Hạnh phúc trong cuộc sống: Ý nghĩa & Bí quyết tạo dựng

happiness in life
Trang chủ » Mục đích sống » Mục tiêu & Động lực » Hạnh phúc trong cuộc sống: Ý nghĩa & Bí quyết tạo dựng

Khát vọng chung của mọi người là tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống và sự mãn nguyện lâu dài, vượt lên những vui thú thoáng qua.

Giữa nhịp sống hối hả của thế giới hiện đại, rất nhiều khi chúng ta cảm thấy bản thân bị “choáng ngợp” bởi quá nhiều mục tiêu và mong muốn. Tuy nhiên, chính trong sự hỗn loạn đó, mọi người vẫn không ngừng theo đuổi một khát vọng duy nhất: mưu cầu hạnh phúc. Xuyên suốt lịch sử loài người, tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống luôn là chủ đề nhận được đông đảo sự quan tâm. Câu hỏi đặt ra là: Bản chất hạnh phúc là gì? Làm thế nào ta có thể đạt được sự mãn nguyện lâu dài – thay vì chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc vui thích thoáng qua?

Tóm tắt nội dung chính

  • Hạnh phúc là một khái niệm đa chiều; nhìn chung, nó là trạng thái tổng hòa của những cảm xúc tích cực như niềm vui, tình yêu và sự hài lòng – và có thể được trải nghiệm theo nhiều phương thức khác nhau (vd: thông qua các mối quan hệ, công việc, đam mê và tự khám phá). Đặc trưng của nó là cảm giác hài lòng, tích cực, các mối quan hệ bền chặt, phong cách sống tỉnh thức, học tập liên tục, hướng mục đích, thực hành lòng biết ơn và niềm vui.
  • Đạt được hạnh phúc trong cuộc sống có mối tương quan chặt chẽ với cải thiện về sức khỏe, năng suất, các mối quan hệ, thành công và chất lượng cuộc sống nói chung; ngoài ra, nó cũng góp phần không nhỏ vào lợi ích cộng đồng.
  • Hạnh phúc có nhiều dạng khác nhau, từ khoái lạc chóng qua, nhận thức về ý nghĩa, kết nối xã hội hoặc tâm linh. Các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến như sức khỏe, các mối quan hệ, tính khí, khả năng thích nghi, tiền bạc, hoàn cảnh xã hội và văn hóa.
  • Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta phải vượt qua những rào cản như kỳ vọng không thực tế, thói quen tự so sánh, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực và thiếu quan tâm đến bản thân.
  • Bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc là luôn mỉm cười, tập trung vào điều tích cực, sống ở hiện tại, học cách tha thứ, biết ơn, đặt ra các mục tiêu thực tế, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên, kết nối với những người thân yêu, thực hiện các hoạt động thú vị, bớt “ôm đồm”, giúp đỡ người khác và tự chăm sóc chính mình.
  • Đạt được hạnh phúc là một hành trình lâu dài, là thành quả của một phong cách sống xuất phát từ bên trong, sẵn sàng chia sẻ và hành động.
  • Ngay cả khi trong hoàn cảnh khó khăn hay chán nản, hạnh phúc vẫn có thể được tìm thấy thông qua hỗ trợ xã hội, sự giúp đỡ từ các chuyên gia, cũng như thực hành những thay đổi nhỏ, trải nghiệm những niềm vui đơn giản, thử nghiệm các kỹ thuật thư giãn và – quan trọng nhất – không ngừng kiên nhẫn với chính mình.

Hạnh phúc trong cuộc sống là gì?

Hạnh phúc trong cuộc sống (happiness in life) là một khái niệm phức tạp và đa chiều, không có định nghĩa chung đúng cho mọi trường hợp. Về cơ bản, ta có thể hiểu nó đề cập đến một trạng thái tinh thần – đặc trưng bởi sự hiện diện của những cảm xúc tích cực như: niềm vui, tình yêu và sự mãn nguyện. Đó là cảm giác ấm áp, niềm hâm hoan phát xuất từ ý thức về thành tựu cá nhân, sự bình yên và đáng sống của cuộc đời này.

Một điều đáng thú vị là, hạnh phúc có thể được biểu hiện theo vô số cách khác nhau:

  • Với một số người, nó đến từ các mối quan hệ – tình yêu thương và sự kết nối mà họ chia sẻ với gia đình và bạn bè.
  • Đối với số khác, nó có thể phát xuất từ công việc – nói cách khác, họ tìm thấy sự hài lòng và thỏa mãn từ những thành tựu trong sự nghiệp.
  • Bên cạnh đó, nhiều người lại cảm thấy thỏa mãn sâu sắc khi theo đuổi đam mê/sở thích cá nhân – hoặc dấn thân vào hành trình khám phá bản thân.

Hạnh phúc không phải là trạng thái chung và bất biến với tất cả mọi người. Đúng hơn, nó là một chiếc “kính vạn hoa” chứa đựng trong đó cảm xúc dưới nhiều hình thức đa dạng – từ niềm vui, lòng biết ơn, sự thanh thản, mối quan tâm, niềm hy vọng, tự hào, sự thích thú, cảm hứng, kinh ngạc và tình yêu thương. Mỗi trải nghiệm này đều góp phần vào “bức tranh” tổng thể, làm phong phú trải nghiệm sống mỗi ngày.

hạnh phúc là gì

Biểu hiện của hạnh phúc

  • Sự hài lòng và mãn nguyện

Hạnh phúc bắt đầu bằng việc trân trọng những điều không hoàn hảo trong cuộc sống và hài lòng với hoàn cảnh hiện tại. Thay vì quá cầu toàn và mong muốn có được mọi thứ mình muốn, bạn sẵn sàng chấp nhận những thành tích, mục tiêu và phước lành hiện có.

  • Mỉm cười

Người hạnh phúc có xu hướng sống vui vẻ và mỉm cười thường xuyên hơn. Sự hiện diện của họ tỏa ra niềm vui và trở thành “liều thuốc” nâng cao tâm trạng của mọi người xung quanh.

  • Tư duy tích cực

Tuy cảm xúc tiêu cực thỉnh thoảng có thể xuất hiện, song chúng hiếm khi kéo dài. Việc luôn nhấn mạnh những khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống mang đến cho ta khả năng phục hồi mạnh mẽ và vực dậy nhanh chóng sau thất bại.

  • Các mối quan hệ bền chặt

Hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng một mạng lưới mối quan hệ bền chặt, hỗ trợ và yêu thương – đặc trưng bởi sự tử tế, lòng trắc ẩn, giao tiếp, thái độ tôn trọng, tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau.

  • Sống trong hiện tại

Bạn luôn hiện diện trọn vẹn ở thời điểm thực tại, cho phép bản thân tận hưởng những thú vui đơn giản của cuộc sống – thay vì đắm chìm trong quá khứ hoặc lo lắng quá mức về tương lai.

  • Học hỏi liên tục

Những người hạnh phúc luôn tự nhiên thể hiện thái độ tò mò và cởi mở – họ tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân. Quan tâm đến những ý tưởng, trải nghiệm và thử thách mới, cũng như thích thú tiếp thu kỹ năng và kiến thức là một phần thiết yếu để đạt đến cuộc sống viên mãn.

  • Ý thức về mục đích

Ý thức sâu sắc về ý nghĩamục đích sống giúp bạn định hướng cuộc đời, duy trì động lực và thái độ trân trọng với hiện tại. Bạn xác tín mạnh mẽ rằng, mọi hành động và nỗ lực của mình đều đang góp phần vào một điều gì đó lớn lao hơn bản thân; nhờ đó, từng khoảnh khắc cuộc đời đều “đong đầy” ý nghĩa và giá trị.

  • Trân trọng những niềm vui nhỏ

Hạnh phúc thực sự được sinh ra từ sự trân trọng những “kho báu” tầm thường nhất của cuộc sống. Bạn biết ơn những gì mình có, không tỏ ra coi thường ai hoặc điều gì cả. Bạn tìm thấy niềm vui khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, đón nhận lòng tốt của một người lạ, hoặc cảm nghiệm hương vị của một món ăn/ bài nhạc yêu thích.

  • Vui vẻ

Dành thời gian để mỉm cười chân thành và cảm nghiệm niềm vui cùng những người thân yêu là một phần không thể thiếu của hạnh phúc.

Ý nghĩa của hạnh phúc trong cuộc sống

Mục đích của cuộc sống là trở nên hạnh phúc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma

  • Cải thiện sức khỏe và tuổi thọ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người hạnh phúc thường có hệ miễn dịch mạnh, huyết áp thấp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và nhìn chung sống lâu hơn. Điều này có thể một phần do họ có xu hướng ưu tiên chăm sóc bản thân, thực hành các thói quen lành mạnh như duy trì chế độ ăn uống bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

  • Nâng cao năng suất và hiệu quả công việc

Khoa học cũng đã chứng minh, người hạnh phúc nhìn chung thể hiện tính sáng tạo, làm việc có động lực, tập trung và hiệu quả hơn so với những người khác. Khả năng ra quyết định, giải quyết vấn đề và quản lý căng thẳng tốt khiến họ trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn trước khó khăn, cả trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp.

  • Mối quan hệ và kết nối xã hội tốt hơn

Hạnh phúc luôn có tính lan tỏa trong các mối tương quan xã hội – nó khiến ta trở nên dễ gần, rộng lượng, có tinh thần cộng tác và nhân ái hơn. Cảm nhận về nó là cơ sở để nuôi dưỡng những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa – giúp ta có thêm nhiều bạn bè và dễ dàng nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

  • Bí quyết thành công

Năng lực sáng tạo đổi mới tốt khiến bạn có nhiều điều kiện để đạt được thành công trong sự nghiệp và các lĩnh vực khác của cuộc sống hơn.

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống

Hạnh phúc đã được chứng minh là có tác dụng đến lòng tự trọng, sự lạc quan và kiên định (resilience). Khi đối mặt với thử thách cuộc sống, người hạnh phúc sẽ được trang bị tốt hơn để luôn mạnh mẽ và duy trì tư duy tích cực.

  • Đóng góp cho cộng đồng

Ý nghĩa của hạnh phúc không chỉ giới hạn ở một cá nhân; nó có tác động lan tỏa ra cộng đồng xung quanh. Người hạnh phúc nhìn chung có xu hướng cho đi nhiều hơn. Niềm vui và lòng biết ơn lan tỏa từ họ góp phần tạo ra một bầu không khí tích cực, hài hòa, truyền cảm hứng cho những người khác cùng thực hành theo họ.

giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống

Giá trị của hạnh phúc trong cuộc sống

Nghiên cứu về hạnh phúc trong cuộc sống

Các nghiên cứu về hạnh phúc trong cuộc sống có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, đã tồn tại hai trường phái riêng biệt:

  • Hedonism (chủ nghĩa khoái lạc) tập trung vào việc theo đuổi niềm vui và né tránh đau khổ. Học thuyết này nhấn mạnh vai trò của sự tận hưởng tuyệt đối trong việc đạt tới hạnh phúc.
  • Ngược lại, eudaimonia (chủ nghĩa đạo đức) đề cao việc phát huy tiềm năng cá nhân và sống một cuộc sống có đạo đức và ý nghĩa. Nó đi sâu vào những khía cạnh sâu sắc hơn – rằng hạnh phúc thực sự không chỉ đến từ những niềm vui thoáng qua.

Bên cạnh đó, các truyền thống cổ xưa như Phật giáo và chủ nghĩa Khắc kỷ cũng bàn luận về chủ đề này. Những trường phái này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc buông bỏ, điều độ và trí tuệ – đóng vai trò như những thành phần thiết yếu để cảm nghiệm trạng thái viên mãn dài lâu.

Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 20, nghiên cứu mới bắt đầu đi theo hướng tiếp cận khoa học và hệ thống hơn. Một cột mốc quan trọng là vào năm 1938, khi Đại học Harvard tiến hành đánh giá chất lượng cuộc sống của 724 người thuộc nhiều hoàn cảnh và tầng lớp xã hội khác nhau. Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu đã đưa ra những kết luận sâu sắc về các yếu tố góp phần cấu thành hạnh phúc của con người – bao gồm các mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ xã hội và ý thức về mục đích.

Trong số những học giả tiên phong có Ed Diener, chuyên gia tâm lý tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Vào thập niên 1980, Diener đề xuất khái niệm Thang đo mức độ hài lòng với cuộc sống (Satisfaction with Life Scale – SWLS) – một bảng câu hỏi gồm 5 mục đơn giản, được thiết kế nhằm đánh giá mức độ hài lòng đối với cuộc sống nói chung và các lĩnh vực cụ thể như sức khỏe, mạng lưới quan hệ và công việc.

Kể từ đó, chủ đề này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Các nhà khoa học đã và đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc khám phá các yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc. Gần đây, các phong trào như tâm lý học tích cực và tâm lý học nhân văn đã nổi lên – với trọng tâm là khám phá tiềm năng và sức mạnh của con người như những thành tố cốt lõi của hạnh phúc.

hạnh phúc trong cuộc sống

Ngày nay, các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã đưa hạnh phúc vào chỉ số đánh giá sự phát triển của họ. Ví dụ, Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index) xem đó là một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó là Báo cáo thường niên về Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) – xếp hạng các quốc gia về mức độ hài lòng với cuộc sống – dựa trên các chỉ số như GDP, niềm tin xã hội, tự do, sự hào phóng và sức khỏe, v.v…

Các loại hạnh phúc

  • Khoái lạc (Hedonic)

Đúng như tên gọi, hạnh phúc khoái lạc gắn liền với những trải nghiệm mang lại sự thích thú ngay lập tức, như dành thời gian cho người thân yêu, thưởng thức món ăn ngon hoặc tham gia vào các hoạt động thú vị (ví dụ: xem một bộ phim vui nhộn, đi nghỉ hoặc thư giãn một ngày ở spa). Trọng tâm ở đây là sống trong khoảnh khắc hiện tại và tận hưởng những niềm vui đơn giản của cuộc sống.

  • Bản chất (Eudaimonic)

Hạnh phúc bản chất đề xuất một cách tiếp cận sâu sắc và dài lâu hơn, ở chỗ nó gắn liền với ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Đó là khi ta hành động hướng tới mục tiêu của mình, mang niềm vui đến cho người khác, tham gia vào các dự án có ý nghĩa, tạo ra tác động tích cực đến thế giới, hoặc đơn giản là sống phù hợp với hệ giá trị cốt lõi của bản thân.

Như vậy, trọng tâm ở đây không chỉ dừng lại ở cảm giác dễ chịu nhất thời, nhưng là sự thỏa mãn và đồng nhất với bản thể của chính mình.

  • Xã hội (Social)

Hạnh phúc không chỉ là chuyện cá nhân; nó sẽ nhân rộng ra khi ta dành thời gian chất lượng cho những người thân yêu, được cộng đồng ủng hộ, kết bạn mới và nuôi dưỡng những mối quan hệ có ý nghĩa. Hạnh phúc xã hội nhấn mạnh vai trò của kết nối giữa người và người – rằng niềm vui của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào mối dây ta chia sẻ với người khác.

  • Tâm linh (Spiritual)

Là một dạng thức siêu việt hơn, hạnh phúc tinh thần hay tâm linh lấy nền tảng là mối liên hệ với điều gì đó lớn lao hơn bản thân. Nó có thể thể hiện thông qua niềm tin tôn giáo, thực hành tâm linh (ví dụ: thiền định, cầu nguyện), chứng kiến những hành động tử tế chạm đến tâm hồn, hoặc đơn giản từ việc cảm nhận sự kỳ diệu của cuộc sống.

các loại hạnh phúc

Điều gì khiến con người hạnh phúc?

Qua nhiều năm, nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã tiết lộ một số yếu tố quan trọng cấu thành hạnh phúc trong cuộc sống:

  • Thái độ chủ quan

Thái độ chủ quan thể hiện qua cách một người đánh giá cuộc sống của chính họ, cả về mặt nhận thức và cảm xúc. Nó bao gồm ba thành phần cốt lõi: sự mãn nguyện trong cuộc sống, ảnh hưởng tích cực và ảnh hưởng tiêu cực. Những người cảm nghiệm hạnh phúc chủ quan thường ghi nhận mức độ hài lòng tổng thể cao hơn, thường xuyên trải qua những cảm xúc tích cực và có ý thức về mục đích.

  • Quan hệ xã hội

Con người vốn là sinh vật có tính xã hội; do đó, kết nối với người khác là một phần không thể thiếu. Những ai có mối quan hệ bền chặt và hỗ trợ với gia đình, bạn bè, đối tác và đồng nghiệp nhìn chung cảm nghiệm mức độ hài lòng cao hơn những ai đang trong tình trạng cô độc. Những tương tác này mang lại cho ta tình yêu thương, cảm giác thân thuộc, được chấp nhận và hỗ trợ – tất cả đều cần thiết để có được cuộc sống viên mãn.

  • Tính khí & Khả năng thích nghi

Tính khí là yếu tố nội tại liên quan đến tính cách và năng lực quản lý cảm xúc. Một số người bẩm sinh có xu hướng lạc quan, tích cực và dễ hài lòng so với hơn những người khác.

Mặt khác, thích nghi là quá trình tự điều chỉnh trước những biến động trong hoàn cảnh sống (ví dụ: thay đổi về thu nhập, kết hôn/ ly hôn, sức khỏe đi lên/ đi xuống). Mặc dù những sự kiện này có thể gây ra tác động tạm thời, song nghiên cứu đã cho thấy – theo thời gian, phần lớn chúng ta có xu hướng phục hồi và quay trở lại mức độ hạnh phúc cơ bản.

Đọc thêm: Thói quen hình thành tính cách như thế nào?

  • Tiền bạc

Mối tương quan giữa sự giàu có và hạnh phúc nhìn chung rất phức tạp và đầy nghịch lý. Mặc dù tiền của có thể đảm bảo những nhu cầu cơ bản, mang đến cảm giác an toàn, thoải mái và các cơ hội, song nó cũng là nguyên nhân sâu xa gây ra các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, đố kỵ, tham lam và bất mãn.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tiền có thể làm gia tăng hạnh phúc đến một mức nhất định – nhưng khi vượt quá ngưỡng đó, lợi ích cận biên sẽ giảm đi hoặc thậm chí đi theo chiều ngược lại. Cách chúng ta tiêu tiền cũng có tác động nhất định – việc dùng tiền để giúp đỡ người khác hoặc đầu tư vào phát triển chính mình có xu hướng mang lại sự hài lòng lớn hơn là khi ta chỉ thuần theo đuổi của cải vật chất.

  • Xã hội & Văn hóa

Bối cảnh xã hội và văn hóa cũng ảnh hưởng đáng kể đến hệ giá trị, niềm tin và kỳ vọng của chúng ta. Một cộng đồng hỗ trợ và hòa nhập sẽ góp phần nuôi dưỡng niềm tin, cảm giác tự do, bình đẳng và rộng lượng, góp phần vào nhận thức về sự viên mãn. Ngược lại, môi trường quá “ngột ngạt” hoặc nhiều tệ nạn đã được chứng minh có tương quan với tình trạng suy giảm hạnh phúc.

điều gì khiến con người hạnh phúc

Cần lưu ý, định nghĩa, thước đo và biểu hiện của hạnh phúc luôn có sự thay đổi giữa các nền văn hóa và quốc gia. Nói cách khác, các chuẩn mực xã hội và giá trị văn hóa đóng một vai trò không nhỏ trong việc định hình nhận thức của con người về khái niệm này.

Những điều hạnh phúc trong cuộc sống

  • Sức khỏe thể chất

Sức khỏe thể chất đã được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với hạnh phúc trong cuộc sống. Khi dành thời gian chăm sóc cơ thể thông qua tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân bằng và nghỉ ngơi đầy đủ, chúng ta đồng thời khiến bản thân trở nên tự tin và mãn nguyện hơn. Một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng để kiến tạo một cuộc sống vui vẻ.

  • Ý thức mục đích

Tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống là yếu tố cơ bản của hạnh phúc. Việc đặt ra những mục tiêu có thể đạt được – cho dù là ở phương diện sự nghiệp, phát triển cá nhân hay trình độ học vấn – đều mang lại cho chúng ta ý thức về phương hướng, động cơ để phấn đấu, phát triển và gắn kết với cuộc sống.

  • Lòng biết ơn

Lòng biết ơn đóng vai trò là lời nhắc nhở mạnh mẽ về những phước lành xung quanh ta. Bằng cách dành thời gian để thừa nhận và trân trọng những điều tốt đẹp của cuộc sống, chúng ta chuyển hướng tập trung từ những gì mình còn thiếu sang những gì mình có – qua đó giúp nâng cao tâm trạng và nuôi dưỡng sự hài lòng.

  • Các mối quan hệ

Mối liên hệ của chúng ta với gia đình, bạn bè và những người thân yêu là một trong những nguồn hạnh phúc sâu sắc nhất. Chúng làm phong phú cuộc sống của ta – mang lại niềm vui, tiếng cười, sự đồng hành, cũng như nhắc nhở ta rằng mình không đơn độc trên hành trình cuộc đời.

  • Sự kiên định (Resilience)

Bí quyết của hạnh phúc nằm ở việc xây dựng một bản ngã mạnh mẽ bên trong, một bản ngã mà không thử thách hay khó khăn nào có thể làm suy yếu.

Daisaku Ikeda

Cuộc sống luôn đầy rẫy khó khăn; điều quan trọng là cách ta phản ứng khi đối mặt với những thời điểm này. Mỗi người cần tập trung vào những gì bản thân có thể kiểm soát, thể hiện tình yêu thương với bản thân và học hỏi từ những trải nghiệm quá khứ.

Thực hành chánh niệm, lòng trắc ẩn và giải quyết vấn đề là những kỹ thuật hiệu quả góp phần điều hướng những thăng trầm của cuộc sống.

Đọc thêm: Shikata ga nai – Bình an qua sự buông bỏ

  • Mãn nguyện trong công việc

Công việc chiếm một phần đáng kể thời gian sống; do đó, đạt được trạng thái mãn nguyện trong sự nghiệp là yêu cầu cần thiết để đảm bảo hạnh phúc nói chung. Xác định niềm đam mê của bản thân và lựa chọn công việc phù hợp với các giá trị nội tại là điều cần thiết để nuôi dưỡng cảm giác thỏa mãn sâu sắc. Ngoài ra, đạt được trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work life balance) cũng rất quan trọng để duy trì hạnh phúc và cảm giác viên mãn lâu dài.

  • Tư duy tích cực

Suy nghĩ của chúng ta góp phần không nhỏ định hình nhận thức và trải nghiệm cá nhân. Hãy bắt đầu với những hành động đơn giản, bày tỏ lòng biết ơn hàng ngày và dành thời gian chăm sóc bản thân – để có thể duy trì tâm trạng tốt cùng cái nhìn tích cực về cuộc sống. Sự tích cực không chỉ nâng cao hạnh phúc của chính chúng ta – tác động của nó hoàn toàn có thể lan tỏa sang những người xung quanh.

các yếu tố mang lại hạnh phúc

Thách thức trên hành trình đi tìm hạnh phúc

  • Kỳ vọng không thực tế

Căn bệnh trầm kha của Tây phương là suy nghĩ “Tôi sẽ hạnh phúc khi…”. Chúng ta tin rằng hạnh phúc là một mục tiêu cố định và hữu hạn, chỉ xảy đến khi ta đạt được điều mình muốn.

Marshall Goldsmith

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng cho rằng, hạnh phúc trong cuộc sống là một trạng thái bất tận liên tục – có thể đạt được thông qua tích lũy của cải vật chất, danh tiếng hoặc thành công. Quan niệm sai lầm này không chỉ phi thực tế mà còn gây hại đáng kể đến sức khỏe tinh thần.

Hạnh phúc không phải là một trạng thái cố định hay vĩnh hằng; đúng hơn, đó là một quá trình luôn thay đổi, chịu ảnh hưởng của nhiều tác nhân, trong đó có nhiều yếu tố hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

  • So sánh bản thân với người khác

Đừng so sánh cuộc sống của bạn với người khác. Không có sự so sánh nào giữa mặt trời và mặt trăng cả. Chúng chỉ đơn giản chiếu sáng khi đến thời điểm của chúng.

Thích Ca

Ảnh hưởng của các nền tảng truyền thông và chuẩn mực xã hội khiến nhiều người đánh giá cuộc sống của họ dựa trên các tiêu chuẩn “hoàn hảo” của người khác. Chúng ta quên mất rằng mình không có hiểu biết đầy đủ về những phức tạp, thách thức và hy sinh mà họ phải vượt qua để có được địa vị hiện tại.

Để từ bỏ thói quen “độc hại” này, ta cần học cách chuyển trọng tâm sự chú ý sang tìm hiểu những điểm mạnh, tài năng độc đáo, cũng như các khía cạnh chân thực trong cuộc sống của mình.

Đọc thêm: Thấu hiểu bản thân – Lộ trình hướng tới một bản thể chân thực hơn

  • Căng thẳng

Khi đối mặt với áp lực – dù là trong công việc, mối quan hệ, tài chính hay vấn đề sức khỏe – chúng ta thường khó tập trung vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống. Tình trạng căng thẳng mãn tính khiến ta bận rộn với những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng và mất đi khả năng tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.

  • Bi quan

Lối suy nghĩ bi quan, đặc trưng bởi thái độ ám ảnh liên tục với những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống, là rào cản lớn ngăn ta thực sự cảm nhận về hạnh phúc.

  • Không chăm sóc bản thân

Thiếu ngủ, ít tập luyện và ăn uống thất thường đều tác động tiêu cực đến tâm trạng, mức năng lượng và chức năng nhận thức. Ngoài ra, việc kìm nén hoặc trốn tránh cảm xúc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê liệt, tách biệt và cô lập. Nói cách khác, ưu tiên chăm sóc bản thân và duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần là yêu cầu cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Đọc thêm: 50 câu hỏi về lối sống lành mạnh hằng ngày

Những điều hạnh phúc trong cuộc sống – TED Talk của Robert Waldinger

Cách tạo dựng hạnh phúc trong cuộc sống

  1. Cười nhiều hơn

Hành động mỉm cười đã được chứng minh là có tác động sâu sắc đến cảm nghiệm hạnh phúc – qua việc kích hoạt giải phóng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh góp phần cải thiện tâm trạng và sự hài lòng. Mỉm cười không chỉ khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn mà còn góp phần không nhỏ vào sức khỏe, các mối quan hệ và niềm tin vào chính mình.

  1. Tập trung vào mặt tích cực

Khó khăn và thất bại điều không thể tránh khỏi, song chúng ta hãy nhắc nhở mình phải học cách chuyển hướng tập trung vào những điều tốt đẹp. Suy nghĩ tích cực, lạc quan và kỳ vọng kết quả thuận lợi là điều cần thiết để nuôi dưỡng sự tự tin, kiên định và viên mãn.

Để hình thành lối suy nghĩ này, bạn có thể cân nhắc tham gia các hoạt động như thiền, chánh niệm hay đặt mục tiêu – qua đó trở nên trân trọng và gắn kết hơn với cuộc sống.

Đọc thêm: Sức mạnh tiềm thức – Giải mã năng lực tiềm ẩn trong bạn

  1. Sống trong hiện tại

Hôm qua là lịch sử, ngày mai là một bí ẩn, nhưng hôm nay là một món quà. Đó là lý do tại sao nó được gọi là HIỆN TẠI (Present).

Sư phụ Oogway

Giây phút hiện tại là tất cả những gì bạn thực sự làm chủ được; do đó, hãy chuyển hướng suy nghĩ vào những gì đang xảy ra ngay bây giờ, đồng thời từ bỏ thói quen sống trong quá khứ cũng như lo lắng thái quá về tương lai.

  1. Học cách tha thứ

Sai lầm không phải do con người HIỆN TẠI của bạn. Đó là do con người trong QUÁ KHỨ.

Marshall Goldsmith

Hận thù là gánh nặng tinh thần to lớn, khiến ta không thể tìm được hạnh phúc trong cuộc sống. Thay vì chôn vùi bản thân trong cảm xúc tiêu cực, bạn nên học cách nhìn về phía trước và buông bỏ lỗi lầm quá khứ – bao gồm cả sai sót của chính bạn cũng như những điều mọi người xung quanh đã làm tổn thương đến bạn.

Bạn có thể nuôi dưỡng tình yêu bản thân bằng cách thực hành độc thoại thấu hiểu – giống như thể bạn đang nói chuyện với một người bạn tri âm tri kỷ. Hãy đối xử với chính mình bằng sự tử tế và đồng cảm như cách bạn vẫn làm với người khác.

  1. Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Khi bạn kết nối tâm hồn mình với hado của lòng biết ơn và tình yêu, hạt giống của hạnh phúc sẽ thấm vào trái tim và lan tỏa khắp cơ thể bạn. Nó sẽ kết nối bạn với những rung động của hạnh phúc, và hạnh phúc sẽ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Đây chính là bí quyết để tìm thấy hạnh phúc ngay bây giờ – bất kể bạn đang ở đâu.

Masaru Emoto

Lòng biết ơn là một cảm xúc tích cực mạnh mẽ – thể hiện ở thái độ trân trọng và yêu quý những gì hiện có. Nó là thành tố quan trọng tạo nên hạnh phúc, sức khỏe và các mối quan hệ – khiến bạn nhận thức rõ ràng, lạc quan và rộng lượng hơn.

Bạn có thể cân nhắc viết nhật ký về lòng biết ơn – mỗi ngày liệt kê những điều bạn biết ơn và xem lại danh sách này vào những thời điểm khó khăn.

  1. Đặt mục tiêu thực tế

Ý thức về phương hướng và ý nghĩa là nguồn cơn của hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi khuyên bạn nên cố gắng hết sức theo đuổi đam mê, phát huy hết tiềm năng cá nhân, cũng như đóng góp cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân.

Hãy thử thách bản thân với những mục tiêu thực tế. Cũng đừng quên ăn mừng những thành tích đạt được trên hành trình cuộc đời, cho dù chúng có vẻ tầm thường đến mức nào.

  1. Dành thời gian với thiên nhiên

Thiên nhiên đã được chứng minh là có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần – giúp giảm bớt căng thẳng, lo lắng và cải thiện tâm trạng tổng thể. Việc thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên thông qua các hoạt động ngoài trời (ví dụ: chạy bộ, đạp xe, du lịch, v.v.) là phương pháp vô cùng hữu hiệu đối với những ai đang mong muốn đạt được hạnh phúc lâu dài trong cuộc sống.

  1. Kết nối với những người thân yêu

Sự cô độc hủy hoại chúng ta cũng như khi ta nghiện thuốc hoặc nghiện rượu.

Robert Waldinger

Hãy dành thời gian cho những người bạn yêu quý, nuôi dưỡng các mối quan hệ và luôn sẵn sàng bày tỏ sự trân trọng đối với sự hỗ trợ/ đồng hành của họ.

  1. Làm những việc bạn thích

Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng trí anh ở đó.

Matthew 6:21

Cuộc sống này quá ngắn ngủi để dành thời gian cho những hoạt động mà bạn không yêu thích. Do đó, hãy luôn ưu tiên sắp xếp thời gian cho các hoạt động mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn thực sự. Ví dụ, bạn có thể thức dậy sớm 30 phút mỗi ngày để đọc sách hoặc thiền. Hoặc, dành một buổi tối mỗi tuần để đi chơi với bạn bè cũng là một ý tưởng rất đáng cân nhắc.

  1. Giới hạn các lựa chọn cuộc sống

Rừng vàng hai ngả chia đôi

Tiếc rằng không thể, hai lối cùng đi.

Robert Frost

Khi đứng trước các hướng đi khác nhau trong cuộc sống, đừng bao giờ khiến bản thân “choáng ngợp” trước quá nhiều lựa chọn. Thay vào đó, bạn nên suy ngẫm về điều mình THỰC SỰ đam mê – cũng như điều bạn giỏi. Hãy tự vấn bản thân bằng những câu hỏi như sau:

  • Giá trị cốt lõi của tôi là gì?
  • Tôi muốn sống như thế nào?
  • Tiền lương/cân bằng công việc-cuộc sống, v.v… có quan trọng đối với tôi không?
  • v.v…

Một khi đã đưa ra quyết định, hãy bắt tay vào lập kế hoạch để đi trên con đường bạn đã chọn. Đừng để mình bị “cám dỗ” bởi thói lề mề, vốn là nguyên nhân chính ngăn trở nhiều người trong chúng ta theo đuổi hạnh phúc.

Phản ứng mặc định của chúng ta trong cuộc sống KHÔNG phải là đi tìm ý nghĩa hay hạnh phúc – mà là trì trệ (inertia).

Marshall Goldsmith

Đọc thêm: Ikigai (生き甲斐) – Triết lý cho cuộc sống xứng đáng & viên mãn

  1. Giúp đỡ người khác

Nếu bạn muốn hạnh phúc trọn đời, hãy giúp đỡ người khác.

Ngạn ngữ Trung Quốc

Đóng góp cho cộng đồng đã được chứng minh là nguồn mang lại hạnh phúc vô cùng mạnh mẽ. Hãy bắt đầu với một mục đích mà bạn say mê – và dành thời gian mang lại tác động tích cực đến thế giới. Ví dụ, bạn có thể cân nhắc tham gia tình nguyện tại một bếp ăn địa phương, phục vụ bữa ăn cho những người có nhu cầu.

  1. Thực hành tự chăm sóc

Sức khỏe luôn gắn liền với hạnh phúc; tập thể dục và ngủ nghỉ đầy đủ đã được chứng minh góp phần làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, hãy thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc bạn nhé!

bí quyết hạnh phúc

Nguyên tắc để hạnh phúc trong cuộc sống

  • Hạnh phúc là một cuộc hành trình, không phải đích đến

Cuộc sống luôn đầy rẫy những thăng trầm. Song, bằng cách tập trung vào những gì thực sự quan trọng với mình và đưa ra những lựa chọn bổ trợ cho hạnh phúc cá nhân, chúng ta có thể từ đó trải nghiệm sự viên mãn bền vững hơn.

  • Hạnh phúc là một cách sống

Đó là một trạng thái mà chúng ta có thể theo đuổi và trau dồi suốt đời, ngay cả khi gặp phải trở ngại. Chúng ta cần tự nhắc nhở bản thân không ngừng tích hợp nó vào những trải nghiệm và công việc hàng ngày – cũng như không quên dành thời gian chăm lo cho bản thân.

  • Hạnh phúc là một trạng thái tồn tại

Hạnh phúc không phải là thứ để sở hữu – mà là thứ để HÀNH ĐỘNG. Nó nằm trong thái độ, quan điểm và cách chúng ta tương tác với thế giới.

  • Hạnh phúc xuất phát từ bên trong

Bạn nghĩ gì, bạn sẽ trở thành như vậy. Bạn cảm thấy gì, bạn sẽ thu hút những điều giống như vậy. Bạn hình dung điều gì, bạn sẽ tạo ra nó.

Thích Ca

Hạnh phúc đích thực không được tìm thấy bên ngoài – nó đến từ những suy nghĩ, nhận thức và trải nghiệm nội tại. Bằng cách nuôi dưỡng tư duy lạc quan, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để kiến tạo và duy trì cuộc sống xứng đáng.

  • Hạnh phúc luôn thay đổi

Hạnh phúc không phải là một trạng thái cố định hay vĩnh hằng; đó là một quá trình biến đổi không ngừng, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố – cả bên trong và bên ngoài. Việc hiểu rõ tính “vô thường” – rằng nhận thức của bản thân về hạnh phúc có thể sẽ không còn nguyên theo thời gian – là cơ sở để ta học cách thích ứng với những biến động của cuộc sống và luôn duy trì quan điểm tích cực.

  • Hạnh phúc cần được chia sẻ

Hạnh phúc là một trải nghiệm cá nhân, độc đáo với từng người. Nó không thể đo lường hay so sánh một cách định lượng – nhưng nó có thể (và nên) được chia sẻ thông qua cảm xúc, biểu hiện và kết nối với người khác. Làm như vậy, chúng ta lan tỏa niềm vui và mang lại tác động tích cực đến xã hội.

Chính thông qua mối quan hệ với người khác mà chúng ta phát triển và trưởng thành; học hỏi; giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau; cũng như nuôi dưỡng tính người đích thực. Do đó, chúng ta không thể tận hưởng hạnh phúc chỉ cho riêng mình. Hạnh phúc thực sự là khi nó được chia sẻ với người khác.

Daisaku Ikeda

  • Hạnh phúc cần được trân trọng và tôn vinh

Thay vì coi mọi thứ là điều đương nhiên, ta nên học cách chiêm nghiệm và trân quý mọi khoảnh khắc vui vẻ, dù tầm thường đến đâu, để nuôi dưỡng cảm giác biết ơn và nâng cao sự viên mãn tổng thể.

  • Hạnh phúc đòi hỏi hành động và cam kết

Nói cách khác, chúng ta phải tích cực nỗ lực đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị cá nhân, đầu tư vào các hoạt động cũng như các mối quan hệ mang lại niềm vui và sự mãn nguyện lâu dài.

Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân – Hành trang tự vấn mỗi ngày

hạnh phúc trong cuộc sống

Cái giá của hạnh phúc trong cuộc sống

Bí quyết hạnh phúc khi chán nản

Cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống khi bạn đang trong trạng thái chán nản là một thử thách vô cùng khó khăn – song không phải là không thể. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn đó:

  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng

Kết nối xã hội là rất cần thiết cho sức khỏe tinh thần, đặc biệt khi phải chiến đấu với chứng trầm cảm. Sự cô lập làm trầm trọng thêm cảm giác buồn bã và tuyệt vọng. Do đó, hãy tìm mọi cơ hội để ở bên người khác, đặc biệt là những ai có thể hỗ trợ và thấu hiểu bạn. Đừng ngần ngại liên hệ với bạn bè/ gia đình khi cần thiết.

  • Trợ giúp từ chuyên gia

Tìm kiếm sự trợ giúp từ một chuyên gia có trình độ, chẳng hạn như nhà trị liệu hoặc life coach, là một lựa chọn rất đáng cân nhắc cho mục tiêu kiểm soát trầm cảm. Họ sẽ giúp bạn trang bị các kỹ năng và chiến lược đối phó để thấu hiểu cảm xúc và quản lý tâm trạng trong những hoàn cảnh khó khăn.

  • Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt

Khi bạn cảm thấy “choáng ngợp” bởi quá nhiều cảm xúc, hãy bắt đầu với những thay đổi nhỏ – như tập thể dục thường xuyên, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, hoặc tăng thêm thời gian dành cho những người thân yêu. Những “hạt sỏi” nhỏ này khi tích lũy sẽ trở thành những viên “kim cương” – mang lại động lực và cảm giác hạnh phúc cho bạn.

  • Cảm nghiệm những thú vui đơn giản

Nếu chúng ta coi trọng thức ăn, niềm vui và ca hát hơn là tích trữ của cải, thế giới này sẽ trở nên một nơi tốt đẹp hơn hẳn.

J. R. R. Tolkien

Hạnh phúc không phải lúc nào cũng gắn liền với những thành tựu to lớn hay mục tiêu quan trọng. Ngay cả khi chán nản, bạn vẫn có thể khám phá nó trong những niềm vui nhỏ bé và giản đơn nhất, như thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, lòng tốt của một người lạ, hương vị của món ăn yêu thích, hoặc những ca từ/ nốt nhạc êm dịu.

Đọc thêm: 14 tác dụng bất ngờ của nghe nhạc cổ điển

  • Thực hành thư giãn

Các kỹ thuật như bài tập thở sâu, thiền, yoga hoặc xoa bóp đặc biệt hữu ích cho việc giảm căng thẳng và nuôi dưỡng thái độ bình tĩnh. Qua đó, bạn có thể giảm bớt phần nào gánh nặng cảm xúc do chứng trầm cảm gây ra.

  • Kiên nhẫn

Phục hồi sau trầm cảm không phải là chuyện “một sớm một chiều” – nó đòi hỏi thời gian và sự bền bỉ không ngừng. Hãy kiên nhẫn với bản thân và đừng nản lòng nếu bạn không thấy dấu hiệu cải thiện ngay lập tức. Thay vào đó, tập trung thực hiện những bước nhỏ và nhất quán để đạt được hạnh phúc. Dành thời gian để kỷ niệm sự tiến bộ của bạn, dù nó khiêm tốn đến đâu, và hãy nhớ rằng – chữa lành là một hành trình phải thực hiện lâu dài.

Đọc thêm: 15 phương pháp chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Châm ngôn về hạnh phúc trong cuộc sống

Xem thêm danh ngôn về hạnh phúc tại đây.

Tìm kiếm hạnh phúc là ý nghĩa của cuộc sống, là mục đích chung và là cùng đích của sự tồn tại.

Aristotle

 

Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Nó đến từ hành động của bạn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma

 

Hạnh phúc không chỉ ở việc sở hữu tiền bạc; nó nằm trong niềm vui khi bạn đạt được thành tựu, trong cảm giác phấn khích khi được thể hiện sự sáng tạo.

Franklin D.Roosevelt

 

Xác định điều gì khiến bạn hạnh phúc luôn đòi hỏi một khởi đầu khó khăn.

Lucille Ball

 

Không cần cái gì to lớn để tạo nên một cuộc sống hạnh phúc; tất cả đều ở trong bạn, trong chính cách suy nghĩ của bạn.

Marcus Aurelius Antoninus

 

Người ngu dại tìm kiếm hạnh phúc ở nơi xa, kẻ khôn ngoan nuôi dưỡng nó từ gốc bên trong.

James Oppenheim

 

Hạnh phúc không gì khác hơn là một sức khỏe tốt và một trí nhớ kém.

Albert Schweitzer

 

Hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, vì một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng – chúng đã trở thành những điều lớn lao.

Robert Breault

 

Sự lạc quan là kim chỉ nam của hạnh phúc. Nếu luôn lạc quan, bạn sẽ tự thu hút tới bạn những điều tốt đẹp và những người tốt.

Mary Lou Retton

 

Những ai có ‘lẽ’ sống sẽ chịu đựng được hầu hết mọi ‘sự’.

Viktor Frankl

 

Lòng vui mừng vốn là một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm cho xương cốt khô héo.

Châm ngôn 17:22

 

Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.

Matthew 6:34

hạnh phúc trong tầm với

Hạnh phúc trong tầm với

Sách về chủ đề hạnh phúc trong cuộc sống

Trong cuốn sách của mình, Dan Harris chia sẻ về hành trình thiền định và chánh niệm của chính ông. Ông đưa ra một góc nhìn thực tế mới mẻ về cách những phương pháp thực hành này có thể có tác động đáng kể đến hạnh phúc. Thông qua kinh nghiệm của bản thân, Harris giúp độc giả hiểu rõ hơn thiền định – cùng cách nó có thể khiến chúng ta đạt tới sự viên mãn lớn hơn.

Nằm trong danh sách bestseller do New York Times bình chọn, tác phẩm đưa người đọc vào hành trình khám phá điều gì thực sự mang lại hạnh phúc. Cách tiếp cận thực tế và dễ hiểu của tác giả vừa có tác dụng truyền cảm hứng vừa đảm bảo tính ứng dụng cao.

Cuốn sách này là sản phẩm của sự kết hợp trí huệ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma với hiểu biết của một bác sĩ tâm thần phương Tây. Sách tập trung khám phá khái niệm hạnh phúc từ góc độ tâm linh và tâm lý, mang đến sự kết hợp hài hòa giữa các phương pháp tiếp cận hạnh phúc của phương Đông và phương Tây.

Gilbert đi sâu vào phân tích tâm lý học hạnh phúc, lý do tại sao mọi người thường gặp khó khăn trong việc dự đoán điều gì sẽ khiến họ hạnh phúc. Các khám phá của ông được trình bày qua cách kể chuyện hấp dẫn và những kiến thức sâu sắc dựa trên nghiên cứu thực tế.

Sách giới thiệu các nguyên tắc của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy – ACT) trong việc giúp chúng ta có cuộc sống trọn vẹn hơn. Tác phẩm nhấn mạnh tầ quan trọng của việc nhận thức các giá trị cốt lõi cá nhân – và thực hiện chánh niệm để vượt qua khó khăn và tìm thấy hạnh phúc.

Với tác phẩm của mình, Shawn Achor thách thức niềm tin thông thường rằng thành công là nền tảng dẫn đến hạnh phúc. Ngược lại, ông tập trung khám phá xem hạnh phúc có thể nâng cao hiệu suất và thành công của một người như thế nào.

Seligman, đại diện hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học tích cực, diễn giải một hướng dẫn toàn diện để nuôi dưỡng hạnh phúc đích thực. Ông tập trung vào việc phát triển sức mạnh tinh thần và các phẩm chất đạo đức, để có thể có cuộc sống trọn vẹn hơn.

Tác phẩm kinh điển của Viktor Frankl khám phá khả năng con người tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc cuộc sống, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Từ những trải nghiệm thực tế trong trại tập trung, cuốn sách của Frankl là sự khám phá sâu sắc về sự kiên định, mục đích và ý nghĩa của việc theo đuổi niềm vui sống.

  • Dám bị ghét” (The Courage to be Disliked) – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

“Dám bị ghét” khám phá khái niệm hạnh phúc thông qua lăng kính của tâm lý học Adler. Sách thách thức quan niệm truyền thống về ảnh hưởng của trải nghiệm trong quá khứ đến tương lai – trong khi nhấn mạnh sức mạnh của lựa chọn và trách nhiệm cá nhân trong việc định hình cuộc sống cá nhân. Chính khi chấp nhận cá tính của mình và từ bỏ việc tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, chúng ta mới có thể đạt được hạnh phúc và sự viên mãn lâu dài.

Trong “Sống đời mãn nguyện”, TS. Goldsmith đưa ra một góc nhìn độc đáo về hạnh phúc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống có chủ đích và theo đuổi các mục tiêu có ý nghĩa. Ông thách thức quan niệm cho rằng hạnh phúc chỉ được xác định bởi hoàn cảnh bên ngoài; thay vào đó, ta cần tập trung vào sự phát triển và viên mãn nội tại. Thông qua các lựa chọn và hành động có ý thức, mỗi người sẽ có thể vun đắp một cuộc sống như ý.

FAQs

Tôi có thể tìm hạnh phúc trong đời ở đâu?

  • Các mối quan hệ: Kết nối chặt chẽ với những người thân yêu là nguồn hạnh phúc vô cùng quan trọng. Vì vậy, hãy luôn dành thời gian cho những người thân và bày tỏ lòng biết ơn của bạn với họ.
  • Trong công việc: Nếu không cảm thấy hài lòng, hãy tìm cách làm cho công việc hiện tại của bạn có ý nghĩa hơn, hoặc xem xét các cơ hội nghề nghiệp mới.
  • Đam mê: Các hoạt động thú vị góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tâm trạng và hạnh phúc tổng thể. Dù cho chỉ là vài phút mỗi ngày, đừng quên dành thời gian cho sở thích cá nhân bạn nhé.
  • Giúp đỡ người khác: Đây là cơ hội để có được ý thức về mục đích và giá trị bản thân.
  • Ở hiện tại: Xu hướng của chúng ta là chìm đắm trong quá khứ hoặc quá lo lắng về tương lai; thế nhưng, chính khoảnh khắc hiện tại mới là tất cả những gì bạn có thể kiểm soát được.

Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là gì?

Điều gì mang lại hạnh phúc thực sự trong cuộc sống? Đây là một câu hỏi phức tạp với nhiều cách trả lời khác nhau, tùy vào hệ giá trị, niềm tin và trải nghiệm cá nhân:

  • Tình yêu: Đối với nhiều người, tình yêu là một trong những nguồn hạnh phúc lớn nhất, mang lại cho họ cảm nhận sâu sắc về sự kết nối, được là một phần của cộng đồng. Nó có thể bắt nguồn từ mối quan hệ với gia đình, bạn bè, bạn đời hoặc thậm chí là thú cưng. Như Victor Hugo đã nhận định: “Hạnh phúc lớn nhất trên đời là niềm tin vững chắc rằng chúng ta được yêu – được yêu vì chính bản thân, hay đúng hơn được yêu bất chấp bản thân ta.”
  • Ý nghĩa: Qua việc theo đuổi đam mê, nhận ra tiềm năng bản thân và đóng góp cho một mục đích nào đó, mỗi người sẽ có thể hình thành ý thức về mục đích và phương hướng cuộc sống.
  • Niềm vui: Niềm vui khi được trải nghiệm/ mong đợi điều gì đó tích cực là một con đường khác dẫn đến hạnh phúc. Nó có thể khởi phát từ nhiều hoạt động khác nhau, như sở thích, thể thao, nghệ thuật hoặc giải trí, hoặc từ những trải nghiệm rất đơn giản như thiên nhiên, đồ ăn, âm nhạc hoặc tiếng cười.

Đọc thêm: Sở thích của người hướng nội – 50 hoạt động nên thử

Lời kết

Hạnh phúc trong cuộc sống không phải là đích đến – mà là một cách sống. Nó khởi sinh từ những niềm vui đơn giản ở hiện tại, trong mối liên kết ta chia sẻ với người khác, trong ý thức rằng ngay cả giữa những thử thách sâu sắc nhất, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa và niềm vui sống. Dù cuộc sống có bao nhiêu thăng trầm, chỉ cần ta luôn bước đi từng bước một, thực hành lòng biết ơn, sự tử tế và kiên định – chắc chắn, hạnh phúc sẽ hoàn toàn nằm trong tầm với!

Có thể bạn quan tâm:

Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!

Đăng ký nhận tin
DMCA.com Protection Status