Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể

self discovery
Trang chủ » Tự nhận thức » Tư duy » Khám phá bản thân (Self-discovery): Hành trình tìm kiếm bản thể

Khám phá bản thân là câu chuyện không của riêng ai. Cũng giống như bạn, chính tôi cũng đang bước đi trên hành trình tìm kiếm và kết nối với bản thể thực sự của mình. Sau một thời gian trải nghiệm và hồi tưởng, tôi đã tự đúc kết cho bản thân một số trải nghiệm về chủ đề này – mà tôi rất mong được trình bày với bạn trong nội dung bài viết này.

Những chia sẻ dưới đây có thể không hoàn toàn đầy đủ và sâu sắc – song tôi hy vọng bạn sẽ cùng đồng hành với tôi tới cuối bài (và góp ý thêm cho tôi nếu có thể). Chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Mục lục

Khám phá bản thân là gì?

Khám phá bản thân (self-discovery/ discovering yourself/ finding yourself) – còn được biết đến với những tên gọi như tự khám phá, tự nhận thức, thấu hiểu chính mình – là quá trình mà trong đó, mỗi chúng ta dành thời gian/ nỗ lực để suy ngẫm và tìm hiểu về chính mình. Cụ thể hơn, đó là về cốt cách con người thực sự của ta – từ hệ giá trị, động lực, tiềm năng ẩn giấu, cho đến mong muốn và hoài bão cá nhân – hoàn toàn không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài hay quy tắc xã hội nào.

Ví dụ về khám phá bản thân mà chúng ta có thể quan sát thấy trong đời sống thực:

  • Một thanh niên sinh trưởng trong một gia đình truyền thống quyết định đi du lịch thế giới, khám phá các nền văn hóa trước khi ổn định cuộc sống.
  • Một doanh nhân thành đạt – sau một thời gian làm việc cật lực – quyết định đi nghỉ phép dài ngày để khám phá lại đam mê và mục đích của mình.
  • Một bạn trẻ hướng nội học cách bước ra ngoài vùng an toàn và xây dựng/ nuôi dưỡng những mối quan hệ có ý nghĩa.
  • Một cặp vợ chồng quyết định đánh giá lại các ưu tiên của mình và thực hiện các thay đổi cần thiết để cân bằng cuộc sống gia đình hơn.
  • v.v…

tìm kiếm bản thể

Tôi là ai?

Biểu hiện của người trên hành trình khám phá bản thân

Khám phá sở thích và đam mê cá nhân

  • Bạn theo đuổi một sở thích hoặc kỹ năng mới để tìm hiểu xem điều gì thực sự khơi dậy óc tò mò và mang lại cho bạn niềm vui.
  • Bạn bắt đầu suy ngẫm về những trải nghiệm trong quá khứ – liệt kê ra những hoạt động mà bạn cảm thấy thỏa mãn và mang lại ý nghĩa.
  • Bạn tình nguyện và tham gia vào các hoạt động bản thân quan tâm để khám phá hệ giá trị của mình và cách thức bạn có thể đóng góp cho cộng đồng.

Thử thách những giả định và niềm tin hạn chế bản thân

  • Bạn trở nên tò mò hơn và bắt đầu chú ý/hiểu được lối suy nghĩ của mình.
  • Bạn tự hỏi bản thân về “lý do” đằng sau những suy nghĩ, hành động và lựa chọn của mình.
  • Bạn dành thời gian đọc sách/ nghiên cứu các bài viết về nhiều chủ đề, nhằm mở rộng hiểu biết chung.
  • Bạn bước ra ngoài vùng an toàn và thử nghiệm những điều mới, ngay cả khi nỗi sợ thất bại vẫn còn đó.

Kết nối với cảm xúc và thế giới nội tâm

  • Bạn trở nên nhận thức rõ ràng hơn về những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân – thông qua thiền định hoặc các phương pháp thực hành chánh niệm khác.
  • Bạn hình thành thói quen viết nhật ký để suy ngẫm về những trải nghiệm và cảm xúc của mình.
  • Bạn tham gia trị liệu hoặc nói chuyện với một người bạn/chuyên gia tin cậy để có được cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân.

Đưa ra những lựa chọn phù hợp với con người thật của mình

  • Bạn trở nên thoải mái hơn với tình trạng bất định, sẵn sàng từ bỏ nhu cầu kiểm soát mọi thứ.
  • Bạn tin tưởng vào bản thân – ý thức rằng những trải nghiệm trên hành trình đường đời mới là quan trọng hơn nhiều so với đích đến.
  • Bạn bắt đầu theo đuổi sự nghiệp phù hợp với giá trị và sở thích của mình, ngay cả khi điều đó đi ngược lại với xu hướng/ kỳ vọng của người khác.
  • Bạn đặt ra ranh giới và nói “không” với những thứ không giúp ích cho bản thân, ngay cả khi điều đó khiến người khác thất vọng.
  • Bạn dành thời gian để chăm sóc bản thân và các hoạt động nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tinh thần của mình.

nhận thức về bản thân

Thấu hiểu chính mình

Mối quan hệ giữa khám phá bản thân với tự nhận thức & hoàn thiện chính mình

Dù thầy có làm thế nào đi nữa, hạt giống đó cũng sẽ phát triển thành cây đào. Thầy có thể mong ước một trái táo hoặc một trái cam – nhưng cái thầy nhận được sẽ là một trái đào.

Sư phụ Oogway

Khi đề cập đến chủ đề khám phá bản thân (self-discovery), có hai khái niệm liên quan thường được nhắc đến là hoàn thiện chính mình (self-improvement) và tự nhận thức (self-awareness). Trước hết, self-discovery xoay quanh việc xác định phương hướng cuộc đời – qua việc xem xét niềm tin, mục đích và tiềm năng của chúng ta. Giống như chiếc la bàn định hướng cho các thủy thủ ngoài biển khơi, trọng tâm của tự khám phá không phải là đạt được mục tiêu – mà là điều chỉnh hành động cho phù hợp với con người thật của mình. Đó là khi ta dành thời gian đi sâu vào bản thể cá nhân, bóc tách từng lớp để xác định rõ những nét độc đáo đằng sau đó.

Hoàn thiện chính mình (self-improvement) là khía cạnh thực tế của sự phát triển. Được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài (kỳ vọng xã hội/ mục tiêu nghề nghiệp, v.v…), đó là khi bạn tập trung vào những việc như: phát triển kỹ năng, vượt qua thử thách, nuôi dưỡng sự tự tin và hạnh phúc.

Tự nhận thức (self-awareness) là khi ta ý thức và hiểu rõ những gì cấu thành nên con người mình – từ tính cách, hành động, giá trị, niềm tin, cảm xúc và suy nghĩ. Quá trình này đóng vai trò như một tấm gương soi thấu tâm can – qua đó, mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về điểm mạnh/điểm yếu, động lực, cảm xúc và ảnh hưởng của cá nhân đến người khác.

Dưới đây là bảng tổng hợp chi tiết những điểm khác biệt chính giữa ba khái niệm kể trên:

 

Khám phá bản thân (Self-discovery)

Hoàn thiện chính mình (Self-improvement)Tự nhận thức (Self-awareness)
Trọng tâmHiểu con người thật của bạn, bao gồm các giá trị, niềm đam mê, động lực và mong muốn của bản thânTích cực phát triển & nâng cao các kỹ năng, năng lực hoặc khía cạnh cụ thể của bản thânQuan sát và hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính mình – một cách khách quan và không phán xét
Quá trìnhKhám phá nội tâm, thường thông qua thử nghiệm những điều mới mẻ, suy ngẫm về trải nghiệm quá khứ và thách thức các giả địnhĐịnh hướng mục tiêu và lên kế hoạch hành động cụ thể để đạt được chúng
Phát triển khả năng siêu nhận thức để thấu hiểu bản thân thông qua chánh niệm, thiền định và quan sát
Mục tiêuKhám phá bản thể, học cách chấp nhận chính mình và đưa ra những lựa chọn phù hợp với con người thật của bạnPhát triển năng lực và thành công trong các lĩnh vực cụ thể (ví dụ: sự nghiệp, các mối quan hệ, sức khỏe thể chất)Nâng cao khả năng ra quyết định, xây dựng mối quan hệ và quản lý cảm xúc hiệu quả
Ví dụĐi du lịch một mình để khám phá sở thích và tìm kiếm lẽ sốngTham gia một khóa học nói trước công chúng để cải thiện kỹ năng giao tiếp, phục vụ mục tiêu thăng tiến sự nghiệpThực hành chánh niệm để hiểu rõ suy nghĩ & cảm xúc ảnh hưởng thế nào đến cách bạn phản ứng trước các tình huống cuộc sống

Như chúng ta có thể thấy từ phân tích trên đây, ba khái niệm này không loại trừ – song bổ sung qua lại lẫn nhau. Mỗi người có thể theo đuổi những quá trình này đồng thời, hoặc lần lượt trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

Khám phá bản thân là cơ sở để bạn biết rõ mình là ai, tự hoàn thiện khiến bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, trong khi tự nhận thức hỗ trợ bạn định hướng cuộc hành trình đường đời.

hành trình khám phá bản thân

Tại sao phải khám phá bản thân?

Thấu hiểu chính mình là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan.

Aristotle

Khám phá bản thân là hành trình mà trong đó, mỗi chúng ta học cách yêu thương, chấp nhận và tin tưởng vào chính mình. Tuy quá trình này không hề dễ dàng và thường đòi hỏi nỗ lực đáng kể, song phần thưởng bạn nhận được là vô cùng xứng đáng:

  • Sống thực với chính mình

Tìm kiếm bản thể là cơ hội để mỗi người tự khám phá ra bí mật về các hệ giá trị, động lực và niềm đam mê của mình. Đó là nền tảng để ta thống nhất những quyết định cuộc đời phù hợp với cốt cách thật sự của bản thân – qua đó mang lại mục đích và sự mãn nguyện cho cuộc sống.

  • Cải thiện khả năng ra quyết định & giải quyết vấn đề

Nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu là cơ sở để ta tự tin đưa ra những lựa chọn sáng suốt – ít bị ảnh hưởng bởi áp lực/ kỳ vọng bên ngoài.

  • Nuôi dưỡng các mối quan hệ

Thấu hiểu phong cách giao tiếp, nhu cầu cảm xúc và các yếu tố tác động sẽ giúp mỗi người giao tiếp hiệu quả và có khả năng đồng cảm tốt hơn – góp phần củng cố mối quan hệ với những người xung quanh.

  • Khuyến khích sự tự tin

Tìm kiếm bản thể không chỉ dừng lại ở việc khám phá điểm mạnh; chính trong quá trình này, chúng ta cũng đang học cách yêu thương chính mình, trân quý và chăm sóc bản thân cách lành mạnh. Đây là cơ sở để mỗi người nuôi dưỡng sự tự tin và tinh thần bền bỉ khi đối mặt với khó khăn thử thách.

Khám phá bản thân đòi hỏi mỗi người phải áp dụng lối tư duy cầu tiến – sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với thử thách và đón nhận những điều mới mẻ. Chính tâm lý này là cơ sở để hình thành sự kiên cường, khả năng thích ứng và khuyến khích ta không ngừng hoàn thiện chính mình.

Thừa nhận nhu cầu cảm xúc của bản thân – và xây dựng các cơ chế đối phó lành mạnh – là bí quyết để duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Tâm trí ổn định đồng nghĩa với một cơ thể khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống nói chung được cải thiện.

  • Ý nghĩa và mục đích

Việc kết nối với những giá trị cốt lõi và niềm đam mê cá nhân sẽ mở ra những cánh cửa mới trong cuộc sống. Qua đó, bạn sẽ được truyền cảm hứng đóng góp cho điều gì đó vượt lên trên chính mình, mang lại tác động tích cực cho cộng đồng.

Kho tàng của bạn ở đâu, thì lòng trí bạn ở đó.

Matthew 6:21

khám phá bản thân

Góc chia sẻ – Hành trình khám phá bản thân của tôi

Đôi khi chúng ta làm những điều sai trái – nhưng tất cả đều có lý do đằng sau.

Mr. Ping

Cũng giống như bạn, chính tôi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm con người thật của mình. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều thứ về chính mình mà tôi vẫn chưa hoàn toàn nhận biết rõ. Tuy vậy, để giúp bạn phần nào hình dung ý nghĩa của việc khám phá bản thân, tôi xin phép được chia sẻ một vài ví dụ từ cuộc đời trước đây của chính tôi:

Ví dụ 1: Con đường sự nghiệp

Trước đây, tôi có những ý tưởng rất mơ hồ về bản thân, về con đường sự nghiệp mà tôi nên theo đuổi. Tôi chọn chuyên ngành Ngoại thương – chủ yếu (tôi không có ý khoe khoang ở đây) vì danh tiếng của trường. Mặc dù kết quả học tập ở trường đại học không đến nỗi tệ, song nhiều lúc tôi cảm thấy thực sự bối rối và không chắc chắn về hướng đi tương lai của mình.

Sau khi tốt nghiệp, tôi có được một công việc phiên dịch bán thời gian trong thời gian 2 tháng. Vì lý do nào đó, công ty nơi tôi làm việc đã đề nghị với tôi vị trí Phát triển Nội dung (Content Officer) cho một mảng kinh doanh mới mà họ đang thử nghiệm. Và thế là, tôi bắt đầu con đường sự nghiệp của mình với vai trò một nhân viên viết nội dung.

Vài tháng sau, một cấp quản lý của tôi (phụ trách các hoạt động Digital Marketing) giới thiệu tôi với SEO – và đề nghị tôi cố gắng nghiên cứu ứng dụng SEO vào những nội dung mình sáng tạo. Không rõ tại sao, song ngay lúc đó, tôi cảm thấy dường như có một ánh sáng bừng lên trong tôi. Tôi không rõ lý do – nhưng tôi biết chắc chắn đây sẽ là hướng đi cần cân nhắc nghiêm túc sau này.

Theo thời gian, khi tìm hiểu sâu hơn về SEO, tôi đã có cơ hội tích lũy kiến thức về Digital Marketing nói chung. Khi ấy, tôi quyết định nâng cao kỹ năng của mình để hướng tới vị trí Marketing tổng thể. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như mong đợi – tôi không cảm thấy mãn nguyện với công việc của mình. Sau một thời gian, tôi quyết định quay lại và chỉ tập trung vào SEO mà thôi.

Nhưng chính lựa chọn đó – tôi cảm thấy trong thâm tâm mình – cũng không hoàn toàn đúng.

Càng đi sâu hơn vào công việc, tôi dần dà nhận ra – sự hài lòng của tôi không đến từ việc tìm hiểu chiến lược marketing, mà là từ việc có cơ hội mở rộng kiến ​​thức về nhiều lĩnh vực. Tìm hiểu về cách thức hoạt động của các công cụ tìm kiếm khiến tôi cảm thấy thỏa mãn – bởi vì (tôi nghĩ vậy) nó cho phép tôi mở rộng tầm nhìn của mình mà không cần phải dùng đến các phương pháp thu thập thông tin truyền thống (ví dụ: đến thư viện).

Việc khám phá những giá trị cốt lõi này đã dẫn đến một sự thay đổi mang tính “cách mạng”. Tôi tìm thấy tiếng gọi thực sự không phải ở chuyên ngành marketing, mà là trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạophát triển con người.

Cuộc hành trình đầy rẫy những khúc quanh này đã dạy tôi một điều: Khám phá bản thân không phải là đích đến; nó là một cuộc hành trình khám phá liên tục. Đó là khi chúng ta lột bỏ những lớp vỏ bọc cũ kỹ, phát hiện những đam mê đằng sau đó và đưa ra các mục tiêu định hướng phù hợp với con người thật của mình. Mỗi khám phá, dù đơn giản đến thế nào, đều góp phần làm hoàn chỉnh hơn bức tranh về bản thân tôi.

Ví dụ 2: Sở thích & Niềm đam mê

Tôi từng rất yêu thích trò chơi điện tử (và thành thật mà nói, niềm đam mê đó hiện giờ vẫn còn chảy trong tôi). Ngày xửa ngày xưa, tôi từng dành thời gian thử nghiệm nhiều thể loại game khác nhau. Một số trò chơi như Dota khiến tôi cảm thấy khá phấn khích lúc ban đầu – nhưng rồi sau đó, cảm giác phấn khích đó dần biến mất. Tôi cảm thấy nội dung các trò chơi này quá lặp đi lặp lại – và sớm hay muộn, tôi chỉ còn chơi để chiến thắng và tích lũy tài nguyên trong game, hơn là để giải trí và tận hưởng.

Theo thời gian, khi quan sát những suy nghĩ của bản thân, tôi bắt đầu nhận ra, tôi có niềm yêu thích đặc biệt với thể loại game phiêu lưu (ví dụ: Pokemon, Harry Potter tập 1-2-3, v.v…) – chứ không phải những trò chơi hành động truyền thống mà các cậu bé tuổi teen thường hay đắm mình trong đó. Có lẽ chính cảm giác hồi hộp khi có cơ hội khám phá những điều chưa biết, sự phấn khích được lên đường trên một cuộc tìm kiếm vĩ đại đã thực sự kích thích tôi khi chơi những trò game này. Có lẽ sâu thẳm bên trong (mặc dù tôi thường hay miễn cưỡng thừa nhận điều này) tôi là người luôn khao khát được phiêu lưu và khám phá. Giống như Indiana Jones mạo hiểm vượt qua hang động, rừng núi – để đi tìm một di tích bí ẩn nào đó.

Tuy nhiên, một nhược điểm chính của những trò chơi phiêu lưu này là – câu chuyện đến một lúc nào đó sẽ phải kết thúc. Khi cuộc phiêu lưu trong game chấm dứt, tôi cảm thấy trong lòng vô cùng trống rỗng và buồn bã. Mặc dù có thể có những việc khác để làm trong trò chơi (ví dụ: tham gia các giải đấu cạnh tranh trong Pokemon), nhưng những điều này không bao giờ có thể khơi dậy ngọn lửa trong tim tôi như cuộc phiêu lưu thực sự trước đó. Chẳng bao lâu sau đó, tôi sẽ chuyển sang một trò chơi khác (và vòng tuần hoàn Phấn khích-Chiến thắng-Trống rỗng-Thay đổi lại bắt đầu lần nữa).

Vậy thì, rốt cuộc thông điệp ở đây là gì?

Như đã đề cập phía trên, một điều đặc biệt của những trò chơi phiêu lưu này (mà những game thông thường khác không thể có được) là những trải nghiệm mà chúng mang lại cho tôi – việc tôi được tham gia những cuộc phiêu lưu mà bản thân có thể không có cơ hội (hoặc phải tốn kém rất nhiều) ngoài đời thực. Tôi thích nội dung câu chuyện, âm nhạc và những thông điệp cuộc sống được lồng ghép trong những trò chơi này (ví dụ: thông điệp về tính hai mặt và tầm quan trọng của việc sống hài hòa với mọi người – được truyền tải trong Pokemon Black & White).

Sau này, khi không còn chơi nữa, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe lại các đoạn nhạc, hoặc đọc những bài viết do người hâm mộ viết về câu chuyện trong game. Đôi khi là để khám phá lại các giá trị và mục đích cốt lõi của mình; đôi khi, nó chỉ đơn thuần để xoa dịu đứa trẻ bên trong và kết nối hơn với bản thân – cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai (ví dụ: tôi thường hay nghe lại đoạn nhạc Diagon Alley từ trò chơi HP2 mỗi khi cảm thấy muốn hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ).

Điều quan trọng ở đây không phải là giải trí đơn thuần; mà là qua đó – tôi có thể nhận thức được các sắc thái bên trong bản thân mình. Cuộc hành trình nội tâm của tôi đã tiết lộ rằng, niềm vui của tôi không chỉ nằm ở việc chơi game, mà là sử dụng những cuộc phiêu lưu trong thế giới ảo này – như một tấm gương để khám phá những tham vọng bên trong và những giá trị cốt lõi của mình.

Bài học rút ra: Cuộc sống về bản chất là một cuộc phiêu lưu. Điều quan trọng không chỉ là vui chơi – mà là đắm mình vào các trải nghiệm cá nhân, kết nối với nội tâm và định hướng hành trình khám phá bản thân. Mục đích không phải là chiến thắng hay tích lũy tiền vàng/ kinh nghiệm – mà là khám phá nội tâm và hòa mình vào dòng chảy cuộc sống.

Ví dụ 3: Tự chăm sóc bản thân

Trở lại những ngày tháng đi học và mới đi làm, tập thể dục không hẳn là một trong những điểm nổi bật của tôi – càng không phải điều gì tôi yêu thích lắm. Điểm số môn thể dục trong trường là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Nhiều năm trôi qua – và đặc biệt là sau đại dịch – tôi bắt đầu nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của hoạt động thể chất. Điều đó không hề dễ dàng – nhưng cuối cùng, tôi quyết định rằng mình cần phải thay đổi.

Tại công ty mới nhất của tôi, tình cờ thay, có một phòng gym ngay bên cạnh văn phòng – và tất cả chúng tôi đều có thể sử dụng dịch vụ của họ mà không cần phải trả bất kỳ khoản nào (giữa công ty tôi và phòng gym có mối quan hệ hợp tác với nhau). Đó là một cơ hội vàng mà tôi không thể bỏ qua. Mỗi ngày – trong khoảng thời gian giữa ca làm việc buổi sáng và buổi chiều (khoảng 12:00 – 1:30 chiều), khi hầu hết các đồng nghiệp của tôi đi ăn trưa, tôi lại đến phòng gym để tập thể dục, chủ yếu là chạy bộ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau đó. Vì một vài lý do cá nhân, tôi quyết định nghỉ việc full-time một thời gian (đồng nghĩa với việc tôi không thể sử dụng các dịch vụ của phòng tập miễn phí nữa). Hệ quả là (như bạn có thể đoán được), tần suất hoạt động thể chất của tôi cũng giảm sút nghiêm trọng.

Tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tập thể dục – nhưng sức ì, cùng với thái độ ghét tập luyện, đã cản trở tôi. Sự trì trệ khiến tôi dính vào những thói quen cũ. Bất cứ khi nào cảm thấy buồn bã hoặc mệt mỏi – và cần thứ gì đó để phấn chấn lên, tôi lại lặp lại những thói quen xấu như ăn quá nhiều/ uống cà phê để vượt qua (điều này không chỉ không tốt cho sức khỏe, mà còn khiến tôi tốn rất nhiều chi phí không cần thiết).

Một buổi tối, tôi cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Não bộ của tôi vẫn hoạt động – nhưng cơ thể lại không chịu tuân theo. Tôi quyết định ra ngoài đi dạo khoảng 2 giờ – sau đó tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Một chuyến đi bộ đơn giản đã tiếp thêm sinh lực cho cả cơ thể và tâm trí của tôi.

Điều này nghĩa là gì? Tôi có thể tập thể dục mà không cần đến phòng gym, và tôi có thể hoàn toàn vượt qua được sức ì trong chính mình. Chúng ta hoàn toàn đủ sức từ bỏ những thói quen cũ – để đưa ra lựa chọn cho riêng mình .

Tôi chưa phải là người hoàn hảo. Thế nhưng, tôi đang dần nhận ra những hạn chế của bản thân và nỗ lực hướng tới sự thay đổi tích cực. Mỗi phát hiện, mỗi nhận thức là một bước tiến mới trên con đường khám phá bản thân. Đó là lời nhắc nhở sống động về việc chúng ta là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc hành trình đường đời này.

Một ngày nào đó bạn sẽ thức dậy và nhận ra rằng – không còn thời gian để làm những điều bạn hằng mong muốn nữa. Vì vậy, hãy hành động ngay từ bây giờ!

Paulo Coelho

hành trình khám phá bản thân

Phân loại các hình thức khám phá bản thân

Khám phá bên trong

  • Giá trị và ưu tiên: Thấu hiểu nền tảng cốt cách của con người bạn – bao gồm hệ thống giá trị cốt lõi, niềm tin hướng dẫn các lựa chọn của bạn trong cuộc sống.
  • Đam mê và sở thích: Xác định những “tia lửa” khơi dậy sự tò mò và niềm vui của bạn – từ sở thích, hoạt động giải trí thường ngày cho đến những niềm đam mê lớn lao hơn.
  • Điểm mạnh và điểm yếu: Đây là tấm gương phản chiếu sự độc đáo của bạn – thể hiện qua tài năng, năng lực và các khía cạnh cần phát triển.
  • Nhận thức về cảm xúc: Nhận thức về các yếu tố kích hoạt cảm xúc, và tác động của chúng đến hành vi của bạn.
  • Động lực và mục đích: Khám phá những nguồn động lực truyền cảm hứng cho bạn, ý nghĩa cuộc sống và những điều bạn mong muốn đóng góp cho thế giới.
  • Đứa trẻ bên trong: Đó là khi bạn thực hiện một chuyến đi ngược dòng ký ức, kết nối lại với con người thiếu thời, suy ngẫm lại những sự kiện trong quá khứ – để từ đó học cách chấp nhận và đi tới.

Khám phá bên ngoài

  • Du lịch và phiêu lưu: Khái niệm này bao gồm cả phạm trù nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là khi bạn lên đường tiếp xúc với những nền văn hóa mới, hoặc đơn giản thử thách những quan niệm trước đây – qua đấy hiểu rõ hơn về từng góc khuất trong chính mình.
  • Theo đuổi các kỹ năng/ sở thích mới: Khám phá những khía cạnh chưa được khai phá của bản thân sẽ mở ra cho bạn những “cánh cửa” mới và bộc lộ những niềm đam mê mà có thể bạn chưa từng biết đến.
  • Hoạt động tình nguyện: Kết nối với một mục đích phù hợp với hệ giá trị của bạn. Thông qua việc cho đi, mỗi chúng ta tìm thấy được một nguồn cảm hứng sâu xa – vượt lên con người cá nhân của mình.
  • Tương tác người-người: Đó là khi bạn xây dựng mối quan hệ với nhiều người khác nhau – qua đó có cơ hội học hỏi những quan điểm mới, hiểu rõ hơn về bản thân và khuyến khích việc tự trau dồi mỗi ngày.
  • Thể hiện sáng tạo: Những hoạt động thiên hướng nghệ thuật như viết lách, vẽ tranh, âm nhạc, v.v… là cơ hội để mỗi chúng ta có cơ hội “tuôn trào” thế giới nội tâm, khám phá chiều sâu năng lực sáng tạo.

Suy niệm tâm linh

  • Thực hành tâm linh: Đó là khi bạn thực hành thiền định, chánh niệm, hoặc những hoạt động tín ngưỡng/ tâm linh khác. Những hoạt động này sẽ giúp ta đến gần hơn với sự bình yên nội tâm, kết nối và cảm nhận sự tồn tại của điều gì đó lớn lao hơn chính mình.
  • Tự vấn về nhân sinh: Không chỉ về sự tồn tại – mà còn là về các tầng sâu hơn của sự sống/ cái chết và ý nghĩa của cuộc sống này.

Đọc thêm: 50 câu hỏi tâm linh – Đánh thức & nuôi dưỡng tâm hồn

khám phá bản thân trong cuộc sống

Các giai đoạn của quá trình khám phá bản thân

Giai đoạn 1: Tìm hiểu bản ngã

Bước đầu tiên, mỗi chúng ta cần tự nhìn lại chính mình, soi sáng bản ngã có ý thức – tính cách của bản thân. Thông qua các bài trắc nghiệm tính cách, viết nhật ký hoặc tiếp xúc với những trải nghiệm mới, bạn từng bước làm sáng tỏ các tầng tầng lớp lớp bên trong con người bạn – qua đó xác định điểm mạnh-yếu, cũng như điều chỉnh các giá trị, sở thích và khát vọng góp phần cấu thành nên bản sắc nhận thức của bạn.

Giai đoạn 2: Soi chiếu tiềm thức

Giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc hình thành nhận thức về vô thức – những góc khuất của bản thân bạn thường ít chạm tới. Chính ở đây, mỗi người sẽ có cơ hội soi xét lại những điều chúng ta thường phủ nhận, kìm nén hoặc áp đặt lên người khác. Các kỹ thuật như thiền định, coaching hoặc tự vấn sẽ hỗ trợ bạn nhận thức rõ ràng hơn về những khía cạnh này – để từ đó hiểu và chấp nhận chúng.

Giai đoạn 3: Nuôi dưỡng tinh thần & tâm linh

Trọng tâm của giai đoạn này là bản chất tinh thần vượt lên trên bản ngã và nhân cách. Đó là khi mỗi người đi sâu vào khám phá tâm hồn, mục đích và sự kết nối với điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân. Các thực hành tâm linh, chánh niệm và trải nghiệm tương tự sẽ mở ra cánh cổng kết nối bạn với các chiều kích sâu sắc bên trong.

Giai đoạn 4: Hòa hợp tổng thể

Đặc trưng của giai đoạn cuối là sự cân bằng giữa các khía cạnh ý thức, vô thức và cá nhân của chính bạn. Đó là khi bạn có thể sống chân thực và hài hòa không chỉ với chính mình mà còn với thế giới xung quanh.

Thách thức trên hành trình khám phá bản thân

Cuộc hành trình lâu dài nhất chính là cuộc hành trình hướng vào bên trong.

Dag Hammarskjöld

Thách thức từ bên ngoài

  • Kỳ vọng và áp lực xã hội: Thế giới bên ngoài, với những kỳ vọng và chuẩn mực xã hội của nó, thường khiến nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc sống thực với chính mình. Mâu thuẫn giữa những gì người khác mong đợi và con người thật của chúng ta là điều khiến phần lớn chúng ta luôn bị “giậm chân tại chỗ” trên hành trình khám phá bản thân.
  • Thiếu sự hỗ trợ: Hãy thử hình dung bạn đang bộ hành trong sa mạc – hoàn toàn mệt mỏi và tuyệt vọng. Bạn quay lại nhưng chỉ thấy phía sau hoàn toàn trống vắng. Việc thiếu mạng lưới hỗ trợ khiến rất nhiều người rơi vào tình trạng “cô lập” trên đường đời. Để có thể vượt qua khó khăn của cuộc sống, mỗi chúng ta đều rất cần đến sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình hoặc người cố vấn – những người sẽ trở thành “luồng gió mát” xoa dịu và nâng đỡ tâm hồn ở những thời điểm bất định nhất.
  • Thái độ nản lòng và phán xét: Việc kháng lại các chuẩn mực xã hội thường khiến chúng ta phải đối mặt với thái độ phán xét và chỉ trích. Thật chẳng dễ dàng gì để tìm ra con đường cho chính mình, khi xung quanh liên tục có những tiếng phản đối và hoài nghi.

Thách thức từ nội tại

Như bạn có thể thấy từ những ví dụ từ cuộc sống cá nhân của tôi ở trên, những gì đang diễn ra bên trong tôi đã và đang luôn là “rào cản” lớn trên hành trình thấu hiểu chính mình. Mặc dù những kỳ vọng của xã hội, nhu cầu duy trì cuộc sống và lợi ích của các bên liên quan (ví dụ: gia đình, cộng đồng, v.v.) có thể gây tác động không nhỏ – song tôi vẫn tin rằng, tư duy của chúng ta là vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết.

Sau đây là một số thách thức nội tại phổ biến nhất trên hành trình khám phá bản thân:

  • Sợ hãi những điều chưa biết: Hãy tưởng tượng bạn bước vào một căn phòng tối đen như mực mà không biết bên trong có gì. Nỗi sợ hãi về những điều chưa biết trong quá trình khám phá bản thân cũng tương tự như vậy. Chúng ta không chỉ e dè sự bất định, mà còn lo lắng khi nghĩ tới những bí mật về bản thân có thể mình sẽ khám phá được.
  • Chống lại sự thay đổi: Không thích thay đổi là bản chất của con người – việc bạn cố gắng thoát khỏi những khuôn mẫu quen thuộc cũng giống như định hình lại một con đường mòn cũ.
  • Khả năng tự nhận thức kém: Việc đối mặt với những thành kiến, điểm mù và nhận thức về điểm yếu tiềm ẩn cũng giống như chiếu ánh sáng vào những góc bụi bặm của một căn gác mái bị lãng quên – đó không phải lúc nào cũng là một trải nghiệm dễ chịu.
  • Tư duy tiêu cực và định kiến: Bạn đã bao giờ nhận thấy sự tồn tại của một giọng nói nhỏ trong đầu, nói với bạn rằng bạn không thể, không nên hoặc sẽ không bao giờ thành công? Thái độ nghi ngờ và niềm tin hạn chế là một trong những yếu tố đáng kể “kìm hãm” sự phát triển tiềm năng của bạn.
  • Dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc: Việc khám phá bản thân thường đòi hỏi ta phải đào sâu vào quá khứ, đối mặt với những tổn thương và cảm xúc bị kìm nén. Nó giống như lột bỏ các lớp để lộ phần lõi thô bên dưới. Một trải nghiệm đau đớn, khó chịu và thường khiến nhiều người né tránh.

Những thử thách trên đây tuy nhiều, song bất kỳ ai trong chúng ta cũng có đủ sức mạnh để chinh phục chúng. Chỉ cần có nhận thức tư duy đúng đắn, một chút can đảm và những người bạn luôn ở bên cạnh hỗ trợ, bạn nhất định sẽ vượt qua được mọi khó khăn trong quá trình khám phá bản thân.

Câu chuyện của cậu có thể không có một khởi đầu hạnh phúc, nhưng điều đó không quyết định con người của cậu. Đó là phần còn lại của câu chuyện – cậu sẽ chọn trở thành ai.

Soothsayer

khám phá bản thân

Tự khám phá bản thân

Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?

Các yêu cầu cần thiết để thấu hiểu chính mình

  • Nhận thức

Cũng giống như khi ta bật đèn lên trong một căn phòng thiếu ánh sáng, nhận thức cá nhân cũng mang lại tác dụng tương tự cho nội tâm. Đó là khi ta ý thức và hiểu được những điều phức tạp bên trong con người mình – tính cách, hành động, hệ giá trị, niềm tin, cảm xúc và suy nghĩ. Khả năng nhận thức đóng vai trò là chiếc “la bàn” giúp bạn tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, động lực và cả tác động của bạn đến cuộc sống của người khác.

  • Vùng an toàn

Vùng an toàn (comfort zone) giống như một chiếc tổ ấm cúng, nơi bạn cảm thấy an toàn, yên tâm và hoàn toàn thoải mái. Thế những, chính nó cũng sẽ trở thành một “cái kén” hạn chế khả năng khám phá bản thân của bạn.

Bước ra khỏi vùng an toàn là cơ hội để mỗi người “dang rộng đôi cánh” của mình. Đó là khi ta sẵn sàng thử nghiệm những điều mới, đối mặt với nỗi sợ hãi và thử thách bản thân. Làm như vậy, bạn sẽ có thể khám phá thêm về những điều khiến mình quan tâm – sở thích, niềm đam mê, giá trị và những tiềm năng chưa được khai thác đang chờ được khám phá.

  • Sống có mục đích

Sống có mục đích là yêu cầu quan trọng để bạn trở thành “tác giả” câu chuyện cuộc đời mình, điều chỉnh hành động và lựa chọn phù hợp với con người thật, mục đích, giá trị và mục tiêu nội tại.

Một cuộc sống có chủ ý cũng giống như một ngôi sao dẫn đường bạn trên bầu trời đêm rộng lớn. Nó đòi hỏi bạn phải biết thực hành chánh niệm, chủ động và chịu trách nhiệm về hành trình bạn đang đi. Sống có chủ đích sẽ giúp bạn “cộng hưởng” với cốt cách bên trong, mang lại ý nghĩa và sự mãn nguyện trong mọi việc mình làm.

Chính những gì ta lựa chọn – chứ không phải năng lực cá nhân – sẽ cho thấy chúng ta là ai.

J. K. Rowling

thấu hiểu chính mình

Bí quyết thực hành khám phá bản thân từng bước

Điều quan trọng trong việc khám phá bản thân là không ngừng nỗ lực, luôn mỉm cười, tử tế với người khác, chăm chỉ trong mọi điều mình làm, cũng như luôn tập trung vào công việc của mình chứ không phải của người khác.

Frederick Lenz

Khám phá bản thân là một cuộc hành trình độc đáo và riêng biệt với từng cá nhân – với đầy những khúc quanh và “kho báu” đang chờ đợi. Sau đây, tôi xin phép chia sẻ một số gợi ý mà bạn đọc có thể áp dụng vào cuộc sống của chính mình:

4 bước khám phá bản thân

  1. Khơi dậy sự tò mò & tinh thần học hỏi

  • Đánh giá lại cuộc sống: Những thành công và thách thức nào định nghĩa cuộc sống hiện tại của bạn? Hãy cố gắng đi sâu vào phân tích hệ giá trị của bạn, cũng như suy ngẫm về điều gì thực sự khiến bạn cảm thấy thỏa mãn.
  • Khám phá những giá trị và niềm đam mê cá nhân: Đó là khi bạn suy ngẫm sâu hơn về những tác nhân “thắp sáng” ngọn lửa bên trong bạn. Điều gì trong cuộc sống này khiến trái tim bạn đập rộn ràng phấn khích?
  • Đặt ra các câu hỏi “Tại sao”: Mục đích chính của quá trình này là khám phá động cơ hành động – những mong muốn tiềm ẩn thúc đẩy khát vọng của bạn. Tại sao bạn lại làm điều này? Vì sao bạn lại có những niềm tin như hiện tại?
  • Hình dung về con người lý tưởng trong tương lai: Hãy thử nhắm mắt lại và hình dung ra con người bạn mong muốn trở thành. Những giá trị nào sẽ hướng dẫn bạn? Bạn sẽ cần chinh phục những mục tiêu nào? Dù câu trả lời là gì, hãy thể hiện tầm nhìn của bạn thông qua các kỹ thuật như viết nhật ký hay lập bảng tầm nhìn (vision board).
  • Khai thác nguồn cảm hứng: Đó là khi bạn tự “làm giàu” cho bản thân bằng câu chuyện của những mẫu gương truyền cảm hứng. Sách báo, podcast, phim tài liệu hoặc những cuộc trò chuyện cá nhân đều có thể “gieo mầm” những ý tưởng mới cho hành trình của bạn.
  1. Khám phá thế giới nội tâm

  • Bắt đầu viết nhật ký: Hãy để suy nghĩ của bạn được tuôn trào ra giấy. Viết nhật ký thường xuyên là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao khả năng tự nhận thức – về bối cảnh của những cảm xúc và suy tư bên trong.
  • Thực hành chánh niệm: Thiền định và những thực hành chánh niệm khác sẽ đóng vai trò là chiếc la bàn hướng dẫn bạn đi vào những vùng “lãnh thổ” bên trong chưa được khám phá. Qua đó, mỗi chúng ta học cách sống trong hiện tại, quan sát suy nghĩ và cảm xúc một cách khách quan, không phán xét.
  • Tìm kiếm sự hướng dẫn chuyên nghiệp: Đôi khi, chúng ta cần đến sự hướng dẫn của người khác để soi đường ở những “khúc quanh’ tăm tối nhất. Bạn có thể cân nhắc nói chuyện với các chuyên gia trị liệu, cố vấn, coach, mentor, hoặc thậm chí bất kỳ ai đó trong vòng thân cận, miễn là họ thường xuyên tương tác với bạn (ví dụ: quản lý, bạn thân nhất, người thân trong gia đình).
  • Tận dụng công nghệ: Gợi ý này tuy có vẻ hơi lạ lùng – song tôi tin rằng đây là một giải pháp đáng thử nghiệm. Với sự phát triển của AI ngày nay, việc tận dụng công nghệ để lấy cảm hứng là một ý tưởng không tồi. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp phân tích các mẫu dữ liệu hành vi mà bạn có thể không ý thức tới – qua đó mang lại những phát hiện bất ngờ và thách thức sự tự nhận thức của bạn. Ngoài ra, việc ứng dụng các công cụ này để tự phản ánh cũng mang lại không gian khám phá an toàn và thoải mái, đặc biệt đối với những người còn do dự về các kỹ thuật truyền thống (hoặc chưa có cơ hội). Tuy nhiên, tôi khuyên bạn – nếu muốn thử nghiệm phương pháp này – hãy thực hiện nó một cách thận trọng và có đạo đức.

 

khám phá bản thân bằng công nghệ

Không đến nỗi quá tệ, bạn có thấy như vậy không?

  1. Bước ra ngoài vùng an toàn

  • Chấp nhận năng lực của bản thân: Dù lớn hay nhỏ, mọi kỹ năng của bạn đều quan trọng. Hãy nghiêm túc đánh giá những gì bạn nổi trội, những điểm bạn có thể cải thiện, cũng như những điều bạn mong muốn học hỏi. Phản hồi của người khác, đánh giá và coaching đều mang đến cho bạn sự hỗ trợ quý giá ở bước này.
  • Thử nghiệm những điều mới: Hãy khai phá những tài năng và niềm đam mê tiềm ẩn bằng cách thử nghiệm những điều chưa từng làm trước đây. Tham gia một lớp học, du lịch đến một địa điểm mới hoặc khám phá một hoạt động khơi gợi trí tò mò. Chính trong những điều xa lạ, bạn sẽ khám phá được những kho báu ẩn giấu bên trong.
  • Thách thức các giả định: Đừng ngại đặt câu hỏi về những niềm tin và thành kiến ​​của bạn. Nếu có điều kiện, hãy tham gia đối thoại với những người có những quan điểm khác nhau. Thông qua đối thoại tôn trọng, bạn sẽ có thể mở rộng tầm nhìn của mình và khám phá những tri thức mới mẻ.
  • Lập kế hoạch phát triển cá nhân: Tiếp theo, hãy lập lộ trình cho sự phát triển cá nhân của bạn. Đặt mục tiêu, phác thảo các bước cần làm và các cột mốc phát triển quan trọng.
  • Học hỏi từ thất bại: Sai lầm nên được xem như bước đệm để trưởng thành. Đừng ngại học hỏi từ đó và thử lại lần nữa. Thất bại không phải là kết thúc; đúng hơn, nó là thước đo tiến độ của bạn trên hành trình thấu hiểu chính mình.
  1. Kết nối với chính mình và người khác

  • Dành thời gian một mình: Dù là ở nhà hay giữa thiên nhiên, những khoảnh khắc một mình sẽ cho phép bạn kết nối sâu sắc hơn với nội tâm của mình.
  • Thực hành lòng từ bi: Hãy đối xử tử tế với bản thân. Thừa nhận những sai sót của bạn, tôn vinh những điểm mạnh và hiểu rằng – tất cả chúng ta, dù ở bất kỳ thời điểm nào của đời, đều đang trong quá trình hoàn thiện chính mình.
  • Tìm kiếm các mối quan hệ hỗ trợ: Kết nối với những người tôn trọng và khuyến khích sự phát triển của bạn. Những mối quan hệ có ý nghĩa sẽ trở thành “cánh buồm” cho bạn tiến xa hơn trên hành trình đường đời.
  • Đóng góp cho điều gì đó lớn lao hơn: Tham gia tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng hoặc theo đuổi một mục đích nào đó mà bạn yêu thích. Ngoài ra, tôi khuyên bạn không nên bỏ qua khía cạnh về tinh thần và tâm linh. Dù bạn thuộc (hoặc không thuộc) bất kỳ niềm tin nào, việc thực hành các hoạt động tâm linh có ý nghĩa rất lớn với việc làm phong phú hơn cuộc sống tinh thần của chính bạn.

Tôi không thể tự ý mình làm gì.

John 5:30

tôi là ai

Khám phá bản thân với mô hình SWOT

Mô hình SWOT, vốn được dùng trong phân tích hoạt động kinh doanh, cũng đồng thời là một công cụ hữu ích cho mục tiêu khám phá bản thân. Bằng cách hiểu rõ Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weaknesses), Cơ hội (Opportunities) và Thách thức (Threats) của mình, bạn sẽ có thể nhận thức rõ hơn về tính cách, kỹ năng, động lực và những rào cản tiềm ẩn bên trong:

Điểm mạnh (Strengths):

  • Xác định tài năng và năng lực tự nhiên. Bạn giỏi trong lĩnh vực nào? Điều gì bạn có thể làm một cách dễ dàng và tự tin? Người khác thường khen bạn về điều gì?
  • Xem xét kiến ​​thức và kỹ năng. Bạn đã học được gì qua trường lớp, kinh nghiệm hoặc các hoạt động đào tạo? Bạn sở hữu những kỹ năng cứng/ mềm nào?
  • Suy nghĩ về phẩm chất cá nhân. Bạn là người đồng cảm, sáng tạo, chăm chỉ, hay là một nhà lãnh đạo bẩm sinh?

Điểm yếu (Weaknesses):

  • Trung thực về những lĩnh vực mà bạn đang gặp khó khăn. Hạn chế của bạn là gì? Bạn thiếu những kỹ năng hoặc kiến ​​thức nào? Những thói quen hoặc hành vi nào đang cản trở bạn?
  • Đừng ngại yêu cầu phản hồi. Người khác cho rằng bạn có những điểm yếu gì? Đôi khi, những góc nhìn bên ngoài chính là thứ bạn cần để hỗ trợ hành trình khám phá bản thân.
  • Nhớ rằng, điểm yếu không phải là thiếu sót. Chúng chỉ đơn giản là những lĩnh vực mà bạn có thể cải thiện thông qua nỗ lực không ngừng.

Cơ hội (Opportunities):

  • Tìm cách phát huy điểm mạnh. Bạn có thể sử dụng tài năng của mình như thế nào để đạt được mục tiêu? Con đường sự nghiệp hoặc dự án cá nhân tiềm năng nào phù hợp với khả năng của bạn?
  • Xác định các yếu tố bên ngoài nào có thể giúp ích bạn. Có những xu hướng mới, công nghệ hoặc những thay đổi xã hội nào mà bạn có thể tận dụng không?
  • Cởi mở với những trải nghiệm và thử thách mới. Việc dám bước ra ngoài vùng an toàn là nền tảng để dẫn đến những cơ hội phát triển mới.

Thách thức (Threasts):

  • Xem xét các trở ngại bên trong/ bên ngoài cản trở sự tiến bộ của bạn. Nỗi sợ hãi hay lo lắng lớn nhất của bạn là gì? Bạn có gặp phải bất kỳ khó khăn nào về tài chính, xã hội hoặc sức khỏe không?
  • Suy ngẫm về những rào cản tiềm ẩn trong lĩnh vực/ mục tiêu mà bạn đã chọn. Những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp hoặc vai trò bạn mong muốn là gì?
  • Dự phòng cho những điều bất ngờ. Cuộc sống luôn đầy những sự kiện không thể lường trước được. Việc sẵn sàng một kế hoạch đối phó với thử thách sẽ giúp bạn luôn kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh.

Thông qua phân tích SWOT như minh họa trên đây, bạn sẽ có thể thấu hiểu rõ hơn về bản thân – từ đó dễ dàng đặt mục tiêu, đưa ra quyết định sáng suốt và vượt qua thách thức trong cuộc sống hơn.

Nguyên tắc khi thực hành khám phá bản thân

Không có thành phần nguyên liệu bí truyền nào cả… Để làm nên điều gì đó đặc biệt, con chỉ cần tin tưởng vào nó.

Mr. Ping

  • Học cách đặt câu hỏi

Trí tò mò là ngọn đèn soi đường cho sự hiểu biết về bản thân. Vì vậy, hãy nhắc nhở bản thân về việc không ngừng tìm tòi và học hỏi. Tự vấn về những suy nghĩ, cảm xúc, động lực và giá trị của bạn. Đừng ngại mạo hiểm vượt ra ngoài vùng an toàn của bạn – cũng như chiêm nghiệm về những quan điểm khác với suy nghĩ thông thường của mình.

  • Thực hành chánh niệm và nội tỉnh

Chánh niệm, như đã đề cập, là chiếc la bàn sẽ hướng dẫn bạn trong quá trình khám phá thế giới nội tâm – những suy nghĩ, cảm xúc và cả cảm giác thể lý. Hãy quan sát chúng một cách khách quan và không phán xét – cho đến khi bạn nhận thức được các quy luật và động lực tiềm thức bên trong.

Đọc thêm: Sức mạnh tiềm thức – Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong

  • Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự chấp nhận

Sự chấp nhận là chìa khóa mở ra cánh cửa kết nối sâu sắc hơn với con người thật của bạn. Vì lý do này, hãy học cách chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân, kể cả những khuyết điểm và sự không hoàn hảo.

Khám phá bản thân đòi hỏi hành động của bạn phải cộng hưởng với tâm hồn – những gì mang lại cho bạn niềm vui và khơi dậy ngọn lửa bên trong. Hãy để trực giác của bạn trở thành “giai điệu” dẫn đường, đưa bạn tới những hoạt động và trải nghiệm nuôi dưỡng con người của mình.

  • Thách thức các giả định và niềm tin hạn chế

Đừng ngại đặt câu hỏi về những niềm tin đã ăn sâu vào bạn – cũng như về những kỳ vọng của xã hội. Hãy luôn duy trì thái độ cởi mở, sẵn sàng mở rộng quan điểm cá nhân.

  • Đưa ra lựa chọn phù hợp với con người thật của bạn

Với từng hiểu biết mới về chính mình, bạn hãy cố gắng đưa ra những quyết định phản ánh những giá trị, mong muốn và khát vọng thực sự của bản thân.

  • Sáng tạo và sẵn sàng thử nghiệm

Không có kịch bản nào trong hành trình tự khám phá. Do đó, mỗi người nên đừng ngần ngại thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau, sẵn sàng mắc sai lầm và để hành trình của mình diễn ra một cách tự nhiên nhất.

  • Đặt mục tiêu vừa tầm

Thay vì hướng tới những sự chuyển đổi lớn, tôi khuyên bạn nên tập trung vào từng bước nhỏ, có thể thực hiện được trước. Cùng với thời gian, những thay đổi nhỏ được tích lũy sẽ dần trở thành cầu nối đưa bạn từ thực tại tới phiên bản tương lai mà bạn đã vạch ra cho chính mình.

  • Tập trung vào trải nghiệm

Khám phá bản thân là một hành trình suốt đời, không thực sự có đích đến cuối cùng. Vì vậy, bạn nên đặt mục tiêu tận hưởng mọi cơ hội học tập, nắm bắt những quan điểm mới và tận hưởng sự phát triển đi kèm với mỗi trải nghiệm hằng ngày.

  • Tìm kiếm sự kết nối và hỗ trợ

Hãy bao quanh bạn bằng những mối quan hệ đích thực – những người tôn trọng và khuyến khích sự phát triển của bạn. Nếu cần, bạn cũng nên cân nhắc việc tìm kiếm hướng dẫn từ những người cố vấn và cộng đồng phù hợp với hệ giá trị của mình.

  • Tôn vinh sự tiến bộ và độc đáo của bạn

Mọi nỗ lực và thành tích của bạn, dù nhỏ đến đâu, đều nên được ghi nhận và đánh giá. Cá tính – mọi điều khiến bạn trở nên độc đáo – là nên tảng rất quan trọng để bước đi trên hành trình khám phá bản thân.

Tự khám phá không phải là chuyện một sớm một chiều; đó là một cuộc hành trình liên tục. Do đó, hãy luôn kiên nhẫn, linh hoạt và tin tưởng vào con đường riêng của bạn.

  • Sống trong hiện tại

Đừng để mình chìm đắm trong quá khứ hay lo lắng về tương lai. Hiện tại là thứ duy nhất nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Học cách trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống – những điều này đều sẽ góp phần vẽ nên bức tranh khám phá bản thân của bạn.

Bỏ cuộc, đừng bỏ buộc… Mì, hay không làm mì… Con quá bận tâm đến những chuyện đã và sẽ xảy ra. Có một câu nói như thế này: ngày hôm qua đã là quá khứ, ngày mai là một điều bí ẩn – song ngày hôm nay là một món quà. Đó là lý do tại sao nó được gọi là hiện tại (PRESENT).

Sư phụ Oogway

tìm kiếm bản thể

Khám phá bản thân mình

Câu hỏi tự vấn chính mình

Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi bạn có thể nhìn vào trái tim của chính mình. Ai nhìn ra ngoài thì mơ mộng; còn ai nhìn vào bên trong thì tỉnh thức.

Carl Jung

Tự vấn bản thân những câu hỏi phù hợp là một phương thức hữu hiệu để khám phá bản thân – thách thức các giả định và tiết lộ những tầng ẩn giấu trong thế giới nội tâm của bạn. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tự đặt ra cho chính mình:

Bản sắc:

  • Ba từ ngữ mô tả đúng nhất về tôi là gì?
  • Giá trị cốt lõi của tôi là gì – và chúng tác động đến những lựa chọn trong cuộc sống của tôi như thế nào?
  • Mục đích của tôi trong cuộc sống là gì?
  • Điều gì quan trọng nhất với tôi trong cuộc sống?
  • Thế nào là có một “cuộc sống tốt đẹp”?
  • Giá trị bản thân của tôi đến từ đâu?
  • Di sản nào tôi muốn để lại cho thế giới này?
  • Thành tựu đáng tự hào nhất của tôi là gì?
  • Điều hối tiếc lớn nhất của tôi là gì?

Đam mê & Sở thích:

  • Những hoạt động nào khiến tôi say mê đến nỗi quên mất thời gian? Lẽ sống (Ikigai) của tôi là gì ?
  • Những chủ đề nào trong cuộc sống này khiến tôi bị thu hút và mong muốn tìm hiểu thêm?
  • Tôi muốn phát triển những kỹ năng nào?
  • Tôi muốn thử thách bản thân với những điều gì?
  • Tôi có niềm đam mê với những hoạt động sáng tạo nào (vd: ca hát, nhảy múa, viết lách, v.v…)?
  • Những trải nghiệm nào khơi dậy niềm vui và sự phấn khích trong tôi?

Trường học:

  • Tôi yêu quý/ không thích điều gì ở lớp học của mình?
  • Tôi đang trì hoãn những nhiệm vụ gì?
  • Điều gì khiến tôi cảm thấy chán nản ở trường học?
  • Làm thế nào tôi có thể cải thiện kết quả học tập của mình?

Công việc:

  • Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là gì? Tôi có thể thực hiện những bước nào để đạt được chúng?
  • Tôi sẵn sàng đối mặt với những thách thức nào để đạt được khát vọng nghề nghiệp của mình?
  • Loại công việc nào mang lại cho tôi mục đích và sự thỏa mãn?
  • Điểm mạnh và điểm yếu của tôi trong công việc là gì?
  • Tôi có thể đóng góp cho cộng đồng bằng những kỹ năng độc đáo nào?
  • Tôi muốn phát triển hoặc cải thiện những kỹ năng nào?
  • Làm thế nào để đối phó với căng thẳng và áp lực trong công việc?
  • Làm cách nào tôi có thể cân bằng công việc với các khía cạnh khác của cuộc sống?

Cảm xúc & Mối quan hệ:

  • Ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi? Làm thế nào để tôi có thể cho họ thấy rằng tôi quan tâm đến họ?
  • Tôi thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình như thế nào?
  • Tôi thường phản ứng như thế nào trước căng thẳng, xung đột và chỉ trích?
  • Điểm mạnh và điểm yếu trong giao tiếp của tôi là gì?
  • Tôi được là chính tôi khi tương tác với những ai?
  • Ranh giới của tôi là gì? Làm cách nào để tôi truyền đạt được những ranh giới này cho người khác?
  • Điều gì khiến tôi cảm thấy dễ bị tổn thương? Làm cách nào để điều hướng những cảm xúc đó?
  • Sự tha thứ có ý nghĩa gì với tôi? Tôi có thể thực hành nó như thế nào?

Sức khỏe:

  • Tôi chăm sóc sức khỏe thể chất/tinh thần của mình như thế nào?
  • Tôi cần áp dụng/ duy trì những thói quen lành mạnh nào? Những thói quen không lành mạnh mà tôi cần bỏ/ giảm bớt là gì?
  • Tôi vượt qua nỗi đau và bệnh tật như thế nào?

Tăng trưởng & Tư duy:

  • Tôi lo sợ những điều gì? Làm thế nào tôi có thể đối mặt với những nỗi sợ hãi đó?
  • Những niềm tin hạn chế nào đang cản trở tôi? Tôi có thể thách thức chúng như thế nào?
  • Tôi muốn cải thiện những khía cạnh nào của cuộc sống?
  • Làm thế nào tôi có thể học hỏi từ sai lầm và thất bại của mình?
  • Tôi có thể sử dụng những nguồn lực nào để hỗ trợ sự phát triển cá nhân?
  • Hôm nay tôi có thể thực hiện những bước nào để tiến gần hơn đến con người đích thực của mình?

Hãy nhớ rằng, không có câu trả lời đúng hay sai đối với những câu hỏi về bản thân. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thành thật với chính mình, khám phá suy nghĩ và cảm xúc cá nhân một cách cởi mở – cũng như sẵn sàng để câu trả lời hướng dẫn mình trên hành trình khám phá bản thân. Bạn có thể điều chỉnh lại nội dung những câu hỏi trên đây, cũng như đặt ra thêm câu hỏi của riêng bạn.

Sẽ không bao giờ là quá trễ để bạn đặt ra một mục tiêu hoặc mơ một giấc mơ mới.

C. S. Lewis

khám phá bản thân

Các kỹ thuật khám phá bản thân

  • Kiểm tra tính cách: Các bài trắc nghiệm khám phá bản thân như Myers-Briggs Type Indicator (MBTI), Big Five Personality Test hoặc Enneagram có thể tiết lộ phần nào về các đặc điểm tính cách, sở thích, điểm mạnh và giá trị cá nhân – qua đó giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về con người thật của mình .
  • Thiền: Tập trung vào hơi thở, một câu nói/ lời kinh hoặc một vật thể, cũng như quan sát những suy nghĩ của bản thân mà không phán xét. Phương pháp thực hành này qua thực nghiệm đã cho thấy tác dụng nâng cao khả năng tự nhận thức, xoa dịu tâm trí và giải tỏa những căng thẳng đang che đậy con người thật của bạn.
  • Coaching: Với sự trợ giúp của một coach chuyên nghiệp, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc phát hiện mục tiêu, động lực và thách thức của mình – đây là cơ sở để bạn sau đó lập kế hoạch hành động phù hợp nhằm nâng cao hiệu suất, tăng cường sự tự tin và cải thiện sức khỏe tổng thể hiện tại.
  • Viết nhật ký: Viết nhật ký thường xuyên mang lại không gian để suy ngẫm, sáng tỏ và thể hiện bản thân. Khi ghi lại hành trình mỗi ngày, bạn sẽ có cơ hội theo dõi sự tiến bộ và cảm nghiệm rõ ràng hơn về ​​hành trình phát triển cá nhân.
  • Thực hành lòng biết ơn: Hãy học cách thay đổi quan điểm của bạn theo hướng tích cực và chấp nhận bản thân – bằng cách tập trung vào những gì bạn biết ơn trong cuộc sống. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng sâu sắc, sẽ góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
  • Hòa mình vào thiên nhiên: Việc dành thời gian ngoài trời sẽ giúp bạn bình tĩnh, xoa dịu tâm hồn – nhờ đó kết nối với nội tâm tốt hơn và giữ được sự minh mẫn giữa những biến động của cuộc sống.
  • Rèn luyện thân thể: Các hoạt động như yoga, khiêu vũ hoặc võ thuật không chỉ nâng cao sức khỏe thể chất mà còn góp phần giải phóng những khối cảm xúc bên trong, nuôi dưỡng sự kết nối nội tại toàn diện.
  • Trải nghiệm mới: Bạn có thể dành thời gian đi du lịch, thử nghiệm các sở thích hoặc kỹ năng mới mang tính thử thách và góp phần mở rộng tầm nhìn. Mỗi trải nghiệm thực tế là một nét vẽ, qua đó bộc lộ nhiều hơn về sở thích, điểm mạnh, niềm đam mê và giá trị của bạn.
  • Hoạt động cộng đồng: Kết nối với các đội nhóm phù hợp với sở thích, giá trị hoặc mục tiêu của bạn. Việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng chí hướng sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ, cũng như nuôi dưỡng tình bạn thân thiết và đảm bảo sự hỗ trợ trong suốt hành trình khám phá bản thân của bạn.
  • Khác: Các nguồn tài nguyên như sách, ứng dụng, podcast, hội thảo và các khóa học trực tuyến đều rất có ích trong việc mang đến sự khôn ngoan, hướng dẫn và cơ hội tiếp cận các quan điểm đa dạng.

Đọc thêm: 32 hoạt động tự khám phá cho mọi lứa tuổi

Kỹ năng khám phá bản thân

Kỹ năng khám phá bản thân

Danh ngôn về khám phá bản thân

Hành trình khám phá bản thân là cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất của cuộc đời.

Arianna Huffington

 

Cuộc hành trình thực sự duy nhất là cuộc hành trình hướng vào bên trong.

Rainer Maria Rilke

 

Hãy tận dụng tối đa năng lực bản thân…. vì đó là tất cả những gì bạn có.

Ralph Waldo Emerson

 

Người điên rồ là người làm đi làm lại cùng một việc – trong khi mong đợi một kết quả khác đi.

Albert Einstein

 

Càng hiểu biết, bạn sẽ càng làm tốt hơn.

Mel Robbins

 

Tôi cho rằng khám phá bản thân là thành tựu lớn nhất trong đời, bởi vì một khi bạn thấu hiểu và chấp nhận con người thật của mình, bạn sẽ có thể phát huy hết tiềm năng thực sự của mình và sống một cuộc sống hạnh phúc.

Marco Pierre White

 

Hành trình khám phá bản thân bắt đầu bằng việc yêu thương chính mình. Bạn phải yêu bản thân đủ nhiều mới có thể tìm thấy chính mình.

Nitin Namdeo

 

Không có sự mãn nguyện nào có thể so sánh được với việc nhìn lại những năm qua – và thấy rằng bạn đã trưởng thành hơn về khả năng tự chủ, phán đoán, rộng lượng và sẻ chia.

Ella Wheeler Wilcox

 

Trên hết, khám phá bản thân là nhận thức về sự tồn tại của bản ngã: đó là việc ta phá bỏ một bức tường trong suốt – bức tường ý thức – ngăn cách giữa thế giới và chính chúng ta.

Octavio Paz

 

Hãy quyết tâm là chính mình. Ai tìm thấy chính mình sẽ không còn đau khổ nữa.

Matthew Arnold

khám phá bản thân

Xem ngay danh sách tổng hợp câu nói hay về khám phá bản thân tại đây!

Sách về chủ đề khám phá bản thân

Tổng hợp một số sách về chủ đề khám phá bản thân mà bạn đọc có thể tham khảo thêm:

Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn đọc có thể xem qua bài review cụ thể các sách hay về khám phá bản thân tại đây.

tự khám phá bản thân

Đọc thêm: Tuyển tập 21 phim về khám phá bản thân (self-discovery) – Chìa khóa mở cửa tâm hồn

FAQs

Làm cách nào để bắt đầu khám phá bản thân?

Đầu tiên, hãy dành chút thời gian suy ngẫm về cuộc sống, hệ giá trị cá nhân và những gì khơi dậy sự quan tâm của bạn. Hãy đặt câu hỏi và nghiên cứu nhiều quan điểm về cùng một vấn đề bạn quan tâm. Thực hành chánh niệm, viết nhật ký hoặc trị liệu để có được sự tự nhận thức và hiểu được động cơ của bạn. Ngoài ra – hãy nhắc nhở bản thân thử nghiệm những điều mới, thách thức những giả định, cũng như đón nhận những trải nghiệm mang lại niềm vui cho bạn.

Chìa khóa để khám phá bản thân là gì?

Thực tế không có câu trả lời cố định và đầy đủ cho câu hỏi trên; tuy nhiên, sau đây là một số yêu cầu quan trọng chính của cuộc hành trình này:

  • Cởi mở: Hãy tiếp thu những trải nghiệm và hiểu biết mới, ngay cả khi chúng thách thức niềm tin hiện tại của bạn.
  • Tò mò: Tích cực tìm kiếm kiến ​​thức, đặt câu hỏi và khám phá để tìm thấy những khía cạnh tiềm ẩn của bản thân.
  • Yêu quý bản thân: Hãy học cách chấp nhận con người thực của bạn một cách trọn vẹn, bao gồm cả điểm mạnh và khuyết điểm, và đối xử tử tế với bản thân trong suốt cuộc hành trình đường đời.

Quá trình tự khám phá mất bao lâu?

Khám phá bản thân là một quá trình liên tục, cần có thời gian, nỗ lực và cam kết không ngừng học hỏi và phát triển. Sự tiến bộ không phải lúc nào cũng diễn ra cách tuyến tính; do đó, bạn nên đón nhận mọi thăng trầm như một phần tất yếu của cuộc hành trình. Những trải nghiệm và thử thách mới sẽ bộc lộ những tầng lớp mới của bạn.

Làm cách nào để không bỏ cuộc trên hành trình khám phá bản thân?

Bạn có thể thử nghiệm nhiều kỹ thuật khám phá bản thân – xem thử xem hướng tiếp cận nào có thể khơi dậy sự tò mò và giúp bạn có động lực. Chia hành trình của bạn thành từng bước nhỏ hơn để tránh cảm giác choáng ngợp. Ngoài ra, hãy luôn vui mừng trước mọi sự tiến bộ của bạn, dù nhỏ bé đến đâu.

Bên cạnh đó, đừng ngần ngại chia sẻ hành trình của bạn với bạn bè, cộng đồng hoặc người cố vấn hỗ trợ. Sự khuyến khích và chia sẻ kinh nghiệm của họ sẽ mang lại cho bạn nguồn cảm hứng vô tận.

Nhà thám hiểm vĩ đại nhất trên hành tinh này không bao giờ có thể thực hiện những chuyến đi dài bằng chuyến đi của người đi sâu trong vào trái tim mình.

Julien Green

tự khám phá mục đích chính mình

Khám phá năng lực bản thân

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ sơ lược của tôi về chủ đề khám phá bản thân (tôi hy vọng những gì mình trình bày không đến nỗi quá tệ). Thấu hiểu chính mình là câu chuyện của cả đời người. Từ giai đoạn tò mò ban đầu đến lúc sáng tỏ, cuộc hành trình này không bao giờ thực sự kết thúc. Dù điều gì xảy ra, tôi rất hy vọng rằng bạn sẽ giữ vững niềm tin và luôn nỗ lực hết mình để sống có mục đích – trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời.

Chúc bạn thành công và nhiều niềm vui!

Có thể bạn quan tâm:


Liên kết ngoài

Journal prompts & worksheets. https://destinysodyssey.com/wp-content/uploads/2011/08/Self-Awareness-Workshop.pdf.

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status