Khám phá sức mạnh của “Gaman”, triết lý tiềm ẩn đằng sau năng lực bền bỉ của người Nhật, cùng ý nghĩa của nó trong thế giới hiện đại.
Hành trình khám phá văn hóa Nhật Bản của tôi bắt đầu từ niềm đam mê đối với phong cách sống tối giản và chánh niệm của họ – đặc biệt là tinh thần kiên cường vượt trội (resilience) đã được kiểm chứng qua lịch sử. Trong quá trình tìm hiểu, tôi tình cờ được biết về Gaman, một khái niệm đã khơi dậy trong tôi nhiều suy ngẫm kể từ lần đầu tiếp xúc với nó. Giữa những biến động liên tục của cuộc sống hiện đại, tôi không thể không ngừng tự hỏi – sức mạnh tiềm ẩn nào ẩn chứa đằng sau sức chịu đựng thầm lặng này, và nó có thể áp dụng như thế nào trong thế giới ngày nay?
Tóm tắt nội dung chính
- Gaman là một đức tính cốt lõi của văn hóa Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, sẵn sàng chịu đựng khó khăn vì mục tiêu phát triển cá nhân và hòa hợp xã hội. Khái niệm này có nhiều điểm tương đồng với các nguyên lý của chủ nghĩa khắc kỷ, grit trong tâm lý học, cũng như các truyền thống tôn giáo trên toàn thế giới.
- Là sản phẩm tổng hòa từ các lời dạy của Phật giáo, tinh thần võ sĩ đạo (samurai) và kỳ vọng xã hội, triết lý Gaman – theo thời gian – đã trở thành một phẩm chất hàng đầu tại Nhật Bản, đóng góp đáng kể vào năng lực phục hồi và tinh thần tập thể của người dân xứ Mặt Trời.
- Áp dụng tư duy Gaman là cách để trau dồi sức mạnh nội tâm, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và cộng đồng, giúp bản thân dễ dàng vượt qua thử thách trong cuộc sống và theo đuổi ước mơ.
- Bên cạnh những điểm mạnh, Gaman cũng có một số nhược điểm nhất định – đòi hỏi ta phải chọn một cách tiếp cận cân bằng, ưu tiên hạnh phúc cá nhân và giao tiếp cởi mở, hơn là chấp nhận nỗi đau thầm lặng.
- Thực hành Gaman đòi hỏi mỗi cá nhân phải thay đổi tư duy, học cách quản lý cảm xúc, đặt mục tiêu, tìm kiếm ý nghĩa, cũng như tích cực tham gia vào các vấn đề xã hội với tầm nhìn dài hạn và ý thức phục vụ cộng đồng.
Gaman là gì?
Gaman (Hiragana: がまん, Kanji: 我慢, Hán Việt: Ngã Mạn) là một khái niệm của Nhật Bản, đề cập đến việc chịu đựng khó khăn/ thử thách một cách kiên nhẫn mà không đánh mất phẩm giá. Đôi khi, nó thường được dịch là khoan dung, tự kiềm chế hoặc tự chủ (tuy ý nghĩa không hoàn toàn giống). Có một thuật ngữ liên quan “Gamandzuyoi” (我慢強い), thường được hiểu là “khả năng chịu đựng cao”.
Khái niệm này được cấu thành từ các trụ cột chính sau:
- Sức bền bỉ: Khả năng chịu đựng trong điều kiện hoàn cảnh không thuận lợi.
- Kiên nhẫn: Thể hiện qua đức tính nhẫn nại (忍耐, Nintai) và tránh không phàn nàn.
- Nhân phẩm: Giữ bình tĩnh (落ち着き, Ochitsuki) và hoàn thành nghĩa vụ cá nhân, ngay cả trong những tình huống khó khăn.
Gaman được xem là một đức tính quan trọng trong văn hóa Nhật Bản – một phẩm chất đáng ngưỡng mộ, đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng tính tự giác, kiên cường, khiêm tốn và trách nhiệm cá nhân của người dân xứ Phù Tang. Triết lý này có mối quan hệ mật thiết với xu hướng coi trọng sự hòa hợp xã hội (和, wa hay Hòa) và kiềm chế thể hiện cảm xúc tiêu cực của người Nhật – tránh gây ảnh hưởng đến người khác.
Cam chịu những điều không thể cam chịu và chịu đựng những gì không thể chịu đựng được.
Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) trong bài phát biểu đầu hàng – trước khi quân Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản
Lật đật Daruma – Một biểu tượng của tinh thần Gaman
(xuất phát từ khả năng tự đứng thẳng trở lại mỗi khi bị lật)
Ví dụ về Gaman
Gaman thường được người Nhật truyền dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ, cũng như được thể hiện qua cách mọi người hành xử trong các tình huống hàng ngày – như kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, hoặc kiên cường đối phó với khó khăn:
- Thử thách cá nhân: Thức học suốt đêm để chuẩn bị cho kỳ thi (徹夜勉強, Tetsuyabenkyou) đòi hỏi tinh thần Gaman để có thể vượt qua sự mệt mỏi.
- Đạo đức làm việc: Một người làm công ăn lương có thể chọn làm việc nhiều giờ bất chấp cảm giác kiệt sức vì lợi ích của gia đình hoặc công ty.
- Kiểm soát cảm xúc: Che giấu sự thất vọng của bạn (イライラを隠す, Iraira wo Kakusu) khi xảy ra bất đồng để duy trì hòa khí chung.
- Chịu đựng sự khó chịu về thể chất: Tiếp tục làm một công việc nặng nhọc bất chấp những cơn đau của cơ thể (我慢して仕事をする, Gaman shite Shigoto wo Suru).
- Mối quan hệ: Người yêu của bạn đang căng thẳng hoặc khó chịu; vì vậy, bạn chọn cách kiên nhẫn lắng nghe và đưa ra sự hỗ trợ mà không phàn nàn về vấn đề của chính mình.
- Dịch vụ khách hàng: Nhân viên cửa hàng đối xử với lịch sự và chuyên nghiệp với một khách hàng thô lỗ, ngay cả khi điều đó khiến họ khó chịu.
- Giao thông công cộng: Những người trên một chuyến tàu đông đúc chịu đựng “chen chúc” trong khoảng không gian chật hẹp và sự bất tiện một cách im lặng.
- Khó khăn: Bạn trải qua tổn thất nhưng vẫn giữ được bình tĩnh và tiếp tục cuộc sống hàng ngày.
- Đối mặt với bi kịch: Phản ứng cam chịu và kỷ luật của những người sống sót sau thảm họa thiên nhiên (ví dụ: động đất và sóng thần Tohoku năm 2011), tập trung vào việc tái kiến thiết hơn là chìm đắm trong mất mát cá nhân.
So sánh Gaman với các khái niệm tương tự
Tuy có vẻ độc đáo, khái niệm Gaman chia sẻ khá nhiều điểm chung với các truyền thống triết học và tâm linh trên khắp thế giới.
Tương tự như sự nhấn mạnh của Chủ nghĩa Khắc kỷ đối với lý trí và khả năng tự chủ khi đối mặt với nghịch cảnh, Gaman khuyến khích ta rèn luyện sức mạnh nội tâm và điều tiết cảm xúc. Cả hai triết lý đều thừa nhận sự tồn tại của những điều vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của con người – và do đó khuyến khích ta tập trung vào những gì nằm trong tầm kiểm soát, để có thể duy trì bình an nội tâm trước mọi biến động của thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, khác với Khắc kỷ, Gaman không chỉ dừng lại ở kiểm soát đơn thuần; trọng tâm của khái niệm này là duy trì sự điềm tĩnh bên trong – trong khi vẫn thừa nhận tác động về mặt cảm xúc do thử thách gây ra. Nói cách khác, chúng ta vẫn có thể biểu lộ cảm xúc chân thật, miễn là nó nằm trong khuôn khổ và không đánh mất phẩm giá cá nhân.
- Grit
Gaman có mối quan hệ khá mật thiết với khái niệm tâm lý học Tây phương về “sự bền bỉ” (grit) ở chỗ cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quyết tâm theo đuổi các mục tiêu dài hạn (bất kể thất bại trên đường đi). Cam kết không lay chuyển này là yếu tố giúp các cá nhân có thể vượt qua những hoàn cảnh đầy thử thách bằng nỗ lực không ngừng.
- Triết lý tôn giáo
Một số truyền thống tôn giáo có những lời dạy tương đồng sâu sắc với Gaman. Trong Kitô giáo, khái niệm “chịu đựng trong thinh lặng” (suffering in silence) phản ánh tinh thần bền bỉ thầm lặng và tin tưởng vào quyền lực tối cao đặc trưng của Gaman. Tương tự, các giáo lý trong Hồi giáo như “Taqwa” (sùng đạo) và “Sabr” (kiên nhẫn) cũng khuyến khích tín đồ phát huy sức mạnh nội tâm, chấp nhận ý chí thần thánh và kiên trì vượt qua thử thách cuộc sống. Bên cạnh đó, khái niệm “Tapas” của Ấn Độ giáo – vốn nhấn mạnh kỷ luật tự giác và sự khắc khổ cần thiết để phát triển đời sống tâm linh – cũng giống với Gaman ở tinh thần chịu đựng mọi khó khăn về thể chất và tinh thần, với ý niệm về một mục đích lớn hơn đằng sau đó.
Nguồn gốc & sự phát triển của Gaman
Gaman là một trong những từ đặc biệt trong tiếng Nhật không có từ tương đương trong tiếng Anh. Nó nói về nghệ thuật kiên trì vượt qua những thời điểm khó khăn. Đó là một phần của nghĩa vụ công dân. Là dấu hiệu của sự trưởng thành và chín chắn.
Emiko Jean
Tinh thần Gaman được cho là đã bắt nguồn từ các lời dạy của triết học Phật giáo cổ xưa, bộ quy tắc chiến binh của tầng lớp samurai, cũng như các đặc điểm xã hội độc đáo của Nhật Bản.
- Phật giáo
Thiền tông, với việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chánh niệm và sức mạnh nội tâm, khuyến khích người ta chấp nhận đau khổ và tìm kiếm niềm an ủi trong sự buông bỏ (手放し – Tebanashi). Cụ thể, chúng ta cần phải nhìn xa hơn những khó chịu trước mắt, để có được nhận thức tổng quan về hành trình cuộc sống. Do đó, những hành vi như phàn nàn quá nhiều hoặc thể hiện sự tiêu cực ra bên ngoài không nên được khuyến khích – đặc biệt với những ai mong muốn đạt tới giác ngộ thực sự.
Bằng cách trau dồi nhận thức về thời điểm hiện tại và học cách bình lặng về mặt cảm xúc (emotional detachment), con người sẽ được trang bị tốt hơn để bình tĩnh đương đầu với thử thách. Triết lý này vô cùng “ăn khớp” với quan niệm Wabi-sabi (わび・さび – 侘寂 – Sá Tịch, hướng người ta tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo và vô thường), và Oubaitori (桜梅桃李 – Anh Mai Đào Lý, đề cập đến tầm quan trọng của việc chấp nhận khác biệt cá nhân và từ bỏ thói quen tự ti).
- Tinh thần võ sĩ đạo (Bushido)
Bộ quy tắc Võ Sĩ Đạo (武士道 – Con đường của các chiến binh), vốn được lập ra cho tầng lớp samurai, là một yếu tố khác tác động đáng kể đến tinh thần Gaman. Được tôn kính vì kỷ luật kiên định, samurai là hiện thân của lý tưởng đối diện nghịch cảnh với quyết tâm kiên định, sự điềm tĩnh và danh dự. Đặc tính chiến binh này đã định hình đáng kể nhận thức văn hóa về Gaman và giá trị lâu dài của nó trong bản sắc Nhật Bản.
- Thế chiến thứ hai
Trong tác phẩm “The Art of Gaman“, tác giả Delphine Hirasuna đã thể hiện sự kiên cường của người Mỹ gốc Nhật qua những bức ảnh nghệ thuật được tạo ra trong các trại tập trung Thế chiến thứ hai. Mặc dù phải đối mặt với sự cô lập và điều kiện khắc nghiệt sau khi bị chính phủ Hoa Kỳ cách ly (sau vụ đánh bom Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941), 112.700 người Nhật tại các trại tập trung đã tìm thấy niềm an ủi và gắn kết cộng đồng qua các hoạt động sáng tạo nghệ thuật – điều đã giúp họ luôn kiên vững vượt qua thời điểm khó khăn này.
- Hiroshima và Nagasaki
Sau thảm họa bom nguyên tử, người dân Hiroshima và Nagasaki đã thể hiện tinh thần Gaman phi thường, khi quyết tâm xây dựng lại thành phố từ đống tro tàn.
- Hậu chiến
Tuy ban đầu bắt nguồn từ giáo lý Phật giáo – tập trung vào việc tự hoàn thiện bản thân, Gaman đã dần dần phát triển thành một cơ chế xã hội để điều hướng các mối quan hệ đội nhóm. Sự thay đổi này đặc biệt rõ ràng trong thời kỳ “bùng nổ” kinh tế tại Nhật Bản sau chiến tranh, khi mọi công dân được khuyến khích thể hiện tinh thần cống hiến cho công việc và góp phần tái kiến thiết đất nước. Trong bối cảnh này, Gaman khuyến khích mỗi cá nhân ưu tiên các mục tiêu tập thể và chịu đựng hy sinh cá nhân vì lợi ích lớn lao hơn.
Trải qua thời gian, Gaman đã trở thành một phần nguồn sức mạnh của người dân xứ Mặt Trời, giúp các cá nhân và cộng đồng vượt qua “giông bão” cuộc sống một cách thầm lặng và kiên định. Tác động của triết lý này không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân; trên thực tế, theo nhà tội phạm học Nobuo Komiya, Gaman – vốn khuyến khích con người tự quản lý bản thân và chú ý đến kỳ vọng xã hội – có thể được xem là nguyên nhân đằng sau tỷ lệ tội phạm thấp ở Nhật Bản, cũng như ý thức tập thể, tinh thần trách nhiệm và hòa hợp xã hội của người dân.
Văn hóa Gaman – Ken Mogi
Gaman trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật
Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần. (Nana korobi ya oki – 七転び八起き)
Ngạn ngữ Nhật Bản
Bản chất của Gaman không chỉ dừng lại ở góc độ lý thuyết; nó được thể hiện một cách sống động trong đời sống hằng ngày và phản ứng tập thể của người dân Nhật Bản.
- Đối mặt với thảm họa
Khi các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần và bão ập đến, người ta nhận thấy các cộng đồng thường đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tái thiết – trong khi vẫn giữ được bình tĩnh giữa hỗn loạn. Khả năng phục hồi kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh này cho thấy Gaman không chỉ là một đức tính cá nhân – mà còn là “chất keo” xã hội mạnh mẽ gắn kết mọi người lại với nhau trong thời gian thử thách.
- Thử thách & đau khổ cá nhân
Dù là khi mất người thân yêu, bị bệnh tật hay khó khăn về tài chính, tinh thần Gaman khiến nhiều người Nhật vẫn luôn tiến về phía trước với sức mạnh thầm lặng và duy trì phẩm giá một cách lạc quan – ngay cả khi phải đối mặt với những trở ngại tưởng như không thể vượt qua.
- Sức mạnh thầm lặng giữa không gian đông đúc
Ngay cả trong những khía cạnh đời thường nhất, ảnh hưởng của Gaman vẫn có thể được quan sát rõ ràng. Lấy ví dụ, hệ thống tàu điện ngầm Tokyo nổi tiếng đông đúc, với hàng triệu hành khách di chuyển mỗi ngày. Bất chấp tình trạng khó chịu do chen chúc, sự bình tĩnh và trật tự vẫn luôn ngự trị trong toa tàu. Mọi người kiên nhẫn chờ đợi, xếp hàng và chấp nhận sự khó chịu một cách im lặng, không một tiếng phàn nàn.
- Từ ngắn hạn đến dài hạn
Gaman được biểu hiện trong đời sống người Nhật từ những tình huống ngắn hạn (ví dụ: phớt lờ một hành khách ồn ào hoặc một người già chen hàng) cho đến tinh thần cam kết lâu dài (ví dụ: chịu đựng một công việc khó chịu/ một đồng nghiệp khó tính để duy trì cuộc sống hiện tại).
Gaman (我慢) mang đến sức mạnh nội tâm và khả năng phục hồi cần thiết để thúc đẩy mọi người tích cực theo đuổi, vượt qua nghịch cảnh bằng nỗ lực tận tâm (thường được gọi trong tiếng Nhật là “Ganbaru” – 頑張る).
Lợi ích của việc áp dụng triết lý Gaman
Điều quan trọng cần nhớ là Gaman mang lại lợi ích cho chính cá nhân. Nó có nghĩa là bạn sẽ không bị sa thải, hoặc có thể thu được lợi ích từ việc tiếp tục quan hệ với những người xung quanh.
Nobuo Komiya
- Rèn luyện nội lực
Về cốt lõi, Gaman nhấn mạnh tính tất yếu của thử thách trong cuộc sống. Bằng cách chấp nhận những gì không thể thay đổi và tập trung vào việc phát huy sức mạnh nội tại, mỗi cá nhân sẽ có thể nuôi dưỡng nghị lực mạnh mẽ, cùng cái nhìn tích cực hơn về khó khăn – qua đó góp phần giảm bớt tác động của căng thẳng và lo lắng, sống một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
- Trưởng thành qua nghịch cảnh
Gaman không chỉ dừng lại ở chịu đựng đơn thuần. Nó khuyến khích ta tìm ra ý nghĩa và mục đích trong thử thách, biến chúng thành chất xúc tác cho quá trình biến đổi cá nhân. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể hình thành nhận thức sâu sắc (cũng như học cách chấp nhận) về sự phức tạp của cuộc sống, góp phần vào sự trưởng thành về mặt cảm xúc, đặt nền tảng cho hành trình khám phá bản thân và hoàn thiện chính mình.
- Gắn kết cộng đồng
Ngoài phương diện cá nhân, Gaman cũng góp phần xây dựng cộng đồng, qua việc thúc đẩy mỗi người hành động không chỉ vì lợi ích cá nhân – mà còn vì lợi ích chung. Việc sẵn sàng chịu đựng nghịch cảnh mà không đánh mất phẩm giá là cơ sở quan trọng để nuôi dưỡng ý thức đoàn kết và lòng trắc ẩn – cũng như hình thành một tập thể gắn kết, nơi mọi thành viên luôn giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết.
Quan điểm chung của xã hội Nhật Bản là thừa nhận tính tất yếu của những thảm họa và thăng trầm trong cuộc sống – cũng như việc mỗi cá nhân là một phần của một cơ cấu xã hội lớn hơn. Tôi cho rằng đây là lối tư duy đặc biệt phù hợp và hữu ích trong bối cảnh xã hội hiện đại.
TS. Joshua W. Walker
Đọc thêm: Memento Mori – Lời nhắc nhở về sự vô thường của cuộc sống & vì sao cần sống cho đúng đắn
Tầm quan trọng của Gaman trên hành trình hiện thực hóa ước mơ
Gaman sẽ giúp bạn vượt qua những thời kỳ đen tối nhất.
Gary Mukai
Trong quá trình theo đuổi ước mơ, Gaman đóng vai trò như nguồn động lực mạnh mẽ, tiếp sức cho cuộc hành trình của từng cá nhân. Nó cho phép ta vượt qua thất bại, trở ngại và luôn giữ vững cam kết với mục tiêu dài hạn.
- Chấp nhận khó khăn: Con đường tới thành công hiếm khi bằng phẳng. Gaman khuyến khích ta thừa nhận thực tế này, coi thử thách là cơ hội để phát triển và học hỏi, cũng như không bao giờ đánh mất tầm nhìn của mình.
- Sức mạnh nội tại: Tinh thần Gaman giúp trau dồi sức mạnh bên trong và khả năng phục hồi về phương diện tinh thần – nó thúc giục ta khai thác các nguồn lực và quyết tâm bên trong để vượt qua những thời điểm khó khăn.
- Khả năng thích ứng: Gaman góp phần phát huy năng lực thích ứng, điều chỉnh cách tiếp cận khi cần thiết, học hỏi từ sai lầm và áp dụng các chiến lược mới mỗi khi đối mặt với tình huống bất ngờ.
- Tập trung và kỷ luật: Qua việc giữ vững sự tập trung và nỗ lực kỷ luật vốn, mỗi người sẽ được trang bị tốt hơn để luôn đi đúng hướng, duy trì động lực và “kháng” lại những phiền nhiễu có thể làm chệch hướng tiến bộ.
- Tầm nhìn dài hạn: Gaman nhắc nhở chúng ta rằng, thành công là một cuộc đua đường dài – và do đó đòi hỏi nỗ lực bền bỉ theo thời gian. Khó khăn ngắn hạn không nên làm mất động lực hoặc làm bạn mất tập trung vào việc để mắt đến bức tranh toàn cảnh hơn.
Cốt lõi của Gaman không phải là bướng bỉnh cách mù quáng – mà là kiên trì trong tỉnh thức. Đó là khi bạn biết lựa chọn “trận chiến” cách khôn ngoan và tập trung năng lượng vào những gì thực sự quan trọng để đạt được ước mơ của mình.
Nguyên tắc khi thực hành Gaman
- Tự chủ & kiềm chế
Gaman nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cảm xúc cá nhân (đặc biệt là những trạng thái tiêu cực như tức giận hoặc thất vọng) khi đối mặt với nghịch cảnh. Nó không có nghĩa là kìm nén hoàn toàn cảm xúc – mà là điều hướng chúng trên tinh thần xây dựng, thay vì để những yếu tố nhất thời đó cản trở sự tiến bộ. Mặt khác, chúng ta được khuyến khích ưu tiên các mục tiêu dài hạn hơn mong muốn trước mắt – qua việc bỏ qua sự thỏa mãn tức thời, thực hiện những hy sinh cần thiết để đạt được tầm nhìn lớn hơn.
Ví dụ: Một vận động viên trẻ tập luyện chạy marathon có thể bị đau và mệt mỏi trong quá trình luyện tập. Gaman sẽ nhắc nhở anh ta không từ bỏ và vượt qua cảm giác khó chịu, với ý thức về phần thưởng lâu dài khi đạt được mục tiêu của mình.
- Chấp nhận & tập trung
Thách thức và thất bại là điều không thể tránh khỏi; do đó, chúng ta cần phải đối đầu trực diện với chúng mà không để bản thân rơi vào tuyệt vọng. Ngoài ra, chúng ta cũng được mời gọi luôn kiên nhẫn và duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ trước mắt – thay vì chìm đắm trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai.
Ví dụ: Một doanh nhân đang gặp khó khăn về tài chính trong hoạt động kinh doanh có thể thực hành Gaman bằng cách chấp nhận tình hình hiện tại và tập trung nỗ lực phát triển các chiến lược mới – cũng như điều chỉnh cách tiếp cận, thay vì “sa lầy” vào cạm bẫy của cảm xúc tiêu cực.
- Sức mạnh nội tâm & tinh thần kỷ luật
Gaman khuyến khích ta trau dồi khả năng phục hồi (resilience) bên trong, khai thác nguồn sức mạnh và sự quyết tâm nội tại. Nói cách khác, chúng ta cần tin tưởng vào khả năng vượt qua trở ngại, không dễ dàng bỏ cuộc, giữ vững kỷ luật và tuân thủ theo kế hoạch đã vạch ra.
Ví dụ: Một nghệ sĩ làm việc trong một dự án phức tạp có thể gặp phải những trở ngại về mặt sáng tạo hoặc khó khăn về kỹ thuật. Gaman sẽ thúc đẩy anh ta tiếp tục luyện tập, thử nghiệm các cách tiếp cận mới, kiên trì vượt qua thử thách cho đến khi đạt được mục tiêu của mình.
Nguyên tắc Gaman của người Nhật
Lưu ý khi thực hành Gaman
Gaman là nét đặc trưng của người Nhật, nhưng bản thân nó cũng có những điểm tốt và chưa tốt.
Nobuo Komiya
Mặc dù Gaman thường được ca ngợi là nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản, chúng ta cũng đồng thời cần nhận ra bản chất đa diện của nó. Giống như bất kỳ công cụ nào, triết lý này đòi hỏi một phương pháp tiếp cận cân bằng – để có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực.
- Rủi ro “con dao hai lưỡi”
Không thể phủ nhận tác động về phương diện nuôi dưỡng năng lực bền bỉ (resilience) và gắn kết xã hội của Gaman. Tuy nhiên, việc hiểu sai hoặc quá đề cao nó có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Ví dụ, việc kìm nén cảm xúc đến mức cực đoan, hoặc tuân thủ người cầm quyền/ lãnh đạo một cách mù quáng sẽ ảnh hưởng xấu hạnh phúc cá nhân, “bóp nghẹt” những mối quan hệ kết nối chân thành.
- Đảm bảo sự cân bằng
Chìa khóa nằm ở việc đảm bảo cân bằng giữa điểm mạnh và hạn chế của Gaman. Cốt lõi của Gaman không phải là cam chịu trong im lặng vô thời hạn, mà là chấp nhận khó khăn tạm thời với một mục tiêu rõ ràng trong đầu – dù đó là vượt qua thử thách cá nhân hoặc để thể hiện sự tôn trọng với người khác. Đừng bỏ quên nhu cầu chăm sóc bản thân, cũng như biết được khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc bày tỏ nhu cầu của mình – đó là yêu cầu thiết yếu để thực hành triết lý này cách bền vững.
- Không chỉ là âm thầm chịu đựng
Văn hóa Nhật Bản nhìn chung khuyến khích người ta phải tinh tế và tránh biểu lộ cảm xúc cá nhân cách trực tiếp; tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng cách, điều này sẽ có thể gây ra những áp lực không cần thiết. Theo như các chuyên gia đã phân tích, việc kìm nén cảm xúc tiêu cực quá lâu có thể dẫn tới những hậu quả khó lường, như bệnh tâm lý hoặc phản ứng “bùng nổ”, bạo lực tại gia đình/ công sở.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết
Thực hành Gaman không nên đi kèm với cái giá là đánh đổi sức khỏe/ hạnh phúc của bản thân. Chúng ta cần nhớ rằng, tìm kiếm sự giúp đỡ và bày tỏ nhu cầu cá nhân không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối – mà là yêu cầu cần thiết để duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Một mặt, mỗi cá nhân cần học cách kiềm chế cảm xúc; mặt khác, hãy luôn cố gắng giao tiếp cởi mở và tìm kiếm sự hỗ trợ (dù là với một người bạn/ người thân yêu/ coach/ mentor/ cố vấn, v.v…) khi cần thiết.
Đọc thêm: Shikata ga nai (仕方がない) – Nghệ thuật buông bỏ & tìm kiếm bình an nội tâm của người Nhật
Bí quyết thực hành Gaman trong cuộc sống thường nhật
Phương diện cá nhân
- Thay đổi tư duy
Bước đầu tiên để thực hành triết lý Gaman là thay đổi suy nghĩ của bạn. Thất bại nên được xem là những rào cản tạm thời trên con đường của bạn. Thất vọng là điều tất yếu và có thể hiểu được, song đừng để mình quá chìm đắm trong đó.
Lấy ví dụ, giả sử bạn vừa bị “trượt” phỏng vấn/ mất việc. Dù bạn cảm thấy tồi tệ đến mức nào về thất bại này, sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu bạn rút kinh nghiệm và cố gắng tìm kiếm cơ hội mới. Thay vì nói với bản thân “Việc này quá khó, tôi không thể làm được”, hãy tự nhủ “Đây là một thử thách, nhưng tôi có thể vượt qua nó bằng nỗ lực và sự kiên trì”.
- Kiểm soát cảm xúc
Khi những cảm xúc tiêu cực như thất vọng hoặc tức giận xuất hiện, hãy hít một hơi thật sâu và cho phép bản thân có thời gian đón nhận chúng, trước khi phản ứng ra bên ngoài. Các kỹ thuật chánh niệm như thở sâu hoặc nghe nhạc êm dịu có thể rất hữu ích cho mục đích này. Chẳng hạn, nếu bị kẹt xe, đừng tỏ ra khó chịu – nhưng hãy dành thời gian này để tự suy ngẫm hoặc làm việc gì đó giúp thư giãn.
Đọc thêm: Thấu hiểu cảm xúc – Chìa khóa cân bằng & thành công trong cuộc sống
- Kỷ luật & tập trung
Kỷ luật và sự tập trung là điều cần thiết để đảm bảo thành công lâu dài. Hãy đặt mục tiêu rõ ràng và chia chúng thành các bước nhỏ hơn, phù hợp để tạo lộ trình tiến bộ và tránh cảm giác choáng ngợp. Ví dụ, nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới, hãy dành thời gian thực hành hàng ngày, dù chỉ là 30 phút. Sự nhất quán là chìa khóa để đạt tới mục đích đã đề ra; vì vậy hãy học cách chống lại sự trì hoãn và tập trung vào kế hoạch.
- Đi tìm ý nghĩa
Bạn đang phải trải qua quá trình vật lý trị liệu đầy đau đớn? Hãy nhắc nhở bản thân rằng sự khó chịu chỉ là tạm thời – và rằng nó là điều cần thiết để có được sức khỏe và tinh thần lâu dài. Ý thức về mục đích đằng sau khó khăn sẽ giúp bạn kiên trì và quyết tâm cao hơn.
Đọc thêm: Mục đích sống – 7 câu hỏi giúp bạn tìm kiếm mục tiêu cuộc đời
Phương diện xã hội
- Tích cực tham gia vào các vấn đề chung
Gaman khuyến khích mỗi cá nhân tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến tập thể/ cộng đồng. Chứng kiến những bất công xã hội sẽ cho ta lý do để biến sự bình tĩnh thành hành động cụ thể – ví dụ: tình nguyện vì những mục đích liên quan, thể hiện ý kiến cách ôn hòa, sử dụng tiếng nói cá nhân để ủng hộ sự thay đổi và một tương lai tốt đẹp hơn.
- Đóng góp theo hướng xây dựng
Thay vì lớn tiếng phàn nàn hoặc bị “choáng ngợp” bởi những vấn đề quy mô lớn, tốt hơn hết bạn nên xác định những lĩnh vực mà mình có thể tạo ra tác động tích cực, dù là nhỏ bé đến đâu. Hãy tình nguyện dành thời gian cho các mục đích liên quan và ủng hộ sự thay đổi thông qua các biện pháp hòa bình và hiệu quả.
- Tầm nhìn dài hạn
Trong khi nỗ lực cải thiện cộng đồng, chúng ta cũng đồng thời phải nhắc nhở bản thân rằng, tầm nhìn dài hạn là điều cần thiết khi giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp – và sự thay đổi thường đòi hỏi thời gian và nỗ lực bền bỉ. Ví dụ, khi vận động cho các hoạt động bảo vệ môi trường, điều quan trọng là phải duy trì cam kết và hỗ trợ, ngay cả khi tiến độ dường như rất chậm. Mọi đóng góp – dù nhỏ bé – cũng sẽ tạo nên tác động đáng kể khi được tích lũy trong thời gian dài.
- Xây dựng cộng đồng
Đối mặt với thách thức xã hội hiếm khi là câu chuyện của cá nhân – nói cách khác, chúng ta cần thể hiện tinh thần trách nhiệm tập thể và gắn kết với những ai có chung mối quan tâm với mình. Chẳng hạn, bạn đang tìm cách hỗ trợ cho các cộng đồng bị loại trừ khỏi xã hội? Hãy luyện tập Gaman cùng họ, hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau. Tinh thần chia sẻ này sẽ củng cố quyết tâm và khuếch đại tiếng nói tập thể cần thiết để dẫn tới thay đổi tích cực.
Lời kết
Khi suy ngẫm về hành trình khám phá Gaman của mình, tôi nhận ra đó không chỉ là một khái niệm văn hóa – nhưng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sức mạnh tinh thần của con người. Gaman không phải là chấp nhận mù quáng, mà là phát huy sức mạnh thầm lặng từ bên trong – để có thể vượt qua “giông bão” cuộc đời mà không đánh mất phẩm giá. Bằng cách trân trọng và tìm hiểu nguồn sức mạnh này, chúng ta không chỉ tìm thấy niềm an ủi khi đối mặt với nghịch cảnh – mà còn có thể trau dồi khả năng phục hồi sâu sắc, làm nền cho hành trình phát triển giữa những thử thách không thể tránh khỏi của cuộc sống.
Bạn cũng nghĩ như vậy giống tôi chứ?
Đọc thêm
Mindfulness: Why Japan Is So Orderly and Its Valuable Lesson for You. https://steemit.com/life/@noelletwine/mindfulness-why-japan-is-so-orderly-and-its-valuable-lesson-for-you.
Có thể bạn quan tâm:
- Câu nói hay về ý chí nghị lực
- Ikigai (生き甲斐): Triết lý cho cuộc sống xứng đáng & viên mãn
- 22 câu chuyện thành công: Bài học về sự nỗ lực
- Review sách Bí mật của nước (Masaru Emoto): Thông điệp sự sống giữa thế giới hiện đại
- Review phim Silence (2016): Suy ngẫm về đau khổ, nghi ngờ & cái giá của niềm tin
Hãy cùng đồng hành
với tôi bạn nhé!