Thấu hiểu bản thân – bao gồm cảm xúc, hệ giá trị và động lực cá nhân – là nền tảng để mỗi người sống đúng với bản thể chính mình, từ đó đạt tới hạnh phúc và viên mãn lâu dài trong đời.
Hành trình thấu hiểu bản thân là một con đường quanh co nhiều “khúc cua”, nơi ta phải không ngừng đối mặt với những bối rối và “cạm bẫy” của sự tự nghi ngờ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các bí quyết và công cụ hỗ trợ “giải mã” cảm xúc cùng hệ giá trị cá nhân – để qua đó, mỗi người có thể dần tìm thấy và kết nối với bản thể chân thực của mình.
Tóm tắt nội dung chính
- Thấu hiểu bản thân là kết quả tổng hòa của quá trình khám phá thế giới bên trong, tương tác xã hội và trải nghiệm sống – qua đó, mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về hệ giá trị, cảm xúc, suy nghĩ, điểm mạnh, điểm yếu, mối quan hệ, tính cách và nguyện vọng của mình. Nhờ đó, ta có thể cải thiện năng lực tự nhận thức, các mối quan hệ, phát triển cá nhân, cũng như bước đầu trải nghiệm cảm giác bình an nội tâm, ý thức về mục đích và làm chủ cuộc đời.
- Thấu hiểu bản thân được cấu thành từ nhận thức về nội quan, xã hội và thể lý – phát triển qua 5 cấp độ riêng biệt: bản ngã hời hợt, bản ngã tâm lý, bản ngã quan hệ, bản ngã theo giá trị và bản ngã tinh thần/ tâm linh.
- Trên hành trình nuôi dưỡng năng lực tự hiểu biết, chúng ta thường đối mặt với những thách thức như: nỗi sợ hãi những điều mới lạ/ chưa biết, gánh nặng bản ngã/ cơ chế phòng vệ, thành kiến nhận thức, khó chịu về mặt cảm xúc, điều kiện xã hội, tỉnh thức kém, ảnh hưởng văn hóa và những thay đổi cá nhân khác.
- Tính cách, hệ giá trị, suy nghĩ, mối quan hệ, văn hóa, cách nuôi dạy và quá trình học tập – tất cả đều đóng vai trò hình thành nên nhận thức của một người về chính mình.
- Để hiểu rõ bản thân, chúng ta cần không ngừng khám phá nội tâm thông qua tự phản ánh, thách thức các giả định, chấp nhận sự yếu đuối, kết nối với cảm xúc và cơ thể. Ngoài ra, cũng cần nuôi dưỡng tương tác xã hội bằng cách tìm kiếm phản hồi, mở rộng trải nghiệm sống, kết bạn, tìm kiếm sự hướng dẫn chuyên nghiệp, làm thử các bài kiểm tra tính cách, viết nhật ký, đọc sách báo, tham gia vào các hoạt động sáng tạo, v.v…
Thấu hiểu bản thân là gì?
Thấu hiểu bản thân (tiếng Anh: understanding yourself/ self-understanding/ self-knowledge) là khi bạn có được nhận thức sống động, chi tiết về con người thực của mình – bao gồm ý thức về suy nghĩ, cảm xúc, hành động và động lực cá nhân, cũng như tác động của các yếu tố này đến cuộc sống và các mối quan hệ. Nó không chỉ dừng lại ở những thứ đơn giản như sở thích cá nhân (vd: màu sắc yêu thích…); đúng hơn, đó là khi bạn biết rõ về:
- Thế giới bên trong:
- Giá trị & niềm tin: Cơ sở nào giúp bạn phân biệt đúng sai? Đam mê của bạn là gì? Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống?
- Cảm xúc & các tác nhân kích thích: Nhận biết điều gì khiến bạn vui, buồn, tức giận hoặc sợ hãi, cũng như nguyên nhân đằng sau sự xuất hiện của những cảm xúc này.
- Suy nghĩ & quy luật hành vi: Chú ý đến những lời độc thoại, thành kiến và mô hình tinh thần – qua đó khám phá cách bạn diễn giải thế giới xung quanh và bản thân chính mình.
- Điểm mạnh & yếu: Xác định tài năng và lĩnh vực cần cải thiện, cả về phương diện cá nhân lẫn chuyên nghiệp.
- Tương tác bên ngoài:
- Mối quan hệ: Bạn kết nối với mọi người như thế nào? Vai trò và tác động của bạn trong các mối quan hệ xã hội?
- Tính cách & giao tiếp: Hiểu rõ phong cách giao tiếp, sở thích xã hội và cách bạn xử lý/ ứng phó trong các tình huống khác nhau.
- Trải nghiệm sống: Phân tích ảnh hưởng của những trải nghiệm trong quá khứ, cả tích cực lẫn tiêu cực, đến con người của bạn ngày hôm nay.
- Mục tiêu & nguyện vọng: Biết rõ bạn mong muốn điều gì trong cuộc sống, động lực thúc đẩy hành vi, cũng như con người mà bạn khao khát trở thành.
Nhận thức trên đây là kết quả của quá trình liên tục phản tỉnh, tự vấn, sẵn sàng trung thực ngay cả với những khía cạnh “xấu xí” của bản thân (vd: sợ thất bại, nhu cầu được người khác công nhận, thói quen kiêu ngạo, xu hướng hay “xét nét” và bắt lỗi, v.v…). Dù không hề dễ dàng, đó là yêu cầu cần thiết để “khai phóng” tiềm năng, mang lại một cuộc sống hài hòa, chân thực hơn.
Tâm lý học thấu hiểu bản thân
Biểu hiện của thấu hiểu bản thân
- Nhận thức sâu sắc về chính mình:
- Có khả năng nhận ra và “đặt tên” cho cảm xúc cá nhân: Bạn hiểu rõ trạng thái bên trong, những yếu tố hình thành nên từng cảm xúc cụ thể, cùng với cách chúng tác động đến hành vi của bạn. Nhờ đó, bạn có thể kiểm soát chính mình hiệu quả hơn.
- Xác định nhu cầu & mong muốn: Bạn biết điều gì mang lại sự viên mãn và điều gì thì không, do đó có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên cho phù hợp.
- Hiểu được các mô hình suy nghĩ và thành kiến: Bạn nhận thức về những cuộc đối thoại/ độc thoại nội tâm, sẵn sàng đặt vấn đề nếu bản thân có những suy nghĩ thiếu tích cực hoặc không chính xác. Khi suy ngẫm về những trải nghiệm quá khứ, bạn có thể phân tích lý do tại sao bạn đã hành động như vậy, hậu quả là gì, và lần tới bạn nên hành động thế nào.
- Chịu trách nhiệm về những điều mình làm: Bạn sẵn sàng thừa nhận vai trò của mình trong các tình huống cuộc sống và có ý thức trong việc lựa chọn cách phản ứng.
- Mối quan hệ được cải thiện:
- Giao tiếp chân thực: Bạn minh bạch thể hiện nhu cầu và cảm xúc cá nhân, tích cực lắng nghe và xem trọng giao tiếp lành mạnh.
- Kết nối bền chặt hơn: Bạn thu hút và nuôi dưỡng các mối quan hệ dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
- Thiết lập ranh giới lành mạnh: Bạn biết rõ giới hạn bản thân và không ngần ngại từ chối điều gì nếu nó có thể tổn hại đến sức khỏe của bạn.
- Cảm thấy thoải mái khi là chính mình: Bạn chấp nhận cá tính của mình và cảm thấy được mọi người đón nhận khi thực hành theo cá tính đó.
- Phát triển cá nhân:
- Đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị và mục tiêu riêng: Bạn theo đuổi các mục tiêu có ý nghĩa, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn lâu dài.
- Tự tin: Thay vì cảm thấy bất an/kiêu ngạo/so sánh bản thân với người khác, bạn trân trọng những điểm độc đáo nơi chính mình – cũng như những điểm cần cải thiện.
- Tinh thần học hỏi: Bạn đón nhận những trải nghiệm và cơ hội mới – xem đó là “chất xúc tác” cho hành trình phát triển bản thân. Góp ý, phê bình từ người khác, cũng như thất bại không còn là trở ngại, nhưng là “bệ phóng” đưa bạn tiến gần đến thành công.
- Cảm thức về mục đích và phương hướng: Bạn hiểu rõ vai trò và đóng góp của mình cho thế giới, nhờ đó sống một cuộc sống có ý nghĩa và trọn vẹn.
- Các biểu hiện khác:
- Bạn ít bị ảnh hưởng bởi những ý kiến và áp lực bên ngoài.
- Bạn cảm thấy thoải mái và bình yên hơn trong tâm hồn.
- Bạn cảm thấy mạnh mẽ khi đối mặt và vượt qua thử thách.
- Bạn dễ dàng tha thứ cho bản thân và người khác.
- Bạn trân trọng khoảnh khắc hiện tại hơn.
- v.v…
Ý nghĩa của việc thấu hiểu bản thân
- Chìa khóa thành công
Thấu hiểu bản thân để làm gì?
Lợi ích khi hiểu rõ chính mình không chỉ dừng lại ở bằng cấp hay trình độ học vấn. Ý thức về thành kiến, các mô hình tư duy cá nhân là cơ sở để chúng ta phân tích tình huống khách quan, sáng suốt khi ra quyết định, đồng thời có thể rút ra những bài học giá trị từ trải nghiệm quá khứ. Chẳng hạn, khi nhận ra xu hướng ưa thích những nhân viên có hoàn cảnh tương tự – cùng lối tư duy “định lượng” của bản thân, một người quản lý có thể lên kế hoạch khắc phục bằng cách chủ động xin ý kiến từ các nhân viên có quan điểm trái ngược với mình, cũng như cố gắng đưa các dữ kiện định tính vào quá trình ra quyết định.
Ngoài ra, thấu hiểu bản thân còn là cơ sở để quản lý cảm xúc và kiên cường trước thử thách, bất ổn và kỳ vọng của xã hội. Qua đó, mỗi người sẽ có thể trải nghiệm cảm giác bình an nội tâm, sẵn sàng theo đuổi những điều phù hợp với con người thực của mình.
Khi hiểu rõ điểm mạnh-yếu, giá trị và đam mê cá nhân, bạn sẽ có thể đặt ra các mục tiêu thực sự phù hợp với tiếng nói của trái tim – thay vì hành động “bốc đồng” do áp lực/ cảm xúc nhất thời. Ví dụ, nhận thức về niềm đam mê trong việc giúp đỡ/ trao quyền cho người khác có thể thúc đẩy bạn theo đuổi con đường sự nghiệp về coaching, mentoring và đào tạo (thay vì chỉ là một công việc có thu nhập cao). Sự tập trung và định hướng này sẽ giúp cải thiện đáng kể cơ hội thành công trong các khía cạnh/ lĩnh vực có ý nghĩa đối với bạn.
- Giao tiếp & kết nối sâu sắc hơn
Hiểu rõ nhu cầu của bản thân cũng như người khác là cơ sở để nuôi dưỡng các mối quan hệ sâu sắc, chân thực hơn với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Khi ý thức về giới hạn của mình và tôn trọng giới hạn của người khác, bạn sẽ có thể thiết lập các ranh giới lành mạnh (ví dụ: không nhận thêm việc nếu điều đó có thể gây tổn hại đến sức khỏe cảm xúc và các cam kết cá nhân khác), nhờ đó giảm bớt những oán giận và xung đột không cần thiết.
Chưa kể, bằng cách sống thật với chính mình, bạn cũng đồng thời thu hút về phía mình những cá nhân sẵn sàng trân trọng con người thật của bạn, từ đó nuôi dưỡng những tương tác chân tình và hỗ trợ.
- Sức khỏe & sự viên mãn
Nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy một dẫn chứng hùng hồn về mối tương quan giữa kỹ năng thấu hiểu bản thân với sức khỏe tổng thể. Khả năng nhận thức và điều chỉnh trạng thái bên trong là cơ sở mang lại sự yên bình và thỏa mãn, giúp bạn đối phó với căng thẳng cùng các cảm xúc tiêu cực khác trong công việc cũng như cuộc sống.
- Lãnh đạo hiệu quả
Thấu hiểu bản thân là nền tảng của lãnh đạo hiệu quả, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Theo nghiên cứu của McKinsey, những nhà lãnh đạo thể hiện nhận thức cao về bản thân nhìn chung có khả năng điều hướng thay đổi tốt hơn gấp 4 lần so với những người khác.
- Khám phá & phát triển bản thân
Quá trình nuôi dưỡng nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc, giá trị và động lực cá nhân là một phần của hành trình khám phá bản thân – dẫn đến những hiểu biết mới, sâu sắc hơn về con người thực của bạn.
Lấy ví dụ, giả sử bạn là người có xu hướng luôn muốn làm hài lòng mọi người. Bạn nhận thấy bản thân thường ưu tiên nhu cầu của người khác hơn là của bản thân – điều này khiến bạn cảm thấy khá áp lực trong thời gian gần đây. Sau đó, bạn khám phá ra, hành vi này bắt nguồn từ nỗi sợ bị từ chối và mong muốn được mọi người yêu mến. Mặc dù các giá trị cốt lõi của bạn (nhu cầu kết nối, thuộc về cộng đồng) là rất đáng quý, song những gì bạn đang làm hiện tại thực tế lại “lạc hướng”. Nhận thức mới này thúc đẩy bạn tìm kiếm những phương thức lành mạnh hơn để kết nối với người khác – đồng thời sẵn sàng đặt ra ranh giới cho chính mình.
Thấu hiểu bản thân mình trước khi hiểu người khác
Tầm quan trọng của năng lực hiểu và lãnh đạo chính mình
Thấu hiểu bản thân – sống đúng tiềm năng
Phân loại các hình thức thấu hiểu bản thân theo tâm lý học
Nhận thức nội quan
- Suy nghĩ & cảm xúc
Nhận thức về suy nghĩ xuất phát từ quá trình đánh giá các cuộc đối thoại nội tâm, chỉ ra các thành kiến/mô hình, cũng như các “khuôn mẫu” tinh thần kích hoạt cảm xúc. Qua đó, mỗi người có thể bước đầu nhìn vào những hoạt động bên trong tâm trí.
- Giá trị & niềm tin
Đối với bạn, điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống? Những nguyên tắc nào hướng dẫn hành động của bạn? Xác định các giá trị cốt lõi sẽ mang đến chiếc “la bàn” định hướng cuộc đời.
- Điểm mạnh & yếu
Nhận thức về tài năng và hạn chế của mình sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn sáng suốt và đặt mục tiêu thực tế.
- Trải nghiệm sống
Những trải nghiệm trước đây đã định hình nên con người bạn ngày hôm nay như thế nào? Việc suy ngẫm về quá khứ sẽ tiết lộ những quy luật và bài học mà bạn có thể tận dụng để đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.
Ví dụ, giả sử một người tên A đã từng làm việc 10 năm trong lĩnh vực marketing. Anh nhận thấy bản thân thường cảm thấy căng thẳng khi khởi động chiến dịch quảng bá, cũng như có xu hướng yêu thích khía cạnh phân tích trong công việc.
Qua quá trình suy ngẫm, A biết được rằng tuy bản thân yêu thích cảm giác phấn khích do áp lực, sự hài lòng trong công việc của anh lại liên quan đến việc phân tích dữ liệu và lập kế hoạch chiến lược. Trên cơ sở khám phá này, A quyết định thay đổi nghề nghiệp bằng cách đăng ký khóa học về khoa học dữ liệu và kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực.
Đọc thêm: Sống trong quá khứ – Trở ngại trên hành trình thay đổi
- Mục tiêu & nguyện vọng
Bạn mong muốn điều gì trong cuộc sống? Bạn đang hướng tới điều gì? Thống nhất khát vọng cá nhân với mục đích lớn hơn sẽ mang lại cảm thức về định hướng và sự viên mãn cho cuộc sống của bạn.
Nhận thức xã hội
- Động lực quan hệ
Bạn kết nối với người khác như thế nào? Vai trò của bạn trong các mối quan hệ là gì? Nhận thức về các mô hình tương tác xã hội sẽ giúp vun đắp các mối quan hệ bền chặt và lành mạnh hơn – cũng như nuôi dưỡng sự đồng cảm và điều hướng các tình huống xã hội.
- Nhận thức của người khác về bạn
Xin ý kiến phản hồi từ những người bạn tin cậy (bạn bè, coach, mentor, v.v…) là cách để hiểu rõ hơn về việc người khác nhìn nhận bạn ra sao – nhờ đó hỗ trợ cho hành trình tự hoàn thiện bản thân.
- Phong cách giao tiếp
Nhận thức về phong cách cá nhân là cơ sở để điều chỉnh và tối ưu hiệu quả của phương pháp truyền đạt. Ví dụ, giả sử bạn là người có xu hướng phân tích – ưa thích dữ liệu, logic và thông tin có cấu trúc. Do đó, khi trình bày một dự án mới, bạn thường có xu hướng tiếp cận chi tiết, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, nếu đối tượng của bạn chủ yếu là người tư duy sáng tạo hoặc suy nghĩ theo cảm xúc, họ sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với thông điệp của bạn.
Trong trường hợp này, thay vì đi thẳng vào các con số, bạn có thể bắt đầu bằng cách phác họa bức tranh về vấn đề mà dự án tập trung giải quyết, sau đó dùng dữ liệu để chứng minh quan điểm của mình.
- Vai trò trong xã hội
Đóng góp của bạn cho xã hội là gì? Bạn có thể tạo ra tác động tích cực nào cho thế giới?
Ví dụ:
“Tôi có thể đóng góp cho xã hội bằng cách tận tụy trong công việc nhà giáo – với vai trò “nuôi dưỡng” tâm trí thế hệ trẻ và chuẩn bị để họ trở thành những công dân có trách nhiệm.”
Nhận thức thể lý
- Cơ thể
Nhận thức về sức khỏe thể chất, mức năng lượng và nhu cầu của cơ thể sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe thể chất tốt hơn, tránh những thói quen không lành mạnh (ví dụ: ăn quá nhiều đồ ăn nhẹ/cà phê, v.v…), nhờ đó nâng cao tinh thần và cảm giác hạnh phúc.
- Các giác quan
Bạn trải nghiệm thế giới thông qua các giác quan như thế nào? Bạn có trân trọng vẻ đẹp của thế giới xung quanh mình không?
Thấu hiểu bản thân, làm chủ cuộc đời
5 cấp độ thấu hiểu bản thân
- Cấp độ 1: Bản ngã hời hợt (Superficial Self)
- Trọng tâm: Những yếu tố bên ngoài – ngoại hình, hồ sơ mạng xã hội, sở thích bề nổi.
- Ví như: Nhìn vào gương – bạn thấy hình ảnh phản chiếu nhưng chưa thấy được chiều sâu bên trong.
- Ví dụ: “Tôi là một đầu bếp giỏi”, “Tôi thích đi du lịch” hoặc “Tôi là linh hồn của bữa tiệc”.
- Cấp độ 2: Bản ngã tâm lý (Psychological Self)
- Trọng tâm: Suy nghĩ, trạng thái và cảm xúc bên trong.
- Ví như: Giống như khi khám phá một ngôi nhà mới – bạn bắt đầu thấy được cấu trúc phòng ốc và sắp xếp nội thất, nhưng chưa ý thức về nền móng và các góc ẩn giấu khác.
- Ví dụ: “Tôi cảm thấy lo lắng khi đứng nói trước công chúng,” “Tôi thích cảm giác được thử thách” hoặc “Tôi dễ bị tổn thương bởi những lời chỉ trích”.
- Cấp độ 3: Bản ngã quan hệ (Relational Self)
- Trọng tâm: Cách bạn tương tác với người khác, vai trò của bạn trong các mối quan hệ.
- Ví như: Xây dựng một thành phố – bạn hiểu rõ kết cấu đường phố và vị trí các khu phố, nhưng hệ sinh thái lớn hơn và sự kết nối của vạn vật vẫn đang chờ được khám phá.
- Ví dụ: “Tôi là một người bạn nhiệt thành”, “Tôi là người có tố chất lãnh đạo” hoặc “Tôi gặp khó khăn trong việc đặt ra ranh giới trong các mối quan hệ”.
- Cấp độ 4: Bản ngã giá trị (Values-Driven Self)
- Trọng tâm: Các giá trị cốt lõi, niềm tin và nguyên tắc định hướng hành vi.
- Ví như: Vạch ra lộ trình trên bản đồ – bạn có thể xác định đích đến và lộ trình, nhưng những khúc quanh và đường vòng bất ngờ vẫn có thể xảy ra.
- Ví dụ: “Tôi coi trọng sự trung thực và liêm chính”, “Sứ mệnh của tôi là giúp đỡ người khác” hoặc “Tôi tin vào tính bền vững của môi trường”.
- Cấp độ 5: Bản ngã tinh thần/ tâm linh (Spiritual Self)
- Trọng tâm: Cảm thức về mục đích, kết nối với điều gì đó lớn lao hơn bản thân.
- Ví như: Quan sát bầu trời đầy sao – bạn chiêm nghiệm về sự bao la của vũ trụ và vị trí của mình trong tạo hóa.
- Ví dụ: “Tôi cảm thấy gắn bó với thiên nhiên”, “Tôi tin vào một thế lực cao hơn” hoặc “Mục đích sống của tôi là khiến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Khó khăn trên hành trình tìm hiểu bản thân
Trên con đường kết nối với bản thân, phần lớn chúng ta đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn – xuất phát từ các nguyên nhân như:
Rào cản từ bên trong
- Sợ hãi những điều chưa biết
Thế giới bên trong là một khoảng không gian mênh mông, đầy rẫy những khía cạnh chưa được khám phá. Quá trình tìm hiểu nội tâm thường đưa ta đến với những sự thật không mấy dễ chịu về bản thân – chính điều này là nguyên nhân khiến nhiều người ngần ngại không muốn đi sâu hơn.
Ví dụ, một ai đó có thể luôn thể hiện ra ngoài là người tự tin và hướng ngoại; tuy nhiên, sâu thẳm bên trong, họ lại mang trong mình nỗi sợ đối với sự yếu đuối và bị từ chối. Để bảo vệ hình ảnh cá nhân, họ quyết định né tránh những tình huống có thể phơi bày sự bất an bên trong. Nỗi sợ khám phá ra “bản thể thực sự” ngăn cản họ có được những mối quan hệ đích thực, cũng như cơ hội thay đổi chính mình.
Tinh thần can đảm và lòng trắc ẩn là rất cần thiết để khắc phục vấn đề nêu trên. Chúng ta cần tạo ra một không gian an toàn để tự khám phá, thách thức những giả định tiêu cực và xây dựng nhận thức về bản thân theo thời gian.
- Bản ngã & cơ chế phòng vệ
Bản ngã đóng vai trò bảo vệ chúng ta khỏi nhận thức tiêu cực về chính mình, nhưng đồng thời chính nó cũng dẫn tới những “điểm mù” nhận thức. Hệ quả là chúng ta có xu hướng ngần ngại xem xét các khía cạnh có thể “đe dọa” đến cảm giác về giá trị bản thân.
Đọc thêm: Cái tôi quá lớn – Khi nhận thức về bản ngã trở thành gánh nặng
- Thiên kiến
Não bộ con người được thiết kế để hoạt động và xử lý thông tin hiệu quả thông qua các “lối tắt” – quan điểm/ nhận thức có sẵn. Những thành kiến này khiến chúng ta dễ “ngộ nhận” về trải nghiệm cuộc sống và đưa ra kết luận không chính xác về bản thân.
Hãy thử xem xét ví dụ về một người luôn tự hào về khả năng kiểm soát mọi thứ. Cái tôi quá mức ngăn cản họ thừa nhận cảm giác bất an/ sợ thất bại bên trong. Để duy trì hình ảnh cá nhân, họ có thể tránh các quyết định mạo hiểm/ tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác – chính điều này, vô hình chung, cản trở sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của họ.
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, việc thừa nhận khuyết điểm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối – nhưng là bước tiến cần thiết để đạt tới tri thức thực sự.
- Cảm giác khó chịu
Khi hướng sự chú ý vào bên trong, chúng ta thường phải đối diện với những khía cạnh mà mình đã cố gắng “chôn vùi” hoặc tránh né. Những vết thương cảm xúc này nhìn chung không dễ dàng để trải nghiệm, và là nguyên nhân khiến nhiều người trở nên “kháng cự”, không muốn đi sâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, nhận thức về bản thân thường dẫn đến những phát kiến mới, đòi hỏi ta phải thay đổi hành vi hoặc niềm tin cá nhân, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn.
Thách thức từ bên ngoài
- Điều kiện xã hội
Trong thế giới ngày nay – với sự phổ biến không ngừng của mạng xã hội và chủ nghĩa duy vật chất, con người liên tục bị “tấn công” bởi những thông điệp về việc mình nên là ai, nên đạt được điều gì, nên cư xử như thế nào, v.v… Những áp lực từ bên ngoài này – dù xuất phát từ thiện ý hay không – là lý do khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc kết nối với bản ngã đích thực.
- Nhận thức hạn chế
Hầu hết chúng ta không được dạy cách suy ngẫm về suy nghĩ, cảm xúc và động lực cá nhân. Chẳng có gì ngạc nhiên khi phần lớn đều thiếu các kỹ năng cần thiết để tự thấu hiểu chính mình.
- Ảnh hưởng văn hóa
Mỗi nền văn hóa có các tiêu chuẩn giá trị và ưu tiên khác nhau, định hình cách con người nhìn nhận bản thân và tương tác với thế giới. Trong các nền văn hóa thiên về cá nhân như ở Mỹ, tính độc lập và thành tích cá nhân thường được đề cao. Nói cách khác, nhận thức về cá nhân thường liên quan rất nhiều đến thành công và phẩm chất độc đáo của riêng mình.
Ngược lại, các nền văn hóa tập thể như Nhật Bản lại chú trọng hòa hợp xã hội, tinh thần đội nhóm và giúp đỡ lẫn nhau. Do đó, bản sắc con người thường gắn liền với vai trò và mối quan hệ xã hội, khiến việc tách biệt mong muốn cá nhân khỏi kỳ vọng nhóm ít nhiều trở nên khó khăn.
Để vượt qua thách thức trên, mỗi cá nhân cần nỗ lực phát triển nhận thức văn hóa, thực hành sự đồng cảm, học cách trân trọng sự khác biệt, cũng như liên tục tự phản ánh.
- Sự thay đổi liên tục
Là con người, không ai là không trải qua biến đổi về thể chất, cảm xúc và nhận thức trong suốt cuộc đời. Các trải nghiệm, mối quan hệ và thậm chí môi trường sống đều góp phần vào quá trình này. Những gì chúng ta cảm thấy đúng về mình ngày hôm qua có thể không còn đúng nữa ngày hôm nay; do đó, rất khó để duy trì một cảm giác cố định về bản thân (kéo theo đó là nguy cơ các vấn đề như khủng hoảng bản sắc – identity crisis).
Sự linh hoạt và lòng trắc ẩn đóng vai trò là chiếc “mỏ neo” cần thiết khi đối mặt với trạng thái thay đổi liên tục của cuộc sống. Ngoài ra, mỗi người cũng nên xác định một hệ giá trị cốt lõi nhất quán – bất chấp những thay đổi bên ngoài.
Dẫu cho những khó khăn kể trên, thấu hiểu bản thân là mục tiêu hoàn toàn nằm trong tầm với của tất cả mọi người. Bí quyết thành công nằm ở chỗ không bao giờ ngừng khám phá và học hỏi.
Nghệ thuật thấu hiểu chính mình
Các yếu tố cấu thành bản sắc cá nhân
- Tính cách
Sự kết hợp giữa các đặc điểm bẩm sinh (ví dụ: hướng nội hay hướng ngoại), phản ứng cảm xúc (tính khí) và sở thích cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Nhận thức về tính cách có thể đưa đến những khám phá về động cơ đằng sau hành vi của bạn (ví dụ: vì sao bạn thích môi trường yên tĩnh, vì sao bạn cần thời gian một mình để xử lý thông tin, vì sao bạn bị thu hút bởi các hoạt động kích thích trí tuệ, v.v…). Dựa trên đó, bạn sẽ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt về sự nghiệp, các mối quan hệ và phong cách sống phù hợp.
- Giá trị & niềm tin
Đây là những yếu tố nền tảng cấu thành “la bàn đạo đức” hướng dẫn mọi quyết định được đưa ra. Trên cơ sở đó, bạn sẽ có thể điều chỉnh mọi hành động cho phù hợp với bản thể bên trong (ví dụ: không buôn gian bán lận nếu sự trung thực là giá trị cốt lõi của bạn).
- Suy nghĩ & thành kiến
Những tiếng nói nội tâm và “khuôn mẫu” tinh thần đóng vai trò chính trong việc định hình nhận thức về thế giới và bản thân. Bạn có thường xuyên độc thoại tích cực hay tiêu cực với bản thân không? Bạn có xu hướng tìm kiếm những thông tin phù hợp với niềm tin hiện tại của mình – trong khi bỏ qua các bằng chứng phủ nhận không? Bạn có nhấn mạnh quá mức yếu tố cá nhân và đánh giá thấp các yếu tố tình huống khi giải thích/ đánh giá hành vi của người khác không?
Đọc thêm: Ngừng phán xét người khác – Bước đầu của hành trình thay đổi chính mình
- Mối quan hệ
Những người xung quanh thường để lại tác động đáng kể đến nhận thức và hành trình phát triển của bạn. Các mối quan hệ lành mạnh sẽ khuyến khích quá trình tự phản ánh và hoàn thiện; trong khi đó, các mối quan hệ độc hại sẽ dẫn tới kết quả hoàn toàn ngược lại.
- Văn hóa & môi trường xã hội
Chuẩn mực văn hóa, kỳ vọng tập thể và vai trò xã hội đều góp phần đáng kể định hình bản sắc và hành vi của bạn.
- Gia đình & quá trình nuôi dạy
Những trải nghiệm thời thơ ấu và tình cảm gia đình đều tác động đến các khuôn mẫu cảm xúc, niềm tin vào bản thân và phong cách giao tiếp. Ví dụ, nếu cha mẹ bạn hay chỉ trích và áp đặt quyền kiểm soát, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu tự tin và có xu hướng muốn làm hài lòng mọi người – cũng như hay thiếu quyết đoán và gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới.
Việc xem xét những ảnh hưởng này là rất quan trọng để biết được những tác nhân kích hoạt cảm xúc và đưa ra những lựa chọn có ý thức trong cuộc sống hiện tại.
- Học tập & giáo dục
Thông qua học tập liên tục, tiếp xúc với những trải nghiệm mới, tham gia các hoạt động hướng đến thế giới nội tâm (vd: viết nhật ký, trị liệu, v.v…), mỗi người sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ của hành trình tự khám phá.
Các cách thấu hiểu bản thân mình
Tôi là chính tôi.
Hành trình thấu hiểu bản thân mình không thực sự đi theo công thức duy nhất nào; đó là một trải nghiệm khám phá liên tục và riêng biệt với từng cá nhân. Sau đây là gợi ý một số phương pháp để định hướng bạn trên con đường này:
Khám phá thế giới nội tâm
- Tự phản ánh
Thực hành viết nhật ký, thiền định, hoặc dành thời gian để tự vấn và suy ngẫm về suy nghĩ, cảm xúc và động lực cá nhân. Hãy tự đặt ra và trả lời những câu hỏi như: “Giá trị của tôi là gì?”, “Điều gì mang lại cho tôi niềm vui?”, “Những nỗi sợ nào đang kìm hãm tôi?”.
- Thách thức các giả định
Chúng ta thường tự xây dựng hình ảnh bản thân dựa trên những trải nghiệm quá khứ, kỳ vọng xã hội và niềm tin cá nhân. Tuy có thể mang lại sự thoải mái và quen thuộc, nó có thể không hoàn toàn phản ánh chính xác con người thật của bạn – cũng như những năng lực tiềm ẩn khác. Do đó, đừng chỉ dừng lại ở các giá trị bề ngoài.
Ví dụ, giả sử bạn luôn tin rằng mình thuộc tuýp nhút nhát và hướng nội. Niềm tin này có thể đã tác động đến hành vi của bạn qua nhiều năm, khiến bạn tránh né hoạt động giao tiếp xã hội. Thay vì đơn giản chấp nhận “Tôi là người nhút nhát”, hãy tự hỏi bản thân:
“Điều này có thực sự đúng trong mọi tình huống không? Từng có trường hợp nào tôi hành động một cách hướng ngoại và thoải mái khi giao lưu không?”
Ngoài ra, hãy suy ngẫm về những lần bước ra khỏi vùng an toàn của mình trước đây. Bạn có thành công như mong muốn không? Bạn đã cảm thấy thế nào? Hãy cân nhắc việc nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình để hiểu hơn nhận thức của họ về bạn. Họ có thấy bạn nhút nhát không? Có thể có những khía cạnh khác trong tính cách của mình mà bạn chưa từng để ý không?
- Chấp nhận sự yếu đuối
Đừng ngần ngại khám phá cả “góc sáng” lẫn những “góc tối” trong bạn. Chấp nhận khuyết điểm là yêu cầu quan trọng để đạt tới tri thức đích thực.
- Kết nối với cảm xúc
Việc chú ý đến cảm xúc cá nhân, nhận biết nguyên nhân đằng sau và học các cơ chế đối phó lành mạnh sẽ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc hiệu quả và nuôi dưỡng các mối quan hệ bền chặt hơn.
- Chú ý đến cơ thể
Cơ thể chúng ta cực kỳ nhạy cảm với trạng thái cảm xúc và tinh thần. Các cảm giác thể lý như căng thẳng, đau đớn hoặc năng lượng thấp thường là “tấm gương” trung thực phản chiếu những gì đang diễn ra bên trong. Bằng cách lưu tâm đến các tín hiệu này, chúng ta sẽ thu được những hiểu biết có giá trị về cảm xúc, nhu cầu và sức khỏe tổng thể của mình.
Hãy tưởng tượng bạn đang cảm thấy áp lực vì deadline gần kề. Bạn có thể nhận thấy sự căng cứng ở hai vai, tim đập nhanh hoặc đầu óc khó tập trung. Những cảm giác thể lý này là cách cơ thể cho biết bạn đang trong tình trạng quá tải.
Thay vì bỏ qua những tín hiệu này, hãy thử ngồi thiền và hướng tâm trí đến từng bộ phận cơ thể – từ đầu đến ngón chân. Điều này sẽ giúp xác định chính xác nguồn gốc của sự căng thẳng và lên kế hoạch thư giãn (vd: hít thở sâu hoặc duỗi người).
Đọc thêm: Sức mạnh tiềm thức – Khám phá các chiều kích & năng lực tiềm ẩn bên trong
Tương tác xã hội
- Yêu cầu phản hồi
Hãy liên hệ bạn bè, gia đình hoặc mentor để xin góp ý trung thực của họ về điểm mạnh, điểm yếu của bạn, cũng như ấn tượng bạn tạo ra với mọi người xung quanh. Ý kiến của họ sẽ mang đến những góc nhìn độc đáo mà bạn có thể chưa từng nghĩ đến trước đây.
- Mở rộng trải nghiệm sống
Đừng ngại bước ra khỏi vùng an toàn và thử nghiệm những điều mới mẻ (vd: khám phá các nền văn hóa, sở thích và môi trường xã hội mới). Càng tiếp xúc với nhiều trải nghiệm, bạn càng dễ dàng trong việc nhận ra tài năng tiềm ẩn, thách thức quan điểm hiện tại và thấu hiểu bản thân hơn.
- Nuôi dưỡng các mối quan hệ hỗ trợ
Hãy kết nối với những ai khuyến khích bạn tự khám phá và tôn vinh cá tính của bạn. Các mối quan hệ lành mạnh sẽ mang đến không gian an toàn để bạn sống chân thực và nhận lại những phản hồi hữu ích.
- Tìm kiếm sự hướng dẫn chuyên nghiệp
Bạn có thể cân nhắc đến các liệu pháp tâm lý hoặc huấn luyện (coaching) nếu đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn – hoặc đơn giả là mong muốn có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới nội tâm. Sự hướng dẫn từ một chuyên gia có kinh nghiệm là nguồn hỗ trợ vô giá trên hành trình khám phá bản thân.
Đọc thêm: Nhờ giúp đỡ – Sức mạnh đến từ sự yếu đuối
Tài liệu hỗ trợ
- Trắc nghiệm tính cách
Các công cụ như Myers-Briggs, Enneagram, DISC, Jordan Peterson hoặc Leonard Personality Inventory (LPI) được thiết kế để đưa ra nhận thức sâu sắc về các đặc điểm và sở thích cá nhân. Đó có thể là bước khởi đầu quý giá cho hành trình tự khám phá của bạn.
- Gợi ý viết nhật ký (journaling prompt)
Hãy tìm kiếm những câu gợi ý khuyến khích bạn suy ngẫm sâu hơn về những khía cạnh cụ thể của bản thân (vd: giá trị, mối quan hệ hoặc trải nghiệm trong quá khứ).
- Sách báo
Thông qua các tác phẩm self-help, bài báo và chia sẻ trên mạng về tự khám phá và phát triển bản thân, bạn sẽ có thể tìm thấy nguồn cảm hứng và lời khuyên thực tế từ những người khác đã từng đi trên con đường tương tự.
- Hoạt động sáng tạo
Các hoạt động nghệ thuật như viết, vẽ, âm nhạc, ca hát hoặc nhảy múa không chỉ là cơ hội thể hiện khía cạnh sáng tạo – mà qua đó, chúng ta cũng đồng thời khám phá ra những khía cạnh ẩn giấu của bản thân và thế giới nội tâm.
Hành trình tìm hiểu bản thân
Bộ câu hỏi về năng lực hiểu chính mình
Bài kiểm tra nhanh về nhận thức bản thân
- Bạn thường dành thời gian để suy ngẫm về suy nghĩ, cảm xúc và động lực của mình bao lâu một lần?
- Bạn có thấy dễ dàng khi xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình không?
- Bạn có thể nêu tên các giá trị cốt lõi của mình và ảnh hưởng của chúng đến quá trình ra quyết định như thế nào không?
- Bạn có thoải mái thể hiện bản thân mình trước người khác không?
- Bạn có đang phải đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực hoặc niềm tin hạn chế không?
- Khi đối mặt với thử thách, bạn có xu hướng đổ lỗi cho bản thân hay các yếu tố bên ngoài? Bạn có bào chữa cho những hành vi sai trái của mình không? Bạn có đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác không?
- Bạn có tìm kiếm phản hồi từ người khác và suy nghĩ về những góp ý đó hay không?
- Bạn có sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới và cơ hội phát triển bản thân không?
Bộ câu hỏi khám phá các chiều kích sâu thẳm bên trong
- Điều gì mang lại cho bạn niềm vui lớn nhất trong cuộc sống?
- Bạn đam mê nhất điều gì?
- Nỗi sợ hãi hoặc lo lắng lớn nhất của bạn là gì?
- Điều gì thúc đẩy bạn thức dậy mỗi sáng?
- Hình mẫu lý tưởng của bạn là ai? Vì sao như vậy?
- Bạn muốn để lại di sản gì?
- Nếu bạn có thể thay đổi một điều về bản thân mình, đó sẽ là gì?
- Với bạn, “thành công” có ý nghĩa gì?
- Mục đích sống của bạn là gì?
Những câu hỏi trên đây có thể không có câu trả lời ngay lập tức, song việc suy ngẫm thường xuyên sẽ giúp bạn ý thức sâu sắc hơn về con người mình theo thời gian.
Đọc thêm: 200 câu hỏi về bản thân theo chủ đề – Hành trang tự vấn mỗi ngày
Sách thấu hiểu bản thân
- Insight – Tasha Eurich.
- Understanding Yourself and Others – An Introduction to the Personality Type Code – Dario Nardi & Linda Berens.
- Understanding Yourself and Others – An Introduction to the 4 Temperaments – Linda Berens.
- The Power of Understanding Yourself – Dave Mitchell.
- Dám bị ghét (The Courage to be Disliked) – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake.
Danh ngôn về thấu hiểu bản thân mình
Hiểu rõ bản thân là khởi đầu của mọi trí tuệ.
Aristotle
Hiểu bản thân là sức mạnh. Yêu bản thân là tự do. Tha thứ cho bản thân là bình yên. Sống đúng với chính mình là hạnh phúc.
Khuyết danh
Để tìm thấy chính bạn, hãy tự mình suy nghĩ.
Socrates
Điều khó khăn nhất trong cuộc sống là hiểu rõ chính mình.
Thales
Tầm nhìn của bạn sẽ chỉ trở nên rõ ràng khi bạn có thể nhìn vào trái tim mình.
Carl Jung
Hành trình học cách yêu thương và chấp nhận bản thân phải bắt đầu bằng việc tự phản tỉnh… bằng không, bạn sẽ không thể phát triển cũng như học hỏi trong cuộc sống.
Iyanla Vanzant
Ai có óc hiểu biết thì yêu bản thân mình, ai giữ được sáng suốt thì tìm ra hạnh phúc.
Châm ngôn 19:8
Lời kết
Thấu hiểu bản thân là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời – với vô vàn cơ hội và thách thức tiềm ẩn. Mặc dù sẽ có những thăng trầm trên đường đi, nếu vững tin đến cùng, bạn sẽ có thể “mở ra” cánh cửa đến một cuộc sống viên mãn hơn. Vấn đề duy nhất là: bạn đã sẵn sàng để thực hiện bước đi đầu tiên ngay hôm nay chưa?
Có thể bạn quan tâm:
- Học cách yêu bản thân: Hành trình 16 bước thay đổi cuộc sống
- Thế giới của người hướng nội (Introvert): Vài dòng suy ngẫm
- Thói quen hình thành tính cách như thế nào?
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!