua – cho đến một ngày, tất cả đều tan biến và chìm vào quên lãng.
Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.
Rốt cuộc, tại sao chúng ta lại có mặt ở đây? Tại sao ta được sinh ra trên thế gian này? Tại sao chúng ta phải ám ảnh/ quan tâm tới cái này cái kia – để rồi cuối cùng cũng về với cát bụi?
Suy cho cùng, đời người có đáng là bao nếu so với vũ trụ mênh mông và vô tận này? Thế nhưng, chính trong sự phù du đó, nhiều người vẫn không ngừng ấp ủ trong mình những ước ao, những khát vọng. Chúng ta khao khát một điều gì đó vượt lên trên sự tồn tại ngắn hạn của mình – một cảm thức về mục đích, “lý do để tồn tại”.
Phải chăng sự có mặt của ta trên thế giới chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, hoàn toàn không có nghĩa lý gì? Hay phải chăng, có một kế hoạch vĩ đại ẩn chứa đằng sau đó?
Liệu rằng nhiệm vụ của mỗi người là tự vạch ra lộ trình cuộc sống thông qua các lựa chọn và hành động của mình – hay tất cả biến cố trong đời đều đã được định sẵn bởi những thế lực nằm ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của ta?
Trong quá trình suy ngẫm về những câu hỏi trên đây, con người thường lựa chọn theo những hướng đi riêng. Một số tìm kiếm lời giải đáp nơi tín ngưỡng tôn giáo, một số tìm đến triết học, số khác thì thông qua khoa học, nghệ thuật, âm nhạc hoặc trải nghiệm thế giới tự nhiên.
Nhìn bề ngoài, các lựa chọn trên đây có vẻ hoàn toàn tách biệt, song về bản chất đều xuất phát từ một động cơ duy nhất: mong muốn thấu hiểu vị trí của bản thân trong vũ trụ và lý do đằng sau sự tồn tại này.
Dù quyết định theo hướng nào, miễn là bạn đủ can đảm và tin tưởng để đi đến cùng đích, cuộc hành trình này sẽ biến đổi con người và cuộc đời của bạn bước sang một trang mới!
Tóm tắt nội dung chính
- Ý nghĩa cuộc sống (tiếng Anh: meaning of life) là một khái niệm khá trừu tượng và khó định nghĩa. Nhìn chung, nó đề cập đến nhận thức của cá nhân về tầm quan trọng cũng như lý do đằng sau sự tồn tại của mình. Thông thường, nhận thức này được hình thành thông qua sự kết hợp của những trải nghiệm sống, niềm tin và hệ giá trị cốt lõi.
- Suy ngẫm về ý nghĩa là một trong những khao khát cơ bản của nhân loại – góp phần không nhỏ vào hành trình phát triển bản thân, giúp mỗi người mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời, cũng như đặt nền móng cho sự trưởng thành về khía cạnh tinh thần và tâm linh.
- Qua hàng chục thế kỷ, các triết gia, lãnh đạo tôn giáo, chuyên gia tâm lý, văn nghệ sĩ, học giả, cũng như vô số người khác đã suy ngẫm và đưa ra nhiều quan điểm đa dạng về ý nghĩa của cuộc đời (vd: đạo đức, cảm thức cộng đồng, v.v…).
- Về cốt lõi, ý nghĩa cuộc sống nằm ở việc nhận thức và đi theo “con đường” (Đạo) của riêng mình – được hình thành trên nền tảng tổng hòa giữa nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan cá nhân. Tìm kiếm “Đạo” đòi hỏi mỗi người phải không ngừng tự khám phá, thực hành đạo đức và hòa nhập với cộng đồng.
- Thiếu hiểu biết, cái tôi thái quá, bệnh thành tích, ý thức giá trị sai lệch, ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, v.v… là những nguyên nhân chính khiến nhiều người cảm thấy cuộc đời này thật vô nghĩa.
- Để tìm kiếm ý nghĩa, mỗi chúng ta cần phải thường xuyên tự phản tỉnh, nhận thức về “tần số rung động” cá nhân, cũng như dám thử nghiệm và tìm kiếm sự hướng dẫn khi cần thiết.
- Trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa, điều quan trọng là phải luôn giữ vai trò chủ động, đánh giá lại các tư tưởng định kiến. Ngoài ra, cần chú trọng nuôi dưỡng đời sống tinh thần, đóng góp cho cộng đồng, cũng như học cách chấp nhận thay đổi và trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất, tránh rơi vào “cạm bẫy” tự so sánh và ghen tức.
- Suy ngẫm và thấu hiểu vai trò của đau khổ là một phần không thể thiếu trong đời. Để làm được điều này, chúng ta cần thể hiện tinh thần cầu tiến, tập trung vào sự phát triển cá nhân, biết đồng cảm và biến khó khăn thành cơ hội để rèn luyện tính bền bỉ, mạnh mẽ trước mọi thử thách.
Ý nghĩa cuộc sống là gì?
Thật không dễ để đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho câu hỏi trên đây – một phần cũng xuất phát từ khó khăn trong việc xác định nội hàm của hai chữ “ý nghĩa”. Trong nhiều thế kỷ, các triết gia, nhà thần học và nhà tư tưởng trên nhiều lĩnh vực/trường phái khác nhau đã không ngừng tranh luận về bản chất thực sự của khái niệm này.
Về phần mình – là người có xu hướng tư duy “tuyến tính” cũng như đam mê với ngôn ngữ học, tôi quyết định sẽ phân tích theo phương pháp “chiết tự”. Tuy cách diễn giải dưới đây có thể không trọn vẹn hoặc thậm chí “trẻ con” đối với một số độc giả, tôi vẫn xin phép được chia sẻ cùng bạn.
Ý nghĩa là gì?
Trước tiên, hãy bắt đầu với hai chữ “ý nghĩa” (meaning). Trên cơ sở nghiên cứu cá nhân, tôi tin rằng chúng ta có thể phân tích nó theo 3 hướng sau:
- Thứ nhất, nó đề cập đến mối liên hệ và kết nối giữa một dấu hiệu (vd: từ ngữ, ký hiệu) với cái mà nó biểu thị. Trọng tâm ở đây là đối tượng/ khái niệm khách quan bên ngoài – có thể được xác định trên cơ sở một số điều kiện loại suy nhất định.
Ví dụ: Từ “mèo” dùng để chỉ một loại động vật bốn chân có lông và ria mép. Trong trường hợp này, các điều kiện như “có lông”, “bốn chân”, v.v… đóng vai trò là cơ sở giúp xác định xem một dấu hiệu/nhận định là đúng hay sai.
- Một cách giải thích khác nhấn mạnh đến trạng thái tinh thần, thái độ hoặc quan điểm liên quan đến một dấu hiệu cụ thể. Theo đó, “ý nghĩa” được hiểu là các suy nghĩ chủ quan, nội tại (bao gồm các liên tưởng và diễn giải cá nhân) phát sinh khi bắt gặp một đối tượng/ khái niệm cụ thể.
Ví dụ 1: Khi nghe đến từ “mèo”, chúng ta có thể gợi lên trong đầu hình ảnh về một chú mèo cưng từng nuôi trước đây, hoặc tổng hòa những tính chất/ ý niệm mà ta gán ghép cho cái được gọi là “mèo” (vd: đáng yêu/ đáng ghét, hay đi đêm, v.v…).
Ví dụ #2: Hai chữ “tự do” gợi lên cảm giác về một trạng thái thiếu vắng sự ràng buộc.
- Cách giải thích thứ ba lấy trọng tâm là cách thức một dấu hiệu được sử dụng trong bối cảnh cụ thể – nhằm truyền tải ý tưởng và phục vụ cho những mục tiêu nhất định. “Ý nghĩa”, khi đó, được coi là phát sinh từ chức năng thực dụng của một đối tượng trong tương quan người-người.
Ví dụ #1: Cụm từ “Tôi đói” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể. Nếu được nói ra sau một ngày dài làm việc, nó có thể thể hiện nhu cầu thực sự đối với thức ăn. Nếu nói với một người bạn vừa nấu ăn xong, nó có thể là một cách diễn đạt thay thế, mang tính gián tiếp cho hai chữ “cảm ơn”. Tuy nhiên, nếu là do một đứa trẻ nói với mẹ mình với một giọng điệu cụ thể, nó có thể là một cách để đứa trẻ thể hiện sự không hài lòng (hay nói cách khác, ý nghĩa thực sự là “con đang khó chịu với mẹ đây”).
Ví dụ #2: Tùy thuộc vào ngữ cảnh và mối quan hệ, hai chữ “Đồ ngốc!” có thể được hiểu là mang hàm ý công kích cá nhân, hoặc đơn giản là một câu bông đùa nhẹ nhàng.
Cuộc sống là gì?
Bây giờ, chúng ta hãy cùng phân tích qua thành tố “cuộc sống” (life). Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, song khái niệm này thực tế khá phức tạp – bao hàm trong đó vô số trải nghiệm và cảm giác riêng biệt với từng cá nhân.
- Theo góc nhìn sinh học thuần túy, “life” thường được định nghĩa là trạng thái đặc trưng bởi các quá trình như tăng trưởng, sinh sản, phản ứng với các tác nhân kích thích từ môi trường, trao đổi chất và chết. Nó là điểm chính phân biệt các loài sinh vật – từ vi sinh vật đến loài động vật có vú lớn nhất – với những thứ vô tri. Tuy nhiên, định nghĩa này có nhược điểm là không nắm bắt được toàn bộ bản chất của sự tồn tại, đặc biệt đối với con người. Khác với những thực thể sinh học thông thường, chúng ta là những sinh vật mang trong mình năng lực ý thức, cảm xúc, khả năng tư duy trừu tượng, cũng như vô số các đặc điểm riêng biệt khác.
- Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần xem xét khái niệm “life” theo nghĩa rộng hơn. Cụ thể, nó bao gồm toàn bộ những phương diện đa dạng của trải nghiệm con người – bao gồm các khía cạnh về thể chất, cảm xúc và tinh thần từ khi sinh ra đến lúc chết, những khoảnh khắc vui vẻ, buồn bã, tình yêu thương, mất mát và rất nhiều điều khác nữa.
Cuộc sống là gì?
Định nghĩa tổng hợp
Trên cơ sở phân tích trên đây, tôi tin rằng “ý nghĩa của cuộc sống” có thể được hiểu là cảm thức về tầm quan trọng mà một cá nhân gán cho sự tồn tại của chính mình. Nó đề cập đến một ý niệm cá nhân mang tính độc nhất, được hình thành thông qua những trải nghiệm, niềm tin và hệ giá trị – cũng như được biến đổi liên tục thông qua quá trình tự khám phá và đưa ra các quyết định trong đời.
- Một số người tìm thấy ý nghĩa từ các mục tiêu và thành tựu bên ngoài (vd: theo đuổi một công việc cụ thể, chăm sóc gia đình) hoặc một tập hợp các nguyên tắc/chân lý khách quan hướng dẫn hành động của họ (vd: Quy tắc vàng – Golden Rule, Tứ diệu đế, hoặc các phẩm chất đạo đức như công bằng và lòng trắc ẩn).
- Với một số khác, ý nghĩa là kết quả của tổng hợp các trải nghiệm cấu thành nên cuộc sống của họ. Đó là khi ta có thể đồng điệu với trạng thái bên trong (vd: giá trị cốt lõi, niềm tin, tiềm năng, v.v…) và tìm thấy niềm vui trong trải nghiệm sống hàng ngày (vd: vượt qua một thử thách cụ thể).
- Một số khác đề cao vai trò của năng động tính (agency) – khả năng của con người trong việc kiểm soát và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo đó, “ý nghĩa” bắt nguồn từ việc chủ động kiến tạo cuộc sống, trải nghiệm và đưa ra những lựa chọn chân thực, phù hợp với các giá trị và nguyện vọng bên trong.
Qua phân tích trên, hẳn bạn có thể thấy “ý nghĩa cuộc sống” là một khái niệm mang tính chủ quan và đặc trưng cho từng cá nhân. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nó có thể biểu hiện ra dưới dạng:
- Mục đích: Phấn đấu hướng tới các mục tiêu cụ thể, cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp.
- Phát triển cá nhân: Không ngừng học hỏi và hoàn thiện chính mình.
- Kiến thức: Mở rộng tầm nhìn ở đa dạng lĩnh vực – từ khoa học, triết học cho đến nghệ thuật.
- Mối quan hệ: Nuôi dưỡng kết nối với người thân, bạn bè và cộng đồng.
- Nhân tính: Ý thức về bản chất chung của nhân loại và mối dây nhân duyên nối kết mọi chúng sinh với nhau.
- Khám phá: Theo đuổi những hoạt động giúp cuộc sống thêm phong phú (vd: du lịch, sở thích, hoạt động sáng tạo, v.v…).
- Tâm linh/ triết học: Tìm hiểu về vũ trụ và vị trí của con người trong đó – thông qua tôn giáo, thiên nhiên hoặc tự suy ngẫm.
- Phục vụ tha nhân: Giúp đỡ mọi người và cống hiến cho xã hội thông qua sáng tạo nghệ thuật và hoạt động xã hội.
- v.v…
Một số khái niệm liên quan đến ý nghĩa cuộc sống
- Mục đích sống (life purpose)
Mặc dù đều xoay quanh chủ đề về kiếp nhân sinh, “ý nghĩa” bao hàm trong đó cảm thức chủ quan về giá trị mà cá nhân gán cho sự tồn tại của mình. Ngược lại, “mục đích” đề cập đến một sứ mệnh/ đích đến khách quan, được xác định bởi các yếu tố bên ngoài.
Tuy không hoàn toàn đồng nhất với nhau, “mục đích” đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cảm nhận của cá nhân về “ý nghĩa”. Lấy ví dụ, một người có thể tìm thấy ý nghĩa cũng như mục đích trong công việc, mối quan hệ hoặc các thực hành tâm linh của mình.
- Ikigai (生き甲斐)
Là một khái niệm có nguồn gốc từ Nhật Bản, “Ikigai” thường được định nghĩa là “lẽ sống”, lý do để cá nhân tồn tại trên đời. Theo một số chuyên gia, nó được cấu thành từ tổng hòa của 4 yếu tố chính: những gì bạn yêu thích, những gì bạn giỏi, những gì thế giới cần và những gì bạn có thể giúp bạn kiếm tiền/ ổn định cuộc sống.
Tuy trọng tâm của Ikigai là tìm kiếm đam mê mỗi ngày, nó cũng góp phần không nhỏ vào cảm thức về ý nghĩa. Thông qua các hoạt động mang lại niềm vui và sự viên mãn (thỏa mãn Ikigai), cá nhân đồng thời làm phong phú thêm trải nghiệm sống của chính mình.
Định nghĩa | Trọng tâm | Vai trò & tác động | |
Ý nghĩa cuộc sống | Cảm thức giá trị chủ quan được gán cho sự tồn tại của cá nhân | Quan điểm cá nhân, hệ giá trị và niềm tin cốt lõi | Khái niệm nền tảng, hướng người ta đến những vấn đề của nhân sinh |
Mục đích sống | Sứ mệnh/ đích đến khách quan | Mục tiêu bên ngoài, nguyện vọng và đóng góp cho xã hội | Góp phần vào cảm thức về ý nghĩa |
Ikigai | Điểm giao thoa của đam mê, kỹ năng, nhu cầu và lợi ích nhận được | Trải nghiệm niềm vui và sự viên mãn thông qua các hoạt động hàng ngày | Một phương thức tiếp cận trên hành trình đi tìm ý nghĩa |
Vì sao cần suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống?
Tìm kiếm ý nghĩa là một phần của bản thể nhân loại
Con người luôn khao khát ý nghĩa trong mọi sự. Ngay cả với những thứ chẳng có gì quan trọng, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy quy luật đằng sau đó.
Shaun David Hutchinson
Bạn có thể thấy khó tin, nhưng quả thực, tìm kiếm ý nghĩa là khao khát mang tính “bản năng” của loài người. Dù là với bất kỳ sự vật hay sự việc nào, chúng ta đều muốn biết “lý do” đằng sau nó.
Trong suốt cuộc đời, nhân loại luôn không ngừng tìm kiếm các quy luật, mối liên hệ và ý nghĩa ẩn sau mọi sự:
- Chúng ta đi học để mở rộng hiểu biết về thế giới trong đa dạng lĩnh vực, từ vật lý lượng tử đến tâm lý con người.
- Chúng ta sáng tạo ra những câu chuyện, huyền thoại và học thuyết để giải thích những điều không thể giải thích nổi.
- Các hoạt động như nghệ thuật, âm nhạc và văn học để ta sử dụng cho mục tiêu thể hiện chính mình và kết nối với cảm xúc của tha nhân.
- Chúng ta khao khát tương quan sâu sắc với gia đình, bạn bè và người thương, hơn là những mối quan hệ hời hợt chóng qua.
- v.v…
Dưới đây là screenshot về số lượt tìm kiếm trung bình trên Google cho từ khóa “ý nghĩa cuộc sống” và các truy vấn liên quan, trên phạm vi toàn thế giới cũng như tính riêng tại Việt Nam (tính đến tháng 10 năm 2024).
Tổng lượng tìm kiếm cho từ khóa “meaning of life” và các từ khóa liên quan hàng tháng
Lượng tìm kiếm cho từ khóa “ý nghĩa cuộc sống” và các từ khóa liên quan (tại Việt Nam)
Bạn có tưởng tượng được không? Hơn 60.000 lượt tìm kiếm mỗi tháng trên toàn thế giới – và nếu bao gồm cả số lượt tìm kiếm về những chủ đề liên quan (vd: “ikigai”, “mục đích sống”), con số này lên tới gần 1,5 triệu! Riêng tại Việt Nam, một tháng trung bình có khoảng 1.000 lượt tìm kiếm về “ý nghĩa cuộc sống”; nếu cộng các truy vấn liên quan, tổng lượng tìm kiếm là gần 19.000!
Và đó chỉ là mới tính đến tìm kiếm trên Google – mà chưa tính đến các nền tảng khác (vd: Bing, Yahoo, DuckDuckGo) cũng như những ai đang âm thầm nghiên cứu/ suy ngẫm về chủ đề này mỗi ngày!
Này Google, ý nghĩa của cuộc sống là gì?
(Nguồn: Quora)
Tuy nhiên, tới đây nảy sinh một vấn đề: Tại sao?
Vì sao chúng ta lại quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống?
Theo nghiên cứu khoa học, một trong những nguyên nhân chính nằm ở khả năng độc đáo của não bộ con người trong việc lập kế hoạch cho các nhu cầu tương lai dài hạn (đây là thứ không có ở các loài sinh vật khác). Vì không có gì là chắc chắn trong tương lai, chúng ta cần một bộ giá trị tổng quát – bao gồm các niềm tin đạo đức, tôn giáo và ý thức hệ – nhằm mang lại lý do và định hướng cho tương lai.
Không chỉ dừng lại ở đó. Những thành kiến về nhận thức, như “ảo tưởng về sự kiểm soát” và “nỗi sợ điều chưa biết”, có thể bóp méo nhận thức cá nhân về thực tế – khiến ta cố gắng tìm kiếm và dựa vào những khuôn mẫu/ quy luật cụ thể (ngay cả khi chẳng có quy luật nào). Ví dụ, một người vận động viên có thể quyết định đeo một “lá bùa may mắn” mỗi khi ra sân, với niềm tin rằng nó có thể phần nào ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.
Bên cạnh đó, những vấn đề như nỗi lo hiện sinh (existential anxiety), cùng sự sợ hãi xuất phát từ trăn trở với những câu hỏi về sự sống và cái chết (vd: “Tôi là ai”, “Điều gì xảy ra sau khi tôi chết?”), cũng góp phần thúc đẩy hành trình tìm kiếm ý nghĩa. Những câu hỏi này thường hay xuất hiện sau một cuộc khủng hoảng/ bước ngoặt trong đời (ví dụ: trưởng thành, mất đi người thân yêu, v.v…). Tìm kiếm câu trả lời – dù là thông qua tôn giáo, triết học hoặc mục đích xã hội – là cách để xoa dịu trạng thái bất an và duy trì cảm giác an toàn, tự chủ giữa thế giới đầy biến động.
Theo các lý thuyết nêu trên, tìm ra ý nghĩa cuộc sống sẽ mang lại cho cá nhân một lợi thế sinh tồn nhất định. Nó cho phép ta đối mặt với tình trạng bất định và vượt lên các giới hạn thông thường, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn.
Bên cạnh cách giải thích của khoa học, nhiều học giả đã áp dụng phương pháp tiếp cận mang tính “xã hội” hơn – nhấn mạnh vào những phẩm chất độc đáo của con người, bao gồm khả năng nhận thức, sáng tạo và lý luận đạo đức. Theo đó, động cơ cố hữu của nhân loại trong việc tìm kiếm ý nghĩa bắt nguồn từ mong muốn vượt qua những giới hạn của cá nhân, để trở thành một phần của tổng thể lớn hơn.
Dù là thông qua sáng tạo nghệ thuật, phục vụ cộng đồng, nghi lễ hay thực hành tâm linh, động lực cơ bản vẫn như nhau: mở rộng và tăng cường nhận thức về thực tế – qua đó gia tăng cảm giác hạnh phúc, năng lực bền bỉ và sức khỏe tổng quát.
Mọi nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống đều nhằm vượt lên giới hạn của đời sống cá nhân… Để cuộc sống có ý nghĩa, nó phải kết nối với những thứ khác, với những giá trị vượt ra ngoài chính nó.
Robert Nozick
Bất kể bạn thấy góc nhìn nào hợp lý với bạn hơn, tôi tin rằng chúng ta đều có thể đi đến cùng một kết luận:
Tìm kiếm ý nghĩa là một phần cơ bản của kiếp nhân sinh, của bản thể con người. Đó là “sứ mệnh” bẩm sinh mà không ai được miễn trừ – một thứ sẽ cho phép mỗi người sống trọn vẹn hơn.
Nếu bạn chưa từng bao giờ nghĩ đến nó, tôi khuyên bạn hãy bắt đầu ngay từ bây giờ!
Tại sao ư?
Đơn giản thôi, bởi vì bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích (mà chúng ta sẽ thảo luận chi tiết dưới đây).
Nền tảng cho sự phát triển & phong phú trong cuộc sống
Thứ không thể giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Friedrich Nietzsche
Con người là những sinh vật có óc tò mò bẩm sinh; chúng ta luôn khao khát hiểu biết về thế giới xung quanh và vị trí của mình trong đó. Chính sự tò mò này thúc đẩy chúng ta đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và khám phá những ý tưởng mới.
Hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải xem xét lại những niềm tin hiện có, mở rộng tầm nhìn và đón nhận những góc nhìn mới. Trên đường đi, chúng ta sẽ gặp phải những trở ngại và thất bại thử thách năng lực bền bỉ và quyết tâm của chúng ta.
Chính những thách thức đó sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển – qua việc buộc ta phải thích nghi, học hỏi và biến đổi chính mình.
Mặc dù việc tìm kiếm câu trả lời có thể không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng thành quả của hành trình này chính là năng lực tự nhận thức – hiểu biết toàn diện hơn về điểm mạnh-yếu, tiềm năng, cùng những đóng góp độc đáo của bản thân. Khi đó, ta sẽ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt và chân thực hơn, phù hợp với nội tâm, phát huy trọn vẹn tiềm năng cá nhân. Theo cách nói của các chuyên gia tâm lý học nhân văn như Abraham Maslow và Carl Rogers, cá nhân sẽ có thể “tự hiện thực hóa” (self-actualize) và cảm nghiệm sự viên mãn.
Mối tương quan giữa việc tìm kiếm ý nghĩa và một cuộc sống phong phú là điều đã được kiểm chứng qua nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý Sức khỏe (Journal of Health Psychology) cho thấy những ai có ý thức mạnh mẽ về mục đích nhìn chung sẽ hạnh phúc, khỏe mạnh và kiên cường hơn. Họ ít bị trầm cảm, lo lắng và các bệnh mãn tính – điều này một phần có thể là do xu hướng duy trì các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống cân bằng. Nói cách khác, nó sẽ góp phần gia tăng tuổi thọ và giảm nguy cơ chết sớm.
Từ góc nhìn xã hội, cảm thức về ý nghĩa cũng góp phần xây dựng một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Cụ thể, nó khiến cá nhân sẵn sàng thể hiện lòng tốt, tham gia tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng – cũng như giảm bớt xu hướng của các hành vi có hại như lạm dụng chất gây nghiện, tội phạm và tự tử.
Mọi người sẽ trở nên tốt hơn khi bạn cho họ thấy con người thật của họ.
Anton Chekhov
Ý nghĩa cuộc sống
Chiếc “mỏ neo” giúp bạn vượt qua sóng gió cuộc đời
Phàm ai có được một lý do để sống thì không còn bị hoàn cảnh khuất phục nữa.
Friedrich Nietzsche
Trong xã hội hiện đại, các vấn nạn như tự tử, karōshi (過労死 – chết do làm việc quá sức) và karōjisatsu (過労自殺 – tự tử do làm việc quá sức) đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy có nhiều nguyên nhân khác nhau, tôi tin rằng một trong những lý do cơ bản nhất là do nạn nhân đã đánh mất cảm thức về mục đích.
Khi cá nhân cảm thấy mất kết nối với những gì thực sự quan trọng trong đời, họ dễ rơi vào tình trạng căng thẳng và tuyệt vọng – khiến họ tìm đến cái chết như một lối thoát (hoặc, trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, đắm chìm trong cà phê, bia rượu, trò chơi điện tử, buôn chuyện, giải trí về đêm, v.v…).
Nhận thức về ý nghĩa đóng vai trò như “liều thuốc giải độc” mạnh mẽ cho những đau khổ trên đây. Khi có một lý do để sống, một đích đến để phấn đấu hoặc động cơ để đấu tranh, chúng ta được ban cho sức mạnh cần thiết để kiên trì vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Trong tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” (tiếng Anh: Man’s Search for Meaning), chuyên gia tâm lý Viktor Frankl – người đã sống sót sau thảm sát Holocaust – đã thuật lại những ký ức kinh hoàng trong thời gian ở trại tập trung Auschwitz. Tại đó, ông đã tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của việc đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Nhiều tù nhân, bị tước đoạt hết toàn bộ tài sản, phẩm giá và hy vọng, cuối cùng đã rơi vào tuyệt vọng và tìm đến cái chết.
Phần lớn cái chết trong trại không phải vì đói hay bệnh tật, mà chủ yếu là vì mất đi cảm thức về ý nghĩa.
Ngược lại, Frankl đã níu giữ được hy vọng bằng cách nghĩ về vợ mình và mong chờ đến ngày được tái ngộ với bà. Ông thậm chí còn mơ tưởng đến viễn cảnh đứng trên bục giảng sau chiến tranh để thuyết trình về những bài học tâm lý mà ông đã học được tại Auschwitz.
Cảm giác về mục đích này, dù vô cùng nhỏ bé và phù du, chính là thứ đã nâng đỡ ông vượt qua những thời khắc đen tối nhất.
Từ kinh nghiệm của Frankl, chúng ta học được một bài học quý giá về tầm quan trọng của “lẽ sống” – chiếc “phao cứu sinh” trước sóng gió cuộc đời. Khi có gì đó để bám víu vào cuộc sống, bạn sẽ được ban cho sức mạnh ý chí cần thiết để vượt lên nghịch cảnh và duy trì cái nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Tầm quan trọng của ý nghĩa cuộc sống
Bạn đã từng bao giờ đọc qua hoặc nghe nói về truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry chưa? Truyện kể về một nghệ sĩ tên Johnsy bị viêm phổi và đã gần như từ bỏ hy vọng. Khi nằm trên giường, cô bị ám ảnh bởi một cây thường xuân ngoài cửa sổ và tin rằng, số phận của cô gắn liền với những chiếc lá đang rơi – rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cũng chính là lúc cô sẽ ra đi.
Biết được điều đó, một nghệ sĩ khác tên Behrman đã quyết định hành động. Trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu lấy mạng sống Johnsy, Behrman đã đi ra ngoài trong một đêm dông bão để vẽ lên trên cây một chiếc lá giả – giống y như thật. Hành động của ông đã mang lại niềm hy vọng và sức mạnh cho Johnsy chống chọi và chiến thắng căn bệnh của mình.
Một chiếc lá đơn lẻ, được vẽ nên bởi một tâm hồn nhân hậu, đã mang đến sự biến đổi hoàn toàn cho một tâm hồn đang chênh vênh trên bờ vực. Chính nhờ nó mà Johnsy đã có thể khôi phục lại cảm thức về ý nghĩa và lý do để bám víu lấy cuộc đời này – qua đó cứu sống cô! (mặc dù phải trả giá bằng mạng sống của chính Behrman sau đó)
Lẽ dĩ nhiên, tìm kiếm ý nghĩa không phải là công việc đơn giản – xét đến việc có nhiều yếu tố ảnh hưởng từ bên trong lẫn bên ngoài (tôi sẽ trình bày chi tiết thêm ở phần sau). Ở cấp độ xã hội, các tập thể như chính phủ, công ty, tổ chức, gia đình, v.v… có vai trò trong việc xây dựng một môi trường hỗ trợ và khuyến khích cá nhân theo đuổi mục đích – thông qua giáo dục, văn hóa công sở hay các sáng kiến cộng đồng.
Ở cấp độ cá nhân, mỗi người được mời gọi chủ động khám phá những lựa chọn trong cuộc sống, xác định hướng đi phù hợp với bản thân, cũng như đủ dũng cảm để hành động mà không phải lúc nào cũng tuân theo các chuẩn mực (nói một cách đơn giản, có đủ dũng khí để “dám bị ghét” và “dám hạnh phúc“).
Con người có thể bị tước đoạt tất cả mọi thứ, ngoại trừ một điều: ý chí tự do để lựa chọn thái độ sống trong mọi hoàn cảnh cũng như hướng đi cho riêng mình.
Viktor E. Frankl
Nền tảng cho sự trưởng thành về tinh thần & tâm linh
Chuyện này rồi cũng sẽ qua.
Ngạn ngữ Ba Tư
Trong quá trình đi tìm ý nghĩa, chúng ta không thể không đối mặt với một chân lý cơ bản: đời là vô thường. Tuy có vẻ khó chấp nhận, nhưng nhận thức được điều này là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển và trưởng thành.
Một khi đã thấu hiểu bản chất phù du của kiếp nhân sinh, chúng ta – theo bản năng – cũng đồng thời có lý do để chuyển hướng chú ý từ của cải vật chất và thú vui khoái lạc sang các giá trị lâu bền hơn. Sự giàu có thực sự, hóa ra, không nằm ở “vinh quang” bên ngoài – mà là ở những phẩm chất bên trong như lòng trắc ẩn, biết ơn và trí tuệ.
Suy cho cùng, dù có tích lũy được bao nhiêu tài sản trong đời, chúng ta cũng không thể mang theo bất cứ thứ gì theo khi rời bỏ thế giới này. Đây là điều mà bất cứ ai – dù khác biệt trong quan điểm về điều gì sẽ xảy ra sau cái chết – đều phải đồng thuận.
Do đó, điều thực sự quan trọng là những thứ sẽ có thể tồn tại lâu dài hơn so với một kiếp người: các mối quan hệ, trải nghiệm và những đóng góp cho thế giới.
Một cuộc sống có ý nghĩa thường được đặc trưng bởi sự kết nối với điều gì đó vượt ra ngoài bản thân – dù đó là một sức mạnh tối thượng, thiên nhiên hay toàn thể nhân loại. Ngoài việc mang lại cảm giác an ủi khi khó khăn, mối dây kết nối này cũng truyền cảm hứng để ta thực hành lòng tốt, thể hiện sự từ bi và hào phóng – với ý thức về giá trị vốn có cũng như nỗi đau khổ của người anh em.
Đồng thời, chúng ta cũng được khuyến khích buông bỏ những cảm xúc tiêu cực như tức giận, oán thù và sợ hãi, vốn chỉ gây tiêu hao năng lượng lãng phí và cản trở sự phát triển tâm linh.
Chung cuộc thì, tất cả mọi thứ rồi sẽ qua đi. Và chúng ta, với tư cách là con người, có khả năng lựa chọn phương thức hành động BẤT CHẤP hoàn cảnh thực tế ra sao.
Thay vì trở thành nạn nhân của thất vọng và hận thù, chúng ta có thể lựa chọn hành động một cách kiên nhẫn và theo phẩm giá. Chính khả năng độc đáo này là cái phân biệt chúng ta với các sinh vật khác – góp phần duy trì sự cân bằng và hòa hợp xã hội.
Ý nghĩa cuộc sống
Trong bộ phim “Ikiru” (nghĩa tiếng Việt: Sống) của đạo diễn Akira Kurosawa, nhân vật chính, Kanji Watanabe, là một viên chức nhà nước bất chí, sống một cuộc sống nhàm chán và đơn điệu. Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và biết rằng mình chỉ còn sống được 6 tháng nữa, ông đã bị buộc phải đối diện với sự trống rỗng của cuộc sống hiện tại – rằng suốt 30 năm qua, ông đã sống không khác gì một cái “xác ướp”.
Chính giây phút khủng hoảng hiện sinh đó đã dẫn tới một sự thức tỉnh tâm linh sâu sắc. Watanabe quyết định dành thời gian còn lại của đời mình để cống hiến cho một dự án cộng đồng: xây dựng sân chơi cho trẻ em.
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng quan liêu của bộ máy công quyền, ông vẫn kiên trì với quyết tâm không lay chuyển. Ngay cả khi nhà chức trách có vẻ thờ ơ hoặc thậm chí chống lại những nỗ lực của ông, ông vẫn không nản lòng.
Tôi không thể ghét họ được. Tôi không có đủ thời gian cho việc đó.
Thái độ kiên định, dám từ bỏ bản ngã của Watanabe là một ví dụ điển hình về sức mạnh biến đổi của cảm thức ý nghĩa.
Suy cho cùng, thời gian của chúng ta trên mặt đất này là rất ngắn ngủi – và sẽ càng ngắn hơn nếu ta cứ để mình chìm trong tiêu cực (tôi không bịa ra đâu; đây là điều đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khoa học). Do đó, việc từ chối buông bỏ cảm xúc tiêu cực không chỉ là vô ích, mà còn là hành động vô cùng NGU NGỐC.
Khi nhận thức được thực tế và sự tất yếu của cái chết, chúng ta bắt đầu tìm kiếm sự vĩnh hằng và quyết tâm tận dụng tối đa từng khoảnh khắc sống của mình.
Daisaku Ikeda
Tổng quan các góc nhìn & quan niệm về ý nghĩa cuộc sống
Ý nghĩa cuộc sống là một chủ đề đã hấp dẫn các triết gia, nhà thần học và khoa học trong nhiều thiên niên kỷ qua. Suốt chiều dài lịch sử, nỗ lực tìm kiếm câu trả lời của các học giả đã dẫn đến hàng loạt thành tựu trí tuệ và tinh thần vĩ đại nhất của nhân loại.
Triết lý thời cổ đại
Phương Tây
Cuộc đời không có suy xét thì không đáng để sống.
Socrates
Socrates và Plato, hai trong số những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất Hy Lạp cổ đại, được biết đến với những quan điểm rất sâu sắc về cuộc sống. Socrates tin rằng một cuộc sống tốt đẹp xuất phát từ việc không ngừng suy ngẫm và đặt câu hỏi về niềm tin và hành động của mình. Theo ông, theo đuổi tri thức là mục tiêu cuối cùng của nhân loại – và rằng hạnh phúc thực sự chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc sống đức hạnh.
Dựa trên lời dạy của Socrates, Plato đề xuất rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở việc theo đuổi cái tốt, cái đúng và cái đẹp (Chân-Thiện-Mỹ). Lý thuyết về các Mô thức (Theory of Forms) của ông nhấn mạnh đến sự tồn tại của những “ý thức” (idea) vĩnh cửu và hoàn hảo, tồn tại ngoài thế giới vật chất. Bằng cách thấu hiểu và liên kết bản thân với những “chân lý” tối thượng này, con người sẽ có thể “siêu thoát” lên một cảnh giới cao và có cuộc sống phong phú hơn.
Một nhà tư tưởng nổi tiếng khác, Aristotle, cho rằng mục tiêu cuối cùng của nhân loại là Eudaimonia. Không chỉ đơn thuần dừng lại ở hạnh phúc cá nhân, Eudaimonia bao gồm việc sống một cuộc sống trọn vẹn, phát huy hết tiềm năng bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội. Đó không phải là một cảm xúc thoáng qua – song đề cập đến trạng thái hạnh phúc lâu dài đến từ thực hành đạo đức (vd: dũng cảm, tiết độ, công lý, trí tuệ) và lý luận.
Tìm kiếm hạnh phúc là ý nghĩa của cuộc sống, là mục đích chung và là cùng đích của sự tồn tại.
Aristotle
Các triết gia khắc kỷ (Stoic) cũng đề cập đến chủ đề này. Theo họ, ý nghĩa cuộc sống nằm ở việc sống có đức hạnh và hài hòa với thiên nhiên, qua việc:
- Chấp nhận hoàn cảnh thực tại.
- Điều chỉnh hành động theo trật tự của vũ trụ
- Ý thức được vị trí của mình trong tạo hóa
- Góp phần vào cuộc sống của người khác và các thế hệ tương lai
- v.v…
Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì: I. ngẫu nhiên hoặc không có mục đích; II. vì bất kỳ lý do nào khác ngoài lợi ích chung.
Marcus Aurelius
Phương Đông
Ở Trung Quốc cổ đại, Khổng Tử và các đồ đệ đề xuất rằng, một cuộc sống tốt đẹp không chỉ dừng lại ở hoàn thiện bản thân – mà còn phải đóng góp vào lợi ích chung. Thông qua thực hành đạo đức và tuân thủ các chuẩn mực xã hội, cá nhân sẽ hòa hợp với trật tự của vũ trụ (天, Thiên) và tìm thấy ý nghĩa tối thượng trong kiếp nhân sinh.
Một trọng tâm trong triết lý Khổng giáo là Ngũ thường (五常) – thể hiện qua 5 phẩm chất sau:
- 仁 (Nhân): Tử tế và tốt bụng với tha nhân.
- 禮 (Lễ): Cư xử đúng mực, theo lễ nghi và phép tắc.
- 義 (Nghĩa): Làm điều đúng đắn và công bằng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
- 智 (Trí): Trí tuệ, thông minh và hiểu biết.
- 信 (Tín): Đáng tin cậy, chân thành, trung thực và chính trực.
Ngoài ra, người quân tử (君子) cũng được kêu gọi theo đuổi những lý tưởng khác như:
- Hiếu (孝): Hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ. Các giá trị như kính lão và hòa thuận trong gia đình được coi là nền tảng thiết yếu cho một xã hội ổn định và một cuộc sống xứng đáng.
- Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (修身齊家治國平天下): Bắt đầu từ việc hoàn thiện chính mình và dần dần mở rộng ảnh hưởng ra toàn xã hội.
- v.v…
Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ. (Người có lòng nhân thì không lo lắng, người hiểu biết thì không bị lôi kéo, người dũng cảm thì không sợ hãi)
Khổng Tử
Tín ngưỡng & tâm linh
Từ thời xa xưa, các truyền thống tôn giáo và tâm linh đã khám phá và diễn giải ý nghĩa cuộc sống theo nhiều cách khác nhau.
- Kitô giáo
Trong Kitô giáo (cũng như các tôn giáo như Do Thái giáo và Hồi giáo), ý nghĩa cuộc sống thường được phân tích thông qua lăng kính đức tin vào Thượng đế và niềm tin vào thế giới bên kia. Các tín đồ tin rằng sứ mệnh của đời người là tìm kiếm, học hiểu, yêu mến và sống theo giáo huấn của Thượng đế. Điều này đòi hỏi việc thực hành các đức tính như tình yêu thương, lòng vị tha và trắc ẩn, cũng như nuôi dưỡng mối quan hệ với Thiên quốc thông qua cầu nguyện và thờ phượng.
- Ấn Độ giáo
Một khái niệm trung tâm trong Ấn Độ giáo là Dharma (Pháp), đề cập đến bổn phận/ nghĩa vụ đạo đức của cá nhân. Dharma có thể thay đổi tùy thuộc vào đẳng cấp, giai đoạn cuộc sống và hoàn cảnh cá nhân cụ thể. Các tín đồ tin rằng bằng cách tuân thủ Dharma của mình, cá nhân sẽ có thể được giải thoát khỏi luân hồi (samsara) và hợp nhất với thần thánh (moksha).
- Phật giáo
Quan điểm của Phật giáo về ý nghĩa của cuộc sống gắn liền với khái niệm “khổ” – kết quả của sự bám chấp đối với những ham muốn và thèm khát. Để có thể thoát khỏi vòng sinh tử – mục tiêu tối thượng của đời sống theo Phật giáo – chúng sinh cần thực hành Tứ diệu đế và Bát chánh đạo thông qua các hoạt động như chánh niệm, thiền định và thực hành đạo đức.
Các trường phái Phật giáo đề ra các cách tiếp cận khác nhau trên hành trình giải thoát. Ví dụ, Thiền tông (Zen) nhấn mạnh vào tầm quan trọng của trải nghiệm trực tiếp và trực giác hơn so với hiểu biết về mặt trí tuệ.
Cuộc sống con người tự nó không có ý nghĩa, không có lý do, không có lựa chọn, nhưng chúng ta có thể thông qua tu luyện mà hiểu được bản chất thực sự của mình. Khi đó, ta có thể biến đổi từ không có ý nghĩa thành Đại nghĩa, từ không có lý do thành Đại lý, Đại từ bi.
Thiền Sư Seung Sahn
Tuy các truyền thống nêu trên có thể khác nhau về niềm tin và phương pháp tu tập, song tất cả đều chia sẻ những điểm chung sau:
- Tầm quan trọng của mối liên hệ giữa người với người – bao gồm quan hệ với gia đình và cộng đồng.
- Kết nối với điều gì đó lớn lao hơn bản thân.
- Giá trị của đạo đức.
- Ý nghĩa của việc theo đuổi kiến thức và trí tuệ – hiểu được bản chất của thực tại, bản thân và thần thánh là chìa khóa cho một cuộc sống có ý nghĩa.
- v.v…
Triết học hiện đại
Chủ nghĩa hư vô (Nihilism)
Chủ nghĩa hư vô, ở dạng cực đoan nhất, cho rằng cuộc sống vốn là vô nghĩa. Các triết gia như Friedrich Nietzsche lập luận rằng, các giá trị và niềm tin truyền thống đã mất đi ý nghĩa trong bối cảnh xã hội hiện đại. Những tên tuổi khác như Schopenhauer thì cho rằng, thế giới về cơ bản là phi lý và đầy đau khổ; do đó, con người nên phủ nhận ý chí của mình, giảm bớt ham muốn, thực hành buông bỏ và chiêm nghiệm.
Niềm hạnh phúc mà chúng ta nhận được từ chính mình thì lớn hơn so với niềm hạnh phúc mà chúng ta nhận được từ môi trường xung quanh.
Arthur Schopenhauer
Tuy thoạt nhìn có vẻ mang sắc thái bi quan, một số học giả đương đại cho rằng Chủ nghĩa hư vô có thể là chất xúc tác đầy tiềm năng cho sự phát triển – bằng cách khuyến khích cá nhân tự đưa ra hệ giá trị và mục đích của riêng họ.
Ý nghĩa và đạo đức trong cuộc sống đến từ bên trong chính bạn. Những cá thể mạnh mẽ thì luôn nỗ lực mở rộng giới hạn bản thân thông qua thử nghiệm và mạo hiểm.
Friedrich Nietzsche
Chủ nghĩa phi lý (Absurdism)
Xuất hiện khoảng giữa thế kỷ 20, Chủ nghĩa phi lý đề cập đến mâu thuẫn giữa khát vọng trật tự của nhân loại với một vũ trụ đầy hỗn loạn và thờ ơ. Một trong những triết gia nổi bật của trường phái này, Albert Camus, lập luận rằng sự tồn tại của con người vốn dĩ là “phi lý” và không có ý nghĩa nội tại.
Dẫu vậy, Camus không ủng hộ đi theo chủ nghĩa hư vô. Thay vào đó, ông đề xuất rằng chúng ta nên ý thức sự phi lý của cuộc sống – và sẵn sàng phản kháng lại nó. Nói cách khác, con người cần nỗ lực sống một cách trọn vẹn nhất mà không quan tâm đến việc có một con đường đã định sẵn cho họ.
Quan điểm của Camus là ủng hộ một phong cách sống thiên về định lượng hơn là định tính. Trong một thế giới mà chân lý tối thượng thật khó nắm bắt, người ta cần phải không ngừng trải nghiệm mọi thứ, dù chúng có vẻ thoáng qua hay tầm thường đến đâu. Nó có thể là những thú vui đơn giản như đọc sách/dành thời gian cho những người thân yêu – cho đến những trải nghiệm sâu sắc hơn như du lịch hoặc sáng tạo nghệ thuật.
Về cơ bản, ý nghĩa của cuộc sống là bất cứ điều gì bạn đang làm để ngăn không cho bạn tìm đến cái chết.
Albert Camus
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism)
Các triết gia như Søren Kierkegaard và Jean-Paul Sartre đã bàn luận chi tiết về tầm quan trọng của tự do và trách nhiệm cá nhân. Theo họ, mỗi cá nhân cuối cùng phải có trách nhiệm tạo ra ý nghĩa của riêng mình trong đời sống, dù cho điều đó có vẻ khó khăn đến mức nào.
Cuộc sống không phải là một vấn đề cần được giải quyết – mà là một hiện thực cần được trải nghiệm.
Soren Kierkegaard
Chủ nghĩa nhân văn (Humanism)
Chủ nghĩa nhân văn là một trường phái triết học nhấn mạnh đến trách nhiệm chủ động và tiềm năng của con người. Những người theo trường phái này thường đề cao tầm quan trọng của lý trí, sự đồng cảm và công lý xã hội. Họ tin rằng cá nhân có khả năng kiến tạo ý nghĩa thông qua hành động và đóng góp của họ cho xã hội.
Ý nghĩa cuộc sống là sống trọn vẹn, phong phú và can đảm nhất có thể, tại đây và bây giờ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, quan tâm đến người khác như chính mình, và đón nhận trách nhiệm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
James Hemming
Chủ nghĩa duy linh (Spiritualism)
Thuyết duy linh, trong bối cảnh hiện đại, ám chỉ niềm tin vào sự tồn tại của một thế giới hoặc thực tại phi vật chất – bao gồm những thứ như linh hồn, tinh thần và trường năng lượng. Thông qua các hoạt động như thiền định, yoga và chữa bệnh bằng năng lượng, con người sẽ có thể khám phá ra các tầng ý nghĩa sâu sắc hơn về mục đích của kiếp người.
Các trường phái tâm lý
Phân tâm học (Psychoanalysis)
Phân tâm học, do Sigmund Freud khởi xướng và sau đó được mở rộng bởi Carl Jung, tập trung nghiên cứu tâm trí vô thức và ảnh hưởng của nó đến hành vi cũng như ý thức con người. Một trong những khái niệm trung tâm của phân tâm học là cá thể hóa (individuation) – do chính Jung đề xuất.
Cá thể hóa là một quá trình phát triển tâm lý phức tạp, tích hợp các khía cạnh tâm trí có ý thức và vô thức, nhằm hướng đến cái tổng thể (wholeness) và thấu tỏ bản thân (self-realization). Qua đó, mỗi người sẽ có thể trở thành “chính mình” một cách trọn vẹn.
Theo Jung, ý nghĩa cuộc sống nằm ở chính quá trình cá thể hóa. Bằng cách đào sâu vào các chiều kích của tiềm thức và đối mặt với những khía cạnh “bóng tối” (shadow) bên trong, chúng ta đồng thời khám phá ra các tiềm năng ẩn giấu và đạt tới sự hiểu biết toàn diện hơn về bản thân cùng vị trí của mình trên thế giới.
Trừ khi có thể biến vô thức thành ý thức, còn không thì tâm trí vô thức sẽ định hướng cuộc sống của bạn – và bạn sẽ gọi đó là số phận.
Carl Jung
Tâm lý học nhân văn (Humanistic psychology)
Tâm lý học nhân văn, đại diện bởi những tên tuổi như Abraham Maslow, đặc biệt nhấn mạnh vào tiềm năng của con người, sự phát triển cá nhân và hành trình tìm kiếm ý nghĩa. Maslow đề xuất rằng, nhân loại được thúc đẩy bởi một hệ thống các nhu cầu theo từng cấp, từ những nhu cầu sinh lý cơ bản đến khao khát hiện thực hóa (self-actualization). Đáp ứng các nhu cầu cơ bản và phấn đấu vươn lên các tầng cao hơn (cho đến khi đạt tới cấp độ cuối cùng – tự hiện thực hóa) là chìa khóa cho một cuộc sống viên mãn.
Tâm lý học cá nhân (Individual psychology)
Alfred Adler, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân, tin rằng ý nghĩa cuộc sống không phải là thứ gì đó có thể tìm thấy, mà cần phải được tạo ra. Theo ông, con người liên tục có mong muốn thấu hiểu vị trí của mình trên thế giới và đóng góp cho xã hội – và rằng sự phấn đấu này chính là thứ mang lại giá trị cho cuộc đời.
Lý thuyết của Adler nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thức cộng đồng, xuất phát từ mong muốn cảm thấy bản thân có ý nghĩa, được thuộc về một tổng thể lớn hơn, kết nối với người khác và đóng góp cho lợi ích chung. Bằng cách nỗ lực vun đắp các mối quan hệ và giúp ích cho xã hội, cá nhân sẽ có thể khám phá ra mục đích và sự viên mãn trong quá trình này.
Cuộc sống nói chung không có ý nghĩa gì. Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại.
Alfred Adler
Tâm lý học hiện sinh (Existential psychology)
Tâm lý học hiện sinh, vốn ra đời từ ảnh hưởng của triết học hiện sinh, tập trung khám phá trải nghiệm của con người và cách các cá nhân chấp nhận sự tồn tại của họ. Một trong những người tiên phong của trường phái này là Viktor Frankl – người đã khởi xướng áp dụng hình thức trị liệu tâm lý có tên gọi “liệu pháp ý nghĩa” (logotherapy). Ông lập luận rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, người ta vẫn có thể tìm thấy lý do để tồn tại bằng cách suy ngẫm về các giá trị, mối quan hệ và đóng góp của mình cho người khác.
Tâm lý học tích cực (Positive psychology)
Là một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, tâm lý học tích cực tập trung nghiên cứu các điểm mạnh và đức tính giúp hỗ trợ quá trình phát triển cá nhân. Seligman, một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này, đã xác định những đặc điểm tính cách quan trọng góp phần tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa (vd: lòng dũng cảm, công bằng và trí tuệ). Việc bồi dưỡng những phẩm chất này là yêu cầu cần thiết để cá nhân tăng cường hạnh phúc và sự mãn nguyện.
Quan điểm đương đại
Trong những năm gần đây, chuyên gia tâm lý học lâm sàng Jordan Peterson đã đề xuất ý tưởng rằng, nhiệm vụ cuộc đời là tìm ra một phương thức sống có ý nghĩa đến mức mọi đau khổ đều trở nên không còn quan trọng nữa. Điều này có thể đạt được bằng cách chấp nhận thực tế của đau khổ, thừa nhận những hạn chế của bản thân, cũng như phấn đấu cho sự thật, trật tự và trách nhiệm.
Càng đảm nhận nhiều trách nhiệm bao nhiêu, cuộc sống của bạn sẽ càng có ý nghĩa bấy nhiêu.
Jordan Peterson
Văn học & nghệ thuật
Trong suốt chiều dài lịch sử, nghệ thuật luôn là một kênh tuyệt vời để các nghệ sĩ truyền tải những trăn trở về nhân sinh. Ở lĩnh vực văn học, các tác giả như Franz Kafka, Fyodor Dostoevsky và Albert Camus đã đào sâu vào các chủ đề về tâm lý con người, bản sắc, sự phi lý và xa lánh như:
- “Hồi ký viết dưới hầm” (Notes from Underground): Thông qua câu chuyện về một người bị xã hội ruồng bỏ, Dostoevsky đồng thời đặt ra những câu hỏi đầy ám ảnh về chủ nghĩa hư vô, ý chí tự do và chiều sâu tâm lý của ý thức con người.
- “Thần thoại Sisyphus” (The Myth of Sisyphus): Trong tác phẩm của mình, Camus tập trung phân tích các khái niệm về sự phi lý, xảy ra khi cá nhân bị “giằng xé” bởi mong muốn tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới hỗn loạn.
- “Anna Karenina”: Không chỉ đơn thuần là một tiểu thuyết tình yêu, “Anna Karenina” truyền tải một câu chuyện đầy sâu sắc về đam mê, kỳ vọng xã hội và sự viên mãn cá nhân. Trong tác phẩm của Tolstoy, các nhân vật liên tục phải đứng trước những tình huống “tiến thoái lưỡng nan” về mặt đạo đức và hậu quả xuất phát từ lựa chọn của họ.
Bên cạnh đó, thi ca, với những ca từ đầy cảm xúc và truyền cảm hứng, cũng là kênh để truyền tải những thông điệp đầy ám ảnh về nhân sinh. Trong suốt lịch sử, các thi sĩ như Rumi, William Wordsworth, John Donne và Emily Dickinson đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm khám phá các chủ đề về tình yêu, mất mát, niềm vui, nỗi buồn và bản chất của thực tại.
Nếu có thể ngăn một trái tim tan vỡ,
tôi sẽ sống đời này chẳng hoài công
Nếu có thể làm nhẹ bớt nỗi lòng,
hoặc xoa dịu nỗi đau của ai,
hoặc giúp một chú chim non
trở về tổ ấm,
tôi sẽ sống đời này chẳng hoài công.Emily Dickinson
Gần đây, với sự phát triển của kỹ thuật ghi hình, điện ảnh đã trở thành một kênh mới cho các nghệ sĩ “mổ xẻ” chủ đề trên. Có rất nhiều thước phim lồng ghép trong đó những thông điệp triết học và tâm linh sâu sắc – một ví dụ điển hình là kiệt tác “Ikiru” (Sống) của Kurosawa (đã đề cập phần trên).
Nghiên cứu khoa học
Khái niệm “ý nghĩa cuộc sống” không phải là thứ có thể dễ dàng định nghĩa hoặc đo lường được, do tính chất chủ quan và có phần “siêu hình” của nó. Vì lý do này, khoa học cổ điển, vốn dựa nhiều vào bằng chứng thực nghiệm và đo lường khách quan, thường không thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Trong những năm qua, một số nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ vài khía cạnh cụ thể của khái niệm này.
- Khoa học thần kinh (Neuroscience)
Khoa học thần kinh đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giải thích cơ sở thần kinh của hành vi và trải nghiệm con người. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số vùng não nhất định như vỏ não trước trán có liên quan đến quá trình ra quyết định, lập kế hoạch và tự nhận thức. Các quá trình nhận thức này là rất cần thiết để cá nhân vượt qua khó khăn và kiến tạo câu chuyện cuộc đời của riêng mình.
- Tâm lý học tiến hóa (Evolutionary psychology)
Theo quan điểm tiến hóa, mục đích cuộc sống là để tồn tại và sinh sản, truyền lại gen cho thế hệ tiếp theo. Chính bản năng này đã định hình hành vi của con người và thúc đẩy chúng ta đưa ra các cơ chế để hiện thực hóa nó. Một trong những cơ chế này là tìm kiếm mục đích và ý nghĩa – thông qua tôn giáo, cộng đồng hoặc phát triển bản thân – qua đó giúp tăng cường cơ hội sống sót của cá thể giữa một thế giới hỗn loạn. Chính động cơ này thúc đẩy chúng ta phấn đấu vì một điều gì đó có ý nghĩa, tạo ra sự khác biệt và để lại di sản cá nhân.
Mặc dù lời giải thích này có vẻ không toàn diện và gây tranh cãi, đặc biệt đối với những ai thích một cách tiếp cận “nhân văn” hơn, nhưng nó cũng mang lại một khuôn khổ thú vị để diễn giải lý do đằng sau hành trình tìm kiếm ý nghĩa. Theo thiển ý của tôi, một điểm mấu chốt của lý thuyết này là về tầm quan trọng của phần thưởng và sự thỏa mãn (pleasure and reward). Tuy không phải là nguồn ý nghĩa duy nhất, sự thỏa mãn chắc chắn có góp phần thúc đẩy cá nhân phấn đấu vì một cuộc sống phong phú hơn.
Bằng cách chủ động tìm kiếm những trải nghiệm tích cực, tìm thấy niềm vui ở hiện tại và tự khen thưởng cho những nỗ lực của mình, chúng ta đồng thời củng cố ý chí sống để tiếp tục hành trình cuộc đời của mình.
Về nguồn gốc của sự sống
Một phần tất yếu của quá trình tìm kiếm ý nghĩa là truy nguyên nguồn gốc sự sống (nói cách khác, trả lời cho câu hỏi “Tôi đến từ đâu?”) – cả ở cấp độ cá nhân và vũ trụ.
Sự sống đã xuất hiện như thế nào? Chúng ta có phải hoàn toàn đơn độc, hay sự sống có thể tồn tại ở những nơi khác? Sự tồn tại của nhân loại là kết quả ngẫu nhiên của giới tự nhiên, hay là “mắt xích” trong một chương trình tạo hóa vĩ đại hơn?
Như đã đề cập, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Riêng trong lĩnh vực khoa học, các lý thuyết đã được đề xuất có thể kể đến như:
- Phát sinh phi sinh học (Abiogenesis): Nghiên cứu về cách sự sống có thể đã phát sinh từ vật chất không sống thông qua các quá trình tự nhiên.
- Thuyết tha sinh (Panspermia): Giả thuyết cho rằng sự sống có thể đã bắt nguồn từ nơi nào đó khác trong vũ trụ và được đưa đến Trái đất nhờ các thiên thạch hoặc sao chổi.
- v.v…
Tôn giáo cũng đưa ra nhiều lời giải thích cho chủ đề này, thường bao gồm sự tồn tại của một Đấng sáng tạo, các vị thần, linh hồn hoặc các thực thể siêu nhiên khác. Tuy có những khác biệt, hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) các truyền thống tâm linh đều chỉ ra sự tồn tại của một Thực tại Tối hậu (Ultimate Reality) đóng vai trò là khởi nguồn của mọi sự trong vũ trụ.
Các triết gia cũng đã đưa ra hàng loạt suy đoán về bản chất của thực tại. Một số người như Aristotle khẳng định rằng sự sống là vĩnh cửu, trong khi số khác thì phản biện lại quan niệm nêu trên.
Cho đến nay, chưa có một lý thuyết nào được xác định là câu trả lời hoàn toàn “đúng”. Một mặt, tôi ngờ rằng nhân loại sẽ chẳng bao giờ đưa ra được lời giải thích thỏa đáng; mặt khác, tôi vẫn tin rằng suy ngẫm về nguồn gốc của sự sống là điều rất nên làm – một điểm khởi đầu tốt cho hành trình khám phá ý nghĩa cuộc sống.
Vì sao ư?
Đơn giản thôi, vì nó sẽ giúp bạn lắng động tâm trí, mở rộng tầm nhìn và vượt ra khỏi bản ngã hạn hẹp.
Nó cho phép chúng ta ý thức được những điều có vẻ tầm thường mà lâu nay ta có thể chưa bao giờ chú ý đến (nói cách khác, chúng ta trở nên tỉnh thức – mindful hơn), cũng như về sự kết nối của vạn vật trong vũ trụ.
Khi suy ngẫm về sự bao la của vũ trụ, những điều bí ẩn của thiên nhiên và sự mong manh của kiếp người, chúng ta mới thấy “thấm thía” về sự quý giá của cuộc sống, vẻ đẹp của thế giới và phẩm giá vốn có của mọi người. Chính nhận thức này sẽ thúc đẩy ta sống có ý thức, hành động với lòng trắc ẩn và phấn đấu cho một tương lai bền vững hơn.
Như Masaru Emoto đã mô tả trong Chương 3 tác phẩm “Bí mật của nước” như sau:
Mỗi phút trong ngày, có khoảng 12 ngôi sao chổi, có những ngôi sao nặng đến 100 tấn, rơi xuống Trái đất. Thành phần chủ yếu của những sao chổi này là băng đá. Khi băng chạm tới bầu khí quyển, nó tạo thành mây và cuối cùng rơi xuống Trái đất dưới dạng mưa để lấp đầy đại dương. Và bởi vì phần lớn cơ thể chúng ta là nước, theo một nghĩa nào đó, chúng ta đều đến từ ngoài vũ trụ.
Có thể bạn đã từng ra ngoài vào một buổi đêm trong lành, nằm ngửa mặt lên trời và ngắm nhìn những vì sao. Bạn có bao giờ trải qua một cảm giác hoài cổ, có lẽ là một ký ức từ lâu lắm rồi không? Khi bạn ngắm nhìn các vì sao, tâm hồn bạn quay ngược thời gian hàng triệu, hàng tỷ năm về trước. Bạn có bao giờ cảm thấy bằng cách nào đó mà mình đang trôi nổi trên kia, trong vũ trụ, như một hành tinh không? Cho nên việc chúng ta cứ mãi mãi và hoàn toàn bị mê hoặc bởi các vì sao là một điều vô cùng hợp lý.
…
Hãy hình dung bạn vừa trở về từ một chuyến du hành không gian. Bạn hạ con tàu của mình lên hành tinh xanh mướt và thấy mình đang đứng trên một khu rừng xanh thẳm. Những tia sáng xuyên qua những tán cây cao phía trên. Những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống đất, và những mảng rêu xanh rì bao trùm lên một thân cây đổ. Dương xỉ phủ đầy mặt đất quanh bạn. Những âm thanh của cuộc sống tràn trong không khí – tiếng đập cánh, tiếng chim gọi đàn, và gió thì thầm qua những ngọn cây làm rung rinh tán lá.
Khi bạn hít một hơi thật sâu làn không khí mát lành – và để hương thơm của thiên nhiên ban sơ lấp đầy cơ thể mình, bạn sẽ nhận thức sâu sắc rằng đây là hành tinh của bạn, là đặc quyền dành cho bạn từ lúc sinh ra. Và đó là lý do vì sao bạn phải yêu nó – và vì sao bạn thực sự yêu nó.
Ý nghĩa cuộc sống
Mặt khác, khi suy ngẫm về những phân tích triết học của các nhà tư tưởng vĩ đại suốt chiều dài lịch sử, chúng ta cũng được thúc đẩy để nhìn lại hệ giá trị cốt lõi và niềm tin của chính mình. Có lẽ bạn – cũng như tôi – cảm thấy đồng điệu với các nguyên tắc đức hạnh và tự chủ trong lối sống khắc kỷ. Hoặc cũng có thể, bạn cảm thấy thích thú với việc tìm kiếm sự thanh thản trong trường phái hưởng lạc (Epicureanism).
Dù cho thế giới quan của bạn là gì, việc có một triết lý cá nhân rõ ràng sẽ mang đến định hướng cho bạn. Khi hiểu rõ các giá trị và nguyện vọng của mình, chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định sáng suốt và theo đuổi các mục tiêu mình quan tâm – đồng thời ít bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài cũng như thái độ tự nghi ngờ.
Có một điều tôi muốn lưu ý, đó là ta không nên quá ám ảnh với việc tìm hiểu nguồn gốc THỰC SỰ của cuộc sống. Xét cho cùng, mục đích của suy ngẫm về quá khứ là để nuôi dưỡng sự hiểu biết và chấp nhận.
Nếu quá đắm chìm vào việc tìm kiếm một câu trả lời “tối thượng”, chúng ta dễ dàng bị “mất dấu” và quên đi thực tại, cũng như dễ rơi vào những cuộc tranh cãi vô ích với những ai có quan điểm khác với ta.
Do đó, điều quan trọng là tận dụng sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ, biến nó thành nền tảng để thúc đẩy hành động ngay bây giờ. Để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.
Ý nghĩa cuộc sống là đi theo “con đường” (Đạo – 道)
Như đã thảo luận ở phần trước, con người thường đi theo những hướng rất khác nhau trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đều có những điểm chung (vd: tầm quan trọng của tác nhân con người, phẩm chất đạo đức, kết nối với tha nhân, đóng góp cho cộng đồng, v.v…) – và tất cả, cuối cùng, đều dẫn đến cùng một đích đến: một cuộc sống vui vẻ, có ý nghĩa và viên mãn.
Sau rất nhiều nghiên cứu, suy ngẫm và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, tôi dám nói rằng:
Ý nghĩa của cuộc sống về cơ bản là nhận ra và đi theo “Đạo” (道) – con đường của riêng bạn.
Bạn nghe có vẻ hơi lạ lẫm chăng? Vậy hãy để tôi giải thích thêm nhé.
Trong triết học phương Đông, “Đạo” hay “Con đường” (道) là một khái niệm đa diện – có thể được sử dụng để mô tả nhiều thứ khác nhau. Ở tầm vĩ mô (như trong giáo huấn của các truyền thống như Đạo giáo), nó ám chỉ đến một nguyên lý tối thượng, làm nền tảng cho mọi sự tồn tại – nguồn gốc của mọi thứ, trật tự tự nhiên của vũ trụ, sức mạnh đã định hình nên tạo hóa. Theo nghĩa này, nó có thể được so sánh với các khái niệm như “Thần lực” (Force) trong vũ trụ Star Wars.
Tuy nhiên, ở cấp độ cá nhân, ít “siêu hình” hơn, “Đạo” có thể hiểu là một cách sống/lối sống cụ thể hình thành nên bản sắc cá nhân. Nó bao gồm một tập hợp các hoạt động, giá trị, niềm tin và quy tắc đạo đức hướng bạn đến một trạng thái tồn tại/ cảnh giới cao hơn: tự thấu tỏ, giác ngộ, giải thoát, v.v… tùy bạn đặt tên cho nó ra sao.
Sự phát triển cá nhân, tri thức, các mối quan hệ, v.v… – tất cả đều chỉ là đại diện cho những khía cạnh khác nhau của “Đạo”.
Đi theo “Đạo” có nghĩa là điều chỉnh hành động và suy nghĩ của mình thuận theo “dòng chảy” tự nhiên – để đi từ “suối” đến “biển cả”, trước khi hòa vào “đại dương” bao la.
Nói đơn giản, nó có nghĩa là chấp nhận chân lý rằng, tất cả chúng ta đều là một phần của một tổng thể lớn hơn – rằng ta nên phấn đấu phát triển mỗi ngày, cũng như nuôi dưỡng sự hòa hợp và đồng điệu trong chính mình và với người khác.
Ý nghĩa cuộc sống
“Sao nghe cứ giống như một thứ tôn giáo mới nào vậy?”. Hẳn một số trong các bạn có thể đang nghĩ như vậy ngay lúc này.
Chẳng phải trong tiếng Việt, chúng ta vẫn sử dụng chữ “Đạo” (道) để chỉ các tôn giáo đó sao? Từ “đạo Phật” (道佛), “đạo Thiên Chúa” (道天主), “đạo Cao Đài” (道高台), v.v…
Mà đâu phải chỉ có Việt Nam. Các nước Á Đông khác như Trung, Hàn, Nhật cũng tương tự. Lấy ví dụ, ở Nhật Bản, Thần đạo (神道 – Shinto), tôn giáo của người dân bản địa, cũng sử dụng ký tự “Đạo” (道) vậy.
Từ trải nghiệm của riêng tôi, chúng ta nên hiểu về “tôn giáo” theo một cách khác, bớt máy móc hơn. Ý niệm chính của tôn giáo là về một cái gì đó rộng lớn hơn nhiều – không chỉ đơn thuần là một giáo phái có tổ chức rao giảng về một “thực thể”/ “phi thực thể” nằm ngoài thế giới này.
Về bản chất, vai trò của tôn giáo là truyền bá một lối sống mà qua đó, cá nhân có thể kết nối với chư Thiên (天) và thế giới tự nhiên – không phải một tổ chức phân cấp với các học thuyết cứng nhắc.
Chúng ta cần nhìn nhận về tôn giáo, về “đạo”, về tâm linh theo một góc nhìn toàn diện hơn – một góc nhìn nhấn mạnh việc nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa giữa con người, thiên nhiên và các linh hồn trong cuộc sống này. Ngay tại đây và ngay bây giờ.
Như bạn có thể thấy đấy, không có gì là huyền bí hay mê tín khi nói về “Đạo” (道) cả. Ngược lại là khác.
Về cơ bản, theo “Đạo” có nghĩa là tìm kiếm và thực hành “tôn giáo” của riêng bạn – trên một phạm trù rộng lớn và tổng quát hơn. (thay vì chỉ dừng lại ở các tôn giáo có tổ chức như hiện nay)
Đó là khi bạn sẵn sàng lắng nghe tiếng nói bên trong – trực giác, tiềm thức, trí tuệ bên trong, lương tâm, v.v… – dám hành động theo “dòng chảy” (thay vì chống lại nó), cũng như khiêm tốn để “dòng chảy” đưa bạn đến với “đại dương” (một thứ gì đó vượt ra ngoài bản ngã cá nhân).
Tuy thoạt nhìn có vẻ huyền bí, bản chất của “Đạo” hoàn toàn đồng nhất với nhiều ý tưởng tương tự trong các truyền thống khác – cả thế tục và phi thế tục. Dù là khái niệm Đạo trong Đạo giáo, Trung đạo của Phật giáo, học thuyết của Cơ đốc giáo về “Đường, Sự thật và Sự sống”, Eudaimonia của Aristotle hay Tự hàng phục chính mình (Self-overcoming) của Nietzsche, thì ý tưởng cơ bản vẫn như nhau: một con đường hướng tới sự tự khám phá, trưởng thành toàn diện và một cuộc sống đạo đức.
Không chỉ dừng lại ở tôn giáo thông thường: Các truyền thống như Sadō (Trà đạo – 茶道), Jūdō (Nhu đạo – 柔道), Kendō (Kiếm đạo – 剣道), Bushidō (Võ sĩ đạo – 武士道), v.v… cũng bao hàm khái niệm “Con đường” (道)
Nguồn: Wikimedia Commons
Vẻ đẹp của “Đạo” nằm ở tính cá nhân hóa của nó. Đó là một con đường độc đáo mà mỗi cá nhân phải tự khám phá ra. Tuy có những nguyên tắc hướng dẫn chung, nhưng hành trình cụ thể của mỗi người thì hoàn toàn khác nhau:
- Đối với một họa sĩ, “Đạo” có thể là sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật khơi gợi cảm xúc sâu sắc và truyền cảm hứng cho người khác sống một cuộc sống phong phú.
- Một nhà khoa học có thể tìm ra “Đạo” của mình trong việc khám phá kiến thức mới và đóng góp vào sự phát triển tri thức của nhân loại.
- Những ai tìm kiếm sự giác ngộ có thể tìm thấy “Đạo” thông qua các thực hành tâm linh (vd: cầu nguyện, chánh niệm…).
- Một nhà hoạt động xã hội có thể theo “Đạo” bằng cách cống hiến cả đời để đấu tranh cho công lý và bình đẳng.
- Bậc làm cha mẹ có thể tìm thấy “Đạo” khi nuôi dạy và hướng dẫn con cái tự lập.
Một số bạn đọc có thể đặt câu hỏi: “Được rồi, vậy làm sao tôi tìm được ‘Đạo’ của mình?”
Câu trả lời không quá đơn giản như bạn tưởng (chúng ta sẽ bàn luận chi tiết sau). Ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn có thể đã khám phá ra “Đạo” của mình:
- Cảm giác bình an nội tâm, thỏa mãn và viên mãn đích thực.
- Cảm thấy bản thân đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới.
- Thống nhất giữa hành động và các giá trị cốt lõi của bạn.
Tóm lại, cốt lõi của nó là đạt được trạng thái “dòng chảy” (flow). Đó là khi bạn có thể bỏ đi cái tôi và các cảm thức chấp ngã. Khi điều đó xảy ra, như Ken Mogi đã mô tả, “ngay cả công việc nhà hàng ngày cũng sẽ trở nên thú vị”.
Nếu bạn nhận thấy bản thân làm điều gì đó trong trạng thái “trôi”, xin chúc mừng! Bạn đang bắt đầu nhận ra điều gì có ý nghĩa với bạn.
Vấn đề duy nhất còn lại là, bạn có sẵn sàng chấp nhận nó không? Bạn có sẵn sàng từ bỏ kỳ vọng xã hội và lời khen ngợi từ người khác – để bản thân có thể được biến đổi hay không?
Sống là trôi chảy. Khi tâm hồn được phép tuôn chảy, bạn cảm thấy trút được một gánh nặng khỏi cơ thể, vì tâm hồn và cơ thể chính là hai mặt cùng tồn tại trong bạn.
Masaru Emoto
Ý nghĩa cuộc sống
Một điều nữa tôi muốn nói về “Đạo” là tính đa chiều của nó; cụ thể, nó bao gồm nhiều khía cạnh của cuộc sống và không nhất thiết phải giới hạn trong sự nghiệp/phát triển chuyên môn.
Về bản chất, “Đạo” là biểu hiện quan điểm của cá nhân về cuộc sống (nhân sinh quan), hệ giá trị cốt lõi (giá trị quan) và thế giới bên ngoài (thế giới quan). Chính những suy nghĩ này là điểm phân biệt loài người với các sinh vật khác – giúp chúng ta vượt qua những thăng trầm của cuộc sống một cách duyên dáng.
- Nhân sinh quan
Nhân sinh quan đề cập đến triết lý cá nhân, bao gồm niềm tin của một người về lý do tồn tại, cũng như thái độ của họ đối với những thứ như cái chết, hạnh phúc và đau khổ. Chính quan điểm này sẽ định hình mục tiêu, ưu tiên và cách họ đối mặt với khó khăn thử thách.
Tùy vào mỗi cá nhân, nó có thể biểu hiện dưới dạng niềm tin vào thế giới bên kia/ tái sinh, sự tập trung vào thành công vật chất hay hoàn thiện về mặt tinh thần/ tâm linh, hay sự nhấn mạnh vào việc sống ở hiện tại/ lập kế hoạch cho tương lai.
- Giá trị quan
Giá trị quan là tổng hòa những nguyên tắc, tiêu chuẩn hoặc phẩm chất mà cá nhân xem là quan trọng hoặc đáng phấn đấu; ví dụ:
- Sự trung thực, liêm chính, lòng trắc ẩn và trung thành.
- Gia đình, bạn bè và cộng đồng.
- Thành công, giàu có, địa vị xã hội, bình đẳng và tự do.
Thông thường, giá trị quan được định hình bởi các yếu tố như văn hóa, cách nuôi dạy và trải nghiệm cá nhân; nó đóng vai trò như chiếc “la bàn đạo đức” hướng dẫn các lựa chọn, quyết định và mối quan hệ của chúng ta trong cuộc sống.
- Thế giới quan
Thế giới quan, về cơ bản, có thể hiểu là lăng kính mà qua đó, bạn cảm nhận thế giới này. Nó bao gồm quan niệm của bạn về thực tại – bản chất của vũ trụ, xã hội và nhân loại – ảnh hưởng đáng kể đến cách bạn diễn giải các sự kiện (vd: lạc quan hay bi quan về tương lai), quan điểm chính trị và xu hướng tương tác với người khác (vd: chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể).
Những câu hỏi xác định thế giới quan cá nhân:
- Bản chất của thực tại là gì?
- Làm sao chúng ta biết được điều gì là đúng hay sai?
- Mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên là gì?
Biểu hiện của thế giới quan:
- Chủ nghĩa duy vật: Thực tại nằm ở vật chất và năng lượng.
- Chủ nghĩa duy tâm: Thực tại về cơ bản là tinh thần hoặc tâm linh.
- Chủ nghĩa tương đối: Chân lý là chủ quan và thay đổi tùy theo từng người, từng nền văn hóa.
- v.v…
Thoạt nhìn có vẻ riêng biệt, song thực tế “tam quan” trên đây có mối liên hệ khá mật thiết và thường ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ví dụ, một người có niềm tin mạnh mẽ vào nghiệp chướng (karma) sẽ có xu hướng hình thành giá trị quan dựa trên lòng trắc ẩn và tinh thần bất bạo động; ngoài ra, họ có nhiều khả năng diễn giải các sự kiện trong cuộc sống như một chu kỳ nhân quả. (ví dụ, đau khổ hoặc những biến cố tồi tệ xảy ra với một người ở hiện tại là kết quả của những hành vi sai trái trong quá khứ của họ – dù là trong kiếp này hay kiếp trước; do đó, họ nên tập trung tích đức/ tạo nghiệp thiện ngay bây giờ, thay vì phàn nàn hoặc than vãn về bất hạnh của mình. Bên cạnh đó, những người khác cũng được khuyến khích thể hiện lòng trắc ẩn với những người đang trải qua đau khổ – sử dụng Pháp của chính mình để vượt lên nghiệp chướng của người anh em).
Trải nghiệm cá nhân về ý nghĩa cuộc sống & “đạo lý” của bản thân
Giờ là phần chia sẻ cá nhân về câu chuyện đời tôi. Bản thân tôi cảm thấy khá khó để tóm tắt về “Đạo” của mình trong một câu duy nhất; do đó, tôi xin phép phân tích chi tiết theo từng giai đoạn. Hy vọng rằng, thông qua chia sẻ của tôi, bạn đọc sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về bản thân và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình.
Một điều tôi nhận thấy là chúng ta thường liên kết những thứ như mục đích và ý nghĩa cuộc sống với công danh sự nghiệp. Tuy có thể hiểu được lý do đằng sau, song tôi tin rằng, cuộc sống không chỉ đơn thuần là kiếm sống. Sâu xa hơn, chúng ta cần phải hiểu rõ các giá trị cốt lõi và triết lý cá nhân của mình .
Dưới đây, tôi sẽ chia sẻ thành ba phần riêng biệt.
Cuộc sống là gì?
Con đường sự nghiệp
Tính đến 2024, đã 7 năm trôi qua kể từ khi tôi lần đầu tiên bước chân vào thị trường lao động. Trong 7 năm qua, tôi đã trải qua tổng cộng 4 công ty ở 4 lĩnh vực khác nhau: bán lẻ, y tế, đào tạo doanh nghiệp (training) và digital marketing.
Với tôi, 4 giai đoạn này có thể ví như 4 mùa trong năm. Một chuỗi các chuyển tiếp nối đuôi nhau, mỗi bước chuyển là một bước đệm trên con đường đưa tôi đến với nhận thức về việc tôi là ai – và điều gì tôi trân quý nhất.
Mùa xuân: Sự nghiệp chớm nở
Năm 2017, khi vừa mới ra trường, tôi không biết nên đi theo định hướng nào và chỉ mong muốn có một nơi để làm việc. Sau một vài lần thử nghiệm, tôi có được một công việc bán thời gian về dịch thuật tại một công ty bán lẻ của Nhật Bản trong 2 tháng.
Không hiểu sao, sau 2 tháng đó, giám đốc bộ phận quyết định giữ tôi lại và giao cho tôi vị trí Nhân viên nội dung – với nhiệm vụ sáng tạo nội dung sản phẩm cho trang thương mại điện tử của công ty.
Vào thời điểm đó, tôi chỉ biết rằng tôi khá yêu thích sáng tạo nội dung (mặc dù vẫn chưa rõ là tại sao), thế nên tôi đã vui vẻ chấp nhận đề nghị này. Hoàn toàn chưa có kinh nghiệm làm việc gì, nên tôi cảm thấy vui mừng khi có một công việc để làm và học hỏi những điều mới (dù cho những “điều mới” này có vẻ tầm thường trong mắt những người có kinh nghiệm hơn).
Giống như một cây non đang mọc lên, tôi háo hức tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm, háo hức với những cơ hội phía trước. Mặt khác, tôi cảm thấy môi trường của công ty thực sự rất thân thiện và hợp tác (so với một số công ty Việt Nam mà tôi từng làm việc trong thời gian ngắn trước đó), vậy tại sao không nhỉ?
Ban đầu, mọi thứ diễn ra đều ổn. Công việc có nhiều cái mới lạ và ít nhiều giúp tôi phát huy năng lực sáng tạo. Tôi rất vui và cảm thấy như mình đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, theo thời gian, tính chất công việc đã thay đổi – từ “sáng tạo” nội dung chuyển thành không hơn kém gì một công việc nhập liệu.
Tôi được giao nhiệm vụ tạo hàng trăm trang sản phẩm cho dự án thương mại điện tử của công ty hàng tuần. Không có yêu cầu rõ ràng về chất lượng nội dung – điều quan trọng là chỉ cần đảm bảo số lượng đầu ra.
Nhiều lần, tôi không được bộ phận thu mua cung cấp thông tin gì về sản phẩm phải viết, vì vậy tôi không còn cách nào khác ngoài sao chép/ “xào” nội dung lại từ các trang thương mại điện tử khác. Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác như thế nào không?
Tôi làm việc như một con robot, không hơn không kém. Chỉ sao chép và dán; không có sự sáng tạo, không có kỹ năng nào cả! Giống như nhân vật Kanji Watanabe trong “Ikiru” – mỗi ngày đều làm đúng một việc là đóng dấu giấy tờ và chuyển các yêu cầu của người dân đến các phòng ban khác.
Thật khác xa với công việc đầy hứng khởi mà tôi đã hình dung ban đầu!
Dần dà, tôi cảm thấy một sự tách biệt ngày càng tăng giữa công việc và mục đích thực sự của mình. Giống như thể tôi đã lạc lối, mất đi tầm nhìn về “con đường”, về “Đạo” của mình.
Sự nhiệt tình của tôi bắt đầu “trượt dốc”. Tôi thấy mình bị mắc kẹt trong một vòng lặp liên tục của các đầu việc như nhau. “Ngọn lửa” đã thắp sáng niềm đam mê của tôi giờ không còn nữa, và tôi không thể không tự hoài nghi về lộ trình sự nghiệp cũng như giá trị mà tôi đang mang lại.
Tuy không hài lòng, tôi vẫn do dự không dám thay đổi. Nỗi sợ những điều chưa biết kìm hãm tôi, và tôi bám víu vào sự quen thuộc, ngay cả khi nó không giúp cho tâm hồn tôi cảm thấy vui vẻ nữa.
Ở một mức độ nào đó, tôi vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa trong các mối quan hệ với các đồng nghiệp chung phòng ban (nhiều người trong số họ tôi vẫn giữ liên lạc cho đến tận bây giờ; thậm chí một trong số họ tôi xem như mentor của mình).
Tôi thích thái độ thân thiện của họ. Tôi không thể nào quên những lần chúng tôi cùng nhau ở trong kho để xử lý đơn hàng của khách hàng. Và tôi nhớ những bữa tiệc mà nhóm của tôi thỉnh thoảng vẫn tổ chức (mọi người đều rất nồng hậu và ấm áp, đến nỗi tôi hoàn toàn quên hết mọi “phiền muộn” trong công việc khi dùng bữa với họ).
Đồng thời, tôi cũng rất thích chính sách minh bạch và văn hóa làm việc hợp tác tại công ty (điều mà tôi chưa bao giờ trải nghiệm lại ở các công ty khác). Thế là tôi kiên trì chịu đựng, dù cho tôi cảm thấy rất bất bình với công việc của mình.
Tôi gắn bó với công việc đơn điệu này trong 2 năm, cho đến một ngày tôi quyết định thực hiện một “bước nhảy của niềm tin” – xuất phát từ nhận thức sâu xa rằng nếu tôi không sớm thay đổi, tôi sẽ không bao giờ có thể thay đổi nữa.
Bất chấp lời khuyên của trưởng nhóm và quản lý phòng ban (cả hai đều khuyến khích tôi xem xét lại lựa chọn của mình), tôi vẫn quyết định nghe theo tiếng gọi của trái tim – mặc dù lúc đó tôi chưa biết mình sẽ đi đến đâu.
Tôi biết chắc rằng trong 2 năm qua, tôi đã không thể phát triển kỹ năng chuyên môn của mình, và sự chần chừ sẽ khiến tôi phải trả giá – thậm chí “phát điên” lên – nếu tôi tiếp tục để nó chi phối mình.
Và sâu thẳm bên trong, tôi biết mình không thích ngành bán lẻ. Tuy chưa rõ tiếng gọi của mình ở đâu, tôi biết rằng nó không liên quan gì đến bán lẻ hay thu mua cả.
Vào thời điểm đó, tôi ít nhiều phân vân giữa việc tiếp tục công việc văn phòng hay nên đi theo một con đường khác. Vì trình độ tiếng Anh của tôi khá tốt so với những nhân viên khác (tôi đồ rằng bạn có thể tưởng tượng được cảm giác giao tiếp bằng tiếng Anh trong một công ty Nhật Bản theo mô hình truyền thống như thế nào), nên trưởng nhóm của tôi có đề nghị tôi thử sức với nghề giáo viên tiếng Anh bán thời gian.
Thành thật mà nói, đây là điều tôi từng nghĩ đến khi còn học đại học, mặc dù tôi không cảm thấy “mặn mà” lắm (có lẽ vì áp lực từ bạn bè và ý kiến của người quen, tôi coi nghề giáo là một công việc thấp kém – một công việc không phù hợp với trình độ học vấn đại học của tôi, cũng như không có thăng tiến sự nghiệp rõ ràng).
Thế nhưng, ý tưởng đó vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu tôi – và góp ý của anh trưởng nhóm khiến tôi đã suy nghĩ rất nhiều.
Bài học rút ra:
- Tuy là một giai đoạn trì trệ, 2 năm đầu đi làm đã dạy tôi tầm quan trọng của việc lắng nghe trực giác và dũng cảm ra quyết định, ngay cả khi con đường phía trước còn chưa chắc chắn. Cũng giống như cây cối rụng lá cũ để nhường chỗ cho chồi non mới, chúng ta cũng phải từ bỏ những điều quen thuộc và đón nhận những điều chưa biết khi thời điểm thích hợp đến.
- Giai đoạn đầu của cuộc sống/sự nghiệp là thời gian để khám phá và thử nghiệm, để “gieo mầm” cho tương lai. Đừng sợ mạo hiểm, song hãy chấp nhận thất bại và học hỏi từ những sai lầm. Bởi vì thông qua những trải nghiệm này, con người có thể thực sự hoàn thiện.
- Đôi khi, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong những thứ như mối quan hệ, giúp ta dễ dàng chịu đựng những khó khăn và bất mãn hơn. Tuy nhiên, cảm thức đó khá “vô thường”, bởi vì nó đến từ bên ngoài – không phải từ bên trong chúng ta. Không có gì đảm bảo rằng nó sẽ luôn trường tồn khi hoàn cảnh thay đổi/ thời gian trôi qua.
Mùa hè: Thời kỳ khám phá
Sau khi rời công ty đầu tiên, tôi tìm được việc làm tại một công ty startup về y tế (cụ thể là mảng du lịch y tế). Thành thật mà nói, mức lương không như tôi mong đợi (nếu không muốn nói là tệ hơn so với công ty trước); tuy nhiên, tôi vẫn quyết định chọn theo nó, một phần vì tôi thực sự khá thích thú tầm nhìn của anh CEO sau khi thảo luận với anh trong buổi phỏng vấn.
Ban đầu, phương châm của công ty “Kết nối bệnh nhân với các đơn vị y tế tốt nhất – ở mức giá phải chăng nhất” khiến tôi rất quan tâm. Đó là chưa kể đến cơ hội tự do sáng tạo, cấu trúc tổ chức phẳng, cũng như được làm việc trong môi trường đa quốc gia (đồng nghĩa với việc tôi có thể vừa nâng cao kỹ năng chuyên môn, vừa thực hành tiếng Anh cùng một lúc) – tất cả đều rất mới mẻ và hấp dẫn với tôi.
Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, cảm giác thất vọng bắt đầu xuất hiện.
Công ty đã thay đổi chiến lược, chuyển từ sứ mệnh ban đầu sang một hướng kinh doanh khác, ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn tác động dài hạn. Thay vì quảng bá cho đa dạng đơn vị/ hình thức điều trị, họ quyết định tập trung mạnh vào các liệu pháp thử nghiệm nhưng tốn kém như tiêm tế bào gốc. Đơn giản là vì chúng mang lại rất nhiều tiền.
Càng lúc, tôi càng nhận ra rằng công ty quan tâm đến việc theo đuổi xu thế hơn là mang lại giá trị thực sự cho khách hàng/ bệnh nhân (mặc dù tôi có thể thông cảm với quyết định của CEO – anh phải chứng minh rằng doanh nghiệp đang phát triển để có thể giữ chân các nhà đầu tư/bên liên quan). Sự thay đổi trong chiến lược đã làm dấy lên những lo ngại về đạo đức, cũng như xung đột với hệ giá trị cá nhân của tôi.
Những người hầu như không có kiến thức y khoa, nhưng lại quảng bá một giải pháp y tế chưa được kiểm chứng… Một doanh nghiệp y tế mà lại áp dụng lối tư duy thuần túy thương mại điện tử… Tôi cảm thấy có điều gì đó rất không ổn.
…
Môi trường làm việc vốn từng sôi động và hợp tác trước đây ngày càng trở nên rời rạc. Việc thiếu định hướng rõ ràng, cũng như tình trạng tranh giành quyền lực nội bộ (tôi xin phép không thảo luận quá chi tiết tại đây) đã tạo ra một bầu không khí thiếu sức sống, kìm hãm sự đổi mới. Cuối cùng, công ty bị chia thành 2 “phe”, và hầu hết nhân viên dường như chỉ đến làm việc để nhận lương – thay vì đóng góp cho một tổng thể lớn hơn.
Thật là một sự tương phản hoàn toàn so với môi trường hòa hợp và hỗ trợ mà tôi từng trải nghiệm ở công ty cũ!
Giữa mớ hỗn loạn này, tôi bắt đầu có những câu hỏi về ý nghĩa thực sự của công việc. Liệu nó chỉ đơn thuần là phương tiện để đạt được mục đích, hay còn điều gì hơn thế nữa? Tôi có nên quá quan tâm đến những gì mình đang làm, hay nên tìm kiếm một con đường phù hợp với các giá trị và ưu tiên của mình?
Rốt cuộc thì, tôi quan tâm tới điều gì chứ?
Không lâu sau đó, tôi nhận ra bản thân bị hấp dẫn bởi những công việc cho phép tôi kết nối với con người, truyền cảm hứng và giáo dục. Những công việc mang đến cho tôi cơ hội nuôi dưỡng tâm trí thế hệ trẻ, làm “chất xúc tác” cho con người phát huy tiềm năng cá nhân.
Ý tưởng trở thành giáo viên tiếng Anh quay trở lại với tôi, và tôi quyết định đăng ký theo học một khóa TESOL.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ sẽ chỉ xem dạy học là công việc bán thời gian để kiếm sống, chứ chưa phải là thứ gì đó đáng theo đuổi nghiêm túc. Định kiến về việc dạy học là một nghề kém danh giá hơn công việc văn phòng truyền thống vẫn đeo bám tôi, và tôi đã không thể dung hòa giữa nguyện vọng của bản thân với kỳ vọng xã hội.
Tuy vẫn thích thú với việc giảng dạy, tôi – vào thời điểm đó – cảm thấy bị hấp dẫn hơn với lĩnh vực digital marketing. Dù sao thì, tôi đã làm công việc sáng tạo nội dung một thời gian – và tôi cho rằng chuyển mình sang digital chỉ đơn giản là một bước tiến hoàn toàn hợp lý. Đó là chưa kể cơ hội phát huy tính sáng tạo, kỹ năng phân tích dữ liệu, chiến lược và công nghệ – tất cả đều rất “hợp thời” và phù hợp với kinh nghiệm làm việc ở thời điểm đó.
Một ngày nọ, tôi tình cờ nhận được email từ quản lý của một đơn vị đào tạo doanh nghiệp, hỏi xem liệu tôi có muốn làm việc cho họ không.
Không rõ vì sao, tôi cảm thấy như thể mình đã tìm được một công việc phù hợp với rung động – hadō (波動) của mình. Tôi không biết tại sao, nhưng lần đầu tiên, tâm hồn tôi cảm thấy như thể nó đã phát hiện ra “ánh sáng trong bóng tối”.
Công việc mới dường như hoàn toàn phù hợp với kỹ năng và sở thích của tôi, và tôi cảm thấy ngay lập tức “đồng điệu” với sứ mệnh của công ty này. Cứ như thể cuối cùng tôi đã tìm thấy tiếng gọi thực sự của mình – tiếng gọi cho phép tôi sử dụng tài năng để đóng góp cho ích chung!
Tin tưởng vào trực giác, tôi đã đi phỏng vấn và được nhận vào làm.
Bài học rút ra:
- Mặc dù có những lúc “vỡ mộng”, giai đoạn này đã giúp tôi thấu hiểu hơn về sự phức tạp của thế giới kinh doanh. Công ty startup tôi làm ban đầu đưa ra sứ mệnh rất truyền cảm hứng, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Một bài học thấm thía về việc chúng ta sẽ ra sao nếu không bắt đầu từ một nền tảng triết lý vững chắc.
- Cốt lõi của ý nghĩa cuộc sống là khả năng kết nối với bản thể, điều chỉnh mọi hành động theo giá trị cốt lõi, theo đuổi đam mê và đóng góp vào lợi ích chung.
Mùa thu: Khủng hoảng & đánh giá lại
Tôi bước vào chương mới của cuộc đời với đầy hy vọng và nhiệt huyết. Tôi đã nâng cấp được vai trò công việc và trở thành chuyên gia digital marketing full-stack tại một công ty về coaching & đào tạo. Phương châm của công ty “Transforming leaders & changing the world for the better” (tạm dịch: Chuyển đổi lãnh đạo & đóng góp cho thế giới) có vẻ như rất đồng điệu với hệ giá trị của tôi, và tôi rất mong muốn được đóng góp cho mục đích cao cả này.
Suy cho cùng, tôi nhận thấy coaching là một cái gì đó thực sự đáng quan tâm (dù rằng lúc đó tôi chưa hiểu rõ về bản chất của nó lắm). Tôi chỉ tin rằng đó là một công việc cao quý và có ý nghĩa. Có lẽ niềm đam mê của tôi đối với coaching ít nhiều cũng liên quan đến trải nghiệm sống trước đây, cũng như background về giáo dục của tôi…
Ban đầu, văn hóa làm việc tại công ty có vẻ rất hỗ trợ và truyền cảm hứng. Mọi người đều dường như rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ nhau (đến mức nhiều lần tôi cảm thấy như mình đang ở nhà chứ không phải ở văn phòng). Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng có nhiều thứ mà tôi chưa được chuẩn bị để đón nhật về mặt tâm lý.
Không lâu sau đó, tôi phát hiện ra mình đang làm việc cho một công ty gia đình, và mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là tự quảng bá và lợi nhuận – hơn là mang lại tác động thực sự. Thông điệp của họ trên các kênh truyền thông luôn là “the best” (tốt nhất/ giỏi nhất) thay vì “better” (tốt hơn), và ban quản lý dường như chỉ quan tâm tới khách hàng từ các tập đoàn đa quốc gia – với lý do những người này có “nhiều tiền” hơn.
Tôi thấy mình bị mắc kẹt trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, tôi tin vào ý nghĩa của coaching và phát triển bản thân; mặt khác, tôi không thể nào đồng điệu với “triết lý” kinh doanh của công ty. Tôi mong muốn một cái gì đó bao hàm và bình đẳng hơn – một triết lý ưu tiên lợi ích chung hơn so với lợi ích cá nhân. Giống như của Kyocera và các tư tưởng tương tự, không phải chỉ nhằm mục đích quảng bá cho các “guru” tự nhận như thế này.
Về hoạt động kinh doanh, tôi thấy mọi thứ đều “tập quyền” quá mức. Tất cả quyết định quan trọng (đặc biệt nếu liên quan đến việc chi tiêu tiền) đều phải do Trụ sở chính (HQ) kiểm soát; các chi nhánh khác chỉ cần làm theo và tập trung vào việc bán/kiếm khách hàng theo cách của riêng họ. Rất ít thông tin về chiến lược được cập nhật đều đặn cho các chi nhánh (chắc ngoại trừ một vài cuộc họp hàng quý – đối với tôi, mấy cuộc họp này giống như cơ hội để mọi người khoe khoang về bản thân hơn là học hỏi và xử lý chương trình nghị sự rõ ràng nào).
Tôi cảm thấy như thể mình bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng. Tôi đã đưa ra một lựa chọn thiếu sáng suốt sao? Rốt cuộc, tại sao lúc đầu tôi lại cảm thấy phấn khích đến vậy? Tôi đã phạm sai lầm gì chăng?
Cuối cùng, tôi quyết định tự mình giải quyết vấn đề và làm nhiều việc có vẻ “phản loạn”, ngược lại với các chuẩn mực đã được thiết lập (vd: tự xây dựng một trang web tại Việt Nam để kiểm soát tốt hơn các hoạt động marketing; thiết lập hệ thống gửi thư tự quản thay vì sử dụng hệ thống mà Trụ sở chính sử dụng – một hệ thống quá “lỗi thời” và chỉ toàn gửi email vô Spam, v.v…).
Tôi không có ý thách thức cấp quản lý; tôi chỉ đơn giản tin tưởng một cách sắt đá rằng những gì tôi đang làm là “đúng” (và do đó tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về chúng).
Giờ đây hồi tưởng lại giai đoạn này, tôi thấy rằng hẳn là mình đã không sáng suốt trong mọi quyết định. Dù sao thì, tôi đã hành động hoàn toàn theo xác tín cá nhân, và chính niềm tin đó đã mang đến cảm thức nghĩa để tôi tiếp tục công việc (bất chấp thái độ thờ ơ/ phản đối/ nghi ngờ từ những người xung quanh).
Cứ như thể có một thứ “tinh thần chiến binh” nào đó đang “bùng cháy” bên trong tôi khi ấy vậy!
Có thể tôi đã có những hành động không đúng mực, dù rằng tất cả đều xuất phát từ mong muốn chân thành của tôi – được thay đổi và đóng góp.
Tuy nhiên, ngay cả niềm tin mạnh mẽ nhất cũng phải “lụi tàn” một lúc nào đó.
…
Một năm trôi qua, hy vọng và ước mơ của tôi với công việc này cũng tan biến theo. Tôi nhận ra rằng các giá trị và nguyện vọng của mình không hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của công ty (mặc dù lúc đó tôi không hiểu rõ lý do tại sao như vậy).
Đó là một nhận thức đau đớn – nhưng cũng rất cần thiết để tôi có thể đi tiếp.
Bài học rút ra:
- Dù cho hoàn cảnh bên ngoài không phải lúc nào cũng lý tưởng, chính sức mạnh bên trong và tinh thần bền bỉ sẽ đưa ta vượt qua những thời điểm đen tối nhất.
- Ngay cả khi phải đối mặt với nghịch cảnh, con người vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa nếu họ có một hệ giá trị cốt lõi để tuân theo.
- Tuy tôi có ý tốt, song lại sai lầm về phương pháp thực hiện. Nói cách khác, tôi quá cứng nhắc và bảo thủ, tự cho mình là đúng. Giờ đây, tôi đã hiểu được tầm quan trọng của giao tiếp và thỏa hiệp, cũng như giá trị của đức kiên nhẫn. Bảo vệ niềm tin cá nhân là rất cần thiết; bên cạnh đó, giải quyết xung đột với thái độ đồng cảm và thấu hiểu cũng quan trọng không kém.
Mùa đông: Suy ngẫm & đổi mới
Như đã đề cập, sau một năm làm việc full-time tại đơn vị Coaching & Training nói trên, tôi cảm thấy như thể giấc mơ của mình đã “tan vỡ”. Mong muốn duy nhất của tôi là rời đi – tôi không quan tâm đến việc mình sẽ đi đâu nữa. Bất cứ nơi nào cũng ổn với tôi.
Và thế là, tình cờ, tôi thấy mình “trôi dạt” đến một agency về digital (trong khi vẫn làm việc bán thời gian cho công ty cũ). Đối với người ngoài, mọi thứ về công việc này đều có vẻ ổn – mức lương, các dự án, danh tiếng của khách hàng, v.v…
Tuy nhiên, tôi cảm thấy trống rỗng bên trong (có lẽ đó là hậu quả của việc nghỉ công việc full-time ở công ty trước – nơi tôi từng nghĩ mình sẽ gắn bó cả đời). Tôi không còn cảm thấy xúc động trong công việc nữa; tôi chỉ làm những gì được bảo mà không cần quan tâm đến lý do đằng sau đó.
Giống như thể tôi đã rơi vào một “giấc ngủ” sâu, một trạng thái thờ ơ và lãnh đạm. Ngọn lửa từng thắp sáng đam mê của tôi đã tắt ngúm; thay vào đó là một khoảng không trống rỗng, lạnh lẽo.
Tại công ty mới, tôi liên tục được giao cho một loạt nhiệm vụ ngẫu nhiên (nhiều thứ trong số đó tôi cảm thấy có vẻ rất “tầm phào” và vô nghĩa) mà không có một ý niệm nào về “lý do” đằng sau cả. Thỉnh thoảng, tôi nhận được những yêu cầu như:
- “Kiểm tra trang web này giúp tôi”
- “Làm đề xuất cho dự án này”
- “Đề xuất một kế hoạch tối ưu hóa cho khách hàng tiềm năng ABC”
- “Điền vào phần này của bản đề xuất chung của công ty”
- v.v…
Và tôi chỉ đơn thuần làm theo, mà chẳng biết hay mảy may thắc mắc gì về lý do của việc mình phải làm cả. Suy cho cùng, tôi cảm thấy tinh thần đồng đội ở công ty rất thấp. Mọi người dường như thích hành động riêng lẻ, và anh “quản lý” của tôi lúc đó (nếu tôi có thể gọi là “quản lý”) dường như không bận tâm nhiều lắm về sự hiện diện của tôi. Nhiều lần, anh ta hành động như thể mình là người duy nhất trong nhóm.
Mỗi khi tôi hoàn thành một báo cáo/ đề xuất nào đó, thói quen của ban quản lý là thay đổi số/dữ liệu/câu chữ trong kế hoạch của tôi mà không thèm giải thích tại sao (thỉnh thoảng, họ còn biến nó thành một bản kế hoạch hoàn toàn khác). Sau đó, tôi không nhận được thông tin cập nhật nào về việc đề xuất có thành công hay không – hoặc liệu khách hàng tiềm năng có lựa chọn chúng tôi hay không (trừ khi tôi trực tiếp đi hỏi).
Nhiều ngày cứ trôi qua. Đôi khi, vì hạn chế thời gian – cũng như vì thông tin tôi nhận được về doanh nghiệp của khách hàng là quá ít, tôi đã sao chép thông tin từ các bản kế hoạch mẫu trước đó (chỉ đơn giản thay đổi một số câu chữ và số liệu) để có thể “mau mau cho xong”.
Thi thoảng, tôi lại nghe thấy một giọng nói thì thầm trong đầu: “Thật nhàm chán, thật vô nghĩa!”
Và tôi tự hỏi: “Mắc gì phải quan tâm đến ý nghĩa? Chỉ cần làm những gì được bảo và đến tháng nhận lương – đó là tất cả những gì quan trọng rồi!”
Tôi cứ tự lặp đi lặp lại những câu biện hộ như thế; nhưng sâu thẳm bên trong, tôi biết rằng có điều gì đó không ổn. Rằng tôi đang làm việc và sống như một cái “xác ướp”. Rằng đó không phải là “tôi” thực sự. Không phải là người đã bùng cháy với “tinh thần chiến binh” hơn một năm trước.
Sâu thẳm bên trong, tôi biết (mặc dù tôi ghét phải thừa nhận điều đó) rằng tâm hồn của tôi vẫn còn nằm ở công ty trước. Hay nói đúng hơn, với ngành coaching & đào tạo nói chung.
…
Và rồi, một người quản lý mới gia nhập nhóm của tôi (anh ấy, về phương diện nào đó, giờ đã trở thành, mentor tâm linh của tôi). Niềm đam mê, sự chính trực và cống hiến không ngừng nghỉ của anh với công việc đã góp phần “thắp lên” một “tia lửa” trong tôi.
Chính anh là người đã đánh thức tôi khỏi “giấc ngủ tâm linh” và khơi dậy lại ý nghĩa cuộc sống trong tôi.
Nhiều lần, tôi thấy anh nhiệt tình tranh luận và đặt câu hỏi với Trưởng phòng điều hành/ CEO – mặc dù bản thân anh không nói được tiếng Anh tốt lắm (hệ quả tất yếu là anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi cần thảo luận/ giải thích tầm nhìn của mình với cấp trên). Quan sát những hành động của anh khiến tôi không thể không nhớ lại việc tôi đã từng hành động tương tự khi ở công ty cũ.
Và tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ngày qua ngày, niềm đam mê của tôi dần nhen nhóm trở lại.
Bên cạnh đó, những cuộc đối thoại với người quản lý cũng đã khiến tôi suy ngẫm về nhiều thứ trong cuộc sống – ngoài phạm vi công việc. Những chia sẻ của anh đã ít nhiều làm cho tôi phải đánh giá lại thế giới quan và nhân sinh quan của mình.
…
Thời gian trôi qua, và mọi thứ dần trở nên rõ ràng với tôi. Tôi đã “tỉnh ngộ” về nhiều điều; một trong số đó là vai trò của công việc trong đời.
Tôi nhận ra rằng, một công việc văn phòng truyền thống (đặc biệt trong một lĩnh vực như Digital Marketing) không phải là con đường dành cho tôi. Việc các ông chủ doanh nghiệp chú trọng quá mức vào lợi nhuận hoàn toàn không phù hợp với hệ giá trị của tôi.
Đối với tôi, ý nghĩa thực sự không nằm ở lối tư duy “tư bản”, quá đam mê chạy theo tiền bạc. Không phải thái độ tôn thờ những thứ phù phiếm như trend/ xu hướng xã hội. Không nên quá háo hức đón nhận những thứ như AI – mà không cân nhắc đến các vấn đề về đạo đức. Không phải lối tư duy sẵn sàng sa thải/ cắt giảm nhân sự và giao thêm việc cho nhân viên – chỉ nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí.
Một cái gì đó có chiều sâu và “nhân văn” hơn. Một cái gì đó liên quan đến phát triển của con người (đó cũng là lý do vì sao tôi từng bị hấp dẫn bởi coaching).
Và tôi nhận ra, sứ mệnh thực sự của tôi nằm ở việc giúp đỡ & hướng dẫn người khác trên con đường phát triển của chính họ. Không phải trong lĩnh vực kinh doanh.
Với nhận thức mới này, tôi đi đến một quyết định liều lĩnh mà tôi chưa từng bao giờ làm trước đây – nghỉ việc mà không nộp đơn xin việc vào bất kỳ công ty nào khác.
Từ bỏ công việc làm công ăn lương không phải là quyết định gì dễ dàng, song tôi không hề hối hận với lựa chọn của mình. Suy cho cùng, nhờ đó mà tôi đã có nhiều thời gian và sự tĩnh lặng cần thiết để suy ngẫm về cuộc sống – cũng như theo đuổi mục tiêu cá nhân.
Nhiều năm trước, khi vẫn còn làm full-time ở công ty cũ, tôi từng nghĩ đến việc xây dựng một trang web trong lĩnh vực self-help. Tuy nhiên, chủ đề self-help cụ thể nào thì tôi chưa biết, thế nên tôi đã chỉ dừng lại ở ý tưởng mà chưa chuyển qua thực thi.
Và ngay lúc này, khi sắp sửa nghỉ việc, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nó.
“Tôi quan tâm cụ thể đến chủ đề self-help nào? Tôi là ai?”
Và rồi một từ khóa xuất hiện trong đầu tôi: khám phá bản thân! Chính lúc đó, tôi bắt tay vào việc sáng tạo nội dung cho blog này – cũng như bước vào hành trình tự khám phá chính mình.
Sau một thời gian, tôi dần “ngộ” ra những khía cạnh cụ thể về tự khám phá mà mình quan tâm. Một trong số đó là về thấu hiểu hành vi con người; hay nói cách khác, về Tâm lý học nói chung.
Tôi nhớ lại thời học đại học, tôi đã từng rất hào hứng khi học môn Marketing. Lúc đó, tôi cũng không chắc là tại sao nữa.
Giờ đây, khi đã có được mức độ tự nhận thức nhất định, tôi cho rằng nguyên nhân khiến tôi quan tâm đến Marketing là vì nó cho phép tôi có thể nhìn vào “tâm lý” của con người. Nói cách khác, để hiểu rõ hơn về bản thân và người khác.
Rốt cuộc, thứ tôi quan tâm không phải là Marketing, mà là Tâm lý học!
Tôi thích Marketing không phải vì hứng thú với kinh doanh, tiền bạc, xu hướng xã hội/meme, hay khả năng “thao túng” tâm lý. Đúng hơn, nó xuất phát từ mong muốn thấu hiểu người khác (hoặc ít ra, đó là tôi nghĩ như vậy).
Suy cho cùng, tâm lý học có mối quan hệ rất mật thiết với coaching – lĩnh vực mà tôi quan tâm. Hầu hết các chuyên gia coach nổi tiếng đều xuất thân từ tâm lý học mà ra. Do đó, tôi cho rằng tìm hiểu về tâm lý học là một lựa chọn mang tính “một công đôi việc”.
Nhận thức mới này đã thắp lên một ngọn lửa trong tôi. Sau một thời gian dài, tôi một lần nữa lại cảm thấy bản thân tràn đầy cảm thức về mục đích và phương hướng!
Quá trình tự nghiên cứu về tâm lý học đã giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân cũng nhu con người – nhờ đó có thể hành xử bình tĩnh hơn khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống và những phiền muộn do người khác gây ra.
…
Thời gian trôi qua, và tôi lại phát hiện ra một lĩnh vực nữa tôi quan tâm, thậm chí còn sâu sắc hơn: Triết học!
Cốt lõi của triết học, xét cho cùng, là tìm kiếm sự thật và tri thức – một thứ mà tôi luôn thích thú kể từ khi còn học trung học. Thấu hiểu bản chất của con người và thực tại là những chủ đề mà triết học hướng tới – cũng đồng thời là đề tài mà tôi đã quan tâm bấy lâu nay.
Tôi nhớ ngày xưa, tôi từng rất đam mê các hoạt động sáng tạo như vẽ, viết tiểu thuyết (nếu tôi có thể gọi những cuốn sách trẻ con đó là “tiểu thuyết”), chơi nhạc cụ, luyện thanh, v.v… cũng như việc tìm hiểu thế giới và tích lũy kiến thức.
Triết học, với tôi, là một dạng thức khác để tái kết nối với những sở thích này – một cách chín chắn và toàn diện hơn. Với “đứa trẻ bên trong” tôi.
Vậy là một lần nữa, tôi lại tìm thấy một viên ngọc quý khác ẩn giấu trong tâm trí mình!
Có thể có người sẽ cho rằng tôi đã “trôi dạt” qua quá nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi tin rằng những gì mình làm, cho đến nay, đều chia sẻ chung một cốt lõi: buông bỏ bản ngã để đóng góp cho nhân loại.
Đây chính là “con đường” của tôi trong cuộc sống. Là “Đạo” của tôi. Là “tôn giáo” của tôi!
Ý nghĩa cuộc sống
…
Tính đến khi tôi viết bài này, đã hơn một năm trôi qua kể từ lúc tôi nghỉ việc ở công ty cũ. Một “năm nghỉ ngơi” (gap year) để suy ngẫm, viết lách, gặp gỡ mọi người, tái ngộ với đồng nghiệp/bạn bè cũ đã giúp tôi quay lại đúng hướng và hiểu rõ hơn về bản thân. Chưa kể, nó cũng cho tôi cơ hội “thấm thía” tầm quan trọng của việc sống chậm lại, tận hưởng mọi khoảnh khắc, các mối quan hệ, phát triển kỹ năng lãnh đạo bản thân, tiết kiệm tiền và quản lý tài chính – cùng nhiều thứ khác nữa.
Thành thật mà nói, tôi vẫn đang trong quá trình “bóc tách” từng lớp bên trong. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng.
Đôi khi, tôi cảm thấy như thể mình đang bước vào một mê cung – hoặc như thể tôi đang lắp ghép một bộ xếp hình. Từ từ ghép các mảnh lại với nhau – giống như Yugi lắp ghép Trò chơi ngàn năm (Millennium Puzzle). Giống như Pharaoh Atem khám phá mê cung trong tâm trí để tìm ra “tên thật” của mình.
Quá trình giải đố này, tuy đầy thách thức và những khúc quanh bất ngờ, khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khích. Nó khiến tôi cảm thấy như thể mình đang sống một cách dồi dào nhất.
Với mỗi “mảnh ghép” vào bức tranh lớn hơn, tôi lại tìm thấy một phát kiến mới và gắn kết hơn với cảm thức về mục đích. Tuy rằng tương lai còn chưa chắc chắn, nhưng tôi đã sẵn sàng đón nhận nó. Tôi không còn là “mắt xích” trong một bộ máy nữa; tôi là một người sáng tạo, một nhà tư tưởng, một người tìm kiếm chân lý!
Tôi đã sẵn sàng để bước tiếp – và bắt đầu một chương mới trong cuộc đời!
Xuân, Hạ, Thu, Đông… và rồi lại Xuân!
Bài học rút ra:
- Tìm kiếm ý nghĩa là một hành trình liên tục, đòi hỏi bạn phải không ngừng khám phá, thử nghiệm và thay đổi.
- Mỗi người nên chú tâm đi tìm ý nghĩa trong từng khoảnh khắc – thay vì cố gắng khám phá ra một ý nghĩa “tối thượng” của cuộc sống. Những gì từng quan trọng với ta trong quá khứ có thể sẽ không còn quan trọng trong hiện tại và tương lai nữa; vì vậy, chúng ta đừng nên sợ khi phải thực hiện một “bước nhảy của niềm tin”.
- Thay vì để mọi người quyết định lựa chọn của bạn, hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim. Vì nó BIẾT câu trả lời. Vì nó là biểu hiện hữu hình của “Đạo” bên trong bạn.
- Thỉnh thoảng, chúng ta cần dành thời gian tự phản tỉnh lại mình – không phải để đổ lỗi hay trốn trách trách nhiệm, mà là để thấu hiểu. Để nhận ra rằng sự “lang thang” vô định của ta chủ yếu là do thiếu hiểu biết về bản thân, nhân tình và thế giới.
Ý nghĩa của cuộc sống thì luôn khác biệt với từng người, và luôn biến đổi từ ngày này qua ngày khác – từ giờ này sang giờ khác. Do đó, đừng tìm kiếm một mục tiêu duy nhất, nhưng hãy hướng tới ý nghĩa cụ thể trong từng thời điểm nhất định.
Viktor E. Frankl
Giá trị cá nhân
Bài trừ vật chất
Một điều tôi biết khá chắc chắn về bản thân, đó là tôi luôn cảm thấy thích một lối sống tối giản, thậm chí có phần “khổ hạnh”. Tất nhiên, tôi trân trọng sự thoải mái và tiện nghi mà của cải vật chất mang lại; mặt khác, tôi thấy rằng mình chưa bao giờ thực sự coi trọng vật chất. Nhiều lần, tôi còn cảm thấy khó chịu khi người khác cứ “ba hoa” về chuyện “ông này bà kia” nhiều tiền, lương cao, đi xe hơi nhà lầu, hoặc những biểu hiện sống xa hoa khác.
Có lẽ xu hướng này bắt nguồn từ một niềm tin sâu sắc (dù là do trải nghiệm trong quá khứ, nghiệp chướng hay bất cứ điều gì) rằng sự giàu có thực sự đến từ các yếu tố bên trong (vd: danh dự, phẩm giá, trí tuệ), chứ không phải từ bên ngoài. Một tư duy khá “Khắc kỷ” bạn nhỉ?
Trước đây, khi đọc “Phúc ông tự truyện” của Fukuzawa Yukichi, tôi nhớ từng bắt gặp mấy đoạn như sau:
Tôi vốn là người biết quý trọng tiền bạc, nhưng về chuyện buôn bán kinh doanh thì rất dở. Tôi nói dở ở đây không phải là không hiểu kinh doanh nghĩa là thế nào. Tôi cũng có nắm vững các lý thuyết kinh tế, nhưng nếu tự mình đứng ra mua bán hay vay trả thì tôi thấy rắc rối, phiền phức và không muốn làm. Trong đầu tôi vẫn còn khắc ghi phong khí của các thư sinh sĩ tộc xưa, rằng kẻ tham lợi không phải là bậc quân tử, và có cảm giác buôn bán là việc đáng xấu hổ.
…
Chuyện tiền bạc như tôi đã kể ở trên. Sau cuộc Minh Trị duy tân, tôi có dịch cuốn sách về kế toán có tên là Chōai-no hō (Sổ hợp chi pháp). Tất cả những sách vở liên quan đến kế toán hiện nay đều được viết dựa trên cơ sở cuốn sách mà tôi đã dịch. Như thế, lẽ ra tôi phải là người hiểu biết về kế toán, nhưng cách nghĩ của người chuyên việc đèn sách so với các thương gia hẳn là khác nhau, nên tôi không những không sử dụng những kiến thức trong đó một cách hữu hiệu, mà khi nhìn vào sổ kế toán của người khác thì tôi thấy rất khó hiểu.
Nghĩ kỹ thì thấy mình không phải là không hiểu được, chắc chắn là hiểu được, nhưng vì rắc rối quá nên tôi ngại làm. Công việc kế toán của trường hay những tính toán của tòa soạn báo, tất cả những việc có liên quan đến tiền bạc – tôi đều phó mặc cho người khác giúp và chỉ nhìn con số cuối cùng để quản lý tổng thể mà thôi. Chính vì thế, tôi tự biết rằng mình không thể làm ăn kinh doanh gì được.
…
Đó không biết là do tính cách vốn có của một võ sĩ, hay là thuật kế toán của một người chỉ biết có sách vở.
Khi suy ngẫm về những đoạn chia sẻ này, tôi không thể không đồng cảm với quan điểm của Yukichi. Rốt cuộc, ở một mức độ nào đó, tôi cũng suy nghĩ theo cách tương tự – cảm thấy tách biệt khỏi việc theo đuổi tiền tài & danh vọng thông thường.
Trước giờ, xu hướng của tôi là quan tâm đến các khái niệm trừu tượng hơn là tiền bạc. Đối với tôi, mấy chuyện như mặc cả, trả giá, đàm phán kinh doanh, v.v… chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy thích thú.
Tôi luôn cảm thấy thoải mái khi thảo luận về ý tưởng, tri thức và sáng tạo, hơn là về kiếm tiền hay của cải vật chất.
Hẳn có nhiều người quan tâm đến của cải vật chất và danh tiếng cá nhân. Riêng tôi thì lại thích thú hơn khi khám phá các chiều kích của tư tưởng nhân loại và theo đuổi hành trình tìm kiếm tri thức.
Chắc là do tính cách hay duyên khởi đặc thù nào đó, khiến cho tôi khao khát tìm hiểu về triết học và tâm linh hơn là theo đuổi sự giàu có và địa vị trong thế gian.
Đã từng có lúc, tôi quyết định giải quyết tranh chấp về tiền bạc hoặc công việc đình trệ bằng cách tự mình trả tiền. “Phiền phức quá”, đó là tôi nghĩ như vậy.
Với một số người, những gì tôi làm có vẻ ngớ ngẩn hoặc thậm chí là ngạo mạn. “Được thôi”, tôi nghĩ. “Làm ơn miễn cho tôi mấy chuyện về tiền bạc!”
Ý nghĩa cuộc sống
Tôi nhớ ngày xưa, tôi vẫn luôn cảm thấy thích thú với sách vở và các trò chơi sáng tạo (vd: tự xây dựng một mô hình “Công viên khủng long” từ những con khủng long đồ chơi của mình). Lớn lên, khuynh hướng này chỉ càng phát triển sâu sắc thêm.
Nếu như bạn bè/ đồng nghiệp hay “phát cuồng” với các xu hướng và thương hiệu mới, thì tôi lại quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu thế giới xung quanh và vị trí của mình trong thế giới đó.
Trớ trêu thay, vô đại học, tôi lại chọn theo đuổi ngành Ngoại thương và học về kinh tế. Dù sao thì, quyết định đó của tôi chủ yếu là để cha mẹ tôi có thể thoải mái “khoe” với hàng xóm, bạn bè và họ hàng – không sợ bị ai đó nói xấu, đàm tiếu hay bình luận ác ý.
Sâu thẳm bên trong, tôi chưa bao giờ thực sự quan tâm đến kinh doanh. Lợi nhuận, thị phần, số liệu tài chính, v.v… những thứ đó tôi chỉ cảm thấy “vớ vẩn” và trống rỗng, thậm chí kinh tởm là khác.
Tận trong thâm tâm, tôi khao khát một điều gì đó có ý nghĩa hơn (mặc dù khi ấy, tôi vẫn chưa biết nó là gì).
Những năm gần đây, tôi bắt đầu nhận ra mối quan tâm với những công việc cho phép tôi giúp đỡ người khác và đóng góp tích cực cho cộng đồng – dù là thông qua hoạt động tình nguyện, coaching/ mentoring, hay chỉ đơn giản là dành thời gian lắng nghe những phiền muộn của người khác.
Không phải là tôi hoàn toàn phủ nhận nhu cầu ổn định tài chính. Đúng hơn, tôi tin rằng ý nghĩa của công việc phải nằm ở việc đóng góp cho lợi ích chung. Tiền bạc quan trọng thì không nói, nhưng đó không bao giờ nên được xem là lý do hay động cơ chính.
Chính niềm tin này đã định hướng các lựa chọn trong cuộc sống và mang lại cho tôi cảm thức về ý nghĩa cho đến tận bây giờ.
Chính nó đã thu hút tôi đến với lĩnh vực coaching & training, khiến tôi có những hành động “nổi loạn” khi làm việc tại công ty thứ ba, và khiến tôi không bao giờ ngừng hồi tưởng lại quãng thời gian tại công ty đó (kể cả khi tôi không còn làm việc toàn full-time tại đấy nữa).
“Đạo” của tôi không phải là theo con đường của một doanh nhân hay một nhân viên văn phòng, mà là của một học giả!
Ý nghĩa cuộc sống
Tất nhiên, tôi không hoàn toàn miễn nhiễm với ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất. Tôi nhớ hồi tháng 2 năm 2024, tôi đã rơi vào một giai đoạn khủng hoảng tinh thần sâu sắc và không thể tìm thấy ý nghĩa trong những gì mình làm (cụ thể là liên quan đến trang blog này).
Bây giờ tôi đã hiểu ra lý do tại sao. Đó là vì tôi đánh đồng “ý nghĩa” với các số liệu và thành tích phù phiếm (vd: lưu lượng truy cập web, doanh thu quảng cáo). Bởi vì tôi quá quan tâm đến lợi nhuận và duy trì cuộc sống thông qua phát triển trang blog này.
Ở một mức độ nào đó, tôi vẫn còn ám ảnh với con đường sống trước đây của mình. Tôi bám víu vào “cái đã qua”, thay vì chấp nhận “cái đang có”. Nói cách khác, tôi “hâm hâm” – chẳng “nóng”, cũng chẳng “lạnh”.
Đó là một bài học quý giá cho tôi. Chính khi nhận thức điều đó, tôi đã quyết định đi theo một hướng đi mới. Giống như triết lý “Kính Thiên Ái Nhân” (敬天愛人) mà Inamori đã chọn cho Kyocera, mục đích của blog này, giờ đây, sẽ là nhằm phục vụ cộng đồng – không phải chỉ đơn thuần vì lợi ích cá nhân của tôi.
Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh làm những “chiêu trò” tầm thường mà các marketer và những người ghiền AI/ thích kiếm tiền thường dùng đến (vd: tạo hàng loạt nội dung “rác” chất lượng thấp bằng các công cụ tự động; spam diễn đàn, v.v…).
Về phương diện nào đó, tôi cảm thấy hướng đi này hoàn toàn thống nhất với các giáo huấn như Nguyên tắc vàng (“Hãy đối xử với người khác theo cách bạn muốn họ đối xử với bạn”) và giáo lý “mến Chúa yêu người” của Cơ đốc giáo.
Mặc dù chăm sóc blog này khiến tôi không có thời gian để làm thêm công việc bán thời gian, kiếm nhiều tiền và đảm bảo ổn định về tài chính, nhưng tôi không hối hận về lựa chọn của mình.
Vì tôi biết rằng những gì tôi đã làm đều có ý nghĩa (ngay cả khi tôi chỉ tự nghĩ ra điều đó trong đầu).
Ngay cả nếu các bài viết blog hoặc ấn bản hàng tháng của tôi không có người đọc, tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng – giống như một sinh viên đến hạn lại nộp bài tập cho giáo sư của mình. Vì tôi biết rằng những gì tôi làm đang đóng góp cho xã hội – đang giúp ích cho nhiều người ngoài kia. Rằng tôi sẽ trở thành một người khác, tốt hơn sau mỗi bài viết mới được đăng lên web. Rằng có một lý do đằng sau tất cả những gì tôi đang nỗ lực vì nó.
Nếu có ai phản biện rằng quan điểm bài trừ vật chất như vậy là ngu ngốc hoặc “phi nhân tính”, tôi sẽ chỉ đơn giản trả lời họ như sau:
Hãy nhớ rằng một ngày nào đó, bạn sẽ phải chết!
Ý nghĩa cuộc sống
Hòa hợp xã hội
Trước giờ, tôi vẫn luôn bị hấp dẫn bởi triết lý wa hay nagomi (和 – Hán Việt: Hòa) của Nhật Bản, vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp, hòa bình và hợp tác. Theo đó, mỗi cá nhân nên thực hành phong cách sống toàn diện, cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với lợi ích chung – cũng như cần nỗ lực xây dựng sự đồng thuận và thỏa hiệp khi có thể.
Triết lý văn hóa này thấm nhuần vào mọi khía cạnh của xã hội Nhật Bản, từ hoạt động kinh doanh đến mối quan hệ xã hội – và nó hoàn toàn phù hợp với hệ giá trị cá nhân của tôi (điều này, tôi cho rằng, có thể là hệ quả của tư duy bài trừ vật chất mà tôi đã bàn luận ở phần trước).
Tôi tin rằng bất kể một người làm gì, việc họ làm phải mang lại giá trị cho cộng đồng (giống như cách Inamori lãnh đạo công ty Kyocera của mình). Không chỉ vì lợi ích của bản thân. Không chỉ để kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa.
Nói về điều đó, tôi nhớ một lần nọ, khi đang đi bộ trên phố khoảng giữa trưa, tôi để ý những ngôi nhà hướng tây phải hứng chịu nhiều nắng hơn so với nhà ở hướng đông.
Tôi bỗng nhận ra rằng, ai cũng mong muốn điều tốt nhất (“hướng đông”), nhưng chắc chắn sẽ có người phải rơi vào hoàn cảnh không như mong muốn (“hướng tây”).
Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Và tôi hiểu ra: ý nghĩa cuộc sống là chung sống và hòa hợp với nhau. Chúng ta phải sẵn sàng nhượng bộ, cân nhắc đến nhu cầu của người khác, cũng như hy sinh bớt lợi ích cá nhân khi cần thiết.
Chính khi tập trung vào các giá trị nội tại và lợi ích tập thể, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng lòng đồng cảm và trắc ẩn với tha nhân. Ưu tiên hạnh phúc và lợi ích tập thể là nền tảng để kiến tạo một xã hội hài hòa và công bằng hơn (điều mà tôi tin chắc là khát vọng chung của toàn nhân loại – có thể ngoại trừ những người tâm thần hoặc bị rối loạn nhân cách như nhân vật Joker trong Batman).
Niềm tin này đã và đang định hướng các lựa chọn công việc, cũng như các mối quan hệ cá nhân của tôi. Nó khiến tôi tìm đến những công việc mang lại tác động tích cực cho xã hội – cũng như những cá nhân chia sẻ chung hệ giá trị với tôi.
Trong cuộc sống, tôi luôn đề cao tinh thần hợp tác hơn là cạnh tranh và thành tích cá nhân. Không ai muốn bị đối xử bất công cả; vì vậy, ta nên cố gắng tôn trọng và đối xử tử tế với mọi người.
Cũng như thiên nhiên luôn tìm kiếm và hướng đến sự hòa hợp, con người cũng phải phấn đấu để đạt được sự cân bằng trong các mối quan hệ và tương tác xã hội. Chúng ta cần sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác biệt, tìm ra tiếng nói chung và thỏa hiệp khi cần thiết.
Suy cho cùng, cuộc sống, như Ken Mogi đã mô tả, có thể được ví như một “đầm lầy”. Giống như có rất nhiều vi khuẩn trong ruột của chúng ta, đầm lầy là một hệ sinh thái đa dạng với vô số sinh vật thuộc mọi chủng loài.
Với một số người, họ có thể cảm thấy khó chịu hoặc ghê tởm khi hình dung ra những sinh vật tồn tại trong đầm lầy/ trong ruột của chính mình.
Thế nhưng, một số khác thì sẽ chấp nhận thực tế rằng đó là điều tự nhiên và tất yếu. Sự đa dạng là bản chất của thế giới tự nhiên. Tương tự, hòa hợp xã hội là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Một cái gì đó vĩnh cửu, một cái gì đó “siêu việt”, vượt ra ngoài cái tôi/bản ngã hạn hẹp.
Chính nhận thức này đã mang lại cho tôi cảm thức về ý nghĩa cuộc sống và khả năng chịu đựng gian khổ, đặc biệt trong các mối quan hệ người-người. Nhờ có nó, tôi không còn e sợ khi thực hành những đức tính như yêu thương vô điều kiện – những phẩm chất mà nhiều người nghi ngờ hoặc thậm chí coi thường, cho rằng đó là dấu hiệu của “sự yếu đuối”.
Khoan dung lẫn nhau là điều không thể thiếu cho mọi thời đại và mọi chủng tộc.
Mahatma Gandhi
Một mặt, tôi coi trọng sự hòa hợp xã hội; mặt khác, tôi cũng ý thức tầm quan trọng của tính cá nhân và nhu cầu tách biệt. Về phần mình hiện tại, tôi không có nhiều bạn thân lắm, và chỉ thỉnh thoảng mới liên lạc với một vài người quen.
Tôi nhận thấy rằng, việc dành thời gian ở một mình giúp tôi tái tạo năng lượng, cũng như thấu hiểu hơn về bản thân và thế giới xung quanh.
Tôi rất vui khi được kết nối với người khác. Bên cạnh đó, tôi cũng trân trọng không kém những khoảnh khắc suy ngẫm trong thinh lặng.
Có lẽ bản tính tôi vốn có xu hướng thích tự lập và “khắc kỷ”. Không phải là tôi kỳ quặc hay không thể kết bạn; tôi có thể nói chuyện và thảo luận thoải mái với mọi người nếu cần.
Có lẽ, chỉ là tôi coi trọng chất lượng hơn số lượng. Với tôi, nói chuyện, đùa giỡn hoặc buôn chuyện quá nhiều chỉ là lãng phí thời gian – nếu không muốn nói là dấu hiệu của “vô minh”.
Quan điểm về cuộc sống và thế giới
Tâm linh
Hành trình tâm linh của tôi đã trải qua khá nhiều khúc quanh, được định hình bởi cả truyền thống gia đình lẫn khám phá cá nhân. Sinh trưởng trong một “xóm đạo” Công giáo bảo thủ (99% người dân sống trong khu của tôi – cũng như các khu lân cận – là người Công giáo), tuổi thơ của tôi được đánh dấu bởi một thế giới quan “giáo điều” và cứng nhắc.
Mọi sinh hoạt đều xoay quanh nhà thờ, và mọi người được kỳ vọng phải tuân theo các chuẩn mực định sẵn của “làng”. Mọi tư tưởng phi Công giáo, không theo “lệ làng” hoàn toàn không được dung thứ và sẽ bị đàm tiếu. Kết quả là, hiểu biết của tôi về tâm linh và thế giới nói chung thuở ban đầu rất hạn chế.
Khi còn bé, tôi thậm chí đã từng cân nhắc đến việc đi tu làm linh mục. Ý tưởng này vốn là do mẹ tôi khởi xưởng. Tôi đoán là vì mẹ nghĩ rằng việc tôi trở thành linh mục sẽ khiến gia đình tôi được “nở mày nở mặt” với những người hàng xóm, sẽ được người ta chào bằng những cụm từ như “chào cha”, “chào ông cố”, “chào bà cố”, v.v…
Thành thật mà nói, tôi không có suy nghĩ gì quá nghiêm chỉnh về ý tưởng đó lắm; với đầu óc non nớt của một đứa trẻ, tôi chỉ cho rằng làm cha là một cái gì đó “hay ho”, sẽ khiến tôi được mọi người “nê”. Thật là một suy nghĩ rỗng tuếch phải không?
Sau khi trưởng thành, một lần nữa ý tưởng đi tu quay trở lại, sau khi tôi gặp phải một sự cố tai tiếng tại công ty đầu tiên. Như tôi bây giờ đã nhận ra, động cơ của tôi khi đó không phải là mong muốn sống một cuộc sống đức hạnh và phục vụ người khác – mà chỉ vì tôi đang chán nản và muốn trốn tránh thực tại.
…
Tôi còn nhiều điều muốn nói về vấn đề này, nhưng tạm thời, hãy quay lại điểm chính là quá trình phát triển quan điểm tâm linh của tôi bạn nhé!
Khi lớn lên và rời nhà lên thành phố học tập/ làm việc, tôi lần đầu tiên được tiếp xúc với những góc nhìn và triết lý mới về cuộc sống cũng như tâm linh. Những trải nghiệm này, bước đầu, đã thách thức các quan niệm cố hữu bên trong tâm thức, khiến tôi ít nhiều cảm thấy tò mò về bản chất của thực tại.
Ý nghĩa cuộc sống
Sau đó, một bước ngoặt đã đến khi tôi gặp được người cố vấn tâm linh của mình – một Phật tử, đồng thời cũng là quản lý cũ của tôi. Trong các buổi trò chuyện khi đi ăn trưa, anh vẫn thường chia sẻ với tôi về các chủ đề như luân hồi và duyên khởi.
Tuy những khái niệm này vốn không có – cũng như không được chấp nhận rộng rãi – trong giáo lý Kitô giáo, tôi quyết định giữ thái độ cởi mở, vì rất nhiều lý do. Một mặt, nó nhắc nhở tôi về sự kết nối của vạn vật, bản chất tuần hoàn theo chù kỳ của thế giới/ xã hội, nguyên nhân của đau khổ trong cuộc sống (và làm thế nào ta có thể thoát “khổ” bằng cách buông bỏ).
Mặt khác, những tín lý này mang đến một lời giải thích có vẻ tương đối ổn cho một vấn đề mà tôi vẫn băn khoăn bấy lâu nay: mối liên hệ đầy “huyền bí” của tôi với Nhật Bản, thể hiện qua các khía cạnh như:
- Phong cách sống
Không rõ vì lý do gì, tôi luôn cảm thấy bị cuốn hút bởi văn hóa và triết lý Nhật Bản. Nếu như hầu hết bạn bè tôi chỉ nghĩ đến những thứ như anime và công nghệ khi nhắc đến Nhật Bản, thì ngược lại, tôi bị thu hút nhiều hơn bởi phong cách sống của họ. Tôi nhận thấy bản thân cộng hưởng sâu sắc với những triết lý như Gaman (我慢), Ikigai (生きがい), Kodawari (こだわり) và Nagomi (和). Một mối dây kết nối vô cùng khó hiểu, khiến tôi nhiều lần đặt câu hỏi: phải chăng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
- Câu cửa miệng
Dù là giao tiếp bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, tôi nhận thấy bản thân luôn có xu hướng lạm dụng các từ/ cụm từ giống như người Nhật vẫn thường hay nói. Ví dụ:
-“Tôi nghĩ/ tôi đoán là/ tôi cho là” (tomou – と思う)
-“Có lẽ/ hẳn là” (kamoshirenai – かもしれない; deshou – でしょう)
-“Có thể nói là” (toieru – と言える)
-“Không nhất thiết/ không hẳn là” (wakedehanai – わけではない)
-“Thứ gọi là” (toiumono – というもの)
-“Có vẻ như” (rashiiyo – らしいよ)
-“Bằng cách nào đó/ về phương diện nào đó” (dōnika – どうにか; nantōka – 何とか)
-v.v…
Tôi xin thú thực: chưa bao giờ tôi cố tình “thúc ép” bản thân phải nói những từ ngữ như vậy. Đó là điều tôi vẫn thường làm – một thói quen đã hình thành từ lâu, trước cả khi tôi bắt đầu học tiếng Nhật và tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản.
“Làm thế nào có thể có một sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy?”, tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân.
- Lối nói gián tiếp & lịch sự quá mức
Một thói quen khác của tôi là xu hướng thích cách diễn đạt gián tiếp, tránh đưa ra những giả định chắc chắn. Như một số người quen đã nhận xét, tôi có nhiều biểu hiện hành vi giống với một người Nhật điển hình (vd: quá lịch sự; hay giữ khoảng cách khi giao tiếp; thích “hòa nhập” và không thích nổi bật; hay im lặng để người khác nói trước; sợ làm tổn thương người khác, v.v…)
- Tinh thần chiến binh
Sâu thẳm bên trong, tôi luôn cảm thấy bản thân ít nhiều có một “tinh thần võ sĩ” (samurai). Tôi thường cảm thấy phấn khích khi được giao cho một công việc thử thách – và không dễ dàng để tôi từ bỏ giữa chừng (trừ khi tôi đã từng thử nghiệm trước đó, hoặc là trừ khi tôi không thấy việc đó có nghĩa lý gì).
Tôi nhớ thời còn học phổ thông. Một ngày nọ, sau khi kết thúc bài học về Nhật Bản, giáo viên môn địa lý yêu cầu mỗi chúng tôi viết bài luận về một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản (vd: trà đạo, văn học, samurai, v.v…)
Và bạn biết gì không?
Tôi chọn viết về “tinh thần võ sĩ đạo” (Bushidō – 武士道).
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết lý do chính xác đằng sau sự lựa chọn của mình. Suy cho cùng, vào thời điểm đó, tôi nào đã biết gì về Nhật. Khi nhận được bài tập về nhà, tôi đã dành thời gian nghiên cứu thật nhiều về văn hóa xứ Phù Tang. Chẳng có gì thực sự gây ấn tượng với tôi – cho đến khi tôi tình cờ bắt gặp một bài viết về Bushidō.
Không hiểu tại sao, tôi cảm thấy như có một tia lửa trong tôi. Và tôi quyết định đi theo hướng này, mặc dù tôi vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của cái gọi là “tinh thần võ sĩ đạo”.
Có phải đó là tiềm thức của tôi đang lên tiếng không? Tôi không thể nói chắc chắn; dù sao thì, chuyện đã xảy ra như vậy.
…
Như bạn có thể thấy đấy, trải nghiệm cuộc sống đã khiến tôi nhận ra mình có một mối liên hệ rất kỳ lạ với văn hóa Nhật Bản. Đến mức đôi khi tôi tự hỏi: liệu đó phải chăng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?
Liệu đó có phải là nghiệp của kiếp trước, chia sẻ cùng giá trị tinh thần/ tâm linh, hay điều gì đó khác?
Tôi không thể khẳng định chắc chắn liệu những điều này chỉ là sự kiện ngẫu nhiên – hay là do những trải nghiệm trong quá khứ/ duyên khởi/ luân hồi hay nguyên nhân nào khác.
Mặt khác, việc suy ngẫm về ý tưởng này, một cách nào đó, đã góp phần vào cảm thức về ý nghĩa và phương hướng của tôi. Nó cho tôi một lý do để tiếp tục tìm hiểu về Nhật Bản. Biết đâu một ngày nào đó, tôi sẽ biết được sự thật thì sao?
Ý nghĩa cuộc sống
Dù sao đi nữa, khi suy ngẫm về việc liệu mình có từng là một người Nhật ở kiếp trước không, tôi cũng đồng thời nhận ra rằng: điều đó thực sự cũng chẳng quan trọng lắm. Đơn giản, vì nó liên quan đến quá khứ, mà quá khứ thì không thể thay đổi được.
Những gì đã xảy ra trong tiền kiếp của tôi (nếu có) thì cũng đã xảy ra rồi. Do đó, điều quan trọng, đối với tôi, là học hỏi từ những trải nghiệm trước đây và thay đổi hành động của mình ngay bây giờ.
Tôi nhớ từng đọc đâu đó về việc triết gia Hy Lạp Plato có niềm tin vào đầu thai và chuyển sinh. Niềm tin này xuất phát từ việc ông cho rằng, con người vốn dĩ là những sinh vật của Thiên giới, bị đày xuống hạ giới để sám hối tội lỗi đã phạm/ khắc phục một số thiếu sót – trước khi có thể quay lại Thiên giới. Quá trình này, theo Plato, thường mất khá nhiều thời gian và không thể hoàn thành chỉ trong một kiếp duy nhất (do đó, linh hồn cần phải đầu thai nhiều kiếp cho đến khi được giải thoát).
Khi suy ngẫm về điều này, tôi không thể không liên tưởng đến một giáo lý trong đức tin Công giáo của mình – khái niệm về Luyện ngục (Purgatory). Luyện ngục, như các giáo phụ giải thích, ám chỉ trạng thái sau khi chết dành cho những người đã rời dương thế trong ân sủng của Chúa – nhưng vẫn cần phải thanh tẩy tội lỗi trước khi được vào Thiên đàng.
Về phần mình, tôi nhìn thấy một điểm chung giữa hai tín lý luân hồi và Luyện ngục. Cụ thể, nếu một cá nhân vẫn còn khuyết điểm, chấp trước hoặc bám víu, cuộc hành trình của họ vẫn sẽ không kết thúc. Họ sẽ phải tiếp tục cho đến khi đạt được một mức độ thanh tịnh/giác ngộ nhất định thì mới được giải thoát.
Sự tương đồng này khiến tôi nghiệm ra một thông điệp sâu sắc ẩn chứa trong quan niệm của Plato. Cụ thể, sứ mệnh của ta trên đời này là không ngừng học tập, phát triển và tự hoàn thiện chính mình.
Ngay cả khi luyện ngục và luân hồi không tồn tại, việc suy ngẫm về các khái niệm nêu trên đã mang lại cho tôi cảm thức về phương hướng – một động lực để thúc đẩy và hoàn thiện mỗi ngày.
Vấn đề không phải là giáo huấn ABC có đúng hay không, mà là ý nghĩa tôi rút ra được từ đó. Chính qua những giáo huấn này, tôi đã tìm thấy “kim chỉ nam” cho cuộc sống, rằng ý nghĩa cuộc sống là hoàn thiện bản thân, không phải chỉ “tồn tại” theo nghĩa bình thường .
Tôi không thể khẳng định chắc chắn điều gì đã xảy ra trước khi tôi có mặt trong bụng mẹ (liệu có kiếp trước hay không) cũng như sau khi tôi chết. Tuy nhiên, điều đó theo tôi cũng chẳng quan trọng lắm. Như Marcus Aurelius đã nói:
Hãy sống một đời tốt đẹp. Nếu có thần linh – và đó là những vị thần công minh, họ sẽ không quan tâm đến việc bạn đã sùng kính họ thế nào, nhưng là việc bạn đã sống đạo đức ra sao. Nếu có thần linh – và đó không phải là những vị thần công minh, thì bạn không nên tôn thờ họ. Nếu không có thần linh, thì bạn sẽ vĩnh viễn ra đi; thế nhưng, kỷ niệm về đời sống cao quý của bạn sẽ sống mãi trong ký ức của những người thân yêu.
Trong những năm qua, tôi đã – ở phương diện nào đó – lựa chọn thực hành theo một tôn giáo cá nhân, kết hợp các yếu tố của Kitô giáo, Phật giáo, tín ngưỡng truyền thống, võ sĩ đạo và chủ nghĩa nhân văn. Một mặt, tôi vẫn giữ các giá trị cốt lõi của nền giáo dục Công giáo trước đây; mặt khác, tôi đã hình thành một quan điểm toàn diện hơn về tâm linh – sẵn sàng áp dụng lời dạy từ các truyền thống bạn bè mà tôi thấy hợp lý như:
- Trung đạo, vô thường, vô ngã, chánh niệm, tỉnh thức và buông bỏ của Phật giáo
- Tôn trọng thiên nhiên, người lớn tuổi và ông bà tổ tiên – như được thực hành trong Thần đạo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
- Hadō/ “rung động” – một khái niệm đã được các tác giả như Masaru Emoto bàn luận và quảng bá.
- v.v…
Theo thiển ý của tôi, nếu Thượng đế muốn, Người hoàn toàn có thể khiến cho con người đầu thai và chuyển sinh (vì bất kỳ lý do gì – có thể là do duyên số, một sứ mệnh chưa hoàn thành, hoặc một tội lỗi cần phải hối cải). Do đó, tôi không thấy có mâu thuẫn nào đáng kể giữa tín lý đầu thai và đức tin Cơ đốc của mình. Và tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, tất cả các tôn giáo đều nói một phần sự thật.
Với tôi, tôn giáo có thể được ví như ngôn ngữ. Không quan trọng bạn theo Kitô giáo, Phật giáo, tín ngưỡng dân gian hay thậm chí là vô thần – tất cả các hệ tư tưởng này đều quy về chung một điểm.
Miễn là bạn tin vào tiềm năng của con người – cụ thể ở những phương diện như đạo đức và lòng tốt – thì đạo của bạn là gì cũng không thành vấn đề.
Miễn là bạn có một điều gì đó vĩ đại hơn bản thân mình để phấn đấu, thì tôi sẽ xem bạn là người có đức tin. Và cuộc sống của bạn giờ đây sẽ trở nên có ý nghĩa. Bạn giờ đã có một chiếc “mỏ neo” để đứng vững trước nghịch cảnh! Và xã hội này sẽ, nhờ công sức của bạn, trở thành một nơi tốt đẹp hơn!
Thế giới này là một nơi tốt đẹp và đáng để chiến đấu, và tôi hoàn toàn không muốn phải lìa bỏ nó.
Ernest Hemingway
Quan hệ xã hội
Mặc dù xét về thực tế, tôi sống ở một khu đô thị tại miền Nam, nhưng lối sống của người dân trong khu xóm tôi vẫn y như ở một làng quê Bắc Việt truyền thống – thể hiện qua các khía cạnh như:
- Người trong “làng” rất ít khi liên hệ với người bên ngoài; nhiều người thậm chí cả đời không bao giờ đi ra khỏi khuôn viên “làng” của mình.
- Mọi người rất chú ý đến những chuyện xảy ra trong gia đình khác và thích buôn chuyện mỗi khi gặp nhau.
- Người trong “làng” được khuyến khích kết hôn với nhau – còn hôn nhân với người ngoài “làng” thì bị phản đối. Thường thì những người lớn tuổi sẽ viện ra những lý do như “không cùng tôn giáo”, “lối sống khác nhau”, “vấn đề nuôi dạy con cái”, “coi chừng bỏ đạo”, hoặc “sợ hư hỏng”.
- v.v…
Lối tư duy quá nhấn mạnh vào chuẩn mực, vào “lệ làng” này khiến tôi thuở bé có cái nhìn khá phán xét và thiếu khoan dung. Hệ quả là tôi từng thấy rất khó đồng cảm với những người có niềm tin khác biệt/ lối sống không theo khuôn mẫu.
Ngoài ra, tôi cũng từng rất ghét những hành vi sai trái của người khác – đặc biệt là những người tôi coi là “đạo đức giả”, nói mà không làm. Và trớ trêu thay, vì lý do nào đó, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người “đạo đức giả” – trong khu xóm, ở trường, ở nơi làm, v.v… Thế là tôi tự hình thành cho mình một thế giới quan khá tiêu cực và hoài nghi về bản tính con người.
May mắn thay, theo thời gian – với sự xảy ra của những biến cố nhất định, quan điểm của tôi về nhân loại dần thay đổi. Nhờ sự giúp đỡ và lời khuyên của nhiều người (bao gồm cố vấn tâm linh của mình), cuối cùng tôi đã học được cách trân trọng giá trị của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Thay vì phán xét hoặc tỏ ra thờ ơ, tôi cần phải thể hiện lòng tốt và mong muốn thấu hiểu khi tương tác với người khác – ngay cả khi niềm tin, giá trị hoặc hành động của họ có thể không như mong đợi hoặc đi chệch khỏi chuẩn mực.
Ý nghĩa cuộc sống
Tôi nhớ có lần tình cờ lướt qua một bài đăng trên LinkedIn đề cập đến một câu chuyện xảy ra ở New Zealand. Một em gái 16 tuổi đang mang thai vài tháng. Gia đình em không đủ khả năng mua đồ cho em bé – vì vậy họ đã chia sẻ vấn đề của họ lên mạng.
Điều thú vị là tất cả 20 bình luận trên bài đăng đó đều hoàn toàn không có ác ý và mỉa mai đối với cô gái. Không có bất kỳ lời nhận xét thô lỗ nào cả – mọi người đều tập trung vào việc giúp đỡ người đang gặp khó khăn.
Tôi thực sự bị ấn tượng sâu sắc bởi mức độ “văn minh” của những người trong câu chuyện trên. Đây chắc chắn là điều tôi không bao giờ có thể tưởng tượng sẽ xảy ra trong “làng” của tôi. Một cách phản ứng đầy nhân văn mà nhiều người vẫn tự xưng là “đạo đức” ngoài kia hoàn toàn không thể làm được.
Suy cho cùng, lòng vị tha và trắc ẩn là những phẩm chất độc đáo khiến nhân loại khác biệt với những loài sinh vật khác. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng vượt lên các chuẩn mực đạo đức và công lý thông thường!
Suy ngẫm về sự việc trên khiến tôi “thấm thía” hơn về ý nghĩa thực sự của đời sống con người – đặc biệt trong tương quan với cộng đồng. Tuy rằng tôi vẫn coi trọng các giá trị như trung thực và chính trực, tôi cũng ý thức tầm quan trọng của việc tha thứ nhiều hơn và ít phán xét hơn. Ai trong chúng ta cũng mắc sai lầm; điều quan trọng là phải hỗ trợ và động viên, thay vì lên án nhau.
Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống!
Nếu có thể tiếp thu bài học trên và thực hành Từ-Bi-Hỷ-Xả, chắc chắn bạn sẽ tìm ra được giá trị ngay cả trong những mối quan hệ hoặc tình huống khó xử nhất!
Mục đích
Trong nhiều năm, các quyết định cuộc sống của tôi bị tác động lớn bởi nhu cầu được người ngoài công nhận, cũng như thành công về phương diện vật chất. Chẳng hạn, tôi chọn trường đại học không phải vì đam mê, mà vì muốn làm hài lòng cha mẹ và để họ khỏi bị những người hàng xóm thô lỗ, xấu tính đàm tiếu (“Ôi dào, mất công đi học bao năm mà học cái trường lèng èng điểm thấp”).
Ngày xưa, có nhiều điều tôi làm chỉ đơn thuần vì muốn khoe khoang về bản thân và khiến người khác “nể” mình. Do đó, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và không như mong đợi, tôi thường cảm thấy như thể tận thế đến nơi.
Giờ thì tôi đã nhận ra, nguyên nhân là vì tôi đồng nhất giá trị và ý nghĩa với những thứ phù phiếm bên ngoài – không phải từ bên trong.
Nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của công việc, phải liên tục xoay sở giữa công việc toàn thời gian và 2-3 dự án bán thời gian. Nó kinh khủng đến mức tôi phải lấy luôn thời gian ở văn phòng để giải quyết các dự án cá nhân (trớ trêu thay, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng làm y chang như vậy).
Kết quả là gì? Tôi có rất ít thời gian để thư giãn và khôi phục thế cân bằng. Mặc dù kiếm được hàng chục triệu và do đó có thể ăn uống/ chi tiêu thoải mái, tôi cảm thấy hoàn toàn cô đơn và trống rỗng bên trong.
May mắn thay, một ngày nọ, tôi suy ngẫm về bản chất phù du của cuộc sống và nhận ra một sự thực không thể chối cãi: tôi sẽ chẳng để lại được di sản gì nếu cứ sống như hiện tại.
Thay vì bị ám ảnh bởi thành tựu hoặc tài sản cá nhân, tôi cần phải làm điều gì đó khác biệt. Điều gì đó đóng góp cho cộng đồng.
Ý nghĩa cuộc sống, hóa ra, chẳng liên quan gì đến việc theo đuổi tiền bạc hay danh vọng. Đúng hơn, nó nằm ở việc tìm kiếm sự mãn nguyện trong từng khoảnh khắc, sẵn sàng “tập chết” và ra đi bất cứ lúc nào . Bởi vì, như James Baldwin đã nói:
Một ngày nào đó, với mỗi chúng ta, mặt trời sẽ lặn xuống lần cuối cùng.
Mặt khác, chúng ta cũng cần buông bỏ mọi kỳ vọng – thay vì để mình bị vướng quá nhiều vào công việc và những thứ không đáng khác (một bài học cay đắng mà tôi đã học được sau một thời gian không dám nói “không” với một số dự án bán thời gian/ đầu việc quá đáng).
Kể từ đó, tôi lựa chọn thực hành một lối sống tối giản, ưu tiên trải nghiệm hơn là sở hữu. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng thực hành lòng biết ơn, bằng lòng và trân quý những phước lành trong cuộc sống của mình.
Mục đích của cuộc sống con người
…
Và đó là kết thúc phần chia sẻ câu chuyện đời tôi – cách tôi đã khám phá và đi theo “Đạo” của riêng mình cho đến giờ ra sao. Hơi dài một chút, song tôi hy vọng rằng qua câu chuyện của tôi, bạn đọc sẽ có cơ hội suy ngẫm và kết nối tốt hơn với bản thể bên trong mình.
Như Viktor Frankl đã nhận định, rất khó – nếu không muốn nói là không thể – để đi đến một ý nghĩa “tối thượng” duy nhất trong đời. Điều quan trọng là hãy liên tục suy ngẫm và tìm ra điều gì đó có ý nghĩa với bạn trong từng khoảnh khắc.
Mặc dù nhận thức về ý nghĩa của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian, nhưng cuối cùng, tôi tin rằng nó vẫn luôn xoay quanh một cốt lõi thiết yếu (“Đạo”) – miễn là bạn luôn chân thực trong mọi suy nghĩ và việc làm của mình.
Về phần bạn thì sao? “Đạo” của bạn là gì? Bạn đã tìm thấy nó chưa? Nếu có, bạn đã đi theo nó chưa? Có điều gì đó đang ngáng giữa bạn và “Đạo” của bạn không? Bạn có quyết tâm gạt bỏ những trở ngại này sang một bên để tiếp tục bước đi trên con đường phía trước không?
Vì sao ta không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống?
Có bao giờ bạn từng tự hỏi: “Tại sao tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống lại khó khăn đến vậy?”
Dù đã cố gắng hết sức, bạn dường như không thể tìm ra lý do để tận hưởng khoảnh khắc hiện tại và tiếp tục sống. Đôi khi, bạn thậm chí còn nghĩ đến cái chết như một cách để được giải thoát khỏi thực tại.
Tôi không thể đưa ra cho bạn một câu trả lời chắc chắn, song tôi xin phép được trình bày một số lý do phổ biến khiến cá nhân đánh mất cảm thức về ý nghĩa. Nếu bạn thấy mình ở trong tình huống nào sau đây, hãy dành thời gian để suy ngẫm và tỉnh thức bạn nhé!
Vô minh/ thiếu hiểu biết
Tôi nhớ có lần từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một nhà thông thái nọ, có công việc phải đi qua một con sông lớn, vì thế ông đã nhờ một anh lái đò chèo thuyền để đưa ông sang sông. Trong lúc đang chèo, anh lái đò hứng chí hát lên một khúc nhạc. Nghe vậy, nhà thông thái liền hỏi:
“Anh có kiến thức gì về âm nhạc không?”
Người lái đò trả lời: “Thưa bác, tôi chẳng biết gì về âm nhạc cả!”
Nhà bác học kêu lên: “Thời đại này mà anh không biết âm nhạc thì quả thật là rất đáng tiếc. Như thế có thể coi như anh đã chết nửa cuộc đời rồi vậy!”
Khi con thuyền đi ra đến giữa dòng sông thì nhà thông thái lại lên tiếng hỏi anh:
“Thế anh có biết gì về khoa học không?”
Anh chèo đò thành thật trả lời: “Thú thật với ngài, tôi dốt lắm! Ngoài việc chèo đò đưa đón khách sang sông, tôi hầu như chẳng biết được điều gì.”
Nghe đến đây thì nhà bác học cười vang và nói rằng. “Như vậy thì rõ ràng anh đã chết nửa cuộc đời rồi vậy.”
Lát sau, bỗng đâu mây đen kéo đến. Trời chuyển mưa. Anh lái đò hỏi vị khách:
“Bác có biết chèo thuyền không, giúp cháu với! Chúng ta phải mau chóng bơi vào bờ trước khi dông tố ập tới!”
Nhà thông thái cuống lên: “Không, không tôi không biết chèo!”
“Thế vậy bác có biết bơi không?”
“Tôi cũng chẳng biết bơi.”
Anh lái đò nói: “Bác không biết chèo mà cũng chẳng biết bơi thì rất có thể hôm nay bác sẽ chết cả cuộc đời đó!“
Câu chuyện trên đây, đối với tôi, là một minh họa hoàn hảo cho hậu quả của sự thiếu hiểu biết (các truyền thống như Phật giáo gọi là “vô minh”) – không nhận thức được điều gì thực sự quan trọng, còn điều gì thì không.
Nhà thông thái, bị mờ mắt bởi cái tôi thái quá và ý niệm hẹp hòi về trí tuệ, đã rơi vào cái bẫy thích thể hiện, khoe khoang và hạ nhục người khác. Ông đã nhầm lẫn giữa cái hời hợt với cái cốt lõi.
Cuối cùng, dù ông có kiến thức học thuật sâu rộng đến đâu, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa trước thực tế của cuộc sống.
Hãy thử hồi tưởng lại xem: bạn có bao giờ từng chạy theo những điều phù phiếm – giống như nhà thông thái trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây không?
Bạn đã bao giờ cho rằng điều gì đó quan trọng, nhưng sau đó nhận ra rằng hóa ra, đó chỉ là ảo tưởng không?
Tôi xin chia sẻ một ví dụ khác để chứng minh cho quan điểm này – bằng cách quay lại câu chuyện được kể trong bộ phim “Ikiru” của Kurosawa.
Trong 30 năm, nhân vật Kanji Watanabe sống như một “xác ướp” trong một bộ máy hành chính quan liêu. Ông hoàn toàn tách rời khỏi gia đình và những niềm vui giản dị của cuộc sống. Ông nghĩ rằng mình đang hành động vì lợi ích của con trai, nhưng thực tế hóa ra hoàn toàn ngược lại: giữa hai người hầu như không có mối liên hệ tình cảm no. Con trai ông thậm chí còn mong muốn cha mình sớm qua đời – để anh có thể hưởng quyền thừa kế.
Trớ trêu thay, Watanabe hoàn toàn không biết về tình trạng thảm hại của mình, cho đến khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và biết rằng mình chỉ còn sống được 6 tháng nữa. Chỉ khi đó, ông mới nhận ra sự “vô minh” đã khiến ông đánh mất cả cuộc đời:
Tôi không thể chết được – tôi không biết mình đã sống những gì suốt ngần ấy năm qua.
Ông cố gắng trong tuyệt vọng để hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, nhưng dường như không tìm được câu trả lời nào thỏa đáng. Ông không thể hiểu được tại sao cô gái Toyo làm việc dưới quyền mình lại có thể tận hưởng cuộc sống đến như vậy.
Watanabe, cũng giống như nhà thông thái trong câu chuyện ngụ ngôn, bị nhấn chìm bởi sự “mù quáng” về tinh thần, không nhận ra được điều thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống. Kết quả là ông hoàn toàn đánh mất kết nối với chính mình cũng như người khác.
Trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa, rất nhiều khi chúng ta nhầm lẫn giữa động cơ hời hợt của mình với những khao khát/ ước vọng sâu sắc hơn. Như trong trường hợp của tôi, trước đây, tôi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Marketing, tin rằng đây là công việc phù hợp với mình.
Tuy nhiên, khi suy ngẫm kỹ hơn, tôi mới “ngộ” ra rằng, động cơ hành động của tôi chẳng liên quan gì đến kinh doanh hay tiền bạc cả.
Thuở ban đầu, tôi cứ ngỡ rằng mình bị hấp dẫn bởi các lý thuyết marketing – nhưng hóa ra, động cơ thực sự của tôi là mong muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân, thấu hiểu tâm lý con người và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Không phải công việc kinh doanh, tiền bạc hay “thao túng” con người. Khao khát sâu thẳm của tôi là học tập & phát triển, nghiên cứu tâm lý và triết học!
Ý nghĩa cuộc sống
Tới đây, tôi cho rằng một số người có thể đặt vấn đề, “Nếu giả như tôi thực sự không biết mục đích của mình là gì thì sao?”
Câu trả lời sau đây có thể hơi khó nghe, song tôi xin dám khẳng định: sâu thẳm bên trong, bạn hoàn toàn biết nó là gì!
Bạn biết rõ điều gì khiến bạn tràn đầy năng lượng; vấn đề chỉ là bạn chưa nhận ra nó thôi. Hay đúng hơn, bạn chưa sẵn sàng chấp nhận nó!
Vì nhiều lý do, hầu hết chúng ta đều quá vướng mắc vào guồng quay của nhịp sống hàng ngày – đến nỗi đánh mất kết nối với bản thể bên trong. Trong trường hợp đó, điều ta cần làm là chậm lại và quan sát thế giới nội tâm.
Giống như cách cậu bé Santiago trong “Nhà giả kim” nhận ra Fatima là tình yêu đích thực của đời mình, trái tim của bạn tự nó biết điều gì “cộng hưởng” với bạn; những gì bạn cần làm là kết nối lại với tiếng nói bên trong.
Bằng cách chú tâm vào những gì mình thực sự quan tâm – và hành động tuân theo hệ giá trị cốt lõi, chúng ta sẽ thoát khỏi “màn sương” của vô minh để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa. Thành công và sự công nhận của người khác chẳng là gì nếu so với giá trị nội tại trong mọi việc ta làm.
Hãy lắng nghe những gì lương tâm mách bảo và hết mình thực hiện nó. Và bạn sẽ thấy rằng về lâu dài, thành công sẽ đến với bạn, bởi vì bạn đã thôi không nghĩ về nó nữa!
Viktor E. Frankl
Quá tập trung vào bản thân
Thomas Friedman, trong tác phẩm của mình, từng đề cập đến việc thế giới ngày nay đã trở nên “nóng, phẳng và chật” ra sao. Theo ông, nhân loại cần một cuộc cách mạng xanh để cứu thế giới khỏi thảm họa diệt vong sắp xảy ra.
Hẳn là chúng ta cần quan tâm về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, theo tôi, có một cuộc cách mạng còn cần thiết phải thực hiện hơn – một cuộc cách mạng trong tâm của con người.
Xã hội hiện đại đã lên tới mức con người không còn cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với những điều thông thường nữa. Chúng ta luôn ở trong tình trạng khao khát “nhiều hơn nữa” và liên tục theo đuổi những kích thích mới.
“Cơn đói” tinh thần/ tâm linh này biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Một ví dụ là ngành công nghiệp âm nhạc. Những giai điệu êm dịu không còn khiến ta thích thú nữa; chúng ta thèm muốn những bản nhạc ồn ào, ca từ tục tĩu, lạm dụng các yếu tố khiêu dâm để cho mình luôn ở trong trạng thái “trên đỉnh”.
Các trò chơi thể thao phải trở nên ngày càng nguy hiểm và thú vị hơn mới thu hút sự chú ý của ta. Thay vì chú ý đến kỹ năng, chúng ta lại tập trung vào cảm xúc thăng hoa của bản thân.
Ngành công nghiệp điện ảnh cũng gặp vấn đề tương tự. Những bộ phim bom tấn như “Avengers”, mặc dù rất thành công về doanh thu, nhưng thực tế chỉ hay về kỹ xảo và cảnh hành động, trong khi hời hợt về chất lượng nội dung. Các yếu tố như bạo lực, tình dục, v.v… bị lạm dụng quá mức để đánh vào tâm lý ham kích thích của khán giả.
Trong khi đó, những kiệt tác điện ảnh như “Silence” của Martin Scorsese, tuy ẩn chứa thông điệp nhân văn sâu sắc, lại chẳng có ai đi xem.
Báo chí và mạng xã hội bàn luận quá nhiều về doanh thu phòng vé và phản ứng của fan – những thước đo phù phiếm – trong khi quên mất giá trị và mục đích sâu xa hơn của các tác phẩm nghệ thuật như phim ảnh: truyền tải thông điệp về cuộc sống, khuyến khích tự phản ánh và nuôi dưỡng đời sống tinh thần/ tâm linh.
Nói cách khác, các loại hình nghệ thuật như phim ảnh đã trở thành một loại “thức ăn rác” cho tâm hồn, không hơn không kém.
Thái độ hời hợt này mở rộng đến cả cách con người ngày nay tiếp nhận thông tin. Chúng ta chuộng các bài viết ngắn, hấp dẫn trên mạng xã hội, các video “câu view” trên TikTok, thậm chí coi những thông điệp hời hợt được trình bày trong các video đó là “chân lý” – trong khi lại làm biếng tìm hiểu các bài viết/ bài nghiên cứu chi tiết và giá trị hơn.
Chúng ta tiêu thụ quá nhiều “thức ăn nhanh” cho trí óc; hệ quả tất yếu là tình trạng suy giảm năng lực trí tuệ (một hiện tượng được gọi là “thối não” – brain rot). Những gì vô nghĩa thì được xem là có ý nghĩa – và ngược lại .
“Brain rot” được Oxford chọn là Từ của năm 2024
Các ví dụ trên đây, tựu chung, đều quy về một nguyên nhân: xu hướng tập trung quá mức vào bản thân – một bản ngã hời hợt, liên tục tìm kiếm sự kích thích. Chúng ta thèm khát sự thỏa mãn tức thời hơn là những trải nghiệm lâu dài.
Sự phổ biến của dòng phim siêu anh hùng, vốn chỉ thiên về hành động và kịch tính hơn là chiều sâu của nhân vật và cốt truyện, là dấu hiệu sống động của tình trạng bất mãn kinh niên, mong muốn thoát khỏi những phức tạp của cuộc sống hàng ngày. Để tránh đối mặt với khó khăn và trách nhiệm cá nhân.
Trớ trêu thay, tìm kiếm thỏa mãn ngắn hạn, rốt cuộc, chỉ dẫn đến một chu kỳ bất mãn vô tận. Chúng ta bị thúc đẩy phải liên tục tìm kiếm những kích thích mới, mạnh mẽ hơn để lấp đầy “khoảng trống” ngày càng lớn bên trong.
Việc xem nhẹ lợi ích lâu dài là nguyên nhân gây suy giảm khả năng kiên nhẫn và bền bỉ. Nhiều người rơi vào tình trạng sợ kết nối, sợ các mối quan hệ với đời thực, đánh đồng những điều phù phiếm với hạnh phúc, để rồi mất đi tầm nhìn về các giá trị sâu sắc hơn của nhân loại.
Chẳng có gì khó hiểu khi họ không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.
Lời này chói tai quá! Ai mà nghe được?
Có thể tới đây, một số trong các bạn sẽ nghĩ như vậy. Bản thân tôi phải thừa nhận rằng, đây không phải là một thông điệp dễ đón nhận.
Đôi khi, tôi cảm thấy mình giống như một “tiếng kêu trong hoang địa”. Ngay cả khi phần lớn mọi người không chú ý đến lời kêu gọi của tôi, tôi vẫn sẽ tiếp tục nói, với hy vọng rằng ở đâu đó, có ai đó sẽ lắng nghe và hiểu được thông điệp của tôi.
Chính niềm hy vọng này đã mang lại ý nghĩa cho những nỗ lực hằng ngày của tôi.
Cái gọi là tự hiện thực hóa (self-actualization) không phải là mục tiêu có thể đạt được dễ dàng. Bởi đơn giản, càng phấn đấu để đạt được nó, bạn sẽ càng đánh mất nó. Nói cách khác, tự hiện thực hóa chỉ có thể xảy ra khi ta dám vượt lên cái tôi cá nhân hạn hẹp (self-transcendence).
Viktor E. Frankl
Đồng nhất ý nghĩa với thành công, tiền tài & danh vọng
Trong tác phẩm “Harry Potter và Hòn đá phù thủy“, nhân vật chính Harry Potter bị ngất xỉu sau khi giao tranh với Chúa tể Hắc ám để bảo vệ Hòn đá phù thủy – một vật phẩm có khả năng chế ra vàng và Thuốc trường sinh. Khi tỉnh dậy, Harry đã vô cùng hoảng hốt khi được thầy hiệu trưởng, Giáo sư Dumbledore, cho biết Hòn đá mà cậu gắng hết sức để cứu đã bị phá hủy. Thấy được mối lo của Harry, thầy Dumbledore đã trả lời như sau:
Con biết đấy, Hòn đá thực ra cũng chẳng phải cái gì tuyệt vời. Có nhiều tiền và sống lâu như mình mong muốn! Hai thứ mà hầu như ai cũng theo đuổi – vấn đề là, con người thường hay lựa chọn ngay chính những điều tệ hại nhất với họ.
Trong đời sống, chúng ta có khuynh hướng coi trọng của cải vật chất và tuổi thọ hơn là những phẩm chất như lòng dũng cảm, sự tử tế và trí tuệ. Chúng ta lầm tưởng rằng những thành tựu bên ngoài là chìa khóa cho một cuộc sống xứng đáng, trong khi lại bỏ qua giá trị nội tại của việc phát triển nhân cách và kết nối xã hội.
Thế giới ngày nay nhìn chung thường đánh giá giá trị của con người dựa trên thành công trong sự nghiệp. Do đó, nhiều người phải chịu áp lực không cần thiết và trở thành nạn nhân của một vấn đề gọi là “ảo tưởng tập trung” (focusing illusion) – xảy ra khi cá nhân trở nên quá tập trung vào một khía cạnh cụ thể của cuộc sống (vd: thăng tiến trong sự nghiệp, sự giàu có về tài chính, địa vị xã hội) đến mức họ tin rằng toàn bộ hạnh phúc của họ phụ thuộc vào yếu tố đó.
Chúng ta rơi vào cái bẫy của suy nghĩ “Chỉ cần đạt được X thì tôi sẽ hạnh phúc”. Bằng không, chúng ta cảm thấy lạc lõng, bất mãn và thậm chí là tuyệt vọng.
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại giả định này. Như tác giả Ken Mogi đã chia sẻ trong tác phẩm của ông:
Không khí của buổi sớm, tách cà phê, tia nắng mặt trời… Chỉ những ai có thể nhận ra sự phong phú trong những trải nghiệm này mới thực sự trân trọng và tận hưởng nó.
Ý nghĩa cuộc sống không nhất thiết phải giới hạn ở sự công nhận của thế gian hay những thành tích to lớn. Nó có thể được tìm thấy trong những niềm vui giản dị nhất của cuộc sống thường nhật: nụ cười của một người bạn, không khí trong lành buổi sáng, khoảnh khắc tĩnh lặng chiêm nghiệm cuối ngày, v.v…
Hơn nữa, nó cũng không nhất thiết phải bị giới hạn bởi các chuẩn mực xã hội. Như Mogi đã chỉ ra, ngay cả trong một xã hội toàn trị như Bắc Triều Tiên hay một xã hội đề cao sự tuân thủ và chuẩn mực như Nhật Bản, cá nhân vẫn có khả năng kiến tạo ý nghĩa – đôi khi theo những cách thức rất độc đáo. Ví dụ:
- Nhiều nhân viên văn phòng Nhật Bản tìm thấy niềm vui trong các sở thích như sáng tác và bán truyện tranh tại Comiket vào cuối tuần.
- Hiện tượng datsusara (脱サラ) – xảy ra khi những người đàn ông từ bỏ công việc văn phòng ổn định nhưng không thỏa mãn để trở thành ông chồng nội trợ và theo đuổi đam mê cá nhân – phản ánh một xu hướng mới nổi, khi con người đang dần thoát khỏi kỳ vọng của xã hội để đi tìm hướng đi riêng.
Dù hoàn cảnh ra sao, miễn là bạn có thể chấp nhận và giải phóng cái tôi cá nhân – ngay cả khi nó có nghĩa là đi chệch khỏi kỳ vọng của người khác, thì cảm thức về ý nghĩa và mục đích vẫn hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.
Nếu bạn có thể biến quá trình nỗ lực thành nguồn hạnh phúc chính của mình, đó là bạn đã thành công trong thử thách quan trọng nhất của cuộc đời.
Ken Mogi
Ngộ nhận về giá trị con người
Khi lần đầu đọc tác phẩm “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl, tôi tình cờ đọc được đoạn dưới đây trong lời tựa của sách:
Có một cảnh trong vở kịch ‘Incident at Vichy’ (Sự cố tại Vichy) của Arthur Miller; trong đó, một người đàn ông trung lưu xuất hiện trước chính quyền Đức quốc xã, vốn đang chiếm đóng thị trấn của ông và trưng ra bằng cấp của mình: tấm bằng đại học, các lá thư tham khảo do những người có tiếng tăm viết, v.v…
Tên lính Đức quốc xã hỏi ông: “Mày chỉ có thế thôi sao?”. Người đàn ông gật đầu.
Tên lính quăng tất cả vào sọt rác và nói: “Tốt, giờ mày chẳng còn gì nữa”.
Người đàn ông, vốn luôn gắn liền hình ảnh bản thân với sự tôn trọng cua người khác, cảm thấy bị tổn thương nặng nề.
Quả vậy, thật dễ đánh mất ý nghĩa nếu ta để cho bản thân bị chi phối bởi một cảm thức giá trị mong manh, phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố bên ngoài. Ngược lại, nếu nhận thức về giá trị có cơ sở từ bên trong, nó sẽ nâng đỡ chúng ta ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất.
Cũng trong cuốn sách của mình, Frankl kể lại một sự việc như sau:
Một lần nọ, ở trong rừng, nhiệt độ lúc ấy khoảng âm 16°C, chúng tôi đang đào phần đất đã bị đóng băng ở phía trên để đặt đường ống nước. Lúc ấy, sức khỏe của tôi không được tốt.
Một quản đốc với đôi má căng tròn hồng hào đến bên cạnh. Khuôn mặt của hắn khiến tôi liên tưởng đến cái đầu heo. Tôi nhìn thấy tay hắn được ủ ấm trong đôi găng tay ấm áp. Hắn quan sát tôi một lúc. Tôi biết rằng thế nào mình cũng gặp rắc rối bởi vì đống đất mà tôi đào cho biết tiến độ công việc của tôi không tốt.
Rồi hắn cũng lên tiếng: “Đồ con lợn, tao đã quan sát mày cả buổi! Giờ tao sẽ dạy cho mày cách làm việc! Cứ đợi cho đến khi mày dùng răng đào thứ đất bẩn thỉu này – mày rồi cũng sẽ chết như một con vật! Tao sẽ kết thúc cuộc sống của mày chỉ trong hai ngày thôi! Mày chẳng làm được cái thá gì ở đời cả. Trước đây mày làm gì hả đồ con lợn? Kinh doanh à?”
Tôi định không nói gì. Nhưng tôi phải cẩn trọng với lời đe doạ sẽ giết tôi, vì vậy tôi đứng thẳng người và nhìn thẳng vào mắt hắn.
“Tôi là bác sĩ chuyên khoa.”
“Cái gì? Bác sĩ cơ à? Chắc mày moi được rất nhiều tiền từ mọi người hả?”
“Sự thật thì tôi gần như làm không công trong các bệnh viện dành cho người nghèo.”
Nhưng lúc này thì tôi đã nói quá nhiều. Hắn lao đến và đánh tôi, la hét như một kẻ điên. Tôi không nhớ rõ hắn đã la hét những gì.
Từ câu chuyện nhỏ nhặt này, tôi muốn cho mọi người biết rằng có những khoảnh khắc, sự phẫn uất cũng vỡ oà ngay cả với người tù chai sạn nhất – tôi uất ức không phải vì sự độc ác và những cú đánh của hắn, mà vì hắn đã nhục mạ tôi. Lúc ấy, tôi tức giận bởi vì tôi phải lắng nghe một gã chẳng biết gì về cuộc sống của tôi, một gã (tôi phải thú nhận: câu nói mà tôi đã nói với các bạn tù của mình sau sự việc ấy, đã đem lại cho tôi cảm giác khoái chí của trẻ con) “thô tục và hung bạo đến nỗi cả y tá ở khu vực bên ngoài ở bệnh viện của tôi còn không cho phép hắn vào khu vực chờ”.
Phản ứng của Frankl trước lời lăng mạ của tên lính canh, tuy có vẻ quá mức, song nó cho thấy một sự thật sâu sắc. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại tập trung, các tù nhân bị tước đoạt hết tài sản, tự do và thậm chí cả họ tên của chính mình. Họ chỉ còn là những con số, tồn tại trong một trạng thái “phi nhân tính”.
Trong bối cảnh này, bản ngã bị kìm hãm xuống ở mức thấp nhất. Cơ thể yếu ớt, tâm trí mệt mỏi, còn tinh thần thì mong manh.
Thế nhưng, dù bị hạn chế, tinh thần vẫn có thể tìm ra cách để khẳng định chính mình. Ngay cả dưới vực thẳm tuyệt vọng, người ta vẫn có thể bám víu vào một ý thức về giá trị bản thân – họ là ai, và họ đại diện cho điều gì.
Chính nhận thức này đã thúc đẩy những người như Frankl không bỏ cuộc.
Ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, khi sự sống còn bị đe dọa, việc biết rằng bản thân có giá trị sẽ vẫn mang lại nguồn sức mạnh và khả năng bền bỉ cần thiết để bảo vệ lý tưởng, cũng như đón nhận thực tại.
Ý nghĩa cuộc sống
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều gì cấu thành một cảm thức giá trị đúng đắn?
Có một thực tế đáng buồn, đó là thế giới hiện đại thường đánh đồng giá trị cá nhân với “sự hữu ích”, thể hiện qua việc họ đóng góp như thế nào cho xã hội. Quan niệm này, như Frankl đã chỉ ra, là cực kỳ nguy hiểm.
Nếu chúng ta định nghĩa giá trị chỉ bằng năng suất hoặc vai trò xã hội, chúng ta rất dễ rơi vào cạm bẫy hạ thấp nhân phẩm của những người bị coi là “vô dụng” – người già, bệnh nhân, người khuyết tật. Và hậu quả của lối suy nghĩ này thì thật không thể tưởng tượng nổi.
Đặc điểm của xã hội ngày nay là chú trọng vào thành tích đạt được, do đó, nó yêu chuộng và tôn sùng những người thành công và hạnh phúc, nhất là thích đề cao những người trẻ. Vô hình chung, nó bỏ qua giá trị của người không thành công và không hạnh phúc; và như thế nó làm lu mờ sự khác nhau chủ chốt giữa giá trị theo phẩm cách và giá trị theo sự hữu dụng. Nếu một người không nhận ra sự khác biệt này và một mực cho rằng giá trị của mình chỉ xuất phát từ sự hữu dụng hiện tại của bản thân, thì hãy tin tôi, đó chỉ là một tuyên bố đầy mâu thuẫn của cá nhân, hoàn toàn không đủ lý lẽ để biện hộ cho chương trình “cái chết êm dịu” của Hitler – một hình thức “gia ơn” kết liễu sự sống những người không còn hữu dụng đối với xã hội do tuổi già, bệnh nan y, suy nhược thần kinh, hoặc bất cứ khuyết tật nào mà con người phải chịu.
Viktor E. Frankl
Thay vì đo lường giá trị bản thân dựa trên những đóng góp bên ngoài, chúng ta phải nhận thức về giá trị vốn có của mỗi con người.
Nguyên tắc này cũng được phản ánh trong tác phẩm “Dám bị ghét” của Ichiro Kishimi. Trong sách, tác giả lập luận rằng, chúng ta nên nhìn nhận người khác không phải ở “mức độ hành động” (những gì họ làm) mà ở “mức độ tồn tại” (sự hiện hữu của họ). Chúng ta nên trân trọng và yêu quý người khác chỉ vì họ là chính họ, dù hành động hay khả năng của họ có ra sao.
Giả sử mẹ cậu gặp tai nạn giao thông. Bà ấy ở trong tình trạng hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, cậu không hề nghĩ xem mẹ mình “đã làm được gì” nữa, chỉ cần bà còn sống là hạnh phúc rồi, chỉ cần hôm nay tính mạng của bà vẫn còn là hạnh phúc rồi.
…
Biết ơn sự tồn tại là như vậy đó. Người mẹ dù đang ở trong tình trạng nguy kịch, không “làm được gì” – nhưng chỉ riêng việc bà còn sống đã an ủi được cậu và gia đình, đã là “có ích”.
Ichiro Kishimi
Nếu chúng ta có thể thay đổi tư duy để nhận ra giá trị vốn có của mỗi cá nhân, bao gồm cả bản thân mình, không quan tâm đến thành tích bên ngoài hay sự hữu ích của cá nhân đó, chúng ta sẽ nuôi dưỡng được cảm thức đúng đắn về giá trị. Vấn đề không phải là chúng ta LÀM GÌ, mà là chúng ta LÀ AI .
Đây chính là chìa khóa cho một cuộc sống ý nghĩa dài lâu.
Từ cách nhìn này, chúng ta có thể thấy rằng chẳng có lý do gì để tỏ ra thương hại người già, mà những người trẻ nên ganh tỵ với họ. Quả thật là người già không còn có cơ hội, không còn những triển vọng trong tương lai. Nhưng thay vào đó, họ có cả kho tàng thực tế sống động trong quá khứ – những khả năng tiềm ẩn đã được hiện thực hoá, họ đã hoàn thành mục đích, ý nghĩa của việc tồn tại trên cuộc đời này, và họ cũng đã nhận ra các giá trị của cuộc sống – cho nên không ai và không điều gì có thể xoá bỏ những tài sản này của họ.
Viktor E. Frankl
Nghịch lý của cuộc sống hiện đại
Vào thế kỷ XIX, lời tuyên bố “Thượng đế đã chết” (God is dead) của Nietzsche đã gây ra rất nhiều tranh luận và ý kiến trái chiều. Nó phản ánh một thực tế vào thời điểm đó, khi mà các tiêu chuẩn ý nghĩa truyền thống (tôn giáo, cộng đồng, cấu trúc xã hội) đang mất dần sức mạnh, để lại một khoảng trống trong tâm hồn con người.
Có nhiều cách diễn giải khác nhau về nhận định của Nietzsche. Về phần mình, tôi thấy rằng nó nhấn mạnh đến một nhu cầu căn bản của con người: có một nền tảng triết học vững chắc để xây dựng cuộc sống.
Bằng không, chúng ta sẽ trở nên “lạc lối” và vướng vào cạm bẫy của khủng hoảng hiện sinh.
Ngày nay, nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Thế giới đang bị thay đổi “chóng mặt” bởi sự phát triển của công nghệ, tự động hóa, cũng như nhu cầu cắt giảm chi phí để đứng vững trước khủng hoảng kinh tế. Điều này, vô hình chung, dẫn đến một nghịch lý: chúng ta có đầy đủ tiện nghi vật chất và cơ hội hơn bao giờ hết, nhưng nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn không tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Theo kinh nghiệm của tôi, ta có thể quy vấn đề này cho nhiều nguyên nhân như:
- Sự thay đổi về bản chất công việc. Khi tự động hóa trở thành xu thế mới, con người cũng dần đánh mất cảm thức về mục đích và sự viên mãn trong những điều mình làm.
- Trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ càng làm vấn đề trở nên phức tạp hơn. Liệu rằng trong tương lai, công việc sẽ như thế nào, và vai trò của lao động con người có còn cần thiết không?
- Mặt khác, mối bận tâm quá mức của nhiều doanh nghiệp đối với việc tối đa hóa lợi nhuận khiến cho môi trường làm việc ngày càng mất đi “tính người” (bản thân tôi đã từng trực tiếp chứng kiến thực trạng này). Nhiều người lao động hiện cảm thấy xa cách với tổ chức, rằng công việc của họ chỉ đơn giản là phương tiện để đạt được mục đích, tự nó không có giá trị nội tại gì cả.
Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong một thế giới đang thay đổi “chóng mặt” bởi công nghệ như hiện nay?
Làm thế nào để đảm bảo rằng, sự tiến bộ của xã hội phải phục vụ cho mục tiêu phát triển con người – chứ không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế?
Làm thế nào ta có thể ngăn không cho sự phát triển công nghệ làm xói mòn mục đích và cảm thức cộng đồng?
Tôi tin rằng câu trả lời nằm ở việc ý thức được rằng, ý nghĩa không phải là thứ được ban tặng cho ta bởi các thế lực bên ngoài – không phải bởi học thuyết, chuẩn mực xã hội hay công việc.
Thay vào đó, nó phải đến từ bên trong. Những gì bên trong ta là thứ duy nhất ta có thể thực sự kiểm soát.
Tôi không có ý nói rằng bạn không thể tìm thấy ý nghĩa từ những thứ như nghề nghiệp hay tôn giáo. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là tầm quan trọng của tác nhân cá nhân cũng như sự tự biết mình (self-knowledge). Cụ thể, chúng ta không nên thụ động tuân theo các kỳ vọng bên ngoài mà không tự phản ánh lại dưới góc nhìn phản biện.
Chẳng hạn, bản thân tôi là tín đồ Kitô, đã nghiệm được rất nhiều bài học cuộc sống quý giá từ đức tin của mình. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều quan trọng đối với mọi người, bất kể niềm tin của họ ra sao, là phải xem xét một cách lý trí và tự mình kiểm chứng những giáo huấn được truyền lại cho họ – thay vì chấp nhận chúng một cách mù quáng.
Nói cách khác, ý nghĩa phải là thứ do bạn trực tiếp sở hữu, không phải thừa hưởng từ ai khác. Bạn phải tự đưa ra triết lý sống cho riêng bạn.
Hãy tự biết chính mình.
Socrates
Chúng ta không nên lảng tránh trách nhiệm và sống một cuộc sống bình thường – dưới cái bóng của người khác. Ngược lại, chúng ta phải tích cực nuôi dưỡng cảm thức về mục đích – bằng cách tham gia vào các hoạt động phù hợp với hệ giá trị cá nhân, xây dựng các mối quan hệ chất lượng, cũng như đóng góp cho một điều gì đó lớn lao hơn chính mình.
Mặt khác, nhân loại cũng phải tìm cách kiến tạo một xã hội ưu tiên phúc lợi con người song song với tiến bộ công nghệ và phát triển kinh tế. Bằng không, các vấn nạn như tự tử và rối loạn tâm thần sẽ phát triển thành khủng hoảng toàn cầu.
Quá nhiều lựa chọn trong cuộc sống
Trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa, chúng ta không thể không đối mặt với một câu hỏi căn bản: “Tôi muốn gì trong đời này?”
Ngày nay, hầu hết mọi người đều có một danh sách dài những điều mình mong muốn – sự nghiệp viên mãn, gia đình yêu thương, du lịch, phát triển bản thân và vô số những khát vọng khác. Vấn đề là, thời gian và nguồn lực của mỗi người không phải vô hạn; nói cách khác, chúng ta phải đưa ra lựa chọn.
Trong quá khứ, đa phần không có được khả năng này – vì những lý do như hạn chế xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế. Xã hội hiện đại thì hoàn toàn khác.
Trớ trêu thay, chính khi cuộc sống trở nên tiện lợi hơn, một vấn đề mới lại nảy sinh. Có quá nhiều con đường để đi; kết quả là nhiều người do dự không biết nên chọn hướng nào.
Tôi nên theo đuổi công việc A hay B? Tôi nên ưu tiên sự nghiệp hay gia đình? Tôi nên tập trung vào sự ổn định hay trải nghiệm cuộc sống?
Bị “giằng xé” bởi quá nhiều lựa chọn, nhiều người rơi vào trạng thái trì trệ, xung đột nội tâm, để rồi đánh mất cảm thức ý nghĩa. Cái gì cũng có thể làm được; thế là họ cảm thấy chẳng có gì thiết yếu hay quan trọng nữa cả.
Một phương pháp giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này, đó là hãy chủ động hạn chế các lựa chọn trong đời sống. Trong tác phẩm “Sống đời mãn nguyện” (tiếng Anh: The Earned Life), TS. Marshall Goldsmith đã gọi phương pháp này là “quyền tự quyết khi không có lựa chọn” (the agency of no choice). Ý tưởng đơn giản như sau: việc có quá nhiều lựa chọn khiến chúng ta trở nên “choáng ngợp”, lo lắng, căng thẳng và mất kiểm soát. Khi đó, việc cố ý thu hẹp sự tập trung là chìa khóa để giảm bớt sự mệt mỏi khi ra quyết định, cũng như giải phóng năng lượng tinh thần để hướng vào những gì thực sự quan trọng.
Điều này không có nghĩa là từ bỏ ước mơ hoặc chấp nhận một cuộc sống tầm thường. Đúng hơn, đó là khi bạn biết sắp xếp và ưu tiên những việc mình làm dựa theo hệ giá trị cốt lõi và tầm nhìn cá nhân.
Nói cách khác, bạn phân biệt được giữa điều gì là quan trọng và cái gì thì không đáng quan tâm. Lấy ví dụ, dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về việc nên mặc gì mỗi ngày là điều hoàn toàn không đáng; tốt hơn, bạn nên sử dụng thời gian đó cho những mục tiêu thiết thực hơn.
Với những ai muốn áp dụng phương pháp này, sau đây là một số nguyên tắc bạn cần ghi nhớ:
- Đơn giản hóa cuộc sống: Hãy “dọn dẹp” không gian trong phòng cũng như tâm trí của bạn, để chỉ tập trung vào những gì thực sự mang lại niềm vui và sự viên mãn. Ví dụ, thay vì liên tục mua sắm đồ mới, chúng ta nên hướng đến việc tích lũy trải nghiệm và chăm sóc các mối quan hệ.
- Sống trọn khoảnh khắc hiện tại: Thực hành tỉnh thức và chánh niệm sẽ hỗ trợ bạn đưa ra những lựa chọn có ý thức và chân thực hơn – thay vì bị thúc đẩy bởi ham muốn “bốc đồng” hoặc áp lực bên ngoài. Ví dụ, thay vì lướt mạng xã hội trong vô thức chỉ vì sợ bỏ lỡ thông tin (một hội chứng tâm lý được gọi là FOMO – fear of missing out), chúng ta nên tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa hơn như đọc sách hoặc hòa mình vào thiên nhiên.
- Tập trung vào những gì mình có, thay vì những gì mình thiếu: Lòng biết ơn giúp ta trân trọng những điều tốt đẹp mỗi ngày và giảm bớt ham muốn tích lũy thêm – vốn là một rào cản lớn trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
- Từ bỏ nhu cầu kiểm soát: Không ai có thể kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống. Thỉnh thoảng, chúng ta cần chấp nhận tình trạng bất định và tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, với niềm xác tín rằng “cuộc sống luôn có cách của nó”.
Để có được cuộc sống xứng đáng, bạn phải đưa ra những lựa chọn với ý thức về quy mô, kỷ luật và sự hy sinh đi kèm với quyết định đó.
Marshall Goldsmith
Quá mong chờ kết quả
Cuộc sống cũng như một vũ công, và bản thân bạn là một vũ điệu.
Eckhart Tolle
Con người thường phạm phải sai lầm là không phân biệt được “hành trình” (ý nghĩa) với “đích đến” (mục đích). Nói cách khác, chúng ta đánh đồng ý nghĩa cuộc sống với một kết quả cụ thể.
Sự thật là, điều quan trọng không phải là đạt được một mục tiêu cụ thể; mà chính là có được nguồn sức mạnh nội tại để tiến về phía trước mỗi ngày. Việc bị ám ảnh quá mức với kết quả chung cuộc sẽ chỉ cướp đi niềm vui của khoảnh khắc hiện tại, ảnh hưởng đến khả năng sống một cuộc sống dồi dào và phong phú.
Khi quá háo hức với “phần thưởng” cuối cùng, chúng ta dễ dàng quên mất những yêu cầu cần thiết để có được nó. Nói cách khác, chúng ta mong muốn phần thưởng mà không cần nỗ lực, mong muốn chiến thắng mà không cần phải đấu tranh.
Hệ quả là, khi thử thách xuất hiện, chúng ta trở nên do dự. Nỗi sợ thất bại khiến chúng ta chùn bước và không hành động.
Thế nhưng, chính khi dám đối mặt với khó khăn, học hỏi từ sai lầm và vượt qua trở ngại, chúng ta mới có thể kết nối với ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Chính quá trình tự hoàn thiện, chứ không phải thành tựu cuối cùng, mới khiến cho đời sống trở nên phong phú.
Tôi xin phép đưa ra một ví dụ. Giả sử có một người mơ ước trở thành nhà văn; tuy nhiên, anh ta bị ám ảnh bởi nỗi sợ rằng tác phẩm của mình có thể bị chỉ trích hoặc từ chối. Kết quả là, anh ta không bao giờ đặt bút viết tác phẩm đầu tay, mà thay vào đó liên tục viện cớ như “Tôi quá bận” hoặc “Tôi lớn rồi”. Nỗi sợ hãi trở thành “chiếc lồng” ngăn cản anh nhận ra tiềm năng bản thân và đưa câu chuyện cuộc đời sang một trang mới.
Đối mặt với sự từ chối, tuy có thể không mấy dễ chịu, là một phần thiết yếu của hành trình phát triển và tự khám phá. Hoặc nó sẽ củng cố quyết tâm của chúng ta, hoặc nó sẽ hướng ta đến một con đường phù hợp hơn. Vì vậy, ta cần phải can đảm thực hiện những thay đổi nhỏ – từng cái một.
Ở một phương diện nào đó, sống có thể được ví như khiêu vũ – ở chỗ chúng ta cần phải liên tục di chuyển để không bị té ngã. Miễn là ta tiếp tục di chuyển và không quá bận tâm đến việc tới một đích đến cụ thể, thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải ngạc nhiên về việc mình đã đi được xa như thế nào!
Ngược lại, nếu quá ám ảnh với kết quả chung cuộc mà không chịu “uống chén đắng”, chúng ta sẽ chỉ sống một cuộc sống hời hợt, vô nghĩa.
Cuộc sống cũng giống như lái xe đạp. Để giữ thăng bằng, bạn phải không ngừng chuyển động.
Albert Einstein
Ý nghĩa cuộc sống
Mặt khác, việc quá nhấn mạnh vào thành công – vào “chiến thắng” – sẽ dẫn đến một lối tư duy rất nguy hại. Nó khiến ta trở nên hiếu thắng quá mức, thích tranh cãi ngay cả khi không cần thiết. Ngay cả với những người thân yêu.
Chẳng hạn, thay vì bày tỏ sự cảm thông với việc bạn đời vừa mới trải qua một ngày tồi tệ, ta lại hạ thấp họ bằng cách “huyên thuyên” về những rắc rối của mình, cho rằng mình mới thực sự là người đáng thương hại. Khi đó, chắc chắn mối quan hệ sẽ đi tới chỗ rạn vỡ và sụp đổ.
Như Ken Mogi đã nhận định:
Tư duy chiến thắng có thể dẫn đến những đổi mới đột phá, song chính nó cũng có thể gây ra căng thẳng và bất ổn, cả ở phương diện cá nhân lẫn xã hội.
Giải pháp cho vấn đề này là phải cân bằng giữa việc phấn đấu cho các mục tiêu trong tương lai với việc trân trọng khoảnh khắc hiện tại. Như TS. Marshall Goldsmith gợi ý, chúng ta cần phải tận hưởng mọi trải nghiệm trên cuộc hành trình mà vẫn nỗ lực hướng tới mục tiêu sau cùng.
Lấy ví dụ, bản thân tôi gần đây có đến phòng gym, và mặc dù chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể nào về các chỉ số thể chất, tôi vẫn cảm nghiệm được nhiều điều tốt trong quá trình tập luyện: cảm giác khỏe hơn mỗi ngày, tính kỷ luật khi duy trì lịch tập đều đặn, cũng như sự thỏa mãn khi hoàn thành mỗi buổi tập.
Chính việc tập trung vào trải nghiệm hiện tại, thay vì chỉ chú trọng vào kết quả trong tương lai, đã giúp tôi có động lực và lý do để kiên trì theo đuổi thói quen tập thể dục của mình.
Sống trong quá khứ
Có một sự thật thú vị là chúng ta thường thích bám víu vào quá khứ – dù đó là thành công hay nỗi đau khổ (vd: việc ta thuở bé liên tục bị cha mẹ đem ra so sánh với những đứa trẻ khác). Cứ như thể hành động đó mang lại cho chúng ta một loại “quyền lực” hay sự công nhận nào đó vậy.
Sự thật là, quá khứ là quá khứ. Ta không thể thay đổi được gì cả. Dù rằng động cơ của bạn là tự an ủi hay tự thương hại chính mình, ám ảnh về “những gì đã qua” chỉ ngăn cản bạn đón nhận thực tại và tiến về phía trước.
Nếu cứ chìm đắm trong những ký ức xưa cũ, chúng ta tự đưa mình rơi vào trạng thái “nghịch lý tâm lý” – khi một mặt, ta khao khát thay đổi, nhưng mặt khác, ta lại sợ chính thay đổi đó.
Nói cách khác, chúng ta tự mình lựa chọn sự bất hạnh và chống lại sự thay đổi – và do đó từ chối cơ hội tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Quá khứ mang lại cho bạn cảm thức về bản sắc, còn tương lai nắm giữ lời hứa về sự cứu rỗi, sự viên mãn. Cả hai đều chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Eckhart Tolle
Rất nhiều lần, hành động bám víu của chúng ta bắt nguồn từ mong muốn duy trì một “cảm giác quyền lực” giả tạo. Chẳng hạn, bạn đã bao giờ nghe nói về một hiện tượng gọi là “Hikikomori” – xảy ra khi một người tự tách biệt khỏi xã hội và hoàn toàn cô lập bản thân khỏi thế giới bên ngoài chưa?
Mặc dù có thể có rất nhiều lý do khiến họ hành động như vậy, bạn đã bao giờ cân nhắc đến việc có những người thực sự MUỐN làm như vậy không? Rằng điều đó có lợi cho họ – theo một cách nào đó không?
Ngay cả khi không hài lòng với cuộc sống biệt lập của mình, một số người vẫn ngoan cố ở trong nhà, vì làm như vậy cho phép họ thu hút sự chú ý và thương hại từ gia đình cũng như cộng đồng trực tuyến. Sự chú ý hời hợt này mang lại cảm giác kiểm soát tạm thời, một hình thức kết nối “méo mó” với xã hội.
Tuy nhiên, sức mạnh thực sự đến từ việc dám đối mặt với thực tế và tương tác với thế giới. Quay lại ví dụ trên, nó có nghĩa là đủ can đảm để “dám bình thường”, từ bỏ sự chú ý hời hợt mà bạn nhận được khi bị cô lập, để có thể mạo hiểm giao lưu với người khác.
Suy cho cùng, chúng ta không phải là tù nhân của quá khứ. Nếu một số nhà tâm lý học như Sigmund Freud có thể đề xướng quan điểm quyết định luận về nguyên nhân-kết quả, thì cũng có rất nhiều người khác đã nói về khả năng độc đáo của con người trong việc tự đưa ra quyết định cho mình.
Nói cách khác, chúng ta có khả năng lựa chọn cách phản ứng và từ chối bị hoàn cảnh chi phối.
Hãy nghĩ đến những người như Nick Vujicic hay Helen Keller mà xem. Dù phải đối mặt với những khuyết tật thể chất nghiêm trọng, họ đã chọn không để bản thân bị giới hạn bởi những hạn chế đó. Và họ đã tìm thấy được mục đích và ý nghĩa, biến hạn chế của bản thân thành nguồn sức mạnh và cảm hứng cho thế hệ tương lai.
Quá khứ của chúng ta không nhất thiết phải tác động đến tương lai. Đúng là những trải nghiệm trước đây có thể đã định hình nên con người của chúng ta ở hiện tại, nhưng bạn không cần thiết phải để chúng quyết định số phận của mình.
Chúng ta có khả năng “viết lại” câu chuyện cuộc đời và lựa chọn một hướng đi khác.
Câu chuyện của cậu có thể không có một khởi đầu hạnh phúc, nhưng điều đó không quyết định con người của cậu. Đó là phần còn lại của câu chuyện – cậu sẽ chọn trở thành ai.
Soothsayer – Kungfu Panda 2
Ý nghĩa cuộc sống
Đọc thêm: 22 câu chuyện thành công – Bài học về sự nỗ lực
Lập trường triết học cứng nhắc
Tôi có lần từng bắt gặp một phép so sánh vô cùng thú vị giữa khoa học và triết học như sau: nếu như khoa học có thể chỉ cho chúng ta cách chế tạo ra bom hạt nhân, thì triết học lại đặt câu hỏi rằng liệu có nên làm những điều như vậy ngay từ ban đầu không.
Từ quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy phép so sánh này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một lập trường triết học toàn diện. Nếu như hầu hết mọi người có xu hướng coi triết học là cái gì đó “xa lạ”, hàn lâm hay trừu tượng, thì tôi lại tin rằng nó thực sự là một lĩnh vực gần gũi, “đụng chạm” đến mọi khía cạnh của đời sống. Từ những quyết định hàng ngày đến những niềm tin căn bản nhất.
Một triết lý cá nhân toàn diện, được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn; trong khi đó, một triết lý cứng nhắc sẽ dẫn tới tác dụng hoàn toàn ngược lại.
Tôi xin được đưa ra một ví dụ về trải nghiệm của riêng tôi như sau. Trước đây, ảnh hưởng của sự giáo dưỡng trong một môi trường Công giáo bảo thủ khiến tôi có cái nhìn rất “cứng nhắc” về cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tâm linh và đạo đức. Bị ám ảnh bởi các học thuyết như thiên đường-địa ngục và sự công chính, tôi rất hay phán xét và khó thể hiện lòng trắc ẩn với người khác – bao gồm cả những người khác tín ngưỡng và những người mà tôi coi là “đạo đức giả”.
Vào thời điểm tôi nghỉ việc ở công ty thứ ba, sự cứng nhắc trong quan điểm này – cộng với nhiều tác nhân khác – khiến tôi đánh mất hoàn toàn cảm thức về ý nghĩa. Cảm thấy tức giận và thất vọng, tôi đã đi đến nhiều quyết định nông nổi.
Tôi tự tách rời khỏi đức tin của mình và ngừng đi nhà thờ. Giống như C. S. Lewis thời trẻ, tôi đã đánh mất mối dây kết nối với mọi thứ thuộc về tâm linh.
Ở nơi làm, tôi hành động như một “xác ướp” và chỉ làm những gì được bảo. Tôi chẳng quan tâm gì đến đồng nghiệp, và chỉ nghĩ đến công việc như một cách duy trì cuộc sống. Không hơn, không kém.
Và tôi trở nên mệt mỏi và hoài nghi với bất kỳ ai hay đưa ra lời khuyên về đạo đức (vd: linh mục, nhà sư, giáo viên, coach, nhà tâm lý học, v.v…). Không phải là tôi ghét hay khinh thường những điều họ nói; tôi chỉ đơn giản hoài nghi về tính xác thực cũng như động cơ thực sự của họ.
Tóm lại, tôi trở thành một kẻ “phản loạn” và mất kết nối với “ánh sáng”. Với ý nghĩa cuộc sống.
Trớ trêu thay, chính một Phật tử (cố vấn tâm linh của tôi) đã đưa “đứa con hoang đàng” này trở về và giúp tôi vực dậy niềm tin vào nhân loại. Qua những chia sẻ của anh, tôi đã học được nhiều bài học triết lý quý giá như:
- Đừng “thần tượng hóa” bất kỳ ai
- Hãy hiểu rằng giá trị của tôi đến từ bên trong
- Hãy học hỏi từ lời dạy của người khác mà không bắt chước khuyết điểm của họ.
- v.v…
Theo thời gian, tôi dần dần hình thành một thế giới quan rộng mở và nhân ái hơn. Tôi nhận ra rằng trước đây, tôi (cũng như những người hàng xóm bảo thủ của tôi) không được tiếp xúc nhiều với “người ngoài” – đó là lý do gây ra những vấn đề hiện giờ của tôi.
May mắn thay, tầm nhìn của tôi đã được mở rộng, nhờ sự giúp đỡ của người cố vấn (và cũng nhờ tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật như “Cuộc đời của Pi” và bộ phim “Thinh lặng” – Silence của Scorsese).
…
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình để minh họa cho tầm quan trọng của việc có một triết lý cá nhân đúng đắn. Không phải là tuân thủ máy móc theo một giáo lý hay học thuyết cụ thể nào – trọng tâm ở đây là thực hành một cách tiếp cận hài hòa với cuộc sống. Chúng ta cần hướng tới một sự cân bằng tinh tế: tránh rơi vào các thái cực của cách nhìn duy ý chí, chủ nghĩa tiêu dùng hay khổ hạnh quá mức – đồng thời vẫn theo đuổi kiến thức và chân lý.
Đây là điều đã được phản ánh trong các giáo lý như Trung đạo của Phật giáo: tránh các quan điểm cực đoan, vì rằng chúng hiếm khi dẫn đến sự mãn nguyện hay giải thoát. Xét cho cùng, hầu hết các cuộc tranh luận không hồi kết của chúng ta đều xoay quanh các câu hỏi vượt quá khả năng hiểu biết của nhân loại và thời đại.
Vào thế kỷ 18, triết gia Immanuel Kant đã thảo luận về một vấn đề được ông gọi là “nghịch lý của lý tính thuần túy” (antinomy of pure reason). Theo ông, con người, trong nỗ lực áp dụng logic thông thường để diễn giải bản chất của thực tại (bao gồm cả những vấn đề nằm ngoài trải nghiệm của chúng ta), đã bị mắc kẹt trong một vòng xoáy các nghịch lý như sau:
- Sự hữu hạn hay vô hạn của thế giới
- Luận đề: Thế giới có một điểm khởi đầu và bị giới hạn về không gian.
- Phản đề: Thế giới không có điểm khởi đầu về thời gian và vô hạn về không gian.
- Sự phân chia của vật chất
- Luận đề: Mọi vật chất trên thế giới đều được cấu thành từ các thành phần đơn giản.
- Phản đề: Không có chất tổng hợp nào trên thế giới được tạo thành từ các thành phần đơn giản; đúng hơn, mọi thứ đều có thể chia nhỏ vô hạn.
- Nhân quả và Tự do
- Luận đề: Nhân quả theo quy luật tự nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới các sự kiện trên thế giới; ý chí tự do cũng đóng vai trò trong đó.
- Phản đề: Không có tự do; mọi sự kiện trên thế giới đều diễn ra hoàn toàn theo quy luật tự nhiên.
- Sự tồn tại của Thượng đế
- Luận đề: Cần có một thực thể tất yếu là nguồn gốc của vạn vật.
- Phản đề: Không cần có một thực thể tất yếu nào đóng vai trò là nguồn gốc của vạn vật.
Đây là những cặp nghịch lý có vẻ mâu thuẫn – nhưng đều có giá trị như nhau. Là người phàm, chúng ta chỉ có thể biết thế giới như nó thể hiện ra với chúng ta (hiện tượng), chứ không phải như nó thực sự là (noumena). Do đó, cả hai mặt của mỗi nghịch lý đều có giá trị và không có giá trị như nhau cùng một lúc; và việc tranh luận rằng bên này đúng, bên kia sai chỉ là một nỗ lực vô ích.
Lẽ dĩ nhiên, tranh luận là rất quan trọng (suy cho cùng, đó là bản chất của triết học), song tôi tin rằng mục đích của nó là để mở rộng tầm nhìn và qua đó nuôi dưỡng lòng trắc ẩn – KHÔNG phải để khuyến khích thái độ thù địch hay căm ghét (đáng buồn thay, đây là điều mà sai lầm mà con người thường xuyên phạm phải, vì những lý do như bản ngã hay yếu tố chính trị; chính nó cũng là nguyên nhân gây phát sinh vô số “cuộc thánh chiến” trong quá khứ).
Suy cho cùng, mục đích của tranh luận là để chúng ta bước tiếp về tương lai trong “ánh sáng”, chứ không phải trong “bóng tối”. Trong hiểu biết, không phải vô minh.
Như đã đề cập ở phần trước, tôi không thể khẳng định chắc chắn về việc tôi đến từ đâu – liệu rằng tôi có phải là kết quả do sự sáng tạo của Thượng đế, tái sinh từ một “người vô danh” trong quá khứ, một sự kiện vũ trụ ngẫu nhiên hay một điều gì đó hoàn toàn khác. Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn một điều: quá khứ thì không thể thay đổi.
Ý nghĩa cuộc sống không nằm ở việc nhìn về phía sau, mà là hướng về phía trước – bao gồm cả hiện tại và tương lai.
Một nhân sinh quan cứng nhắc sẽ chỉ khiến ta quên tập trung sống một cuộc sống có giá trị và hài hòa. Triết học Phật giáo đã từng minh họa vấn đề này qua Dụ ngôn về mũi tên tẩm độc: nếu ai đó bị bắn trúng bởi một mũi tên tẩm độc, ưu tiên hàng đầu của họ là nhổ mũi tên, chứ không phải điều tra xem ai đã bắn nó, mũi tên đó được làm bằng loại gì, v.v…
Chúng ta không nên quá chú trọng vào chân lý tối hậu mà bỏ bê cuộc sống thực tế hoặc phán xét những người có quan điểm khác biệt. Mọi sự trong đời đều là tạm thời; cuối cùng, tất cả rồi sẽ qua đi.
Cha tôi từng nói, mỗi người chúng ta đều có mặt sáng và mặt tối – giống như chiếc tủ lạnh lạnh ở phía trước và nóng ở phía sau. Đó là một phần bản tính con người. Do đó, chúng ta nên tập trung vào việc hoàn thiện bản thân và thực hành buông bỏ – tránh rơi vào cạm bẫy của cực đoan, tham lam và “tôn thờ thần tượng” quá mức.
Cho dù thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, thì bạn vẫn phải tìm cách giải thoát chính mình.
Thích Ca
Đồng thời, tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: buông bỏ không có nghĩa là QUÁ ÁM ẢNH về việc đạt tới trạng thái không bám chấp (điều này, suy cho cùng, cũng chỉ là một dạng bám chấp khác). Thay vào đó, chúng ta cần học cách chấp nhận khoảnh khắc hiện tại, bao gồm cả những khiếm khuyết và bất toàn của nó.
Đừng tìm kiếm sự bình yên. Đừng tìm kiếm bất kỳ trạng thái nào khác ngoài trạng thái hiện tại của bạn; nếu không, bạn sẽ rơi vào xung đột nội tâm và sự kháng cự vô thức. Hãy tha thứ cho bản thân vì không được bình yên. Chính khoảnh khắc bạn hoàn toàn chấp nhận tình trạng bất an của mình, sự bất an của bạn sẽ được chuyển hóa thành bình an.
Eckhart Tolle
Chủ nghĩa thoát ly
Trong bộ phim “Ikiru”, nhân vật chính Kanji Watanabe, sau khi biết rằng mình chỉ còn 6 tháng để sống, đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng và khủng hoảng hiện sinh sâu sắc. Ông bị mắc kẹt trong một trạng thái kinh hoàng: một mặt, ông khao khát được sống thực sự – nhưng mặt khác, ông đã quá quen với việc “chết” ngay khi vẫn còn sống.
Trong nhiều năm, ông chỉ tập trung vào việc kiếm tiền. Và bây giờ, ông không biết phải làm gì với số tiền tiết kiệm 10 năm của mình – giờ đã trở nên thật vô nghĩa trước cái chết đang kéo đến.
Watanabe sau đó gặp một tiểu thuyết gia và nhờ anh ta chỉ cho cách sử dụng tiền. Cách để “sống” – ngay cả khi chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Hai người đã cùng nhau trải qua một buổi tối đầy hỗn loạn – đi đến hộp đêm, đánh bạc, gặp gái mại dâm, hát những bài ca về sự ngắn ngủi của cuộc sống.
Và than ôi! Đêm buông thả kết thúc bằng một bãi nôn của Watanabe trên đường về nhà. Chính khoảnh khắc đó, ông nhận ra rằng thú vui khoái lạc không giúp ông thoát khỏi số phận hay sự tồn tại trống rỗng của mình. Cái chết, một ngày nào đó, vẫn sẽ đến với ông!
Uống loại rượu sake đắt tiền này cũng giống như tự uống thuốc độc để trả thù chính mình vì cách tôi đã sống suốt những năm qua.
Akira Kurosawa – “Ikiru”
Ý nghĩa cuộc sống
Hãy thử ngẫm mà xem. Bạn đã từng bao giờ hành động theo cách tương tự chưa – tìm đến lạc thú để chạy trốn khỏi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống?
Khi cảm thấy bất mãn, chán nản hoặc lạc lõng, chúng ta thường tìm kiếm một nguồn gây xao lãng bên ngoài – một mục tiêu mới, một hoạt động thú vị, hoặc đơn giản là đắm chìm trong những thú vui như chơi game, cà phê, rượu chè, hoặc những trải nghiệm giác quan khác. Những thứ này mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn tức thời – một sự giải thoát tạm thời khỏi những đau khổ hiện tại.
Trong thế giới hối hả, trọng vật chất như ngày nay, các chuẩn mực xã hội cũng như hoạt động quảng cáo đều khuyến khích lối sống tiêu dùng và hưởng thụ liên tục, xem đó là con đường dẫn đến hạnh phúc. Kết quả là, chúng ta bị áp lực phải “buông thả” theo để không bị “tách biệt”, để thể hiện hình ảnh của một người thành công và có địa vị – trong khi lại từ bỏ việc tìm kiếm những mục đích sâu xa hơn.
Trớ trêu thay, thoát ly và chạy trốn chỉ khiến chúng ta rơi vào ảo tưởng. Khi những khoảnh khắc thỏa mãn chốc lát đó trôi qua, cuối cùng những gì còn lại chỉ là một khoảng trống trong tâm hồn.
Làm sao có thể như vậy được? Nguyên nhân vì đâu?
Theo nghiên cứu cũng như trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng chúng ta có thể quy về những nguyên nhân chính như sau:
- Giải tỏa tạm thời: Thường thì những thú vui khoái lạc chỉ giúp ta tạm thời quên đi cảm xúc tiêu cực, nhưng chúng không hề đụng chạm tới nguyên nhân sâu xa đằng sau. Ví dụ, chơi điện tử có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy khá hơn sau khi trượt kỳ thi, nhưng lại không giải quyết được vấn đề học tập ở trường của nó. Hoặc, ta có thể uống cà phê để tạm thời tăng cường năng lượng; tuy nhiên, cà phê chỉ là nguồn “doping” tạm thời, trong khi tình trạng mệt mỏi hoặc căng thẳng – nguyên nhân thực sự khiến ta tụt năng lượng – thì vẫn còn đó.
- Tránh né: Suy cho cùng, chủ nghĩa thoát ly chỉ đơn thuần là một hình thức tránh né, một “lời nói dối cuộc đời”. Chúng ta sử dụng sự xao lãng để tránh phải đối mặt với những cảm xúc khó chịu hoặc những tình huống không mong muốn. Điều này, vô hình chung, chỉ ngăn cản ta trực tiếp đối mặt với thực tại, học hỏi từ kinh nghiệm cũ và tìm ra những giải pháp lâu dài.
- Cạn kiệt năng lượng: Khoái lạc quá mức làm cạn kiệt năng lượng thể chất và tinh thần; hệ quả là ta cảm thấy kiệt sức và giảm bớt khả năng đối phó với những thách thức của cuộc sống.
- Hiệu suất giảm dần: Theo Quy luật hiệu suất giảm dần (Law of Diminishing Return), thói quen buông thả lặp đi lặp lại sẽ làm não bộ mất đi sự nhạy cảm với “phần thưởng”; càng về sau, ta càng mong muốn những kích thích mãnh liệt hơn để đạt được cùng một mức độ thỏa mãn. Nói cách khác, nó tạo ra một chu kỳ chạy theo khoái lạc ngày càng lớn. Theo thời gian, chúng ta trở nên phụ thuộc vào những thú vui thoáng qua để thoát khỏi các vấn đề của bản thân; và cảm giác trống rỗng và bất mãn cũng chỉ theo đó mà gia tăng theo.
- Nhu cầu không được đáp ứng: Cuối cùng, thất bại của chủ nghĩa thoát ly nằm ở chỗ nó không giải quyết được những nhu cầu sâu sắc hơn của con người – nhu cầu được kết nối với bản thân, tha nhân và thế giới xung quanh.
Như bạn thấy đấy, nhiều người thường “ngộ nhận” rằng sống buông thả đồng nghĩa với một cuộc sống viên mãn. Tuy không hẳn là không nên thử nghiệm hoàn toàn, cảm thức ý nghĩa thực sự chỉ đến khi ta đạt được sự cân bằng trong trải nghiệm sống – cả vui thú lẫn khó khăn.
Chính khi dám đối mặt với thử thách, vượt qua trở ngại và đóng góp vào điều gì đó vượt lên bản ngã, chúng ta sẽ đồng thời khám phá ra mục đích thực sự và sống một cuộc sống đích thực.
Vì sao không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống
Đi tìm lẽ sống: Bí quyết sống cuộc đời ý nghĩa
Dành thời gian tự suy ngẫm
Những gì nằm sau lưng và trước mắt chúng ta thì chẳng là gì so với những gì nằm bên trong chính ta.
Ralph Waldo Emerson
Khám phá ý nghĩa cuộc sống bắt đầu bằng việc nhìn vào bên trong nội tâm. Đơn giản như vậy thôi, vậy mà đây là bước phần lớn mọi người đều gặp thất bại – tệ hơn, nhiều người thậm chí không đủ can đảm để dám thử nghiệm.
Tự phản ánh không chỉ là suy nghĩ về những gì xảy ra trong ngày; bạn còn phải xem xét lại tình trạng hiện tại, suy ngẫm về những định kiến đã định hình cuộc sống của bạn cho đến nay, để cuối cùng kết nối với bản thể sâu thẳm bên trong.
Bước đầu tiên, hãy tự vấn bản thân: “Tôi đang ở đâu ngay hiện tại?”. Hãy dành thời gian để đánh giá các khía cạnh của cuộc sống như:
- Sự nghiệp: Tôi có thỏa mãn với công việc của mình không? Nó có phù hợp với các giá trị của tôi không? Hay tôi chỉ đang làm mọi thứ theo thói quen?
- Mối quan hệ: Các mối quan hệ của tôi có sâu sắc và tương hỗ nhau không? Hay đang có những xung đột hoặc mất kết nối mà tôi không để ý?
- Phát triển bản thân: Tôi có đang tích cực học hỏi và phát triển mỗi ngày không? Hay tôi đang sống trì trệ như một “xác ướp”?
Quá trình phản tỉnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và sẵn sàng đối mặt với những sự thật không mấy dễ chịu về bản thân. Thường thì, tâm trí chúng ta sẽ nghĩ ra những “câu chuyện” để bảo vệ bản thân khỏi phải chấp nhận thực tế khó khăn. Ví dụ, bạn có thể cho rằng thành công về mặt tài chính đồng nghĩa với hạnh phúc, chỉ để nhận ra khi suy ngẫm sâu hơn rằng nó khiến bạn cảm thấy trống rỗng bên trong. Hoặc, bạn có thể tin rằng mình cần làm hài lòng người khác để được công nhận, trong khi thực tế, nó chỉ dẫn đến sự oán giận và khiến bạn đánh mất chính mình. Thời gian và sự trung thực là rất cần thiết để có thể phá bỏ những “ảo tưởng” này và lắng nghe tiếng thì thầm của tâm hồn.
Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản (vd: Tôi biết ơn điều gì trong hôm nay? Tôi giỏi điều gì? Nỗi sợ của tôi là gì?). Khi cảm thấy thoải mái hơn với việc tự vấn, bạn có thể bắt đầu thử thách bản thân bằng những chủ đề sâu sắc, hiện sinh hơn như:
- Tôi là ai? Nói cách khác, nó đề cập đến bản thể cá nhân – bao gồm rất nhiều đặc điểm khác ngoài công việc hay địa vị đơn thuần. Niềm tin, giá trị và động lực cốt lõi của bạn là gì? Bạn có thể trả lời câu hỏi này bằng cách suy nghĩ xem sẽ như thế nào nếu bạn mất hết tất cả mọi thứ – công việc, tài sản, các mối quan hệ, v.v…
- Tôi đến từ đâu? Không chỉ dừng lại ở nguồn gốc xuất thân hay trải nghiệm quá khứ, trọng tâm ở đây là đánh giá lại niềm tin tâm linh và tư tưởng triết học của bạn, cách riêng ở phương diện nguồn gốc của sự sống và vũ trụ.
- Tôi đang đi về đâu? Hãy nghĩ về mục đích và phương hướng sống của bạn. Bạn muốn đạt được điều gì? Bạn muốn để lại di sản gì? Con người lý tưởng của bạn trong tương lai sẽ như thế nào, và bạn cần thực hiện những bước nào để hiện thực hóa con người đó?
Phần lớn thời gian, lời giải cho những câu hỏi về bản thân ở trên đây nằm ngoài phạm vi của tiềm thức; vì vậy, bạn có thể cân nhắc thực hành những phương pháp hỗ trợ sau:
- Viết nhật ký: Thường xuyên ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, một cách vô tư nhất có thể. Trong quá trình này, hãy cố gắng nhận ra các chủ đề và thói quen/ suy nghĩ thường lặp đi lặp lại.
- Tỉnh thức: Tỉnh thức bắt đầu từ việc thực hiện các hoạt động giúp tâm trí tĩnh lặng và kết nối với hiện tại. Hãy dành thời gian ở một mình mỗi ngày, dù là đi bộ ngoài trời hay vài phút thinh lặng trong góc nhà, để “ngắt kết nối” khỏi những phiền não bên ngoài và bước vào thế giới nội tâm. Bên cạnh đó, các hoạt động chánh niệm như thiền, yoga, Thái Cực Quyền cũng rất đáng cân nhắc. Như các nghiên cứu đã chỉ ra, những hoạt động này có thể dẫn đến những thay đổi về cấu trúc não bộ, góp phần tăng cường nhận thức về bản thân, sự đồng cảm và cảm giác khỏe mạnh.
- Chủ động tưởng tượng (Active Imagination): Đây là kỹ thuật do nhà tâm lý học Carl Jung đề xuất, theo đó, bạn sẽ tham gia đối thoại với hình ảnh hoặc nhân vật xuất hiện trong trí tưởng tượng của mình – để qua đó đào sâu vào các tầng của tiềm thức.
- Liệt kê giá trị: Hãy ghi chép lại những khoảnh khắc trong đời khi bạn cảm thấy thực sự viên mãn, sau đó cố gắng xác định các giá trị được thể hiện trong những khoảnh khắc đó. Hoặc, bạn cũng có thể thử tưởng tượng ra nội dung bài điếu văn của mình, xem thử coi liệu bạn muốn mọi người nói gì về mình.
Tâm trí vô thức luôn thích giải quyết vấn đề, vì chúng mang lại cho bạn một dạng bản sắc nào đó.
Eckhart Tolle
Đồng điệu với “rung động” (hadō) cá nhân
Hadō là năng lượng tinh tế tồn tại trong mọi vật.
Masaru Emoto
Bạn đã bao giờ cảm thấy mối liên hệ sâu sắc với một thứ gì đó – một hoạt động, một địa điểm, hoặc thậm chí là một cá nhân – khiến bạn cảm thấy như đang sống thực sự chưa?
Cảm giác này, sự cộng hưởng từ bên trong này, là thứ mà chúng ta gọi là hadō (波動) – một dạng năng lượng/ rung động tinh tế tuôn chảy trong vạn vật.
Mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo thành từ năng lượng rung động ở một tần số cụ thể. Suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta cũng có những rung động riêng biệt (hadō). Ý tưởng về sự cộng hưởng bên trong này cũng tương tự như cơ chế Luật hấp dẫn – khi đồng điệu với bản thể thực sự của mình, chúng ta đồng thời thu hút những trải nghiệm và cơ hội phù hợp với các giá trị và mong muốn sâu sắc nhất của mình.
Đồng điệu với hadō cá nhân có nghĩa là xác định điều gì thực sự cộng hưởng với bạn, điều gì mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc sâu sắc, ngây thơ – một cảm giác mà tất cả chúng ta đều từng trải qua vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống (đặc biệt là thời thơ ấu). Đây là một dấu chỉ rất đáng tin cậy về bản thể thực sự của bạn.
Điều quan trọng là phải phân biệt hadō với những thú vui khoái lạc thoáng qua. Mặc dù những thú vui nhất thời, như Sigmund Freud gợi ý, có thể góp phần vào cảm thức ý nghĩa, nhưng chúng không nên đóng vai trò trọng tâm chính.
Các hoạt động như lướt mạng xã hội liên tục hay chơi điện tử có thể tạo ra sự xao nhãng tạm thời, nhưng hiếm khi mang lại sự thỏa mãn lâu dài.
Về bản chất, hadō bao hàm trong đó một cảm giác kết nối sâu sắc, một cảm thức về mục đích vượt lên cái tôi hạn hẹp. Nó biểu hiện ra khi bạn trải nghiệm trạng thái viên mãn vượt xa thỏa mãn đơn thuần – dù là thông qua việc tình nguyện dành thời gian cho một sứ mệnh bạn tin tưởng, sáng tạo nghệ thuật hay cố vấn cho người khác.
Hòa nhịp cùng hadō cá nhân có nghĩa là xác định điều gì khiến bạn hoàn toàn đánh mất nhận thức về thời gian, thậm chí là về những nhu cầu cơ bản như ăn uống – những hoạt động khiến bạn hoàn toàn chú tâm, như viết tiểu thuyết, chơi nhạc hoặc đối thoại/ tranh luận về những chủ đề bạn quan tâm. Rất nhiều lần, nó ở ngay trước mắt bạn; chỉ là bạn không nhận ra hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận nó mà thôi.
Ví dụ: Một kỹ sư phần mềm tên A rất tài giỏi, nổi tiếng với trí tuệ sắc bén và khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy. Cô bỗng thấy mình ngày càng bị hấp dẫn bởi khu vườn nhỏ của mình. Cô dành nhiều giờ để chăm sóc cây cối, thử nghiệm các kỹ thuật cắt tỉa mới, và cảm thấy bình yên sâu sắc khi chăm lo cho khu vườn của mình. Và cô nhận ra rằng, mặc dù công việc của mình có kích thích trí tuệ, nhưng nó không khơi dậy niềm đam mê giống như làm vườn. Công việc ươm mầm sự sống tạo ra sự đồng điệu với tâm hồn cô lớn hơn hẳn so với sửa chữa máy móc.
Ý nghĩa cuộc sống
Hòa nhịp cùng hadō cá nhân không phải là điều đơn giản. Tuổi trưởng thành và áp lực cuộc sống hiện đại thường khiến chúng ta đánh mất kết nối với tần số cộng hưởng của mình. Chúng ta bị mắc kẹt trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền và mong muốn nhiều hơn nữa, để rồi dần lãng quên những niềm vui giản đơn từng mang lại nhận thức về bản sắc cho ta.
Để đồng điệu cùng hadō, bạn phải liên kết bản thân với “dòng chảy” tự nhiên của cuộc sống. Theo như chuyên gia tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi đã trình bày, trạng thái “dòng chảy” (flow) được đặc trưng bởi sự tập trung hoàn toàn vào một hoạt động, khi bạn không cảm thấy phải nỗ lực trong điều mình làm, cũng như đánh mất hoàn toàn ý niệm về cái tôi. Nó xảy ra khi ta hoàn toàn “đắm mình” vào một công việc thử thách vừa tầm, đồng thời cũng tận dụng được điểm mạnh của ta.
Khi ở trong trạng thái “dòng chảy”, chúng ta hoàn toàn hòa mình vào công việc. Sự phù hợp giữa việc mình làm và bản thể cốt lõi là cơ sở cho phép ta khai thác trọn vẹn tiềm năng của bản thân.
Thay vì liên tục cố gắng khắc phục nhược điểm hoặc tuân theo kỳ vọng xã hội, bạn nên tập trung vào thế mạnh và những gì thực sự quan trọng với bạn. Lý do rất đơn giản: nếu bạn thực sự thích một điều gì đó, bạn sẽ có nhiều khả năng phát triển xuất sắc hơn trong việc đó.
Bằng cách xác định thế mạnh cốt lõi và hướng năng lượng vào đó, bạn sẽ cộng hưởng với “rung động” thực sự của mình và bước đầu kết nối với cảm giác hạnh phúc ngây thơ.
Nói thì dễ hơn làm. Một trở ngại thường gặp trong quá trình này là thói quen tư duy có điều kiện. Chúng ta đặt ra các điều kiện cho hạnh phúc dựa trên các yếu tố bên ngoài (vd: giàu có, danh tiếng, hoặc những thú vui thoáng qua). Chúng ta tin rằng, “Nếu tôi có X, thì tôi sẽ hạnh phúc.”
Cách tiếp cận này về bản chất là sai lầm – vì nó tìm kiếm hạnh phúc vô hạn trong những thứ hữu hạn và luôn thay đổi (vô thường). Cuối cùng, nó khiến ta đi đến những quyết định không chân thực. Ví dụ, một người có niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật có thể chọn một công việc văn phòng ổn định nhưng không thỏa mãn do áp lực xã hội hoặc sợ thiếu ổn định tài chính.
Chúng ta cần nhận thức và tôn vinh tiếng nói bên trong, ngay cả khi nó đi chệch khỏi chuẩn mực xã hội. Đây là điều mà tác giả Ken Mogi đã phân tích trong tác phẩm về Ikigai của mình – khi ông đề cập đến ngành công nghiệp anime của Nhật Bản. Như ông chỉ ra, có một thực tế mà mọi người thường không biết, đó là phần lớn những ai làm việc trong ngành này đều không có mức lương cao.
Tuy nhiên, nhiều người Nhật – được thúc đẩy bởi sự rung động bên trong, sự đồng cảm sâu sắc với tiếng gọi sáng tạo của họ – vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê sáng tạo anime, thay vì lựa chọn những nghề nghiệp truyền thống được trả lương cao hơn.
Đây là một ví dụ điển hình về việc hòa nhịp cùng hadō cá nhân – và dám từ bỏ các chuẩn mực. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt tới niềm vui lâu dài trong những gì mình làm mỗi ngày.
Một nhạc sĩ phải sáng tác nhạc, một họa sĩ phải vẽ, một nhà thơ phải viết, nếu anh ta muốn được bình yên với chính mình. Những gì một người có thể trở thành, thì anh ta phải trở thành.
Abraham Maslow
Ý nghĩa cuộc sống
Thử nghiệm
Đừng chỉ ngồi đó và lang thang vô định trong cuộc sống. Hãy chọn một con đường. Và hãy ý thức rằng, con đường có thể thay đổi; điều đó không sao cả. Ít nhất thì bạn cũng đang đi về đâu đó. Nếu con đường đó đúng thì chúc mừng bạn! Nếu không, hãy thay đổi nó. Ít nhất thì bạn cũng có một con đường.
Marshall Goldsmith
Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống không phải là một quá trình thụ động. Nó đòi hỏi ta phải hành động, khám phá và sẵn sàng đón nhận những điều chưa biết. Bạn phải dấn thân vào cuộc hành trình, ngay cả khi đích đến vẫn chưa rõ ràng.
Chìa khóa ở đây là dám thử nghiệm những hướng đi khác nhau và xem coi chúng sẽ dẫn bạn đến đâu, mà không sợ thất bại hoặc “lãng phí” thời gian. Xét cho cùng, chúng ta không thể biết chắc là mình sẽ sống được bao lâu, vậy tại sao không sử dụng thời gian bạn có để khám phá những tiềm năng và cơ hội trong đời này? Tại sao chúng ta lại quá ám ảnh với ý tưởng “lãng phí” thời gian, đến mức cuối cùng chúng ta thực sự “lãng phí” nó và từ chối hành động?
Cũng cần lưu ý, trong nhiều trường hợp, nhận thức về “Đạo” có thể đến từ những nguồn không ngờ tới. Việc tham gia vào các hoạt động bên ngoài thói quen thường nhật, chẳng hạn như làm tình nguyện hoặc theo đuổi sở thích, có thể tiết lộ những khía cạnh ẩn giấu trong tính cách, giúp bạn đi đến những phát hiện mới mẻ về hệ giá trị và đam mê của mình.
Ví dụ, một người làm tình nguyện tại trại cứu hộ động vật có thể khám phá ra bản thân có sự đồng cảm sâu sắc và niềm đam mê đối với việc bảo vệ quyền lợi động vật. Điều này thúc đẩy anh ta theo đuổi một sự nghiệp liên quan đến chăm sóc động vật, hoặc đơn giản là đưa hoạt động bảo vệ động vật vào cuộc sống của mình.
Tương tự như vậy, người học hội họa có thể khám phá ra nhu cầu thể hiện sáng tạo, từ đó mở ra con đường mới cho việc tự khám phá và hoàn thiện bản thân.
Điều quan trọng là phải luôn cởi mở với những trải nghiệm mới và không bao giờ ngừng tự hỏi điều gì thực sự phù hợp với bạn.
Ý nghĩa cuộc sống
Một khía cạnh quan trọng của thử nghiệm là không bám chấp. Điều này không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu hoặc không quan tâm đến kết quả. Đúng hơn, nó có nghĩa là không quá bám víu vào một đích đến hoặc bản sắc “bất biến”. Bởi khi đó, chúng ta sẽ hình thành thái độ kháng lại sự thay đổi và bỏ lỡ cơ hội học hỏi điều mới. Thay vì tập trung khám phá và trải nghiệm, chúng ta sẽ dễ rơi vào cạm bẫy định nghĩa bản thân trên cơ sở thành công và thất bại.
Sau đây là một số ví dụ về cách áp dụng nguyên tắc này trong thực tế.
- Sự nghiệp: Bạn có thể đã bắt đầu con đường sự nghiệp theo một hướng cụ thể, chỉ để nhận ra sau một thời gian rằng nó không phù hợp với bạn. Không bám chấp có nghĩa là sẵn sàng thay đổi hướng đi, ngay cả khi nó có nghĩa là bắt đầu lại từ đầu. Đó là khi bạn quý trọng trải nghiệm đã có được và sử dụng nó để hướng dẫn các bước đi tiếp theo, thay vì bị ám ảnh bởi suy nghĩ mình đã “phí hoài” bao nhiêu năm qua.
- Mối quan hệ: Giả như có một mối quan hệ mà bạn đã đầu tư nhiều thời gian và công sức vào đó, để rồi cuối cùng lại “đổ bể”. Khi đó, hãy chấp nhận thực tế mà không cảm thấy cay đắng hay hối tiếc. Sau cùng, mối quan hệ đó đã hoàn thành mục đích của nó – và đây là lúc để những cơ hội kết bạn mới xuất hiện.
- Sở thích & mối quan tâm: Bạn có thể thử nghiệm với một sở thích như học nhạc cụ, chỉ để phát hiện ra rằng bạn không thích nó như bạn nghĩ. Không bám chấp có nghĩa là chấp nhận gạt nó sang một bên và chuyển sang cái gì đó khác, thay vì cho rằng bạn là kẻ thất bại hoặc đã lãng phí thời gian. Bản thân hành động cố gắng đã rất đáng khen ngợi.
- Niềm tin và ý tưởng: Cùng với quá trình học hỏi và trưởng thành, niềm tin và quan điểm của chúng ta tự nhiên cũng sẽ biến đổi theo. Vì vậy, chúng ta cần luôn cởi mở với việc thay đổi suy nghĩ, bao gồm cả những niềm tin sâu sắc nhất. Nói cách khác, chúng ta cần coi trọng sự thật và tri thức hơn là muốn mình luôn luôn “đúng”.
Bất kỳ hành động nào cũng tốt hơn là không làm gì cả, đặc biệt nếu bạn đã mắc kẹt trong một tình huống không vui suốt thời gian dài. Nếu hành động đó là sai lầm, ít nhất bạn cũng học được điều gì đó, và khi đó, nó không còn là sai lầm nữa. Nếu bạn cứ để bản thân bị mắc kẹt, thì bạn sẽ không học được gì cả.
Eckhart Tolle
Làm thế nào để tìm ra mục đích sống
Tìm kiếm sự hướng dẫn
Chúng ta không tự mình tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống – chúng ta tìm thấy nó cùng với nhau.
Thomas Merton
Hành trình tìm kiếm “Con đường” (Đạo) của bạn hiếm khi là một hành trình đơn độc. Song song với việc tự phản ánh và thử nghiệm, bạn cũng đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác . Điều này không có nghĩa là từ bỏ quyền tự chủ hoặc mù quáng đi theo con đường của người khác. Đúng hơn, đó là bạn đang cho mình cơ hội tận dụng và học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước/ có chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang khám phá.
Những ai bạn có thể nhờ giúp đỡ:
- Coach và mentor.
- Giáo viên/ thầy dạy tâm linh.
- Bạn bè và gia đình
- v.v…
Khi chọn người hướng dẫn, hãy cân nhắc những yếu tố sau:
- Chuyên môn: Họ có kinh nghiệm hoặc kiến thức liên quan đến lĩnh vực bạn đang tìm kiếm sự hướng dẫn không?
- Giá trị: Giá trị của họ có phù hợp với hệ giá trị của bạn không?
- Tính khách quan: Họ có thể đưa ra lời khuyên và quan điểm khách quan không?
- Lòng tin: Bạn có cảm thấy thoải mái khi tỏ ra cởi mở và trung thực với họ không? Họ có quan tâm đến lợi ích tốt nhất của bạn không?
Sau cùng, quyết định về cuộc sống của bạn phải do bạn đưa ra. Hãy sử dụng những góp ý của bên thứ ba như công cụ định hướng. Hãy lắng nghe và tiếp thu mọi lời khuyên bạn nhận được, suy ngẫm về nó, và rồi đưa ra quyết định của riêng bạn – dựa trên những gì bạn cảm thấy phù hợp.
Cũng giống như thử nghiệm, điều quan trọng là đừng bám chấp vào lời khuyên cụ thể nào. Những gì hiệu quả với người này không nhất thiết sẽ hiệu quả với người khác. Vì vậy, hãy cởi mở với nhiều quan điểm, đồng thời luôn giữ niềm tin vào trực giác và phán đoán của riêng bạn.
Bí quyết sống cuộc đời ý nghĩa
Lưu ý trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống
Đừng chần chừ hay trì hoãn
Xét cho cùng, con người không nên cứ hỏi rằng điều gì là có ý nghĩa cho cuộc sống của mình, mà bản thân anh ta phải là người trả lời câu hỏi đó. Nói cách khác, cuộc sống luôn đặt câu hỏi cho mỗi người, và con người chỉ có thể trả lời thông qua chính cuộc sống riêng của mình; trả lời bằng thái độ sống có trách nhiệm.
Viktor E. Frankl
Ý tưởng ở đây rất đơn giản: chúng ta cần chuyển trọng tâm từ việc thụ động tìm kiếm một mục đích được định sẵn sang chủ động phản ứng với những đòi hỏi liên tục của cuộc sống. Trong mỗi khoảnh khắc, chúng ta đều bị cuộc sống chất vấn, và câu trả lời của chúng ta nằm ở cách chúng ta sống ra sao.
Tuy rằng có thể sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời “tối thượng” về ý nghĩa cuộc sống, song chính hành động tìm kiếm, liên tục đặt câu hỏi sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự giác ngộ thực sự.
Nó cũng giống như khi bạn tìm kiếm một món đồ bị thất lạc trong một căn phòng tối. Ngay cả khi bạn không tìm thấy nó ngay lập tức, mỗi cái chạm tay, mỗi bước bạn đi sẽ giúp bạn biết được phương hướng cần kiểm tra và đến gần hơn với món đồ ấy.
Điều tương tự cũng đúng với hành trình đi tìm “lẽ sống”.
Nhắc đến đây, tôi chợt nhớ từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một đêm nọ, khi một nhóm những người du mục đang chuẩn bị đi ngủ, thình lình họ nhìn thấy một vầng sáng lớn xuất hiện. Ngay lập tức, họ nhận ra rằng họ đang đứng trước mặt một vị thiên sứ. Trong lòng vô cùng hăm hở, họ chờ đợi sẽ được truyền đạt một thông điệp thiêng liêng và vô cùng quan trọng mà họ tin rằng chỉ dành riêng cho họ.
Cuối cùng giọng nói uy nghiêm của vị thiên sứ vang lên:
“Hãy nhặt những hòn đá sỏi, càng nhiều càng tốt, và cất chúng vào trong túi đeo trên yên ngựa của các ngươi. Vào sáng mai các ngươi sẽ phải khởi hành đi suốt ngày. Tối mai sẽ đem đến cho các ngươi sự vui mừng và sự buồn bã.”
Sáng hôm sau, sau khi đã khởi hành, họ bắt đầu chia sẻ với nhau nỗi thất vọng và bực tức. Họ đã trông chờ vị thiên sứ sẽ truyền đạt một chân lý vĩ đại giúp họ tìm thấy sự giàu có, sức khỏe và ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng thay vào đó, họ chỉ nhận được một công việc tầm thường chẳng có chút ý nghĩa nào. Tuy nhiên hình ảnh về vầng hào quang của vị thiên sứ vẫn còn in đậm trong tâm trí những người du mục, khiến họ làm theo đúng lời dặn. Mỗi người lượm một vài viên sỏi và cất chúng vào trong yên ngựa trong khi miệng vẫn không ngớt đưa ra những lời ca thán.
Họ đi ròng rã một ngày đường, và khi đêm đến, họ dừng lại và hạ trại. Họ thò tay vào trong túi yên ngựa của mình và khám phá ra rằng, mỗi một hòn sỏi họ nhặt được đã biến thành một viên kim cương. Họ cảm thấy vui mừng khôn xiết vì có được những viên kim cương ấy, tuy nhiên lòng không khỏi buồn bã vì đã không nhặt thêm nhiều hòn sỏi hơn.
Một sai lầm phổ biến của nhân loại là khao khát một câu trả lời duy nhất, dứt khoát – nhưng lại bỏ qua tầm quan trọng của những nỗ lực nhỏ, thực hiện nhất quán. Chúng ta phải tập trung vào các “viên sỏi” – những hành động hàng ngày, những bước nhỏ mà bản thân thực hiện – thay vì quá chú tâm vào những “viên kim cương” xa xôi, nằm ngoài tầm với.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Điều tương tự cũng đúng trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
Không phải là tôi thông minh, chỉ là tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu vấn đề hơn thôi.
Albert Einstein
Hãy tưởng tượng “Con đường” của bạn giống như một dòng sông. Tuy có những khúc quanh, phải thay đổi hướng đi khi gặp chướng ngại vật, dòng chảy vẫn liên tục không ngừng. Hành trình cuộc đời của ta cũng như vậy. Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo đường thẳng. Sẽ có những thử thách, đường vòng và những khoảnh khắc bất định. Nhưng chừng nào còn tiếp tục di chuyển và sống, chừng đó chúng ta sẽ còn tiến bộ.
“Con đường” của mỗi cá nhân cũng giống như một hạt giống được gieo trên ruộng; nó cần được nuôi dưỡng thông qua các hoạt động như chánh niệm-tỉnh thức để nảy mầm và phát triển. Thông qua tự vấn, thử nghiệm và tìm kiếm sự hướng dẫn, chúng ta tích lũy những “viên sỏi” mà một ngày nào đó sẽ trở thành kho báu của riêng ta!
Ý nghĩa cuộc sống
Thông thường, sự trì hoãn bắt nguồn từ tình trạng “vô minh” – thiếu nhận thức về tiếng gọi thực sự, điều gì cộng hưởng với “tần số” của mình. Chúng ta bị mắc kẹt trong cạm bẫy của sự tầm thường, bị gánh nặng bởi những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, để rồi đánh mất tầm nhìn về bức tranh tổng thể.
Trong những khoảnh khắc đó, việc ta cần làm là lùi lại một bước và làm theo lời khuyên của Paulo Coelho:
Hãy lắng nghe trái tim cậu. Nó biết tất cả mọi thứ, bởi vì nó đến từ Linh hồn của Thế giới, và một ngày nào đó nó sẽ trở về đó.
Trái tim hay trực giác là cầu nối giữa chúng ta với điều gì đó sâu sắc hơn, một nguồn trí tuệ bên trong – đóng vai trò dẫn dắt ta những lúc lạc lối. Nhiều lần, chúng ta bỏ ngoài tai những lời thì thầm của nó vì cho rằng nó không thực tế hoặc chỉ là ảo tưởng. Tuy nhiên, chính khi bắt đầu lắng nghe nó, chúng ta sẽ được trải nghiệm một cảm thức về mục đích mà bản thân chưa từng hình dung ra trước đây.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác khiến nhiều người chần chừ hành động là bị xung đột bởi quá nhiều tư tưởng triết lý. Như đã đề cập, có những học giả thì tin vào sự tồn tại của một mục đích được định sẵn, trong khi những người khác thì cho rằng ý nghĩa phải do cá nhân tự tạo ra.
Về phần mình, tôi lựa chọn tin tưởng vào vai trò và tiềm năng thay đổi cuộc sống của cá nhân, như J.K. Rowling đã tuyên bố:
Chính sự lựa chọn, không phải tài năng cá nhân, mới quyết định chúng ta là ai.
Chúng ta có khả năng lựa chọn cách phản ứng, định hình con đường của riêng mình, dù cho hoàn cảnh bên ngoài ra sao. Ngay cả khi có một con đường được định sẵn cho ta, nó sẽ chỉ bị “chôn vùi” nếu ta không chủ động tìm kiếm nó. Khi đó, về cơ bản chúng ta đã lãng phí cuộc đời và sứ mệnh của mình.
Ngược lại, ngay cả khi không có mục đích định trước, bản thân hành động tìm kiếm tự nó sẽ tạo ra cảm thức ý nghĩa.
Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho.
Matthew 7:7
Ngay cả khi đối mặt với sự phi lý hay đau khổ của thực tại, chúng ta vẫn có thể thay đổi thực tế thông qua sức mạnh của niềm tin và hành động. Ngay cả khi chưa thể biết chắc chắn mình sẽ đi về đâu, điều quan trọng là phải có niềm tin và dám hành động (“Phúc cho ai không thấy mà tin“).
Nếu bạn không thể bay thì hãy chạy, nếu không thể chạy thì hãy đi, nếu không thể đi thì hãy bò, nhưng dù làm thế nào, bạn cũng phải tiếp tục tiến về phía trước.
Martin Luther King Jr.
Một trong những phương thuốc giải độc mạnh mẽ nhất cho sự lười biếng là giáo dục và học tập liên tục. Như Fukuzawa Yukichi đã nhận định:
Ông trời không sinh ra người đứng trên người, không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả, đều do sự học mà ra.
Bằng cách mở rộng kiến thức, khám phá các góc nhìn khác nhau và hòa mình vào thế giới xung quanh, chúng ta trang bị cho mình những công cụ cần thiết để khám phá ra “con đường” của riêng mình. Đọc các tác phẩm triết học, tham gia đối thoại/ tranh luận hoặc học một kỹ năng mới – tất cả đều mở ra những con đường mới cho tư duy và khám phá bản thân.
Cuối cùng, chìa khóa là hãy làm hết sức mình, tin vào sức mạnh của hành động, và sống trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại. Đó là khi bạn “thấm nhuần” chân lý giản đơn này: chỉ có hiện tại mới quan trọng.
Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là một điều bí ẩn – song ngày hôm nay là một món quà. Đó là lý do tại sao nó được gọi là hiện tại (PRESENT).
Sư phụ Oogway – Kungfu Panda
Ý nghĩa cuộc sống
Đừng ngại xem xét lại các giả định/ thành kiến
Cuộc sống của mỗi người thường được định hướng bởi một tập hợp các giả định về thế giới, bản thân và vị trí của chúng ta trong đó. Những tiền đề này, xuất phát từ ảnh hưởng của niềm tin tâm linh, tôn giáo, văn hóa hoặc thậm chí là quan niệm cá nhân, phần lớn đều đã “ăn sâu” vào tiềm thức và do đó tác động đáng kể đến các quyết định/ hành động của chúng ta.
Vấn đề là, khi đạt đến một số giai đoạn nhất định trong cuộc sống, một số quan niệm cố hữu có thể không còn phục vụ chúng ta nữa. Do đó, điều quan trọng là phải thường xuyên xem xét lại bản thân. Những giả định cứng nhắc (vd: thành công phải gắn liền với sự giàu có về vật chất; hạnh phúc phụ thuộc vào sự công nhận từ người ngoài; hoặc một học thuyết tôn giáo cụ thể là con đường chân lý duy nhất) sẽ chỉ khiến ta bị mắc kẹt trong giới hạn hiện tại của mình.
Một vấn đề lớn mà nhiều người gặp phải là áp dụng lối suy nghĩ “cực đoan”, cho rằng chỉ có mình đúng, còn những quan điểm trái ngược là sai. Khi bám víu vào một tư tưởng duy nhất và từ chối mọi cách nghĩ khác, chúng ta gây ra sự chia rẽ và đánh mất đi cảm thức về “nhân tính” chung; hệ quả là ta không biết thể hiện lòng trắc ẩn và gặp khó khăn trong việc kết nối với một tổng thể lớn hơn – yêu cầu cần thiết để có một cuộc sống đáng sống.
Ví dụ: Tin rằng tôn giáo của mình là con đường chân chính duy nhất sẽ dẫn đến thái độ không khoan dung và bác bỏ các truyền thống tâm linh khác, ngăn cản ta học hỏi từ trí tuệ của họ và nhận ra những điểm chung giữa các tín ngưỡng với nhau.
Trong tác phẩm “Dám hạnh phúc”, tác giả Ichiro Kishimi trình bày một góc nhìn như sau:
Hành trình tìm kiếm chân lý cũng như khi ta đi trên một cây sào vươn dài vào sâu thẳm bóng tối. Nghi ngờ lẽ thường, không ngừng tự đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời, chuyên tâm bước đi trên cây sào kéo dài không biết đến đâu. Trong quá trình đó, đôi lúc chúng ta nghe thấy tiếng nói nội tâm phát ra từ trong bóng tối. Rằng “có đi tiếp cũng chẳng còn gì đâu. Đây là chân lý rồi”.
Và có người sẽ nghe theo tiếng nói nội tâm mà dừng lại, không bước tiếp nữa. Nhảy xuống khỏi cây sào.
Liệu ở đó có chân lý chưa? Tôi không biết. Có thể có, cũng có thể không. Chỉ có điều, tôi gọi hành động dừng bước, nhảy khỏi cây sào ở giữa chừng đó là “tôn giáo“.
Triết học nghĩa là tiếp tục đi mãi. Chẳng cần biết ở đó có Chúa hay không.
Hơn cả một bộ môn học thuật, triết học là một “thái độ” sống. Có lẽ tôn giáo thuyết giảng “mọi điều” dưới danh nghĩa Chúa. Thuyết giảng về đức Chúa toàn tri toàn năng và những lời răn của vị Chúa đó. Đây là quan điểm khác hẳn triết học về bản chất.
Nếu như nhiều tôn giáo thường truyền bá đức tin vào một “chân lý tuyệt đối” – và vì thế có thể khiến nhiều người ngưng đặt câu hỏi và suy ngẫm sâu hơn về thực tại, thì triết học hướng người ta đến việc chấp nhận sự không chắc chắn và không ngừng theo đuổi tri thức.
Suy cho cùng, ngay cả những ai không tuân theo một tôn giáo cụ thể vẫn có thể trở nên “giáo điều” khi tuyên bố rằng họ biết hết mọi thứ và không còn thắc mắc gì nữa. Như Socrates và Khổng Tử đã nhận xét, thái độ như vậy chỉ là một biểu hiện của “vô minh” mà thôi.
Tôi xin phép minh họa quan điểm nêu trên bằng trải nghiệm cá nhân. Sau nhiều năm thực hành đức tin Kitô giáo và suy ngẫm về những câu hỏi nhân sinh, tôi tuyên bố bản thân tin vào sự tồn tại của đời sau và thế giới bản kia – mặc dầu tôi không thực sự chắc chắn về bản chất chính xác của nó. Vì lý do này, tôi giữ thái độ cởi mở với cách giải thích của các truyền thống tín ngưỡng/ phi tín ngưỡng khác, bao gồm cả ý niệm về luân hồi và chuyển sinh.
Trải nghiệm cá nhân khiến tôi cân nhắc đến khả năng này, ngay cả khi nó không phổ biến/ được chấp nhận rộng rãi trong truyền thống tín ngưỡng của tôi.
Mặt khác, tôi vẫn giữ thái độ tôn trọng với những ai thiếu vắng niềm tin vào kiếp sau. Trên thực tế, tôi đã quan sát thấy một số người – tin tưởng rằng cuộc sống chỉ dừng lại ở đời này – đã tích cực đóng góp để tạo ra sự thay đổi trong thế giới hiện tại, thay vì tập trung vào những gì nằm ở “bên kia”.
Tinh thần cống hiến cho thực tại này là điều tôi thực sự ngưỡng mộ.
Quan điểm của tôi ở đây không phải là truyền bá hay bác bỏ đức tin tôn giáo; đúng hơn, tôi khuyến khích bạn hãy áp dụng một cách tiếp cận tinh tế và lý trí, khuyến khích đặt câu hỏi và tự khám phá (thay vì chấp nhận một cách mù quáng những gì người lớn tuổi truyền giảng/ áp đặt lên mình).
Ý nghĩa cuộc sống
Chúng ta cần đánh giá mọi sự vật sự việc với một tâm trí tò mò – ngay cả đối với những thứ tưởng như chẳng đáng gì. Chẳng hạn, đôi khi trong lúc lướt Internet, tôi vẫn hay bắt gặp những bài chia sẻ các câu trích dẫn truyền cảm hứng nói về nhân sinh nói chung – cũng như về việc giúp đỡ người khác.
Tôi nhận thấy những câu nói này thường khiến mọi người (kể cả tôi) cảm thấy phấn khích và muốn tương tác (bấm thích, chia sẻ). Bên cạnh đó, tôi không khỏi thắc mắc: Tại sao như vậy?
Đôi khi, tôi thấy những câu nói đó thực sự rất truyền cảm hứng. Nhưng cũng có lúc, tôi có cảm giác chúng có phần “sáo rỗng” hoặc thậm chí là “thao túng” tâm lý.
Dựa trên thông tin tìm được, tôi cho rằng tác động của các câu nói truyền cảm hứng lên người đọc/ người nghe nằm ở ba điểm chính yếu sau:
- Xác thực: Những trích dẫn nói về trải nghiệm của con người khiến chúng ta cảm thấy được thấu hiểu và xác thực. Việc nhìn thấy suy nghĩ/ cảm xúc của chính mình đ phản ánh trong lời nói của người khác là một trải nghiệm mang đầy tính an ủi.
- Hy vọng và cảm hứng: Các câu nói này thường truyền tải thông điệp về hy vọng, sự bền bỉ và tiềm năng thay đổi tích cực, qua đó góp phần nâng cao tinh thần và truyền động lực cho ta vượt qua thử thách.
- Kết nối với mục đích lớn hơn: Nhiều câu trích dẫn truyền tải thông điệp về lòng vị tha và giúp đỡ người khác, khiến khán giả cảm thấy kết nối với điều gì đó lớn lao hơn bản thân – nền tảng cần thiết cho cảm thức về mục đích.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bản chất hai mặt của nó. Ngôn từ có thể mang đến nguồn động lực và cảm hứng mạnh mẽ, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để thao túng cảm xúc hoặc truyền bá một tư tưởng cực đoan cụ thể. Do đó, điều quan trọng là phải tiếp cận bằng con mắt phản biện – và sử dụng nó như công cụ phản ánh và phát triển cá nhân, thay vì coi những câu từ đó là “chân lý” không thể chối cãi.
Lấy ví dụ, nếu một câu nói nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng vị tha, trước tiên chúng ta nên tự hỏi, lòng vị tha có nghĩa là gì trong thực tế – và nó phù hợp như thế nào với các giá trị và trải nghiệm của riêng ta.
Như Nietzsche đã nói:
Nếu bạn muốn tìm kiếm niềm vui và bình an trong tâm hồn, thì hãy tin; còn nếu bạn muốn tìm kiếm chân lý, thì hãy đặt câu hỏi.
Chúng ta cần phải cân bằng giữa niềm tin và tinh thần học hỏi – khám phá. Tùy thuộc vào nhu cầu và hoàn cảnh cá nhân tại từng thời điểm, bạn hoàn toàn có thể dao động qua lại giữa hai thái cực này.
Có những lúc, chấp nhận những niềm tin phổ quát sẽ cho ta cảm nghiệm sự bình an và ổn định. Tuy nhiên, cũng có những lúc, ta nên chấp nhận đối diện với tình trạng không thoải mái của việc đặt câu hỏi – để có thể nâng cao năng lực hiểu biết của mình.
Chính qua quá trình tự vấn, khám phá và thử nghiệm những góc nhìn mới, chúng ta đồng thời nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với người khác và mở rộng kiến thức của bản thân – cả hai đều là thành phần thiết yếu của một cuộc sống có ý nghĩa.
Điều quan trọng không phải là tự do với nghĩa NĂNG LỰC thoát khỏi hoàn cảnh, mà chính là THÁI ĐỘ tự do trước mọi hoàn cảnh.
Viktor E. Frankl
Ý nghĩa cuộc sống nằm ở các chiều kích của tinh thần & tâm linh
Đáp ứng nhu cầu tinh thần/ tâm linh không phải là một thứ gì đó “xa xỉ”; đó là một phần không thể thiếu của kiếp nhân sinh. Như Abraham Maslow đã nói:
Đời sống tâm linh là một phần của bản thể con người. Đó là đặc điểm xác định bản chất con người, nếu không có nó thì chúng ta không thể là con người trọn vẹn.
Trước đây, Sigmund Freud đã đề xuất rằng, khoái lạc là động lực chính thúc đẩy hành vi của con người. Tuy rằng lý thuyết của ông cũng có điểm đúng và đã được kiểm chứng bởi khoa học thần kinh – đặc biệt qua nghiên cứu về các vùng não như nhân cạp (nucleus accumbens) và vùng trần trước (ventral tegmental area) – nhưng nó không nói lên toàn bộ câu chuyện thực tế.
Theo đuổi khoái lạc và phần thưởng chắc chắn là một phần cấu thành động lực hành vi của con người. Tuy nhiên, khoa học thần kinh cũng đã chứng minh rằng, các hoạt động như lòng vị tha, sáng tạo và kết nối xã hội cũng góp phần kích hoạt các trung tâm khen thưởng. Nói cách khác, ý thức về mục đích không chỉ bắt nguồn từ những trải nghiệm giác quan thoáng qua – mà còn từ những thứ sâu sắc và lâu dài hơn.
Thật không may, ảnh hưởng của các lý thuyết như của Freud, kết hợp với bối cảnh xã hội tiêu dùng phát triển nhanh như hiện nay, đã khiến nhiều người coi khoái lạc mới là ý nghĩa thực sự. Lối sống “YOLO” (Bạn chỉ sống một lần) đã trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt ở thế hệ trẻ; nó biểu hiện ở xu hướng theo đuổi những trải nghiệm hời hợt – những nội dung “câu view” tầm thường, video TikTok vô nghĩa, ảnh chế meme, bài đăng thần tượng, nói xấu trực tuyến, v.v…
Thử nghĩ mà xem. Nếu bạn thấy con cái hoặc người thân tham gia vào những hoạt động như vậy và bỏ bê những thứ có giá trị hơn, liệu bạn có cảm thấy vui lòng không?
Nếu biết rằng mình chỉ còn sống được 6 tháng nữa, bạn có còn dành thời gian quý báu của mình cho những thứ rác rưởi như vậy không?
Quả thực, cuộc sống này quá quý giá để lãng phí vào những thú vui phù du như vậy!
Trong tâm lý học (cũng như nhiều truyền thống tâm linh), có một niềm tin phổ biến rằng, sự sống được cấu thành từ 3 nguyên lý cơ bản: Tâm trí (Mind), Ý thức (Consciousness) và Tư tưởng (Thought). Theo đó, ý nghĩa thực sự của sống nằm ở việc khám phá các chiều kích của ý thức, mở rộng hiểu biết về vũ trụ và kết nối với cái gì đó lớn hơn chính chúng ta. Nói cách khác, nó có nghĩa là ưu tiên sự phát triển tâm linh và cá nhân hơn là tích lũy của cải vật chất.
Của cải vật chất, về bản chất, là “vô thường” và không vĩnh viễn. Chúng ta có thể tìm thấy sự thoải mái tạm thời trong chúng, bám víu vào những thứ quen thuộc như một hình thức tự vệ, nhưng sự bám víu này cuối cùng sẽ dẫn đến đau khổ cho bản thân ta và cả những người xung quanh. Vì vậy, tốt hơn hãy chú ý đến phần tâm hồn, hơn là chỉ “tích trữ kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi“.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh điểm này: tâm linh KHÔNG đồng nghĩa với tôn giáo có tổ chức – vốn chỉ là một trong nhiều con đường thúc đẩy sự phát triển tâm linh.
Như đã thảo luận trong phần chia sẻ về “Đạo”, bạn có thể nghĩ về tôn giáo như một hoạt động cá nhân hơn là một tập hợp các học thuyết cứng nhắc. Lẽ đương nhiên, bạn có thể quyết định theo một đức tin có tổ chức (bản thân tôi tự nhận mình là tín đồ Kitô – một mặt thực hành niềm tin cùa mình, mặt khác tôi cũng cố gắng khám phá các truyền thống như Phật giáo và chủ nghĩa nhân văn để mở rộng và cải thiện thế giới quan của tôi). Thế nhưng, cũng chẳng sao cả nếu bạn nuôi dưỡng đời sống tâm linh mà không trong khuôn khổ tín ngưỡng cụ thể nào.
Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng phát biểu:
Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là lòng tốt.
Bản chất của tâm linh và kiếp nhân sinh chỉ có như vậy: nuôi dưỡng lòng từ bi và thực hành đức hạnh. Đó là ý nghĩa thực sự của việc sống như một con người.
Trong tác phẩm của mình, các tác giả như Ken Mogi và Masaru Emoto đã bàn luận nhiều về Thần đạo (Shinto), tôn giáo bản địa của Nhật Bản. Theo họ, cốt lõi của Thần đạo là nhìn thấy tính thiêng liêng trong vạn vật. Mục đích là sống hòa hợp với thiên nhiên, khiêm nhường và thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả sinh vật, ngay cả những vật vô tri vô giác như chiếc bàn trong phòng, hoặc cái cây mọc bên cạnh nhà.
Bằng cách nhận ra sự hiện diện của “thần linh” (kami) ở khắp nơi, chúng ta đồng thời nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, sự hòa hợp xã hội và ý thức trách nhiệm đối với môi trường.
Sau cùng, hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống chính là để vun đắp tâm hồn – vốn mang trong nó sức mạnh đáng kinh ngạc trong việc định hình thực tại. Như đã thể hiện trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry, một tâm hồn mạnh mẽ có khả năng biến đổi hoàn toàn nhận thức và mang lại cảm thức mạnh mẽ về mục đích. Ngược lại, một trái tim yếu đuối hoặc khép kín sẽ khiến ta cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa, ngay cả khi vẫn còn đang sống.
Việc chăm sóc khía cạnh tâm linh, thực hành lòng từ bi và kết nối với điều gì đó vượt ra ngoài bản ngã hạn hẹp là yêu cầu cần thiết cho một cuộc sống phong phú thực sự.
Nuôi dưỡng ý thức cộng đồng
Con người giống như một khu rừng, riêng biệt nhưng lại gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau để phát triển.
Ken Mogi
Có một lần, TS. Viktor Frankl được một sinh viên đặt câu hỏi về việc ông nghĩ thế nào về ý nghĩa cuộc sống. Frankl liền viết lên một tờ giấy và mời mọi người trong lớp đoán xem ông đã viết gì. Và thật ngạc nhiên, một sinh viên đã thốt lên:
“Ý nghĩa cuộc sống của thầy là giúp người khác tìm ra ý nghĩa cuộc sống của họ.”
“Chính xác!”, Frankl trả lời.
Như nhà tâm lý học Alfred Adler đã đề xuất, cảm thức cộng đồng – đặc trưng ở cảm giác được thuộc về và kết nối với một tổng thể lớn hơn – là thành phần thiết yếu của một cuộc sống ý nghĩa.
Sâu thẳm bên trong, tất cả chúng ta đều khao khát những giá trị như công bằng, hòa bình và hòa hợp. Việc chứng kiến sự bất công hoặc đau khổ khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi về bản chất của thực tại – bao gồm sự tồn tại của Thượng đế, luật thần thánh và nghiệp chướng.
Khao khát bản năng về một thế giới công bằng, hài hòa là minh chứng sinh động cho ảnh hưởng của cảm thức cộng đồng trong đời sống con người.
Xét cho cùng, hạnh phúc toàn diện không thể thiếu đi tình yêu thương và sự kết nối. Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và nhận lại tình yêu từ người khác sẽ làm phong phú thêm cuộc sống và mang lại cảm giác có ý nghĩa.
Dù là mối quan hệ gia đình, tình bạn thân thiết hay tình cảm vợ chồng lãng mạn, tất cả những kết nối này đều tạo nên nền tảng cho sự thân mật và gắn bó, giúp chúng ta vượt qua những thử thách của cuộc sống.
Cá nhân tôi đã tìm thấy ý nghĩa sâu sắc thông qua quan hệ với người cố vấn tâm linh và mạng lưới bạn bè/mentor cùng chia sẻ hệ giá trị và tầm nhìn của tôi về sự phát triển của con người. Những kết nối này đã truyền động lực cho tôi theo đuổi một con đường ít “chính thống” hơn, một con đường phù hợp với các giá trị bên trong – thay vì chỉ tuân theo các chuẩn mực sự nghiệp truyền thống.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trên hành trình của mình, tôi khuyên bạn nên mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm ai có cùng “rung động” (hadō), những người đồng điệu với các giá trị và khát vọng của bạn – thay vì cô lập bản thân trong nhà. Đừng theo đuổi sự phù phiếm; thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho những người thân yêu nhất của bạn!
Ý nghĩa thực sự của cuộc sống phải được khám phá trong đời thực – hơn là chỉ trong bản thân một con người hay trong phạm vi đời sống tinh thần của người đó. Tôi gọi đặc tính cơ bản này là “sự vượt lên cái tôi hạn hẹp”.
Viktor E. Frankl
Ý nghĩa cuộc sống | TED Talk
Một khía cạnh quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng cảm thức cộng đồng, đó là từ bỏ tính hiếu thắng – ham muốn chiến thắng bằng mọi giá. Tôi xin được minh họa bằng một ví dụ như sau:
Ở Nhật Bản, các hoạt động thể thao luôn đề cao tinh thần “thượng võ”, sự khiêm nhường và tôn trọng đối thủ. Ngay cả khi ăn mừng chiến thắng, các vận động viên vẫn được kỳ vọng giữ kiềm chế và chừng mực. Việc thể hiện cảm xúc quá mức hoặc thiếu tôn trọng sẽ khiến họ bị chỉ trích, thậm chí có thể dẫn đến phản ứng dữ dội của xã hội. Trong một số trường hợp đặc biệt, trọng tài có thể quyết định tước chiến thắng của họ.
Hẳn là lối tư duy đề cao tính khiêm tốn này không phải không có nhược điểm của nó. Thế nhưng, ý tưởng cốt lõi của nó – rằng chiến thắng KHÔNG phải là mục tiêu cuối cùng – đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng một môi trường thể thao hài hòa và bền vững ở Nhật Bản.
Trong cuộc sống, chúng ta cần biết đề cao sự khiêm tốn, kiềm chế và tăng trưởng bền vững – hơn là tập trung vào sự thỏa mãn nhất thời, vinh quang cá nhân hay của cải vật chất.
Sống là để thấu hiểu, cùng tồn tại và đóng góp cho lợi ích chung, chứ không phải để trở thành “người giỏi nhất” hay “người số một”. Là con người, chúng ta không phải là những sinh vật đơn giản bị thúc đẩy bởi quá trình chọn lọc tự nhiên; chúng ta có khả năng vượt qua những động cơ vị kỷ và cảm thức công lý thông thường.
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc sống này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể làm như vậy, ít nhất cũng đừng làm tổn thương họ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Cha tôi có lần từng nói với tôi rằng, trong hành trình cuộc sống, bài học lớn nhất mà ta cần phải học là biết từ bỏ cái tôi – mọi quan niệm về bản ngã ích kỷ.
Bằng cách giúp đỡ người khác trên hành trình của họ, chúng ta đồng thời soi sáng con đường của chính mình. Đây là một nghịch lý tuyệt đẹp: càng cho đi bao nhiêu, chúng ta càng nhận lại bấy nhiêu.
Tình yêu là mục đích cuối cùng và cao cả nhất của nhân loại. Con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu.
Viktor E. Frankl
Ý nghĩa cuộc sống
Trân trọng những điều tưởng như tầm thường nhất
Khi bạn chú ý đến những chi tiết nhỏ, sẽ không có gì là lặp lại trong cuộc sống này cả. Mỗi cơ hội đều đặc biệt.
Ken Mogi
Trong tác phẩm của mình, Ken Mogi thuật lại một câu chuyện như sau:
Khi nghĩ về Ikigai như một niềm vui cá nhân, tôi nhớ ngay đến chiếc ghế đặc biệt mình tình cờ bắt gặp khi ở Vương quốc Anh. Tôi từng làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng Thí nghiệm Sinh lý học của ĐH Cambridge khoảng vài năm giữa thập niên 90. Tôi ở trọ tại nhà của một vị giáo sư lỗi lạc. Khi dẫn tôi đi xem căn phòng tôi sẽ ở, ông chỉ vào một chiếc ghế và nói nó có giá trị tình cảm rất lớn đối với ông: chính tay cha ông đóng riêng cho cậu con trai bé bỏng của mình.
Chiếc ghế đó chẳng có gì khác thường cả. Thú thực, nó được làm khá vụng về. Thiết kế thô kệch, và nhiều chỗ gồ ghề và bất cân xứng. Nếu đem ra chợ bán thì cái ghế sẽ chẳng đáng được mấy đồng. Nói vậy, nhưng qua ánh mắt ấm áp của giáo sư khi kể về chiếc ghế, tôi cũng có thể thấy nó mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với ông. Và chỉ cần như vậy thôi. Chiếc ghế có được một vị trí đặc biệt trong trái tim của giáo sư, bởi đó là chiếc ghế do chính người cha tự tay làm cho ông. Đó chính là tất cả ý nghĩa của giá trị tình cảm.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng rất có sức nặng. Ikigai cũng giống như chiếc ghế của vị giáo sư. Nó là sự phát hiện, xác định và hài lòng với những niềm vui có ý nghĩa với bản thân bạn trong cuộc sống. Hoàn toàn bình thường nếu không có ai khác thấy được giá trị cụ thể.
Một bài học quan trọng trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa là nhận ra giá trị của những điều tưởng chừng như tầm thường nhất. Điều quan trọng không phải là những thành tựu to lớn hay sự công nhận bên ngoài, mà là tìm thấy niềm vui trong từng khoảnh khắc và sự vật nhỏ bé, riêng tư có giá trị đặc biệt đối với chúng ta.
Tôi nhớ có lần từng thảo luận với cha tôi – người đã lớn lên trong thời kỳ kinh tế khó khăn – về triết học và cuộc sống nói chung. Sau khi đất nước thống nhất là thời kỳ vô cùng đói nghèo và tự do bị hạn chế. Phần lớn mọi người quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì cuộc sống qua ngày – thay vì suy ngẫm về các câu hỏi triết học hoặc hiện sinh.
Thế nhưng, ngay cả điều đó cũng không ngăn cản một số cá nhân tìm ra những cách thức độc đáo để tận hưởng mỗi ngày sống.
Để minh họa cho điểm trên, cha đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một tù nhân tìm thấy niềm an ủi và mục đích sống theo một cách rất kỳ lạ: bằng cách “chăn kiến”. Anh ta dành thời gian trong ngày để quan sát hành vi của kiến, cho chúng ăn và thậm chí vẽ đường cho kiến đi ra vào tổ. Ngay cả khi những người khác nghĩ rằng anh ta “có vấn đề”, điều đó cũng chẳng có gì là quan trọng.
Khi suy ngẫm về câu chuyện này, tôi nhận thức được rằng ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, ý nghĩa cuộc sống vẫn có thể tìm thấy ở những điều đơn giản nhất.
Không chỉ là thành công trong sự nghiệp hay danh tiếng; mà đơn giản là được sống, là bầu không khí gia đình ấm áp, niềm vui trong cái ôm của vợ/chồng, được đoàn tụ với con cái sau một ngày dài. Đây chính là những kho báu thực sự của cuộc sống!
Tìm kiếm ý nghĩa mỗi ngày
Ngày nay, nhiều người thấy bản thân bị “mắc kẹt” trong những công việc có vẻ tầm thường và vô nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả những điều tẻ nhạt nhất vẫn có thể trở nên thỏa mãn thông qua thực hành triết lý kodawari – một triết lý của Nhật Bản khuyến khích người ta tận tâm với ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, luôn chăm chút tỉ mỉ và không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo.
Ở một chừng mực nhất định, người bình thường có thể sẽ cảm thấy rằng những người mưu cầu sự hoàn hảo này thực ra có hơi thái quá, và rằng nỗ lực bỏ ra thực sự quá lớn. Thế nhưng chỉ khi người ta mưu cầu sự hoàn hảo, thì điều kỳ diệu mới thực sự xảy ra. Bạn nhận ra rằng thứ chất lượng bạn đang mong muốn đạt được thực sự sâu sắc hơn thế nhiều. Đó là một bước đột phá, tạo ra một thứ khác biệt hoàn toàn.
Ken Mogi
Một triết lý khác mà tôi muốn đề cập đến là Ichigo-ichie (Hán Việt: Nhất kỳ nhất hội), vốn nhấn mạnh bản chất độc đáo và phù du của mọi khoảnh khắc. Vì mọi thứ chỉ xảy ra một lần, chúng ta cần trân trọng từng trải nghiệm sống, dù nó có vẻ nhỏ bé hay tầm thường đến đâu.
Cách bạn pha cà phê mỗi buổi sáng, cuộc trò chuyện với đồng nghiệp hay chuyến đi bộ giữa thiên nhiên – tất cả đều là những khoảnh khắc độc đáo đáng được chú ý và trân trọng!
Nghệ thuật sống nằm ở việc liên tục điều chỉnh với môi trường xung quanh. Hãy mơ về sự phù du, và nán lại trong sự ngu ngốc đẹp đẽ của vạn vật.
Okakura Kakuzo
Đối với những ai muốn thực hành các triết lý nêu trên, tôi khuyên bạn nên áp dụng lối sống chậm rãi và tối giản – kết hợp các “nghi thức” nhỏ nhặt hàng ngày (vd: dậy sớm, chào hỏi người thân, tập thể dục, v.v…). Những hành động có chủ đích, mang tính biểu tượng sẽ góp phần kích hoạt hệ thống khen thưởng của não bộ và cải thiện lưu thông hormone, qua đó tạo ra một “vòng lặp” tích cực giúp nâng cao sức khỏe và hạnh phúc tổng thể.
Đồng thời, chúng ta cũng cần học cách trân trọng món quà sự sống – rằng chúng ta vẫn còn sống, và rằng những người thân yêu vẫn còn ở bên chúng ta. Chúng ta cần ý thức rằng, được sinh ra làm người là một ân phước mà ta nên trân trọng và không lãng phí vào những mục tiêu vô ích.
Ý nghĩa của cuộc sống chỉ đơn thuần là được “sống”. Nó quá rõ ràng, quá hiển nhiên và quá đơn giản. Thế mà mọi người cứ hối hả và hoảng loạn – như thể họ cần phải đạt được điều gì đó nằm bên ngoài bản thân họ.
Alan Watts
Trong phần lớn trường hợp, niềm vui và ý nghĩa thực sự không nằm ở việc theo đuổi những tham vọng lớn lao, mà ở việc hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại và trân trọng vẻ đẹp của những điều bình thường. Câu trả lời nằm ngay trong chúng ta, ngay tại lúc này. Việc của chúng ta là hãy dừng lại, nhìn vào bên trong và cho phép bản thân cảm nghiệm vẻ đẹp của sự sống!
Hạnh phúc thật kỳ lạ; nó sẽ đến khi bạn không còn tìm kiếm nó nữa. Khi bạn không cố gắng để được hạnh phúc, thì bất ngờ, một cách bí ẩn, hạnh phúc sẽ xuất hiện từ sự trong sáng, từ sự đáng yêu của bản thể.
Jiddu Krishnamurti
Thời gian sẽ thay đổi mọi thứ
Sống là cân bằng giữa nắm bắt và buông bỏ.
Rumi
Một điều chúng ta cần nhận ra là, “ý nghĩa” tự nó là một ý niệm luôn biến đổi – không phải một đích đến cố định. Điều mang lại cho chúng ta ý nghĩa ở một giai đoạn có thể sẽ không còn như vậy ở giai đoạn khác.
Suy cho cùng, sống là một quá trình thay đổi liên tục. Cùng với việc ta lớn lên, học hỏi và trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống, thì quan điểm, giá trị và ưu tiên của chúng ta cũng tự nhiên thay đổi theo.
Chúng ta hãy thử xem xét ví dụ về một thanh niên mới bắt đầu sự nghiệp nhé. Ở giai đoạn này, trọng tâm chính của anh ta có thể là thành công trong công việc, xây dựng sự nghiệp và đạt được sự ổn định về tài chính. Những mục tiêu này mang lại cho anh ta cảm giác về mục đích và phương hướng. Tuy nhiên, khi đã kết hôn và có con, mối ưu tiên của anh ta chuyển sang gia đình, nuôi dạy con cái và kiến tạo tổ ấm. Ý nghĩa mà anh ta có được từ sự nghiệp của mình trở nên ít quan trọng hơn; ngược lại, mối quan hệ với những người thân yêu lại được ưu tiên hơn.
Những sự kiện lớn trong cuộc sống như mất mát, bệnh tật hoặc thay đổi bất ngờ có thể tác động sâu sắc đến cảm thức ý nghĩa của chúng ta. Chẳng hạn, việc mất đi người thân yêu thường buộc chúng ta phải đánh giá lại các ưu tiên của bản thân và tìm ra những phương thức mới để kết nối với cuộc sống. Những gì từng quan trọng giờ đây có thể trở nên tầm thường, trong khi các khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng hạn như các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân, lại thành ra có “sức nặng” lớn hơn.
Sự thay đổi liên tục này có thể khiến nhiều người khó chịu. Thông thường, chúng ta thích bám víu vào những trải nghiệm trong quá khứ và chống lại “dòng chảy” tự nhiên của sự thay đổi. Chúng ta cảm thấy lạc lõng hoặc bối rối khi phát hiện ra rằng, những gì từng mang lại mục đích sống cho ta giờ đây không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, điều cần thiết là phải chấp nhận thực tế này. Giống như một dòng sông luôn chuyển mình theo từng khúc quanh, chúng ta cũng phải học cách thích nghi với những biến động của cuộc sống.
Dù khó khăn đến đâu, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Ngay cả khi đối mặt với đau buồn, thất vọng hoặc bất ổn, chúng ta phải tìm thấy sức mạnh để tiếp tục tiến về phía trước.
Chúng ta cần tích hợp những trải nghiệm trong quá khứ vào sự hiểu biết ở thời điểm hiện tại về bản thân và thế giới. Những bài học chúng ta đã học được, những mối quan hệ ta trân quý, và những khoảnh khắc đã định hình nên chúng ta đều góp phần “dệt” nên bức tranh phong phú của cuộc sống. Chúng là cơ sở hình thành nên những giá trị hiện tại và hướng ta đến những nguồn ý nghĩa mới.
Ý nghĩa cuộc sống
Suy niệm về cái chết mỗi ngày
Thật đáng buồn là con người không bao giờ nhận ra cuộc sống tươi đẹp đến thế nào, cho đến khi họ đối mặt với cái chết.
Akira Kurosawa – “Ikiru”
“Bạn sẽ làm gì nếu chỉ còn sống được 6 tháng nữa?”
Đây là câu hỏi mà nhân vật Kanji Watanabe trong bộ phim Ikiru đã phải tự tìm câu trả lời. Viễn cảnh của cái chết không thể tránh khỏi đã khiến ông “bừng tỉnh”, tù bỏ những điều tầm thường và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời. Đó chính là lúc ông ngừng tồn tại như một “xác ướp”, để bắt đầu thực sự sống như một “con người”.
Đây là điều mà chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống. Tác giả Paulo Coelho từng chia sẻ về một trải nghiệm thức tỉnh tương tự – khi ông được chẩn đoán mắc tắc động mạch và chỉ còn 30 ngày để sống. Tuy rằng ông đã sống sót, nhưng trải nghiệm cận tử này đã tác động sâu sắc đến ông, củng cố cảm thức về giá trị của cuộc sống và tầm quan trọng của việc nắm bắt khoảnh khắc hiện tại. Nó nhắc nhở ông về lý do tại sao ông cần phải liên tục lặp lại câu thần chú này với chính mình: “Làm ngay đi, làm ngay đi, làm ngay đi!“
Cái chết không phải là kết thúc của cuộc sống. Nàng cũng đồng thời là người bạn tốt nhất của tôi. Nàng luôn ngồi bên cạnh tôi, ngay cả khi tôi đang nói chuyện với bạn, nhìn về phía những ngọn núi phủ đầy tuyết ở đây. Nàng nói “Em sẽ hôn anh”, và tôi nói với nàng, “Làm ơn, không phải bây giờ.” Và nàng nói, “Được rồi, không phải bây giờ – nhưng hãy chú ý và cố gắng tận dụng tốt nhất từng khoảnh khắc, vì em sẽ đưa anh đi.” Và tôi nói, “Được rồi, cảm ơn em đã cho tôi lời khuyên quan trọng nhất trong cuộc sống – hãy sống trọn vẹn khoảnh khắc của mình.”
Paulo Coelho
Không ai được miễn trừ khỏi cái chết – tất cả chúng ta đều sẽ chết vào một ngày nào đó. Nhiều người thường tránh không muốn nghĩ về nó, song thực tế, cái chết có thể đến rất bất ngờ.
Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà những sự kiện không lường trước được – như đại dịch COVID-19, tai nạn, thiên tai như sóng thần/ động đất, thậm chí là mối đe dọa chiến tranh – có thể đột ngột thay đổi cuộc sống của mình. Vì vậy, chúng ta cần liên tục suy ngẫm về viễn cảnh mình sẽ ra đi như thế nào – để từ đó trân trọng sự mong manh và quý giá của cuộc sống này.
Hãy hăng hái làm những gì cần làm hôm nay. Ai mà biết được? Ngày mai, cái chết sẽ đến.
Thích Ca
Suy niệm về cái chết cũng đồng thời là phương thuốc giải độc mạnh mẽ cho các vấn nạn bạo lực và tự tử. Theo thiển ý của tôi, những hành động như tự tử hay tự chối bỏ bản thân chẳng đưa ra giải pháp thực sự gì cả; chúng chỉ đơn giản là một cách trốn tránh trách nhiệm – một sự “phỉ báng” đối với món quà sự sống.
Cần rất nhiều lòng dũng cảm để đối mặt với thử thách của cuộc sống hơn là trốn tránh chúng.
Tôi hiểu rằng không dễ dàng để những người trong hoàn cảnh tuyệt vọng suy nghĩ lý trí như vậy (bản thân tôi có một người bác đã tự tử bằng cách tự thiêu). Đó là lý do tại sao tôi tin rằng bên cạnh vai trò cá nhân, chúng ta cũng cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi người trong việc hỗ trợ những người xung quanh.
Chúng ta cần ngừng đổ lỗi và chủ động giúp đỡ những người khác, ngay cả khi họ chưa biểu hiện ra khó khăn gì.
Ở cấp độ cá nhân, tôi tin rằng nếu thực sự coi trọng sự sống và hiểu được bản chất phù du của nó, chúng ta thậm chí không thể nào mà tự sát – chứ đừng nói đến việc làm hại người khác và các sinh vật sống mà không có lý do chính đáng.
Hãy nghĩ về gia đình và bạn bè của bạn.
Hãy nghĩ về những gì đã đưa bạn đến đây – những thành tựu bạn đã đạt được cho đến hôm nay.
Hãy nghĩ về tiềm năng của bạn, thay vì chỉ tập trung vào khiếm khuyết.
Hãy nghĩ về những giá trị bên trong – thay vì những gì mọi người nói về bạn.
Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một thành viên khác trong gia đình tự tử – cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu phải ở lại để đóng vai người chịu tang.
Hãy nghĩ mà xem, và bạn sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống – cũng như lý do tại sao chúng ta cần khuyến khích tinh thần bất bạo động, cả với bản thân cũng như người khác. Đó là lúc bạn sẽ học cách nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng trắc ẩn, với ý thức rằng những người xung quanh là tấm gương phản chiếu của chính bạn.
Suy cho cùng, được sinh ra là một hồng ân, và chúng ta nên hết lòng trân trọng món quà này!
Khi bạn thức dậy mỗi sáng, hãy nghĩ rằng thật may mắn khi mình vẫn còn được sống, được suy nghĩ, được tận hưởng, được yêu thương…
Marcus Aurelius
Ý nghĩa cuộc sống
Buông bỏ & mở rộng trái tim
Đối với những sinh vật nhỏ bé như chúng ta, sự bao la của vũ trụ chỉ có thể thấu hiểu được bằng tình yêu.
Carl Sagan
Việc tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống luôn gắn liền với khả năng vị tha và lòng trắc ẩn. Trước sự bao la và bất định của cuộc sống, chính tình yêu – mối dây kết nối ta với người khác và với tổng thể lớn hơn – sẽ mang lại sự an ủi và cảm thức về mục đích.
Yêu thương bắt đầu bằng việc buông bỏ. Việc níu giữ oán thù, tức giận hoặc tổn thương trong quá khứ chỉ làm chúng ta nên nặng nề, ngăn cản ta sống trọn mọi khoảnh khắc và kết nối với người khác. Như Viktor Frankl đã nhận xét:
Tôi không quên bất kỳ nghĩa cử tốt đẹp nào tôi đã được nhận, và tôi cũng không nuôi lòng oán giận đối với những hành xử tồi tệ.
Chỉ khi giải thoát bản thân khỏi gánh nặng của sự tiêu cực, chúng ta mới sẵn sàng để đón nhận tình yêu thương.
Tình yêu là một sức mạnh có tính biến đổi – cả với người cho và người nhận. Nó cho phép cả hai bên nhìn thấy điều tốt nhất ở đối phương, nhận ra và giúp đỡ họ phát huy tiềm năng của mình.
Có một cách thực tế để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và mở rộng trái tim, đó là coi đối phương như người trong gia đình mình. Khi gặp ai đó, đặc biệt là người mà chúng ta có xu hướng phán xét hoặc không thích, tại sao không thử nghĩ về họ như một người mẹ, một người cha, một người chị, một người anh, một người con?
Một sự thay đổi đơn giản về quan điểm như vậy cũng đủ để thay đổi đáng kể nhận thức của chúng ta và khuyến khích tinh thần đồng cảm.
Nếu bạn có ý định làm hại một người phụ nữ, hãy nghĩ về cô ấy như là mẹ, chị gái hoặc con gái của bạn – và bạn sẽ có lý do để kiềm chế hành vi của mình lại.
Bằng cách suy nghĩ về tác động của lời mình nói ra lên người khác như khi nói chuyện trong gia đình, chúng ta sẽ có được nền tảng cần thiết để thể hiện lòng tốt mà không đòi hỏi phải đáp lại.
Lần tới khi bạn nói, “Tôi không có điểm chung nào với người này,” hãy nhớ rằng bạn có rất nhiều điểm chung: Vài năm nữa – hai năm hay bảy mươi năm, điều đó cũng chẳng quan trọng – cả hai bạn sẽ trở thành những xác chết thối rữa, rồi thành đống bụi, rồi chẳng còn gì cả. Không có chỗ cho lòng kiêu hãnh. […] Theo nghĩa đó, bạn và mọi sinh vật đều hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Eckhart Tolle
Hãy tò mò như một đứa trẻ
Ikigai hoàn toàn có thể khơi dậy trong chúng ta một cậu nhóc Peter Pan. Và đó không hẳn là điều xấu. Chúng ta hãy cứ là những đứa trẻ mười hai tuổi!
Ken Mogi
Gần đây, cha tôi, giờ đã ngoài 65 tuổi, quyết định theo đuổi một thú vui mới: tự học tiếng Anh. Không cần có ai hướng dẫn, ông tự mình khám phá các nguồn tài nguyên trực tuyến, tự luyện phát âm và ngữ pháp.
Khi tôi trao đổi với ông về chuyện này, cha đã chia sẻ với thái độ nhiệt tình như trẻ con. Ông nói về những điều mới mẻ ông học được – rằng ông đã tìm ra điều gì về cách nối âm. Ông thảo luận về những gì đã học được với niềm phấn khích thực sự.
Ông nói với tôi rằng, nếu ông cứ tiếp tục học hỏi, tìm kiếm và luyện tập, một ngày nào đó ông sẽ có thể nói tiếng Anh thành thạo – ngay cả khi ngày đó chỉ đến khi ông 80-90 tuổi.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “dục tốc bất đạt”; do đó, ông không tập trung vào mục tiêu cuối cùng, nhưng cố gắng tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập và thực hành hàng ngày. Ngay cả khi ông sẽ qua đời trước khi giấc mơ thành hiện thực, ít nhất ông cũng đã cố gắng hết sức – và bản thân nỗ lực đó đã là xứng đáng.
Khi lắng nghe cha chia sẻ, tôi không khỏi suy ngẫm về tầm quan trọng của sự tò mò trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Hầu hết trẻ em đều tiếp cận thế giới với một thái độ ngạc nhiên thuần túy. Chúng liên tục hỏi “Tại sao?” và háo hức khám phá mọi điều mới mẻ. Sự tò mò bẩm sinh này là động lực thúc đẩy chúng học hỏi, phát triển và khám phá vị trí của mình trên thế giới.
Thật không may, khi lớn lên, chúng ta thường đánh mất cảm giác ngạc nhiên thích thú này. Việc nuôi dưỡng tư duy trẻ thơ, theo tôi, là rất cần thiết để khơi dậy lại đam mê và làm phong phú thêm cuộc sống.
Điều này có thể ví như tâm hồn của một người du mục – luôn không ngừng khám phá những vùng đất mới và đón nhận mọi trải nghiệm, dù là bằng cách thử nghiệm một sở thích mới, học một kỹ năng mới, khám phá một địa danh mới, hay chỉ đơn giản là tham gia trò chuyện với những người có xuất thân không giống như mình.
Bản thân tôi cũng đang là một “kẻ lãng du” trên hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc về mục đích sống, về tâm linh và về bản chất của sự tồn tại. Sau một thời gian suy ngẫm, tôi đã đi đến kết luận rằng, ý nghĩa cuộc sống (ít nhất đối với tôi) nằm ở việc học tập suốt đời.
Không quan trọng nếu tôi không đưa ra được câu trả lời chắc chắn cho vấn đề của mình. Điều duy nhất có ý nghĩa là liên tục tìm kiếm, khám phá và phát triển. Mỗi trải nghiệm mới, mỗi phát hiện mới đều bổ sung thêm một lớp kiến thức về bản thân và thế giới xung quanh.
Trong suốt hành trình cuộc đời, tất cả chúng ta đều trải qua nhiều trải nghiệm khác nhau – ngọt ngào có, cay đắng có, bất ngờ cũng có. Có những thứ chúng ta không thể lựa chọn – hoàn cảnh mình sinh ra, những thách thức phải đối mặt, những cơ hội đến với chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có thể quyết định cách phản ứng trước những sự kiện này. Ta có thể thử nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau, khám phá những con đường và cơ hội mới, ngay cả khi không biết chính xác chúng sẽ mang lại điều gì.
Mẹ tôi luôn nói rằng cuộc sống giống như một hộp sôcôla. Bạn không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì.
Forrest Gump
Ý nghĩa cuộc sống
Đừng so sánh mình với người khác
Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong điều kiện độc đáo của mỗi người. Cỏ có thể trông xanh hơn ở đầu bên kia, nhưng đó rốt cuộc cũng chỉ là ảo ảnh.
Ken Mogi
Trong tác phẩm “Dám bị ghét” của Kishimi Ichiro, có một cuộc trò chuyện giữa một chàng trai trẻ và một triết gia như sau:
CHÀNG THANH NIÊN: Trong số bạn bè tôi, có một người tên Y, lúc nào cũng vui vẻ, có thể nói chuyện thoải mái với cả những người mới gặp lần đầu. Cậu ấy như đóa hoa hướng dương rực rỡ, được mọi người yêu quý, có thể khiến mọi người phì cười trong tích tắc. Ngược lại, tôi kém khoản giao tiếp, khi nói chuyện với người khác luôn cảm thấy không được tự nhiên.
TRIẾT GIA: Cậu muốn trở thành người vui vẻ giống như Y phải không? Rốt cuộc tại sao cậu lại muốn trở thành người như Y?
CHÀNG THANH NIÊN: Tôi quý Y và cho rằng nếu mình trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc.
TRIẾT GIA: Cậu cho rằng nếu trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc. Nghĩa là bây giờ cậu không hạnh phúc à?
CHÀNG THANH NIÊN: Chuyện đó…
TRIẾT GIA: Giờ cậu không thấy hạnh phúc, bởi vì cậu không yêu chính bản thân mình. Và cậu mong muốn “biến thành người khác” như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Vì mục đích đó, cậu muốn trở thành người giống như Y, và từ bỏ bản thân mình của hiện tại.
Nghe này, dù cậu có muốn trở thành Y như thế nào, thì cậu cũng không thể tái sinh thành Y được. Cậu không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi.
Cậu muốn trở thành Y hay trở thành một ai đó là vì cậu chỉ để tâm đến “mình được trao cho cái gì“. Đừng làm vậy, mà hãy tập trung nghĩ xem “mình sẽ sử dụng cái được trao cho như thế nào“.
Xu hướng so sánh bản thân với người khác đang trở nên cực kỳ phổ biến trong xã hội hiện đại, được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội và những thông điệp giả tạo về một cuộc sống “hoàn hảo”. Thật không may, nó chỉ cướp đi niềm vui sống, làm “xói mòn” lòng tự trọng và ngăn cản ta trải nghiệm ý nghĩa cuộc sống.
Khi liên tục so sánh bản thân với các tiêu chuẩn bên ngoài, chúng ta trở nên ám ảnh với sự công nhận của người khác và đánh mất tự do trong quá trình này. Mong muốn được chấp nhận trở thành “nhà tù” ngăn cản ta theo đuổi con đường của riêng mình.
Tự do đích thực nằm ở việc tách khỏi nhu cầu được công nhận để hướng tới “kim chỉ nam” bên trong. Chúng ta phải học cách chấp nhận bản thân mình hoàn toàn, cả những ưu và khuyết điểm.
Hãy nghĩ về điều này mà xem. Nếu được lựa chọn để tái sinh, liệu chúng ta có thực sự muốn chọn trở thành một người khác không?
Có lẽ có những khía cạnh về bản thân mà ta mong muốn cải thiện, nhưng về cơ bản, những đặc điểm, trải nghiệm và quan điểm độc đáo của bản thân mới là yếu tố cấu thành nên con người chúng ta.
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, song chúng ta có thể phát triển và hoàn thiện thông qua trải nghiệm. Chấp nhận cá tính bản thân là cách để ngừng tự so sánh với người khác và bước đầu theo đuổi phong cách sống độc đáo của riêng mình.
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn về ý nghĩa cuộc sống, Sadhguru đã đưa ra một bình luận thực sự khôn ngoan như sau:
“Nếu bạn đang ngồi ở đây vào 10 thế kỷ trước, sẽ chẳng có xe hơi để đi. Bạn sẽ phải đi bộ, và như vậy cũng là ổn rồi.”
Vậy tại sao lại có sự khác biệt trong quan điểm sống ở hai thời đại như vậy?
Lý do, như ông giải thích, là vì chúng ta thường nhầm lẫn “phong cách sống” (lifestyle) với “cuộc sống” (life). “Cuộc sống” mới là thứ quan trọng, còn “phong cách sống” chỉ là một sản phẩm của thời đại và hoàn cảnh mà thôi.
Nếu chúng ta nhầm lẫn giữa hai khái niệm trên, chúng ta chắc chắn sẽ phải chịu đau khổ – bởi vì sẽ luôn có ai đó có phong cách sống “tốt hơn” mình.
Trong khi đó, bằng cách tập trung vào những khía cạnh cốt lõi của cuộc sống – kết nối, phát triển, đóng góp – thay vì bị cuốn vào dòng xoáy của một lối sống “tốt hơn” dựa trên những tiêu chuẩn so sánh bên ngoài, cuộc sống của chúng ta sẽ bước sang một trang mới.
Chúng ta phải nuôi dưỡng sự tự chủ và tìm thấy niềm vui trong những trải nghiệm độc đáo của riêng mình, bất kể ý kiến của mọi người ra sao. Đó là lòng can đảm khi ta dám “khiêu vũ mà không có khán giả”, theo đuổi đam mê và giá trị cá nhân mà không màng tới việc có được người khác công nhận hay đánh giá cao không.
Dũng khí để “dám bị ghét” là nền tảng cần thiết để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta phải ngừng sống trong bóng tối của kỳ vọng của người khác và nắm lấy ánh sáng độc đáo của riêng mình.
Trong văn hóa Nhật Bản, có một triết lý gọi là Oubaitori (桜梅桃李; Hán Việt: Anh mai đào lý) – nghĩa đen là “hoa anh đào, hoa mận, hoa đào và hoa mơ”. Cả 4 loại cây này đều nở vào mùa xuân, nhưng mỗi loại có hình dáng, đặc điểm và thời gian nở hoa riêng biệt.
Cũng như mỗi bông hoa nở theo thời điểm và cách riêng của nó, chúng ta phải trân trọng hành trình riêng của mình. Hoa hồng không hẳn đẹp hơn hoa anh đào; cả hai đều đẹp theo cách riêng của chúng.
Tương tự như vậy, so sánh bản thân với người khác là một nỗ lực vô ích. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung toàn tâm toàn ý vào việc bồi dưỡng điểm mạnh, tài năng và giá trị bản thân.
Không có công thức tuyệt đối cho hạnh phúc – mỗi điều kiện duy nhất của cuộc sống có thể trở thành nền tảng cho hạnh phúc, theo cách rất riêng của nó. Bạn có thể hạnh phúc khi kết hôn và sinh con, hoặc đơn giản chỉ kết hôn mà không cần phải có con. Bạn có thể hạnh phúc khi bạn độc thân, không có bằng đại học, hoặc có một bằng cấp nào đó. Bạn có thể hạnh phúc khi bạn mảnh mai, hoặc cũng có thể hạnh phúc khi thừa cân. Bạn có thể hạnh phúc khi sống ở nơi khí hậu ấm áp như California, bạn có thể hạnh phúc khi sống ở Montana, nơi bạn phải trải qua mùa đông khắc nghiệt. Nếu là một võ sĩ sumo, bạn có thể hạnh phúc khi được thăng cấp lên yokozuna, hoặc bạn vẫn có thể hạnh phúc dù vẫn là một trong những người đứng cuối bảng xếp hạng trong suốt sự nghiệp, phải làm việc lặt vặt, nhưng bạn không bao giờ bỏ cuộc.
Ken Mogi
Nguyên tắc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống
Tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ
Trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của đau khổ. Đó là một phần nội tại của kiếp nhân sinh, một “mẫu số chung” tác động đến mọi người – bất kể xuất thân, niềm tin hay hoàn cảnh của họ ra sao.
Tuy bạn có thể muốn tránh né hoặc phủ nhận nó, nhưng việc đối mặt với đau khổ là rất cần thiết để có được cảm thức sâu sắc hơn về mục đích sống.
Một vấn đề khi phân tích ý nghĩa của đau khổ là bản chất của nó. Các quan điểm tâm linh và triết học đưa ra những cách giải thích rất khác nhau. Một số người cho rằng đau khổ là do nghiệp chướng, số khác cho rằng nó là ý chí của Thượng đế (hoặc một thế lực đối nghịch), số khác nữa thì cho rằng nó là một sự ngẫu nhiên thuần túy.
Những quan điểm trái ngược này không chỉ định hình nhận thức của chúng ta về nguồn gốc của đau khổ – mà còn ảnh hưởng đến cách ta đối phó với chúng. (ví dụ, một người tin vào nghiệp chướng có thể tập trung vào việc sửa chữa những hành động trong quá khứ, trong khi một người khác tin vào Thần lin thì tìm kiếm sự an ủi qua cầu nguyện hoặc đức tin)
Về phần mình, tôi không quan tâm lắm đến việc tìm hiểu lý do “tại sao” – vì nó chỉ liên quan đến quá khứ. Tôi tin rằng, một số đau khổ của tôi là do những việc làm trong quá khứ (cho dù là trong kiếp này hay kiếp trước – nếu có), một số thì nhằm mục đích rèn luyện ý chí và dạy cho tôi những bài học quan trọng, và một số khác thì để tôi có thể đồng cảm hơn với nỗi đau khổ của người anh em.
Dù là gì đi nữa, tôi chọn không than vãn hay rút lui vào bên trong – nhưng đứng lên “cầm kiếm” và “chiến đấu”.
Cho dù đau khổ là hậu quả của hành động trong quá khứ, một thử thách đối với sức mạnh ý chí, hay cơ hội để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, thì chìa khóa là hãy đối mặt với mọi thử thách mà cuộc sống mang đến trong danh dự và titnh thần học hỏi.
Không cần phải xấu hổ khi rơi nước mắt, bởi vì nước mắt sẽ là chứng nhân cho thấy con người rất mạnh mẽ, mạnh mẽ để chịu đựng như thế nào.
Viktor E. Frankl
Xu hướng bản năng của chúng ta là rơi vào “cạm bẫy” so sánh những khó khăn của mình với khó khăn của người khác, và tin rằng bản thân mình là người duy nhất phải chịu gánh nặng. Điều này chỉ làm nảy sinh cảm giác tự thương hại và oán giận, cản trở khả năng tìm kiếm ý nghĩa trong những trải nghiệm hàng ngày.
Sự thật là, ai cũng đều mang gánh nặng của riêng mình; do đó, điều cần thiết là tập trung vào việc giải quyết những thách thức của bản thân, thay vì so sánh chúng với người khác. Chúng ta cần thừa nhận nỗi đau của mình mà không hạ thấp nỗi đau của người khác.
Điều thú vị là khi thay đổi góc nhìn về những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình hiện tại. Thử thách không chỉ củng cố ý chí và nền tảng đạo đức – nó còn dạy ta về tầm quan trọng của việc đồng cảm với người khác, cũng như góp phần làm sáng tỏ những gì thực sự quan trọng đối với chúng ta – các mối quan hệ, giá trị, sự phát triển cá nhân hay đóng góp cho một mục đích lớn hơn.
Hãy nghĩ đến một người mẹ dành cả cuộc đời để chăm sóc đứa con bị khuyết tật. Cuộc sống của bà có thể đầy gian khổ và hy sinh, nhưng tình yêu và mục đích xuất phát từ hành động này đã mang lại cho bà cảm thức ý nghĩa sâu sắc. Nỗi đau không bị xóa bỏ, nhưng nó được chuyển hóa thành thứ gì đó có ý nghĩa, thậm chí là thiêng liêng với bà.
Nếu chúng ta có thể chấp nhận lối tư duy vô ngã như vậy, chúng ta sẽ biến đau khổ từ nguồn cơn tuyệt vọng thành chất xúc tác cho sự phát triển, khả năng bền bỉ và tri thức.
Theo một cách nào đó, đau khổ sẽ không còn là đau khổ nữa khi nó tìm thấy ý nghĩa, chẳng hạn như ý nghĩa của sự hy sinh.
Viktor Frankl
Lời hay ý đẹp: Châm ngôn sống ý nghĩa
Bạn đọc quan tâm có thể xem quan tuyển tập danh ngôn cuộc sống đầy đủ hơn tại đây.
Nhiệm vụ lớn nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa cuộc sống.
Viktor E. Frankl
Tất cả những gì tôi có thể làm là nhắc nhở bạn về những gì bạn đã lãng quên.
Eckhart Tolle
Nếu bạn làm đúng những việc nội tâm mình cần, thì mọi thứ bên ngoài sẽ tự khắc xuất hiện đúng lúc. Thực tại thực sự nằm ở bên trong; thực tại thứ cấp thì ở bên ngoài.
Eckhart Tolle
Hãy từ bỏ việc định nghĩa bản thân – với chính mình hoặc với người khác. Bạn sẽ không chết. Bạn sẽ sống lại.
Eckhart Tolle
Mỗi sinh vật đều có mục đích tồn tại trên mặt đất này.
Saadi Shirazi
Chúng ta có thể trở nên tuyệt vọng về ý nghĩa cuộc sống nói chung, nhưng không thể tuyệt vọng về những hình thức cụ thể của nó; chúng ta có thể tuyệt vọng về sự tồn tại, vì chúng ta không có quyền lực đối với nó, nhưng không thể tuyệt vọng về lịch sử, nơi mà cá nhân có thể làm được mọi thứ.
Albert Camus
Phải có ai đó đi bước đầu tiên. Dù những người khác không hợp tác cũng chẳng liên quan đến bạn. Lời khuyên của tôi là thế này. Bạn cần phải đi bước trước. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không.
Ichiro Kishimi, “Dám bị ghét”
Ý nghĩa của cuộc sống là tìm ra “món quà” bạn được ban cho. Mục đích của cuộc sống là trao tặng nó đi.
Pablo Picasso
Tôi thấy rằng việc gia nhập vào nhóm thiểu số này khá cam go. Bởi vì thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ, và mọi thứ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trừ phi mỗi người trong chúng ta hết sức cố gắng.
Viktor E. Frankl
Chỉ còn lại một nhiệm vụ quan trọng duy nhất mà thôi: hoàn thiện bản thân trong khoảng thời gian mà Thượng đế đã ban cho bạn.
Ayako Sono
Thật thú vị khi một thành tố, có thể chẳng là gì nếu đứng một mình, lại đóng góp vào chất lượng tổng thể khi được pha trộn với các thành tố có đặc điểm khác. Nó giống như bản chất của chính sự sống. Sự tương tác phức tạp giữa các nguyên tố khác nhau trong một hệ thống hữu cơ làm cho sự sống trở nên mạnh mẽ và bền vững.
Ken Mogi
Có hai cách để lan tỏa ánh sáng: trở thành ngọn nến hoặc tấm gương phản chiếu ánh sáng ngọn nến đó.
Edith Warton
Những ai không nỗ lực tìm kiếm chân lý thì đã phí hoài cuộc sống này.
Thích Ca
Nếu bạn muốn cất cánh bay lên, hãy từ bỏ mọi thứ đang khiến cho bạn nên nặng nề.
Thích Ca
Của càng nhiều, người ăn càng lắm. Người có của được lợi lộc gì, ngoài thú vui được nhìn thấy của cải? Làm việc vất vả thì ngủ ngon: ăn ít hay nhiều thì cũng vậy; lắm bạc nhiều tiền đâu được ngủ yên!
Giảng viên 5:10
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.
Matthew 5:14-15
Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời, và con cháu của họ cũng thế thôi!
Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con.
Huấn ca 44:9-11
Sách về ý nghĩa cuộc sống
Xem danh sách đầy đủ tại đây.
Phim về ý nghĩa cuộc sống
Xem chi tiết tại đây.
Dẫn chứng & bài học về cuộc sống ý nghĩa
Tìm kiếm hướng đi cuộc đời: Giải pháp cho nỗi lo hiện sinh. https://jonathanmpham.com/vi/tan-man/tim-kiem-huong-di-cuoc-doi/.
Vì sao chúng ta khó tìm thấy mục đích sống trong thế giới hiện đại? https://jonathanmpham.com/vi/tan-man/vi-sao-chung-ta-kho-tim-thay-muc-dich-song/.
Nick Vujicic nói về tìm kiếm mục đích sống. https://jonathanmpham.com/vi/tan-man/nick-vujicic-noi-ve-tim-kiem-muc-dich-song/.
Helen Keller: ‘Nếu tôi có thể nhìn thấy trong 3 ngày’. https://jonathanmpham.com/vi/tan-man/neu-toi-co-the-nhin-thay-trong-3-ngay/.
Lời kết
Như bạn có thể thấy, ý nghĩa cuộc sống là một trải nghiệm mang đậm tính cá nhân sâu sắc. Không có câu trả lời duy nhất, dứt khoát nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người; và ngay cả khi bạn tìm thấy một câu trả lời ngay bây giờ, đừng ngạc nhiên nếu như cách diễn giải của bạn sẽ thay đổi trong tương lai.
Có lẽ ý nghĩa của cuộc sống không phải là thứ cần tìm kiếm – mà là thứ gì đó cần sáng tạo.
Có lẽ chúng ta tìm thấy mục đích sống trong mối quan hệ với người khác, trong những đóng góp cho xã hội và sự phát triển cá nhân.
Có lẽ nó nằm ở một lối sống giản đơn, ở việc trải nghiệm thế giới – với tất cả vẻ đẹp và các chiều kích phức tạp của nó.
Dù câu trả lời với bạn là như thế nào, ý tưởng ở đây là bạn phải chủ động và bước đi trên con đường đó với định hướng rõ ràng. Ngay cả khi có những khúc quanh trên đường đi, thì chính cuộc hành trình – chứ không phải đích đến cuối cùng – mới là điều quan trọng.
Chính thông qua cuộc hành trình này mà cuộc sống của mỗi người được chuyển hóa, vượt lên một “cảnh giới” cao hơn.
Vì vậy, hãy sẵn sàng đón nhận những bí ẩn của cuộc sống, vẻ đẹp của sự bất định và những tiềm năng vô tận đang chờ đón chúng ta.
Hãy sống mỗi ngày trong tỉnh thức, lòng biết ơn, từ bi và tinh thần học hỏi.
Và hãy nhớ rằng, ý nghĩa cuộc sống thực sự có thể không nằm ở một kế hoạch vĩ đại, mang tính vũ trụ, mà ở vô số khoảnh khắc nhỏ cấu thành nên cuộc đời ta.
Cuộc sống ngắn ngủi
Hãy cứ yêu đi, thiếu nữ
Trước khi bờ môi kia phai màu,
Trước khi dòng máu nóng hóa lạnh,
Hãy yêu như không biết ngày mai sẽ tới.Gondola no Uta
Có thể bạn quan tâm:
- Vision Board: Bật mí 6 bước lập bảng tầm nhìn chi tiết
- 50 ý tưởng bucket list: Đi tìm niềm sống mỗi ngày
- Shikata ga nai: Nghệ thuật buông bỏ & tìm kiếm bình an nội tâm
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!